Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Khi tự tin vào chính mình, chúng ta có được bí quyết đầu tiên của sự thành công. (When we believe in ourselves we have the first secret of success. )Norman Vincent Peale
Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ »» Những nghi vấn về pháp tu Tịnh độ »»

An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ
»» Những nghi vấn về pháp tu Tịnh độ

Donate

(Lượt xem: 6.730)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ - Những nghi vấn về pháp tu Tịnh độ

Font chữ:


Hỏi: Có người khách đến hỏi Thiên Như Lão nhân rằng: “Thiền sư Vĩnh Minh Thọ, người khắp nước đều tôn xưng là bậc kiệt xuất trong tông môn, nhưng tự mình lại tu theo Tịnh độ, còn dạy người khác rằng: ‘Có tu thiền không tu Tịnh độ, mười người đến chín người phải rơi rụng. Không tu thiền chỉ tu Tịnh độ, vạn người tu thì vạn người đạt kết quả.’ Nói như thế chẳng phải là dìm khuất lẽ thiền mà xưng tán pháp môn Tịnh độ quá lời rồi chăng?

Đáp: Đại sư Vĩnh Minh không hề quá lời xưng tán. Pháp môn Tịnh độ là cực kỳ sâu rộng, pháp tu theo Tịnh độ là cực kỳ đơn giản, dễ dàng.

Nói sâu rộng, là vì hết thảy căn cơ, nhân duyên khác nhau của chúng sinh đều được thâu nhiếp vào pháp môn Tịnh độ. Trên từ các vị Bồ Tát ở địa vị Đẳng giác, dưới cho đến kẻ nam người nữ phàm ngu si độn, những kẻ đã phạm vào năm tội nghịch, tạo mười nghiệp xấu ác, nếu khi lâm chung biết sám hối niệm Phật, cũng đều được vãng sinh.

Nói đơn giản, dễ dàng, là vì hoàn toàn không có những việc phải gian nan lao khổ, chỉ cần nhất tâm trì niệm hồng danh sáu chữ liền có thể được vãng sinh, đạt địa vị không còn thối chuyển, thẳng một đường tiến lên quả Phật, trọn vẹn viên mãn.

Thử hỏi trong việc tu hành xuất thế, còn có phương cách nào nhanh chóng hơn thế chăng? Nếu không phải là bậc kiệt xuất như thiền sư Vĩnh Minh Thọ, ắt không thể quyết định tự mình tu theo Tịnh độ; nếu không phải là ngài, ắt cũng không thể đem pháp môn này dạy cho người khác như thế.

Hỏi: Về sự sâu rộng và giản dị của pháp môn Tịnh độ, nay đã được nghe giải thích. Nhưng các vị đạt ngộ trong Thiền tông có nói rằng “thấy tánh thành Phật”, vậy cần chi phải quay lại cầu vãng sinh làm gì?

Đáp: Đó là chỉ nói những người đạt ngộ, cho nên kẻ phát nguyện vãng sinh đều vì chưa đạt ngộ. Nhưng ví như ông đã ngộ, ắt còn có thể nhanh chóng hướng ngay về Tịnh độ, dù một vạn con trâu cũng không đủ sức trì kéo lại.

Hơn nữa, có phải ông cho rằng một khi đã đạt ngộ thì tập khí nhiều đời đều trừ sạch, lậu hoặc đều dứt hết, những oán thù đối nghịch từ vô số kiếp đến nay đều được hóa giải không còn gì, cho đến rốt cùng không còn phải thọ thân trong ba cõi nữa chăng? Hay thực tế là do bao nhiêu nghiệp cũ vẫn chưa trả hết, cho nên không thể tránh khỏi việc đối với những quả báo nặng nề thì dù đạt ngộ rồi vẫn phải gánh chịu, chỉ là được nhẹ nhàng hơn thôi?

Hoặc có phải ông cho rằng một khi đã đạt ngộ liền có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, có thể hàng phục thiên ma, cứu độ khắp mười phương thế giới? Hay thực tế là nhất thời vẫn chưa có đủ thần thông uy lực, vẫn còn phải đợi khi sinh ra ở đời sau nữa mới có thể viên mãn cụ túc?

Bằng như ông lại cho rằng chỉ cần nhất thời đạt ngộ thì đại sự sinh tử xem như hoàn tất, chấm dứt, như vậy thì các vị đại Bồ Tát nhiều đời rộng tu sáu ba-la-mật, trải vô số kiếp, hẳn khi nhìn thấy vậy phải sinh lòng xấu hổ vì thua kém ông?

Kinh Quán Phật Tam-muội chép việc Bồ Tát Văn Thù tự kể lại những công hạnh nhiều đời trước của mình, nói rằng đã chứng đắc Tam-muội Niệm Phật, đức Thế Tôn nhân đó liền thọ ký rằng: “Ông sẽ được vãng sinh về thế giới Cực Lạc.”

Kinh Hoa Nghiêm chép việc Bồ Tát Phổ Hiền đem mười đại nguyện cao quý nhất dạy cho Đồng tử Thiện Tài, trong đó rốt cùng cũng là chỉ đường về Cực Lạc.

Trong kinh Lăng-già, đức Thế Tôn thọ ký cho Bồ Tát Long Thụ, cũng nói đến việc vãng sinh Cực Lạc.

Đến như trong kinh Đại Bảo Tích, đức Thế Tôn cũng có lời báo trước rằng vua Tịnh Phạn cùng với bảy vạn người trong dòng họ Thích-ca đều sẽ sinh về thế giới Cực Lạc.

Trong kinh Thập lục quán, đức Phật chỉ dạy cho bà Vi-đề-hy và năm trăm thị nữ phương pháp để được diện kiến Phật A-di-đà.

Còn như ở Trung Hoa thì có Viễn Công ở Lô sơn, các bậc tôn trưởng trong tông Thiên Thai, Hiền Thủ, ai ai cũng đều tán dương và khuyến khích việc tu Tịnh độ, cầu vãng sinh Cực Lạc. Lẽ nào những chỗ thật chứng thật ngộ của các vị ấy lại có thể thấp kém hơn người đời nay hay sao?

Hỏi: Pháp môn Tịnh độ thâu nhiếp mọi căn cơ, quả thật là sâu rộng. Tuy nhiên, cõi thế giới được gọi là Tịnh độ đó ở cách đây đến mười vạn ức cõi Phật, đem so với thuyết “ngay nơi tâm này là Tịnh độ, bản tánh chân thật ấy Di-đà” thì có vẻ như chống trái nhau chăng?

Đáp: Kinh Lăng Nghiêm dạy rằng: “Từ bên ngoài sắc thân này cho đến hết thảy núi sông, hư không, cõi đất... đều là những vật thể nằm trong chân tâm nhiệm mầu sáng tỏ.” Lại dạy rằng: “Hết thảy các pháp được sinh khởi đều là do nơi tâm hiển hiện.”

Như vậy, lẽ nào lại có cõi Phật ở ngoài tâm hay sao? Nên biết rằng, ngoài tâm không có cõi nước, ngoài cõi nước thì chẳng có tâm. Cho nên nói rằng, vô số cõi nước trong mười phương nhiều như số hạt bụi nhỏ, đều chỉ là những cõi nước trong tâm ta; chư Phật ba đời nhiều như số cát sông Hằng, đều chỉ là Phật trong tâm ta.

Nếu hiểu được điều này thì không có bất kỳ một cõi thế giới nào lại không y nơi tâm ta mà dựng lập, không có bất kỳ một vị Phật nào lại không nhân nơi chân tánh của ta mà hiển hiện.

Như thế thì, thế giới Cực Lạc ở cách đây mười vạn ức cõi Phật, lẽ nào lại riêng là một cõi không do tâm dựng lập? Đức Phật A-di-đà ở cõi Cực Lạc ấy, lẽ nào lại riêng là một vị Phật không do chân tâm bản tánh ta hiển hiện?

Hỏi: Thuyết Tịnh độ đều là hình tướng bên ngoài. Bậc có trí nên thẳng đường bước vào Thiền tông để đạt ngộ, đó mới là sáng suốt hơn. Nếu chỉ biết tán dương pháp tu Tịnh độ, chẳng phải là chấp trước nơi sự tướng mà không rõ biết lý tánh đó sao?

Đáp: Theo về nguồn cội thì tánh thể không hai, nhưng phương tiện đi về ắt phân chia nhiều đường lối. Hiểu được ý nghĩa này thì sẽ thấy giữa Thiền tông và Tịnh độ, tuy đường lối khác nhau nhưng vẫn cùng quay về một nguồn cội.

Đại sư Trung Phong dạy rằng: “Người tu thiền, chính là pháp thiền của Tịnh độ; người tu Tịnh độ, chính là pháp Tịnh độ của thiền.”

Tuy là cùng hỗ trợ xiển dương cho nhau như thế, nhưng người tu hành ắt phải chọn lấy một môn để thâm nhập. Vì thế nên Bồ Tát Đại Thế Chí chứng đắc Tam-muội Niệm Phật mới nói rằng dùng tâm niệm Phật thể nhập vào Vô sinh nhẫn. Bồ Tát Phổ Hiền thể nhập vào cảnh giới giải thoát không thể nghĩ bàn trong kinh Hoa Nghiêm rồi nói rằng: “Nguyện khi tôi lâm chung vãng sinh về thế giới Cực Lạc.” Hai bậc đại sĩ Bồ Tát ấy, một vị kề cận bên Phật Thích-ca, một vị kề cận bên Phật A-di-đà, lẽ ra mỗi vị đều truyền dạy pháp môn riêng, nhưng các vị đều hòa hợp viên dung, không hề ngăn ngại lẫn nhau, sao có thể nói các vị còn vướng chấp thiên kiến?

Lại như ông nói rằng Tịnh độ là pháp môn hình tướng bên ngoài, chẳng phải là cho rằng tâm thanh tịnh tức Tịnh độ, ắt không hề có cõi Tịnh độ trang nghiêm bằng bảy báu đó sao? Nếu quả là như vậy, thì ông cũng có thể nói rằng tâm hiền thiện tức cõi trời, rốt lại không hề có các cõi trời Dạ-ma, Đao-lợi...; rằng tâm xấu ác tức địa ngục, rốt lại không hề có những địa ngục núi đao, rừng kiếm, chảo nước sôi...; rằng tâm ngu si tức súc sinh, rốt lại không hề có những loài súc sinh mang lông đội sừng?

Thế nhưng, đã có cõi tịnh độ trong sự soi chiếu tĩnh lặng [của chân tâm], ắt cũng có những cảnh giới thật báo trang nghiêm [tương ứng] có thể biết được. Huống chi, ngoài sự ra vốn không có lý, ngoài tướng ra vốn không có tánh. Nếu cứ nhất định phải bỏ sự để cầu lý, lìa tướng để tìm tánh, ắt là lý với sự đã không thể vô ngại, mong gì đạt đến cảnh giới “sự sự vô ngại” [như trong kinh Hoa Nghiêm]?

Lại nữa, ông tuy sẵn đủ tánh Như Lai nhưng hiện tại vẫn mang thân phàm phu. Nếu ông quả thật nơi nơi chốn chốn đều có thể đạt được Tịnh độ, thử hỏi có thể rơi vào hố xí vẫn xem như nằm trên giường chiếu được chăng? Có thể cùng với chó, lợn, trâu, ngựa cùng ăn chung một máng được chăng? Có thể cùng với xác chết thối rữa, giòi bọ đang rúc rỉa, nằm chung trên một giường mà ngủ được chăng? Nếu làm được như vậy, mới có thể chấp nhận lời ông nói, rằng “núi cao đất bằng, chốn chốn đều là Tây phương Cực Lạc”, rằng “dù ở giữa núi đao rừng kiếm vẫn thường an nhiên tự tại”. Còn như không được vậy, thì trong chỗ thấy uế tịnh chưa phải là không, tình cảm ưa ghét vẫn còn, lại đánh giá quá cao chỗ thấy của mình, huyênh hoang khoác lác, dễ khiến cho những kẻ kiến giải nông cạn, chỉ đọc qua loa mấy bản kinh thư, học võ vẽ vài ba công án thiền, [nghe qua rồi liền] muốn phỉ báng Chánh pháp, tạo thành tội nghiệt, như thế là lỗi của ai?

Hỏi: Người tu hành cầu thoát khỏi sinh tử, do đó xem trọng lý vô sinh. Hâm mộ Tây phương Cực Lạc mà phát nguyện được vãng sinh về, như thế có thể nào xem là nương theo ý nghĩa vô sinh được chăng?

Đáp: Thấy sinh ra cho là sinh, đó là chỗ sai lầm của quan điểm thường kiến, cho rằng tất cả thường còn. Thấy không sinh ra cho là vô sinh, đó là chỗ nhầm lẫn của quan điểm đoạn kiến, cho rằng tất cả đều dứt mất. Sinh mà không sinh, không sinh mà sinh, đó mới là ý nghĩa đúng thật rốt ráo nhất. Chân như bản tánh nhiệm mầu vốn tự không sinh, do nhân duyên hòa hợp mới khởi sinh hình tướng. Vì thể tánh có khả năng hiện thành hình tướng, nên nói vô sinh tức là sinh; vì hình tướng do thể tánh hiển hiện, nên nói sinh tức vô sinh. Hiểu được điều này thì biết rằng, sinh ra nơi Tịnh độ, ấy chỉ là chỗ khởi sinh của tâm. Nếu lại ngờ rằng do xa xôi mà khó đến, thì [nên biết] tâm bao trùm cả hư không, ôm trọn cả pháp giới, làm sao còn có chuyện xa gần?

Hỏi: Cõi Phật trong mười phương thanh tịnh, nhiệm mầu không ít, nay vì sao lại riêng chỉ về thế giới Cực Lạc, riêng xưng tán cõi ấy cảnh thù thắng, duyên thù thắng?

Đáp: Cõi thế gian này là nơi hội tụ của muôn điều khổ. Ví như có chút nhân duyên vui thú, ắt đều dẫn đến quả khổ đau. Cõi Cực Lạc không phải như thế, cho nên trong Kinh mới dạy rằng: “Chúng sinh nơi Cực Lạc không có các nỗi khổ, chỉ thuần hưởng sự vui thú, nên gọi là Cực Lạc.”

Nay thử so sánh sơ lược đôi điều giữa hai cảnh giới, để thấy được sự khác biệt một trời một vực.

Ở thế gian này, chúng sinh nhập thai liền phải ở mười tháng trong thai mẹ, vào lúc sinh ra thì cận kề sống chết trong gang tấc. Nơi cõi Cực Lạc, người vãng sinh tư chất gửi vào hoa sen, an ổn ngồi giữa cung điện thơm tho mầu nhiệm, đã không phải chịu cảnh vào thai ô uế, cũng không gây khổ lụy, khó nhọc đến mẹ hiền. Như thế là nỗi khổ sinh ra của kiếp người không còn nữa.

Ở thế gian này, người ta đến tuổi già thì da nhăn tóc bạc, gối mỏi lưng còng, đứng ngồi đều phải nhờ người nâng dắt, hơi thở thoi thóp yếu ớt. Nơi cõi Cực Lạc thì nhờ pháp vị nuôi dưỡng tinh thần, vĩnh viễn không suy yếu già nua, hết thảy cõi nước trong mười phương chỉ chớp mắt có thể đến đi tùy ý. Như thế là nỗi khổ già yếu của kiếp người không còn nữa.

Ở thế gian này, một khi bệnh tật thì rên siết trên giường bệnh, lăn lộn than khóc. Nơi cõi Cực Lạc thì có thần thông lớn, có uy lực lớn, khắp cõi nước không bao giờ nghe nói đến những tiếng ốm đau, khó chịu. Như thế là nỗi khổ bệnh tật của kiếp người không còn nữa.

Ở thế gian này, ai ai rồi cũng nhất định phải chết, sau khi chết nhất định phải thọ nghiệp, chỉ có một đường duy nhất là cúi đầu chịu sự dắt dẫn của nghiệp lực. Nơi cõi Cực Lạc thì một khi thác sinh vào hoa sen liền được thân kim cang bất hoại, được tướng hảo quang minh, tuổi thọ vô cùng. Như thế là nỗi khổ chết đi của kiếp người không còn nữa.

Ở thế gian này, có hợp có tan, có gặp nhau ắt có chia lìa. Cha mẹ ơn sâu cũng khó giữ được lâu dài, vợ chồng thương yêu gắn bó rồi phần lớn cũng phải chịu phân ly. Nơi cõi Cực Lạc thì quyến thuộc là người cùng chung trong pháp hội, vĩnh viễn cùng nhau thân cận, làm sao còn có nỗi khổ phân ly?

Ở thế gian này, kẻ thù địch tìm kiếm lẫn nhau, có oán thù ắt phải chịu báo oán, dù kinh hãi khiếp sợ cũng không trốn tránh vào đâu được. Nơi cõi Cực Lạc thì người người đều thân thiết, kính trọng lẫn nhau, ai cũng là Bồ Tát bạn lành, cùng quan tâm chu toàn cho nhau, làm sao còn có nỗi khổ oán ghét phải gặp nhau?

Ở thế gian này, người người đều vất vả bôn ba vì cơm áo, vợ con sai khiến, khốn khổ đủ cách. Nơi cõi Cực Lạc thì y phục, thức ăn uống đều tùy ý nghĩ mà hóa hiện ra, cung điện vườn rừng, hết thảy đều bằng bảy báu, mỗi thứ đều được tùy ý thọ dụng, làm sao còn có nỗi khổ mong cầu không đạt được?

Không chỉ riêng những điều nêu trên, mà nơi thế gian này chúng sinh đều mang hình thể xấu xí hôi hám, so với cõi Cực Lạc thì hào quang chói sáng, tướng hảo quang minh; nơi thế gian này thì sống chết chìm nổi, lưu chuyển mãi mãi trong sinh tử, so với cõi Cực Lạc thì một lần chứng đắc vô sinh, vĩnh viễn không còn thối chuyển; nơi thế gian này thì gò nổng hố hầm, gai góc ngăn trở, so với cõi Cực Lạc thì cây báu rợp trời, vàng ròng làm đất.

Lại nữa, ở thế gian này thì đối với các vị Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí chỉ có thể đơn thuần ngưỡng mộ danh thơm, nơi cõi Cực Lạc thì có thể tự thân cùng các ngài kết làm bạn tốt.

Đem so sánh giữa hai cảnh giới như thế, quả là ngoại cảnh nhân duyên đều thù thắng khác biệt vô cùng. Cảnh thù thắng ấy có thể giúp nhiếp tâm thanh tịnh, duyên thù thắng ấy có thể giúp thêm động lực tu hành.

Hỏi: Tâm chán lìa [Ta-bà] và mến mộ [Tịnh-độ] cũng chính là tâm yêu thích, ghét bỏ. Tâm niệm yêu ghét cũng là đầu mối của sinh tử, người tu hành thật không nên có, vậy phải làm sao?

Đáp: Chán lìa Ta-bà, mến mộ Tịnh-độ, tuy cũng đủ gọi là tâm yêu ghét, nhưng không phải là sự yêu ghét của thế gian, mà chính là sự yêu ghét giúp chuyển phàm thành thánh của mười phương Như Lai.

Nếu không sinh tâm chán lìa, làm sao có thể thoát khỏi thế giới Ta-bà uế trược? Nếu không hâm mộ, làm sao có thể vãng sinh về thế giới Cực Lạc?

Cho nên, trước phải sinh tâm chán lìa, sau mới có thể nhân đó chuyển phàm; trước phải sinh tâm mến mộ, sau mới có thể nhân đó thành thánh.

Hỏi: Ở thế gian này, mọi thứ y phục, thức ăn uống, nhà cửa, vật dụng... đều phải vất vả tạo dựng rồi mới được thọ hưởng, vì sao ở thế giới Cực Lạc một khi muốn thọ hưởng các việc phước đức thì hết thảy đều tự nhiên hóa hiện?

Đáp: Hết thảy những sự thọ hưởng phước đức đều do nơi việc tu tích phước đức mà có. Người ở châu Bắc Câu-lô, hết thảy y phục, thức ăn uống khi muốn dùng đến đều tự nhiên hiện ra, huống chi là cõi báu vạn phước trang nghiêm của đức Phật A-di-đà?

Kinh Đại A-di-đà dạy rằng: “Những giảng đường, cung điện ở thế giới Cực Lạc, hoàn toàn không có người tạo tác, cũng không từ đâu mà đến, chỉ do nơi đức sâu dày, nguyện lớn rộng của đức Phật A-di-đà mà tự nhiên hóa sinh.”

Lại cũng dạy rằng: “Trong các cõi Phật ở phương khác, có những nơi chỉ toàn làm việc thiện, không một chỗ nào tạo nghiệp ác, nên phước đức đều là tự nhiên. Lại có những thế giới kém hơn, ở đó làm việc thiện nhiều, tạo nghiệp ác rất ít, như thế vẫn có được phước đức tự nhiên, không cần phải tạo dựng. Đối với thế giới Ta-bà này, người tạo nghiệp ác quá nhiều, kẻ làm việc thiện rất ít, vì thế nếu không tự mình ra sức tạo dựng thì chẳng có vật gì tự nhiên hóa hiện cả.”

Hỏi: Người niệm Phật được vãng sinh, khi lâm chung đều được nhìn thấy đức Phật và các vị Bồ Tát đích thân hiện đến tiếp dẫn. Trong kinh nói rằng: “Người trì tụng chú vãng sinh được ba mươi vạn lần, đức Phật A-di-đà sẽ thường ngự trên đỉnh đầu người ấy, bảo vệ cho họ.” Ví như trong mười phương thế giới đều có người trì tụng chú này, đều có người cầu Phật, Bồ Tát tiếp dẫn vãng sinh, thì đức Phật A-di-đà làm sao có thể cùng lúc ngự nơi đỉnh đầu [những người trì chú], lại hiện đến tiếp dẫn [những người niệm Phật]?

Đáp: Mặt trời mặt trăng từ trên cao soi chiếu, có thể soi sáng cho khắp thế giới này nhưng không lo gì việc không đủ ánh sáng, huống chi là thần thông của Phật, thệ nguyện của Phật?

Hỏi: Trên pháp hội Hoa Nghiêm, Bồ Tát Phổ Hiền hiện đến ngồi nơi đạo trong nhưng các vị Bồ Tát khác cố dùng hết thần lực vẫn không thể nhìn thấy được. Nay những người vãng sinh thảy đều ở địa vị phàm phu, làm sao có thể tức thời có khả năng thấy Phật? Lẽ nào vị Phật mà họ thấy đó so với vị Phật của chư Bồ Tát nhìn thấy không khác nhau sao?

Đáp: Tướng Phật nói chung vẫn không khác, nhưng chỗ thấy của chúng sinh đều khác nhau. Người mới sinh về Cực Lạc, bất quá chỉ nhìn thấy được tướng thô của Phật mà thôi, chẳng hạn như 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, đó là tướng thô. Còn như trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Như Lai có những tướng của bậc đại nhân nhiều như số hạt bụi nhỏ trong biển của mười hoa tạng thế giới”, thì e rằng nếu không phải bậc Đại Bồ Tát sẽ không có khả năng nhìn thấy. Ví như chư thiên cùng nhau thọ dụng món tu-đà, nhưng trong cùng một vật chứa mà màu sắc, mùi vị đều khác biệt [tùy theo phước đức của mỗi vị]. Lại ví như một người có bệnh với người khỏe mạnh tuy cùng nếm một món ăn, nhưng cảm nhận về mùi vị đắng, ngọt của món ăn ấy lại hết sức khác biệt. Cho nên [trong kinh Duy-ma-cật nói rằng], thế giới Ta-bà của đức Phật Thích-ca vốn cực kỳ trang nghiêm thanh tịnh, nhưng chỉ duy nhất Phạm vương Loa Kế nhìn thấy mà thôi, còn lại hết thảy những người khác [trong pháp hội] đều nhìn thấy cõi này chỉ toàn gò nổng, hầm hố, gai góc... đầy dẫy những điều ô uế. Chúng sinh thấy Phật cũng giống như vậy.

Hỏi: [Nghe nói rằng,] khi ở thế gian này có người tín tâm niệm Phật thì trong hồ bảy báu ở Cực Lạc sẽ hóa sinh một đóa hoa sen. Nếu người niệm Phật tinh tấn thì hoa sen ấy dần dần lớn lên. Ngược lại, nếu người niệm Phật thối tâm, lười nhác, thì hoa sen ấy sẽ úa tàn. Điều đó có tin được chăng?

Đáp: Điều ấy cũng dễ giải thích thôi. Ví như một tấm gương lớn, khi có vật gì được mang đến trước thì tự nhiên trong gương hiện ảnh của vật. Cứ xem như trong thành Xá-vệ có lầu gác của Thụ-đề-già, bất quá cũng chỉ được làm bằng lưu ly với bạc trắng, nhưng tường vách ở đó lại có khả năng ảnh hiện những sự việc xảy ra trong thành, huống chi là cõi báu thanh tịnh trang nghiêm của đức Phật A-di-đà? Cho nên, ở thế gian này có người niệm Phật mà ở Cực Lạc có hoa sen sinh ra là điều chẳng có gì phải nghi ngờ cả.

Hỏi: [Tôi nghe có việc] còn mang nghiệp xấu vẫn được vãng sinh; sau khi vãng sinh liền được địa vị không còn thối chuyển. Như vậy, người ta sống trong đời, các duyên thế tục còn chưa dứt hết, sao không cứ buông thả theo sự nghiệp thế gian, đợi đến lúc lâm chung rồi hãy niệm Phật cũng được?

Đáp: Cách nghĩ như thế là tà thuyết. Còn duy trì một ý nghĩ như thế, sẽ tự mình rơi vào rất nhiều sai lầm. Nói ra một lời như thế, sẽ làm cho người khác sai lầm rất nhiều.

Những kẻ xấu ác khi lâm chung quay sang niệm Phật, được vãng sinh, ắt là do sẵn có căn lành từ đời trước, lại nhờ gặp được bậc thiện tri thức dắt dẫn chỉ bày, nên khi lâm chung mới có được sự may mắn như thế. Ấy là việc trong muôn ngàn người chỉ có một mà thôi, đâu có lý nào hết thảy mọi người khi lâm chung đều được sự may mắn như thế?

Sách Quần nghi luận có nói: “Thế gian này có mười hạng người khi lâm chung không thể niệm Phật. Thứ nhất, vì chưa gặp được bạn lành khuyên dạy niệm Phật. Thứ hai, vì nghiệp duyên liên tục trói buộc thúc bách, không có lúc nào có thể niệm Phật. Thứ ba, bị trúng gió liệt người, không thể mở miệng niệm Phật. Thứ tư, bị phát bệnh cuồng loạn, không còn biết đến việc niệm Phật. Thứ năm, chết đột ngột vì gặp nạn lửa cháy, nước trôi. Thứ sáu, chết đột ngột vì gặp thú dữ như hổ, báo, sói... Thứ bảy, do bạn xấu làm lung lạc rồi mất hẳn niềm tin. Thứ tám, do ăn uống quá độ, hôn mê đến chết. Thứ chín, do chết đột ngột trong chiến trận. Thứ mười, do chết đột ngột vì ngã từ trên vách núi cao.” Nếu rơi vào một trong các trường hợp ấy thì rất khó lòng niệm Phật.

Ví như chỉ bị bệnh xoàng mà chết, thì vào lúc bốn đại phân rã rồi, cũng không khỏi cảm giác như toàn thân bị dao bén cắt xẻo đau đớn, hoảng hốt khiếp sợ, đâu còn tâm trí nào để niệm Phật?

Lại ví như nghiệp duyên còn chưa dứt, những ý niệm thế tục vẫn chưa thôi, việc nhà chưa thu xếp ổn thỏa, việc về sau chưa sắp đặt xong, do đó mà cầu thầy, bói quẻ, khiến tâm trí càng thêm não loạn, rồi vợ con kêu la than khóc rối loạn bên tai, khiến cho trong lòng không có được bất kỳ chủ trương, định hướng gì. Vào lúc ấy mà muốn cho người lâm chung thong dong niệm Phật, lại cầu cho được nhất tâm bất loạn thì thật là muôn vạn lần không thể được!

Cho nên, người xưa có câu: “Chớ đợi tuổi già lo niệm Phật, đầu xanh lắm kẻ đã xuống mồ.” Lại nói rằng: “Bình thường khuyên người niệm Phật, ai cũng nói mình bận rộn. Chỉ khi quỷ vô thường đến, bận đến đâu cũng phải thôi.”

Người sống trong đời chẳng có được bao nhiêu thời gian, nên nhân lúc này còn chưa già, không bệnh, trừ bỏ các duyên thế tục, hết sức tinh cần lo việc trọng yếu. Trải qua một ngày, niệm danh hiệu Phật được một ngày, đạt được một phần công phu, tu tích được một phần tịnh nghiệp. Nếu không như vậy, một khi đã mất thân người này rồi, vạn kiếp cũng khó lòng được lại. Thật đáng sợ lắm thay!

Hỏi: Đợi lúc già mới lo tu hành, như vậy tôi đã thấy rõ là vô lý. Nhưng có điều phàm phu ở giữa lưới thế tục, có việc không thể gạt bỏ hết, vậy biết làm sao?

Đáp: Người sinh ra ở thế gian, chắc chắn ai ai cũng đều phải chết. Dù có tu hay không tu, cũng chẳng thể tránh được điều đó. Nhưng nếu sống trụy lạc thì sao bằng hướng thiện, được sự siêu xuất? Chỉ cần thống thiết nghĩ đến lẽ vô thường, thì chẳng lo gì sự dụng tâm không tha thiết. Bất luận là ở trong hoàn cảnh yên tĩnh hay bận rộn, gặp phải nghịch cảnh hay thuận cảnh, đối với việc niệm Phật cầu sinh Tịnh độ cũng đều không có gì trở ngại. Ví như việc đời phải gánh vác quá nặng nề bận rộn, cũng phải chọn ra những lúc được chút rảnh rỗi mà ấn định thời khóa hằng ngày, hoặc niệm vạn lần, hoặc niệm ngàn lần Phật hiệu, đều đặn mỗi ngày không thể gián đoạn. Đối với những người cực kỳ bận rộn, thì mỗi buổi sáng sớm thực hành mười niệm, không thể thiếu được.

Hỏi: Niệm Phật được nhất tâm bất loạn, từ một ngày cho đến bảy ngày ắt được vãng sinh. Ví như trong một ngày đến bảy ngày ấy đã được nhất tâm, nhưng rồi sau đó không giữ được trạng thái nhất tâm nữa, chẳng biết như vậy có được vãng sinh hay chăng?

Đáp: Nếu đã đạt được nhất tâm bất loạn, thì sau đó tâm rất ít tán loạn, nhất định không thể đến mức quá ư tán loạn. Như ngày xưa Nhan Hồi thực hành đức nhân trong ba tháng, trong ba tháng ấy tất nhiên đã là người nhân hậu. Nhưng sau ba tháng ấy, lẽ nào lại có thể trở thành người xấu ác?

Chỉ cần có thể thường xuyên tự quán chiếu, kiểm thúc trong tâm, thường phát thệ nguyện rộng sâu, thì không thể không được vãng sinh.

Hỏi: Việc niệm Phật phải nối nhau tương tục thì công phu mới miên mật thành tựu. Nhưng vào mùa hè nóng bức, phần lớn thời gian trong ngày phải cởi trần, không thể suốt ngày giữ y phục nghiêm trang tề chỉnh. Không biết rằng vào những lúc ăn uống, nằm ngồi, lúc cởi trần tắm rửa... đều có thể niệm Phật được chăng?

Đáp: Việc niệm thầm trong tâm không có trở ngại. Cho nên nói rằng: “Khi gấp rút cũng thế, lúc nguy cấp cũng thế.”

Hỏi: Vào lúc nhất tâm xưng niệm danh hiệu Phật, lại cũng phát tâm cầu sinh Tịnh độ, như vậy dường như lẫn lộn cả hai tâm niệm?

Đáp: Xưng niệm danh hiệu Phật, đó là vì muốn cầu sinh Tịnh độ. Trong kinh dạy rằng: “Nên phát nguyện sinh về Cực Lạc.” Lại cũng dạy rằng: “Thường xuyên trì niệm danh hiệu [Phật].” Cho nên biết rằng việc phát nguyện với niệm danh hiệu Phật, thật không phải hai, chỉ là một việc. Ví như người theo đường học vấn thi cử, muốn đạt được công danh, điều đó cũng giống như cầu sinh Tịnh độ. Vì muốn đạt công danh nên dùi mài kinh sử, đọc sách làm văn, điều đó cũng giống như vì muốn vãng sinh nên niệm Phật. Trong chỗ ấy dường như có sự khác biệt phân chia khó thấy. Vì thế, việc phát nguyện cầu sinh Tịnh độ nên thực hiện vào hai thời sớm tối trong ngày, còn lúc trì niệm danh hiệu Phật thì duy trì sự chuyên nhất trong tâm, không để khởi sinh tạp niệm lẫn lộn.

Hỏi: Suốt ngày niệm Phật, gặp việc phước thiện thì làm, đó là bổn phận của người học Phật. Nhưng lúc làm việc phước thiện e không khỏi phải lưu tâm vào việc ấy, không thể duy trì việc nhớ nghĩ đến Phật hiệu, không biết như vậy có trở ngại cho sự đạt đến nhất tâm bất loạn hay chăng?

Đáp: Trong gương sáng vốn không có gì, khi vật ở trước thì trong gương liền hiện ảnh, đâu ngăn ngại gì đến chỗ không của gương? Người ta chỉ vì khi sự việc chưa đến đã lo chờ đón, sự việc đã qua rồi vẫn còn lưu giữ lại, do đó mà thành bệnh.

Hỏi: Công ơn cha mẹ thật khó báo đáp. Nếu được vãng sinh về Tây phương Cực Lạc, chẳng biết có phương pháp nào để báo ân cha mẹ hay chăng? Nhưng sinh làm người mỗi một kiếp sống đều có cha mẹ, trải qua trăm ngàn vạn ức kiếp từ vô thủy đến nay, tức là phải có trăm ngàn vạn ức người cha, người mẹ. Không biết rằng sau khi vãng sinh có thể nào nhớ lại được hết tên họ từng người, rõ biết được hiện đang ở đâu, để có thể báo ân đối với tất cả được chăng?

Đáp: Lời thế tục nói rằng: “Muốn đáp đền ân đức mẹ cha, như ngẩng đầu trông trời cao không ngần mé.” Cho nên, dùng phương thức của thế tục để báo ân cha mẹ thì không thể nào báo đáp hết được. Nhưng nếu sau khi được vãng sinh rồi muốn báo ân cha mẹ thì hết sức dễ dàng. Không chỉ là báo ân một đời cha mẹ, mà dù muốn báo đáp ân đức của cha mẹ trong trăm ngàn vạn ức đời trước cũng đều có cách để báo đáp.

Người vãng sinh về Cực Lạc liền được thần thông thiên nhãn, có khả năng nhìn thấy sự việc trong vô số thế giới; được thần thông thiên nhĩ, có khả năng nghe biết âm thanh trong vô số thế giới; được trí tha tâm thông, có thể biết được tâm niệm của hết thảy chúng sinh; được trí túc mạng thông, có thể biết được việc đã từng sinh ra nơi nào, chết đi về đâu trong vô số kiếp trước, chẳng hạn như từng là người tên gì, ở đâu, thuộc dòng họ nào, xóm làng nào... cho đến hết thảy những chi tiết nhỏ nhặt cũng đều biết rõ, nhờ đó có thể bằng việc làm của mình mà báo đáp ân đức cho cha mẹ trong nhiều đời, lẽ nào lại không thể báo đáp?

Xưa Mạnh tử khen ngợi lòng hiếu của vua Thuấn, nói rằng khiến cho cha ông được làm cha của bậc thiên tử, thật tôn quý nhất; khiến cho cả thiên hạ lo việc phụng dưỡng cha, thật là sự phụng dưỡng cao cả không gì hơn. Ví như ta được vãng sinh thành vị Bồ Tát ở Cực Lạc, thì cha mẹ ta trở thành cha mẹ của Bồ Tát, chẳng phải còn tôn quý hơn [cả cha vua Thuấn] đó sao? Ví như có thể khiến cho cha mẹ được vãng sinh về Cực Lạc, y phục, thức ăn uống đều tùy ý hiện ra, được phước đức tự nhiên, tuổi thọ vô cùng, chẳng phải còn hơn xa việc thiên hạ nuôi dưỡng đó sao? Hơn nữa, mỗi nước chỉ có duy nhất một vị thiên tử, ví như có hai người con hiếu [theo cách nói của Mạnh tử], mỗi người đều muốn cho thiên hạ phụng dưỡng cha mình, ắt phải sinh ra việc mưu đồ soán đoạt, một trong hai người phải trở thành loạn thần tặc tử. Sao có thể sánh được với pháp môn Tịnh độ, người người đều có thể lo việc báo hiếu mà không hề ngăn ngại như pháp thế gian.

Hỏi: Muôn loài chúng sinh chịu khổ trong ba đường ác nhiều vô số, ta làm sao có thể cứu vớt hết được mà phát khởi lời nguyện vô nghĩa vô ích như thế?

Đáp: Bồ Tát muốn rộng độ chúng sinh thì mỗi một chúng sinh [do tạo ác nghiệp] đáng phải chịu khổ trong ba đường ác, đều thấy đó là chúng sinh mà ta phải cứu độ. Sao có thể vì thấy nhiều mà sinh tâm sợ sệt? Vì thấy nhiều mà sinh tâm chán bỏ, mỏi mệt?

Bồ Tát Địa Tạng có nguyện rằng: “Địa ngục còn chưa trống không, ta thề không thành Phật.”

Mười đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, mỗi một nguyện đều lấy việc cứu độ hết tất cả chúng sinh trong pháp giới làm kỳ hạn, chưa được như vậy thì chưa tròn nguyện.

Như vậy, người tu Tịnh độ muốn vãng sinh về Cực Lạc, lẽ nào lại có thể không lấy việc quay lại Ta-bà, cứu độ hết thảy chúng sinh trong ba đường ác làm thệ nguyện của mình?

Hỏi: Những loài vật nhỏ nhít số nhiều vô kể, ví như mỗi khi nhìn thấy chúng đều phát tâm cứu độ, không biết rằng việc phát tâm như thế chẳng qua chỉ để giúp ta được tròn chí nguyện, hay là có giúp ích được gì cho những con vật ấy chăng?

Đáp: Cần phải quán xét xem việc phát tâm ấy có chân thành hay không. Nếu có thể hết sức chân thành thì không phải là vô ích cho loài vật ấy. Xét như chuyện tiền thân đức Thế Tôn là vị tiên nhẫn nhục, và chuyện tiền thân của ngài Mục-kiền-liên làm một tiều phu, thì có thể thấy được lợi ích của sự phát tâm như thế.

Đức Phật Thích-ca trong vô số kiếp trước đây từng làm một vị tiên nhẫn nhục, tu hành trong núi. Gặp lúc có vị vua đi săn, đuổi một con thú chạy qua chỗ ngài đang ngồi. Vua đuổi đến, hỏi ngài con thú chạy đường nào. Khi ấy, nếu nói thật ra thì hại chết con thú, bằng như nói sai thì phạm giới vọng ngữ. Vị tiên vì thế trầm ngâm không đáp. Vua nổi giận liền chặt đứt một cánh tay ngài. Lại tra hỏi lần nữa, vị tiên vẫn trầm ngâm không đáp. Vua liền chặt thêm một cánh tay nữa. Tiên nhân khi ấy liền phát nguyện rằng: “Sau khi ta thành Phật, sẽ hóa độ cho người này trước, không để người đời bắt chước ông ta làm ác.”

Về sau, khi ngài thành Phật, trước tiên hóa độ ông Kiều-trần-như, chính là ông vua thuở trước.

Lại nữa, vào thời Phật tại thế, có những người dân trong một thành kia rất khó hóa độ. Đức Phật nói: “Dân trong thành ấy vốn có nhân duyên với Mục-kiền-liên.” Liền bảo Mục-kiền-liên đến đó hóa độ. Quả nhiên, dân trong thành ấy đều nghe theo lời ngài. Mọi người thưa hỏi nguyên nhân, Phật dạy: “Trong nhiều kiếp trước, Mục-kiền-liên từng làm một tiều phu vào núi đốn củi, làm động tổ ong khiến vô số con ong hoảng loạn bay ra. Mục-kiền-liên nhân đó liền bảo chúng: “Tất cả các ngươi đều có tánh Phật, ngày sau khi ta thành đạo sẽ hóa độ các ngươi.” Những người trong thành ấy chính là bầy ong thuở trước. Mục-kiền-liên trước đây từng phát nguyện cứu độ, do đó có nhân duyên với họ.

Theo như những việc ấy thì biết, không chỉ mỗi khi gặp người khác đều nên khuyên họ niệm Phật, phát khởi tâm cứu độ, mà mỗi khi nhìn thấy các loài vật, cũng nên thay chúng niệm Phật, phát tâm cứu độ chúng.

Hỏi: Niệm Phật dù chí thành nhưng chỗ niệm ấy vẫn là hữu hạn. Lấy ví dụ như có một trăm vật mạng, ta niệm một ngàn câu Phật hiệu hồi hướng cho chúng, thì một trăm vật mạng ấy đều được thọ hưởng phước báu. Ví như số vật mạng lại nhiều đến như số cát sông Hằng, lại cũng niệm một ngàn câu Phật hiệu mà hồi hướng, thì phần phước báu của mỗi con vật chẳng phải chỉ còn rất nhỏ nhặt hay sao?

Đáp: Ví như có một cây đuốc, trăm người chia nhau ánh sáng, cây đuốc ấy vẫn như cũ. Ví như lại dùng để soi sáng cho ngàn người, vạn người, cây đuốc ấy vẫn như cũ mà thôi.

Hỏi: Xưa có hai vị tăng, vào thời khóa niệm Phật thì quán tưởng tự thân mình ngồi trong hoa sen lớn, lại quán tưởng hoa sen nở ra, khép lại. Như vậy trong năm tháng thì hai vị đều được vãng sinh. Không biết rằng người niệm Phật có thể lấy cách tu ấy làm khuôn thước noi theo được chăng?

Đáp: Cũng được. Tuy nhiên, rốt lại thì phương pháp niệm danh hiệu Phật vẫn là chủ yếu.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 18 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Sen búp dâng đời


Những Đêm Mưa


Vô niệm (Pháp bảo Đàn kinh)


Phóng sinh - Chuyện nhỏ khó làm

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.187.210 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...