Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Khi tự tin vào chính mình, chúng ta có được bí quyết đầu tiên của sự thành công. (When we believe in ourselves we have the first secret of success. )Norman Vincent Peale
Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)
Người vấp ngã mà không cố đứng lên thì chỉ có thể chờ đợi một kết quả duy nhất là bị giẫm đạp.Sưu tầm
Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Khi thời gian qua đi, bạn sẽ hối tiếc về những gì chưa làm hơn là những gì đã làm.Sưu tầm
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Nghệ thuật chết »» Mãi mãi tri ân »»

Nghệ thuật chết
»» Mãi mãi tri ân

Donate

(Lượt xem: 5.741)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Nghệ thuật chết - Mãi mãi tri ân

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Năm 1989, khi John Wolford 18 tuổi, cha anh là Carl đã ban tặng cho anh món quà Dhamma. Những gì anh được học và thực hành đã làm phong phú đời sống của anh kể từ ngày đó. Năm 2005, ở độ tuổi 34, John được chẩn đoán có bướu não ác tính và được phẫu thuật không lâu sau đó. Từ lúc biết được căn bệnh của mình cho đến tháng 11 năm 2007, anh đã quyết lòng dành trọn cuộc đời mình cho việc gắn bó hơn nữa với Dhamma và chia sẻ Pháp với một ý thức biết ơn nhiều hơn, ngay cả cảm thấy biết ơn căn bệnh của mình.

Căn bệnh ung thư lan dần đến cột sống và cuối cùng giết chết anh. Tuy nhiên, điều này giúp anh chết một cách có ý thức thay vì trong cơn hôn mê sâu, như rất thường gặp ở các bệnh nhân bị bướu não.

Ban đầu, John không trải qua những bất ổn tinh thần hay thể chất đáng kể. Những cơn đau đầu hay các triệu chứng khác, vốn thường gặp ở những người bị bướu não, chỉ xuất hiện với anh vào rất gần giai đoạn cuối. Trong phần lớn thời gian, anh luôn duy trì được sự mạnh mẽ và tràn đầy sinh lực, và nhờ đó có thể đáp ứng trọn vẹn với ý thức mới hình thành về sự thôi thúc tâm linh của mình.

May mắn thay, anh đã có thể từ bỏ công việc, tự mình dành trọn thời gian để ngồi thiền và phục vụ các khóa thiền Vipassana, bao gồm cả một khóa thiền 10 ngày song ngữ Anh-Miến mà anh phục vụ chung với vợ mình là Dhalie, được tổ chức ở Dhamma Torana, Ontario, chỉ 3 tháng trước khi anh qua đời. Anh phục vụ trong nhà bếp nhưng phải thường xuyên vắng mặt vì loại thuốc trị bệnh uống vào mỗi buổi sáng khiến anh buồn nôn. Dù vậy, trong suốt khóa thiền này anh đã sắp xếp biên soạn xong những mẩu chuyện cùng với file âm thanh mà anh thu thập được trong chuyến đi Miến Điện, để có thể tạo thành đĩa DVD gồm các pháp liệu này, dành cho những thiền sinh Miến Điện trong khóa thiền. Mỗi đêm anh hầu như đều không ngủ trước khi đèn tắt vào lúc 10 giờ. Do điều này và vô số những cử chỉ hành vi khác, sự ân cần, rộng lượng và lòng biết ơn của anh đã truyền sang cũng như gợi hứng khởi cho tất cả những ai được quen biết anh.

Sau đây là những lá thư của John và mẹ anh.


Thư của John

Thầy Goenkaji kính mến,

Con thấy thật khó để kể lại với thầy câu chuyện của con, vì có quá nhiều điều gắn liền với câu chuyện và con cũng khó biết cách thể hiện đầy đủ tầm quan trọng của lòng biết ơn mà con dành cho thầy.

Cách đây nhiều năm, cha con đưa con đến dự khóa thiền Vipassana đầu tiên trong đời con, do Arthur Nichols tổ chức. Lúc ấy, con biết rằng đây là điều quan trọng nhất trong cuộc đời con, nhưng vẫn luôn phải có những tranh đấu giằng co theo nhiều hướng. Điều này đã thay đổi vào tháng 2 năm 2005, khi con bất ngờ được chẩn đoán có một khối u ác tính lớn trong não. Thực sự là toàn bộ cuộc đời con đã thay đổi kể từ đó.

Dựa trên chẩn đoán đầu tiên, lúc đó các bác sĩ cho rằng con sẽ chết trong khoảng từ 9 đến 12 tháng. Dĩ nhiên, đây là một cú sốc nặng, nhưng nó cũng thúc đẩy con theo những hướng rất tích cực. Trong thực tế, Vipassana đã “kiểm soát tình hình” và giúp con tức thời bình tĩnh lại. Ngay lập tức, con cảm thấy biết ơn về việc mình đang chết vì bướu não, bởi vẫn có được một quãng thời gian để tiến hành mọi việc, còn hơn là phải chết khi thấy mình ở trước một chiếc xe hơi đang lao tới và chỉ có vài khoảnh khắc ngắn ngủi trước khi nó cán lên người mình.

Trong vài ba tháng sau đó, các bác sĩ kéo dài thêm tiên lượng của họ từ 9 đến 12 tháng thành nhiều thập kỷ, và rồi lại thu ngắn còn từ 7 đến 10 năm. Con còn nhớ tâm trạng biết ơn ngay lúc đó vì con vẫn còn thời gian để thực hành Dhamma tốt nhất trong khả năng của mình. Và con cũng thấy biết ơn vì pháp tu tập vô giá này đã được truyền trao cho con rất lâu trước đó.

Con cũng biết ơn vợ con, Dhalie, cũng là một thiền sinh. Ban đầu con nghĩ rằng những gì con phải trải qua chỉ là việc của riêng con, bởi chỉ có con là người bị bướu não. Nhưng không bao lâu, con đã thấy rõ ràng là Dhalie luôn ở bên con trên suốt chặng đường. Chúng con trở nên hết sức trầm tĩnh trong nội tâm, hết sức bình thản, và ngay lập tức nhận ra lợi ích lớn lao của điều này. Chúng con biết ơn về cơ hội được đưa đẩy tới để củng cố Dhamma trong chúng con, để phát triển Dhamma trong chúng con, và để vận dụng Dhamma trong chúng con. Điều này vô cùng hữu ích cho chúng con, và tiếp tục giúp chúng con tự nâng đỡ mình cũng như giúp đỡ lẫn nhau.

Con cũng biết ơn về việc mẹ con, người lúc nào cũng quan tâm đến nhưng “chưa bao giờ có thời gian” để tham gia một khóa thiền, giờ đây đã quan tâm đến việc thực sự tham gia. Người ta có thể dễ dàng hình dung được, hung tin về chứng bệnh bướu não này là điều khó khăn cho bà hơn so với bất cứ ai khác, và bà đã tìm kiếm trong vô vọng một con đường giúp bà thoát khỏi khổ đau. May mắn thay, bà đã có một quyết định tuyệt vời, và chỉ trong vòng mấy tuần lễ sau lần phẫu thuật đầu tiên của con, mẹ con đã tham gia khóa thiền đầu tiên của bà cùng với Dhalie và con, với sự tham gia phục vụ của cha con.

Cho đến lúc đó, con đã cảm thấy yên lòng với vợ con, cha con và em con. Họ đều đã tham gia ngồi thiền và phục vụ nhiều khóa thiền, con biết rằng cho dù có điều gì xảy ra, cuối cùng họ cũng đều sẽ ổn. Nhưng con không thể nghĩ như vậy với mẹ con. Giờ đây con cảm thấy hạnh phúc vì mẹ con đã tham gia một khóa thiền, đã gieo trồng hạt giống Dhamma, và vì con đã có thể góp sức vào việc này theo một cách nào đó.

Tiếp theo sau đó, mẹ con đã tham gia thêm hai khóa thiền 10 ngày và một khóa thiền học Kinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna Sutta). Con được may mắn tham gia phục vụ trong tất cả các khóa thiền này. Mẹ con duy trì sự thực tập mỗi ngày một cách dễ dàng, và bây giờ gần như bà không đọc gì khác ngoài các sách Giáo pháp. Chúng con trò chuyện về Dhamma suốt ngày. Mẹ con đón nhận tất cả, giống như một miếng bọt biển thấm nước, không bao giờ phản kháng theo kiểu như “Đủ lắm rồi, mẹ không nhận thêm được nữa!” Và con trở thành một phần trong sự đón nhận của mẹ.

Con biết ơn công ty bảo hiểm y tế đã đồng ý hỗ trợ con về tài chánh, và nhờ đó con có thể nghỉ việc. Giờ đây, con có thời gian hoàn toàn tự do để dành cho gia đình, bạn bè và Dhamma. Dhalie, mẹ con và con cùng ngồi thiền với nhau một cách đều đặn.

Đối với thầy, Goenkaji, người cha Dhamma của con, con đã nợ thầy quá nhiều và con vô cùng biết ơn về việc con có thể tiếp tục đền đáp bằng cách thay thầy phục vụ Dhamma trong nhiều cách khác nhau. Con đang gieo nhân lành với tất cả khả năng mình, phục vụ để giúp thầy truyền bá Dhamma càng xa rộng càng tốt.

Con đang cố hết sức mình thực hiện đúng đắn lời dạy của thầy bằng cách phát triển Dhamma trong con. Con cố gắng giữ giới luật một cách nghiêm cẩn, chú ý nhiều nhất đến việc này. Định và Tuệ vô cùng quý báu, vô cùng giá trị, đã giúp con thấu hiểu và củng cố việc trì giới. Con đã phát triển được một nhận thức rõ rệt hơn nhiều về sự giải thích của thầy, vì sao “ba chân của cái kiềng [Giới, Định, Tuệ] đều hỗ trợ cho nhau”.

Tất cả những điều này chỉ có thể làm được khi có thời gian, và một lần nữa con vô cùng biết ơn về bất kỳ thời gian nào con còn lại. Căn bệnh ung thư có thuyên giảm, nhưng gần đây chúng con phát hiện khối u có thể đang bắt đầu lớn lên trở lại. Chúng con cần sớm kiểm tra việc này. Căn bệnh này có thể rút ngắn cuộc đời con, nhưng ai mà biết được, cũng có thể khối u không lớn lên nữa nhưng thay vì vậy con sẽ chết vì một nguyên nhân khác.

Cho dù thế nào đi nữa, hiện giờ con đang ở đây và hiện con đang thể nghiệm cảm giác. Con sẽ cố hết sức để tự giúp mình, và con rất biết ơn để nói rằng, giúp mình tự nhiên cũng có nghĩa là giúp đỡ người khác.

Xin cảm ơn thầy, Goenkaji, về tất cả sự giảng dạy Dhamma của thầy. Nhờ đó mà cha con, mẹ con, em con, vợ con, bạn bè con và hàng ngàn người không quen biết khác trên thế giới này có thể giúp đỡ chính họ, điều đó có nghĩa là đến lượt họ sẽ giúp đỡ vô số người khác.

Với lòng biết ơn vô hạn
và với tâm từ,
John

Thư của mẹ John

Thầy Goenkaji kính mến,

Con biết nói gì đây để bày tỏ lòng biết ơn của con về những lợi lạc vô song mà gia đình con và bản thân con đã nhận được thông qua món quà tặng Dhamma vô giá? Con xin gửi đến thầy, một người kể chuyện quá tuyệt vời, vài ba mẩu chuyện ngắn để minh họa cho năng lực của Dhamma trong cuộc sống của con.

Câu chuyện thứ nhất

Tháng Một năm ngoái, khi con biết tin con trai trưởng của con là John, 34 tuổi, có một khối u lớn trong não, con đã hoàn toàn bị sốc nặng và kinh hoàng. Đến tháng Hai, John được đưa vào bệnh viện để phẫu thuật não. Trái ngược với những phản ứng của con, con nhận thấy rõ ràng thái độ của John là can đảm và chấp nhận không kháng cự. Thay vào đó, John biểu lộ lòng từ ái và quan tâm đến chúng con, những người đang quá đau khổ trước những sự kiện bất ngờ này.

Ngay sau ca phẫu thuật kéo dài khoảng 5 giờ liền, con đến thăm John trong phòng hồi sức. Câu đầu tiên con hỏi là: “John, con cảm thấy thế nào?” Với đôi mắt nhắm nghiền và một nụ cười nhẹ thoáng trên khuôn mặt, John đáp lại: “Cảm giác đang sinh khởi, cảm giác đang mất đi.” Sau đó, khi con nhắc lại chuyện này thì John hoàn toàn không nhớ mình đã nói như vậy. Nhưng John kể với con là trước khi vào phòng phẫu thuật, cháu đã bắt đầu việc quan sát cảm giác trong cơ thể với ý định duy trì thực hành này trong suốt thời gian phẫu thuật, cho đến lúc còn có thể.

Con biết rằng điều đáng kể nhất trong nỗi lo lắng của con là sự bất lực không bảo vệ được con trai khỏi biến cố này. Nhưng con đã nhận biết được là Dhamma có thể làm điều đó. Nhờ vào những lợi ích của sự thực hành thiền, con trai con đã chuyển hóa một sự kiện khủng khiếp thành một phương tiện, một quà tặng quý giá để giúp nó thăng tiến trên con đường Dhamma.

Câu chuyện thứ hai

Vài ngày sau cuộc phẫu thuật của John, con đến bệnh viện thăm nó. Con đã hỏi về việc thực hành thiền Vipassana. Con muốn biết làm thế nào mà việc hành thiền mang lại cho John sức mạnh đáng kể khi đối mặt với căn bệnh khủng khiếp này. Khi nói về những kinh nghiệm thực hành thiền Vipassana của mình, John bảo con rằng trong một thời gian dài nó vẫn luôn ao ước là ngày nào đó con sẽ tham gia một khóa thiền và nó sẽ phục vụ trong khóa thiền đó.

Trước đây, cả John và em trai nó, Dharma, đều gợi ý rằng con sẽ được lợi ích khi tham gia một khóa thiền. Lẽ tự nhiên là trong nhiều năm con lúc nào cũng quá bận rộn! Đột nhiên, con thấy không còn bận rộn nữa. Dù không biết là John có bao giờ rời khỏi bệnh viện hay không, con vẫn bảo John là khi nó tham gia khóa thiền sắp tới, con sẽ có mặt ở đó. Có vẻ như điều này là đáp ứng một mong ước nhỏ nhoi và là cách để ủng hộ John.

Con chẳng bao giờ có thể đoán biết những lợi ích con sẽ có được, cũng không ngờ rằng con trai con lại một lần nữa đã chuyển hóa căn bệnh ung thư của nó thành một phương tiện cho món quà của sự giải thoát - món quà của con.

Câu chuyện thứ ba

Khoảng ba tháng sau, con cùng đi trên một chiếc xe hơi với John, vợ John là Dhalie và cha John là Carl. Họ đều là những thiền sinh Vipassana nhiều kinh nghiệm. Chúng con đang cùng đi đến Dhamma Kuñja ở bang Washington, nơi con sẽ tham gia khóa thiền đầu tiên trong đời mình. Một khóa thiền kinh khủng! Con đã bị thiêu đốt bởi sự giận dữ và bực tức với những thứ mà thậm chí con không thể gọi tên. Làm sao con trốn thoát được? Làm sao con có thể bỏ chạy khi con trai trưởng của con đang ngồi đó, trong cùng một căn phòng, với một khối u lớn ép chặt bên trong não?

Con đã ở lại, và bằng cách nào đó, trong khoảng thời gian ngắn ngủi giữa những lần bị nhấn chìm trong các phản ứng hỗn loạn của chính mình, con đã cố gắng vận dụng phương pháp mà con đang học. Vào khoảng giữa của giai đoạn 10 ngày, con tự hỏi không biết làm sao để nói với con trai rằng con đường này không thích hợp với mẹ nó. Nhưng đến cuối khóa thiền, con lại tự hỏi không biết phải bao lâu mình mới được quay trở lại tham gia lần nữa!

Kể từ đó, con đã tham gia thêm hai khóa thiền 10 ngày và duy trì sự thực hành hằng ngày. Trong một tuần lễ, con dự tính sẽ tham gia một khóa thiền có học kinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna Sutta) ở Dhamma Surabhi, British Columbia. John sẽ tham gia phục vụ ở khóa thiền đó. Để có thể bắt đầu phụng sự Dhamma theo một phương cách nào đó, con đang được huấn luyện để trở thành người làm việc trực tuyến, giúp việc ghi danh các thiền sinh khi họ nộp đơn tham gia khóa thiền.

Có lần sau khóa thiền đầu tiên đó, con bảo John rằng: “Con đã ném cho mẹ một sợi dây cứu sinh, nhưng lần đầu tiên khi vừa chộp được rồi nắm lấy, mẹ có cảm giác nó giống một sợi dây điện hơn, và ở đầu này sợi dây mẹ thấy nóng bỏng, vừa chộp vào rồi giật nẩy lên.”

Sau khi trở về nhà, con nhận thấy cuộc sống thay đổi tốt hơn theo nhiều cách. Gia đình và bạn bè đều bảo con là họ thấy được một sự thay đổi tốt hơn nơi con. Điều quan trọng nhất là con có thể chia sẻ những giây phút quý giá trong đời sống, biết rằng chúng tất yếu sẽ trôi qua, và đối mặt với khổ đau mà không bị nhấn chìm hoàn toàn trong sự lo âu và sợ hãi.

Thưa thầy Goenkaji, con cho rằng tất cả những lợi ích này và còn nhiều hơn thế nữa, đều là nhờ vào sự chuyển hóa nội tâm con có được sau khóa thiền đầu tiên. Mối quan hệ giữa con với mọi thành viên trong gia đình đều được cải thiện, và con thật may mắn có thể cùng ngồi thiền với John và Dhalie một cách thường xuyên cũng như thích thú với những buổi trò chuyện về Dhamma với cả hai.

Sự hành trì thực tiễn và lòng từ ái của cả hai là nguồn hứng khởi liên tục đối với con. Thật vô cùng thoải mái khi thấy John đang sử dụng rất tốt thời gian. Vì đã được thôi việc nên thay vào đó hằng ngày John làm việc để truyền bá Dhamma. Giờ đây, các bác sĩ nghĩ rằng khối u trong não của John đã bắt đầu phát triển trở lại. Nhưng nếu sức khỏe cho phép, John sẽ đi Ấn Độ cùng vợ là Dhalie. Và Dhalie sẽ tham gia khóa thiền tự luyện dành cho các thiền sư phụ tá ở Dhamma Giri vào tháng 11. John cũng đã ghi tên vào danh sách chờ để được phục vụ trong cùng khóa thiền đó. Trong tháng Một, con và chồng con sẽ bay sang Miến Điện để gặp vợ chồng John ở đó. Chúng con sẽ viếng thăm nhiều địa điểm thiền Vipassana và hy vọng sẽ tham gia khóa thiền tại một trung tâm ở đó. Chúng con đã được chấp thuận tham gia một khóa thiền 10 ngày ở Dhamma Giri vào cuối tháng Một trước khi quay trở về Vancouver. Những dự tính này có xảy ra hay không thì còn phải chờ xem. Nhưng dù sao đi nữa, sự thật là cuộc đời con đã thay đổi tốt hơn vượt ngoài sức tưởng tượng.

Con biết là vẫn còn phải vượt qua một quãng đường dài để phá tan vô minh và chế ngự được những tập khí tham lam, sân hận. Với tất cả những lợi lạc đã có được, con vẫn còn phải rất lâu mới đạt đến sự bình tâm trước một số sự thật nhất định trong cuộc đời, trong đó có cả sự thật là John bị ung thư và các bác sĩ không thể làm được gì để giúp cháu. Con đã quay sang Dhamma như một chiếc bè của cuộc đời con khi sóng to gió lớn. Con sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức mình để chèo chống đi về phía trước.

Giống như con mong muốn được thoát khỏi tham ái, đớn đau và khổ sở, con cầu mong cho tất cả chúng sinh cũng đều được thoát khỏi tham ái, đớn đau và khổ sở.

Cầu mong cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc.

Với lòng kính trọng và biết ơn,
Một thiền sinh Vipassana kém cỏi.
Laurie Campbell


Ba năm sau

Bà Virginia thân mến,

Tôi rất vui được chia sẻ lá thư tôi đã viết cho thầy Goenkaji. Một thời gian sau khi tôi trao lá thư này cho John để mang đi gửi, John đã hỏi tôi xem liệu tôi có cho phép một phần lá thư được in lại trong một bản tin hay đâu đó đại loại như vậy. Lúc đó tôi đã sẵn sàng đồng ý và sẽ rất vui nếu lá thư này có thể giúp ích được cho bất cứ ai. Bà thấy đó, lá thư của John cũng có ở đây.

Tôi biết ơn bà đã chia sẻ những câu chuyện của John như một thiền sinh trẻ. Điều này khiến tôi cảm thấy vui.

Tôi còn có thêm một câu chuyện nữa để chia sẻ. Khi John vào bệnh viện lần cuối cùng, đã có lúc tôi nhận ra rằng John rất khó có thể trở về nhà lần nữa. Lúc ấy là đầu tháng 11 năm 2007. Tôi còn nhớ, có một hôm tôi bảo John rằng nếu con sống được qua sinh nhật của mẹ thì từ nay về sau, mỗi năm mẹ đều sẽ thắp cho con một ngọn nến trong tim mẹ. Khi nhớ lại, điều tôi nói đó có vẻ như thật kỳ lạ và đáng sợ. Tôi cũng không biết vì sao mình lại nói thế.

John qua đời ngày 20 tháng 11, đúng vào sinh nhật lần thứ 59 của tôi. Tôi trải nghiệm sự ra đi của John như món quà cuối cùng dành cho tôi. Tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì để con trai tôi được sống lâu hơn tôi. Tôi biết rất rõ như vậy. Nhưng tôi không có khả năng làm cho điều đó xảy ra, cũng không thể quyết định được điều gì là tốt nhất cho John. Thật ra, tôi cũng không quyết định được điều gì là tốt nhất cho chính tôi.

Vào lúc ấy, tôi nghĩ việc John ra đi vào ngày đặc biệt ấy là món quà và một thông điệp kỳ diệu trực tiếp cho tôi – cuối cùng thì John đã thoát khỏi đau đớn, và những tuần lễ cuối cùng, những ngày cuối cùng thật là khủng khiếp với những gì John phải chịu đựng.

Kể từ đó, [mỗi năm] khi sinh nhật của tôi đến gần, tôi suy ngẫm rất nhiều cả về tình yêu thương rộng lớn đáng kinh ngạc của John, cũng như về cái chết đang tiến đến gần không thể tránh khỏi của chính mình. Tôi biết rằng John đã giúp cho thời điểm buông bỏ [cuộc đời này] của chính tôi được dễ dàng hơn, bất cứ khi nào thời điểm ấy đến. Và trong khi chờ đợi, sự nhận hiểu của tôi về vô thường đã được sâu sắc hơn.

Kể từ thời điểm John biết mình bị bướu não cho đến lúc qua đời, tiến trình tăng trưởng và phát triển [tâm linh] của chính John được thúc đẩy rất nhanh. Thật tuyệt vời khi quan sát được những khía cạnh gay gắt khó chịu của John dần dần tan biến, và chứng kiến cũng như tận hưởng năng lượng yêu thương mà John chia sẻ không giới hạn với bất cứ ai có dịp gặp gỡ cháu. Gần đến ngày cuối cùng, thật là một đặc ân khi được nhìn thấy sự tan rã của “cái tôi” ích kỷ và sự hiển lộ hoàn toàn bản chất của hiện hữu: lòng thương yêu.

Không có gì phải ngờ vực, phương tiện mà John đã dùng để chuyển hóa chính là sự thực hành Vipassana. John đã tham gia một khóa học cấp tốc về nghệ thuật sống và đã hoàn tất thật tốt đẹp.

John đã cực kỳ may mắn khi nhận được món quà Dhamma thông qua cha mình. Ta không thể nhìn thấy sự kỳ diệu trong lộ trình của John nếu không có ảnh hưởng của cha là Carl. Và trong lòng mình, tôi nợ Carl một món nợ lớn của lòng biết ơn vì đã đưa cả hai đứa con trai của tôi đến với Dhamma. Tôi mãi mãi mắc nợ anh ấy, nhưng rồi như anh ấy đã chỉ ra cho tôi, những sự thăng trầm và món nợ này còn phải mở rộng để bao gồm cả những người đã giúp đỡ anh ấy trên con đường tu tập, và tiếp tục trở ngược lên nữa đến các bậc thầy và thiền sinh trước đây, mãi cho đến điểm khởi đầu từ đức Phật.

Quả thật là một hành trình tuyệt vời – dù đau đớn nhưng thật phong phú với những món quà của lòng yêu thương và bi mẫn. Rất nhiều điều đã đến với tôi, bao gồm cả lòng tốt của nhiều người đã xúc động trước John và đến lượt họ lại hào phóng cởi mở chính bản thân họ với tôi.

Mặc dù vậy, tôi e rằng tôi hoàn toàn không giống với một số tác giả khác xuất hiện trong quyển sách của bà. Khi ngày giỗ của John đến gần, tôi nhận biết nỗi đau đớn khủng khiếp của sự mất mát, sự trỗi dậy của nỗi buồn đau hầu như không che giấu. Bất kể là tôi lão luyện như thế nào trong việc vận dụng lý trí để biện rõ lý lẽ, và ngay cả trong những lúc có nhiều tri thức trọn vẹn hơn, thì sự thật cay đắng về cái chết của John vẫn khiến tôi đau đớn không thể nói hết bằng lời.

Tôi không được bình tâm và điều tốt nhất tôi có thể làm là ngồi xuống cùng với nỗi đau, cố gắng vận dụng lòng bi mẫn đối với sự bám chấp dường như bất trị của tôi. Tôi biết tất cả nỗi đau này [khởi sinh] chỉ là do ở chính tôi, những gì tôi muốn, cách thức tôi ao ước vũ trụ này được sắp xếp. Liệu tôi có nên đau buồn về việc con trai tôi thoát khỏi cuộc sống khổ đau này? Về việc con trai tôi đã chuyển hóa thành công phần thô xấu nhất của kim loại thành vàng ròng? Liệu tôi có nên đau buồn về việc con trai tôi nuôi dưỡng được lòng yêu thương ngày càng lớn mạnh đến mức cuối cùng chỉ duy nhất có yêu thương còn lại?

Khi tôi nghĩ về các con, tôi thật kinh ngạc. Chúng đã là những bậc thầy trên quá nhiều cấp độ, và tôi thật lạ lùng là bằng cách nào đó tôi đã có được chúng trong cuộc đời tôi. Đến nay, John ra đi đã gần ba năm rồi, nhưng theo nhiều ý nghĩa, cháu vẫn đang ở bên tôi, ảnh hưởng đến tôi và dẫn dắt tôi. Tôi thật là người mẹ may mắn nhất!

Với tất cả tâm từ,
Laurie

    « Xem chương trước «      « Sách này có 26 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phúc trình A/5630


Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc


Pháp bảo Đàn kinh


Phóng sinh - Chuyện nhỏ khó làm

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.19.251 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...