Trong phòng sách cạnh bàn viết tôi có trồng một chậu cúc. Cả tuần nay
tôi quên mở tấm màn che cửa sổ. Những chiếc lá thon dài có lẽ vì thiếu
ánh sáng nên như nhạt đi màu xanh. Chậu cúc trong phòng sách tôi đã có
hơn bốn, năm năm nay. Mặc dù ít chăm sóc nhưng nó vẫn lớn, vẫn mọc cao,
những thân nhỏ đứng không vững phải tựa vào tường. Mấy tuần nữa trời ấm,
tôi sẽ mở tung cửa sổ ra. Những hôm gió lộng lùa vào, ngồi đọc sách và
nghe tiếng lá reo, cứ tưởng như mình đang ngồi ngoài vườn vậy.
Cơn bão tuyết cuối cùng của mùa đông cũng vừa qua. Sáng nay nhìn ra
ngoài cửa sổ tôi thấy nắng trong và trời thật xanh. Ngoài sân, tuyết phủ
vạn vật trắng tinh, ngập con đường nhỏ dẫn vào nhà. Vậy mà chỉ còn có
vài ba ngày nữa là đầu mùa xuân rồi còn gì! Mấy sáng nay thức dậy, tôi
nghe tiếng chim hót ríu rít ngoài sân.
Mùa xuân ở nơi này trời đất sẽ đẹp lắm. Cây nào cũng có hoa nở rộ đủ
màu, chen lẫn với màu xanh của lá non. Những ngày có gió, phấn hoa bay
đầy trời. Có hôm đi làm ra tôi thấy phấn hoa phủ trên xe một lớp mỏng
như bụi. Mùa xuân nơi đây đẹp, nhưng không thích hợp với nhiều người vì
bụi phấn hoa có thể làm cho họ bị hắt hơi, chảy mũi, ngứa mắt... Có một
thời gian tôi cũng bị như vậy, nhưng sau mấy năm tự nhiên hết đi. Ở
quanh đây đa số nhà nào cũng có trồng những bụi cây đỗ quyên phía trước.
Chừng vài tuần nữa trời ấm, chúng sẽ trổ bông vàng, đỏ, trắng phủ trùm
cả toàn cây. Những ngày ấm nắng trong, nếu không bị dị ứng vì phấn hoa,
bạn có thể ra ngoài đi dạo xem hoa và lá xanh, đẹp lắm!
Con người và thiên nhiên
Hồi còn nhỏ ở quê nhà, có lần tôi theo ba má leo lên một ngọn núi cao,
thăm một ngôi chùa cổ xây tận trên đỉnh. Chiều về, tôi chạy chơi với anh
em vòng theo một con đường nhỏ ôm quanh núi. Qua một khúc quanh, chúng
tôi bắt gặp một tảng đá núi thật to, chừng hai ba người lớn ôm, chắn
ngang lối đi. Tảng đá trông thật hùng vĩ nằm chơ vơ bên triền núi, nhìn
xuống phía dưới kia xa xa là những cánh đồng ruộng lúa ướp vàng nắng
chiều. Hình ảnh uy nghiêm, cổ kính ấy in sâu vào tâm hồn tôi.
Thiên nhiên có khả năng ảnh hưởng đến tâm hồn con người rất sâu đậm,
phải không bạn? Một ngày trời trong, nắng ấm, nghe tiếng chim hót, ta
thấy cuộc sống đẹp. Đi dạo trên bãi biển vào một sáng sớm, nhìn mây
trắng bay, nghe tiếng sóng vỗ, đi chân không trên bọt trắng xóa, tôi
thấy cuộc đời thong thả. Mà tôi nghĩ, con người cũng là một phần của
thiên nhiên. Như tảng đá núi, như ánh nắng, áng mây, bầu trời, biển
cả... sự an lạc và vững vàng của ta cũng có thể là một nơi cho người
khác nương tựa, là nguồn hạnh phúc cho những người thân chung quanh ta.
Bạn có nghĩ vậy không? Chúng ta cũng là một phần của thiên nhiên, và là
một phần rất quan trọng. Hạnh phúc, khổ đau của ta chắc chắn có thể làm
trong sạch hay ô nhiễm thế giới chung quanh ta. Bạn biết không, từ lúc
có lịch sử đến nay, tất cả những sự tàn phá thiên nhiên do thiên tai gây
nên không thấm vào đâu so với sự phá hoại của con người! Con người là
một yếu tố rất quan trọng cho sự sinh tồn của trái đất này. Hạnh phúc
của bạn có thể làm một dòng suối trong hơn, một chiếc lá xanh hơn, cho
một người nào đó bớt khổ đau hơn.
Có lần tôi được nghe kể về một thiền sư tiếp một người bạn đến thăm. Cả
hai cùng nhau ngồi thinh lặng uống trà. Đến giờ, người khách đứng dậy
cáo từ ra về. Ông nói cuộc gặp gỡ rất là hạnh phúc, mặc dù không ai nói
một lời nào. Mà thật vậy, đứng trên một ngọn đồi gió mát, bạn đâu cần
phải nói gì mà vẫn thấy thư thái. Ngồi yên cạnh một con suối trong, nghe
tiếng suối chảy róc rách cũng có thể làm tâm hồn bạn được tĩnh lặng. Và
tôi biết chắc rằng, nếu được ngồi gần một người có an lạc ta cũng sẽ
được tươi mát lây.
Cánh bướm và cơn bão
Thế nên, hạnh phúc của tôi tùy thuộc vào cách sống, cách đi, đứng, nằm,
ngồi của bạn. Và ngược lại cũng thế! Mấy năm trước tôi có đi dự một khoá
tu học với Sư Ông. Ngày đầu thầy bắt mỗi người chúng tôi phải dán một tờ
giấy nhỏ lên giày, dép của mình, trên ấy có viết “Tôi đi cho bạn”, (I
walk for you). Mỗi lần đặt chân vào dép, nó nhắc nhở chúng tôi phải đi
đứng cho có chánh niệm, vì những người có mặt chung quanh đang nương tựa
vào sự vững vàng của mình.
Cuộc đời quanh ta có nhiều khổ đau, nên hạnh phúc của một người, dầu nhỏ
nhoi đến đâu, cũng rất cần thiết. Những Bồ Tát đi cứu độ người khác thì
chắc chắn bản thân các ngài phải có nhiều an lạc. Tôi nghĩ sự an lạc ấy
là kết quả của một sự tu tập chánh niệm, thiền quán lâu dài. Các thiền
sư thường nhắc nhở rằng, tự tính chúng ta là tĩnh lặng, là an vui. Nhưng
dường như sau một thời gian trôi lăn trong khổ đau, hạnh phúc ấy không
còn là một quyền bẩm sinh của chúng ta nữa. Và vì vậy mà an lạc cần phải
được tu tập.
Hằng năm, chúng tôi thường bỏ ra một thời gian để đi dự những khóa tu
học vì muốn được thực tập vững chãi và thảnh thơi. Chúng tôi dậy sớm,
ngồi yên tập giữ gìn hơi thở có ý thức. Chúng tôi tập đặt những bước
chân thiền hành vững vàng và yên ổn. Tôi ngồi mình tôi, đi mình tôi,
nhưng tôi nghĩ những việc mình làm đều có ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh
phúc của những người thân yêu dầu đang vắng mặt. Tôi có nghe kể về một
giả thuyết khoa học nói rằng, một trận bão xảy ra ở Boston là do ảnh
hưởng bởi một con bướm vỗ cánh ở Trung Hoa. Nếu đó là sự thật thì mỗi
bước chân vững vàng, mỗi hơi thở có ý thức của tôi sẽ còn có năng lực
đến biết chừng nào nữa!
Chánh niệm và an lạc
Mùa đông năm nay hình như lạnh và dài hơn mọi năm. Tôi nhìn tấm lịch
trên bàn, còn vài ngày nữa là bắt đầu mùa xuân mà ngoài kia tuyết trắng
xoá. Tuyết cao lắm, chắc cũng phải mất mấy tuần mới tan hết.
Các thiền sư có dạy cho chúng ta một phương pháp để có được an lạc, đó
là thực tập chánh niệm. Chánh niệm có nghĩa là ý thức được sự sống của
mình trong giây phút này và ngay ở đây. Khổ đau hay an lạc không xảy ra
trong quá khứ, chúng cũng không thể xảy ra trong tương lai. Bạn có hạnh
phúc không? Câu hỏi đó phải được trả lời trong giây phút này. Và nếu tôi
đang có một khổ đau, khổ đau ấy chỉ có thể được chuyển hóa trong bây giờ
và ở đây, vì chúng ta đâu còn có một thời gian nào khác nữa!
Chánh niệm sẽ đem lại cho ta lối sống tỉnh thức và an lạc ấy. Thiền sư
Lâm Tế viết: “Chúng ta không thể giải quyết những vấn đề của quá khứ,
trừ khi qua sự liên hệ với hoàn cảnh hiện tại. Khi nào đến lúc cần thay
đồ thì ta cứ mặc áo vào; đến lúc cần lên đường thì ta hãy bước chân đi.
Có vậy thôi. Chứ còn mải mê đi loanh quanh tìm một Phật tánh xa xôi nào
chi nữa!” Thiếu sự tu tập chánh niệm, chúng ta chưa mặc áo vào, chưa
bước chân đi mà tâm ý đã phiêu du đến tận một phương trời nào trước rồi!
Hơi thở và thiền quán
Trong thiền, nhất là Zen và Vipassana, hơi thở được xem như một đối
tượng thiền quán rất quan trọng. Có những khóa thiền kéo dài ba mươi
ngày, chín mươi ngày mà hành giả chỉ ngồi để theo dõi hơi thở của mình.
Phương pháp ấy không phải chỉ dành riêng cho những người mới tu, mà
những bậc thiền sư lâu năm cũng chỉ thực hành có bấy nhiêu thôi.
Nhưng hơi thở không phải chỉ được sử dụng trong những khoá tu học mà
thôi. Trong cuộc sống hằng ngày, hơi thở là một phương tiện thiện xảo
giúp ta giữ gìn chánh niệm. Trong giờ phút hiện tại ta đang thở. Ý thức
được hơi thở ấy có nghĩa là ta đang có mặt trong hiện tại. Tư tưởng ta
nếu không có hơi thở giữ gìn, nó sẽ trôi bay đi bốn phương, tám hướng.
Tôi có một người bạn. Anh ta có một đời sống rất bận rộn. Anh nói với
tôi, mỗi ngày anh đều vặn đồng hồ đeo tay của mình để cứ nửa tiếng nó
báo hiệu một lần. Mỗi khi nghe tiếng báo hiệu ấy, anh trở về chú ý đến
hơi thở của mình. Đôi khi nó báo hiệu khi anh đang ngồi trong phòng họp,
đang giữa một cuộc tranh luận, trong lúc nói chuyện điện thoại... Trong
thời gian đầu, tiếng báo hiệu ấy đối với anh là một trở ngại. Nó bắt anh
phải bỏ dở dang công việc “quan trọng” mà anh đang làm, để chú ý đến một
việc hết sức tầm thường là hơi thở. Lúc đầu nó làm anh hơi bực mình.
Nhưng sau một thời gian, sự thực tập ấy trở thành một công phu. Nó nhắc
nhở anh ít nhất là mỗi nửa tiếng phải trở về sống với hiện tại và nghỉ
ngơi. Nó giúp anh ý thức được rằng không có công việc nào là thật sự
quan trọng đến như anh tưởng! Và nếu ta không có khả năng sống trong
hiện tại, an lạc ngay trong lúc này, thì phải đến bao giờ?
Lưới trời Đế Thích
Trong kinh có nói về cõi trời Đế Thích. Trên cung trời Đế Thích có một
tấm lưới giăng trùng trùng điệp điệp, có đính những hạt châu. Và mỗi hạt
châu đều phản chiếu tất cả những hạt châu khác trong tấm lưới. Nếu bất
cứ một hạt châu nào thay đổi màu sắc thì tất cả những hạt châu khác sẽ
phản ảnh việc ấy.
Sự sống của bạn, của tôi được tượng trưng bằng những hạt châu trong tấm
lưới trùng điệp ấy. Mỗi hạnh phúc, khổ đau của bạn sẽ được phản ảnh qua
những người thân yêu, qua bạn bè, qua thế giới chung quanh bạn. Và ngược
lại cũng thế! Chúng ta là một phần của nhau.
Có một lần tại San Francisco, Gary Snyder, một nhà thơ Hoa Kỳ, lên diễn
đàn đọc một bài thơ do ông sáng tác. Ông mở đầu bằng cách yêu cầu thính
giả hãy thưởng thức hơi thở của mình (Please enjoy your breathing). Rồi
ông nói tiếp: “Thầy Nhất Hạnh dạy tôi điều ấy.” Kế tiếp chương trình là
đến phiên thầy Nhất Hạnh. Trước khi đọc một bài thơ của thầy, thầy nói
với thính giả: “Xin quý vị hãy nhớ thưởng thức hơi thở của mình.” Rồi
thầy nói thêm: “Gary Snyder dạy tôi điều ấy.” Cả hội trường cười thật
vui.
Lát nữa tôi sẽ đi bón thêm phân và tưới nước cho chậu trúc trong phòng.
Chờ khi trời ấm tôi sẽ đem hết những chậu cây trong nhà ra ngoài hiên để
chúng hứng nắng và gió. Sáng nay trời nắng thật trong. Ngồi trong đây
tôi chợt nghe có vài con chim nào đó từ xa trở về, chúng đuổi bắt, đùa
giỡn với nhau, hót líu lo ngoài sân. Sau một mùa đông dài, mùa xuân năm
nay cũng vừa mới đến. Tôi biết vậy.