Tôi biết trời vào thu khi những buổi sáng có nhiều sương mù. Ngoài sân
có những hạt sương đóng thành băng phủ trắng màu cỏ. Mây như khói trôi
vướng trên đỉnh rừng, trên những ngọn đồi có vài khoảng đã chuyển màu
vàng nhạt. Hình như mùa thu nào cũng vậy, bắt đầu bằng những ngày mưa
ướt át. Chiều qua ra sân sau quét lá, tôi thấy ánh nắng hoàng hôn để lại
những dấu vết miên viễn trên khu rừng nhỏ sau nhà. Thu về rồi đó. Có một
chiếc lá đỏ rơi nhẹ xuống sân cạnh chỗ tôi đang đứng. Trời đã trở lạnh
tự một sáng nào. Không hay.
Đứa con gái tôi mùa thu năm nay được ba tuổi. Có lẽ đây là lần đầu tiên
nó biết mùa thu. Tôi sẽ đi với nó ra sân, giúp nó nhặt những chiếc lá
màu thật đẹp đem về bỏ vào chiếc cặp đeo lưng đi học của nó. Có mấy hôm
đến đón nó ở trường, vào mùa hè, thấy tôi nó chạy lon ton lại từ chiếc
xích đu nhỏ ở giữa sân, mỗi tay cầm một chiếc lá khô héo lượm được đâu
đó trên sân. Nó cho tôi một cái, còn một cái để dành cho em nó. Nó có vẻ
thích hoa lá lắm.
Mùa thu lá đổi màu rộ như hoa, thật huyền diệu. Ngày xưa hay có những
thiền sư chống gậy lên núi nhìn mùa thu. Một buổi chiều đứng nhìn đồi
núi mùa thu, tôi tưởng chừng như tất cả những tia nắng hoàng hôn trong
vũ trụ cùng nhau về đây nghỉ ngơi trên chuyến du hành miên viễn của
chúng.
Chiều qua có một người bạn cũ ghé qua thăm. Chúng tôi ra sau nhà uống
trà. Trời lành lạnh, tách trà thơm ấm. Anh nhắc cuộc đời trôi nhanh quá.
Hình như càng bận rộn bao nhiêu, ngày tháng lại qua mau bấy nhiêu. Chúng
tôi ngồi yên. Mây trôi trong tách trà thơm. Anh bạn kể cho tôi nghe
những mệt mỏi trên hành trình đã đi. Tu tập cũng không phải là chuyện
dễ. Tôi có cảm tưởng như anh là một tráng sĩ, chợt một ngày dừng lại bên
rừng thấy chuyện đời là vô nghĩa. Ngay cả cái lý tưởng ban đầu của mình
kia cũng là vô nghĩa, dầu có là cao thượng đến đâu. Tách trà của anh đã
chứa đựng bao nhiêu mùa thu rồi nhỉ?
Những lời anh nói làm tôi suy nghĩ. Việc anh làm có thật sự cần một lời
giải thích nào không? Cuộc sống này có cần phải có một ý nghĩa chăng?
Tôi không rõ. Tôi thấy mùa thu lang thang về theo không gian lành lạnh,
phảng phất trên một bầu trời ít mây, thấp thoáng trong những chòm lá
đang đổi sang màu trái chín. Có hay không thì ý nghĩa ấy mấy ai có thể
nói được!
Ngày xưa đọc những câu chuyện về thiền tôi vẫn thường cảm thấy ngẩn ngơ.
Những câu chuyện ấy khó hiểu không phải vì chúng quá bí hiểm, mà có lẽ
vì chúng quá rõ ràng. Bạn thấy không, đôi khi sự rõ ràng cũng lại có thể
là một “chướng ngại” lớn cho tri thức của mình nữa.
Một hôm, có một ông quan ghé thăm thiền sư XuanSha. Cả hai người ngồi
nói chuyện ngoài vườn. Ông quan hỏi ngài: “Thưa thầy, tôi vẫn thường
nghe người ta nói ‘Chúng ta ai cũng sử dụng NÓ’, nhưng tôi suy nghĩ mãi
vẫn chưa hiểu NÓ đó là cái gì?” Thiền sư XuanSha không trả lời, đưa dĩa
đựng hạt dưa lên mời ông quan. Ông ta lơ đãng đưa tay bốc lấy một hạt
đưa lên miệng cắn, rồi hỏi tiếp: “Thưa thầy, thầy vẫn chưa trả lời cho
tôi biết NÓ là cái gì?” Vị thiền sư chỉ những hạt dưa trong dĩa và đáp:
“NÓ chính là những CÁI NÀY đây, ông tiếp xúc với nó mỗi ngày mà có biết
đâu!”
Một câu chuyện khác. Một người học trò của thiền sư NiaoWo một hôm vào
lạy từ giã ngài: “Kính thưa thầy, con xin đội ơn thầy đã bỏ công dạy dỗ
con suốt mấy năm nay, nhưng con thấy bây giờ đã đến lúc con phải lên
đường.” “Thế con định sẽ đi đâu thế?” Người học trò đáp: “Dạ thưa thầy,
con định sẽ đi khắp nơi để tu học Phật pháp.” Thiền sư NiaoWo nói: “Thế
sao con không hỏi ta, ta có giữ Phật pháp nơi đây này!” “Ở đâu thầy?”
Người đệ tử mở to mắt hỏi. Thiền sư NiaoWo kéo ra một sợi chỉ trong tay
áo ngài, nói: “Đây này! Cái này nếu cũng không phải là Phật pháp thì là
gì?”
Một câu chuyện thiền khác. Có ba người đệ tử đứng ngoài sân chùa nhìn
thấy thầy mình đang đứng một mình trên đồi. Cả ba rủ nhau đi lên đồi hỏi
xem thầy mình đứng đấy làm gì. Người thứ nhất hỏi: “Thưa thầy, thầy đứng
chờ ai vậy?” “Ta không chờ ai hết.” Người đệ tử thứ hai nói: “Trời đẹp
quá, chắc thầy đứng đây để ngắm phong cảnh?” “Không phải.” Người thứ ba
hỏi tiếp: “Hay là thầy lên đây để hít thở không khí trong lành?”
“Không!” Vị thầy đáp. “Thế thầy đứng đây để làm gì?” Vị thầy nhìn ba
người đệ tử, mỉm cười đáp: “Ta đứng đây là vì ta đứng đây. Chỉ có vậy
thôi!”
Việc chúng ta làm có cần phải có một ý nghĩa nào không hở bạn? Tôi cũng
không rõ! Câu hỏi ấy tưởng chừng như đã trả lời nhưng nhìn cho sâu thì
nó không giản dị như ta nghĩ.
Tôi mới đi tham dự một khóa tu học về. Lên núi lá cây trên đường vẫn còn
xanh. Sau mấy ngày trở về, trên đường xuống núi lá đã đổi màu, vàng, đỏ,
tím ửng tươi. Mấy ngày tu tĩnh trên núi tôi đã học rất nhiều về hạnh
phúc, về an lạc. Trên con đường thiền hành, hai đứa con tôi chạy lăng
xăng chỉ cho tôi những bông hoa dại, nó ngạc nhiên chăm chú ngồi nhìn
những con sâu, con kiến như một phép lạ, một kỳ quan. Nó chưa thắc mắc
gì về sự sống. Nó chưa hỏi tôi về ý nghĩa của cuộc đời này. Có lẽ những
em bé chỉ biết sống, đơn giản như vị thiền sư đứng một mình trên núi
kia. Thiền sư Đạo Nguyên gọi đó là sơ tâm, một bản tâm chân thật sơ
nguyên mà tự nó có đầy đủ tất cả. Chưa bao giờ có một câu hỏi.
Xóm mới
Nếu bạn có dịp ghé qua miền này một lần, bạn hãy chọn mùa thu. Không bao
giờ có hai mùa thu giống nhau. Cũng như chưa từng bao giờ có hai chiếc
lá giống nhau. Người ta thường cho rằng mùa thu biểu hiện cho sự tàn úa,
nhưng tôi nghĩ khác. Tôi thấy một sự sống nhiệm mầu biểu hiện trong mùa
thu. Bạn có bao giờ đi dạo trong rừng thu chưa? Nhất là vào những buổi
hoàng hôn lộng gió, nắng và lá hòa nhập vào nhau biến hóa trùng trùng
màu sắc. Âm thanh của lá lào xào trên cao, dưới chân như tiếng sóng
trùng dương.
Có một vị thiền sư, đêm đông bước chân ra về từ nhà người bạn. Tuyết mới
bắt đầu rơi. Ngước mặt nhìn những bông tuyết mới tinh, ngài quay sang
bảo người bạn: “À, nhìn những bông tuyết ngoan hiền kia, mỗi hạt tuyết
đều rơi xuống đất đúng theo vị trí đã định sẵn của chúng!” Bạn có thấy
vậy không, mỗi chiếc lá đều có một vị trí, sự sống riêng biệt và đặc thù
của nó. Thật kỳ diệu!
Chúng tôi rót thêm trà. Khói bốc lên ấm một khoảng không gian nhỏ bé. Vì
sao chúng ta lại làm những chuyện mình đang làm! Tôi không nghĩ đó là
một câu hỏi, nên có lẽ không cần một câu trả lời. Ta hãy trở về với hơi
thở của mình để tìm lại ngọn lửa ấm trong tâm, để sưởi ấm đôi bàn tay.
Tôi nhớ có đọc một bài thơ rất đẹp nói về bếp hồng lửa ấm.
Sáng hôm nay hộp diêm của tôi hết rồi
bếp lạnh như trời cuối thu ướt lạnh
tác phẩm dở dang còn đó
tôi sang nhà láng giềng xin lửa
(hồi bé chúng ta thường hai đứa chạy xin)
em hỏi tôi sẽ làm sao nếu nhà láng giềng không còn lửa
- chúng tôi sẽ họp hai người hát ca
nhớ lời em dặn ‘là những bông hoa’
chúng tôi sẽ cầm đuốc đi bên nhau hướng về xóm mới
em cũng cứ hát ca đi, trong khi chờ đợi,
thế nào trong xóm ta cũng có nhà còn lửa.
Thôi tôi xin mọi người đưa tay nói thực: có phải tất cả chúng ta đang
tin ở điều đó như đang tin hôm nay ở hiện hữu nhiệm mầu?
Tôi biết có những nhà nghèo, nhưng trấu hồng ngún cháy ngày đêm trong
bếp hồng âm ỉ
tôi sẽ nhớ lời em không quấy động bếp lành
một nắm rơm đặt vào
đợi khói tỏa màu xanh,
em nhìn xem: chỉ một hơi thở nhẹ của hồn tôi thôi
cũng đủ gọi về lửa đỏ.
Anh về, người lữ khách hôm nay thấy lòng ấm áp
một buổi chiều nhìn khói lam ấp ủ mái tranh thơ
về xóm mới chúng tôi đi!
Tất cả vẫn mong chờ
em tôi vẫn còn trông nom chút lửa hồng bếp cũ
Mái chèo xuôi nước sông
thuyền về không do dự
sao đêm an lành thuyền anh đi mãi
nhìn bóng chiều sa không ngại
vì biết tình thương hôm nay còn đủ sưởi ấm ngày mai
Bếp tôi ấm rồi, mời anh về với chúng tôi thôi
công phu của ai ngàn năm bắc một nhịp cầu nối liền xa cách
tác phẩm còn tươi nét mực
lấy giọng trong lành,
em tôi sẽ đọc
cho chúng mình nghe,
bên tiếng nổ tí tách của những
cành lửa reo vui.
Có lẽ một đôi khi chúng ta cũng cần phải đi tìm một chút lửa về đun ấm
lại bếp hồng của nhà mình. Bạn hãy nhớ trông nom chút lửa hồng trong bếp
cũ. Chỉ khi nào bếp ta nguội lạnh, ta mới bắt đầu có những thắc mắc về
cuộc sống. Trong những ngày tu học, chúng tôi tập có ý thức về hơi thở,
về sự sống; chúng tôi tập mỉm cười, săn sóc lại ngọn lửa ấm trong bếp
hồng nhà mình...
Ngày xưa có một vị lương y trong quân đội. Vào thời có chiến tranh ông
phải tháp tùng quân lính ra trận và có nhiệm vụ săn sóc, cứu thương cho
binh sĩ. Năm này sang năm nọ, ông nhìn thấy những binh sĩ mà ông mới vừa
cứu sống, lại leo lên ngựa xông ra chiến trận, rồi lại bị thương hoặc có
đôi khi tử trận.
Vị lương y đâm ra chán nản, không biết những việc mình làm thật sự có
ích lợi gì. Ông tự hỏi: “Nếu số phận của họ là phải chết thì ta cứu sống
họ làm gì? Nếu nghề thầy thuốc của ta là hữu ích thì tại sao ta không
cứu được họ?” Một ngày nọ, ông bỏ đi một mình lên núi theo học đạo với
một vị thiền sư, mong tìm một câu trả lời. Sau nhiều năm tu tập, ông
xuống núi và trở lại làm lương y cho quân đội. Ông tiếp tục săn sóc,
chữa lành cho những binh sĩ bị thương, để rồi lại nhìn họ ra trận, bị
thương hoặc tử trận. Nhưng ông vẫn cứ vui vẻ với việc làm của mình. Nếu
có ai thắc mắc hỏi ông, ông chỉ giản dị trả lời: “Vì tôi là một lương
y!” Thế thôi. Đâu còn một câu trả lời nào chân thật hơn, phải không bạn?
Bây giờ là đầu mùa thu. Chúng tôi ngồi yên nhìn mây trôi với lá. Trời
mùa thu ướt lạnh. Bạn hãy thở để làm ấm hiện hữu nhiệm mầu. “Em nhìn
xem: chỉ một hơi thở nhẹ của hồn tôi thôi, cũng đủ gọi về lửa đỏ...” Mùa
thu về với chiếc lá màu đỏ thẫm trong tay bé Khánh Như. Nó lăng xăng
chạy khắp sân chọn lựa những chiếc lá đủ màu. Được nhìn một đồi núi rừng
cây chín lá mùa thu, có ai còn tìm được một ý nghĩa nào khác chân thật
hơn nữa đâu bạn nhỉ.