Những lời chúc tốt đẹp đầu xuân là điều hầu như không thể thiếu được ở
bất cứ nơi đâu trên thế giới, và lại càng không thể thiếu được trong
những xã hội Á Đông, nơi vốn có truyền thống xem trọng những giá trị
tinh thần hơn là vật chất.
Thật vậy, ngay cả khi ta đang sống giữa bộn bề những khó khăn vất vả,
chỉ cần nghe được những lời chúc xuân của người thân và bè bạn là cứ
tưởng như mình rồi sẽ lập tức vượt qua được tất cả mọi khó khăn, và cũng
tin tưởng rằng trong năm mới mọi thứ đều sẽ mới, sẽ tốt đẹp hơn và hoàn
hảo hơn rất nhiều so với năm cũ!
Nhiều người cho rằng những lời chúc quá tốt đẹp dành cho nhau trong dịp
xuân về thường là sáo rỗng vì không hợp với thực tế và thường có đến
chín phần mười là không thể đạt được! Nào là sống lâu trăm tuổi, vạn sự
như ý, an khang thịnh vượng, phát tài phát lộc... Thôi thì đủ cả mọi
điều tốt đẹp, cứ như mặt đất này phút chốc đã biến thành thiên đường với
toàn những điều mà ai ai cũng luôn mơ ước! Biết là không thể có được mà
vẫn cứ nói ra, vẫn cứ chúc cho nhau, vẫn cứ hy vọng hão, như vậy chẳng
phải chỉ là những lời sáo rỗng đó sao?
Tuy nhiên, mọi truyền thống đều có những ý nghĩa tốt đẹp nhất định của
chúng. Chỉ sợ rằng chúng ta không hiểu được thâm ý của người xưa nên đôi
khi vô tình đánh mất đi những ý nghĩa sâu xa trong đó mà thôi. Những lời
chúc tốt đẹp mà chúng ta dành cho nhau, xét cho cùng chính là sự biểu lộ
mối quan tâm đến nhau và sự khao khát vươn đến mọi điều tốt đẹp hơn
trong cuộc sống. Vì thế, điều quan trọng ở đây là chúng ta nên hiểu về ý
nghĩa của chúng như thế nào, và thể hiện chúng theo cách nào để phù hợp
với những ý nghĩa đích thực đó. Nếu bạn cầu chúc cho một người nào đó
với mức độ tình cảm dành cho người ấy được đo bằng số không, thì chắc
chắn lời chúc ấy cho dù có văn hoa, tốt đẹp đến đâu cũng sẽ chỉ là những
lời sáo rỗng! Nhưng nếu bạn thực sự gửi gắm tình cảm chân thành của mình
dành cho ai đó trong lời cầu chúc của mình, thì điều chắc chắn là cho dù
bạn có thể hiện một cách vụng về đến đâu đi chăng nữa, những lời cầu
chúc ấy vẫn sẽ được trân trọng.
Vì thế, cho dù chúng ta luôn sẵn có rất nhiều lời chúc xuân hết sức tốt
đẹp để chọn lựa và gửi đến cho những người thân quen của mình, nhưng có
hai điều mà tự thân bạn nhất thiết phải có được để mang lại giá trị chân
thật cho những lời chúc tốt đẹp ấy.
Điều thứ nhất muốn nói đến ở đây chính là tình cảm chân thật. Khi xuất
phát từ tình cảm chân thật, mọi lời cầu chúc đều có thể xem là tốt đẹp,
không chỉ vì nội dung tốt đẹp hàm chứa trong từng câu chữ, mà chính là
do nơi tình cảm chân thành được gửi gắm vào trong đó.
Trong mối quan hệ đa dạng với nhiều người khác nhau trong xã hội, điều
tất nhiên là chúng ta không bao giờ có thể dành cho tất cả mọi người một
tình cảm đồng đều như nhau. Ngay cả với những thành viên trong cùng một
gia đình thì sự khác biệt về mức độ tình cảm mà chúng ta dành cho mỗi
người cũng vẫn có những khác biệt nhất định nào đó. Tuy nhiên, tình cảm
chân thật không phụ thuộc vào mức độ tình cảm mà chúng ta dành cho mỗi
người. Điều quan trọng nhất là, cho dù trong tình yêu, tình bạn hay tình
gia tộc, những tình cảm mà chúng ta dành cho nhau phải hết sức chân
thật, được xuất phát từ chính những cảm xúc thật có trong lòng ta mà
không phải gượng ép tạo ra bởi một lý do hay động lực nào khác.
Trong thực tế, bất cứ quan hệ giao tiếp nào trong xã hội cũng đều bao
gồm hai yếu tố: một là nhu cầu giao tiếp thuần túy và hai là tình cảm
nảy sinh trong quá trình giao tiếp. Lấy ví dụ thật đơn giản như khi bạn
ghé vào hiệu sách để chọn mua một quyển sách chẳng hạn. Điều tất nhiên
là bạn cần có sự giao tiếp với một nhân viên bán hàng. Người ấy sẽ giới
thiệu với bạn về những tựa sách hiện có trong nhà sách, sẽ gợi ý với bạn
về những cuốn sách hay đang được nhiều người ưa chuộng, hướng dẫn bạn
trong việc tìm kiếm cuốn sách mà bạn cần...
Bạn đang có nhu cầu mua sách và nhân viên bán hàng có trách nhiệm bán
sách. Vì thế, giữa hai bên nảy sinh một quan hệ giao tiếp thuần túy. Tuy
nhiên, trong quá trình giao tiếp, có thể là sự tinh tế và chu đáo với nụ
cười duyên dáng đầy thiện cảm của cô bán hàng sẽ làm nảy sinh nơi bạn
một mức độ tình cảm nhất định. Đồng thời, phong cách giao tiếp lịch sự,
cử chỉ nhã nhặn của bạn cũng làm nảy sinh nơi cô bán hàng một tình cảm
tích cực nào đó. Do yếu tố tình cảm nảy sinh này, đôi bên có thể sẽ tiếp
tục trao đổi thêm một vài vấn đề nào đó ngoài quan hệ thuần túy của việc
mua bán, cũng có thể sẽ mời nhau một ly nước giải khát hoặc thậm chí một
bữa cơm làm quen...
Nhưng ngược lại, nếu bạn bắt gặp một khuôn mặt khó đăm đăm và luôn cau
có, chỉ trả lời từng tiếng một nhát gừng, thì có lẽ số đo của yếu tố
tình cảm nảy sinh sẽ chỉ là số không, hoặc thậm chí có thể xem là số âm
nếu như nó đủ để làm cho bạn bực bội rời khỏi cửa hàng ấy ngay tức khắc!
Suy rộng ra một cách tương tự thì tất cả mọi quan hệ khác cũng đều như
thế. Quan hệ giữa người bán hàng và người mua hàng, giữa người chủ thuê
và người làm công, thậm chí cho đến giữa vợ chồng với nhau cũng đều như
thế.
Chính vì thế mà luôn có những người bán hàng dành được tình cảm của
người mua, có được những khách hàng sẵn sàng ủng hộ lâu dài cho họ. Hoặc
có những người làm công vẫn chấp nhận gắn bó với chủ thuê ngay trong
những hoàn cảnh khó khăn nhất, cho dù có thể dẫn đến sự thiệt thòi về
vật chất. Bởi vì giữa họ với nhau không chỉ có thuần túy mối quan hệ
giao tiếp qua công việc, mà còn có sự nảy sinh những tình cảm chân thật.
Tương tự như vậy, khi hai người kết hôn với nhau, quyết định cùng nhau
chung sống để tạo dựng một gia đình, họ sẽ ràng buộc với nhau trước hết
bởi yếu tố thuần túy là mục đích tạo dựng gia đình. Nhưng trong quá
trình giao tiếp và chung sống, chính sự quan tâm lẫn nhau, giúp đỡ và hy
sinh cho nhau sẽ ngày càng làm nảy sinh giữa đôi bên những tình cảm gắn
bó thắm thiết bền vững. Ngược lại, cho dù đã chung sống với nhau đến
mười năm, hai mươi năm, nhưng nếu không có sự quan tâm lo lắng cho nhau,
không cùng nhau chia sẻ những buồn vui, sướng khổ, thì yếu tố tình cảm
chắc chắn sẽ không thể được nuôi dưỡng đủ để gắn kết đôi bên trong hạnh
phúc.
Khi chúng ta biết phân biệt giữa nhu cầu giao tiếp thuần túy và yếu tố
tình cảm nảy sinh, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được thế nào là tình cảm
chân thật. Đó chính là sự tách rời khỏi nhu cầu công việc, được thể hiện
bởi những cảm xúc thật có trong lòng ta mà không do bất cứ một sự tính
toán lợi dụng hay áp lực nào từ bên ngoài. Chẳng hạn, khi bạn mua một
món quà cho sếp với hy vọng là những ngày làm việc sắp tới ở văn phòng
sẽ được “dễ thở” hơn, thì điều đó hoàn toàn không thể xem là tình cảm
chân thật. Điều này thật dễ hiểu, bởi vì trong trường hợp này thì chỉ
cần sếp chuyển công tác sang một bộ phận khác không trực tiếp chi phối
công việc của bạn, chắc chắn bạn sẽ quên ngay cả tên gọi của xếp, nói gì
đến chuyện quà biếu! Ngược lại, nếu bạn thực sự biết ơn vì những quan
tâm giúp đỡ tận tình của sếp trong suốt thời gian qua, đã giúp bạn vượt
qua được nhiều khó khăn trong công việc, thì sự thể hiện tình cảm của
bạn là chân thật. Trong trường hợp này, cho dù sếp có chuyển công tác đi
nơi khác, chắc chắn bạn cũng sẽ không ngại bỏ công tìm đến cơ quan mới
của sếp để bày tỏ tình cảm của mình.
Trước khi bạn gửi lời chúc xuân đến với ai đó, hãy chắc chắn là bạn đã
có được tình cảm chân thật với người đó. Như đã nói, không cần thiết
phải đạt đến mức độ “đồng sinh cộng tử” hay “chia ngọt sẻ bùi” với nhau
mới gọi là có tình cảm chân thật. Cho dù chỉ là những tình cảm vừa nảy
sinh qua sự giao tiếp ngắn ngủi, nhưng nếu thực sự là những cảm xúc thật
có trong lòng bạn, được nảy sinh một cách hoàn toàn tự nhiên mà không có
bất cứ sự tính toán lợi dụng nào, thì đó chính là những tình cảm rất
chân thật!
Bạn có thể phân vân rằng khi đặt ra tiêu chí này phải chăng có thể sẽ
giới hạn số lượng những người mà bạn muốn chúc xuân? Điều này thật ra
không hẳn thế. Tình cảm chân thật của chúng ta không phải là một kiểu
“tài nguyên” có giới hạn, vì thế mà cho dù bạn có dành tình cảm chân
thật của mình cho bao nhiêu người cũng không hề sợ... thiếu.
Vấn đề đối với hầu hết chúng ta là, khi tập thành thói quen bày tỏ tình
cảm với người khác một cách không chân thật, chúng ta không chỉ đang dối
gạt người khác mà còn là đang dối gạt chính bản thân mình. Những cách
nói “xã giao” thân mật một cách giả tạo không phải là “vô thưởng vô
phạt” như nhiều người lầm tưởng, mà thực sự là một thói quen tai hại có
thể làm chai lỳ những cảm xúc chân thật trong lòng ta. Vì thế, để có
được mối quan hệ giao tiếp tốt với tất cả mọi người, trước hết chúng ta
cần phải biết chân thật với chính mình.
Khi chúng ta chân thật với chính mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng không
cần thiết và không nên thể hiện tình cảm một cách giả tạo, không chân
thật với bất cứ ai. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là giới
hạn những đối tượng tình cảm của chúng ta, mà có nghĩa là hãy cố gắng
tập thói quen luôn quan tâm đến người khác một cách chân thật. Khi ta
quan tâm đến người khác một cách chân thật, ta sẽ luôn dễ dàng tìm thấy
những điểm đáng yêu, dễ mến ở bất cứ ai, và điều đó giúp ta nảy sinh
tình cảm chân thật, không giả tạo.
Hãy mở rộng tình cảm chân thật của bạn đến với tất cả mọi người trong
cuộc sống này bất cứ khi nào có dịp, bởi vì cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi
ta có được mọi người quanh ta để thương yêu và được thương yêu. Tuy
nhiên, hãy tập thói quen chỉ bày tỏ tình cảm của bạn một cách thật lòng.
Sự chân thật sẽ được đáp lại bằng chân thật, và vì thế mà cuộc sống của
chúng ta mới thực sự có ý nghĩa, thực sự là một mái nhà chung ấm áp cho
tất cả mọi người chứ không phải là một “đấu trường” mà trong đó ai ai
cũng luôn phải hoài nghi, dò xét lẫn nhau.
Khi bạn đã có được tình cảm chân thật với một người, lời cầu chúc của
bạn sẽ không bao giờ có thể bị xem là sáo rỗng, bởi vì nó luôn được xuất
phát từ tình cảm chân thật ấy. Hơn thế nữa, tình cảm chân thật bao giờ
cũng dẫn đến sự quan tâm lẫn nhau, nhờ đó chúng ta sẽ có thể hiểu được
nhiều điều về mức sống cũng như hoàn cảnh hiện thời của người kia. Vì
thế mà bất cứ lời chúc nào khi được chọn gửi đến cho người khác đều sẽ
không chỉ là những nội dung sáo rỗng.
Điều cần thiết thứ hai để mang lại giá trị chân thật cho lời cầu chúc
của bạn là những giá trị thật có của chính bản thân bạn. Điều này có ý
nghĩa hết sức quan trọng. Cũng giống như khi bạn dẫn đường cho một ai
đó, bạn nhất thiết phải tự mình thông thạo đường đi thì những chỉ dẫn
của bạn mới thực sự có giá trị. Nếu chúng ta thực lòng mong muốn cho
những lời chúc tốt đẹp của mình trong dịp xuân về sẽ trở thành hiện
thực, thì nhất thiết bản thân ta phải thực sự có được những giá trị nhất
định nào đó.
Bạn không thể cầu chúc, mong muốn cho người khác được an vui hạnh phúc
nếu như bản thân bạn chưa từng trải nghiệm một cuộc sống an vui hạnh
phúc hoặc ít ra cũng là đang hướng đến một đời sống như thế. Bạn không
thể cầu chúc, mong muốn cho người khác dồi dào tiền của nếu như bản thân
bạn không có bất cứ biểu hiện nào của sự siêng năng cần mẫn, tích cực
trong công việc. Bạn cũng không thể cầu chúc, mong muốn cho người khác
được dồi dào sức khỏe nếu như bản thân bạn không biết tự giữ gìn sức
khỏe, rơi vào cảnh nghiện ngập, rượu chè be bét...
Những điều đó nghe qua có vẻ như chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng thực
ra lại là những giá trị luôn gắn bó mật thiết. Một lời cầu chúc chân
thành không chỉ đơn thuần là sự bày tỏ niềm mong ước của bạn về những
điều tốt đẹp cho ai đó. Trong thực tế, nó còn có một sức mạnh động viên,
khích lệ, có thể giúp cho người nhận được lời cầu chúc đó tăng thêm sức
mạnh, niềm tin và nghị lực để hướng đến những thành quả tốt đẹp thực sự.
Và vì thế mà nhân cách và những giá trị tinh thần của mỗi người luôn là
nền tảng để tạo ra giá trị đích thực cho lời cầu chúc mà họ đưa ra.
Bạn có thể tự mình nhận ra điều này bằng cách phân tích những cảm xúc
của chính bản thân khi nhận được một lời cầu chúc từ ai đó. Bạn sẽ dễ
dàng nhận ra sự khác biệt giữa lời chúc xuân của một người này khi so
với một người khác. Điều gì đã tạo ra sự khác biệt đó? Chính là sự khác
biệt về nhân cách của họ, là những giá trị tinh thần mà mỗi người đã tạo
ra trong đời sống. Điều này giải thích một tập tục có từ rất xa xưa của
người Việt, mỗi dịp xuân về luôn mong muốn sẽ được một vị đạo cao đức
trọng trong thôn xóm, hoặc một người có những đức tính như hiền hậu,
siêng năng, tử tế... đến viếng thăm nhà mình trước tiên để chúc Tết. Ý
nghĩa tích cực này đã bị rất nhiều người hiểu sai, để rồi đâm ra phê
phán cho đó là một sự mê tín, hủ tục.
Thật ra, không chỉ là những lời chúc xuân, mà ngay cả những lời khuyên
bảo hoặc an ủi thường ngày trong cuộc sống của chúng ta cũng luôn gắn
liền với giá trị tự thân của người đưa ra những lời khuyên bảo hoặc an
ủi đó. Có những người chỉ cần nói ra một lời động viên khuyến khích là
đã khiến cho người nghe như được tăng thêm sức mạnh bội phần, nhưng
ngược lại cũng có những người mà cho dù có nói ra toàn những lời văn hoa
tốt đẹp cũng chỉ bị người khác xem như gió thoảng, không một chút lưu
tâm! Khi thấy được sự khác biệt này là có thật, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu
được vì sao người xưa rất xem trọng những ai sẽ đến chúc Tết cho gia
đình mình.
Nói một cách khác, nếu chúng ta thực sự muốn cầu chúc những điều tốt đẹp
cho người khác, thì điều trước tiên là chúng ta phải hiểu và trân trọng
những giá trị tốt đẹp đó, cũng như tự mình có được những nỗ lực hoàn
thiện bản thân để hướng đến chính những điều tốt đẹp đó.
Khi bạn thực sự có tình cảm chân thành với ai đó và tự xét mình có được
những giá trị tự thân nhất định, thì lời chúc xuân mà bạn dành cho người
ấy chắc chắn sẽ luôn có những giá trị tích cực mà không chỉ là những lời
mang tính xã giao, sáo rỗng.
Trong chu kỳ vận chuyển của thiên nhiên, mùa xuân luôn mang đến nguồn
sinh lực lớn lao cho hết thảy muôn loài. Cho dù không hề biết đến việc
chúc xuân nhưng muôn loài vẫn đua nhau sinh sôi nảy nở, vẫn náo nức hân
hoan khi khởi đầu một chu kỳ mới với những điều kiện ưu ái mà thiên
nhiên ban tặng trong dịp xuân về. Con người chúng ta không chỉ nhận được
nguồn sinh lực tự nhiên từ thiên nhiên, mà còn muốn tạo ra và dành cho
nhau những nguồn sức mạnh tinh thần khác trong dịp xuân về để cùng hướng
đến những điều tốt đẹp hơn trong năm mới. Việc dành cho nhau những lời
chúc xuân là một phong tục tốt đẹp và mang nhiều ý nghĩa tích cực. Khi
chúng ta có thể hiểu đúng những ý nghĩa này, chúng ta không chỉ mang đến
nguồn động lực tích cực cho người khác mà còn là tạo ra được khuynh
hướng tốt đẹp cho chính bản thân mình. Vì thế, xét cho cùng thì những sự
cầu mong, những niềm mơ ước lúc xuân về thực sự là những nỗ lực tích cực
để cùng nhau vươn lên hoàn thiện. Trong ý nghĩa đó, những sự tốt đẹp
trong cuộc sống thực sự đang được chúng ta chủ động tạo ra mỗi ngày chứ
không phải là sự mong chờ dựa vào nội dung của những lời cầu chúc.
Khi hiểu theo ý nghĩa này, chúng ta sẽ thấy những nỗi khát khao, những
niềm mơ ước được thể hiện qua lời chúc xuân của mọi người trong dịp xuân
về không phải là những nội dung được cường điệu đến mức hão huyền, mà
chỉ đơn giản là một sự biểu hiện của tinh thần lạc quan, luôn cố gắng
vươn đến những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Bởi vậy, cho dù biết
chắc là tất cả đều sẽ già suy theo thời gian nhưng chúng ta vẫn không hề
thiếu sự chân thành khi cầu chúc cho nhau một tuổi xuân mãi mãi tồn tại:
Xuân là xuân khắp mọi nhà,
Chúc nhau trăm tuổi vẫn là tuổi xuân!
Và thật ra thì cái tuổi xuân khi trăm tuổi ấy vẫn là một điều hoàn toàn
có thể đạt được!