Cô Trần Thị Lẹ sinh năm 1954, cư ngụ tại ấp Long Phước, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Song thân là cụ ông Trần Văn Luông, và cụ bà Hà Thị Nên, cô là chị Hai trong gia đình có bảy người con.
Tính tình của cô rất chân thật, hiền lành, vui vẻ, siêng năng, an nhẫn mọi cảnh duyên.
Năm 1971 cô có ghi danh học khóa “Đạo Pháp Khai Tâm” do Giáo Hội tổ chức tại Phú Tân.
Ngày rằm tháng 7 năm 1972 (lúc 18 tuổi) cô phát tâm chay trường, sau đó khuyên cha mẹ bỏ nghề chài lưới, rồi lần hồi cả gia đình đồng ăn chay tu hành.
Năm 1974 cô xin cha mẹ cho phép đi với cô Năm Nở, vừa là bà con thân thích mà cũng vừa là bạn đạo, cùng nhau cất thất gần An Hòa Tự, thuộc huyện Phú Tân để ở tu. Thời gian này cô rất tinh tấn nỗ lực dụng công, ngày đêm 4 thời hành đạo, sau lễ bái cô ngồi niệm Phật khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng đồng hồ, nhiều lúc công việc bận rộn vẫn không bỏ thời.
Cô cũng thường xem kinh sách nhưng chủ yếu vẫn là quyển Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ. Các ngày sóc vọng cô cũng có đến chùa tham gia phần diễn ngâm, bởi giọng đọc của cô tương đối tốt.
Thời gian tu ở đây được 5 năm thì cô về cất thất gần nhà, vừa tu vừa tiện bề lo phụng dưỡng song thân.
Đời sống sinh hoạt của cô rất bình dị, sự ăn mặc giản đơn cần kiệm. Dù rằng phải làm lụng vất vả bằng nhiều nghề, như: làm ruộng, làm rẫy, làm nhang, may mền… để nuôi sống gia đình, nhưng cô vẫn luôn sẵn sàng tùy phần giúp đỡ mọi người xung quanh về tiền bạc cũng như công sức. Mỗi khi hay tin các em cháu cất thất tu hành cô đều tận tâm ủng hộ hết mình! Tất cả tiền bạc làm ra cô đều chi dụng cho sinh hoạt gia đình, không hề so đo tính toán; lo chăm sóc cha mẹ khi bệnh hoạn cũng như lo cho các em; chưa từng nghĩ đến riêng cho bản thân mình. Có mấy bộ đồ cũ kỹ cứ mặc hoài chẳng để tâm sắm sửa may mới.
Một điểm rất đặc biệt nổi bật là cô phát tâm nuôi bệnh, bất luận thân sơ lạ quen gì, hễ ai có nhu cầu cô liền đáp ứng, mà không nhận một khoản thù lao nào. Cũng cần nên biết, vào những năm sau 75, về phương diện vật chất hầu hết các bệnh viện đều thiếu thốn đủ mọi thứ, ngay cả bệnh nhân còn phải 2 người 1 giường, và người chăm sóc phải thức đêm thức hôm, nên rất vất vả, nếu không có sức khỏe tốt, không có nghị lực cũng như thiện tâm thiện chí, thì khó có thể ở trong bệnh viện xuyên suốt trọn vẹn quá trình từ nhập cho tới xuất viện, vì thời gian trung bình khoảng một hoặc vài tuần lễ. Nhiều năm nuôi bệnh nên hầu hết các bệnh viện lớn ở Sài Gòn đều là chỗ cô tới lui như ăn cơm bữa, bao nhiêu thủ tục giấy tờ nhập xuất viện cô đều thông thạo, thuộc loại chuyên nghiệp lâu năm.
Thuở xưa Cổ Đức đã từng dạy:
“Thấy ai khổ biết động tình,Không lần chuỗi hột cũng thành Phật Tiên.Khởi tâm lành khó vô biên,Người nào có được Thần Tiên chẳng phàm.Rán làm những việc khó làm, Quỷ Thần nể mặt thế phàm kiêng oai.Hứa làm gì chớ để sai,Nguyện tu thì phải thường ngày lo tu.…Dẫu đường xa mấy mặc dù,Cố đi vạn dặm cũng thu ngắn tầm.…Tu hành có được nhứt tâm,Thành công chắc chắn như cầm trong tay.Tu lâu không kiến Phật đài,Bởi tu cửa miệng chẳng hay tu lòng.Cho ra chỉ có một đồng, Muốn vào cả vạn tiền công tiền lời.Mới vừa lạy Phật ban mơi,Kế chiều đó muốn được ngồi Tòa sen.Ở trần dối trá đã quen,Khi vào cửa Phật cũng bèn dối luôn, Thấy đời tu dối thêm buồn,Gạt người còn muốn gạt luôn Phật Trời.Người tu người khỏi khổ đời, Lợi chi cho Phật mà người kể công.Tu thì phải nhớ thành lòng, Dối tu thêm tội đừng hòng vãng sanh.…Gắng công trì niệm đêm thanh,Đủ đầy tín nguyện tất thành tựu cao.…Đợi khi mưa đổ ào ào,Mới lo mua lá bào nhào tấm thân. Làm hiền hiền đến bên chân,Làm hung hung dính sau lưng không rời.Thích ai người đó đến chơi,Hung mà muốn được hiền mời khó thay.Nhân nào quả nấy không sai,Đừng gây nghiệp dữ phải gây nghiệp lành.Xưa nay dạy việc tu hành,Muốn người tránh nghiệp bất lành về sau.Cũng vì nghiệp ác gây vào,Chúng sanh cứ mãi chuyền lao trong trần.Nay không chấm dứt ác nhân, Sẽ lưu ác báo cho thân mai này.Khổ thân chẳng phải phút giây, Mà là khổ ấy kéo dài vô biên.Sống trong cảnh khổ triền miên, Thức thần do đó đảo điên lu mờ.Chúng sanh lắm kiếp không ngờ, Trước kia thú vật bây giờ người ta.Khi người khi thú khi ma,Đều do nghiệp tạo sanh ra sáu đàng.…Tây Phương quyết chí nguyện sang,Chuyên tu Tịnh Nghiệp sen vàng đơm bông.Nghiệp này ra khỏi trần hồng,An vui vĩnh viễn thoát vòng trầm luân!” Cô thường xuyên tham dự những ngày niệm Phật định kỳ của các đồng tu tổ chức tại tư gia, và cầu nguyện tuần thất cho các thân hữu cũng như bà con hay đồng đạo trong vùng. Ngoài ra cô còn đến phòng thuốc Nam để công quả chặt thuốc, phơi thuốc.
Mãi đến sau này cô cũng đã ghi danh tham dự khóa học do Giáo Hội tổ chức tại địa phương, hăng hái học hỏi Phật Pháp, mà không ngần ngại tuổi đời của mình đang ở mức cao niên!
Những khi rảnh rỗi cô thường xem nghe kinh sách hoặc băng đĩa, nhưng công phu chính yếu vẫn là niệm Phật trong mọi oai nghi, luôn sanh tâm nhàm chán cõi Ta Bà đầy đau khổ này, một lòng nguyện vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, xem đây là hành trang duy nhất của đời mình.
Sự tu hành của cô duy trì âm thầm và đều đặn như thế trải suốt mấy mươi năm trôi qua dường như chưa từng thay đổi.
******
Đến ngày 29 tháng 11 năm 2012 cô cảm bệnh, hệ thống tiêu hóa rối loạn, bụng sưng to. Em gái Út đề nghị cô nên ra Sài Gòn để khám bệnh, và muốn cùng đi chung với cô, nhưng cô không cho mà chỉ đi một mình. Đến Bệnh Viện Đại Học Y Dược, bác sĩ ở đây chẩn đoán là viêm gan siêu vi B giai đoạn cuối.
Biết chắc chắn rằng mạng sống của mình không thể vượt qua chứng bệnh quái ác này, nên cô về nhà uống thuốc Nam một lòng niệm Phật khẩn thiết chờ vãng sanh. Bệnh ba hồi tăng bốn hồi giảm; bụng phình to rất nhanh, bao nhiêu y phục cũ không còn mặc được; có lúc thì xọp lép xẹp rất lẹ như người bình thường.
Đến ngày 20 tháng 12 bệnh kịch phát, bụng sưng rất to, môi chuyển sang màu tím, nằm thở, đổ nước hết còn chạy, tình thế rất nguy ngập, sinh mệnh dường như chỉ mành treo chuông. Dù cô không muốn đi chữa trị ở đâu hết, chỉ muốn ở nhà chuyên niệm Phật để theo Phật, nhưng thân quyến nóng lòng chủ động quyết định kêu xe chữ thập đỏ, rồi khiêng cô lên, đưa thẳng vào Bệnh Viện Chợ Rẫy. Nằm viện qua 10 ngày sức khỏe tạm ổn bèn xuất viện, rồi từ đó cứ hai hoặc bốn tuần lễ tái khám một lần.
Vài tháng sau bệnh tái phát dữ dội, lại phải nhập viện đợt hai là 13 ngày. Rồi cũng như vậy, bệnh khi tăng khi giảm. Lúc này ai bày chi uống nấy, đủ các loại thuốc Tây - Tàu - Nam - Bắc... lăng xăng, uống để cho mọi người vui chứ riêng bản thân, cô cảm thấy quả thật là không cần thiết phải dùng đến mấy thứ này. Phần bệnh thì vẫn chẳng có gì lui sụt! Sức khỏe cô cạn kiệt dần dần.
Đến ngày mùng 9 tháng giêng năm 2013, bệnh biến chứng sang thận và phổi nên phải nhập viện đợt ba, lượng dịch rút ra từ phổi tổng cộng là 8 lít. Thời gian nằm điều trị lần này qua 16 ngày thì xuất viện.
******
Hơn một năm trời bệnh khổ, cô chuyên tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương, mặc dù ý cô không muốn chữa trị nhưng vì để cho người thân vui lòng nên miễn cưỡng tùy thuận. Cô buông bỏ vạn duyên, khách viếng thăm phần nhiều cô nhờ gia quyến tiếp hộ bên ngoài. Thỉnh thoảng các em thay phiên chăm sóc cho cô, thường hay đem chuyện làm ăn, chuyện thị phi, chuyện phải quấy... đến, cô đều ngăn dứt, đặng yên tịnh lo niệm Phật!
Lúc ra viện lần cuối cùng về nhà chưa bao lâu thì bệnh trở nặng, gia đình liền mời Ban Hộ Niệm đến hộ niệm cho cô, trải qua ba hôm thì cô khỏe lại, vượt qua được cơn nguy hiểm. Thấy cô khỏe lại nhiều nên tạm ngưng trợ niệm, nhưng từ đó sức khỏe của cô tụt dốc nhanh chóng.
Khoảng hơn 3 giờ chiều ngày mùng 9 tháng 3, khi cô Út ngồi xoa bóp tay chân cho cô, cô nói:
- Em rán cực khổ với chị hai ngày nữa đi!... Hai ngày nữa là chị theo Phật!
Cô Út đùa chơi cho vui, nên đề nghị:
- Thôi! Chị hãy rán tới ngày đám giỗ của bà nội luôn đi! Để chừng đó tụi em cúng chung với bà nội một lượt luôn cho gọn!
- Chị chắc phải ra đi trước, chứ không chờ tới lễ giỗ của nội được đâu!
Rồi sau đó cô dặn dò mọi chuyện lại với cô Út, đại khái là:
- Các em ở lại rán lo tu hành!... Nhất là lo chăm sóc cho cha, đừng có cho cha làm lụng gì cả, để cho cha nghỉ ngơi, rồi khuyên cha cố gắng cúng lạy, chăm lo tưởng niệm Đức Phật A Di Đà,... Cõi Ta bà này là cõi tạm, toàn là khổ đau, đầy sầu thương tang tóc; chỉ có Tây Phương Cực Lạc mới là quê hương chân thật của mình, và an vui vĩnh viễn... Mình tin có cõi Cực Lạc, đồng thời mình niệm Phật và phải phát nguyện cầu sanh về bên đó thì mới được vãng sanh; nếu em niệm Phật mà không phát nguyện vãng sanh khẩn thiết thì cũng không được vãng sanh đâu!... Chị về với Phật A Di Đà rồi, phần của chị thì đã yên ổn, các em còn ở lại cũng phải rán cố gắng!
Hai ngày kế trôi qua mọi sinh hoạt vẫn bình thường. Đến 5 giờ chiều ngày 11, hơi thở của cô bắt đầu yếu dần và dồn lên, vì lúc ấy có bệnh nhân mới vừa qua đời nên Ban Hộ Niệm đã bận không tới được, chỉ có thân quyến cùng đồng đạo khoảng một chục người vây quanh trợ niệm cho cô. Niệm đến 8 giờ 15 phút tối cô nhẹ nhàng ra đi, đúng như cô đã báo ở 2 hôm trước, nhằm ngày 11 tháng 3 năm 2013. Cô hưởng dương 59 tuổi
Suốt mấy tháng cuối cùng cô thường nằm nghiêng bên phải để dễ thở, nhưng khi dứt hơi cô tự nằm ngửa lại, tay chân tự duỗi thẳng ra ngay ngắn trang nghiêm.
******
Cuộc hộ niệm vẫn tiếp tục thêm đến 8 giờ sáng ngày hôm sau mới nhập mạch, thì thấy gương mặt cô hồng hào sáng đẹp, các khớp xương mềm mại, toàn thân lạnh duy chỉ có đảnh đầu ấm nóng.
* Vào lúc 7 giờ tối của ngày tuần thất lần thứ tư, mọi người ngồi nơi bộ ngựa gần bàn vong ngửi được mùi thơm kỳ lạ xuất hiện khoảng 20 phút.
* Sau cô mất, cô Năm Nở thường thương nhớ đến cô, nhất là nhớ những kỷ niệm tươi đẹp như gấm thêu hoa, thấm đượm thiết tha biết bao nỗi vui buồn da diết của thuở xưa xa trong thời gian 5 năm sống chung cùng tu một cốc, và những kỷ niệm chứa chan tình nghĩa khi còn nằm ở bệnh viện ngoài Sài Gòn, chúng đã khắc sâu trong tiềm thức khó có thể lu mờ phai nhạt. Cô Hai Lẹ đã nhọc nhằn săn sóc cho mình nào là giặt giũ, nào là cơm cháo… mọi thứ, từng tí từng ly. Vài tuần lễ trôi qua, đêm nọ, cô Năm nằm mộng gặp lại cô, cô nói với cô Năm rằng:
- Chị Năm! Em đã được về Phật rồi. Em cho chị hay, đặng chị mừng!
Sáng ra bao nhiêu nỗi niềm buồn thương sầu nhớ đều tiêu tan sạch sẽ, cô Năm định gọi điện thoại chia vui với người bạn tâm đầu ý hợp của mình là cô Bảy Phụng, nhưng chưa kịp nhấn nút thì có cuộc điện thoại gọi đến. Khi mở máy, thì nghe có tiếng nói rằng:
- Chị Năm ơi! Hồi tối này em nằm chiêm bao, em thấy cô Hai Lẹ về báo mộng cho em hay, cô nói là cô được về Phật rồi. Nên em báo tin cho chị mừng!
- Ủa! Sao hồi tối chị cũng thấy nữa nè… thấy… y rang như vậy luôn. Chị tính điện qua bên bển cho em hay… mà… chưa kịp thì em đã điện trước rồi!
(Thuật theo lời cô: Trần Thị Liền - em gái Út của cô và cô đồng đạo Năm Nở)
******
Sau đây là mấy dòng của cô ghi lại lúc còn sinh tiền:
CUỘC ĐỜI TÔIGian nan phải chịu,Trốn nhủi trốn chui cũng mãi tu hoài.Vui với người trên giường bệnh khổ đau,Khi có người bịnh cần tôi chăm sóc.Vào nằm viện cho đến khi hết bệnh,An ủi họ vì họ quá đáng thương.Lòng tôi vui phấn khởi khôn lường,Để chăm sóc những người nơi bệnh viện.Được bao năm, giờ tôi lâm trọng bệnh,Đồng đạo nuôi tôi, tôi nhớ ghi lòng. Các chị anh đến đây cầu nguyện,Hộ niệm tôi suốt cả đêm dài. *****Cuộc đời phát tâm của tôi,Ngày 15 tháng 7 năm 1972.Cuộc đời tôi giác ngộ đến nay, Nghe lời Thầy dạy:Ta Bà là cõi khổ!Cực Lạc là chốn an vui!Nên từ đáy lòng tôi đi tu,Học hỏi nghe lời Thầy dạy.Hỏi mẹ cha tôi đi tu ở cốc, Được năm năm rồi trở về nhà,Lo cho cha mẹ cho đến ngày chung cuộc.Để hăng hái trên đường về PhậtTôi đã phát nguyện cầu vãng sanh, Về cõi nước của Đức A Di Đà.Dầu thân này tan xương nát thịt,Tôi nguyện phải giữ đến nơi.Tín nguyện hạnh làm thuyền vững chắc,Vượt trùng khơi trực chỉ Tây Phương.Giữ một lòng thẳng bước lên đường,An Dưỡng Quốc là quê hương xứ sở.Cõi Cực Lạc là niềm vui hớn hở,Về đến nơi để học đạo hoàn toàn.******Tôi nguyện tất cả chúng sanh,Đồng về cảnh giới an lành Lạc Bang.Chúc cho đồng đạo vững vàng,Tiến tu mãi mãi đồng sang Liên Đài.