Bà Trần Thị Thuận sinh năm 1950, nguyên quán ở xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Song thân là cụ ông Trần Văn Câu và cụ bà Dương Thị Nhờ. Bà đứng thứ Ba trong gia đình có bảy người con.
Năm 17 tuổi bà kết hôn với ông Nguyễn Văn Lịnh, sanh 5 trai 1 gái, cư ngụ tại ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Phú, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Ông đi làm thuê nuôi sống gia đình, phần bà chỉ lo nội trợ.
Tính tình bà hiền lành, chất phác, ăn mặc đơn giản, chưa hề chưng diện se sua. Đối với thân thuộc và xóm giềng không mất lòng một ai.
Mặc dù thất học, nhưng giọng ngâm nga của bà rất tốt nên thuở bé nhờ người dạy học thuộc lòng một số đoạn thi kệ, rồi thường theo các cô Trần Kim Lợi, Trần Kim Khâu... đi khắp nơi diễn ngâm Phật Pháp.
Bà đến với Tam Bảo qua truyền thống tín ngưỡng của tổ tiên ông bà, nên bà đã ăn chay kỳ mỗi tháng bốn ngày, sớm chiều hai thời lễ bái ở độ tuổi còn ấu thơ.
Bà ưa thích bố thí mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình quá ư khiêm nhường. Do thuộc lòng rất nhiều đoạn thi kệ mà bà thường “Ngâm nga trong lúc thanh nhàn bâng khuâng”, hay những khi ru con, ru cháu. Cũng nhờ đó bà đã giác ngộ nỗi khổ của kiếp người nên năm 2001 (lúc 51 tuổi) bà phát tâm chay trường, quyết chí niệm Phật cầu sanh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, hầu vĩnh viễn chấm dứt dòng sanh tử luân hồi đầy tang thương dâu bể!
Khi ấy, các con đều đã khôn lớn nên người, con trai thì đi làm chốn xa, bà ở nhà trông nom hai đứa cháu nội và hướng dẫn chúng cùng cộng tu. Hai năm sau đó, ông cũng phát tâm chay trường, và theo bạn đạo làm công quả cho các cơ sở từ thiện, vài ba tháng mới về thăm nhà một lần. Mỗi lần về, vừa gặp mặt là bà hay hỏi:
- Đồng đạo dạo này tu hành ra sao rồi ông?
Hôm nọ nghe bà hỏi ông đáp:
- Cỡ này người ta tu dữ lắm, bà ơi!
- Tu dữ lắm... là tu ra sao?
- Tu dữ... là tu nhiều!
- Tu nhiều, là tu thế nào?
- Người ta tu nhiều là người ta tu sáu thời, hoặc tám thời. Mình tu hai, ba thời là ít hơn người ta lắm rồi!
- Tu sáu thời là ra sao? Tám thời là thế nào?
Bà hỏi tới đây, ông giật mình biết mình hơi quá lời, nên ông trầm ngâm một tí, rồi đề nghị:
- Thôi bây giờ, ngoài hai thời thường nhật ra mình thêm thời trưa và thời khuya vào lúc mười một giờ nữa đi, bà ơi!
Thế là từ đó về sau bà hành trì công khóa đều đặn bốn thời mỗi ngày đêm, cứ lễ Phật xong thì ngồi tịnh niệm khoảng ba mươi phút.
Cho nên các bậc Cổ Đức thường khuyến tấn:
“...Từ người rán trở thành Tiên Phật, Đừng từ người để rớt thú cầm;Kỳ thi của cả muôn năm, Rán leo lên chớ để trầm xuống luôn.Giống gặp lúc mưa tuôn gieo trúng, Lạc có sao theo đúng được ra;Bỏ sao lạc mãi rừng già,Bỏ mùa mưa tất giống nhà khô khan. Một niệm Phật muôn ngàn duyên đạo, Một điều lành phước báo trăm thiên;Muốn cho chín phẩm mau thiền.Rán thường niệm Phật rán chuyên điều lành.Niệm Phật có lòng thành Phật độ. Làm lành không vị ngã phước tăng,Cho nên có thể nói rằng,Cũng thời niệm Phật kẻ thăng người trầm.…Kiếp này rán trần ai dứt khoát,Cho ngày kia cỡi hạc tiêu dao; Mười phương tự tiện ra vào,Ta Bà khổ chẳng điều nào trói trăn.Xưa tội mấy ăn năn sẽ hết, Nay mê bao quyết diệt sẽ tiêu;Sớm ma nhưng kế Phật chiều,Người thành như vậy có nhiều từ xưa.…Một đời giác muôn thân thoát khổ, Nhứt kiếp mê vạn thuở đeo sầu;Mê không riêng đọa mình đâu, Mà còn lây tội người bâu quanh mình.Đã bao kiếp sống tình cảnh ấy, Kiếp này nên hối cải cuộc đời;Cho mình biển khổ khỏi rơi,Cho người cũng khỏi hãm nơi thành sầu. Tu sớm được nghiệp mau tan được, Chóng tới nơi nhờ bước đi nhanh;Mỗi ngày mỗi hẹp đường sanh, Người mau tìm lối tu hành cho siêu.Đây còn nhớ lời kêu của Phật,Trên đường đi trong giấc mộng vàng; Phật rằng kiếp sống thế gian,Như là khối tuyết dưới làn thái dương. Rã là việc tuyết đương chịu lấy, Chết là điều người phải đeo đai;Vô thường là kiếp trần ai, Người mau tu để Liên Đài được lên.Chư Phật lúc chưa lên ngôi Phật, Cũng say mê vật chất như đời,Nhưng nhờ quán chiếu tột nơi,Bao nhiêu ô nhiễm trong người đều tan. Giác ngộ được vào hàng Phật được, Mê si còn thì kiếp phàm còn,Kiếp phàm sống khổ sống mòn, Vào hàng chư Phật được tồn tại luôn.Đời nhiễm quá khó buông nhứt khắc, Nhưng cố mài thì sắt nên kim,Tử thần chẳng để người im,Con đường giải thoát phải tìm kiếm mau.…Muốn nhanh ra khỏi trần lao,Tâm cần chuyên nhất nương vào Tịnh Tông.Tin sâu nguyện thiết một lòng,Hồng Danh sáu chữ dạ không cách rời.Đóa sen tỏa chiếu rạng ngời,Tây Phương Cực Lạc là nơi thanh nhàn.Phật chờ Phật đợi người sang.”
******
Năm 2006, có lần ông từ cơ sở từ thiện về đến nhà, bà hỏi:
- Dạo này đồng đạo tu ra sao rồi ông?
- Bây giờ người ta tu giỏi lắm! Vợ chồng người ta cát ái ly gia không có ngủ chung với nhau. Ông Kí Giỏi hỏi Thầy: ‘Ở trần niệm Phật được không’? Và đi, đứng, nằm, ngồi mình niệm Phật được không, bạch Thầy? Thầy trả lời: ‘Ở trần và đi đứng nằm ngồi, thậm chí đi tiểu đi tiêu gì cũng niệm Phật được, mà có một chỗ niệm không được’! Ông Kí Giỏi thưa: ‘Là chỗ nào, bạch Thầy? Thầy đáp: ‘Khi vợ chồng ăn ngủ với nhau niệm không được!’ Ông Kí Giỏi từ đó giữ tịnh giới, chuyên niệm Phật như vậy nên biết trước ngày vãng sanh ba tháng... lận đó!
Bà liền hỏi:
- Vậy thì bây giờ tui với ông tính sao?
Ông nói:
- Thôi, bây giờ mình noi theo gương ông Kí Giỏi luôn đi!
Bà cùng ngoéo tay với ông, từ đó hai ông bà xem nhau như bạn đạo, luôn sách tấn dốc lòng niệm Phật, quyết chí một đời vãng sanh Tây Phương không còn nổi chìm nơi bể hồng trần đầy khổ đau này nữa!
******
Mỗi ngày đến giờ công phu chiều và sớm, bà gọi hai đứa cháu nội cùng tu. Bà cũng thường nói với chúng:
- Mình rán tu để nữa Phật A Di Đà rước mình về Cực Lạc, vui dữ lắm,... không có khổ như ở đây đâu!
Khoảng một năm trước khi bà vãng sanh có lần ông nửa đùa, nửa thật nói với bà rằng:
- Con của mình toàn là trai... con dâu thì nó không có nuôi mình rồi. Còn một đứa con gái thì gả ở xa. Bây giờ bà rán Niệm Phật làm sao... nữa bà vãng sanh đừng có đau bệnh gì hết trơn, hết trọi. Chứ... tôi bận phải đi làm từ thiện hoài... tôi không lo chăm sóc cho bà được đâu nghen!
Bà trả lời:
- Ừ!
Từ đó về sau bà chăm chỉ niệm Phật không gián đoạn.
Vì bà quanh năm suốt tháng ở nhà nên có một số đồng tu hỏi ông:
- Từ nào tới giờ chúng tôi chỉ biết anh, chứ chưa biết bà xã của anh! Bà xã của anh tu ra sao?
Ông đáp:
- Thì bả cũng tu bình thường như mình vậy... cũng ăn chay, cúng lạy như mình vậy đó!
Vì nhiều người hỏi như thế, nên ngày 19 tháng 10 ông đề nghị với bà:
- Hôm nay sẵn dịp lễ tuần thất anh rể của anh Sáu Màu. Thôi, bà đi với tôi một chuyến cho đồng đạo biết mặt bà, chứ từ nào tới giờ người ta chỉ biết tôi không thôi!
Thế là ông chở bà và đứa cháu nội cùng đi dự đám cúng tuần. Gần 2 giờ chiều, khi về ngang qua thị trấn Giồng Riềng, bà nhờ ông vào chợ mua một chục miếng đậu hủ trắng. Về tới nhà bà ướp gia vị thêm bột, rồi chiên giòn. Ông đi gần nghe thơm phức, liền nói:
- Hai bà cháu bữa nay làm món gì vậy? Cho tôi thử một miếng coi!
Dùng xong, ông tấm tắc khen:
- Chèn ơi! Sao ngon quá mà từ nào tới giờ không thấy bà làm món này ăn, vậy chèn?
Bà đáp:
- Mãi ở nhà không, đâu có đi chợ đâu... mà mua về làm! Bữa nay làm cho ông cháu ăn một bữa!
Kế đó buổi cơm chiều được dọn lên, khi dùng cơm rồi bà đi tắm, ông lúc ấy đang nằm nghỉ trên chiếc võng. Tắm xong bà đến bên cạnh bảo:
- Thôi, mấy ông cháu đi tắm sạch sẽ đi, đặng đi cúng!
Ông nghĩ thầm trong bụng: “Sao hôm nay bà này khó quá ta! Mọi khi đến giờ công phu thì bà chỉ nhắc thôi chứ đâu có buộc mình phải tắm.” Nhưng rồi ông cũng lặng lẽ nghe theo, cùng với cháu nội đi tắm.
Như thường lệ mỗi ngày, bà và hai cháu lễ Phật sám nguyện xong thì ngồi tịnh niệm. Bà ngồi giữa hai cháu ngồi hai bên. Ông lễ bái xong cũng ngồi xuống gần đó. Ngồi niệm Phật chưa bao lâu, người cháu lớn tên Trung (15 tuổi) thấy bà tư thế hơi nghiêng, khác với mọi khi, bèn cất tiếng hỏi:
- Bà có niệm Phật không, vậy nội?
Bà đáp :
- Có! Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô A Di Đà Phật!
Một lát sau Trung cũng hỏi như trước:
- Bà có niệm Phật không, vậy nội?
Bà cũng đáp :
- Có! Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô A Di Đà Phật!
Lần đáp thứ nhì âm thanh nhỏ hơn lần đầu. Ông ngồi bên cạnh trong lòng thấy vô cùng lạ, cả chục năm trôi qua đâu có tình trạng lạ lùng như thế này, nên ông liền xả chân ra, bước xuống, đi tới trước, quan sát thấy bà đang chăm chú nhìn lên ngôi thờ Tam Bảo, đôi mắt có vẻ khác thường nên lên tiếng hỏi:
- Má thằng Hạnh! Bà có niệm Phật không? (vì con trai thứ Hai của ông tên Hạnh)
Bà mỉm cười, đáp:
- Có! Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô A Di Đà Phật!
Rồi nhẹ trút hơi thở sau cùng. Lúc ấy đúng 6 giờ chiều ngày 19 tháng 10 năm 2011. Bà thọ 61 tuổi.
******
Hộ niệm đến 9 giờ sáng ngày hôm sau mới tiến hành nhập mạch và an táng. Khi làm lễ nhập mạch thì thấy các khớp xương đều mềm mại, gương mặt tươi cười, đặc biệt lạ lùng là toàn thân không chỗ nào lạnh cả mà ấm bình thường như người còn sống, riêng đảnh đầu rất nóng. Chư đồng tu ai cũng hoan hỉ tràn ngập niềm vui khi tiễn biệt một bạn sen thực sự an nhàn siêu sanh về cõi Phật!
* Vào buổi sáng ngày bà mất, bà có đến nhà em chồng thứ Năm để xin rau nhúc về dùng. Bà nói với người cháu tên Phương rằng:
- Tao ăn với mày bữa nay nữa thôi, là tao nghỉ ăn rồi!
- Bác Hai ăn bao nhiêu thì cứ việc đến hái đem về dùng, chớ con có nói... gì đâu!
Bà cũng vừa cười vừa lặp lại như lần trước:
- Tao ăn với mày bữa nay nữa thôi, là tao nghỉ ăn rồi!
Cô Phương vẫn chẳng hiểu gì cả, đến chừng bà mất cô mới vỡ lẽ lời đó là lời bà trối trước với cô!
(Thuật theo lời ông: Nguyễn Văn Lịnh, chồng bà và cháu nội tên Trung)