Con đường tu tập theo Phật pháp là một con đường dài trải qua không ít khó khăn, chướng ngại. Một trong những khó khăn đáng kể và thường gặp nhất đối với người tu tập chính là việc xác định hướng đi đúng đắn. Mặc dù sự đa dạng và phong phú của các pháp môn tu tập trong Phật giáo là điều tất yếu để có thể mang đến lợi lạc cho tất cả mọi chúng sinh với căn cơ và tâm tánh khác nhau, nhưng trong một chừng mực nhất định, sự đa dạng này đôi khi cũng trở thành một khó khăn cho người tu tập khi mới bước vào, bởi họ có thể hoang mang không biết phải chọn lựa pháp môn nào cho thích hợp với bản thân mình. Những người tu tập theo Tịnh độ chẳng hạn, thường có thể hoang mang khi tiếp xúc với những người chuyên tu thiền định, bởi họ có cảm giác như có khác biệt quá nhiều với pháp môn mà họ đang theo. Ngược lại, những người tu thiền cũng có thể hoang mang khi nghe thuyết giảng về Mật tông hay Tịnh độ, và nếu như không có được những căn bản Phật pháp nhất định, việc lung lay niềm tin đôi khi cũng có thể xảy ra với người Phật tử khi nhìn thấy có quá nhiều những phương pháp khác biệt.
Dù vậy, nếu chúng ta xét kỹ thì sẽ thấy rằng sự tu tập tuy có nhiều phương pháp khác nhau, nhưng rốt cùng vẫn không đi ngoài mục đích chính là giúp ta giải thoát khỏi mọi khổ đau trong cuộc sống. Và con đường dứt khổ rốt ráo không phải là bằng vào những giải pháp hướng ra bên ngoài để thay đổi ngoại cảnh quanh ta, mà phải là quay vào quán chiếu, thuần phục nội tâm để nhổ tận gốc rễ của mọi nguyên nhân gây đau khổ. Tuy nhiên, trong tiến trình đó thì người tu tập cũng không thể tách rời sự gắn kết và chi phối hiển nhiên giữa thân và tâm, bởi thân có an ổn thì tâm mới tìm được niềm vui, và ngược lại tâm có an vui thì thân mới có thể phát triển hài hòa khỏe mạnh. Do đó, xét đến cùng thì mọi tiến trình tu tập của chúng ta ngay từ lúc khởi đầu đều không ra ngoài mục đích thanh lọc thân tâm, loại bỏ dần những cấu uế, ô trược để có thể đạt đến trạng thái an vui giải thoát.
Vậy thế nào là những cấu uế, ô trược của thân và tâm? Trước hết hãy nói về thân. Người xưa có câu: “Bệnh từ miệng mà vào.” (Bệnh tùng khẩu nhập.) Người Anh Mỹ cũng có câu ngạn ngữ: “You are what you eat.” Đây đều là những chiêm nghiệm hợp lý của người xưa trong cuộc sống. Các nhà nghiên cứu ngày nay cũng xác nhận có đến hơn 90% các trường hợp bệnh tật có thể hồi phục tốt hơn hoặc khỏi hẳn nếu bệnh nhân nghiêm túc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này cũng có nghĩa là, nếu chúng ta không chú ý ăn uống đúng cách thì đó chính là điều kiện để bệnh tật phát triển trầm trọng hơn. Lấy ví dụ như bệnh tiểu đường chẳng hạn, ngoài việc sử dụng thuốc men điều trị, chế độ ăn uống của bệnh nhân luôn giữ phần quyết định trong việc giúp cho bệnh thuyên giảm đi hay sẽ trầm trọng hơn.
Nhưng không chỉ là với những lúc có bệnh. Thật ra thì trong lúc khỏe mạnh bình thường, nếu chúng ta không lưu ý đến chuyện ăn uống thì việc phát sinh bệnh tật sẽ là điều tất nhiên phải đến. Vậy trong thực tế chúng ta đã ăn uống như thế nào? Hơn 90% thức ăn được ta sử dụng thông thường hiện nay đều có chứa ít hoặc nhiều độc tố, những chất có hại cho cơ thể, và khiến cho gan và thận của ta phải hoạt động liên tục mới có thể giữ cho cơ thể không nhiễm độc. Những độc tố thông thường nhất đến từ rượu bia, các chất phụ gia thực phẩm không đạt tiêu chuẩn, thậm chí cả trong bột ngọt (glutamate) khi có nhiều chuyên gia đã xác nhận loại gia vị này có ảnh hưởng tại hại rõ rệt đến não bộ (cause damage to areas of the brain)... Những độc tố khó thấy hơn nhưng đã được chính thức phát hiện và công bố là tác hại gây ung thư từ các loại thịt động vật, nhất là khi được ăn với dạng nướng có lẫn nhiều mẩu cháy khét. Trong khi chúng ta cố tìm những phương thức nấu nướng thật cầu kỳ để thỏa mãn vị giác, thì hầu hết những phương thức ấy đều có tác dụng hủy hoại đi các vitamin hoặc khoáng vi lượng tự nhiên vô cùng quý giá trong thực phẩm...
Với thói quen ăn uống phổ biến như vậy, việc phát sinh ngày càng nhiều bệnh tật trong nhân loại cũng là điều dễ hiểu. Vì thế, nếu chúng ta chỉ nhìn riêng từ góc độ này thôi cũng có thể thấy rằng việc đạo Phật khuyến khích người Phật tử ăn chay chính là một trong những cách thanh lọc cơ thể hữu hiệu nhất, hạn chế được rất nhiều độc tố đưa vào cơ thể ta mỗi ngày. Tiếc thay, hiện vẫn có không ít người còn say mê tranh biện về chuyện ăn chay ăn mặn bằng những lý lẽ như “ăn chay không thành Phật”, hoặc xa hơn nữa thì biện hộ rằng vào thời đức Phật chư tỳ-kheo vẫn được phép ăn thịt... Hãy tạm gác lại tất cả những lý lẽ tranh biện kiểu ấy, chỉ cần xét đến khía cạnh trong sạch và lành mạnh của thức ăn đưa vào cơ thể, ta sẽ thấy việc chọn lựa các món ăn từ rau củ quả thực vật là tốt hơn rất nhiều cho sức khỏe, giúp ta phòng ngừa được rất nhiều căn bệnh.
Như vậy, trong sự thanh lọc thân tâm thì trước hết chính là chọn cho mình một chế độ ăn uống thanh khiết, vệ sinh và hợp với tự nhiên. Đó chính là bước đầu để làm sạch những cấu uế, ô trược trong thân này.
Tiếp đến là việc làm thanh tịnh tâm ý, cũng chính là loại bỏ những cấu uế, ô trược trong tâm. Vậy những gì là uế trược của tâm? Thức ăn của tâm chính là những niệm tưởng liên tục khởi sinh khi tiếp xúc với ngoại trần. Thân xúc chạm, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, mắt thấy hình, tai nghe tiếng, ý vọng niệm, đều là những cấu uế làm che mờ sự trong sáng vốn có của tâm ta. Tuy nhiên, thật ra thì bản thân sự xúc chạm, thấy hình, nghe tiếng v.v... chưa phải là ô trược, bởi chúng chỉ là những công năng tự nhiên mà thôi, nhưng từ lâu chúng ta đã huân tập thành thói quen luôn có sự nhận thức phân biệt và sinh khởi vọng tình đối với mọi sự tiếp xúc như thế. Cho nên, mắt vừa nhìn thấy bông hoa thì sinh tâm đắm nhiễm, ưa thích; nhìn thấy những vật cảnh xấu xí thì sinh tâm chán ghét muốn xa lìa; lưỡi vừa nếm vị liền phân biệt ngon dở và khởi tâm ưa muốn hoặc chê chán... Tất cả những vọng tình đó mới thực sự là bụi mù che lấp chân tâm, khiến ta mất đi sự sáng suốt và cuối cùng chỉ biết hành xử chạy theo những cảm xúc ưa muốn hoặc chán ghét của mình.
Người tu tập nếu hiểu được điều đó thì thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, nhận biết rõ ràng mà không khởi tâm đắm nhiễm hoặc chê chán, có thể giữ được tâm quân bình, thanh thản và an nhiên trước mọi ngoại cảnh. Đó chính là khởi sự việc làm trong sạch tâm, bởi khi vọng tình không tiếp tục sinh khởi thì uế trược không tiếp tục thâu nạp vào, những lớp bụi bặm từ trước sẽ dần dần được lắng đọng, lọc sạch, và tâm thức ta ngày càng trở lại gần hơn với trạng thái an tĩnh, sáng suốt vốn có của nó.
Quá trình thanh lọc thân tâm như vừa nói trên chính là con đường chung nhất mà mọi tông phái, mọi pháp môn tu tập đều phải đi theo. Nếu có bất kỳ pháp môn tu tập nào mà lại cho rằng không cần thiết phải thanh lọc thân tâm như thế, thì đó chắc chắn phải là điều hết sức vô lý. Bởi chỉ khi thanh lọc được thân tâm, ta mới có được sự sáng suốt cần thiết để nhận thức rõ ràng về con đường tu tập của mình, và cũng chỉ khi đó ta mới có thể nhận biết và dứt trừ được những nguyên nhân làm khởi sinh phiền não, khổ đau.
Một người bạn tôi vừa tham dự một khóa thiền Vipassana kéo dài 10 ngày và cho biết anh cảm thấy rất thoải mái cả về thân lẫn tâm. Trong 10 ngày tu tập, thiền sinh sống cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, ăn uống ngủ nghỉ và thiền tập theo đúng một thời biểu hợp lý đã được thiết kế sẵn, trong đó thời gian ngồi thiền chiếm đến 11 giờ đồng hồ mỗi ngày và mọi sự giao tiếp đều bị hạn chế, kể cả với những người đồng tu trong khóa thiền.
Thực phẩm dùng trong suốt khóa thiền được anh bạn tôi mô tả là “chay của chay”, bao gồm rau củ quả được chế biến hết sức đơn sơ và đạm bạc, đồng thời thiền sinh cũng phải tuân thủ giờ giấc ăn ngủ cùng tập thể nên luôn giữ được sự điều độ, vừa phải. Với phương thức ăn uống và sinh hoạt như thế kết hợp với ngồi thiền đúng phương pháp, thời gian mười ngày tu tập này quả thật là một phương pháp thanh lọc thân tâm hết sức tuyệt vời, hiệu quả. Điều này được thể hiện rõ ràng qua cảm nhận của tuyệt đại đa số thiền sinh sau khi mãn khóa thiền. Được biết, hiện nay hầu hết các khóa thiền Vipassana đều không đủ chỗ thu nhận và người muốn tham dự phải đăng ký trước một thời gian dài.
Quý vị quan tâm có thể tìm hiểu thông tin về các khóa thiền tại đây. Hiện có đến 176 trung tâm và 134 cơ sở không chính thức thường xuyên tổ chức các khóa thiền trên khắp thế giới. Việc tham dự các khóa thiền này hoàn toàn miễn phí và có thể hỗ trợ tốt cho sự tu tập hiện tại của quý vị dù đang theo bất kỳ truyền thống nào. Vì như đã nói, nó có công năng làm thanh lọc thân tâm mà bất kỳ phương pháp tu tập nào cũng đang nhắm đến.
Một khi xác lập được mục tiêu trước tiên của sự tu tập là thanh lọc thân tâm, chúng ta sẽ ngay lập tức cảm nhận được những lợi lạc mà sự tu tập mang đến, bởi những ham muốn thông thường cũng như những cảm giác được thỏa mãn sẽ không còn là đối tượng khiến ta ưa thích chạy theo nữa, và nhờ đó tâm ta dần dần đạt được sự trong sáng và quân bình, là điều kiện tiên quyết cho một cuộc sống thanh thản và an vui. Mong sao tất cả quý vị đều sẽ nhận ra được điều này và chọn được cho mình một phương pháp thích hợp để đạt được mục đích đó.