Mỗi người trong chúng ta khi sinh ra đều sẵn có những điều kiện nhất định để giúp ta dấn bước vào đời. Có người sinh ra trong gia đình quyền thế hoặc giàu có, và do đó con đường tiến thân của họ luôn sẵn có những thuận lợi, giúp đỡ. Nhiều người khác sinh ra với nền tảng giáo dục tốt từ gia đình, và đó cũng là vốn quý giúp họ trở nên người thành đạt đúng nghĩa. Nói chung, môi trường gia đình, xã hội mà chúng ta được sinh ra trong đó thường là những vốn liếng ban đầu để từ đó chúng ta sử dụng và xây dựng cuộc đời của chính mình. Và những vốn liếng ban đầu đó thường khác biệt nhau ở mỗi cá nhân, không ai có thể so sánh thấy mình hoàn toàn giống với người khác, bởi mỗi người luôn có một hoàn cảnh chào đời khác biệt nhau.
Tuy nhiên, nếu chỉ là như thế thì hẳn sẽ là một sự bất công lớn lao trong cuộc đời này, bởi có những người sinh ra với “vốn liếng” quá ít oi nghèo nàn, lẽ nào họ buộc phải mãi mãi làm “công dân hạng hai” trong xã hội? Thật may mắn thay, ngoài tất cả những vốn liếng đã nói trên, mỗi người trong chúng ta đều sẵn có một “nguồn vốn” khác có giá trị cao nhất và được phân phối cho mỗi người theo cách công bằng nhất.
Nguồn vốn quý giá nhất mà chúng tôi muốn nói đến ở đây chính là thời gian. Từ lâu, tục ngữ đã có câu “Thời gian là vàng bạc”, nhưng trong thực tế thời gian không chỉ là vàng bạc mà nó quý giá hơn rất nhiều. Nhờ có thời gian, chúng ta sẽ làm ra tiền bạc và vô số những giá trị khác, trong khi ngược lại, dù có bao nhiêu tiền bạc cũng không giúp ta kéo dài thêm được quỹ thời gian vốn có của mình.
Nguồn vốn thời gian quý giá này được chia đều cho tất cả chúng ta, ai cũng như ai. Từ một doanh nhân bận rộn với thị trường toàn cầu cho đến em bé bán vé số quanh quẩn nơi một con phố nhỏ, mỗi người đều có một “vốn liếng” thời gian như nhau, không hơn không kém: mỗi ngày với 24 giờ và mỗi giờ với 3.600 giây tuần tự trôi qua! Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, với cùng quỹ thời gian đó, doanh nhân kia có thể làm ra hàng triệu đô-la trong khi em bé bán vé số chỉ mong sao có đủ những bữa cơm no bụng. Đó là sự thật mà ai cũng có thể nhìn thấy trong cuộc đời này.
Vậy khác biệt nằm ở đâu? Chính là ở cách sử dụng thời gian quý giá của mình. Khi được sử dụng hiệu quả, thời gian có thể mang lại cho chúng ta kiến thức, khả năng chuyên môn, kinh nghiệm sống, và kèm theo đó sẽ là tiền bạc, của cải vật chất... Ngược lại, khi bị hoang phí, thời gian trôi qua chỉ làm ta hao mòn sức khỏe, đánh mất niềm vui sống và thậm chí ngày càng vùi sâu trong nợ nần, thất vọng và chán nản...
Châm ngôn phương Tây có câu: “Thiên tài là sự kiên nhẫn trường kỳ”, hay nói khác đi, thiên tài chính là những người có thể sử dụng quỹ thời gian của mình để đạt được tài năng, tri thức mà người khác không có được. Không có đủ thời gian thì không ai có thể trở thành người tài giỏi, uyên bác. Chí sĩ Đặng Dung khi thất bại trong việc khôi phục nhà Trần đã viết bài thơ Thuật Hoài nổi tiếng đầy cảm xúc, trong đó có câu: “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch” (Mối quốc thù chưa trả xong thì đầu đã bạc). Rõ ràng điều mà Đặng Dung bị thiếu ở đây không phải là chí lớn để mưu đồ việc nước, mà ông đang phải ngậm ngùi vì thời gian của mình không còn được bao lâu nữa bởi “đầu đã bạc”. Có bao nhiêu người trong chúng ta lúc “đầu chưa bạc” mà biết quý tiếc vốn thời gian hiện có của mình?
Thời gian chẳng những được chia đều cho mỗi chúng ta, mà sự phân chia này còn khắc nghiệt ở chỗ nếu ta không tận dụng được nó thì ta sẽ... mất hết. Một khối tiền bạc có thể nằm yên trong két sắt để chờ ngày sử dụng, nhưng thời gian thì không chấp nhận đợi chờ. Khi ta không sử dụng được mỗi một giây phút trôi qua trong đời theo cách hiệu quả nhất, ta sẽ đánh mất nó và không bao giờ có cơ hội thứ hai để ta tìm lại được. Chính điều này làm nên sự khác biệt và cũng là làm nên giá trị cao quý nhất của thời gian: Đó là những giá trị luôn chỉ đến với ta một lần duy nhất trong đời! Cho dù tất cả chúng ta đều quen thuộc với những khái niệm thời gian như quá khứ và tương lai, nhưng trong thực tế thì thời gian hoàn toàn vô nghĩa khi còn ở trong tương lai cũng như khi đã trôi vào quá khứ. Chỉ có một thời gian duy nhất mà ta sử dụng được, đó là thời gian hiện tại. Và thời gian hiện tại thì không ngừng trôi vào quá khứ, nên chỉ cần ta thiếu sự tỉnh giác chuyên cần trong hiện tại thì tất cả vốn quý thời gian của ta sẽ mất đi ngay. Đó chính là ý nghĩa quan trọng nhất của thời gian đối với tất cả chúng ta.
Khi có một ai đó mà quý vị thực sự ngưỡng mộ vì thấy họ đã làm được nhiều việc lợi lạc cho người khác, có lẽ không nên đặt câu hỏi với họ rằng: “Thời gian ở đâu mà làm được nhiều việc đến thế?” Bởi đơn giản là họ cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày như chúng ta thôi. Thay vì vậy, ta nên đặt câu hỏi với chính mình: “Ta đã sử dụng thời gian của mình như thế nào mà không có được hiệu quả như người khác?” Bằng cách đó, tuy không chắc chắn ta sẽ trở thành người tài ba lỗi lạc, nhưng chắc chắn là ta sẽ ngày càng sử dụng quỹ thời gian của mình một cách hiệu quả hơn. Và như một hệ quả, chúng ta sẽ trở nên người hoàn thiện hơn so với chính bản thân mình trước đó.
Một cách tổng quát, việc sử dụng thời gian của mỗi chúng ta thường rơi vào một trong các trường hợp sau đây:
- Khi chúng ta có thể làm được những việc lợi mình lợi người, mang đến niềm vui và giảm bớt khổ đau cho mọi người, đó là ta đang sử dụng thời gian theo cách có ý nghĩa nhất. Trong trường hợp này, mặc dù ta có thể chưa có được cuộc sống vật chất đầy đủ hoặc dư thừa, nhưng điều chắc chắn là ta sẽ có được một đời sống tinh thần thanh thản và niềm vui nhẹ nhàng đến từ sự quan tâm giúp đỡ người khác. Tâm hồn rộng mở giúp chúng ta có được sự an vui trong mọi hoàn cảnh, luôn sáng suốt thấy được những ý nghĩa cao quý của cuộc sống mà mình đang theo đuổi.
- Khi chúng ta luôn nỗ lực chạy theo những việc ích kỷ hại người, thâu tóm về mình những nguồn lợi vật chất và xem đó như là mục đích chính của đời sống, đó là ta đang sử dụng thời gian theo cách để chôn vùi cuộc sống tâm linh của mình. Trong trường hợp này, ta có thể đạt được sự giàu có hay quyền thế, có thể tích lũy được những giá trị tài sản vật chất (xin nhấn mạnh rằng cũng chỉ là “có thể” mà thôi). Tuy nhiên, với thời gian trôi qua, không sớm thì muộn ta cũng sẽ mất đi tất cả những thứ ấy vì bệnh tật, già suy và cái chết. Điều còn lại và sẽ mãi mãi theo đuổi ta là một đời sống tâm linh nghèo nàn, một tâm hồn khép kín hẹp hòi và hệ quả sẽ là những khổ đau không tránh khỏi do sự bất toại nguyện từ cuộc sống.
- Khi chúng ta sống lười nhác, buông thả, phóng túng theo sự tham muốn của riêng mình, hưởng thụ những thú vui vật chất theo cách không chính đáng và không quan tâm đến những người chung quanh cũng như tương lai của chính mình, đó là ta đang đánh mất hoàn toàn vốn quý thời gian hiện có, thậm chí còn vay thêm những khoản nợ nần mà chính ta rồi sẽ phải mất rất nhiều thời gian trong tương lai để đền trả lại. Không chỉ đối với người cư sĩ tại gia sống đời phóng túng là nguy hại và hoang phí thời gian, ngay cả đối với các bậc xuất gia, Đại sư Tỉnh Am cũng đã từng tha thiết cảnh báo rằng: “... nếu tự thân mình không thể vận dụng đủ bi lẫn trí, không tự trang nghiêm cả phúc lẫn tuệ, khiến cho tất cả đàn-na tín thí đều được nhờ ơn, hết thảy chúng sinh đều được lợi ích, thì cho dù hạt gạo sợi tơ, nhỏ nhặt đến thế cũng phải đền trả đủ...” Những ai hoang phí thời gian theo cách này, dù có sống trọn một đời hưởng thụ dục lạc, cuối cùng rồi cũng sẽ chẳng mang theo được gì ngoài những món nợ nghiệp lực xấu ác.
Cho nên, về căn bản thì mỗi người trong chúng ta đều sẵn có điều kiện thiết yếu nhất để tự mình vươn lên, và điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào cách ta sử dụng vốn quý thời gian của mình. Chắc hẳn chúng ta đều đã từng biết đến những tấm gương nỗ lực phi thường như người khuyết tật trở thành nhạc sĩ, họa sĩ hay văn sĩ tài danh, hoặc rất nhiều vĩ nhân thế giới xuất thân từ những gia đình nghèo khó, thấp hèn... Chính nhờ biết sử dụng hiệu quả vốn thời gian của mình, những con người ấy đã không ngừng vươn lên để trở thành những bông hoa cao quý trong cuộc sống, mang lại niềm vui và lợi ích cho biết bao người khác trong cuộc đời này.
Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là tất cả chúng ta đều có thể trở thành vĩ nhân hay những con người tài ba xuất chúng, nhưng điều chắc chắn là chỉ cần ta có sự nỗ lực không ngừng đúng hướng thì bản thân ta sẽ luôn được hoàn thiện hơn so với chính mình trong quá khứ. Khi hiểu và tin chắc được điều này, ta sẽ không thể nào hoang phí dù chỉ một phút giây trong cuộc sống quý giá.
Và có lẽ đó cũng chính là ý nghĩa quan trọng nhất mà mỗi chúng ta đều nên nghiền ngẫm trong cuộc sống này.