Một Phật tử đặt câu hỏi trực tiếp với tôi rằng, tại sao trong một số Kinh điển Đại thừa, Bồ Tát Quán Thế Âm (hay Quán Âm Đại Sĩ) được mô tả là nam nhân, trong khi nhiều Kinh điển khác, hoặc theo nhận thức của nhiều người hiện nay, thì Bồ Tát Quán Thế Âm lại là nữ giới?
Thật ra, điều này được giải thích rất rõ trong phẩm Phổ Môn, thuộc kinh Pháp Hoa. Trong đó, chúng ta thấy Bồ Tát Quán Thế Âm được mô tả với 32 ứng hóa thân khác nhau chứ không chỉ là nam hoặc nữ. Ngài còn sẵn sàng thị hiện với các hình tướng khác, thậm chí như dạ-xoa, la-sát... nếu điều đó cần thiết cho việc hóa độ chúng sinh.
Đạo Phật được truyền rộng qua hai tiêu chí khế cơ và khế lý, do đó có vô số phương tiện được thực hành và có thể linh hoạt biến chuyển, thay đổi, bổ sung ở từng quốc độ khác nhau. Tuy nhiên, những tinh yếu nhắm đến của muôn ngàn phương tiện ấy thì nhất thiết không thay đổi. Trong trường hợp của hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm thì tinh yếu ở đây là lòng đại bi hướng về tất cả chúng sinh, thực hiện tâm nguyện cứu khổ ban vui. Nếu chúng ta hiểu được điều đó thì dù trong hình tướng nào, chúng ta cũng vẫn có thể nhận ra Bồ Tát.
Thường thì trong suy nghĩ của nhiều người, có lẽ là đa số, tâm nguyện đại bi chỉ thích hợp với các bậc cao tăng, các vị Bồ Tát... còn người tu tập sơ cơ hẳn không đủ sức thực hiện. Tuy nhiên, hiểu theo cách đó sẽ có phần hạn chế sự phát tâm của chúng ta, vì sự phát tâm hàm nghĩa "muốn làm" chứ không phải "đã làm". Như vậy, một người có tâm nguyện đại bi sẽ sẵn sàng cứu khổ ban vui, và tâm nguyện ấy sẽ thúc đẩy họ nỗ lực tu tập chứ không có nghĩa rằng người ấy đã là một bậc chứng ngộ có năng lực đại bi.
Mỗi chúng ta đều có thể phát tâm đại bi theo cách rất thông thường, gần gũi, trong ý nghĩa hướng về người khác (vị tha) thay vì chỉ biết nghĩ đến riêng mình (vị kỷ). Điều quan trọng cần nhận biết ở đây là, sự chuyển biến từ nhận thức vị kỷ sang vị tha cũng không hề loại trừ những lợi lạc cho chính bản thân ta, mà ngược lại nó còn mang đến cho ta rất nhiều niềm vui và lợi lạc mà trước đây ta chưa từng có được.
Khi bạn cảm thấy rung động trước nỗi khổ hoặc hoàn cảnh khó khăn của một ai đó và khởi tâm giúp đỡ, chính tâm niệm vị tha vừa sinh khởi này sẽ mang lại cho bạn một niềm vui của sự thỏa nguyện. Có thể bạn chưa làm được gì nhiều, nhưng lúc đó bạn sẽ ở trong tâm trạng sẵn sàng làm những việc có thể để giúp đỡ, và chính sự sẵn sàng giúp đỡ đó sẽ là hạt nhân làm phát sinh niềm vui trong bạn. Tâm nguyện vị tha đó sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng và phát triển trong suốt tiến trình bạn suy nghĩ và tìm cách giúp đỡ người khác, và điều này đồng nghĩa với việc bạn luôn được sống trong một niềm vui trong sáng, một tâm thức an lạc không tham lam, sân hận. Chỉ riêng điều này thôi đã là một giá trị mà bạn không thể trực tiếp đánh đổi bằng vật chất.
Cho đến khi bạn thực sự làm được điều gì đó để giúp đỡ người khác thì niềm vui của bạn sẽ càng được lớn lên gấp bội. Và thậm chí sau khi mọi việc đã hoàn tất, hiệu quả của nỗ lực giúp người đó cũng sẽ tiếp tục mang lại cho bạn những niềm vui lớn hơn, khi được nhìn thấy người khác bớt khổ được vui và có sự góp phần giúp đỡ của mình...
Tiến trình tâm lý như trên là hoàn toàn hợp lý khi phân tích theo khoa học, hoàn toàn không phải một sự tự ký ám thị hay van xin mù quáng từ một đấng chúa tể nào. Chúng ta làm việc tốt và được đền bù bằng chính những giá trị tinh thần tốt đẹp do ta tạo ra. Ngược lại, tất cả sẽ bị phá hỏng hoàn toàn nếu như vẫn cùng là những sự việc đó nhưng được thực hiện với sự mưu cầu danh lợi, với những toan tính được thua, hoặc thậm chí là những mưu mô khuất tất nhằm đạt được lợi ích riêng cho mình thông qua việc giúp đỡ người khác.
Cho nên, vấn đề quan trọng nhất trong sự tu tập phát khởi và thực hành tâm nguyện vị tha, hay tâm đại bi của Bồ Tát Quán Thế Âm, không phải là nhất thiết phải làm được những việc to tát, vĩ đại, mà điểm chính yếu là chúng ta phải giúp đỡ người khác với một tâm chân thành và trong sáng, vô vị lợi.
Điều mầu nhiệm như đã nói trên chính là ở chỗ ta không cầu lợi lạc cho mình nhưng lại đạt được lợi lạc rất nhiều. Thông thường, người được giúp đỡ chỉ bớt đi phần nào nỗi khổ mà họ đang gánh chịu, nhưng người giúp đỡ lại nhận về những giá trị tinh thần, tình cảm và tâm linh vô giá, cho dù họ hoàn toàn trong sáng, không có sự mong cầu hay toan tính.
Khi hiểu được vấn đề như trên, ta sẽ thấy rằng phương thức hành xử vị tha là một phương thức hết sức khôn ngoan, trong khi những lối suy nghĩ, hành động hẹp hòi vị kỷ lại là hết sức thiển cận, hẹp hòi và thiếu khôn ngoan.
Mong sao những chia sẻ chân thành này có thể mang lại được ít nhiều lợi lạc cho tất cả mọi người.