Vào đầu tuần này – thứ Hai, ngày 22/5 – một vụ đánh bom khủng bố xảy ra tại Manchester Arena làm 22 người chết và 59 người khác bị thương. Trong số các nạn nhân có cả trẻ em và phụ nữ. Tin tức này đã khiến cho tất cả những ai có lương tâm trên thế giới đều hết sức đau buồn. Thủ đô Paris của Pháp quyết định tắt đèn trên tháp Eiffel vào nửa đêm ngày thứ Ba để tưởng niệm các nạn nhân đã qua đời. Hàng ngàn người dân Anh đã tụ tập về quảng trường Albert hôm thứ Ba để cùng tưởng niệm các nạn nhân.
Và chỉ vừa cuối tuần trước, trong hai ngày 20 và 21, tại San Diego, California, một khóa tu tập dành cho các em ở độ tuổi thanh thiếu niên tại Hoa Kỳ mang tên “Returning Home” được tổ chức. Hàng trăm em thanh thiếu niên đã quy tụ về và cùng nhau sinh hoạt tu tập, chơi đùa và nghe quý thầy thuyết giảng (bằng tiếng Anh) về ý nghĩa của lòng yêu thương cũng như cách sống vị tha để mang lại an vui cho tất cả mọi người. Tất cả các em đều lộ rõ vẻ hân hoan thích thú khi đến với khóa tu và đầy luyến tiếc khi ra về, với tâm trạng háo hức sẵn sàng trở lại khi có được một dịp khác trong tương lai.
Chúng ta thấy gì qua hai sự kiện hoàn toàn trái ngược nhau như thế? Có mối liên hệ nào giữa chúng hay chăng? Một sự kiện gieo rắc đau thương và bất an lan rộng trên toàn thế giới, và một sự kiện ươm mầm yêu thương, an lạc trong tâm thức những trẻ em còn hết sức vô tư, trong trắng.
Thoạt nhìn qua, có thể chúng ta nghĩ rằng đó là hai sự kiện ở hai nơi riêng rẽ và chẳng có quan hệ gì đến nhau. Tuy nhiên, trong thực tế, xét từ ý nghĩa tâm thức của những người liên quan, chúng ta sẽ thấy rõ đó là hai sự kiện có tương quan mật thiết trong khuynh hướng loại trừ lẫn nhau. Khi yêu thương được nuôi dưỡng và phát triển trong lòng người, sẽ không còn chỗ cho hận thù, bạo ác, cũng giống như một ngọn đèn thắp lên thì tự nhiên quanh nó sẽ không còn bóng tối.
Cũng vậy, khi trí tuệ được ươm mầm và nuôi dưỡng để nhận thức được đúng thật về thực tại đời sống và giá trị của sinh mạng con người, sẽ không còn chỗ cho những si mê tối tăm đến mức độ lấy việc hủy hoại sinh mạng người khác làm mục tiêu tối hậu của đời mình!
Chúng ta không phủ nhận là tuyệt đại đa số nhân loại vẫn không tán thành với những hành vi bạo lực gieo rắc đau thương cho đồng loại, vẫn đang bày tỏ sự thương cảm với các nạn nhân và gay gắt lên án những kẻ khủng bố ác độc, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận một sự thật đau lòng là hơn bao giờ hết, nhân loại đang phải đối mặt với sự bất an lan tràn do quá nhiều bạo lực, từ những bạo lực kinh hoàng như đánh bom khủng bố nhằm vào cả những nạn nhân là trẻ em, phụ nữ, cho đến những bạo lực ở tầm phổ biến hơn như cướp bóc, giết người, tra tấn... Trong thời gian gần đây, chúng ta đọc thấy nhiều bản tin về những vụ giết người man rợ khi kẻ cướp có thể chỉ vì một số tiền không lớn lắm mà nhẫn tâm giết người, chặt nát thi thể ném xuống giếng để phi tang... Quả thật là những hành vi không còn cả tính người!
Bạo lực cũng lan tràn cả vào học đường khi học sinh đánh đập nhau vì thù oán, lan tràn cả vào bệnh viện khi thân nhân người bệnh tấn công y tá, bác sĩ vì bất mãn... Và điều đáng lo ngại nhất là không ít trong số những kẻ phạm tội còn ở độ tuổi trẻ và rất trẻ. Liệu mỗi người lương thiện có phải chịu trách nhiệm phần nào trước thực trạng bạo lực lan tràn khắp nơi trong xã hội như thế hay không?
Từ góc nhìn của người Phật tử theo nguyên lý tương quan tương duyên, chúng ta cần hiểu rằng, khi bạo lực có mặt là vì sự thiếu vắng của tâm từ bi và trí tuệ. Vì thế, phải thừa nhận là chúng ta đã làm được quá ít những việc cần làm để gieo rắc tình thương và nuôi dưỡng trí tuệ, trong khi những kẻ xấu ác đang hành động ngày càng điên cuồng hơn để gieo rắc đau thương trong nhân loại.
Hãy thử làm một phân tích nhỏ để thấy rõ mối tương quan này. Trong khi chỉ một vụ khủng bố xảy ra ở Manchester Arena đã gieo rắc kinh hoàng lan rộng khắp nơi và khiến cho hàng trăm gia đình phải chịu khổ đau đến suốt cuộc đời, thì một khóa tu ươm mầm từ bi và trí tuệ như Returning Home đã có được bao nhiêu người quan tâm trên địa bàn San Diego, chưa nói đến trên khắp California hay toàn nước Mỹ? Nói một cách cụ thể hơn, chúng ta đã có quá ít nỗ lực tích cực để nhân rộng những sự kiện tốt đẹp như thế này, và phần lớn trong chúng ta hẳn còn thụ động mà chưa thấy được rằng, nếu không tích cực gieo trồng thiện hạnh thì chính ta cũng đang chịu một phần trách nhiệm khi cái ác lan tràn.
Đây chính là ý nghĩa mà người Phật tử cần nhận rõ. Từ nhiều năm qua, chúng tôi luôn theo đuổi quan điểm “Chia sẻ Pháp là trách nhiệm của người con Phật.” Khi Chánh pháp được truyền dạy đến khắp mọi nơi, cơ hội lan tràn của si mê và xấu ác sẽ giảm đi. Lời Phật dạy từ hơn 25 thế kỷ qua vẫn luôn là con đường đúng đắn và hiệu quả nhất để xây dựng một xã hội an vui, hạnh phúc. Mỗi người Phật tử khi có được lợi lạc từ việc nhận hiểu và làm theo lời Phật dạy, thì cũng phải tích cực nhận về mình phần trách nhiệm chia sẻ những lời dạy, những lợi lạc ấy đến với mọi người khác. Kinh Duy-ma-cật dạy rằng: “Như một ngọn đèn mồi ra đến trăm ngàn ngọn đèn, ánh sáng được nhân rộng mà không tắt mất.” Cũng vậy, chia sẻ Chánh pháp đến với mọi người cũng chính là mang lại lợi lạc cho bản thân, gia đình và cộng đồng quanh ta.
Khi chưa có điều kiện chia sẻ Pháp đến với nhiều người, thì ít nhất chúng ta cũng phải chia sẻ đến với những người thân trong gia đình như vợ chồng, anh chị em và nhất là con cháu của chúng ta. Nuôi dạy con cháu bằng lời Phật dạy chính là cách tốt nhất để ươm mầm từ bi, trí tuệ cho tuổi trẻ, và khi có điều kiện thì hãy tích cực tham gia những khóa tu tập để giúp các em thấm nhuần Phật pháp. Tại Việt Nam, chùa Hoằng Pháp ở Hóc Môn trong thời gian qua đã làm rất tốt việc tổ chức nhiều khóa tu như thế.
Khi tự thân chúng ta thực hành đúng theo lời Phật dạy để duy trì một nếp sống tỉnh thức, vị tha, trải lòng thương yêu đến với tất cả mọi người, chúng ta sẽ trở thành gương sáng để con cháu noi theo. Đó gọi là thân giáo.
Hơn thế nữa, nếu chúng ta đi chùa, lạy Phật, tụng kinh, niệm Phật... mà chính con cháu của ta lại không hiểu gì về ý nghĩa của những việc làm ấy, không hiểu gì về những giá trị cao quý của từ bi, trí tuệ... thì rõ ràng chính ta đã không làm tròn trách nhiệm của một người Phật tử.
Trong thực tế, một khi tuổi trẻ có thể nhận hiểu được những ý nghĩa cao quý trong lời Phật dạy và thực hành nuôi dưỡng lòng từ bi, nếp sống vị tha, thì chắc chắn sẽ không còn chỗ cho những tư tưởng xấu ác, si mê lan rộng. Nếu như ta chưa thể kiểm soát được sự lan tràn của sự xấu ác trên khắp hành tinh, thì ít nhất ta cũng phải hết sức nỗ lực để đẩy lùi chúng ra khỏi phạm vi gia đình, xã hội quanh ta. Và cách tốt nhất để làm điều đó là đem Giáo pháp dạy cho con cháu ta để chúng có thể nhận hiểu và làm theo lời Phật dạy.
Nỗ lực của mỗi chúng ta có thể chỉ là sự đóng góp nhỏ nhoi, nhưng sự nỗ lực của nhiều người chắc chắn sẽ làm thay đổi được khuynh hướng của toàn xã hội, sẽ giúp hoàn thiện môi trường sống quanh ta ngày càng an ổn và nhiều hạnh phúc hơn. Ngược lại, nếu mỗi chúng ta đều không làm gì để hướng đến điều đó, ta không thể mong đợi bất kỳ ai khác sẽ làm thay cho chính ta.
Mong sao với sự nỗ lực của tất cả chúng ta, hành tinh này sẽ sớm có được sự bình an và tình thương yêu chia sẻ.