Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại »» j. Tào Khê chánh giáo »»

Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại
»» j. Tào Khê chánh giáo

Donate

(Lượt xem: 4.992)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại - j. Tào Khê chánh giáo

Font chữ:

Đại sư trụ tại núi Tào Khê, giáo hóa đồ chúng, nhân dân ở khắp hai vùng Thiều Châu và Quảng Châu trong hơn bốn mươi năm. Số đệ tử xuất gia và tại gia lên đến hơn ba ngàn người, thậm chí có khi lên đến hơn năm ngàn, nhưng trong thực tế còn nhiều hơn cả những con số mà người ta tính đếm được. Về tông chỉ thì chỉ duy nhất lấy một quyển Đàn kinh này để truyền thọ, xem là chỗ pháp yếu căn bản. Nếu ai chưa được truyền thọ Đàn kinh, xem như chưa hiểu được giáo pháp của Tổ sư. Khi truyền thọ Đàn kinh, cần phải xác định rõ nơi chốn, ngày tháng và tên tuổi của người được truyền thọ. Những ai chưa được truyền thọ Đàn kinh thì chưa được xem là đệ tử của Nam tông.

Những người chưa được truyền thọ Đàn kinh thì dù có thuyết giảng được pháp Đốn ngộ nhưng vẫn là chưa hiểu được giáo lý căn bản, nên cuối cùng khó tránh khỏi rơi vào vòng tranh cãi. Những người đã được truyền thọ Đàn kinh rồi thì chỉ chuyên cần tu tập, chẳng rơi vào tranh cãi. Vì sự tranh cãi biểu lộ tâm hơn thua, trái ngược với đạo.


Thiền sư Pháp Hải



Thiền sư Pháp Hải người ở Khúc Giang, Thiều Châu, lần đầu đến tham bái Lục Tổ Đại sư, thưa hỏi rằng:

“Thế nào là nghĩa ‘tức tâm tức Phật’, xin Hoà thượng từ bi chỉ dạy.”

Lục Tổ Đại sư đáp: “Niệm trước chẳng sanh là tâm, niệm sau chẳng diệt là Phật. Thành tựu hết thảy các tướng là tâm, lìa hết thảy các tướng là Phật. Nếu nói ra cho đủ, trọn kiếp cũng không hết được. Hãy nghe bài kệ này:

Tức Tâm là tuệ,
Tức Phật ấy định.
Định, tuệ cùng trì,
Ý được thanh tịnh.
Ngộ Pháp môn này,
Do tập tánh ông.
Dụng vốn không sanh.
Song tu là đúng.


Pháp Hải nghe xong bừng ngộ, đọc kệ tán thán rằng:

Tức tâm nguyên là Phật,
Chẳng ngộ mà tự khuất.
Hiểu ra nhờ định tuệ,
Song tu lìa muôn vật.


Thiền sư Pháp Đạt

Thiền sư Pháp Đạt người Hồng Châu, xuất gia từ năm lên bảy, thường tụng kinh Pháp Hoa. Khi đến lễ bái Lục Tổ Đại sư, đầu chẳng sát đất. Đại sư quở rằng:

“Lễ bái mà đầu không sát đất, chi bằng đừng lễ. Trong tâm ông hẳn có điều gì chất chứa, nói ra thử xem?”

Pháp Đạt thưa rằng: “Tôi thường tụng niệm kinh Pháp Hoa, đã được tới ba ngàn lần!”

Lục Tổ Đại sư nói: “Nếu ông tụng niệm đến muôn lần, hiểu được ý kinh nhưng chẳng cho đó là hơn người, thì cùng đi một đường với ta. Nay ông lại ỷ vào việc tụng kinh nên chẳng biết lỗi, hãy nghe bài kệ này:

Lễ vốn diệt kiêu mạn,
Sao đầu chẳng sát đất?
Chấp ngã, tội liền sanh,
Quên công, phước cao ngất.


Lục Tổ Đại sư bấy giờ mới hỏi: “Ông tên chi?” Thưa: “Pháp Đạt.” Đại sư nói: “Ông tên Pháp Đạt nhưng đã đạt pháp bao giờ đâu?” Rồi Đại sư thuyết kệ rằng:

Ông nay tên Pháp Đạt,
Siêng tụng chưa ngừng nghỉ.
Chỉ theo âm thanh tụng,
Tâm sáng mới Bồ Tát!
Ông nay thật có duyên,
Ta vì ông giảng thuyết:
Chỉ tin Phật không nói,
Hoa sen từ miệng nở.


Pháp Đạt nghe kệ, hối lỗi thưa rằng: “Từ nay về sau xin khiêm cung với tất cả. Đệ tử này tụng kinh Pháp Hoa nhưng chưa hiểu nghĩa kinh, lòng thường có chỗ nghi. Hòa thượng trí tuệ quảng đại, xin vì con lược thuyết nghĩa lý trong kinh.”

Lục Tổ Đại sư nói: “Pháp Đạt! Pháp tự nhiên thông đạt, chỉ do tâm ông chẳng đạt. Kinh vốn không nghi, tâm ông tự nghi. Ông tụng niệm kinh này, lấy gì làm tông chỉ?”

Pháp Đạt thưa : “Đệ tử này căn tánh tối tăm ngu dốt, xưa nay chỉ y theo kinh văn mà tụng niệm, chưa từng nắm biết được tông chỉ của kinh.”

Lục Tổ Đại sư nói: “Ta không biết chữ, nay ông cứ tụng qua một lần, ta sẽ giảng giải nghĩa kinh cho nghe.”

Pháp Đạt liền lớn tiếng tụng kinh. Đến phẩm Thí Dụ, Đại sư bảo: “Thôi, không cần tụng nữa. Kinh này vốn lấy nhân duyên xuất thế làm tông chỉ. Dù thuyết giảng bao nhiêu thí dụ cũng không ra ngoài tông chỉ ấy.

“Thế nào là nhân duyên? Kinh nói : “Chư Phật Thế Tôn chỉ vì nhân duyên một việc quan trọng mà xuất hiện ở đời.” Một việc quan trọng, đó là tri kiến Phật. Người đời bên ngoài mê chấp vướng mắc nơi tướng, bên trong mê chấp vướng mắc lẽ không. Nếu có thể ở nơi tướng lìa được tướng, ở nơi không lìa được không, tức là trong ngoài chẳng mê. Nếu ngộ pháp ấy, trong một niệm tâm liền khai mở. Đó là khai mở tri kiến Phật.

“Phật nghĩa là giác, phân ra thành bốn môn: khai mở tri kiến giác, chỉ rõ tri kiến giác, nhận biết tri kiến giác, và nhập vào tri kiến giác.

“Nếu nghe lời khai mở, chỉ rõ, liền được nhận biết, nhập vào, chính là tri kiến Phật. Chân tánh xưa nay liền được hiển hiện. Ông phải cẩn thận đừng hiểu sai ý kinh. Chớ nghe giảng những cách khai mở, chỉ rõ, nhận biết, nhập vào như thế mà cho đó chỉ là tri kiến của Phật, còn mình không có phần.

“Nếu hiểu như vậy tức là báng bổ kinh, chê bai Phật. Nếu đã là Phật, có đủ tri kiến cần gì khai mở? Ông nên tin rằng tri kiến Phật chỉ là tự tâm của ông, không có Phật nào khác nữa. Chỉ vì hết thảy chúng sanh tự mình che khuất sự sáng suốt, tham đắm cảnh trần, gặp duyên bên ngoài thì trong tâm rối loạn, cam chịu sự xô đẩy trôi lăn, mới phải nhọc công đức Thế Tôn từ chánh định khởi lên, dùng không biết bao nhiêu phương tiện dẫn dụ giải thuyết mà khuyên bảo cho tự lắng dịu đi. Chỉ cần dừng lại không cầu tìm ở bên ngoài, tự nhiên đồng với Phật. Cho nên gọi là khai mở tri kiến Phật. Ta cũng khuyên hết thảy mọi người, tự trong tâm mình thường khai mở tri kiến Phật.

“Người đời tâm tà, ngu mê tạo tội; miệng lành, tâm dữ, tham giận, ganh ghét, tà vạy, cao ngạo, hại người tổn vật, tự khai mở tri kiến chúng sanh. Nếu biết chánh tâm, thường sanh trí tuệ, quán xét tự tâm, lìa bỏ việc ác, làm các việc lành, ấy là tự mình khai mở tri kiến Phật.

“Ông nên mỗi niệm thường khai mở tri kiến Phật, đừng khai mở tri kiến chúng sanh. Khai mở tri kiến Phật tức là xuất thế. Khai mở tri kiến chúng sanh tức là thế gian. Nếu ông chỉ khổ công theo việc tụng niệm kinh, lấy riêng đó làm chỗ công phu, có khác chi loài trâu mao quý cái đuôi mình?”

Pháp Đạt thưa hỏi: “Nếu vậy thì chỉ cần hiểu nghĩa, chẳng cần tụng kinh hay sao?”

Lục Tổ Đại sư nói: “Kinh có lỗi gì mà ngăn cản ông tụng niệm? Chỉ là mê hay ngộ, lợi hay hại đều do nơi ông. Miệng tụng, tâm thực hành, tức chuyển được kinh. Miệng tụng, tâm chẳng thực hành, tức là bị kinh chuyển. Hãy nghe bài kệ này:

Tâm mê, Pháp Hoa chuyển;
Tâm ngộ, chuyển Pháp Hoa.
Tụng kinh lâu chẳng rõ,
Với nghĩa thành oan gia.
Không niệm, niệm là chánh,
Có niệm, niệm thành tà.
Có, không đều quên sạch,
Trâu trắng cưỡi chơi xa.


Pháp Đạt nghe kệ bừng ngộ, bất giác ứa lệ vui mừng, thưa với Đại sư rằng:

“Pháp Đạt này từ trước đến nay thật chưa từng chuyển được kinh Pháp Hoa, chỉ bị kinh Pháp Hoa chuyển.”

Lại hỏi rằng: “Trong kinh nói: ‘Các vị đại Thanh văn cho đến chư vị Bồ Tát dẫu có tận lực cùng nhau suy nghĩ cũng chẳng đo lường nổi trí tuệ của Phật.’ Nay dạy cho phàm phu chỉ cần tỉnh ngộ tự tâm, liền gọi là tri kiến Phật; tự mình chẳng phải bậc thượng căn, sợ chưa khỏi tội hoài nghi, báng bổ? Lại nữa, trong kinh nói đến ba thứ xe: xe dê, xe nai, xe trâu, với xe trâu trắng phân biệt khác nhau thế nào? Xin Hòa thượng chỉ dạy thêm cho.”

Đại sư dạy rằng: “Ý kinh vẫn rõ, chỉ tự ông mê cho nên trái đi. Người trong ba thừa chẳng lường được Phật trí, là vì dùng trí để suy lường. Cho dù có tận lực cùng nhau mà suy lường, lại chỉ càng thêm xa cách.

“Phật vốn vì phàm phu mà thuyết kinh, chẳng phải vì Phật mà thuyết. Lẽ ấy nếu ai chẳng tin được thì đành theo kẻ khác mà thối lui. Không tự biết mình đang ngồi trên xe trâu trắng, lại ra ngoài cửa tìm kiếm ba thứ xe khác! Huống chi trong kinh nói rõ với ông rằng: Chỉ có một Phật thừa, chớ không có thừa nào khác. Nếu nói hai thừa, ba thừa, cho đến vô số phương tiện, nhân duyên, thí dụ cũng đều là vì có một Phật thừa. Sao ông chẳng suy xét?

“Ba loại xe là giả tạm, vì chuyện thuở xưa. Một thừa duy nhất là chân thật, vì chuyện bây giờ. Chỉ dạy ông bỏ vật giả tạm, quay về chân thật. Về chân thật rồi, chân thật đó cũng không có tên.

“Phải biết rằng những của báu ông có đều thuộc về ông, do ông sử dụng, chẳng tưởng là của cha, chẳng tưởng là của con, cũng chẳng tưởng đến việc sử dụng. Ấy gọi là trì kinh Pháp Hoa, kiếp này sang kiếp khác, tay chẳng rời kinh, ngày đêm không lúc nào chẳng niệm vậy.”

Pháp Đạt đội ơn khai ngộ, vui mừng khôn xiết, đọc kệ xưng tán rằng:

Tụng kinh ba ngàn lượt,
Tào Khê một câu quên.
Chưa rõ lẽ xuất thế,
Qua bao kiếp mê cuồng.
Dê, nai, trâu, giả lập,
Trước sau, khéo giải bày.
Ai hay trong nhà lửa,
Thật có đấng Pháp vương.


Lục Tổ Đại sư nói: “Từ nay có thể gọi ông là vị tăng biết tụng kinh.”

Pháp Đạt từ đó lãnh hội được ý chỉ huyền diệu nhưng cũng không thôi tụng kinh.


Thiền sư Trí Thông

Có vị tăng hiệu Trí Thông, người huyện An Phong, Thọ Châu, trước xem kinh Lăng-già có hơn ngàn lượt mà chẳng hiểu nghĩa ba thân, bốn trí, đến lễ bái Lục Tổ Đại sư cầu giải nghĩa.

Đại sư dạy rằng: “Một là Thanh tịnh Pháp thân, tức là tánh của ông, hai là Viên mãn Báo thân, tức là trí của ông, ba là Thiên bá ức Hóa thân, tức là hạnh của ông. Nếu lìa bản tánh riêng thuyết Ba thân, tức là có thân mà không có trí. Nếu nhận được Ba thân không có tự tánh, tức là Bốn trí Bồ-đề. Hãy nghe bài kệ này:

Tự Tánh đủ Ba thân,
Phát minh thành Bốn trí.
Chẳng lìa duyên thấy nghe,
Vượt lên quả vị Phật,

Nay ta vì ông thuyết,
Khéo tin, dứt lòng mê.
Chớ học kẻ tìm cầu,
Suốt ngày luận Bồ-đề.


Trí Thông lại hỏi: “Còn nghĩa Bốn trí, có thể được nghe chăng?”

Đại sư dạy: “Đã hiểu Ba thân, tức rõ nghĩa Bốn trí, sao còn phải hỏi? Nếu lìa Ba Thân riêng bàn Bốn trí, ấy gọi là có trí không thân. Cho dù có trí cũng thành vô trí.” Liền thuyết kệ rằng:

Đại viên cảnh trí: tánh thanh tịnh.
Bình đẳng tánh trí: tâm không bệnh.
Diệu quán sát trí: chẳng thấy công.
Thành sở tác trí: như gương tròn.
 
Năm, tám, sáu, bảy chuyển quả, nhân.
Chỉ là tên gọi, không tánh thật.
Nếu trong luân chuyển, tình chẳng vướng,
Khởi từ phiền nhiễu, Na-già định.


Trí Thông bừng ngộ tánh trí, trình kệ rằng:

Ba thân nguyên bản thể,
Bốn trí tâm sáng soi.
Thân trí, không ngăn ngại,
Tùy vật hiện theo hình.
Khởi tu là vọng động,
Chấp trụ chẳng phải chân.
Lý mầu nhờ thầy dạy,
Quên sạch danh nhiễm ô.



Thiền sư Trí Thường

Thiền sư Trí Thường người huyện Quý Khê, Tín Châu, xuất gia từ thuở nhỏ, lập chí cầu thấy tánh. Một ngày kia đến tham lễ, Lục Tổ hỏi: “Ông từ đâu đến? Muốn cầu việc chi?”

Trí Thường thưa rằng: “Kẻ học đạo này gần đây qua Hồng Châu, đến núi Bạch Phong, lễ bái Hòa thượng Đại Thông, mong được nghe giảng nghĩa thấy tánh thành Phật, nhưng vẫn chưa dứt lòng nghi. Nay lặn lội đường xa đến đây lễ bái, cúi xin Hòa thượng từ bi chỉ bảo.”

Đại sư hỏi: “Hòa thượng Đại Thông nói những gì, ông thử nhắc lại ta nghe xem.”

Trí Thường thưa: “Đệ tử đến đó, trải qua ba tháng chưa được chỉ dạy điều chi. Bởi quá thiết tha cầu pháp, nên đêm kia mới một mình vào phương trượng, thưa hỏi rằng: ‘Thế nào là bản tâm, bản tánh của Trí Thường?’ Hoà thượng Đại Thông hỏi lại: ‘Ông có thấy hư không hay chăng?’ Đáp rằng: ‘Có thấy.’ Hoà thượng hỏi: ‘Ông thấy hư không có tướng mạo gì chăng?’ Thưa rằng: ‘Hư không không có hình dạng, sao có tướng mạo?’ Sư nói: ‘Bản tánh của ông cũng như hư không vậy, thảy không một vật gì có thể thấy, gọi là chánh kiến; không một vật gì có thể nhận biết, gọi là chân trí. Không có xanh vàng, dài ngắn, chỉ thấy gốc nguồn trong sạch, thể giác tròn sáng, gọi là thấy tánh thành Phật, cũng gọi là tri kiến Như Lai.’ Đệ tử tuy nghe giảng thuyết như vậy, vẫn còn chưa rõ hết. Xin Hòa thượng chỉ bảo cho.”

Đại sư nói: “Hòa thượng Đại Thông thuyết dạy vẫn còn giữ lấy chỗ thấy, biết, cho nên khiến ông chưa hiểu. Nay ta cho ông nghe bài kệ này:

Chẳng pháp nào thấy, còn ‘không thấy’,
Như mây u ám che mặt trời.
Chẳng pháp nào biết, giữ ‘không biết’,
Lại như tia chớp sanh lưng trời.
 
Chỗ thấy biết ấy, bỗng dưng hiện,
Nhận lầm rồi, phương tiện hiểu đâu?
Ông nên mỗi niệm, tự biết quấy,
Tự thân linh quang thường chiếu rọi.


Trí Thường nghe kệ, tâm ý sáng rõ, liền đọc kệ rằng:

Không dưng khởi thấy biết,
Chấp tướng cầu Bồ-đề.
Còn giữ một niệm ‘ngộ’,
Chưa vượt nhiều kiếp mê.
 
Tự tánh giác nguyên thể,
Ứng hiện uổng trôi lăn.
Chẳng vào thất Tổ Sư ,
Ngu mê theo hai đầu.


Một ngày kia, Trí Thường hỏi Sư rằng: “Phật thuyết Ba thừa, lại nói Tối thượng thừa. Đệ tử này chưa hiểu, xin thầy dạy cho.”

Đại sư nói: “Ông tự quán xét bản tâm, đừng vướng mắc pháp tướng bên ngoài. Pháp không có bốn thừa, chỉ tâm người tự có sai biệt: Thấy, nghe, chuyển tụng, ấy là bậc Tiểu thừa. Ngộ pháp, hiểu nghĩa, ấy là bậc Trung thừa. Y pháp tu hành, ấy là bậc Đại thừa. Muôn pháp đều thông hết, muôn pháp đủ cả, đối với hết thảy đều chẳng đắm nhiễm, lìa các pháp tướng, không có chỗ sở đắc, gọi là Tối thượng thừa. Thừa là nghĩa thực hành, chẳng phải tranh biện ở miệng. Ông nên tự tu hành, đừng hỏi ta như vậy. Bất cứ lúc nào tự tánh cũng vẫn tự như như.”

Trí Thường lễ tạ, theo hầu Đại sư đến trọn đời.

Thiền sư Chí Đạo

Thiền sư người huyện Nam Hải, Quảng Châu, tìm đến Lục Tổ Đại sư thưa hỏi rằng: “Kẻ học đạo này từ khi xuất gia, xem Kinh Niết-bàn có hơn mười năm nhưng chưa rõ đại ý. Xin Hòa thượng dạy cho.”

Đại sư hỏi: “Ông chưa rõ chỗ nào?”

Chí Đạo thưa: “Các hành vô thường, là pháp sanh diệt. Sanh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui. Đệ tử còn nghi hoặc ở chỗ ấy.”

Đại sư hỏi: “Ông nghi hoặc thế nào?”

Thưa rằng: “Chúng sanh đều có hai thân: sắc thân và pháp thân. Sắc thân là vô thường, có sanh, có diệt. Pháp thân là thường: không tri, không giác. Trong kinh nói rằng: Sanh, diệt, diệt rồi, tịch diệt là vui. Chẳng rõ thân nào tịch diệt? Thân nào hưởng vui?

“Nếu là sắc thân, thời lúc sắc thân diệt đi, tứ đại phân tán, toàn là khổ cả. Khổ chẳng thể nói là vui.

“Nếu là pháp thân tịch diệt, liền đồng với cỏ cây, gạch đá, vậy cái gì sẽ hưởng sự vui?

“Lại nữa, pháp tánh là thể của sanh diệt, năm uẩn là dụng của sanh diệt. Một thể, năm dụng, sanh diệt là thường. Sanh tức do thể khởi dụng, diệt tức thâu dụng về thể. Nếu cho nó sanh, tức là loài hữu tình, chẳng đoạn, chẳng diệt. Nếu chẳng cho nó sanh, tức theo về tịch diệt, đồng với loài vô tình. Như vậy, hết thảy các pháp đều bị Niết-bàn ngăn chặn, còn chẳng đặng sanh, có vui gì đâu?”

Đại sư nói: “Ông là con nhà họ Thích, sao tập lấy cái tà kiến đoạn, thường của ngoại đạo mà bàn pháp Tối thượng thừa?

“Cứ như thuyết của ông, tức là ngoài sắc thân, riêng có pháp thân, rời khỏi sanh diệt, cầu nơi tịch diệt.

“Lại suy rằng cảnh Niết-bàn là thường tồn và vui, nên nói có thân thọ dụng. Đó tức là bám lấy cái ý tham tiếc chuyện sống chết, say đắm cuộc vui ở đời.

“Nay ông nên biết rằng: Phật vì hết thảy người mê nhận năm uẩn hòa hiệp làm tướng tự thể, phân biệt hết thảy các pháp làm tướng ngoại trần, tham sống sợ chết, niệm niệm trôi lăn, chẳng biết vốn là mộng huyễn hư dối, uổng chịu kiếp luân hồi, lấy cảnh Niết-bàn thường, vui hóa làm tướng khổ suốt ngày rong ruổi tìm kiếm. Vì Phật thương những chúng sanh ấy, mới chỉ ra cho cảnh vui chân thật của Niết-bàn, không một sát-na nào có tướng sanh, không một sát-na nào có tướng diệt; lại cũng không có sự sanh diệt có thể diệt được. Ấy là cảnh tịch diệt hiện tiền. Đương lúc hiện ra nơi hiện tiền, cũng không có cái hạn lượng nơi hiện tiền, mới gọi là cảnh thường, vui.

“Cảnh vui ấy không có người thọ nhận, cũng không có người nào không thọ nhận, làm sao lại có cái tên gọi là một thể năm dụng? Huống chi lại nói rằng Niết-bàn ngăn chặn các pháp khiến cho mãi mãi chẳng sanh? Đó tức là báng bổ Phật, chê bai Pháp. Hãy nghe bài kệ này:

Đại Niết-bàn trên hết,
Tròn sáng thường lặng chiếu.
Phàm ngu cho là chết,
Ngoại đạo chấp dứt đoạn.

Những người cầu Nhị thừa,
Cho là không tạo tác.
Thảy đều thuộc tình si.
Gốc ở sáu hai kiến.

Hư vọng giả lập tên,
Nào có nghĩa chân thật?
Chỉ có người cao vượt,
Thông đạt chẳng lấy bỏ.

Rõ biết pháp ngũ uẩn,
Với thân ta trong đó.
Ngoài hiện bao sắc tượng,
Mỗi mỗi tướng âm thanh.

Bình đẳng như mộng huyễn,
Chẳng khởi thấy thánh, phàm.
Không luận giải Niết-bàn,
Hai bên, ba thuở dứt.

Thường ứng dụng các căn,
Nhưng chẳng khởi dụng tưởng.
Phân biệt hết thảy pháp,
Chẳng khởi phân biệt tưởng.

Kiếp hỏa thiêu đáy biển,
Gió chuyển núi, đổ non.
Chân thường, vui, tịch diệt,
Niết-bàn tướng vẫn vậy.

Nay ta gượng giải thuyết,
Khiến ông bỏ tà kiến.
Chớ chạy theo lời nói,
May biết được đôi chút.


Chí Đạo nghe kệ rồi đại ngộ, vui mừng làm lễ lui ra.


Thiền sư Hành Tư

Thiền sư họ Lưu, người huyện An Thành, Cát Châu. Nghe danh Tào Khê giáo pháp thạnh hóa, liền theo đường tắt đến tham lễ, hỏi rằng: “Nên làm việc gì để không rơi vào giai cấp?”

Đại sư hỏi: “Xưa nay ông đã từng làm gì?”

Thưa rằng: “Thánh đế cũng chẳng làm.”

Đại sư hỏi: “Vậy thì rơi vào giai cấp nào?”

Thưa rằng: “Đến như Thánh đế còn chẳng làm, làm sao có giai cấp?”

Lục Tổ Đại sư rất trân trọng, bảo Hành Tư dẫn dắt đồ chúng. Một ngày kia, Đại sư bảo Hành Tư: “Ông nên đi giảng hóa ở một phương, chớ để cho giáo pháp phải dứt đoạn.”

Thiền sư Hành Tư liền về núi Thanh Nguyên ở Cát Châu, rộng truyền Phật pháp. Sau được vua ban thụy hiệu là Hoằng Tế Thiền sư.


Thiền sư Hoài Nhượng

Thiền sư họ Đỗ, người Kim Châu. Thoạt tiên ra mắt An Quốc sư tại Tung Sơn. Quốc sư bảo tới Tào Khê tham lễ học hỏi, Hoài Nhượng liền tìm đến lễ bái Lục Tổ Đại sư.

Đại sư hỏi rằng: “Từ đâu đến đây?” 

Thưa rằng: “Từ Tung Sơn đến.”

Đại sư hỏi: “Mang theo vật gì đến đó?”

Đáp: “Nói tợ như một vật tức là chẳng đúng rồi.”

Đại sư hỏi: “Vậy có thể tu chứng chăng?”

Đáp: “Tu chứng tức chẳng không, ô nhiễm tức chẳng được.”

Đại sư nói: “Chỉ một điều chẳng ô nhiễm ấy, là chỗ chư Phật hộ niệm. Ông đã như vậy, ta cũng như vậy. Ngài Bát-nhã Đa-la bên Tây Thiên có lời đoán trước rằng: ‘Dưới chân ngươi nhảy ra con ngựa con, đá giết người trong thiên hạ.’ Lời ấy ứng nơi tâm ông, chẳng nên vội nói.”

Hoài Nhượng thoạt nhiên có chỗ khế hợp, bèn giữ lễ hầu hạ bên Đại sư cho đến 15 năm, ngày càng đi sâu vào chỗ huyền diệu, thâm áo, rồi về Nam Nhạc hoằng hoá, mở rộng Thiền tông. Sau khi viên tịch được sắc phong thụy hiệu là Đại Huệ Thiền sư.

Thiền sư Huyền Giác

Thiền sư họ Đái, cũng gọi là Vĩnh Gia Huyền Giác, người Ôn Châu. Thuở nhỏ học tập kinh luận, tinh thông pháp môn Chỉ quán của phái Thiên Thai. Nhân đọc Kinh Duy-ma, tâm địa bừng sáng. Tình cờ gặp đệ tử của Lục Tổ là Huyền Sách cùng nhau đàm luận. Thấy Huyền Giác nói ra mọi điều đều ngầm hợp với ý Tổ, Huyền Sách mới hỏi:

“Chẳng hay nhân giả đắc pháp với ai?”

Huyền Giác đáp rằng: “Tôi học theo kinh luận Phương đẳng, đều là có truyền thừa. Sau do nơi Kinh Duy-ma ngộ được  tông chỉ nơi tâm Phật, nhưng chưa có ai chứng minh.”

Huyền Sách nói: “Từ đời Phật Oai Âm Vương trở về trước thì được, còn từ đời Phật Oai Âm Vương về sau, nếu không có thầy mà tự ngộ, hầu hết đều là ngoại đạo.”

Huyền Giác nói: “Nguyện nhân giả chứng minh cho tôi.”

Huyền Sách đáp: “Lời của tôi chẳng xứng đáng. Nay tại Tào Khê có Lục Tổ Đại sư, bốn phương đều về thọ pháp. Nếu ngài muốn đi thì tôi sẽ cùng đi.”

Huyền Giác bèn theo Huyền Sách đến tham lễ Lục Tổ.

Đến nơi, Huyền Giác đi quanh Đại sư ba vòng, rồi chống cây tích trượng mà đứng.

Đại sư nói: “Phàm bậc sa-môn phải đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh. Đại đức từ phương nào tới mà cao ngạo đến thế?”

Huyền Giác nói: “Sanh tử là việc lớn, vô thường mau chóng lắm.”

Đại sư nói: “Sao chẳng nhận lấy lý vô sanh, hiểu chỗ không mau chóng?”

Huyền Giác đáp rằng: “Thể tức vô sanh, hiểu vốn là không mau chóng.”

Đại sư nói: “Đúng vậy, đúng vậy.”

Huyền Giác lúc bấy giờ mới chỉnh đốn oai nghi, cung kính lễ bái. Sau giây lát xin cáo từ.

Đại sư hỏi: “Về chóng thế sao?”

Thưa rằng: “Tự mình chẳng phải động, lại có mau chóng sao?”

Đại sư hỏi: “Ai biết chẳng phải động?”

Huyền Giác nói: “Nhân giả tự sanh phân biệt.”

Đại sư nói: “Ông thật hiểu sâu ý vô sanh.”

Huyền Giác thưa: “Vô sanh lại có ý sao?”

Đại sư nói: “Không có ý thì ai phân biệt?”

Huyền Giác nói: “Phân biệt cũng chẳng phải là ý.”

Đại sư khen ngợi rằng: “Hay lắm thay!”

Rồi Đại sư lưu giữ Huyền Giác lại một đêm. Người đương thời nhân đó mà gọi Huyền Giác là Nhất túc giác (một đêm giác ngộ). Về sau, Huyền Giác có viết tập Chứng đạo ca được lưu hành rộng rãi. Sau khi viên tịch được vua ban thụy hiệu là Vô tướng Đại sư, người đương thời tôn xưng là Chân Giác Đại sư.

Thiền sư Trí Hoàng

Thiền sư Trí Hoàng trước đã từng tham lễ với Ngũ Tổ, tự cho là mình đã được chánh thọ, ngồi luôn trong am đến 20 năm.

Đệ tử của Lục Tổ là Huyền Sách, đi du phương đến đất Hà Sóc, nghe danh Trí Hoàng, tìm đến am hỏi rằng: “Ngài ở đây làm gì?”

Trí Hoàng đáp: “Nhập định.”

Huyền Sách hỏi: “Ngài nói nhập định là hữu tâm mà nhập hay vô tâm mà nhập? Nếu là vô tâm mà nhập, thì hết thảy những vật vô tình như cỏ cây, gạch đá, lẽ ra cũng được định. Còn nếu là hữu tâm mà nhập, thì hết thảy những loài hữu tình có tâm thức cũng đều được định.”

Trí Hoàng nói: “Ta đang lúc nhập định chẳng thấy có tâm hữu, vô.”

Huyền Sách nói: “Chẳng thấy có tâm hữu vô, đó là thường định, sao còn có xuất nhập? Nếu có xuất nhập, tức chẳng phải đại định.”

Trí Hoàng không đáp lại được. Hồi lâu mới hỏi rằng: “Thầy của ông là ai?”

Huyền Sách đáp: “Thầy tôi là Lục Tổ ở Tào Khê.”

Trí Hoàng hỏi: “Lục Tổ lấy chi làm thiền định?”

Huyền Sách đáp: “Thầy tôi dạy chỗ mầu nhiệm, rỗng rang, tròn đầy, vắng lặng, thể và dụng như như. Năm ấm vốn không, sáu trần chẳng có, chẳng xuất chẳng nhập, chẳng định chẳng loạn. Tánh thiền không trụ, lìa chỗ trụ nơi thiền vắng lặng. Tánh thiền không sanh, lìa tư tưởng sanh nơi cõi thiền. Tâm như hư không, cũng không có cả cái hạn lượng của hư không.”

Trí Hoàng nghe thuyết như vậy, liền lập tức theo đường tắt tìm đến ra mắt Lục Tổ Đại sư. Đại sư hỏi: “Nhân giả từ đâu đến đây?” Trí Hoàng thuật lại lời Huyền Sách.

Đại sư nói: “Đúng như lời ấy. Ông chỉ cần tâm như hư không, cũng chẳng mắc vào chỗ thấy cái không, ứng dụng không ngăn ngại, động tĩnh đều vô tâm, chỗ tình tưởng phàm thánh đều quên cả, năng sở đều mất, tánh tướng như như thì không lúc nào là chẳng định.”

Trí Hoàng nghe xong đại ngộ, nhớ lại chỗ sở đắc trong 20 năm qua thật chẳng có gì. Đêm hôm ấy, sĩ thứ đất Hà Bắc đều nghe trên không trung có tiếng vang rằng: “Hôm nay Hoàng Thiền sư đắc đạo.”

Sau đó Trí Hoàng lễ bái từ biệt, trở về Hà Bắc khai hóa bốn chúng.

Thiền sư Thần Hội


Thiền sư họ Cao, người huyện Tương Dương, xuất gia làm sa-di ở chùa Ngọc Tuyền, năm 13 tuổi tìm đến tham lễ Lục Tổ Đại sư.

Đại sư hỏi: “Bậc tri thức từ xa khó nhọc đến, vậy đã được chỗ cội gốc hay chưa? Nếu có cội gốc, hẳn phải biết chủ. Thử nói ra xem.”

Thần Hội nói: “Lấy vô trụ làm gốc, thấy tức là chủ.”

Đại sư nói: “Chú sa-di nhỏ này tranh giữ lấy câu thứ yếu.”

Thần Hội lại hỏi: “Hòa thượng ngồi thiền, thấy hay chẳng thấy?”

Sư lấy gậy đánh ba cái, hỏi rằng: “Ta đánh ông, đau hay không đau?”

Thưa rằng: “Cũng đau, cũng không đau.”

Đại sư nói: “Ta cũng thấy, cũng chẳng thấy.”

Thần Hội hỏi: “Thế nào là cũng thấy, cũng chẳng thấy?”

Đại sư nói: “Chỗ ta thấy đó là thường thấy điều lầm lỗi trong tâm mình, chẳng thấy điều phải quấy, tốt xấu của người khác. Bởi vậy cho nên cũng thấy, cũng chẳng thấy. Còn ông nói ‘Cũng đau, cũng chẳng đau.’ là thế nào? Ông nếu chẳng đau, tức đồng với cây đá. Nếu đau, tức đồng với kẻ phàm phu, liền khởi oán giận. Ông từ trước đến nay thấy và chẳng thấy là hai bên; đau với chẳng đau là sanh diệt. Tự tánh của ông còn chưa thấy được, sao dám đùa người?”

Thần Hội lễ bái, ăn năn tạ lỗi. Đại sư lại nói: “Ông nếu tâm mê chẳng thấy, nên cầu hỏi bậc thiện tri thức chỉ đường cho. Nếu tâm ngộ, tức tự thấy tánh, liền y theo pháp tu hành. Nay ông mê chẳng thấy tự tâm, lại đến đây hỏi ta thấy với chẳng thấy. Ta thấy, ta tự biết, chẳng thay được cho chỗ mê của ông. Ông nếu tự thấy, cũng chẳng thay được cho chỗ mê của ta. Sao chẳng tự biết tự thấy, lại hỏi ta thấy với chẳng thấy?”

Thần Hội lễ lạy hơn trăm lạy, cầu tạ lỗi lầm. Từ đó siêng năng hầu hạ bên Đại sư chẳng rời.

Một ngày kia, Đại sư bảo chúng rằng: “Ta có một vật không đầu không đuôi, không tên không họ, không trái không phải. Các ông có biết là gì chăng?”

Thần Hội bước ra nói: “Đó là nguồn gốc của chư Phật, tánh Phật của Thần Hội.”

Đại sư nói: “Vừa nói với ông không tên không họ, ông lại đặt ngay ra là nguồn gốc, là Phật tánh. Ông về sau có ở chốn am tranh, cũng chỉ thành tông đồ của bọn tri giải.”

Sau khi Tổ Sư diệt độ, Thần Hội vào Kinh Lạc, ở chùa Hà Trạch mở rộng Đốn giáo Tào Khê, soạn bộ sách Hiển tông ký lưu hành rộng rãi, người đời tôn xưng là Thiền sư Hà Trạch.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 13 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Những Đêm Mưa


Đức Phật và chúng đệ tử


Chuyển họa thành phúc


Chuyện Vãng Sanh - Tập 1

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.148.105.127 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (130 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...