Lục Tổ Đại sư lánh nạn về phương Nam từ năm Tân Dậu (661), cho đến năm
Đinh Sửu (677) thì rời Thiều Châu đến chùa Bảo Lâm, Tào Khê. Tuy nhiên,
nội dung những lần thuyết pháp đầu tiên của ngài tại chùa Đại Phạm (tức
chùa Báo Ân) thuộc Tân Châu sau này đã được ghi chép vào Đàn Kinh thành
các phẩm Hành do, Bát-nhã và Nghi vấn. Ba phẩm này mở đầu Đàn Kinh và
cũng có thể xem là đã chuyển tải một phần lớn nội dung giáo pháp của
ngài. Đặc biệt là chính nhờ có phẩm Hành do mà ngày nay chúng ta mới còn
có được ít nhiều manh mối về thân thế, tiểu sử của ngài.
Từ chùa Bảo Lâm ở Tào Khê, các pháp hội của ngài ngày càng đông đảo, học
nhân bốn phương quy tụ về mỗi ngày một nhiều hơn. Pháp thiền Đốn ngộ
nhanh chóng được tiếp nhận và lan rộng, tạo ra một ảnh hưởng tương phản
nhất định với giáo pháp Tiệm ngộ do Đại sư Thần Tú đang giảng dạy tại
phương Bắc. Do hiện tượng này mà bắt đầu nảy sinh sự phân biệt “Nam
Năng, Bắc Tú” trong Thiền tông Trung Hoa.
Như vậy, thật ra thì sự khác biệt cơ bản giữa lời dạy của hai vị đại sư
này là như thế nào? Chúng tôi không có khả năng và cũng không dám lạm
bàn đến những ý nghĩa thâm áo trong giáo pháp mà hai vị xiển dương,
nhưng chỉ căn cứ vào những gì được chuyển tải bằng văn tự lưu truyền ở
đời chúng ta cũng có thể thấy được phần nào những khác biệt rất rõ nét
giữa lời dạy của hai vị.
Tuy nhiên, để có thể so sánh và nhận hiểu một cách khách quan, có lẽ
trước hết chúng ta cần phải thừa nhận một thực tế là họ đã xuất phát từ
những điểm chung nhất định, sau đó mới có thể dựa trên cơ sở này mà nhận
ra những gì là khác biệt trong quan điểm, nhận thức cũng như phương
hướng tu tập mà mỗi vị đề ra. Sở dĩ như thế là vì sự khác biệt giữa hai
vị thật ra không hẳn đã có thể gọi là khác biệt, mà đúng hơn chỉ nên xem
là những phương thức khác nhau để cùng đạt đến một mục đích mà thôi.
Trường hợp của thiền sư Chí Thành, đệ tử ngài Thần Tú, trong pháp hội
của ngài Huệ Năng mà được chứng ngộ chính là nói lên ý nghĩa này. Vì
thế, nếu chỉ chú ý đến những khác biệt về văn tự trong lời dạy của hai
vị thì chắc chắn sẽ không khỏi rơi vào chỗ nhận thức sai lệch, còn nếu
đã nắm vững được những điểm chung trong giáo pháp của cả hai tông Nam,
Bắc thì sẽ tức thời thấy ngay rằng mọi khác biệt chẳng qua cũng chỉ là
những phương tiện khác nhau mà thôi.
Điểm chung thứ nhất là cả hai đều học hỏi và tu tập với Ngũ Tổ Hoằng
Nhẫn. Cả hai vị chắc chắn đều là những người đã từng thao thức, trăn trở
với những ưu tư của kiếp người, về sự sống chết, về những khổ đau không
ai tránh khỏi, về tính chất vô thường, giả hợp của đời sống. Và họ đã
tìm đến với đạo Phật như một cứu cánh để giải thoát khổ đau.
Chúng ta biết rằng Đại sư Thần Tú đã sống đời sống xuất gia tại chùa
Đông Thiền khá lâu trước khi ngài Huệ Năng tìm đến. Bởi vì vào lúc đó
ngài đã là một vị giáo thọ sư đứng đầu trong số đồ chúng cả ngàn người
tại ngôi chùa này. Cũng giống như tất cả những vị xuất gia chân chính
khác, chắc chắn ngài luôn nung nấu trong tâm can một nguyện vọng duy
nhất là đạt được sự giải thoát rốt ráo thông qua việc tinh cần tu tập
giáo pháp. Cương vị mà ngài đạt đến qua sự tu tập của mình đã chứng minh
cho tâm nguyện tích cực đó. Vào thời điểm trước khi viết bài kệ trình
kiến giải, Đàn Kinh (bản Đôn Hoàng) ghi lại suy nghĩ của ngài như sau:
“Mọi người không ai trình tâm kệ cả, bởi vì mình là Giáo thọ sư của họ.
Nếu như mình không trình tâm kệ, làm sao Ngũ Tổ có thể thẩm định được
kiến giải trong tâm mình sâu cạn ra sao. Nếu mình trình tâm kệ lên Ngũ
Tổ với ý định cầu làm Tổ thì là việc không tốt, bởi vì như thế thì mình
cũng chẳng khác gì bọn phàm phu toan tranh đoạt thánh vị. Song nếu mình
không trình kệ, mình sẽ chẳng bao giờ đắc pháp được!”
Như vậy, chúng ta thấy rõ ngài không phải là người xuất gia vì tham cầu
danh lợi, mà mục đích chính là sự chứng đắc giáo pháp, hay nói cách khác
là hướng đến sự giải thoát rốt ráo.
Về trường hợp của Đại sư Huệ Năng, chúng ta có thể thấy rõ ý chí
tu tập qua việc ngài quyết định tìm đến Ngũ Tổ ngay sau khi được nghe và
nhận hiểu phần nào ý nghĩa của kinh Kim Cang. Rõ ràng là cuộc sống
thường nhật của ngài đã ngay lập tức bị xáo trộn sau khi ngài tiếp nhận
một phần giáo lý được chuyển tải trong kinh Kim Cang. Đó không phải gì
khác hơn mà chính là sự chỉ ra tính chất giả tạo của mọi hình tướng, dẫn
đến sự giả tạo và tạm bợ của cả đời sống này. Không một bậc thức giả nào
sau khi nhận hiểu được những ý nghĩa đó mà còn có thể bình thản tiếp tục
cuộc sống buông xuôi. Chính sự khơi mở của kinh Kim Cang đã nhắm đúng
vào những trăn trở, những suy tư tiềm ẩn trong tâm thức của ngài từ rất
lâu. Và do đó ngài quyết định phải đến với Ngũ Tổ để tìm cầu một giải
pháp rốt ráo cho vấn đề. Điều này được ngài đưa ra như một tuyên bố dứt
khoát, rõ ràng ngay trong lần hội kiến đầu tiên với Ngũ Tổ:
“Đệ tử là dân Tân Châu, Lĩnh Nam, đường xa đến đây lễ thầy, chỉ cầu làm
Phật, ngoài ra không cầu gì khác.”
Quyết định của ngài Huệ Năng khi ấy là một quyết định trọng đại. Ngay cả
trong thời đại ngày nay, nếu đặt mình vào hoàn cảnh của ngài, chúng ta
vẫn có thể cảm nhận được tính chất quyết liệt và mạnh mẽ trong một quyết
định như thế.
Lớn lên trong một gia đình nghèo khó, cha mất sớm, chỉ còn lại hai mẹ
con côi cút nương nhau sống đời trôi giạt, từ Tân Châu sang Nam Hải, đến
nay thì mẹ già chỉ còn biết nương cậy duy nhất vào gánh củi mưu sinh
hằng ngày của mình. Trong một hoàn cảnh như thế, quyết định rời khỏi mẹ
già để ra đi cầu đạo là một quyết định không dễ dàng chút nào, ngay cả
khi đã có được 10 lạng bạc để thu xếp cho mẹ thì cũng không phải là lý
do để một người con như ngài có thể hoàn toàn yên tâm. Tuy nhiên, chắc
chắn là trong cuộc đấu tranh tư tưởng giữa sự ra đi và ở lại, việc tìm
cầu giải thoát đã chiếm ưu thế tuyệt đối trong lòng ngài, và ngài đã
nhanh chóng đến được Hoàng Mai trong thời gian sớm nhất, không quá 30
ngày sau đó. Sự việc này làm chúng ta liên tưởng đến khi thái tử
Tất-đạt-đa năm xưa lìa bỏ kinh thành Ca-tỳ-la-vệ giữa đêm khuya, lặng lẽ
vượt dòng sông A-nô-ma để lên đường tìm đạo giải thoát!
Theo một tài liệu do D. T. Suzuki dẫn trong “The Zen Doctrine of
No-Mind” thì Đại sư Thần Tú viên tịch năm 706 khi đã được hơn 100 tuổi.
Nếu Đại sư Huệ Năng quả đúng là sinh năm 638 thì cho đến thời điểm này
chỉ mới 68 tuổi. Như vậy, tuy là huynh đệ đồng sư nhưng Thần Tú hơn Huệ
Năng ít nhất là 30 tuổi. Và cuộc gặp gỡ duy nhất giữa hai vị được ghi
nhận chỉ là qua hai bài kệ trình kiến giải được thẩm định bởi Ngũ Tổ
Hoằng Nhẫn.
Cũng theo D. T. Suzuki thì Đại sư Thần Tú theo học với Ngũ Tổ được 6
năm. Nếu Ngũ Tổ viên tịch 3 năm sau khi truyền y bát cho Lục Tổ như lời
dự báo được ghi trong Đàn Kinh (bản Tông Bảo), thì vào lúc Lục Tổ đến
Hoàng Mai, Đại sư Thần Tú chỉ mới theo học được 3 năm. Nhưng D. T.
Suzuki căn cứ vào quyển tiểu sử ngài Huệ Năng do Đại sư Tối Trừng mang
về Nhật năm 803 đã đưa ra 2 dữ kiện khác với Đàn Kinh. Thứ nhất, Ngũ Tổ
Hoằng Nhẫn viên tịch ngay không bao lâu sau khi Lục Tổ rời đi về phương
Nam. Thứ hai, khi Lục Tổ đến Hoàng Mai cầu pháp thì ngài đã 34 tuổi chứ
không phải 24 tuổi như trong bài tựa của Đàn Kinh ghi nhận.
Về việc Ngũ Tổ viên tịch không lâu ngay sau khi truyền y bát, chúng ta
thấy có tính hợp lý hơn so với thông tin là ngài viên tịch 3 năm sau đó.
(Nhưng ngay cả thông tin này cũng chỉ được Đàn Kinh gián tiếp đưa ra qua
lời dự báo của Ngũ Tổ chứ không hề xác nhận!)
Thứ nhất, điều này giải thích một cách hợp lý sự vội vàng của Ngũ Tổ
trong việc truyền y bát. Dù sao thì Huệ Năng cũng chỉ mới đến chùa hơn 8
tháng và thậm chí còn chưa có được cơ hội nào để trực tiếp nghe pháp,
trừ ra là lần giảng kinh Kim Cang ngay vào lúc truyền y bát. Nếu không
vì thời điểm viên tịch đã đến gần, có lẽ Ngũ Tổ sẽ không quá vội vàng
như thế! Hơn nữa, ngay cả sau khi đã truyền y bát, nếu như vẫn còn có sự
che chở của ngài thì có lẽ Lục Tổ cũng không cần thiết phải gấp rút lánh
về phương Nam. Chính vì biết trước sự ra đi của mình nên ngài mới gấp
rút truyền y bát cũng như yêu cầu Lục Tổ phải nhanh chóng lánh về phương
Nam.
Thứ hai, nếu Ngũ Tổ viên tịch ngay sau khi truyền y bát thì điều đó cũng
có nghĩa là vào thời điểm này Đại sư Thần Tú đã đến tham học với ngài
được 6 năm. Điều này hợp lý hơn nếu chúng ta xét đến cương vị Giáo thọ
sư của Đại sư Thần Tú vào lúc này cũng như bài kệ trình kiến giải mà
ngài đưa ra. Hơn thế nữa, nếu sau khi truyền y bát cho Lục Tổ mà Đại sư
Thần Tú vẫn còn được theo học với Ngũ Tổ 3 năm nữa (theo Đàn Kinh), thì
chúng ta sẽ không thể nào hiểu được vì sao Ngũ Tổ lại không dành cho Đại
sư Thần Tú một cơ hội mà lại vội vã truyền y bát ngay cho ngài Huệ Năng,
bởi vì trong 3 năm tiếp tục tham học với sự dẫn dắt của ngài, vẫn có khả
năng là Đại sư Thần Tú sẽ đạt ngộ!
Vì những lý do nêu trên, chúng tôi tin rằng thông tin do D. T. Suzuki
trích dẫn là chính xác. Và vì thế mà cuộc hội ngộ giữa Ngũ Tổ Hoằng
Nhẫn, Đại sư Thần Tú và Lục Tổ Huệ Năng qua hai bài kệ trình kiến giải
là một cuộc hội ngộ duy nhất và cuối cùng – bởi không còn có thể có bất
cứ một cơ hội nào khác nữa! Chỉ khi thấy được tính chất cấp thiết và duy
nhất của cuộc hội ngộ này, chúng ta mới có thể cảm nhận được hết những ý
nghĩa sâu xa trong sự bày tỏ kiến giải của hai vị Thần Tú và Huệ Năng
cũng như trong những lời nhận xét hết sức sáng suốt của Ngũ Tổ Hoằng
Nhẫn.
Điểm chung thứ hai mà chúng tôi muốn đề cập đến giữa hai vị Huệ Năng và
Thần Tú là cả hai đều đã chọn con đường tu tập theo Thiền tông chứ không
phải Giáo tông.
Cùng thời với hai vị đại sư Huệ Năng và Thần Tú, có một tên tuổi mà có
lẽ tất cả chúng ta đều biết đến: đó là ngài Huyền Trang. Ngài sinh năm
603, có lẽ so với Đại sư Thần Tú không hơn kém nhau bao nhiêu về tuổi
tác. Tháng 8 năm 629, ngài Huyền Trang lên đường sang Ấn Độ thỉnh kinh.
Đây là một sự kiện cực kỳ quan trọng đối với sự truyền bá và chấn hưng
Phật giáo thời bấy giờ.
Chúng tôi nhắc đến việc ngài Huyền Trang lên đường thỉnh kinh là muốn
liên hệ một thực trạng của Phật giáo Trung Hoa thời bấy giờ. Mặc dù đạo
Phật đã được truyền bá và phát triển đến một mức độ nhất định, nhưng các
tông phái khác nhau thời bấy giờ đang ngày càng đi đến chỗ chống đối,
mâu thuẫn nhau do những cách hiểu sai lệch, không nhất quán, và nhất là
do khuynh hướng bảo thủ vốn chi phối nặng nề hầu hết những vị thượng thủ
của từng tông phái. Mặt khác, do số lượng kinh điển được dịch sang chữ
Hán chưa đầy đủ nên hầu hết các tông phái đều không thể hoàn thiện giáo
lý của mình đến chỗ rốt ráo, viên dung. Điều này dẫn đến sự bế tắc nhất
định cho hàng trí thức trên con đường tìm cầu chân lý. Những gì được các
bậc thầy Trung Hoa giảng giải vào thời ấy hoàn toàn chưa đủ để mang đến
cho họ một câu trả lời trọn vẹn và nhất quán về các vấn đề nhân sinh, vũ
trụ cũng như trong việc nhắm đến một con đường tu tập để đạt được sự
giải thoát rốt ráo.
Chính trong bối cảnh này mà vị thanh niên tăng Huyền Trang đã phải quyết
định lên đường sang tận “đất Phật” để học hỏi và cầu thỉnh kinh điển.
Lúc bấy giờ ngài chỉ mới vừa tròn 26 tuổi! Sự thành công của chuyến đi
này cũng như sự đóng góp tích cực trong công cuộc hoằng hoá và phiên
dịch kinh điển suốt một đời ngài sẽ mang lại luồng gió mới cho Phật giáo
Trung Hoa, với nhiều chuyển biến tích cực cũng như tạo điều kiện thuận
lợi hơn cho sự học hỏi và tu tập giáo pháp của những thế hệ tiếp theo
sau đó. Tuy nhiên, đó là việc của những năm về sau. Còn bây giờ, chúng
ta sẽ quay trở lại với câu chuyện về 2 vị đại sư Huệ Năng và Thần Tú của
Thiền tông.
Sự bế tắc của Giáo tông như vừa nói trên là một trong những nguyên nhân
thúc đẩy ngày càng có nhiều Phật tử trí thức quay sang với Thiền tông để
tìm kiếm một con đường tu tập dẫn đến sự giải thoát rốt ráo. Thiền tông
chắc chắn đã đáp ứng được nhu cầu này qua những chỉ dẫn tu tập thiết
thực giúp hành giả đạt được những tiến bộ nhất định trong nội tâm. Con
số đồ chúng hơn một ngàn người cùng tu tập tại một ngôi chùa của Ngũ Tổ
vào thế kỷ 7 có lẽ cũng đủ để nói lên rất rõ nhận xét này. Cùng thời
điểm đó, tại Việt Nam thì một vị thiền sư có thế thứ truyền thừa tương
đương với Ngũ Tổ là Pháp Hiền cũng đang hoằng hoá tại chùa Chúng Thiện
với số đồ chúng hơn 300 người! So ra ở một vùng “biên địa hạ tiện”, đất
rộng người thưa thì con số này rõ ràng cũng không phải là ít! Vai trò
của cả hai vị đại sư Thần Tú và Huệ Năng tuy là có khác nhau nhưng cả
hai đều nhất thiết phải được nhận hiểu trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ
như thế của Thiền tông.
Như vậy, tuy có thể đã tìm đến Thiền tông vào những thời điểm khác nhau,
với những nhân duyên khác nhau, nhưng điểm tương đồng giữa Đại sư Thần
Tú và Đại sư Huệ Năng là cả hai đều đã chọn Thiền tông để đi theo, và về
sau thì cả hai cũng đều kiên định con đường này cho đến cuối đời, cho dù
có phân ra Nam Bắc nhưng cũng vẫn không đi ngoài những tông chỉ của
Thiền tông.
Bây giờ, chúng ta thử phân tích những khác biệt về mặt hình thức giữa
hai vị đại sư Thần Tú và Huệ Năng, trước hết cũng là dựa trên cơ sở của
chính những điểm tương đồng đã nêu ra giữa hai người.
Khác biệt thứ nhất giữa hai người là bối cảnh học hỏi và tu tập tại chùa
Đông Thiền, dưới sự dẫn dắt của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Đại sư Thần Tú có ít
nhất là 6 năm chính thức học hỏi, được trực tiếp nghe thầy giảng pháp và
được thưa hỏi những chỗ pháp yếu cũng như nghi vấn. Hơn thế nữa, ngài
còn có được một môi trường rèn luyện rất tốt khi đảm nhận việc giảng dạy
giáo pháp cho đồ chúng. Với điều kiện này, ngài không thể không thông
thạo đến mức nhuần nhuyễn hết thảy mọi vấn đề thuộc về giáo pháp.
Ngược lại, Đại sư Huệ Năng sau khi nghe hiểu một phần kinh Kim Cang qua
một người khách lạ và quyết định tìm đến học hỏi với Ngũ Tổ thì đã không
có được bất cứ cơ hội nào để có thể tự do trao đổi, thưa hỏi hoặc nghe
thầy giảng pháp. Cuộc tiếp xúc ngắn ngủi giữa hai thầy trò không phải là
một buổi thuyết pháp mà chỉ là những câu hỏi đáp có tính cách thăm dò
lẫn nhau. Sau đó là khoảng thời gian hơn 8 tháng sống hầu như “cách ly”
trong phạm vi nhà bếp của chùa, thậm chí không dám đi ra phía trước,
huống hồ là tham dự các buổi thuyết pháp! Và thời gian học đạo của ngài
kết thúc không bao lâu sau đó với một vài mẩu đối thoại ngắn khi hai
thầy trò tình cờ gặp nhau nơi nhà bếp! Lần thuyết pháp đầu tiên và cũng
là duy nhất, cuối cùng, là khi Ngũ Tổ giữa đêm khuya triệu ngài vào
thiền thất và giảng kinh Kim Cang cho nghe. Nhưng thật ra thì Ngũ Tổ
cũng đã quyết định truyền y bát cho ngài trước khi thực hiện buổi thuyết
pháp chính thức này.
Như vậy, bối cảnh học hỏi và tu tập của ngài Huệ Năng không phải là
thông qua việc lắng nghe những buổi thuyết pháp hay qua sự hành trì theo
giáo pháp như Đại sư Thần Tú. Sự tiếp nhận giáo pháp của ngài được thực
hiện qua một kênh giao tiếp hoàn toàn khác. Nhưng sự truyền trao và tiếp
nhận giáo pháp là hoàn toàn có thật giữa thầy và trò. Một số người cho
rằng ngài Huệ Năng nhờ có căn cơ tu tập từ nhiều kiếp trước mà đạt ngộ
chứ không do sự giáo hoá của Ngũ Tổ. Nếu nhìn bề ngoài thì quả là có vẻ
như thế, nhưng chúng tôi không tán thành quan điểm này, và sẽ trở lại
trong một phần sau để bàn rõ hơn về phương cách giáo hoá không cần đến
ngôn ngữ, văn tự của Thiền tông nói riêng, Phật giáo nói chung.
Chính những khác biệt như trên trong sự tiếp cận và học hỏi giáo pháp
cũng như sự tiếp nhận truyền thừa đã dẫn đến sự khác biệt giữa hai vị
đại sư trong công cuộc hoằng hoá sau này của họ. Bằng vào kinh nghiệm tự
thân của mỗi người, họ đã nỗ lực dẫn dắt đồ chúng đi theo đúng con đường
mà mình đã từng đi qua. Và nếu chúng ta có thấy được điều đó thì mới có
thể hiểu được sự giáo hoá của họ khác nhau như thế nào.
Sự khác biệt thứ hai giữa hai vị đại sư Thần Tú và Huệ Năng là những nền
tảng mà họ đã chuẩn bị trước khi gieo trồng hạt giống thiền.
Tuy không có cứ liệu đầy đủ nhưng chúng ta có thể xác định Đại sư Thần
Tú là một người vốn thuộc tầng lớp trí thức “thông kinh bác sử”. Điều
này về sau hiển nhiên được thể hiện rõ nét trong cách trình bày giáo
pháp một cách uyên bác của ngài khi được tôn làm Quốc sư và hoằng hoá
tại kinh đô, với hàng môn đồ hầu hết là những quan viên và trí thức nho
sĩ cũng như những vị tăng học thức. Tuy nhiên, ngay trong thời gian tu
tập ở Hoàng Mai thì sự uyên bác của ngài cũng đã được thể hiện qua vai
trò dẫn dắt, đứng đầu trong số đồ chúng hơn ngàn người. Nếu không am
hiểu và thuyết giảng giáo lý một cách thông suốt, chắc chắn ngài không
thể được giao nhiệm vụ cao quý và khó khăn này. Hơn thế nữa, sự kính
trọng của đồ chúng dành cho ngài còn thể hiện ở chỗ trong số cả ngàn
người đã không ai dám nghĩ đến việc viết kệ trình kiến giải chỉ vì họ
không tin là có thể vượt qua được tri thức, kiến giải của ngài.
Ngược lại, Đại sư Huệ Năng lại là một người hoàn toàn không biết chữ!
Điều này cũng dễ hiểu, khi chúng ta nhớ lại thân thế của ngài. Sinh
trưởng nơi một vùng đất xa xôi, trong một gia đình côi cút, nghèo khó,
ngài không thể có điều kiện để học hành dù chỉ là đôi chút. Vào những
năm ngài sinh ra và lớn lên, nghĩa là nửa đầu thế kỷ 7, Việt Nam hoàn
toàn nằm dưới sự thống trị của quan lại Trung Hoa, và việc học hành của
dân nghèo chưa bao giờ là sự quan tâm của chính quyền đô hộ. Ngay cả môi
trường giao tiếp của ngài trong xã hội lúc bấy giờ chắc chắn cũng là vô
cùng hạn chế, không mấy khi được tiếp xúc, trao đổi với những người
thuộc tầng lớp trí thức hay quan lại.
Ngay cả khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ của Đại sư Huệ Năng cũng có sự
hạn chế. Đàn Kinh ghi lại lời ngài nói với Ngũ Tổ cho thấy điều này:
“Huệ Năng sanh nơi biên địa, giọng nói không chuẩn, được nhờ thầy truyền
pháp...”
Điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Bởi vì ngài sinh trưởng tại Việt
Nam nên tiếng nói của người Trung Hoa đối với ngài thực sự là một ngoại
ngữ. Cho dù ngoại ngữ ấy được phổ biến nhiều do nó là thứ tiếng nói của
dân tộc cầm quyền, thì nó cũng vẫn là một ngoại ngữ, vẫn ít nhiều gây
khó khăn cho ngài trong sự giao tiếp như chính ngài đã thừa nhận.
Như vậy, Đại sư Huệ Năng đã tìm đến Ngũ Tổ với một vốn liếng ngôn ngữ
cực kỳ nghèo nàn về cả hai phương diện, ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.
Kèm theo đó là kiến thức về kinh điển, giáo pháp hầu như cũng không có
gì, ngoài vài ba câu kinh Kim Cang chỉ mới vừa có dịp nghe lóm qua sự
tụng đọc của người khác. Theo những gì chúng ta được biết cho đến nay
thì rõ ràng là trước đó ngài chưa từng có cơ hội tiếp cận với bất cứ
kinh điển nào khác, cũng như chưa từng được học hỏi Phật pháp dưới bất
cứ hình thức nào.
Chính những khác biệt như vừa trình bày trên giữa hai vị đại sư đã góp
phần quan trọng tạo ra sự khác biệt trong công cuộc hoằng hoá của họ về
sau này.
Nhưng những gì chúng ta vừa phân tích chỉ là những sự khác biệt hiển
nhiên có thể nhận thấy từ bên ngoài, nghĩa là chiều nổi biểu lộ ra qua
những chi tiết, dữ kiện hoàn toàn có thể mô tả, diễn đạt được một cách
cụ thể về mỗi người. Những phân tích sâu hơn sẽ tiếp tục dẫn chúng ta
đến những khác biệt có tính chất sâu xa, tiềm ẩn hơn nữa, nhưng đồng
thời cũng là trừu tượng, rất khó mô tả và nắm bắt cụ thể. Những khác
biệt loại này sẽ được tìm thấy chính trong hai bài kệ trình kiến giải
của hai vị, thông qua những nhận xét bằng lời nói cũng như bằng hành
động của Ngũ Tổ, và cuối cùng là qua việc đối chiếu một vài ghi chép về
giáo pháp mà hai vị đã truyền dạy.
Trước hết, chúng ta hãy đọc lại bài kệ trình kiến giải của Đại sư Thần
Tú. Nguyên văn bài kệ như sau:
Thân thị Bồ-đề thụ,
Tâm như minh kính đài.
Thời thời cần phất thức,
Vật sử nhạ trần ai.
Tạm dịch:
Thân là cây Bồ-đề,
Tâm như đài gương sáng.
Thường siêng lau, siêng rửa,
Chớ để bám bụi nhơ.
Bài kệ có thể tạm chia làm hai vế. Vế thứ nhất gồm 2 câu đầu, đưa ra
nhận thức của Đại sư về thân tâm, cũng có nghĩa là về sự hiện hữu. Vế
thứ hai gồm 2 câu cuối trình bày quan điểm về sự tu tập, hành trì, cũng
có nghĩa là con đường hướng đến sự giải thoát.
Khi so sánh “thân là cây Bồ-đề, tâm như đài gương sáng”, Đại sư Thần Tú
đã nêu lên quan điểm về “tánh giác ngộ vốn sẵn có nơi thân tâm” (Bồ-đề,
gương sáng), hay nói khác đi chính là ý nghĩa “tất cả chúng sinh đều sẵn
có tánh Phật”. Người học Phật khi đạt đến nhận thức và niềm tin như thế
này về sự hiện hữu là đã vượt qua được một chặng đường rất dài, xoá bỏ
được những nhận thức sai lầm như biên kiến, đoạn kiến hoặc thường kiến.
Bởi vì nếu bị rơi vào một trong các tà kiến đó, hành giả sẽ không bao
giờ có thể nhận ra và tin chắc được vào bản tánh giác ngộ vốn sẵn có nơi
tất cả chúng sinh.
Về phương thức tu tập được nêu ra trong phần sau của bài kệ, Đại sư Thần
Tú quan niệm rằng tánh giác ngộ tuy sẵn có nơi mỗi chúng ta nhưng tự nó
không thể hiển bày nếu không có sự chuyên cần tu tập. Do đó, ngài đã so
sánh tâm địa như một tấm gương sáng, nhưng nếu muốn phản chiếu được hình
ảnh thì cần phải được thường xuyên lau chùi, làm sạch. Nếu không được
như vậy, cho dù là gương sáng cũng không thể hiển bày, phát huy tính
chất của nó, bởi vì những lớp bụi nhơ sẽ bám đầy trên bề mặt và làm cho
tấm gương ấy không còn có khả năng phản chiếu hình ảnh!
“Bụi nhơ” ở đây chỉ cho hết thảy tập khí vô minh phiền não. Do đó, ngài
cho rằng nếu có thể trừ sạch được hết thảy tập khí vô minh phiền não thì
tánh giác ngộ của mỗi chúng ta sẽ tự nhiên toả sáng.
Tuy nhiên, Đại sư Thần Tú quan niệm rằng việc trừ bỏ tập khí vô minh
phiền não không phải là một công việc nhất thời hoặc “một lần cho mãi
mãi”, mà phải là một công việc kiên trì, đòi hỏi sự chuyên cần, tinh
tấn. Do đó mà ngài đã tóm lược chỗ tinh yếu của phương thức tu tập qua
hai câu kệ “Thường siêng lau, siêng rửa; chớ để bám bụi nhơ.”
Về mặt nội dung, chúng ta có thể thấy rõ là bài kệ ngắn của Đại sư Thần
Tú quả thật đã tóm gọn được một phần cực kỳ tinh yếu của giáo lý đạo
Phật. Hơn thế nữa, song song với sự tóm gọn giáo lý ở đây là một chỉ
dẫn, một phương thức hết sức thiết thực giúp người tu tập có thể hướng
đến sự giác ngộ. Không có điều gì có thể gọi là sai lầm trong bài kệ
hoàn hảo này, và bất cứ ai khi nắm hiểu được trọn vẹn nội dung bài kệ sẽ
có thể dễ dàng tiếp cận được với giáo lý giải thoát của đạo Phật.
Về mặt hình thức, có thể nói bài kệ đã đạt đến một trình độ nghệ thuật
rất cao trong việc sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh. Tính khái quát và liên
tưởng của những so sánh được dùng trong bài kệ đã giúp chuyển tải được
một lượng thông tin và ý nghĩa đạt đến mức tối ưu. Nhờ đó mà chỉ vỏn vẹn
trong bốn câu thơ ngắn ngủi đã có thể trình bày được một vấn đề cực kỳ
rộng lớn và phức tạp. Hơn thế nữa, cấu trúc của bài kệ có thể nói là hết
sức chặt chẽ và hợp lý, giúp người đọc có thể dễ dàng nhận ra ngay những
phạm trù khác nhau mà người viết muốn đề cập đến. Vì thế, chúng ta không
lấy làm ngạc nhiên khi nhận ra một thực tế là những hình ảnh của bài kệ
này đã đi sâu vào văn chương Thiền tông. Rải rác đó đây trong rất nhiều
thi kệ của các thiền sư đời sau chúng ta thường xuyên bắt gặp những “cây
Bồ-đề” và “đài gương sáng” của Đại sư Thần Tú, chưa nói đến những ảnh
hưởng khó thấy hơn như là cách nói so sánh, ví dụ để diễn đạt những vấn
đề trừu tượng.
Sự điêu luyện về cả nội dung lẫn hình thức của bài kệ trên có thể xem là
một kết quả tất nhiên nếu chúng ta xét đến tri thức uyên bác của một vị
giáo thọ sư cùng với ý chí tinh cần học đạo của ngài, như chúng tôi đã
có dịp đề cập đến. Hay nói theo một cách khác, đây không chỉ đơn thuần
là một sự sáng tạo ngôn ngữ, nghệ thuật mà còn là một sự toả chiếu từ
nội tâm, một sự hiển bày những kinh nghiệm tu tập của chính bản thân
người viết.
Nếu chúng ta không nhận hiểu được đầy đủ về tính chất ưu việt của bài kệ
này, chúng ta cũng sẽ hoàn toàn không thể hiểu được sự khen ngợi và nhận
xét của Ngũ Tổ về bài kệ. Đàn Kinh cho biết là sau khi đọc thấy bài kệ
được viết trên vách tường, Ngũ Tổ đã quyết định huỷ bỏ việc vẽ những bức
tranh minh hoạ kinh Lăng-già và đồ biểu truyền thừa của 5 vị Tổ Thiền
tông trên vách tường phía nam, bởi vì ngài cho rằng bài kệ này có giá
trị hơn hết thảy những hình vẽ đó. Ngài nói:
“Chỉ cần lưu lại bài kệ này cho người đời sau trì tụng. Y theo kệ này tu
khỏi đọa nẻo ác, y theo kệ này tu được lợi ích lớn!”
Rồi ngài sai môn đồ thắp hương lễ kính trước bài kệ, khuyên bảo tất cả
mọi người nên tụng đọc bài kệ này.
Điều này quả thật rất đáng cho chúng ta suy nghĩ. Thử hỏi trong lịch sử
Thiền tông xưa nay đã có mấy bài kệ được một vị Tổ sư khuyên người thắp
hương lễ kính?
Nếu không nhận hiểu được tính chất siêu việt của bài kệ này, chúng ta sẽ
dễ dàng đâm ra hoài nghi về thái độ khen ngợi, thậm chí là cung kính của
Ngũ Tổ đối với bài kệ. Vì thế mà có người đã quay sang ngờ vực, suy diễn
rằng Ngũ Tổ khen ngợi như thế là có dụng ý “đánh lừa” để cho Đại sư Thần
Tú “xuất đầu lộ diện”, đứng ra nhận mình là tác giả của bài kệ! Cách
nghĩ này thật quá sai lầm, vì rõ ràng là lấy tâm niệm phàm phu để đo
lường và nhận hiểu về một bậc Tổ sư đã chứng ngộ!
Sự khen ngợi của Ngũ Tổ là hết sức chân thật và sáng suốt. Và chúng ta
hoàn toàn có thể hiểu được lý do của sự khen ngợi ấy nếu ta chịu để tâm
phân tích, tìm hiểu và thực hành những gì được nêu lên trong bài kệ của
Đại sư Thần Tú.
Tạm gác lại bài kệ của Đại sư Thần Tú, bây giờ chúng ta hãy cùng đọc lại
bài kệ của Đại sư Huệ Năng. Nguyên văn như sau:
Bồ-đề bản vô thụ,
Minh kính diệc phi đài.
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?
Bài kệ này thực ra không hẳn là một bài kệ trình kiến giải hoàn chỉnh,
xét trong ý nghĩa là tự nó không nhằm trình bày tóm lược một phần tinh
yếu của giáo lý cũng như phương thức tu tập. Tuy nhiên, điều đó có
nguyên do từ bối cảnh xuất phát của nó.
Chúng ta nên lưu ý là ngài Huệ Năng trước đó không biết gì về yêu cầu
viết kệ trình kiến giải của Ngũ Tổ. Chỉ khi nghe một chú tiểu đọc bài kệ
của Đại sư Thần Tú thì ngài mới xin được đến xem. Như vậy, ngài không hề
có ý định viết kệ trình kiến giải như Đại sư Thần Tú.
Sau khi nghe đọc bài kệ của Đại sư Thần Tú, ngài chắc chắn đã hiểu thấu
đáo ngay những gì Đại sư Thần Tú muốn trình bày qua bài kệ, và cũng lập
tức so sánh ngay với kinh nghiệm nội tâm của chính mình để nhận ra chỗ
giới hạn trong bài kệ của Đại sư Thần Tú. Vì thế, ngài mới nghĩ ra một
bài kệ và nhờ người viết giúp lên vách tường.
Như vậy, về mặt nội dung thì bài kệ của Đại sư Huệ Năng mang tính chất
của một mẩu đối thoại trực tiếp với bài kệ của Đại sư Thần Tú, chứ không
phải là một bài kệ độc lập trình kiến giải. Vì thế, nếu tách ra khỏi bối
cảnh này, bài kệ của ngài Huệ Năng thật ra không có khả năng giúp ích gì
nhiều cho người tu tập. Bởi vì nó vốn được viết ra nhắm thẳng vào chỗ
kiến giải của Đại sư Thần Tú chứ không nhắm đến tất cả mọi người, cũng
như nó chỉ nhằm chỉ ra chỗ giới hạn trong bài kệ trước, còn tự thân nó
không nhằm truyền đạt một phần giáo lý hay phương thức tu tập nào.
Về mặt hình thức, chúng ta càng dễ thấy rõ hơn tính chất đối thoại giữa
hai bài kệ. Ngài Huệ Năng hầu như đã sử dụng lại hoàn toàn những yếu tố
hình ảnh, ngôn ngữ trong bài kệ của ngài Thần Tú, và chỉ thay vào đó
những từ ngữ then chốt nhằm nói lên nhận xét, kinh nghiệm tự thân của
mình. Hay nói một cách khác, không có yếu tố sáng tạo ngôn ngữ, nghệ
thuật ở đây, mà chỉ đơn thuần là một sự trao đổi nhận thức, kinh nghiệm
tâm linh mà thôi.
Chúng ta có thể nói rằng bài kệ của ngài Huệ Năng không viết ra cho tất
cả mọi người, mà chỉ dành riêng cho 2 người trong cuộc: Đại sư Thần Tú
và Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn.
Đây chính là lý do vì sao Ngũ Tổ ngay sau khi xem xong bài kệ của ngài
Huệ Năng đã cởi ngay chiếc dép đang đi trong chân chà lên vách để xoá
sạch đi. Đại sư Thần Tú qua mẩu đối thoại này có nhận ra được chỗ giới
hạn của mình hay không thì chúng ta không biết, nhưng Ngũ Tổ đã hoàn
toàn sáng suốt khi xoá bỏ ngay bài kệ này mà không khuyến khích môn nhân
tụng đọc như bài kệ của Đại sư Thần Tú.
Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao trong suốt quyển Đàn Kinh
không có chỗ nào khác nhắc lại bài kệ này. Nó chỉ được viết ra cho một
lần duy nhất, trong một bối cảnh duy nhất, nên hoàn toàn không thích hợp
cho việc minh hoạ hay chuyển tải giáo lý trong mọi trường hợp khác. Điều
này rõ ràng không giống với tính chất chung của những bài thi kệ truyền
pháp, bao giờ cũng tóm gọn được một khía cạnh tinh yếu nào đó trong giáo
lý cũng như phương thức tu tập.
Nói cách khác, chỉ khi nào hiểu được trọn vẹn bài kệ của Đại sư Thần Tú
thì chúng ta mới có thể cảm nhận được ý nghĩa bài kệ của Đại sư Huệ
Năng. Và chỉ khi nào cảm nhận được hết ý nghĩa trong bài kệ của Đại sư
Huệ Năng thì chúng ta mới thấy được chỗ giới hạn trong bài kệ của Đại sư
Thần Tú. Không ít người vì không thấy được những mối tương quan này nên
chỉ dựa theo lời nhận xét của Ngũ Tổ rồi vội vàng phê phán bài kệ của
ngài Thần Tú là kém cỏi, là “chưa thấy tánh”. Những nhận xét như thế nếu
không nói là hồ đồ thì cũng có thể gọi là hoàn toàn thiếu sáng suốt.
Như vậy, đâu là giới hạn trong bài kệ của Đại sư Thần Tú? Ngũ Tổ Hoằng
Nhẫn đã mô tả điều này rất cụ thể trong lời nhận xét của ngài được nói
trực tiếp với Đại sư Thần Tú: “Ông làm kệ này chưa thấy được bản tánh,
chỉ đến ngoài cửa, chưa vào được trong. Như đem chỗ hiểu biết ấy mà cầu
đạo Vô thượng Bồ-đề thì quyết chẳng thể được.”
Như vậy, phần giáo lý tinh yếu và phương thức tu tập mà Đại sư Thần Tú
nêu lên trong bài kệ của ngài là hoàn toàn chính xác, thiết thực đối với
người tu tập. Tuy nhiên, theo Ngũ Tổ thì chỗ giới hạn ở đây là “chỉ đến
ngoài cửa, chưa vào được trong”. Và vì “chưa vào được trong” nên chưa
thể xem là rốt ráo, trọn vẹn. Và vì chưa rốt ráo, trọn vẹn nên không thể
dẫn đến cảnh giới giải thoát rốt ráo, Vô thượng Bồ-đề.
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận đối với tất cả những người tu
tập là không thể “vào trong” nếu chưa “đến được ngoài cửa”! Đây chính là
lý do giải thích việc Ngũ Tổ hết lời khen ngợi và khuyến khích môn nhân
thắp hương lễ kính, tụng đọc bài kệ của Đại sư Thần Tú. Bởi vì tất cả
đều đang rất cần “đến được ngoài cửa” trước khi có thể “vào trong”.
Ngược lại, nếu không chỉ cho họ phương thức tu tập để “đến được ngoài
cửa” mà lại khuyến khích họ “vào trong” thì chắc chắn sẽ không đạt được
kết quả gì!
Câu chuyện sau đây về thiền sư Chí Thành được ghi lại trong phân đoạn
thứ 40 của Đàn Kinh (bản Đôn Hoàng) có thể xem là một ví dụ minh hoạ rõ
nét cho nhận xét này:
“Thiền sư Thần Tú thường nghe người ta nói về giáo lý đốn ngộ và pháp
trực chỉ của Huệ Năng. Thiền sư Thần Tú bèn gọi một vị tăng đệ tử là Chí
Thành, rồi nói: ‘Ông vốn thông minh, học rộng biết nhiều, hãy vì ta đến
núi Tào Khê, bái lạy Huệ Năng rồi lắng nghe thuyết pháp. Đừng nói là ta
sai ông đến. Chỉ lắng nghe những giáo lý cốt yếu của ngài, ghi nhớ lấy
rồi trở về đây nói lại cho ta nghe, để ta xem kiến giải của Huệ Năng so
với ta ai mau ai chậm...
“Chí Thành vâng lời ra đi, trong vòng nửa tháng đến được Tào Khê, bái
lạy Huệ Năng rồi lắng nghe thuyết pháp, không nói mình từ đâu đến cả.
“Chí Thành nghe thuyết pháp rồi lập tức giác ngộ, khế hợp bổn tâm, bèn
đứng dậy vái lạy, thưa rằng: ‘Bạch Hòa thượng, đệ tử từ chùa Ngọc Tuyền
đến đây. Lúc còn học với thầy là Thần Tú chẳng được khế ngộ, nay nghe
Hòa thượng thuyết pháp, liền giác ngộ được bổn tâm. Cúi xin Hòa thượng
từ bi chỉ dạy thêm cho đệ tử.’
“Đại sư Huệ Năng nói: ‘Ông từ nơi ấy đến, hẳn có ý gian.’
“Chí Thành thưa: “Không phải.”
“Đại sư hỏi: ‘Tại sao không phải?’
“Chí Thành thưa: ‘Lúc chưa nói ra thì đúng là có ý gian, nhưng đã thưa
thật với Hòa thượng rồi thì không còn có ý gian nữa.’
“Đại sư nói: ‘Phiền não tức Bồ đề, ý nghĩa cũng là như thế.’...”
Thiền sư Chí Thành trong khi theo học với Đại sư Thần Tú rõ ràng đã được
đưa đến “ngoài cửa”. Vì thế nên khi vừa nghe Đại sư Huệ Năng thuyết pháp
thì ngài đã ngay lập tức có thể bước “vào trong”. Nếu không được dẫn dắt
đến “ngoài cửa” từ trước, liệu ngài có thể dễ dàng để bước “vào trong”
như thế được chăng?
Trở lại với lần hội ngộ kỳ thú giữa 2 vị đại sư và Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn,
chúng ta thấy Đại sư Thần Tú đã đóng vai trò trung tâm của cuộc hội
thoại này. Chính bài kệ của ngài – trình bày một cách ngắn gọn nhưng sâu
sắc giáo pháp Tiệm tu mà sau này được ngài hoằng hoá ở phương Bắc – đã
tạo điều kiện để Đại sư Huệ Năng hiển bày tuệ giác vô tướng – phần giáo
lý cốt lõi của kinh Kim Cang mà ngài vừa trực nhận. Và chính qua cuộc
đối thoại giữa hai vị đại sư bằng hai bài kệ mà Ngũ Tổ nhìn thấu được
chỗ thấy biết, kinh nghiệm thực chứng của mỗi vị để có thể đưa ra quyết
định trọng đại về việc chọn người nối pháp.
Đại sư Huệ Năng về sau đã bằng vào kinh nghiệm thực chứng của chính mình
để xiển dương giáo pháp Đốn ngộ ở phương Nam, mang lại một luồng sinh
khí mới cho Thiền tông và khởi đầu cho giai đoạn “trăm hoa đua nở” với
các vị thiền sư chứng ngộ về sau đã chia nhau đi khắp nước Trung Hoa để
hoằng truyền yếu chỉ Thiền tông.
Tóm lại, những khác biệt từ môi trường tu tập cho đến những điều kiện
chuẩn bị trước khi bước vào Thiền học, hay nói sâu xa hơn nữa theo thuật
ngữ Thiền tông là sự khác biệt về căn cơ của mỗi người, cuối cùng đã dẫn
đến những khác biệt giữa Đốn giáo Nam tông và Tiệm giáo Bắc tông. Chúng
ta sẽ tiếp tục bàn đến chủ đề này trong một phần sau nữa. Còn bây giờ,
hãy quay lại với Đàn Kinh để xem công cuộc hoằng pháp của Đại sư Huệ
Năng đã được thực hiện tại phương Nam như thế nào.