Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Con người chỉ mất ba năm để biết nói nhưng phải mất sáu mươi năm hoặc nhiều hơn để biết im lặng.Rộng Mở Tâm Hồn
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Đọc Kinh Trường Bộ - Tập 1 »» III. Cấu trúc »»

Đọc Kinh Trường Bộ - Tập 1
»» III. Cấu trúc

(Lượt xem: 861)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đọc Kinh Trường Bộ - Tập 1 - III. Cấu trúc

Font chữ:

Nội dung kinh này được đức Phật tự ý nói ra, không do thưa hỏi, do đó cấu trúc bản kinh là những nội dung đức Phật muốn thuyết dạy, được chia ra làm 6 nội dung rõ rệt:

1. Duyên khởi

Duyên khởi là câu chuyện khen chê của thầy ngoại đạo Suppiya và người đệ tử tên Brahmadatta. Từ sự khen chê trái nghịch của 2 người này đã gợi sự chú ý bàn luận của các vị tỳ-kheo, đức Phật nhân đó giảng dạy nội dung thứ nhất về thái độ đúng đắn đối với những lời khen chê từ người khác.

2. Khác biệt trong sự xưng tán của người tầm thường và bậc trí tuệ

Do sự khác biệt về trí tuệ và khả năng nhận thức, những người thế tục tầm thường và những bậc trí tuệ xưng tán Phật vì những lý do khác nhau. Trong nội dung này, đức Phật giảng rõ rằng, một người bình thường chỉ có thể xưng tán qua những gì họ thấy được nơi đức Phật, đó là những biểu hiện cao quý nơi hình tướng, vẻ ngoài, tức là những oai nghi giới hạnh mà Ngài luôn thực hành trong đời sống cũng như dạy cho các vị tỳ-kheo.

Đức Phật tóm lược tất cả các oai nghi giới hạnh này trong 3 phần, gồm những đoạn ngắn, những đoạn vừa và những đoạn dài. Sự xưng tán này là biểu hiện nhận thức giới hạn của những người thế tục chưa đủ trí tuệ, vì họ chưa hiểu được những pháp sâu xa, uyên áo mà đức Phật đã chứng ngộ và giảng dạy. Nếu so với những pháp sâu xa, siêu việt này thì sự cao quý về hình tướng biểu lộ qua oai nghi giới hạnh chỉ được xem là “những điều nhỏ nhặt”.

Và trước khi giảng về các pháp sâu xa, siêu việt đó, đức Phật nêu ra tất cả 62 tà kiến của ngoại đạo đương thời như một bức tranh so sánh để người xem có thể dễ dàng thấy được tính chất siêu việt, vượt trội của giáo pháp do ngài chứng ngộ.

Các tà kiến được chia ra 2 nhóm lớn là các luận thuyết về quá khứ (18 luận thuyết) và các luận thuyết về tương lai (44 luận thuyết). Do sự bám chấp của các luận giả vào luận thuyết của họ nên đức Phật gọi đây là những luận chấp. Đức Phật cũng chỉ rõ, tất cả những luận chấp này đều dựa trên kinh nghiệm tự thân sai lệch của luận giả, hoặc dựa trên sự suy luận, phán đoán sai lầm.

Trong nhóm luận thuyết về quá khứ, có 4 luận thuyết cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn và 4 luận thuyết cho rằng bản ngã và thế giới vừa thường còn, vừa không thường còn. Không thấy có luận thuyết nào nhìn thế giới này là hoàn toàn vô thường.

Tiếp theo là 4 luận thuyết về thế giới hữu biên hay vô biên, thể hiện cách nhìn rối loạn, không căn cứ của các ngoại đạo: 1 luận thuyết cho rằng thế giới là hữu biên, 1 luận thuyết cho là vô biên, 1 luận thuyết cho là vừa hữu biên vừa vô biên, và 1 luận thuyết cho rằng không hữu biên cũng không vô biên.

Ngoài ra còn có 2 luận thuyết cho rằng thế giới hình thành tự nhiên, không có nguyên nhân.

Trong nhóm này, chúng ta cũng thấy có 4 luận thuyết thuộc loại tránh né, ngụy biện, thật ra không chỉ là luận thuyết liên quan đến quá khứ, mà những phương thức ngụy biện này có thể thấy ở khắp thảy mọi chủ đề, khi người tranh luận không đi vào chủ đề mà chỉ cố tình tránh né, đưa ra những câu trả lời mơ hồ, không rõ nghĩa.

Sau khi trình bày 18 luận chấp trong nhóm này, đức Phật tóm gọn lại tất cả trước chuyển sang nói về 44 luận chấp liên quan đến những suy đoán về tương lai.

Trong những luận thuyết suy đoán về tương lai, gồm 44 luận thuyết, có đến 39 luận thuyết suy đoán về trạng thái của bản ngã sau khi chết. Điều này cho thấy mối quan tâm và lo sợ lớn nhất của các luận sư ngoại đạo vẫn là cái chết, điều mà họ thực sự không biết được gì cả, chỉ dựa vào những suy đoán sai lệch của mình để nói ra.

Có 16 luận thuyết cùng đồng thuận cho rằng bản ngã của một hữu tình sau khi chết sẽ tiếp tục tồn tại với sự nhận biết và không có bệnh tật.

Sự bất đồng của 16 luận thuyết này là ở 16 điểm chia thành 4 nhóm sau:

1. Bản ngã sau khi chết có hình sắc; hoặc không có hình sắc; hoặc vừa có vừa không có hình sắc; hoặc vừa không có vừa không phải không có hình sắc.

2. Bản ngã sau khi chết có giới hạn; hoặc không có giới hạn; hoặc vừa có vừa không có giới hạn; hoặc vừa không giới hạn vừa không phải không giới hạn.

3. Bản ngã sau khi chết chỉ có một niệm tưởng duy nhất; hoặc có nhiều niệm tưởng khác nhau; hoặc có một số niệm tưởng; hoặc có vô số niệm tưởng.

4. Bản ngã sau khi chết hoàn toàn an vui; hoặc hoàn toàn khổ não; hoặc vừa an vui vừa khổ não; hoặc không an vui cũng không khổ não.

Những khác biệt trên tạo thành 16 luận thuyết khác nhau trong nhóm này và được gọi chung là luận chấp sau khi chết có sự nhận biết.

Có 8 luận thuyết cùng đồng thuận cho rằng bản ngã sau khi chết không có sự nhận biết, không có bệnh tật. Sự bất đồng của các luận thuyết này là 8 điểm chia thành 2 nhóm như sau:

1. Bản ngã sau khi chết có hình sắc; hoặc không có hình sắc; hoặc vừa có hình sắc vừa không có hình sắc; hoặc vừa không có hình sắc vừa không phải không có hình sắc.

2. Bản ngã sau khi chết có giới hạn; hoặc không có giới hạn; hoặc vừa có vừa không có giới hạn; hoặc vừa không giới hạn vừa không phải không giới hạn.

Do những khác biệt trên tạo thành 8 luận thuyết khác nhau trong nhóm này, được gọi chung là luận chấp sau khi chết không có sự nhận biết.

Tiếp theo là 8 luận thuyết cùng đồng thuận cho rằng bản ngã sau khi chết không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết. 8 luận thuyết này khác biệt ở 8 điểm chia thành 2 nhóm như sau:

1. Bản ngã sau khi chết có hình sắc; hoặc không có hình sắc; hoặc vừa có vừa không có hình sắc; hoặc không phải có, cũng không phải không có hình sắc.

2. Bản ngã sau khi chết có giới hạn; hoặc không có giới hạn; hoặc vừa có vừa không có giới hạn; hoặc vừa không có vừa không phải không có giới hạn.

Những khác biệt này tạo thành 8 luận thuyết được gọi chung là gọi là luận chấp sau khi chết không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết.

Tiếp theo là 7 luận thuyết cho rằng bản ngã sau khi chết thì hoàn toàn đoạn diệt, tiêu mất. Những luận thuyết này chỉ khác biệt nhau ở sự mô tả về bản ngã mà họ cho là đoạn diệt.

Như vậy, có 39 luận thuyết về bản ngã sau khi chết, hoặc cho là có sự nhận biết, hoặc không có sự nhận biết, hoặc hoàn toàn đoạn diệt.

Cuối cùng là 5 luận thuyết cho rằng bản ngã của loài hữu tình có thể đạt đến Niết-bàn tối thượng trong hiện tại, khác biệt nhau ở phương thức mà các luận sư cho rằng bản ngã nhờ đó sẽ đạt đến Niết-bàn. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra qua sự mô tả của họ là tự thân những luận sư này không hề trải nghiệm được cái gọi là Niết-bàn mà họ đang mô tả.

Sau khi trình bày đủ 62 tà kiến như trên, đức Phật đã tổng kết lại tất cả trong một đoạn ngắn để người nghe có thể dễ dàng nắm hiểu tất cả. Vượt trên tất cả những tà kiến ấy, đức Phật dạy:

“Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: ‘Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.’ Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

“Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.”

Đến đây, đức Phật đã làm rõ sự khác biệt giữa những phẩm tính chỉ thuộc về hình thức mà người thế tục thường xưng tán Phật với những phẩm tính sâu xa, siêu việt mà chỉ những bậc trí tuệ mới có thể nhận biết đầy đủ và xưng tán Phật.

3. Nguyên nhân và phương thức dứt trừ

Sau khi nêu ra các nhóm tà kiến khác nhau, trong nội dung tiếp theo này đức Phật chỉ rõ nguyên nhân khởi sinh của các luận thuyết sai lệch đó.

Nguyên nhân được chỉ ra ở đây là do các vị luận sư đã dựa trên cảm thọ của tự thân mà không tự thấy biết mình vẫn đang chìm ngập trong tham ái, bị tham ái chi phối nên dẫn đến những sự kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch. Trên căn bản đó, những luận thuyết mà họ đưa ra không xuất phát từ nhận thức đúng thật mà chỉ là những phóng chiếu từ một tâm thức bất an, bị tham ái chi phối.

Và đức Phật cũng tiếp tục chỉ rõ các cảm thọ khởi sinh chính là do sự tiếp xúc giữa các căn (giác quan) với các trần (đối tượng của giác quan). Do đó, điều tất yếu có thể suy ra được là nếu không có sự xúc chạm thì cũng sẽ không có cảm thọ. Điều này mới nghe qua có vẻ như rất đơn giản, nhưng kỳ thật lại chính là điểm then chốt trong sự tu tập, vì đã chỉ rõ vai trò tác động, ảnh hưởng của các cảm thọ cũng như cội nguồn khởi sinh của chúng.

Đức Phật dạy, tất cả tà kiến hay quan điểm sai lệch đều khởi sinh từ sự chi phối của tham ái:

“Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.”

Do vậy, sau khi tổng kết một lần nữa tất cả 62 tà kiến đã được đề cập, đức Phật nêu ra sự vận hành và tác động của cảm thọ và tham ái trong một chuỗi tương quan giữa các hiện tượng duyên khởi:

“Tất cả những vị này đều khởi sinh cảm thọ từ sự xúc chạm giữa sáu căn với sáu trần. Do duyên với cảm thọ mà khởi sinh ái (hay tham ái); do duyên với ái mà khởi sinh thủ (hay chấp thủ); do duyên với thủ mà khởi sinh hữu (hay hiện hữu); do duyên với hữu mà có sinh (hay sự sống); do duyên với sinh mà khởi lên các hiện tượng già, chết, sầu khổ, ưu não...”

Đây là một phần trong 12 nhân duyên mà đức Phật đã giảng giải trong nhiều kinh điển. Chuỗi tương quan tương sinh được trình bày ở đây cho thấy rõ vai trò của cảm thọ và tham ái trong việc làm tương tục đời sống, dẫn đến tái sinh trong tương lai cũng như mọi khổ đau của đời sống trong luân hồi.

Đến đây, sau khi nhận rõ nguyên nhân làm khởi sinh tà kiến, đức Phật dạy rằng vị tỳ-kheo chân chánh tu tập sẽ có thể vượt ra ngoài những hạn cuộc đó:

“Này các tỳ-kheo, khi một vị tỳ-kheo như thật rõ biết sự khởi sinh và diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ 6 chỗ tiếp xúc giữa căn và trần, vị ấy sẽ có sự hiểu biết vượt ra ngoài những luận chấp nói trên.”

Đoạn kinh ngắn này hàm chứa một nội dung hướng dẫn tu tập quan trọng. “Như thật rõ biết sự khởi sinh và diệt mất của các cảm thọ” là một quá trình tu tập và rèn luyện tâm thức lâu dài và liên tục, bởi đây chính là đi ngược lại với những tập khí sai lầm đã huân tập từ lâu đời trong mỗi chúng sinh.

Khi các căn xúc chạm với các trần, cảm thọ nảy sinh và chúng ta thường không “như thật nhận biết”. Thay vì vậy, chúng ta khởi sinh những nhận thức và cảm xúc sai lầm đối với cảm thọ đó. Khi mắt nhìn, tai nghe... những cảm thọ khác nhau khởi sinh tùy thuộc vào sự khác nhau của các đối tượng hình sắc, âm thanh được tiếp nhận. Khi ấy, thay vì “như thật biết” về sự khởi sinh và diệt mất của các cảm thọ, ta lại thường ngay lập tức khởi sinh sự phân biệt như đẹp, xấu, hay, dở... và tiếp theo đó là ưa thích hay chán ghét. Trong thực tế, tất cả cảm thọ đều “khởi sinh và diệt mất” như một quy luật tất yếu, không có cảm thọ nào có thể kéo dài mãi mãi. Do không tỉnh thức nhận biết được điều này, ta luôn khó chịu với những cảm thọ làm ta không hài lòng và mê đắm những cảm thọ làm ta thích thú, dễ chịu. Khi một cảm giác ngứa ngáy hay đau nhức khởi lên nơi thân, chúng ta bực dọc và khó chịu vì cảm thấy như nó sẽ kéo dài mãi mãi. Nhưng nếu biết rõ rằng cảm giác ấy chắc chắn sẽ diệt mất sau một thời gian, thì sự bực dọc hay khó chịu kia sẽ không còn nữa.

“Như thật rõ biết sự khởi sinh và diệt mất của các cảm thọ” là phương thức đối trị trực tiếp với các cảm thọ và sự lôi cuốn cũng như sự nguy hại của chúng. Chúng ta sẽ không bực dọc khó chịu nhiều với một cảm thọ khi biết chắc nó sẽ mất đi, cũng như sẽ không mê đắm hay chạy đuổi theo một cảm thọ khoái lạc nếu rõ biết về sự ngắn ngủi vô thường của nó. Hơn thế nữa, vị tỳ-kheo trong khi tu tập tỉnh thức luôn nhận biết rõ toàn bộ quá trình khởi sinh và diệt mất của cảm thọ, quan sát quá trình ấy với sự tỉnh thức và do vậy sẽ không rơi vào sự chán ghét hay mê đắm đối với những cảm thọ.

Vị tỳ-kheo cũng cần phải như thật rõ biết về “sự lôi cuốn” của các cảm thọ. Khi như thật rõ biết sự khởi sinh của các cảm thọ, vị tỳ-kheo cũng sẽ tỉnh thức nhận biết được sự lôi cuốn, hấp dẫn, dễ mê đắm của những cảm thọ dễ chịu, khoan khoái... Do tính chất lôi cuốn, hấp dẫn, dễ mê đắm này, hết thảy những ai sống không tỉnh thức đều sẽ bị chúng sai xử, tác động, chi phối. Và do sự chi phối này, chúng sinh khởi tạo các nghiệp xấu ác mà không tự biết hay tự kiểm soát được. Cũng do sự chi phối này, tham ái hay sân hận khởi sinh và chi phối, khiến cho tâm thức luôn rơi vào trạng thái bất an, sợ hãi và dao động. Những tác động này chính là sự nguy hại của các cảm thọ, vì chúng ngăn cản con đường tu tập dẫn đến sự giải thoát, và hơn nữa còn đẩy chúng ta chìm sâu vào khổ đau trong luân hồi.

Do vậy, mục tiêu hướng đến trước tiên của sự tu tập chính là phải “lìa bỏ 6 chỗ tiếp xúc giữa căn với trần” (hay 6 xúc xứ), bởi vì đây chính là biện pháp để chấm dứt những tác động nguy hại của mọi cảm thọ.

“Lìa bỏ” ở đây không có nghĩa là chấm dứt không còn cảm thọ. Trong thực tế, vị tỳ-kheo vẫn có sự nhận biết rõ ràng về những xúc chạm trơn mịn hay thô ráp, những hình ảnh xanh đỏ trắng vàng..., nhưng tất cả những sự nhận biết đó không còn làm khởi lên trong tâm sự ưa thích hay chán ghét, do đó tâm của vị ấy được an nhiên tự tại và không còn chịu sự tác động, ảnh hưởng chi phối của cảm thọ. Và khi tâm thức thoát khỏi những ảnh hưởng chi phối của cảm thọ, vị ấy sẽ có được sự sáng suốt tĩnh lặng để nhận thức đúng thật và “hiểu biết vượt ra ngoài những luận chấp” tà kiến sai lệch.

4. Lưới tà kiến

Để tóm lại toàn bộ nội dung đã thuyết giảng trên, đức Phật đưa ra một hình tượng so sánh rất ấn tượng và rõ nét. Như một người đánh cá tung ra tấm lưới có mắt sít sao, bao trùm khắp trên mặt hồ nước nhỏ, hết thảy những con cá lớn nhỏ trong hồ nước đó đều sẽ không thể nào thoát ra được. Cho dù chúng nhảy vọt lên ở bất cứ chỗ nào cũng đều sẽ vướng lưới, bị hạn cuộc trong lưới, không thể thoát ra khỏi.

Cũng vậy, khi đức Phật tung ra tấm lưới 62 tà kiến này, hết thảy những luận thuyết ngoại đạo đương thời đều bị tóm gọn trong lưới, không thể thoát ra khỏi. Cho dù họ có nỗ lực biện luận theo bất cứ cách thức nào, những luận thuyết sai lệch của họ cũng đều đã bị đức Phật chỉ rõ, không thể thoát ra khỏi.

5. Như Lai tịch diệt

Vượt ngoài tất cả những quan điểm sai lệch như chấp thường, chấp đoạn của ngoại đạo, đức Phật dạy về sự hiện hữu và diệt mất của thân Như Lai chỉ đơn giản như vết tích cuối cùng của một đời sống cuối cùng, sau khi một vị Phật đã hoàn toàn giác ngộ và không còn phải tiếp nối một đời sống nào khác trong luân hồi:

“Này các tỳ-kheo, thân Như Lai còn tồn tại, nhưng những gì đưa đến một đời sống khác đã bị chặt đứt. Khi thân Như Lai còn tồn tại thì chư thiên và loài người có thể nhìn thấy, sau khi thân hoại mạng chung thì chư thiên và loài người không thể thấy nữa...”

Và sự hiện hữu của đời sống cuối cùng này được đức Phật mô tả như sự chấm dứt của một nhánh xoài đã bị cắt đứt, sự sống của tất cả những trái xoài trên nhánh ấy cũng sẽ chấm dứt theo:

“Này các tỳ-kheo, như nhánh xoài có một chùm xoài bị chặt đứt, tất cả những trái xoài dính với nhánh ấy đều bị chung số phận...”

Với nhận thức đúng thật, đức Phật đã chỉ rõ nguyên nhân khiến một hữu tình tìm đến đời sống mới không gì khác hơn là sự thôi thúc của tham ái. Do vậy, một bậc giác ngộ đã đoạn trừ tận gốc rễ tham ái thì tất yếu không còn tái sanh trong luân hồi nữa. Đó là cảnh giới Niết-bàn của bậc thánh, là sự tịch diệt của Như Lai, chỉ có thể do tự thân bậc thánh trải nghiệm mà không thể mô tả qua ngôn từ hay suy diễn được.

6. Kết thúc

Nội dung kết thúc bản kinh chính là nội dung tóm lược những ý nghĩa quan trọng nhất mà kinh này đã nêu ra. Đức Phật dạy, kinh này có 5 tên gọi. Mỗi tên gọi này đều tiêu biểu cho một nội dung chính mà chúng tôi đã trình bày trong phần Dẫn nhập.

Một cách ngắn gọn, phần kết thúc này nêu ra những lợi ích của bản kinh, nói lên ý nghĩa phù hợp với chánh pháp, dứt trừ tà kiến, cũng như tính chất quý báu và mầu nhiệm của giáo pháp. Nội dung bản kinh đã thâu tóm toàn bộ những tà kiến đương thời, giúp cho người học Phật thấy rõ được những điểm sai trái, lệch lạc cũng như nguyên nhân dẫn đến các tà kiến đó.

Do vậy, kinh này vượt trên tất cả các luận thuyết của ngoại đạo đương thời, nắm giữ phần chiến thắng cao thượng nhất, vượt hơn tất cả những luận thuyết, tà kiến của ngoại đạo.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 5 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.138.144 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Việt Nam (86 lượt xem) - Hoa Kỳ (54 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - ... ...