1. Ý nghĩa trong bối cảnh đương thờiBản kinh này cho ta thấy một bức tranh đa dạng về tư tưởng của xã hội Ấn Độ cổ đại vào thời đức Phật. Trong phần oai nghi giới hạnh, chúng ta cũng thấy được những sinh hoạt và niềm tin hỗn tạp của các ngoại đạo vào thời đó. Bằng cách từ bỏ tất cả những điều vô nghĩa tầm thường, vị tỳ-kheo giữ theo những oai nghi giới hạnh do Phật chế định đã vượt trên tất cả ngoại đạo, trở thành hình tượng cao quý được người thế gian kính ngưỡng, xưng tán vì nếp sống thanh cao, giản dị, từ bỏ mọi dục lạc và thói xấu.
Tuy nhiên, đức Phật cũng dạy rằng sự cao quý được người đời kính ngưỡng xưng tán đó, thật ra chỉ là nhỏ nhặt nếu so sánh với những tri kiến chân chánh của bậc giác ngộ có thể giúp người tu tập vượt thoát vòng sinh tử, chấm dứt luân hồi. Và những tri kiến chân chánh, siêu việt này thì người tầm thường không đủ khả năng nhận biết, chỉ những bậc có trí tuệ mới nhận biết được và xưng tán Phật vì những điều đó.
Từ những so sánh này, chúng ta thấy được ngay từ thời đó đức Phật đã phân biệt và chỉ rõ rằng, sự tu tập, hành trì theo giới luật tuy quan trọng nhưng chỉ mới là những nền tảng ban đầu, bởi chỉ riêng những điều đó thôi thì không thể đưa đến sự giải thoát hoàn toàn. Người tu tập còn phải học hỏi, rèn luyện cho mình một tri kiến chân thật, thấy biết đúng thật về thực tại thì mới có thể buông bỏ được những tà kiến, những quan điểm sai lầm, cũng như vượt thoát được sự chi phối của tham ái. Quá trình tu tập, rèn luyện này là một tầng bậc cao hơn nhiều so với việc chỉ đơn thuần giữ theo giới luật, và do vậy đòi hỏi phải có một trí tuệ sáng suốt, chân chánh mới có thể tiếp nhận và làm theo đúng lời Phật dạy.
Tóm lại, bản kinh này đặc biệt nêu rõ và so sánh hai phương diện tu tập song hành của một vị tỳ-kheo khi đi theo con đường do đức Phật chỉ dạy.
Việc nghiêm trì giới luật về phương diện hình thức nhằm tạo ra một nếp sống đúng đắn, ngăn ngừa mọi điều sai trái, tội lỗi xuất phát từ thân, khẩu, ý. Phương diện tu tập này là cần thiết nhưng chưa đủ để hướng đến mục tiêu giác ngộ cuối cùng, và về mặt ý nghĩa cũng như tầm quan trọng thì nó chỉ là nhỏ nhặt khi so với sự tu tập trí tuệ và rèn luyện tâm ý theo chánh kiến.
Do vậy, phương diện tu tập trí tuệ và rèn luyện tâm ý được xem là quan trọng hơn và là yếu tố quyết định trong việc đưa đến mục tiêu giải thoát tối thượng.
2. Ý nghĩa hiện đạiKhi đọc lại bản kinh này trong bối cảnh hiện đại, có thể một số người sẽ tự hỏi: Liệu có ích gì chăng khi tìm hiểu về 62 tà kiến của ngoại đạo từ cách đây hơn 25 thế kỷ?
Sự băn khoăn này là chính đáng, nhưng nó không có nghĩa là bản kinh này ngày nay không còn giá trị thực tiễn nữa. Trong thực tế, những lời dạy của đức Phật vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa dẫn dắt sự tu tập chân chánh cho bất cứ ai muốn đi theo con đường giải thoát.
Bởi vì các tà kiến được nêu trong kinh này có thể không còn nữa, nhưng nguyên nhân làm sinh khởi chúng thì đến nay vẫn không hề thay đổi. Con người ngày nay với tất cả những tri thức văn minh khoa học hiện đại nhưng vẫn chưa hề kiểm soát được tham ái, vẫn chưa hề làm chủ được những cảm thọ của mình nếu không có sự tu tập. Và một khi sự xúc chạm giữa các căn và trần vẫn xảy ra, các cảm thọ vẫn nảy sinh và khi chúng ta không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, chịu sự chi phối của tham ái, thì điều tất yếu là ta sẽ bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.
Toàn bộ tiến trình được đức Phật mô tả trong kinh này, ngày nay vẫn đang tiếp tục diễn ra như vậy, không hề khác biệt. Do đó, những tà kiến của thời cổ đại tuy không còn nữa, nhưng với sự chi phối của tham ái trong hiện tại này, vẫn có hàng loạt những tà kiến khác tiếp nối nhau sinh khởi mà không hề chấm dứt.
Nhưng chúng ta cũng không cần thiết phải tìm hiểu về bất kỳ tà kiến hay quan điểm sai trái nào khi đã hiểu được đó là hệ quả tất yếu nảy sinh từ sự chi phối của tham ái. Nói cách khác, khi nắm hiểu được nguyên tắc này thì ta luôn biết rằng, bất kỳ một quan điểm, học thuyết nào được khởi sinh từ sự chi phối của tham ái, chắc chắn đó sẽ là một quan điểm sai lệch, không chính xác.
Do vậy, người tu tập không cần thiết phải lặn ngụp trong vô số những tà thuyết sai trái để tìm hiểu, nhận dạng chúng. Chỉ cần tinh tấn tu tập tỉnh thức, luôn như thật rõ biết về các cảm thọ và tính chất của chúng để xa lìa, như đức Phật đã chỉ bày ngắn gọn trong đoạn kinh sau đây:
“Khi một vị tỳ-kheo như thật rõ biết sự khởi sinh và diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ sáu chỗ tiếp xúc giữa căn và trần, vị ấy sẽ có sự hiểu biết vượt ra ngoài những luận chấp nói trên.”“Vượt ra ngoài những luận chấp nói trên” không chỉ là nói đến 62 tà kiến trong kinh này, mà chúng ta hoàn toàn có thể hiểu đó là tất cả những tà kiến của mọi thời đại, dù là từ cách đây hơn 25 thế kỷ hay ngay trong thời đại ngày nay. Khi người tu tập làm chủ được cảm thọ, vượt thoát được tham ái thì sự thấy biết, nhận thức của vị ấy sẽ luôn đúng thật. Đây chính là ý nghĩa cốt yếu của sự tu tập được nêu ra trong kinh này.