Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hạnh phúc không tạo thành bởi số lượng những gì ta có, mà từ mức độ vui hưởng cuộc sống của chúng ta. (It is not how much we have, but how much we enjoy, that makes happiness.)Charles Spurgeon
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Hợp tuyển lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali »» I. Thân Phận Con Người »»

Hợp tuyển lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali
»» I. Thân Phận Con Người

(Lượt xem: 3.864)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Hợp tuyển lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali - I. Thân Phận Con Người

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT

Như giáo lý của các tôn giáo khác, giáo lý của Đức Phật khởi đầu là một đáp ứng trước những mối lo âu căng thẳng ngay trong cốt lõi của thân phận con người. Những gì giúp chúng ta phân biệt giáo lý của Đức Phật với các tôn giáo khác trong cách tiếp cận đối với thân phận con người chính là cái nhìn trực tiếp, thấu suốt, và thực tiễn không khoan nhượng của Ngài trước các mối lo âu căng thẳng đó. Đức Phật không trao truyền chúng ta những biện pháp làm giảm nhẹ cơn đau tạm thời bên ngoài và để yên những căn bệnh vẫn tiềm ẩn bên dưới, mà Ngài đã truy đến tận những nguyên nhân sâu xa nhất của những căn bệnh liên hệ đến sự hiện hữu của chúng ta, rất dai dẳng và tai hại, và chỉ dẫn cho chúng ta làm thế nào để hoàn toàn nhổ bật chúng tận gốc rễ. Tuy nhiên, trong lúc Chánh pháp cuối cùng sẽ đưa đến trí tuệ để xóa bỏ mọi nguyên nhân khổ đau, Chánh pháp không bắt đầu từ đó, mà bắt đầu bằng những quan sát về thực tại hiển nhiên của kinh nghiệm sống hằng ngày. Ở đây cũng vậy, tính cách trực tiếp, thấu suốt, và thực tiễn là rất rõ ràng. Lời giảng dạy bắt đầu bằng cách kêu gọi chúng ta phát triển một khả năng gọi là như lý tác ý (sự chú tâm cẩn thận) (yoniso manasikāra). Đức Phật yêu cầu chúng ta chấm dứt thái độ tiếp tục thờ ơ vô tâm trong cuộc sống, thay vào đó cần phải chú tâm cẩn thận đến những sự thật đơn giản đang có mặt khắp nơi, và đang đòi hỏi sự quan tâm bền vững mà chúng xứng đáng được hưởng.

Một trong những sự thật rõ ràng không thể trốn tránh được, và cũng là một trong số những sự thật khó nhất để chúng ta công nhận một cách trọn vẹn, đó là, chúng ta bị trói buộc bởi tuổi già, bệnh, rồi chết. Người ta thường cho rằng Đức Phật kêu gọi chúng ta công nhận thực tại của tuổi già và cái chết là để động viên chúng ta đi vào con đường xuất gia đưa đến Niết-bàn, giải thoát hoàn toàn khỏi vòng luân hồi sinh tử. Tuy nhiên, trong lúc đây có thể là ý định tối hậu của Ngài, nó không phải là đáp ứng đầu tiên Ngài dùng để gợi ý cho chúng ta khi chúng ta tìm đến Ngài để xin hướng dẫn. Đáp ứng ban đầu Đức Phật dự định gợi ý cho chúng ta là một đáp ứng đạo đức. Bằng cách kêu gọi sự chú ý của chúng ta về hệ lụy của tuổi già và cái chết, Ngài muốn khơi nguồn cảm hứng để chúng ta có quyết tâm vững chắc là tránh xa những lối sống bất thiện và thay vào đó là mở lòng đón nhận một lối sống thiện lành.

Một lần nữa, lời kêu gọi đạo đức ban đầu của Đức Phật không những chỉ đặt nền tảng trên một tình cảm từ bi đối với người khác, mà còn là mối quan tâm sâu xa đối với an vui hạnh phúc của chính chúng ta. Ngài cố gắng làm cho chúng ta thấy rằng hành động theo đường lối đạo đức sẽ giúp chúng ta bảo đảm được sự an vui của chính chúng ta ngay trong hiện tại và cả trong tương lai dài hạn nữa. Lập luận của Ngài dựa vào nhận định quan trọng là hành động mang lại hậu quả. Nếu chúng ta cần phải thay đổi những cách hành xử quen thuộc của mình, giá trị của nguyên lý này phải thuyết phục được chúng ta. Nói rõ hơn, để thay đổi một lối sống trống rỗng buồn chán do mình tạo ra thành một lối sống thật sự hữu ích và mãn nguyện trong tâm, chúng ta phải ý thức được rằng hành động của chúng ta đem lại hậu quả cho chính chúng ta, những hậu quả có thể tác động lại chúng ta trong đời này và những đời sau.

Ba bài kinh tạo nên phần đầu của chương này xác nhận điểm này một cách hùng hồn, mỗi bài theo cách riêng của nó. Kinh Văn I, 1, (1) đã diễn đạt thật rõ ràng qui luật không thể tránh được là tất cả mọi chúng sanh đã sinh ra thì phải trải qua giai đoạn già và chết. Mặc dù thoạt nhìn, bài kinh có vẻ như chỉ nói lên một sự kiện của thiên nhiên, bằng cách đưa ví dụ về những thành phần thuộc giai cấp thượng lưu của xã hội (như những lãnh chúa giàu có, những người thuộc giai cấp Bà-la-môn và các gia chủ) và những vị A-la- hán đã đắc quả giải thoát, bài kinh ám chỉ một thông điệp đạo đức tế nhị trong lời kinh. Kinh Văn I, 1, (2) đưa ra thông điệp này rõ ràng hơn với ví dụ ngọn núi rất ấn tượng, để đưa đến điểm chính là khi “tuổi già và cái chết đang đến với chúng ta”, nhiệm vụ của chúng ta trong đời là sống chơn chánh và làm những hành động thiện lành và phước đức. Bài kinh về “những thiên sứ” Kinh Văn I, 1, (3) xác nhận hậu quả của việc này: Khi chúng ta không nhận ra “những thiên sứ” này trong chúng ta, khi chúng ta bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo về tuổi già, bệnh tật và cái chết, chúng ta trở nên xao lãng và hành động vô ý thức, tạo nên những ác nghiệp với tiềm năng đem lại những hậu quả đáng sợ.

Việc nhận thức được rằng chúng ta bị trói buộc bởi tuổi già và cái chết sẽ phá vỡ niềm đam mê say đắm dục lạc, tài sản, quyền lực vẫn ám ảnh chúng ta. Điều này đánh tan lớp sương mù của nỗi hoang mang và là động lực thúc đẩy chúng ta đặt lại những mục đích của mình trong cuộc sống. Chúng ta có thể sẽ không sẵn sàng từ bỏ gia đình và tài sản để sống cuộc đời lang thang không gia đình và độc cư thiền định, đây không phải là một sự lựa chọn mà Đức Phật thường mong đợi ở các đệ tử tại gia. Như đã nói ở trên, bài học đầu tiên Ngài rút ra từ thực tế là cuộc đời chúng ta sẽ chấm dứt bằng tuổi già và cái chết, là một bài học về đạo đức xen lẫn với hai nguyên lý đi đôi với nhau là Nghiệp và Tái sanh. Luật nghiệp quả xác định rằng những hành động thiện và bất thiện của chúng ta mang lại những hậu quả trải dài đến tận kiếp sau: những hành động bất thiện đưa đến việc tái sanh vào các cõi đọa đày và đem đến khổ đau, bất hạnh trong tương lai; và những hành động thiện đưa đến tái sanh vào cõi an lành và đưa đến tương lai hạnh phúc, an vui. Vì chúng ta rồi sẽ phải già và chết, chúng ta phải luôn luôn ý thức rằng bất cứ sự hưng thịnh nào chúng ta hưởng trong hiện tại cũng chỉ tạm thời. Chúng ta chỉ có thể vui hưởng chúng khi chúng ta còn trẻ và khỏe mạnh; và khi chúng ta chết, những nghiệp chúng ta mới tạo sẽ có cơ hội chín muồi và cho ra những hậu quả của chúng. Lúc đó, chúng ta phải gặt hái những quả do hành động chúng ta đã tạo ra. Với tầm mắt hướng về nguồn an vui lâu dài trong tương lai, chúng ta phải hết sức thận trọng, tránh những hành động bất thiện đưa đến kết quả khổ đau và tinh tấn dấn thân vào các hành động thiện đem lại hạnh phúc cho đời sống hiện tại và tương lai.

Trong phần hai, chúng ta sẽ khám phá ba phương diện của kiếp người mà tôi đã tập hợp lại dưới chủ đề “Những khổ đau của lối sống phóng dật.” Những kiểu khổ đau này khác với những khổ đau liên hệ đến tuổi già và cái chết trên một phương diện quan trọng. Tuổi già và cái chết ràng buộc với sự hiện hữu của thân và như vậy là không thể tránh được, là đặc điểm chung cho cả người thường và các bậc A-la-hán đã được giải thoát, một điểm được chỉ rõ trong bài kinh đầu tiên của chương này. Trái lại, ba bài được đưa vào chương này đã phân biệt giữa người thường, gọi là “kẻ vô văn phàm phu” (assutavā puthujjana), và đệ tử có trí tuệ của Đức Phật gọi là “bậc Thánh đệ tử” (sutavā ariyasāvaka).

Điểm đầu tiên trong những khác biệt đó, được rút ra từ Kinh Văn I, 2, (1) xoay quanh việc phản ứng đối với những cảm thọ khổ đau. Kẻ vô văn phàm phu và bậc Thánh đệ tử đều có những cảm thọ đau khổ về thân, nhưng họ có phản ứng khác nhau đối với các cảm thọ đó. Kẻ vô văn phàm phu phản ứng bằng sự chán ghét, tức giận và như vậy thêm vào sự đau đớn về thân, họ còn trải nghiệm cảm giác đau khổ trong tâm như buồn rầu, tức giận hay tuyệt vọng. Đối với bậc Thánh đệ tử, khi phải chịu những đau đớn về thân, các vị ấy kiên nhẫn chịu đựng, không buồn rầu, tức giận hay tuyệt vọng. Người ta thường cho rằng đau đớn về thân và tâm liên hệ với nhau không thể tách rời được, nhưng Đức Phật đã phân biệt rõ ràng ranh giới của hai trạng thái này. Ngài khẳng định rằng trong lúc sự hiện hữu của thân bị ràng buộc với nỗi đau thể xác không thể tránh được, nỗi đau ấy không nhất thiết phải châm ngòi cho những phản ứng về mặt cảm xúc trong tâm như đau đớn, sợ hãi, tức giận hay tuyệt vọng mà chúng ta thường có thói quen phản ứng. Qua việc rèn luyện tâm thức, chúng ta có thể phát triển chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng, cần thiết để có thể chịu đựng được những đau đớn thể xác một cách can đảm, với lòng nhẫn nhục và tâm xả. Qua sự hiểu biết sâu sắc, chúng ta có thể phát triển tuệ giác đủ để vượt thắng được nỗi sợ hãi về những cảm thọ đau đớn và nhu cầu đi tìm giải khuây trong những trò phóng dật quá độ của dục lạc giác quan.

Một phương diện khác của đời người làm cho sự khác biệt giữa kẻ vô văn phàm phu và bậc Thánh đệ tử trở nên rõ ràng là sự thăng trầm luôn thay đổi của vận mệnh con người. Các bài kinh Phật đã rút gọn trong bốn cặp đối nghịch nhau, được biết như là tám hoàn cảnh của cuộc đời (aṭṭha lokadhamma) đó là: được thua, danh thơm - tiếng xấu, khen chê, sướng khổ. Kinh Văn I, 2, (2) chứng tỏ cho ta thấy kẻ vô văn phàm phu và bậc Thánh đệ tử khác nhau như thế nào trong phản ứng của họ trước những đổi thay ấy. Trong lúc kẻ vô văn phàm phu vui sướng khi thành công trong việc đạt được thắng lợi, danh vọng, lời khen và khoái lạc, và khổ sở khi đối diện với những hoàn cảnh ngược lại, thì bậc Thánh đệ tử vẫn không bị dao động. Bằng cách áp dụng hiểu biết về vô thường cho hoàn cảnh thuận lợi và không thuận lợi, bậc Thánh đệ tử có thể an trú với tâm xả, không tham đắm trước hoàn cảnh thuận lợi, và không ghê sợ trước hoàn cảnh không thuận lợi. Các bậc Thánh đệ tử ấy từ bỏ thích và không thích, buồn rầu và tuyệt vọng, và cuối cùng đạt được ân phước tối thượng: hoàn toàn giải thoát khỏi khổ đau.

Kinh Văn I, 2, (3) quan sát số phận của kẻ vô văn phàm phu ở một tầm mức sâu xa hơn nữa. Bởi vì kẻ vô văn phàm phu có những tri giác sai lầm về sự vật, họ bị dao động trước những đổi thay, nhất là khi những đổi thay ấy có ảnh hưởng đến thân và tâm của họ. Đức Phật sắp xếp những thành phần của thân và tâm thành năm loại được biết như là ‘năm uẩn đối tượng của chấp thủ’: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm uẩn này là những khối vật liệu điển hình mà chúng ta dùng để xây dựng cảm giác về bản sắc cá nhân của chúng ta, chúng là những cái mà chúng ta bám chặt vào và xem như là ‘của ta’, là ‘ta’, là ‘tự ngã của ta’. Bất cứ cái gì chúng ta nhận diện là mình, bất cứ cái gì chúng ta cho là cái ngã hay những sở hữu của cái ngã, tất cả đều có thể xếp vào năm uẩn đó. Như vậy năm uẩn là nền móng tối hậu của “sự nhận diện” và “sự sở hữu”, hai hoạt động căn bản theo đó chúng ta thiết lập cảm giác về bản ngã. Vì chúng ta bỏ rất nhiều thời gian và công sức để xây dựng khái niệm về bản ngã và bản sắc cá nhân với mối quan tâm cảm xúc rất lớn, nên khi những đối tượng mà chúng gắn bó là năm uẩn trải qua những thay đổi, tự nhiên chúng ta cảm thấy lo âu và sầu khổ. Trong tri giác của chúng ta, đó không chỉ là những hiện tượng khách quan đang thay đổi, mà chính bản sắc của chúng ta, cái bản ngã yêu quý của chúng ta cũng thay đổi, và đó là điều chúng ta sợ hãi nhất. Tuy nhiên, như bài kinh này đã chứng tỏ, bậc Thánh đệ tử với trí tuệ đã thấy rõ bản chất hư vọng của tất cả khái niệm về một cái ngã thường hằng nên không còn nhận diện nó với năm uẩn. Vì thế, bậc Thánh đệ tử có thể đối đầu với đổi thay mà không quan ngại lo âu, không bị dao động khi đối diện với đổi thay, suy tàn và hoại diệt.

Lo âu, dao động và hoang mang, sợ hãi làm con người đau khổ không những ở mức độ cá nhân riêng tư, mà còn ảnh hưởng đến những giao tiếp của chúng ta về mặt xã hội. Từ thời đại cổ sơ nhất, thế giới của chúng ta vẫn luôn luôn là một môi trường xung đột và đối đầu dữ dội. Tên gọi, nơi chốn, và dụng cụ hủy diệt có thể thay đổi nhưng những lực đẩy đằng sau, những động cơ, những biểu hiện của tham, sân, si vẫn hầu như bất biến. Các bộ kinh Nikāya chứng thực rằng Đức Phật đã nhận thức rất rõ về chiều hướng này của thân phận con người. Mặc dù những lời dạy của Ngài, trước tiên nhằm mục đích đạt được giác ngộ giải thoát cá nhân, với sự nhấn mạnh đến kỷ luật tự giác về đạo đức và tự rèn luyện tâm thức, Đức Phật cũng tìm cách trao truyền cho mọi người một nơi trú ẩn để tránh khỏi bạo động và bất công, đã gây nên nhiều đau khổ cho đời sống con người bằng nhiều cách thức rất tàn bạo. Điều này rõ ràng trong sự nhấn mạnh của Ngài về lòng từ bi, thương xót chúng sanh và không gây tổn hại trong hành động, từ ái trong lời nói và ôn hòa giải quyết mọi tranh chấp.

Phần ba của chương này gồm có bốn bài kinh nói về những cội rễ tiềm ẩn bên dưới xung đột, bạo động và bất công. Chúng ta có thể thấy trong những bài kinh ấy Đức Phật không đòi hỏi thay đổi những cấu trúc xã hội bề ngoài. Ngài chứng minh rằng những hiện tượng đen tối đó chỉ là phóng ảnh bên ngoài của những khuynh hướng bất thiện trong tâm thức con người, và vì vậy, Ngài chỉ rõ nhu cầu cần thay đổi nội tâm con người như là điều kiện song song để thiết lập hòa bình và công bằng xã hội. Mỗi bài trong số bốn bài kinh được đưa vào trong phần này đã truy ra nguyên nhân của những xung đột, bạo động, áp bức chính trị và bất công kinh tế, mỗi bài có cách thức riêng để xác định vị trí của những nguyên nhân đó trong tâm con người.

Kinh Văn I, 3, (1) giải thích xung đột giữa những người tại gia xuất phát từ những bám víu vào dục lạc giác quan, xung đột giữa các vị khổ hạnh xuất phát từ dính mắc về kiến chấp. Kinh Văn I, 3, (2) là một cuộc đàm thoại giữa Đức Phật và Sakka, một vị Trời cai trị chư Thiên thời tiền Phật giáo Ấn Độ. Bài kinh vạch ra căn nguyên của sân, si và thù hận là từ lòng đố kỵ và keo kiệt; rồi từ đó, Đức Phật truy ra nguồn gốc của chúng từ những lệch lạc cơ bản đã ảnh hưởng đến cách thức tri giác và các hoạt động tinh thần tiếp nhận thông tin từ các giác quan. Kinh Văn I, 3, (3) cho chúng ta một phiên bản khác của chuỗi nhân duyên nổi tiếng, bắt đầu từ thọ đến ái, và từ ái qua các nhân duyên khác để đi đến việc “sử dụng gậy gộc và vũ khí” và những kiểu hành xử bạo động khác. Kinh Văn I, 3, (4) mô tả bằng cách nào mà tam độc tham, sân, si đem lại những hậu quả kinh khủng cho toàn xã hội, phát sinh thành bạo động, khao khát quyền lực và những tổn thương đau khổ do bất công gây ra. Tất cả bốn bài kinh đều ngụ ý rằng bất cứ sự chuyển hóa xã hội lâu dài và có ý nghĩa nào cũng đòi hỏi những thay đổi đáng kể về đạo đức nội tâm của cá nhân con người; vì bao lâu mà tham, sân, si vẫn lan tràn như những yếu tố quyết định cách hành xử, thì hậu quả nhất định sẽ đưa đến tai hại triền miên.

Lời dạy của Đức Phật nói đến một phương diện thứ tư của thân phận con người, không giống ba phương diện mà chúng ta vừa khảo sát, không được chúng ta trực tiếp nhận biết ngay. Đây là sự ràng buộc của chúng ta với vòng sinh tử luân hồi. Từ những bài kinh được chọn lọc để đưa vào trong phần cuối của chương này, chúng ta thấy Đức Phật dạy rằng quãng đời của mỗi cá nhân chúng ta chỉ là một giai đoạn trong chuỗi tái sanh đã tiếp diễn từ vô thủy. Chuỗi tái sanh này gọi là vòng luân hồi (saṃsāra), một từ Pāli gợi ý về một sự lang thang vô định. Dù chúng ta có tìm kiếm một điểm bắt đầu của vũ trụ xa tận đâu đi nữa, chúng ta vẫn không bao giờ tìm ra thời điểm đầu tiên vũ trụ hình thành. Dù chúng ta có truy tìm chuỗi đời sống liên tục của một cá nhân xa tận đâu đi nữa, chúng ta cũng không bao giờ tìm thấy điểm đầu tiên. Theo Kinh Văn I, 4, (1) và I, 4, (2), thậm chí nếu chúng ta truy tìm chuỗi đời sống liên tục của cha mẹ chúng ta xuyên qua các hệ thống thế giới, chúng ta chỉ có thể bắt gặp thêm nhiều cha mẹ nữa trải dài đến tận những chân trời xa xăm.

Hơn nữa, tiến trình này không những không có điểm bắt đầu, mà cũng có tiềm năng không có điểm kết thúc. Bao lâu vô minh và ái dục vẫn còn nguyên vẹn, thì tiến trình này vẫn tiếp tục vô thời hạn trong tương lai mà không thấy có điểm kết thúc. Đối với Đức Phật và Phật giáo Nguyên thủy, trên tất cả mọi thứ, đây là điểm xác định sự khủng hoảng trong cốt lõi của thân phận con người: chúng ta bị trói buộc vào một chuỗi tái sanh, và sự trói buộc này không gì khác hơn là do vô minh và lòng ái dục của chính chúng ta. Sự lang thang vô định trong cõi luân hồi xảy ra trong một bối cảnh thuộc những chiều hướng mênh mông không thể nghĩ bàn của vũ trụ. Thời gian để một hệ thống thế giới hình thành, đạt đến mức phát triển tối đa, rồi đi đến suy tàn và hoại diệt được gọi là một kiếp (kappa). Kinh Văn I, 4, (3) cho chúng ta một ví dụ sống động về chiều dài của một kiếp. Kinh Văn I, 4, (4) là một ví dụ sống động khác để minh họa số kiếp không thể nào đếm được mà chúng ta đã lang thang trong đó.

Vì con người lang thang, phiêu bạt từ đời này sang đời khác, bị bao phủ trong sự tối tăm nên họ mãi quanh đi quẩn lại trong vòng vô tận của sinh, già, bệnh, chết. Nhưng vì dục vọng cứ thúc đẩy họ đi tới trong cuộc săn đuổi không ngừng để được thỏa mãn, họ hiếm khi dừng lại đủ lâu và bước lui để quan tâm một cách thận trọng đến số phận hiện hữu của họ. Như trong Kinh Văn I, 4, (5) nói rõ, thay vào đó, họ cứ mãi xoay quanh “ngũ uẩn” theo kiểu con chó với cái vòng dây buộc cổ cứ chạy loanh quanh cái trục hay cây cột. Vì vô minh đã ngăn cản không cho họ nhận ra được bản chất quái ác của thân phận họ, nên họ không thể thấy được những dấu chỉ của con đường giải thoát. Phần lớn con người sống đắm chìm trong việc hưởng thụ dục lạc giác quan. Một số khác bị thúc đẩy bởi nhu cầu có được quyền lực, địa vị và danh vọng, nên cuộc đời cứ mãi chạy theo những nỗ lực vô vọng nhằm lấp đầy nỗi khát khao không bao giờ được thỏa mãn. Nhiều người khác sợ hãi trở về với hư vô vào lúc chết, đã xây dựng những hệ thống tín điều chủ yếu giữ cho cá nhân họ, linh hồn họ một triển vọng về một đời sống vĩnh cửu. Một vài người mong muốn một con đường giải thoát nhưng không biết tìm ở đâu. Đức Phật đã xuất hiện giữa đời này chính xác là để trao truyền cho chúng ta con đường giải thoát đó.

I. THÂN PHẬN CON NGƯỜI

1. GIÀ, BỆNH VÀ CHẾT

(1) Già và chết

Tại thành Xá-vệ (Sāvatthī), vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) của nước Kosala bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, có người nào sinh ra mà tránh khỏi già và chết không?” (1)

– Thưa Đại vương, không có ai sinh ra mà tránh khỏi già và chết. Ngay cả những người thuộc giai cấp Sát-đế-lỵ đại phú - giàu có, nhiều tài sản và của cải, nhiều vàng bạc, nhiều kho tàng và hàng hóa, nhiều ngũ cốc - vì họ đã sinh ra, họ không tránh khỏi già và chết. Ngay cả những Bà-la-môn đại phú... những gia chủ đại phú - giàu có... nhiều của cải và ngũ cốc - vì họ đã sinh ra, họ không thể tránh khỏi già và chết. Ngay cả những vị Tỷ-kheo đã đắc quả A-la-hán, những vị đã đoạn trừ các lậu hoặc, phạm hạnh đã thành, đã làm những việc cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã hoàn toàn đoạn trừ các kiết sử, đã hoàn toàn đạt được giải thoát nhờ chánh trí, ngay cả thân của quý vị ấy cũng phải chịu sự tan rã, cũng phải bị vất bỏ. (2)

“Cỗ xe xinh đẹp của vua cũng sẽ hư mòn,
Tấm thân này cũng trải qua biến hoại như vậy,
Nhưng Pháp của bậc chân nhân sẽ không bị hủy hoại;
Bậc chân nhân tuyên thuyết như vậy.”
(Tương Ưng BK I, tr. 165-166: Vua)

(2) Ví dụ ngọn núi

Tại thành Xá-vệ, vào giữa trưa, vua Pasenadi của nước Kosala đi đến gần Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Thế Tôn hỏi: “Đại vương từ đâu đến giữa ban trưa như thế này?”

– Bạch Thế Tôn, ngay lúc này, con đang bận rộn với những công việc tiêu biểu của các vua chúa, những người ngây ngất say sưa trong vương quyền, những người đang tham đắm các dục lạc giác quan, những người đã bình định được đất nước họ, và những người trong lúc cai trị đã chinh phục được nhiều lãnh thổ rộng lớn trên quả đất này.

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Giả sử có một người đến từ phương Đông, một người thân tín, đáng tin cậy, nói với ngài rằng: “Tâu Đại vương, chắc chắn ngài nên biết điều này: Con đến từ phương Đông, và ở đó con thấy một ngọn núi cao tận mây đang di chuyển theo hướng này, nghiền nát mọi loại hữu tình trên đường đi. Đại vương, hãy làm bất cứ việc gì ngài thấy cần phải làm.” Rồi một người thứ hai đến từ phương Tây... một người thứ ba đến từ phương Bắc... và một người thứ tư đến từ phương Nam, một người thân tín, đáng tin cậy, nói với ngài rằng: “Tâu Đại vương, chắc chắn ngài nên biết việc này: Con đang đi đến từ phương Nam, và con thấy ở đó có một ngọn núi cao đến tận mây đang di chuyển về hướng này, nghiền nát mọi loại hữu tình trên đường đi. Đại vương, hãy làm những gì mà ngài thấy cần phải làm.” Thưa Đại vương, nếu một tai họa lớn như vậy xảy ra, gây nên sự hủy diệt kinh hoàng cho sinh mạng con người, được làm người thật khó, như vậy ngài cần phải làm gì?

– Bạch Thế Tôn, nếu có một tai họa lớn như vậy xảy ra, gây nên sự hủy diệt kinh hoàng cho mạng sống con người, được làm người thật khó, con có thể làm gì khác hơn ngoài việc phải sống theo đúng Chánh pháp, sống chân chính, và làm những việc công đức thiện lành?

– Thưa Đại vương, Ta báo cho ngài biết, Ta tuyên bố cho ngài rõ, tuổi già và cái chết đang tiến đến gần ngài. Đại vương, khi tuổi già và cái chết đang tiến gần, ngài cần phải làm gì?

– Bạch Thế Tôn, khi tuổi già và cái chết đang tiến đến gần con, con chẳng làm gì khác hơn ngoài việc phải sống đúng Chánh pháp, sống chân chính, làm những việc thiện lành công đức?

Bạch Thế Tôn, những vị vua đang ngây ngất say sưa trong vương quyền, tham đắm các dục lạc giác quan, những người đã bình định được đất nước họ và cai trị những phạm vi lãnh thổ rộng lớn, chinh phục được nhờ các trận chiến bằng binh voi, các trận chiến bằng binh ngựa, các trận đánh bằng chiến xa, các trận đánh bằng bộ binh; nhưng khi tuổi già và cái chết đến gần, họ không có hy vọng chiến thắng được những cuộc chiến này, không có cơ may thành công nào cả. Bạch Thế Tôn, trong triều đình này, có những vị đại thần, khi quân địch tiến đến, có khả năng làm chúng tan rã bằng những chú thuật; nhưng khi tuổi già và cái chết đến gần, họ không có hy vọng chiến thắng bằng chú thuật, không có cơ may thành công nào cả. Bạch Thế Tôn, trong triều đình này, có vô số vàng bạc được cất giữ trong những tầng thượng và nhà kho, và với số tài sản đó, họ có khả năng mua chuộc kẻ thù khi chúng đến; nhưng khi tuổi già và cái chết đến gần, họ không có hy vọng chiến thắng nhờ tài sản, không có cơ may nào để thành công cả. Bạch Thế Tôn, khi tuổi già và cái chết tiến gần đến bên con, con chẳng làm gì khác hơn ngoài việc phải sống đúng Chánh pháp, sống chân chính, và làm những việc thiện lành công đức.

– Thưa Đại vương, đúng thế! Thưa Đại vương, đúng thế! Khi tuổi già và cái chết tiến đến gần, có gì khác hơn ngài cần phải làm ngoài việc sống đúng Chánh pháp, sống chân chính, và làm nhiều việc thiện lành công đức.

Đây là những gì Thế Tôn dạy. Sau khi đã dạy như vậy, bậc Thiện Thệ, bậc Đạo Sư nói thêm bài kệ như sau:

“Như những ngọn núi đá vững chắc, Khổng lồ, cao đến tận trời,
Có thể hợp lại từ mọi phương tràn tới, Nghiền nát tất cả sinh linh trong bốn phía. Tuổi già và cái chết cũng vậy,
Đang tiến tới với tất cả sinh linh.
Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, Chiên-đà-la, và những kẻ lượm rác;
Chúng không tha một ai trên đường chúng đi tới, Nghiền nát tất cả mọi sinh linh.
Không có hy vọng chiến thắng
Bằng đoàn binh voi, xe ngựa, bộ binh;
Người ta không thể thắng chúng bằng chú thuật, Hay mua chuộc chúng bằng tài sản.
Vì vậy, người có trí ở đây
Quan tâm đến sự an vui của chính mình, Cần phải đặt đức tin vững chắc
Vào Phật, Pháp, và Tăng.
Ai sống đúng theo Chánh Pháp, Với thân, khẩu, và ý,
Trong đời này được mọi người ca ngợi, Và sau khi chết được an vui ở Thiên giới.”
(Tương Ưng BK I, tr. 223-228 - V. Ví dụ Ngọn Núi)

(3) Những Thiên sứ

– Này các Tỷ-kheo, có ba Thiên sứ. (3) Thế nào là ba?

Có hạng người thân, khẩu, ý bất thiện; sau khi thân hoại mạng chung sẽ bị tái sanh vào cõi dữ, cảnh giới bất hạnh, đọa xứ, địa ngục. Ở đó, những tên canh gác địa ngục nắm hai tay bắt giữ người ấy dẫn đến vua Yama, tức Diêm vương, (4) và thưa rằng: “Tâu Đại vương, người này không kính trọng cha mẹ, không kính trọng Sa-môn, Bà-la-môn, không tôn kính các bậc trưởng thượng trong gia đình. Xin Đại vương áp dụng những hình phạt thích hợp với nó!”

- Này các Tỷ-kheo, rồi vua Yama chất vấn người ấy, quan sát người ấy, và nói với người ấy về vị Thiên sứ thứ nhất: “Này người kia, ngươi có bao giờ thấy vị Thiên sứ thứ nhất xuất hiện giữa loài người không?”

Và người ấy trả lời: “Thưa ngài, con không thấy.”

Rồi vua Yama nói với người ấy: “Này người kia, thế có bao giờ ngươi thấy một người đàn bà hay đàn ông, tám mươi, chín mươi hay một trăm tuổi, già yếu, cong như mái nhà, lưng còm, chống gậy, vừa đi vừa run rẩy, bệnh hoạn, tuổi trẻ và sức lực đã kiệt, răng rụng, tóc bạc lưa thưa hay hói đầu, da nhăn nheo, tay chân khô đét?”

Và người ấy trả lời: “Thưa ngài, con có thấy.”

Rồi vua Yama nói với người ấy: “Này người kia, là một người thông minh và trưởng thành, ngươi có bao giờ nghĩ rằng: ‘Rồi ta cũng sẽ phải già, không thể nào tránh khỏi. Vậy bây giờ ta hãy làm những việc lành về thân, khẩu và ý’?”

Và người ấy trả lời: “Thưa ngài, con không thể làm. Con sống buông lung.”

Rồi vua Yama nói: “Này người kia, chính vì sống buông lung, ngươi đã không làm các việc lành về thân, khẩu và ý. Vậy thì, ngươi sẽ được đối xử phù hợp với tánh buông lung của ngươi. Các ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ, anh chị em, bạn bè, hay người đồng hành làm; không phải do bà con, chư Thiên, Sa-môn hay Bà-la-môn làm; nhưng do chính ngươi làm mà thôi, và ngươi phải nhận lãnh các quả báo.”

- Này các Tỷ-kheo, rồi vua Yama chất vấn người ấy, quan sát người ấy và nói với người ấy về vị Thiên sứ thứ nhất; ngài lại chất vấn, quan sát và nói với người ấy về vị thiên sứ thứ hai, ngài nói: “Này người kia, ngươi có bao giờ thấy vị Thiên sứ thứ hai xuất hiện giữa loài người không?”

Và người ấy trả lời: “Thưa ngài, con không thấy.”

...“Này người kia, nhưng có bao giờ ngươi thấy một người đàn ông hay đàn bà bệnh hoạn và chịu đau đớn, bệnh rất nặng, nằm ngay trên chất thải dơ bẩn của mình, cần người khác nâng dậy và đặt vào giường?”

Và người ấy trả lời: “Thưa ngài, con có thấy.”

...“Này người kia, là một người thông minh và trưởng thành, ngươi có bao giờ nghĩ rằng: ‘Rồi ta cũng sẽ phải bị bệnh hoạn, không thể nào tránh khỏi. Vậy bây giờ ta hãy làm những việc lành về thân, khẩu và ý’?”

Và người ấy trả lời: “Thưa ngài, con không thể làm. Con sống buông lung.”

...“Này người kia, chính vì sống buông lung, ngươi đã không làm các việc lành về thân, khẩu và ý. Vậy thì, ngươi sẽ được đối xử phù hợp với tánh buông lung của ngươi. Các ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ, anh chị em, bạn bè, hay người đồng hành làm; không phải do bà con, chư Thiên, Sa-môn hay Bà-la- môn làm; nhưng do chính ngươi làm mà thôi, và ngươi phải nhận lãnh các quả báo.”

- Này các Tỷ-kheo, khi vua Yama chất vấn người ấy, quan sát người ấy và nói với người ấy về vị Thiên sứ thứ hai; ngài lại chất vấn, quan sát và nói với người ấy về vị thiên sứ thứ ba, ngài nói: “Này người kia, ngươi có bao giờ thấy vị Thiên sứ thứ ba xuất hiện giữa loài người không?”

...“Thưa ngài, con không thấy.”

...“Này người kia, nhưng có bao giờ ngươi thấy một người đàn ông hay đàn bà đã chết một, hai hoặc ba ngày, thi thể sình lên, đổi màu và rữa nát?”

...“Thưa ngài, con có thấy.”

...“Vậy thì, này người kia, là một người thông minh và trưởng thành, ngươi có bao giờ nghĩ rằng: ‘Rồi ta cũng sẽ phải chết, không thể nào tránh khỏi. Vậy bây giờ ta hãy làm những việc lành về thân, khẩu và ý’?”

...“Thưa ngài, con không thể làm. Con sống buông lung.”

...“Này người kia, chính vì sống buông lung, ngươi đã không làm các việc lành về thân, khẩu và ý. Vậy thì, ngươi sẽ được đối xử phù hợp với tánh buông lung của ngươi. Các ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ, anh chị em, bạn bè, hay người đồng hành làm; không phải do bà con, chư Thiên, Sa-môn hay Bà-la- môn làm; nhưng do chính ngươi làm mà thôi, và ngươi phải nhận lãnh các quả báo.”
(Tăng Chi BK I, tr. 247-252: Diêm Vương)

2. NHỮNG HỆ LỤY CỦA LỐI SỐNG PHÀM PHU

(1) Mũi tên cảm thọ đau khổ

– Này các Tỷ-kheo, khi kẻ vô văn phàm phu cảm nhận một cảm thọ đau khổ, người ấy phiền muộn, ưu sầu, than vãn, khóc lóc, đấm ngực và đi đến bất tỉnh. Người ấy cảm nhận hai cảm thọ - một cảm thọ về thân và một cảm thọ về tâm. Giả sử có một người bị người khác bắn một mũi tên, rồi ngay sau đó người này bị bắn một mũi tên thứ hai, như thế người này cảm nhận một cảm thọ với cả hai mũi tên. Cũng vậy, khi một kẻ vô văn phàm phu cảm nhận một cảm thọ đau khổ, người ấy cảm nhận hai cảm thọ - một cảm thọ về thân và một cảm thọ về tâm.

Khi cảm nhận khổ thọ, người ấy mang lòng sân hận đối với cảm thọ này. Khi người ấy mang lòng sân hận đối với khổ thọ, khuynh hướng sân hận tiềm ẩn bên dưới cảm thọ này. (5) Trong lúc cảm nhận khổ thọ, người ấy đi tìm thú vui trong những khoái lạc giác quan. Vì sao? Bởi vì kẻ vô văn phàm phu không biết cách nào thoát khỏi cảm thọ đau khổ ngoài hưởng thụ những khoái lạc giác quan. (6) Khi người ấy đi tìm thú vui trong những khoái lạc giác quan, khuynh hướng thèm khát khoái cảm tiềm ẩn dưới cảm thọ này. Người ấy không như thật hiểu rõ sự sinh khởi, sự chấm dứt, sự thỏa mãn, mối nguy hiểm và sự thoát ly ra khỏi những cảm thọ ấy. (7) Khi người ấy không hiểu rõ những điều này, khuynh hướng vô minh đối với bất khổ bất lạc thọ tiềm ẩn dưới cảm thọ này.

Nếu người ấy cảm nhận một lạc thọ, người ấy cảm thấy bị dính mắc. Nếu người ấy cảm nhận một khổ thọ, người ấy cảm thấy bị dính mắc. Nếu người ấy cảm nhận một bất lạc bất khổ thọ, người ấy cảm thấy bị dính mắc. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là kẻ vô văn phàm phu bị trói buộc với sinh, già và chết; bị dính mắc với ưu sầu, than vãn, đau đớn, buồn phiền, tuyệt vọng. Ta nói rằng người này bị trói buộc với khổ đau.

Này các Tỷ-kheo, khi một bậc đa văn Thánh đệ tử cảm nhận một khổ thọ, vị này không phiền muộn, ưu sầu, than vãn, khóc lóc, đấm ngực và đi đến bất tỉnh. (8) Vị này chỉ cảm nhận một cảm thọ - là cảm thọ về thân, không phải cảm thọ về tâm. Giả sử có một người bị người khác bắn một mũi tên, nhưng ngay sau đó người này không bị bắn một mũi tên thứ hai, nên người này chỉ cảm nhận một cảm thọ từ một mũi tên mà thôi. Cũng vậy, khi một vị đa văn Thánh đệ tử cảm nhận một khổ thọ, vị này chỉ có một cảm thọ mà thôi - đó là một cảm thọ về thân, không phải một cảm thọ về tâm.

Khi cảm nhận khổ thọ, người ấy không mang lòng sân hận đối với cảm thọ này. Vì người ấy không mang lòng sân hận đối với khổ thọ, khuynh hướng sân hận không tiềm ẩn bên dưới cảm thọ này. Trong lúc cảm nhận khổ thọ, người ấy không đi tìm thú vui trong những khoái lạc giác quan. Vì sao? Bởi vì bậc đa văn Thánh đệ tử biết cách thoát khỏi khổ thọ khác hơn là đi tìm những khoái lạc giác quan. Vì vị ấy không đi tìm thú vui trong những khoái lạc giác quan, khuynh hướng thèm khát khoái cảm không tiềm ẩn dưới cảm thọ này. Vị ấy như thật hiểu rõ sự sinh khởi, sự chấm dứt, sự thỏa mãn, mối nguy hiểm và sự thoát ly ra khỏi những cảm thọ ấy. Vì vị ấy hiểu rõ những điều này, khuynh hướng vô minh đối với bất khổ bất lạc thọ không tiềm ẩn dưới cảm thọ này.

Nếu vị ấy cảm nhận một lạc thọ, vị ấy không bị dính mắc. Nếu vị ấy cảm nhận một khổ thọ, vị ấy không bị dính mắc. Nếu vị ấy cảm nhận một bất lạc bất khổ thọ, vị ấy không bị dính mắc. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là bậc Thánh đệ tử không bị trói buộc với sinh, già và chết; không bị dính mắc với phiền muộn, than vãn, đau đớn, ưu sầu, tuyệt vọng. Ta nói vị này không bị trói buộc với khổ đau.

Này các Tỷ-kheo, đây là điểm đặc thù, sự sai biệt, sự khác nhau giữa bậc đa văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu.
(Tương Ưng BK- IV, tr. 336-340: Với Mũi Tên)

(2) Những đổi thay của cuộc sống

– Này các Tỷ-kheo, có tám pháp thế gian giữ cho thế giới này tiếp tục luân chuyển và thế giới xoay quanh tám pháp này. Thế nào là tám? Thắng lợi và thất bại, danh thơm và tiếng xấu, khen ngợi và chê bai, khoái lạc và đau khổ.

Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu cũng như bậc đa văn Thánh đệ tử đều có tiếp xúc với tám pháp hữu vi này. Thế nào là điểm đặc thù, sự sai biệt, sự khác nhau giữa bậc đa văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

– Bạch Thế Tôn, sự hiểu biết của chúng con về những pháp này bắt nguồn từ Thế Tôn, chúng con nương tựa vào Thế Tôn để được ngài hướng dẫn. Bạch Thế Tôn, lành thay nếu Thế Tôn có thể làm sáng tỏ ý nghĩa của lời nói ấy! Sau khi nghe Thế Tôn chỉ dạy, các Tỷ-kheo sẽ ghi nhớ trong tâm.

– Này các Tỷ-kheo, vậy hãy lắng nghe thật kỹ, Ta sẽ nói.

Các Tỷ-kheo trả lời: “– Thưa vâng, bạch Thế Tôn!” Rồi Thế Tôn nói như sau:

– Này các Tỷ-kheo, khi kẻ vô văn phàm phu được thắng lợi, người ấy không suy nghĩ như sau: “Sự thắng lợi đã đến với ta là vô thường, bị ràng buộc với khổ não, sẽ phải chịu thay đổi.” Người ấy không như thật hiểu biết về pháp này. Và khi người ấy gặp phải thất bại, được danh thơm hay tiếng xấu, được khen ngợi hay bị chê bai, người ấy không suy nghĩ như thế này: “Tất cả các pháp này đều vô thường, bị ràng buộc với khổ não và phải chịu thay đổi.” Người ấy không như thật hiểu biết về các pháp này. Đối với hạng người như vậy, thắng lợi hay thất bại, danh thơm hay tiếng xấu, khen ngợi hay chê bai, khoái lạc hay đau khổ xâm nhập tâm của người ấy. Khi được thắng lợi, người ấy vui mừng, và khi gặp phải thất bại, người ấy buồn khổ. Khi được danh thơm, người ấy sung sướng, và khi bị tiếng xấu, người ấy khổ sở. Khi được khen ngợi, người ấy khoái trá, và khi bị chê bai, người ấy phiền muộn. Khi được khoái lạc, người ấy thích thú, và khị bị khổ đau, người ấy ưu sầu. Như vậy, người ấy bị ràng buộc với yêu và ghét, người ấy sẽ không thoát khỏi sinh, già, bệnh và chết; không thoát khỏi ưu sầu, than vãn, đau đớn, buồn khổ và tuyệt vọng. Ta nói rằng người ấy sẽ không thoát khỏi khổ đau.

Này các Tỷ-kheo, nhưng khi một bậc đa văn Thánh đệ tử được thắng lợi, vị ấy suy nghĩ về việc này như sau: “Thắng lợi này đến với ta là vô thường, bị ràng buộc với khổ não và phải chịu sự thay đổi.” Và vị ấy cũng suy nghĩ như vậy khi gặp phải thất bại v.v.. Vị ấy hiểu đúng như thật các pháp ấy, và các pháp ấy không xâm nhập tâm của vị này. Vì vậy, khi được thắng lợi, vị ấy không vui mừng, và khi gặp phải thất bại, vị ấy không buồn khổ; không sung sướng khi được danh thơm, không khổ sở khi bị tiếng xấu; không khoái trá khi được khen ngợi, không phiền muộn khi bị chê bai; không thích thú khi được khoái lạc, không ưu sầu khi bị khổ đau. Như vậy, vị ấy đã từ bỏ yêu và ghét, vị ấy sẽ thoát khỏi sinh, già, bệnh và chết; thoát khỏi ưu sầu, than vãn, đau đớn, buồn khổ và tuyệt vọng. Ta nói rằng người ấy sẽ giải thoát khỏi khổ đau.

Này các Tỷ-kheo, đây là điểm đặc thù, sự sai biệt, sự khác nhau giữa bậc đa văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu.
(Tăng Chi BK III, tr. 498-501:VI.6 Tùy Chuyển Thế Giới)

(3) Phiền não do thay đổi

Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các ngươi nghe về phiền não do chấp thủ và không phiền não do không chấp thủ. (9) Các ngươi hãy lắng nghe thật kỹ, Ta sẽ giảng.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Các Tỷ-kheo đáp, và Thế Tôn nói như sau:

– Này các Tỷ-kheo, thế nào là tâm phiền não do chấp thủ? Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu là người không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục và không tu tập theo pháp của các bậc Thánh; là kẻ không thấy rõ các bậc chân nhân và không thuần thục, không tu tập theo pháp của các bậc chân nhân; đã xem sắc như là tự ngã, hay là tự ngã có sắc, hay là sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. (10) Rồi sắc của người ấy thay đổi và biến hoại. Với sự thay đổi và biến hoại của sắc, thức của người ấy bị xâm chiếm bởi sự thay đổi của sắc. Phiền não và một chuỗi tâm hành tiêu cực phát sinh do sự thay đổi của sắc vẫn ám ảnh tâm người ấy. Bởi vì tâm bị ám ảnh, người ấy sợ hãi, đau khổ và ưu sầu; và do bởi chấp thủ, người ấy bị phiền não.

Người ấy xem thọ như là tự ngã... tưởng như là tự ngã... hành như là tự ngã... thức như là tự ngã, hay là tự ngã có thức, hay là thức trong tự ngã, hay tự ngã trong thức. Rồi thức của người ấy thay đổi và biến hoại. Với sự thay đổi và biến hoại của thức, thức của người ấy bị xâm chiếm bởi sự thay đổi của thức. Phiền não và một chuỗi tâm hành tiêu cực phát sinh do sự thay đổi của thức vẫn ám ảnh tâm người ấy. Bởi vì tâm bị ám ảnh, người ấy sợ hãi, đau khổ và ưu sầu; và do bởi chấp thủ, người ấy bị phiền não.

Này các Tỷ-kheo, như vậy là tâm phiền não do chấp thủ.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tâm không phiền não do không chấp thủ?
Này các Tỷ-kheo, ở đây, bậc đa văn Thánh đệ tử là người thấy rõ các bậc Thánh, thuần thục và tu tập theo pháp của các bậc Thánh; là người thấy rõ các bậc chân nhân, và thuần thục, tu tập theo pháp của các bậc chân nhân; không xem sắc như là tự ngã, hay là tự ngã có sắc, hay là sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. (11) Rồi sắc của vị ấy thay đổi và biến hoại. Mặc dù có sự thay đổi và biến hoại của sắc, thức của vị ấy không bị xâm chiếm bởi sự thay đổi của sắc. Phiền não và một chuỗi tâm hành tiêu cực phát sinh do sự thay đổi của sắc không ám ảnh tâm vị ấy. Bởi vì tâm vị ấy không bị ám ảnh, vị ấy không sợ hãi, đau khổ và ưu sầu; và do bởi không chấp thủ, vị ấy không bị phiền não.

Vị ấy không xem thọ như là tự ngã... tưởng như là tự ngã... hành như là tự ngã... thức như là tự ngã, hay là tự ngã có thức, hay là thức trong tự ngã, hay tự ngã trong thức. Rồi thức của vị ấy thay đổi và biến hoại. Mặc dù có sự thay đổi và biến hoại của thức, thức của vị ấy không bị xâm chiếm bởi sự thay đổi của thức. Phiền não và một chuỗi tâm hành tiêu cực phát sinh do sự thay đổi của thức không ám ảnh tâm vị ấy. Bởi vì tâm không bị ám ảnh, vị ấy không sợ hãi, đau khổ và ưu sầu, và do bởi không chấp thủ, vị ấy không bị phiền não.

Này các Tỷ-kheo, như vậy là tâm không phiền não do không chấp thủ.
(Tương Ưng BK III, tr. 35-39: Chấp Thủ và Ưu Não)

3. MỘT THẾ GIỚI BIẾN ĐỘNG

(1) Nguồn gốc của xung đột

Người Bà-la-môn Ārāmadaṇḍa đi đến Tôn giả Mahākaccāna (Đại Ca-chiên-diên), (12) chào hỏi thân thiện với Tôn giả rồi hỏi rằng: “Thưa Tôn giả, tại sao các người Sát-đế-lợi tranh chấp với Sát-đế-lợi, Bà-la-môn tranh chấp với Bà-la-môn, gia chủ tranh chấp với gia chủ?”

– Thưa Bà-la-môn, chính vì chấp thủ dục lạc, dính mắc với dục lạc, trói buộc với dục lạc, tham đắm dục lạc, bị xâm chiếm bởi dục lạc, giữ chặt các dục lạc khiến cho Sát-đế-lợi tranh chấp với Sát-đế-lợi, Bà-la-môn tranh chấp với Bà-la-môn, gia chủ tranh chấp với gia chủ.

– Thưa Tôn giả, tại sao Sa-môn tranh chấp với Sa-môn?

– Thưa Bà-la-môn, vì chấp thủ kiến tham, bị dính mắc với kiến tham, bị trói buộc với kiến tham, mê đắm kiến tham, bị xâm chiếm bởi kiến tham, giữ chặt kiến tham khiến cho Sa-môn tranh chấp với Sa-môn.

(Tăng Chi BK I, tr. 126- 127: (Giản lược) 6. Như vầy tôi nghe ...)

(2) Vì sao con người sống trong thù hận?

2.1. Sakka (Trời Đế-thích), là vị Thiên chủ của chư Thiên (13) hỏi Thế Tôn: “Chúng sanh mong ước sống không oán ghét, không làm hại, không chống đối nhau hay hận thù nhau, họ mong ước sống trong an bình; tuy vậy, họ lại sống trong oán ghét, làm hại nhau, chống đối nhau, và coi nhau như kẻ thù. Bạch Thế Tôn, do bị trói buộc bởi những kiết sử nào khiến họ sống như vậy?”

Thế Tôn trả lời: “Này Sakka Thiên chủ, chính là do đố kỵ và keo kiệt đã trói buộc chúng sanh như vậy, mặc dù họ muốn sống không oán ghét, không chống đối hay thù hận nhau và muốn sống trong hòa bình; tuy nhiên, họ lại sống trong oán ghét, làm hại nhau, chống đối nhau và coi nhau như kẻ thù.”

Đây là câu trả lời của Thế Tôn, và Sakka Thiên chủ vui mừng thốt lên rằng: “Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Đúng vậy, bạch đấng Thiện Thệ! Qua câu trả lời của Thế Tôn, con đã hết nghi ngờ và giải tỏa hết sự hoang mang.”

2.2. Sau khi bày tỏ lòng hoan hỷ, Thiên chủ Sakka hỏi câu thứ hai: “Bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì phát sinh đố kỵ và keo kiệt, nguồn gốc chúng từ đâu, chúng tập khởi như thế nào, làm thế nào chúng phát sinh? Khi cái gì có mặt thì chúng sanh khởi, khi cái gì không có mặt thì chúng không sinh khởi?”

– Này Thiên chủ, đố kỵ và keo kiệt phát sinh từ yêu ghét, đây là nguồn gốc, đây là cách chúng tập khởi, là cách chúng phát sinh. Khi yêu ghét có mặt thì chúng sanh khởi, khi yêu ghét không có mặt thì chúng không sinh khởi.

– Bạch Thế Tôn, nhưng yêu ghét do nhân duyên gì phát sinh...?
– Này Thiên chủ, chúng phát sinh từ tham dục.
– Và nhân duyên gì phát sinh tham dục?
– Này Thiên chủ, chúng phát sinh từ suy nghĩ. Khi tâm suy nghĩ về một đối tượng thì tham dục sinh khởi, khi tâm không suy nghĩ gì thì tham dục không sinh khởi.

– Bạch Thế Tôn, nhưng do nhân duyên gì suy nghĩ sinh khởi?

– Này Thiên chủ, suy nghĩ sinh khởi từ những vọng tưởng và hý luận. (14) Khi những vọng tưởng và hý luận có mặt thì suy nghĩ có mặt. Khi những vọng tưởng và hý luận không có mặt thì suy nghĩ không có mặt.

(Trường BK II, Kinh 21: Đế-thích Sở Vấn, tr. 276-77)

(3) Chuỗi nhân duyên đen tối

– Này Ānanda, do nhân duyên cảm thọ sinh ra khát ái, do nhân duyên khát ái sinh ra tìm cầu, do nhân duyên tìm cầu sinh ra thắng lợi, do nhân duyên thắng lợi sinh ra quyết định, do nhân duyên quyết định sinh ra tham dục, do nhân duyên tham dục sinh ra chấp thủ, do nhân duyên chấp thủ sinh ra chiếm hữu, do nhân duyên chiếm hữu sinh ra keo kiệt, do nhân duyên keo kiệt sinh ra phòng thủ, và do phòng thủ phát sinh nhiều bất thiện pháp như cầm lấy cây trượng và vũ khí, xung đột, gây gổ, tranh chấp, lăng mạ, vu khống và vọng ngữ.” (15)

(Trường BK II, tr. 516-517, 14 - Kinh Đại Duyên: 9)

(4) Gốc Rễ của Bạo Lực và Đàn Áp

“Tham, sân, si thuộc bất cứ loại nào đều là bất thiện”. (16) Bất cứ một hành động nào mà một người tham lam, sân hận và si mê tạo nên bằng thân, lời hay ý cũng là bất thiện. Bất cứ khổ đau nào mà người này gây ra cho người khác do tham, sân, si thúc đẩy, ý nghĩ bị tham sân si điều khiển, dù viện bất cứ lý do sai trái nào bằng cách sát hại, bỏ tù, tịch thu tài sản, cáo buộc sai lầm, hay trục xuất do được tư tưởng này gợi ý: “Ta có quyền lực và ta muốn có quyền lực”, tất cả điều này cũng đều là bất thiện.

(Tăng Chi BK I, tr. 363-369 Các Căn Bản Bất Thiện)

4. VÔ THỦY (KHÔNG CÓ ĐIỂM KHỞI ĐẦU)

(1) Cỏ và cây

Thế Tôn đã dạy như thế này: “Này các Tỷ-kheo, cõi luân hồi này là vô thủy. (17) Đối với chúng sanh lang thang luân chuyển do bị vô minh cản trở và bị tham dục trói buộc thì không thể tìm thấy một điểm khởi đầu. Này các Tỷ-kheo, giả sử có người cắt hết bất cứ cỏ, khúc cây, cành cây, lá cây nào trong cõi Diêm-phù-đề này (Jambudīpa) (18) và chất lại thành một đống. Sau khi làm như vậy, người ấy đặt chúng xuống, nói với mỗi cành lá rằng: ‘Đây là mẹ tôi, đây là bà ngoại tôi’. Chuỗi các bà mẹ và bà ngoại của người ấy sẽ tiếp nối không bao giờ chấm dứt, tuy rằng cỏ, khúc cây, cành cây và lá cây trong cõi Diêm-phù-đề này sẽ cạn kiệt. Vì sao? Bởi vì, này các Tỷ-kheo, cõi luân hồi này là vô thủy. Đối với các chúng sanh bị vô minh cản trở và bị tham dục trói buộc thì không thể tìm thấy một điểm khởi đầu. Này các Tỷ-kheo, đã lâu lắm rồi, các ông đã chịu đau khổ, sầu não, tai họa, đã làm cho các mộ phần ngày càng chồng chất lớn thêm. Đã quá đủ để các ông nhàm chán với tất cả các hành, đủ để các ông từ bỏ chúng, đủ để các ông giải thoát khỏi chúng.”

(Tương Ưng BK II, Ch. 4, tr. 309, 1: Cỏ và Củi)

(2) Những hòn đất

“Này các Tỷ-kheo, cõi luân hồi này là vô thủy. Đối với chúng sanh lang thang luân chuyển do bị vô minh cản trở và bị tham dục trói buộc thì không thể tìm thấy một điểm khởi đầu. Này các Tỷ- kheo, giả sử có một người lấy tất cả đất của quả đất này để viên thành những hòn đất lớn cỡ bằng hạt táo, cầm từng hòn đất đặt xuống và nói với từng hòn đất: ‘Đây là cha tôi, đây là ông nội tôi.’ Chuỗi các người cha và ông nội của người ấy sẽ tiếp nối không bao giờ chấm dứt, tuy rằng quả đất lớn đã được sử dụng đến mức cạn kiệt. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, bởi vì cõi luân hồi này là vô thủy. Đối với các chúng sanh bị vô minh cản trở và bị tham dục trói buộc thì không thể tìm thấy một điểm khởi đầu. Này các Tỷ- kheo, đã lâu lắm rồi, các ông đã chịu đau khổ, sầu não, tai họa, đã làm cho các mộ phần ngày càng chồng chất lớn thêm. Đã quá đủ để các ông nhàm chán với tất cả các hành, đủ để các ông từ bỏ chúng, đủ để các ông giải thoát khỏi chúng.”

(Tương Ưng BK II, Ch. 4, tr. 310, 2: Quả Đất)

(3) Núi

Một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn liền ngồi xuống một bên rồi bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, một kiếp dài đến bao lâu?” (19)– Này Tỷ-kheo, một kiếp thật dài. Không dễ gì có thể đếm được và nói một kiếp là rất nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm.

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể cho một ví dụ được không? Thế Tôn trả lời:

– Này Tỷ-kheo, được chứ. Này Tỷ-kheo, giả sử có một ngọn núi đá lớn dài một do tuần (yojana), rộng một do tuần và cao một do tuần, không có lỗ hổng hay khe hở, một khối đá đặc. (20) Cứ sau một trăm năm lại có một người đến đập vào núi này một lần với một tấm vải mịn. Bằng nỗ lực này, ngọn núi đá lớn có thể bị mòn dần và tan biến, nhưng một kiếp vẫn chưa chấm dứt. Này Tỷ- kheo, một kiếp dài như vậy đó. Và với những kiếp dài như vậy, chúng ta đã lang thang qua rất nhiều kiếp, nhiều trăm kiếp, nhiều ngàn kiếp, nhiều trăm ngàn kiếp. Vì sao? Này Tỷ-kheo, bởi vì cõi luân hồi này là vô thủy... cũng vừa đủ để giải thoát khỏi cõi này.

(Tương Ưng BK II, Ch. 4, tr. 315, 5: Núi)

(4) Sông Hằng

Tại Vương Xá (Rājagaha), trong rừng Trúc Lâm (Veḷuvana), khu Vườn Sóc, một người Bà-la-môn đi đến Thế Tôn và trao đổi lời hỏi thăm với Ngài. Sau khi chào hỏi và chuyện trò vui vẻ, người ấy ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn: “Thưa Tôn giả Gotama, có bao nhiêu kiếp đã qua và đã trôi qua?”

– Này Bà-la-môn, rất nhiều kiếp đã qua và đã trôi qua. Không dễ gì có thể đếm được và nói có rất nhiều kiếp, nhiều trăm kiếp, nhiều ngàn kiếp, nhiều trăm ngàn kiếp.

– Thưa Tôn giả Gotama, Ngài có thể cho một ví dụ được không?

Thế Tôn trả lời:
– Này Bà-la-môn, được chứ. Này Bà-la-môn, hãy tưởng tượng những hạt cát từ chỗ sông Hằng bắt nguồn đến chỗ nó chảy vào biển lớn; không dễ gì đếm được và nói rằng có rất nhiều hạt cát, nhiều trăm hạt, nhiều ngàn hạt, nhiều trăm ngàn hạt cát. Này Bà-la-môn, những kiếp đã qua và đã trôi qua là còn nhiều hơn thế nữa. Không dễ gì có thể đếm được và nói có rất nhiều kiếp, nhiều trăm kiếp, nhiều ngàn kiếp, nhiều trăm ngàn kiếp. Vì sao? Này Bà-la-môn, bởi vì cõi luân hồi này là vô thủy... cũng vừa đủ để giải thoát khỏi cõi này.

(Tương Ưng BK II, Ch. 4, tr. 318-319, 8: Sông Hằng)

(5) Chó bị dây buộc cổ

– Này các Tỷ-kheo, cõi luân hồi này là vô thủy. Đối với chúng sanh lang thang luân chuyển do bị vô minh cản trở và bị tham dục trói buộc thì không thể tìm thấy một điểm khởi đầu.

Này các Tỷ-kheo, sẽ có một thời khi biển lớn khô cạn, bốc hơi và không còn hiện hữu, nhưng Ta vẫn nói rằng sẽ không có sự chấm dứt khổ đau đối với những chúng sanh lang thang luân chuyển do bị vô minh cản trở và tham dục trói buộc.

Này các Tỷ-kheo, sẽ có một thời khi Sineru (núi Tu-di), vua các núi, bị đốt cháy và hủy diệt và không còn hiện hữu, nhưng Ta vẫn nói rằng sẽ không có sự chấm dứt khổ đau đối với những chúng sanh lang thang luân chuyển do bị vô minh cản trở và tham dục trói buộc.

Này các Tỷ-kheo, sẽ có một thời khi đại địa bị đốt cháy và hủy diệt và không còn hiện hữu, nhưng Ta vẫn nói rằng sẽ không có sự chấm dứt khổ đau đối với những chúng sanh lang thang luân chuyển do bị vô minh cản trở và tham dục trói buộc.

Này các Tỷ-kheo, giả sử có con chó bị buộc vào cổ một sợi dây, trói chặt vào một cây cột hay cột trụ, con chó sẽ cứ tiếp tục chạy vòng quanh cây cột hay cột trụ đó. Cũng vậy, kẻ vô văn phàm phu xem sắc là tự ngã, thọ là tự ngã, tưởng là tự ngã, hành là tự ngã, thức là tự ngã, người ấy cứ tiếp tục chạy vòng quanh sắc, vòng quanh thọ, vòng quanh tưởng, vòng quanh hành, vòng quanh thức. Vì người ấy cứ tiếp tục chạy vòng quanh chúng, người ấy không thể giải thoát khỏi sắc, không giải thoát khỏi thọ, không giải thoát khỏi tưởng, không giải thoát khỏi hành, không giải thoát khỏi thức. Người ấy sẽ không giải thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết; không giải thoát khỏi khỏi ưu sầu, than vãn, đau đớn, buồn khổ và tuyệt vọng, Ta nói rằng người ấy không giải thoát khỏi khổ đau.

(Tương Ưng BK III, Ch. 5, tr. 267, 7: Dây Thằng)
_________________

Chú thích:

1. Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) là quốc vương của nước Kosala; thủ đô của nước này là Sāvatthī (Xá-vệ), khu rừng của Thái tử Jeta (Kỳ-đà), cũng được biết như là vườn Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika), bởi vì vườn này được ông đại gia Cấp Cô Độc mua để dâng lên Đức Phật. Các bộ Kinh Nikāya mô tả vua Ba-tư- nặc như là một trong những đệ tử tại gia thuần thành nhất của Đức Phật, mặc dù các bộ kinh không cho thấy ông này đạt được bất cứ mức độ chứng đắc nào. Toàn bộ một chương của Tương Ưng Bộ Kinh - Kinh Kosalasaṃyutta (chương 3) - ghi lại cuộc đàm thoại giữa nhà vua với Đức Phật.

2. Khi nói về bậc A-la-hán, Đức Phật không mô tả thân phận của Ngài như là ‘già và chết’, nhưng chỉ là ‘sự hủy hoại và vất bỏ thân’. Bởi vì đối với bậc A-la-hán, một vị đã giải thoát mọi khái niệm về ‘tôi’ và ‘của tôi’, nên không còn xem sự hủy hoại và tan rã của thân như là ‘già và chết’ của một cái ‘tôi’.

3. Devadūta. Theo truyền thuyết, khi Bồ-tát đang còn là thái tử sống trong cung điện, một lần dạo chơi ngoài thành, ngài đã gặp một người già, một người bệnh và một xác chết, những cảnh tượng mà ngài chưa bao giờ thấy trước đây. Cuộc gặp gỡ này đã phá tan sự lạc quan của ngài về thế giới này và thúc đẩy ngài đi tìm một con đường giải thoát khổ đau. Các bài luận giải nói rằng những hình ảnh con người ngài thấy là những vị Thiên giả dạng được gởi xuống thế gian để thức tỉnh Bồ-tát thực hiện sứ mạng của ngài. Do đó, già, bệnh và chết được gọi là “những Thiên sứ.”

4. Yama (Dạ-ma) theo truyền thuyết là vị vua của cõi âm, là người phán xét về người chết và chỉ định số phận tương lai của người ấy. Theo một vài tường thuật, vị này hành động bằng cách cầm một cái gương soi đặt trước mặt linh hồn người chết, tấm gương này sẽ phản chiếu những hành động thiện và ác của người ấy lúc còn sống.

5. Tùy miên (anusaya) là những khuynh hướng phiền não cấu uế vẫn còn ngủ yên trong tâm thức và trở nên năng động khi bị kích hoạt. Một vài kinh văn, như bài kinh này, đề cập ba khuynh hướng ngủ yên: khuynh hướng khao khát (rāgānusaya) lạc thọ; khuynh hướng chán ghét (patighānusaya) khổ thọ; và khuynh hướng vô minh (avijjānusaya) đối với bất khổ bất lạc thọ. Các kinh văn khác đề cập bảy khuynh hướng ngủ yên: đối với tham dục, sân hận, kiến chấp, nghi ngờ, ngã mạn, hữu ái, và vô minh.

6. Tương Ưng luận giải: vượt thoát là định, là con đường, và là quả. Kẻ vô văn phàm phu không biết điều này; sự vượt thoát duy nhất mà người ấy biết là dục lạc giác quan.

7. Năm từ này tạo thành một mẫu mực quan trọng để quán chiếu: nguồn gốc và sự đoạn diệt (samudaya, atthangama) để chỉ tính chất vô thường. Về bộ ba của: vị ngọt, sự nguy hiểm và sự vượt thoát (assāda, ādinava, nissarana).

8. Diễn tiến sự kiện sẽ làm sáng tỏ rằng “bậc Thánh đệ tử” được mô tả ở đây là bậc A-la-hán, là vị duy nhất hoàn toàn giải thoát khỏi các tùy miên về tham dục, sân hận và si mê. Tuy nhiên, trong lúc chỉ một mình bậc A-la-hán có khả năng duy trì tâm xả hoàn toàn đối với đau khổ về thể chất, một hành giả bình thường vẫn có thể bắt chước bậc A-la-hán bằng cách nỗ lực vượt qua khổ đau thất vọng khi cảm nhận những khổ thọ về thân. Tất cả những ai có thân, kể cả Đức Phật, đều phải chịu khổ thọ về thân. Một dấu hiệu trưởng thành về tâm linh là khả năng chịu đựng đau đớn mà không bị nó trấn áp.

9. Danh từ paritassanā được rút ra từ động từ paritassati, trong tiếng Sanskrit là paritrsyyati, nghĩa là “thèm muốn, khao khát”; từ này được liên kết về phương diện ngữ nghĩa với từ tanhā, nghĩa là khát ái. Tuy nhiên, trong tiếng Pāli ngữ căn động từ đã được ghép với tasati = nghĩa là sợ hãi, run sợ, và như vậy tiếng danh từ paritassanā và paritasita cũng mang ý nghĩa rút ra từ chữ tasati. Việc hợp nghĩa này, đã rõ ràng trong các bộ Nikāya, được làm lộ rõ trong các bài luận giải. Tôi đã cố gắng giữ lại cả hai ngụ ý bằng cách diễn dịch động từ paritassati là “bị dao động” và danh từ paritassanā là “sự dao động.” Mặc dù Tương Ưng luận giải hiểu từ paritassanā ở đây theo nghĩa khát ái, bài kinh hình như muốn nhấn mạnh bhaya-paritassana là “dao động vì sợ hãi.”

10. Kẻ vô văn phàm phu là người thiếu cả kiến thức về Giáo pháp (được nhấn mạnh bởi từ akovida, nghĩa là ‘không có kỹ năng’) lẫn rèn luyện thực hành trong Giáo pháp (được nhấn mạnh bởi từ avinita, nghĩa là ‘không có kỷ cương’). Kẻ vô văn phàm phu không phải là người ‘thấy các bậc Thánh’, nghĩa là Đức Phật và các vị Thánh đệ tử, bởi vì người ấy thiếu đôi mắt trí tuệ để có thể nhận ra được chân lý trong những gì họ thấy. Từ ngữ “Các bậc Thánh” (ariya) hay “những bậc siêu phàm” (sappurisa) là đồng nghĩa. Bài kinh ở đây liệt kê 20 loại thân kiến (sakkāyadiṭṭhi) có được do đặt cái ngã theo bốn cách tương quan với năm uẩn tạo nên nhân thân của mỗi người (sakkāya). Thân kiến là một trong ba hạ phần kiết sử cần phải đoạn trừ ở giai đoan quả vị Dự Lưu, là cấp bậc đầu tiên của bốn giai đoạn chứng đắc.

11. Vị Thánh đệ tử này được xem như tối thiểu cũng đã đắc quả Dự Lưu.

12. Mahākaccāna (Đại Ca-chiên-diên) là vị đệ tử có khả năng xuất sắc khi phân tích chi tiết những lời dạy ngắn gọn của Đức Phật. Độc giả có thể đọc về cuộc đời và những lời giảng dạy của vị đệ tử này trong cuốn “Những Vị Đại Đệ Tử Của Đức Phật” do Nyanaponika và Hecker biên soạn.

13. Sakka (Trời Đế Thích) là vị Thiên chủ của cõi Trời Ba Mươi Ba (Đao-lợi Thiên), là một tín đồ của Đức Phật. Xem Tương Ưng Bộ Kinh Chương 11.

14. Papañcasaññāsankha. Ý nghĩa của cụm từ tối nghĩa này không được giải thích rõ trong bộ kinh Nikāya. Cụm từ này có vẻ muốn nói đến những tri giác và ý tưởng đã bị ‘ô nhiễm’ do thiên kiến chủ quan, “được kết hợp” bởi các khuynh hướng khát ái, ngã mạn, và kiến chấp lệch lạc. Theo các bài luận giải, khát ái, ngã mạn và kiến chấp là ba yếu tố đưa đến những vọng tưởng sai lầm (papañca). Một nghiên cứu chi tiết về cụm từ này có thể tìm thấy trong cuốn Khái Niệm Và Thực Tại Trong Tư Tưởng Phật Giáo Nguyên Thủy, do NanĀnanda biên soạn.

15. Trong Luận Giải Trường Bộ Kinh: Đuổi bắt (patiyesanā) là theo đuổi những đối tượng như là các hình sắc có thể thấy được… và đạt được (lābla) là chiếm hữu những đối tượng ấy. Quyết định (vinicchaya) nghĩa là quyết định bản thân sẽ giữ lại bao nhiêu và sẽ cho người khác bao nhiêu; sẽ sử dụng bao nhiêu và sẽ cất giữ bao nhiêu.

16. Tham, sân, si (lobha, dosa, moha) là “tam độc” - là gốc rễ của tất cả phiền não của tâm thức và các nghiệp bất thiện.

17. Anamataggo ‘yam bhikkhave samsāro. Nghĩa gốc của từ Anamatagga là không chắc chắn. Tương Ưng Bộ Kinh giải thích như là “có một điểm khởi đầu không tìm thấy được”, nghĩa là: “Ngay cả nếu được theo đuổi tìm hiểu một trăm năm hay một ngàn năm, cũng không tìm được điểm khởi đầu. Sẽ không thể biết được điểm khởi đầu từ đây hay từ đó; có nghĩa là điều này không có một điểm đầu tiên hay điểm cuối cùng. Cõi luân hồi là một chuỗi tập hợp xảy ra không bị gián đoạn.”

18. Jambudipa ‘Đất táo hồng’, tiểu lục địa Ấn Độ.

19. Kappa. Rõ ràng có ý muốn nói là một ‘đại kiếp’ (mahākappa), khoảng thời gian cần có để một hệ thống thế giới thành hình, phát triển và hủy diệt. Mỗi đại kiếp bao gồm nhiều A-tăng-kỳ kiếp (Asankheyyakappa), là những thời kỳ thành hình, phát triển, suy tàn, và hủy diệt. Để thảo luận về vũ trụ học Phật giáo Nguyên thủy, xem cuốn Nền Tảng Của Phật Giáo, do Gethi biên soạn, trang 112-15.

20. Một do-tuần (yojana) là vào khoảng 7 dặm.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ


Kinh Kim Cang


Giai nhân và Hòa thượng


San sẻ yêu thương

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 35.153.106.141 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (390 lượt xem) - Việt Nam (118 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...