Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chưa từng có ai trở nên nghèo khó vì cho đi những gì mình có. (No-one has ever become poor by giving.)Anne Frank
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Hợp tuyển lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali »» X. Các cấp bậc chứng đắc »»

Hợp tuyển lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali
»» X. Các cấp bậc chứng đắc

(Lượt xem: 3.662)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Hợp tuyển lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali - X. Các cấp bậc chứng đắc

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT

Như chúng ta đã biết, tu tập trí tuệ nhắm mục đích chứng đắc Niết-bàn. Các bộ kinh Nikāya xác định rõ một loạt các giai đoạn cố định qua đó hành giả tiến bước trên con đường đạt đến Niết-bàn. Trong khi tiến bước qua các giai đoạn ấy, hành giả đi từ một kẻ “vô văn phàm phu”, còn mù lòa trước những sự thật của Chánh pháp, để trở thành một bậc A-la-hán, một bậc giải thoát, người đã đạt được tri kiến rốt ráo về Tứ diệu đế, và chứng đắc Niết-bàn ngay trong đời sống hiện tại. Tôi đã đề cập nhiều giai đoạn ấy trong các chương trước của sách này. Trong chương này, chúng ta sẽ khám phá những giai đoạn ấy một cách có hệ thống hơn.

Khi tiến vào con đường không thể đảo ngược được đế đi đến chứng đắc Niết-bàn, hành giả trở thành một “bậc Thánh” (ariyapuggala), từ “bậc Thánh” (Ariya) ở đây chỉ tính chất cao thượng thuộc về tâm linh. Có bốn cấp bậc Thánh chính. Mỗi giai đoạn được chia làm hai thời kỳ: đạo lộ (magga) và đạo quả (phala). (1) Trong thời kỳ đạo lộ, hành giả được nói là đang tu tập để đạt được một quả vị nào đó, mà hành giả có nhiệm vụ phải chứng đắc trong cùng đời sống ấy; trong thời kỳ đạo quả, hành giả được nói là đã an trú trong đạo quả ấy. Như vậy, bốn cấp bậc Thánh chính thật sự gồm có bốn cặp, hay tám kiểu mẫu bậc Thánh. Như đã được liệt kê trong Kinh Văn X, 1 (1), đó là: hành giả đang tu tập để đắc quả Dự Lưu, bậc Dự Lưu; hành giả đang tu tập để đắc quả Nhất Lai, bậc Nhất Lai; hành giả đang tu tập để đắc quả Bất Lai, bậc Bất Lai; hành giả đang tu tập để đắc quả A-la-hán, bậc A-la-hán. Kinh Văn X, 1 (2) xếp hạng tám kiểu mẫu này tùy theo đạo lực của hành giả, để cho mỗi thời kỳ tiếp theo hành giả sẽ đạt được đạo lực mạnh hơn thời kỳ trước đó. Bảy vị trước tiên được gọi chung là các “bậc hữu học” (sekha), bậc A-la-hán được gọi là “bậc vô học” (asekha), là vị không còn phải tu tập thêm nữa.

Bốn giai đoạn chính được định nghĩa bằng hai cách: (1) bằng những phiền não cấu uế được đoạn trừ trên đạo lộ dẫn đến đạo quả tương ứng. (2) bằng số phận sau khi chết dành cho người đã chứng đắc đạo quả đặc biệt đó. Kinh Văn X, 1 (3) cho những định nghĩa tiêu chuẩn về bốn kiểu mẫu, đề cập cả những phiền não cấu uế được đoạn trừ và số phận trong đời tương lai.

Các bộ kinh Nikāya xếp các lậu hoặc được đoạn trừ thành một nhóm mười kiết sử (ràng buộc). Vị đắc quả Dự Lưu (sotāpanna) đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: thân kiến (sakkayadiṭṭhi), nghĩa là kiến chấp về một cái ngã thực sự hiện hữu, hoặc được nhận diện như là năm uẩn, hay có liên quan đến năm uẩn; nghi (vicikicchā) về Phật, Pháp và Tăng, và việc tu tập; và giới cấm thủ (silabbata-paramāsa), là niềm tin cho rằng chỉ cần giữ giới bên ngoài, đặc biệt là các nghi lễ tôn giáo và tuân theo khổ hạnh, là có thể đưa đến giải thoát. Vị đắc quả Dự Lưu được bảo đảm là sẽ đạt đến giác ngộ hoàn toàn chậm nhất là bảy đời nữa, tất cả việc này sẽ xảy ra hoặc trong cảnh giới loài người hoặc trong Thiên giới. Vị đắc quả Dự Lưu sẽ không bao giờ phải trải qua đời sống thứ tám và vĩnh viễn được giải thoát khỏi bị tái sanh trong ba cõi thấp kém - là địa ngục, ngạ quỷ và bàng sanh.

Vị đắc quả Nhất Lai (sakadāgāmi) không đoạn trừ thêm kiết sử nào. Vị này đã đoạn trừ ba kiết sử giống như vị đắc quả Dự Lưu, thêm vào đó là đã làm suy yếu tam độc - tham dục, sân hận và si mê - để chúng không còn thường khởi lên và khi chúng khởi lên, thì chúng cũng không còn quá mạnh. (2) Như ngụ ý của tên gọi quả vị này, vị Nhất Lai sẽ còn trở lại cõi đời này một lần nữa thôi và rồi sẽ hoàn toàn chấm dứt mọi khổ đau.

Vị đắc quả Bất Lai (anāgāmi) đã đoạn trừ năm “hạ phần kiết sử.” Nghĩa là, thêm vào ba kiết sử đã được vị đắc quả Dự Lưu đoạn trừ, vị đắc quả Bất Lai xóa sạch thêm hai kiết sử nữa, là tham dục và sân hận. Vì các vị đắc quả Bất Lai đã đoạn trừ tham dục, họ không còn sự trói buộc nào với cõi dục giới. Họ sẽ tái sanh vào cõi sắc giới (rūpadhātu), thường là một trong năm cõi Trời gọi là “Tịnh Cư Thiên” được dành riêng cho việc tái sanh của các vị đắc quả Bất Lai. Các vị này sẽ chứng đắc Niết-bàn tại nơi đây, không bao giờ còn trở lại cõi dục giới.

Tuy nhiên, các vị đắc quả Bất Lai vẫn còn bị ràng buộc bởi năm “thượng phần kiết sử”: sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, trạo hối và si mê. Những vị đã đoạn trừ được năm thượng phần kiết sử sẽ không còn sự trói buộc nào với thế giới hữu vi. Đó là những bậc A-la-hán, là những vị đã đoạn trừ tất cả lậu hoặc và đã được “hoàn toàn giải thoát với thắng trí.”

Bốn Cấp Bậc của các Vị Thánh Đệ Tử

Xếp theo những kiết sử đã được đoạn trừ và kiếu tái sanh còn lại:

Ngoài bốn cấp bậc của các vị Thánh đệ tử, các bộ kinh Nikāya đôi lúc có đề cập hai kiểu đệ tử được xếp hạng ngay dưới vị đắc quả Dự Lưu - xem Kinh Văn X, 1 (3). Đó là vị Tùy pháp hành (dhammānusāri), và vị Tùy tín hành (saddhānusāri); thật ra hai mẫu đệ tử này thuộc về hạng thứ tám của các vị Thánh đệ tử, là hành giả đang tu tập để được đắc quả Dự Lưu. Các bộ kinh Nikāya đưa cặp này vào để chứng tỏ rằng những hành giả đang trên đường tu tập tiến đến quả vị Dự Lưu có thể được phân biệt thành hai cấp bậc theo căn cơ nổi bật của họ. Vị Tùy pháp hành là người có trí tuệ nổi bật, vị Tùy tín hành là vị có đức tin nổi bật. Điều này có thể mang ý nghĩa là vào giai đoạn này, trước khi đắc quả vị đầu tiên, chỉ cần tín và tuệ, chứ không phải những căn khác - tấn, niệm và định - được dùng để phân biệt các vị đệ tử thành nhiều cấp bậc khác nhau. (3)

Lời giải thích về cấp bậc của các vị Thánh đệ tử được tìm thấy trong Kinh Văn nêu trên, một trích dẫn từ Kinh Ví Dụ Con Rắn (Alagaddūpama Sutta - Trung BK 22), có thể cho ta có ấn tượng rằng tất cả những vị đắc được các quả ấy đều là Tỷ-kheo. Tuy nhiên, điều này không phải như vậy. Phần trích dẫn Kinh Ví Dụ Con Rắn đã sử dụng từ ngữ theo cách ấy bởi vì bài kinh này được giảng cho các Tỷ-kheo. Kinh Văn X, 1 (4) đã chỉnh sửa lại ấn tượng này và cung cấp một hình ảnh rõ ràng hơn về việc phân chia cấp bậc các vị Thánh đệ tử như thế nào giữa những nhóm đệ tử của Đức Phật. Vì là một trạng thái chứng đắc không còn thay đổi, quả vị A-la-hán được dành cho Tăng và Ni. Điều này không có nghĩa là chỉ có tăng và ni mới có thể chứng quả A-la-hán; các bài kinh và luận giải có ghi nhận một ít trường hợp nam nữ cư sĩ đã đạt được quả vị cuối cùng ấy. Tuy nhiên, các vị cư sĩ đó hoặc là chứng quả A-la-hán lúc sắp chết, hoặc gia nhập tăng đoàn ngay sau khi chứng đắc. Những vị này không thể tiếp tục sống trong gia đình như một vị A-la-hán tại gia, vì đời sống tại gia là không thích hợp với tình trạng của một hành giả đã đoạn trừ mọi tham ái.

Ngược lại, vị đắc quả Bất Lai có thể tiếp tục sống đời tại gia. Trong lúc các vị này có thể tiếp tục sống như những cư sĩ, họ đã đoạn trừ ái dục và như vậy cần phải sống độc thân. Họ được mô tả như “những cư sĩ... mặc áo trắng, sống đời độc thân, và với sự đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, những vị này sẽ đương nhiên tái sanh vào cõi Tịnh Cư Thiên, và sẽ chứng đắc Niết-bàn tại đấy, không bao giờ còn trở lại thế gian này nữa.” Mặc dù các bài kinh không nói rõ ràng điều này, cũng hợp lý khi cho rằng các vị đệ tử đang tu tập để chứng quả Bất Lai cũng là những vị sống độc thân trọn đời. Tuy nhiên, các cư sĩ đắc quả Dự Lưu và Nhất Lai không nhất thiết phải sống độc thân. Trong kinh, Đức Phật mô tả họ như là “những cư sĩ ... mặc áo trắng, thọ hưởng ái dục, thực hành lời dạy của Ta, đáp ứng lời khuyên răn của ta, không còn nghi hoặc, không còn hoang mang, đã đạt được vô úy (không sợ hãi), và độc lập với những người khác trong giáo huấn của bậc Đạo sư.” Như vậy, trong lúc một số vị Dự Lưu và Nhất Lai có thể sống độc thân, điều ấy không có nghĩa là tiêu biểu cho hai kiểu mẫu đệ tử này.

Các bộ kinh Nikāya thỉnh thoảng sử dụng một hệ thống khác để xếp hạng các vị Thánh đệ tử, một hệ thống dùng các căn cơ nổi bật làm nền tảng cho việc xếp hạng, chứ không phải chỉ cấp độ chứng đắc. Nguồn gốc của hệ thống này là một đoạn trong kinh Kitārigi được đưa vào đây trong Kinh Văn X, 1 (5). Phương pháp xếp hạng này chia các bậc A-la-hán thành hai hạng: những vị câu phần giải thoát (hai phần giải thoát: ubhatobhāgavimutta) và những vị tuệ giải thoát (paññāvimutta). Vị trước được gọi là “câu phần giải thoát” vì các vị ấy đã giải thoát khỏi sắc giới do đã chứng đắc các tầng vô sắc định và được giải thoát mọi lậu hoặc do đã chứng quả A-la-hán. Những bậc A-la-hán được “tuệ giải thoát” chưa chứng đắc các tầng vô sắc định nhưng đã đắc quả tối thượng do sức mạnh của trí tuệ kết hợp với những mức độ định thấp hơn các tầng vô sắc định.

Những vị đã chứng đắc bất cứ cấp bậc nào ở tầng thấp hơn, từ quả vị Dự Lưu trở lên bao gồm cả con đường đưa đến quả vị A-la-hán, được chia thành ba hạng. Bậc “thân chứng” (kāyasakkhi) là vị ở vào bất cứ cấp bậc nào, đã chứng đắc các quả vị vô sắc định; bậc “kiến đáo” (diṭṭhippatta), là vị ở bất cứ cấp bậc nào, chưa chứng được các quả vị vô sắc định và có trí tuệ nổi bật; và vị “tín giải thoát” (saddhāvimutta), là vị ở bất cứ giai đoạn nào, chưa chứng được các quả vị vô sắc định và có đức tin nổi bật. Hai mẫu đệ tử cuối cùng trong bảng xếp hạng này là những bậc “Tùy pháp hành” và “Tùy tín hành” như đã giải thích ở phần trên.

Cần ghi nhận rằng hệ thống xếp hạng này không đề cập một hạng hành giả đang trên đường tu tập tiến tới quả Dự Lưu mà đã chứng được các tầng vô sắc định. Điều này không có nghĩa là trên nguyên tắc kiểu hành giả này bị loại khỏi hệ thống, nhưng chỉ có nghĩa là kiểu hành giả này được xem là không thích hợp cho mục đích xếp hạng này. Có vẻ như là trong giai đoạn chuẩn bị này, việc phân bố một hạng mục riêng cho vị hành giả có căn cơ nổi bật về thiền định được cho là không cần thiết.

Trong việc tuyển chọn kinh văn, bước kế tiếp tôi sẽ chọn những kiểu mẫu chính để xem xét từng trường hợp. Tôi bắt đầu với vị đắc quả Dự Lưu, nhưng trước hết cần có một vài bình luận sơ khởi. Trong các bộ kinh Nikāya, đại đa số con người được gọi là “kẻ vô văn phàm phu” (assutavā puthujjana). Kẻ vô văn phàm phu không quan tâm đến Đức Phật và lời dạy của Ngài, không hiểu Giáo pháp hoặc không hết lòng tu học. Mục đích của con đường Đức Phật là để dẫn dắt kẻ vô văn phàm phu đi đến chứng đắc Bất tử, và những giai đoạn giác ngộ là những bước để hoàn thành tiến trình này. Tiến trình chuyển hóa thường bắt đầu khi hành giả biết được giáo lý của Đức Phật và đạt được niềm tin đối với Đức Phật như là một bậc Chánh Đẳng Giác. Rồi hành giả phải đạt được sự hiểu biết rõ ràng về Giáo pháp, thọ giới, và bắt đầu vào việc thực hành con đường một cách có hệ thống. Trong các bài kinh, một hành giả như vậy được gọi là vị Thánh đệ tử (ariyasāvaka) theo nghĩa rộng của từ này, không cần thiết theo nghĩa thuật ngữ hẹp như là một vị đã thực sự đạt được đạo lộ và đạo quả.

Truyền thống về sau gọi một người có đức tin vào Giáo pháp và có nguyện vọng đạt đến quả Dự Lưu là vị phàm phu phạm hạnh (kalyānaputhujjana). Để đạt được quả Dự Lưu, vị đệ tử có nguyện vọng ấy phải tu tập “bốn chi phần đưa đến quả Dự Lưu.” Như Kinh Văn X, 2 (1) giải thích, đó là: thân cận với các bậc chân nhân và các vị thầy tâm linh đức hạnh; lắng nghe Chánh pháp; như lý tác ý (ví dụ, qua việc nhận thức rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự vượt thoát các dục thế gian); và hành pháp và tùy pháp (bằng cách tu tập tam vô lậu học về giới, định và tuệ). Đỉnh cao tu tập của vị đệ tử phạm hạnh là việc phát triển tuệ quán: quán chiếu thông suốt về năm uẩn, các căn, các giới là vô thường, bị khổ đau ràng buộc, và không có một cái ngã đích thực. Vào một thời điểm nào đó, khi tuệ quán đạt đến đỉnh cao, tri kiến của vị đệ tử sẽ trải qua một bước chuyển hóa quan trọng, đánh dấu việc “thể nhập chánh tánh”, đó là Bát Thánh đạo đích thực đưa đến Niết-bàn, không thể đảo ngược. Như Kinh Văn X, 2 (2) đã nói, vị đệ tử ấy đã vươn lên từ hạng phàm phu và đã đạt đến cấp bậc Thánh đệ tử. Mặc dù chưa đắc quả Dự Lưu, hành giả ở vào giai đoạn này không thể qua đời mà không đắc quả Dự Lưu.

Như chúng ta đã thấy, trong số những vị đệ tử đã đạt thánh quả có sự phân biệt giữa những vị đạt được nhờ đức tin, gọi là bậc Tùy tín hành, và những vị đạt được nhờ trí tuệ, gọi là các bậc Tùy pháp hành. Nhưng trong lúc các bậc Tùy tín hành và Tùy pháp hành khác nhau do căn cơ nổi bật của họ, họ giống nhau ở chỗ là cả hai phải tu tập tiếp Thánh đạo mà họ đã bước vào. Một khi họ đã biết và thấy được cốt lõi của Giáo pháp - khi họ đã đạt được “pháp nhãn” (tri kiến như thật về Giáo pháp) và tạo được “bước đột phá trong Giáo pháp” - họ trở thành bậc Dự Lưu, được ấn định sẽ đạt đến giác ngộ hoàn toàn và chứng đắc Niết-bàn tối đa là bảy đời nữa; (xem Kinh Văn X, 2 (3)). Các bậc Dự Lưu đã đoạn trừ ba hạ phần kiết sử đầu tiên và hoàn tất tám chi phần của Bát Thánh đạo. Các vị này cũng đạt được “bốn yếu tố đưa đến quả Dự Lưu” là: lòng tin vững chắc đối với Phật, Pháp và Tăng, và những “giới hạnh của các bậc Thánh, ” nghĩa là, nghiêm túc giữ gìn năm giới. (Xem Kinh Văn X, 2 (4)-(5))

Đã thấy được chân lý của Giáo pháp, các bậc Dự Lưu đối diện sự thách thức là phải tiếp tục tu tập tri kiến này để đoạn trừ những kiết sử còn lại. Chặng đường quan trọng tiếp theo là chứng đắc quả Nhất Lai, không hoàn toàn đoạn trừ thêm kiết sử nào. Tuy nhiên, giai đoạn này họ đã làm suy yếu tam độc - tham dục, sân hận và si mê - đến một mức độ đủ để bảo đảm rằng vị đệ tử sẽ trở lại “thế gian” này, là cõi dục giới, chỉ một đời sống nữa mà thôi, rồi sẽ chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau.

Một vị đệ tử đắc được quả vị nào trong hai giai đoạn đầu, là quả Dự Lưu và Nhất Lai, không nhất thiết phải dừng cố định ở đó mà có thể tiến lên những giai đoạn cao hơn. Những mô tả về việc chứng đắc trong các bộ kinh Nikāya cho thấy rằng một phàm phu phạm hạnh với các căn hết sức sắc bén có thể tiến thẳng trực tiếp lên quả vị Bất Lai. Quả vị Bất Lai luôn luôn được nói đến là có thể chứng đắc bằng cách đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, ba hạ phần kiết sử đã được đoạn trừ khi đắc quả Dự Lưu và đoạn trừ thêm tham dục và sân hận. Từ các bộ kinh Nikāya cho ta thấy rằng vị đệ tử với trí tuệ hết sức sắc bén có thể chứng đắc quả vị này chỉ trong chốc lát. Tuy nhiên, các bài luận giải thích rằng, trong trường hợp ấy vị đệ tử thật sự đã đắc hai quả vị đầu tiên liên tiếp nhau rất nhanh trước khi đạt đến quả vị thứ ba.

Theo Kinh Văn X, 3 (1), để đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, vị Tỷ-kheo trước tiên đạt được một trong bốn tầng thiền sắc giới, hoặc một trong ba tầng thiền vô sắc giới đầu tiên; những thành tố của tầng thiền vô sắc thứ tư hết sức vi tế đến nỗi không thể dùng làm đối tượng thiền quán. Hướng sự chú tâm đến những yếu tố tạo thành các tầng thiền sắc giới hay vô sắc giới, (4) vị ấy sắp xếp chúng vào nhóm năm uẩn: được bao gồm trong sắc (phần này không bao gồm các tầng thiền vô sắc), thọ, tưởng, hành, và thức. Sau khi làm như vậy, vị ấy quán chiếu những yếu tố này, bây giờ đã được sắp xếp vào nhóm năm uẩn, như đã được nhận diện với ba đặc điểm: vô thường, khổ, vô ngã (mở rộng thành mười một đề mục). Khi sự quán chiếu đã tiến xa hơn, vào một thời điểm nào đó, tâm của vị ấy xa rời các pháp hữu vi và tập trung vào yếu tố bất tử, là Niết-bàn. Nếu vị ấy có các căn cơ sắc bén và có thể đoạn trừ mọi chấp thủ ngay tại chỗ, vị ấy sẽ đắc quả A-la-hán, đoạn diệt mọi lậu hoặc; nhưng nếu vị ấy chưa có thể đoạn trừ mọi chấp thủ, vị ấy sẽ đắc quả Bất Lai.

Đức Phật công nhận những khác biệt trong các phương pháp mà mỗi cá nhân sử dụng để đạt đến mục tiêu cuối cùng, và trong Kinh Văn X, 3 (2), Ngài chia các đệ tử thành bốn hạng tùy theo sự chứng đắc. Bốn hạng này đạt được qua sự sắp xếp của hai cặp đôi. Trước tiên, Ngài phân biệt đệ tử dựa trên sức mạnh của các năng lực tâm linh. Những vị có căn cơ mạnh mẽ đắc quả Niết-bàn ngay trong đời này. Những vị có căn cơ tương đối yếu sẽ đắc Niết-bàn trong đời sau, và như vậy được xem như mãn hạn quả vị Bất Lai. Cặp thứ hai phân biệt đệ tử theo kiểu cách tu luyện của họ. Một hạng theo phương pháp “khó”, dùng các đề mục thiền quán phát sinh trí tuệ sắc bén đưa đến nhàm chán và ly tham. Hạng kia theo con đường êm ái hơn và thú vị hơn dẫn đến bốn tầng thiền. Hai kiểu đệ tử này đại khái tương ứng với những vị chú trọng đến thiền quán và những vị chú trọng đến thiền chỉ.

Một bài kinh ngắn trong kinh Sotāpattisaṃyutta, Kinh Văn X, 3 (3), kể lại câu chuyện của Dighāvu, một thanh niên đi theo con đường khó khăn chú trọng đến thiền quán để đạt đến quả Bất Lai. Dighāvu đang hấp hối trên giường bệnh khi Đức Phật đến thăm và bảo Tôn giả tu tập bốn yếu tố đưa đến quả Dự Lưu. Dighāvu đáp rằng Tôn giả đã đạt được những yếu tố ấy rồi, chứng tỏ rằng Tôn giả đã là một bậc Dự Lưu. Sau đó, Đức Phật hướng dẫn Tôn giả phát triển “sáu pháp đưa đến tri kiến như thật.” Rõ ràng là Dighāvu quan tâm đến lời dạy của Đức Phật, vì chỉ một thời gian ngắn sau khi Tôn giả qua đời Đức Phật tuyên bố là Tôn giả đã mãn hạn quả vị Bất Lai. Mặc dù có thể là Dighāvu đã chứng đắc các tầng thiền và như vậy không cần phải được dạy bảo trong việc tu tập, cũng có thể rằng Tôn giả đã đắc quả Bất Lai hoàn toàn qua năng lực thiền quán thâm sâu khởi từ việc quán chiếu sáu pháp ấy.

Kinh Văn X, 3 (4) phân biệt thêm về những vị đắc quả A-la-hán và quả Bất Lai. Những bài kinh ấy chỉ rõ nhiều sự khác biệt có thể có ngay cả giữa những vị có cùng một trình độ chứng đắc. Chính vì Đức Phật có khả năng phân biệt như vậy mà Ngài được xem là đã đạt được tri kiến hoàn hảo về sự sai biệt trong căn cơ của chúng sanh.

Vì các vị đắc quả Bất Lai đã đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, các vị ấy không còn bị ràng buộc trong dục giới. Tuy nhiên, các vị ấy vẫn chưa hoàn toàn giải thoát khỏi vòng luân hồi mà vẫn còn bị ràng buộc bởi năm thượng phần kiết sử: đó là sắc ái (tham ái sắc giới), vô sắc ái (tham ái vô sắc giới), ngã mạn về cái ‘tôi là’, trạo cử vi tế và vô minh. Ngã mạn về cái ‘tôi là’(asmimāna) khác với thân kiến, quan điểm về cái ngã (sakkāyadiṭṭhi), qua đó kiết sử này cũng có giống đôi phần. Quan điểm về cái ngã xác nhận có một cái ngã trường tồn liên quan đến năm uẩn, hoặc là được nhận diện như là năm uẩn, hoặc là cốt lõi của năm uẩn, hoặc là chủ nhân hay vị thầy của năm uẩn. Còn ngã mạn về cái ‘tôi là’ thiếu một nội dung khái niệm rõ ràng. Nó ẩn núp dưới hạ tầng của tâm thức như một cảm giác mơ hồ, không hình tướng, nhưng trịch thượng, về cái ‘tôi là’ như là một thực tại cụ thể. Mặc dù quan điểm về một cái ngã đã được đoạn trừ vào giai đoạn đắc quả Dự Lưu, lòng ngã mạn về cái ‘tôi là’ vẫn còn tồn tại trong các vị Thánh đệ tử thậm chí cho đến cấp bậc Bất Lai. Đây là điểm chính trong bài kinh sâu sắc là Khemaka Sutta - Kinh Văn X, 4 (1) - với hai hình ảnh ví dụ đẹp đẽ về hương của hoa và mùi thơm của vải mới giặt. Vị Thánh đệ tử khác với người thường ở chỗ họ không tin tưởng lòng ngã mạn về cái ‘tôi là’. Họ công nhận lòng ngã mạn về cái ‘tôi là’ chỉ là một sản phẩm của tưởng tượng, một ý niệm sai lầm không chỉ rõ một cái ngã, một cái ‘tôi’ thực sự hiện hữu. Nhưng các vị ấy vẫn chưa hoàn toàn vượt qua được nó.

Sự chấp thủ vi tế và cảm giác sót lại của lòng ngã mạn về cái ‘tôi là’ vẫn còn tồn tại trong vị Bất Lai là xuất phát từ vô minh. Để đạt đến mục tiêu cuối cùng của Thánh đạo, vị Bất Lai phải đoạn trừ được phần vô minh còn lại và xóa sạch mọi dấu vết của tham ái và ngã mạn. Thời điểm quan trọng khi vô minh, tham ái và ngã mạn được đoạn trừ đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp từ quả Bất Lai sang quả vị A-la-hán. Sự khác nhau giữa hai quả vị này rất vi tế, do đó những tiêu chuẩn để phân biệt hai quả vị này là cần thiết. Trong Kinh Văn X, 4 (2) Đức Phật đề nghị nhiều tiêu chuẩn theo đó một vị đang tu tập để tiến đến quả A-la-hán và vị A-la-hán có thể xác định chỗ đứng của họ. Một điểm đáng chú ý đặc biệt liên quan đến mối quan hệ của họ với năm căn: tín, tấn, niệm, định và tuệ. Vị đang tu tập nhìn thấy với trí tuệ mục tiêu trong đó các căn đạt đến đỉnh cao - nghĩa là, Niết-bàn - nhưng không thể an trú trong đó. Bậc A-la-hán thấy với trí tuệ mục tiêu tối thượng và có thể an trú trong mục tiêu ấy.

Những bài kinh tiếp theo cống hiến nhiều góc độ khác nhau về bậc A-la-hán. Kinh văn X, 4 (3) ghi lại những đặc điểm của bậc A-la-hán với một loạt hình ảnh ẩn dụ, giải thích rõ trong cùng đoạn kinh ấy. Kinh Văn X, 4 (4) liệt kê chín việc một bậc A-la-hán không thể làm. Trong Kinh Văn X, 4 (5), Tôn giả Sāriputta mô tả tâm bất động của bậc A-la-hán trước những đối tượng dục lạc giác quan mạnh mẽ, và trong Kinh Văn X, 4 (6) Tôn giả liệt kê mười đạo lực của bậc A-la-hán. Kinh Văn X, 4 (7), một trích đoạn từ Kinh Dhātuvibhanga, (Phân Tích Giới) bắt đầu bằng việc tường thuật về việc chứng quả A-la-hán qua việc quán chiếu các giới; đoạn kinh liên hệ được đưa vào trong chương trước như là Kinh Văn IX, 4 (3) (c). Rồi phần giải thích đề cập “bốn nền tảng” (cattāro adhitthana) của bậc A-la-hán, ở đây được nói đến như là “một bậc Thánh im lặng” (muni santo). Kinh Văn X, 4 (8), bài cuối trong phần này là một bài kệ ca ngợi những đức hạnh cao quý của bậc A-la-hán.

Bậc A-la-hán thứ nhất và đứng đầu tất cả vị A-la-hán chính là Đức Phật, mà phần cuối của chương này dành trọn để nói về Ngài. Phần này có tiêu đề là “Như Lai”(the Tathāgata), là từ ngữ Đức Phật dùng khi Ngài nói về chính mình trong vai trò tiêu biểu như người đã khám phá và mang lại chân lý giải thoát. Từ này có thể hiểu theo hai cách: được hiểu như là tathā āgata, nghĩa là “đã đến như thế”, ngụ ý rằng Đức Phật đã đến theo một mẫu mực đã định sẵn (mà các bài luận giải đã diễn nghĩa là đã hoàn thành mười đức hạnh tâm linh - thập ba-la-mật - và ba mươi bảy phẩm trợ đạo); được hiểu như là tathā gata, nghĩa là “đã đi như vậy”, ngụ ý rằng Ngài đã đi theo một mẫu mực đã định sẵn (mà các bài luận giải đã diễn nghĩa là Ngài đã đi đến Niết-bàn bằng cách viên mãn tu tập về định, tuệ, các đạo lộ và các đạo quả).

Những tông phái Phật giáo về sau đã đặt ra những phân biệt cực đoan giữa các vị Phật và các vị A-la-hán, nhưng trong các bộ kinh Nikāya sự phân biệt này không sắc nét như người ta mong đợi, nếu người ta dùng các văn bản kinh sau này làm tiêu chuẩn để diễn giải kinh văn. Một mặt, Đức Phật là một bậc A-la-hán, như đã thấy rõ ràng trong lời tụng tiêu chuẩn để đảnh lễ Đức Phật (Kính đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác...= iti pi so bhagavā araham sammā sambuddho...); mặt khác, các bậc A-la-hán là Phật (Buddha), với ý nghĩa là các vị ấy đã chứng đắc giác ngộ hoàn toàn, sambodhi, nghĩa là đã giác ngộ những chân lý giống như chính Đức Phật đã giác ngộ. Như vậy, sự phân biệt đúng đắn là phân biệt giữa một Vị Phật Chánh Đẳng Giác (Samma sambuddha) và một vị A-la-hán đã chứng đắc giác ngộ và giải thoát như một đệ tử (sāvaka) của một Vị Phật Chánh Đẳng Giác. Tuy nhiên, để tránh những từ ngữ rắc rối đó, chúng ta sẽ dùng những cách sử dụng từ ngữ thông thường để phân biệt một vị Phật và một vị A-la-hán.

Như vậy mối quan hệ giữ hai vị này là gì? Có phải sự khác nhau giữa hai vị ấy trước tiên là sự khác nhau về thứ tự thời gian, và có lẽ với một vài năng lực đặc biệt thêm vào cho một vị Phật Chánh Đẳng Giác? Hay là sự khác nhau giữa hai vị này rộng lớn đến nỗi cần phải xếp hai vị vào hai hạng khác nhau? Các bộ kinh Nikāya phô bày một thái độ mập mờ thú vị, thậm chí có vẻ khêu gợi sự suy đoán, về vấn đề này, như các bài kinh được đưa vào đây minh họa. Kinh Văn X, 5 (1) đặt câu hỏi về sự khác nhau giữa “Như Lai, Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác” và “một Tỷ-kheo tuệ giải thoát”; rõ ràng từ ngữ bhikkhu paññāvimutta được dùng ở đây với ý nghĩa có thể áp dụng cho bất cứ vị đệ tử A-la-hán nào hơn là chỉ áp dụng cho vị chưa chứng đắc thiền vô sắc (nghĩa là, theo một nghĩa bao quát, không phải là một vị A-la-hán tuệ giải thoát được đối chiếu với một vị A-la-hán đã đạt câu phần giải thoát). Câu trả lời bài kinh đưa ra diễn tả sự khác nhau do vai trò và ưu tiên về thời gian. Một vị Phật có chức năng khám phá và thuyết giảng con đường, vị ấy cũng sở hữu những hiểu biết quen thuộc độc đáo với những chi tiết phức tạp về con đường mà các đệ tử của Ngài không có được. Những đệ tử của Ngài đi theo con đường Ngài đã tiết lộ và đắc quả giác ngộ sau đó, dưới sự hướng dẫn của Ngài.

Văn học Phật giáo sau này với lập luận chỉ trích đôi lúc mô tả Đức Phật như là vị được thúc đẩy bởi lòng đại từ bi và các đệ tử A-la-hán của Ngài như là những người lạnh lùng xa cách, thờ ơ trước số phận của đồng loại. Như để ngăn chận sự phê phán này, Kinh Văn X, 5, (2) xác nhận rằng không những Đức Phật mà các vị A-la-hán cũng như các đệ tử thiện tri thức đang tu tập đã xuất hiện trong đời vì sự an vui của số đông, sống vì lòng từ bi đối với thế gian, và giảng dạy Giáo pháp vì hạnh phúc, an vui và lợi lạc và cho đồng loại, chư Thiên và loài người. Như vậy, nếu bài kinh này được xem như có thẩm quyền, người ta không thể tuyên bố rằng từ bi và vị tha là những đức hạnh phân biệt các vị Phật với các vi A-la-hán.

Tuy nhiên, Kinh Văn X, 5 (3) cho chúng ta một tầm nhìn khác về vấn đề này. Ở đây, Đức Phật muốn thách thức “tiếng rống sư tử” của Tôn giả Sāriputta bằng cách hỏi rằng Tôn giả có hoàn toàn biết rõ giới luật, phẩm hạnh (có lẽ là định), trí tuệ, các trú xứ thiền, và sự giải thoát của chư Phật thời quá khứ, hiện tại và vị lai không. Đối với câu hỏi này, vị đại đệ tử chỉ có thể trả lời là không biết. Nhưng Tôn giả Sāriputta tuyên bố rằng ngài biết tất cả chư Phật ba thời quá khứ hiện tại và vị lai đắc quả Chánh Đẳng Giác bằng cách đoạn trừ năm chướng ngại (triền cái), bằng cách định tâm trong bốn nền tảng của chánh niệm (Tứ niệm xứ), và bằng cách tu tập phát triển đúng đắn bảy yếu tố của giác ngộ (Thất giác chi).

Tuy nhiên, đây là những phương diện của Thánh đạo mà chư Phật đã thành tựu giống như các vị đệ tử A-la-hán. Ngoài những phương diện này, chư Phật sở hữu một số phẩm hạnh khác nâng cao tầm vóc của chư Phật lên trên cả những bậc A-la-hán hàng đầu. Từ các bộ kinh Nikāya, những phẩm hạnh siêu đẳng của chư Phật hình như nằm ở hai trụ cột chính: thứ nhất, sự hiện hữu của chư Phật là cần thiết cho “chúng sanh khác” theo một phương cách mà ngay cả bậc vị tha nhất trong các vị đệ tử A-la-hán cũng chỉ có thể noi theo gương chứ không bao giờ ngang bằng được; thứ hai, thắng trí và uy lực tâm linh của chư Phật là vĩ đại hơn rất nhiều so với các đệ tử A-la-hán.

Đức Phật nói rằng ngay cả những Tỷ-kheo đã thành tựu tâm giải thoát, những vị sở hữu “kiến vô thượng, đạo vô thượng và giải thoát vô thượng”, cũng tôn kính Như Lai, bởi vì sự giác ngộ của Ngài đã giúp những người khác đạt được giác ngộ, sự giải thoát của Ngài đã giúp những người khác đạt được giải thoát, sự chứng đắc Niết-bàn của Ngài đã giúp những người khác chứng đắc Niết-bàn (Trung BK I, 35. 26; tr. 521). Trong Kinh Văn X, 5 (4) chúng ta gặp hai bộ phẩm hạnh được xem là thiên phú đặc biệt của một vị Phật, cho phép Ngài “cất tiếng rống của con sư tử trong hội chúng của Ngài” và chuyển bánh xe Pháp. Đó là mười lực của Như Lai và bốn pháp vô sở úy. Mặc dù các đệ tử A-la-hán có cùng một số uy lực ấy, trên tổng thể thì hai bộ phẩm hạnh ấy là điểm phân biệt một vị Phật và trang bị cho Ngài để làm sứ mạng của người dẫn đường và giáo huấn chúng sanh tùy theo căn cơ của mỗi cá nhân. Bốn pháp vô sở úy đã trao cho Đức Phật thẩm quyền đầy uy lực, một sứ mạng trọng đại mà chỉ có những bậc khai sáng tôn giáo mới có thể thực hiện. Kinh Văn X, 5 (5) so sánh Như Lai với mặt trời và mặt trăng, vì sự xuất hiện của Ngài trong đời là biểu hiện của ánh sáng rực rỡ và xóa tan bóng tối của vô minh. Kinh Văn X, 5 (6) so sánh Ngài một người đã cứu một đàn nai ra khỏi tai họa, như vậy đã phác họa Ngài như một bậc cứu tinh vĩ đại của nhân loại.

Với Kinh Văn X, 5 (7) chúng ta trở lại với hình ảnh ẩn dụ về tiếng rống của con sư tử, như đã giới thiệu ở phần trước, với một ví dụ dài so sánh lời tuyên bố của Đức Phật về bản chất vô thường phổ quát như tiếng sư tử rống khi bước ra khỏi hang của nó. Giống như đoạn kết thúc của Bài Thuyết Pháp Đầu Tiên (xem Kinh Văn II, 5), bài kinh này thu hút sự chú ý của chúng ta về phạm vi vũ trụ đối với sứ mạng Đức Phật. Thông điệp của Ngài trải rộng không chỉ với loài người, mà còn vươn tới các tầng trời cao, làm chấn động những vọng tưởng của chư Thiên.

Cuối cùng, Kinh Văn X, 5 (8) cho chúng ta một loạt những lời giải thích ngắn vì sao Đức Phật được gọi là Như Lai. Ngài được gọi là Như Lai bởi vì Ngài giác ngộ trọn vẹn bản chất của thế giới, nguồn gốc, sự đoạn diệt, và con đường đưa đến sự đoạn diệt; bởi vì Ngài đã thông hiểu trọn vẹn tất cả mọi pháp thế gian, dù là do thấy, nghe, cảm giác hay nhận biết; bởi vì lời nói của Ngài là chơn thật bất biến; bởi vì Ngài hành động đúng như lời Ngài nói; và bởi vì Ngài là bậc điều ngự tối thượng trong thế gian này. Bài kinh chấm dứt bằng một bài kệ đầy hứng khởi, có lẽ được các nhà kết tập đưa vào để ca ngợi Đức Phật như là nơi nương tựa tối thượng của thế gian.

Lòng tôn kính thuần thành đối với Như Lai được diễn tả trong bài kinh và bài kệ giới thiệu cho chúng ta nguồn tình cảm tôn giáo ấm áp chảy suốt thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, luôn luôn hiện diện bên dưới bề ngoài nghiêm trang lạnh lùng của Phật giáo. Chiều hướng tôn giáo này làm cho Giáo pháp hơn hẳn một triết lý hay một hệ thống đạo đức hay là toàn bộ kỹ thuật hành thiền. Làm sinh động từ bên trong, thu hút tín đồ từ dưới lên trên và tiếp tục tiến tới, chiều hướng này làm cho Giáo pháp trở thành một con đường tâm linh hoàn hào - một con đường bắt nguồn từ lòng tin vào một con người đặc biệt, và người này là bậc thầy tối thượng về chân lý giải thoát và là tấm gương tiêu biểu trước tiên về chân lý mà Ngài đã giảng dạy.

1. RUỘNG PHƯỚC CỦA THẾ GIAN

(1) Tám hạng người xứng đáng được cúng dường

– Này các Tỷ-kheo, có tám hạng người xứng đáng được dâng tặng, đáng được phục vụ, đáng được cúng dường, đáng được cung kính chắp tay đảnh lễ, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là tám?

Bậc Dự Lưu, vị đang tu tập hướng đến chứng đắc quả Dự Lưu; bậc Nhất Lai, vị đang tu tập hướng đến chứng đắc quả Nhất Lai; bậc Bất Lai, vị đang tu tập hướng đến chứng đắc quả Bất Lai; bậc A-la-hán, vị đang tu tập hướng đến chứng đắc quả A-la-hán.

– Này các Tỷ-kheo, tám hạng người này xứng đáng được dâng tặng, đáng được phục vụ, đáng được cúng dường, đáng được cung kính chắp tay đảnh lễ, là ruộng phước vô thượng ở đời.

(Tăng Chi BK III, Ch. VI, Phẩm Gotami - (XI) (59) Tám hạng người, tr. 672)

(2) Căn phân biệt

– Này các Tỷ-kheo, có năm căn. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn. Đây là năm căn.

Vị đã thành tựu viên mãn năm căn này là một bậc A-la-hán. Nếu yếu hơn thì hành giả đang tu tập hướng tới chứng đắc quả A-la-hán; nếu yếu hơn nữa thì hành giả là bậc Bất Lai; yếu hơn thì hành giả đang tu tập hướng tới chứng đắc quả Bất Lai; nếu yếu hơn thì hành giả là bậc Nhất Lai; yếu hơn nữa thì hành giả đang tu tập hướng tới chứng đắc quả Nhất Lai; nếu yếu hơn thì hành giả là bậc Dự Lưu; vẫn yếu hơn nữa thì hành giả đang tu tập hướng tới chứng đắc quả Dự Lưu.

– Nhưng, này các Tỷ-kheo, ta nói rằng đối với ai năm căn này hoàn toàn không có, thì là một kẻ ngoài lề, là người đứng vào hạng phàm phu.

(Tương Ưng BK V, Ch. 4, Tương Ưng Căn - II, Phẩm Có Phần Yếu Hơn - 18.VIII. Thực hành, tr. 315-316)

(3) Giáo pháp được khéo thuyết giảng

42. – Này các Tỷ-kheo, như vậy Giáo pháp được ta khéo thuyết giảng là rõ ràng, khai thông, sáng tỏ, và không có chắp vá. Như vậy, trong Giáo pháp được ta khéo thuyết giảng là rõ ràng, khai thông, sáng tỏ, và không có chắp vá, những vị Tỷ-kheo là bậc A-la-hán với các lậu hoặc đã được đoạn trừ - những vị đã sống đời phạm hạnh, đã làm những việc cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục tiêu, hoàn toàn đoạn trừ kiết sử về hiện hữu, và đã hoàn toàn giải thoát nhờ chánh trí - vòng sanh tử sẽ không còn biểu lộ. (5)

43. – Này các Tỷ-kheo, như vậy Giáo pháp được ta khéo thuyết giảng là rõ ràng... và không có chắp vá. Trong Giáo pháp được ta khéo thuyết giảng như vậy, những vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử sẽ được hóa sanh (tái sanh tự nhiên) vào cõi Tịnh Cư Thiên và sẽ chứng đắc Niết-bàn tại đó, không bao giờ còn trở lại cõi đời này nữa. (6)

44. – Này các Tỷ-kheo, như vậy Giáo pháp được ta khéo thuyết giảng là rõ ràng... và không có chắp vá. Trong Giáo pháp được ta khéo thuyết giảng như vậy, những vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ ba hạ phần kiết sử và đã làm suy yếu tham dục, sân hận và si mê, đều là những vị Nhất Lai, chỉ còn trở lại cõi đời này một lần nữa rồi sẽ chấm dứt khổ đau.

45. – Này các Tỷ-kheo, như vậy Giáo pháp được ta khéo thuyết giảng là rõ ràng... và không có chắp vá. Trong Giáo pháp được ta khéo thuyết giảng như vậy, những vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ ba hạ phần kiết sử là những bậc Dự Lưu, không bao giờ còn bị thối đọa vào các cõi thấp kém, số phần đã được quyết định, và giác ngộ là đích đến của những vị này. (7)

46. – Này các Tỷ-kheo, như vậy Giáo pháp được ta khéo thuyết giảng là rõ ràng... và không có chắp vá. Trong Giáo pháp được ta khéo thuyết giảng như vậy, những Tỷ-kheo là bậc Tùy pháp hành và Tùy tín hành, thì giác ngộ là đích đến của những vị này. (8)

47. – Này các Tỷ-kheo, như vậy Giáo pháp được ta khéo thuyết giảng là rõ ràng... và không có chắp vá. Trong Giáo pháp được ta khéo thuyết giảng như vậy, những người nào có đầy đủ lòng tin nơi Ta, đủ lòng thương mến Ta, cõi thiên sẽ là đích đến của những người này. (9)

(Trung BK I, Kinh 22: Kinh Ví Dụ Con Rắn, tr. 321-322)

(4) Hoàn mãn Thánh giáo

6. Khi một Tỷ-kheo đã đoạn tận khát ái, cắt đứt khát ái tận gốc rễ, làm cho nó như thân cây tala đã bị chặt tận gốc, để cho nó không còn mọc lên lại trong tương lai, Tỷ-kheo ấy là một bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc, đã sống đời phạm hạnh, đã làm những việc cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục tiêu của mình, đã đoạn diệt nhửng kiết sử về hiện hữu, và đã hoàn toàn giải thoát nhờ thắng trí.

7. – Ngoài Tôn giả Gotama, không biết có một Tỷ-kheo đệ tử nào của Ngài đã chứng ngộ với thắng trí, ngay trong đời này đã nhập vào và an trú với tâm giải thoát, tuệ giải thoát, vô lậu giải thoát với sự đoạn tận các lậu hoặc? (10)

– Này Vaccha, có chứ, không phải chỉ một trăm, hai hoặc ba hoặc bốn hoặc năm trăm, mà còn rất nhiều hơn thế nữa các Tỷ-kheo đệ tử của ta, những vị đã tự mình thực chứng thắng trí, ngay trong đời này đã nhập vào và an trú với tâm giải thoát, tuệ giải thoát, vô lậu giải thoát với sự đoạn tận các lậu hoặc.

8. – Ngoài Tôn giả Gotama và các Tỷ-kheo, không biết có một Tỷ-kheo-ni đệ tử nào của Ngài đã chứng ngộ với thắng trí, ngay trong đời này đã nhập vào và an trú với tâm giải thoát, tuệ giải thoát, vô lậu giải thoát với sự đoạn tận các lậu hoặc?

– Có chứ, không phải chỉ một trăm... mà còn rất nhiều hơn thế nữa các Tỷ-kheo-ni đệ tử của Ta, những vị đã tự mình thực chứng thắng trí, ngay trong đời này đã nhập vào và an trú với tâm giải thoát, tuệ giải thoát, vô lậu giải thoát với sự đoạn tận các lậu hoặc.

9. – Ngoài Tôn giả Gotama và các Tỷ-kheo Tăng và Ni, không biết có một nam cư sĩ đệ tử tại gia nào của Tôn giả Gotama, mặc áo trắng, sống đời phạm hạnh độc thân, với sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, sẽ được hóa sinh (tái sanh tự nhiên) vào các cõi Trời Tịnh Cư Thiên và sẽ chứng đắc Niết-bàn tại đó không bao giờ còn trở lại cõi đời này? (11)

– Có chứ, không phải chỉ một trăm... mà còn rất nhiều hơn thế nữa các nam cư sĩ đệ tử tại gia của Ta, mặc áo trắng, sống đời phạm hạnh độc thân, với sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, sẽ được hóa sinh vào các cõi Trời Tịnh Cư Thiên và sẽ chứng đắc Niết-bàn tại đó không bao giờ còn trở lại cõi đời này

10. – Ngoài Tôn giả Gotama và các Tỷ-kheo Tăng và Ni, các nam cư sĩ đệ tử tại gia, mặc áo trắng, sống đời phạm hạnh độc thân, còn có nam cư sĩ nào đệ tử tại gia của Tôn giả Gotama, mặc áo trắng, hưởng thụ dục lạc, nhưng thực hành lời dạy của Ngài, đáp ứng lời khuyên răn của Ngài, đã không còn nghi hoặc, không còn hoang mang, đã đạt được vô sở úy, và sống độc lập trong Thánh giáo của bậc Đạo sư? (12)

– Có chứ, không phải chỉ một trăm... mà còn rất nhiều hơn thế nữa các nam cư sĩ đệ tử tại gia của Ta, mặc áo trắng, hưởng thụ dục lạc, nhưng thực hành lời dạy của ta, đáp ứng lời khuyên răn của Ta, đã không còn nghi hoặc, không còn hoang mang, đã đạt được vô sở úy, và sống độc lập trong Thánh giáo của bậc Đạo sư.

11. Ngoài Tôn giả Gotama và các Tỷ-kheo Tăng và Ni, các nam cư sĩ đệ tử tại gia, mặc áo trắng, cả những người sống đời phạm hạnh độc thân, và những người hưởng thụ dục lạc, còn có nữ cư sĩ tại gia nào đệ tử của Tôn giả Gotama, mặc áo trắng trong lúc sống đời phạm hạnh độc thân, với sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, sẽ được hóa sinh [vào các cõi Trời Tịnh Cư Thiên] và sẽ chứng đắc Niết-bàn tại đó không bao giờ còn trở lại cõi đời này?

– Có chứ, không phải chỉ một trăm... mà còn rất nhiều hơn thế nữa các nữ cư sĩ đệ tử tại gia của Ta, mặc áo trắng, sống đời phạm hạnh độc thân, với sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, sẽ được hóa sinh [vào các cõi Trời Tịnh Cư Thiên] và sẽ chứng đắc Niết-bàn tại đó không bao giờ còn trở lại cõi đời này.

12. – Ngoài Tôn giả Gotama và các Tỷ-kheo Tăng và Ni, các nam cư sĩ đệ tử tại gia, mặc áo trắng, cả những người sống đời phạm hạnh độc thân, lẫn những người hưởng thụ dục lạc, và các nữ cư sĩ đệ tử tại gia, mặc áo trắng, sống đời phạm hạnh độc thân, có nữ cư sĩ đệ tử tại gia nào của Tôn giả Gotama, mặc áo trắng hưởng thụ dục lạc, nhưng thực hành lời dạy của Ngài, đáp ứng lời khuyên răn của Ngài, đã không còn nghi hoặc, không còn hoang mang, đã đạt được vô sở úy, và sống độc lập trong Thánh giáo của bậc Đạo sư?

– Có chứ, không phải chỉ một trăm... mà còn rất nhiều hơn thế nữa các nữ cư sĩ đệ tử tại gia của Ta, mặc áo trắng, hưởng thụ dục lạc, nhưng thực hành lời dạy của Ta, đáp ứng lời khuyên răn của Ta, đã không còn nghi hoặc, không còn hoang mang, đã đạt được vô sở úy, và sống độc lập trong Thánh giáo của bậc Đạo sư.

13. – Thưa Tôn giả Gotama, nếu chỉ có Tôn giả Gotama đã hoàn mãn trong Giáo pháp này, nhưng không có Tỷ-kheo nào hoàn mãn, như vậy thì đời sống phạm hạnh đã thiếu sót về phương diện này; nhưng vì Tôn giả Gotama và các Tỷ-kheo đã hoàn mãn trong Giáo pháp này, như vậy thì đời sống phạm hạnh đã hoàn mãn về phương diện này.
– Nếu chỉ có Tôn giả Gotama và các Tỷ-kheo đã hoàn mãn trong Giáo pháp này, nhưng không có Tỷ-kheo-ni nào hoàn mãn, như vậy thì đời sống phạm hạnh đã thiếu sót về phương diện này; nhưng vì Tôn giả Gotama và các Tỷ-kheo Tăng và Ni đã hoàn mãn trong Giáo pháp này, như vậy thì đời sống phạm hạnh đã hoàn mãn về phương diện này.
– Nếu chỉ có Tôn giả Gotama và các Tỷ-kheo Tăng và Ni đã hoàn mãn trong Giáo pháp này, nhưng không có nam cư sĩ đệ tử tại gia, mặc áo trắng, sống đời phạm hạnh độc thân nào được hoàn mãn, như vậy thì đời sống phạm hạnh đã thiếu sót về phương diện này; nhưng vì Tôn giả Gotama và các Tỷ-kheo tăng và ni và nam cư sĩ đệ tử tại gia, mặc áo trắng, sống đời phạm hạnh độc thân đã hoàn mãn trong Giáo pháp này, như vậy thì đời sống phạm hạnh đã hoàn mãn về phương diện này.
– Nếu chỉ có Tôn giả Gotama và các Tỷ-kheo Tăng và Ni và nam cư sĩ đệ tử tại gia, mặc áo trắng, sống đời phạm hạnh độc thân đã hoàn mãn trong Giáo pháp này, nhưng không có nam cư sĩ đệ tử tại gia nào, mặc áo trắng, hưởng thụ dục lạc, được hoàn mãn, như vậy thì đời sống phạm hạnh đã thiếu sót về phương diện này; nhưng vì Tôn giả Gotama và các Tỷ-kheo Tăng và Ni và nam cư sĩ đệ tử tại gia, mặc áo trắng, cả những người sống đời phạm hạnh độc thân, lẫn những người hưởng thụ dục lạc, đều đã hoàn mãn trong Giáo pháp này, như vậy thì đời sống phạm hạnh đã hoàn mãn về phương diện này.
– Nếu chỉ có Tôn giả Gotama và các Tỷ-kheo Tăng và Ni và nam cư sĩ đệ tử tại gia, mặc áo trắng... đã hoàn mãn trong Giáo pháp này, nhưng không có nữ cư sĩ tại gia nào, mặc áo trắng, sống đời phạm hạnh độc thân được hoàn mãn, như vậy thì đời sống phạm hạnh đã thiếu sót về phương diện này; nhưng vì Tôn giả Gotama và các Tỷ-kheo Tăng và Ni và nam cư sĩ đệ tử tại gia, mặc áo trắng... và nữ cư sĩ tại gia, mặc áo trắng, sống đời phạm hạnh độc thân đã hoàn mãn trong Giáo pháp này, như vậy thì đời sống phạm hạnh đã hoàn mãn về phương diện này.
– Nếu chỉ có Tôn giả Gotama và các Tỷ-kheo Tăng và Ni và nam cư sĩ đệ tử tại gia, mặc áo trắng... và nữ cư sĩ tại gia, mặc áo trắng, sống đời phạm hạnh độc thân được hoàn mãn trong Giáo pháp này, nhưng không có các nữ cư sĩ đệ tử tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ dục lạc, được hoàn mãn, như vậy thì đời sống phạm hạnh đã thiếu sót về phương diện này; nhưng vì Tôn giả Gotama và các Tỷ-kheo Tăng và Ni và nam cư sĩ đệ tử tại gia, mặc áo trắng, cả những người sống đời phạm hạnh độc thân, lẫn những người hưởng thụ dục lạc, và các nữ cư sĩ đệ tử tại gia mặc áo trắng, cả những người sống đời phạm hạnh độc thân, lẫn những người hưởng thụ dục lạc, đều đã hoàn mãn trong Giáo pháp này, như vậy thì đời sống phạm hạnh đã hoàn mãn về phương diện này.

14. – Thưa Tôn giả Gotama, giống như con sông Hằng hướng về biển cả, chảy xuôi về biển cả, và đạt đến biển cả, hội chúng này của Tôn giả Gotama gồm có những vị xuất gia và cư sĩ tại gia hướng về Niết-bàn, chảy về Niết-bàn, và đạt đến Niết-bàn.

(Trung BK II, Kinh số 73: Đại Kinh Vacchagotta, 329-336)

(5) Bảy hạng Thánh đệ tử

11. – Này các Tỷ-kheo, Ta không nói với tất cả các Tỷ-kheo rằng họ vẫn còn việc cần phải làm với sự tinh cần; Ta cũng không nói với tất cả các Tỷ-kheo rằng họ không còn việc gì cần phải làm với sự tinh cần.

12. – Ta không nói với các Tỷ-kheo đã là các bậc A-la-hán, những vị đã sống đời phạm hạnh, đã làm những việc cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được lý tưởng, đã đoạn tận các kiết sử về hiện hữu, và đã hoàn toàn giải thoát nhờ thắng trí, rằng các vị vẫn còn việc phải làm với sự tinh cần. Vì sao vậy? Vì các vị này đã làm mọi việc của họ với sự tinh cần; họ không còn khả năng phóng dật nữa.

13. – Ta nói với những Tỷ-kheo đang còn là bậc hữu học, những vị mà tâm chưa đạt được mục tiêu, và vẫn đang mong cầu vô thượng an ổn, thoát khỏi mọi ràng buộc, rằng các vị còn việc cần phải làm với sự tinh cần. Vì sao vậy? Bởi vì khi các vị ấy sử dụng các chỗ ở thích hợp và thân cận với các thiện hữu và tu dưỡng các căn, các vị ấy có thể tự mình chứng ngộ với thắng trí, ngay trong đời này thể nhập và an trú trong mục tiêu tối thượng của đời sống phạm hạnh, vì mục tiêu này mà các thiện nam tử chơn chánh đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thấy được kết quả của sự tinh cần đối với các vị Tỷ-kheo ấy, Ta nói rằng các vị ấy vẫn còn việc phải làm với sự tinh cần.

14. – Này các Tỷ-kheo, có bảy hạng người được thấy trong đời này. Thế nào là bảy? Đó là: bậc câu phần giải thoát (hai phần giải thoát), bậc tuệ giải thoát, bậc thân chứng, bậc kiến đáo, bậc tín giải thoát, bậc Tùy tín hành và bậc Tùy pháp hành.

15. – Thế nào là một bậc câu phần giải thoát? Ở đây, có hành giả sau khi thân đã chứng đắc và an trú trong các pháp giải thoát an tịnh và vô sắc pháp, vượt khỏi sắc pháp, các lậu hoặc đã được đoạn trừ nhờ đã thấy với trí tuệ. Vị này được gọi là bậc câu phần (hai phần) giải thoát. (13) Ta không nói với Tỷ-kheo này rằng vị ấy vẫn còn việc phải làm với sự tinh cần. Vì sao vậy? Vì vị ấy đã làm việc của mình với sự tinh cần; vị ấy không còn khả năng phóng dật nữa.

16. – Thế nào là bậc tuệ giải thoát? Ở đây, có hành giả thân không chứng đắc và an trú trong các pháp giải thoát an tịnh và vô sắc pháp, vượt khỏi sắc pháp, nhưng những lậu hoặc của vị này được đoạn trừ nhờ đã thấy với trí tuệ. Vị này được gọi là bậc tuệ giải thoát. (14) Ta không nói với Tỷ-kheo này rằng vị ấy vẫn còn việc phải làm với sự tinh cần. Vì sao vậy? Vì vị ấy đã làm việc của mình với sự tinh cần; vị ấy không còn khả năng phóng dật nữa.

17. – Thế nào là một bậc thân chứng? Ở đây, có hành giả sau khi thân đã chứng đắc và an trú trong các pháp giải thoát an tịnh và vô sắc pháp, vượt khỏi sắc pháp, một số lậu hoặc đã được đoạn trừ nhờ đã thấy với trí tuệ. Vị này được gọi là bậc thân chứng. (15) Ta nói về Tỷ-kheo này rằng vị ấy còn việc cần phải làm với sự tinh cần. Vì sao vậy? Bởi vì khi vị ấy sử dụng các chỗ ở thích hợp và thân cận với các thiện hữu và tu dưỡng các căn, vị ấy có thể tự mình chứng ngộ với thắng trí, ngay trong đời này thể nhập và an trú trong mục tiêu tối thượng của đời sống phạm hạnh, vì mục tiêu này mà các thiện nam tử chơn chánh đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thấy được kết quả của sự tinh cần đối với vị Tỷ-kheo này, Ta nói rằng vị ấy vẫn còn việc phải làm với sự tinh cần.

18. – Thế nào là một bậc kiến đáo? Ở đây, có hành giả thân không chứng đắc và an trú trong các pháp giải thoát an tịnh và vô sắc pháp, vượt khỏi sắc pháp, nhưng một số lậu hoặc của vị này được đoạn trừ nhờ đã thấy với trí tuệ, và vị này đã thấy và thực hành với trí tuệ những lời dạy của Như Lai. Vị này được gọi là bậc kiến đáo. (16) Ta nói về Tỷ-kheo này rằng vị ấy còn việc cần phải làm với sự tinh cần. Vì sao vậy? Bởi vì khi vị ấy sử dụng các chỗ ở thích hợp... sống không gia đình. Thấy được kết quả của sự tinh cần đối với vị Tỷ-kheo này, Ta nói rằng vị ấy vẫn còn việc phải làm với sự tinh cần.

19. – Thế nào là một bậc tín giải thoát? Ở đây, có hành giả thân không chứng đắc và an trú trong các pháp giải thoát an tịnh và vô sắc pháp, vượt khỏi sắc pháp, nhưng một số lậu hoặc của vị này được đoạn trừ nhờ đã thấy với trí tuệ, và lòng tin của vị này đối với Như Lai đã được thấm sâu, có gốc rễ, và xác lập vững chắc. Vị này được gọi là bậc tín giải thoát. (17) Ta nói về Tỷ-kheo này rằng vị ấy còn việc cần phải làm với sự tinh cần. Vì sao vậy? Bởi vì khi vị ấy sử dụng các chỗ ở thích hợp... sống không gia đình. Thấy được kết quả của sự tinh cần đối với vị Tỷ-kheo này, Ta nói rằng vị ấy vẫn còn việc phải làm với sự tinh cần.

20. – Thế nào là một bậc Tùy pháp hành? Ở đây, có hành giả thân không chứng đắc và an trú trong các pháp giải thoát an tịnh và vô sắc pháp, vượt khỏi sắc pháp, và các lậu hoặc của vị này chưa được đoạn trừ nhờ thấy với trí tuệ, nhưng các giáo pháp do Như Lai giảng dạy được vị này chấp nhận ở một mức độ vừa phải, sau khi đã suy ngẫm với trí tuệ. Hơn nữa, vị này có những phẩm hạnh như: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn. Vị này được gọi là bậc Tùy pháp hành. (18) Ta nói về Tỷ-kheo này rằng vị ấy còn việc cần phải làm với sự tinh cần. Vì sao vậy? Bởi vì khi vị ấy sử dụng các chỗ ở thích hợp... sống không gia đình. Thấy được kết quả của sự tinh cần đối với vị Tỷ-kheo này, Ta nói rằng vị ấy vẫn còn việc phải làm với sự tinh cần.

21. – Thế nào là một bậc Tùy tín hành? Ở đây, có hành giả thân không chứng đắc và an trú trong các pháp giải thoát an tịnh và vô sắc pháp, vượt khỏi sắc pháp, và các lậu hoặc của vị này chưa được đoạn trừ nhờ thấy với trí tuệ, tuy nhiên vị này có đầy đủ lòng tin và tình thương đối với Như Lai. Hơn nữa, vị này có những phẩm hạnh như: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn. Vị này được gọi là bậc Tùy-tín -hành. Ta nói về Tỷ-kheo này rằng vị ấy còn việc cần phải làm với sự tinh cần. Vì sao vậy? Bởi vì khi vị ấy sử dụng các chỗ ở thích hợp và thân cận với các thiện hữu và tu dưỡng các căn, vị ấy có thể tự mình chứng ngộ với thắng trí, ngay trong đời này thể nhập và an trú trong mục tiêu tối thượng của đời sống phạm hạnh, vì mục tiêu này mà các thiện nam tử chơn chánh đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thấy được kết quả của sự tinh cần đối với vị Tỷ-kheo này, Ta nói rằng vị ấy vẫn còn việc phải làm với sự tinh cần.

(Trung BK II, Kinh 70: Kinh Kitagiri, tr. 298-304)

2. QUẢ DỰ LƯU

(1) Bốn chi phần đưa đến quả Dự Lưu

Thế Tôn nói với Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất):
– Này Sāriputta, được nghe nói: “Một chi phần để đắc quả Dự Lưu, một chi phần để đắc quả Dự Lưu.” Này Sāriputta, vậy thế nào là một chi phần để đắc quả Dự Lưu?

– Bạch Thế Tôn, thân cận với các bậc chân nhân, là một chi phần để đắc quả Dự Lưu. Lắng nghe Chánh pháp là một chi phần để đắc quả Dự Lưu. Như lý tác ý là một chi phần để đắc quả Dự Lưu. Hành pháp và tùy pháp là một chi phần để đắc quả Dự Lưu.

– Này Sāriputta, lành thay, lành thay! Đúng vậy. Này Sāriputta, được nghe nói: “Dòng sông, dòng sông.” Thế nào là dòng sông?

– Bạch Thế Tôn, Bát Thánh đạo là dòng sông; đó là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

– Này Sāriputta, lành thay, lành thay! Đúng vậy. Này Sāriputta, được nghe nói: “Một bậc Dự Lưu, một bậc Dự Lưu.” Thế nào là một bậc Dự Lưu?

– Bạch Thế Tôn, vị nào thành tựu Bát Thánh đạo được gọi là một bậc Dự Lưu: vị Tôn giả này tên như vậy, thuộc bộ tộc như vậy.

– Này Sāriputta, lành thay, lành thay! Vị nào thành tựu Bát Thánh đạo được gọi là một bậc Dự Lưu: vị Tôn giả tên như vậy, thuộc bộ tộc như vậy.

(Tương Ưng BK V, Ch. 11: Tương Ưng Dự Lưu, Phẩm Veludvara -5. Sāriputta(2), tr. 509-510)

(2) Thể nhập chánh tánh

– Này các Tỷ-kheo, mắt là vô thường, phải thay đổi, phải chịu sự biến hoại. Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý là vô thường, phải thay đổi, phải chịu sự biến hoại. Ai đặt lòng tin vào những lởi dạy này và quyết tâm thực hành như vậy gọi là bậc Tùy tín hành, vị đã thể nhập chánh tánh, (19) đã nhập vào hạng chân nhân, vượt khỏi hạng vô văn phàm phu. Vị ấy không thể làm bất cứ hành động gì khiến cho vị ấy có thể bị tái sanh vào địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ; vị ấy không thể qua đời mà không chứng đắc quả Dự Lưu. (20)

Đối với vị chấp nhận những lời giảng dạy này ở một mức độ vừa phải sau khi đã suy ngẫm với trí tuệ được gọi là bậc Tùy pháp hành, vị đã thể nhập chánh tánh, (19) đã nhập vào hạng chân nhân, vượt khỏi hạng vô văn phàm phu. Vị ấy không thể làm bất cứ hành động gì khiến cho vị ấy có thể bị tái sanh vào địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ; vị ấy không thể qua đời mà không chứng đắc quả Dự Lưu.

Như vậy, vị nào đã thấy và biết rõ những giáo pháp ấy được gọi là bậc Dự Lưu, không còn bị đọa vào các cõi thấp kém, tương lai đã được quyết định, với giác ngộ là đích đến cuối cùng.”(21)

(Tương Ưng BK III, Ch. 4, Tương Ưng Nhập - I. Con Mắt, tr. 367-368)

(3) Thấy Pháp

Thế Tôn nhặt một chút đất trong móng tay của Ngài và nói với các Tỷ-kheo như vầy:

– Này các Tỷ-kheo, cái nào nhiều hơn: một chút đất ta vừa lấy ra trong móng tay hay quả đất vĩ đại này?

– Bạch Thế Tôn, quả đất vĩ đại là nhiều hơn. Một chút đất mà Thế Tôn đã nhặt ra từ móng tay là rất bé nhỏ. Nó không phải chỉ một phần trăm, hay một phần ngàn, hay một phần trăm ngàn khi so sánh với quả đất vĩ đại này.

– Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với một vị Thánh đệ tử, một vị đã thành tựu tri kiến, đã thấy Pháp, những khổ đau đã được đoạn tận và loại trừ là nhiều hơn, so với khổ não còn sót lại là rất nhỏ bé. Khổ não còn lại không phải chỉ một phần trăm, hay một phần ngàn, hay một phần trăm ngàn khi so sánh với đại khổ uẩn đã được đoạn tận và loại trừ, vì còn tối đa là bảy đời nữa. Này các Tỷ-kheo, lợi ích lớn như vậy là thấy Pháp, thật lợi ích lớn khi đắc được Pháp nhãn. (22)

(Tương Ưng BK II, Ch. 2: Tương Ưng Minh Kiến - 1. Đầu Ngón Tay, tr. 235-236)

(4) Bốn pháp của bậc Dự Lưu

– Này các Tỷ-kheo, một vị Thánh đệ tử thành tựu bốn pháp này là một bậc Dự Lưu, không còn bị thối đọa trong cõi thấp kém, tương lai đã được quyết định với giác ngộ là đích đến cuối cùng.

Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo một vị Thánh đệ tử đã thành tựu lòng tin bất động (23) đối với Đức Phật như vầy: “Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trương Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.” Vị ấy đã thành tựu lòng tin bất động đối với Pháp như vầy: “Pháp đã được Thế Tôn khéo giảng, rõ ràng trực tiếp, có hiệu quả tức khắc, mời con người đến để thấy, xứng đáng để áp dụng, được các bậc trí tự mình chứng nghiệm.” Vị ấy đã thành tựu lòng tin bất động đối với Tăng như vầy: “Tăng Đoàn đệ tử của Thế Tôn đang thực hành con đường tốt đẹp, con đường thẳng thắn, con đường chơn chính, con đường đúng đắn; đó là bốn đôi tám chúng - chúng đệ tử của Thế Tôn xứng đáng được dâng tặng, xứng đáng được phục vụ, xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được cung kính đảnh lễ, là ruộng phước vô thượng ở đời.” Vị đệ tử ấy thành tựu các giới đức được các bậc Thánh tôn trọng, không bị bẻ gãy, không bị xé rách, không bị ô nhiễm, không bị phá hoại, đem lại giải thoát, được người trí khen ngợi, không chấp thủ, đưa đến thiền định.

Này các Tỷ-kheo, một vị Thánh đệ tử thành tựu bốn pháp này là một bậc Dự Lưu, không còn bị thối đọa trong cõi thấp kém, tương lai đã được quyết định, với giác ngộ là đích đến cuối cùng.

(Tương Ưng BK V, Ch. 11: Tương Ưng Dự lưu I, Phẩm Veludvara .II. Thể Nhập, tr. 503-504)

(5) Hơn cả chủ quyền cai trị toàn cầu

– Này các Tỷ-kheo, dù cho một vị Chuyển luân vương, có chủ quyền cai trị cả bốn châu, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, được tái sanh vào cõi thiện lành, trong Thiên giới, sống cùng với chư Thiên của cõi trời Ba Mươi Ba, và ở trong rừng Nandana, được cả đoàn Thiên nữ tháp tùng, vị ấy thọ hưởng đầy đủ, được cung cấp, được ban tặng năm dục lạc của cõi thiên, tuy nhiên, vì vị ấy vẫn chưa thành tựu bốn pháp, nên chưa được giải thoát khỏi địa ngục, bàng sanh, hay ngạ quỷ, chưa được giải thoát khỏi đọa xứ, cõi dữ, cõi thấp kém. (24)

Này các Tỷ-kheo, mặc dù một vị Thánh đệ tử sống bằng miếng ăn khất thực và đắp y vá nhiều mảnh, tuy nhiên, vị ấy đã thành tựu bốn pháp, vị ấy được giải thoát khỏi địa ngục, bàng sanh, hay ngạ quỷ, được giải thoát khỏi đọa xứ, cõi dữ, cõi thấp kém. Bốn pháp đó là gì? Lòng tin bất động đối với Phật, Pháp và Tăng và những giới đức được các bậc Thánh quý mến. Và này các Tỷ-kheo, giữa việc đạt được chủ quyền cai trị cả bốn châu và thành tựu được bốn pháp, việc đạt được chủ quyền cai trị bốn châu không đáng giá bằng một phần mười sáu của việc thành tựu được bốn pháp.

(Tương Ưng BK V, Ch. 11: Tương Ưng Dự Lưu, Phẩm Veludvara I. Vua, tr. 501-503)

3. QUẢ BẤT LAI

(1) Đoạn trừ năm hạ phần kiết sử

7. – Này Ānanda, có một con đường, một lộ trình đưa đến đoạn trừ năm hạ phần kiết sử. Bất cứ ai, không thực hành con đường và lộ trình ấy mà có thể biết hoặc thấy hoặc đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử - điều này không thể xảy ra. Cũng giống như có một cây lớn đứng thẳng có lõi cây, không thể có bất cứ người nào cắt được lõi cây mà không cắt xuyên qua vỏ ngoài và giác cây, cũng giống trường hợp đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

– Này Ānanda, có một con đường, một lộ trình đưa đến đoạn trừ năm hạ phần kiết sử. Bất cứ ai thực hành con đường và lộ trình ấy sẽ có thể biết hoặc thấy hoặc đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử - điều này có thể xảy ra. Cũng giống như có một cây lớn đứng thẳng có lõi cây, bất cứ người nào có thể cắt được lõi cây đều phải cắt xuyên qua vỏ ngoài và giác cây, cũng giống trường hợp đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

8. – Này Ānanda, giả sử nước sông Hằng tràn đầy lên tận bờ khiến các con quạ có thể uống được, rồi một người ốm yếu đi đến và nghĩ như sau: ‘Bằng cách dùng hai tay để bơi qua sông Hằng, ta sẽ đến bờ bên kia sông Hằng an toàn’; tuy nhiên, người ấy không thể bơi qua bờ an toàn. Cũng vậy, khi Giáo pháp được giảng dạy cho người nào đó để đoạn trừ thân kiến, nếu người ấy không để ý và có lòng tin tưởng, vững chãi và quyết tâm, thì người ấy cũng được xem như người đàn ông ốm yếu kia. (25)

– Này Ānanda, giả sử nước sông Hằng tràn đầy lên tận bờ khiến các con quạ có thể uống được, rồi một người lực sĩ đi đến và nghĩ như sau: “Bằng cách dùng hai tay để bơi qua sông Hằng, ta sẽ đến bờ bên kia sông Hằng an toàn;” và người ấy có thể bơi qua bờ an toàn. Cũng vậy, khi Giáo pháp được giảng dạy cho người nào đó để đoạn trừ thân kiến, nếu người ấy chú tâm và có lòng tin tưởng, vững chãi và quyết tâm, thì người ấy cũng được xem như người lực sĩ kia.

9. – Này Ānanda, thế nào là con đường, là lộ trình đưa đến đoạn trừ năm hạ phần kiết sử? Ở đây, vị Tỷ-kheo từ bỏ mọi sở hữu (sanh y) (26) từ bỏ những bất thiện pháp, với sự an tịnh toàn diện trạng thái trì trệ của thân, xa lánh dục lạc, xa lánh các bất thiện pháp, vị Tỷ-kheo chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ.

Bất cứ những gì tồn tại trong hình thái của sắc, thọ, tưởng, hành và thức, vị ấy quán thấy các pháp ấy như là vô thường, là khổ, là bệnh, như ung bướu, như mũi tên, như tai họa, như phiền não, như thù địch, như hủy hoại, như trống không, như vô ngã. (27) Vị này chuyển tâm xa lánh các pháp ấy và hướng tâm đến những pháp bất tử và nghĩ rằng: “Pháp này là an tịnh, pháp này là siêu phàm, đó là, an tịnh mọi tâm hành, từ bỏ mọi sở hữu, diệt trừ mọi khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn.” (28) Nếu vị ấy an trú vững chắc ở đó, vị ấy sẽ đạt được sự đoạn tận các lậu hoặc. Nhưng nếu vị ấy không đạt được sự đoạn tận các lậu hoặc, thì do sự khao khát Pháp, hoan hỷ trong Pháp, với sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, vị ấy sẽ được tái sanh tự nhiên (hóa sinh) vào các cõi Trời Tịnh Cư Thiên và sẽ chứng đắc Niết-bàn ở đấy, không bao giờ còn trở lại cõi đời này nữa. (29) Đây là con đường, là lộ trình đưa đến đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

10-12. – Lại nữa, vị Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Nhị-thiền... Lại nữa, với sự tàn lụi của lạc, vị Tỷ-kheo chứng và trú Tam-thiền... Lại nữa, với sự đoạn diệt hỷ và ưu...vị Tỷ-kheo chứng và trú Tứ thiền, một trạng thái không hỷ không ưu và xả niệm thanh tịnh.

Bất cứ những gì tồn tại trong hình thái của sắc, thọ, tưởng, hành và thức, vị ấy quán thấy các pháp ấy như là vô thường... như vô ngã. Vị này chuyển tâm xa lánh các pháp ấy và hướng tâm đến những pháp bất tử... Đây là con đường, là lộ trình đưa đến đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

13. – Lại nữa, vị Tỷ-kheo vượt lên các sắc tưởng, diệt trừ các chướng ngại thuộc giác quan, không quan tâm đến các tưởng dị biệt, ý thức rằng ‘hư không là vô biên’, vị Tỷ-kheo chứng và trú Không Vô Biên Xứ.

Bất cứ những gì tồn tại trong hình thái của sắc, thọ, tưởng, hành và thức, (30) vị ấy quán thấy các pháp ấy như là vô thường... như vô ngã. Vị này chuyển tâm xa lánh các pháp ấy và hướng tâm đến những pháp bất tử... Đây là con đường, là lộ trình đưa đến đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

14. – Lại nữa, bằng cách hoàn toàn vượt lên Không Vô Biên Xứ, và ý thức rằng: ‘thức là vô biên’, vị Tỷ-kheo chứng và trú Thức Vô Biên Xứ.

Bất cứ những gì tồn tại trong hình thái của sắc, thọ, tưởng, hành và thức, vị ấy quán thấy các pháp ấy như là vô thường... như vô ngã. Vị này chuyển tâm xa lánh các pháp ấy và hướng tâm đến những pháp bất tử... Đây là con đường, là lộ trình đưa đến đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

15. – Lại nữa, bằng cách hoàn toàn vượt lên Thức Vô Biên Xứ, và ý thức rằng: ‘không có sở hữu gì cả’, vị Tỷ-kheo chứng và trú Vô Sở Hữu Xứ.

Bất cứ những gì tồn tại trong hình thái của sắc, thọ, tưởng, hành và thức, vị ấy quán thấy các pháp ấy như là vô thường, là khổ, là bệnh, như ung bướu, như mũi tên, như tai họa, như phiền não, như thù địch, như hủy hoại, như trống không, như vô ngã. Vị này chuyển tâm xa lánh các pháp ấy và hướng tâm đến những pháp bất tử và nghĩ rằng: “Pháp này là an tịnh, pháp này là siêu phàm, đó là, an tịnh mọi tâm hành, từ bỏ mọi sở hữu, diệt trừ mọi khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn.” Nếu vị ấy an trú vững chắc ở đó, vị ấy sẽ đạt được sự đoạn tận các lậu hoặc. Nhưng nếu vị ấy không đạt được sự đoạn tận các lậu hoặc, thì do sự khao khát Pháp, hoan hỷ trong Pháp, với sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, vị ấy sẽ được tái sanh tự nhiên (hóa sinh) vào các cõi Trời Tịnh Cư Thiên và sẽ chứng đắc Niết-bàn ở đấy, không bao giờ còn trở lại cõi đời này nữa. Đây là con đường, là lộ trình đưa đến đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

(Trung BK II, Kinh 64: Đại Kinh Malunkyaputta, tr. 210-214)

(2) Bốn hạng người

– Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người có mặt trong đời này. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người ngay trong hiện tại chứng được Hữu hành Niết-bàn. Ở đây, có người chứng được Hữu hành Niết-bàn khi thân hoại mạng chung. Ở đây, có người ngay trong hiện tại chứng được Vô hành Niết-bàn. Ở đây, có người chứng được Vô hành Niết-bàn khi thân hoại mạng chung.

– Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người ngay trong hiện tại chứng được Hữu hành Niết-bàn? Ở đây, vị Tỷ-kheo sống quán những bất tịnh của thân, cảm thấy nhàm chán đối với thức ăn, cảm thấy không hài lòng với toàn thế giới, quán vô thường trong tất cả các hành; và nhận thức về cái chết được xác lập vững vàng trong tâm. (31) Vị ấy sống dựa vào năm lực của bậc hữu học: tín lực, tàm, quý, tấn và tuệ. Năm căn này hết sức vững mạnh trong tâm vị ấy: tín, tấn, niệm, định và tuệ. Vì sức mạnh của năm căn này, ngay trong đời hiện tại vị ấy chứng được Hữu hành Niết-bàn. Như vậy là người ngay trong hiện tại chứng được Hữu hành Niết-bàn.

– Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người chứng được Hữu hành Niết-bàn khi thân hoại mạng chung? Ở đây, vị Tỷ-kheo sống quán những bất tịnh của thân, cảm thấy nhàm chán đối với thức ăn, cảm thấy không hài lòng với toàn thế giới, quán vô thường trong tất cả các hành; và nhận thức về cái chết được xác lập vững vàng trong tâm. Vị ấy sống dựa vào năm lực của bậc hữu học: tín lực, tàm, quý, tấn và tuệ. Năm căn này tương đối yếu trong tâm vị ấy: tín, tấn, niệm, định và tuệ. Vì sự yếu kém của năm căn này, khi thân hoại mạng chung, chứng được Hữu hành Niết-bàn. Như vậy là người khi thân hoại mạng chung, chứng được Hữu hành Niết-bàn.

– Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người ngay trong hiện tại chứng được Vô hành Niết-bàn? Ở đây, vị Tỷ-kheo xa lánh dục lạc, xa lánh các bất thiện pháp, vị Tỷ-kheo chứng và trú Sơ thiền... Tứ thiền. Vị ấy sống dựa vào năm lực của bậc hữu học: tín lực... và tuệ. Năm căn này hết sức vững mạnh trong tâm vị ấy: tín... và tuệ. Vì sức mạnh của năm căn này, ngay trong đời hiện tại vị ấy chứng được Vô hành Niết-bàn. Như vậy là người ngay trong hiện tại chứng được Vô hành Niết-bàn.

– Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người chứng được Vô hành Niết-bàn khi thân hoại mạng chung? Ở đây, vị Tỷ-kheo xa lánh dục lạc, xa lánh các bất thiện pháp, vị Tỷ-kheo chứng và trú Sơ thiền... Tứ thiền. Vị ấy sống dựa vào năm lực của bậc hữu học: tín lực... và tuệ. Năm căn này tương đối yếu trong tâm vị ấy: tín, tấn, niệm, định và tuệ. Vì sự yếu kém của năm căn này, khi thân hoại mạng chung, chứng được Vô hành Niết-bàn. Như vậy là người khi thân hoại mạng chung, chứng được Vô hành Niết-bàn.

Này các Tỷ-kheo, như vậy là bốn hạng người có mặt trong đời này.

(Tăng Chi BK II, Ch. XVII, Phẩm Đạo Hành: (IX)(169) Với Một Vài Nỗ Lực, tr. 111-113)

(3) Sáu minh phần pháp (Sáu pháp dự phần vào minh kiến)

Một thời, Thế Tôn đang cư ngụ tại Vương Xá (Rājagaha), ở Trúc Lâm (Bamboo Grove) thuộc Khu Nuôi Dưỡng Sóc (Squirrel Sanctuary). Lúc bấy giờ, cư sĩ Dighāvu bị bệnh, đau đớn, ốm nặng. Rồi cư sĩ Dighāvu thưa với cha là gia chủ Jotika rằng: “Thưa cha, hãy đi đến Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn, cư sĩ Dighāvu đang bị ốm, đau đớn, bệnh rất nặng; xin cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn.’ Rồi cha thưa như sau: ‘Bạch Thế Tôn, lành thay, nếu Thế Tôn vì lòng từ bi đi đến nhà cư sĩ Dighāvu.’”

“Được, con thân yêu”, gia chủ Jotika trả lời, và đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn những lời như Dighāvu đã nhờ ông trình lại. Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng.

Rồi Thế Tôn đắp y, cầm y bát, đi đến nhà của cư sĩ Dighāvu. Rồi Ngài ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn và nói với Dighāvu:

– Này Dighāvu, ta hy vọng ông chịu đựng được, ta hy vọng ông cảm thấy khá hơn. Ta hy vọng cảm thọ đau đớn của ông đang giảm bớt và không gia tăng, và ông đã cảm thấy giảm bớt đau đớn, chứ không gia tăng.

– Bạch Thế Tôn, con không chịu đựng được, con không cảm thấy khá hơn. Cảm thọ đau đớn mãnh liệt đang gia tăng trong con, chứ không giảm bớt, và con đang cảm thấy nó gia tăng, chứ không giảm bớt.

– Vậy thì, này Dighāvu, ông hãy luyện tập như thế này: “Ta sẽ thành tựu niềm tin bất động đối với Đức Phật, Pháp và Tăng, là những vị thành tựu các giới đức được các bậc Thánh tôn trọng, không bị bẻ gãy, không bị xé rách, không bị ô nhiễm, không bị phá hoại, được người trí ca ngợi, không bị chấp thủ, đưa đến thiền định.” Ông phải tự luyện tập như vậy.

– Bạch Thế Tôn, đối với bốn chi phần đưa đến quả Dự Lưu như Thế Tôn đã dạy, các pháp ấy đã có trong con, và con đã sống đúng như các pháp ấy. Bạch Thế Tôn, con đã thành tựu lòng tin bất động đối với Phật, Pháp và Tăng, và con đã thành tựu các giới đức được các bậc Thánh tôn trọng.

– Vậy thì, này Dighāvu, đã an trú trong bốn chi phần đưa đến quả Dự Lưu, ông hãy tu tập thêm sáu pháp dự phần vào minh kiến. Ở đây, này Dighāvu, hãy trú và quán vô thường trong tất cả các hành, quán khổ trong tất cả những gì vô thường, quán vô ngã trong tất cả những gì là khổ, quán từ bỏ, quán ly tham, quán đoạn diệt. (32) Ông phải tự luyện tập như vậy.

– Bạch Thế Tôn, đối với sáu pháp dự phần vào minh kiến như Thế Tôn đã dạy, các pháp ấy đã có trong con, và con đã sống đúng như các pháp ấy. Bạch Thế Tôn, con đã trú và quán vô thường trong tất cả các hành, quán khổ trong tất cả những gì vô thường, quán vô ngã trong tất cả những gì là khổ, quán từ bỏ, quán ly tham, quán đoạn diệt. Tuy vậy, bạch Thế Tôn, con hy vọng sau khi con qua đời, cha của con sẽ không phải đau khổ.

– Dighāvu thân yêu, con đừng quan tâm đến điều ấy. Giờ đây, này Dighāvu thân yêu, con hãy chú tâm lắng nghe những gì Thế Tôn đang nói với con.

Rồi Thế Tôn, sau khi đã giảng dạy như vậy cho cư sĩ Dighāvu, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Rồi không bao lâu sau khi Thế Tôn ra đi, cư sĩ Dighāvu liền qua đời.

Rồi một số Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, ngồi xuống một bên, và bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, cư sĩ Dighāvu đã qua đời. Cư sĩ ấy đã đi về đâu? Cư sĩ ấy tái sanh ở nơi nào?”

– Này các Tỷ-kheo, cư sĩ Dighāvu là người có trí. Cư sĩ đã tu tập theo đúng Chánh pháp và đã không làm ta phiền lòng về Giáo pháp. Với sự đoạn trừ hoàn toàn năm hạ phần kiết sử, cư sĩ Dighāvu đã được hóa sanh (tái sanh tự nhiên) và các cõi trời Tịnh Cư Thiên, và sẽ chứng đắc Niết-bàn tại đó, không còn trở lại cõi đời này nữa.

(Tương Ưng BK V, Ch. 11: Tương Ưng Dự Lưu - I, Phẩm Veludvara -3.III. Dighāvu, tr. 504-508)

(4) Năm hạng Bất Lai

– Này các Tỷ-kheo, khi bảy giác chi được phát triển và tu tập như vậy, thì chúng ta có thể mong đợi bảy quả hoặc bảy lợi ích. Thế nào là bảy quả hoặc bảy lợi ích?

Vị Tỷ-kheo thành tựu được thắng trí (về quả vị A-la-hán) ngay trong đời hiện tại.

Nếu vị Tỷ-kheo không thành tựu được thắng trí ngay trong đời hiện tại, thì vị ấy sẽ chứng được thắng trí lúc mệnh chung.

Nếu vị Tỷ-kheo không thành tựu được thắng trí ngay trong đời hiện tại hoặc lúc mệnh chung, thì với sự đoạn trừ hoàn toàn năm hạ phần kiết sử, vị ấy chứng được Trung gian Bát-niết-bàn (33).

Nếu vị Tỷ-kheo không thành tựu được thắng trí ngay trong đời hiện tại...hoặc chứng được Trung gian Bát-niết-bàn, thì với sự đoạn trừ hoàn toàn năm hạ phần kiết sử, vị ấy chứng được Tổn hại Bát- niết-bàn.

Nếu vị Tỷ-kheo không thành tựu được thắng trí ngay trong đời hiện tại... hoặc chứng được Tổn hại Bát-niết-bàn, thì với sự đoạn trừ hoàn toàn năm hạ phần kiết sử, vị ấy chứng được Vô hành Bát-niết-bàn.

Nếu vị Tỷ-kheo không thành tựu được thắng trí ngay trong đời hiện tại... hoặc chứng được Vô hành Bát-niết-bàn, thì với sự đoạn trừ hoàn toàn năm hạ phần kiết sử, vị ấy chứng được Hữu hành Bát-niết-bàn.’

Nếu vị Tỷ-kheo không thành tựu được thắng trí ngay trong đời hiện tại... hoặc chứng được Hữu hành Bát-niết-bàn, thì với sự đoạn trừ hoàn toàn năm hạ phần kiết sử, vị ấy sẽ được tiến lên, hướng đến cảnh giới Sắc Cứu Cánh Thiên.

– Này các Tỷ-kheo, khi bảy giác chi được phát triển và tu tập như vậy, thì chúng ta có thể mong đợi bảy quả hoặc bảy lợi ích như thế.

(Tương Ưng BK V, Ch. II: Tương Ưng Giác Chi - I, Phẩm Núi - 3. Giới, tr. 109-111)

4. BẬC A-LA-HÁN

(1) Đoạn trừ ngã mạn về “Tôi là”

Một thời, một số Tỷ-kheo Trưởng lão sống ở Kosambī, tại vườn Ghosita. Lúc bấy giở Tôn giả Khemaka đang cư trú tại Vườn Jujube Tree, bị ốm, đau đớn, bệnh rất nặng.

Rồi vào buổi chiều, các Tỷ-kheo trưởng lão bước ra khỏi chỗ tịnh cư và nói với Tôn Dāsaka như vầy:

– Này hiền giả Dāsaka, hãy đến gặp Tỷ-kheo Khemaka và nói với Tỷ-kheo rằng: “Các vị Trưởng lão nói với hiền giả như sau: ‘Này hiền giả Khemaka, hiền giả có chịu đựng được không, chúng tôi hy vọng hiền giả cảm thấy khá hơn. Chúng tôi hy vọng cảm thọ đau đớn của hiền giả đang giảm bớt và không gia tăng, và hiền giả đã cảm thấy giảm bớt đau đớn, chứ không gia tăng.’”

– Vâng, thưa hiền giả, Tôn giả Dāsaka trả lời, và đi đến chỗ Tôn giả Khemaka, chuyển lời thăm hỏi của các vị Trưởng lão.

[Tôn giả Khemaka trả lời:]

– Thưa hiền giả, tôi không chịu đựng được, tôi không cảm thấy khá hơn. Cảm thọ đau đớn mãnh liệt đang gia tăng trong tôi, chứ không giảm bớt, và tôi đang cảm thấy nó gia tăng, chứ không giảm bớt.

Rồi Tôn giả Dāsaka trở về chỗ các vị Trưởng lão, tường thuật lại những gì Tôn giả Khemaka đã nói. Các vị Trưởng lão nói với Tôn giả:

“Này hiền giả Dāsaka, hãy đến gặp Tỷ-kheo Khemaka và nói với Tỷ-kheo rằng: “Các vị Trưởng lão nói với hiền giả như sau: ‘Này hiền giả Khemaka, Thế Tôn đã nói đến năm thủ uẩn, đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong năm thủ uẩn này, hiền giả Khemaka có xem cái nào là tự ngã hay thuộc về tự ngã không?’”

– Vâng, thưa hiền giả, Tôn giả Dāsaka trả lời, và đi đến chỗ Tôn giả Khemaka, chuyển lời của các vị Trưởng lão.

[Tôn giả Khemaka trả lời:]

– Thế Tôn đã nói đến năm thủ uẩn; đó là, sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong năm thủ uẩn này, tôi không xem cái nào là tự ngã hay thuộc về tự ngã.

Rồi Tôn giả Dāsaka trở về chỗ các vị Trưởng lão, tường thuật lại những gì Tôn giả Khemaka đã nói. Các vị Trưởng lão nói với Tôn giả:

“Này hiền giả Dāsaka, hãy đến gặp Tỷ-kheo Khemaka và nói với Tỷ-kheo rằng: ‘Nếu trong năm thủ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hiền giả Khemaka không xem cái nào là tự ngã hay thuộc về tự ngã, thì hiền giả là một bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã được đoạn tận.’” (34)

–Vâng, thưa hiền giả, Tôn giả Dāsaka trả lời, và đi đến chỗ Tôn giả Khemaka, chuyển lời của các vị Trưởng lão.

[Tôn giả Khemaka trả lời:]

– Thế Tôn đã nói đến năm thủ uẩn; đó là, sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong năm thủ uẩn này, tôi không xem cái nào là tự ngã hay thuộc về tự ngã, tuy nhiên tôi chưa phải là một bậc A-la-hán, một vị đã đoạn tận các lậu hoặc. Thưa chư hiền, ý niệm về ‘Tôi là’ vẫn chưa tan biến trong tôi đối với năm thủ uẩn, nhưng tôi không xem bất cứ cái nào [trong năm thủ uẩn ấy] như ‘Đây là tôi.’” (35)

Rồi Tôn giả Dāsaka trở về chỗ các vị Trưởng lão, tường thuật lại những gì Tôn giả Khemaka đã nói. Các vị Trưởng lão nói với Tôn giả:

– Này hiền giả Dāsaka, hãy đến gặp Tỷ-kheo Khemaka và nói với Tỷ-kheo rằng: “Này hiền giả Khemaka, các vị Trưởng lão nói với hiền giả rằng: ‘Khi hiền giả nói đến ‘Tôi là’– ý hiền giả muốn nói đến cái gì? Có phải hiền giả nói về sắc như là ‘Tôi là sắc’ hoặc ‘Tôi là khác với sắc’? Có phải hiền giả nói về thọ... về tưởng... về hành... về thức... như là ‘Tôi là thức’ hoặc ‘Tôi là khác với thức’? Này hiền giả Khemaka, khi hiền giả nói ‘Tôi là’, ý hiền giả muốn nói cái gì?’”

– Vâng, thưa hiền giả, Tôn giả Dāsaka trả lời, và đi đến chỗ Tôn giả Khemaka, chuyển lời của các vị Trưởng lão.

– Này hiền giả Dāsaka, thôi đủ rồi! Tại sao cứ chạy qua chạy lại như thế? Hãy đem cho tôi cây gậy. Tôi sẽ tự mình đi đến gặp các vị Trưởng lão.

Rồi Tôn giả Khemaka chống gậy đi đến chỗ các vị Trưởng lão, trao đổi lời chào đón hỏi thăm; và ngồi xuống một bên. Các vị Trưởng lão nói với Tôn giả: “Này hiền giả Khemaka, Khi hiền giả nói đến ‘Tôi là’... ý hiền giả muốn nói đến cái gì?”

– Thưa chư hiền, tôi không nói về sắc như ‘Tôi là sắc’ hoặc ‘Tôi là khác với sắc’... Tôi không nói về thọ như ‘Tôi là thọ’... hoặc về tưởng như ‘Tôi là tưởng’... hoặc về hành như ‘Tôi là hành’... hoặc về thức như ‘Tôi là thức’ hoặc ‘Tôi là khác với thức.’ Thưa chư hiền, mặc dù ý niệm về ‘Tôi là’ vẫn chưa tan biến trong tôi đối với năm thủ uẩn, nhưng tôi không xem bất cứ cái nào [trong năm thủ uẩn ấy] như ‘Đây là tôi.’

– Thưa chư hiền, giả sử với hương thơm của hoa sen trắng, hồng hay xanh. Nếu có người nói: ‘Hương này thuộc về cánh hoa’, hoặc ‘hương này thuộc về thân hoa’, hoặc ‘hương này thuộc về nhụy hoa’, nói như vậy có đúng không?

– Thưa hiền giả, không đúng.

– Thưa chư hiền, vậy làm thế nào để trả lời một cách đúng đắn?

– Thưa hiền giả, để trả lời đúng đắn, người ta phải trả lời là: ‘Hương thuộc về hoa.’

– Cũng vậy, thưa chư hiền, tôi không nói về sắc như ‘Tôi là sắc’ hoặc ‘Tôi là khác với sắc’... Tôi không nói về thọ như ‘Tôi là thọ’... hoặc về tưởng như ‘Tôi là tưởng’... hoặc về hành như ‘Tôi là hành’... hoặc về thức như ‘Tôi là thức’ hoặc ‘Tôi là khác với thức.’ Thưa chư hiền, mặc dù ý niệm về ‘Tôi là’ vẫn chưa tan biến trong tôi đối với năm thủ uẩn, nhưng tôi không xem bất cứ cái nào [trong năm thủ uẩn ấy] như ‘Đây là tôi.’

– Thưa chư hiền, mặc dù một vị Thánh đệ tử đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, tuy nhiên, đối với năm thủ uẩn, trong tâm vị ấy vẫn còn vướng chút tàn dư của ngã mạn ‘Tôi là’, vẫn còn tàn dư của ham muốn ‘Tôi là’, còn một chút tàn dư tiềm ẩn ‘Tôi là’ vẫn chưa được nhổ tận gốc. Vị ấy sau một thời gian sống và quán sự sanh diệt của năm thủ uẩn: ‘Đây là sắc, đây là nguồn gốc của sắc, đây là sự đoạn diệt của sắc; đây là thọ... đây là tưởng... đây là hành... đây là thức, đây là nguồn gốc của thức, đây là sự đoạn diệt của thức.’ Trong khi vị ấy sống và quán sự sanh diệt của năm thủ uẩn, tàn dư của ngã mạn ‘Tôi là’, tàn dư của ham muốn ‘Tôi là’, tàn dư tiềm ẩn ‘Tôi là’ chưa được nhổ tận gốc - nay đến lúc được nhổ sạch.

– Thưa chư hiền, giả sử có một tấm vải bẩn với nhiều vết dơ, chủ nhân tấm vải giao nó cho người thợ giặt. Người thợ giặt nhồi đập nó bằng nước muối, nước tro hay nước phân bò, rồi xả nó với nước sạch. Mặc dù tấm vải ấy đã sạch sẽ, nó vẫn còn sót lại một chút mùi muối, tro hay phân bò chưa hoàn toàn mất hẳn. Người thợ giặt giao lại tấm vải cho chủ nhân. Người chủ đem cất nó trong một cái tủ có ướp hương thơm, và những tàn dư của mùi muối, tro hay phân bò chưa mất hẳn sẽ được tan biến. (36)

– Cũng vậy, thưa chư hiền, mặc dù một vị Thánh đệ tử đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, tuy nhiên, đối với năm thủ uẩn, trong tâm vị ấy vẫn còn vướng chút tàn dư của ngã mạn ‘Tôi là’, vẫn còn tàn dư của ham muốn ‘Tôi là’, còn một chút tàn dư tiềm ẩn ‘Tôi là’ vẫn chưa được nhổ tận gốc... Trong khi vị ấy sống và quán sự sanh diệt của năm thủ uẩn, tàn dư của ngã mạn ‘Tôi là’, tàn dư của ham muốn ‘Tôi là’, tàn dư tiềm ẩn ‘Tôi là’ chưa được nhổ tận gốc - nay đến lúc được nhổ sạch.

Khi được nghe nói như vậy, các vị Trưởng lão nói với Tôn giả Khemaka: “Không phải chúng tôi hỏi vì muốn làm phiền hiền giả Khemaka, mà vì chúng tôi nghĩ rằng hiền giả Khemaka có thể giải thích, giảng dạy, tuyên thuyết, xác chứng, khai triển, phân tích và làm hiển lộ giáo lý của Thế Tôn với đầy đủ chi tiết. Và hiền giả Khemaka đã giải thích, giảng dạy, tuyên thuyết, xác chứng, khai triển, phân tích và làm hiển lộ giáo lý của Thế Tôn với đầy đủ chi tiết.”

Vì thế, các vị Trưởng lão đã hoan hỷ tín thọ lời thuyết giảng của Tôn giả Khemaka. Trong khi lời dạy này được tuyên thuyết, tâm của sáu mươi vị Trưởng lão và Tôn giả Khemaka được giải thoát khỏi các lậu hoặc vì không còn chấp thủ.

(Tương Ưng BK III, Ch. IV, Phẩm Trưởng lão - VII. Khema, tr. 230-239)

(2) Bậc hữu học và bậc A-la-hán

Tại Kosambī, trong vườn Ghosita, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo như sau:

– Này các Tỷ-kheo, có một pháp môn theo đó một Tỷ-kheo hữu học (sekha), đứng trên cương vị của một bậc hữu học, có thể hiểu rõ: ‘Tôi là một bậc hữu học’, trong lúc một bậc vô học (asekha), trên cương vị của một bậc vô học, hiểu rõ: ‘Tôi là một bậc vô học.’

– Này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp môn theo đó một Tỷ-kheo hữu học, đứng trên cương vị của một bậc hữu học, có thể hiểu rõ: ‘Tôi là một bậc hữu học’?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo hữu học hiểu rõ như thật: “Đây là khổ. Đây là nguồn gốc của khổ. Đây là sự đoạn diệt khổ. Đây là con đường đưa đến đoạn diệt khổ.” Đây là pháp môn theo đó một Tỷ-kheo hữu học, đứng trên cương vị của một bậc hữu học, có thể hiểu rõ: ‘Tôi là một bậc hữu học.’

– Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo hữu học suy nghĩ như sau: “Ngoài Tăng chúng này, (37) có một Sa-môn, Bà-la-môn nào có thể thuyết giảng Pháp đúng như thật, như chơn, đúng thực tế như Thế Tôn đã thuyết giảng?” Vị ấy hiểu rõ như sau: “Ngoài Tăng chúng này, không có một Sa-môn, Bà-la-môn nào có thể thuyết giảng Pháp như thật, như chơn, đúng thực tế như Thế Tôn đã thuyết giảng.” Đây cũng là một pháp môn theo đó một Tỷ-kheo hữu học, đứng trên cương vị của một bậc hữu học, có thể hiểu rõ: ‘Tôi là một bậc hữu học.’

– Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo hữu học hiểu rõ năm căn - tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Tuy vị ấy chưa tự thân trú và thông suốt về đích đến, về cao điểm, về quả, về mục tiêu tối hậu của năm căn; nhưng vị ấy đã nhìn xuyên suốt chúng với trí tuệ và đã thấy chúng rõ ràng. (38) Đây cũng là một pháp môn theo đó một Tỷ-kheo hữu học, đứng trên cương vị của một bậc hữu học, có thể hiểu rõ: ‘Tôi là một bậc hữu học.’

– Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp môn theo đó một Tỷ-kheo vô học, đứng trên cương vị của một bậc vô học, có thể hiểu rõ: ‘Tôi là một bậc vô học’? Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo vô học hiểu rõ năm căn - tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Vị ấy tự thân trú và thông suốt về đích đến, về cao điểm, về quả, về mục tiêu tối hậu của năm căn; và vị ấy đã nhìn xuyên suốt chúng với trí tuệ và đã thấy chúng rõ ràng. Đây cũng là một pháp môn theo đó một Tỷ-kheo vô học, đứng trên cương vị của một bậc vô học, có thể hiểu rõ: ‘Tôi là một bậc vô học.’

– Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo vô học hiểu rõ sáu căn: nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn. Vị ấy hiểu rõ: “Sáu căn này sẽ đoạn diệt hoàn toàn không còn dấu vết, và sẽ không có sáu căn khác khởi lên ở bất cứ nơi đâu và bằng bất cứ cách nào.” Đây cũng là một pháp môn theo đó một Tỷ-kheo vô học, đứng trên cương vị của một bậc vô học, có thể hiểu rõ: ‘Tôi là một bậc vô học.’

(Tương Ưng BK V, Ch. IV: Tương Ưng Căn - IV, Phẩm thứ sáu - 53.III- Hữu Học, tr. 357-359)

(3) Vị Tỷ-kheo đã vất bỏ mọi chướng ngại

30. – Này các Tỷ-kheo, bậc A-la-hán được gọi là vị đã vất bỏ mọi chướng ngại, đã lấp đầy các thông hào, đã nhổ bật cột trụ, đã mở tung các lề khóa, là bậc Thánh đã hạ lá cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, là vị không còn gì trói buộc.

31. – Và thế nào là bậc A-la-hán đã vất bỏ mọi chướng ngại? Ở đây, bậc A-la-hán đã đoạn trừ vô minh, đã cắt đứt nó tận gốc rễ, làm cho nó như cây tala bị chặt ngọn và vất bỏ, để cho nó không còn mọc lại được trong tương lai. Như vậy là bậc A-la-hán đã vất bỏ mọi chướng ngại.

32. – Và thế nào là bậc A-la-hán đã lấp đầy các thông hào? Ở đây, bậc A-la-hán đã đoạn trừ vòng luân hồi, quá trình tái sanh, đã cắt đứt nó tận gốc rễ... để cho nó không còn mọc lại được trong tương lai. Như vậy là bậc A-la-hán là đã lấp đầy các thông hào.

33. – Và thế nào là bậc A-la-hán đã nhổ bật cột trụ? Ở đây, bậc A-la-hán đã đoạn trừ khát ái, đã cắt đứt nó tận gốc rễ... để cho nó không còn mọc lại được trong tương lai. Như vậy là bậc A-la-hán là đã nhổ bật cột trụ.

34. – Và thế nào là bậc A-la-hán đã mở tung các lề khóa? Ở đây, bậc A-la-hán đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, đã cắt đứt chúng tận gốc rễ... để cho chúng không còn mọc lại được trong tương lai. Như vậy là bậc A-la-hán là đã mở tung các lề khóa.

35. – Và thế nào là bậc A-la-hán là bậc Thánh đã hạ lá cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, là vị không còn gì trói buộc? Ở đây, bậc A-la-hán đã đoạn trừ ngã mạn ‘Tôi là’, đã cắt đứt nó tận gốc rễ... để cho nó không còn mọc lại được trong tương lai. Như vậy là bậc A-la-hán đã hạ lá cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, là vị không còn gì trói buộc.

(Trung BK I, Kinh 22: Kinh Ví Dụ Con Rắn - tr. 316-317)

(4) Chín việc một bậc A-la-hán không thể làm

– Trong quá khứ cũng như hiện tại, Ta tuyên bố rằng một vị Tỷ-kheo là bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc - là vị đã sống đời phạm hạnh, đã làm những việc cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục tiêu của mình, đã hoàn toàn đoạn trừ các kiết sử về hiện hữu, đã được giải thoát nhờ thắng trí - không thể vi phạm chín việc này: Vị ấy không thể sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, cố ý nói láo, nói những lời phù phiếm để mua vui như khi vị ấy còn là gia chủ sống trong gia đình; hơn nữa, vị ấy không thể hành động bất thiện do bởi tham dục, sân hận, si mê hay sợ hãi. Trong quá khứ cũng như trong hiện tại, ta tuyên bố rằng một vị Tỷ-kheo là bậc A-la-hán không thể vi phạm chín việc này.

(Tăng Chi BK IV, Ch. 9-I, Phẩm Chánh Giác - (VII) (7) Du sĩ Sutava, tr. 90-95)

(5) Tâm bất động

[Tôn giả Sāriputta nói]

– Này hiền giả, khi một vị Tỳ kheo có tâm giải thoát như vậy, ngay cả nếu các sắc mạnh mẽ do mắt nhận thức đi vào tầm mắt của vị ấy, chúng vẫn không ám ảnh tâm của vị ấy; tâm vị ấy vẫn không bị ô nhiễm, vẫn vững chãi, không bị lay động, và vị ấy quán sự đoạn diệt của chúng. Ngay cả nếu các âm thanh mạnh mẽ do tai nhận thức... nếu các hương mạnh mẽ do mũi nhận thức... các vị mạnh mẽ do lưỡi nhận thức... các xúc chạm mạnh mẽ do thân nhận thức... các pháp mạnh mẽ do thức nhận biết đi vào tâm của vị ấy; chúng vẫn không ám ảnh tâm của vị ấy; tâm vị ấy vẫn không bị ô nhiễm, vẫn vững chãi, không bị lay động, và vị ấy quán sự đoạn diệt của chúng. Này hiền giả, giả sử có một trụ đá cao mười sáu thước, tám thước chôn sâu dưới đất và tám thước lộ trên mặt đất. Rồi một cơn bão đến từ phương Đông: trụ đá vẫn không rung động, vẫn không lay động, vẫn không rung chuyển. Rồi một cơn bão đến từ phương Bắc... đến từ phương Tây... đến từ phương Nam: trụ đá vẫn không rung động, vẫn không lay động, vẫn không rung chuyển. Vì sao? Bởi vì độ sâu của phẩn nền móng và vì trụ đá đã được chôn sâu. Cũng vậy đối với một vị Tỳ kheo có tâm giải thoát như thế, ngay cả nếu các sắc trần (đối tượng của các giác quan) mạnh mẽ đi vào tầm nhận thức của vị ấy, chúng vẫn không ám ảnh tâm của vị ấy; tâm vị ấy vẫn không bị ô nhiễm, vẫn vững chãi, không bị lay động, và vị ấy quán sự đoạn diệt của chúng.

(Tăng Chi BK IV, Ch. 9-III, Phẩm Chỗ cư trú của các hữu tình - VI (26) Trụ đá, tr. 146-148)

(6) Mười sức mạnh (thập lực) của một Tỷ-kheo A-la-hán

Thế Tôn hỏi Tôn giả Sāriputta:

– Này Sāriputta, một Tỷ-kheo A-la-hán có bao nhiêu sức mạnh để có thể tuyên bố là đã đoạn tận các lậu hoặc?

– Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo A-la-hán có mười sức mạnh để có thể tuyên bố là đã đoạn tận các lậu hoặc. Thế nào là mười?

Ở đây, bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo A-la-hán đã khéo thấy như thật với chánh tri rằng các hành là vô thường. Đây là một sức mạnh của một vị Tỷ-kheo A-la-hán nhờ vậy vị ấy tuyên bố là đã đoạn tận các lậu hoặc.

– Lại nữa, bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo A-la-hán đã khéo thấy như thật với chánh tri rằng các dục lạc giác quan giống như hố than hừng cháy. Đây cũng là một sức mạnh của một vị Tỷ-kheo A-la-hán...

– Lại nữa, bạch Thế Tôn, tâm của một vị Tỷ-kheo A-la-hán thiên về, xuôi về, hướng về viễn ly; trú vào viễn ly, thích thú từ bỏ, và hoàn toàn chấm dứt tất cả các pháp làm nền tảng cho các lậu hoặc. Đây cũng là một sức mạnh của một vị Tỷ-kheo A-la-hán...

– Lại nữa, bạch Thế Tôn, đối với một vị Tỷ-kheo A-la-hán, Tứ niệm xứ đã được phát triển đến mức khéo tu tập. Đây cũng là một sức mạnh của một vị Tỷ-kheo A-la-hán...

– Lại nữa, bạch Thế Tôn, đối với một vị Tỷ-kheo A-la-hán, Bốn Chánh Cần... Bốn Như Ý Túc... Năm Căn... Năm Lực... Bảy Giác Chi... Bát Thánh đạo đã được phát triển đến mức khéo tu tập. Đây là một sức mạnh của một vị Tỷ-kheo A-la-hán nhờ vậy vị ấy tuyên bố là đã đoạn tận các lậu hoặc. (39)

(Tăng Chi BK IV, Ch. IX, Phẩm Trưởng Lão- (X) (90) Sức Mạnh, tr. 474-476)

(7) Bậc hiền trí tịch tịnh

20. [Đức Phật thuyết giảng thêm cho Pukkusāti như sau:] [Sau khi quán sáu giới] “Rồi chỉ còn lại xả, trong trắng, tươi sáng, nhu nhuyến, dễ uốn nắn và sáng chói.” (40)...

21. Vị ấy biết như sau: “Nếu ta hướng tâm xả thanh tịnh và sáng chói này vào Không Vô Biên Xứ và tu tập tâm ta tùy theo pháp ấy, thì xả này của ta, được Xứ này hỗ trợ, sẽ bám chặt vào đấy, và an trú một thời gian rất dài. (41) Nếu ta hướng tâm xả thanh tịnh và sáng chói này vào Thức Vô Biên Xứ... Vô Sở Hữu Xứ... Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ, thì xả này của ta, được Xứ này hỗ trợ, sẽ bám chặt vào đấy, và an trú một thời gian rất dài.”

22. Vị ấy biết như sau: “Nếu ta hướng tâm xả thanh tịnh và sáng chói này vào Không Vô Biên Xứ và tu tập tâm ta tùy theo pháp ấy, thì xả này sẽ trở thành pháp hữu vi. (42) Nếu ta hướng tâm xả thanh tịnh và sáng chói này vào Thức Vô Biên Xứ ... Vô Sở Hữu Xứ... Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ, và tu tập tâm ta tùy theo pháp ấy, thì xả này sẽ trở thành pháp hữu vi.” Vị ấy không tạo tác hay phát khởi bất cứ ý muốn nào hướng đến hiện hữu hay không hiện hữu. (43) Vì vị ấy không tạo tác hay phát khởi bất cứ ý muốn nào hướng đến hiện hữu hay không hiện hữu, vị ấy không chấp thủ bất cứ một vật gì trong đời. Do không chấp thủ, nên vị ấy không dao động. Do không dao động, vị ấy tự chứng Niết-bàn. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, phạn hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, sẽ không còn trở lại bất cứ một trạng thái hiện hữu nào nữa.” (44)

23. Nếu vị ấy có cảm giác lạc thọ, (45) vị ấy biết: “Thọ này là vô thường; không nên nắm giữ nó; không có gì vui thích trong đó.” Nếu vị ấy có cảm giác khổ thọ, vị ấy biết: “Thọ này là vô thường; không nên nắm giữ nó; không có gì vui thích trong đó.” Nếu vị ấy có cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy biết: “Thọ này là vô thường; không nên nắm giữ nó; không có gì vui thích trong đó.”

24. Nếu vị ấy có cảm giác lạc thọ, vị ấy cảm thấy không dính mắc; nếu vị ấy có cảm giác khổ thọ, vị ấy cảm thấy không dính mắc; nếu vị ấy có cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy cảm thấy không dính mắc. Khi vị ấy cảm nhận một cảm thọ về chấm dứt thân, vị ấy biết: “Tôi cảm nhận một cảm thọ về chấm dứt thân.” Khi vị ấy cảm nhận một cảm thọ về chấm dứt mạng sống, vị ấy biết: “Tôi cảm nhận một cảm thọ về chấm dứt mạng sống.” Vị ấy biết: “Vào lúc thân hoại mạng chung, với sự chấm dứt mạng sống, tất cả cảm thọ sẽ trở thành nguội lạnh ngay tại đây, không có gì thích thú trong đó.” (46) Này các Tỷ-kheo, cũng giống như ngọn đèn dầu cháy nhờ có dầu và tim đèn, khi dầu và tim đèn cạn kiệt, nếu không được tiếp nhận thêm dầu, nó sẽ tắt vì hết dầu; cũng vậy khi vị Tỷ-kheo cảm nhận một cảm thọ về chấm dứt thân... nhận một cảm thọ về chấm dứt mạng sống, vị ấy biết: “Tôi cảm nhận một cảm thọ về chấm dứt mạng sống.” Vị ấy biết: “Vào lúc thân hoại mạng chung, với sự chấm dứt mạng sống, tất cả cảm thọ sẽ trở thành nguội lạnh ngay tại đây, không có gì thích thú trong đó.” (47)

25. Vì vậy, vị Tỷ-kheo thành tựu trí tuệ này là thành tựu nền tảng tối thắng của tuệ giác. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, đây là tối thắng Thánh tuệ, nghĩa là, tri kiến về sự đoạn tận mọi khổ đau.

26. Sự giải thoát của vị này, đặt nền tảng trên chân lý, nên không bị dao động. Bởi vì, này các Tỷ-kheo, cái gì là hư vọng thì có bản chất hư vọng, cái gì là chơn thật thì có bản chất là chân đế - tức Niết-bàn. Vì vậy, vị Tỷ-kheo thành tựu chân lý này là thành tựu nền tảng tối thắng của chân lý. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, đây là tối thắng Thánh đế, tức là Niết-bàn, không có bản chất hư vọng. (48)

27. Trước kia, khi vị ấy còn vô minh, vị ấy biết và chấp nhận những sở hữu (sanh y) (49), nay vị ấy đã từ bỏ chúng, cắt đứt chúng tận gốc rễ, làm cho chúng giống như cây tala bị chặt tận gốc, và vất bỏ để cho chúng không thể mọc lại được trong tương lai. Vì vậy, vị Tỷ-kheo thành tựu sự từ bỏ này là thành tựu nền tảng tối thắng của xả ly. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, đây là tối thắng xả ly, nghĩa là, sự từ bỏ mọi sở hữu (sanh y).

28. Trước kia, khi vị ấy còn vô minh, vị ấy đã từng tham đắm, khao khát, thèm muốn dục lạc; nay vị ấy đã từ bỏ chúng, cắt đứt chúng tận gốc rễ, làm cho chúng giống như cây tala bị chặt tận gốc, và vất bỏ để cho chúng không thể mọc lại được trong tương lai. Trước kia, khi vị ấy còn vô minh, vị ấy đã từng sân hận, và oán ghét; nay vị ấy đã từ bỏ chúng, cắt đứt chúng tận gốc rễ, làm cho chúng giống như cây tala bị chặt tận gốc, và vất bỏ để cho chúng không thể mọc lại được trong tương lai. Trước kia, khi vị ấy còn vô minh, vị ấy đã từng si mê và đầy vọng tưởng; nay vị ấy đã từ bỏ chúng, cắt đứt chúng tận gốc rễ, làm cho chúng giống như cây tala bị chặt tận gốc, và vất bỏ để cho chúng không thể mọc lại được trong tương lai. Vì vậy, vị Tỷ-kheo thành tựu sự an tịnh này là thành tựu nền tảng tối thắng của tịch tịnh. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, đây là tối thắng Thánh tịch tịnh, nghĩa là, sự an tịnh mọi tham, sân và si.

29. Vì vậy, những pháp này được nói đến như là: “Hành giả không được buông lung trí tuệ, phải hộ trì chân lý, phải tu tập sự từ bỏ, và phải rèn luyện tịch tịnh.”

30. Được nghe nói rằng: “Những đợt sóng vọng tưởng sẽ không tràn qua những vị nào đứng vững trên các nền tảng ấy, và khi những đợt sóng vọng tưởng không tràn qua vị ấy, vị ấy được gọi là một bậc hiền trí tịch tịnh.” (50). Và do duyên gì được nghe nói như vậy?

31. – Này các Tỷ-kheo, ‘Tôi là’ là một vọng tưởng; ‘Tôi là như thế này’ là một vọng tưởng; ‘Tôi sẽ là’ là một vọng tưởng; ‘Tôi sẽ không là’ là một vọng tưởng; ‘Tôi sẽ có hình sắc’ là một vọng tưởng; ‘Tôi sẽ không có hình sắc’ là một vọng tưởng; ‘Tôi sẽ có tưởng’ là một vọng tưởng; ‘Tôi sẽ không có tưởng’ là một vọng tưởng; ‘Tôi sẽ không có tưởng, cũng không không có tưởng’ là một vọng tưởng. (51) Vọng tưởng là bệnh, vọng tưởng là ung bướu, vọng tưởng là mũi tên. Này các Tỷ-kheo, bằng cách vượt qua mọi vọng tưởng, hành giả được gọi là một bậc hiền trí tịch tịnh. Và bậc hiền trí tịch tịnh không sanh, không già, không chết; không dao động, không mong cầu. Vì không có gì hiện hữu trong vị ấy khiến cho vị ấy có thể sanh. (52) Không sanh, làm sao già được? Không già, làm sao chết được? Không chết, làm sao dao động được? Không dao động, làm sao mong cầu?

32. Do duyên như vậy mà được nghe nói rằng: “Những đợt sóng vọng tưởng sẽ không tràn qua những vị nào đứng vững trên các nền tảng ấy, và khi những đợt sóng vọng tưởng không tràn qua vị ấy, vị ấy được gọi là một bậc hiền trí tịch tịnh.”

(Trung BK III, Kinh số 140: Kinh Giới Phân Biệt, tr. 551-556)

(8) Các bậc A-la-hán thật an lạc!

Các bậc A-la-hán thật an lạc!
Không còn thấy khát ái,
Ngã mạn đã chặt đứt,
Lưới si mê xé rách.

Đã đạt tâm bất động,
Trong sáng không ô trược,
Trong thế giới phiền não,
Bậc thánh thiện vô nhiễm.

Đã hiểu thấu năm uẩn,
Do hành bảy diệu pháp, (53)
Là bậc đáng ca ngợi,
Chính danh con Đức Phật.

Đầy đủ bảy ngọc quý,
Ba học đã thành tựu, (54)
Bậc đại hùng du hành,
Đoạn trừ mọi sợ hãi.

Đầy đủ mười uy lực,
Bậc long thần, thiền định,
Là quý nhất trong đời:
Không còn thấy khát ái. (55)

Thành tựu thắng trí này:
‘Đây là đời cuối cùng.’
Cứu cánh của phạm hạnh,
Đạt được không nhờ ai.

Tâm không còn phân biệt, (56)
Giải thoát khỏi tái sanh.
Đã điều phục được tâm,
Bậc chiến thắng trong đời.

Trên dưới cùng tả hữu,
Không còn thấy vui thích.
Họ rống tiếng sư tử:
“Giác ngộ là vô thượng.”

(Tương Ưng BK III, Ch. III, Phẩm Những Gì Được Ăn - IV. Các Vị A-la-hán, tr. 156-157)

5. NHƯ LAI

(1) Đức Phật và bậc A-la-hán

– Này các Tỷ-kheo, do nhàm chán sắc, thọ, tưởng, hành, và thức, do sự tàn lụi và đoạn diệt chúng, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, được giải thoát do không chấp thủ; Ngài được gọi là Đức Phật. Còn một vị Tỷ-kheo được giải thoát nhờ trí tuệ do nhàm chán sắc, thọ, tưởng, hành, thức, và do sự tàn lụi và đoạn diệt chúng, được giải thoát do không chấp thủ; vị ấy được gọi là một bậc giải thoát nhờ trí tuệ. (57)

Này các Tỷ-kheo, như vậy, thế nào là sự khác biệt, sự sai biệt, sự khác nhau giữa Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, và một vị Tỷ-kheo được giải thoát nhờ trí tuệ?

– Bạch Thế Tôn, giáo pháp của chúng con bắt nguồn từ Thế Tôn, được Thế Tôn chỉ dạy, căn cứ vào Thế Tôn. Lành thay nếu chúng con được Thế Tôn làm sáng tỏ nghĩa câu nói này. Sau khi nghe Thế Tôn giảng, chúng con sẽ ghi nhớ.

– Này các Tỷ-kheo, vậy thì hãy chú tâm lắng nghe, ta sẽ nói.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn, các Tỷ-kheo vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

– Này các Tỷ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, là vị khởi xướng con đường chưa có ai khởi xướng trước đây, là vị đem lại con đường chưa có ai đem lại trước đây, là vị tuyên thuyết con đường chưa có ai tuyên thuyết trước đây. Là vị biết con đường, khám phá ra con đường, thiện xảo trong con đường. Và các đệ tử của Như Lai giờ đây tu tập theo con đường ấy và sau đó cũng thành tựu đạo quả.

Này các Tỷ-kheo, đây là sự khác biệt, sự sai biệt, sự khác nhau giữa Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, và một vị Tỷ-kheo được giải thoát nhờ trí tuệ.

(Tương Ưng BK III, Ch. I, Phẩm Tham Luyến - VI. Chánh Đẳng Giác, tr. 123-124)

(2) Vì an lạc của đa số chúng sanh

– Này các Tỷ-kheo, có ba hạng người xuất hiện trong đời vì an lạc của đa số chúng sanh, vì hạnh phúc của nhiều người, vì lòng từ bi đối với đời, vì an vui hạnh phúc của chư Thiên và loài người. Thế nào là ba?

– Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai xuất hiện trong đời, là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác... bậc thầy của chư Thiên và loài người, là Phật, Thế Tôn. Ngài giảng dạy Giáo pháp tốt đẹp ở chặng đầu, tốt đẹp ở chặng giữa, tốt đẹp ở chặng cuối, với ý nghĩa và lời văn chơn chánh; Ngài trình bày một đời sống phạm hạnh hoàn toàn viên mãn và thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người thứ nhất xuất hiện trong đời vì an lạc của đa số chúng sanh, vì hạnh phúc của đa số, vì lòng từ bi đối với đời, vì an vui hạnh phúc của chư Thiên và loài người.

– Này các Tỷ-kheo, rồi một đệ tử của vị đạo sư là một bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc [như trong Kinh Văn X, 1 (3)]... hoàn toàn giải thoát nhờ thắng trí. Vị ấy giảng dạy Giáo pháp tốt đẹp ở chặng đầu... vị ấy trình bày một đời sống phạm hạnh hoàn toàn viên mãn và thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người thứ hai xuất hiện trong đời vì an lạc của đa số chúng sanh, vì hạnh phúc của nhiều người, vì lòng từ bi đối với đời, vì an vui hạnh phúc của chư Thiên và loài Người.

– Này các Tỷ-kheo, rồi một đệ tử của vị đạo sư là một bậc hữu học đang tu tập con đường, nghe nhiều và hộ trì học giới đầy đủ. Vị này cũng giảng dạy Giáo pháp tốt đẹp ở chặng đầu... vị ấy trình bày một đời sống phạm hạnh hoàn toàn viên mãn và thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người thứ ba xuất hiện trong đời vì an lạc của đa số chúng sanh, vì hạnh phúc của nhiều người, vì lòng từ bi đối với đời, vì an vui hạnh phúc của chư Thiên và loài Người.

– Này các Tỷ-kheo, đây là ba hạng người xuất hiện trong đời vì an lạc của đa số chúng sanh, vì hạnh phúc của nhiều người, vì lòng từ bi đối với đời, vì an vui hạnh phúc của chư Thiên và loài Người.

(Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka) 84; 78-79)

(3) Lời phát biểu cao thượng của ngài Sāriputta (Xá-lợi-phất)

Tôn giả Sāriputta đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, con có lòng tin bất động đối với Thế Tôn rằng không thể nào đã có, không thể nào sẽ có, không thể nào hiện có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác có thể có thắng trí hơn Thế Tôn về giác ngộ.” (58)

– Này Sāriputta, lời phát biểu của ông quả là một tiếng rống, tiếng rống lớn nhất của con sư tử. Này Sāriputta, đối với tất cả bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác xuất hiện trong quá khứ, trong tâm của ông có bao gồm tâm của các vị ấy và rõ biết rằng: “Các bậc Thế Tôn ấy đã có giới đức như vậy, đã có trí tuệ như vậy, hoặc đã có thiền trú như vậy, hoặc đã giải thoát như vậy?” (59)

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Này Sāriputta, đối với tất cả bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác xuất hiện trong tương lai, trong tâm của ông có bao gồm tâm của tất cả các vị ấy và rõ biết rằng: “Các bậc Thế Tôn ấy sẽ có giới đức như vậy, sẽ có trí tuệ như vậy, hoặc sẽ có thiền trú như vậy, hoặc sẽ giải thoát như vậy?”

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Này Sāriputta, trong tâm của ông có bao gồm tâm của ta - trong hiện tại, ta là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác - và rõ biết rằng: “Thế Tôn ấy có giới đức như vậy, có trí tuệ như vậy, hoặc có thiền trú như vậy, hoặc đã giải thoát như vậy?”

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Này Sāriputta, khi ông không có chánh trí để rõ biết tâm của tất cả bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác trong quá khứ, tương lai, và hiện tại, tại sao ông lại thốt ra tiếng rống cao thượng, tiếng rống lớn nhất của con sư tử như thế này: “Bạch Thế Tôn, con có lòng tin bất động đối với Thế Tôn rằng không thể nào đã có, không thể nào sẽ có, không thể nào hiện có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác có thể có thắng trí hơn Thế Tôn về giác ngộ?”

– Bạch Thế Tôn, con không có chánh trí để rõ biết tâm của tất cả bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác trong quá khứ, tương lai, và hiện tại, nhưng con vẫn biết được điều này bằng suy luận theo Chánh pháp. Bạch Thế Tôn, giả sử một vị vua có một thành trì ở biên giới, với hào lũy tường thành, tháp canh kiên cố, và chỉ có một cổng ra vào. Người gác cổng thành phải là một người khôn ngoan, có năng lực và thông minh; là người không cho kẻ lạ mặt vào và chỉ cho vào những người quen. Trong khi người ấy đi tuần tra dọc theo con đường bao quanh thành trì, người ấy không tìm thấy một khe hở hay một lỗ hổng trên bức tường nào đủ lớn để một con mèo có thể chui qua được. Người ấy có thể nghĩ rằng: “Bất cứ sinh vật lớn nào vào hay ra khỏi thành này, tất cả đều phải đi qua cổng duy nhất này.”

Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con đã biết được điều này bằng suy luận theo Chánh pháp: Bất cứ vị A-la-hán, Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trong quá khứ, tất cả các bậc Thế Tôn ấy trước hết đã đoạn trừ năm triền cái, những cấu uế của tâm làm suy yếu trí tuệ; và sau đó khéo an trú tâm trên Tứ Niệm Xứ, như thật tu tập Thất Giác Chi; và từ đó các vị ấy đã chứng ngộ Vô thượng Chánh Đẳng Giác. Và, bạch Thế Tôn, bất cứ vị A-la-hán, Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trong tương lai, tất cả các bậc Thế Tôn ấy trước hết đã đoạn trừ năm triền cái, những cấu uế của tâm làm suy yếu trí tuệ; và sau đó khéo an trú tâm trên Tứ Niệm Xứ, như thật tu tập Thất Giác Chi; và từ đó các vị ấy đã chứng ngộ Vô thượng Chánh Đẳng Giác. Và, bạch Thế Tôn, Thế Tôn là bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác thời hiện tại, trước hết Thế Tôn đã đoạn trừ năm triền cái, những cấu uế của tâm làm suy yếu trí tuệ; và sau đó khéo an trú tâm trên Tứ Niệm Xứ, như thật tu tập Thất Giác Chi; và từ đó Thế Tôn đã chứng ngộ Vô thượng Chánh Đẳng Giác.

– Lành thay, lành thay, này Sāriputta, ông hãy thuyết giảng pháp thoại này nhiều lần cho các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ! Mặc dù có một số người ngu si vẫn còn hoang mang nghi ngờ về Như Lai, khi nghe pháp thoại này, sự hoang mang nghi ngờ của họ sẽ chấm dứt.

(Tương Ưng BK V, Ch. III: Tương Ưng Niệm Xứ - II, Phẩm Nalanda - 12.II. Nalanda, tr. 248-252)

(4) Mười Lực và Bốn Vô sở Úy

9. – Này Sāriputta, Như Lai có mười lực này, nhờ thành tựu mười lực này mà Như Lai tự nhận cho mình địa vị của người chủ chăn, rống tiếng rống con sư tử trong các hội chúng và chuyển Pháp luân. (60) Thế nào là mười?

10. – Ở đây, Như Lai như thật hiểu rõ những gì có thể là những gì có thể, những gì không thể là những gì không thể. (61) Và đó là một lực của Như Lai, nhờ lực này Như lai tự nhận cho mình địa vị của người chủ chăn, rống tiếng rống con sư tử trong các hội chúng và chuyển Pháp luân.

11. (2) Lại nữa, Như Lai như thật hiểu rõ quả báo của hành nghiệp đã thực hiện trong quá khứ, tương lai và hiện tại tùy theo nhân duyên và những điều có thể xảy ra. Đó cũng là một lực của Như Lai... (62)

12. (3) Lại nữa, Như Lai như thật hiểu rõ những con đường đưa đến tất cả các cảnh giới. Đó cũng là một lực của Như Lai... (63)

13. (4) Lại nữa, Như Lai như thật hiểu rõ thế giới với nhiều chủng loại khác biệt. Đó cũng là một lực của Như Lai...

14. (5) Lại nữa, Như Lai như thật hiểu rõ chúng sanh có nhiều khuynh hương khác nhau như thế nào. Đó cũng là một lực của Như Lai... (64)

15. (6) Lại nữa, Như Lai như thật hiểu rõ căn tính của các loài hữu tình, loài người. Đó cũng là một lực của Như Lai... (65)

16. (7) Lại nữa, Như Lai như thật hiểu rõ sự ô nhiễm. sự thanh tịnh và sự sinh khởi của các tầng thiền, các giải thoát, các định lực, và các chứng đắc. Đó cũng là một lực của Như Lai... (66)

17. (8) Lại nữa, Như Lai nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với những nét đại cương và chi tiết. Đó cũng là một lực của Như Lai...

18. (9) Lại nữa, với thiên nhãn thuần tịnh, siêu phàm, Như Lai thấy rõ sự chết và tái sanh của chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, tất cả đều do hạnh nghiệp của họ. Đó cũng là một lực của Như Lai...

19.(10) Lại nữa, nhờ tự mình chứng ngộ với thắng trí, trong đời hiện tại này, Như Lai chứng và trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, do đoạn trừ mọi lậu hoặc. Và đó cũng là một lực của Như Lai, nhờ lực này Như lai tự nhận cho mình địa vị của người chủ chăn, rống tiếng rống con sư tử trong các hội chúng và chuyển Pháp luân.

20. Như Lai có đầy đủ mười Như Lai lực này, nhờ thành tựu mười lực này mà Như Lai tự nhận cho mình địa vị của người chủ chăn, rống tiếng rống con sư tử trong các hội chúng và chuyển Pháp luân...

22. Này Sāriputta, Như Lai có bốn pháp vô sở úy này, (67) nhờ thành tựu bốn pháp vô sở úy này mà Như Lai tự nhận cho mình địa vị của người chủ chăn, rống tiếng rống con sư tử trong các hội chúng và chuyển Pháp luân. Thế nào là bốn?

23. Này Sāriputta, ta thấy không có lý do gì để bất cứ Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma Vương hay bất cứ ai trong đời, theo đúng Chánh pháp, có thể chỉ trích Ta rằng: “Trong lúc ngài tự xưng là đã giác ngộ hoàn toàn, ngài chưa giác ngộ hoàn toàn về những pháp này.” Và vì thấy không có lý do gì để có những lời chỉ trích như thế, ta sống an ổn, không sợ hãi, và đạt được vô úy.

23. Ta thấy không có lý do gì để bất cứ Sa-môn... hay bất cứ ai trong đời, có thể chỉ trích Ta rằng: Trong lúc ngài tự xưng đã đoạn tân mọi lậu hoặc, ngài chưa hoàn toàn đoạn trừ những lậu hoặc này.” Và vì thấy không có lý do gì để có những lời chỉ trích như thế, Ta sống an ổn, không sợ hãi, và đạt được vô úy.

24. Ta thấy không có lý do gì để bất cứ Sa-môn... hay bất cứ ai trong đời, có thể chỉ trích Ta rằng: “Những pháp được ngài gọi là chướng ngại pháp, đã không thể gây chướng ngại gì cho người thực hành chúng.” Và vì thấy không có lý do gì để có những lời chỉ trích như thế, Ta sống an ổn, không sợ hãi, và đạt được vô úy.

26. Ta thấy không có lý do gì để bất cứ Sa-môn... hay bất cứ ai trong đời, có thể chỉ trích Ta rằng: “Khi ngài giảng dạy Giáo pháp cho người nào, Giáo pháp của ngài đã không đưa người ấy hoàn toàn đoạn diệt mọi khổ đau khi người ấy thực hành.” Và vì thấy không có lý do gì để có những lời chỉ trích như thế, Ta sống an ổn, không sợ hãi, và đạt được vô úy.

27. Như Lai có bốn pháp vô sở úy này, nhờ thành tựu bốn pháp vô sở úy này mà Như Lai tự nhận cho mình địa vị của người chủ chăn, rống tiếng rống con sư tử trong các hội chúng và chuyển Pháp luân.

(Trung BK I, Kinh 12: Đại Kinh Sư Tư Hống, tr 164-170)

(5) Sự Biểu Hiện của Ánh Sáng Rực Rỡ

– Này các Tỷ-kheo, bao lâu mà mặt trời và mặt trăng không xuất hiện ở đời, thì trong thời gian ấy sẽ không có sự biểu hiện của ánh sáng chói lọi rực rỡ, lúc đó chỉ có bóng tối u ám bao phủ, một lớp màng đen dày đặc; vì thế không thể phân biệt ngày và đêm, tháng và nửa tháng, không thể phân biệt các mùa trong năm. Nhưng, này các Tỷ-kheo, khi mặt trời và mặt trăng xuất hiện ở đời, thì sẽ có sự biểu hiện của ánh sáng chói lọi rực rỡ, lúc đó không còn bóng tối u ám bao phủ, không có màng đen dày đặc; vì thế có thể phân biệt ngày và đêm, tháng và nửa tháng, có thể phân biệt các mùa trong năm.

– Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bao lâu mà Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không xuất hiện ở đời, thì trong thời gian ấy sẽ không có sự biểu hiện của ánh sáng chói lọi rực rỡ, lúc đó chỉ có bóng tối u ám bao phủ, một lớp màng đen dày đặc; trong thời gian ấy sẽ không có sự giải thích, giảng dạy, tuyên thuyết, thiết lập, triển khai, phân tích, hiển thị Tứ diệu đế. Nhưng, này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở đời, thì trong thời gian ấy sẽ có sự biểu hiện của ánh sáng chói lọi rực rỡ, lúc đó không còn bóng tối u ám bao phủ, không còn lớp màng đen dày đặc; rồi sẽ có sự giải thích, giảng dạy, tuyên thuyết, thiết lập, triển khai, phân tích, hiển thị Tứ diệu đế.

(Tương Ưng BK V, Ch. 12: Tương Ưng Sự Thật - IV, Phẩm Rừng Siṃsapā - 38. VIII- Ví Dụ Mặt Trời, tr. 643-644)

(6) Người Mong Muốn Lợi Ích Cho Chúng Ta

25. – Này các Tỷ-kheo, giả sử trong một khu rừng rậm có một đầm lầy nước đọng lớn và một đàn nai lớn sống gần đó. Rồi có một người đến, muốn tàn phá, làm tổn hại và giam cầm chúng. Ông ta đóng con đường đi lại an toàn tốt đẹp thoải mái, và mở ra con đường dối gạt nguy hiểm, rồi ông ta đặt con mồi và bẫy sập để sau này đàn nai đi đến sẽ gặp tai họa, ách nạn, và bị hao mòn dần. Nhưng lại có một người khác đi đến và muốn đem lại lợi ích, an vui, và che chở cho đàn nai. Ông ta mở lại con đường an toàn tốt đẹp thoải mái, và đóng con đường dối gạt nguy hiểm, vất bỏ con mồi và hủy diệt bẫy sập, để sau này đàn nai đi đến sẽ được lớn mạnh, phát triển và sung mãn.

26. – Này các Tỷ-kheo, Ta nói ví dụ này để truyền đạt một ý nghĩa. Ý nghĩa ấy như sau: ‘Đầm lầy nước đọng lớn’ để chỉ dục lạc giác quan. ‘Đàn nai lớn’ để chỉ các loài hữu tình. ‘Người muốn tàn phá, làm tổn hại’ để chỉ Ác ma. ‘Con đường dối gạt nguy hiểm’ để chỉ tám tà đạo, đó là: tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm và tà định. ‘Con mồi’ để chỉ khoái lạc và tham dục. ‘Cái bẫy sập’ để chỉ vô minh. ‘Người muốn đem lại lợi ích, an vui và che chở’ để chỉ Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. ‘Con đường an toàn tốt đẹp thoải mái’ để chỉ Bát Thánh đạo, đó là: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

Này các Tỷ-kheo, như vậy, Ta đã mở ra con đường an toàn tốt đẹp thoải mái, đóng lại con đường dối gạt nguy hiểm, đã vất bỏ con mồi và đã hủy diệt bẫy sập.

(Trung BK I, Kinh 19: Kinh Song Tầm, tr. 266-268)

(7) Sư tử

– Này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, con sư tử, vua các loài thú, bước ra khỏi hang. Rồi nó duỗi thân hình, nhìn quanh bốn phương, và rống lên tiếng rống sư tử ba lần, sau đó, nó bắt đầu đi tìm mồi.

Khi con sư tử, vua các loài thú, rống lên tiếng rống sư tử, phần lớn các loài thú khác khi nghe tiếng rống ấy đều khiếp sợ, và cảm thấy cấp bách kinh hoàng. Những loài ở trong hang thì tìm về hang; những loài sống trong nước thì lặn xuống nước; những loài ở trong rừng thì lẩn vào rừng; các loài chim thì bay lên hư không. Ngay cả loài voi chúa, bị dây da cột chặt trong các thôn làng, thị trấn và thành phố, cũng bật tung và giật đứt các sợi dây; khiếp đảm, chúng vãi cả nước tiểu và phân và chạy trốn đó đây. Này các Tỷ-kheo, con sư tử là vua các loài thú, có oai lực và hùng mạnh như vậy.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi Như Lai xuất hiện ở đời, Ngài là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài thuyết pháp như vầy: “Đây là sắc, đây là nguồn gốc của sắc, đây là sự đoạn diệt của sắc; đây là thọ... đây là tưởng... đây là hành... đây là thức, đây là nguồn gốc của thức, đây là sự đoạn diệt của thức.”

Này các Tỷ-kheo, rồi có những chư Thiên tuổi thọ dài, dung sắc xinh đẹp, tràn đầy hạnh phúc, sống rất lâu trong các lâu đài lộng lẫy, các vị này nghe Như Lai thuyết pháp, phần lớn (68) đều sợ hãi, và cảm thấy cấp bách kinh hoàng, họ nói rằng: “Chúng ta nghĩ rằng chúng ta thường còn, nhưng hình như chúng ta không thường còn; chúng ta nghĩ rằng chúng ta ổn định, nhưng hình như chúng ta không ổn định; chúng ta nghĩ rằng chúng ta vĩnh cửu, nhưng hình như chúng ta không vĩnh cửu. Này chư Tôn giả, hình như chúng ta vô thường, không ổn định, không vĩnh cửu, kể cả thân này.” (69)

Này các Tỷ-kheo, trong thế giới này cùng với chư Thiên, uy lực của Như Lai là vĩ đại và hùng mạnh như thế.

(Tương Ưng BK III, Ch. III, Phẩm Những Gì Được Ăn - VI - Sư Tử, tr. 158-161)

(8) Tại sao Ngài được gọi là Như Lai?

– Này các Tỷ-kheo, thế giới đã được Như Lai giác ngộ, Như Lai không chấp thủ thế giới. Nguồn gốc của thế giới đã được Như Lai giác ngộ; Như Lai đã từ bỏ nguồn gốc của thế giới. Sự đoạn diệt của thế giới đã được Như Lai giác ngộ; Như Lai đã chứng ngộ sự đoạn diệt của thế giới. Con đường đưa đến sự đoạn diệt thế giới đã được Như Lai giác ngộ; Như Lai đã tu tập con đường đưa đến sự đoạn diệt thế giới.

Này các Tỷ-kheo, trong thế giới với chư Thiên, Ác ma, Phạm Thiên, trong quần chúng này với Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài người, bất cứ những gì đã được thấy, nghe, cảm nhận, ý thức, đạt đến, tìm cầu, do tâm quan sát, tất cả đều đã được Như Lai giác ngộ; vì vậy nên được gọi là Như Lai.

Này các Tỷ-kheo, kể từ đêm Như Lai được giác ngộ đến đêm Như Lai nhập Niết-bàn, trong thời gian này, bất cứ những gì Như Lai nói, thuyết giảng, và tuyên bố, tất cả là như vậy, không thể khác được; vì vậy nên được gọi là Như Lai.

Này các Tỷ-kheo, Như Lai nói gì thì làm như vậy; và làm gì thì nói như vậy. Vì Như Lai làm đúng như đã nói và nói đúng như đã làm, nên được gọi là Như Lai.

Này các Tỷ-kheo, trong thế giới với chư Thiên, Ác ma, Phạm Thiên, trong quần chúng này với Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài người, Như Lai là bậc chiến thắng, người không bị đánh bại, người thấy toàn diện, hiểu biết toàn diện, vì vậy nên được gọi là Như Lai.

Đã rõ biết thế giới,
Tất cả đúng như thật,
Không chấp thủ thế giới,
Không dấn thân vào đó.

Thắng tất cả bậc trí,
Giải thoát mọi buộc ràng,
Đạt đến tối thắng tịnh,
Niết-bàn, không sợ hãi.

Là Phật, lậu tận đoạn,
Không ưu phiền, nghi ngại,
Đã đoạn diệt mọi nghiệp,
Giải thoát mọi sanh y.

Là Thế Tôn, là Phật,
Bậc Sư tử vô thượng,
Thiên giới, thế giới này
Ngài chuyển bánh xe Pháp.

Như vậy hàng Thiên, nhân
Đến quy y Đức Phật,
Hội tụ, đảnh lễ Ngài,
Vĩ đại, không ngăn ngại.

“Bậc điều phục tối thượng
Giữa những người điều phục,
Bậc đại trí an tịnh
Giữa những vị an tịnh.
Bậc tối thượng giải thoát
Giữa những bậc giải thoát,
Bậc tối thượng thành tựu
Giữa những người thành tựu.”

Như vậy, họ lễ Ngài,
Vĩ đại, không ngăn ngại,
Thiên giới, thế giới này,
Không ai sánh được Ngài.

(Tăng Chi BK I, Ch. IV: Bốn Pháp - III, Phẩm Uruvela - (III) (23) Thế Giới, tr. 592-594)

_______________________

Chú thích:

1. Thuật ngữ “con đường / đạo lộ” và “đạo quả” là một cách phân biệt theo luận giải. Tự thân các bản kinh không dùng kế hoạch bốn “đạo lộ” mà chỉ nói đến một con đường, đó là Bát Thánh đạo đưa đến chấm dứt khổ đau. Đây cũng được gọi là con đường đưa đến chứng quả A-la-hán (arahattamagga); nhưng theo nghĩa rộng, là con đường đưa đến mục tiêu cao thượng nhất, chứ không phải theo nghĩa hẹp về con đường tu tập trước khi đắc quả A-la-hán. Tuy nhiên, các bản kinh không phân biệt sự khác nhau giữa một hành giả đang tu tập để chứng đắc một quả vị nào đó và một hành giả đã chứng đắc quả vị ấy (xem Kinh Văn X, 1 (1). Dựa trên sự khác biệt này, thuật ngữ luận giải về đạo lộ và đạo quả cũng hữu ích như một cách đề cập chính xác về hai giai đoạn trong kế hoạch tu tập của bộ kinh Nikāya.

2. Lời giải thích của tôi về sự suy yếu tham dục, sân hận và si mê của vị Nhất Lai là dựa trên các bài luận giải. Ngoài công thức tiêu chuẩn, tự thân các bản kinh nói rất ít về vị Nhất Lai.

3. Điều quan trọng cần ghi nhận là các bản kinh ngụ ý rằng vị “Tùy pháp hành” và “Tùy tín hành” vẫn giữ tình trạng chứng đắc đó trong một thời gian dài. Lập trường của kinh văn hình như ngược lại với ý tưởng của các bài luận giải cho rằng một vị chứng đắc đạo lộ như vậy chỉ trong một thời khắc ngắn của tâm. Nếu ý tưởng sau là đúng, điều này có nghĩa là các vị “Tùy pháp hành” và “Tùy tín hành” chỉ giữ tình trạng chứng đắc ấy trong một thời khắc ngắn của tâm, và điều này có vẻ khó tương hợp với những nhận định của kinh văn với ý nghĩa là các vị ấy nhận phẩm vật cúng dường và phải tìm nơi cư trú trong rừng…

4. Phương pháp giải thích của các bài luận giải nói rõ rằng hành giả xuất định và thực hành thiền quán với tâm tươi sáng và nhu hòa nhờ đã qua nhập định. Tuy nhiên, tự thân các bài kinh không nói gì về việc xuất định. Nếu độc giả chỉ đọc các bản kinh mà thôi, mà không đọc các bài luận giải, có vẻ như là hành giả quán chiếu các yếu tố tự bên trong các tầng thiền.

5. Vì bậc A-la-hán đã đạt được giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, không thể nào chỉ ra nơi nào các ngài có thể xuất hiện trong vòng sinh tử, vì vậy các ngài không còn vòng biểu hiện trong tương lai.

6. “Năm hạ phần kiết sử” là: thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham dục, sân hận. Những người hóa sinh sẽ tái sanh tự nhiên, không lệ thuộc vào cha mẹ.

7. “Ba kiết sử” là ba kiết sử đầu tiên, như trên. “Thân phận đã được định sẵn” nghĩa là vị Dự Lưu được định là sẽ chứng đắc giải thoát nhiều nhất là bảy đời hoặc trong thế giới loài người hoặc trong các cõi thiên. Giác ngộ (sambodhi) là thắng trí của bậc A-la- hán về Tứ diệu đế.

8. Về sự khác nhau giữa hai loại này, xem bên dưới, Kinh Văn X, 1 (5) -20-21 và Kinh Văn X, 2 (2)

9. Luận giải Trung Bộ Kinh nói rằng việc này đề cập đến những hành giả hết lòng tu tập thiền quán, và chưa đạt được chứng ngộ siêu xuất thế gian nào nhưng có được niềm tin vững chắc vào chân lý của Giáo pháp. Từ ngữ saddhāmattam pemamattam có thể đã được dịch là “chỉ có niềm tin, chỉ có tình yêu”, nhưng những phẩm hạnh này không bảo đảm một sự tái sanh vào cõi Trời. Vì thế cần phải xem tiếp vĩ ngữ - matta như là ngụ ý một số lượng đầy đủ các phẩm hạnh ấy, chứ không phải chỉ có sự hiện hữu của chúng.

10. Ở đây, Đức Phật đang nói với du sĩ Vacchagotta (xem Kinh Văn IX, 5 (6). Luận giải Trung Bộ Kinh nói rằng Vacchagotta nghĩ có lẽ Đức Phật là người duy nhất trong cộng đồng đã chứng đắc được mục tiêu tối hậu.

11. Câu hỏi này và câu hỏi ở phần 11 liên quan đến vị Bất Lai. Cần ghi nhận là vị Bất Lai phải giữ nếp sống độc thân.

12. Câu hỏi này và câu hỏi ở phần 12 liên quan đến các vị Dự Lưu và Nhất Lai. Vì các vị này được mô tả là vẫn còn hưởng dục lạc, điều này có nghĩa là họ không bị bắt buộc phải sống độc thân.

13. Ubhatobhāgavimutta (Bậc Câu phần giải thoát): Luận giải Trung Bộ Kinh: Vị ấy đạt câu phần giải thoát bởi vì vị ấy đã được giải thoát khỏi sắc pháp bằng những chứng đắc các tầng thiền vô sắc, và được giải thoát khỏi tâm pháp bằng đạo lộ của bậc A-la-hán.

Sự giải thoát hai phần của vị A-la-hán “câu phần giải thoát” không nên lẫn lộn với “tâm giải thoát mọi lậu hoặc, và tuệ giải thoát”, mà tất cả các bậc A-la-hán đều đạt được, cho dù các vị ấy có đắc các tầng thiền vô sắc hay không.

14. Paññāvimutta (Bậc Tuệ giải thoát): Luận giải Trung Bộ Kinh nói rằng cấp bậc này bao gồm cả những vị đã chứng đắc bất cứ tầng thiền sắc giới nào trong tứ thiền, cũng như các bậc A-la- hán thiền tuệ khô. Một bậc chứng thiền tuệ khô không được công khai công nhận trong các bộ kinh Nikāya.

15. Kāyasakkhi (Bậc Thân chứng): Cấp bậc này bao gồm tất cả, từ nhửng vị đang trên đạo lộ tu tập hướng đến quả A-la-hán, xuống đến các vị Dự Lưu đã chứng đắc các tầng thiền vô sắc.

16. Diṭṭhippatta (Bậc Kiến đáo): Cấp bậc này bao gồm những hạng hành giả chưa chứng được các tầng thiền vô sắc nhưng có tuệ căn nổi bật.

17. Saddhāvimutta (Bậc Tùy tín hành): Cấp bậc này bao gồm những hạng hành giả có tín căn nổi bật.

18. Dhammānusāri (Bậc Tùy pháp hành): Cấp bậc này và cấp bậc kế tiếp, (Bậc tùy tín hành) là hai hạng hành giả đang tu tập để chứng đắc quả Dự Lưu. Xem tr. 375 và Kinh Văn X, 2 (2).

19. Sammattaniyāma là Bát Thánh đạo siêu xuất thế gian.

20. Trái với các bài luận giải, cho rằng vị đạt đạo chứng được quả ngay sau khi đạt tới đạo lộ, các bộ kinh Nikāya chỉ nói rằng hành giả đạt đến giai đoạn Tùy pháp hành hoặc Tùy tín hành (tương đương với khái niệm đạt đạo của các nhà luận giải) sẽ chứng đạo quả trong đời sống hiện tại - nhưng không nhất thiết phải là trong thời khắc kế tiếp của tâm thức. Hai ý niệm này có thể dung hòa nếu chúng ta nhìn đạo lộ của vị Tùy pháp hành hoặc Tùy tín hành như được trải rộng thời gian, nhưng sẽ đạt đến cao điểm trong một bước đột phá ngay tức khắc và được theo sau bằng sự chứng đắc quả vị.

21. Câu này làm sáng tỏ sự khác nhau như thế nào giữa một vị Dự Lưu và những vị đang trên đường tu tập hướng đến quả Dự Lưu. Vị Tùy tín hành chấp nhận giáo lý dựa trên đức tin (với một mức độ hiểu biết giới hạn), Vị Tùy pháp hành chấp nhận giáo lý qua sự điều tra khảo sát (với một mức độ hiểu biết cao hơn); còn vị Dự Lưu là người đã hiểu và thấy pháp.

22. Thấy Pháp (dhammābhisamaya) và đắc Pháp nhãn (dhammacakkhupatilābha) là đồng nghĩa, có nghĩa là đắc quả Dự Lưu.

23. Luận giải Tương Ưng BK giải thích từ ngữ này như là lòng tin không lay chuyển thành tựu qua những gì đã chứng đắc, gọi là quả Dự Lưu.

24. Địa ngục, súc sanh, và ngạ quỷ tự thân là những cõi khốn khổ, cõi dữ, cõi thấp kém.

25. Thân kiến (sakkāya) là tập hợp của năm uẩn mà chúng ta nhận diện như là “ngã.” Đoạn diệt thân kiến là Niết-bàn.

26. Upadhi. Trong văn cảnh hiện tại, từ này hình như có nghĩa là những sở hữu vật chất.

27. Về mười một thuộc từ này, “vô thường” và “tan rã” minh họa cho tính chất của vô thường; “xa lạ”, “trống rỗng” và “vô ngã” minh họa cho đặc tính của vô ngã; và sáu thuộc tính còn lại minh họa cho khổ.

28. Luận giải Trung Bộ Kinh: Vị ấy hướng tâm ra khỏi năm uẩn bao gồm trong các tầng thiền sắc giới, vì vị ấy đã thấy chúng mang dấu ấn của ba đặc tính kia. “Yếu tố bất tử” (amatadhātu) tức là Niết-bàn. Trước tiên, vị ấy “hướng tâm đến nó” với tuệ giác, đã nghe nó được ca ngợi như là “an tịnh siêu phàm”, và cứ như thế. Rồi, với đạo lộ siêu xuất thế gian, vị ấy “hướng tâm đến nó” bằng cách dùng nó làm đối tượng, quán chiếu thâm sâu về nó như là “an tịnh siêu phàm”, và cứ như thế.

29. Hình như lòng khao khát Pháp và niềm hoan hỷ trong Pháp thực hiện hai việc cùng một lúc: (1) bởi vì chúng hướng đến Pháp, chúng thúc đẩy vị đệ tử đi đến chỗ đoạn diệt năm hạ phần kiết sử; (2) bởi vì chúng vẫn là khao khát và hoan hỷ, nên chúng cản trở việc chứng đắc quả A-la-hán.

30. Ở đây, trong các thiền chứng vô sắc, bài kinh chỉ đề cập bốn uẩn tinh thần. Các sắc uẩn đã bị loại bỏ.

31. Đây là những đề mục thiền tập đưa đến nhàm chán và ly tham. Tính bất tịnh của thân là ở trong Kinh Văn VIII, 8-10; quán chiếu về tính đáng ghê sợ của thức ăn được giải thích trong Thanh Tịnh Đạo tr. 341-47 (phần 11:1-26); quán tưởng về cái chết, Thanh Tịnh Đạo, tr. 229-39 (phần 8: 1-41); quán tưởng về sự không hài lòng với toàn thể thế giới, và quán chiếu về vô thường trong tất cả các hành, trong Tăng Chi BK V, tr. 111, 10:60.

32. Trong Tăng Chi BK V, tr. 110, quán về từ bỏ được giải thích là từ bỏ những ý tưởng phiền não cấu uế. Trong Tăng Chi BK V, tr. 110-11, quán về ly tham và đoạn diệt được giải thích như là suy ngẫm về những thuộc tính của Niết-bàn.

33. Luận giải Tương Ưng BK giải thích: Vị chứng đắc Trung gian Bát-niết-bàn (antarāparinibbāyi) là vị tái sanh ở cõi Tịnh Cư thiên và chứng quả A-la-hán trong nửa thời kỳ đầu của thọ mạng. Cấp bậc này được chia làm ba, tùy vào sự kiện là đã chứng quả A-la-hán hay chưa: (1) chứng quả vào đúng ngày tái sanh; (2) sau một hoặc hai trăm kiếp đã trôi qua; (3) sau bốn trăm kiếp đã trôi qua. Vị chứng đắc Tổn hại Bát-niết-bàn (upahaccaparinibbāyi) được giải thích là vị đã chứng quả A-la-hán sau khi trải qua nửa thời kỳ đầu của thọ mạng. Theo Luận giải Tương Ưng BK, vị Vô hành Bát-niết-bàn (asankhāraparinibbāyi) và vị Hữu hành Bát- niết-bàn (sasankhāraparinibbāyi) sau đó trở thành hai kiểu mẫu của hai hạng Bất Lai đầu tiên chứng được mục tiêu cuối cùng, hạng thứ nhất, một cách dễ dàng và không cần nhiều nỗ lực; và hạng thứ hai chứng được một cách khó khăn và với nhiều nỗ lực mạnh mẽ. Tuy nhiên, bản tường thuật về hai hạng đầu tiên không quan tâm đến nghĩa đen tên gọi của họ và cũng bỏ qua bản chất loại trừ lẫn nhau theo thứ tự của năm hạng bậc Thánh như đã được mô tả đâu đó trong các kinh.

Nếu chúng ta hiểu từ Trung gian Bát-niết-bàn (antarāparinibbāyi) theo nghĩa đen, và hình như chúng ta phải hiểu như vậy, thì từ này có nghĩa là vị đã chứng đắc Niết-bàn trong khoảng thời kỳ trung gian giữa hai đời sống, có lẽ trong lúc hiện hữu trong hình hài vi tế của thời kỳ trung gian. Vị upahaccaparinibbāyi sau đó trở thành vị chứng đắc Tổn hại Bát- niết-bàn trong hiện hữu mới, nghĩa là, hầu như ngay tức khắc sau khi tái sanh. Hai từ ngữ tiếp theo chỉ định hai hạng đệ tử chứng đắc A-la-hán trong khoảng thời gian của đời sống tiếp theo, được phân biệt khác nhau bằng mức độ nỗ lực của họ để đạt được mục tiêu. Hạng cuối cùng, là vị tái sanh liên tiếp trong các cõi Tịnh Cư thiên, sống hết thọ mạng ở mỗi cõi ấy, và cuối cùng chứng đắc A-la-hán trong cõi Sắc Cứu Cánh thiên (akanittha), là cõi Tịnh Cư thiên cao nhất. Lời diễn giảng này, mặc dù ngược lại với các luận giải tiếng Pāli, hình như được xác nhận lại trong Tăng chi BK IV, tr 70-74, 7:52, trong đó ví dụ mảnh gỗ cháy gợi ý rằng bảy hạng (kể cả ba hạng Trung gian Bát-niết-bàn) là loại trừ lẫn nhau và đã được xếp hạng tùy theo mức độ sắc bén của các căn của họ.

34. Trong khi Khemaka tuyên bố là Tôn giả không công nhận một cái ngã hoặc những gì thuộc về một cái ngã trong năm uẩn, Tôn giả đã ngầm tuyên bố rằng mình đã chứng đắc ít nhất là cấp bậc Dự Lưu. Nhưng những Tỷ-kheo khác không biết rằng tất cả các vị Thánh đệ tử đều có cùng nhận thức này và cho rằng đây là sự chứng đắc độc đáo của bậc A-la-hán. Vì thế họ đã diễn giải sai câu nói của Tôn giả Khemaka rằng Tôn giả đã chứng quả A-la-hán.

35. Mặc dù tất cả ba ấn bản của Tương Ưng BK mà tôi đã tham khảo (Miến-điện, Tích-lan và La-tinh) và cả hai ấn bản Luận giải Tương Ưng BK (Miến-điện và Tích-lan) đều đọc là asmi ti adhigatam, tôi nghi rằng đây là sự biến thái của ngôn ngữ xưa cổ mà nay đã trở nên thông dụng. Tôi đề nghị nên đọc là asmi ti avigatam. Đoạn kinh này làm rõ sự khác biệt giữa một bậc hữu học (sekha) và bậc A-la-hán. Trong lúc bậc hữu học đã đoạn trừ thân kiến và như vậy không còn nhận diện bất cứ phần nào trong năm uẩn như là một cái ngã, vị này vẫn chưa đoạn trừ được vô minh, khiến cho vị ấy vẫn còn sót lại lòng ngã mạn và tham dục về “tôi là” liên hệ đến năm uẩn. Ngược lại, bậc A-la-hán đã đoạn trừ vô minh, vốn là nguồn gốc của các tri kiến sai lầm, vì thế không còn nuôi dưỡng ý tưởng về “tôi” và “của tôi.” Những vị trưởng lão khác rõ ràng là chưa đạt được bất cứ cập bậc chứng đắc nào và vì thế không hiểu được sự khác biệt này, nhưng Tôn giả Khemaka ắt hẳn phải chứng được ít nhất là quả Dự Lưu (một vài luận gia nói rằng Tôn giả là vị Bất Lai) nên biết rằng việc đoạn trừ thân kiến chưa xóa sạch hoàn toàn cảm giác về nhân thân của mình. Thậm chí, đối với bậc Bất Lai, một “mùi vị chủ quan” dựa trên năm uẩn vẫn còn vương vấn trong các trải nghiệm của vị ấy.

36. Luận giải Tương Ưng BK: Diễn tiến tinh thần của một kẻ vô văn phàm phu cũng giống như một miếng vải bẩn. Ba sự quán chiếu (về vô thường, khổ và vô ngã) giống như ba chất tẩy uế. Diễn tiến tinh thần của một vị Bất Lai giống như miếng vải đã được giặt sạch bằng ba chất tẩy uế ấy. Những phiền não cấu uế cần được đoạn trừ đối với một vị đang trên đường tu tập hướng đến quả A-la-hán cũng giống như mùi của chất tẩy uế còn sót lại. Tri kiến về con đường đưa đến quả A-la-hán cũng giống như mùi hương ngọt ngào của chiếc tủ đựng vải, và sự đoạn diệt mọi phiền não cấu uế của con đường ấy giống như mùi chất tẩy rửa còn sót lại trên vải đã biến mất sau khi miếng vải được cất vào tủ.

37. Đó là, bên ngoài giáo lý của Đức Phật.

38. Theo như tôi hiểu, “đó là đích đến của họ... là mục tiêu cuối cùng”, tức là Niết-bàn. Ở đây, chúng ta có thêm một sự khác biệt chính yếu giữa một vị hữu học và một bậc A-la-hán: Vị hữu học thấy Niết-bàn, đích đến của năm căn, trong đó năm căn đạt đến đỉnh cao, với kết quả và mục tiêu cuối cùng; tuy nhiên, vị ấy không thể tự thân “tiếp xúc” với Niết-bàn, không thể thâm nhập trải nghiệm trọn vẹn Niết-bàn. Trái lại, bậc A-la-hán vừa thấy được mục tiêu cuối cùng, vừa có thể trải nghiệm trọn vẹn Niết-bàn ngay bây giờ và ở đây.

39. Đây là ba mươi bảy phẩm trợ đạo, bodhipakkhiyā dhammā, nghĩa đen là “những pháp liên quan đến giác ngộ”, nghĩa rộng hơn là “những pháp trợ giúp giác ngộ.” Về Tứ Niệm Xứ, xem chi tiết ở Kinh Văn VIII, 8, và Tương Ưng BK, ch.47. Tứ Chánh Cần là tương đương với chánh tinh tấn, về mục này, xem Kinh Văn VII, 2 và Tương Ưng BK, ch 49. Tứ Như Ý Túc là: định nương vào (1) dục (= dục định), (2) tinh tấn (= tinh tấn định), (3) tâm (= tâm định), (4) thẩm sát (= thẩm sát định), với sức mạnh của ý muốn nỗ lực tinh tấn; xem Tương Ưng BK, ch. 51. Ngũ Căn, xem Kinh Văn X, 1 (2); và Tương Ưng BK, ch. 48 để biết thêm chi tiết. Ngũ Lực cũng gồm năm chi phần giống như Ngũ Căn, nhưng với năng lực mạnh hơn. Thất Bồ-đề Phần (Bảy Chi Phần Giác Ngộ), xem Kinh Văn VIII, 9; và Tương Ưng BK, ch. 46. Bát Thánh đạo, xem Kinh Văn VII, 2; và Tương Ưng BK, ch 45.

40. Luận giải Trung Bộ Kinh nhận diện đây là tâm xả trong Tứ thiền. Luận giải Trung Bộ Kinh nói rằng Pukkusāti đã chứng được Tứ thiền và dính mắc sâu trong đó. Đức Phật trước tiên khen ngợi tâm xả này để khơi nguồn tự tin cho Pukkusāti, sau đó Ngài từ từ hướng dẫn Tôn giả đến chứng đắc các tầng thiền vô sắc và đạo lộ cùng đạo quả siêu xuất thế gian.

41. Ý nghĩa ở đây là: Nếu Tôn giả chứng được Không Vô Biên Xứ và qua đời trong khi còn ở trong tầng định này, Tôn giả sẽ tái sanh vào cõi trời Không vô biên và sẽ sống ở đó cho hết thọ mạng 20.000 kiếp dành cho cõi Trời ấy. Trong ba tầng vô sắc định cao hơn, thọ mạng được nói là 40.000, 60.000 và 84.000 kiếp theo thứ tự cấp bậc của các tầng định ấy.

42. Luận giải Trung Bộ Kinh: Điều này được nói với mục đích chỉ ra sự nguy hiểm trong các tầng thiền vô sắc. Với câu “Tâm xả này vẫn là hữu vi”, vị ấy chứng tỏ rằng: “Thậm chí thọ mạng ở đây là 20.000 kiếp, đời sống ở đây vẫn là hữu vi, được tạo tác, được xây dựng. Như thế, đời sống này vẫn vô thường, không ổn định, không vĩnh viễn, phù du. Đời sống ở đây phải chịu hủy diệt, vỡ vụn, và tan rã; nó vẫn còn dính líu đến sinh, già và chết, đặt trên nền tảng khổ đau. Đây không phải là nơi trú ẩn, là nơi an toàn, là nơi nương tựa. Sau khi chết ở nơi này như một kẻ vô văn phàm phu, người ấy vẫn bị tái sanh vào bốn cõi dữ.”

43. Hai động từ gợi lên khái niệm về ý chí như là một động lực xây dựng để tạo ra và duy trì hiện hữu hữu vi. Chấm dứt ý chí muốn hiện hữu hay không hiện hữu chứng tỏ sự chấm dứt khát ái về tồn tại mãi mãi hay đoạn diệt hoàn toàn.

44. Luận giải Trung Bộ Kinh nói rằng đến thời điểm này Pukkusāti đã thâm nhập được ba đạo lộ và đạo quả, trở thành vị Bất Lai. Tôn giả nhận thức rằng đạo sư của mình chính là Đức Phật, nhưng Tôn giả không thể bộc lộ nhận thức này bởi vì Đức Phật vẫn đang tiếp tục thuyết pháp.

45. Đoạn này trình bày vị A-la-hán đang an trú trong cảnh giới Hữu dư y Niết-bàn (sa-upādisesa nibbānadhātu); xem Kinh Văn IX, 5 (5). Mặc dù vẫn tiếp tục có cảm thọ, vị này không còn tham dục đối với lạc thọ, sân hận đối với khổ thọ, và si mê đối với cảm thọ trung tính.

46. Nghĩa là vị này vẫn tiếp tục có cảm thọ chỉ bao lâu mà thân và các căn vẫn còn hoạt động, nhưng không vượt quá giới hạn đó.

47. Điểm này nói về việc vị ấy chứng đắc Vô dư y Niết-bàn (anupādisesa nibbānadhātu)- sự chấm dứt mọi tồn tại hữu vi lúc vị ấy qua đời. Xem Kinh Văn IX, 5 (5)

48. Đoạn này chấm dứt phần giảng giải về nền tảng thứ nhất, nền tảng trí tuệ (paññādhitthāna). Luận giải Trung Bộ Kinh nói rằng tri kiến về việc đoạn tận mọi khổ đau là trí tuệ thuộc về quả A-la-hán.

49. Luận giải Trung Bộ Kinh nói đến bốn loại sở hữu (sanh y) ở đây: năm uẩn, phiền não cấu uế, các hành, và dục lạc giác quan.

50. “Những đợt sóng vọng tưởng” (maññussavā) như đoạn tiếp theo sẽ trình bày, là những ý tưởng và khái niệm bắt nguồn từ ba gốc rễ của vọng tưởng - khát ái, ngã mạn và các quan điểm. “Bậc Thánh tịch tịnh” là bậc A-la-hán.

51. Ý tưởng “Tôi sẽ là” và “Tôi sẽ không là” bao hàm các quan điểm thường hằng (vẫn còn tồn tại sau khi chết) và đoạn diệt (cá nhân sẽ đoạn diệt sau khi chết). Những quan điểm khác về việc có một hình sắc và hiện hữu vô sắc, đại diện cho hai kiểu tồn tại sau khi chết, có hình sắc và không có hình sắc; và bộ ba hữu thể có tưởng v.v.. là ba kiểu hiện hữu khác của đời sống sau khi chết, được phân biệt bởi mối quan hệ với tưởng hoặc ý thức.

52. Cái không còn có mặt trong vị ấy là lòng khao khát hiện hữu, vốn là nguyên nhân đưa đến một đời sống mới sau khi chết.

53. Satta saddhamma (bảy diệu pháp). Tín, tàm (biết hổ thẹn vì ác hạnh), quý (sợ hãi làm điều sai trái), học hỏi sâu rộng, tinh tấn, thành tựu niệm và tuệ. Xem Trung Bộ Kinh 53, tr 11-17.

54. Việc tu tập giới cao thượng, tâm cao thượng, trí tuệ cao thượng.

55. Mười chi phần này là tám chi phần của Bát Thánh đạo bổ túc thêm chánh trí và chánh giải thoát. Xem, Trung BK 65.34 và Trung BK 78.14.

56. Sự phân biệt ba mặt: “Tôi hơn người”, “Tôi bằng người”, “Tôi thua người.”

57. Rất có thể bhikkhu paññāvimutto (Tỷ-kheo tuệ giải thoát) ở đây phải được hiểu là vị đệ tử của bậc A-la-hán, chứ không đặc biệt muốn nói đến vị tuệ giải thoát (paññāvimutto) đế so sánh ngược với vị Câu phần giải thoát (ubhatobhagāvimutta).

58. Bài kinh này bao gồm trong kinh Đại Bát-niết-bàn (Mahāparinibbāna Sutta) (Trường Bộ Kinh II, 81-83), nhưng không có đoạn cuối. Một bài kinh kết hợp với nhiều chi tiết hơn là Trường BK 28.

59. Luận giải Tương Ưng BK nhận diện “về những phẩm hạnh” ấy là “những phẩm hạnh thuộc về định.”

60. Mười lực của Như Lai là những lực của thắng trí. Mười lực này được phân tích chi tiết trong Thanh Tịnh Đạo-803-31. “Bánh xe Phạm Thiên” là “Bánh xe Pháp” (Pháp luân).

61. Để biết thêm chi tiết, xem Trung BK 115.12-19.

62. Bộ Phân Tích giải thích: ‘khả năng’ là cảnh giới, hoàn cảnh, thời gian, và nỗ lực, là những yếu tố có thể hoặc ngăn cản hoặc làm vững mạnh kết quả. ‘Nhân’ chính là nghiệp. Minh kiến này của Đức Phật được giải thích trong Kinh Văn V, 1 (1)-(3).

63. Việc này nghĩa là minh kiến của Đức Phật về các kiểu hành xử đưa đến tất cả những thân phận tương lai trong vòng sinh tử, cũng như đưa đến giải thoát tối hậu. Xem Trung BK 12.35-42.

64. Bộ Phân Tích-813 giải thích rằng Ngài hiểu chúng sanh có những khuynh hướng hạ liệt hoặc cao sang, và chúng sanh tự nhiên thường kết giao với những người có khuynh hướng tương tự.

65. Bộ Phân Tích-814-27 cung cấp một phân tích chi tiết. Luận giải Trung Bộ Kinh nói rõ ràng hơn là Ngài biết căn tánh cao sang hay hạ liệt của chúng sanh.

66. Bộ Phân Tích-828: Ô nhiễm (sankilesa) là một yếu tố tạo nên sự hoại diệt; thanh tịnh (vodāna) là một yếu tố tạo nên sự xuất chúng; sinh khởi (vutthāna) là vừa thanh tịnh vừa vươn cao từ một chứng đắc. Tám giải thoát (vimokkha) có thể xem ở Trường Bộ Kinh 15:35, 16.3.33, Trung BK 77.22, 137.26, vv...; chín chứng đắc (samāpatti) là bốn thiền chứng sắc giới, bốn thiền chứng vô sắc, và sự đoạn diệt của tưởng và thọ.

67. Vesārajja. Luận giải Trung Bộ Kinh nói rằng đây là tên gọi niềm hoan hỷ khởi lên trong Ngài khi Ngài suy nghĩ về những vô sở úy của Ngài trong bốn trường hợp đó.

68. Luận giải Tương Ưng BK nói rằng những vị thiên là các bậc Thánh được loại trừ ra khỏi trải nghiệm này (= sự sợ hãi).

69. Luận giải Tương Ưng BK: “được bao gồm trong nhân dạng”: nghĩa là được bao gồm trong năm uẩn. Khi Đức Phật thuyết giảng Giáo pháp được ấn chứng với Tam vô lậu học, phơi bày những sai lầm trong vòng sinh tử luân hồi, những hiểu biết đó đã khiến cho các vị Thiên ấy sợ hãi.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Quy nguyên trực chỉ


Cảm tạ xứ Đức


Nghệ thuật chết


Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 34.203.242.200 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (395 lượt xem) - Việt Nam (119 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...