Người xưa nói: “Trong ba người cùng đi, chắc hẳn có người có thể làm
thầy ta.” (Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư.) Cho đến nay, đây vẫn có
thể xem là một trong những phương châm quý giá để noi theo trong cuộc
sống.
Sự học hỏi vốn không có giới hạn. Nếu chúng ta nhìn bất cứ vấn đề nào
với một quan điểm hạn hẹp, chúng ta sẽ tự mình giới hạn vấn đề ấy. Để
học hỏi và tiếp thu những tri thức mới, chúng ta không nên giới hạn môi
trường hay thời gian cũng như phương thức học hỏi. Nói cách khác, ta có
thể học hỏi với bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu và vào bất cứ lúc nào.
Tất nhiên là khi muốn học hỏi về một lãnh vực nào đó, ta phải tìm được
những bậc thầy có hiểu biết sâu rộng về lãnh vực ấy thì việc học mới
mong có kết quả tốt. Tuy nhiên, ngoài những kiến thức ở dạng “tập trung”
như thế, bạn không nên quên rằng trong cuộc sống còn có rất nhiều dạng
kiến thức “tản mác” nhưng cũng không kém phần giá trị.
Trong học tập, kinh nghiệm phân tích bài học được tiếp thu từ một người
bạn nhiều khi cũng quý giá không kém những lời giảng giải của thầy cô.
Chẳng thế mà tục ngữ đã có câu: “Học thầy không tày học bạn.”
Trong việc làm, học hỏi kinh nghiệm với một đồng nghiệp nhiều khi mang
lại cho ta những kiến thức mà ta chưa từng có được trong trường lớp.
Vì thế, nếu chúng ta có thể khéo léo học hỏi ở mọi nơi, mọi lúc, chúng
ta sẽ khai thác được rất nhiều vốn kiến thức quý giá trong cuộc sống.
Mặt khác, khái niệm học hỏi mà chúng ta sử dụng ở đây cũng không chỉ
giới hạn trong phạm vi tri thức, mà cả trong phạm vi đạo đức nữa. Khi
người xưa nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, chính là muốn nói đến
khía cạnh này. Gần gũi, tiếp xúc với một người bạn có tâm hồn phóng
khoáng và hay giúp đỡ người khác, bạn sẽ dần dần học hỏi được những đức
tính của người bạn ấy. Chính sự khâm phục nảy sinh từ việc nhìn thấy
những hành vi, thái độ tốt đẹp, cao cả của người khác sẽ có giá trị tạo
ra cho chúng ta động lực mạnh mẽ để vươn lên hoàn thiện những điểm yếu
kém của bản thân mình.
Nhưng sự học hỏi ở mọi nơi, mọi lúc cũng là một nghệ thuật khéo léo mà
không phải ai cũng có thể làm tốt được. Trước hết, bạn phải luôn luôn có
ý thức học hỏi, để sẵn sàng tiếp thu kiến thức trong mọi hoàn cảnh. Thứ
hai, bạn phải biết cách để có thể học hỏi từ người khác mà không làm cho
người ấy cảm thấy bực mình hay khó chịu. Thứ ba, bạn phải biết rèn luyện
đức khiêm tốn, luôn tôn trọng người khác và không bao giờ tự phô trương
bản thân mình, ngay cả khi bạn thực sự có được những ưu điểm hơn người.
Về điểm thứ nhất, bạn phải rèn luyện để có được thói quen luôn duy trì ý
thức học tập. Trong môi trường xã hội hiện đại này, ngay cả khi ngồi
nghe một bản tin qua máy thu thanh bạn cũng có thể bất ngờ học được một
điều đáng giá nào đó, thậm chí có thể đúng là điều mà bạn đang quan tâm.
Tham gia một câu chuyện ngoài lề, hoặc lắng nghe một nhóm bạn khác đang
tán gẫu... cũng đều có thể là những cơ hội học hỏi mà bạn không ngờ
trước. Nếu bạn nhớ lại vấn đề tiếp thu và chọn lọc tri thức mà chúng ta
đã bàn đến, bạn sẽ thấy là tất cả mọi hoàn cảnh, môi trường khác nhau
đều có thể là điều kiện để chúng ta học hỏi.
Về điểm thứ hai, bạn cần phải biết giữ thái độ tự nhiên thích hợp khi
thực sự muốn học hỏi điều gì với ai đó. Một thái độ thiếu tôn trọng tất
nhiên là không được hoan nghênh, nhưng ngay cả một sự đề cao thái quá
cũng có thể làm cho người kia thấy khó chịu và do đó sẽ không còn bộc lộ
vấn đề một cách tự nhiên nữa. Trong phần lớn các trường hợp, một thái độ
lắng nghe với sự chú ý thành thật có thể là phương cách thích hợp nhất
để khuyến khích người khác bộc lộ kiến thức.
Về điểm thứ ba, bạn có thể hình dung như hai đĩa cân của một cái cân
đĩa. Khi đĩa cân bên này nặng hơn trĩu xuống thì tất yếu là đĩa cân bên
kia phải nâng cao lên. Cũng vậy, trong khi tiếp xúc với mọi người, nếu
bạn phô trương quá nhiều về bản thân mình, thì điều đó sẽ có ý nghĩa như
là hạ thấp giá trị của những người khác xuống. Sẽ không mấy ai có hứng
thú để bộc lộ những điều mình biết trong một bối cảnh như thế.
Mặt khác, bạn có thể nói chuyện với ai đó hàng giờ đồng hồ mà chẳng học
hỏi được gì, vì phần lớn thời gian đó đã bị bạn chiếm lấy để phô trương
chính mình. Nhưng bạn có thể học hỏi được khá nhiều điều chỉ trong một
buổi tiếp xúc chừng mười lăm, hai mươi phút, nếu như bạn biết lắng nghe
trong thời gian đó và khuyến khích người kia bộc lộ kiến thức, thay vì
là phải bực dọc ngồi nghe sự phô trương của bạn. Một lần nữa, biết lắng
nghe người khác với sự chú tâm chính là thái độ học hỏi thích hợp nhất.
Cũng trong điểm này, cần nói thêm về thái độ tôn trọng người khác một
cách thành thật. Đây cũng là một yếu tố quan trọng giúp người khác cảm
thấy thoải mái hơn khi nói chuyện với chúng ta. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây
một sự tôn trọng thành thật chứ không phải là giả tạo, gượng ép. Bởi vì,
bằng vào trực giác, mỗi chúng ta luôn có khả năng cảm nhận được sự tôn
trọng của người khác đối với mình là thành thật hay giả tạo. Và một thái
độ giả tạo tất yếu sẽ không thể mang lại điều gì tốt đẹp cả. Nếu bạn
thực sự hiểu được câu “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư” như tôi vừa
dẫn trên, bạn sẽ biết cách tôn trọng người khác một cách thành thật chứ
không giả tạo. Có thể phát biểu câu này theo một cách khác nhấn mạnh và
dễ hiểu hơn là: “Bất cứ ai cũng có thể có một điều gì đó để chúng ta học
hỏi.” Với kinh nghiệm của bản thân tôi, đây là một câu nói hoàn toàn
chính xác mà không có gì là cường điệu cả. Bởi vì trong thực tế, tôi đã
từng học hỏi được không ít từ chính những học trò của mình.
Có ý thức học hỏi và biết cách học hỏi ở mọi lúc, mọi nơi là một bí
quyết vô giá trong cuộc sống. Có được bí quyết này, bạn sẽ thấy khả năng
học hỏi của mình được mở rộng và dễ dàng hơn rất nhiều. Ngày còn theo
học đại học Anh ngữ, thỉnh thoảng tôi thường lang thang ra bãi biển để
bắt chuyện làm quen với những khách du lịch nước ngoài. Đôi khi tôi mời
họ một ly nước, đôi khi chỉ đứng trò chuyện với nhau trên bãi cát...
Nhưng những lần tiếp xúc ấy giúp tôi học hỏi và rèn luyện được rất
nhiều, hơn cả những buổi học trong trường lớp. Cũng có thể nói thêm một
điều là, cách học này rẻ tiền hơn nhiều, phải không các bạn?