Giọng đọc: Trường Tân
Nhà Sư: Thọ trong tiếng Pali là Vedanā. Vedanā xuất phát từ căn “Vit” có nghĩa là “nhận”, “lãnh”. Như vậy, Thọ được hiểu là hưởng cảnh, hưởng đối tượng hay kinh nghiệm trọn vẹn đối tượng.
Thọ bao gồm có Thọ trên thân và Thọ trên tâm. Cảm xúc không phải là Thọ mà là một trạng thái phản ứng của tâm. Ban đầu Thọ hưởng trọn vẹn đối tượng, sau đó sẽ là sự xen vào của cảm xúc.
Lấy một ví dụ về tâm sân: mỗi khi có tâm sân là thọ ưu đã kinh nghiệm trọn vẹn rồi, nhưng bên cạnh đó còn một trạng thái tâm khác muốn loại bỏ đối tượng đó, đó là trạng thái sân (tâm sở sân – dosa). Thọ thì kinh nghiệm trọn vẹn đối tượng, còn dosa lại muốn đẩy đối tượng ra. Thọ ưu và trạng thái tâm sân không giống nhau mặc dù hễ tâm sân có mặt thì thọ ưu có mặt.
Do đó, khi quan sát nhận diện được Thọ thì chúng ta cũng phát hiện được phản ứng của tâm dựa trên cơ sở của Thọ. Đầu tiên Thọ có mặt, sau đó là tiến trình tâm phản ứng, dĩ nhiên là tiến trình này rất nhanh. Mặt khác cũng cần hiểu rằng cứ có tâm là có Thọ, biết được Thọ thì cũng biết được tâm và ngược lại.
Có ba loại Thọ: Thọ lạc, Thọ khổ, Thọ không khổ không lạc. Thọ lạc và Thọ khổ lại được phân tách thành 2 loại: thuộc về vật chất và không thuộc về vật chất.
Đối với thọ lạc: trú thì lạc, biến hoại thì khổ.
Đối với thọ khổ: trú thì khổ, biến hoại thì lạc
Đối với thọ không khổ không lạc thì có trí là lạc, vô trí là vô minh là khổ.
Tiềm ẩn của Thọ lạc là tham, tiềm ẩn của Thọ khổ là
sân.
Nói đến Thọ lạc, có nhữngThọ lạc xuất phát từ dục và có những Thọ lạc không liên quan đến dục (ly dục). Đối với Đức Phật, đó là ly dục, ly ác pháp - một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh có tầm có tứ.
Thiền sinh: Thưa Sư, làm sao để nhận biết được thọ xả, điều đó rất khó?
Nhà sư: Khi thọ này có mặt thì thọ kia không có mặt, nghĩa là khi Thọ xả có mặt thì Thọ khổ và Thọ lạc không có mặt, khi Thọ khổ và Thọ lạc không có mặt thì đó là Thọ xả.
Thọ xả có hai trường hợp: Có trí là lạc và vô trí là khổ, vô minh tiềm ẩn ở đó. Nếu không biết được sự sinh khởi cuả Thọ xả là vô minh; ngược lại, biết được sự sinh khởi của Thọ xả, đó là minh.
Không phải dễ dàng nhận ra Thọ xả. Có trường hợp là Thọ xả nhưng không có sự nhận biết rõ ràng vì trong đó tiềm ẩn vô minh, vô minh tùy miên anusaya. Nhưng nếu luôn luôn có sự tỉnh thức hiểu biết rõ ràng thì đó là minh.
Thiền sinh: Trong hành thiền có những cảm giác thư giãn, nhẹ nhàng…vv. Vậy con nên có quan điểm như thế nào về những cảm giác đó thưa Sư?
Nhà Sư: Có những môn phái không chấp nhận quan điểm hạnh phúc xuất phát từ hạnh phúc, họ chủ trương rằng hạnh phúc phải được kiếm tìm từ đau khổ. Đức Phật không chủ trương như vậy.
Đức Phật vẫn nói về vị ngọt của thọ. Đó là trong trường hợp ly dục, ly ác pháp. Nhưng vị ngọt đó vẫn có sự nguy hiểm, đó chính là sự tham đắm, nắm giữ những cảm thọ này. Điều phục tham đối với cảm thọ đó là xuất ly. Đoạn trừ dục tham đối với cảm thọ, đó là xuất ly.
Thiền sinh: Con nghe nói cần phải Diệt Thọ, cần hiểu câu nói này thế nào thưa Sư?
Nhà sư: Chúng ta biết trong Thập Nhị Nhân Duyên (TNND) thì duyên Thọ thì Ái sinh, duyên Ái thì Thủ sinh. Trong Kinh Đại Duyên, Đức Phật bóc tách thêm một vấn đề theo một cách nữa: do có Thọ thì Ái sinh. Có Ái thì có tầm cầu, do thấy lợi nên chúng ta đi đến quyết định làm sao có được lợi đó. Từ quyết định đó dẫn tới sự đắm trước, chấp trước vào đó, rồi tham dục dính mắc sinh khởi. Khi sở hữu rồi chúng ta nắm giữ, hà tiện, không chia sẻ, không san sớt cho ai. Từ hà tiện dẫn tới thủ hộ (bảo vệ, che chắn).
Diệt Thọ không phải là hủy diệt, tiêu trừ các cảm thọ, mà diệt thọ là quan sát thọ chỉ là cảm thọ mà thôi. Nếu chúng ta chỉ ghi nhận và quan sát Thọ thì Thọ sẽ sinh khởi và diệt đi theo đúng bản chất của nó, do đó sẽ không dẫn tới Ái. Ngược lại, nếu không quan sát thấy được tiến trình đó thì Thọ sẽ dẫn tới Ái rồi chấp thủ cũng từ đó mà sinh ra.
Chấp thủ là bảo vệ những thành quả của mình có được, là chấp trước, chấp kiến, tranh đấu, đấu khẩu, ác khẩu, vọng ngữ,…Tất cả bất thiện pháp từ đó mà sinh khởi.
Gốc của vấn đề là Thọ. Theo TNND, người ta quan sát Thọ một cách đúng đắn nên Thọ diệt thì Ái diệt, bất kỳ khi nào tận diệt hoàn toàn Ái dục là thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Thiền sinh: Thưa Sư, đâu là các điều kiện để phát sinh trí tuệ?
Nhà Sư: Sư sẽ trích dẫn Kinh Đại Phương Quảng, thuộc Trung Bộ Kinh số 43, là cuộc đối thoại giữa ngài Xá Lợi Phất và ngài Mahakotthita. Trong đó ngài Xá Lợi Phất trả lời cho ngài Mahakotthita:
“Ở đây, này Hiền giả, chánh tri kiến có giới hỗ trợ, có văn (Suta) hỗ trợ, có thảo luận hỗ trợ, có chỉ (Samatha) hỗ trợ, có quán (Samadhi) hỗ trợ. Này Hiền giả, chánh tri kiến được hỗ trợ bởi năm chi phần này để có tâm giải thoát quả, tâm giải thoát quả công đức, tuệ giải thoát quả và tuệ giải thoát quả công đức”
Nói theo cách khác thì có hai nhân duyên để giúp cho Chánh Kiến sinh khởi: tiếng nói của người khác tức là giúp chúng ta có thông tin đúng đắn, thứ hai là có tác ý chân chánh hay là như lý tác ý.