Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Đừng cư xử với người khác tương ứng với sự xấu xa của họ, mà hãy cư xử tương ứng với sự tốt đẹp của bạn. (Don't treat people as bad as they are, treat them as good as you are.)Khuyết danh
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Hiểu về trái tim »» Nhìn lại »»

Hiểu về trái tim
»» Nhìn lại

Donate

(Lượt xem: 3.756)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Hiểu về trái tim - Nhìn lại

Font chữ:

Nhìn lại thân mình

Có một ông lão mù ngồi xin ăn lặng lẽ bên vệ đường. Phố xá đông đúc người qua lại nhưng ai nấy cũng vội vàng nên chẳng mấy ai để ý đến ông lão, mặc dù bên cạnh ông lão có để một tấm biển lớn “Xin mở lòng từ bi, tôi đã bị mù” (Have compassion, I am blind). Mãi đến xế trưa, bỗng có một anh chàng thương gia trẻ ăn mặc sang trọng tiến gần lại, ông lão nghe bước chân sát cạnh mình liền đưa bàn tay sờ lên đôi giày của anh ta và lòng mừng rỡ vì nghĩ hôm nay chắc mình sẽ không bị đói. Nhưng anh chàng thương gia không móc tiền cho ông lão mà anh ta lại lấy viết ra ghi cái gì đó phía sau tấm biển giấy.

Ông lão thất vọng vì anh chàng cũng vô tình quay gót như bao người khác, nhưng không bao lâu thì bỗng dưng chiếc lon của ông lão lại vang lên những tiếng rang rảng của những đồng xu và cả những tờ giấy bạc của những người qua đường. Ông lão sờ lên chiếc lon đầy ắp tiền lòng vừa mừng khôn xiết và cũng không kiềm chế nổi sự ngạc nhiên. Vài giờ sau anh chàng thương gia trẻ kia quay lại kiểm tra, ông lão sờ lên đôi giày sang trọng thì biết là người dừng lại ban nảy nên ông gạn hỏi ngay anh đã viết gì trên tấm biển kia. Anh chàng vỗ vai ông lão nói rằng anh ta cũng viết với nội dung như vậy nhưng từ ngữ có khác đi đôi chút, rồi anh ta vui vẻ bước đi. Câu ấy là “Hôm nay là một ngày nắng đẹp, nhưng tôi không nhìn thấy được” (Today is a beautiful day, but I can not see it).

Câu viết đơn giản ấy như một tiếng chuông vang lên nhắc nhở mọi người hãy dừng lại để ý thức có một thực tại rất mầu nhiệm đang xảy ra, đó là một ngày nắng đẹp. Nếu ai đã sống trong những ngày tháng mùa đông âm u lạnh giá thì chắc chắn sẽ rất yêu quý một ngày nắng đẹp như thế. Nhưng ta vì có nhiều thứ phải lo toan và nắm bắt quá nên ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội với sự sống. Thì đây, một tấm biển của một ông lão mù đã làm cho ta không chỉ ý thức về một ngày nắng đẹp đang lên, mà còn nhắc nhở rằng ta đang có một đôi mắt sáng. Đó là một thứ tài sản vô giá mà biết bao người không có được. Một đôi mắt có thể nhìn thấy trời xanh mây trắng, có thể thấy muôn màu muôn vẻ trên thế gian này. Còn gì khổ cho bằng ta không thể nhìn thấy được chính mình và cả người thương của mình. Nhưng nhiều khi vì tham vọng mà ta cứ lầm lũi lao tới phía trước, không nhận biết được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta thì ta đâu khác gì một kẻ mù.

Dường như đã từ lâu rồi ta đánh mất thói quen nhìn lại mình. Ta cứ lo đuổi bắt những đối tượng bên ngoài hay trong xa vời vì ta tin tưởng rằng hạnh phúc của mình nằm ở nơi đó. Nhiều lần thất vọng khi phát hiện ra chúng chỉ là những cảm xúc sung sướng trong nhất thời chứ không phải là hạnh phúc chân thật, nhưng ta vẫn cố chấp lao tới tìm kiếm cho bằng được, vì chung quanh ta ai cũng làm như vậy, ta không thể thua sút. Nhưng có một đôi mắt sáng chẳng phải là một điều kiện hạnh phúc hay sao? Ta sẽ làm gì với tất cả những tài sản và danh vọng mà ta giành lấy được khi ta không còn nhìn thấy chúng được nữa. Mà ta đâu chỉ có mỗi đôi mắt là quý giá, hãy nhìn kỹ lại hình hài của mình từ trên đầu xuống dưới bàn chân, ta sẽ thấy tất cả những gì mình đang có đều là điều kiện căn bản của hạnh phúc cả, không có nó ta sẽ không cảm nhận được thứ hạnh phúc nào nữa.

Nếu đã xác nhận nó là hạnh phúc thì tại sao ta không trân quý giữ gìn, lại bỏ bê và thậm chí còn đày ải nó đến kiệt sức để đạt được những thứ hạnh phúc khác. Đó có phải là hành động khôn ngoan không? “Hôm nay là một ngày nắng đẹp” là một câu xác định, phải đứng ngay trên đất của thực tại, không còn chạy lăng xăng, phải dừng lại thực sự để tiếp xúc thì ta mới phát biểu được như thế. Cho nên muốn nhìn lại thì điều kiện tiên quyết là phải dừng lại, không dừng lại thì sẽ không nhìn thấy gì cả, hoặc sẽ thấy rất mù mờ và có thể sẽ sai lệch. Dừng lại để tiếp nhận giá trị sâu sắc bên trong, thay vì lao tới để nắm bắt những cái cạn cợt bên ngoài, đó đâu phải là thái độ sống của một người thiếu thực tế. Nếu đã thấy rõ ta không được gì từ bên ngoài hãy tìm về nơi chính ta đi, ta vốn có sẵn một kho tàng hạnh phúc to tát kìa. Mà nhiều khi ta không nắm được cái bên ngoài chính vì ta không có khả năng nắm cái bên trong, nói cách khác, nắm được bên trong thì mới có hy vọng nắm được bên ngoài. Song, người sống được với chính mình thì lại hay khước từ nắm cái bên ngoài.

Vậy để nhìn lại những gì mình đang có thì ta buộc phải dừng lại, không thể dừng lại tất cả thì dừng lại bớt, phải có thái độ buông bỏ bớt những điều kiện hấp dẫn lôi kéo bên ngoài, phải thu gọn lại những đòi hỏi từ nơi đối tượng khác, dồn năng lượng về phía mình để trở về tiếp quản lại gia tài thân tâm mình. Có thể nó đang xuống cấp trầm trọng, nhưng ta đừng nao núng, cũng đừng phiền trách hay áp đặt nó. Lỗi thường xảy ra là ta bỏ bê chúng cho đã, rồi khi quay về ta lại tỏ thái độ không chấp nhận, lại muốn nó phải như thế này thế kia. Chấp nhận là điều kiện cần phải có trong tiến trình chăm sóc thân tâm. Đó là lỗi của ta, là kết quả của quá trình sống thiếu tỉnh thức của ta, ta không chấp nhận là ta quá tham lam. Cái gì tốt đẹp ta cũng đều muốn cả mà không chịu chăm sóc giữ gìn.

Trở về thân tâm phải có thái độ nhẹ nhàng hòa nhã thì ta mới có thể hiểu được tình trạng thật của nó. Ta hãy để ý lại bước chân của mình khi bước lên cầu thang, khi đi vào công ty hay dạo trên phố, thay vì cứ ngó dáo dác chung quanh hoặc suy nghĩ lung tung đến chuyện khác. Đi cũng là một sự sống, cũng là một điều kiện của hạnh phúc, cũng là một phần của cái tôi. Một ngày kia khi mình không thể sử dụng đôi chân được nữa thì có thể tương lai sự nghiệp của mình cũng sẽ sụp đổ theo, vậy nên, mình hãy đi cho đàng hoàng tử tế. Mình phải đối xử tử tế với chính mình trước thì mới hy vọng đối xử tử tế với người khác một cách thật lòng. Ta hãy cảm nhận bước chân của mình đi, hãy bước đi với tư cách của một kẻ tự do hạnh phúc nhất trên đời, và hãy nở nụ cười hạnh phúc vì mình còn làm được điều đó. Đi trong tỉnh thức như thế bước chân ta sẽ trở nên mềm mại và đĩnh đạc hơn, năng lượng bình yên trong ta sẽ thoát ra và sẽ ôm lấy mặt đất vốn đã bị rạn nứt quá nhiều vì những bước chân căng thẳng, mưu toan và đầy thù hận của con người.

Ta hãy tập thêm cho mình thói quen nhìn như đang nhìn, đóng cánh cửa như đang đóng cánh cửa, đưa tay bưng chén trà như đưa tay bưng chén trà, nở nụ cười như đang nở nụ cười, mở lời nói như đang mở lời nói…chứ không mang theo bất cứ một ý niệm nào, dù là thái độ yêu thích hay ghét bỏ. Loại bỏ bớt những thái độ không cần thiết trong mỗi động thái cử chỉ ở mọi lúc mọi nơi thì đó là một thái độ quay về đúng đắn. Thái độ ấy sẽ giúp ta có một kỹ năng nhạy bén và vững vàng để đi vào lĩnh vực tâm hồn, một khu vườn kỳ bí mà không phải ai cũng đủ khả năng khám phá được sự thật của nó. Ta phải nhìn lại một cách thành công từ những cái thô thiển nhất thì ta mới hy vọng tiếp xúc được những cái tinh tế nhất. Nếu ta không ý thức được bước chân, giọng nói hay hơi thở một cách thuần thục thì ta đừng trông mong nhìn thấu nổi những tâm lý phức tạp như buồn tủi, cô đơn, tuyệt vọng của mình. Điều này phải cần đến một quá trình trải nghiệm, sự thông minh đành phải nhường chỗ cho lòng kiên nhẫn và cả sự từ tốn với chính mình.



Nhìn lại tâm mình

Cảm xúc (emotions) là một phần của tâm, nó là những chuỗi phản ứng yêu thích cái này ghét bỏ cái kia cứ tuôn chảy bất tận trong tâm như một dòng thác đổ. Ta có bao giờ để ý đến phản ứng khó chịu khi đi ngoài trời tuyết lạnh hay thích thú khi bưng uống chén trà nóng không? Hay ta cứ mãi bận lòng chống đối cái lạnh hay mân mê cái ấm mà bỏ qua một sự thật quan trọng là dòng cảm xúc đang chi phối mình. Chính nó quyết định cho thái độ sống của mình chứ không phải đối tượng bên ngoài. Nếu mình kịp thời nhận ra cảm xúc ấy là phi lý, thời tiết mùa đông thì phải lạnh, mình phải chấp nhận sự thật đó như một lẽ đương nhiên rồi tìm cách để bảo vệ cơ thể chứ mình không khó chịu hay ghét bỏ nó. Buông bỏ được thái độ chống đối đó thì ta sẽ đi dưới tuyết một cách rất an nhiên, có khi ta sẽ cảm thấy tuyết rất đẹp và là một phần tất yếu của sự sống nữa.

Uống chén trà ấm cũng vậy, nếu mình thấy được sự yêu thích đang diễn ra trong tâm và sắp mở lời tấm tắc ngợi khen thì hãy dừng lại và buông bỏ thái độ ấy. Đừng dễ dãi để cho hạt giống yêu thích bị kích hoạt như thế, nếu không, sau này với những đối tượng lớn hơn và có tính chất trả giá đắt hơn thì ta sẽ không cưỡng lại nổi. Uống trà với một tâm hồn tinh khiết, cảm nhận hương vị của nó một cách trọn vẹn mà không nhận xét hay phê phán thì ta sẽ đạt tới đỉnh cao của sự thưởng thức. Đành rằng yêu ghét là bản năng tự vệ tự nhiên của con người, không ai có quyền ngăn cấm ta yêu ghét cả, nhưng ta nên xét lại tất cả những phản ứng tự vệ ấy đều hợp lý và cần thiết hết chăng, hay chúng chỉ là sự nông nổi nhất thời của cái tôi ích kỷ và thiếu hiểu biết. Người sống từng trải thường nhận ra được chân lý sống là càng bớt yêu thích và ghét bỏ thì sẽ càng nắm được hạnh phúc, vì hạnh phúc có từ nơi tâm hồn bình yên, dừng lại mọi lao xao tranh đấu bên ngoài.

Phần lớn cảm xúc bắt nguồn từ tâm tưởng (perceptions) quá phong phú của ta. Tâm ta như một anh chàng họa sĩ tài ba, có khả năng vẽ vời đủ mọi cảnh tượng từ hấp dẫn đến rùng rợn và có khi phóng đại quá xa với thực tế. Người ta mới nhìn mình chăm chú là mình tưởng họ yêu thích mình, người ta mới nhắc nhở một câu là mình nghĩ họ căm ghét mình. Mình mới có tài sơ sơ mà tưởng là quá giỏi nên cứ muốn đội đá vá trời. Hoặc mình thật sự có tiềm năng nhưng vì thất bại đôi lần là mình không còn tin tưởng bản thân nữa, mình tưởng mình vô dụng và chắc ai cũng nghĩ mình như vậy. Đó là chứng bệnh hoang tưởng, một trong những hội chứng đáng báo động nhất của thời đại. Con người bây giờ đang dần đánh mất khả năng hiểu biết và tin tưởng chính mình nên họ sống mòn trong mộng tưởng. Đúng là không có trí tưởng tượng thì không có nền văn minh của nhân loại, nhưng một khi nó vượt qua mức kiểm soát của đạo đức thì sẽ trở thành đại họa. Biết bao cuộc tình gãy đổ, huynh đệ tương tàn, chiến tranh khốc liệt cũng vì mộng tưởng điên đảo của con người. Khi mộng tưởng vỡ tan thì sự ăn năn đã không còn kịp cứu rỗi.

Người sống tỉnh thức là phải luôn phát hiện kịp thời những hình ảnh đang được xây dựng trong tâm mình, đó là một quá trình được góp nhặt từ những dữ kiện mà chính ta trải nghiệm hoặc tích lũy từ kinh nghiệm của kẻ khác. Công trình xây dựng ấy có thể nhồi nặn ra một dự án hay một tương lai rất tốt đẹp và khả thi nếu nó được sự hỗ trợ chặt chẽ của tâm an định và tâm hiểu biết. Và nó sẽ trở thành thứ vọng tưởng làm não loạn tâm thần hay tiêu phá đến khánh tận năng lượng và trí tuệ sáng tạo của ta nếu nó được hình thành từ những tham vọng cuồng nhiệt mà bất chấp mọi hậu quả. Cả hai tiến trình ấy ta đều quan sát, tìm ra nguyên nhân gốc rễ và những điều kiện hợp tác để hình thành. Cần thiết thì ta hãy tháo gỡ guồng máy đó để trả tâm hồn ta trở về vị trí bình yên và nhẹ nhõm. Nên nhớ trong quá trình nhìn lại tâm tưởng, ta vẫn không mang theo thái độ chê trách, phẫn nộ hay áp đặt. Hãy để yên đó và im lặng quan sát, từ khi nó hình thành đến tan rã.

Ngoài ra ta còn phải có trách nhiệm nhìn lại những tâm hành (mental formations) của mình. Từ những tâm hành tốt như là nhường nhịn, chấp nhận, tha thứ, thương yêu đến những tâm hành xấu như là ích kỷ, giận hờn, kỳ thị, thù hận, ta đều luôn nhận diện ra mặt mũi của chúng khi chúng phát hiện lên trên bề mặt ý thức. Với sự quan sát tinh tế, ta còn có thể phát hiện ra nguyên nhân nào khiến những hạt giống ấy từ trong chiều sâu tâm thức trồi đầu ra, có thể do ta bất cẩn để cho hoàn cảnh tưới tẩm hay do những phiền não khác trong tâm kích hoạt vào chúng, biến chúng thành những tâm hành, rồi tạo nên những hành động mà ta phải chịu trách nhiệm. Dù lý do nào, ta cũng nhận diện và quan sát với tâm bình thản. Nếu không phải đối phó trình diễn với ai, ta nên để cho chúng phát hiện hết mức để ta nhìn thấy rõ chân tướng thì ta mới có cơ hội đào xới chúng tận gốc. Dùng ý chí để can thiệp chỉ nên là trường hợp bất đắc dĩ thôi, dùng nhiều quá thì ta chỉ trấn áp được trong nhất thời nhưng tương lai nó sẽ trở lại mà ta bất giác vì cứ ngỡ mình đã chiến thắng.

Nếu lúc nào ta cũng nhìn lại cảm xúc, tâm tưởng và tâm hành của mình thì ta sẽ không còn lo sợ của những loại vi khuẩn độc hại tàn phá tâm ta mà ta không hay biết. Ta sẽ không còn thốt lên những câu nói “Tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại làm như vậy”, hay “Tôi muốn mở lòng ra chấp nhận nhưng tôi làm không được”. Chìa khóa làm chủ bản thân bắt đầu từ chỗ đó. Khi làm chủ được bản thân mình thì ta sẽ dễ dàng làm chủ cuộc đời mình. Một điều kỳ diệu là khi ta trở về làm mới thân tâm mình, lấy bớt những chất độc vốn đã tích tụ từ lối sống thiếu tỉnh thức vừa qua thì ta sẽ nhìn lên mọi đối tượng bằng một con mắt khác. Ta sẽ nhìn thấy cánh rừng mùa thu tuyệt đẹp chứ không phải là sự tàn tạ, ta sẽ thấy nụ cười bé thơ dễ thương như thiên thần chứ không phải phiền toái, ta sẽ thấy người thương của ta là mầu nhiệm chứ không phải là oan trái. Đó mới là cái nhìn đúng đắn.

Sự thật là tâm ta như thế nào thì ta sẽ dệt lên đối tượng như thế ấy. Trong quá khứ, vì không biết rõ sự thật này nên ta cứ đổ thừa hoàn cảnh và gắng sức thay đổi chúng, và ta đã thay đổi không biết bao lần rồi mà rốt cuộc khổ đau vẫn chưa hề thuyên giảm. Vậy khi ta đã tạo được thói quen quan sát thân tâm mình một cách thường trực và nhạy bén thì bấy giờ ta nên nhìn lại những đối tượng mà trước đây ta đã từng ghét bỏ hay muốn loại trừ. Dưới ánh sáng mới của tâm thức, những thành kiến trong ta đã rơi rụng, ta sẽ nhìn họ với lăng kính nhận diện đơn thuần (mere recognition), nhìn như họ đang là chứ không phải như chính tâm trạng hay cảm xúc ta đang là, thì chắc chắn ta sẽ thấy rõ được nguyên nhân sâu xa nào khiến họ trở nên như vậy. Chừng hiểu ra được gốc rễ nguồn cơn, ta sẽ cảm thông và chấp nhận dễ dàng, đôi khi ta còn rất biết ơn họ đã giúp ta có những bài thực tập gian nan mà cũng thật giá trị. Thế mới nói, một nhận thức đúng đắn có thể tái thiết lập nền hòa bình ngay lập tức. Tất cả đều do tâm mà ra.

Cho nên làm gì thì làm, ta cũng đừng bao giờ quên nhìn lại mình như một bổn phận không thể thiếu giữa một cá thể đối với một cá thể, hay một cá thể đối với đoàn thể hoặc đại thể. Như lời nhắc nhở của thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ vào thời nhà Trần nước ta: “Phản quang tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Nhìn lại mình là bổn phận của mỗi người, vì nó có thể làm cho mình có bình an và hạnh phúc chân thật, mọi sự tranh đấu chỉ đem lại sự thỏa mãn nhất thời, đuổi theo nó để nắm bắt thì chẳng được gì đâu!

Tâm ý đã mệt nhoài
Thương ghét mãi chưa nguôi
Dừng nói năng phân biệt
Tôi tìm về chính tôi

    « Xem chương trước «      « Sách này có 29 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.227.10.102 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...