Bây giờ là 21 giờ ngày 28 tháng 5 năm 2009, tôi nói đây:
Sau 3 ngày đứng lớp đào tạo chuyên viên tư vấn công nghệ, chiều nay người đầy gió, bầm tím cả người, căng thẳng, mỏi mệt. Tôi chạy về nhà, leo lên phòng thiền, tập phương pháp điều phục cảm xúc, một phương pháp mà sáng nay tôi mới đào tạo, gọi là “phương thức làm việc của Titan”.
Có thể nói đây là những kỹ năng, những phương thức làm việc tiên tiến nhất của Titan. Chỉ 30 phút ngồi thiền cũng đủ lấy lại năng lượng dồi dào. Đẩy căng thẳng ra ngoài, ngồi vào bàn làm việc trong trạng thái thư thái, thân tâm nhẹ nhàng.
Trong một tuần qua xử lí quá nhiều công việc. May mắn có cô cộng sự mới vào, hỗ trợ setup bộ phận CE phối hợp làm việc như cặp tiền đạo ăn ý. Đã 7 năm nay, tôi làm việc một mình một bóng, không thư kí, không trợ lí. Đôi lúc nhìn lại khối lượng công việc và các dự án mình đã làm, cũng không hiểu nổi thời gian, công sức đâu mà làm được như vậy.
Nhìn đi nhìn lại thì toàn là những dự án cho cộng đồng nhiều hơn. Chia sẻ với mọi người nhiều hơn là vun vén cho gia đình cá nhân của mình.
Ngày đầu tiên bước xuống Vũng Tàu kinh doanh vào năm 2002, tuyên bố một cách hùng hồn trước các nhà đầu tư: “10 năm sau tôi sẽ là người giàu nhất Vũng Tàu.” Qua 7 năm, tổng kết lại gần hết chặng đường rồi. Câu tuyên bố trên nhảm nhí mà cũng không nhảm nhí. Không đúng mà lại thấy đúng. Cái nhận được ngoài tầm mong đợi và vượt xa lời tuyên bố trên về vật chất, nhưng về phẩm lượng thì chưa. Sự giàu có đích thực không nằm ở con số vật chất nắm bắt được. Điều đáng nói ở đây phải là một sự giàu có từ bên trong, sự phát hiện và khai thác một mỏ vàng từ bên trong. Sự thật thà, lòng trung thực, chia sẻ, yêu thương... là những phẩm tính tạo ra sự giàu có đích thực, sự giàu có bền vững, đem lại lợi lạc, hạnh phúc cho chính bản thân ta và cho cả cộng đồng. Những phẩm tính ấy cần phải được đào bới lên, đem ra mà trưng bày, mà sử dụng triệt để.
Gần đây tôi đọc các cuốn sách trên kệ của ông ngoại. Ông là một y tá quân y, về hưu làm công việc hớt tóc. Không có khách thì ông đọc sách kinh, có khách thì ông chia sẻ những gì đã đọc. Tiền hớt tóc được bao nhiêu, ông đi mua sách đọc tiếp. Cứ như thế mà ông đọc không biết bao nhiêu cuốn kinh sách.
Ông đọc cẩn trọng, tỉ mỉ, ghi chép và đánh dấu những chỗ hay. Ông quý sách, bao bọc từng cuốn một. Đọc lại từng trang sách mới thấy ông đọc kỹ quá. Các cuốn sách này tôi thấy từ lâu nhưng ít bao giờ sờ tới. Ngày trước tôi còn mải mê với sách của Nguyễn Hiến Lê, sách học làm người, sách về văn hóa, văn hóa phương Đông, hay sách về các nhà kinh tế, những tỷ phú...
Tôi hay dùng các tư tưởng của Khổng Giáo để luận chứng và biện luận với ai đó. Tôi còn nhớ, khi nhà văn Nhị Tường bày Phật Pháp ra thì tôi lôi Khổng Giáo vào. Tôi là nhà hùng biện từ thời đi học cấp 2, 3, cộng với lối tư duy logic của nhà toán học thì khó có cuộc tranh luận nào lôi tôi đi đâu được.
Tôi thấy khi tôi khởi lên thì nhà văn Nhị Tường im lặng không nói gì. Ông tôi cũng vậy. Bạn tôi cũng thế. Tôi thích lời khuyên của Khổng Tử “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, điều gì mình không thích thì đừng làm cho người khác. Cũng tu thân được, làm điều tốt được, trở thành người tốt được. Nhưng sai vẫn cứ sai, khổ vẫn cứ khổ. Làm người tốt riết rồi thấy vẫn chưa đủ.
Mẹ tôi là người tốt, ông tôi cũng là người hiền lành. Nhưng quán sát kỹ ở những người tốt như thế vẫn còn nhiều hạt sạn quá. Sân vẫn cứ sân, ôm vẫn cứ ôm. Có cái tủ lạnh dư ra không xài tới, tôi bảo bà tìm ai đó chưa có cho họ, để họ sử dụng. Vì ta để đó mãi cũng hư, lãng phí quá. Bán thì chẳng bao nhiêu tiền. Tốt nhất là cái gì không sử dụng tới thì cho đi. Thậm chí cái gì đang sử dụng cũng nên chia sẻ với người khác. Bà để trong kho mãi, chẳng biết đến bao giờ bà mới không còn giữ được!
Tôi không biết mình sinh giờ nào. Mẹ tôi chỉ nhớ năm sinh của chín đứa con là may lắm rồi. Chín đứa con mà hết năm đứa sinh cùng tháng, có vài người sinh cùng ngày. Cứ cầm giấy khai sinh, hộ khẩu rồi ông già điền đại vào cho đỡ nhức đầu. Có khi ghi trong lúc có hơi men cũng nên.
Đến cái tên của tôi cũng vậy. Mẹ từ quê gọi vào bảo cho gặp “Bé”. Cả công ty không biết ai là Bé. Chẳng biết Bé nào, lộn số rồi! Bà bảo, sao nhân viên lộn xộn thế, đến sếp của mình cũng không biết tên. Đố ai mà biết được!
Tôi phải vất vả chạy ngược chạy xuôi làm toàn bộ các thủ tục từ giấy khai sinh, bằng cấp, chứng minh... để có được cái tên cho nó danh chính ngôn thuận. Tự mày mò mà cải vận của mình, trải qua bao thăng trầm, thay đổi, lên voi rồi xuống chó, hết tối lại sáng. Cho đến khi chạm được thanh bảo kiếm rồi thì xẻ nước làm đôi mà đi. Thế mà khổ vẫn thấy khổ! Chẳng biết đâu mà lần. Cứ có rồi lại không. Cầm được rồi lại mất.
Tưởng rằng sáng tỏ được phép tắc của thiên địa, nghiên cứu đạo lý âm dương, rửa lòng nghiền ngẫm thời cơ thì có thể kêu mưa gọi gió, chỉ đông chỉ tây. Ấy thế mà khổ vẫn cứ khổ. Đọc Đạo Đức Kinh, hiểu rõ quy tắc của tự nhiên. Nhẹ nhàng, ung dung mà tránh chỗ bùn nhơ, vơ vét chỗ hoa mỹ. Thế mới biết cho dù thông minh đến cỡ nào, con người cũng không thoát khỏi tội lỗi.
Loay hoay mãi rồi cũng có đường ra. Gặp pháp duyên là cứu cánh, phúc sanh. Tiền kiếp có căn cơ tu tập, nên ngày đầu quỳ gối 2 giờ liền không đau. Nhập thiền là tới nơi tới chốn. Kinh thì không thuộc, pháp thì chẳng biết, chỉ biết ngồi im chẳng nói câu nào.
Thời gian ngắn ngủi, nhìn lại chẳng thấy đâu. Ông bà, bạn bè ở sát bên mà như xa ngàn dặm. Nghe sư bà kể câu chuyện của cặp vợ chồng giàu có và đứa con yêu quý. Sư bà khóc mà lòng mình nghĩ về ông bà, cha mẹ, cũng muốn khóc theo. Phàm đã được làm người là có phước. Còn được ngày nào ráng tu ngày đó, còn giờ nào tu giờ đó, phút nào tu phút đó. Bằng không thì có khi sau khi chết cha mẹ lại hóa kiếp làm con chó giữ nhà, làm người ăn mày vào nhà đứa con xin ăn, hay làm loài ngạ quỷ đói khát. Ôi biết làm sao, thương quá là thương!
Người đi trước dẫn dắt người đi sau. Người đi trước về trước, người đi sau về sau. Đó mới là phúc, là chân đạo. Còn đi trước về sau thì buồn lắm người ơi!
Xin chào, tôi đi đây!