Anh bạn nhắn tin “Sao dạo này không thấy ông viết bài trên mạng nữa”, hay hôm nọ đi hội thảo có người hỏi “Sao dạo này ông im hơi lặng tiếng thế?” Thế đấy, khi người ta thấy bài viết thì nói ông Phong Titan xuất hiện, thấy phát biểu thì nói ông Phong hiện diện...
Hôm nay anh chánh niệm đi vắng, anh văn tự đòi lên internet chơi.
Quả thật, hơn một năm nay tôi ít xuất hiện, không nói, cũng không viết được gì, chuyện là thế này:
Một ngày như mọi ngày, đang trong lúc miên mật ngồi thiền trên sân thượng lầu 9, có con chó đến húc vào hông, làm rơi từ trên sân thượng xuống đất. Nguyên một thân hình 80 ký thịt rơi một cách tự do, tán vào dây điện, móc lên cây bên lề đường, treo lơ lững rồi rơi cái bẹp xuống đất, người không còn một miếng vải che thân. Mọi người xung quanh thấy thương tình, chở vội vào cấp cứu tại một bệnh viện gần đó. Sau khi chụp X quang, S quang, chụp xì ty... bác sĩ chẩn đoán nạn nhân rất may không bị chấn thương sọ não, chỉ có điều tê liệt các giác quan, làm không nghe được, không thấy được, nhưng miệng thì vẫn còn bập bẹ được.
Ai cũng trầm trồ về một tai nạn có một không hai, rớt từ tầng cao thế mà không chết. Kẻ xì xầm nói chắc ông này “Thiện tâm phước tự sanh”, người khác bảo “an tâm phước tự lai”...
Nghĩ cuộc đời sao bất hạnh, tai nạn lại rơi đúng vào mình. Nhưng trong cái họa luôn có cái may, ít ra thì cũng đỡ ô nhiễm âm thanh, ô nhiễm hình sắc, ô nhiễm hô hấp... Thế là chẳng ai quấy rầy, không còn nhũng nhiễu; nói cũng chẳng nghe, nhìn cũng chẳng thấy, nên nói ít đi. Chỉ biết làm bạn với hoa, với cây trước nhà, những thứ mà có thể sờ được và biết được: đây là cây bằng lăng, đây là cây cau, này là cây huynh đệ...
Hôm làm nhà, cho trang trí trên vách tường bên hông nhà 3 chữ 佛 心 福. Hàng xóm ai đi qua cũng tò mò muốn biết. Hỏi người giúp việc là ba chữ gì, nghĩa là gì, thằng nhóc chạy vào than phiền: “Anh ơi! Để 3 chữ đó phiền phức quá, làm ai cũng hỏi, chẳng biết trả lời sao.” Tôi bảo: “Thì nói đại là gì đó, như ‘đừng nhiều chuyện’ chẳng hạn.”
Hôm sau có người mắng vốn, thằng nhóc sao hỗn thế. Từ đó, nó không dám trả lời bất kỳ ai. Tôi bảo nó lấy 2 con khỉ bằng đá đưa cho anh thợ xây gắn lên trên cột tường, chắc có thể sẽ không còn ai hỏi nữa.
Ngày hôm sau có một bác trạc U60 tìm đến, người trông nhiều chữ, tay cầm cuốn sách giắt sau lưng - chắc mới đi mua, đi thuê ngoài tiệm. Bác đứng bên vệ đường nhìn quanh cả nhà, nhìn ngang, nhìn ngược, nhìn tới, nhìn lui... Rồi bác đọc vanh vách: Phật này (佛), Tâm này (心), Phúc này (福), rồi dừng lại tại hai con khỉ đang dính chặt vào cột mà nói: “Như thế này không đúng rồi, phải là ba con: không nghe, không thấy, không nói.” Rồi quay sang thằng nhóc dõng dạc: “Ê nhỏ, còn một con bịt cái miệng nữa đâu?” Thằng nhóc rối người, hét toáng lên: “Còn một con đang đứng dưới đường đó!”
Khi ngồi trong một hội thảo, nhiều doanh nhân nổi tiếng, nhiều bậc trí giả, tiến sĩ kỹ sư, nhà nghiên cứu..., nhưng ai cũng mang theo mình một định kiến, một ý tưởng, và cho đó là đúng đắn. Khuynh hướng biểu hiện, phát biểu, tranh luận của họ chỉ cốt để giành lấy phần thắng, để hơn thua.
Khổng Tử có câu: “Quân tử tranh luận lấy sự đúng đắn, tiểu nhân tranh luận để lấy hơn thua.” Ngay cả Khổng Tử cũng còn kẹt vào cái đúng, cái sai, cái hơn, cái thua. Tâm ta có khuynh hướng phân biệt, kỳ thị, anh khác tôi, da đen khác da trắng, đúng khác sai, thành công khác thất bại, hoa khác rác... Tâm đó là tâm phân biệt, trong Duy biểu học gọi là biến kế chấp.
Nhưng thành công và thất bại làm ra nhau, đẹp và xấu làm ra nhau, không có rác thì không có hoa... Chúng ta yêu sự sống và ghét sự chết, nhưng sự chết xảy ra trong từng giây phút để làm cho sự sống có mặt. Nếu chúng ta có vô phân biệt trí thì đẹp xấu không còn tranh giành, biển sanh tử không còn trổi dậy.
Dựa trên nền tri thức, những hý luận, lý thuyết, con người đặt ra cái này, cái kia, đặt cho nó một cái tên như là tiến sĩ, nhà nghiên cứu, doanh nhân... rồi bám chặt vào nó. Một hôm ngồi trong buổi tiệc cưới, có người cầm ly đến hồ hởi: “Anh có phải là giám đốc công ty Titan không?” “Không.” “Anh nói đùa sao, chứ tôi biết anh mà...” “Anh đợi tôi tý...” Liền lấy trong túi áo cái danh thiếp đưa ra: “Đây mới là giám đốc công ty Titan nè.”
Trong 8 giờ làm việc tại công ty, tôi mang một cái tên là “giám đốc”, nhưng ngoài giờ làm việc tôi là Phạm Đình Phong. Ấy thế mà có rất nhiều người mang nó theo suốt, kể cả trên giường ngủ.
Chuyện hai con khỉ trên cột nhà, một con che tai, một con che mắt thêm phần rối rắm, lại còn một con đang dán mắt vào màn hình vi tính, bới móc một đống hỗn độn tri thức.