Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tôn giáo của tôi rất đơn giản, đó chính là lòng tốt.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Tây Tạng huyền bí »» CHƯƠNG X: TÍN NGƯỠNG VÀ SINH HOẠT »»

Tây Tạng huyền bí
»» CHƯƠNG X: TÍN NGƯỠNG VÀ SINH HOẠT

Donate

(Lượt xem: 4.370)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tây Tạng huyền bí - CHƯƠNG X: TÍN NGƯỠNG VÀ SINH HOẠT

Font chữ:

Dưới đây là một vài chi tiết về nền văn minh của xứ Tây Tạng, có thể sẽ khêu gợi sự quan tâm của quý độc giả.

Nền tôn giáo Tây Tạng là một hình thức biến thiên của Phật giáo, nhưng có những nét đặc thù và cá biệt không hoàn toàn giống với Phật giáo ở bất cứ nơi nào khác. Người Tây Tạng xem đây là quốc giáo. Danh từ mà người Tây phương thường biết đến là Lạt-ma giáo (Lamaisme), vì các vị Lạt-ma luôn được xem là biểu tượng của Phật giáo Tây Tạng.

Tín ngưỡng của người Tây Tạng đặt căn bản trên niềm hy vọng hướng thượng. Người Tây Tạng luôn tự nỗ lực trên con đường tiến hóa tâm linh và hoàn toàn không tin vào sự hiện diện của một vị Thượng đế độc tôn, toàn trí và toàn thông, coi sóc và che chở cho toàn thể nhân loại.

Từ nhiều thế kỷ trước, các dân tộc phương Đông đã biết rõ về các sức mạnh huyền bí và những định luật thiên nhiên. Thay vì phủ nhận sự hiện hữu của những sức mạnh huyền linh ấy chỉ vì không thể cân lường hay quan sát phản ứng của chúng dưới ảnh hưởng các hóa chất trong phòng thí nghiệm, những bậc danh sư phương Đông đã cố gắng tăng gia khả năng kiểm soát của họ đối với những sức mạnh thần bí vô hình. Thí dụ như họ đã chú ý đến những kết quả thu được từ sự phát triển năng khiếu thần nhãn.

Nhiều người cho rằng điều ấy không thể có, vì họ cũng chẳng khác nào những người mù từ thuở lọt lòng, cứ tưởng rằng không có thị giác chỉ vì họ không hề có kinh nghiệm về loại giác quan này! Làm sao họ có thể hình dung rằng một vật có thể được nhìn thấy từ xa trong không gian, khi không hề có một sự tiếp xúc nào giữa vật ấy và đôi mắt con người?

Thể xác con người được bao phủ bằng một lớp vỏ như sương mù muôn màu nghìn sắc, đó là hào quang. Những vị có thần nhãn nhìn vào hào quang của một người, có thể quan sát các màu sắc đó mà hiểu được tình trạng sức khỏe, đức hạnh và trình độ tiến hóa của người ấy.

Hào quang ấy là sự phát huy, sự biểu hiện của một luồng khí lực từ bên trong, tức chân ngã của con người. Trên đầu con người cũng được bao trùm bởi một vòng hào quang xuất phát từ cái khí lực đó. Đến lúc chết, thì cái hào quang ấy tắt hẳn vì thần thức đã rời khỏi thể xác và đi vào một cảnh giới khác để bước sang một giai đoạn hiện hữu khác hơn. Khi đó, thần thức trở thành một “cái bóng” phất phơ, vì còn hoang mang bởi sự xúc động mạnh khi vừa rời khỏi xác thân vật chất. Có thể thần thức không hoàn toàn ý thức được những gì đang xảy ra. Bởi đó, các vị Lạt-ma có bổn phận giúp đỡ những người hấp hối và giảng giải cho họ nghe về những giai đoạn mang thân trung ấm mà họ sẽ trải qua. Nếu không, thần thức sẽ bám víu lấy cõi trần do những dục vọng của xác thịt còn chưa được thỏa mãn. Vai trò của các vị tăng lữ chính là cắt đứt những sợi dây trói buộc đó.

Người Tây Tạng thường có những cuộc hành lễ cầu siêu để dìu dắt vong linh người chết. Sự chết không làm cho người Tây Tạng sợ sệt. Họ tin rằng với những nghi thức cẩn mật, thần thức có thể được giúp đỡ rất nhiều để chuyển sang cảnh giới tái sinh một cách dễ dàng.

Cần phải vạch ra một lộ trình nhất định và rõ ràng, và hướng dẫn tư tưởng của người hấp hối một cách thích nghi. Một số cuộc lễ cầu siêu lớn được cử hành trong một ngôi đền trước sự hiện diện của chừng ba trăm vị sư. Một nhóm bốn hay năm vị Lạt-ma ngồi thành vòng tròn ở chính giữa và đối diện với nhau. Trong khi các nhà sư tụng niệm dưới sự điều khiển của một vị Sư trưởng, các vị Lạt-ma cố gắng tập trung niệm lực để giao cảm với những vong linh trong cõi vô hình.

Những lời cầu nguyện bằng tiếng Tây Tạng thật khó mà dịch ra cho thật đủ nghĩa, nhưng tôi cũng xin lược dịch đại khái như sau:

Hãy nghe đây tiếng gọi của chúng tôi, hỡi các vong linh đang phất phơ vô định ở cảnh giới của thân trung ấm. Âm dương cách trở, người sống và người chết sống ở những cảnh giới cách biệt nhau. Nhưng người chết có thể được nhìn thấy ở đâu? Ở đâu người ta có thể nghe được giọng nói của họ.

Cây nhang đầu tiên được đốt lên để kêu gọi những vong linh lạc lõng và chỉ đường cho họ.

Hãy nghe đây tiếng gọi của chúng tôi, hỡi các vong linh đang lạc lõng không người dìu dắt. Thế giới này là ảo ảnh. Cuộc đời chỉ là một giấc mộng. Có sinh có diệt, vật gì có lúc sinh ra ắt phải có lúc chết đi. Chỉ có Phật pháp là con đường duy nhất đưa đến sự sống thường tồn. Cầu cho vong linh được siêu sinh Tịnh độ.

Cây nhang thứ nhì được đốt lên để kêu gọi những vong linh lạc lõng và chỉ đường cho họ.

– Hãy nghe đây tiếng gọi của chúng tôi, hỡi những bậc vua chúa oai quyền hống hách của thế gian. Các người đã ngự trị trên những dãy giang san của thiên hạ. Triều đại của các người chỉ tồn tại có một thời nhưng tiếng rên siết của dân tộc các người không bao giờ dứt. Do lòng tham vọng chinh phục đất đai, các người đã làm cho máu chảy thành sông, và những tiếng khóc than của kẻ bị trị còn làm rung chuyển cây cối, thấu đến trời xanh. Cầu cho vong hồn các người được siêu sinh Tịnh độ.

Cây nhang thứ ba được đốt lên để kêu gọi vong hồn các bậc đế vương, những nhà độc tài trong thiên hạ và để chỉ đường cho họ.

– Hãy nghe đây tiếng gọi của chúng tôi, hỡi những kẻ bạc ác bất nhân và những kẻ trộm cướp của thế gian, các người đã gây nên tội ác đối với đồng loại và ngay trong lòng các người không có sự bình an. Linh hồn các người vất vưởng không nơi nương tựa và công lý không có trong tâm các người. Cầu cho linh hồn các người được siêu sinh Tịnh độ...

Cây nhang thứ tư được đốt lên để kêu gọi vong hồn những kẻ tội lỗi đang vất vưởng trong cô quạnh.

– Hãy nghe đây tiếng gọi của chúng tôi, hỡi những nàng kỹ nữ lầu xanh của thế gian, những người buôn hương bán phấn mà tội lỗi của bọn đàn ông đã làm cho ô uế, nay đang đi lang thang vô định trong cõi u minh tăm tối. Cầu cho vong hồn các người được siêu sinh Tịnh độ.

Cây nhang thứ năm được đốt lên để kêu gọi vong hồn các người đàn bà tội lỗi, sa đọa, để dìu dắt và giải thoát cho họ khỏi những sự trói buộc của trần gian...

Khói hương nghi ngút tỏa trong bóng tối chập chờn những ngọn đèn bơ leo lét, làm rung rinh những bóng đen phía sau các pho tượng thếp vàng. Sự căng thẳng càng tăng, các vị Lạt-ma đang tập trung tư tưởng để giao cảm với những vong linh chưa được giải thoát khỏi những sợi dây trói buộc với cõi trần. Những nhà sư mặc áo tràng màu đỏ ngồi sắp từng hàng đối diện với nhau, cất giọng ngân nga tụng niệm những bài kinh cầu siêu cho các vong linh.

Cuộc lễ tiếp diễn với những lời chỉ dẫn được đưa ra cho các vong linh và nhịp độ của những lời cầu siêu tụng niệm mỗi lúc một thưa dần, cho đến khi mọi tiếng động, mọi âm thanh đều dứt hẳn, và tất cả đều đắm chìm trong im lặng.

Khi còn sống, thần thức con người luôn gắn liền với thể xác, không thể tách rời ra ngoài, trừ phi có trải qua sự tu tập. Khi chúng ta ngủ, chỉ có thể xác là cần sự nghỉ ngơi, còn thần thức thì thoát ra ngoài và rơi vào cảnh giới tâm linh, như một đứa trẻ trở về nhà vào lúc chiều tối, sau giờ tan học.

Đối với một hài nhi, khi sinh ra đời có nghĩa là chấm dứt sự sống được bao bọc, che chở trong bụng mẹ. Đối với một con người, sự chết có nghĩa là đi vào một cảnh giới tâm linh tự do hơn, không còn gắn liền với thể xác vật chất, để chuẩn bị cho sự tái sinh trong một kiếp sống mới. Giai đoạn này được gọi là thân trung ấm.

Người Tây Tạng tin rằng người ta có thể tiên đoán những việc xảy ra trong tương lai. Khoa tiên tri là một khoa học, và một khoa học chính xác. Họ cũng tin ở khoa chiêm tinh. Theo họ, những “ảnh hưởng của tinh tú” thật ra chỉ là những tia vũ trụ do các tinh tú phản chiếu xuống địa cầu, và các tia vũ trụ đó phải chịu sự khúc xạ hoặc biến đổi bởi những tinh tú.

Kỹ thuật nhiếp ảnh ngày nay không còn xa lạ với bất cứ ai. Chúng ta đều biết rằng, với một cái máy ảnh trong điều kiện đủ ánh sáng, ta có thể chụp ảnh. Và có một số loại kiếng lọc ánh sáng đặc biệt, nếu đặt trước ống kính máy ảnh có thể giúp ta thu được những tấm ảnh với hàng trăm loại màu sắc. Cũng vậy, những tia vũ trụ ảnh hưởng đến con người bằng vô số những cách khác nhau, tùy theo tác động của những tinh tú khi phản chiếu các tia vũ trụ ấy xuống địa cầu.

Kể từ thế kỷ 11, tất cả những vấn đề chính sự quan trọng ở Tây Tạng đều được cân nhắc quyết định dựa theo khoa chiêm tinh. Chẳng hạn, cuộc xâm lăng của quân đội Anh năm 1904 đã được tiên tri một cách chính xác. Người ta có ghi chép lời tiên tri này bằng chữ Tây Tạng, tạm dịch như sau:

“Năm Mộc Thìn.

“Trong nửa năm đầu, đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ được bình yên. Sau đó, những kẻ xâm lăng hiếu chiến sẽ tiến vào lãnh thổ. Quân địch rất đông, nạn binh đao gây nhiều tai họa và dân chúng sẽ phải chiến đấu chống lại.

“Đến cuối năm sẽ có sự giải hòa và chiến tranh sẽ chấm dứt.”

Lời tiên tri này đã có từ trước năm 1850, báo trước tình hình của năm 1904, tức năm Mộc Thìn theo lịch Tây Tạng. Đại tá Younghusband, Tư lệnh quân đội Anh, có nhìn thấy bản văn ghi chép lời tiên tri này ở thủ đô Lhasa.

Nói về vấn đề tiên tri, có người đã hỏi tôi:

– Tại sao ông không tránh khỏi những cạm bẫy và thử thách gian lao đang chờ đợi mình, khi mà những điều đó đã được tiết lộ cho ông biết trước?

Tôi chỉ có thể trả lời rằng:

– Nếu người ta có thể tránh khỏi những tai nạn, đau khổ đã được tiết lộ cho biết trước, thì việc ấy chỉ chứng tỏ những lời tiên tri đó là sai!

Thật ra, những lời tiên tri đều căn cứ trên sự “có thể xảy ra” của sự việc, chứ không có nghĩa là con người phải chịu một định mệnh khắt khe, bất di bất dịch mà con người không có khả năng thay đổi. Trái lại, con người hoàn toàn có thể sử dụng ý chí để tác động một phần nào vào diễn tiến của sự việc.

Chẳng hạn như một người kia muốn đi từ New Delhi đến Washington, lẽ tất nhiên người ấy có thể biết rõ khởi điểm và mục tiêu của cuộc hành trình. Nếu nhìn trên bản đồ, người ấy sẽ biết trước được những địa điểm nào mình sẽ đi qua theo một lộ trình ngắn và tiện lợi nhất. Tuy rằng người ấy cũng có thể theo một lộ trình khác, nhưng điều đó là thiếu khôn ngoan, vì sẽ làm mất thêm nhiều thời gian và hao tốn tiền bạc.

Cũng vậy, trong trường hợp một chuyến đi từ Paris đến Marseille chẳng hạn, một người khôn ngoan sẽ biết dựa trên bản đồ để đi theo một lộ trình tốt nhất. Như vậy, anh ta sẽ có thể tránh được những đoạn đường gồ ghề lồi lõm; hoặc nếu bắt buộc phải đi qua những đoạn đường xấu, thì anh ta cũng biết trước để thận trọng hơn và tránh gây tai nạn.

Khoa tiên tri cũng có tác dụng giúp ta biết trước theo cách giống như vậy. Tuy nhiên, đi theo những con đường êm ái, dễ dàng, không phải bao giờ cũng là điều tốt. Là một Phật tử, tôi vững tin ở luật nhân quả. Tôi tin rằng cuộc sống trần gian có thể là đắng cay, đau khổ, nhưng những nghiệp lành mà chúng ta làm được bao giờ cũng sẽ mang lại kết quả tốt đẹp hơn cho cuộc sống mai sau.

Nhờ những lời tiên tri mà tôi được biết trước về cuộc đời tôi, điều đó đã là quá nhiều. Nhưng vẫn còn nhiều điều bí hiểm chỉ có thể giải thích bằng luật nhân quả nhiều đời, thí dụ như những biến cố đã xảy ra cho đất nước Tây Tạng: Tại sao xứ ấy phải chịu nhiều cuộc biến loạn? Một đất nước êm đềm, yên tĩnh, chỉ ước mong duy nhất là sự phát triển tâm linh, tại sao lại phải chịu nhiều đau khổ?

Tất cả nghị lực tuổi trẻ của tôi đều hướng về mục tiêu duy nhất là làm sao thi đậu một cách vẻ vang vào kỳ thi sắp tới. Nhưng vì ngày lễ sinh nhật mười hai tuổi của tôi sắp đến, nên tôi cũng giảm bớt phần nào việc học. Tôi đã trải qua những năm học hành ráo riết về các môn chiêm tinh, y khoa, giáo lý, toán pháp, tiếng Tây Tạng và tiếng Trung Hoa.

Ngày thi đã đến. Đúng sáu giờ sáng, tôi đến phòng thi cùng với mười lăm thí sinh khác. Mỗi thí sinh được đưa vào một phòng nhỏ hẹp, đặt dưới sự giám sát thường xuyên của các nhà sư bảo vệ đi tuần ngoài hành lang.

Mỗi ngày chúng tôi phải làm luận văn hoặc trả lời các câu hỏi về một trong sáu môn học kể trên. Trong sáu ngày liên tiếp, chúng tôi bắt đầu làm bài từ sáng sớm cho đến chiều. Một vị sư mang đến cho chúng tôi trà pha bơ và tsampa mỗi ngày ba lần.

Phần thi các bài viết chấm dứt vào chiều ngày thứ sáu, kế đó chúng tôi được nghỉ vài ngày. Ba ngày sau, những bài viết đã được chấm xong, mỗi thí sinh phải ra trước Hội đồng giám khảo để trả lời những câu hỏi về những điểm yếu kém của họ.

Phần thi sát hạch chiếm trọn một ngày. Ngày hôm sau, tất cả mười sáu thí sinh tề tựu lại vũ đường để thi môn quyền thuật. Mỗi thí sinh phải đấu võ với ba thí sinh khác. Những thí sinh yếu kém nhất sẽ bị loại rất nhanh, rồi đến lượt những thiếu niên khác, và sau cùng chỉ còn lại một mình tôi thủ đài.

Sự thành công này là nhờ sự huấn luyện võ nghệ dưới sự chỉ dẫn của võ sư Tzu, mà thuở nhỏ tôi vẫn cho là bất công và tàn bạo. Tôi đã được chấm hạng nhất về môn quyền thuật.

Qua ngày hôm sau, chúng tôi được nghỉ để lấy lại sức, và ngày kế đó mới tuyên bố kết quả. Tôi và bốn thí sinh khác được chấm đậu. Chúng tôi đã trở nên những tu sĩ kiêm y sĩ.

Đại đức Minh Gia, mà tôi không gặp trong suốt mùa thi cử, cho gọi tôi đến. Người lộ vẻ vui mừng trên nét mặt, và nói với tôi khi tôi đến trình diện trước mặt người:

– Lâm Bá, khá khen cho con đã đậu đầu bảng. Sư trưởng đã gửi một phúc trình đặc biệt lên đức Đạt-lai Lạt-ma. Người muốn đề nghị với Ngài phong cho con chức Lạt-ma ngay lập tức, nhưng ta không đồng ý việc ấy.

Thấy tôi lộ vẻ không hài lòng, sư phụ tôi nói thêm:

– Tốt hơn con hãy cố gắng học hỏi và đạt tới chức vị ấy bằng khả năng của chính mình. Nếu con lãnh tước vị Lạt-ma ngay bây giờ, con sẽ xao lãng sự học. Sau này con sẽ thấy rằng sự học của con có một tầm quan trọng rất lớn. Tuy nhiên, ta cho phép con ở căn phòng kế bên, vì con chắc chắn sẽ thi đậu kỳ thi tuyển các vị Lạt-ma vào thời điểm thích hợp.

Quyết định của sư phụ thật rất hợp lý. Dầu sao, tôi chỉ mong mỏi được vâng lời người một cách tuyệt đối. Tôi rất cảm động mà thấy rằng sự thành công của tôi cũng là sự thành công của người và sư phụ không che giấu niềm tự hào khi tôi dẫn đầu trong tất cả các môn khảo thí.

Vài ngày sau đó, một người đưa thư cưỡi ngựa phi nước đại mang đến cho tôi một thông điệp của đức Đạt-lai Lạt-ma. Ngài gửi lời khen tặng tôi về việc tôi vừa thi đậu và chỉ thị rằng từ nay tôi sẽ được đối xử như một vị Lạt-ma. Tôi sẽ được mặc áo như các vị Lạt-ma cũng như được hưởng mọi quyền hạn và đặc ân dành cho chức vị ấy. Ngài cũng đồng ý với sư phụ tôi sẽ cho tôi dự cuộc khảo thí vào năm mười sáu tuổi, vì theo lời Ngài viết trong thư là:

“Như vậy con sẽ có cơ hội học hỏi thêm những đề tài mà có lẽ con sẽ bỏ dở nếu con được tấn phong ngay bây giờ, và nhờ đó con sẽ được mở mang kiến thức thêm sâu rộng.”

Thế là tôi đã trở thành một vị Lạt-ma. Tôi thuộc về thành phần ưu tú, thành phần của những bậc “thượng nhân”! Nhưng điều này cũng có sự bất lợi đối với một đứa trẻ mười sáu tuổi như tôi, vì trước kia tôi phải giữ ba mươi hai điều giới luật của người tu sĩ, một con số mà tôi vẫn cho là đáng e ngại; nhưng khi trở thành một vị Lạt-ma, tôi phát hiện một cách kinh khủng rằng số giới luật bây giờ phải là 253 điều. Và nhất là ở tu viện Chakpori, một vị Lạt-ma chân chính phải giữ tròn bấy nhiêu điều giới luật đó, không bỏ sót một điều nào.

Còn về công việc, tuy chúng tôi phải làm việc nhiều nhưng cũng không thiếu những niềm vui tinh thần và những cuộc chơi tiêu khiển.

Thật là một niềm hạnh phúc rất lớn khi được sống gần những người như Đại đức Minh Gia, người mà mục tiêu duy nhất trong đời là mang lại sự bình an và phụng sự nhân loại.

Thật là một phần thưởng tinh thần khi được nhìn ngắm trước mắt phong cảnh êm đềm với một thung lũng xanh tươi, cây cối sầm uất, với những con sông rạch màu nước xanh dương uốn khúc quanh co theo những dãy núi đồi ngoạn mục, với những ngọn tháp vàng chiếu lấp lánh dưới ánh mặt trời, những tu viện cổ kính bám chặt trên các sườn núi cheo leo hiểm trở... và chiêm ngưỡng với một lòng tôn kính những mái bầu bằng vàng của điện Potala ở gần bên, với những nóc nhà sặc sỡ dọc theo bờ sông Jo-Kang ở xa hơn về phía đông.

Tình đồng môn của các vị Lạt-ma trong tu viện, lòng ưu ái của các nhà sư, mùi hương trầm quen thuộc phảng phất trong các đền thờ... tất cả những thứ đó là bối cảnh hằng ngày của cuộc đời tu sĩ, và tôi lấy làm vui mừng khi nhận ra đó là một cuộc đời đáng sống.

Còn những khó khăn, chướng ngại thì cũng rất nhiều, nhưng điều đó không quan trọng lắm. Ở trong mọi tập thể cộng đồng vẫn luôn có mặt những phần tử thiếu sự cảm thông, những kẻ mang nặng lòng đố kỵ ganh ghét... Nhưng ở tu viện Chakpori, những kẻ ấy quả thật chỉ là một thiểu số.

Kể từ đó, các vị Lạt-ma và chư tăng trong tu viện đều đối xử với tôi một cách lễ độ, cung kính. Cung kính còn bởi vì tôi là học trò của Đại đức Minh Gia, một nhân vật trọng yếu được toàn thể mọi người yêu mến, và cũng bởi vì tôi được nhìn nhận như một vị hóa thân.

Nếu độc giả muốn biết bằng cách nào người Tây Tạng có thể nhận ra một vị hóa thân, tôi xin trình bày sơ lược vài điểm như dưới đây:

Khi một đứa trẻ có cách cư xử khác thường hoặc có những khả năng vượt mức bình thường, hay thường mô tả những ký ức đặc biệt nào đó mà người ta không thể giải thích, những bậc cha mẹ thường đến trình với vị Sư trưởng của một tu viện gần đó nhất. Vị này sẽ chỉ định một ủy ban có nhiệm vụ đến xem xét trường hợp đứa trẻ ấy.

Trước hết, ủy ban này thực hiện một lá số chiêm tinh cho đứa trẻ, sau đó mới xem tướng mạo và tìm ấn chứng trên khắp thân mình nó. Thí dụ như đứa trẻ phải có những chỉ tay đặc biệt trên hai bàn tay, hoặc những dấu hiệu ấn chứng trên bả vai hay ở chân.

Nếu phát hiện đứa trẻ có những ấn chứng đó, người ta tìm cách truy ra tiền kiếp của nó. Có thể rằng các vị Lạt-ma sẽ nhìn ra được nó, như trong trường hợp của tôi, và khi đó người ta mới đặt nó trong một cuộc thử thách xem nó có nhận ra được những đồ vật dụng riêng của nó trong kiếp trước hay không.

Những đồ vật này được đưa ra cùng với những món đồ tương tự, và đứa bé phải nhận biết đúng tất cả những món đồ (thường là chín món) riêng của nó trong kiếp trước. Cuộc thử thách này được thực hiện khi đứa trẻ mới lên ba tuổi. Người ta nghĩ rằng với tuổi đó, đứa trẻ hãy còn quá non dại để có thể bị ảnh hưởng bởi những gì cha mẹ nó có thể nói cho nó biết. Nếu có thể thử vào lúc nó còn nhỏ hơn nữa càng tốt.

Cha mẹ đứa trẻ không được tham dự cuộc thử thách, và đứa bé phải chọn ra đủ chín món đồ vật trong số ba chục món khác. Chỉ chọn sai một vài món cũng bị loại. Nếu đứa trẻ chọn đúng tất cả không sai món nào, thì nó được nhìn nhận như một vị hóa thân, được nuôi dưỡng và giáo dục một cách đặc biệt. Khi nó lên bảy tuổi, người ta nói cho nó biết những lời tiên tri về cuộc đời tương lai của nó. Người ta cho rằng với tuổi đó, nó hoàn toàn có thể hiểu được ý nghĩa rõ ràng hay ẩn giấu của những lời tiên tri đó. Với kinh nghiệm riêng của tôi, tôi có thể quả quyết rằng điều đó là hoàn toàn đúng.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Yếu lược các giai đoạn trên đường tu giác ngộ


Kinh Di giáo


Vua Là Phật, Phật Là Vua


Công đức phóng sinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.217.4.250 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...