Nhân ngày lễ
Logsar, tức là ngày lễ đầu năm mới của Tây Tạng, nhà nhà đều quét dọn, lau chùi sạch bóng và trang hoàng thật đẹp. Ngày rằm tháng giêng, đức
Đạt-lai Lạt-ma xuất hành đi lễ bái ở ngôi đền
Jo-Kang. Khi cuộc lễ chấm dứt, ngài bắt đầu tham dự cuộc diễu hành một vòng lớn trên con đường
Barkhor, tức con đường vòng quanh ngôi đền
Jo-Kang và Dinh Quốc hội, ngang qua trước chợ và đến khu thương mại. Tại đây là nơi cuộc diễu hành kết thúc, sự trang nghiêm, trịnh trọng sẽ nhường chỗ cho sự vui đùa, hưởng lạc.
Khi tan cuộc lễ bái ở các đền thờ, và mọi người đã thi hành xong bổn phận đối với các đấng thần minh, thì giờ phút ăn chơi, tiêu khiển đã điểm. Trên những đài cao từ mười đến mười lăm thước, người ta đặt những mô hình nổi khổng lồ đúc bằng bơ có tô màu, để triển lãm những cảnh tượng huyền thoại trích ra từ các kinh điển.
Đức
Đạt-lai Lạt-ma dừng chân để chiêm ngưỡng trước mỗi tác phẩm trình bày và ban giải thưởng hằng năm cho những tác phẩm khéo léo nhất. Những giải thưởng này sẽ được chuyển giao cho các tu viện đã triển lãm những tác phẩm ưu tú.
Tại tu viện
Chakpori, chúng tôi không thích môn giải trí này. Chúng tôi thấy trò chơi đó thật ngây ngô và phiền phức, giống như những cuộc đua ngựa không người cưỡi trên vùng đồng bằng
Lhasa.
Cuộc diễu hành những pho tượng khổng lồ của các nhân vật thần thoại làm chúng tôi thích thú hơn. Mỗi pho tượng gồm một sườn gỗ nhẹ bọc vải ở ngoài làm thân, bên trong ruột trống rỗng, và phía trên gắn một cái đầu rất lớn được tạo hình thật tự nhiên.
Bên trong đầu pho tượng, ở chỗ ngang cặp mắt có gắn những ngọn đèn bơ; ánh đèn lung linh lập lòe làm cho cặp mắt pho tượng dường như đảo liếc và linh động. Những nhà sư cao lớn lực lưỡng, chân đi trên hai cây cà khêu cao đến ba thước, chui vào bên trong các pho tượng, và bắt đầu cuộc diễu hành như những người khổng lồ.
Đôi khi họ là nạn nhân của những thứ tai nạn dị kỳ. Có khi một trong hai cây cà khêu bị sụp ổ gà trên đường, những kẻ bất hạnh này đành phải đánh đu giữ thăng bằng trên một chân! Có khi cả hai cây cà khêu đều trượt tới vì đường trơn trợt, và sự té ngã là không tránh khỏi! Nhưng khi những ngọn đèn bơ bị rung chuyển quá mạnh và đổ, ngọn lửa thiêu cháy pho tượng thì mới là một thảm họa thật sự!
Vài năm về sau, trong một cuộc rước lễ đầu năm, tôi được đề cử mang pho tượng đức Phật, bề cao đến tám thước. Trong khi tôi đi cà khêu bên trong tượng Phật, gió thổi vạt áo dài quyện vào chân tôi, và những con mọt bay vần vũ quanh tôi vì bộ áo cà sa của tượng Phật vừa mới được lấy từ trong kho ra. Khi tôi vừa đi được vài bước khập khiễng trên hai cây cà khêu thì bụi trong áo cà sa bay ra làm cho tôi hắt hơi liên hồi không dứt, mà mỗi cái hắt hơi đều đe dọa sự thăng bằng của tôi một cách rất nguy hiểm. Mỗi lần hắt hơi, thân mình tôi rung chuyển, và tình trạng bất ổn của tôi càng trầm trọng hơn khi những ngọn đèn bơ bị lung lay làm đổ tràn những giọt bơ nóng bỏng chảy xuống cái sọ dừa cạo trọc của tôi, và... vì cạo trọc nên nó càng “nhạy cảm” hơn.
Khí trời nóng bức một cách kinh khủng. Tôi bị ngộp thở muốn đứng tim vì hít phải mùi hàng lụa cũ, mốc meo của chiếc áo cà sa cất giữ trong kho đã lâu ngày. Tôi bị vây khổn bởi những đám mối mọt bay vần vũ như điên quanh tôi, và tôi bị phỏng rát da đầu vì bơ nóng của các ngọn đèn. Tình cảnh của tôi lúc ấy thật vô cùng bi đát! Cái lỗ nhỏ khoét ở giữa thân mình pho tượng để nhìn ra ngoài lại không ngang tầm với cặp mắt tôi. Tôi không thể nào điều chỉnh được chi tiết quan trọng đó mà không để rớt hai cây cà khêu! Thành thử, tôi chỉ nhìn thấy cái lưng của nhân vật đi phía trước tôi, và xét về cách đi đứng xiêu vẹo và run rẩy của y, thì đủ biết rằng kẻ bất hạnh này cũng không thoải mái sung sướng gì hơn tôi lúc ấy!
Nhưng đức
Đạt-lai Lạt-ma đang nhìn chúng tôi, và chúng tôi phải tiếp tục diễu hành trong tình trạng đó, vừa bị ngộp thở lại vừa bị nướng hết phân nửa cái sọ dừa! Chắc hẳn là tôi đã sút mất vài kí lô trong ngày hôm đó!
Chiều hôm ấy, một vị quan chức cao cấp khen tặng tôi:
– Lâm Bá, con đã trình diễn rất khéo. Con rất có khả năng trở thành một tài tử thiện nghệ!
Tôi phải giữ kín không dám tiết lộ cho ông ta biết rằng, thật ra thì những cử chỉ mà tôi đã làm cho ông ta thích thú chỉ hoàn toàn ngoài ý muốn. Và kể từ đó, tôi không bao giờ dám nhận lãnh việc đi diễu hành trong pho tượng nữa!
Sáu tháng sau cuộc “
trình diễn” đó, một cơn giông bão thình lình nổi dậy, cuốn lên những đám mây bụi cát và đá sỏi. Lúc ấy, tôi cùng với một chú tiểu đang ngồi trên nóc tu viện và sắp đặt lại những viên ngói để sửa chữa các chỗ bị dột. Cơn giông làm cho tôi bị hất rớt xuống một cái nóc nhà khác thấp hơn chừng sáu bảy thước, và từ đó cơn gió thổi mạnh cuốn tôi đi tiếp, làm cho tôi lại rơi một lần nữa xuống mặt đất, gần đường
Ling-khor, từ một bề độ cao khoảng một trăm thước.
Thật may mắn vì phía dưới là một vùng ao đầm ẩm thấp, và tôi rơi xuống một chỗ nước sâu ngập khỏi đầu. Nhưng tai nạn đủ làm cho tôi chấn động mạnh và mất bình tĩnh. Khi tôi cố gắng ngoi lên khỏi vũng lầy lội, tôi cảm thấy đau nhói ở khuỷu tay và ở bả vai bên trái. Tôi bò trên hai đầu gối, rồi đứng dậy và lết đi một cách khó nhọc trên đường lộ dưới ánh mặt trời nóng gắt.
Bị té đau, không đủ sáng suốt để suy nghĩ gì nữa, tôi chỉ có một ý nghĩ là trở về tu viện càng sớm càng hay. Như một người mù, tôi bước tới một cách chập choạng, mỗi bước đi lại vấp ngã. Dọc đường tôi gặp những nhà sư vừa chạy tới để xem kết quả tai nạn đã xảy ra cho tôi và đứa trẻ kia. Nhưng đứa trẻ này đã chết vì té xuống chỗ có tảng đá. Các nhà sư khiêng tôi vào phòng. Sư phụ tôi khám nghiệm bệnh tình của tôi và nói:
– Ôi, tội nghiệp cho những đứa trẻ này! Đáng lẽ ta không nên để chúng ra ngoài trong thời tiết như vậy!
Kế đó, người nhìn tôi vào tận mắt:
– Lâm Bá, con ơi! Một cánh tay và một xương đòn gánh bị gãy... Phải nắn xương lại tức khắc. Con sẽ phải chịu đau đớn, nhưng thầy sẽ làm cho con chỉ bị đau ở mức tối thiểu mà thôi.
Sư phụ vừa nói vừa làm ngay, và trước khi tôi kịp ý thức được việc gì xảy ra thì người đã nắn lại cái xương đòn gánh bị trặc và đặt lại đúng khớp. Khi sư phụ nắn chỗ khuỷu tay bị gãy, tôi cảm thấy đau hơn, nhưng không lâu, vì người đã nhanh chóng ráp cái xương bị trặc vào đúng khớp của nó.
Ngày đó tôi nằm yên một chỗ không cử động. Qua hôm sau, sư phụ đến gặp tôi và nói:
– Con đã bớt đau và có thể tiếp tục việc học, không nên bê trễ. Chúng ta sẽ làm việc chung với nhau ngay trong phòng này. Cũng như tất cả mọi người, con sẽ cảm thấy e ngại khi phải học những đề tài mới... Thầy sẽ giúp con loại trừ sự e ngại đó bằng phương pháp thôi miên.
Sư phụ đóng các cửa sổ và gian phòng chìm trong bóng tối. Chỉ còn những ngọn đèn nhỏ cháy leo lét trên bàn thờ. Sư phụ bèn đặt tôi vào trạng thái giấc ngủ thôi miên.
Tôi đã ngủ thiếp đi trong nhiều giờ. Khi thức tỉnh, tôi nhìn qua cánh cửa sổ mở và thấy cảnh vật ban đêm hiện ra chập chờn trong thung lũng. Những ánh lửa của các ngọn đèn bơ chiếu lập lòe ở các cửa sổ trong điện
Potala và chung quanh các vách tường rào, đó là những nhà sư có phận sự trực đêm đang đi tuần. Tôi cũng nhìn thấy ở dưới chân đồi, thành phố
Lhasa đang vươn mình trong sự sinh hoạt ban đêm. Khi đó, sư phụ tôi bước vào và nói:
– À, con đã thức tỉnh! Chúng ta nghĩ rằng có lẽ con đã thấy cảnh giới tâm linh vui thích đến nỗi con muốn kéo dài trạng thái trong đó. Thầy chắc rằng bây giờ con đã đói.
Đến đây, tôi mới sực nghĩ ra là thật tình tôi đang đói bụng. Người ta dọn ra cho tôi một bữa ăn, và trong khi tôi ngồi ăn uống lấy sức, sư phụ nói với tôi:
– Trong trường hợp thông thường, có lẽ con đã chết vì tai nạn vừa qua. Nhưng khoa chiêm tinh đã nói rằng cuộc đời con chỉ kết thúc trong nhiều năm sau ở một nơi xa lạ, tận bên xứ của những người da đỏ. Trong giờ phút này, các nhà sư đang cầu siêu cho linh hồn đứa trẻ vừa từ giã chúng ta. Nó đã chết ngay trong tai nạn.
Những kinh nghiệm trong cảnh giới tâm linh khiến tôi vô cùng thú vị. Và tôi không còn thấy sợ hãi cái chết, vì tôi biết rằng đó cũng chỉ là một sự thay đổi đi vào cảnh giới tâm linh. Nhưng tôi cũng biết rằng tuy không ai thích cõi trần gian đầy ô trược, nhưng người ta vẫn phải sống thật tốt kiếp sống của mình, vì đó chính là cơ hội để tu học và đạt đến sự giải thoát... Cuộc đời trên thế gian là gì, nếu không phải là một môi trường để tu tập đạo giải thoát? Và đó là một môi trường rất gian khổ! Tôi thầm nghĩ:
– Trong cuộc sống này, tôi đã bị gãy mất hai cái xương, nhưng tôi vẫn phải tiếp tục tu học!
Trong hai tuần lễ sau đó, việc học của tôi càng được thúc đẩy ráo riết hơn lúc bình thường. Người ta nói rằng đó là cách để cho tôi quên đi, đừng nghĩ đến những cái xương gãy của tôi. Sau hai tuần lễ đó, những chỗ trặc xương đã được lành lặn như cũ, nhưng tôi cảm thấy khớp xương cứng đơ, và tôi vẫn còn thấy đau.
Một buổi sáng, vừa bước vào phòng, tôi thấy Đại đức Minh Gia đang đọc một bức thư. Sư phụ ngước nhìn tôi và nói:
– Lâm Bá, chúng ta có một gói dược thảo gửi tặng cho thân mẫu con. Con sẽ cầm về cho thân mẫu vào sáng mai, và con có thể ở lại nhà trọn ngày.
Tôi đáp:
– Con chắc rằng cha con không muốn gặp con. Hôm trước cha con đã không nhìn con ngay cả khi người đi ngang qua trước mặt con trên cầu thang của điện
Potala.
– Đó là việc rất thông thường. Cha con biết rằng con vừa có cái hân hạnh được đức
Đạt-lai Lạt-ma tiếp kiến. Bởi đó, người không thể nói chuyện với con trong khi vắng mặt thầy, vì chính đức
Đạt-lai Lạt-ma đã đích thân gửi gắm con cho thầy.
Sư phụ nhìn tôi với cặp mắt tinh anh và vừa cười vừa nói:
– Dù sao, cha con sẽ không có ở nhà vào ngày mai. Người đã đi
Gyangtsé trong vài ngày.
Qua hôm sau, sư phụ chăm chú nhìn tôi từ đầu đến chân và nói:
– Con có vẻ hơi xanh xao, nhưng con ăn mặc sạch sẽ, chỉnh tề, và điều đó rất quan trọng đối với một người mẹ. Đây là một khăn quàng cổ, con đừng quên rằng con là một vị
Lạt-ma, là người phải tôn trọng tất cả mọi qui tắc. Trước kia, con đi bộ đến đây. Bây giờ, con hãy cưỡi một trong những con ngựa bạch quý nhất của tu viện để trở về nhà. Con hãy cưỡi con ngựa của thầy, nó đang cần phải vận động.
Sư phụ đưa cho tôi cái bao da đựng dược thảo, bọc trong một cái khăn quàng lụa theo truyền thống để tỏ lòng cung kính. Tôi nhìn kỹ cái khăn quàng một cách hoài nghi, vì không nên để cho nó bị lấm lem trước khi đưa quà biếu. Sau cùng, tôi quyết định cất nó trong túi áo tràng, và chỉ rút nó ra trước khi về tới nhà.
Tôi giục ngựa xuống chân đồi và noi theo con đường
Ling-khor như thường lệ. Sau khi đi độ nửa giờ, trải qua nhiều con đường ở ngoại ô thành phố, tôi đã nhìn thấy từ xa cái cổng lớn của nhà tôi. Khi các gia nhân nhận ra tôi, họ bèn hối hả mở cổng.
Tôi cho ngựa đi qua cổng để vào tận sân nhà với một hy vọng trong lòng rằng tôi sẽ không bị té rớt xuống yên ngựa. May mắn thay, một người giữ ngựa chạy đến nắm lấy dây cương trong khi tôi nhảy xuống đất. Người quản gia chạy ra tiếp đón tôi; chúng tôi bèn trao đổi khăn quàng một cách lễ nghi trịnh trọng. Ông ta nói:
– Thưa ngài
Lạt-ma y sĩ và đại gia công tử, xin công tử hãy ban ân huệ cho gia đình và toàn thể gia nhân trong nhà này.
Tôi đáp:
– Cầu xin Phật Tổ Như Lai ban ân huệ và ban cho ông sức khỏe trường cửu.
– Thưa đại gia công tử, lệnh bà có truyền lệnh cho tôi đưa công tử vào.
Trong khi chúng tôi bước vào, người quản gia đi trước dẫn đường, như thể là tôi không biết đường đi một mình. Tôi rút cái khăn quàng ra và phủ ngoài bao da một cách cẩn thận. Chúng tôi bước lên tầng lầu trên để vào phòng khách của mẹ tôi. Tôi thầm nhớ lại:
– Lúc nhỏ tôi không bao giờ được phép đến đây.
Nhưng ý nghĩ đó liền nhường chỗ cho ý muốn mãnh liệt là chạy vắt giò lên cổ để thoát thân ngay lập tức khi tôi thấy rằng phòng khách của mẹ tôi đầy những khách... đàn bà!
Trong khi tôi còn đang lúng túng, tiến thoái lưỡng nan thì mẹ tôi đã bước đến gần và mở lời tiếp đón tôi trước:
– Đại đức
Lạt-ma, hỡi con, đức
Đạt-lai Lạt-ma đã ban danh dự cho con rất nhiều. Các bà bạn của mẹ hôm nay đến đây để được nghe chính miệng con kể lại cái vinh dự ấy.
Tôi đáp:
– Thưa mẫu thân, những qui định trong tu viện không cho phép con tiết lộ những gì ngài đã nói với con. Đại đức Minh Gia có truyền cho con kính dâng lên mẹ bao dược thảo này cùng với một khăn quàng bằng lụa.
– Hỡi con yêu quý, các bà mệnh phụ này đến từ những vùng xa xôi để được nghe câu chuyện trong cung điện của đức
Đạt-lai Lạt-ma và nghe nói chuyện về ngài. Phải chăng ngài vẫn thường xem những tạp chí Ấn Độ? Và phải chăng ngài thường sử dụng một thứ kiếng có thể nhìn xuyên qua vách tường nhà?
Tôi đáp:
– Thưa mẫu thân, con chỉ là một
Lạt-ma y sĩ nghèo, vừa mới xuống núi, và thật là không xứng đáng để nói chuyện về đức Chưởng giáo của giới tu sĩ. Con chỉ là một kẻ chuyển giao thư tín mà thôi.
Lúc ấy, một thiếu nữ bước đến gần tôi và nói:
– Đại Đức
Lạt-ma không nhận ra tôi sao? Tôi là
Yaso đây!
Quả thật tôi không nhận ra chị tôi, vì chị tôi đã trở nên một thiếu nữ dậy thì, nở nang trọn vẹn. Tôi cảm thấy e dè sợ hãi. Tất cả là tám hay chín người phụ nữ có mặt tại đó. Thật là quá nhiều đối với tôi. Tôi đã biết cách ứng xử đối với những người thuộc nam giới, nhưng còn nữ giới thì tôi chưa từng tiếp xúc nhiều!
Họ nhìn tôi với những cặp mắt tò mò và soi mói, dường như muốn nuốt sống lấy tôi. Tôi chỉ còn giải pháp duy nhất là tìm cách thoát thân. Tôi nói:
– Thưa mẫu thân, con đã chuyển giao thông điệp và quà tặng của sư phụ con xong rồi, bây giờ con phải trở về với bổn phận hằng ngày. Con hãy còn đau và con có nhiều việc phải làm.
Nói xong, tôi chào từ giã tất cả các quan khách, và quay lưng đi mau với một tốc lực tối đa mà sự lễ nghi cho phép. Vị quản gia đã trở lại văn phòng của người, và một người giữ ngựa dắt ngựa đến cho tôi. Tôi nói:
– Anh hãy cẩn thận khi đỡ tôi lên yên, vì tôi vừa mới bị gãy xương ở tay và vai và tôi không thể lên yên ngựa một mình.
Người giữ ngựa mở cổng cho tôi đi ra, đúng vào lúc mẹ tôi xuất hiện trên bao lơn và nhìn theo sau lưng tôi. Khi tôi trở về tu viện, tôi đến gặp Đại đức Minh Gia, sư phụ nhìn tôi vào tận mắt và hỏi:
– Lâm Bá, con có vẻ ngơ ngác như kẻ mất hồn. Tại sao vậy?
Tôi đáp:
– Bạch sư phụ, lúc về nhà con gặp một toán phụ nữ muốn nghe chuyện về đức
Đạt-lai Lạt-ma và muốn biết những gì ngài đã nói với con. Con đáp rằng qui luật trong tu viện không cho phép con tiết lộ bất cứ chuyện gì. Và con đã chạy thoát thân... Sư phụ hãy tưởng tượng xem, tất cả các bà mệnh phụ ấy đều trố mắt nhìn con như cọp rình mồi!
Sư phụ tôi bật cười vang; tôi càng ngạc nhiên về sự vui vẻ của sư phụ thì người lại càng cười giòn giã hơn nữa. Người nói:
– Đức
Đạt-lai Lạt-ma muốn biết xem con có muốn ở lại tu viện suốt đời hay còn nghĩ đến việc trở về với gia đình.
Đời sống ở tu viện đã làm đảo lộn mọi quan niệm của tôi về đời sống xã hội. Hồi đó, tôi cho rằng phụ nữ là những nhân vật lạ lùng; mà cho đến bây giờ tôi vẫn thấy như vậy. Tôi đáp:
– Gia đình con là ở đây. Con không muốn trở về nhà. Tất cả những bà mệnh phụ ấy với những bộ mặt sơn phết và tóc bôi mỡ trơn bóng làm cho con phát ngấy... Và họ nhìn con với một vẻ mặt... lạ lùng, chẳng khác nào những người đồ tể ở làng
Sho nhìn một con trừu trúng giải nhất trong cuộc triển lãm nông nghiệp! Họ thốt ra những tiếng kêu chát chúa và những màu sắc biểu lộ trên hào quang của họ thật là dễ sợ! Bạch sư phụ, xin sư phụ đừng bảo con trở về nhà nữa!
Nhưng một tuần lễ sau đó, người ta lại nói cho tôi biết rằng đức
Đạt-lai Lạt-ma rất chú ý đến tôi, và đã quyết định cho phép tôi trở về nhà một hai ngày mỗi khi mẹ tôi tổ chức những cuộc tiếp tân trong gia đình.