Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Bạn có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, hoặc có thể lừa dối một số người mãi mãi, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi. (You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time.)Abraham Lincoln
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Có và Không »» Chương VI. Vô thường »»

Có và Không
»» Chương VI. Vô thường

(Lượt xem: 2.348)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Có và Không - Chương VI. Vô thường

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Đề tài này thì tôi đã nói, đã viết đã giảng cả hằng trăm lần trên sách vở, báo chí và băng giảng, nhưng tưởng nhắc lại hôm nay cũng chẳng phải thừa. Vì lẽ chính bản thân tôi cũng phải thường xuyên và liên tục học hỏi chiêm nghiệm đề tài này. Đây là một đề tài lớn như 27 đề tài trong Trung Quán luận mà hành giả cần phải quán chiếu khi tham thiền cũng như tụng kinh niệm Phật.

Phật đã nói đề tài này từ vô lượng kiếp, các vị Bồ Tát đã thực hành để quán chiếu thế gian này hay những quốc độ khác cả hằng tỷ tỷ thiên niên kỷ rồi và nay chúng ta đang tập quán xét về vô thường cũng nhẫn đến ngàn sau, ngàn sau nữa. Bất cứ ai là người học Phật cũng phải lấy đề tài này mà quán chiếu trong cuộc sống, để biết rằng cuộc đời vốn dĩ không có gì là thường cả, mà tất cả đều bị biến đổi, bị xúc tác, bị chi phối, bị xâm thực, bị băng hoại, bị giải thể v.v.. nên gọi là vô thường.

Hôm nay tôi xin kể quý vị nghe một câu chuyện. Câu chuyện này có thật, không hư cấu giả tưởng như tiểu thuyết, mà chuyện xảy ra tại nước Đức từ năm 1999 đến năm 2000 mà thôi, nhưng không phải đầy đủ 24 tháng, mà chỉ có 6 tháng của năm 1999 và 1 tháng rưỡi của năm 2000. Câu chuyện sẽ khá dài dòng, vì tôi sẽ cố gắng đi vào từng chi tiết nhỏ.

Mùa Phục Sinh năm 1999 nhằm vào tháng 4 dương lịch, nhân khóa tu học hằng năm của Gia Đình Phật Tử Việt Nam Đức Quốc tại chùa Viên Giác do Thượng Tọa Thích Thiện Huệ và tôi hướng dẫn, có hơn 150 anh chị em thanh niên nam nữ về chùa tu học. Trong cơ hội này, Phật Tử Minh Tấn, hiện ở Darmstadt, có gọi điện thoại về cho tôi, thưa rằng:

- Bạch Thầy, Ba vợ con có người anh ruột đi tu tại Việt Nam, Pháp danh là Thích Thiện Thông, Thầy ấy hiện được ba vợ con ở Koblenz bảo lãnh sang đây thăm gia đình, nhưng Thầy ấy muốn về chùa thăm Thầy và nếu được thì xin ở lại chùa chừng 3 tháng, sau đó về lại Việt Nam.

Tôi bảo rằng:

- Cứ về, không có gì trở ngại cả. Phàm người tu thì phải ở chùa là đúng rồi.

Sau giờ giảng hôm ấy thì tôi gặp Thầy tại chùa. Mới trông bề ngoài Thầy thì đúng là một ông Thầy ngoại diện không có gì đáng chú ý mấy, vì cách phục sức cũng rất bình thường, một chiếc áo tràng màu nâu cũ kỹ, thêm vào đó hình như nhãn lực của Thầy cũng không bình thường. Sau đó tôi có nói chuyện với Thầy và cả Thầy Thiện Huệ nữa. Chúng tôi mới đi đến kết luận rằng: “Quả là một viên bảo châu của Phật Pháp.” Vì sao vậy? Đây là lý do:

Thầy ấy bảo rằng: Thầy đi xuất gia năm 22 tuổi, tức nhằm năm 1965-1966, nghĩa là sau tôi chừng một đến hai năm. Đầu tiên Thầy tu với một vị Thầy Bổn Sư ở làng quê và hình như vị này chỉ chuyên cúng bái, nên Thầy Thiện Thông đã tìm đến tu thiền với Hòa Thượng Thanh Từ chừng một năm rưỡi thì không tu nữa. Lý do là bệnh phổi đến thời kỳ thứ 3 không chữa trị được. Thời gian ấy là năm 1977-1978. Thầy về quê và về núi để lo tịnh dưỡng và tự chữa trị bệnh của mình bằng pháp môn Sám Hối cũng như Tịnh Độ. Thầy đã tụng hằng ngàn lần chú Đại Bi bằng tiếng Việt và tiếng Phạn, sau đó bệnh tự nhiên lành không cần thuốc thang gì. Kể từ đó Thầy chuyên tu pháp môn Tịnh Độ và Sám Hối. Đến nỗi một hôm Thầy trở lại Tu Viện Thường Chiếu và Viên Chiếu để thăm những người bạn cùng tu thuở trước thì chẳng ai ngờ là Thầy còn sống sót cho đến ngày nay. Sau khi hỏi duyên cớ thì Thầy bảo là nhờ Niệm Phật nên trị khỏi bệnh, một người bạn của Thầy Thiện Thông mới vào đầu giường của mình lấy quyển “Tịnh Độ Thập Yếu” của Hòa Thượng Thiền Tâm biên soạn tặng cho Thầy Thiện Thông và bảo rằng: “Tôi biết anh thích loại sách này nên tặng cho anh.”

Thầy Thiện Thông mỉm cười đáp lễ và hỏi rằng: “Sao đang tu thiền mà vẫn có sách Tịnh Độ đây?

Thầy bạn đáp: “Tại vì Ông Cụ (Hòa Thượng Thanh Từ) không cho xem sách Tịnh Độ nên mình phải lén xem. Bây giờ xin trao lại cho anh.”

Lý do khác mà Thầy Thiện Thông không còn tu thiền nữa vì sao thì Thầy đã giảng rất rõ nhân một buổi giảng tại chùa Linh Thứu Berlin trong một lần Thọ Bát Quan Trai vào năm 1999, lúc ấy có ghi âm (nếu quý vị nào cần nghe thì xin để mà sang lại). Thầy còn kể thêm là sở dĩ Thầy không ở với Hòa Thượng Thanh Từ nữa, vì lẽ Hòa Thượng Thanh Từ bảo rằng những kinh sách thuộc về Tịnh Độ không được xem, không được phổ biến v.v... và chính những Thầy đệ tử lớn của Hòa Thượng Thanh Từ đang tu theo pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật chứ phần hành thiền ít hơn xưa. Thầy ấy có kể tên độ 5 hay 6 Thầy gì đó, nhưng tôi không lưu tâm làm gì, nên không nhớ tên.

Sám Hối và Niệm Phật mà chữa lành bệnh vào thời kỳ nguy kịch nhất, thì đây là điều linh diệu thứ nhất tôi đã nghe qua Thầy Thiện Thông kể lại.

Tiếp sau khóa học của Gia Đình Phật Tử thì đến lễ Phật Đản và các khóa Thọ Bát Quan Trai các nơi và khóa tu Gieo Duyên. Nơi nào Thầy cũng cùng đi với tôi và nếu có 3 thời giảng thì tôi chia cho Thầy 2 thời và tôi một thời. Vì cách giảng của Thầy mới lạ, đặc biệt là chuyên đề về Tịnh Độ.

Vào mùa hè năm 1999, sau khi Thầy giảng 48 lời nguyện của Đức Phật A-di-đà xong, quý Phật Tử ai nghe cũng trầm trồ và ngợi ca trí nhớ của Thầy. Vì lẽ Thầy thuộc lòng 48 lời nguyện và giảng cả hằng mấy tiếng đồng hồ chưa hết. Quả là bất khả tư nghì. Ngay cả tôi cũng chưa thuộc lòng nữa, huống gì là các Phật Tử tại gia. Tôi bắt đầu khâm phục Thầy về trí nhớ và cách hạ thủ công phu của Thầy đối với Pháp Môn Tịnh Độ.

Một hôm khác, Thầy cầm bản dịch 3 Kinh Tịnh Độ đã đánh máy xong, bảo tôi rằng: “Tôi muốn ấn tống quyển kinh này. Vì đây là tài liệu cần cho người tu Tịnh Độ tham cứu học hỏi và trì tụng.”

Tôi nói: “Không có gì trở ngại, sẽ lo vận động tài chánh để in kinh.”

Thế là hơn một tháng sau đã đủ tiền để in 500 quyển kinh này, đóng bìa cứng mạ vàng rất đẹp. Sau này có gởi về Việt Nam cho Thầy độ 20 quyển.

Ba Kinh Tịnh Độ này gồm có:

- Kinh Vô Lượng Thọ Phật.
- Kinh Quán Vô Lượng Thọ.
- Kinh Tiểu Bổn A-di-đà.

Thầy Thiện Thông đã dịch ra tiếng Việt từ các bản chữ Hán một cách thông suốt, trôi chảy, người đọc, người tụng cảm nghe như tiếng nước chảy róc rách, tiếng suối reo tưng bừng, giống như nhạc chư Thiên nơi cõi Tịnh Độ ca lên để cúng dường chư Phật và chư Bồ Tát.

Ngoài ra Thầy còn dịch ít nhất là 30 tác phẩm khác, hiện đang có tại chùa Viên Giác và sẽ lần lượt tái bản sau này, nếu có dịp. Ví dụ như các kinh: Công Đức Tạo Tượng, Kinh Dược Sư, Kinh Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp, Kinh Thập Ác Báo, Thập Thiện Nghiệp Báo, Luật Trường Hàng, Xá Lợi Bảo Khiếp Ấn Đà La Ni, Nghi Thức Tán Phật Thù Ân, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Bồ Tát Địa Tạng, Đại Thừa Khởi Tín Luận, Kinh Văn Thù hỏi Phật, Phật Học Giáo Khoa Thư v.v...

Như vậy cả kinh, luật và luận Thầy Thiện Thông đều đã có dịch qua và đây là những tác phẩm rất có giá trị.

Về học vấn, Thầy Thiện Thông chỉ mới lớp 8 thôi, có nghĩa là chưa xong Trung Học Đệ Nhất Cấp, nhưng văn dịch của Thầy có thể ngang hàng với những người đã tốt nghiệp Đại Học. Văn phong rất trang nghiêm và câu cú rất chỉnh tề. Tất cả đều do tự học, cả tiếng Việt lẫn chữ Hán cũng thế. Chữ Hán mà nhất là danh từ Phật Học thì phải nói là khó, nhưng Thầy ấy đã tự tra cứu và đọc Đại Tạng kinh rất thong thả, không bị vấp váp chỗ nào. Quả là một bậc kỳ tài của Phật giáo.

Mùa An Cư Kiết Hạ năm 1999, tôi có nhờ Thầy dạy cho Tăng chúng chùa Viên Giác bản Đại Thừa Khởi Tín Luận và năm 2000 này Thầy dạy sách Quy Nguyên Trực Chỉ. Tất cả hầu như Thầy đã thuộc lòng và viết chữ Hán lên bảng không cần tra cứu tự điển, mặc dầu nhiều chữ quá khó, ngay cả tôi cũng chưa biết chữ đó là chữ gì, phải đi tìm tự điển để tra. Còn Thầy thì làu thông Hán học. Năm rồi và năm nay Thầy dạy luật cho Sa Di và Tỳ Kheo và hầu như luật nào Thầy ấy cũng không cầm sách mà có thể đọc thuộc lòng các giới cấm của Phật chế mấy ngàn năm về trước.

Có lần Thọ Bát Quan Trai tại Rottweit vào năm 1999, Thầy có đọc truyện Kiều cho tôi nghe. Cả hơn 3.000 câu thơ Kiều như thế mà Thầy chẳng quên một câu nào. Thật là đáng bái phục. Vì lẽ tôi cũng thuộc lỏm bỏm truyện Kiều, nhưng so ra với Thầy ấy thì chẳng thấm vào đâu.

Có lần Thầy đọc một bài thơ dài độ trăm câu, vần song thất lục bát, diễn tả một người lính Pháp khi thua trận ở Việt Nam năm 1954 phải lên tàu về nước và người yêu nước Việt Nam nào đó đã khuyên người lính Pháp hãy về lại với quê hương, với vợ con, làng xóm và những hồi còi tiễn biệt anh về cũng là những hồi còi để tiễn đưa người đã khuất về bên kia thế giới. Ai nghe bài thơ này cũng cảm động. Có nhiều người rơi cả nước mắt. Vào ngày 4.6.2000 vừa rồi Thầy có dịp đọc lại một lần nữa tại Karlsruhe nhân khóa học ngắn hạn tại đây, để rồi Thầy chẳng bao giờ còn đọc lại cho tôi nghe lần thứ ba nữa. May là lần thứ 2 này có ghi âm lại và nếu có ai đó muốn tìm lại để nghe thì xin hỏi nơi Chi Hội Phật Tử tại Karlsruhe.

Ba tháng ở Đức đã xong, nhờ Thầy Từ Trí đưa Thầy đi khám mắt và với lý do mổ hai mắt, Thầy được gia hạn ở lại Đức được 3 tháng nữa. Thế là Thầy lại dịch kinh và tiếp tục công việc dạy Chúng cho chùa Viên Giác, để rồi cuối tháng 10 năm 1999 Thầy trở lại Việt Nam với một hành trang nặng trĩu Đạo Đời. Thầy về lại Việt Nam có mang theo một số tịnh tài của Phật Tử ở Đức cúng dường, nên đã xây được nhà Tổ, nhà Đông và nhà Tây, ra chiều Thầy mãn nguyện lắm.

Khi về lại Việt Nam, tôi vẫn thường liên lạc với Thầy và tôi có đề nghị với Thầy Thiện Thông là năm nay (2000) nên xin qua Đức một lần nữa. Có 2 lý do để làm việc này. Lý do thứ nhất là nên đi tái khám lại mắt để về dịch kinh và dạy Chúng dễ dàng hơn và lý do thứ hai là năm nay (2000) khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 12 tổ chức tại Pháp, nên với Visa vào Đức, Thầy có thể đi Pháp dễ dàng và tôi sẽ trình với Giáo Hội Âu Châu để Thầy dạy cho các lớp trong khóa học. Thầy ấy đã hoan hỷ và lo làm giấy tờ tại Việt Nam. Độ tháng 4 năm 2000 thì tôi được biết rằng đã có Visa vào Đức 3 tháng và đầu tháng 5 thì Thầy đã có mặt tại Đức, sau khi thăm nhà người em ở Koblenz một vài ngày thì về chùa Viên Giác Hannover với Phật Tử Minh Tấn. Lần này Thầy gặp tôi thì vui tươi và niềm nở, tặng tôi mấy chục bó hương trầm và kinh sách. Thầy bảo rằng: “Nên đốt hương này cúng Phật trong mùa an cư kiết hạ”, và đúng thế Thầy Thiện Thông ơi! Bây giờ đang đốt hương này để cúng Phật và cúng Thầy đó. Thầy có cảm nhận được mùi thơm của giới đức này không?

Trong hơn một tháng rưỡi Thầy ở Đức này, từ ngày 7 tháng 5 đến ngày 30 tháng 6 năm 2000, Thầy đã làm được không biết bao nhiêu là công chuyện. Ví dụ như sau Phật Đản và nhập hạ an cư tại chùa Viên Giác, Thầy đã cùng Thầy Từ Trí về giảng kinh 10 ngày tại Niệm Phật Đường Tâm Giác, ai nghe cũng hiểu thấu đáo Pháp Môn Tịnh Độ để tu học. Kế đến Thầy cùng tôi, Thầy Quảng Bình và Thầy Từ Trí đã có mặt tại Karlsruhe từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 6 năm 2000, Thầy lại giảng Pháp Môn Tịnh Độ một lần nữa một cách say sưa cho hơn 100 học viên già trẻ lớn bé nghe để biết mà tu. Sau đó Thầy đi Wiesbaden vào ngày 11 và 12 tháng 6 năm 2000 để giảng Pháp Môn Tịnh Độ một lần nữa.

Sau khi về lại chùa Viên Giác, Thầy đã bảo với tôi rằng: “Thầy Viên Giác ơi! Tôi đã rút hết ruột gan, tim phổi của mình để giảng cho các Phật Tử ở Đức nghe về Pháp Môn Tịnh Độ rồi. Bây giờ chỉ còn tự lo tu nữa thôi, chứ không còn gì nữa cả.” Vì thế Thầy có đề nghị với tôi là nhân khóa tu Gieo Duyên từ ngày 1 đến 14 tháng 7 tại chùa Thầy ấy sẽ giảng về lý Bát-nhã của Ngài Văn Thù nói và khóa tu học Phật Pháp Âu Châu, Thầy ấy sẽ giảng về Tịnh Độ cũng như Bát-nhã song hành.

Đến ngày 16 tháng 6 năm 2000 tôi cùng Thầy đi Ý. Ngồi trên máy bay từ Hannover đến Milano cả chuyến đi lẫn chuyến về tôi cùng Thầy đã trao đổi rất nhiều công việc Phật sự khác nhau ở ngoại quốc cũng như ở Việt Nam. Tôi nài nỉ mời Thầy đi Venic, một thành phố nổi rất nổi tiếng của Ý. Thế là Thầy được mãn nguyện và khi đi đến Niệm Phật Đường Viên Ý ở Ý, Thầy cũng đã nhìn được những đóa sen mọc hai bên vệ đường, như đón mừng Thầy lúc đi cũng như lúc về như ở một thế giới xa xôi nào đó, không phải ở thế giới Ta-bà này.

Từ 24 đến 25 tháng 6 năm 2000 tại chùa Viên Giác có họp Hội Phật Tử. Tôi bận họp nên đề nghị Thầy truyền trao giới Bát Quan Trai cho các Phật Tử tại đây. Hôm đó có chừng 25 Phật Tử tham dự. Tôi có đề nghị Thầy giảng 2 thời, nhưng Thầy chỉ giảng có một thời. Có lẽ Thầy mệt và những ngày này Thầy ngủ nhiều. Thầy ấy bảo rằng: “Chắc đi Ý về, đường xa nên bị mệt.” Lần này cúng dường tịnh tài cho Thầy, Thầy không có ý nhận. Thầy bảo rằng: “Của chung nên chia đều ra.” Tôi nói rằng: “Ở đây đâu có ai thiếu gì, thôi thì Thầy hãy mang về Việt Nam mà làm Phật sự.” Thế là Thầy nhận.

Trưa hôm 25.6.2000 có đám xả tang cho Đạo Hữu Viên Mãn, Thầy thấy tôi bận họp nên Thầy đã cùng với quý Chú thay thế tôi để cúng và Thầy khuyên mọi người nên niệm Phật. Sau đó Thầy cùng Thầy Từ Trí đã về lại Barntrup để ngày 26.6 đi tái khám mắt. Lần này Thầy xin gia hạn thêm một tháng nữa để qua khỏi an cư kiết hạ và lớp Tu Học Phật Pháp Âu Châu. Đến sáng ngày 27.6.2000 Thầy và Thầy Từ Trí còn đi mua quà tặng sinh nhật cho tôi vào ngày 28 tháng 6.

Sau khi tôi đi quá đường xong vào ngày 27.6.2000 tôi thấy Thầy và Thầy Từ Trí về lại chùa và chiều hôm đó có một số quý Phật Tử ở Canada sang thăm chùa nên tôi đã tiếp họ từ 4 giờ rưỡi đến 5 giờ rưỡi. Sau đó vào phòng Hạnh Tấn để nói chuyện với Thầy và Thầy Từ Trí.

Đó là một ngày không như mọi ngày, vì bình thường thì tôi rất bận cho chuyện nội tâm của mình, chuyện viết, dịch kinh sách, chuyện dạy học, chuyện tu niệm, chuyện chùa chiền, chuyện Phật Tử, chuyện giao dịch v.v.. nhưng hôm ấy, chiều ngày 27.6.2000 tôi cảm thấy cần phải nói chuyện với Thầy và hôm đó là lần nói chuyện cuối cùng và vĩnh viễn sẽ không bao giờ nói chuyện với Thầy nữa. Nếu có cũng chỉ là trong giấc mộng mà thôi.

Tôi gõ cửa phòng Hạnh Tấn để nói một vài công việc thì thấy Thầy ngồi đó đang nói chuyện với Thầy Từ Trí. Tôi hỏi Thầy Từ Trí là Hạnh Tấn đi đâu rồi? Thầy Từ Trí bảo:

- Thầy ấy mới ngồi đây và đang la hoảng lên là quên cái gì đó, hình như đi đón ai đó, nên đã chạy ra ngoài rồi, bạch Thầy.

Tôi tiếp:

- Sao quý Thầy ngồi phòng này bị gió lùa quá vậy?

- Tại Thầy Hạnh Tấn không chịu đựng nóng nực quen rồi.

Thầy Từ Trí trả lời thế.

Tôi hỏi tiếp:

- Quý Thầy đang bàn gì thế?

- Chúng con đang nói về ngày sinh nhật vào ngày mai của Thầy và Thầy Hạnh Tấn.

Thầy Từ Trí thưa vậy.

- Vậy có gì đặc biệt?

- Nếu có Thầy Hạnh Bảo ở chùa, chắc là sinh nhật của Thầy màu mè hơn. Còn Thầy Hạnh Tấn thì chắc không phải vậy. Vì Thầy ấy tu theo tánh Không, nên có lẽ chỉ lạy Thầy 3 lạy nhân ngày sinh nhật rồi thôi. Do vậy con đã điện cho Sư Diệu Ân và Sư Diệu Hạnh bảo rằng quý Sư làm sao đó thì làm phải lo giùm ngày mai, chứ Thầy Hạnh Tấn thì Thầy ấy đơn giản lắm.

Thầy Từ Trí bảo vậy. Tôi hỏi tiếp:

- Vậy Sư Diệu Ân sẽ làm gì và Sư Diệu Hạnh sẽ làm gì?

Thầy Từ Trí bảo rằng:

- Việc nấu nướng chắc quý Sư ấy rành và ngày mai hay chiều này là Sư Diệu Ân và Thượng Tọa Minh Phú về chùa Viên Giác.

Đoạn tôi tiếp:

- Quý Thầy biết không, hồi Ông Cụ thân sinh của tôi mất vào năm 1986, Thầy Bảo Lạc ở Úc cũng làm đơn giản lắm. Tôi thấy Thầy Bảo Lạc để hình của Ông Cụ tôi trên thùng phước sương để cúng, rồi cũng đâu có sao.

Tất cả 3 người cùng cười, rồi Thầy Thiện Thông bảo:

- Để tôi làm một câu đối để sau này quý Thầy đệ tử của Thầy đi đối Thầy, chứ không thì không ai lo trước cho.

- Tôi mà mất thì chắc mấy ông đệ tử để bài vị tôi lên lạy 3 lạy cúng dường là xong, chứ cúng kiến, đối đáp gì.

Tôi nói thế và bắt sang chuyện khác.

- Sao tôi thấy Thầy buồn buồn, không biết có chuyện gì không?

Thầy Thiện Thông trả lời:

- Chẳng có gì, Thầy Viên Giác đừng quan tâm.

Tôi hỏi tiếp Thầy Thiện Thông:

- Thầy có biết ở Việt Nam người ta nói Thầy sao không?

- Họ nói sao? Thầy Thiện Thông hỏi lại.

- Họ bảo rằng: Thầy thì tu nghiêm mật thanh tịnh lắm, nhưng Thầy nóng tính lắm phải không? Mấy ông học Tăng bảo vậy.

- Đúng thế! Tôi không tha thứ cho một Tăng Ni sinh nào tu hành không đàng hoàng, chểnh mảng trong việc tu học mà siêng năng trong công việc thế gian, nên họ ghét tôi cũng phải.

Đoạn Thầy ấy giọng hơi trầm lại:

- Thầy Viên Giác à, kỳ này tôi về chắc là tụi Công an nó làm khó dễ lắm.

- Tại sao vậy?

- Vì công an mà nhất là công an tôn giáo họ đâu có dễ dãi với mình. Lần trước tôi về lại Việt Nam họ đã làm khó dễ tôi và họ bảo rằng: Tại đây, Bà Rịa - Vũng Tàu này chỉ có ông Thiện Thông và ông Hạnh Đức là khó khiến. Thầy giải thích tiếp: Họ chỉ thích những người nào vâng lời như một số Thầy đang theo chủ trương của Giáo Hội và Nhà Nước, trên thực tế là vậy, nên buồn lắm, khó làm việc vô cùng. Có lẽ kỳ này tôi về cũng sẽ nghỉ dạy học luôn để có cớ mà lần tới sang Đức ở lâu dài hơn và các trường cơ bản Bà Rịa - Vũng Tàu như trường Cao Đẳng tìm Thầy khác dạy.

Thầy Thiện Thông tâm tình như vậy.

Tôi nhìn sâu vào mắt Thầy, thấy Thầy ấy như có vẻ lo âu, mà những điều lo âu của Thầy Thiện Thông thì tôi không thể hiểu hết. Có lẽ Thầy ấy chỉ nói một phần, đoạn tôi hỏi tiếp:

- Thầy về Việt Nam kỳ này lo xây xong những phần của Đông Đường và Tây Đường còn lại, sau đó tôi lo giấy bảo lãnh cho Thầy và khi qua thêm lần nữa ở lâu hơn, không phải lo gì chuyện ở Việt Nam nữa.

- Thầy thấy đó, lần này đâu có bao nhiêu, chủ yếu vẫn là những người lớn tuổi cúng dường, thấy họ mà tội nghiệp, hay lấy tiền già hay tiền xã hội ra cúng chùa. Họ phải nhịn ăn, nhịn mặc nhiều lắm.

- Tôi đồng ý với Thầy là vậy, nhưng tâm của Phật Tử là tâm cầu giải thoát. Việc hỗ trợ là tận đáy lòng, chứ đâu phải khách sáo. Do vậy Thầy cứ nhận khi họ cúng dường.

Tôi bảo vậy.

Tôi chuẩn bị đứng lên thì thấy cái chân phải của Thầy hơi run run, nhưng tôi chẳng nói gì, theo tôi nghĩ có lẽ vì Thầy ngồi gần cửa sổ bị lạnh. Tôi và Thầy Thiện Thông cũng như Thầy Từ Trí nói chuyện trong phòng Hạnh Tấn 30 phút như những mẩu đối thoại vừa nêu, nghĩa là từ 17:30 đến 18:00 giờ. Tôi bước ra khỏi phòng, đi về phòng hội họp xem qua một số công chuyện thì thấy chú Quảng Giác lo sửa soạn bữa ăn chiều cho chư Tăng, tôi mở cánh cửa rộng thêm để chú ấy mang thức ăn vào. Sau đó tôi trở ra thì thấy Thầy Thiện Thông mặc áo vạt hò đi vào nhà cầu (người tu giữ giới thường hay thế, khi đi đại tiểu tiện chỉ mặc áo ngắn, khi nói chuyện tiếp khách phải mặc áo dài). Sau đó tôi về phòng riêng của mình để đọc một ít sách báo đến 18:25 phút chiều ngày 27 tháng 6 năm 2000 như thường lệ tôi đi về hướng phòng ăn, thấy mọi người lao xao đi tìm Thầy Từ Trí, tôi hỏi có chuyện gì? thì mọi người bảo rằng Thầy Thiện Thông bị trúng gió! Tôi chạy vụt lên nơi lầu ba. Phòng này vốn là của Hạnh Bảo ở trước khi đi Đài Loan, sau đó Hạnh Vân vào ở. Đến khi Thầy Thiện Thông qua, tôi có bảo là nên dọn lại phòng này cho Thầy ở. Vì ở đây sáng sủa và cũng yên ổn hơn những phòng khác ở bên Đông Đường.

Tôi thấy Thầy ấy nằm co ro và nhỏ một ít nước bọt. Tay mặt đương cầm cây viết nguyên tử và tay trái cầm tờ giấy có câu đối chữ Hán như sau:

Đa niên bặt thiệp tận tha phương.
Vị pháp vong xu vị thế nhân.

Nghĩa là:

Nhiều năm lanh lợi chốn tha phương.
Vì đạo mất mình vì nhân thế.

Tôi thấy câu đối cũng rất quan tâm. Theo tôi nghĩ câu đối ấy Thầy Thiện Thông viết cho tôi, vì lẽ câu chuyện ở dưới phòng của Hạnh Tấn chưa chấm dứt, nhưng không ngờ hôm nay dùng để đối cho Thầy ấy.

Sau này có thêm hai tin nhỏ nữa bổ túc vào việc này như sau:

Chú Quảng Giác bảo rằng chú ấy ra nhà tắm thì thấy Thầy Thiện Thông đang đi tiểu mà một tay phải chống lên tường, nhưng chú không dám kêu và không dám nói. (Có lẽ mạch máu đã bị đứt khi Thầy thay áo đi vào nhà cầu.) Sau đó lên tầng 3 của Tây Đường cố gắng viết 2 câu đối cho tôi.

Việc thứ hai, Thầy Giáo Thọ Thích Quảng Bình, bảo rằng: Thông thường Thầy ấy gần ăn chiều là lên tầng 3, nơi có computer mà Hạnh Hòa vẫn hay làm việc để nói vài tiếng chào hỏi nhau trước khi ăn chiều. Theo Thầy Giáo Thọ bảo rằng: Khi Thầy Giáo Thọ nói như vậy thì Thầy Thiện Thông thường hay trong phòng đi ra bảo rằng: Đại Sư, Đại Sư khỏe không? nhưng hôm ấy thì không nghe nói. Thầy Giáo Thọ mới nhón đầu nhìn vào thì thấy Thầy Thiện Thông đang lấy tay cầm miếng giấy đập đập xuống sàn nhà như cố gắng kêu nhưng chẳng ai nghe. Thầy Giáo Thọ bấm vào huyệt nhân trung nơi miệng thì Thầy ấy nói mấy lời, nhưng chẳng nghe rõ gì cả. Đoạn bảo chạy đi kêu Thầy Từ Trí.

Đó là hai dữ kiện gần nhất vậy. Khi Thầy Từ Trí đến thì tôi cũng đã đến rồi, bảo Hạnh Giới gọi xe cấp cứu đến. Trong khi đó Thầy Từ Trí nhăn mặt bảo rằng nặng lắm, không giống như trường hợp của Thầy ấy ở vào độ mấy tháng trước đây. Thế là 5 phút sau xe cứu thương đến. Những người cứu thương đã làm hô hấp và truyền nước biển vào nhưng thấy Thầy Thiện Thông chẳng khá hơn. Sau đó thì Bác Sĩ cấp cứu đến. Khi đến thì Bác Sĩ bảo phải chở vào nhà thương. Lúc ấy tôi cho Hạnh Tấn và Hạnh Giới đi theo xe cứu thương và có gì thì gọi về chùa cho biết.

Sau chừng một tiếng đồng hồ thì từ nhà thương Laatzen, Hạnh Giới gọi về bảo rằng: Nhà thương đã chụp hình đầu của Thầy, nhưng thấy máu ra quá nhiều, nên phải chở vào bệnh viện của Đại Học Y Khoa Hannover (Medizinische Hochschule) để chụp lại và có thể phải mổ liền đêm nay.

Thế là quý Thầy quý Chú liên lạc với anh Đỗ Văn Thông ở Koblenz để lo thủ tục mổ và vợ chồng anh Thông nghe tin ấy cũng rất bàng hoàn nên không ngủ được và 12 giờ khuya đêm 27.6.2000 đã lái xe về chùa, đến 7 giờ sáng ngày 28.6.2000 thì tới chùa. Mọi việc diễn ra như nhanh hơn thường lệ.

Sau đó từ nhà thương Đại Học Hannover Hạnh Tấn gọi điện thoại về bảo là Bác sĩ đã chạy và bảo rằng không nên mổ, nếu mổ ra Thầy ấy chỉ còn là cái xác không hồn, cũng khổ cho thân Thầy ấy lắm. Thế rồi họ chở Thầy ấy về lại bệnh viện Laatzen gần chùa để chờ. Đêm đó ai cũng hồi hộp lo âu. Mọi người nghe tin này giống như một cơn động đất hay một trận cuồng phong vừa thổi đến. Ai cũng ngẩn ngơ cả người mà chẳng biết phải làm gì. Người thì tụng kinh cầu nguyện, kẻ thì niệm Phật, đâu đâu tại xứ Đức cũng đều làm thế. Quả là Phật Tử tại đây rất có lòng với Thầy.

Sáng ngày 28 tháng 6 năm 2000, hôm ấy là sinh nhật lần thứ 52 của tôi, nhưng chẳng ai vui gì. Vì tất cả đều dồn mọi chuyện để lo cho Thầy Thiện Thông. Tôi đã cùng với Thầy Minh Phú, Sư Diệu Ân, Sư Diệu Hạnh, Thầy Thiện Sơn, Thầy Từ Trí và gia đình từ Koblenz mới lên, đi vào bệnh viện để thăm. Khi hỏi bệnh tình của Thầy ra sao thì Bác sĩ và Y tá bảo rằng không thể mổ được, vì máu đã ra đầy não bộ và chỉ chờ tắt thở thôi. Ai cũng bảo rằng còn nước thì còn tát. Đó là câu tục ngữ của Việt Nam mình. Tôi hỏi tiếp Bác sĩ là liệu Thầy ấy còn sống được bao lâu nữa? Bác sĩ bảo có thể là vài tiếng đồng hồ, nhưng cũng có thể là vài ngày nữa.

Tôi nói với Thầy Giáo Thọ đi cùng là giống như trường hợp cô Hạnh Như bị mất bên Ý hồi năm 1996. Cũng chỉ trong mấy tiếng đồng hồ là ra người thiên cổ. Không biết nghiệp lực gì mà đa phần những người tu đều đứt mạch máu não và đi nhanh như thế? Có phải sống trong thế giới này phải lo lắng cho nhiều công việc chăng?

Chúng tôi tụng một thời kinh cầu an cho Thầy và trở về lại chùa để tham dự sinh nhật. Dĩ nhiên lần này chẳng có gì vui. Tất cả mọi người hiện diện đều nhớ nghĩ đến Thầy Thiện Thông và lo cầu nguyện cho Thầy ấy. Ngay cả sinh nhật của tôi, tôi cũng phải phát biểu về cái chết sẽ sẵn sàng chờ đợi Thầy ấy, nên không khí tẻ nhạt, không ca hát, không ngâm thơ như mọi năm.

Đến chiều chúng tôi lại vào bệnh viện thăm Thầy ấy một lần nữa. Lúc đó thì đã có Minh Tấn và Thiện Thủy lên rồi. Cũng sau một thời kinh cầu an lẫn cầu siêu cho Thầy, chúng tôi lại về chùa để chờ đợi.

Tối ngày 28 tháng 6 năm 2000 sau khi lễ Phật, mỗi chữ mỗi lạy kinh Đại Bát Niết-bàn thì chúng tôi ngồi thiền như thường lệ. Trong khi ngồi với tư thế bán già thì đột nhiên tôi thấy một mặt trời rất lớn xuất hiện và trên ấy có một ít mây và Tây Phương Tam Thánh đã đến để rước Thầy Thiện Thông. Ở giữa Đức Di Đà rất sáng, màu vàng kim và 2 bên là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Đức Đại Thế Chí Bồ Tát, hình mờ hơn một chút. Các vị đều cầm hoa sen giơ lên như có ý mời gọi.

Xin thưa, đây là lúc ngồi thiền sau khi lạy Phật chứ không phải nằm mơ, nên ngày hôm sau, 29.6.2000, tôi và Thầy Từ Trí vào thăm Thầy, tôi đã kể việc thấy Tây Phương Tam Thánh đến đón Thầy ấy và nói rằng:

“Hôm qua lúc ngồi thiền tại chánh điện chùa, tôi đã thấy Tây Phương Tam Thánh đến đón rước Thầy đi, nếu quả thật thế thì xin Thầy cứ niệm Phật để Phật tiếp dẫn về Tây Phương. Nếu không, cứ xin Thầy tự tiện rút hết những dây ống lòng thòng nơi mũi, nơi cổ của Thầy ra và ngồi dậy nói năng đàng hoàng thì cả bệnh viện này sẽ quy y Thầy và sẽ trở thành đệ tử của Phật. Nếu mạnh thì phải là như thế, hoặc ít nhất cũng phải được như Thầy Từ Trí, chứ còn phải nằm như thế này chờ 1 năm, 2 năm hay lâu hơn nữa thì liệu có ích lợi gì, chỉ làm khổ thân Thầy và khổ đến những người khác. Như Thầy biết đó, chúng ta là những người xuất gia không con cái riêng tư, mà chắc gì đệ tử của mình có thể hầu cận lâu như thế được. Vả lại khi chúng ta đến nơi cuộc đời này cũng chỉ là 2 bàn tay trắng, rồi mai sau này Thầy có đi cũng chẳng mang theo được gì, nhưng riêng Phật Tử Việt Nam tại Đức này đã hưởng được biết bao nhiêu lời pháp nhũ đậm đà tình nghĩa Tây Phương. Vậy Thầy hãy an tâm đi mà niệm Phật. Mong Thầy hiểu cho.”

Đó là những lời tâm sự của tôi và những lời chuyên chở về tính cách vô thường của cuộc đời để Thầy Thiện Thông nghe lần cuối. Hôm ấy có anh Thông, em ruột Thầy, thâu Vidéo, trong khi mắt Thầy đã nhắm nghiền, mà Thầy đã nhắm từ hôm Thầy té tại chùa Viên Giác kia, để khỏi phải nhìn cuộc đời dâu bể này làm gì nữa, nhưng tôi chắc rằng thức a-lại-da của Thầy đang làm việc mạnh lắm. Những lời tôi nói, chắc chắn những giờ phút cuối cùng của đời Thầy, Thầy đã nghe rõ, nghe hết và nơi chốn Tây Phương xa xôi kia, Thầy hãy mỉm cười để nhìn một Như Điển này vẫn còn vần xoay với con tạo.

Thầy vẫn còn thở và nhịp tim lên xuống hơi bất thường nên Minh Tấn bảo rằng tối 29 tháng 6 sẽ xin bệnh viện và vào ở với Thầy để niệm Phật cho Thầy. Tôi trở về chùa và hỏi thăm quý Thầy, quý Cô, quý Chú đệ tử ai chưa đi thăm thì nên đi thăm Thầy, kẻo không còn có cơ hội nữa. Vì dẫu sao đi nữa Thầy Thiện Thông là một ân sư của Tăng Chúng chùa Viên Giác này.

Sáng hôm sau vào lúc 9 giờ sáng ngày 30 tháng 6 năm 2000 sau khi điểm tâm, tôi và Thượng Tọa Thích Tánh Thiệt cùng một số quý Chú cũng như Thầy Từ Trí đến bệnh viện. Sau khi hỏi Minh Tấn thì được biết rằng tối hôm trước đó Thầy có duỗi chân một lần và có cử động, nhưng theo Bác sĩ trực cho biết đó chỉ là phản xạ tự nhiên của các cơ bắp thịt mà thôi. Sáng nay thì Thầy đã tự thở được, nhưng nhiệt độ lên cao quá, máu trong người của Thầy cũng luân chuyển không đều, cũng như tim đã đập bất thường. Chúng tôi tụng cho Thầy một thời cầu an, cũng như cầu siêu, để sau một tiếng đồng hồ thì lên thăm Đạo Hữu Thiện Ý đau tim đang điều trị cùng bệnh viện ở tầng 2.

Sau khi từ bệnh viện về tôi đi quá đường. Sau khi đi quá đường xuống vào lúc 12 giờ trưa thì được biết là cô Thủy đã gọi về chùa sau 10 giờ rưỡi sáng báo tin là Thầy Thiện Thông đã ra đi lúc 10 giờ 30 phút trong trạng thái an nhiên như một giấc ngủ, chẳng có gì nuối tiếc với cõi trần ai này cả và cũng chẳng mang theo một lời trăn trối với ai, ngoại trừ 2 câu đối Thầy đã để lại.

Thế là cả chùa gồm có quý Thầy đã đông đủ về đây tham dự giảng dạy cũng như quý Phật Tử dự Khóa Tu Gieo Duyên 14 ngày đã lục tục kéo vào bệnh viện để trợ niệm vãng sanh cho Thầy. Tôi vào thăm Thầy lần cuối một lần nữa và chào vĩnh biệt thầy từ đây. Riêng Thầy thì đã lựa ngày giờ để ra đi một cách thoải mái an nhiên, có đầy đủ chư Tăng Ni và Phật Tử vân tập về Đạo Tràng Viên Giác để tu học và hỗ trợ Thầy về cảnh Tây Phương. Ôi sung sướng biết dường nào, mà không biết nơi cuối đời tôi có được như vậy không thì chưa rõ.

Tôi và Minh Tấn cũng như Thiện Thủy đến nhà quàng để lo một số thủ tục giấy tờ và hoạch định ngày giờ liệm cũng như làm lễ hỏa táng Thầy. Giờ liệm được cử hành lúc 17 giờ chiều ngày 2 tháng 7 năm 2000 nhằm ngày mồng một tháng sáu âm lịch (Canh Thìn) có độ 70 Tăng Ni và hơn 100 Phật Tử tới để đưa Thầy vào kim quan, có sự chủ trì của Hòa Thượng Thích Minh Tâm và Thượng Tọa Thích Tánh Thiệt đến từ Pháp. Quý Sư Bà, Ni Sư, Sư Cô v.v... đều có mặt. Một số quý Thầy quý Cô từ Việt Nam sang du lịch cũng có mặt hôm ấy khi tụng tiếp dẫn cho Thầy Thiện Thông. Sau đó về chùa làm lễ phát tang cho gia đình và quý Phật Tử tại Tổ Đường chùa Viên Giác.

Buổi trưa ngày 1 tháng 7 năm 2000, nghĩa là sau 24 giờ Thầy Thiện Thông đã viên tịch, sau khi quá đường kinh hành nhiễu Phật xong thì về lại liêu phòng để chợp mắt một chút. Tôi thấy Thầy Thiện Thông tươi cười bảo rằng: “Thầy Viên Giác à! Mọi việc tôi sẽ lo liệu cho.” Tôi dụi mắt nhìn ra ngoài cửa sổ thì chỉ thấy ánh sáng mặt trời giờ ngọ, trong khi tiếng của Thầy ấy vẫn còn văng vẳng đâu đây. Tôi tự hỏi lại mình rằng: “Tôi phải lo cho Thầy thì có, chứ bây giờ Thầy nằm im bất động như thế thì Thầy lo được gì? Không biết ai phải lo cho ai đây?”

Tôi đem 2 điềm lành của Thầy Thiện Thông kể cho Phật Tử nghe, thế là mọi người lưu tâm và xôn xao kể mãi, để những ngày sau đó Phật Tử tại các Chi Hội ở nước Đức liên tục kéo về chùa và lần lượt những điềm lành cũng xuất hiện tại chùa Viên Giác qua nhiều người thấy nghe và chứng biết như vậy.

Đến ngày 7 thì Thầy đã về chùa thật sự và ánh sáng chói lọi đã dọi vào chánh điện vào lúc 10 giờ đêm ngày 7 tháng 7 năm 2000. Việc này Viên Giác đang ngồi thiền tại chánh điện trông thấy. Viên Giác là một Thầy mới vừa thọ giới Tỳ Kheo, đệ tử của Thượng Tọa Thích Trí Minh đang tu 14 ngày tại chùa Viên Giác này và trước đây Thầy ấy chẳng có liên hệ gì với Thượng Tọa Thiện Thông, nhưng cũng được thấy như vậy. Rồi Hạnh Sa cũng đã thấy Thầy Thiện Thông về mỉm cười kêu gọi. Năm rồi (1999) khi Thầy Thiện Thông đến Đức, tôi đã cho Hạnh Sa làm thị giả Thầy trong vòng 6 tháng, nên năm nay Thầy tịch, tôi đã cho Hạnh Sa để tang thế cho các đệ tử xuất gia của Thầy không có mặt tại đây.

Đêm ấy là đêm 7 tháng 7 năm 2000, Sư Bà Bảo Quang, Ni Sư Như Tường, Ni Sư Như Viên, Ni Sư Giới Minh, Ni Sư Diệu Phước, Ni Sư Diệu Ân, Ni Sư Diệu Hạnh đã thay phiên nhau tụng 3 kinh Tịnh Độ của Thầy Thiện Thông dịch. Quý Thượng Tọa Thích Minh Phú, Thích Giác Thanh và quý Thầy Thích Hạnh Thông, Thích Từ Trí và Tăng Chúng của các chùa thay phiên nhau tụng một bộ Địa Tạng, 3 quyển. Anh Nguyên Biên Trần Hữu Lượng từ Frankfurt về tham dự lễ vào ngày 8.7.2000 cũng đã thấy một đám mây chiếu sáng và dọi thẳng vào kim quan của Thầy. Ánh sáng ấy lung linh khó tả và anh đã quỳ xuống để đọc lên những lời nguyện cho Thầy Thiện Thông. Lúc ấy là 3 giờ sáng. Anh Nguyên Biên đã kêu anh Thiện Vân người ngủ cùng phòng dậy xem thì cũng thấy nguyên như vậy. Đúng là những điềm lành lại liên tục xuất hiện.

Đến ngày hôm sau, sau khi kim quan đã đưa đi làm lễ trà tỳ rồi, thì vào khoảng 2 giờ sáng có các Phật Tử tại Na Uy, Đức và Hòa Lan cũng thấy những ánh sáng rực rỡ xuất hiện trên nóc chùa Viên Giác và chiếu thẳng vào nhà Tổ, nơi đang thờ Thầy. Quý Phật Tử này sở dĩ thấy được như vậy vì tầng 3 của Đông Đường có cửa sổ thông thoáng lên bên trên nên có thể thấy cả bầu trời trăng sao vào lúc ban tối. Thế là mọi người quỳ xuống để niệm Phật, một lúc 4, 5 phút sau thì ánh sáng đó mất đi.

Hôm làm lễ di quan Thầy, Thầy Giáo Thọ làm Chủ Sám và các Thầy khác của Viên Giác cũng như Khuông Việt nằm trong Ban Kinh Sư, Thầy Giáo Thọ và Ban Kinh Sư đã xướng lên những lời ai oán não nùng, khiến cho ai nghe cũng tủi lòng. Riêng tôi thì phải dừng lại nhiều lần trong khi phát biểu cảm tưởng của mình và những giọt nước mắt đã lăn tròn trên gò má lúc nào chẳng biết. Sau này một số quý Phật Tử có bảo rằng lần đầu tiên mới thấy Sư phụ khóc. Tôi bảo rằng: “Sở dĩ tôi khóc vì Phật giáo mất đi một trí tuệ rạng ngời và chư Tăng Ni mất đi một bậc nhân tài để lo gìn giữ cho mối đạo.” Những giọt nước mắt ấy có ý nghĩa như thế.

Trước khi xe tang của Thầy lăn bánh thì anh Thông, em ruột của Thầy, đọc lên những lời cảm tạ chư Tăng Ni và Phật Tử đã chứng minh cũng như tham gia lễ táng cho Thầy cả tuần qua cùng với sự phát biểu của Hội Phật Tử và các Chi Hội Karlsruhe, Wiesbaden, Reutlingen. Mọi người ai cũng bùi ngùi xúc động cho một chuyến ra đi, mà chuyến đi này chẳng mấy ai chờ đợi, nhưng nó vẫn tới.

Thầy Thiện Thông đã lựa đúng ngày để viên tịch, lúc có đông đảo chư Tăng Ni và Phật Tử đến và cũng lựa đúng ngày cuối tuần để làm lễ trà tỳ để có nhiều người về tham dự. Thầy mất ngay vào lúc chư Tăng Ni Âu Châu vân tập về chùa Viên Giác an cư kiết hạ, có cả giới đàn truyền Sa Di, Sa Di Ni, Thức Xoa và Bồ Tát giới cũng như Khóa Tu Gieo Duyên. Có hơn 170 người vừa Tăng lẫn tục luôn luôn hộ niệm cho Thầy trong suốt 2 tuần lễ, quả là một phước báu rất nhiệm mầu. Đó là nhờ công phu tu tập của Thầy trong nhiều đời nhiều kiếp và chắc rằng Thầy ấy đã vãng sanh.

Để rồi tuần 49 ngày của Thầy cũng nhằm vào ngày thứ bảy 19 tháng 8 năm 2000 nhân lễ Vu Lan của chùa Viên Giác cử hành, có đông đủ chư Tăng Ni và Phật Tử về hộ niệm cho Thầy nữa. Quả là một điều rất hy hữu. Ra đi trong tiếng kinh cầu, sống cũng trong ánh từ quang của đạo và khi mất đi rồi cũng đã làm lợi lạc không biết bao nhiêu sinh linh đang phát tâm tu học và nguyện về thế giới Tây Phương Tịnh Độ.

Đám tang của Thầy, các Chi Hội và các Chùa đã đi điếu độ 15.000 Đức Mã. Số tiền này tôi đã bàn với gia đình là đem cúng dường hết cho 70 vị Tăng Ni để chia phần công đức cho Thầy và mong Thầy an vui nơi cõi Tịnh, khi người sống đã làm mãn nguyện cho người chết. Riêng tiền xây tháp tại Việt Nam đã có sẵn. Đó là số tiền do Phật Tử tại Đức cúng độ 10.000 Đức Mã, em Thầy đã mang về Việt Nam 6.000 Đức Mã để xây tháp và làm lễ trai tăng nhân tuần 49 ngày của Thầy. Số tiền còn lại 4.000 Đức Mã sẽ in kinh của Thầy để ấn tống. Ngoài ra việc thiêu cốt, nhà quàng cũng như bệnh viện đã có bảo hiểm lo. Vậy là xin Thầy cứ thong dong nơi cõi Tịnh Độ vậy. Nếu Thầy có muốn tái sanh lại cõi Ta-bà này, đặc biệt là xứ Đức như Thầy đã sống qua 2 lần thì xin Thầy cứ tự nhiên hạ sanh từ Tịnh Độ. Biết đâu 10, 15 năm sau có một chú bé vào chùa Viên Giác để xin xuất gia, thì chú bé ấy là hiện thân của Thầy và Thầy sẽ tiếp tục những gì Thầy chưa làm xong nơi thế gian này vậy.

Tôi cũng được biết là sau khi xây chùa tại Việt Nam, nợ nần Thầy đã thanh toán hết rồi. Như vậy đâu có gì để phải lo nữa. Nhưng nếu có còn thì những người đến sau phải kế tục, chứ Thầy nằm yên đó làm sao lo được và suốt cả cuộc đời cứ lo và lo như thế cho đến bao giờ mới hết lo.

Sau khi đưa kim quan Thầy vào nhà thiêu, cách 2 đêm sau tôi nằm mơ màng, đâu khoảng 2 giờ sáng, có ánh sáng chiếu qua cửa sổ phòng với hình dạng một chiếc quan tài lơ lửng giữa hư không và chung quanh chỉ toàn là ánh sáng. Mở mắt thật lớn để nhìn thật kỹ thì nơi ấy chỉ còn là một khoảng không giữa đêm trường tịch mịch cô liêu, chỉ còn mình đối diện với mình mà thôi. Riêng tôi đã thấy Thầy 3 lần qua Phật thị hiện, qua Thầy báo mộng và qua chiếc kim quan treo lơ lửng giữa hư không, tôi đoan chắc rằng Thầy đã giải thoát và Thầy đã về cõi Phật.

Tro cốt của Thầy đưa về Việt Nam và xây tháp tại chùa Phước Quang ở xã Suối Nghệ, Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi Thầy đã trụ trì và xin Thầy đời đời an nghỉ tại đó. Riêng tôi thì có phước nhưng không duyên, nên chưa chắc gì tôi sẽ về được để thăm Thầy, nhưng dẫu sao đi nữa, hình ảnh của Thầy vẫn luôn còn giữ lại nơi tâm khảm của tôi, của Tăng Chúng chùa Viên Giác và Phật Tử Việt Nam tại xứ Đức này.

Tôi cũng không mong Thầy báo mộng nữa. Vì như thế cũng đủ rồi và cứ như thế mỗi năm sau ngày sinh nhật tôi 28.6 thì tôi sẽ chuẩn bị cúng Thầy vào ngày 30.6 và cũng là một ngày để chuẩn bị cho khóa an cư kiết hạ của Tăng Ni Âu Châu và các Phật Tử về tu Gieo Duyên và nguyện cầu rằng Thầy dầu ở đâu đâu, bất cứ thế giới nào đó, Thầy cũng luôn gia hộ cho đệ tử của Thầy tại quê hương Việt Nam muôn thuở được chân cứng đá mềm để gánh vác trọng trách của Thầy đã mấy thập niên qua gầy dựng nơi quê hương nghèo nàn nhưng đầy ắp tình người ấy.

Sở dĩ tôi phải viết chương này để tiễn biệt Thầy, vì lẽ tôi thấy cuộc đời nó vô thường quá, nó không có ý nghĩa gì cả. Có đó rồi mất đó, mới là hình hài hôm qua mà nay đã ra người thiên cổ, thì thử hỏi ai mà không phải tự vấn lương tâm mình. Mình sống như thế này để làm gì? Sống cho ai và sống có ý nghĩa gì? Thế mà đã có biết bao nhiêu con thiêu thân đã đốt mình trong cõi dục, liều chết trong vô minh và ái nhiễm để đời đời sẽ chỉ phải quẩn quanh trong 6 nẻo luân hồi. Cứ thế và cứ thế lại dần trôi vào quên lãng. Cát bụi sẽ trả về với cát bụi, nhưng nghiệp thức của mỗi chúng sanh thì phải luôn luôn trả vay trong muôn vạn kiếp nhân sinh. Thật là khổ ải biết chừng nào, nhưng mấy ai muốn mong ra khỏi. Chỉ có con người biết giác ngộ, có trí tuệ mới muốn ra thôi. Đó là những người biết làm chủ chính mình và là một người trưởng thành thực sự. Còn đa phần chúng sanh cũng giống như những đứa trẻ con, khi khóc lóc sẽ được mẹ dỗ dành bằng kẹo ngọt thì đứa bé sẽ im ngay. Đó là ái dục và vô minh. Còn người lớn dẫu có đem kẹo ngọt, lời hay khéo để dụ dỗ họ vẫn không thèm. Vì lẽ những thứ này không còn hấp dẫn họ nữa. Đấy là những người có trí tuệ và biết hiểm nguy của sanh tử là gì.

Xin chắp tay nguyện cầu cho Thầy mãi mãi là ánh đèn sáng để soi rọi cho mọi người và mọi loài. Từ đó Thầy sẽ đi, từ đó Thầy sẽ đến và Thầy sẽ là và mãi mãi sẽ là chỗ nương tựa vững chắc cho những ai phát tâm vãng sanh về Tịnh Độ.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 8 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim


Phật Giáo Yếu Lược


Phật giáo và Con người


Hoa nhẫn nhục

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.126.80 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Việt Nam (71 lượt xem) - Hoa Kỳ (55 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - ... ...