Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng sống. (Only a life lived for others is a life worthwhile. )Albert Einstein
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Tây Tạng huyền bí »» CHƯƠNG VIII: YẾT KIẾN ĐẠT-LAI LẠT-MA »»

Tây Tạng huyền bí
»» CHƯƠNG VIII: YẾT KIẾN ĐẠT-LAI LẠT-MA

Donate

(Lượt xem: 5.391)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tây Tạng huyền bí - CHƯƠNG VIII: YẾT KIẾN ĐẠT-LAI LẠT-MA

Font chữ:

Một buổi sáng thứ Hai, Đại đức Minh Gia cho tôi biết rằng cuộc viếng thăm điện Potala của chúng tôi đã được định vào cuối tuần. Người nói:

– Chúng ta phải tập dượt cho quen với các nghi lễ. Buổi trình diện của con phải diễn ra một cách thật hoàn mỹ.

Gần lớp học của chúng tôi có một ngôi đền nhỏ bỏ hoang, trong đó có một pho tượng của đức Đạt-lai Lạt-ma, kích thước lớn bằng người thật. Sư phụ tôi nói:

– Lâm Bá, con hãy nhìn ta đây. Ta sẽ chỉ dẫn cho con những gì cần phải làm. Con bước vào, hai mắt nhìn xuống đất, như thế này. Con đi tới chỗ này và quì xuống trước mặt đức Đạt-lai Lạt-ma khi còn cách xa Ngài độ chừng một thước rưỡi. Con hãy thè lưỡi ra để chào Ngài và cúi đầu xuống, một lần, hai lần và ba lần. Vẫn quì gối và cúi đầu, con đặt chiếc khăn quàng lên hai bàn chân Ngài, như thế này. Kế đó con đứng lên, nhưng vẫn cúi đầu để cho Ngài có thể đặt một khăn quàng của Ngài lên cổ của con. Con đếm từ một cho đến mười, để khỏi phạm lỗi vội vàng hấp tấp, rồi con ngẩng mặt lên và đi lùi lại cho đến chiếc nệm đầu tiên còn bỏ trống chưa ai ngồi.

Tôi theo dõi sự chỉ dẫn của sư phụ. Người tỏ ra rất thông thạo vì đã quen thuộc nghi lễ ấy từ lâu. Người lại nói:

– Bây giờ, ta cho con một lời khuyên. Trước khi đi lùi lại phía sau, với một cái liếc nhìn mau lẹ và kín đáo, con hãy tìm ra vị trí của chiếc nệm gần nhất. Không nên để vướng chân vào đó rồi phải nhảy nhổm lên để khỏi té! Người ta dễ bị vấp ngã trong lúc hồi hộp kích động như thế. Bây giờ đến phiên con dượt lại... Con hãy làm lại cho đúng.

Tôi bước ra ngoài và sư phụ tôi vỗ tay ba cái để ra hiệu cho tôi bắt đầu. Tôi hăm hở xông tới, nhưng sư phụ liền ngăn tôi lại.

– Lâm Bá! Đây không phải là một cuộc chạy đua! Hãy đi tới một cách chậm rãi thung dung hơn. Con hãy điều chỉnh bước đi bằng cách niệm câu thần chú Om Mani Padme Hum. Như vậy, con sẽ bước vào một cách khoan thai như một vị tăng, thay vì sãi bước như ngựa đua trong vùng đồng bằng Tsang Po!

Tôi lại bước ra lần nữa, để bắt đầu đi vào một cách “khoan thai” hơn! Đến trước pho tượng, tôi quì xuống, tiếp tục tiến tới trên hai đầu gối, và thè lưỡi ra chào theo kiểu Tây Tạng. Ba lần vái chào của tôi chắc hẳn là hoàn toàn gương mẫu để có thể tự hào! Nhưng rủi thay, tôi lại quên cái khăn quàng cổ! Thành thử tôi phải bước ra ngoài lần thứ ba để tái diễn nghi thức này lại từ đầu.

Lần này, tôi làm đúng phép và đặt cái khăn quàng lên hai bàn chân của pho tượng. Sau đó, tôi đi thụt lùi đến một chiếc nệm không khó khăn lắm, và ngồi xuống nệm theo tư thế hoa sen.

Mỗi buổi sáng, liên tiếp trong một tuần, chúng tôi đều tập dượt cho đến khi tôi có thể làm mọi cử chỉ một cách hoàn toàn. Ngày thứ sáu, tôi phải biểu diễn lần chót trước mặt vị Sư trưởng. Ngài xem xong bèn nói:

– Cuộc trình diện của con thật toàn hảo, đó là một vinh dự lớn cho sư phụ con, đạo huynh Minh Gia của ta!

Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường đến điện Potala. Tu viện của chúng tôi trực thuộc điện Potala về mặt quản trị hành chính, tuy rằng vị trí của nó biệt lập với các dinh thự chính của điện này. Tu viện cũng là một trường dạy Y khoa và vị Sư trưởng của tu viện cũng là y sĩ riêng của đức Đạt-lai Lạt-ma. Với chức vụ này, người rất bận rộn vì vấn đề quan trọng không chỉ là chữa bệnh cho vị Quốc vương, mà còn phải giữ gìn cho Ngài được luôn luôn khỏe mạnh. Bởi vậy, vị Sư trưởng phải chịu trách nhiệm về mọi sự đau yếu dầu chỉ là nhỏ nhặt của đức Quốc vương.

Tuy vậy, người không phải muốn khám sức khỏe của Quốc vương lúc nào tùy ý. Người phải đợi đến khi đức Đạt-lai Lạt-ma thật sự nhuốm bệnh mới được gọi vào!

Nhưng sáng hôm ấy tôi không nghĩ đến những nỗi lo âu của vị Sư trưởng. Những mối lo âu của tôi cũng đã quá đủ! Dưới chân đồi, chúng tôi hướng về điện Potala, giữa một đám đông gồm những du khách và người mộ đạo đi hành hương. Những người này đến từ khắp nơi trong xứ Tây Tạng để chiêm ngưỡng cung điện của đức Phật Sống, một danh hiệu thường dùng để gọi đức Đạt-lai Lạt-ma. Dẫu cho họ chỉ thấy được Ngài trong một cái nhìn thoáng qua, họ cũng hài lòng mà trở về với niềm tin tưởng rằng công lao khó nhọc của chuyến hành hương xa xôi này đã được đền bù xứng đáng gấp trăm lần!

Nhiều người hành hương đã đi bộ trên đường trường suốt nhiều tháng để đến yết kiến đức Phật Sống. Trong đám đông có cả những nông dân, những nhà vương gia quý tộc, những dân du mục, lái buôn và những người bệnh nan y, hy vọng tìm thấy phép mầu ở thủ đô Lhasa giúp họ khỏi bệnh.

Họ đi chật ních đường sá, vì tất cả đều đi vòng quanh điện Potala, một quãng đường vòng dài đến chín cây số. Có người bò mọp dưới đất, những người khác nằm dài sóng sượt, rồi lại đứng lên, để rồi lại nằm mọp sát đất lần nữa, và cứ tiếp tục như vậy cho đến khi giáp vòng tòa cung điện của đức Phật Sống. Những người bệnh tật bước đi khập khiễng trên những cây nạng gỗ hoặc nhờ bạn bè thân thuộc nâng đỡ.

Khắp nơi người ta thấy những người bán dạo rao hàng giải khát gồm có trà pha bơ và những thức ăn đủ loại. Người ta cũng có thể mua những đạo bùa, những món linh phù đã được chú nguyện bởi một đấng hóa thân. Những nhà tướng số đạo mạo ngồi bên đường xem số mệnh cho những người hành hương mê tín. Những người viết thuê bán những mẫu giấy chứng nhận rằng thân chủ họ đã đến viếng thủ đô Lhasa và tất cả những nơi thánh địa...

Chúng tôi đi xuyên qua đám rừng người mà không dừng bước vì đầu óc chúng tôi chỉ nghĩ đến cuộc yết kiến đức Phật Sống. Tư thất của đức Đạt-lai Lạt-ma tọa lạc trên nóc điện Potala, vì theo phong tục bản xứ, không ai có quyền ở một chỗ cao hơn Ngài. Một cầu thang vĩ đại xây bằng đá, bề rộng gần bằng một con đường lớn, đưa đến tư dinh của Ngài. Nhiều vị chức sắc hay quan chức lớn của Chính phủ cưỡi ngựa lên cầu thang này để khỏi phải đi bộ nhọc mệt. Chúng tôi gặp nhiều vị cưỡi ngựa như thế trên con đường đi lên nóc điện.

Điện Potala là một tòa cung điện độc lập xây trên một ngọn đồi. Đó là cơ quan đầu não giải quyết tất cả mọi công việc chính trị và tôn giáo của xứ Tây Tạng. Đó là trung tâm của quốc gia, mục tiêu của mọi tư tưởng, nguồn gốc của mọi hy vọng.

Bên trong vòng thành của cung điện, trong những tòa nhà của Ngân khố Quốc gia có dự trữ những khối vàng ròng, vô số những bao đựng ngọc ngà châu báu và những báu vật quý giá từ những thời đại cổ xưa nhất. Những tòa lâu đài dinh thự đã được xây cất đến nay không quá ba thế kỷ rưỡi, nhưng được dựng trên nền móng của một tòa cung điện cũ. Ngày xưa, có một pháo đài kiên cố ngự trị trên đỉnh núi. Ngọn núi này xưa kia vốn là một núi lửa, có chứa đựng trong lòng nó một hang động khổng lồ với những đường hầm tỏa ra tứ phía. Một trong những đường hầm này đưa đến một cái hồ ngầm dưới mặt đất. Chỉ có một số rất ít những người được ưu đãi mới đi đến đó, hoặc được biết về cái hồ này.

Chúng tôi trèo lên cầu thang của điện Potala vào một buổi sáng đẹp trời. Sau cùng chúng tôi đã lên tới tột đỉnh cầu thang. Khi vừa thấy sư phụ tôi, những nhà sư bảo vệ thân hình cao lớn lực lưỡng, có phận sự canh gác bên ngoài, bèn mở cánh cửa lớn thếp vàng. Chúng tôi tiếp tục bước lên đến một điểm cao tột trên nóc điện, tại đây có lăng tẩm của những vị Đạt-lai Lạt-ma của quá khứ, tức tiền thân của đức Đạt-lai Lạt-ma hiện tại, và tư thất của Ngài.

Một bức màn lớn màu nâu dệt bằng lông bò yak che khuất lối vào. Khi bức màn vén lên, chúng tôi bước vào một gian phòng lớn, có những con rồng lớn bằng sứ màu xanh chầu ở phía ngoài cửa. Những màn che trướng rũ đẹp lộng lẫy, trên đó có thêu tranh vẽ các cảnh tượng tôn giáo và những cảnh trong truyện thần thoại cổ xưa, bao phủ các vách tường.

Trên những bàn thấp có bày những bảo vật và đồ cổ rất quý giá, những pho tượng các vị thần và nữ thần trong thần thoại Tây Tạng cùng những đồ trang trí khác...

Trên một cái kệ, gần một hành lang hẹp có màn che khuất, có đặt quyển sách ghi danh hiệu các nhà thế gia vọng tộc trong xứ. Tôi có ý nghĩ muốn được phép mở ra và nhìn thấy danh sách của gia đình tôi để tăng thêm lòng tự tin!

Ngày hôm ấy, ở một chốn cung điện thâm nghiêm như vậy, tôi cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé và vô nghĩa. Mới lên tám tuổi, tôi đã không còn nuôi những ảo tưởng, và tôi tự hỏi không biết những lý do nào đã khiến cho vị nguyên thủ quốc gia gọi tôi vào gặp Ngài. Tôi biết rằng một cuộc hội kiến như vậy có ý nghĩa đặc biệt, và theo ý tôi, nó sẽ mở màn cho một loạt những công phu học hỏi, làm việc và thử thách.

Một vị Lạt-ma mặc áo đỏ, có manh lụa yểm tâm vàng phủ lên vai và trước ngực, bước đến đàm đạo với Đại đức Minh Gia. Sư phụ tôi có vẻ rất quen thuộc với mọi người trong điện Potala, cũng như ở bất cứ nơi nào mà tôi cùng đi viếng chung với người. Tôi nghe vị Lạt-ma ấy nói:

– Đức Thái Tuế rất thích thú và muốn nói chuyện riêng với y.

Sư phụ tôi quay lại phía tôi và nói:

– Đây là lúc con vào trình diện. Ta sẽ chỉ cửa cho con bước vào. Con hãy làm đúng những gì con đã tập dượt suốt tuần lễ vừa rồi.

Sư phụ dắt tôi đến một cánh cửa và nói nhỏ bên tai tôi:

– Con đừng e ngại gì cả... Bây giờ, con hãy vào đi.

Sau khi vỗ vai tôi một cái để khích lệ tinh thần, sư phụ đứng nhìn tôi.

Tôi bước vào, ở cuối gian phòng rộng mênh mông, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ mười ba, tức vị Phật Sống Tây Tạng, đang ngự tại đó. Ngồi trên một chiếc nệm bằng lụa màu vàng nghệ, Ngài mặc đồ trang phục thông thường của các vị Lạt-ma. Ngoài ra là một cái mũ lớn màu vàng, có hai cánh thòng xuống tận vai. Ngài vừa cầm một quyển sách đặt xuống bàn bên cạnh chỗ ngồi.

Đầu cúi xuống, tôi từ từ tiến tới. Khi chỉ còn cách Ngài độ hai thước, tôi quì xuống, thè lưỡi ra vái chào Ngài ba lần, và tiến tới trên hai đầu gối, tôi đặt trên hai bàn chân ngài cái khăn quàng bằng lụa mà Đại đức Minh Gia đã đưa cho tôi. Để đáp lễ, đức Phật Sống nghiêng về phía tôi và đặt một khăn quàng mới của ngài trên hai cườm tay tôi, chứ không đặt trên cổ tôi theo nghi lễ cổ truyền.

Khi đó, tôi cảm thấy trong lòng rối loạn, với ý nghĩ là tôi phải đi thụt lùi đến chiếc nệm gần nhất, vì tôi nhận thấy những chiếc nệm đều đặt ở cách rất xa chỗ tôi đứng. Đức Đạt-lai Lạt-ma liền nói:

– Những chiếc nệm đó đều quá xa để cho con phải đi thụt lùi. Con hãy quay lại nửa vòng và lấy một chiếc đem lại gần đây để chúng ta có thể nói chuyện với nhau.

Tôi tuân lệnh làm y theo và trở lại trước mặt ngài với một chiếc nệm. Ngài nói:

– Con hãy đặt chiếc nệm trước mặt ta và ngồi xuống.

Khi tôi đã an tọa, Ngài mới nói:

– Ta đã nghe nói nhiều điều lạ lùng về phần con. Con bẩm sinh sẵn có năng khiếu thần nhãn tự nhiên, và năng khiếu ấy đã được phát triển do một phép luyện bí mật. Ta có một hồ sơ về tiền kiếp của con, cùng với những lời tiên tri của các chiêm tinh gia. Cuộc đời của con sẽ khổ nhọc lúc đầu, nhưng nó sẽ được thành công mỹ mãn. Con sẽ đi châu du khắp nơi trên thế giới, biết được nhiều xứ lạ mà con chưa hề nghe nói đến bao giờ. Con sẽ chứng kiến bao nhiêu cảnh chết chóc, tàn phá và một sự bạo tàn khủng kiếp vượt ngoài sức tưởng tượng. Con đường của con sẽ rất dài và gian khổ, nhưng nó sẽ thành tựu tốt đẹp như đã tiên liệu từ trước.

Tại sao ngài nói với tôi những điều này, những điều mà tôi đã thuộc lòng từ lâu, không sót một chữ, kể từ năm tôi lên bảy? Tôi cũng biết rằng sau khi mãn khóa học Y khoa và giải phẫu ở Tây Tạng, tôi sẽ đi tu nghiệp các môn trên ở Trung Hoa...

Nhưng đức Phật Sống vẫn tiếp tục nói chuyện. Ngài căn dặn tôi nên giữ gìn, không nên biểu lộ quyền năng hay nói về các vấn đề bản thể hoặc thần thức khi sống ở các nước Tây phương. Ngài nói:

– Ta đã từng đi qua Ấn Độ và Trung Hoa. Ở những nơi ấy, người ta có thể bàn luận về những chân lý siêu hình. Nhưng ta đã gặp nhiều người đến từ các nước Tây phương. Họ không có sự nhận định về các giá trị tâm linh như chúng ta, họ chỉ biết có thương mãi với bạc vàng. Các nhà bác học của họ thường nói: “Các người hãy chỉ cho chúng tôi thấy sự có thật của linh hồn. Hãy đưa nó ra cho chúng tôi xem, để chúng tôi có thể sờ mó, cân lường và nhìn thấy phản ứng của nó đối với chất a-xít. Hãy chỉ cho chúng tôi thấy cơ cấu tế bào của nó, cùng những phản ứng hóa học của nó. Chúng tôi cần một bằng chứng, một bằng chứng cụ thể...” Họ sẽ nói với con như vậy, mà không biết rằng với cái thái độ tiêu cực và nghi ngờ đó, họ đã hủy hoại mọi dịp may để có được cái bằng chứng mà họ đòi hỏi... Nhưng mà này, chúng ta cần uống trà đã chứ.

Ngài gõ nhẹ một cái vào cái cồng nhỏ bằng đồng, và ra lệnh cho một vị Lạt-ma, người này liền trở lại ngay khi đó với trà bơ và bánh kẹo nhập từ Ấn Độ.

Trong khi chúng tôi dùng trà bánh, đức Phật Sống nói chuyện với tôi về xứ Ấn Độ và Trung Hoa. Ngài cũng nói rằng Ngài muốn tôi phải học tập ráo riết và ngài sẽ chọn những vị đạo sư đặc biệt để huấn luyện cho tôi. Không thể kiềm chế được sự bồng bột của tuổi trẻ, tôi nói luôn:

– Bạch Thái Tuế, chắc không có ai giỏi hơn Đại đức Minh Gia, sư phụ của con!

Đức Đạt-lai Lạt-ma nhìn tôi một lúc, rồi phát tiếng cười lớn. Có lẽ chưa ai từng nói với Ngài bằng một giọng như thế, đừng nói chi đến một đứa trẻ mới lên tám tuổi. Sự thẳng thắn của tôi dường như làm cho Ngài thích thú, Ngài nói:

– Như vậy, theo ý con, Đại đức Minh Gia là người giỏi nhất trên đời này? Con hãy nói cho ta biết con nghĩ thế nào về Đại đức, hả, con gà tre non cứng cựa!

– Vạn bạch Thái Tuế, Ngài đã nói rằng năng khiếu thần nhãn của con là một quyền năng ít có. Như vậy, con xin bẩm Ngài rằng Đại đức Minh Gia là người tài ba lỗi lạc nhất mà con từng gặp!

Đức Đạt-lai Lạt-ma vừa cười lớn vừa gõ vào cái cồng đặt bên cạnh Ngài. Vị Lạt-ma hầu cận lúc nãy lại bước vào, Ngài nói:

– Hãy mời Đại đức Minh Gia vào.

Đại đức Minh Gia bước vào và vái chào đức Phật Sống. Ngài phán:

– Đạo hữu Minh Gia, ông hãy lấy một chiếc nệm và lại ngồi đây. Người đệ tử trẻ của ông vừa nói chuyện với tôi về ông đấy. Tôi hoàn toàn tán đồng sự xét đoán của anh ta.

Sư phụ ngồi xuống gần bên tôi. Đức Đạt-lai Lạt-ma lại nói:

– Ông đã đảm trách việc huấn luyện cho Lâm Bá. Vậy ông hãy sắp đặt việc học của anh ta thế nào tùy ý. Ông sẽ hỏi tôi những văn thư ủy quyền mà ông cần dùng. Thỉnh thoảng, tôi sẽ gặp lại Lâm Bá sau này.

Ngài quay về phía tôi và nói:

– Con đã chọn lựa đúng đấy. Sư phụ con là một bạn cũ của ta lúc thiếu thời và là một bậc danh sư về khoa huyền vi.

Sau khi đã trao đổi vài lời, chúng tôi đứng dậy vái chào từ biệt đức Đạt-lai Lạt-ma. Nhìn sắc diện của người, tôi đoán rằng trong thâm tâm sư phụ rất hài lòng về tôi và về cái ấn tượng mà tôi đã gây ra trong buổi yết kiến vị nguyên thủ quốc gia. Người nói:

– Chúng ta sẽ ở lại đây vài ngày và sẽ viếng thăm những nơi bí mật trong cung điện. Ở tầng dưới có những dãy hành lang và những gian phòng kín chưa từng có chân người bước vào từ hai thế kỷ nay. Ở đó, con sẽ học hỏi được nhiều điều về huyền sử của xứ Tây Tạng.

Một trong những vị Lạt-ma hầu cận đức Phật Sống đến gặp chúng tôi và cho biết rằng có hai phòng đã được dành sẵn cho thầy trò chúng tôi trên nóc điện Potala. Nói xong, người đưa chúng tôi đến nơi.

Tôi vô cùng hứng khởi khi thấy gian phòng của tôi nhìn thẳng xuống thủ đô Lhasa và vùng đồng bằng chung quanh. Vị Lạt-ma lại nói:

– Đức Thái Tuế có chỉ thị rằng hãy để cho hai vị quý khách được đi lại tự do và mở rộng hết các cửa cho quý vị.

Sư phụ khuyên tôi hãy nằm nghỉ giây lát. Vết sẹo do chỗ bỏng ở đùi bên trái để lại hãy còn làm cho tôi đau đớn khó chịu, và tôi còn phải đi khập khiễng. Có lúc người ta đã sợ rằng tôi sẽ bị phế tật suốt đời.

Tôi nằm nghỉ trong một giờ, cho đến khi sư phụ trở lại với trà và thức ăn. Người nói:

– Lâm Bá, đây là vài món quà sáng để con dùng tạm đỡ lòng. Thức ăn ở đây rất ngon, chúng ta hãy thưởng thức tự nhiên.

Tôi không cần sự thúc giục nào nữa để tuân lệnh sư phụ. Khi chúng tôi ăn xong, sư phụ đưa tôi đến một gian phòng ở phía bên kia nóc điện. Tôi lấy làm lạ mà thấy ở các cửa sổ đều có gắn kiếng. Tôi chưa từng nhìn thấy cửa kiếng bao giờ. Nhưng chưa phải là hết. Sau khi mở các cửa sổ, sư phụ còn đưa cho tôi xem một ống đồng có bao da, giống như một cái kèn không có loa. Đó là lần đầu tiên tôi được thấy một cái ống kính viễn vọng để nhìn ra xa.

Đức Đạt-lai Lạt-ma đã đem từ Ấn Độ về đây nhiều ống kính viễn vọng, dài ngắn đủ cỡ mà Ngài rất thích dùng để ngắm phong cảnh. Cũng chính ở điện Potala mà lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy hình tôi phản chiếu trong một tấm gương, nhưng không nhận ra người trong gương: Một đứa trẻ xanh xao, với một cái thẹo lớn giữa trán và một cái mũi hơi lồi!

Có lẽ bạn đọc sẽ nghĩ rằng một xứ không có cửa kiếng, kính viễn vọng và gương soi như Tây Tạng là một xứ sở rất lạ lùng! Nhưng thật ra dân tộc Tây Tạng không hề mong ước có được những thứ ấy. Họ cũng không cần dùng tới các loại xe cộ. Các loại xe dùng để phục vụ tốc độ và cái gọi là “văn minh”. Từ lâu, người Tây Tạng đã hiểu rằng đời sống doanh thương là một cuộc đời quá ư náo động để có thể dành thời gian cho việc tu dưỡng tâm linh. Từ hàng nghìn năm trước, người Tây Tạng đã từng khám phá những bí quyết của các hiện tượng thần nhãn, thần giao cách cảm và những hiện tượng siêu hình khác. Nhiều vị Lạt-ma Tây Tạng có thể ngồi mình trần trên tuyết lạnh và làm tan rã băng tuyết chỉ bằng quyền năng của ý chí. Các vị ấy cũng có thể khinh thân nhẹ bổng lên không trung, nhưng họ không bao giờ dùng những quyền năng đó để biểu diễn trước công chúng.

Một vị danh sư Tây Tạng luôn luôn đặt các đệ tử trước những cuộc thử thách để biết chắc rằng họ xứng đáng được truyền thụ những bí thuật thần thông. Bởi đó, những quyền năng siêu nhiên không bao giờ được biểu diễn một cách hời hợt, vô trách nhiệm, mà chỉ được truyền dạy trong vòng bí mật cho những đệ tử thật xứng đáng. Những quyền năng đó không có gì là nhiệm mầu, mà chỉ là kết quả của việc áp dụng một vài định luật thiên nhiên.

Ở Tây Tạng, có người cần phải sống lẫn lộn với người đời để tự trau dồi và tu luyện bản thân, có người lại cần phải từ bỏ cuộc đời thế gian để sống ẩn dật trong âm thầm. Những người này tìm đến các tu viện hẻo lánh trên non cao núi thẳm. Tại đây, họ ở trong một xà lim hay một gian phòng nhỏ hẹp, với những vách tường bằng đá đôi khi dày đến hai thước, để ngăn mọi tiếng động lọt vào từ bên ngoài.

Khi người tu sĩ đã quyết định nhập thất ở nơi đó, người ta mới khóa chặt cửa vào, và người ấy sẽ sống trơ trọi một mình trong gian phòng bằng đá ấy, không ánh sáng, không bàn ghế, không có gì cả. Mỗi ngày một lần, ông ta được cung cấp đồ vật thực do một cái lỗ trống kín đáo, xuyên qua đó không hề có ánh sáng hay tiếng động lọt vào.

Thời kỳ nhập thất đầu tiên thường kéo dài trong ba năm ba tháng và ba ngày. Trong thời gian đó, hành giả tập trung thiền quán về ý nghĩa cuộc đời và bản thể của con người. Hành giả không được rời khỏi phòng vì bất cứ lý do nào. Một tháng trước khi chấm dứt giai đoạn nhập thất, nóc phòng được soi một lỗ nhỏ để lọt vào một tia ánh sáng lờ mờ. Kế đó, lỗ nhỏ ấy sẽ được nới rộng dần dần để cho đôi mắt người tu sĩ quen dần trở lại với ánh sáng mặt trời. Nếu không làm vậy, hành giả sẽ có thể bị mù lòa khi bước ra khỏi phòng. Có nhiều trường hợp rất thường xảy ra là sau vài tuần sống trở lại cuộc đời thế tục, các tu sĩ ấy lại quay trở về nơi nhập thất của họ và ở luôn tại đó cho đến mãn đời.

Một cuộc đời như thế không phải là khô khan hay vô ích như nhiều người vẫn tưởng. Con người có một tâm thức, có khả năng hiện hữu ở những cảnh giới khác hơn là cõi trần gian này. Một khi đã giải thoát khỏi sự trói buộc của thể xác, thần thức có thể chu du khắp nơi trong vũ trụ càn khôn và giúp đời bằng sức mạnh tư tưởng.

Ở Tây Tạng, người ta tin rằng tư tưởng là những âm ba rung động của tinh lực. Vật chất chỉ là tinh lực đông đặc lại. Một tư tưởng, nếu biết điều khiển đúng cách và kết tinh lại, có thể làm di chuyển một đồ vật. Nếu biết điều khiển nó theo phương pháp thần giao cách cảm, người ta có thể làm cho một người khác ở cách xa cảm nhận được ý nghĩ của mình và hành động một cách thích nghi theo ý mình muốn.

Việc học đạo của tôi không cần có sự nhập thất dài hạn trong một gian phòng u tối. Nó được thực hiện theo một phương pháp đặc biệt, nhằm thực hiện một mục tiêu nhất định, theo lệnh dạy khẩn thiết của đức Đạt-lai Lạt-ma. Chương trình học đạo của tôi gồm những vấn đề thuộc về khoa học huyền vi mà tôi không tiện nêu ra trong một quyển sách dành cho đại chúng. Tôi chỉ có thể nói rằng, tôi được thụ huấn về nhiều vấn đề mà phần đông các tu sĩ không thể học hết được trong thời gian suốt cả một đời người.

Cuộc viếng thăm điện Potala của tôi có liên hệ đến phần đầu của sự huấn luyện nói trên. Những kho vật dụng của điện Potala chứa đầy những pho tượng rất quý giá, những kinh sách cổ và những bức tranh vẽ trên tường trình bày những đề tài tôn giáo. Trải qua nhiều thế kỷ, những tặng phẩm quý giá từ các nơi trên thế giới được gửi đến điện Potala để cống hiến cho các vị Đạt-lai Lạt-ma trong quá khứ.

Hầu hết những phẩm vật này đều chất trong những phòng đặc biệt. Tại đây tôi đã trải qua nhiều giờ nhìn các đồ phẩm vật ấy một cách thích thú bằng nhãn quang thần thông để biết được tâm ý của những người tặng quà. Đó là một tài liệu xác đáng để biết những tư tưởng thầm kín của người đời. Khi tôi xác định những ấn tượng mà một phẩm vật đã gây ra cho tôi, sư phụ tôi lật một quyển sách và thuật cho tôi nghe lịch sử từ thuở sơ khai của nó cho đến bây giờ. Tôi lấy làm hứng khởi mà nghe sư phụ khen tặng tôi:

– Khá khen cho con, Lâm Bá, con đã có những tiến bộ hiển nhiên không thể phủ nhận.

Trước khi rời khỏi điện Potala, chúng tôi xuống thám hiểm một trong các đường hầm. Người ta cho tôi biết rằng còn có những đường hầm khác sẽ được chỉ cho tôi thấy sau này.

Mỗi người cầm một ngọn đuốc, chúng tôi rón rén cẩn thận bước xuống một cầu thang dài như vô tận, đưa xuống những ngõ ngách giao thông mà hai bên vách đều bằng đá. Tôi được biết rằng những đường hầm này sở dĩ có là do một cơn địa chấn và núi lửa tạo ra từ nhiều ngàn năm nay.

Trên vách, tôi nhìn thấy những hình kỷ hà rất lạ lùng và những hình vẽ các hoạt cảnh mà tôi không nhận ra là hình gì. Tôi nôn nao muốn đến xem cái hồ ở dưới lòng đất, mà tôi nghe nói rằng vị trí của nó nằm ở chỗ cuối cùng của một hang ngách và hồ ấy rộng đến nhiều cây số vuông. Sau cùng, chúng tôi đi đến một đường hầm, lúc đầu còn nhỏ hẹp, nhưng trở nên rộng lớn dần dần cho đến khi những vòm cao của nó chìm hẳn trong bóng tối, ngoài tầm ánh sáng của các ngọn đuốc.

Đi độ chừng một trăm thước, chúng tôi đã đến bờ hồ, nước đọng và đen như mực, đến nỗi người ta có cảm giác rằng đó không phải là hồ nước mà là một cái lỗ không đáy đen ngòm. Không một gợn sóng nhỏ hay một vết nhăn trên mặt hồ, cũng không một tiếng động làm gián đoạn cái im lặng chết người. Ánh sáng các ngọn đuốc chiếu lóng lánh trên tảng đá đen ngòm dưới chân chúng tôi. Một cái gì chiếu sáng trên vách đá. Tôi bước lại gần nhìn xem thì thấy vách đá có chứa đựng một mạch vàng lớn từ năm đến bảy thước bề dài. Ngày xưa, nhiệt độ cao đã làm chảy mạch vàng này, vàng đã tan rã ra như chất sáp lỏng của một ngọn đèn bạch lạp, rồi sau đó đã trở nên nguội dần và đông đặc lại. Đại đức Minh Gia phá tan sự im lặng:

– Cái hồ này thông ra sông Tsang-Po, cách đây sáu mươi cây số. Cách đây đã lâu, một nhóm các nhà sư mạo hiểm kết bè, đốt đuốc và chèo ra khơi. Họ chèo ra xa đến hàng bao nhiêu cây số trên mặt hồ hoàn toàn xa lạ, không định hướng, và sau cùng họ đến một chỗ mà mặt hồ nới rộng ra, đến nỗi không còn nhìn thấy vòm đá ở trên đầu và vách đá ở hai bên nữa. Họ vẫn tiếp tục chèo mà không biết phải theo chiều hướng nào...

Tôi vừa nghe vừa hình dung cảnh tượng lúc ấy, dường như tôi cũng đang ngồi trên bè với các nhà sư. Sư phụ nói tiếp:

– Họ đã đi lạc và không thể nào tìm ra phương hướng được nữa. Thình lình, chiếc bè lật nghiêng, đuốc của họ bị một ngọn gió thổi tắt, và họ chới với giữa cảnh tối đen như mực. Họ bám víu lấy chiếc bè, xoay vòng trên mặt hồ giữa đêm tối, bàng hoàng kinh sợ và có người đã bắt đầu nhuốm bệnh. Chiếc bè bị gió cuốn đi mau đến nỗi những ngọn sóng nhỏ tràn lên bè và làm cho họ bị ngâm nước lạnh thấu xương. Mỗi lúc bè càng trôi mau hơn, dường như có một bàn tay vô hình lôi cuốn họ đi vào chỗ chết. Cuộc phiêu lưu đó đã kéo dài bao lâu, họ cũng không biết vì họ đã mất cả ý niệm về thời gian. Không có một ánh sáng nào chung quanh, bóng tối dày đặc và đen kịt dường như chưa bao giờ có ánh sáng trên mặt đất. Chiếc bè tre bị sóng dập gió vùi, những ngọn gió mạnh như vũ bão thổi rít lên từng chặp. Bè lật nghiêng, họ bị lật nhào và chìm dưới đáy nước. Vài người chỉ có vừa đủ thời giờ để hít một hơi thở. Những người khác không kịp thở. Những người sống sót trôi dạt bềnh bồng cho đến khi họ nhìn thấy một ánh sáng xanh lợt, mờ mờ và mỗi lúc càng tỏ rạng. Sau cùng, họ trôi dạt vào bờ dưới ánh nắng mặt trời. Hai vị sư đã tấp vào bờ, thân mình đầy những máu và vết bầm giập, ngất ngư như người sắp chết. Ba người khác đã biệt mất tăm hơi, không để lại dấu tích. Suốt nhiều giờ, họ nằm sóng sượt trên mặt đất, trước nanh vuốt của tử thần, giữa sự sống và sự chết. Sau cùng, một người hồi tỉnh lại và mở mắt nhìn quanh. Điều mà y nhìn thấy làm cho y xúc động đến muốn xỉu. Đằng xa, nhô lên ngọn đồi của điện Potala, chung quanh có những con bò yak đang ăn cỏ trên những cánh đồng xanh tươi. Ý nghĩ đầu tiên đến với họ là chắc có lẽ họ đã chết và đang ở trên một cõi trời Tây Tạng. Ngay khi đó họ nghe có tiếng chân người bước đến gần, đó là một mục đồng đang cúi xuống nhìn họ. Người mục đồng này vừa vớt lên mảng tre còn lại của chiếc bè mà y nhìn thấy trôi lênh đênh trên sông Tsang-Po. Sau khi được nghe câu chuyện kể lại và biết rằng họ là các nhà sư, người mục đồng bèn đi đến điện Potala để báo tin và tìm cáng để khiêng họ về. Kể từ khi đó, ít người dám mạo hiểm đi trên hồ, nhưng người ta biết rằng có những hòn đảo nhỏ ở trong đó, và có một đảo đã được thám hiểm. Điều mà người ta tìm thấy trên hòn đảo đó, con sẽ được biết vào lúc nhập môn.

Tôi nghe nói vậy, liền mong ước được thả bè đi trên hồ ngay lập tức! Sư phụ nhìn tôi và cười:

– Thật vậy, đó là một kinh nghiệm lý thú, nhưng cần gì phải nhọc sức đi đến nơi khi người ta có thể đi thám hiểm nơi đó dễ dàng bằng cách xuất thần? Con có thể thực hiện điều đó, Lâm Bá, và trong vài năm nữa con sẽ có thể cùng ta đi thám hiểm cái hồ ấy rồi góp phần hiểu biết của con vào phần kiến thức mà chúng ta đã có về vấn đề này. Nhưng bây giờ thì con còn phải học hỏi rất nhiều.

Ánh lửa trên ngọn đuốc của chúng tôi sắp tắt, và tôi nhận ra rằng chúng tôi sẽ phải đi mò trong đêm tối trên đường về như những người mù. Tôi tự trách vì chúng tôi đã quá vô tâm đến nỗi không mang thêm vài ngọn đuốc để thắp nối.

Ngay lúc đó, Đại đức Minh Gia thò tay vào một lỗ trống ẩn giấu trên vách đá, lấy ra những ngọn đuốc mới rồi thắp nối theo những cây đuốc đã tàn. Người nói:

– Chúng ta có dự trữ sẵn đuốc ở đây, vì thật khó mà tìm thấy đường về trong bóng tối. Bây giờ, chúng ta lên đường!

Chúng tôi đi lần mò một cách vất vả khó nhọc theo những đường hầm lên dốc, thỉnh thoảng ngừng lại để thở và nhìn những tranh vẽ trên vách. Tôi không hiểu ý nghĩa những hình vẽ này là như thế nào. Trái lại, sư phụ tôi rõ ràng là đã rất thành thạo về những hình ảnh đó và người đi lại trong các đường hầm tối đen này một cách quen thuộc như ở nhà. Tôi linh cảm rằng chỗ này hẳn có điều gì bí mật và định thối lui lại để tìm cách khám phá cái cửa bí mật của con đường hầm này, nhưng giọng nói của Sư phụ gián đoạn giòng tư tưởng của tôi:

– Lâm Bá, con lẩm cẩm như một ông già! Chỉ còn vài nấc thang nữa là chúng ta sẽ thấy lại ánh sáng mặt trời. Khi lên tới nóc điện, ta sẽ chỉ cho con thấy chỗ mà các nhà sư ngày xưa đã ngoi lên mặt đất sau cuộc thám hiểm của họ.

Khi chúng tôi lên tới nóc điện Potala, sư phụ tôi làm theo lời hứa, và tôi đã muốn phóng lên lưng ngựa phi nước đại trên sáu chục cây số để đến nhìn xem chỗ ấy tận mắt. Nhưng sư phụ tôi nói rằng không có gì khác hơn là cảnh vật nhìn thấy trong ống kính viễn vọng. Lối thoát lên mặt đất của cái hồ này vốn nằm dưới mực nước rất sâu và không có gì để ghi dấu cho biết nó nằm chỗ nào, trừ ra một chòm cây được trồng ở phía trên do lệnh truyền của đức Đạt-lai Lạt-ma trong một tiền thân của Ngài.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Quy nguyên trực chỉ


Tư tưởng Tịnh Độ Tông


Chuyện Vãng Sanh - Tập 2


Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.225.57.42 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (169 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - ... ...