Hoàng Đế hay tin tôi đến kinh thành. Ngài ra vẻ không ngạc nhiên gì, hay
là ngài cho rằng câu chuyện này chỉ là một câu chuyện thường từ xưa đến
nay vậy thôi. Về phần tôi, tôi phải đợi tin, cho nên đã mấy hôm rồi mà
tôi vẫn không ra khỏi nhà trọ. Nhưng một buổi kia, vào khoảng hai giờ
chiều, có hai người lính bước vào, chính là lính của quan Tsarong-Shapé
sai đến với một bức thư mời tôi sang tiếp kiến ngài. Tsarong-Shapé là
một viên quan lớn nhất trong triều, thay mặt cho hoàng đế trong việc trị
quốc và việc dùng binh. Có lẽ khi vua hay tin tôi đến thành thì lệnh cho
quan Tsarong-Shapé triệu tôi đến tư dinh để xem tôi là người như thế
nào.
Hôm nay là lần thứ nhất mà tôi được triệu đến nhà quan lớn, tưởng cũng
nên ăn mặc cho nghiêm chỉnh. Tôi mở rương, lấy ra một cái áo dài thầy tu
Lạt-ma mà người ta đã cho tôi hồi tôi còn ở thành Darjeeling và mặc áo
ấy vào. Tôi trùm cả mặt và đầu bằng một tấm khăn đặng khi qua đường
người ta không thấy rõ, như vậy họ ngỡ rằng mình cũng là một kẻ đồng
bang. Đoạn tôi bước ra, theo sau tôi là mấy người giúp việc. Theo phép
lịch sự Tây Tạng, khi ra mắt một nhà chức tước thì nên đem theo vài
người tùy tùng. Tôi theo hai người lính mà sang dinh quan Tsarong.
Đi được một quãng đường, khỏi đền thờ chính mà chúng tôi phải đi vòng
theo tay mặt, đến một tòa lầu làm toàn bằng đá, trông vào có vẻ nghiêm
trang. Qua khỏi sân thì đến cửa. Tôi bèn lần thang mà lên tầng trên thì
thấy có phòng khách ở một bên. Một viên thư ký riêng bước ra chào tôi và
mời tôi vào một căn phòng bên trong rộng lớn, trang hoàng rực rỡ, có
nhiều tượng Phật với những ngọn đèn chong và những lư hương trầm, hơi
xông lên rất thơm tho. Dựa góc phòng có một cái ghế dài chất đầy nệm gối
bằng lông trừu để cho khách tạm ngồi.
Hai bên bàn thờ có vài hàng kệ, trên kệ có nhiều quyển kinh, kinh để thờ
chớ không ai đọc đến.
Dài theo bốn góc tường, có nhiều bức tơ lụa rất đẹp. Tôi ngồi nơi ghế
dài, có người đem trà dâng lên. Tôi phải ngồi chờ một lúc lâu. Trong lúc
ấy, tôi chỉ nghe thấy bên ngoài những tiếng xầm xì của mấy người của tôi
thôi. Giây lâu, thoạt thấy một vị phu nhân bước vào, có lẽ là một trong
các bà vợ của quan Tsarong. Bà cho tôi hay rằng ông Tsarong hôm nay bất
ngờ bị bệnh. Khi sáng sớm chừng năm giờ, ông đi hành lễ tại đền Potala
cảm gió lạnh nên thành sốt rét. Bà nói rằng chồng bà đang ngủ và những
đứa hầu không dám gọi.
Tôi trả lời rằng tôi sẵn lòng ngồi chờ và không cần phá giấc ngủ của
quan lớn. Bấy giờ tôi lấy làm lạ mà trông thấy bà vợ ông đến có một mình
mà không có tớ hầu. Hàng phụ nữ sang trọng ở phương Đông thường rất kín
cổng cao tường, không bao giờ tiếp xúc một mình với đàn ông. Ở thành
Lhassa đây, bà chủ nhà này tiếp đãi tôi theo lối Châu Âu. Bà ngồi một
bên tôi và cầm khách, nói chuyện với tôi cho tôi khỏi nhọc lòng trông
đợi. Tôi hầu chuyện không bao lâu, bỗng rất tiếc mà ngưng lại, vì có một
tên lính hầu bước vào cho hay rằng quan đã tỉnh giấc và xin mời tôi vào
ngay.
Tôi thật tiếc vì chưa được tìm hiểu thêm cho kỹ cách tiếp đãi của một bà
phu nhân ở kinh thành.
Tôi theo tên lính lên tầng thứ hai, vào một căn phòng riêng, trang hoàng
theo kiểu Trung Hoa. Quan Tsarong đang nằm trên ghế dài.
Ở xứ này nếu muốn ra mắt một viên quan thượng quan thì phải dâng lên của
quý mà làm lễ. Tôi chỉ dâng một tấm lụa như lễ thường của bình dân.
Nhưng xem ngài không để ý đến, ngài lại chào tôi rất vui vẻ và xin tha
lỗi cho vì ngài còn mệt không thể ngồi.
Trông vị quan này người mập béo không có vẻ oai nghi lắm, nhưng tướng tá
cũng khác thường. Ông là một bậc có thế lực lớn nhất ở Tây Tạng.
Tôi có thể cho rằng ngài là anh hùng chí cao có thể sánh với Bismark bên
Đức và Ito bên Nhật.
[5] Nhưng ngài chưa có đủ điều
kiện và thời cơ mà đóng góp cho nền đế quốc Tây Tạng.
Bên Tây Tạng, người ta không phân chia giai cấp như ở Ấn Độ, song những
chức cao phẩm trọng đều thuộc về hạng sang, trừ ra trường hợp của những
vị Hoạt Phật tái sanh. Vị quan này vốn không phải con nhà quý phái. Cha
ngài là một người mà địa vị còn kém sút hơn hàng nhà quê, ấy là một
người chuyên nghề làm cung tên, là nghề rất đê tiện ở Tây Tạng. Ngài lấy
tên Tsarong, tự Shapé là lúc sau này.
Khi ngài còn trẻ, người ta vẫn gọi ngài là Namgang. Ngài có tính cứng
cỏi và thích những việc đao thương, những chuyện bạo lực.
Khi lên 14 tuổi, ngài thấy thành Lhassa dường như rất chật hẹp, liền
sang tận Mông Cổ đặng tiện bề vẫy vùng.
Mấy năm sau, khi ngài gặp thời. Vào 1904, nhà vua đi lánh nạn ở Mông Cổ
vì trận giặc Younghusband, Namgang mới nhân cơ hội này mà xin theo phò.
Vua nhận rõ ngài là người ngay thẳng và khôn ngoan, bèn đem lòng yêu
chuộng. Và qua năm 1908, vua trở về Tây Tạng thì phong cho Namgang làm
quan ba.
Kế đến, vào những năm 1909–1910, quân Trung Quốc sang đánh. Vua bại
binh, lần này lại chạy sang Ấn Độ. Quân Trung Quốc liền đuổi theo, quyết
bắt cho được vua. Nhưng nhờ có Namgang đánh cản tại thành Chushul khá
lâu nên vua mới thoát khỏi mà qua Ấn Độ. Namgang định theo hầu vua, bèn
giả dạng làm một tên đưa thơ của chính phủ Ấn Độ. Nhờ vậy, qua được qua
khỏi mấy vòng binh Trung Quốc mà đến thành Darjeeling, gặp lại vua. Có
lẽ cũng vì như thế đó cho nên quan Tsarong thấy tôi đổi hình dạng mà đi
từ Ấn Độ cho đến thành Lhassa thì ngài không lấy gì làm lạ, tôi chỉ đi
ngược lại đường cũ của ngài thôi.
Qua năm 1911, nhằm lúc có cuộc cách mạng bên Trung Quốc, Namgang xem
thấy tinh thần quân Trung Quốc ở Tây Tạng yếu ớt, ngài liền thừa dịp ấy
mà phò vua trở lên ngôi. Ngài lén đi khắp nơi trong xứ Tây Tạng mà gieo
ác cảm cho dân sự đối với quân binh Trung Quốc. Lần lần, những đội binh
Trung Quốc đều đầu hàng và những quan Tây Tạng giao thiệp thân mật với
Trung Quốc đều bị cách chức hoặc bị xử tử hình. Có một viên đại thần làm
chức Shapé tên Tsarong cùng với người con, vì thân Trung Quốc nên đều bị
xử trảm. Vua yêu chuộng Namgang lắm, bèn đem tài sản của ông cụ Tsarong
mà tặng cho ngài, lại lấy chức vụ cũ của Tsarong-Shapé mà phong cho
ngài. Vua lại đem con gái và con dâu của Tsarong mà ban cho ngài làm bạn
trăm năm. Từ đó, Namgang đổi tên là Tsarong-Shapé vậy.
Vua vẫn trọng và nể ngài nhiều. Hiện nay, ngài là một người có quyền thế
lớn nhất ở Tây Tạng. Ngài có nhiều ý kiến theo hiện đại và muốn sao cho
Tây Tạng được mau tiến bộ như Nhật Bản. Và nhờ ngài có bàn luận với vua
nhiều vấn đề thích đáng, nên vua đã theo đó mà cải cách được lắm sự hữu
ích cho nước nhà. Những điều cải cách ấy bị giới tu sĩ phản kháng rất dữ
dội, đã lắm khi âm mưu ám sát ngài, nên ngày đêm ngài đều có sẵn kẻ hộ
vệ bên mình.
Ban đầu, quan Tsarong-Shapé và tôi bàn những việc ngoài, kế nói đến câu
chuyện sang thành Lhassa của tôi. Ngài cho tôi hay rằng khi ngài nhận
được bức thơ tôi ở Darjeeling gởi vào xin viếng kinh đô thì ngài rất
bằng lòng, vua cũng muốn ưng chuẩn. Nhưng chính phủ, do các tu sĩ nắm
quyền, quyết không thuận tình. Nay tôi đã trót thay hình đổi dạng mà vào
đến kinh thành, tôi xem ý ngài thật cũng không có vẻ phiền hà tôi. Ngài
có khuyên tôi nên làm theo luật nước. Ngay ngày kế đó, tôi phải gởi tờ
trình sự hiện diện của tôi đến với những quan tòa trong thành. Tiếp đến,
mấy ông đó sẽ báo cáo lên tòa Kashak hay là Quốc vụ hội nghị, trong ấy
có ông Thủ tướng và bốn viên quan tứ trụ. Ngài có dự vào đó và có thể
giải cứu giùm tôi. Ngài cũng khuyên tôi không nên kể ra những quán xá mà
tôi ngừng nghỉ trong khi đi đường, vì sợ e chính phủ phải theo lòng dân
mà bắt tội những chủ quán ấy. Và ngài có dặn tôi đừng chỉ nhà của những
kẻ đã đi chung với tôi.
Tôi ngồi hầu chuyện với ngài được ba tiếng đồng hồ. Đến khi tôi kiếu ra
thì trời đã tối. Tôi bèn về nhà trọ. Lần về này đi theo đường khác.
Tôi lấy làm lạ thấy nơi một miếng đất trống có một cái ngai, mặt bằng
phẳng và chạm trỗ rất hoa mỹ. Người ta nói đó là ngai vua ở thành
Lhassa, khắp nước Tây Tạng chỉ có một cái đó mà thôi. Mỗi năm đức vua
Datlai-Lama ngự lên ngai ấy một lần và thuyết pháp với dân, khuyến tấn
họ, vì ngài là đức Phật sống vậy.
Kế đi đến cánh cửa chính đền Chokang là đền thờ lớn hơn hết ở kinh đô,
nơi cửa có treo nhiều bức nhung đen. Cánh cửa mở ra, tôi trông thấy cả
trăm người đang quỳ lạy trước mấy pho tượng Phật.
Hôm ấy tôi mệt lắm, cho nên khi về nhà vừa nằm xuống thì ngủ liền. Sáng
hôm sau, thức dậy sớm, ngồi trông ngay ra cửa sổ một tòa nhà. Một người
giúp việc của tôi nói rằng đó là tòa án ở thành Lhassa. Nơi thềm, có mấy
tấm đá đội một cái vòng sắt cắm xuống đất. Tôi vừa muốn hỏi món đồ ấy để
làm gì, nhưng tôi ngụ ý mà hiểu ra ngay.
Trong khi tôi qua thì thình lình một cánh cửa mở ra, năm sáu viên quan
lôi ra một người đàn bà, lột bỏ áo quần và còng tay chân vào hai cái
vòng sắt. Đoạn họ lấy roi da mà đánh đến một trăm rưỡi lần. Lằn roi quất
vào thịt và bật ra tiếng rất to. Ban đầu người đàn bà còn kêu la, sau
thì ngã ra bất tỉnh. Những kẻ hành hình bèn lấy nước lạnh mà đổ trên
mình, giây lát người ấy dần dần tỉnh lại và phải bị đánh nữa. Tôi tìm
hỏi xem người đàn bà ấy phạm tội gì mà phải bị hành hạ đến thế, thì được
biết rằng ấy là một người bán pháo hôm qua nhằm ngày lễ tết. Bà ta rủi
làm pháo nổ cháy nhà và thiệt mạng nhiều người. Sau khi bị hình phạt,
người đàn bà ấy không còn sức đứng dậy được. Người ta mang vào trong, bỏ
nằm trên đất cho đến chừng tỉnh lại mới ríu ríu trở về.
Trông thấy cách hành phạt ấy và dãy tòa án trước mắt rất gắt gao gớm
ghiếc kia, tôi chợt rùng mình và nghĩ đến việc sẽ bị hạch hỏi trước
những quan tòa ở thành Lhassa. Tôi bảo hai người của tôi bước sang bên
ấy bẩm với quan tòa rằng tôi đã đến và cầu xin các ngài cho hội đồng các
quan hay. Giây lát chúng nó trở về cho tôi hay rằng mấy quan tòa nói
rằng việc của tôi rất hệ trọng nên còn chưa liệu định được, phải để chờ
lệnh trên. Tôi cũng biết câu chuyện nầy chưa tính xong liền, phải mất ít
nhất một đôi ngày. Nên tôi yên lòng mà chờ.
Lúc bấy giờ, tôi thường ngó ra ngoài để xem những kẻ qua đường. Nhằm khi
lễ cho nên người qua kẻ lại rất đông. Những kẻ nhảy nhót tưng bừng,
những đàn bà mang con nơi lưng như đàn bà Nhật Bản, những kẻ đi cầu xin
phước, lộc, thọ cho gia đình. Đông hơn hết là các phụ nữ, họ đi đến một
cảnh tháp tên là Shortin, dán nơi đó những tấm vải cầu nguyện và đốt
hương lên mà khấn vái lầm thầm.
Qua xế chiều, có xảy ra một việc rất ngộ nghĩnh, chính là việc tắm gội
lần đầu tiên của tôi từ khi ra đi khỏi thành Darjeeling. Thật ra cũng
chính là lần thứ nhất mà tôi được rửa ráy từ khi tôi lén vào đến kinh đô
Lhassa vậy. Trong nhà của ông Sonam không có thùng tắm. Cũng may chủ nhà
có một cái thùng bằng thiếc để giặt đồ, bèn cho tôi mượn. Chủ nhà và gia
quyến thấy tôi kỹ lưỡng như vậy thì nhìn tôi mà cười. Còn tôi thì cũng
chẳng e ngại tránh né gì, là vì muốn tắm rửa cho được sạch, được kkỏe.
Nhưng nước vừa thấm vào người thì liền phải bị đau đớn vô cùng: những
con chí, rận và bò chét cắn rất khó chịu, và lại thấy lạnh hơn rất
nhiều. Không cần nói, độc giả cũng biết rằng từ bên Kampa-Dzong qua đến
Lhassa thì những chí rận, bò chét không hề rời tôi. Nhưng trong những
lúc ấy, không bao giờ tôi tắm rửa, thành ra mình tôi đóng đầy một lớp mỡ
và đất rất dày, nhờ đó làm cho tôi không biết đau. Bây giờ, đất và mỡ dơ
dáy vừa trôi đi thì tôi phải bị chúng nó cắn rất đau, nên tôi đành chịu
thua.
Tôi cũng biết trước rằng ở Lhassa sẽ phải lạnh nhiều nên tôi có đem theo
đồ ngự hàn. Ở kinh thành, chỉ có áo quần là để đỡ lạnh mà thôi, và ngoài
ra phân bò trộn cỏ phơi khô mà những nhà giàu mới có thể dùng đốt để hơ
thì không còn cách gì khác để trừ lạnh. Với những người thường thì chỉ
có phân ngựa và phân la thôi. Nhưng vì phân trộn với cỏ cháy rất nhanh
cho nên hao tốn nhiều, người Tây Tạng không dám dùng mà sưởi ấm, họ chỉ
dùng để nấu ăn thôi.
Lắm khi họ lại phải ăn toàn đồ ăn sống trong nhiều ngày. Bởi thế cho nên
khi có lạnh nhiều thì họ chỉ mặc thêm một vài cái áo nữa là xong.
Nước để tắm và để dùng toàn là nước ngoài giếng. Ở Tây Tạng không có
nước sông, cho nên mỗi ngày những người đầy tớ phải đi gánh về để dùng.
Ở tại Lhassa không thiếu nước, và không cần phải đào xuống sâu mới có
nước, chỉ ở trên mặt đất cho tới một mét rưỡi bề sâu cũng có nước nhiều.
Người Tây Tạng nói rằng thành Lhassa cất trên một cái biển hồ mà không
bị ngập, bị nguy là nhờ phước lớn của đức Phật sống là nhà vua. Giếng
không sâu nên nước khó uống lắm, là vì chung quanh có nhiều đống phân.
Chỗ đi tiểu tiện lại cũng không xa. Nhưng trong xứ ít mang bệnh truyền
nhiễm là nhờ người ta uống nước trà đun sôi.
Ngày kế đến, có mấy chuyện mới thêm vào. Hôm ấy, vừa sáng sớm, có hai
viên chức do tòa án phái đến cho tôi hay rằng trong vài ngày sẽ có cuộc
tra hỏi chính thức về câu chuyện của tôi. Họ dặn tôi nên ở luôn tại nhà
trọ và giữ đừng cho ai biết rằng tôi đã đến Lhassa. Mấy quan tòa có lòng
lo rằng trong khi lễ tết rộn ràng mà dân sự hay biết việc tôi thì họ sẽ
đến nhà trọ và không dung tánh mạng tôi đâu. Tuy mấy ông ấy biết sức dè
dặt mà giấu giùm, nhưng dân sự cũng hay rằng tôi giả trang đến đây và
hiện đang ngụ trong thành. Khi từ tạ tôi mà trở ra, hai viên chức ấy có
xin lỗi nói rằng nếu gặp lúc bình thường thì mấy quan tòa lo cả cuộc trị
an trong thành, như vậy dễ mà chở che cho tôi, nhưng rủi vì gặp khi tết
nhất phái thầy tu bạo động đang ở trong thành rất đông nên khó mà giúp
cho tôi được bình yên. Vả lại cũng nhằm lúc có hai nhà sư mà chùa
Drépung cử ra đặng coi xét việc chính trị, trong 21 ngày đầu năm họ nắm
hết cả quyền hành, cho đến nổi Hoàng Đế cũng phải nhường quyền trong 21
ngày ấy, nên chuyện của tôi càng rắc rối thêm.
Tôi tỏ lòng cảm ơn hai vị phái viên và hứa rằng sẽ không bước chân ra
ngoài. Nói như vậy nhưng tôi tự nghĩ rằng đến tối thì tôi có thể rảo
bước ra đường, có khi giả dạng người bản xứ, có khi chỉ bao trùm cái mặt
là xong. Sau khi hai phái viên ấy ra về, tôi được giải lấp mối sầu là
vào lúc xế chiều có một viên quan tên Kyipup đến viếng tôi. Kyipup có
lòng nghĩ tưởng đến tình cảnh tôi, vì anh chàng là một trong hai thanh
niên đã từng qua nước Anh. Tuy người Tây Tạng không có cảm tình với
người ngoại quốc và kỳ thị mà chẳng cho vào, chứ đối với một người đã
được sang hải ngoại, đã hấp thụ văn minh và tập tục ngoại quốc, thì họ
cũng có sự thông cảm. Nhờ vậy cho nên dân Tây Tạng ra khỏi xứ cũng đông,
hoặc qua Mông Cổ, qua Trung Quốc hay sang Ấn Độ để buôn bán. Họ cũng
năng lui tới Ấn Độ mà hành hương, vì Ấn Độ là xứ mà Phật giáo đã phát
xuất. Đức Phật Thích-ca Như Lai sanh ra ở Ấn Độ, lớn lên ở Ấn Độ, thành
đạo ở Ấn Độ, cứu nhân độ thế cũng ở Ấn Độ và nhập diệt cũng ở đó. Người
Tây Tạng nghĩ rằng đi viếng thăm các nơi có chùa xưa tích cũ của Phật ấy
là giữ đạo rất chân chính, hành đạo rất sốt sắng vậy.
Bình thường, không bao giờ người Tây Tạng sang hải ngoại mà đến Âu Châu.
Vì thế nên vào năm 1904, khi chính phủ Anh thắng trận vào tận Lhassa, có
ý muốn gởi vài ba sinh viên con hàng quan chức sang mẫu quốc để du học
thì rất khó khăn. Vì những nhà danh giá ở Tây Tạng không muốn cho con
mình bị ảnh hưởng người ngoại quốc. Phải mất rất lâu mới chọn được ba
người sinh viên trong hàng trung lưu. Trong ba người ấy, người có nhiều
hy vọng hơn hết lại mắc bệnh mà chết. Còn lại Kyipup với một người bạn
là Mondron, sau khi ở bên Anh bị đau nặng vài năm liền trở về nước.
Kyipup khi ở bên Anh học trường Collège de Rugby, còn Mondron thì học
trường Cornwall, sau thi đậu bác vật. Việc này kết quả không được mỹ mãn
lắm. Vì người trong nước đều cho hai chàng là kẻ bội giáo, và khi hai
chàng ra làm quan thì chẳng được hàng phẩm cao, phải chịu ở bậc thấp mà
thôi. Nhưng vậy cũng có được một đôi phần lợi, là vua thích ảnh hưởng Âu
Tây, ngài muốn chỉnh đốn cuộc trị quốc theo lối tân thời.
Bây giờ, Kyipup đang làm việc ở sở điện tín mới thành lập, còn Mondron
thì đi coi các sở dầu hỏa trong nước. Kyipup vui chịu thanh bần, vẫn
được an nhàn, vì công việc của chàng chẳng nhọc nhằn tí nào, chàng được
rỗi rãnh mà hút rất nhiều thuốc lá, là món quốc cấm ở Tây Tạng. Còn
Mondron thì lại muốn mau thăng tước phẩm nên đã thọ lễ xuất gia, nhập
vào giới tăng sĩ là giới có nhiều quyền thế.
Khi cả hai về đến quê hương, có xảy ra một chuyện buồn cười. Số là hai
chàng có đem về nước cái xe máy dầu. Vua muốn xem coi xe chạy thế nào,
bèn mời hai chàng chạy khắp cánh đồng chung quanh thành Lhassa. Xe vừa
chạy đi thì tiếng máy nổ lên xì xịch làm cho mấy con la hoàng thượng
đang cưỡi hoảng kinh, chúng nó chạy hoảng đi rất xa làm cho hoàng thượng
và kẻ hộ vệ đều thất sắc. Ngài bèn nằm mọp trên yên, giây lâu người ta
mới bắt la lại được. Hai chàng trông thấy vua có sắc giận, bèn nộp ngay
cái xe mô-tô lên cho vua. Và từ đó đến sau cái xe vẫn còn nằm mãi trong
đền.
Qua ngày kế, vào lối mười giờ, hai vị sư bên chùa Drépung vừa qua. Người
ta tiếp rước một cách trọng hậu vô cùng, có những quân hầu rất oai nghi,
cầm cây gậy đi theo để dẹp đường. Các đường sá nơi quan quân làm lễ tiếp
rước hai vị sư với đoàn tăng sĩ đều được trải cát rất nhiều, là vì người
ta không muốn cho các ngài bước lên dấu chân ô uế của bá tánh đi hằng
ngày.
Hai vị sư bèn đọc lên một bài diễn văn, giọng văn có vần nhịp nghe rất
êm tai. Trong khi ấy, mấy viên quan trong thành phố đưa ra lời bố cáo
với các quan chức rằng, tuy bình thường các quan lo việc trị an, nhưng
trong hai mươi mốt ngày đến đây thì tất cả mọi việc chính trị trong nước
đều giao phó cho các nhà sư. Các ngài có đủ quyền thế, đến nổi các quan
tứ trụ cùng hoàng thượng cũng phải tuân theo sự phán xét của các ngài.
Mấy quan đốc lý nói rất đúng, là vì có một lần trong năm trước, khi hai
vị tăng sĩ qua cai trị trong hai mươi mốt ngày, hai ngài có quở trách
đến cả hoàng thượng.
Hai vị tăng ấy chính là hai vị sư mà giáo hội chùa Drépung tuyển ra đặng
đi xem xét cuộc chính trị trong nước. Và đó là quyền đặc biệt của chùa
Drépung mà chùa ấy khéo bảo vệ từ xưa nay.
Lệ này khởi sự từ đức Dalai Lama thứ năm. Ngài
là một nhà vua có danh tiếng nhất. Gặp khi vua yếu thế, đã sắp mất ngôi
thì có các vị tăng ở chùa Drépung đem binh cứu viện mà đưa vua trở lên
chín bệ. Vua nhớ ơn ấy nên ban cho cái lệ vinh quang như thế mỗi năm. Về
sau, lệ này thật làm nhọc các vị vua, các ngài phải bị giảm bớt oai
quyền rất nhiều. Nên chi vua đương kim rất ghét phái thầy tu cầm quyền
tạm thời. Lắm phen vua muốn tìm cách để giảm quyền của họ. Có một lần
hoàng thượng giận phán rằng: Trẫm phán để các ngài hay, lệ ấy vốn của
một nhà vua khác đặt ra, thì trẫm cũng có thể bỏ ngay đi vậy. Vua phán
như vậy, song chưa dám thi hành ngay theo ý muốn của ngài, vì e sự phản
kháng kịch liệt. Vì thế mà ngài hãy còn hòa hoãn trong việc tìm cách
giảm dần quyền thế của giới tăng sĩ.
Cuộc lễ nghinh tiếp hai vị Tăng trưởng mất đến cả ba, bốn tiếng đồng hồ.
Người ta đi vòng các con đường, quanh các góc thành. Tôi đứng nơi cửa số
nhìn xuống thấy rất rõ ràng.
Chiều lại, tôi đến viếng quan Tsarong-Shapé, không phải viếng một cách
công khai mà vẫn phải kín đáo như lần đầu. Ngài đã khỏe lại rồi và có vẻ
rất vui. Nhưng ngài có tỏ ý lo ngại là rồi tôi có thể sẽ phải gặp chuyện
không vui. Tuy vậy, ngài hứa sẽ ra sức mà bênh vực tôi. Ngài nói một
cách tử tế rằng sẽ cố giúp tôi một cách gián tiếp. Nhưng những điều cải
cách mà ngài đưa ra theo lối Âu Tây đã làm phiền lòng giới tăng sĩ nhiều
lắm rồi, mà nay ngài còn đứng ra bênh vực cho tôi một cách công khai thì
thật là không hay cho ngài và cho cả chính phủ. Giới tăng sĩ ghét ngài
nhất là vì việc ngài cho quân lính ăn mặc và luyện tập theo lệ luật quân
đội Âu Tây. Bởi ngài thấy quân lính Tây Tạng ăn mặc rườm rà, bất tiện,
nên ngài ra lệnh cho mặc đồ theo lối quân đội Anh. Còn ngài cũng thế,
tuy ngài cũng có áo mão chỉnh tề theo chức tước của mình, song ngài lại
thường dùng y phục theo lối Tây. Tuy vậy, ngài cũng thừa nhận rằng còn
hai phong tục mà ngài không thể bỏ: chiếc bông tai to tướng bằng ngọc
thạch mà ngài đeo nơi lỗ tai trái và cái búi tóc trên đỉnh đầu, trên ấy
có một món trang điểm biểu hiệu cho phẩm trật của ngài.
Căn phòng ngài đang tiếp tôi được trang hoàng cũng theo Âu Tây, và bữa
ăn thân mật mà ngài đãi tôi hôm nay cũng toàn là những món ăn Tây rất
đắt giá, có pha một vài món ăn bản xứ. Sau khi ăn ngài mở tủ lấy ra một
cái ống điếu làm ở nước Anh và ngài hút một cách khoái lạc, tôi lấy làm
ngạc nhiên. Vì người Tây Tạng rất ghét thuốc lá, họ không dùng. Bởi thế
nên ngài không dám hút trước mặt công chúng.
Ngoài những đồn điền của ngài ở miền đồng bằng Tapko và ở nhiều chỗ
khác, quan thủ tướng Tsarong còn có ba tòa lầu ở bên ngoài và trong kinh
thành: hai ngôi nhà ở cách Lhassa vài cây số với ngôi nhà riêng mà tôi
đang ở. Tôi lấy làm lạ khi được biết rằng ngài đang cất một cái đền
khác, cách đền mà ngài đang nói chuyện với tôi chừng vài trăm mét. Và
sau tôi mới hiểu lẽ ấy. Ngài nghĩ rằng cái đền ngài đang ở không được
yên ổn, vì linh hồn của quan Tsarong trước đây với cậu trai thường về
phá khuấy, họ uất ức việc xưa vì ngài hưởng lấy gia tài với con gái và
dâu của ông thủ tướng quá vãng ấy. Ngài có nhiều đứa con đều chết hết,
nay chỉ còn có một cậu trai nhỏ mà không được khỏe lắm. Tuy ngài sống
theo hiện đại, có xu hướng theo văn minh tiến hóa Âu Tây, song ngài cũng
cho rằng những điều không yên ổn trong nhà xảy ra là do nơi sự khuấy rối
của cha con ông cựu quan Tsarong-Shapé. Nếu ngài dời về một cái nhà khác
do ngài cất lấy thì hồn ấy không có quyền phá ngài được nữa.
Ngài và tôi bàn bạc rất lâu và đối đáp một cách tương đắc. Ngài thường
bệnh hoạn và cũng thường thỉnh đến mấy nhà sư tụng kinh cầu nguyện sức
khỏe cho ngài. Thỉnh thoảng mấy vị tăng cao cấp bậc Geshé cũng có đến
luận đạo với ngài. Ngài muốn mở cửa xứ Tây Tạng cho người ngoại quốc
vào, nói rằng ngày nay xứ sở đã có đủ sức mà bảo vệ lấy quyền tự do, độc
lập. Thật ra thì dù cho ngài có cố thế nào đi nữa, cái ý tưởng của ngài
cũng khó mà thi hành cho được. Ngài rất quan tâm đến thời cuộc chính trị
ở Âu Tây, và tôi lấy làm lạ mà nghe ngài bàn nhiều câu chuyện thế giới
rất thông thạo.
Tuy ngài cải cách theo Âu Tây, ngài có ở lâu bên Ấn Độ, biết tiếng Ấn Độ
và tiếng Anh, nhưng ngài không nói tiếng Anh cùng là tiếng Ấn Độ, ngài
chỉ dùng tiếng Tây Tạng thôi. Tôi ngồi nói chuyện một cách thú vị rất
lâu mới từ biệt mà về nhà trọ.
Qua hôm sau, có người đòi tôi sang bên tòa án, để cùng thảo một tờ trình
gởi lên cho hội đồng các quan tòa, giải thích cho các ngài hiểu rằng tôi
làm thế nào vào tới Lhassa, và tới để làm gì. Tôi thấy hai quan tòa
chính ngồi trên tầng lầu, mặc áo lụa đỏ vành tím. Hai ngài ngồi nơi các
ghế dài trên có che lọng. Trước mặt mỗi vị có mấy chén trà mạ bạc, thỉnh
thoảng người ta châm trà có beurre vào cho hai ngài. Hai bên có mấy viên
ký lục ngồi xếp bằng. Thường lệ, những kẻ tòa đòi đến đều phải quỳ.
Riêng phần tôi được miễn lệ ấy và được người ta đem ghế đến mời ngồi.
Một quan tòa nói rằng các quan chức trong thành lấy làm tức giận vì tôi
to gan dám vào đến kinh đô, và muốn cho tôi phải bị xử một cách đích
đáng. Quan tòa bảo tôi thuật lại chuyện đi đường một cách kỹ lưỡng. Ngài
khuyên tôi nên thêm vào lá đơn mấy lời cầu xin hội đồng các quan tòa mở
lượng thứ tha.
Tôi bèn thuật bằng tiếng Tây Tạng của hạng bình dân. Có người dịch lại
xuôi theo văn chương. Một viên quan đứng chép trên một tấm bảng, bảng
đen bôi phấn trắng, chép bằng cọ nhọn, viết lên trên thì lộ chữ đen. Sau
đó họ viết lại vào giấy bằng mực, rồi bôi phấn cho trắng tấm bảng lại để
rồi viết nữa.
Ban đầu, mấy quan tòa đối với tôi một cách lãnh đạm. Đến khi nghe tôi
nói rành tiếng Tây Tạng và thấy tôi biết phép lịch sự với tín ngưỡng,
tập tục thì các ngài có ý vừa lòng. Tôi làm ra vẻ như vô tư, thiệt thà,
đơn giản lắm, nên các ngài cảm mến thêm. Tôi vô tư cho đến nổi họ hỏi
đến tên mấy cái nhà trọ trong khi đi đường thì tôi quên hết cả! Ấy là
tôi không muốn gieo sự rắc rối cho người khác.
Gạn hỏi tôi xong và trong khi người ta chép lại lời khai báo, tôi cùng
hai quan tòa trò chuyện một chặp lâu. Ngoài xứ Tây Tạng ra, hai ông này
dường như không muốn biết một xứ nào khác nữa, vẫn cho cõi Á Châu là văn
minh nhất và xứ Tây Tạng là chỗ trung tâm của hoàn cầu. Hai ông ấy hỏi
thăm tôi về tập tục, về cuộc sinh hoạt của người Anh, không khác nào một
người Anh nói chuyện với một tên mọi da đỏ ăn thịt người ở miền rừng rú
bên Chili. Cũng như người dân một nước văn minh nhất nói chuyện với một
người man rợ nhất vậy.
Còn tôi, tôi có hỏi kỹ hai ngài về việc chính trị trong xứ. Tôi được
biết rằng về phần xử đoán thời luật lệ ở Tây Tạng rất mơ hồ. Luật cũ
không dùng đến, còn luật mới thì dở dang, tòa rất khó mà xác định việc
trừng trị cho công bằng. Tây Tạng không có nhà tù, những tội nhân sở dĩ
bị giam giữ cũng chỉ là tạm thời trong khi chờ xử đó thôi. Ngày xưa, nếu
tội nặng thì xử chặt một bàn tay, một cái chân cùng là móc cặp mắt.
Nhưng đức vua Dalai Lama nghĩ rằng ở xứ sùng tín đạo Phật mà xử như thế
thì không thích hợp, nên ngài đã ra lệnh bỏ đi. Bởi thế cho nên ngày nay
những án nặng, án giết người thì hoặc đánh đòn, hoặc đày đi xa.
Mấy quan tòa nói với tôi rằng xử theo ngày nay không đủ làm cho người ta
sợ mà cải ác tùng thiện, mấy ngài rất tiếc những phép xử ngày xưa.
Sau tôi mới rõ rằng mấy quan tòa ấy sở dĩ tiếc là vì sự lợi dưỡng. Ngày
xưa, tội nhân phải lo tiền nhiều để chuộc lấy ống chân và cặp mắt. Còn
ngày nay, sau khi xử rồi thì tội nhân chẳng tốn kém bao nhiêu. Tuy
nhiên, những thói tục xấu cũng hãy còn mãi, vì người nào bị xử đánh đòn
muốn được giảm thì bớt đi một trượng
[7] phải nộp
sáu đồng. Còn khi đưa ra đánh, tội nhân bị đánh nặng hay nhẹ là do những
lễ vật có hoặc không có cho các quan.
Gần đây, nhà nước Tây Tạng có xử tội bằng cách buộc làm lao công, nhưng
không giống như ở các nước khác. Mới đây, có một tu sĩ ở chùa Séra phạm
tội làm giấy bạc giả. Các quan tòa muốn xử theo cách này, liền buộc tu
sĩ ấy phải làm họa sĩ trong một xưởng của nhà nước tại Lhassa trong hai
năm không được trả tiền!
Qua hai ngày sau, hội đồng các quan tứ trụ đòi tôi vào. Chuyến này tôi
cũng che mặt và dùng y phục người Tây Tạng đặng đi qua đường.
Phòng họp nằm về một bên đền Chokang. Đền Chokang là một đền thờ lớn
nhất ở Tây Tạng, được coi như trung tâm của nền Phật giáo Tây Tạng. Hàng
năm có cả muôn ngàn người hành hương từ phương xa đến lễ bái, cúng Phật.
Người ta có thể nói rằng đền Chokang tức là thành Lhassa, vì thành phố
cất chung quanh đền. Hình như đền này được xây dựng vào khoảng năm 652,
về sau lại được sửa đổi và tu bổ lần hồi. Đền nổi tiếng là linh thiêng
nhất Tây Tạng.
Đi qua cửa chính, vào đến một cái sân rộng. Trong sân có hai vật đáng
quan tâm: một đền thờ nhỏ nơi thỉnh thoảng có những cuộc lễ cúng hệ
trọng, và cái ngai vua của đức Phật sống Dalai Lama, mỗi năm ngài ngự
lên ngai ấy một lần.
Một con đường nhỏ dẫn từ sân ngoài đến sân trong. Ở đây có những bồn
hoa, nhưng tôi đến nhằm mùa đông, chẳng có một cánh hoa nào. Về phía
cuối sân, có một bàn thờ bên ngoài giăng lưới sắt. Trước bàn thờ, có hai
pho tượng của đức Di-lặc, tức là đức Phật tương lai, sẽ giáng thế mà cứu
độ trần gian. Dài theo mấy tấm vách tường trong sân đều có chạm nổi hình
tượng các vị Phật và Bồ-tát. Có một con đường chạy quanh theo mấy bức
tường, đi theo đường này gặp nhiều bàn thờ khác. Khoảng giữa đường là
một bàn thờ có pho tượng đức Tsong Khapa, một nhân vật vào khoảng thế kỷ
thứ mười bốn. Chính ngài đã sáng lập phái tu sĩ mũ vàng. Đức vua
Dalai-Latma và đức Ban-thiền chùa Trashi thuộc về phái này. Người ta
cũng nói rằng ngài là đức Thích-ca tái thế!
Đến cuối đường là một bàn thờ lớn hơn hết với pho tượng chính của Phật
tổ. Tượng tạc ngài hồi còn thiếu niên, làm thái tử đông cung, lúc chưa
bỏ ngôi báu mà lên non nhập định. Người ta nói rằng pho tượng này được
tạc trước mặt ngài hồi còn tại thế. Bấy giờ, một nghệ nhân Ấn Độ đã cố
tạc đúng theo dung mạo của ngài. Sau, pho tượng này chuyển qua Trung
Quốc, rồi mới được thỉnh về Tây Tạng. Hiện nay, cả nước chỉ có pho tượng
này là được người ta tôn trọng và cúng dường nhiều hơn hết. Và cũng vì
có pho tượng của đức Phật tổ nên người ta nói rằng đền Chokang là trung
tâm trong xứ. Cũng có người còn cho rằng Tây Tạng là trung tâm của nền
Phật giáo thế giới. Có rất nhiều phẩm vật cúng dường chất chồng trước
pho tượng. Những cây đèn thắp trên bàn thờ cũng đều bằng vàng khối. Có
nhiều hạt ngọc báu được cẩn vào pho tượng.
Trên lầu có thờ một nữ thần, vì vị này ủng hộ đạo Phật, có tên là Peden
Lhamo.
[8] Người ta tạc hình nữ thần này có khi là
một người phụ nữ hiền lành đức hạnh, ưa việc cứu nhân độ thế, cứu nạn
cứu khổ cho chúng sanh, có khi lại là một yêu thần ghê gớm, như các thần
giặc, thần bệnh và thần chết. Trên tầng chót trong đền Chokang, người ta
có thể trông thấy biểu tượng thứ hai này của nữ thần Lhamo. Pho tượng
này dễ gây khiếp sợ hơn hết: nữ thần hóa hình quỷ thần đen đúa, ngồi
trên lưng một con ngựa ô. Bà mặc áo bằng da thật lấy từ xác người chết,
cầm một cái sọ người mà nút lấy óc tủy. Người ta đem rượu lại cúng cho
bà, rượu đó xem như máu, đựng trong mấy cái sọ người. Chung quanh tượng,
có sắp đủ các đồ binh khí. Trong đền thờ bà, chuột chạy loanh quanh.
Loài chuột này rất linh, không phải là loài chuột thường. Người ta vẫn
cho là hóa thân của những ai đã từng thờ phụng và lo việc nhang khói cho
bà.
Dưới mặt đất, có một cái đền thờ vua Strang-Tsang-Gampo và hai vị hoàng
hậu. Ngài trị vì ở Tây Tạng và có công lập quốc. Ngài từng đánh Nam dẹp
Bắc,chiến thắng cả Trung Quốc và Népal. Mỗi nước phải nộp cống cho ngài
một vị công chúa để hầu hạ bên ngài. Hai công chúa ấy, gốc ở xứ văn vật
và theo đạo Phật, ngài cũng chiều theo hai bà vợ mà quy y Tam Bảo. Chính
ngài lập nên cảnh đền thờ Chokang đồ sộ này và mở rộng xứ Tây Tạng mà
rước các nhà cao tăng vào.
Người Tây Tạng thờ ngài với hai vị hoàng hậu như Phật, Bồ-tát. Khi ngài
qua đời, vua Langdharma lên nối ngôi. Vua này hành khổ mấy nhà tu Phật
và muốn hủy phá đạo Phật, nên bị một thầy Tăng bạo động thích khách bỏ
mạng. Từ đó về sau, các nhà vua đều sùng bái ngôi Tam-bảo. Trước kia,
ông sãi cả bên Tây Tạng trụ tại chùa xứ Sakya. Về sau này thành lập
Lhassa trở nên kinh đô xứ Tây Tạng, và ông sãi cả cũng trụ tại thành
Lhassa, ngài về phái thầy tu đội mũ màu vàng, tức là phái hoàng giáo.
Tôi đi đến phòng xử án, nơi ấy tôi thấy ngài Lonchen, tức là quan đầu
viện và hai ông quan khác là Ngapo-Shapé và Parkang Dzasa. Quan Tsarong
không có mặt nơi đó. Ngài ít đi dự hội, thường thì ngài bận đi đến diễn
trường hoặc là bận việc ở đền vua. Một ông quan khác thường dự hội là
ông Trimon-Shapé, nhưng lúc này nhà vua phái ông đi xem xét về quân tình
ở tỉnh Kam là một tỉnh lớn phía Đông xứ Tây Tạng. Nên giờ chỉ có ông
Parkang là tăng sĩ thôi. Hội đồng phân xử này thường gồm bốn vị quan
thượng hay là Shapé. Nhưng hôm nay ba vị họp lại
phân xử chuyện của tôi. Tuy nói là ba, chứ thật chỉ có ông viện trưởng
là hỏi tôi nhiều hơn hết. Tôi biết rằng trong vụ này nhờ có ông
Tsarong-Shapé giúp lời cho tôi, nên ông viện trưởng xử tôi một cách khá
khoan hồng.
Ông nói rằng việc tôi vào thành Lhassa làm cho ông bối rối, lo lắng
nhiều lắm. Riêng phần ông và mấy quan tứ trụ thì chẳng có ý muốn ngăn
cản tôi, song chính phủ tức là đại hội đồng có rất nhiều nhà sư đã
nghiêm cấm tôi vào mà nay tôi còn đến tận Tây Tạng thì chắc họ giận lắm.
Thật ông khó mà định liệu. Ông lại thêm rằng tuy vậy, tôi trót đã bước
chân tới kinh đô rồi thì ông cho phép tôi tạm ở lại, song hãy cứ giả ra
người bản xứ đặng dân sự chẳng biết có người ngoại quốc vào.
Quan đầu viện hỏi tôi vì sao mà tôi quyết lòng tới Lhassa như vậy. Tôi
đáp rằng vì quá yêu chuộng Phật giáo, muốn đến tận suối mà uống nước
pháp cho nên tôi chẳng ngại bao nhiêu sự gian nguy. Nghe tôi khai như
vậy, ông bảo người trao cho tôi một quyển kinh. Ấy là đoạn đầu trong bản
Trung luận của đức Long thọ Bồ-tát, ngài soạn ra hồi thế kỷ đầu. Thật may cho tôi, đã có nghiên cứu bản kinh
ấy trong khoảng sáu tháng, nên tôi biết mà đọc và bình phẩm cho ông
nghe. Tôi nói bằng tiếng Phạn, lại có pha tiếng Trung Quốc. Ông lặng
thinh mà nghe xem chừng khoái ý lắm. Sau cùng, ông bảo tôi thôi.