Đi gần tới Gantok là kinh thành xứ Sikkim, tôi muốn ghé lắm, nhưng không
dám, vì ở trong thành có nhiều do thám của chính phủ Tây Tạng. Nếu họ
biết mình vào và nhận ra thì còn mong gì đến kinh đô xứ Phật nữa. Tới
đây, phải băng ngang lầy, lần đi từng người, đã lâu mà không tìm được
dấu một con đường mòn. Ngựa và la chở nặng, đi không nổi vì đường lầy.
Mấy ngày mới qua khỏi chỗ nầy, tuy là một khoảng dài độ bốn mươi cây số
thôi. Đi được là nhờ lấy tre và cây nhỏ kê theo rồi bước lên trên.
Ra khỏi lầy, đi một quãng xa, thỉnh thoảng lại gặp một cái chòi ở riêng
một mình hoặc một xóm nhỏ bặt đường đi lại với các nơi. Ấy là nhà và xóm
của một dân tộc cổ, người Lepchas. Họ chỉ riêng mình ở theo rừng núi,
không gần gũi với một dân tộc nào khác, họ sinh hoạt theo xưa, cày cấy
một vài công ruộng, cùng là đánh cá bắt tôm. Họ không thờ đạo nào làm
chính, nhưng phần đông đều trọng hai vị thần Thiện và Ác. Cùng một vợ
một chồng lo làm ăn, có ai qua đời thì họ thiêu xác hoặc có khi cũng
chôn cất. Đó là một dân tộc đã gần diệt chủng, là vì họ không đủ sức để
phấn đấu tồn tại nữa.
Chúng tôi đi trưa, nóng nực lắm, mồ hôi chảy ra như xối. Ở trong cảnh
ấy, khó mà tin rằng trong tám chín ngày nữa, chúng tôi sẽ đến miền tuyết
phủ quanh năm, lạnh buốt tới xương.
Chúng tôi vào nghĩ trong một làng người Lepchas. Tôi đi dạo để khảo sát
các việc nhỏ nhặt trong sinh hoạt của họ, để so sánh với nếp sống với
người Sikkim. Họ nói riêng một thứ tiếng, khác với tiếng người Sikkim.
Họ sợ mấy người tôi thuê đi theo lắm, vì những người này là người
Sikkim. Họ sợ, vì Sikkim là một dân tộc đã chiếm xứ họ ngày xưa. Và tôi
phải bảo mấy người của tôi đi chỗ khác rồi hỏi họ mới chịu trả lời.
Ngày kế, 14 tháng 1, chúng tôi lại ra đi, lấy làm nhọc nhằn lắm. Từ hôm
đi đến nay chưa xuống dốc lần nào thật cao. Hôm ấy dốc nhìn bắt chóng
mặt, lại có đá chất chồng. Người đi không lấy gì làm khó, duy có thú là
khổ hơn, cho nên phải lấy dây mà buộc thú lại để làm thắng, nếu có trợt
thì kéo chúng nó lại. La xuống dốc khá hơn ngựa, nhưng sau hết có một
con ngựa trợt mạnh suýt chết và kéo anh chàng Sa-tăn theo, làm chàng này
suýt nữa thì mất mạng.
Muốn được yên ổn, tôi không còn thích vào nghỉ đêm trong làng. Cứ chiều
đến thì che trại ngoài trời, mặc tình mà ngắm sao với bầu trời xinh đẹp.
Từ đây, mỗi ngày không còn ăn ba bữa như mọi khi. Sáng trước khi đi,
chúng tôi uống nước trà đậm, rồi để bụng trống mà đi, theo phong tục
người Sikkim. Ba giờ chiều thì dừng lại, qua bốn giờ là ăn. Mỗi ngày
chúng tôi chỉ ăn một lần thôi. Bình thường tôi chỉ ăn một phần cơm nhỏ
thì vừa no, bây giờ tôi ăn đến bảy tám quả trứng gà với một tô cơm lớn.
Mấy người kia vẫn chỉ ăn có chừng mực.
Tôi ăn được bữa nên thường sai người giúp việc vào xóm mua thêm đồ. Đi
đến một chỗ kia, có một quãng cưỡi ngựa được, chúng tôi khỏi dắt ngựa
với la. Đường này của một điền chủ làm. Ông ta có trên một tấm bia mướn
chạm tại thành Calcutta, Ấn Độ, ghi rõ công lao to lớn của mình. Ông có
biết đâu tôi là người đọc được cái bia này trước hết, vì trong xứ nào có
ai biết tiếng Anh.
Ông điền chủ này xài tiền không phải cách, nhưng còn khá hơn các điều xa
xỉ khác. Nước nhà thì nghèo ngặt mà bọn tư bản thì giàu muôn hộ, xài phá
tiền của trong nháy mắt. Như họ dám bỏ bạc ngàn ra để mua dầu thắp trong
chùa, mà chùa thì lại bỏ phế gần hư hỏng. Xứ Tây Tạng nghèo chẳng phải
vì thiếu tiền, chính là tại người ta xài tiền quá. Nhân một lần dừng
chân hạ trại, tôi tính bỏ đồ Âu phục mà mặc đồ Tây Tạng, vì người bản xứ
họ hay ngó bộ đồ tây của tôi lắm. Tôi lại sợ rằng họ thấy mình đi vào
trong mà không thấy trở ra thì họ đồn dậy lên, bất tiện cho mình. Một bề
tôi lại sợ một vài viên quan họ thấy tôi mặc đồ Tây Tạng họ lại càng để
ý nghi ngờ, vì tôi có giấy đi các đèo mà còn giả dạng thì đáng cho họ
nghi lắm. Sau rốt, tôi mặc đồ Tây Tạng, nhưng không sơn vẽ mặt mày.
Mấy người theo giúp tôi ngỡ rằng tôi không được tỉnh trí, nên không để ý
việc tôi thay đổi cách ăn mặc. Họ cứ tưởng rằng tôi sắp trở lại chùa
Pemayangtsé, nên tôi phải nói rõ rằng tôi muốn đến thành Lachen mà luận
về Phật học với một vị hòa thượng tại đó, rồi mới trở lại chùa
Pemayangtsé. Họ không thể nào hiểu được cái chủ ý thật sự của tôi.
Đến một cái làng kia, là làng Drikchu, lúc trước có vài cái suối nước
nóng rất hay, trị được bệnh. Du khách thường vãng lai, nhưng từ khi suối
bị đá lăn bít, người trong xứ lo dẹp và sửa lại. Bây giờ chỗ ấy vắng
tanh, không mấy người ở gần, du khách cũng vắng luôn. Lại chỗ này không
có đồ ăn, la và ngựa dành phải dùng măng tre, và mấy người theo tôi phải
ăn tạm rau mà chịu. Thay vì rượu chai hiệu Bière với sữa, giờ đây ai nấy
đều uống nước trong múc dưới suối trừ cơn khát! Nhưng may gặp một đoàn
thương khách đi lại, chúng tôi mua được thịt ướp. Người Tây Tạng họ cắn
mà ăn sống, về sau tôi cũng tập ăn như họ vậy.
Tôi giả dạng được kết quả rồi. Người qua đường không còn ngoái lại mà
xem và trằm trồ nữa.
Gặp đường lên dốc, nhưng dốc không mấy cao. Đi luôn như vậy, bấy giờ mới
hết nóng nực và hết đổ mồ hôi. Nhưng chừng lên khỏi mới hay rằng băng đã
phủ kín cả mấy cái đèo. Tôi hay tin mất hết tinh thần, buông xuôi cả tay
chân.
Cảnh tượng càng đơn sơ, xa xa ẩn hiện một vài cái nhà hư sập, như vậy
cũng làm cho khách bớt nản lòng. Hôm ấy, kiếm một chỗ để che trại cũng
không ra, cùng nhau đành đi lại một cái hang đá, ngoài có lá cây bao
phủ. Ngủ đến nửa đêm, ai nấy đều thức dậy vì bị đỉa đeo đầy mình. Phải
lấy nước muối nhỉ lên mới làm nhã ra từng con. Ngựa và la cũng đều bị
đỉa cắn. Chúng tôi phải thức mà phòng bị suốt đêm.
Sáng ra, ngày 18 tháng 1, tính đi thẳng một hơi nên mọi người đều cùng
ăn thật no cho vững bụng. Mặt trời mọc, cả bọn đều từ giả cái đỉnh núi
trắng xóa mênh mông mang tên là Kinchinjunga. Đỉnh núi này xem coi oai
nghiêm lắm, người trong xứ vẫn xem như vị thần bảo hộ cho họ vậy. Đường
thật tốt, xa xa đã thoáng thấy mấy hòn núi nằm rãi rác, cho biết là sắp
vào được trong địa phận xứ Tây Tạng.