Chẳng biết công chúa ngủ bao nhiêu lâu, nhưng bỗng mơ màng thức giấc khi
nghe tiếng sáo văng vẳng trầm bổng, khi nhặt, khi khoan. Công chúa vươn
vai, mở mắt. Thấy Ếch ngồi đối diện dựa lưng vào gốc cây sồi đang thổi
sáo bằng một khúc tre vừa làm vội. Nàng hơi thẹn vì nghĩ rằng Ếch đã
thấy nàng đang nằm say ngủ. Đánh trống lảng, nàng hỏi bâng quơ:
– Ta đợi mãi không thấy Ếch về nên ngủ quên mất. Ếch đã ăn chưa?
– Ăn rồi! Ta thấy công chúa ngủ say quá nên có hứng muốn thổi sáo. Không
ngờ lại làm nàng thức giấc!
– Không sao! À, đã có lá cây Aloe Vera chưa?
– Có đây!
Ếch lấy ra một nhánh lá xanh biếc, bẻ đôi, rồi bôi chất nước lỏng chảy
ra từ lá lên vết thương. Chàng còn cẩn thận lấy một ít lá bỏ vào miệng
nhai nát rồi đắp thêm vào. Sau đó, lấy khăn buộc tóc của công chúa băng
lại thật chặt:
– Từ giờ đến mai thì vết thương sẽ lành. Lá cỏ này rất tốt, chỉ tiếc là
chẳng biết sao vùng này không có nhiều, muốn có phải vào sâu trong rừng
mới hái được.
Cả hai đều im lặng. Công chúa sau một giấc ngủ cảm thấy trong người rất
khoẻ khoắn. Màn đêm đã bắt đầu buông. Tiếng thác nước đổ ầm ầm làm át
hết cả tiếng kêu của ve sầu. Trên cao, bầu trời trong sáng, mặt trăng
lưỡi liềm nằm vắt vẻo trên không, chung quanh, cả ngàn vì sao lấp lánh
trông như một miếng nhung đen nạm ngọc...
Công chúa chợt nhớ đến câu chuyện hồi chiều Ếch chưa có dịp kể về dòng
sông, bèn hỏi:
– Ếch à, còn nhớ chiều nay Ếch bảo sẽ kể về một điển tích rất nực cười
do một vị thiền sư kể lại không? Câu chuyện ra sao?
– À. Đó là câu chuyện nói về một người khát nước đã bị... chết khát bên
một dòng suối...
– Hả!? Chuyện gì mà vô lý vậy? Suối nước có đầy, sao lại phải bị chết vì
khát? Thiệt là... ngu hết sức!
– Đó là một câu chuyện ẩn dụ. Ngài muốn nêu lên một điểm hết sức vô lý
như thế, nhưng lại có những ẩn ý riêng. Ý muốn nói rằng, tuy người đó
ngu thật, nhưng chúng sanh còn... ngu gấp ngàn lần hơn. Ví như người đi
tìm cầu Phật pháp, thấy được một chút thì chê ít quá, không muốn học.
Đến khi gặp nhiều thì lại... ngạt thở, kêu ca là nhiều quá, học làm sao
cho hết được? Chính vì vậy mà chúng sanh cứ phải chìm nổi mãi trong luân
hồi và chết khát bên bờ sông Phật pháp.
– À, thì ra thế! (ngẫm nghĩ) Nhưng đối với riêng ta thì khác. Ta không
chê ít, chê nhiều đâu. Ta rất muốn gặp được Phật pháp đó!
– Công chúa gặp được Phật pháp thì công chúa sẽ làm gì?
– Ơ... (bối rối)... Chưa biết nữa... Chắc là sẽ tu tập chứ nhỉ?!
– Để làm gì?
– Để... để... để... thoát khổ!
– Công chúa có thọ khổ đâu mà thoát. Này nhé, công chúa sống vương giả
trong cung điện, lúc nào cũng có kẻ hầu người hạ, vật chất thì đầy đủ,
thân hình đẹp đẽ, người thân không bị chia lìa v.v... Vậy thì muốn tu
tập để làm gì chứ?!
Nghe Ếch vặn vẹo, công chúa im lặng vì không có câu trả lời nào cho
thoả. Nhưng trong thâm tâm, nàng vẫn nghĩ rằng, con người, ngoài đời
sống vật chất bình thường, còn phải có thêm đời sống tâm linh nữa. Phần
này tuy vô hình tướng, nhưng cũng rất cần thiết. Nhưng vì nàng chưa biết
gì nhiều về Phật giáo, nên không thể bẻ được những luận điệu của Ếch.
Nàng chỉ biết rằng, trong đáy cùng tâm thức, thì thầm – nhưng mãnh liệt
– có một tiếng gọi mơ hồ nào đó mà cho đến giờ, nàng cũng chưa nhận ra
được rằng nàng cần gì, muốn gì...
Còn Ếch thì cố tình vặn vẹo để bắt công chúa phải suy nghĩ. Suy nghĩ
càng chín thì càng có nhiều cơ duyên đi sâu vào Phật pháp hơn...
Sự im lặng bỗng nhiên kéo dài. Cả hai đều theo đuổi những ý nghĩ riêng
tư... Công chúa ngồi bó gối, nhìn mảnh trăng lưỡi liềm treo lắt lẻo trên
cao. Ánh trăng tỏa dìu dịu một vùng, hồn nhiên, vô tự tính. Rồi các vì
sao bắt đầu mọc, nhìn lâu, nàng có cảm tưởng những vì sao ấy rất sống
động như đang tham dự vào một buổi luân vũ trên trời. Rồi bỗng lại khởi
tâm thắc mắc: Vũ trụ này tại sao lại hiện diện một cách nhịp nhàng đến
thế? Ai? Ai có khả năng để tạo ra nó? Nếu thực có một đấng toàn thiện,
toàn mỹ tạo ra, thì tại sao Ngài lại sáng tạo ra một thế giới đầy khổ
đau, bất toàn? Hay cuộc đời này chỉ là những dữ kiện của sự tình cờ? Tất
cả những câu hỏi đó đều chưa có câu trả lời thỏa đáng, nên trong tâm
nàng vẫn còn ưu tư, khắc khoải...
Tiếng Ếch nghe mơ hồ, xa xăm, như từ một tinh cầu xa lắc:
– Khuya lắm rồi, có lẽ công chúa cũng phải đi nghỉ thôi. Hồi nãy vào
trong rừng kiếm lá cây Aloe Vera, ta thấy gần đây có một hang động nhỏ.
Chúng ta có thể trú đêm tại đó...
Nói rồi, Ếch đi trước dẫn đường. Công chúa lẽo đẽo theo sau. Một nỗi
buồn chợt dâng lên trong lòng. Công chúa nhớ phụ vương, nhớ mẫu hậu, nhớ
sự xôn xao trong cung cấm. Chẳng biết giờ này mọi người đang làm gì? Tự
dưng, công chúa lại muốn khóc...
Đó là một cái hang nhỏ nằm nép sau triền núi. Hình như ngày xưa đã có
một vị Yogi chứng đắc trú ngụ nơi đây nên còn vương lại một ít quang
minh thanh tịnh. Vì vậy, khi cả hai bước vào hang đều cảm thấy rất ấm
áp. Hình như mọi ưu phiền của công chúa cũng vơi đi được phần nào. Điều
kỳ diệu là chẳng hiểu sao trong hang vẫn có một thứ ánh sáng mờ mờ và
còn vương vất một mùi hương thoang thoảng như mùi cỏ dại, pha lẫn mùi
trầm...
Trong hang, ngoài chiếc bồ đoàn làm bằng cỏ không còn một thứ nào khác.
Công chúa ra ngoài, đi nhặt một chiếc lá bồ đề to bản, hái thêm một ít
cỏ xanh làm nệm xếp thành một chiếc giường cho Ếch. Nàng cẩn thận để
chiếc lá bồ đề sâu trong hang (chắc có lẽ sợ Ếch lạnh) và hớn hở bảo:
– Ếch ơi, ta đã làm giường cho Ếch xong rồi đấy. Chúc Ếch ngủ ngon nhé!
– Cảm ơn Công chúa. Công chúa thực chu đáo quá. Nhưng (ra vẻ ngạc nhiên)
nhưng... sao lại thế này?
Công chúa ngơ ngác nhìn chung quanh:
– Thế này là... thế nào? Ý Ếch muốn nói gì ta chẳng hiểu!
Giọng hơi giễu cợt, Ếch nói:
– Sao không để ta... nằm gần Công chúa?
Công chúa đỏ mặt, ấp úng:
– Bộ có chuyện đó nữa sao? Theo ta hiểu, chỉ khi nào là... là... vợ...
chồng... mới được... nằm gần thôi. Ếch chỉ là bạn của ta, nằm góc đằng
đó là được rồi!
Biết công chúa thẹn, Ếch trêu thêm:
– Nhưng ta nhớ trong chuyện cổ tích, họ có cho nằm gần mà! Ha... ha...
ha...
Công chúa cau mày, cố che nỗi thẹn:
– Chuyện cổ tích thì... mặc kệ chuyện cổ tích. Bây giờ là chuyện hôm
nay, không có chuyện đó đâu!
Ếch (giả vờ) không chịu, dẫm chân bành bạch rồi kêu lên:
– Thiệt tình! Ta không hiểu công chúa ra sao nữa. Nếu công chúa ngại
“nam nữ thọ thọ bất tương thân” thì sao lại để ta trên vai đi cả ngày
đường? Bây giờ lại bắt ta nằm riêng lẻ một nơi? Lạnh lắm đó!
Công chúa lại bị... bí, không cãi được với luận điệu của Ếch. Nàng ngẩn
người ra một lúc rồi bảo bạn:
– Ừ nhỉ... Nếu vậy, ngày mai, ta sẽ... bỏ Ếch vào trong một cái túi,
xách đi!
Ếch chột dạ:
– Thôi! Ta không chịu nằm trong túi đâu. Ngột chết!
– Thì ta sẽ đục mấy cái lỗ cho Ếch thở...
Ếch lắc đầu nguây nguẩy, xua tay rối rít:
– Không... không... ta cũng chẳng chịu!
Thấy Ếch có vẻ khẩn trương, công chúa cười khanh khách và cố tình chọc
tức Ếch thêm:
– Không chịu cũng phải... chịu! Vì Ếch đâu có quyền chọn lựa, ta mới là
người quyết định mờờờ...
Ếch bực lắm (nhìn công chúa hầm hừ...). Không biết làm cách nào chọc tức
lại công chúa, bèn lôi ra một cây bút chì và một tờ giấy, hí hoáy viết
xuống điều gì đó. Công chúa khe khẽ nhòm lén nhưng chẳng thấy được gì.
Tò mò quá đành hỏi:
– Ếch đang viết gì vậy?
– Ta viết xuống những... tính xấu của công chúa...
– Là tính gì?
– Tính... hay bắt nạt kẻ khác!
– Hi...hi...hi... Tưởng gì! Bắt nạt hả? Ếch nói như thế là... còn nhẹ
lắm đó. Đề nghị nhé, hay Ếch sửa lại bằng chữ “độc tài” đi. (che miệng
cười) Cho độc tài luôn! Hi...hi...hi... Nhớ tô đậm đậm vào, vì ta độc
tài lắm đó! Hi... hi... hi... (hớn hở, nàng nói tiếp) Rồi từ từ Ếch sẽ
biết thêm nhiều “tính xấu” khác của ta nữa đó!
– Là những tính gì? Công chúa cứ thành thật khai báo hết ra để ta viết
xuống một thể...
– Không được! Vì đối với riêng ta, ta chẳng thấy có một “tính xấu” nào
đáng phàn nàn cả. Chỉ có Ếch là “thấy” và phàn nàn thôi. Nên tự mình mà
xét đoán, ta không nói được đâu!
Nói rồi, công chúa ngồi xuống bên cạnh Ếch, ra dáng rất “kẻ cả”, vỗ khẽ
trên lưng:
– Thôi! Ráng ngủ cho ngoan... “chị” thương!
Rồi cười khúc khích trở về tấm bồ đoàn làm bằng cỏ khô, nằm quay mặt vào
vách, ngẩn ngơ, tưởng tượng đến vị Yogi nào đó trước đây đã từng ngồi
thiền định trên tấm bồ đoàn này. Lòng xao xuyến nghĩ đến cuộc đời tu tập
đạo hạnh đầy chông gai...
Còn Ếch thì... hậm hực...
Nhưng cũng leo lên chiếc lá bồ đề quay mặt về phía công chúa. Nghĩ bụng,
ta sẽ thức suốt đêm để... rình!
... ... ...
Độ một lát... Công chúa lại nghe tiếng Ếch léo nhéo, than thở cuối hang:
– Công chúa ơiiiiiii... Ngủ chưa đấy?
Công chúa lồm cồm ngồi dậy:
– Gì nữa đây?
– Ta... lạnh!
– Trời ơi! Ếch lại bắng nhắng nữa rồi!
– Ta lạnh thật mà!
Công chúa nhìn quanh quẩn, chợt thấy chiếc áo lót nàng vừa cởi ra lúc
trưa, sau khi tắm suối. Ngẫm nghĩ một lúc, nàng đem chiếc áo đến bên
Ếch:
– Thôi, lấy chiếc áo này đắp tạm vậy. Và đừng bắng nhắng nữa. Ngủ đi
thôi!
Vừa nói, nàng vừa phủ chiếc áo lên người Ếch. Mùi hương từ áo thoang
thoảng, cộng thêm hàng lụa mềm mại làm Ếch cảm thấy... choáng váng.
Chàng im lặng, hưởng sự ân cần, chăm sóc của bạn. Lòng cảm thấy rạt rào
một niềm vui lâng lâng. Công chúa cẩn thận, phục trước mặt Ếch nhoẻn
miệng cười:
– Ấm chưa vậy? Theo ta, trong hang này rất ấm, Ếch chỉ thích mè nheo và
bắng nhắng thôi!
Ếch ra vẻ nghiêm trang:
– Công chúa đừng nghi oan cho ta như thế. Ta lạnh thật mà. Ta còn
muốn... còn muốn... nằm chung với công chúa cho ấm nữa cơ. Ta nói thật
đấy! Bình sinh, ta chẳng nói dối bao giờ!
Công chúa bối rối, nói lảng:
– Thôi được rồi. Ngủ ngon nha. Ếch đừng mè nheo nữa nhé, khuya lắm rồi
đấy! Phải ngủ thôi...
– Ngủ ngon...