Vừa trở về phòng, Ếch thấy mặt công chúa tái mét, đôi mắt long lanh như
sắp khóc:
– Ếch đi đâu ta tìm mãi? Chúng ta phải rời đây gấp. Hình như quân lính
biết được ta đang trú ngụ trong này.
Thì ra, chỉ vì tối qua công chúa đưa cho lão chủ quán chiếc vòng. Là một
người có tính rất tham lam và biết nhiều về ngọc ngà, châu báu nên nhìn
thoáng gã biết ngay đó là một món trân quý. Thêm vào đó, gã lại thấy một
hán tử mặt mày thanh tú như con gái, giọng nói dịu dàng, biết ngay là
gái giả trai. Để ý kỹ một chút, thấy khuôn mặt như quen quen, nhưng vì
lòng tham làm mờ đi tất cả những ý niệm khác nên gã không chú ý gì
nhiều. Sáng thức dậy, chợt nhìn thấy tấm hình triều đình dán ngay trong
tiệm, thấy quen quen như đã gặp qua một lần, gã chợt nhớ ra anh chàng
hán tử đến trọ hôm qua. Thoáng có ý ngờ ngợ, vội vã, gã đem chiếc vòng
ra xem lại, thì quả đúng như gã dự đoán, trên chiếc vòng có dấu ấn của
triều đình.
Mặt gã tái mét không còn giọt máu. Việc này nếu không bẩm báo, chắc mất
đầu như chơi. Gã cuống quýt sai gia nhân rình xem khách đã bỏ đi chưa.
Mặt khác, lập tức cho người đi báo quan huyện.
Đúng thời gian đó thì Ếch trở về...
Ếch bảo:
– Thảo nào lúc nãy ta vào phòng thấy có một vài đứa gia nhân lén lút
rình rập, lảng vảng trước cửa phòng. (Thúc giục) Ta phải đi ngay trước
khi quân lính đến.
Công chúa lắp bắp:
– Nhưng... nhưng... làm cách nào để thoát khỏi đây? Hình như ta đã bị họ
bao vây rồi!
– Không sao!
Nói rồi, Ếch hóa ra một bộ đồ gia nhân cho công chúa, thêm một bộ tóc
giả có búi tó đằng sau. Bôi thêm chút nhọ nồi trên khuôn mặt, rồi chàng
đệm một cái gối nhỏ vào bụng nàng. Chỉ một thoáng, công chúa trở thành
một lão gia nhân tóc hoa râm, thân hình hơi sồ sề. Ếch lại nhổ một chút
nước miếng, bôi lên cổ. Giọng nàng trở thành khàn khàn như giọng một lão
già. Ếch chỉ về cuối phòng:
– Đằng kia, có một cái rổ đựng đồ dơ, công chúa hãy cầm lấy và đi ra
khỏi phòng về hướng nam, đến cuối hành lang, rẽ trái, xuyên qua phòng
giặt, bỏ cái rổ xuống rồi thong thả tiến thẳng về phía cửa sau, ra vườn.
Góc vườn mé bên phải là một cái cổng nhỏ ra vào của gia nhân, công chúa
cứ thản nhiên đi ra lối đó.
Ếch cũng thoắt mình, hiện nguyên hình Ếch, nhảy tót vào túi áo của Công
chúa. Lúc này, ngoài cửa phòng đã có một vài gã vệ binh đứng canh chừng
rồi, nhưng vì quan huyện chưa tới, nên họ chỉ canh chừng và chờ lệnh.
Khi cả hai rời khỏi phòng, Công chúa lùi xùi trong bộ quần áo gia nhân,
trên tay ôm một cái rổ mây lớn đựng quần áo dơ. Đám thị vệ dồn mắt nhìn.
Lòng hồi hộp, tim đập thình thịch như trống làng, công chúa bước đi như
muốn quỵ, nàng cúi gằm mặt đi ngang qua họ. Đi độ khoảng mươi bước, một
người lính vệ gọi giật:
– Này... ngừng lại!
Công chúa sợ hãi, dừng phắt lại, giọng khàn đặc, lắp bắp:
– Dạ... dạ... “quan nhân” cần gì?
Thấy thái độ khúm núm của công chúa. Gã lính vệ tỏ vẻ rất hài lòng, hách
xì xằng hất mặt nhìn công chúa từ đầu đến chân, rồi ra lệnh:
– Lão đem đồ dơ thẳng xuống phòng giặt và không được đi lăng xăng đâu
nữa. Nhớ kỹ đấy!
– Dạ... dạ... Cảm ơn quan nhân! Rồi nàng quay lưng, dợm bước... nhưng
một gã vệ binh khác lại gọi giật ngược:
– À... Này lão... đem cái rổ lại đây cho ta xem...
Công chúa nghe gã gọi, tim nàng như muốn nhảy khỏi lồng ngực. Đôi chân
dường như đeo đá, không cất lên được nữa. Sự sợ hãi làm cho nàng đứng
chết trân tại chỗ... Gã vệ binh thấy nàng đứng run run không cất bước
nổi, gã bèn từ từ đi lại, nhìn nàng từ đầu đến chân, rồi lấy đầu mũi
kiếm đâm đâm vào rổ quần áo dơ, gã muốn chắc ăn trong rổ không có gì.
Sau đó, nhìn công chúa một lần nữa rồi bảo:
– Trong quán đang có chuyện quan trọng, ta không muốn lão đi lăng xăng
đấy nhá. Xuống đến phòng giặt thì cứ ngồi rịt một chỗ cho đến khi có
lệnh mới. Biết chưa?
– Dạ... dạ... dạ!
Nói xong, nàng đi gần như chạy về cuối hành lang, quẹo vào phòng giặt.
Nơi đây, chỉ có một người đang lúi húi ở cuối phòng. Công chúa làm đúng
theo lời Ếch dặn, nàng buông rổ quần áo dơ xuống đất, cúi mặt, đi gần
như chạy ra phía vườn... Thoáng một lúc, cả hai đã ra đến đường phố
chính. Công chúa thở phào, tim vẫn còn đập như trống làng trong lồng
ngực. Ếch bảo:
– Nay chúng ta đã bị phát hiện rồi, phải cẩn thận hơn một chút. Hay hơn
cả là nên tìm những con đường nhỏ để đi.
– Phải... phải!
Công chúa hấp tấp rẽ vào một con đường nhỏ. Vừa lúc đó, một đoàn người
ngựa dồn dập phóng thật nhanh về quán trọ:
– Tránh ra... tránh ra!
Tiếng la hét của đám lính, tiếng ngựa hí và tiếng vó ngựa dồn dập làm ồn
ào cả một góc phố trong sương sớm. Công chúa thoáng thấy lão quan huyện,
đôi mắt còn kèm nhèm, ngái ngủ, quần áo còn xô lệch đang ngồi ngất
ngưởng trong cái kiệu phủ rèm mỏng dính... Nhìn khuôn mặt hốt hoảng của
lão, công chúa không khỏi bật cười...
Ếch hỏi:
– Công chúa cười gì thế?
– Ta cười lão quan huyện. Trông khuôn mặt khẩn trương của hắn tếu không
chịu được!
Tiếng Ếch nhắc nhở:
– Mình chưa thoát hẳn đâu... (Ngẫm nghĩ) Có lẽ công chúa nên cải trang
thêm lần nữa...
Công chúa hí hửng:
– Cải dạng làm nô tì thế này cũng tốt lắm rồi!
– Không được! Vì hồi nãy công chúa ra khỏi phòng, đám thị vệ đã nhìn
thấy. Nếu họ vào phòng kiếm không được công chúa, họ sẽ hiểu ngay công
chúa đã cải trang thành gia nô thoát ra ngoài Chi bằng phải lập tức cải
trang thành một người khác trước khi họ rượt tới... (Vỗ trán), A... ta
nghĩ ra rồi ... Tốt hơn cả nàng nên hóa trang thành một vị... tiểu ni
cô...
– Tiểu ni cô? Hi...hi...hi! Ý kiến cũng hay đấy! Nhưng... cũng khó lòng
lắm...
– Vì sao?!
– Vì ta đâu có phong tư của một vị ni cô.
– Vậy phong tư của vị ni cô là thế nào? (Ếch hỏi vặn)
– Là... là... phải thùy mị, hiền lành... mà ta thì... (che miệng cười
khúc khích) ta thì... chưa đi đã chạy, chưa nói đã cười!
– Ồ... Công chúa không nên khiêm hạ như thế. Đối với ta, nàng cũng giống
ni cô lắm... Hơn nữa, chúng ta không còn thì giờ để chọn lựa. Xin Công
chúa hãy thay đổi y phục ngay cho.
Nói rồi, Ếch biến ra một bộ đồ lam, chiếc áo tràng và tấm khăn vuông bịt
đầu cùng màu. Thoáng chốc, nàng đã trở thành một vi ni cô áo lam với
thân hình mảnh khảnh, đôi vai gầy guộc, và đôi mắt hạt dẻ trông rất ngây
thơ...
Trở lại quán trọ...
Chỉ một thoáng, cả khu chung quanh quán được bao vây một cách nghiêm
mật. Theo lệnh của quan huyện, không một ai được rời khỏi quán trước khi
có lệnh mới. Quân lính đến mỗi lúc càng đông. Gã quan huyện (bây giờ đã
tỉnh hẳn ngủ), nhảy phóc từ kiệu xe xuống hô hoán đám quân lính phải
tuyệt đối cẩn thận. Vì đây không phải đi bắt kẻ gian, mà chính là thỉnh
nàng Công chúa tinh nghịch trở về cung...
Quan huyện đi trước (dĩ nhiên phải thay đổi y phục mũ áo được chỉnh tề).
Họ tiến thẳng về căn phòng nằm gần mé vườn, nơi công chúa đã trú ngụ đêm
qua:
– Cộc... cộc... cộccc!
Bên trong yên lặng như tờ. Quan huyện lại gõ thêm lần nữa, lưng hắn hơi
khom xuống (tỏ lòng cung kính), và kêu lớn:
– Công chúa... công chúa! Xin công chúa mở cửa để tiểu quan này xin được
vào yết kiến...
Vẫn không có tiếng trả lời. Quan huyện nhìn lão chủ quán, hất mặt ra dấu
cho lão mở cửa, rồi cao giọng nói lớn:
– Xin Công chúa tha thứ cho tội vô phép. Tiểu quan xin được vào yết kiến
đây...
Cánh cửa từ từ mở rộng. Gã quan huyện lưng cong hẳn xuống (nhưng cũng
ngóc đầu lên dòm láo liên). Trong phòng không có một ai. Trên chiếc
giường, chỉ còn để lại một bộ đồ hán tử hôm qua...
Vì chuyện công chúa tình cờ viếng thăm, chẳng biết thực hư ra sao, nhưng
quân lính vẫn bao vây nguyên một vùng chung quanh quán trọ, hy vọng tìm
kiếm được tông tích một vị hán tử mặt xinh như ngọc đã ghé quán hôm qua.
Quan huyện bắt đầu bực mình và ngờ rằng lão chủ quán nhìn gà hóa cuốc,
có thể lầm người chăng. Lão chủ quán thì mặt mày xanh mét như bị cắt
tiết, gã cứ kể đi kể lại câu chuyện chiều qua có một hán tử đẹp trai vào
trọ, đưa cho lão một chiếc vòng, trên chiếc vòng có dấu ấn của triều
đình.
Dân chúng xôn xao bàn tán, làm cho thị trấn thêm náo động. Họ không để
ý, cách đó không xa bỗng xuất hiện một vị ni cô dáng người mảnh dẻ, môi
đỏ như son, với đôi mắt hạt dẻ ghé vào một quán ăn nhỏ mua mấy cái bánh
bao chay và một ít đồ khô đem theo dọc đường. Trong lúc đứng chờ, nàng
nghe các thị mẹt nói chuyện với nhau:
– Chà! Nếu quả thật cái gã hán tử xinh trai đã ghé qua đúng như lời ông
chủ quán khai báo chính là công chúa ghé qua thị trấn khỉ ho cò gáy này,
thì có lẽ chỉ vài canh giờ nữa nhà vua sẽ đem kiệu rước nàng về... Cái
gã chủ quán kỳ này được trời đãi, giàu to rồi và làng này cũng được thơm
lây.
Một thị mẹt khác tặc lưỡi, xuýt xoa:
– Tiếc quá... phải chi ta được nhìn thấy vị hán tử ấy...
Thị mẹt thứ nhất cười rúc rích, hỏi đùa:
– Hi... hi... hi... Để làm gì? Chắc không phải để tỷ về ốm tương tư anh
chàng hán tử xinh trai đó chứ?! Hi... hi... hi...
– Sao tỷ lại nói thế? Muội chỉ muốn biết hình dung công chúa ra sao khi
giả trai thôi! (thắc mắc) Mà không hiểu sao trong cung đang sống sung
sướng thế lại bỏ đi nhỉ? Giá phải như muội được ở trong cung, dẫu có một
ngày, có đuổi cũng không đi!
– Sai bét, sai bét! (giọng khàn khàn của một thiếu phụ đứng gần chen vào
khi nghe hai cô gái nói chuyện) Ta nghe đâu công chúa cải trang thành
một gia nô cơ mà?
Cả đám đang lao xao bàn tán, bỗng ngoài cửa tiệm một hán tử cỡi con ngựa
đen tuyền dừng chân thắng gấp làm cho ngựa phải hất hai chân trước hí
lên một tiếng lớn. Với dáng điệu dẻo dai, gã tung mình nhảy phóc xuống
đất, vắt sợi dây cương vào cái thanh ngang đóng trước quán rồi khoa chân
bước vào. Trông gã khá xinh trai, gã khoác trên người một chiếc áo bằng
lụa gấm đắt tiền, trên tay cầm một cái quạt phe phẩy. Tất cả mọi người
dồn mắt về gã, rồi không ai bảo ai, đều nhìn lên bức hình dán trong
tiệm. Hình như không giống. Trông gã có vẻ một “công tử bột” được nuông
chìu quá mức...
Thấy mọi người dồn mắt về mình, gã cứ tưởng mình “ngon”, nên đập cái
quạt xuống bàn và gọi lớn:
– Tiểu nhị, tiểu nhị! Hãy đem ra đây một bình trà lớn và một ít bánh bao
nhé...
Tiểu nhị dạ lớn...
Vị “ni cô” bấm bụng cười thầm. Kỳ này, nếu không có Ếch giúp sức, thế
nào nàng cũng bị bắt đem về cung. Có khi lại còn bị mẫu hậu nọc ra đánh
đòn cũng không chừng. Hú vía!
– Thưa ni cô, cần mua gì?
Tiếng người bán hàng đưa Công chúa về thực tại. Nàng không nhìn mặt lão
(sợ bị nhận diện), chỉ đáp lí nhí:
– Lão gói cho ta một vài cái bánh bao chay và một ít lương khô...
– Được.
Người bán hàng nhanh nhẩu gói bánh vào túi, trao cho công chúa. Nàng đỡ
lấy rồi lần túi trả tiền, nhưng người bán hàng xua tay:
– Xin ni cô nhận cho. Tiểu nhân không dám lấy tiền đâu. Coi như đây là
phẩm vật cúng dường vậy!
– Không! Ta có tiền đây. Vô công, vô thọ dụng. Xin lão cứ đối xử với ta
như những người bình thường.
– Thì hãy cho tiểu nhân có cơ hội cúng dường một vị tiểu ni cô vậy, và
xin đừng quên hồi hướng cho chúng tôi trong những buổi cầu nguyện hằng
ngày...
Sợ bị lộ diện khi phải lằng nhằng với lão chủ quán, công chúa bắt chước
những nhà tu hành, chắp tay lại và niệm:
– A Di Đà Phật! Cảm ơn thí chủ đã có lòng...
Rồi vội vã rời quán...
Đi một quãng xa, công chúa mới dừng lại thở phào và mỉm cười.
Ếch khen:
– Đúng là phong tư của một vị tiểu ni cô! Ta chỉ sợ, lộng giả thành
chân, mai này Công chúa đòi đi tu thật thì...
Ếch bỏ lửng câu nói, công chúa tò mò hỏi tới:
– Thì sao?
– Thì... có lẽ... không... ổn lắm đâu!
– Tại sao thế?! (ngạc nhiên, công chúa hỏi)
– Vì... có người... chưa muốn Công chúa... đi tu...
– Ai thế?
Ếch trách khẽ:
– Công chúa vẫn chưa nhận ra điều ấy sao? Đôi lúc, ta cảm thấy Công chúa
thật... vô tình. Chẳng thèm để ý gì cả!
Công chúa thấy nóng bừng mặt khi nghe lời tỏ tình rất kín đáo của Ếch.
Lần này, để che bớt nỗi thẹn, nàng vội chắp hai tay trên ngực, thong thả
đáp:
– A Di Đà Phật! Xin tín chủ giữ gìn lời nói cho. Tiểu ni chỉ là người sơ
cơ mới bước vào cửa Phật, trong tương lai còn phải thỉnh ý và cần sự
giúp đỡ của tín chủ rất nhiều!
Ếch nghe công chúa nói vậy chỉ im lặng và khe khẽ thở dài...
***
Vì sợ bị nhận diện nên họ tránh những con đường lớn, và mải miết đi xuôi
về phương bắc. Đi khoảng mươi ngày đường thì đến đầu nguồn một con sông
lớn. Hai bên bờ đầy đá ngầm. Phía bên tả là một cánh rừng thưa. Nơi đây,
dân cư sống thưa thớt, vì không có dịch vụ nào đem lại lợi tức. Đất đai
thì khô cằn, sỏi đá. Xa xa, có một vài người ngồi câu cá.
Họ đi thêm một quãng ngắn thì thấy đằng xa xuất hiện một vị sư đầu cạo
nhẵn thín, đôi lông mày rậm, bạc trắng, phủ gần hết cặp mắt loang loáng
sáng như sao. Sư khoác trên người một chếc y đỏ đã bạc màu với cánh tay
phải để trần. Nhìn kỹ mới biết sư đang ngồi ven sông câu cá, bên cạnh là
một nồi nước sôi lớn. Hành vi của sư kể cũng lạ. Sư ngồi yên lặng, và cứ
hễ câu được con cá nào thì nhúng vào nồi nước sôi gần đó, luộc chín,
tuốt lấy xương cá, rồi bỏ vào miệng nuốt chửng.
Công chúa đến gần, lạ lùng nhìn, ngắm. Nàng đứng đó gần cả một trống
canh nhưng nhà sư thì cứ chăm chú làm công việc của mình. Để ý kỹ, công
chúa nghe sư đang tụng chú, câu chú rất dài và khó nhớ, nên nàng chỉ
nghe thành một chuỗi âm thanh dính nhau phát ra từ hai bờ môi đang mấp
máy...
Tò mò quá, không ngừng được, công chúa cất tiếng hỏi:
– Đại sư... Đã là người tu hành, sao đại sư lại phạm giới sát?
Vừa đúng lúc, chiếc cần câu lay động. Sư giựt ngược chiếc cần. Một con
cá mắc câu đang quằn quại, vùng vẫy. Sư thong thả gỡ nó ra khỏi lưỡi
câu, miệng vẫn niệm chú liên miên, rồi lại nhúng cá vào nồi nước sôi...
Bất nhẫn quá, công chúa kêu lên:
– Đã sát sinh, ăn mặn rồi mà lại còn giả nhân, giả nghĩa tụng chú cho nó
làm gì?
Lúc bấy giờ, sư mới ngước lên nhìn Công chúa, thong thả đáp:
– A Di Đà Phật! Xin tín chủ giữ gìn lời nói trước khi bị khẩu nghiệp. Cả
đời bần tăng đây tu hành, không hề có một niệm ác làm cho chúng sanh
khổ. Huống chi đưa đến hành động. Đây chỉ là một phương tiện thiện xảo
để độ sanh thôi...
Nói rồi, sư phun ra một ít thịt cá còn giắt trong kẽ răng. Kỳ diệu thay,
con cá ban nãy hiện lại nguyên hình, tung tăng bơi lội dưới dòng...
Cả Ếch và Công Chúa đều “Ồ “ lên một tiếng lớn...
Còn đang ngạc nhiên. Công chúa đứng ngẩn ra chưa biết nói gì, thì bỗng
thấy sư đứng dậy, quăng cần câu ra giữa sông, chiếc cần biến thành một
chiếc cầu bắc từ bờ bên này sang bờ bên kia, rồi sư vung chân đổ tung
nồi nước sôi xuống dòng sông. Trong bình bỗng túa ra một đàn cá xương
nhỏ, mình mỏng manh, loang loáng như dát bạc, đang tung mình nhảy ngược
dòng nước bơi về đầu nguồn. Sư thoăn thoắt bước lên chiếc cầu, chẳng mấy
chốc đã mất dạng ở giữa dòng.
Ếch kêu lên:
– Cá tích... cá tích!
– Cá tích là gì hở Ếch (Công chúa ngạc nhiên hỏi)
– Trong kinh Phật kể rằng, đó là một loài cá thân nhỏ, nghiệp nhẹ, ưa
bơi ngược dòng sông Sinh-Tử trở về bến Giác. Bình sinh, chưa ai thấy
loài cá này bao giờ. Hôm nay, chúng ta có cơ duyên nhìn được tận mắt
loài này... Ta đoán, có lẽ, đó là những con cá mà nhà sư vừa nuốt vào
trong bụng, do vì tắm được dòng tâm thức thanh tịnh của Ngài mà rửa sạch
được tất cả các ác nghiệp, nên đầu thai thành con cá tích, bơi ngược
giòng trở để trở về bến Giác đấy!
– Ôi chao! – công chúa kêu lên – Nhưng vị sư này tu theo kiểu gì mà có
vẻ đầy bí ẩn và nhiều thần thông đến thế?
Ếch trầm ngâm một lúc rồi nói:
– Trong Phật pháp có rất nhiều lối tu riêng biệt. Tùy theo căn cơ của
mỗi người mà tu mỗi khác. Vì chúng sanh có tám vạn bốn ngàn phiền não
khổ đau, thì Phật pháp cũng có tám vạn bốn ngàn phương tiện thiện xảo để
độ sanh. Nhưng cuối cùng cũng chỉ đến một mục đích duy nhất là đưa chúng
sanh đến được bờ Giác mà thôi. Dựa trên hành vi và lối phục sức thì có
lẽ vị này tu theo Mật tông. Đã tu hành thuần thục về lục độ (bố thí, trì
giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ), đã đắc được khá nhiều
thần thông, đã bắt đầu bước chân vào con đường Bồ Tát Đạo, có được tâm
Bồ Đề và trí huệ về “Tánh Không” khá vững vàng.
– Mật chú ư? (công chúa kêu lên) Trời ơi! Lối niệm chú, bùa ngải chỉ ưa
hại chết người!
– Công chúa lầm rồi... Con đường tu Mật là con đường “tối thượng thừa”
của chư Phật. Bất cứ một hành giả nào (quyết tâm tu cầu giải
thoát) và có tâm Bồ Đề muốn cứu độ chúng sanh, dù là Tiểu thừa hay Đại
Thừa v.v... đoạn đường chông gai cuối cùng đưa đến giải thoát cũng phải
vào tu Mật.
– Thật vậy sao? Ngạc nhiên, công chúa hỏi.
– Phải. Nhưng rất tiếc, thời này là thời mạt pháp. Căn cơ của chúng sanh
kém cỏi, phước mỏng, nghiệp dày. Tu hành để có được một chút tâm hồn
bình an cũng đã là khó, đừng nói đến chuyện tu theo Tiểu hay Đại thừa,
huống chi mơ đến tu Mật. Dĩ nhiên, ngoại trừ những vị chân tu, mà những
vị này xuất hiện trong đời thì thực là ít ỏi, như đóa hoa vô ưu, ngàn
năm mới nở một lần.”
– Nhưng Mật tông có phải là lối tu theo bùa ngải không?”
– Không. Phần đông chúng ta, cứ hễ nói đến Mật tông, trong đầu óc đơn
giản nghĩ ngay rằng đó là một lối tu theo bùa ngải, với một chút quyền
năng có thể sai khiến được quỷ thần làm những gì mình muốn, nhưng bùa
ngải là một lối tu luyện khác hẳn với Mật tông của Phật giáo Đại thừa.
Theo truyền thuyết ngoại sử của Tây Tạng thì đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
đã đích thân truyền dạy Mật tông. Sau khi ngài thành đạo, đã
truyền dạy hiển giáo tại núi Linh Thứu, đồng thời ngài phân thân về vùng
Nam Ấn để truyền dạy Mật giáo. Nhưng vì là mật truyền nên không
ghi lại trong lịch sử truyền thống. Sau thời đức Thích Ca Mâu Ni,
Mật tông được truyền bá khắp nơi, lan qua vùng Đông Nam Á. Vì vậy,
Mật tông được biết có hai nhánh: Mật tông Tây Tạng được gọi là Tạng Mật
và Mật tông Đông Nam Á được gọi là Đông Mật. Trong khi Tạng Mật
chủ về quán tưởng du già thì Đông Mật chuyên trì chú Chuẩn Đề.
[1]
Bùa ngải có thể có nguồn gốc từ thời xa xưa, cũng được phát xuất từ Mật
tông, nhưng vì có những hành giả tu hành, đắc được một ít thần thông rồi
cho là đủ, hoặc gấp gáp, mong cầu, nên đi qua một ngã rẽ, chuyên nghiên
cứu về các loại ngải, tụng một vài câu chú cùng ấn quyết với một mục
đích riêng tư. Tu luyện lâu ngày cũng có được một kết quả kha khá là có
thể sai khiến được quỷ thần hay có một quyền lực nào đó. Lâu dần, trở
thành một phương pháp tu luyện chắp vá của những phái tà ma, ngoại đạo.
Lối tu luyện này đôi khi cũng lắm chông gai và đầy hệ lụy, vì có rất
nhiều trường hợp hành giả cũng bị chính ngải và các quỷ thần vật chết.
Không những uổng phí một đời mà còn phương hại đến giới thân, huệ mạng
của mình trong nhiều đời, nhiều kiếp nữa...
– Thật vậy sao? Nhưng nghe nói, tu theo Mật tông rất khó vì dễ bị đi lạc
đường, có đúng không?
– Đúng! Hành trình đi vào Mật của Phật giáo đại thừa là cả một hành
trình đầy chông gai, chỉ dành cho những người có căn cơ “TỐI THƯỢNG
THỪA” mà thôi. Thân, tâm của các ngài phải thật thanh tịnh, điều kiện
quan trọng nhất cần phải có là một tâm Bồ Đề vững chắc – chỉ mong xả
thân để cầu an vui cho kẻ khác – đó là một thứ “pháp khí” ắt có và đủ để
làm bàn đạp vững vàng trong công cuộc dấn thân tu tập. Các ngài đã từng
phải kinh qua đủ các giới luật của Tiểu thừa, chuyển dần sang Đại thừa,
đi trên con đường Bồ Tát đạo trong nhiều vô lượng kiếp, rồi bắt đầu bước
vào Mật thừa, có được tâm Bồ Đề rộng lớn và trực nhận về Tánh Không...
Công chúa nói với một giọng e dè:
– Nếu theo như Ếch nói thì một hành giả tu theo Mật tông chắc đã nhiều
đời nhiều kiếp đã từng tu hành, tâm thức đã chín muồi mới có thể vào Mật
được…
– Đúng vậy! Chúng ta vì nghiệp dày, phước mỏng, chỉ nên ôm lấy câu niệm
Phật cầu vãng sanh để chuẩn bị cho những kiếp tu hành về sau. (Ngừng một
lúc, Ếch tiếp) Muốn tìm hiểu ngọn ngành, cần phải thân chứng và tâm
chứng mới mong hiểu được ít phần. Ngoài ra, chỉ là những lời nói suông,
một sự hiểu biết rất hời hợt trên bình diện tâm thức mà thôi. Đây cũng
là những hiểu biết rất nông cạn của ta về Mật tông trong Phật giáo Đại
thừa, dĩ nhiên cũng còn rất nhiều thiếu sót. Nói cho công chúa nghe qua,
nếu có gì sai trái ta cũng xin chân thành sám hối về tội vọng ngữ.
Mục đích không ngoài việc muốn công chúa có một cái nhìn đúng đắn về Mật
tông mà thôi.
Công chúa bàng hoàng khi nghe những lời Ếch nói. Nàng rất ngạc nhiên về
kiến thức phong phú của Ếch. Nàng phóng tầm mắt nhìn ra dòng sông lấp
lánh, chiếc cầu đã mờ nhòa biến mất. Đàn cá tích (tựa như trong giấc
mộng) chập chùng tan biến vào ánh sáng ban mai.