Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Cảm tạ xứ Đức »» Chương 1. Đôi nét về nước Đức »»

Cảm tạ xứ Đức
»» Chương 1. Đôi nét về nước Đức

Donate

(Lượt xem: 3.505)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Cảm tạ xứ Đức - Chương 1. Đôi nét về nước Đức

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Người Việt Nam chúng ta hiểu như thế nào về nước Đức và người Đức? Có lẽ mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau và cũng tùy theo ngành nghề chuyên môn mà có cái nhìn khác nhau. Dĩ nhiên trong ấy cũng có lắm điều được khen, đồng thời cũng có lắm điều bị chê. Tuy nhiên ở sách này tôi không trình bày những điều không tốt, mà chỉ trình bày những điểm đặc biệt của dân tộc Đức, kể từ khi lập quốc vào đầu thế kỷ 10 đến nay. Nghĩa là hơn 1.000 năm qua nhiều vấn đề dựa trên sách sử, để nhiều người Việt Nam nếu chưa có cơ hội làm quen, thì đây là cơ hội vậy.

Đứng về phương diện lịch sử mà nói, nước Đức được chính thức thành lập vào năm 911 bởi nhà vua Konrad I và những tước hiệu của vua được thay đổi như: Fränkischer König, Römischer König. Cho đến thế kỷ 11 đổi thành Römisches Reich, thế kỷ 13 trở thành Heiliges Römisches Reich, thế kỷ 15 thành Deutscher Nation. Chữ «deutsch» bắt đầu được biết đến từ thế kỷ 8 và sau đó kể từ miền Nam nước Pháp tiếng Đức này được lan rộng mãi cho đến ngày hôm nay qua bao nhiêu thay đổi của hơn 1.000 năm lịch sử vậy.

Nước Việt Nam chúng ta được gọi là nước có 4.000 năm văn hiến, nhưng nếu xem sử Nhật Bản hay sử Trung Quốc và ngay cả sử thế giới, họ cũng chỉ công nhận nước chúng ta từ năm 938, nghĩa là sau khi Ngô Quyền xưng vương mà thôi. Kể ra như vậy giữa nước Việt Nam và nước Đức, tuy hai nước Đông Tây khác nhau về địa lý, ngôn ngữ, khí hậu, nhưng thời gian chính thức hình thành một quốc gia không sai biệt bao nhiêu năm. Nghĩa là nước Đức được biết đến năm 911, còn Việt Nam được chính thức độc lập tự chủ từ năm 938. Kể từ đó đến nay, Việt Nam bị mấy lần đô hộ của Trung Hoa, Pháp, Nhật và sự hiện diện của người Nga cũng như người Mỹ. Nước Đức cũng không tránh khỏi những số phận hẩm hiu đó. Trước cách mạng Pháp (1789) tất cả các nước Âu Châu trước khi phong vương đều phải được sự chấp thuận của Giáo Hoàng tại La Mã. Đó là chưa kể năm 1949 đất nước Đức bị chia đôi, phía Đông Đức thành lập chủ nghĩa Cộng Sản vào ngày 7 tháng 10 năm 1949 và phía Tây Đức thành lập Liên Bang tự do kể cả Tây Bá Linh, nhưng nước Đức từ năm 1949 đến năm 1989, trong 40 năm ấy kể cả hai miền đều nằm dưới sự kiểm soát của 4 cường quốc là Anh, Pháp, Mỹ và Nga. Một quê hương như thế mà ngày nay nước Đức đã trở thành một trong những cường quốc mạnh mẽ nhất nhì trên thế giới. Quả là «bất khả tư nghì» vậy. Miền Đông Đức do Nga thống trị suốt 40 năm. Miền Tây Đức tuy ảnh hưởng thống trị không mạnh và rõ nét, nhưng quân sự quốc phòng đều do Anh cai quản vùng Bắc Đức, Pháp cai quản vùng Tây Nam Đức và Mỹ cai quản vùng Nam Đức. Đây là những sự giám hộ cần thiết của một nước bại trận sau Đệ nhị thế chiến như Đức và Nhật. Ngày nay nước Đức đã sánh vai với năm châu bốn bể không hề thua kém một nước nào trên thế giới về tự do, kinh tế, giáo dục, tôn giáo, khoa học kỹ thuật v.v...

Về đất nước

Diện tích của nước Đức từ Đông sang Tây, từ Nam sang Bắc chỉ có 357.000 km2, đường chim bay dài nhất từ Bắc chí Nam là 876 km và chiều ngang là 640 km. Như vậy so với Việt Nam cũng không lớn hơn bao nhiêu. Diện tích của Việt Nam độ 333.000 km2 và đường chim bay dài nhất là 2.000 cây số dọc theo bờ biển, chỉ có chiều ngang của Việt Nam nhỏ hơn nước Đức rất nhiều. Nếu tính diện tích bao bọc chung quanh nước Đức thì biên giới của nước này là 3.758 km. Còn diện tích bao bọc của Việt Nam, Bắc giáp Trung Hoa, Tây giáp Lào, Nam giáp Cao Miên, Thái Lan, Đông giáp biển Đông thì có lẽ cũng hơn 5.000 km.

Dân số Đức trong hiện tại có 81 triệu người, nếu so với Việt Nam cũng có thể gọi là tương đương và với Âu Châu thì Ý hiện có 58 triệu, Anh có 57 triệu, Pháp có 56 triệu. Diện tích mặt bằng thì Đức nhỏ hơn Pháp 544.000 m2 và Tây Ban Nha 505.000 m2.

Phía Bắc nước Đức giáp Đan Mạch, Hòa Lan, Bỉ, Lục Xâm Bảo và Pháp nằm về phía Tây. Thụy Sĩ và Áo nằm về phía Nam của nước Đức. Phía Đông giáp Tiệp Khắc và Ba Lan. Vào ngày 3 tháng 10 năm 1990 là ngày thống nhất nước Đức sau 40 năm chia cắt, nước Đức đã có một biên giới to lớn như thế.

Việt Nam sau ngày 20 tháng 7 năm 1954 đã chia đôi như nước Đức. Phía Bắc theo chủ nghĩa Cộng Sản thân Nga và Trung Cộng. Phía Nam được Mỹ và các đồng minh của khối Tự Do hỗ trợ. Rồi đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam cũng thống nhất, nhưng miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam để trở thành một nước Cộng Sản (trong khi đó ngày 3 tháng 10 năm 1990 nước Đức trở thành một nước hoàn toàn độc lập tự do, do người dân Đông Đức tự chọn thể chế chính trị này). Từ năm 1954 đến năm 1975, sau 21 năm, người Cộng Sản Việt Nam đã làm cho đất nước miền Bắc hủy hoại ở nhiều phương diện khác nhau cũng như Cộng Sản Đông Đức đã làm với quê hương họ từ năm 1949 đến năm 1990. Hơn 40 năm ấy nếu người dân Đông Đức không tự chọn cho mình một thế đứng, có lẽ ngày nay người Đức cả Đông lẫn Tây không thể được thế giới nể vì. Thế giới nể trọng người Đức không phải vì những nhãn hiệu có in chữ: Made in Germany như xe Mercedes Benz, Audi, BMW v.v... mà người ngoại quốc đã khâm phục tinh thần quốc gia của người Đức sau ngày thống nhất đất nước này. Từ đó các lực lượng quân sự của Mỹ, Nga, Anh, Pháp phải tự động lần lượt rút về quê họ, qua một số đền bù thiệt hại và không bị mất mặt, khi không còn trực tiếp chăm sóc nước bị thống trị này nữa. Đó là một vinh hạnh cho nước Đức này.

Về cảnh trí và khí hậu

Nước Đức phía Bắc giáp biển, miền Trung có núi, miền Nam giáp rặng Alpen, là một trong những dãy núi cao tại Âu Châu. Đa phần là đất liền và nông nghiệp cũng là nghề chính của xứ này ngoài những kỹ nghệ nặng. Phía Bắc Đức có một số đảo như Nordeney, Amrum, Föhr, Sylt cũng như đảo Helgoland. Đây là những nơi nghỉ hè rất nổi tiếng và trước năm 1975 cơ quan Caritas của Đức đã gởi một chiếc tàu sang Đà Nẵng (Việt Nam) tạo thành một bệnh viện nổi mang tên là Helgoland và sau năm 1975 chiếc tàu này trở về quê hương đã tạo nên nó.

Về khí hậu thì nước Đức có khí hậu của biển và cả lục địa. Về mùa Đông có tuyết và nhiệt độ biến đổi từ 0 độ đến 5 độ C. Vào khoảng tháng 7 nhiệt độ trung bình từ 18 đến 20 độ C.

Nếu những người đến từ Á Châu hay Phi Châu mà ở lại nước Đức nhiều năm thì chúng tôi sẽ gọi nơi đây không có mùa hè. Vì mùa hè ở Ấn Độ có khi lên đến 45 độ C. Mùa hè ở Việt Nam thường thường 35 độ C. Nếu gọi mùa hè ở Đức 20 độ C chẳng bằng khí hậu mùa Đông của quê hương chúng tôi vậy. Ở Việt Nam không chia ra 4 mùa rõ rệt như ở Đức này mà chỉ có 2 mùa. Đó là mùa mưa và mùa nắng. Lá chẳng vàng khi thu sang và đông đến không có một giọt tuyết nào. Nếu có, chỉ là sương mù bao phủ trên các rừng núi phía Bắc và Cao nguyên Trung phần Việt Nam mà thôi.

Ở Đức này thông thường cứ đến Giáng Sinh là tuyết rơi, báo hiệu mùa Đông rõ nét rồi đó. Cuối tháng 3 đầu tháng 4 là cây lá bắt đầu đâm chồi nảy lộc, tháng 6, 7, 8 là mùa đi nghỉ hè. Sau đó gió bắt đầu chuyển mạnh, lá vàng hoe, kéo dài suốt tháng 9, 10 và 11 của mỗi năm. Như thế có 4 mùa rõ rệt. Có nhiều người ngoại quốc chịu lạnh không nổi, nên mùa Đông ở đây họ thường thiên di đến những nơi ấm áp hơn và mùa Xuân cũng như mùa Hè thì họ trở lại nơi này. Đôi khi tôi vẫn thường nói với những học sinh, sinh viên Đức đến chùa Viên Giác học Phật Pháp rằng: «Tuy nước Đức lạnh, nhưng tấm lòng của người Đức thì ấm áp vô cùng.» Ai nghe câu ấy cũng vui lòng. Vì lẽ đây là một người ngoại quốc nói về khí hậu cũng như tình người của người Đức, chứ không phải người Đức tự khen tặng cho dân tộc mình như thế.

Về con người

Nước Đức vào năm 911 chẳng biết được bao nhiêu dân số, nhưng cho đến năm 2002 có lẽ đã trên 82 triệu người rồi, trong ấy có 7 triệu người là người ngoại quốc, nghĩa là gần 10% của dân tộc này. Trung bình 227 người sống trên 1 km2 như thế. Thành phố đông dân nhất là Berlin với 3 triệu rưỡi người. Tại nước Đức có 19 thành phố có hơn 300.000 dân sinh sống. Một phần ba dân số của 84 thành phố lớn trên 100.000 dân sống tại thành thị. Có nghĩa là 26 triệu người sống cũng như làm việc tại các đô thị trung bình và lớn. Số còn lại 47 triệu người sống giữa các làng từ 2.000 người đến 100.000 người tại các vùng quê. Khoảng 13 triệu người Đức đã từ vùng Đông Âu cũng như Đông Đức di cư vào Tây Đức trước năm 1961 khi bức tường Berlin được xây dựng. Năm 1990 theo thống kê của chính phủ cứ 1.000 dân cư như vậy mỗi năm chỉ sinh 11 người. Đây là chỉ số sinh sản thấp nhất trên thế giới.

Nếu tính 1.000 người là 500 cặp vợ chồng hay 400 cặp và 200 người độc thân, thì số sinh sản như thế là quá thấp. Tại Á Châu mặc dầu bị cấm sinh sản đối với gia đình đông con. Nghĩa là nếu cặp vợ chồng nào đã có 2 con thì không nên sinh thêm nữa, nhưng họ vẫn muốn sinh nhiều hơn. Trong khi đó tại Đức sự sinh sản được khuyến khích, nhưng nhiều cặp vợ chồng trẻ vẫn không thích. Họ quan niệm rằng trách nhiệm rất nặng nề để phải lo cho một đứa trẻ sinh ra, nuôi lớn và đến trưởng thành 18 tuổi mới hết bổn phận, chi bằng dùng tiền làm được để đi nghỉ hè. Việc sống chung giữa nam nữ không cần kết hôn cũng không còn là điều cấm kỵ tại xứ Đức này nữa. Nên đây là nguyên do chính của sự việc chăng?

Nếu với đà sinh sản này thì người già càng ngày càng nhiều mà người trẻ sinh ra lại ít, chừng 30 năm nữa đời sống của những người già sẽ khổ hơn. Vì số tiền đóng thuế của người trẻ ít - lúc ấy có lẽ là một gánh nặng cho chính phủ đương thời. Cho nên, dẫu cho có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí đi nữa, bên nào cũng có những điều đáng lo âu của nó. Trong khi đó tại các xứ Á Châu, ngay cả Nhật Bản là một nước phát triển kỹ nghệ từ năm 1968 - Vua Minh Trị Thiên Hoàng duy tân nước này, đã hơn 100 năm qua, nhưng đời sống xã hội cũng không được bảo đảm mấy. Nếu thất nghiệp quả là một vấn đề lớn. Do đó có nhiều người đã tự tử, bấn loạn thần kinh là thế.

Nhìn về Ấn Độ hay Việt Nam là những xã hội nông nghiệp, ngay cả Trung Quốc nữa, dân số quá tải, đời sống thấp so với Đức và Âu Châu, nhưng họ vẫn sinh sản. Họ nghĩ đơn giản là: “Trời sinh voi thì sinh cỏ, sinh người thì sinh lộc”, đâu có gì phải bận tâm. Ngay cả đất nước Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 nghĩa là cách đây 100 năm trước, dân số cả 2 miền Nam Bắc chỉ có 25 triệu người, mà 100 năm sau đã lên 80 triệu. Đó là chưa kể chiến tranh chết chóc suốt 50 năm qua. Không biết với đà sinh sản này Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung sẽ đi đến chỗ cuối cùng là chỗ nào. Người Á Châu quan niệm rằng sinh con đông là để cho con cái lo cho cha mẹ về già, thay thế cho xã hội như các nước Âu Mỹ, nên cha mẹ cũng an phận thủ thường. Nếu con mình giàu có thì mình sẽ được sung sướng. Nếu con mình nghèo thì phải chịu chung số phận mà thôi. Do vậy ít đòi tăng lương, ít đòi bồi thường thiệt hại. Dĩ nhiên đời sống vật chất so với Âu Mỹ có thấp đó, nhưng đời sống tinh thần thì họ thoải mái hơn. Cho nên nhìn họ có nhiều nụ cười an phận, hơn là đời sống vật chất đầy đủ tại Tây phương. Ở đây không so sánh sự tốt xấu, hơn thua, mà do phong tục, tập quán, phong thổ tạo nên con người vậy. Nếu người Đức sinh ra tại Á Châu hoặc giả người Á Châu, Phi Châu sinh ra và lớn lên nhiều đời khác nhau thì những người này cũng suy nghĩ giống như những người Đức chánh hiệu mà thôi.

Tại Đức này không có những dân tộc thiểu số như tại Việt Nam. Tuy nhiên mỗi vùng ở mỗi nơi có một đặc thù riêng biệt và họ cố gắng giữ gìn những đặc thù đó. Ví dụ người ở vùng Mecklenburg thì đóng kín, người ở vùng Shwanben thì tiết kiệm, người ở vùng Rhein thì sống thoải mái, tự nhiên, người ở vùng Sachen thì siêng năng chịu khó v.v... Tuy nhiên nước Đức đã kỹ nghệ hóa từ lâu, do vậy mọi người sống trên quê hương này như là một đại gia đình, ít có sự phân biệt. Đó là nhận xét của người Đức và sau đây là nhận xét của người ngoại quốc về người Đức.

Người Đức chăm chỉ, sạch sẽ, chịu khó, mực thước. Tuy nhiên cũng tò mò và cứng nhắc hơn là nguyên tắc, đồng thời cũng lạnh lùng nữa. Sau đây là một câu chuyện vui đăng trên một tạp chí Việt Nam xuất bản tại Thụy Sĩ cách đây chừng vài năm, xin chép ra để hầu quý bạn đọc.

“Có một nhóm sinh viên nghiên cứu về tính kỷ luật và tự trọng của người Đức gồm có 3 nam và một nữ. Đầu tiên họ vào một nhà bưu điện tại thành phố Trier xin phép thực hiện một cuộc nghiên cứu. Sau đó họ phân chia công tác với nhau. Họ lấy 5 hình đàn ông dán lên trên 5 phòng điện thoại và 5 hình đàn bà dán lên trên 5 phòng điện thoại công cộng gần đó. Cả nhóm sinh viên này theo dõi suốt một tuần qua và ghi nhận rằng: Khi người đàn ông đến thì họ sắp hàng bên phía phòng điện thoại có dán hình đàn ông để gọi và khi đàn bà đến thì họ cũng làm thế. Đến một hôm có một sự kiện lạ xảy ra và đây cũng là kết quả của sự nghiên cứu ấy. Có một người đàn bà dẫn một đứa nhỏ đi theo, đứa nhỏ thấy trong phòng điện thoại bên đàn ông vẫn trống nên bảo mẹ mình tại sao không vào đó gọi? Bà mẹ bảo rằng phía đó chỉ để cho đàn ông thôi con ạ! Thế là đứa bé tiu nghỉu đứng chờ mẹ mình đứng sắp hàng phía bên phòng điện thoại dành cho người nữ. Rồi một hôm khác tự nhiên đám sinh viên mừng rú lên, vì có một người đàn bà chạy qua phòng điện thoại có dán hình người nam để gọi. Nhóm sinh viên này không bỏ lỡ cơ hội, chạy ra phỏng vấn liền :

- Xin lỗi bà! Tại sao bà chạy qua phía phòng điện thoại của người nam để gọi?

- Xin thưa! Tôi không phải là người Đức. Chỉ có người Đức mới “kỳ cục” như vậy”.

Câu trả lời ấy đã làm sáng tỏ vấn đề dân tộc tính vậy. Người Đức chấp nhận nguyên tắc không cần suy nghĩ. Trong khi đó người Pháp, người Anh lại không. Nếu là nhà vệ sinh thì mới chia ra nam nữ và người ta phải đứng sắp hàng tuân hành giữ nguyên tắc. Chứ còn ở đây là trạm điện thoại làm gì có phân biệt nữ nam mà người Đức cứ phải tuân thủ. Đó là chưa nói những việc xa hơn như ở Nhật, tại những vùng nhà quê, cho đến hôm nay họ vẫn còn tắm chung giữa nam nữ tại các suối nước nóng, trong khi trên thân hình họ chẳng có một mảnh vải che thân. Vậy thì dưới cái nhìn của người Đức thì đây là một dân tộc kém văn hóa, trong khi đó người Nhật rất tự hào về sự tự nhiên này.

Tại Tokyo hay Kyoto là những thành phố nổi tiếng nhất, sang trọng nhất nhì ở Nhật, tại các chỗ tắm công cộng đàn ông vẫn khỏa thân tắm chung với nhau, đàn bà cũng thế. Trong khi đó tại Âu Châu hay ngay cả Việt Nam, khi tắm chỉ riêng biệt một người chứ không bao giờ có người thứ hai bên cạnh, nếu tắm khỏa thân.

Ngày nay tại Âu Mỹ cũng có những nơi tắm thiên nhiên như thế, nhưng đa phần để dành cho giới trẻ và trung niên chứ người lớn tuổi thì chẳng thấy lai vãng. Ở Nhật lại khác, ai cũng có thể vào đó tắm chung từ già đến trẻ, từ con nít cho đến trung niên. Do đó khó có một kết luận cho đúng với những trường hợp mang nặng đặc tính dân tộc như thế này.

Tại Đức có những thành phố lớn với dân cư đông đúc được xếp theo thứ tự như sau:

1. Berlin với 3.465.700 người.

2. Hamburg với 1.688.700 người.

3. München với 1.256.600 người.

4. Köln với 960.600 người.

5. Frankfurt am Main với 668.900 người.

6. Essen với 627.200 người.

7. Dortmund với 600.600 người.

8. Stuttgart với 599.400 người.

9. Bremen với 554.200 người.

10. Duisburg với 539.000 người.

11. Hannover với 523.600 người.

12. Nürnberg với 500.100 người.

13. Leipzig với 496.600 người.

14. Dresden với 481.600 người.

Trong 14 thành phố ấy, phía Đông Đức cũ có 2 thành phố thứ 13 và 14 và thành phố Hannover nằm ở con số thứ 11 có số dân trên 500.000 người. Thành phố Hannover đã kỷ niệm 700 năm vào năm 1999 và năm 2000 đã tổ chức Hội Chợ Thế Giới, có hơn 18 triệu người đến tham dự trong vòng 6 tháng. Tại đây cũng có ngôi chùa Viên Giác và hằng năm có độ 70.000 người Việt, khoảng 10.000 người Đức đến tham quan, lễ bái cũng như học hỏi giáo lý của Đức Phật trong suốt thời gian những năm tháng vừa qua. Dĩ nhiên trong thời gian tới con số ấy sẽ tăng lên nữa, nhưng bao giờ cũng thế, cũng như không khí chỗ nào thiếu thì không khí cũng luôn luôn trung hòa để loài người có đầy đủ dưỡng khí mà hít thở để được tồn tại.

Về tiếng Đức

Tục ngữ Pháp có câu: «Deux yeux sont les fenêtres du coeur». Có nghĩa là: “con mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Nhưng tôi đôi khi tự đổi lại: «La langue, c’est le fenêtre du coeur». Có nghĩa: Ngôn ngữ là cửa sổ của tâm hồn. Quả thật ngôn ngữ nó quan trọng như thế đó. Mỗi dân tộc có một ngôn ngữ riêng, đôi khi có nhiều hơn một ngôn ngữ, nhưng nhiều lúc có nhiều dân tộc trên thế giới chỉ dùng một ngôn ngữ để diễn tả mọi hành động, mọi sự kiện trong cuộc sống của mình bằng lời để mọi người chung quanh hiểu nhau mà thông cảm nhau. Nếu con người không có ngôn ngữ để truyền đạt cho nhau, không biết là con người phải giao thiệp với nhau bằng những hình thức nào?

Tiếng Đức là một ngôn ngữ thuộc nhóm Indogermanisch. Tiếng này có liên hệ với tiếng Đan Mạch, tiếng Na Uy và tiếng Thụy Điển, cũng như tiếng Hòa Lan với tiếng Flämisch và ngay cả tiếng Anh cũng có sự liên hệ nữa.

Mặc dầu nước Đức có nhiều thổ âm, nhưng đa phần dân chúng Đức đều có thể hiểu được tiếng của những địa phương khác. Ngoài nước Đức ra tại Áo, Liechtenstein, phần lớn của Thụy Sĩ, miền Bắc Ý và một phần của Bỉ, Pháp (Elsaß) cũng như Lục Xâm Bảo và dọc biên giới Đức đều nói tiếng Đức như là tiếng mẹ đẻ của các quốc gia này. Ngay cả người Đức tại Ba Lan, Rumänien và một ít ở Nga cũng còn giữ tiếng Đức tại đây.

Tiếng Đức được dùng như là tiếng mẹ đẻ cho 100 triệu người. Trong 10 quyển sách được xuất bản trên thế giới có một quyển bằng tiếng Đức. Đây cũng là một ngôn ngữ được dịch nhiều, sau tiếng Anh và tiếng Pháp.

Đối với người ngoại quốc có lẽ tiếng Đức là một loại tiếng rất khó. Khó nhất là văn phạm. Động từ thay đổi và mạo từ cũng thay đổi. Trong khi đó tiếng Anh thì không, tiếng Pháp có thay đổi theo giống và số, nhưng ở đây tiếng Đức còn có thêm cả trung tính cũng như thể Akkusativ và Dativ nữa, mà ở những ngôn ngữ trên không có. Đặc biệt tiếng Việt Nam thì động từ khỏi cần chia, chỉ cần xem thời gian phía trước hoặc sau chủ từ, người ta biết việc ấy thuộc về tương lai hay quá khứ hoặc hiện tại. Tuy nhiên tiếng Việt Nam cũng thuộc loại khó, không khó về văn phạm như tiếng Đức, mà khó về phát âm, dấu, giọng. Ví dụ tiếng Trung Hoa hay như thế mà chỉ có 4 âm rưỡi. Trong khi đó tiếng Việt có đến 5 âm rưỡi.

Tiếng Nhật là một ngôn ngữ có những đặc biệt riêng của nó. Ví dụ động từ luôn luôn đứng ở cuối câu và ở động từ ấy tự nó có thể chia thành thể phủ định, khẳng định, sẽ, đã v.v... Còn tiếng Đức động từ chỉ đứng ở cuối câu khi nào có trợ động từ. Ví dụ: Tôi muốn học tiếng Anh. Tiếng Việt dùng như thế là chủ từ + trợ động từ + động từ chính và túc từ. Trong khi đó tiếng Đức phải nói là: Ich will (möchte) Englisch lernen. Như vậy là động từ chính phải nằm ở cuối câu. Tiếng Nhựt phải nói là: Watashi wa Eigo o benkyositai. Câu này chủ từ đứng trước + túc từ + động từ. Tự động từ benkyo suru này nó biến thành thích (muốn) hay không thích, không muốn, sẽ, đã v.v... thật là rắc rối. Bởi vậy tôi hay nói: Ngôn ngữ là cửa sổ của tâm hồn là vậy.

Có nhiều người ngoại quốc như Thổ Nhĩ Kỳ, Ý Đại Lợi họ ở đây cả 30 hay 40 năm, họ làm nghề lái taxi, tôi có dịp tiếp xúc với họ. Họ nói một câu đã sai đến mấy chữ rồi. Thế hệ thứ hai, con cái của họ sinh ra tại xứ Đức này có thể tốt hơn. Vì lẽ con cái họ bắt buộc phải đi học trường Đức, nên phải nói tiếng Đức. Còn họ đến nước Đức này chủ yếu là làm thợ và khi đến đây đã ở vào lứa tuổi trung niên rồi, nên họ phải chịu vậy. Người Việt Nam cũng có hoàn cảnh tương tự như thế. Khi ra đi tỵ nạn Cộng Sản thì đi cả gia đình, trong đó có ông bà, cha mẹ và con cái. Người lớn nhớ quê cha đất tổ, học đâu quên đó, trong khi con trẻ không có liên hệ với quê hương cũ, nên chúng học hành thành tài khá nhiều. Tuy nhiên sự hội nhập quá nhanh này, chỉ một thế hệ mà đã quên hết tiếng mẹ đẻ, phong tục, tập quán v.v... làm cho cha mẹ, ông bà phải lo lắng. Chẳng biết đến thế hệ thứ 3, thứ 4 sẽ ra sao đây? Dĩ nhiên là người Đức mong cho mọi người ngoại quốc sớm hội nhập vào xã hội này, trong khi đó những người ngoại quốc hiện sống tại nước Đức này họ vẫn còn muốn bảo vệ văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc họ. Vì họ nghĩ rằng: Ý nghĩa của sự hội nhập nó không nhất thiết phải là bị đồng hóa.

Những người ngoại quốc sống tại xứ Đức

Nước Đức là một nước có thiện cảm với người ngoại kiều. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có những vấn đề kỳ thị. Ví dụ như công ăn việc làm tốt hơn, ngôn ngữ không giỏi bằng người Đức, hoặc giả cũng có nhiều người Đức nghĩ rằng người ngoại quốc vào đây để chiếm đoạt công ăn việc làm của họ, nên mới có một số đối đãi không đẹp mắt, nhưng đa phần người Đức đều hiểu là họ sống cũng phải nhờ vào ngoại kiều, vì lẽ những năm đầu thập niên 50, 60 họ phải cần thêm những khách thợ đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, từ Ý v.v... và ngay cả đối với người Đức hiểu chuyện mọi sản phẩm của người Đức sản xuất ra phải bán đi khắp thế giới và dĩ nhiên là nhờ người ngoại quốc mua. Có như thế người dân Đức mới có thu nhập cao và bây giờ ai cũng phải hiểu là chúng ta sống với nhau chứ không phải sống cho nhau nữa.

Nước Đức không phải là một quốc gia lý tưởng để di dân như nước Mỹ, Canada hay Úc, nhưng gần đây chính phủ SPD và Grüne đã có nhiều đạo luật có lợi cho nước Đức và có thiện cảm với ngoại kiều, để khi người ngoại quốc hướng đến nước Đức, không nghĩ rằng đây là hậu thân của Nazis được, mà hoàn toàn độc lập, tự do và thân thiện. Chính người Đức cũng thấy rằng sự giết hại mấy triệu người Do Thái thời Hitler là một điều sai lầm, đáng tiếc, nên ngày nay đã có những đạo luật bảo vệ ngoại kiều và tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, chứ không phân biệt tôi là người Đức, anh là người ngoại quốc nữa.

Bắt đầu từ năm 2002, biên giới về lãnh thổ, về tiền bạc của các quốc gia tại Âu Châu hầu như không còn nữa. Mọi người di chuyển tự do, làm ăn buôn bán, giao dịch không còn trở ngại nữa, thì việc kỳ thị cũng giảm đi. Người Đức cũng phải tự hiểu rằng khi họ bước chân ra khỏi biên giới của nước Đức, họ cũng là người ngoại quốc vậy. Mỗi người đến ở, học hành và lưu trú tại xứ Đức này đều có một lý do riêng, đồng thời chúng ta cũng phải hiểu hơn 2 triệu người Đức đang ở ngoại quốc để sinh sống, làm việc cũng có những lý do của mỗi cá nhân. Ngày nay thế giới có thể chỉ còn có một, trong đó con người phải biết thương yêu nhau thì sự tồn tại kia mới có ý nghĩa, chứ không phải chỉ là kẻ mạnh đi hiếp yếu như chủ nghĩa «Daitoa» Đại Đông Á của Nhật hồi Đệ nhị thế chiến. Cũng không phải thời gian từ 1934 đến 1945 mà người Đức dưới chính quyền Hitler đã phải chiến đấu cho chủ nghĩa độc tài ấy và cuối cùng cũng phải đầu hàng Mỹ cũng như Anh, Pháp mà thôi. Đây là một bài học lịch sử có giá trị muôn đời, mong rằng tất cả chúng ta đều phải học chứ không phải chỉ có người Nhật hay người Đức.

Trong 81 triệu dân Đức có gần 7 triệu người ngoại quốc. Con số ấy không nhỏ và trong ấy được chia ra như sau:

- Đông nhất là cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ gần 2 triệu người.

- Sau đó là người Ý gần 600.000 người.

- Người Hy Lạp 351.000 người.

- Ba Lan 260.000 người.

- Áo 186.000 người.

- Rumänien 162.000 người

- Tây Ban Nha 133.000 người.

- Iran, Bồ Đào Nha, Anh, Mỹ và Hòa Lan khoảng từ 100.000 đến 115.000 người.

- Bảo Gia Lợi (Bulgarie), Ungarn và Pháp từ 50.000 đến 100.000 người.

- Những người tỵ nạn đến từ các nước xa hơn như Việt Nam gần 100.000 người, Marokko 82.000 người, 55.000 người Libanese, 46.000 người Tích Lan, 46.000 người A Phú Hãn và 36.000 người Ấn Độ.

Có độ 50% người ngoại quốc sống tại nước Đức này từ 10 năm trở lên và 2/3 con cái của họ được sinh ra tại đây.

Có khoảng 2 triệu người Đức hồi cư từ các nước phía Đông: kể từ năm 1987 đã về lại Đức và riêng năm 1994 đã có 222.600 người.

Số người xin tỵ nạn tại Đức mỗi năm một nhiều. Ví dụ như năm 1991 là 256.112 người và năm 1993 là 322.600 người. Trong số này có từ 4 đến 6% được tỵ nạn chính trị. Ngoài ra là những lý do khác như nhân đạo, kết hôn v.v... Số còn lại bị trục xuất hay tạm dung là tùy theo từng trường hợp.

Người ta khi đưa đơn xin tỵ nạn có 3 lý do chính để được xét đến. Đó là:

- Lý do Tôn Giáo: Ví dụ như tại quê hương mình không được thực thi tự do tôn giáo, lễ bái, hội họp v.v...

- Lý do chính trị: Mình là người bị theo dõi, tình nghi, nếu mình trở lại quê hương sẽ bị bắt tù hoặc hãm hại. Tuy nhiên đa phần chỉ có lý do sau khi đến Đức, chứ trước khi đến Đức để tỵ nạn có lý do rõ ràng thì ít, cho nên việc công nhận để được tỵ nạn chính trị rõ ràng là rất giới hạn. Ví dụ như các cơ quan thẩm tra tỵ nạn chính trị Liên Bang Đức ở Zindorf luôn luôn đòi hỏi có bằng chứng bị đàn áp ở tại quê hương của mình, nhưng tiếc rằng ở những chế độ độc tài, như Cộng Sản Việt Nam, thì làm sao để có một bằng chứng. Tất cả đều dối trá và lừa đảo, nhưng thế giới tự do thì không thể nào tin được. Hiệp ước về người tỵ nạn đã được ký kết tại Genève vào ngày 28 tháng 7 năm 1951 đã giúp cho rất nhiều người được định cư cũng như tỵ nạn tại quê hương thứ hai, khi mà nơi sinh trưởng ra họ không thể dung thứ họ được, vì khác nhau bởi chính kiến và tư tưởng.

- Điều thứ 3 cũng không kém phần quan trọng là mình người thiểu số ở tại quê hương mình, nhưng chính quyền sở tại đàn áp, đánh bật mình ra khỏi quê hương đó cũng như tiêu diệt ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán của mình thì người ấy có thể xin ở lại Đức để tỵ nạn.

Trên đây là 3 lý do tương đối chính đáng. Dĩ nhiên là còn nhiều lý do khác nữa, nhưng nếu không được chứng minh một cách rõ ràng thì rất dễ bị cơ quan công quyền Đức kết luận là đến Đức vì lý do kinh tế, mà với lý do này thì không thể đứng vững để trước sau rồi cũng sẽ bị tiếp tục trục xuất về quê hương của mình. Nơi đó đang có không biết bao nhiêu cạm bẫy đang chờ đón họ.

Sự đóng góp về thuế má của người ngoại quốc cho chính quyền Đức

Người ngoại quốc sinh sống tại Đức phải cảm ơn chính phủ Đức đã đành, mà chính phủ Đức ngược lại cũng phải cảm ơn người ngoại quốc nữa. Vì sao vậy? Vì lẽ người ngoại quốc đến đây mang nhiều nền văn hóa khác nhau, đã góp mặt và xây dựng đất nước này thành một đất nước đa văn hóa. Cũng ví như trong một vườn hoa, lâu nay đã có trồng loại hoa hồng, xem ra đã đẹp mắt, mà nay có thêm hoa cẩm chướng, hoa lan, hoa cúc, hoa huệ v.v... thì càng đẹp hơn. Ngoài ra, với số lượng người ngoại quốc gần 7 triệu người sống trên nước Đức, gần 4 triệu người có công ăn việc làm, có hãng xưởng, nhà hàng. Hoặc giả những người đi làm kỹ sư, công chức v.v... mỗi năm như thế chính phủ Đức thâu vào chừng hơn 100 tỷ Đức Mã, có nghĩa là hơn 50 tỷ Euro trong hiện tại. Đây là số tiền đóng góp không nhỏ của ngoại kiều vào xã hội Đức này (5). Nếu mọi người dân Đức đều hiểu vấn đề này thì có lẽ làn sóng bài ngoại ở đất nước này sẽ ngày càng ít hơn. Vì nhiều người Đức nghĩ rằng ngoại kiều, trong đó có người tỵ nạn đến đây để ăn bám vào xã hội Đức và lấy mất công ăn việc làm của họ. Trên thực tế, xã hội nào cũng có lắm kẻ làm biếng và hư thân, nhưng nhiều người muốn đi ra ngoại quốc, hoặc muốn tỵ nạn đến một nước nào, có nghĩa là người đó phải có một nghị lực tuyệt vời mới vượt qua được những chặng đường nguy hiểm, mới có thể đến được những bến bờ tự do. Chỉ vấn đề ý chí thôi cũng đã quyết định chuyện sinh tử rồi, cho nên họ không thể ăn bám vào xã hội này được.

Nhiều người ngoại quốc sống từ 10 năm trở lên tại xứ Đức, ai cũng tìm cách nhập tịch Đức, hoặc xin giữ 2 quốc tịch. Điều này chính phủ Đức cũng khuyến khích và có nhiều đạo luật khác nhau để giúp cho người ngoại quốc hội nhập vào xã hội này mau lẹ hơn, đỡ đi gánh nặng chăm sóc, học hành cũng như nghề nghiệp cho người tỵ nạn.

Sau khi tái thống nhất nước Đức vào năm 1990, cả Đông Đức lẫn Tây Đức đã hòa nhập thành một. Tất cả thể chế chính trị, hãng xưởng, chính phủ của miền Đông đều rập khuôn theo cách tổ chức của miền Tây và hiện tại nước Đức có tất cả là 13 Tiểu Bang và 3 Thành Phố để trở thành một nước Cộng Hòa Liên Bang Đức to lớn tại Âu Châu. 16 Tiểu Bang và Thành Phố đó kể theo thứ tự A, B, C là:

1. Baden-Württemberg

2. Friestart Bayer

3. Berlin

4. Brandenburg

5. Freie Hansestadt Bremen

6. Freie und Hansestadt Hamburg

7. Hessen

8. Mecklenburg-Vorpommen

9. Niedersachsen

10. Nordrhein-Westfalen

11. Rheinland-Pfalz

12. Saarland

13. Friestaat Sachsen

14. Sachsen-Anhalt

15. Schleswig-Holstein

16. Freistaat Thüringen.

Cả 13 bang và 13 thành phố lớn của Đức gộp lại chưa bằng một Tiểu Bang California của Mỹ, nhưng sản lượng quốc gia, tinh thần dân tộc, thi văn, kịch nghệ, hội họa, âm nhạc, thể thao v.v... đã làm cho thế giới phải nể vì và ngày nay nước Đức đứng nhì, ba trên thế giới về mọi phương diện. Do vậy khi người ngoại quốc ngưỡng mộ về nước Đức, chính là ngưỡng mộ tinh thần dân tộc, tinh thần trách nhiệm và tinh thần tự chủ này.

Nước Đức có 13 Tiểu Bang và 3 Thành Phố, nhưng chúng tôi chỉ giới thiệu sơ lược về Tiểu Bang Niedersachsen, nơi có ngôi chùa Viên Giác hiện hữu, còn những tiểu bang khác quý vị có thể tham cứu các sách tiếng Đức cũng như tiếng Anh viết về nước Đức này.

Tiểu bang Niedersachsen hiện có 7 triệu 600 ngàn dân cư, sinh sống trên một diện tích rộng 46.352 km2. Thủ phủ của Tiểu Bang là thành phố Hannover.

Hai phần ba đất đai của tiểu bang này chuyên về nông nghiệp, trồng trọt cũng như chăn nuôi. Thí dụ như thịt dồi của Oldenburg, mật của Lüneburg Heide. Về khoáng sản hầm mỏ thì có vùng Harz. Từ thời vua chúa Goslar đã được đào bới và mỏ bạc đã được phát hiện nơi đây. Bắt đầu từ năm 1775, Clausthal đã mở trường dạy học cho những người liên hệ về đồi và núi sinh sống tại đó. Ở đây những người tốt nghiệp cũng được công nhận là những kỹ sư miền núi. Tại Salzgitter, mỏ sắt cũng đã được phát hiện, lớn thứ 3 tại Âu Châu. Tại tiểu bang này dầu và hơi đốt cũng chiếm đến 5% của toàn nước Đức. Braunschweig là trụ sở kỹ thuật về hóa học cho toàn liên bang. Emden là hải cảng lớn thứ 3 của Bắc Hải. Nơi đây cũng là nơi đóng tàu rất nổi tiếng. Wolfsburg là thành phố sản xuất xe Volkswagen.

Hơn 7 triệu người sinh sống tại tiểu bang này, có hơn 500.000 người sống tại thành phố Hannover. Đây cũng là một thành phố triển lãm của thế giới.

Đại Học Göttingen là một đại học rất nổi tiếng về khoa học tự nhiên. Từ năm 1837 có một nhóm giáo sư tại Göttingen trung lập, chống lại sự giải tán những người nông dân của hiến pháp tiểu bang và việc này cho đến năm 1848 các Nghị viên tại cuộc họp Quốc Gia ở Frankfurt đã đề cập đến. Göttingen cũng là nơi sinh ra nhà Toán học và Thiên văn học Carl Friedrich Gauß (1771-1859). Trong thế kỷ 20, Göttingen đã phát triển về Atomphysik và có 2 người đã lãnh được giải Nobel. Đó là Max Born (1882-1970) và Werner Heisenberg (1901-1976).

Năm 1993 cả nước Đức sản xuất là 1.079 tỷ Đức Mã, có nghĩa là hơn 1 billion cho mọi sản lượng của quốc gia và người ngoại quốc đã dự phần không ít về sự tăng trưởng kinh tế tại xứ Đức này. Nghĩa là 10% (100 tỷ Đức Mã). Trong đó Tiểu Bang Niedersachsen đóng góp cũng không nhỏ. Riêng chùa Viên Giác tại Hannover mỗi năm có 100.000 Phật Tử về thăm viếng, lễ bái v.v... Như vậy qua giao thông, mua sắm, du lịch v.v... người Việt Nam và Phật Tử Việt Nam cũng đã trực tiếp đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của Tiểu Bang Niedersachsen không phải là ít.

Nếu muốn viết đầy đủ về nước Đức phải đề cập về Hiến Pháp, cử tri. Nước Đức liên hệ với ngoại quốc như thế nào, kinh tế ra sao. Từng loại kỹ nghệ một, căn bản cấu trúc của xã hội, đời sống người phụ nữ, thể thao, du lịch, hội hè, giáo dục, nghề nghiệp, văn hóa, tôn giáo, âm nhạc, kịch nghệ v.v... Như thế phải viết thành một quyển sách riêng. Tuy nhiên chương này chỉ là chương đại cương để giới thiệu những nét căn bản về nước Đức cho những người Việt Nam sau này hay đã ở đây lâu đời không rành Đức ngữ tham cứu. Còn những vị giỏi Anh hoặc Đức ngữ có thể đọc trực tiếp nơi các sách vở hiện có tại các Thư Viện của thành phố hay Đại Học thì sẽ rõ nhiều hơn.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Cẩm nang phóng sinh


Vầng sáng từ phương Đông


Chuyện Vãng Sanh - Tập 1


Giải thích Kinh Địa Tạng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.106.15 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...