Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Đừng cư xử với người khác tương ứng với sự xấu xa của họ, mà hãy cư xử tương ứng với sự tốt đẹp của bạn. (Don't treat people as bad as they are, treat them as good as you are.)Khuyết danh
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Hầu hết mọi người đều cho rằng sự thông minh tạo nên một nhà khoa học lớn. Nhưng họ đã lầm, chính nhân cách mới làm nên điều đó. (Most people say that it is the intellect which makes a great scientist. They are wrong: it is character.)Albert Einstein
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Cảm tạ xứ Đức »» Chương IV. Hơn 30 Năm Sống Ở Ngoại Quốc Và Trong Đó Có Hơn 25 Năm Sống Tại Xứ Đức »»

Cảm tạ xứ Đức
»» Chương IV. Hơn 30 Năm Sống Ở Ngoại Quốc Và Trong Đó Có Hơn 25 Năm Sống Tại Xứ Đức

Donate

(Lượt xem: 3.321)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Cảm tạ xứ Đức - Chương IV. Hơn 30 Năm Sống Ở Ngoại Quốc Và Trong Đó Có Hơn 25 Năm Sống Tại Xứ Đức

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Năm nay (2002) tôi đã 54 tuổi tính theo lịch Việt Nam và 53 tuổi tính theo lịch Âu Mỹ. Cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” rồi. Nghĩa là việc gì xảy ra trong trời đất đều phải biết cả, thế nhưng sự kiện xảy ra hằng ngày làm sao biết hết nổi, quá nhiều. Người nào có bộ óc tinh vi đến bao nhiêu đi nữa cũng không thể nhớ hết tất cả sự việc. Còn tôi với chừng tuổi ấy, đã ở ngoại quốc năm thứ 31 rồi. Điều ấy có nghĩa là tôi rời xa đất mẹ Việt Nam từ năm 23 tuổi. Cái gốc gác cội nguồn ấy bây giờ còn sót lại trong tôi ít hơn là năm tháng tôi học hành, trưởng thành và sinh hoạt tại ngoại quốc này.

Cũng may là sau khi xong Tú Tài II, nghĩa là xong Trung Học Đệ Nhị Cấp, tôi mới xa quê hương để đi du học, nên vốn liếng tiếng mẹ đẻ cũng như lịch sử, văn chương, địa lý, phong tục v.v... vẫn còn sót lại nơi mình. Khi nhìn những em bé sinh ra tại ngoại quốc và lớn lên, học hành đỗ đạt ở đây, nhưng vẫn cố gắng nói tiếng mẹ đẻ và viết được tiếng Việt, thật tình tôi cảm phục vô cùng. Một phần tôi cảm phục các em ấy, phần khác phải công nhận rằng giáo dục của gia đình em ấy có căn bản cho nên mới được kết quả ấy. Thông thường người ta nói là: “Con cái nói tiếng mẹ đẻ” chứ chẳng ai nói rằng: “Con tôi nói tiếng của cha nó.” Như thế là hỏng mất một hay hai thế hệ rồi.

Cách đây chừng 20 năm, khi tôi có dịp sang Thụy Sĩ thuyết trình về Phật Giáo, có lưu lại trong một gia đình người Việt Nam lấy chồng Thụy Sĩ, đã có 2 con rất lớn. Các cháu đến chào tôi bằng tiếng Việt giọng Huế. Tôi đã ngỡ ngàng không ít và hỏi người đàn bà đối diện rằng:

- Tại sao con chị lai Thụy Sĩ mà nói tiếng Việt hay thế?

- Bạch Thầy! Các cháu phải nói tiếng mẹ đẻ của nó chứ! Bà ta trả lời như thế.

Đây là một bằng chứng hay nhất để cho những người mẹ dạy dỗ con mình. Ngày nay con mình có thể học, nói, viết 5, 7 ngôn ngữ cùng một lúc, nhưng quan trọng nhất phải là ngôn ngữ của người mẹ. Nếu mẹ là người Việt Nam, bắt buộc phải dạy con mình nói tiếng Việt. Nếu mẹ là người Hoa, người Nhật, người Đức, người Pháp, người Ý v.v... điều đầu tiên là phải luyện cho con mình học ngôn ngữ của mình nói ra. Người mẹ có cơ hội gần gũi con cái mình nhiều, nên con cái dễ tập theo hơn là người cha. Người cha chỉ có bổn phận làm ra tiền bạc và nuôi dưỡng con cái, gia đình, còn người mẹ giữ vai trò huấn dụ, uốn nắn con mình đi theo con đường của cha mẹ sẽ chọn và dạy dỗ cho con.

Có nhiều người Việt Nam sinh trưởng nơi thôn quê nghèo khó, không có chữ nghĩa bao nhiêu, khi sang Đức hoặc Mỹ, Úc muốn cho con mình học ngôn ngữ địa phương cho nhanh để dễ hội nhập vào cuộc sống mới. Dĩ nhiên là chúng rất thành công. Vì môi trường giáo dục tốt thì con cái cứ thế mà phát triển và thành đạt, nhưng tiếc thay sinh hoạt trong gia đình thì không ổn thỏa. Vì con cái chỉ nói tiếng địa phương, trong khi đó cha mẹ lại ù ù cạc cạc. Nhiều khi chúng chửi hoặc nói xấu cha mẹ bằng ngoại ngữ cha mẹ cũng chẳng biết đâu mà trả lời. Chỉ biết nhăn răng cười khì thì chúng cho là lạc hậu, hủ bại v.v... Thế rồi đâm ra buồn phiền con dâu và có nhiều hiện tượng rất tiêu cực như tự tử, thối chí, bấn loạn tâm thần v.v...

Ngày 22 tháng 2 năm 1972 khi tôi cất bước ra khỏi Việt Nam đi du học, tôi vẫn nghĩ rằng có ngày sẽ trở lại quê cha đất Tổ. Đâu có ngờ rằng phải lưu lạc khắp bốn phương trời, tính cho đến nay đã là năm thứ 31 rồi. Nếu có ai đó hỏi: Thầy sống ở ngoại quốc thấy như thế nào? Thầy có nhớ Việt Nam không? Hoặc giả dự định tương lai của Thầy như thế nào? v.v... thì có vô vàn câu trả lời để diễn tả tâm trạng của mình khi xa xứ. Được một cái may là tôi hội nhập rất nhanh và biết nhiều ngoại ngữ cũng như sử dụng chúng một cách thuần thục, do đó không quá bỡ ngỡ khi tiếp xúc với người ngoại quốc hay với người đồng hương của mình.

Tiếng Pháp tôi học 7 năm tại Trung Học Đệ Nhất Cấp và Đệ Nhị Cấp. Mỗi tuần 6 tiếng tiếng đồng hồ. Văn phạm thì rất rành, nhưng nói năng thì chẳng được chữ nào khi còn ở trong nước và lúc còn ngồi tại ghế nhà trường. Sang Trung Học Đệ Nhị Cấp tôi lấy Anh văn làm sinh ngữ 2, học để lấy điểm và cốt thi Tú Tài I và II cho xong là an phận. Còn chữ Hán thì tôi đã học tại chùa Phước Lâm, Viên Giác cũng như tại các trường hạ chùa Tỉnh Hội Quảng Nam và chùa Long Tuyền. Chỉ có chừng ấy chữ mà thôi. Giữa năm 1971 tôi đậu Tú Tài II và xin giấy tờ sang Nhật Bản. Lúc ấy có học đâu chừng 3 tháng tiếng Nhật tại trường Nhật ngữ Chiêu Dương ở Sài Gòn. Ngôn ngữ này cũng chẳng dễ chút nào. Do vậy ba tháng học hỏi tiếng Nhật ấy cũng giống như muối bỏ biển thôi. Khi đến Nhật chẳng mở miệng nói được câu nào, ngay cả những câu chào hỏi hằng ngày.

Đến Nhật tôi ở chung với Thầy Thích Chơn Thành mấy tháng để đi học tiếng Nhật tại trường Nhật ngữ Yotsuya tại Tokyo. Đi học thì ham lắm, nhưng tiền bạc không có, biết làm sao đây. Từ Sài Gòn qua Tokyo để du học mà trong mình có chưa đến 1.000 USD và một vé máy bay một chiều do Thầy Bảo Lạc, bào huynh của tôi tặng. Hành trang chỉ có một bộ y (không đủ 3 y nữa), sách vở và bằng cấp Tú Tài I và II. Chỉ đơn giản có vậy thôi. Lúc ấy tôi tìm địa chỉ của những người quen và cuối cùng thì được gặp Phan Đức Lợi, người bạn học cũ cùng trường Tiểu Học năm xưa từ 1958-1961 ở Xuyên Mỹ, Duy Xuyên, Quảng Nam. Lúc đó anh cũng mới qua Nhật độ 2 năm, nhưng có đi làm và dư dả chút ít nên đã cho tôi mượn một ít tiền để đóng tiền trường học Nhật ngữ. Kế đến khóa 2 thì hết tiền, tôi mới viết thư về Việt Nam cho Sư phụ tôi và một dịp may hiếm có là có chị Yến con ông Tô Văn Tám ở Nhật lâu năm, nay sắp về nước, có để lại một ít tiền, nên Sư phụ tôi đã mượn của ông Tô Văn Tám và chị Yến đã chuyển ngay đến tôi.

Học hết khóa I tôi thi nhảy lên khóa III và hết khóa III tôi thi nhảy lên khóa cao cấp. Có nghĩa là thay vì học một năm Nhật ngữ, tôi chỉ cần học có 6 tháng là thi đỗ vào Đại Học.

Bây giờ thì Phan Đức Lợi đã chết rồi, khi công danh còn rạng rỡ, ở lứa tuổi chưa đến 50. Tôi và Lợi chánh kiến khác nhau. Do vậy mà cũng không thuận nhau mấy, nên những ngày tháng sau 1975 ít hay liên lạc. Còn chị Yến và ông Tô Văn Tám nay vẫn còn ở Mỹ, người lấy chồng tại Los Angeles, kẻ cư ngụ tại San Jose. Tất cả đều ở cùng Tiểu Bang California. Xin cảm ơn tất cả với tấm chân tình của từng người và từng giai đoạn trong cuộc đời tu học của mình.

Trước khi đi du học tôi có thọ ơn của hai gia đình ở Việt Nam. Đó là gia đình của Phạm Mạnh Cương và gia đình của Phạm Nam Hải. Hai người này là bạn học, bạn thi Tú Tài I và Tú Tài II của tôi tại Sài Gòn thuở ấy. Từ sự liên hệ này mà năm 1975 đến nay tôi vẫn còn liên lạc với anh Phạm Nam Sơn, cô Đỗ Ngọc Hiền là anh ruột và chị dâu của Hải và những người này đã quy y làm đệ tử của tôi từ năm 1979. Hiện nay họ đang ở Raleigh, Tiểu Bang North Carolina, Mỹ Quốc.

Sau khi thi đỗ vào Đại Học Teikyo ở Hachigi ngành Giáo Dục học, tôi đã chẳng còn tiền để đóng học phí. Nếu không có đủ - thuở ấy chừng 1.000 USD - thì xem như không được học. Tôi chạy quýnh quáng mọi nơi. Có lúc nhờ Thầy Minh Tâm, có khi nhờ Thầy Như Tạng và Thầy ấy đã mách giùm là tại Nhật có một đạo hữu tương đối có tiền. Đó là đạo hữu Quảng Phụng. Tôi mừng quá mới nhờ Thầy Như Tạng giới thiệu và bảo đảm để mượn 10 vạn Yen, độ chừng 500 USD thuở ấy. Cuối cùng rồi tôi cũng đủ số tiền 1.000 USD để đóng học phí. Lúc ấy kiều bào tại Nhật rất ít. Còn ở Nhật tất cả sinh viên đều nghèo, ai cũng như ai, chẳng biết ai mà hỏi mượn. Nhìn về Việt Nam thì vô vọng. Giáo Hội nghèo, gia đình chẳng trông cậy gì được. Lúc ấy tôi là một Tăng sinh giỏi nên ngày đi du học Hòa Thượng Trí Giác và Sư phụ tôi hứa giúp mỗi tháng 30 USD, trong khi đó ở Nhật một người sinh viên tiêu mỗi tháng ít nhất là 150 USD chưa kể tiền học phí. Thôi thì cứ chấp nhận và giải quyết từng giai đoạn chứ biết sao hơn.

Thầy Như Tạng sau khi xong Tiến sĩ chính trị học tại Đại Học Meiji ở Tokyo, sang định cư tại Úc từ năm 1986, có lập gia đình và sinh một cháu gái học rất giỏi. Thầy là bạn của Thầy Bảo Lạc và là ân nhân của tôi từ thuở ban đầu khi mới đến Nhật.

Thầy Minh Tâm, bây giờ là Hòa Thượng Thích Minh Tâm hiện trụ trì chùa Khánh Anh, khi tôi qua Nhật thì Thầy đã chuẩn bị xong chương trình hậu Đại Học tại Đại Học Risso, cũng là người ân của tôi và Thầy đã giới thiệu cho tôi vào ở chùa Honryuji tại Hachiogi để ở từ năm 1973 đến năm 1977. Chỉ những cái ơn nho nhỏ nhưng rất quan trọng lúc ban đầu ở xứ người như thế, mà mãi cho đến ngày hôm nay khi xây chùa Khánh Anh tại Pháp dưới sự trụ trì của Hòa Thượng Thích Minh Tâm, cá nhân tôi và chùa Viên Giác ở Hannover đã đóng góp giúp đỡ như thế nào thì quý vị đã rõ.

Năm 1973 Thầy Minh Tâm đi Pháp, năm 1971, 1972 Thầy Long Nguyệt, Thầy Trí Quảng về lại Việt Nam, một số Thầy khác như Thầy Bảo Lạc, Minh Tuấn, An Thiên, Thầy Chơn Thành, Thầy Minh Tuyền vẫn còn ở lại Nhật cho đến năm 1980 hay mãi những năm sau đó mới rời Nhật đi Úc, Mỹ v.v...

Đạo Hữu Quảng Phụng đã giúp đỡ tôi ngày xưa, sau năm 1975 đã sang định cư ở Pháp và tiếp theo sang Hoa Kỳ lập nghiệp. Cuối đời thì xuất gia. Hiện đang trụ trì chùa Linh Sơn tại Paris dưới pháp hiệu là Thích Trí Nguyên. Tất cả đều đổi thay và tất cả đều không chắc thật. Chỉ có tâm nguyện của con người, lòng từ ái, sự biết ơn là còn theo mãi ta suốt kiếp luân hồi mà thôi.

Thật tình mà nói trước khi sang Nhật du học các sinh viên thiếu rất nhiều nguồn thông tin. Ngay cả Tòa Đại Sứ Nhật tại Việt Nam cũng ít cung cấp cho đầy đủ. Trong khi đó Sứ Quán Việt Nam Cộng Hòa tại Tokyo cũng chỉ làm những nhiệm vụ ngoại giao là chính, chứ vấn đề văn hóa giáo dục hình như cũng ít quan tâm, ai cần gì thì họ giúp đỡ, hướng dẫn, nhưng thiếu tính cách chung cho mọi trường hợp. Do đó người sinh viên trở nên bơ vơ nơi đất khách. Ngay cả trường hợp của chúng tôi là những sinh viên Tăng đang còn hăng say, mới bước chân vào ngưỡng cửa Đại Học, cũng chẳng biết tại Nhật đời sống của Tăng Ni ra sao, ăn uống như thế nào? trú ngụ ở đâu? học hành trường sở ra sao? v.v... và v.v... tất cả đều mù tịt, miễn sao có được cái Passport nắm trong tay và có Visa của chính phủ Nhật là an tâm để lao vào một chặng đường chông gai chẳng ai có thể đoán trước được là gì nữa.

Đầu tháng 2 năm 1973 tôi đã dọn vào ở chính thức tại chùa Bổn Lập (Honryuji) ở thành phố Bát Vương Tử (Hachiogi). Vị Thầy trụ trì ở đây tên là Oikawa, có gia đình 4 con và là Giáo sư tiếng Pali tại Đại Học Risso. Trước đây Thầy ấy có du học Tích Lan mấy năm, nên ông ta tương đối có thông cảm với người ngoại quốc. Do vậy ở chùa cũng dễ thở một chút so với những nơi khác. Tuy nhiên chùa chiền ở Nhật sinh hoạt giống như một gia đình không hơn không kém, nhưng tôi phải cố nhẫn nại. Vì biết rằng ở đây để giỏi tiếng Nhật và đỡ tiền ăn ở là phước lắm rồi. Còn tiền học tự đi làm trong những kỳ nghỉ hè để xoay xở mà đóng học phí. Nên tất cả đều phải vâng vâng dạ dạ và làm việc thật tận tâm cho chùa để ngày tháng trôi qua và phải thành tựu một cái gì đó mới là điều cần làm.

Năm thứ nhất tại Đại Học Teikyo, Thầy giảng phần Thầy, trò nghe phần trò, chẳng hiểu mô tê ất giáp gì hết, mặc dầu tiếng Nhật của tôi cũng không đến nỗi tệ lắm. Đến năm thứ 2 trở đi mới nắm vững vấn đề là nhờ vào thời gian và bạn bè giúp đỡ. Trong đó có Yamada và Iyoda là 2 người bạn trai học cùng phân khoa đã giúp tôi không ít lúc ban đầu. Lúc ấy thì tiếng Nhật phải sử dụng như là ngôn ngữ chính, tiếng mẹ đẻ và tôi đổi sang tiếng Anh làm sinh ngữ I và tiếng Pháp làm sinh ngữ II, trong khi đó ở Việt Nam thì ngược lại.

Mỗi ngày tôi dậy sớm để lau chùi chùa và tụng kinh, sau đó đi học cho đến chiều mới về chùa. Buổi trưa ăn ở Kantine của Đại Học, vào Thư viện nghỉ trưa một chút và chiều học thêm một vài môn nữa, sau đó lên xe Bus phía sau Đại Học đến nhà gare Takahatafudo (Cao Phan Bất Động) thì đi tàu lửa về nhà gare Hachiogi và đi bộ độ 15 phút thì về đến chùa. Khi về chùa báo cho chùa biết là Tadaimasu nghĩa là tôi đã về tới. Người trong chùa sẽ nói lại là: Okaerinasai nghĩa là: hãy trở về. Lúc đi cũng vậy, khi ra khỏi chùa phải nói là Itteikimasu -xin phép được đi- người trong chùa sẽ trả lời là: Itteirasai -xin vui lòng đi. Đó là cung cách của người Nhật rất lịch sự, lễ phép, duyên dáng mà nhiều ngôn ngữ khác như Anh, Pháp, Đức không có.

Công việc của tôi là nấu cho sôi nồi nước tắm chung cho cả chùa bằng một loại củi khô. Ở Nhật ít có nhà nào rộng nên họ đi tắm chung tại một địa điểm nhất định trong phố. Nhà chùa thì rộng rãi hơn nên họ có nhà tắm riêng. Tuy nhiên nồi nước đó chỉ vừa một người ngồi vào sau khi đã hòa nước cho ấm, chứ không thể nào tắm một lúc nhiều người được như ở ngoài. Cuối cùng rồi mọi thành viên trong chùa đều phải tắm trong mỗi ngày cả. Lúc ấy có thêm 3 sinh viên Tăng và tôi nữa là 4 và gia đình Thầy Trụ Trì 6 người, vị chi là 10 người. Nakatomi, Matsunagara, Shimizu là những người Tăng sĩ trẻ đang học tại Đại Học Risso thuở ấy và bây giờ đã là Trụ Trì nhiều ngôi chùa danh tiếng tại Tokyo cũng như Sikokku rồi. Matsunagara và Nakatomi vào mùa hè năm 1974 có cùng tôi về Việt Nam một tháng và họ rất thích phong cảnh cũng như đời sống của người Việt Nam.

Sau đó tôi có giới thiệu Thầy Như Mẫn, tức Thầy An Thiên, vào ở chung chùa Honryuji từ cuối năm 1973 đến năm 1975 thì Thầy ấy không còn ở đó nữa, mà dọn lên gần trường để học và sau này có trở lại Honryuji để giúp việc trong các lễ Ohigan cũng như Vu Lan bồn v.v... để rồi năm 1991 qua Úc, sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại Học Risso và ngày 24 tháng 5 năm 2002 nhằm ngày 13 tháng 4 năm Nhâm Ngọ Thầy ấy đã tự thiêu sau chùa Minh Giác ở Sydney để lại một nỗi buồn man mác cho mọi người. Vẫn biết rằng cuộc đời này là huyễn mộng, nhưng học lực như thế, hảo tướng như thế, chưa giúp đời, giúp đạo được là bao nhiêu đã vội vào cõi tĩnh, thì thử hỏi ai mà chẳng ngỡ ngàng.

Lúc đầu mới vào ở chùa tôi không rành tiếng Nhật nên mỗi sáng phải đi làm thêm bên ngoài. Trong tuần đi bỏ báo và cuối tuần đi làm thuê cho Nhật tại Takananobaba. Nơi nhà gare này mọi người tập trung đến đó, có người đến ngã giá và chở đi, đến sở làm và làm ở đó suốt ngày, đến chiều thì trả tiền. Đa phần là những công việc xây cất. Chả bù với tấm thân mảnh khảnh của các sinh viên, chẳng làm được một việc gì nặng nhọc, mà bây giờ vì sự sống còn phải kham nhẫn vậy thôi.

Càng ngày tiếng Nhật của tôi càng giỏi hơn, nhờ tiếp xúc hằng ngày tại chùa và cũng có khiếu sinh ngữ nữa, nên tôi đã tụng kinh tiếng Nhật với các sinh viên Tăng này mỗi khi có đám tại chùa cũng như Thầy trụ trì cho nên càng dạn dĩ hơn. Chùa này theo tông Nhựt Liên (Nichiren) nên kinh Pháp Hoa là bộ kinh chính. Đa phần chỉ tụng phẩm thứ 2, tức Phương Tiện Phẩm và khi nào có lễ lớn mới tụng Phẩm thứ 16 tức: Như Lai Vô Lượng Thọ Phẩm. Dần dà tôi đi đám bên ngoài được và từ đó ít bận tâm đến chuyện tiền bạc để đóng học phí nữa.

Mỗi năm 4 kỳ như thế, trong chùa khoanh vùng ra cho 5 người đi cúng trong số đàn gia và tín đồ của họ. Phần tôi độ 100 căn nhà như thế. Mỗi năm vào trước Tết, vào cuối tháng 3, vào giữa tháng 7 và cuối tháng 9, từ chùa Tăng sĩ tự động đến nhà Phật Tử để tụng kinh cầu nguyện. Ở Nhật đó là chuyện bình thường. Có lẽ nhờ như vậy mà họ duy trì được sự liên hệ giữa chùa và các tín đồ thuộc môn phái của họ. Nếu đến nhà đó không có người thì đi trở lại một hay hai lần nữa. Khi tụng xong thời kinh là uống một ly trà, ăn một cái bánh ngọt và nhận một bao thơ cúng dường với câu nói của thí chủ là: Cảm ơn sự khổ nhọc của Thầy (Gokurosama desu). Tùy theo nhà giàu nghèo, đa phần họ cúng 1.000 Yen là thường. Thời giá lúc ấy độ 5 USD, còn bây giờ là 10 đô-la, vì đồng Yen đã tăng giá. Đi cúng cả tuần như thế và hết 100 nhà là được 500 đến 1.000 đô-la. Một năm 4 kỳ như thế, quả là con số không nhỏ. Thỉnh thoảng còn có đi đám tang với Thầy trụ trì nữa thì có thêm tiền vào.

Có lần tôi đến cúng cho một nhà, tôi mặc Kimono màu đen của Tu sĩ Nhật, khi tụng kinh thì đắp y màu tím, ngắn thôi, không phải như y hậu của người Việt Nam mình, trông cũng giống Nhật lắm. Vả lại tiếng Nhật của tôi cũng thuộc loại giỏi, nên bà chủ nhà ít để ý. Đoạn bà ta hỏi:

- Thầy quê ở đâu vậy?

- Tôi ở xa lắm, đi máy bay cả 7, 8 tiếng đồng hồ. Tôi trả lời vậy.

Bà ta tròn xoe đôi mắt và nói tiếp:

- Nước Nhật này bé tí teo, từ Bắc xuống Nam chỉ đi 2 tiếng đồng hồ máy bay là hết sức. Vả lại đây là Đông Kinh (Tokyo) đã ở giữa nước Nhật rồi, làm gì có xứ nào mà xa vậy.

Tôi để bà ta ngẫm nghĩ một lát. Vì tôi biết bà ta lầm tôi là người Nhật chánh hiệu. Trong tôi có một niềm vui nho nhỏ, vì như thế tiếng Nhựt của mình cũng đủ tự tin lắm rồi đấy chứ! Tôi tiếp:

- Tôi là người Tăng sĩ Việt Nam.

- Mèn đét ơi! Cái xứ gì mà mọi rợ thế?

- Tại sao? Tôi hỏi bà.

- Anh em chúng nó một nhà mà giết nhau như vậy, không man di mọi rợ là gì?

Tôi mỉm cười với lối tự ái của dân tộc và tôi cúi đầu xuống để suy nghĩ về thân phận mình. Bây giờ mình là người gì đây? Và cứ thế bằng tư tưởng càng ngày càng nhiều và tôi với bà ta thảo luận về chiến tranh, về chết chóc, về hận thù v.v... để cuối cùng bà ta kết luận là: Kawaisoo desune! nghĩa là tội nghiệp quá nhỉ! Ngày ấy khi còn ở Nhật tôi ít ưa nghe tiếng này từ người Nhật và tôi phải chứng minh cho họ thấy rằng chiến tranh Việt Nam không phải thế.

Có lần tôi cũng đã cãi lại bà cô giáo dạy tiếng Nhật rằng: Người đó giỏi, người đó dở v.v... tiếng Nhật gọi Atama ga ii - nghĩa là cái đầu người kia tốt. Hoặc giả Atama ga warui - cái đầu nó xấu lắm, hư lắm v.v... Tôi nói rằng: Chẳng có cái đầu nào tốt mà cũng chẳng có cái đầu nào xấu cả. Xấu hay tốt cũng sẽ giống nhau thôi. Ví dụ một bài toán được đưa ra cho 2 người giải. Kết quả vẫn giống nhau. Tại sao gọi là tốt hay xấu. Nếu có chăng đi nữa là do người được gọi là thông minh đó họ giải nhanh hơn. Còn người được gọi là tối dạ đó họ giải chậm hơn, nhưng kết quả đâu có gì sai! Thế là cô giáo cũng chịu thua với lối lập luận của tôi.

Tiếng Nhật là ngôn ngữ thứ 3 của tôi, nhưng tôi dám thừa nhận rằng tôi hiểu tiếng Nhật trọn vẹn, giống như tiếng Việt vậy. Dầu cho 30 năm sau trở lại Nhật vào tháng 3 năm 2002 này suốt 5 ngày thông dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt và ngược lại, nhưng tôi chỉ quên có một chữ mà thôi. Vì vậy Hòa Thượng Thích Hộ Giác đi cùng đoàn phát biểu rằng: Tôi rất lấy làm lạ là tại sao hơn 25 năm xa Nhật mà Thầy không quên tiếng Nhật. Tôi chẳng biết tại sao, nhưng có lẽ nhờ ở chùa suốt thời gian ở Nhật nên mới được vậy. Tôi hiểu người Nhật cho đến cái mỉm cười, cái cúi đầu, cái e thẹn, cái ganh ghét, cái thể hiện tình thương v.v... Thế mà lần này quên một chữ. Nguyên là Thầy nào đó ngồi gần tôi bảo rằng nhờ Thầy nói họ cho xin một ít gừng. Tôi đâm ra lúng túng bảo người bồi bàn rằng:

- Chotto Ingwer Kudasai!

- Simasen! nandeska?

Xin vui lòng cho tôi một ít gừng. Chữ gừng tôi nói tiếng Đức -Ingwer- nên bà ta chẳng hiểu. Đoạn tôi bảo:

- Ginger Kudasai.

Lại nói tiếng Anh -bà ta cũng chẳng hiểu gì- hên là có ai đó lôi trong bát canh trước mặt một lát gừng, nên bà ta reo lên! Aa Shoga, Shoga! Gừng mà, gừng mà! Thế là mọi người cười rộ lên, trông như hiểu biết ý vậy. Ngôn ngữ là thế đó. Đúng là bất khả tư nghì, bất khả thuyết là vậy. Không biết tự nhiên sao nó quên cái chữ dễ như vậy, mà chữ ấy hằng ngày lúc ở chùa Honryuji tôi đều gặp phải mà!

Năm 1973 tôi có nhờ chùa Kongoin (Kim Cang Viện) cho Thầy Minh Tuấn ở. Thầy ấy sau khi học tiếng Nhật, sang học Đại Học của tông Chơn Ngôn ở Kozasan và sau khi tốt nghiệp đã đi Mỹ. Thầy Yamada trụ trì chùa có quen biết rất nhiều với quý Thầy Việt Nam trước và sau 1975.

Đến cuối 74 đầu 75 thì Thầy Bảo Lạc sang, tôi đã nhờ chùa Shinshoin (Tín Tùng Viện) cho ở thời gian đầu. Lúc ấy chưa quen với khí hậu mùa Đông của Đông Kinh nên Thầy ấy chảy máu mũi nhiều. Mấy tháng đầu Thầy Bảo Lạc nhận cả hằng trăm lá thư của học trò và Thầy Cô giáo từ Việt Nam gởi sang và Thầy lo đọc cũng như trả lời. Vì Thầy ấy có dạy trường Trung Học Bồ Đề ở nhiều nơi về môn Văn nên có nhiều học trò như thế.

Đến năm 1980 Thầy Bảo Lạc đã xong Cử Nhân Xã Hội Học tại Đại Học Komazawa ở Tokyo và Thầy ấy sang Úc sáng lập cũng như Trụ Trì chùa Pháp Bảo cho đến ngày nay. Thầy Bảo Lạc cũng thích viết và dịch sách, nên cho đến bây giờ tổng cộng đâu chừng 30 tác phẩm đã được xuất bản, đa phần là tiếng Việt và dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt.

Ngày 1 tháng 4 năm Showa (Chiêu Hòa) thứ 48, tức năm 1977, tôi đã ra trường với tước hiệu là Văn Học Sĩ của xứ Nhật ngành giáo dục và kết quả là đứng 2 toàn khoa và toàn trường với luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Nhật - Tối Ưu - Tôi xin ghi lại từng môn học một mà tôi đã thành công sau bốn năm ngồi Đại Học Teikyo.

Luân lý học : Thứ
Luận lý học : Bình
Tây Dương sử : Ưu
Pháp học (bao gồmcả Hiến Pháp) : Bình
Xã Hội học : Bình
Số học : Ưu
Vật lý học : Ưu
Thống kê học : Thứ

Đây là những khoa giáo dục cơ bản mà một Sinh viên bắt buộc phải chọn và tại Nhật chỉ có 3 loại điểm như vậy. Nếu dưới Thứ là rớt, phải thi lại. Nhưng 62 môn học trong 4 năm của tôi, đã chẳng phải thi lại một môn nào cả.

Phần ngoại ngữ gồm Anh và Pháp văn như sau:

Anh ngữ I : Thứ
Anh ngữ II : Thứ
Anh ngữ III : Ưu
Anh ngữ IV : Bình
Anh ngữ V : Ưu
Pháp ngữ căn bản : Ưu
Pháp ngữ văn phạm : Ưu
Pháp ngữ trung cấp : Thứ

Phần ngoại ngữ học tất cả là 8 đơn vị. Ngôn ngữ Anh tại Việt Nam là ngôn ngữ thứ 2, sang Nhật đổi thành sinh ngữ I và Pháp ngữ ở Việt Nam học 7 năm tại Trung Học Đệ Nhất và Đệ Nhị Cấp, sang Nhật Bản đổi thành sinh ngữ 2 ở Đại Học, nên học cũng tương đối thoải mái không khó khăn gì. Chỉ có tiếng Anh ban đầu hơi mệt một chút, nhưng nhờ trường Đại Học có phòng thính thị nên tôi vẫn hay vào đó để nghe và luyện giọng, nên tiếng Anh chuyên khoa sau này tương đối vững, nhưng chẳng phải là một môn học đơn thuần.

Có một điều quan trọng mà mọi sinh viên khi vào đến Nhật nên nhớ là dầu cho đang học ở Đại Học nhưng môn thể dục bắt buộc phải lấy, nếu không, khó mà có thể ra trường được. Đi học, tôi mặc áo dài tu sĩ Việt Nam suốt trong mấy năm học như thế, nhưng khi tập thể dục và chơi bóng bàn thì phải thay đồ thể thao.

Thể dục lý luận : Thứ
Thể dục thực hành : Ưu
Trên đây là những môn có thể chọn lựa được. Còn phần phía dưới này hầu như bắt buộc sinh viên học ngành giáo dục phải lấy.

Giáo dục triết học : Thứ
Giáo dục nguyên lý : Thứ
Giáo dục khóa trình : Bình
Giáo dục sử khải luận : Thứ
Giáo dục tư tưởng sử : Ưu
Giáo dục tâm lý học : Bình
Thanh niên tâm lý học : Thứ
Giáo dục bình giá : Thứ
Giáo dục phương pháp luận : Thứ
Xã hội giáo dục khải luận : Bình
Giáo dục xã hội học : Bình
Giáo dục công học : Thứ
Giáo dục hành tài chánh học : Ưu
Học hiệu giáo dục : Thứ
Giáo dục học diễn tập I : Bình
Giáo dục học diễn tập II : Bình
Giáo dục học diễn tập III : Ưu
Giáo dục tâm lý học diễn tập I : Thứ
Giáo dục tâm lý học diễn tập II : Thứ
Tốt nghiệp luận văn : Tối ưu

Sau năm thứ 3 tôi đã bắt đầu đọc sách để viết luận văn ra trường của mình. Có nghĩa là năm 1975 chuẩn bị và năm 1976 viết. Mỗi lần viết được một chương, đưa qua cho Yamada xem trước giùm và sau đó mới đưa qua cho ông Thầy giáo thọ xem và chỉ dẫn. Tôi cũng không ngờ là trình độ tiếng Nhật của mình khá như thế, suốt cả một luận văn viết nháp chừng 150 trang mà những dòng chữ gạch đỏ bên cạnh các câu không tới 10 lần. Tôi rất mừng và về chùa chép lại sạch sẽ để nộp. Hiện tại ở Thư Viện chùa Viên Giác có bản chép tay của tôi năm 1976 bằng tiếng Nhật. Còn bản chính thì đã nộp cho Đại Học rồi.

Tình cờ năm 1980 về thăm lại Nhật, đến thăm chùa xưa và Đại Học cũ thì nhân viên nhà trường có đưa cho tôi xem một tập luận văn của Đại Học Iwaki đã cho in một phần luận văn của tôi bằng tiếng Nhật vào năm 1978 cho các sinh viên tham khảo. Cuối trang 60 của tập văn còn ghi chú là “Genbun no mama” có nghĩa là sao lại nguyên mẫu. Điều ấy cũng có nghĩa là luận văn ấy đã được các Đại Học khác tại Nhật chú ý và cho in ra để cho các sinh viên Nhật cũng như sinh viên ngoại quốc tham khảo.

Cùng viết trong tập luận văn của Đại Học Iwaki toàn là các bậc Giáo thọ của Đại Học, chỉ có tôi là lưu học sinh Việt Nam mà đã đứng ngang hàng với những người địa phương ấy, quả là một hãnh diện rồi còn gì nữa. Tiện đây tôi xin cho đăng nguyên văn cả phần nghiên cứu của Đại Học Iwaki bằng tiếng Nhật vào đây để làm bằng chứng. Chắc chắn bề nào cũng có người đọc được tiếng Nhật. Do vậy tôi không dịch ra tiếng Việt để đỡ tốn chỗ cho quyển sách này.

Tiếp theo là những môn học chuyên môn của ngành giáo dục mà một Sinh viên dầu là Nhật hay ngoại quốc bắt buộc phải lấy như:

Xã hội tâm lý học : Ưu
Xã hội giáo dục phương pháp luận : Bình
Cần lao thiếu niên giáo dục : Bình
Đạo đức giáo dục nghiên cứu : Thứ
Sản nghiệp tâm lý học : Bình
Giáo dục tương đàm : Bình
Giáo dục học đặc giảng : Bình
Giáo dục thực tập : Ưu
Nhật ngữ I : Ưu
Nhật ngữ II : Ưu
Nhật ngữ III : Bình

Điểm mà Đại Học hoặc các vị Giáo thọ cho Ưu có nghĩa là từ 80 đến 100 điểm. Bình có nghĩa là điểm từ 70 đến 79 và Thứ có nghĩa là 60 đến 69 điểm. Đây là một yêu cầu rất cao tại Đại Học của Nhật thuở bấy giờ. Nếu Sinh viên nào học và thi dưới 60 điểm xem như đã bị đánh rớt.

Tôi là sinh viên ngoại quốc tại Đại Học Teikyo nên phải học thêm tiếng Nhật. Ông thầy dạy tiếng Nhật ở Đại Học chuyên về ngôn ngữ học, nên mỗi giờ học ông đem theo tờ báo Yomiuri ra và chọn phần Tienrin Shingo như là phần bình luận về mọi vấn đề thời sự, văn hóa, chính trị, tôn giáo để học và tuy ông ấy khó tánh như thế, sau 3 học kỳ tôi đã lãnh 2 Ưu và 1 Bình.

Tiếp theo là phần chuyên môn về Anh ngữ. Vì tôi chọn ngành giáo dục Anh ngữ, nên luận văn ra trường tôi đã nghiên cứu về: Giáo dục Anh ngữ của Nhật Bản dưới thời Meiji (Minh Trị). Cuộc cách mạng của vua Minh Trị từ năm 1868 và đến năm 1976 tôi mới nghiên cứu sâu vào, nghĩa là hơn 100 năm sau. Tuy nhiên cũng có rất nhiều người quan tâm về đề tài trên.

Anh ngữ học khải luận : Thứ
Anh ngữ âm thinh học : Thứ
Anh văn học sử I : Bình
Anh văn học sử II : Bình
Anh văn học giảng độc I : Thứ
Anh văn học giảng độc II : Thứ
Anh hội thoại I : Ưu
Anh hội thoại II : Thứ
Anh tác văn diễn tập I : Ưu
Tây dương văn học : Ưu
Anh văn pháp : Thứ
Anh ngữ khoa giáo dục pháp : Thứ

Như vậy trong 62 môn học đó tôi đã có 19 môn được hạng Ưu, 20 môn thuộc hạng Bình và 23 môn thuộc hạng Thứ, nếu bình quân chia ra, điểm ra trường là điểm giữa 1 và 2 nếu tính theo cách tính của Đức. Một sinh viên ngoại quốc học 4 năm ở Đại Học như thế không phải là chuyện đơn giản.

Trước khi xong Đại Học tôi cũng đã dự định là học tiếp lên Cao Học. Chương trình Cao Học ở Nhật gọi là Tu Sĩ Khóa Trình. Có nghĩa là những người tu nghiệp và nghiên cứu sinh không đơn thuần học tập như sinh viên ở Đại Học nữa.

Tôi ở chùa đã 4 năm và tiếng Nhật cũng khá rành. Vả lại lúc ấy không có liên lạc được với Việt Nam. Vì sau 1975 một lá thư đi từ Việt Nam sang Nhật phải mất đến 6 tháng và bị kiểm duyệt nát nhàu. Thư đi từ miền Trung vào Sài Gòn, ra Hà Nội, đến Bắc Kinh, chuyển qua Nga rồi mới đến Nhật. Thư đến nhàu nát như tương và giấy đen như mực, chữ viết lem luốt, không thể nào đọc được. Lúc ấy tôi chẳng hiểu cái xã hội chủ nghĩa Cộng Sản Việt Nam nó ra như thế nào cả. Đọc thư của người thân, của gia đình mà ngậm ngùi cho số phận.

Vì không về nước được mà cũng chẳng phải đi đâu. Vả lại tôi đã ở chùa theo Tông phái Nhật Liên (Nichiren). Do vậy tôi được nộp đơn thi vào Cao Học phân khoa Phật Học. Lúc ấy tôi làm ngon, lấy chữ Hán làm sinh ngữ chính. Vì suốt 4 năm học ở Đại Học biết rằng sinh viên Nhật chữ Hán không rành. Họ chỉ biết chữ Hán-Nhật chứ không thể biết cổ ngữ Hán văn. Phần tôi đã đọc kinh sách hằng ngày bằng chữ Hán, hoặc Hán-Việt, nên không mấy khó khăn khi chọn môn này làm sinh ngữ chính.

Vào lớp thi họ cho ra đề tài 5 thời giáo nghĩa qua sự phân định của Thiên Thai Trí Giả Đại Sư và họ bắt chấm câu, phân đoạn chữ Hán và bình chú ra tiếng Nhật. Thế là trúng tủ của tôi rồi. Trong khi đó nhiều Tăng sĩ Nhật ngồi bên cạnh vẫn cắn bút. Tôi lấy tiếng Pháp làm sinh ngữ 2 để thi. Do vậy cũng không gặp khó khăn mấy. Sau khi thi, về chùa chờ. Vì biết chắc rằng mình sẽ đậu nên không lo mấy. Cũng giống như khi còn học Trung Học thi Tú Tài I và Tú Tài II tôi rất tự tin, nên về chùa lúc nào cũng an dạ. Còn nhiều người khác thì phập phồng lo sợ.

Sau 10 ngày tôi có kết quả đỗ vào Cao Học Phật Giáo và theo tôi nghĩ có lẽ cũng có lời gởi gắm nào đó của Thầy Oikawa, nếu lỡ tôi không đậu thì chắc Thầy ấy cũng buồn, nhưng sự cố gắng toàn lực nằm nơi cá nhân tôi khi học ở Đại Học cũng như khi thi, chứ không phải nằm ở sự gởi gắm đó. Đây chỉ là điều dự đoán của tôi thôi chứ không chắc là sự thật, và cho đến nay tôi vẫn chưa hỏi Thầy ấy về vấn đề này.

Lúc đó tiền học phí phải đóng độ chừng 250.000 Yen tương đương với 1.000 USD. Đây là Đại Học Phật Giáo mà Tăng sĩ vẫn phải đóng tiền. Tôi đã có phân nửa tiền do sự đi cúng, phân nửa tiền còn lại do Thầy trụ trì Oikawa cho. Như vậy tôi đã thoát ra khỏi một cơn hiểm nghèo.

Đại Học này có nhiều Thầy Việt Nam tốt nghiệp như Hòa Thượng Minh Tâm, Hòa Thượng Chơn Thành, Hòa Thượng Trí Quảng hoặc Hòa Thượng Thánh Nghiêm người Đài Loan cũng đã đỗ Tiến sĩ Phật Học nơi đây và hiện tại Ngài là người có uy tín về giới nghiên cứu Phật học của Đài Loan tại Mỹ cũng như tại quê nhà. Tôi đã gặp Ngài vài lần ở Nhật và khi qua Mỹ năm 1985 tôi cũng đã có ghé thăm Trung Tâm Thiền Học của Ngài tại New York.

Đang học ngon trớn tại Cao Học ở Đại Học Risso, chẳng biết nguyên nhân gì tôi lại muốn đi ngoại quốc. Thuở ấy đã có thư từ liên lạc với Văn Công Trâm đang học Y khoa tại Đại Học Kiel và cuối cùng anh ta gởi cho tôi một giấy mời đến Đức cũng như giấy học Đức ngữ tại trường Volkshochschule Kiel. Cầm Passport Việt Nam Cộng Hòa lên Sứ Quán Đức xin Visa vào Đức, không ngờ họ thị thực cho thật lẹ, mừng quá tôi về lại chùa Honryi để thưa với ông bà trụ trì rằng đi nghỉ hè một thời gian vì sau khi thi cử nhức đầu quá. Vả lại sang Âu Châu có cơ hội tìm thêm tài liệu về Phật Giáo Việt Nam bằng tiếng ngoại ngữ để về Nhật làm luận án Cao Học và Tiến sĩ.

Tôi đã mua vé máy bay khứ hồi của hãng Lufthansa có giá trị trong vòng một năm. Điều ấy có nghĩa là tôi còn định trở lại Nhật và đồng thời cũng xin tái nhập quốc vào lại nước Nhật khi từ Đức trở về.

Tôi đến Đức vào một sáng tinh sương ngày 22 tháng 4 năm 1977. Khi đi từ phi trường Haneda ở Tokyo tôi đã nhận được một cái giấy nhắn tin là: Không đến đón Thầy được. Ký tên: Lâm Đăng Châu. Tôi đoán có lẽ Trâm đã nhờ anh Châu đi đón dùm. Vì Trâm vẫn còn đi thực tập tại một bệnh viện ở gần Kiel. Tôi biết thế và khi đến phi trường Hamburg thì điện thoại về chỗ thực tập cho Trâm. Hôm đó là ngày thứ sáu và sau hơn 1 tiếng đồng hồ thì Trâm đến đón về nhà của cô bạn gái người Đức. Ngôi nhà ấy ở trong một làng quê rất đẹp, thật yên tĩnh, rất giống với tâm tình của người Đức. Trong gia đình chỉ có một cụ già, một cô gái và một con chó. Lúc ấy tôi chỉ sử dụng tiếng Anh và tiếng Đức hầu như không biết một chữ nào. Nhưng 2 người ấy cũng không nói tiếng Anh được, nên tôi phải nói tiếng Việt và Trâm dịch lại. Cô bạn gái của Trâm hình như tên là Waldrau thì phải, tôi nhớ mang máng như thế. Vì đã 25 năm rồi còn gì. Cô ta cũng lịch sự vui vẻ, chỉ có hơi già so với Trâm. Còn Trâm thì hơi thấp. So ra 2 người không cân xứng và nhiều khi tôi nghĩ “tình không biên giới” là thế đó.

Tôi ở đó một cuối tuần đầu tiên vào những ngày 22, 23 và 24 tháng 4 năm 1977, không khí thật êm đềm dễ chịu. Mỗi chiều lúc 4 giờ là giờ ăn bánh ngọt và uống cà-phê hay trà. Tôi nâng niu những miếng giấy lau miệng mà không dám xài và làm nhàu nát. Tôi nghĩ tại sao ở đây lại sang quá vậy. Tôi hỏi Trâm xài một lần rồi bỏ đi sao? Trâm cười và bảo: Giấy mà chú.

Tôi đã thọ Tỳ Kheo từ năm 1971 tại Việt Nam trước khi đi du học Nhật Bản, nhưng Trâm và tôi vốn là bạn bè, do đó gọi nhau như thế cho đến năm 1978, 79 thì thôi. Sau này Trâm đổi lại cách xưng hô là Thầy và xưng con, thỉnh thoảng cũng có xưng tên. Ở Nhật quanh năm suốt tháng tôi chẳng có được một thời giờ rảnh vào giữa chiều như thế để mà uống cà-phê hoặc ăn bánh ngọt. Còn ở đây mới cái cuối tuần đầu tiên mà đã được thư giãn như vậy nên tôi cũng thích. Đặc biệt người Đức rất yêu thú vật, cho chúng sống chung trong nhà và quý mến như một em bé, còn ở Nhật thì không được thế. Trong khi đó, ở Việt Nam lại còn tồi tệ hơn, chó con, chó lớn chạy ngông nghênh ngoài đường để tự kiếm ăn chứ người còn thiếu ăn, có đâu mà cho chó ăn nữa.

Chiều 24 tháng 4 năm 1977, cô Waldrau chở tôi và Trâm đến chỗ thực tập của Trâm tại một bệnh viện. Ở đây cảnh đẹp và lại còn yên tĩnh hơn tại nhà của cô Waldrau nữa. Mỗi ngày tôi dậy sớm cùng Trâm ăn bánh mì, uống cà-phê, sau đó Trâm đi làm và tôi ở nhà viết thư cho bạn bè khắp nơi báo tin rằng tôi đã đến Đức rồi. Nếu tôi nhớ không lầm mỗi ngày như thế tôi viết độ chừng 10 đến 15 lá thư và Card Postal và tổng cộng độ chừng 100 lá thư như thế. Lúc ấy dán tem mệt nghỉ và hớn hở để đi gởi thư. Mỗi trưa Trâm đi làm về thì đã có cơm và chiều thì tôi và Trâm cùng nấu. Những kỷ niệm như thế vẫn còn ở mãi trong lòng, dẫu cho có già hay chết đi, chắc không bao giờ phai nhòa trong trí óc của tôi được.

Mỗi chiều tôi cùng Trâm đi dạo ở bờ hồ và xem những cặp tình nhân hay những ông bà già dắt tay nhau đi rất tự nhiên tình tứ. Hình ảnh ấy chẳng có tại Nhật. Vì ở Á Châu người ta ít thổ lộ tình cảm ra bên ngoài như thế. Ngay cả việc bắt tay với người nữ, ở Á Châu cũng chẳng có ở người dân bình thường. Còn ở đây tôi là người tu, hình ảnh ấy lại càng quá xa lạ với mình. Mỗi ngày đều sinh hoạt đều đặn như thế. Ngoài ra nếu có thì giờ rảnh thì chúng tôi bàn về những sinh hoạt của sinh viên các nơi trên thế giới, ở Mỹ, Nhật hoặc Đức. Thỉnh thoảng cũng đưa ra một vài nhận xét cũng như quan điểm chính trị của mỗi người.

Sau 2 hoặc 3 tuần ở nơi thực tập, Trâm chở tôi về nơi cư xá sinh viên tại đường Projendorf ở Kiel. Tại đây lúc ấy có khoảng 20 sinh viên Việt Nam đang học ngành Y và Nha và trong hiện tại thì hầu hết đã ra trường đi làm việc, có phòng mạch riêng và cũng có người sang Mỹ để sinh sống và cả hơn 20 người ấy ai ai cũng sống với nghề nghiệp của mình chứ chẳng có ai bỏ cuộc.

Tại cư xá sinh viên tôi được sinh hoạt tự do, tiếp xúc với các sinh viên Đức và sinh viên ngoại quốc ở cùng cư xá. Tôi quan sát mọi hiện tượng và nơi cư trú của họ. Điều đầu tiên và rất đặc biệt là hệ thống sưởi trong nhà của Đức rất tốt. Nhiều khi tôi thấy phí phạm nhiên liệu rất nhiều khi phải sưởi khắp phòng, khắp nhà, khắp hành lang như thế, mà có sử dụng hết đâu. Chẳng bù với Nhật, ở chùa mùa đông phải mở cửa và chân không được mang vớ khi tụng kinh. Người Nhật cũng sưởi nhưng rất giới hạn. Họ chỉ sưởi nơi bàn chân ở một bàn sưởi giữa nhà dùng cho cả gia đình ngồi uống trà hoặc ăn cơm chung, chứ khi ngủ mỗi người rúc vào chăn bông thật ấm phủ lên người, lên đầu là xong, không cần phải sưởi trong khi ngủ. Vả lại ở Nhật thường hay động đất, nên nhà cửa xây toàn bằng những vật liệu nhẹ và cửa ngõ thường dán bằng giấy. Nếu lấy ngón tay có thể chọc thủng từ bên này qua bên kia một cách dễ dàng, cho nên nhiều sinh viên hay gọi nhà của Nhật là nhà bằng giấy là vậy.

Mỗi cuối tuần các anh em sinh viên tại Kiel thường hay đá banh với nhau, tôi cũng tham gia cho vui, chứ nguyên tắc chẳng hiểu mô tê gì hết. Cũng có những đêm thứ bảy rảnh rỗi ngồi kể cho nhau về sự sinh hoạt của sinh viên tại Nhật cũng như tại Đức cho nhau nghe và lúc ấy mới hay ra là mọi sinh viên Việt Nam đi du học ở Đức trước năm 1975, sau khi Miền Nam Việt Nam bị thất thủ, họ đã nhận được một giấy gọi là Premdenpaß dùng cho người ngoại quốc trong khi tiến hành thủ tục xin tỵ nạn. Tôi nghe mà ham. Vì lẽ ở Nhật cho đến năm 1977 vẫn chưa có đả động gì tới chuyện giấy tờ cho những sinh viên đến Nhật du học trước năm 1975. Ngoài ra những sinh viên nghèo ở Đức vẫn còn có thể xin trợ cấp học bổng để học nữa. Đây là một số lý do căn bản để tôi suy nghĩ là có nên tiếp tục ở lại Đức hay là về lại Nhật trong thời gian một năm đầu ấy.

Trâm đã ghi danh cho tôi học khóa tiếng Đức căn bản tại Volkshochschule và mỗi chiều Trâm có kèm tôi một tiếng đồng hồ về văn phạm cũng như cách phát âm tiếng Đức. Đây là một loại ngôn ngữ khó tôi đã bắt đầu làm quen. Không biết nên nói tiếng Đức là ngôn ngữ thứ mấy của tôi rồi, nhưng nếu kể theo thứ tự ngoài tiếng mẹ đẻ ra, tôi đã làm quen với tiếng Pháp, Anh, Hán, Nhật và bây giờ là tiếng Đức nữa. Vị chi cũng không ít loại ngoại ngữ khó mà tôi đã kinh qua.

Học độ chừng 3 tháng tại Volkshochschule Kiel tôi đã xin qua học phân khoa Đức ngữ tại Đại Học Kiel. Nơi đây có phòng luyện giọng, tập nói, nghe kể chuyện v.v... nên việc học tiếng Đức của tôi càng ngày càng tiến bộ. Dĩ nhiên tiếng Đức là một loại tiếng khó, ít có người ngoại quốc nào dám tự hào rằng mình nói đúng tiếng Đức hoàn toàn, chỉ trừ những em bé ngoại quốc sinh ra ở đây, lớn lên đi học và tốt nghiệp từ Tiểu Học, Trung Học, Đại Học của Đức thì có thể hãnh diện nói được điều đó, nhưng lại kẹt một điều là tiếng mẹ đẻ của em ít rành hơn tiếng Đức, nên đó cũng là vấn đề được đặt ra của cha mẹ các em cho chính tương lai của các em khi muốn tiếp tục tồn tại tại xứ này mà phải làm sao bản sắc văn hóa của dân tộc không bị mất gốc. Quả là không đơn giản chút nào cả.

Học tiếng Đức mỗi ngày chừng 4 tiếng đồng hồ và mỗi tuần từ thứ hai đến thứ năm. Ngày thứ sáu tôi ôn bài hoặc làm bài tập để ngày thứ bảy, chủ nhật thì đi hái trái Kirchen, là một loại đào của Đức, ra hoa cỡ tháng 3 và kết trái vào tháng 6, tháng 7. Từ Nhật sang tôi có mang theo một ít tiền, nhưng đã gần cạn. Do đó tôi bắt đầu đi làm thêm với những anh em sinh viên khác. Lúc ấy cũng có một số người tỵ nạn đến sinh sống ở Kiel, nhưng ít lắm, độ chừng 10 gia đình là cùng. Họ cũng cùng đi hái trái Kirchen với chúng tôi. Cứ mỗi giỏ đầy là 5 Đức Mã. Mỗi ngày, mỗi người hái được 10 giỏ như thế là giỏi. Một sinh viên tay trắng mà mỗi ngày làm được 50 Đức Mã là loại siêng năng có hạng và lúc ấy mới thấy được giá trị của đồng tiền là gì.

Nhưng mùa đào, mùa dâu tây, mùa trái đâu có kéo dài suốt năm. Vả lại chúng tôi còn phải đi học nữa, nên chỉ đi làm đâu chừng 6 đến 8 cái cuối tuần như thế cũng tạm đủ tiêu vặt trong mấy tháng rồi. Làm việc kiểu sinh viên chắc ai cũng rõ, vả lại là sinh viên cũng không được phép đi làm ngoài hè nhiều giờ. Vì bị chi phối bởi việc học.

Ở chung với Trâm chừng 3 tháng thì tôi dọn ra ở riêng tại đường Holtenauerstr. cũng ở Kiel, mỗi ngày đạp xe đạp đến trường để học tiếng Đức. Có chiều ghé qua cư xá sinh viên của Trâm để thăm, ăn cơm chung và sau đó nhờ Trâm chỉ thêm cho một ít văn phạm tiếng Đức. Sở dĩ tôi dọn riêng ra như thế, vì muốn có phòng ốc rộng rãi hơn để thờ Phật và tụng kinh. Từ Nhật qua tôi chỉ mang theo một cái chuông, một cái mõ và mấy hình Phật, kể cả một cái dĩa và một đôi đũa với một số hồ sơ cá nhân. Như vậy đó mà 25 năm sau ở xứ này đồ cá nhân chắc phải chở mấy xe cam-nhông mới hết. Nhưng để làm gì và sẽ đi về đâu? Cũng là một con số không to tướng qua sự thành, trụ, hoại, diệt của sự vật mà thôi.

Nhiều lúc nghe mưa rơi thấy nhớ nhà, nhưng chẳng biết nhớ ai. Không lẽ nhớ xứ Nhật. Vì nơi đó không phải là quê hương của mình. Còn nhớ Việt Nam ư? Nếu tính từ 1972 đến 1977 cũng đã hơn 5 năm xa xứ rồi, còn gì để nhớ nữa. Kể từ khi xuất gia 1964 đến 1968 tại Hội An, tôi đã xa nhà cha mẹ và anh chị em, chỉ lấy chốn chùa chiền làm nơi nương tựa. Rồi 1968 vào Sài Gòn ở chùa Hưng Long đi học cho đến năm 1971 và 1972 lại rời Sài Gòn sang Tokyo. Như vậy đối với tôi thuở ấy chẳng có nơi nào là quê hương chắc thật cả.

Một hôm tôi viết thư về Tokyo để hỏi thăm ý kiến của Thầy Bảo Lạc, bào huynh của tôi vẫn còn đang học tại Đại Học Komazawa ở Tokyo rằng có nên về lại Nhật hay nên ở lại Đức? Tiếp theo tôi cũng viết cho Thầy Oikawa một lá thư bằng tiếng Nhật để cảm ơn và để hỏi ý kiến. Vì thấm thoát cũng đã 8 tháng rồi kể từ khi tôi rời Nhật.

Sau chừng vài tuần, tôi nhận được thư của Thầy Bảo Lạc trả lời rằng: Nếu hoàn cảnh bên Đức thuận tiện thì nên ở lại học hành, nếu về lại Đông Kinh cũng không sao. Vì con đường học vấn vẫn còn chờ đợi đó.

Lá thư của Thầy Oikawa gởi đi, nhưng không có thư trả lời. Tôi biết tánh Thầy ấy, bao giờ cũng vậy rất dễ dãi, xuề xòa, nhưng lười trả lời thư cho bất cứ ai. Chỉ thích một điều duy nhất là rượu. Nhiều khi ông ta uống nhiều quá bà vợ bảo sao uống nhiều vậy? Thì ông ta trả lời rằng: “Rượu cũng làm từ gạo ra, chứ sao bắt tôi phải ăn cơm để làm gì?” Quả thật không sai, nhưng không hoàn toàn đúng. Thế là mọi người cũng phải cười với lối lập luận ấy mà thôi.

Kể từ nhỏ, lúc 15 tuổi vào chùa, mọi quyết định tôi đều phải tự mình lo liệu và giải quyết. Ví dụ như quần áo tự giặt, mền chiếu tự lo, tiền bạc tự phải xoay xở cho có để đi học, bài vở ở học đường tự tìm kiếm bạn giỏi cùng học và cùng làm xong nhiệm vụ của một người học sinh, một Tăng sĩ, một sinh viên. Thế thôi! Không than phiền, không giận hờn, không trách móc, không đòi hỏi và cứ thế mà tiến hành trên con đường thiên lý ấy.

Khoảng cuối năm 1977, tôi nhận được thư của anh Lâm Đăng Châu ở Hannover gởi lên báo rằng có chỗ học (Zulassung) tại Đại Học Giáo Dục Hannover. Thế là tôi mừng và bắt đầu chuẩn bị đồ đạc để dời về Hannover sau khi ở Kiel và học tiếng Đức hơn 8 tháng. Ngày hôm đó có lẽ vào mùa Đông năm 1978, tôi đã đến ở tạm nhà anh Lâm Đăng Châu độ chừng 10 ngày thì anh Châu đọc báo và thuê được căn nhà tại đường Kestnerstr. số 37. Đây chỉ là một Wohnung nhỏ thôi, có 2 phòng, một nhà bếp, một nhà tắm và một hành lang dài. Lúc về đây có Ngô Ngọc Diệp tận tình giúp đỡ, nên những thông tin liên lạc thuở đó mới bắt đầu khởi đi từ chốn này và ngày 2 tháng 4 năm 1978 chúng tôi làm lễ An Vị Phật, có mời Đại Đức Thích Minh Tâm từ Paris tham dự. Lúc ấy Thầy vẫn còn là Đại Đức, đến năm 1983 giới đàn Thiện Hòa ở Mỹ mới tấn phong lên Thượng Tọa và tháng 12 năm 1998 được tấn phong lên Hòa Thượng tại chùa Khuông Việt ở Na Uy.

Về sinh hoạt lễ An Vị Phật độ chừng 30 người. Có vài vị từ Pháp tháp tùng Hòa Thượng Minh Tâm sang. Còn bao nhiêu là anh em sinh viên Việt Nam đang sinh sống tại Hannover và có một ít người tỵ nạn đến từ Hildesheim tham dự. Lúc đó Ngô Ngọc Diệp làm tổng khậu, có nghĩa là bao dàn từ trên chánh điện như đánh chuông mõ cho đến nhà bếp như nấu nướng, dọn dẹp v.v...

Sinh hoạt Phật sự tại Niệm Phật Đường hồi đó còn lỏng lẻo, yếu ớt, chậm chạp, chỉ có mấy Thầy trò. Thỉnh thoảng Trâm từ Kiel cũng có ghé về để sinh hoạt chung, rồi Thầy trò kéo nhau đi Berlin, Dortmund hoặc Stuttgart để thuyết trình về tình hình Phật Giáo tại Việt Nam qua sự đàn áp của người Cộng Sản. Mỗi tháng vào chủ nhật thứ nhất và chủ nhật thứ ba vào lúc 11 giờ có lễ Phật định kỳ, thuyết pháp và sau đó là cơm nước cũng như sinh hoạt chung và kể từ đó đến nay (1978 - 2002) suốt gần 25 năm chùa Viên Giác đều sinh hoạt thường xuyên như thế. Có lúc đông cả trăm người, nhưng cũng có lúc ít chừng 10 người, nhưng ít nhiều gì cũng cử hành lễ và chưa bỏ một lần lễ Phật định kỳ nào cả. Nếu tôi có đi ra ngoại quốc thì ở nhà Ngô Ngọc Diệp thay thế để làm chủ lễ.

Kể từ tháng 6 năm 1978 đến tháng 5 năm 1979, Ban Hộ Trì Tam Bảo đã kêu gọi bà con xa gần đóng góp định kỳ hằng tháng tùy theo khả năng để trả tiền thuê Niệm Phật Đường nơi tôi ở. Cứ kêu gọi hằng năm như thế và trong số 32 người đóng góp đầu tiên ấy, nay vẫn còn tiếp tục hộ trì Tam Bảo. Quả là một sự giúp đỡ không thể dùng lời nói để tạ ơn, mà năm sau (2003) Lễ Kỷ Niệm 25 năm Chùa Viên Giác, tôi phải có những phần thưởng xứng đáng để tri ân những vị này.

Ngày nay cũng đã có người đi xa, có người còn, có người mất và tôi ghi hết ra đây để cảm tạ sự đóng góp một cách chân tình như thế cho sự trưởng thành của Phật Giáo Việt Nam tại Đức từ đó đến nay.

1. Văn Công Trâm, ở Kiel, mỗi tháng 30 Đức Mã. Sau này ra trường Y khoa, anh ta đóng mỗi tháng 50 Đức Mã và mãi cho đến hôm nay vẫn còn tiếp tục. Đây là người bạn học cũ cùng trường với tôi hồi còn Tiểu Học, em ruột của Sư Bà Diệu Tâm, anh ruột của Nguyên Đạo Văn Công Tuấn và năm 1979 Trâm quy y với tôi, tôi cho pháp danh là Thị Minh.

2. Nguyễn Thị Đẹp, ở Neumünster. Chị này đóng mỗi tháng 10 Đức Mã và chỉ kéo dài chừng vài năm là chấm dứt. Hiện bây giờ chị vẫn còn ở Neumünster vì trong danh sách nhận báo Viên Giác chị ấy vẫn còn liên lạc với chùa và thỉnh thoảng có cúng dường bất thường.

3. Nguyễn Thị Tư, ở Kiel, đóng mỗi tháng 10 Đức Mã, nhưng cũng chỉ vài năm đầu rồi ngưng. Nghe đâu bây giờ đã có chồng, có con và vẫn ở tại Kiel.

4. Hồ Kim Lệ, ở Kiel, đóng mỗi tháng 10 Đức Mã và cũng chỉ góp độ 1, 2 năm đầu rồi nghỉ. Anh là một những người đến tỵ nạn ở Đức sớm nhất vào những năm 1976, 77 và nghe đâu bây giờ anh ta vẫn còn ở tại đó.

5. Đoàn Thị Mỹ Lộc, ở Koblenz. Cô này đóng mỗi tháng 20 Đức Mã và kéo dài đến năm 1980 thì hết. Thỉnh thoảng có cúng dường bất thường gởi qua ngân hàng. Mới đây lễ Phật Đản 2546 (2002) tôi có gặp cô và người chồng tên Giáo về chùa dự lễ. Đúng là thời gian có đổi thay, nhưng tấm lòng với Đạo thì càng ngày càng gắn bó nhiều hơn. Vì lẽ khi con người càng lớn thì dễ đi gần với niềm tin Tôn Giáo của mình.

6. Lê Xuân Bình, ở Koblenz. Người này chỉ hộ trì cho chùa một năm, mỗi tháng 20 Đức Mã và từ đó đến nay không thấy liên lạc về chùa nữa.

7. Lê Văn Hồng, ở Koblenz. Anh này hộ trì chùa mỗi tháng 20 Đức Mã và đóng góp chừng 3 hay 4 năm sau đó lại ngưng. Thỉnh thoảng cũng có về chùa.

8. Hồng Hoàng Sơn, ở Koblenz. Anh này mỗi tháng đóng 20 Đức Mã và chừng vài năm thì nghỉ. Cho đến nay vẫn không có liên lạc với chùa.

9. Trương Văn Giáo, ở Koblenz, mỗi tháng đóng 20 Đức Mã và kéo dài trong nhiều năm. Nay vẫn còn ở Koblenz và thỉnh thoảng có về thăm chùa.

10. Lê Thanh Bình, Hannover. Anh này là Sinh viên du học trước 1975. Mỗi tháng đóng 20 Đức Mã cho đến nhiều năm sau này. Sau khi tốt nghiệp Đại Học Hannover thì về Bremen để làm việc. Thỉnh thoảng có ghé thăm chùa lễ Phật.

11. Lâm Đăng Châu. Anh này ở Hannover, mỗi tháng hỗ trợ 20 Đức Mã, đóng độ vài năm thì ngưng và như trong phần đầu có đề cập, anh là một trong những ân nhân của tôi trong giai đoạn ban đầu khi mới đến xứ Đức này.

12. Ngô Ngọc Diệp, ở Hannover. Anh này đã quy y với tôi vào lễ Vu Lan ngày 19 tháng 8 năm 1978 cùng với 2 người khác là Đoàn Thị Thu Hạnh và Nguyễn Đức Hiếu. Diệp tôi cho pháp danh Thị Chơn, Hiếu cho pháp danh Thị Ân và Cô Hạnh tôi cho pháp danh Thị Nhân. Diệp là người mà tôi mang ơn cũng nặng ngay từ lúc ban đầu. Lúc ấy Diệp cũng còn là sinh viên, mỗi tháng hộ trì chùa 20 Đức Mã cho tới khoảng 1992, 93 mới ngưng. Dạo ấy, mỗi sáng trước khi đi làm ở hãng Continental, Diệp thường ghé chùa để tụng kinh Lăng Nghiêm với tôi, từ khi còn ở tại Kestnerstr. cho đến Eichelkampstr. cũng vậy. Anh là một người đa tài, cái gì cũng có thể làm được, không kể công, không trốn tránh trách nhiệm.

13. Lê Huy Cát, Hannover. Anh này mỗi tháng giúp 20 Đức Mã độ chừng một vài năm sau thì ngưng. Vì anh chị ấy dọn sang định cư bên Úc vùng Brisbanne nắng ấm.

14. Nguyễn Tiến Hội, ở Hannover, có ghi tên trong số 32 người này, mỗi tháng đóng 10 Đức Mã, nhưng không thấy hỗ trợ. Có lẽ vì hoàn cảnh gia đình. Nay vẫn còn ở Hannover, là một võ sư của Vovinam Việt Võ Đạo.

15. Đạo Hữu Long, ở Hildesheim, có ghi đóng mỗi tháng 30 Đức Mã và chỉ đóng một tháng 6 duy nhất của năn 1978 rồi nghỉ.

16. Phạm Văn Phụng, ở Hildesheim, đóng mỗi tháng 20 Đức Mã và hỗ trợ chừng vài năm sau thì ngưng.

17. Nguyễn Ngọc Tuấn và Nguyễn Thị Thu Cúc, ở Hannover. Đây là hai anh chị cũng có công rất nhiều với Niệm Phật Đường ngay từ lúc ban đầu. Mỗi tháng đóng 20 Đức Mã trong nhiều năm liên tục như vậy. Trong chương trước, tôi có đề cập đến anh chị này rồi. Họ là những sinh viên du học đến Đức từ năm 1968.

18. Lê Hữu Cơ, ở Neuss. Mỗi tháng đóng 10 Đức Mã, được 3 tháng thì ngưng. Chẳng biết ông bà này còn sống hay đã mất. Vì từ lâu không còn liên lạc nữa.

19. Ngô Tài Ba, ở Hòa Lan, hứa cúng mỗi tháng 20 Đức Mã nhưng chưa đóng lần nào cả và từ đó đến nay cũng chẳng có tin.

20. Phạm Bé, ở Hòa Lan, cũng giống như vậy.

21. Đinh Thị Hợi, ở Aachen, đóng mỗi tháng 20 Đức Mã trong nhiều năm như vậy và vị này chắc nay không còn nữa. Vì lúc đó cũng đã lớn tuổi rồi.

22. Nguyễn Đức Quyến, ở Aschaffenburg. Vị này đóng mỗi tháng 20 Đức Mã bắt đầu từ tháng 9 năm 1978 và kéo dài trong vài năm như thế. Nay thì gia đình vẫn còn ở tại Aschaffenburg.

23. Vũ Văn Hà, ở Pháp, sau này xuất gia pháp danh là Nguyên Lưu, đệ tử Hòa Thượng Minh Tâm. Mỗi năm Bác hộ chùa Viên Giác bên này 600 FF và liên tục như thế đến khi Bác mất cách đây chừng 10 năm thì nghỉ. Bác là đệ tử xuất gia rất trung thành với Hòa Thượng Minh Tâm, đã ở Pháp trên 50 năm và cuối đời còn lại vào chùa để hộ đạo.

24. La Thành, ở Herford. Vị này cũng đóng vài năm rồi nghỉ, mỗi tháng 20 Đức Mã và cho đến nay không còn liên lạc gì cả.

25. Nguyễn Thanh Tùy, ở Recklinghausen, mỗi tháng đóng 20 Đức Mã, bắt đầu từ tháng 10 năm 1978 và đóng mãi cho đến khi vị này mất mới thôi.

26. Phan Văn Trường, ở Hannover, là Sinh viên du học trước 75, đóng mỗi tháng 10 Đức Mã độ một năm, sau đó di dân sang Mỹ và đến nay không còn liên lạc nữa.

27. Nguyễn Thị Hạnh, ở Braunschweig, mỗi tháng đóng 20 Đức Mã trong nhiều năm như thế. Chị cũng là sinh viên du học trước 1975 và đã xong Đại Học. Mỗi năm nhân lễ Phật Đản hay Vu Lan chị đều về chùa giúp trong nhà bếp suốt hơn 20 năm như vậy. Công đức thật không nhỏ.

28. Bùi Hữu Tường, ở Münster, cũng là sinh viên du học trước 1975, đã ra Bác sĩ và làm việc tại Đức. Mỗi tháng thuở ấy anh đóng 10 Đức Mã, liên tục trong nhiều năm như vậy.

29. Vương Đắc Mẫn, ở Kiel, nay là Bác sĩ ở Mỹ. Cũng là sinh viên du học trước 75, chỉ ủng hộ bất thường cho chùa chứ không đóng định kỳ, mặc dầu có ghi danh như thế.

30. Đoàn Thị Thu Hạnh, ở Hannover, mỗi tháng đóng 20 Đức Mã và kéo dài trong nhiều năm. Trong Chương trước tôi đã có đề cập đến cô này.

31. Phạm Công Hoàng, ở Bremen, là sinh viên du học trước 1975, nay là Kỹ sư Hàng không làm tại hãng ở Bremen. Mỗi tháng góp 50 Đức Mã và kéo dài từ năm 1978 đến nay chưa nghỉ.

32. Trần Văn Trường, ở Schweringhausen. Anh là gia đình tỵ nạn đến Đức rất sớm và sau đó sang định cư tại Mỹ. Kể từ đó đến nay không còn liên lạc nữa.

Từ 1979 đến cuối năm 1980 có thêm vài vị đóng góp nữa như chị Nguyễn Thị Soan ở Kiel mỗi tháng đóng 10 Đức Mã và có vài vị ghi tên nhưng không hỗ trợ, có lẽ vì lý do gia cảnh. Đó là 32 hóa thân ban đầu của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát và nhờ mỗi người một hạnh nguyện như thế mà ngày nay sau 25 năm ngôi chùa này đã đứng vững vàng trong lòng xã hội Đức và là nơi nương tựa tinh thần của hàng trăm ngàn người tỵ nạn Việt Nam khi bỏ nước ra đi tìm tự do.

Tính trung bình mỗi tháng như thế chùa Viên Giác tại Hannover nhận được số tịnh tài định kỳ là 600 Đức Mã của 32 người đóng. Phải trả tiền nhà 180 Đức Mã, tiền điện, gas, nước, điện thoại v.v... độ chừng 120 Đức Mã nữa. Như vậy mỗi tháng dư độ 300 Đức Mã dùng làm quỹ chi dụng bất thường cho Niệm Phật Đường. Ví dụ như mỗi khi có chư Tăng đến thăm phải cúng dường hoặc làm lộ phí di chuyển đi đây đó v.v... Trong thùng phước sương hầu như không có đồng nào. Vì ai cũng là sinh viên hoặc người tỵ nạn mới đến Đức nên sự tiêu pha rất chừng mực.

Vào ngày 5 tháng 2 năm 1979, tôi có viết một thư mời Phật Đản và năm đó địa phương Bá Linh đã đóng góp phần văn nghệ cúng dường. Tổ chức tại Bethoven Saal của Stadthalle Hannover. Có độ 400 người Việt và Đức về tham dự. Năm đó chính quyền Tiểu Bang Niedersachsen có giúp tiền để thuê phòng và chở đồng bào từ Friedland về tham dự lễ, ở qua đêm trong nhiều gia đình của Đức để trao đổi làm quen, do Hội Hồng Thập Tự đảm trách việc này.

Năm 1979 nhằm Phật Đản 2523 cũng là năm đầu tiên Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt Nam tại Đức được ra mắt tại Hội Trường. Nghĩa là sau 6 tháng thành lập (11.1978). Tất cả cái gì cũng mới mẻ và danh sách cúng dường lễ Phật Đản năm đó của 19 người, đa phần đến từ Berlin tổng cộng là 195 Đức Mã. Số tiền rất khiêm nhường, nhưng giá trị tinh thần thì không nhỏ. Vì đây là lần đầu tiên ra mắt công chúng Đức. Lúc ấy người Đức rất quý mến người tỵ nạn Việt Nam. Vì lẽ những người lớn tuổi họ đã hiểu nỗi khổ của thời Đệ nhị Thế chiến (1939 - 1945) cũng như thời Đức Quốc Xã của Hitler sống khổ cực như thế nào rồi, nên dễ thông cảm. Vì vậy chính quyền của Tiểu Bang Niedersachsen mới dễ dàng đón nhận đầu tiên mấy ngàn người vào ngày 10 tháng 12 năm 1978 từ chiếc tàu Hải Hồng đang bị câu lưu ở Hồng Kông, ra đi từ Việt Nam. Trong đó có mấy ngàn người đói khát, kể cả người già và trẻ con.

Do đó, ông Ernst Albrecht là vị Thủ Hiến Tiểu Bang đầu tiên của nước Đức đã kêu gọi cứu trợ nhân đạo và lập tức nhân dân Đức hưởng ứng ngay. Ở đây xin chắp tay cảm tạ ông cựu Thủ Hiến Tiểu Bang Niedersachsen trong thời gian ấy đã cưu mang người tỵ nạn Việt Nam chúng tôi rất nhiều. Ngay như việc sau này vào năm 1986, 87 đưa đơn xin phép xây cất chùa Viên Giác tại đường Karlsruherstr. này nếu không có sự lưu tâm của ông, chắc rằng giấy phép cũng còn lâu lắm mới nhận được.

Nhân mùa Vu Lan năm 1998, tôi đã mời cựu Thủ Hiến và phu nhân đến chùa Viên Giác Hannover để nói lời cảm tạ chân thành của người tỵ nạn Việt Nam tại Tiểu Bang Niedersachsen nói riêng và trên toàn nước Đức nói chung. Ông rất cảm động và lưu lại chùa nhiều giờ hơn ngoài dự tính để đi thăm 7 tầng tháp có thờ Phật, Tổ Đường v.v... do anh Kiến Trúc Sư Trần Phong Lưu hướng dẫn. Những ân tình như thế chúng tôi không thể nào quên, xin ghi hết vào lòng, dẫu cho có ở thế giới này hay tái sanh vào một cõi xa xăm nào khác đi chăng nữa, thì ân nghĩa vẫn là những gì khó đáp đền trong muôn một vậy. Vào tháng 8 năm 2002, phu nhân của cựu Thủ Hiến Tiểu Bang Niederesachsen cũng đã vĩnh viễn ra đi, nhưng ơn cứu tử ấy, người Việt Nam chúng tôi không bao giờ quên cả.

Từ Tết năm 1981, chúng tôi chính thức dời chùa về đường Eichelkampstr. số 35A và tại đây chùa đã nhận được chính thức tiền thuê chùa mỗi tháng 3.000 Đức Mã từ Bộ Nội Vụ Liên Bang để trang trải tiền thuê và các phí khoản khác (xin xem Chương trước). Tuy nhiên, số người ghi tên hỗ trợ định kỳ hằng năm 1991 và 1992 trong vòng một năm ấy có 60 người. Số lượng có tăng nhưng số người đóng góp không đều, chỉ có 42 người đóng thường xuyên. Số người cũ có một ít rút lui và số người mới có một số thêm vào. Tổng số tiền ủng hộ định kỳ là 900 Đức Mã mỗi tháng. Với số tiền này chúng tôi lo chi tiêu cho các lễ lộc cũng như điện, gas, nước v.v...

Trong số những vị đóng định kỳ từ năm 1981 cho đến nay vẫn còn đóng liên tục gồm có: Đạo Hữu Đoàn Thị Thanh Tú ở Paris, anh Tô Văn Phước tại München, anh Lâm Thành ở Lingen. Đó là những tấm lòng son đáng trân quý và dĩ nhiên là sau này còn nhiều người mới đóng định kỳ nữa, quý vị có thể xem danh sách này trong tập san Viên Giác số 126 tháng 12 năm 2001. Bây giờ vẫn còn 129 vị. Nghĩa là số người hộ trì càng ngày càng tăng và dĩ nhiên là chi phí cũng không có giảm.

Tất cả những hồ sơ này tôi vẫn còn giữ lại đó, để một mai biết đâu có ai đó có ý dò tìm để hiểu rõ ngọn ngành của một thời đã qua thì quả là ơn nghĩa nghìn trùng trong muôn thuở, khó đáp đền, mà kẻ mang chịu ơn trực tiếp đó là tôi. Nếu không có những tâm hồn thanh cao trong sáng ấy, góp nhặt từng đồng tiền, từng lời ca, từng tiếng hát, từng nhịp mõ, từng lời kinh v.v... thì làm sao có được một ngôi chùa Viên Giác như hôm nay sáng ngời long lanh trên bầu trời Hannover này hay trên Internet văn minh của thế kỷ 21 này mà ngồi ở nhà người ta cũng có thể xem được những hình ảnh uy nghiêm của ngôi chùa tại đây.

Để đi đến thành công như thế không phải câu chuyện của một ngày mà là câu chuyện của hơn 30 năm, nên chương này hơi dài hơn các chương khác, khi xem cũng mong quý vị cảm thông cho.

Năm 1978 là năm đầu tiên tôi về thành phố Hannover nên có nhiều việc phải làm, nào là an vị Phật, lễ Vu Lan, đi học tại Đại Học Hannover, đón người tỵ nạn đến Đức v.v... tương đối rất bận rộn và để chuẩn bị cho lễ Phật Đản năm 1979 tại Bethoven Saal ở Stadthalle Hannover, tôi có soạn một vở kịch về “Cuộc Đời Đức Phật “do các em Phật Tử nghiệp dư trình diễn. Trong đó có chị Giang, anh Tuấn, Giang, Phấn, Danh và một số anh em khác nữa. Tôi phải viết tuồng và đạo diễn luôn. Hình như có cả cô Kim Thêm nữa thì phải. Đó là vở kịch đầu tiên do tôi soạn và sau này có vài vở khác như “Hoa Rơi Trước Cửa Phật” do một số anh em tại Berlin đóng và diễn tại rạp hát Theater am Aegi. Tất cả đều tự biên tự diễn. Sự thành công ít, nhưng mệt mỏi thì nhiều. Vì lẽ hồi đó mỗi lần lễ phải dọn hết tất cả những gì từ Niệm Phật Đường sang Jugendzentrum, từ bàn thờ cho đến nồi niêu soong chảo v.v... Sau khi lễ lại dọn về lại chùa, Thầy trò chúng tôi vất vả vô cùng, nhưng được một cái vui là ai cũng đã thực hành xong nhiệm vụ của mình đã được giao phó.

Học kỳ 78/79 ở Đại Học Giáo Dục tôi phải nghỉ để đi Göttingen và Friedland giúp đỡ cho bà con mới tới, nhiệm vụ là làm thông dịch viên cho Bác sĩ khi người tỵ nạn mới tới đi khám bệnh tổng quát tại bệnh viện. Vì sống chung lâu ngày trên chiếc tàu Hải Hồng nên chí của người này nó lây qua người kia, bất kể là đàn ông hay đàn bà. Nên mọi người ai cũng phải gội đầu trừ chí và đội một bọc ni-lông trắng toát lên đầu, trông giống như để tang. Lúc ấy tiếng Đức tôi còn bập bẹ và chẳng biết con chí tiếng Đức kêu bằng gì nên phải tra tự điển và còn bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười khi diễn tả bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau nữa, làm sao có thể diễn tả hết được.

Nhờ làm thông dịch như thế mà có 2 việc có kết quả:

- Thứ nhất là chính quyền Đức lưu tâm về vấn đề tôn giáo, xã hội. Người mình có thể tự giúp cho mình, nên Bộ Nội Vụ Liên Bang mới kêu đến và giúp đỡ. Chứ thật tình lúc ấy chúng tôi có biết đâu mà gõ cửa các cơ quan công quyền.

- Thứ hai là chuyện ơn nghĩa. Người mình được cái là không bao giờ quên ơn kẻ khác, cho nên những người được tôi giúp đỡ lúc ban đầu như thế, sau này họ có công ăn việc làm và khá giả, họ trở về chùa để giúp lại chùa bằng nhiều cách khác nhau. Thật ra thì khi thi ân, tôi không cầu đền đáp, nhưng đó là kết quả trước mắt đã thành tựu như vậy.

Đến học kỳ mùa Đông 79/80 thì tôi làm xong Referat về một môn Emperie, dịch là kinh nghiệm luận của ngành Giáo Dục Học bằng tiếng Đức và thuyết trình trước nhiều sinh viên để có một Chứng Chỉ còn thiếu về môn ấy. Ở Nhật học 62 môn mà không có môn này và cuối năm 80 thì tôi không còn tiếp tục đến Đại Học nữa. Vì lẽ chùa chuẩn bị dọn qua nơi rộng rãi hơn, nên cần phải chăm sóc nhiều hơn. Nhiều khi ở chùa lo việc chùa thì nghĩ rằng không biết trong Đại Học các bạn đang học gì và lúc ngồi tại Giảng Đường Đại Học thì lại nghĩ không biết ở chùa có ai đến lễ Phật, thăm viếng không v.v... và v.v... Do đó tôi quyết định không tiếp tục đi nốt con đường học vấn để ra Tiến sĩ ngành này vì một số lý do chính bên trên và cũng có kèm theo một số lý do phụ nữa.

Tôi có điện thoại hỏi thăm Hòa Thượng Thích Minh Tâm và có ý về lại Nhật, hoặc ở Đức, không ra hoạt động, để học cho xong học trình Tiến sĩ mới ra làm việc, nhưng Hòa Thượng cũng có bảo rằng: Có nhiều vị có bằng cấp Tiến sĩ nhưng có làm được gì đâu! Đó là câu an ủi để tôi không còn vấn vương với con đường học vấn nữa, nhưng bây giờ nhiều lúc thấy cũng tiếc. Vì lẽ sức học của tôi vẫn còn.

Ở Đức không có bậc Cao Học như ở Mỹ và ở Nhật, mà học 5 năm ở Đại Học, sau đó vào nghiên cứu sinh để làm luận án Tiến sĩ ra trường. Vả lại ở Trung Học họ đã học 13 năm rồi, trong khi đó ở Nhật hay Việt Nam chỉ có 12 năm thôi. Nếu cộng chung lại số năm từ Trung Học lên Cao Học vẫn tương đương với các nơi khác trên thế giới. Thật ra sự học thì nó vô cùng, nhưng trên nguyên tắc học đến Đại Học là hết, để sau đó mỗi người tự nghiên cứu mà thôi.

Thuở đó tôi cũng có một quyết định quan trọng cho chính mình là phải tự chọn lựa con đường để đi trong tương lai lâu dài hơn, chứ không thể gián đoạn ở nơi này được. Ví dụ chọn con đường học vấn, thật ra ở ngoài đời có không biết bao nhiêu người lo cho vấn đề này. Chỉ có con đường sở trường, con đường chuyên môn của mình là tu học, lo Phật sự không có ai ngoài mình ra lúc đó có thể gánh vác được. Cho nên tôi nằm đêm suy nghĩ thật nhiều và cuối cùng là không tiếp tục chương trình ở Hậu Đại Học nữa là vậy.

Những năm 1978, 79, 80, 81, 82 v.v... là những năm tôi thường hay lui tới chùa Khánh Anh tại Paris nhiều nhất và từ đó tôi có được sự ủng hộ của một số Phật Tử thuần thành cho đến bây giờ. Thuở đó Hòa Thượng Thích Minh Tâm cũng chỉ một mình, nên mỗi khi đi dự Hội Nghị hay đi dâu xa là tôi phải sang trông chùa. Mặc dầu lúc ấy cũng có Bác Hà, nhưng là một cư sĩ và sau này Bác mới xuất gia. Tôi đã thuyết giảng cho Phật Tử nghe và chỉ bày cách thực hành chuông mõ cho một số Phật Tử và sau này có những người đã xuất gia như Quảng Đạo, Diệu Trạm hiện ở tại chùa Khánh Anh bây giờ.

Hòa Thượng Khánh Anh vốn là bậc đàn anh của tôi, Thầy ấy chưa trực tiếp dạy tôi ngày nào, nhưng nhiều lúc tôi cũng cung kính như là một bậc Thầy. Vì Thầy ấy có nhiều cử chỉ đối đãi đẹp với đồng môn và bạn bè, tử đệ. Chỉ đơn giản có thế thôi mà người ta có thể sống chết cho cả một đời người. Thầy ấy đã hỗ trợ chùa Viên Giác bên này bằng nhiều cách khác nhau và bây giờ đây khi xây chùa Khánh Anh bên Pháp tôi cũng thể hiện lại tinh thần tương thân tương ái ấy.

Khi được sự chấp thuận tài trợ của chính quyền tiền thuê hằng tháng của chùa mới, chúng tôi đi tìm cơ sở để thuê, nhưng nó chẳng đơn giản chút nào. Vì lẽ - có chỗ làm lễ được cho số đông người thì không có chỗ ở. Có nơi có chỗ ở thật tốt thì lại không có chỗ làm lễ v.v... thiên nan vạn sự. Dịp may hiếm có, hình như anh Lâm Đăng Châu, hoặc ai đó, đọc báo thấy ông Steimann có cho thuê một cái hãng cũ, có văn phòng và chỗ ở, nên chúng tôi đến đây liền và hỏi thăm điều kiện thì được ông chấp nhận ngay. Thế là cuối năm 1980 đầu năm 1981 Thầy trò chúng tôi lo thiên di những gì đang có tại Kestnerstr. về đường Eichelkampstr.

Khi mới về đây cũng chỉ có một mình tôi, đến cuối năm 1981, đầu 1982 có Phật Tử Thị Chánh Trương Tấn Lộc và cô Diệu Niên dọn vào ở cùng. Sau đó có thêm Thầy Minh Phú nữa. Nhân sự lúc ban đầu chỉ có thế và mỗi bữa trước khi đi làm, Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp có ghé chùa để cùng tụng kinh Lăng Nghiêm. Tết âm lịch năm 1981 nhằm ngày 5 tháng 2, tức ngày thứ năm trong tuần và năm ấy là năm Tân Dậu, nhưng chẳng có một người nào đến lễ chùa cũng như đón Tết, ngoại trừ mấy Thầy trò chúng tôi cùng nhau tụng một thời kinh là xong. Chẳng bù với sau này, bây giờ (2002) mỗi lần Tết đến có cả hàng năm, bảy ngàn người về chùa lễ Phật đầu năm. Hồi đó nhiều khi không có tiền đi chợ và mua hoa để cúng Phật, tôi phải ra ngoài vườn bứt những cây hoa dại về cắm lên bàn Phật. Có lẽ Phật cũng đã mỉm cười cho cái thanh bần của chúng tôi thuở ấy.

Đến năm 1984, 1985 có Thiện Phước từ Phần Lan qua xuất gia với tôi và chú này có lẽ là người chịu thiệt thòi nhất. Vì hồi đó tôi rất khó tánh và ngay cả bây giờ có thể cũng vậy, nên chú hay bị quở, bị la rất nhiều. Được cái là chú không buồn lâu, nhưng có lẽ chú tủi phận chú tại sao bị quở trách hoài như thế. Chuyện cũng dễ hiểu thôi. Vì đánh chuông mõ sai, mặc dầu đã chỉ rồi. Học hành quá chậm chạp. Vì trình độ của chú chỉ có thế mà nhu cầu của tôi thì cao, nên sau khi thọ Sa Di -năm 1987- chú trở về lại Phần Lan sinh sống.

Tiếp đến có Thiện Thành và Thiện Nam xuất gia, một người Việt và một người Đức nói tiếng Việt rất rành, nhưng các chú này ở cũng không lâu, sau đó lại trở về với cuộc sống thế tục vì nhiều lý do khác nhau.

Năm 1983 gia đình của Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp qua đoàn tụ gia đình, trong đó có thân phụ của Thị Chơn là Bác Thị Tâm Ngô Văn Phát, cựu Trung Tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, có khả năng hành chánh rất vững vàng, nên bắt đầu từ nhiệm kỳ 4 của Hội Phật Tử (1984) đến nay Bác luôn được tín nhiệm và bầu làm Hội Trưởng. Nhiệm kỳ 1 (1978-1980) Thị Minh Văn Công Trâm làm Hội Trưởng. Nhiệm kỳ 2 và 3 (1980-1984) Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp làm Hội Trưởng và kế tiếp Bác là người thông thạo nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức nên tôi cũng đã được Bác giúp đỡ rất nhiều về phương diện giấy tờ ngoại giao bên ngoài.

Những người đóng góp vào việc văn phòng thuở ấy có Ni Sư Diệu Ân, Chị Nga, Bác Phát. Còn Lâm thì đứng máy quay báo. Hưng, Lộc bỏ dấu bài đã đánh máy xong, Thị Chơn lo layout cho báo và sách. Còn tôi thì lo vấn đề thuyết giảng, ngoại giao và đi đây đó để lo những công việc Phật sự như ma chay, cưới hỏi, thuyết trình v.v...

Tôi những tưởng về ở đường Eichelkampstr. là trụ ở đó lâu dài, nhưng cũng chỉ 10 năm thôi. Nghĩa là từ năm 1981 đến 1991 và từ 1991 đến nay 2002 dọn qua chùa mới tại đường Karlsruherstr. này. Trong đời tôi từ khi sinh ra đến nay 54 năm đã ở những chỗ quan trọng như sau:

- Từ 1949 đến 1964 ở quê là Mỹ Hạt, Xuyên Mỹ, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

- Sau khi xuất gia ở chùa Phước Lâm tại Hội An từ 1964 đến 1966.

- Từ 1966 đến 1968 ở chùa Viên Giác, Hội An.

- Sau đó vào Sàigòn ở chùa Hưng Long từ năm 1968-1972.

- Ở chùa Honryuji tại Nhật Bản từ 1973 đến 1977. Trước đó có 1 năm ở với Thầy Chơn Thành và các bạn học Nhật ngữ khác.

- Từ 1977 đến 1978 sống ở Kiel, Đức.

- Từ 1978 đến 1980 ở tại Kestnerstr. 37 Hannover, kế theo như bên trên đã nói.

Như vậy có thể nói trong 54 năm của cuộc đời tôi ở 3 nơi lâu nhất. Đó là nơi sinh ra 15 năm, tại đường Eichelkampstr. 10 năm và nơi hiện tại 11 năm rồi. Tôi không biết ở tại nơi này còn bao nhiêu năm nữa, nhưng ở vào những lúc cuối đời như thế này có lẽ không còn bay nhảy như lúc còn trẻ nữa cũng nên.

Đến năm 1986 có Thiện Tín vào chùa xin ở và sau đó xuất gia để năm 1987 thọ Sa Di và năm 1991 thọ Tỳ Kheo và đây là một trong những Thầy đệ tử của tôi có thực tu và thực học. Tốt nghiệp Tú Tài Đức, Cao Học Tôn Giáo tại Đại Học Hannover và ở Ấn Độ học tại Đại Học New Dehli cấp bậc Tiến Sĩ từ năm 1993 đến năm 2000. Hiện bây giờ là Phó Trụ Trì chùa Viên Giác và sang năm 2003 sẽ được tấn phong lên làm Trụ Trì chùa Viên Giác. Còn tôi sẽ trở thành sáng lập trụ trì chùa Viên Giác cũng như dành nhiều thì giờ để nhập thất, tu tịnh và dịch kinh sách v.v...

Sau đó có Cô Hạnh Tịnh, Cô Hạnh Châu và đến năm 1989 thì có Hạnh Bảo về ở chùa và xuất gia để đến năm 1994 thì thọ Đại Giới.

Năm 1984 chùa Viên Giác chính thức vận động mua đất cất chùa. Năm 1987 nhân mùa Phật Đản là lễ đặt viên đá đầu tiên, đến Phật Đản 1989 bắt đầu khởi công xây cất, đến tháng 7 năm 1991 làm lễ Khánh Thành và tháng 8 năm 1993 là lễ Hoàn Nguyện. Cả một công trình kiến trúc đồ sộ như thế nhưng chạy vạy để lo chuyện tài chánh phải nói là có rất ít người. Đặc biệt ở đây phải cảm ơn anh Kiến Trúc Sư Từ-Hùng Trần-Phong-Lưu. Nhà anh ở tại Saarland và suốt 2 năm xây cất đó từ 1989 đến 1991 anh luôn có mặt tại công trường để coi sóc thầy thợ xây cất và bổ sung những bản vẽ chi tiết cho nhà thầu, nhưng anh cũng đã chẳng tính tiền công như một Kiến Trúc Sư người Đức mà chỉ nhận những thù lao khiêm nhường thôi.

Đến tháng 4 năm 1991 có Đại Hội Ban Chấp Hành Hội Đồng Tăng Già Thế Giới gồm 16 nước nhóm họp tại chùa Viên Giác và những khâu tổ chức càng ngày càng bận rộn hơn. Nào lo cho chùa mới, cho lễ Khánh Thành, cho Đại Hội v.v... ai cũng mệt phờ người. Tiền bạc, nhân sự, sức lực v.v... cả là một vấn đề không đơn giản chút nào cả. Nhiều lúc không đủ tiền 8 Đức Mã để đi mua thêm một bao xi-măng, nhưng nhiều lúc có sự cúng dường cả 300.000 USD của cô Thị Nguyện Thanh Hải từ Đài Loan gởi về, quả thật Phật Pháp vô biên và Phật Pháp nhiệm mầu là thế.

Năm 1991, vào tháng 12, tôi dọn qua chùa mới. Lúc ấy chẳng có gì. Nước, sưởi chưa có, phải đem sưởi gas vào phòng để sưởi và nước phải đun sôi mới có nước nóng để tắm. Tiện đây cũng xin cảm ơn tất cả các anh em công quả làm thợ điện bắc điện khắp chùa như: Tuấn, Sơn, Phong, Đông v.v..., các anh em làm ống nước, sưởi như Phúc, Long. Những anh em làm thợ mộc như Bác Kiệm, ông Chữ, anh Dũng, đặc biệt là các anh em Đông Âu từ khi bức tường Berlin được thông suốt năm 1989 và từ đó đến nay vẫn còn người ở chùa làm công quả, không tính với chùa một đồng nào cả, nếu có chỉ là tiền túi thôi. Họ làm mọi công việc như lót gạch, quét vôi, phụ dọn dẹp v.v... nghĩa là ngày nào cũng có mặt các anh em từ sáng cho đến tối như thế và chính trong các anh em này cũng có đến 6 hay 7 người phát tâm xuất gia với tôi sau này.

Khi dọn qua chùa mới có phòng ốc rộng rãi hơn nên có nhiều người về ở và phát tâm xuất gia. Cho đến nay chính thức xin xuất gia với tôi là 34 người. Trong ấy có 3 người đã mất là cô Hạnh Niệm, cô Hạnh Tịnh và cô Hạnh Như, 5 người ra đời là Thiện Thành, Thiện Nam, Hạnh Mãn, Hạnh Trí, Thiện Phước. Tất cả số còn lại hiện còn đang tu học tại chùa Viên Giác hoặc đang học tại Ấn Độ, Trung Quốc v.v... Trong số này có người đang có học vị Tiến sĩ như Hạnh Giới, tương đương với Tiến sĩ như Hạnh Tấn. Thạc sĩ như Hạnh Hảo, Cử nhân như Hạnh Giả v.v... và sẽ còn nhiều người tiếp theo con đường như thế nữa.

Năm 1995 có Đại Hội Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại họp tại chùa Viên Giác và tôi cũng đã phát nguyện là nên chọn nơi đây để làm cơ sở đào tạo nhân tài cho Giáo Hội như là một Phật Học Viện. Nhớ lại năm 1991 khi cử hành lễ Khánh Thành tôi cũng đã phát nguyện dâng cơ sở này cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất với nhiều lý do khác nhau. Điều ấy có nghĩa là Giáo Hội có quyền can thiệp vào sự sinh hoạt của chùa này và ngay cả việc công cử vị Trụ Trì sau khi tôi không còn tại thế nữa, nếu đệ tử của tôi không có khả năng cáng đáng được. Vì qua kinh nghiệm, có một số quý Hòa Thượng sau khi dày công sáng lập chùa viện, nhưng không cúng cho Giáo Hội. Vì vậy Giáo Hội không có trách nhiệm với ngôi chùa ấy, nếu người đệ tử của vị Sư tiền nhiệm có làm sai đi nữa, Giáo Hội cũng không có lý do để can thiệp vào.

Ngoài ra tại đây tông phong môn phái của Lâm Tế Chúc Thánh cũng rất quan trọng, cho nên tôi đã dành cho môn phái một lá phiếu hộ trì cũng như duy trì ngôi Tổ Đình Viên Giác này. Vì đây là ngôi chùa đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam tại Đức và cũng là ngôi chùa thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh có xuất xứ từ Quảng Nam qua gần 400 năm lịch sử truyền thừa.

Đó là 3 lá phiếu để duy trì và phát triển ngôi chùa Viên Giác tại đây và tôi mong rằng dẫu còn tôi hay sau này tôi không còn nữa, nguyên tắc ấy vẫn được duy trì. Vì qua bao kinh nghiệm của bản thân, của xã hội và của lòng người, tôi đã rút ra được một bài học căn bản cho công việc Phật sự tại đây là vậy.

Mỗi năm có 3 ngày lễ quan trọng của riêng tôi mà Đại Chúng Viên Giác hay cử hành, có lúc nhỏ có lúc lớn, tùy theo từng năm và từng hoàn cảnh. Đó là:

- Ngày sinh nhật của tôi vào 28 tháng 6 mỗi năm.

- Ngày mất của thân mẫu tôi vào 27 tháng 3 âm lịch. Tôi chỉ cử hành lễ này đến 25 năm rồi nghỉ. Vì theo Phật Giáo sau 49 ngày đã đi đầu thai rồi, nên những ngày kỵ giỗ sau này chỉ còn là những ngày nhớ ơn cha mẹ mà thôi. Bà cụ tôi mất năm 1966 và đến năm 1991 đã 25 năm, tôi không còn giỗ nữa. Mỗi năm đến ngày 27 tháng 3 âm lịch tôi mua một bình bông cúng mẹ để nhớ về người mẹ hiền đã tần tảo nuôi con, để cuối đời chẳng an hưởng được gì mà chiến tranh đã làm nát tan thân mẹ.

- Ngày 8 tháng 7 âm lịch mỗi năm, trước lễ Vu Lan, là ngày giỗ của phụ thân tôi. Ông mất năm 1986, nghĩa là sau 20 năm mẫu thân tôi mất. Ông thọ đến 89 tuổi. Tính theo tuổi Việt Nam, ông sinh vào cuối thế kỷ 19 (năm 1898) và hôm nay là thế kỷ 21 (2002) rồi. Nghĩa là từ ông đến tôi chỉ một đời mà đã trải qua 3 con mốc của thế kỷ rồi. Có lẽ chỉ giỗ đến năm 2011 là ngưng. Vì năm ấy ông đúng 25 năm và nếu tôi còn sống thì sẽ lo giỗ 50 năm, nhưng có lẽ ngày ấy vẫn còn xa và vô thường làm sao ai mà biết được chết sống lúc nào. Do vậy, con cháu của các anh chị hoặc đệ tử của tôi nếu ai đó có còn nhớ nghĩ đến ơn dưỡng dục của Sư phụ mình thì cúng giỗ tưởng niệm như lúc tôi còn sống. Nếu không cũng chẳng sao. Vì lúc sống nếu đã không làm được gì để vui lòng nhau, thì lúc chết có bày biện lên bao cây trái hoa hương hoặc khóc lóc kể lể v.v... đó cũng chỉ là vấn đề hình thức mà thôi !

Mỗi năm tôi thường dành trọn ngày 1 tháng 5 dương lịch để đi du ngoạn với Gia Đình Phật Tử Tâm Minh và 10 ngày với Đại chúng chùa Viên Giác từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 7 dương lịch. Nhưng với Đại chúng chùa Viên Giác thì sau này không còn thực hiện nữa, mà thay vào đó là khóa Tu Gieo Duyên của các Phật Tử tại gia được tổ chức tại chùa mỗi năm vào ngày 1 đến 14 tháng 7 và nay đã đến năm thứ 4 rồi.

Hồi đó Thầy trò chúng tôi lên xe 9 chỗ ngồi, nếu đông thì đi 2 hoặc 3 xe tùy theo từng vùng đã định sẵn tại Âu Châu. Ví dụ như có năm thì đi miền Nam nước Pháp, sang Tây Ban Nha, quay sang Ý và về lại Đức. Có năm đi miền Bắc Âu qua Anh Quốc, sang Thụy Điển, trở lại Đan Mạch rồi về lại Đức. Có lúc Thầy trò chúng tôi đi Đông Âu sang Ba Lan, Tiệp Khắc rồi về lại Đức. Cứ mỗi chuyến đi như thế có một niềm vui khác nhau. Mục đích là cũng để cảm tạ thâm ân với quý vị làm công quả cho chùa và tạo thêm sự hiểu biết, thông cảm giữa quý Thầy, quý Cô, quý Chú trong chùa nhiều hơn nữa. Đó là động cơ chính mà tôi tổ chức những chuyến hành hương mini như vậy. Có ra đi như thế đầu óc mới thông thoáng, chứ quanh năm suốt tháng quanh quẩn bên chùa, bên Thầy, bên công việc, ít tìm được một sự thoải mái với khung cảnh thiên nhiên. Nên những chuyến đi như thế đều có kết quả nhất định của nó. Bây giờ thì những chuyến đi như thế không còn nữa. Vì lẽ tôi ngày càng lớn tuổi, ít muốn đi xa, ngồi xe cả ngày như thế, mặc dầu có nhiều chú lái xe còn trẻ có thể chở cho đi nhiều đoạn đường dài hơn như thế nữa, nhưng không kham nổi.

Vào ngày 2 tháng 4 năm 1988 chúng tôi đã làm lễ kỷ niệm 10 năm chùa Viên Giác và trong năm đó tôi có biên một quyển sách nhan đề là: “Hình ảnh 10 năm sinh hoạt Phật Giáo Việt Nam tại Tây Đức” bằng tiếng Việt và tiếng Đức. Năm đó tổ chức 2 lần, một cho người Việt và một cho người Đức. Năm đó tôi cũng viết một bài nghiên cứu, báo cáo thành quả của 10 năm hoạt động Phật sự qua 10 thể tài khác nhau và sang năm 2003 đúng ra phải tổ chức Lễ Kỷ Niệm 25 năm Chùa Viên Giác vào ngày 2 tháng 4 năm 2002, nhưng đến cuối tháng 6 năm 2003 chúng tôi sẽ tổ chức Kỷ Niệm 25 năm Báo Viên Giác và phát giải thưởng cho những người trúng giải «Viết Về Âu Châu» để cảm tạ những chính quyền Âu Châu đã giúp đỡ cho đồng bào Việt Nam trong suốt 25 năm qua. Đồng thời sẽ tổ chức Lễ Tấn Phong Trụ Trì Chùa Viên Giác vào ngày 28 tháng 6 năm 2003 (thứ bảy) là ngày sinh nhật lần thứ 54 của tôi. Do vậy lễ kỷ niệm 25 năm sẽ tổ chức vào ngày ấy.

Mười năm kỷ niệm viết 10 đề tài và 25 năm kỷ niệm có lẽ có hơn 25 tiêu đề như thế để viết, nhưng viết dài như thế chắc quý vị nghe và đọc cũng chán. Do đó tôi chỉ viết một số ý chính trong sách này, cũng như đăng tải lại tài liệu của 15 năm trước lúc làm lễ kỷ niệm 10 năm chùa Viên Giác cho quý vị theo dõi và đồng thời năm 2003 có lẽ không có quyển sách ra đời với tiêu đề 25 năm chùa Viên Giác mà là một hoặc hai quyển sách tổng hợp đã xuất bản những bài viết của tôi suốt trong 25 năm qua đã đăng trên báo Viên Giác chưa in thành sách và một quyển sách in tất cả những Thư Tòa Soạn của gần 140 số báo gồm bộ cũ và bộ mới do tôi viết để giới thiệu với tất cả bà con Phật Tử xa gần và cũng để kỷ niệm 25 năm, tôi sẽ cho đóng thành tập một số văn kiện cần thiết của chùa để giới thiệu và làm đề tài cho nhiều người cần tham khảo về sử liệu của Chùa Viên Giác, Báo Viên Giác sau này.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Chi bộ Tây Đức

Chùa Viên Giác, Eichelkampstr.35a, 3000 Hannover 81. Tel. 0511-864638

Phật lịch 2531-Hannover ngày 2 tháng 3 năm 1988

Kính gửi: Quý Thầy, Quý Cô trong Chi Bộ

Trích yếu: v/v cung thỉnh Quý Thầy, Quý Cô tham dự lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập chùa Viên Giác vào ngày 2 tháng 4 năm 1988 (thứ bảy) tại Hannover.

Nam Mô A Di Đà Phật

Kính thưa Quý Thầy, Quý Cô,

Thấm thoát mà 10 năm đã trôi qua một cách nhanh chóng, 10 năm qua là 10 năm Phật Giáo Việt Nam đã bắt đầu hiện hữu tại xứ Đức này và 10 năm qua cũng là 10 năm của sự hình thành cũng như phát triển mọi Phật sự tại Tây Đức.

Để kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Chùa Viên Giác tại Hannover, chúng tôi xin cung thỉnh Quý Thầy, Quý Cô bỏ chút ít thì giờ về chùa tham dự ngày lễ kỷ niệm trên.

Sự hiện diện của Quý Thầy, Quý Cô sẽ tăng thêm phần long trọng cho buổi lễ.

Kính chúc Quý Thầy, Quý Cô pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ.

Nam Mô A Di Đà Phật

Thích Như Điển

Trụ Trì chùa Viên Giác Hannover

Chương trình

Buổi lễ kỷ niệm ngày 2/4/1988 (thứ bảy)

tại Chùa Viên Giác Hannover

15:00 - Tuyên bố lý do, khai mạc lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Chùa Viên Giác

15:20 - Trình bày những quá trình hoạt động Phật sự trong 10 năm qua

16:30 - Chiếu phim sinh hoạt ngày An Vị Phật Niệm Đường Viên Giác của 10 năm về trước và những hình ảnh sinh hoạt trong thời gian qua.

19:00 - Cơm tối

20:00 - Sinh hoạt chung và sau đó chấm dứt chương trình.

Ghi chú: Ngày hôm sau 3/4/88 là lễ định kỳ của chùa và có đài truyền hình ZDF đến quay hình.



Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Chi bộ Tây Đức

Chùa Viên Giác, Eichelkampstr.35a, 3000 Hannover 81. Tel. 0511-864638

Phật lịch 2531-Hannover ngày 2 tháng 3 năm 1988

Kính gửi:

- Ban Chấp Hành Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Tây Đức

- Ban Chấp Hành các Chi Hội Phật Tử tại các địa phương

- Các Ban Hộ Trì Tam Bảo thuộc các chùa, các Niệm Phật Đường và các Tịnh Thất tại Tây Đức

- Các Gia Đình Phật Tử - Quý vị trong Ban Biên Tập Báo Viên Giác

- Cùng với Quý Đạo Hữu và Quý Phật Tử xa gần

Trích yếu: v/v mời Quý vị tham dự lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập chùa Viên Giác vào ngày 2 tháng 4 năm 1988 (thứ bảy) tại Hannover.

Nam mô A Di Đà Phật

Kính thưa Quý vị,

Thấm thoát mà 10 năm đã trôi qua một cách nhanh chóng, 10 năm qua là 10 năm Phật Giáo Việt Nam đã bắt đầu hiện hữu tại xứ Đức này và 10 năm qua cũng là 10 năm của sự hình thành cũng như phát triển mọi Phật sự tại Tây Đức.

Để kỷ niệm 10 năm ngày thành lập chùa Viên Giác tại Hannover, chúng tôi xin mời Quý Vị về chùa Viên Giác tham dự ngày lễ kỷ niệm trên. Sự hiện diện của Quý Vị sẽ tăng thêm phần long trọng của buổi lễ.

Kính chúc Quý Vị trong Ban Chấp Hành Hội Phật Tử, các Chi Hội Phật Tử, các Ban Hộ Trì, các Gia Đình Phật Tử, Quý Vị trong Ban Biên Tập Báo Viên Giác cùng Quý Đạo Hữu Phật Tử xa gần được sở cầu như nguyện.

Nam Mô A Di Đà Phật

Thích Như Điển

Trụ Trì chùa Viên Giác

Chương trình

Buổi lễ kỷ niệm ngày 2/4/1988 (thứ bảy)

tại Chùa Viên Giác Hannover

15:00 - Tuyên bố lý do, khai mạc lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Chùa Viên Giác

15:20 - Trình bày những quá trình hoạt động Phật sự trong 10 năm qua

16:30 - Chiếu phim sinh hoạt ngày An Vị Phật Niệm Đường Viên Giác của 10 năm về trước và những hình ảnh sinh hoạt trong thời gian qua.

19:00 - Cơm tối

20:00 - Sinh hoạt chung và sau đó chấm dứt chương trình.

Ghi chú: Ngày hôm sau 3/4/88 là lễ định kỳ của chùa và có đài truyền hình ZDF đến quay hình.

Kính mong Quý Vị tham gia đông đủ.



Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Chi bộ Tây Đức

Chùa Viên Giác, Eichelkampstr.35a, 3000 Hannover 81. Tel. 0511-864638

Phật lịch 2531-Hannover ngày 2 tháng 3 năm 1988

Kính gửi:

- Quý Thầy, quý Cô trụ trì các Chùa, các Niệm Phật Đường và Tịnh Thất tại Tây Đức

- Quý vị trong Ban Chấp Hành Hội Phật Tử và các Chi Hội Phật Tử địa phương trực thuộc Hội Phật Tử VNTN tại Tây Đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch quý Thầy, quý Cô,

Kính thưa Quý vị,

Để ghi lại những sinh hoạt Phật sự tại Tây Đức trong suốt thời gian qua, năm nay chúng tôi định cho xuất bản quyển sách song ngữ Việt-Đức với nhan đề là “Hình ảnh 10 năm sinh hoạt Phật Giáo Việt Nam tại Tây Đức”. Vì thế chúng tôi mong mỏi có sự cộng tác của Quý Thầy, quý Cô trong Chi Bộ cũng như Ban Chấp Hành Hội Phật Tử và các Chi Hội địa phương gồm những phần chính sau đây:

1. Viết và giới thiệu về Chùa hay Niệm Phật Đường cũng như Tịnh Thất trong mọi hoạt động tại địa phương về các lễ Phật Đản, Vu Lan, Tết Nguyên Đán, Đám Cưới, Đám Tang, những công tác Từ Thiện, Văn Hóa, Xã Hội v.v... (Bài viết này không quá 10 trang đánh máy khổ A5, theo mẫu đính kèm).

2. Những nơi nào chưa có Quý Thầy, Quý Cô hay Niệm Phật Đường hoặc Tịnh Thất, xin các Chi Hội tường thuật đầy đủ như phần 1 ở trên.

3. Mỗi một sinh hoạt của mỗi năm, từ ngày thành lập cho đến ngày nay (1988) chúng tôi mong muốn nhận được một hình ảnh đính kèm, có ghi chú bên dưới và phía sau bức hình theo số thứ tự để dễ nhận diện. Hình đen trắng hoặc hình màu cũng được. Cỡ hình được giới hạn là 9cm x 13cm. (Tất cả hình không quá 30 tấm).

4. Tất cả những điểm 1, 2 và 3 bên trên ngoài phần tiếng Việt chúng tôi xin yêu cầu Quý Vị dịch sang tiếng Đức và đánh máy theo mẫu đính kèm để chúng tôi bớt tốn thì giờ trong việc soạn thảo lại. Phần tiếng Việt và tiếng Đức xin ghi rõ ràng tên người viết và người dịch phía dưới bài.

5. Thời gian in sách được dự định vào cuối năm 1988 này. Vì thế chúng tôi cần tất cả những tài liệu và hình ảnh trên của các Chùa, các Niệm Phật Đường, các Tịnh Thất, Ban Chấp Hành Hội Phật Tử và các Chi Hội địa phương từ nay cho đến 30.9.88 là hạn chót. Kính mong Quý Vị lưu tâm cộng tác cho.

Đây là một tập tài liệu bằng hình ảnh ghi lại các sinh hoạt Phật sự tại Tây Đức trong 10 năm qua để giới thiệu với người Đức cũng như người Việt Nam hay những ai muốn nghiên cứu về sự hình thành cũng như phát triển của Phật Giáo chúng ta tại Tây Đức này, nên chúng tôi kêu gọi Quý Thầy, Quý Cô và BCH Hội PT cũng như các Chi Hội địa phương cố gắng hoàn thành những yêu cầu của chúng tôi bên trên càng sớm càng tốt. Đó là những việc cần phải làm của Phật Giáo chúng ta tại nước Đức nói riêng và Hải Ngoại nói chung vậy.

Lời cuối, xin nguyện cầu Quý Thầy, Quý Cô pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ, Quý vị trong BCH Hội PT và các Chi Hội được sở cầu như nguyện.

Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát

TM. CBPGVN tại Tây Đức

Chi Bộ Trưởng

Thích Như Điển

Trụ Trì Chùa Viên Giác



Congregation der Vereinigten Vietnamesischen Buddhistischen Kirche

Abteilung in der Bundesrepublik Deutschland - gemeinnütziger Verein e.V

C/O PAGODE VIEN GIAC, EICHELKAMPSTR.35A, 3000 HANNOVER 81 - TEL. 0511-864638

Hannover, den 28 März 1988

EINLADUNG ZUR JUBILÄUMSFEIER

Sehr geehrte Damen und Herren!

Wir freuen uns, Ihnen heute mitteilen zu dürfen, daß die VIEN GIAC Pagode am 23. April 1988, anläßlich des 10-Jährigen Bestehens des vietnamesischen Buddhismus in der Bundesrepublik Deutschland, eine Jubiläumsfeier veranstaltet. Zudiesem feierlichen Anlaß möchten wir Sie herzlich einladen. Die Veranstaltung findet statt:

Um 15 Uhr, am Sonnabend, den 23. April 1988

In der VIEN GIAC Pagode,

Eichelkampstr. 35a, 3000 Hannover 81

Ende gegen 18 Uhr

Es wird außerdem ein kulturelles Beiprogramm mit musikalichen Darbietungen einiger Jungbuddhisten -Familien in Niedersachsen, zudem wir Sie ebenfalls herzlich einladen.

Bitte teilen Sie uns mit, ob Sie an unserer Jubiläumsfeier teilnehmen können. Für Ihre Kenntnissnahme und Bemühung bedanken wir uns bei Ihnen sehr herzlich.

Mit freundlichen Grüßen

Abt der VIEN GIAC Pagode

PROGRAM

DER 10-JÄHRIGEN JUBILÄUMSFEIER

AM 23. APRIL 1988

IN DER VIEN GIAC PAGODE

Beginn der Jubiläumsfeier gegen 15 Uhr

Drachentanz zur Begrüßung

- Begrüßungsrede von Rev. Thich Nhu Dien (Abteilungsleiter der C.V.B.D: in der Bundesrepublik Deutschland & Abt der VIEN GIAC Pagode)

- Dias-Vorführung über die Geschichte des 10-Jährigen Vietnam-Buddhismus in Deutschland

- Glückwünschreden der Vertrettung der Landesregierung, der kommunalen Politiker, der caritativen Verbände, der Kirche, der Schulen, der öffenlichen Institutionen ...

- Beisamensein beim Tee und traditionellen Süßigkeiten samt musik. Einlagen Ende der Jubiläumsfeier gegen 18 Uhr !

Bitte hier abtrennen

Nam und Vorname: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Adresse: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 Ich nehme teil.

 Ich nehme nicht teil.

***

Chương Trình Chi Tiết Lễ Kỷ Niệm 10 Năm

Phật Giáo Việt Nam Tại Tây Đức

Ngày 2.4.1988 Tại Chùa Viên Giác Hannover

14.50 : Thị Chơn mời quý Đạo Hữu vân tập vào Chánh điện

14.55 : Cung thỉnh Chư Đại Đức Tăng Ni quang lâm Chánh điện

15.00 : Thị Chơn đọc qua chương trình lễ

- Cung thỉnh Đại Đức trụ trì ban Đạo Từ nhân dịp lễ kỷ niệm 10 năm Phật Giáo Việt Nam tại Tây Đức

15:30 : Đại diện phát biểu cảm tưởng

16.00 : Chiếu phim sinh hoạt 10 năm qua

17.00 : Nghỉ giải lao, ăn bánh uống trà

17.45 : Múa lân, Vũ

18.45 : Bế mạc chương trình kỷ niệm

19.00 : Dùng cơm tối

20.00 : Sinh hoạt chung, văn nghệ cộng đồng

21.30 : Chấm dứt chương trình

Kỹ thuật tổng quát:

Âm thanh: Thị Chơn (chiều và tối)

Điều khiển chương trình: Thị Chơn (chiều và tối)

Quay phim: Anh Hưng và Anh Triết

Chụp hình: Anh Như Thân và Anh Việt

Chiếu phim: Thị Chơn và Thị Hiện (Berlin)

Kỹ thuật múa, vũ: Cô Diệu Hiền, Thị Nguyện, Thị Nhơn và Ban HT GĐPT Tâm Minh

Kỹ thuật tổng quát: Chú Thị Tín, Chú Quảng Ngộ, Anh Thị Chánh và HT GĐPT Tâm Minh (như việc sắp bàn ghế cho quý Thầy, Cô, và dọn...)

Dụng cụ âm nhạc: Đàn của Đức Thụ mang đến, tập nhạc sinh hoạt của GĐPT Tâm Minh ...

10 NĂM PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Thích Như Điển

Năm nay chùa Viên Giác tại Hannover tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập vào ngày 2 tháng 4 năm 1988. Vì thế chúng tôi có bài viết này để gởi đến quý vị, nhằm trình bày cũng như lược thuật những gì đã xảy ra trong 10 năm qua tại đất Hannover này nói riêng và Tây Đức nói chung qua 10 điểm phân tách sau đây để quý vị lãm tường.

1. Thời gian

Yếu tố đầu tiên mà chúng tôi muốn nói đến là thời gian. Tục ngữ Âu Châu hay Á Châu định nghĩa về thời gian như sau: “Thời gian là vàng bạc.” “Thời gian trôi qua sẽ không bao giờ trở lại.” “Thời gian và thủy triều chẳng đợi chờ ai.” v.v... Cứ từ đó mà nhìn, chúng ta thấy rằng thời gian quý là dường nào. Những gì đã xảy ra rồi thì sẽ không lặp lại giống hệt như những gì đã xảy ra nữa. Vì mỗi sát na, mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ là một sự chuyển động không ngừng của vũ trụ vạn hữu vậy.

Nếu so với một thế kỷ gồm 100 năm. Mỗi năm có 365 ngày thì 10 năm cũng chưa đáng là bao so với thiên nhiên và vũ trụ, đất trời. Nhưng nếu lấy 10 năm so với 1 năm hoặc ít hơn nữa, thì thời gian ấy có vẻ dài lâu. So sánh như vậy để thấy rằng lâu hay mau là tùy theo sự quan niệm của mỗi người và mỗi hoàn cảnh vậy. Ví dụ như chư Thiên có tuổi thọ 10.000 năm so với chúng ta chỉ sống trong ngoài 100 năm, thì đời sống của chúng ta quá ngắn ngủi thật. Cũng như vậy, nếu so sánh lịch sử Phật Giáo từ khi khởi nguyên cho đến ngày nay trải qua hơn 2.500 năm với 10 năm của Phật Giáo Việt Nam hiện hữu tại xứ Đức này quả thật nhỏ bé vô cùng.

Tuy nhiên, muốn có tương lai, không thể thiếu hiện tại và quá khứ. Cho nên, dầu hiện tại là một hạt nhân nhỏ đi chăng nữa, nó cũng sẽ là một nhân tố quan trọng cho bao sự thành đạt cũng như phát triển sau này.

Mười năm trôi qua thật nhanh hơn điều chúng tôi dự tưởng. Những gì chúng ta chờ đợi, thường thấy thời gian hay kéo dài ra. Những gì chúng ta cố gắng thâu ngắn thời gian lại, thường thời gian càng đến nhanh hơn như chúng ta dự tưởng.

Nhìn lại quãng đường 10 năm đã đi qua của Phật Giáo Việt Nam tại xứ Đức quả chưa có gì cả để trình bày với quý vị nơi đây, nhưng chúng tôi sẽ lần lượt đi vào chiều sâu trong từng chi tiết một.

2. Hoàn cảnh

Nếu không có ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì có lẽ ngày hôm nay người Phật Tử nói riêng hay người Việt Nam nói chung không có mặt tại xứ Đức này, hay bất cứ một nơi nào trên thế giới. Nếu có đi chăng nữa, cũng chỉ đến du lịch, học hành rồi trở lại quê hương sinh sống làm ăn, chứ không định cư khắp nơi trên quả địa cầu như chúng ta trong hiện tại.

Người Do Thái sau gần 2.000 năm mới trở lại được quê cha đất tổ. Trong khi sống tại xứ người họ đã chúc nhau “mai này sẽ gặp nhau tại Thánh địa Jerusalem”. Và điều đó đã trở thành sự thật. Người Việt Nam cũng thế. Khi gặp nhau, thường chúc nhau “mai này chúng ta cùng về Việt Nam”.

Chim có tổ, người có tông, loài người không thể thiếu quê cha đất tổ. Ngày nay người Việt Nam sống khắp nơi trên quả địa cầu chẳng biết là niềm vui hay nỗi buồn. Nhưng theo Phật Giáo, đây có lẽ là một cộng nghiệp mà người Việt Nam phải đền trả vậy.

Cũng vì hoàn cảnh 30.4.1975 nên nhiều người trong nước đã chạy ra nước ngoài lánh nạn Cộng Sản, cộng thêm những người ra đi khỏi nước trước năm 1975 để học hành, tu niệm, không về nước được, nên cũng phải cùng chung số phận với bao nhiêu người Việt Nam khác tạm sống nơi xứ người, để mong rằng một ngày nào đó sẽ trở lại quê hương. Trong số người đó có chúng tôi.

Bản thân mình là một Tăng sĩ của Phật Giáo, vừa là một người Việt Nam tỵ nạn, nên trong tôi có hai vấn đề phải quan tâm. Đó là Đạo Pháp và Dân Tộc. Đối với Đạo Pháp, người Tăng sĩ có bổn phận phải hoằng truyền giáo pháp của Như Lai. Vì đó cũng là báo đáp công ơn cha mẹ và Thầy Tổ vậy. Đối với Dân Tộc, là một Tăng sĩ bao giờ cũng phải biết rằng vận mệnh của Đạo Pháp luôn luôn nối liền với vận mệnh của Dân Tộc. Vì thế tuy hai mà một, tuy một mà hai.

Ngày xưa khi Trung Hoa có loạn phương Bắc, các nhà Sư Trung Hoa chạy sang Việt Nam để lánh nạn, dần dà sau đó chính những nhà Sư này đã cống hiến cho Dân Tộc Việt Nam của chúng ta những di sản văn hóa, nghệ thuật cũng như tinh thần từ bi bác ái của Đạo Phật. Đó chẳng phải là những điều tốt hay sao?

Các nhà Sư Ấn Độ ngày xưa qua Việt Nam chúng ta bằng con đường hàng hải trên những chuyến thương thuyền của người Ấn trong việc cầu nguyện mưa thuận gió hòa, rồi dần dần ảnh hưởng của Phật Giáo đã có tại xứ ta lúc bấy giờ.

Ngày nay chúng ta cũng làm thân tỵ nạn, chúng ta cũng đang sống tạm tại xứ Đức này và cũng chính nhờ cơ hội đó mà chúng ta mang được Đạo Phật vào đây. Chúng ta đến đây vì hoàn cảnh tỵ nạn, nhưng chúng ta cũng không quên đóng góp mặt cho dân tộc Đức những tinh hoa của văn hóa Phật Giáo và văn hóa Dân Tộc cho xứ này, chẳng khác nào trong vườn hoa đầy hoa thơm cỏ lạ, lại có thêm được một loài hoa quý từ phương xa mang tới. Hẳn nhiên những người bạn Đức của chúng ta phải vui hơn là buồn. Đành rằng những người bạn Đức của chúng ta phải chia sẻ với chúng ta một ít tự do, một ít vật chất lúc ban đầu để chúng ta sinh sống, nhưng bù lại, chúng ta đã, đương và sẽ cống hiến cho xứ Đức này những gì tốt đẹp nhất để đền đáp lại những cảm tình mà người Đức đã đối xử với chúng ta.

3. Địa thế

Người ta thường bảo “Đất lành chim đậu.” Câu nói ấy có nghĩa là nơi nào có tự do, có hòa bình là nơi ấy có những người yêu tự do sinh sống và làm việc. Nơi nào không yên ổn thì người ta có quyền lựa chọn một nơi khác xứng đáng để ở vậy.

Có những loài chim khôn khi đến mùa lạnh lại bay đến xứ ấm để ẩn thân, khi trời ấm áp trở về trên quê hương của đàn chim ấy, thì chim lại kéo nhau từng đoàn để trở lại cố hương. Loài vật còn biết vậy, huống nữa là người. Chúng ta có trí tuệ, hẳn chúng ta phải khác hơn loài chim nhiều chứ không chỉ như thế.

Có nhiều người Đức hỏi chúng tôi rằng: “Ông thấy ở Đức như thế nào?” Câu trả lời đương nhiên là có nhiều lối. Nhưng tựu trung được đáp lại như sau: “Tôi rất hài lòng ở nơi đây nhưng tiếng Đức khó quá và trời mùa Đông lạnh quá.” Những ai sinh trưởng ra nơi ấm áp, hẳn phải gồng mình chịu lạnh mỗi độ Đông sang tại xứ này. Và ngược lại cũng thế, nếu người Đức đi đến xứ Phi Châu hoặc Á Châu có lẽ họ cũng sẽ không chịu được cái nóng bức tại những nơi đó.

Còn ngôn ngữ thì sao? Có lẽ ai trong chúng ta cũng phải thừa nhận rằng tiếng Đức là một loại sinh ngữ khó nhì, ba trên thế giới. Không những khó về cách phát âm mà khó cả đến văn phạm và cách dùng chữ nữa. Đối với những trẻ em nước ngoài sinh ra và học hành tại xứ Đức ít có gặp khó khăn về ngôn ngữ, nhưng ngược lại về tiếng mẹ đẻ thì chúng có phần yếu kém hơn nhiều.

Khí hậu, địa thế, ngôn ngữ, phong tục, tập quán v.v... chẳng qua là thói quen của con người. Nếu một người sinh ra tại một nơi nào đó trên quả địa cầu này, chắc hẳn họ phải chấp nhận hơn là so sánh với nơi này hay xứ nọ, chỉ trừ những người đã ở xứ nóng rồi thì mới sợ lạnh và ngược lại cũng thế. Còn những gì đã an bài con người thường hay vui vẻ mà chấp nhận.

Chúng tôi vẫn thường bảo với những người chung quanh rằng ở đây xứ lạnh có lẽ cây Bồ Đề khó đâm chồi nảy lộc được như ở các xứ Á Châu. Cây Bồ Đề có nghĩa là cây giác ngộ. Cây ấy chính Đức Phật đã mang trồng từ xứ Ấn Độ qua Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và ngày nay những người Đệ Tử của Ngài đã mang cành cây ấy đi trồng ở trời Tây này. Nếu chúng ta trồng ngoài trời không được thì trồng trong nhà, có sao đâu. Có người bảo tôi như thế. Mà quả thật đúng vậy. Vì loài người cần sưởi ấm vào đông, thì vạn vật cũng phải cần hơi ấm chứ. Có thể trồng cây Bồ Đề nơi xứ lạnh tốn công hơn xứ nóng, nhưng hy vọng, dầu trồng trong phòng hay ở bất cứ nơi đâu, rễ và lá cây Bồ Đề ấy cũng sẽ được mọc dài ra và cành lá lại sum sê hơn nữa.

4. Tình người

Loài vật còn biết che chở cho nhau khi đông về giá lạnh. Chúng thường hay tụ tập từng đoàn, quây quần bên nhau để nương hơi thở với nhau, huống nữa là loài người. Vì thế tôi thường bảo: “Ở xứ Đức lạnh, nhưng tình người lại ấm lắm.” Không ấm sao được, khi chúng ta không cùng màu da, huyết thống, ngôn ngữ, tập tục, mà họ đón nhận chúng ta vào đây để tỵ nạn, giúp đỡ cho chúng ta mọi điều, thì còn đòi hỏi gì hơn nữa. Chúng tôi vẫn thường nói rằng: “Nếu một mai đây, biết đâu thế thường thay đổi, người Đức sẽ đi tỵ nạn, nước Việt Nam chúng ta hòa bình, không biết lúc ấy chúng ta có đón nhận người Đức như người Đức đã đón nhận chúng ta trong hiện tại hay không? Hay lúc đó cánh cửa tình thương của chúng ta lại khép kín, nhường chỗ cho ích kỷ và tư lợi cá nhân?!” Câu trả lời thường là cái mỉm cười, vì chuyện gì của tương lai chưa xảy ra nên họ không biết được. Nhưng với tinh thần Phật Giáo thì có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ quên ơn ấy. Vì Đức Phật có dạy rằng: Đang đi trong sa mạc, nếu có lần núp nắng dưới bóng cây, là đệ tử của Phật, phải nhớ ơn cây ấy bằng cách lấy nước tưới vào thân cây vậy. Đối với thực vật người Phật Tử còn có tình thương thay. Huống lại là tình người như người Đức nói riêng hay nhân dân tự do của thế giới ngày nay nói chung đã giúp đỡ người tỵ nạn Việt Nam chúng tôi như vậy.

5. Văn hóa

Theo Việt Nam tự điển của Thanh Nghị định nghĩa: Văn là văn minh, hóa là sự giáo hóa. Như vậy văn hóa nghĩa chung là sự giáo hóa của văn minh vậy.

Á Châu có văn minh của Phật Giáo, Khổng Giáo và Lão Giáo. Ba tôn giáo này đã tồn tại qua 25 thế kỷ tại Á Châu.

Âu Châu cũng có nhiều nền văn hóa của Ai Cập, La Mã và Thiên Chúa Giáo. Trong 3 trào lưu văn hóa này, chúng tôi nhận thấy rằng các Dân Tộc Âu-Mỹ ảnh hưởng rất sâu đậm trong đời sống hằng ngày bởi văn minh và văn hóa của Thiên Chúa Giáo rất nhiều và dù muốn dù không Thiên Chúa Giáo cũng đã đóng góp một vai trò quan trọng tại nơi đây.

Ngày nay có nhiều nước chỉ có văn minh mà không có văn hóa. Văn minh được định nghĩa là văn vẻ, dáng vẻ. Minh có nghĩa là sáng sủa. Nói chung lại văn minh là cái văn vẻ, sắc thái sáng sủa, lối sinh hoạt của loài người khi đã ra khỏi thời kỳ man muội, khi đã được khai hóa tới chỗ sáng sủa. Văn minh gồm những lý thuyết, tư tưởng, phong tục, tập quán của nhân loại sống trong xã hội đã được tổ chức mà con người đã biết giao hảo với nhau thường thường (theo Thanh Nghị - Việt Nam Tự Điển). Như vậy trong văn hóa đã bao hàm ý nghĩa của văn minh rồi. Nếu văn minh mà không có sự giáo hóa của đạo đức thì văn minh đó vô cùng nguy hiểm. Nhưng ở đây, các nước Âu Châu, nhất là nước Đức đã có một nền văn hóa tổng hợp, nên thế đứng khá vững vàng suốt trong dòng lịch sử vừa qua và hy vọng trong tương lai sẽ triển khai nhiều hơn nữa với sự dung hợp các trào lưu tư tưởng của văn hóa Á Châu, trong đó có văn hóa Phật Giáo, văn hóa của tình thương, của bất bạo động và bình đẳng trong mọi lãnh vực của cuộc đời.

Thật ra Phật Giáo đã có mặt tại xứ Đức này vào hậu bán thế kỷ 19 chứ không phải cho đến nay mới hiện hữu. Nhưng giai đoạn đầu chỉ là giai đoạn tiếp xúc, làm quen với văn hóa tại đây. Có thể cả hàng bao nhiêu thế kỷ nữa Phật Giáo mới ảnh hưởng sâu rộng tại xứ này. Nhưng như trên đã trình bày nếu không có những viên gạch đầu tiên ấy, thì nền tảng của Phật Giáo tại đây sẽ không có được. Cũng như Đạo Phật đã truyền vào Trung Hoa từ thế kỷ I mà mãi đến thế kỷ VI mới phát triển mạnh mẽ tại đó và tại Việt Nam cũng thế, mặc dầu Đạo Phật đã truyền vào đây từ thế kỷ I nhưng mãi đến thế kỷ IX và X mới triển khai hết được văn hóa của Phật Giáo kể từ khi du nhập cho đến triều đại Lý, Trần.

Ở Âu Châu đã có văn hóa của 3 trào lưu tư tưởng bên trên làm gốc, nếu có thêm được văn hóa Phật Giáo góp mặt vào, quả thật đấy là một phước duyên cho những dân tộc Âu Châu này, trong đó có nước Đức.

6. Tôn giáo

Như trên đã trình bày văn hóa chính của Âu Châu nếu không có sự góp mặt của Thiên Chúa Giáo thì văn minh và văn hóa ở đây có một khoảng trống to lớn vô cùng.

Các nhà làm chính trị ngày nay thường hay nói: “Tôn giáo biệt lập khỏi chính trị.” Có lẽ vì ngày xưa tôn giáo đã xen vào chính trị hơi nhiều, nên ngày nay người ta muốn độc lập chăng? Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng khi văn minh của loài người chưa tiến bộ, nhất là về phương diện khoa học, kỹ thuật như ngày nay, thì tôn giáo ở những giai đoạn về trước quả thật rất cần thiết. Nếu khoa học phát triển mà tôn giáo dừng lại thì chính tôn giáo đó phải đặt lại vấn đề để tiến thân. Nếu không, tôn giáo đó sẽ bị bánh xe luân chuyển của dòng đời cuốn phăng vào sự chi phối của tạo vật. Nếu khoa học càng tiến triển bao nhiêu mà những giáo điều của tôn giáo ấy còn có giá trị thì chúng ta nên tiếp tục thừa hưởng giá trị tinh thần này mà phát triển hơn lên.

Người Việt Nam khi đến tỵ nạn tại xứ Đức đã mang theo một Đạo. Đó là Đạo Phật. Có nhiều người Âu Châu chưa hiểu Đạo Phật là gì nên có vẻ còn dè dặt và hồ nghi. Điều đó cũng có lý thôi. Vì Phật Giáo quá mới mẻ tại quê hương này. Nhưng có một điều đáng mừng là dầu cho tôn giáo nào đi nữa các đấng giáo chủ của họ cũng đã dạy họ rằng: Hãy tự yêu thương chính mình và hãy yêu thương đồng loại như chính thân mình. Vì thế, dầu chúng ta có khác tôn giáo với nhau đi chăng nữa, chúng ta cũng có thể sống hòa mình với nhau trong một quốc gia để phát triển quốc gia ấy.

Phải thành thật quan niệm rằng: Sự hiện hữu của tôn giáo không phải là một gánh nặng của quốc gia mà còn ngược lại là đằng khác. Vì tôn giáo sẽ giúp cho tín đồ hiểu được nhân quả luân hồi, biết được tội lỗi và phước thiện, giúp đỡ, cải thiện con người xấu trở thành tốt, làm cho an ninh trật tự của xã hội được yên ổn, há điều ấy không ích lợi sao?

Phật Giáo luôn luôn hiếu hòa và chủ trương từ chối bạo lực. Do đó Phật Giáo sẽ là một chất liệu dưỡng sinh cho bao nhiêu tâm hồn biết hướng thượng vị tha. Chúng ta cũng không nên sợ vì sự hiện diện của tôn giáo khác mà giá trị hoặc tín đồ của tôn giáo mình lại kém đi. Nếu quả thật như vậy thì chính tôn giáo của mình cần xét lại.

Chúng tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa là Phật Giáo không chi phối ai cả, mà chỉ nhằm tô bồi và cống hiến những tinh hoa của Phật Giáo và Dân Tộc cho xứ ấy mà thôi. Đó là đặc điểm của Phật Giáo vậy.

Chúng tôi cũng vô cùng cảm ơn quý vị Đại Diện các cơ quan Caritas, Tin Lành v.v... đã không phân biệt tôn giáo mà giúp đỡ chúng tôi trong nhiều phương diện để hiện hữu với quý vị cho đến ngày hôm nay vậy.

7. Chính trị

Người Nhật thường bảo rằng: “Nếu kẻ nào không có thủ đoạn thì không nên làm chính trị.” Nếu quả thật chính trị là những sự lừa lọc, bạc đãi như vậy thì người làm Tôn Giáo không nên làm chính trị. Vì Tôn Giáo khước từ những sự tệ hại đó. Nhưng nếu đem phân tách từng chữ theo nghĩa của chữ Hán thì chúng ta sẽ thấy như sau: Chính là chính sách, chính đáng, những việc cần phải làm. Trị là giữ yên. Như vậy định nghĩa chung lại chúng ta sẽ thấy rằng: Chính trị là giữ yên một sự chính đáng. Đó gọi là chính trị. Nhưng người đời nay quan niệm về chính trị một cách sai lầm, nên khi nghĩ đến chính trị tức đồng hóa với những thủ đoạn, lừa đảo đối phương, để khi thắng thế thì lên nắm quyền.

Cũng vì chính sách không công bằng, không tự do, tôn giáo bị đàn áp do người Cộng Sản Việt Nam chủ trương nên chúng ta mới bỏ quê cha đất tổ để ra đi tìm tự do. Nếu người Cộng Sản biết dừng lại những chính sách phi chính trị thì dân tộc chúng ta đã không lầm than khổ sở như ngày hôm nay. Thân phận chúng ta chẳng khác nào một quả bóng đá. Người ta để yên, chúng ta yên. Người ta đuổi thì chúng ta bị động. Hãy xem mấy trăm ngàn người Việt hiện đang tạm cư tại các nước Đông Nam Á Châu thì rõ. Mà ngay cả thân phận của chúng ta ở đây cũng vậy. Vì ở đây dẫu có được bình an, chúng ta vẫn là những người ngoại quốc. Mà đã là người ngoại quốc thì có kẻ thương người ghét. Nhưng dầu thương hay ghét chúng ta vẫn sẵn sàng cống hiến những tinh hoa của Phật Giáo cho xứ này như là một hình thức đóng góp những gì quý báu nhất cho quê hương nơi chúng ta đang tạm dung thân, nhằm đáp lại phần nào tấm chân tình mà người Đức đã đối xử với chúng ta trên đường đi tỵ nạn.

Kẻ nào chưa mất quê cha thì không thể nào biết được thế nào là sự ray rứt khi không trở lại thăm quê hương mình được, mặc dầu quê hương mình vẫn còn đó. Cũng như có khát nước, mới thấy nước là có giá trị. Những người đang ở một nơi yên ổn có thể chẳng hiểu gì về những người trôi nổi trên đại dương để tìm đường sống và cũng thế, trên cuộc đời này cái gì cũng phải thể nghiệm qua chính bản thân mình thì cái ấy có giá trị đích thực hơn.

8. Nhân sự

Bất cứ trong một tổ chức, một đoàn thể nào, vấn đề nhân sự là một vấn đề then chốt nhất.

Ngày 22 tháng 4 năm 1977, một mình một bóng tôi đã đến xứ này, với bao nhiêu điều mới lạ phải học và làm quen, từ ngôn ngữ, khí hậu, phong tục, tập quán, cho đến việc nơi ăn, chốn ở v.v... Đã có những lúc tôi muốn trở lại Nhật để tiếp tục con đường học hành tu niệm, nhưng rồi thời gian qua đi mang theo biết bao nhiêu sự suy nghĩ. Cuối cùng, tôi đã ở lại nơi đây.

Mới đến Đức, tôi đi một vòng thăm các Hội Sinh Viên Việt Nam lúc bấy giờ tại các thành phố lớn như Kiel, Hannover, München, Stuttgart, Berlin, Aachen, Köln, Dortmund v.v... để dò xét tình hình. Sau một vòng đi du thuyết và tìm hiểu sự tình như vậy, tôi đã trở về phòng trọ trong cư xá sinh viên ở đường Projendorfstr. tại Kiel, ở đó và tiếp tục học tiếng Đức để vào Đại Học sau này.

Cuối cùng Đại Học Giáo Dục Hannover đã có chỗ ghi danh và tôi về đây để học. Đó là lý do chính tại sao tôi chọn đất Hannover để lập chùa mà không chọn những nơi khác.

Đến Hannover vào tháng 2 năm 1978 để lo chuyện học hành. Lúc bấy giờ tôi chưa nghĩ đến chuyện lập Niệm Phật Đường hay chùa chiền gì cả. Nhưng có một số anh em sinh viên Việt Nam đề nghị là nên làm cái gì đó cho có nơi chốn để Phật Tử đến lễ bái nguyện cầu, nên mới chung sức cùng nhau đóng góp mỗi người 10 đồng, 20 đồng, thuê một nơi tại đường Kestnerstr. số 37 để làm chỗ ở và nơi lễ bái cho Phật Tử Việt Nam.

Một tượng Phật độ cao chừng 30 cm tôi đã thỉnh từ chùa Khánh Anh bên Pháp về, một bàn thờ nho nhỏ xinh xinh ba tầng, tượng trưng cho 3 ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng, đã được sửa soạn xong xuôi đâu đó, tôi thảo giấy mời gởi đến một số Phật Tử quen biết mời về tham dự lễ An vị Phật Niệm Phật Đường Viên Giác tại Hannover. Hôm đó là ngày 2 tháng 4 năm 1978 và đến 2.4.1988 này là đúng 10 năm. Lễ An vị Phật vào ngày đó có Thượng Tọa Thích Minh Tâm, tọa chủ chùa Khánh Anh tại Pháp đến chứng minh buổi lễ và có chừng 20 Phật Tử đến tham dự lễ này.

Diện tích căn phòng rộng độ chừng 20 thước vuông dùng làm chánh điện và một phòng phụ dùng để tiếp khách cũng như chỗ ngủ, nghỉ v.v... Một nhà bếp nho nhỏ, một phòng tắm xinh xinh. Mỗi tháng giá thuê độ chừng 180 Đức Mã. Mùa hè thì trong nhà lạnh hơn ngoài vườn. Mùa đông đến, sưởi bao nhiêu cũng không thấm vào đâu cả. Vì nhà quá cũ. Nhưng được một cái là những người láng giềng Đức quá tốt, không có một tiếng nhỏ to với chúng tôi. Mặc dầu đôi khi có lễ lộc hay làm ồn họ.

Năm 1978 nhân sự rất ít, nhưng sau 10 năm số nhân sự ấy có thể nhân lên 100 hoặc 1000 lần nữa. Nếu tôi kể hết vào đây chắc rằng giấy mực sẽ không đủ chỗ để dung chứa. Mong rằng những vị đã, đương và sẽ đóng góp cho sự phát triển của Phật Giáo tại xứ này hiểu và thông cảm cho tôi điều này.

Phật sự ngày nay tại Tây Đức có vững vàng hay không, đều lệ thuộc vào những nhân tố chính bên trên. Nếu không có được sự thống nhất ý chí, giúp đỡ tận tình, hy sinh xả kỷ của mọi người, chắc rằng tôi vẫn chưa hoặc không làm nên được một việc gì cả tại xứ này.

Một chiếc xe dầu đầu máy có mạnh bao nhiêu đi chăng nữa mà kéo theo một số toa xe cũ mục, hư nát, chắc rằng cũng không có lợi ích. Vì thế, sau 10 năm sự thành đạt của Phật Giáo nơi đây là do công sức của mọi người Tăng sĩ cũng như Phật Tử mà có được vậy.

9. Tài chánh

Nếu một chiếc xe có dàn máy tốt mà không có xăng thì sẽ không bao giờ chạy được. Nguồn nhiên liệu ấy rất cần thiết cho việc chuyên chở khách hàng. Nếu định nghĩa Đại Thừa Phật Giáo là cỗ xe lớn để chở hành khách đến nơi an lạc giải thoát của kiếp nhân sinh, thì chiếc xe và nhiên liệu của chùa Viên Giác cũng phải mang ý nghĩa tương tự như vậy.

Người ta thường nói: «Đồng tiền là huyết mạch.» Tiền như dòng máu luân lưu trong cơ thể con người. Nếu máu không chảy về tim trở lại, xem như là sự chết đã gần kề. Ở đây cũng thế, nếu chỉ chuyên tâm làm việc đạo mà không có những yếu tố căn bản ấy để chuyên chở Đạo vào Đời thì cũng giống như máu không chảy trở lại tim vậy.

Tuy nhiên Đức Phật cũng thường hay dạy đệ tử của Ngài rằng: «Tiền là con rắn độc», thật đúng như vậy. Nếu chúng ta biết sử dụng tiền một cách đúng phép thì tiền ấy chính là phương tiện giúp chúng ta thành công mọi việc trong cuộc đời. Ngược lại, nếu chúng ta sống chỉ vì tiền và coi tiền trọng hơn nhân nghĩa, quả thật tiền đã làm hại nhân phẩm của chúng ta rồi. Nên tôi có thể nói, tiền độc hơn rắn độc.

Tăng sĩ Phật Giáo hầu hết đều sống nhờ vào sự cúng dường của Phật Tử. Vì thế một ngôi chùa, một giáo hội có vững mạnh hay không đều lệ thuộc vào năng lực của ngôi chùa đó, giáo hội đó hấp dẫn quần chúng Phật Tử đến độ nào. Nếu một ngôi chùa không có hoạt động hữu hiệu và đáp ứng những nhu cầu cần thiết của quần chúng Phật Tử, quả thật khó tồn tại với thời gian, dầu ở trong nước hay ngoại quốc cũng vậy.

Mười năm về trước, Niệm Phật Đường Viên Giác chỉ là một mái nhà tranh, không bàn, không ghế. Ăn uống, tiếp khách phải ngồi dưới sàn nhà. Lễ Phật phải chịu chen chúc, chật chội. Rồi 10 năm sau, một nơi chốn như tại đây (đường Eichelkampstr. 35a, 3000 Hannover 81) đủ chỗ dung chứa cho 300 Phật Tử lễ bái nguyện cầu cùng một lúc, nhưng cũng trở nên chật chội lạ thường, nhất là khi có những lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan v.v...

Gia sản ngày nay của chùa có được một Thư Viện với trên 2.000 quyển sách đủ loại đạo, đời. Một bộ Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán 100 cuốn. Một nhà máy in của Bộ Nội Vụ Tây Đức giúp. Những tượng Phật, chuông trống bát nhã, chuông trống gia trì và những kinh sách, pháp khí khác đều mang một giá trị vô song, không thể tính bằng tiền được.

Tờ báo Viên Giác ra mỗi 2 tháng 1 lần. Cách 10 năm về trước mỗi lần là 300 số. Bây giờ là 2.700 số. Con số độc giả tăng gấp 9 lần so với 10 năm về trước.

Sở dĩ chúng ta có được những thành quả ấy đều nhờ vào sự giúp đỡ tài chánh của Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Tây Đức, sự cộng tác đắc lực của các biên tập viên báo Viên Giác và phần lớn khác nhờ vào sự đóng góp của các Phật Tử xa gần, nên mới có được như ngày hôm nay.

Giá trị vật chất quý nhưng chưa bằng giá trị tinh thần, sau 10 năm những người hiểu đạo càng ngày càng nhiều hơn qua các kinh sách, báo chí của chùa phát hành cũng như các khóa Giáo Lý và Thọ Bát Quan Trai qua sự hướng dẫn của quý Thầy, quý Cô trong Chi Bộ. Khi niềm tin được củng cố bằng sự hiểu biết về Tôn Giáo của mình thì niềm tin ấy mới vững mạnh được.

Một Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Tây Đức đã được thành hình và các Chi Hội Phật Tử tại các địa phương Aachen, Berlin, Hamburg, Hannover, Münster, Freiburg, Stuttgart, München, Frankfurt, Wiesbaden, Fürth + Erlangen + Nürnberg v.v... đã được thành lập và phát triển không ngừng. Đó là điều đáng quý biết bao.

Một Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo có tầm vóc Liên Bang đã được thành lập và hiện đang giúp đỡ cho đồng bào Phật Tử cũng như không Phật Tử về các vấn đề liên quan đến người tỵ nạn tại đây. Đồng thời Trung Tâm cũng có một vai trò quan trọng trong việc xuất bản các kinh sách Phật Giáo, là sợi dây liên lạc chặt chẽ giữa các tổ chức Việt Nam cũng như người Đức tại xứ này.

Những Gia Đình Phật Tử đã được thành lập. Con em của chúng ta có cơ hội đến chùa để học tiếng mẹ đẻ, tập tụng kinh, lễ bái và sinh hoạt chuyên môn. Đây là hình thức tốt đẹp nhất để bảo tồn và phát huy Văn Hóa Phật Giáo cũng như Văn Hóa Dân Tộc tại xứ người.

Chúng ta là những người tỵ nạn tại xứ này. Đành rằng chúng ta phải hội nhập vào văn hóa và làm quen với văn hóa nơi đây. Nhưng đồng thời chúng ta cũng không được phép quên đi tiếng mẹ đẻ, Tôn Giáo và Văn Hóa của chúng ta. Một Dân Tộc mà không còn ngôn ngữ, văn hóa nữa, tức dân tộc ấy bị đồng hóa rồi, không còn trong ý nghĩa hội nhập nữa.

Giá trị vật chất quan trọng, mà giá trị tinh thần lại còn quan trọng hơn thế nữa. Vì nếu đời sống vật chất cao mà mức sống tinh thần thấp sẽ làm cho giá trị của Đạo Đức và Luân Lý không còn tồn tại nữa. Ngược lại nếu đời sống tinh thần thật dồi dào mà phương tiện vật chất lại thiếu thốn, như vậy tổ chức sẽ không bao giờ phát triển được. Vậy chúng ta có thể nói rằng vật chất và tinh thần phải gắn bó với nhau như nước với sữa, tâm thức và tế bào. Nếu thiếu một trong hai yếu tố ấy thì cơ thể con người sẽ không phát triển được.

10. Triển vọng tương lai

Nhìn quá khứ để biết hiện tại và nhìn hiện tại để biết đến tương lai. Đó là một định luật tuần hoàn của tạo hóa vậy.

Đã 10 năm trôi qua, chúng ta có tất cả trong ý nghĩa tri túc của nó và chắc chắn rằng 10 năm sau nữa sẽ khác với 10 năm đầu tiên tại xứ Đức rất nhiều. Nếu lấy 10 năm đầu tiên ở xứ người để làm chuẩn, chúng ta có thể nói rằng đây là giai đoạn hội nhập, làm quen với đời sống tại đây và 10 năm sau mới là 10 năm phát triển Phật Giáo tại xứ này.

Giai đoạn sắp tới là giai đoạn kiến thiết cơ sở, để có nơi chốn lễ bái thích hợp, đào tạo nhân lực và có chỗ làm việc công quả cho những ai lưu tâm về Đạo.

Nhiều người Việt Nam đã phát tâm xuất gia và chắc chắn rằng còn có nhiều người sắp xuất gia nữa. Có nhiều người Đức cũng đã có cảm tình với người Việt Nam, nên đã tìm cách làm quen với Phật Giáo. Có nhiều người Đức đã quy y theo Đạo Phật. Có nhiều học sinh Trung Học và Đại Học Đức đến ngồi thiền, học hỏi giáo lý của Phật Giáo Việt Nam nói riêng và Đạo Phật nói chung. Đây là niềm vui vậy.

Như trên chúng tôi đã trình bày, Phật Giáo đi vào mỗi dân tộc bằng con đường tự nguyện và cũng chính từ điểm này đã có nhiều người giúp đỡ cũng như hòa nhịp với chúng ta để sống chung trong cùng một lý tưởng. Đó là niềm tin nơi Đức Phật, một sự giải thoát chính tự mình cởi bỏ mọi sự ràng buộc của thế gian, một tình thương vô bờ bến của đấng cha lành muôn thuở luôn cận kề bên cạnh.

Con đường chúng ta đã đi và đã chọn, chúng ta sẽ không lùi bước, hãy cố gắng lên nhiều hơn nữa, để xứng đáng với đại sự này là:

«Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.»

Tương lai có vẻ lạc quan. Vì thế chúng ta hãy hân hoan tiến bước. Hy vọng trên đỉnh núi tương lai kia, chúng ta sẽ bắt gặp những hạt minh châu quý giá nhất của cuộc đời.

Kết luận

Qua 10 thể tài của 10 năm Phật Giáo Việt Nam như trên chúng tôi đã trình bày. Hy vọng đây chỉ là một mô thức nhỏ trong sự thể tổng quát của 10 năm. Nếu quý vị còn có những thắc mắc hoặc những đóng góp ý kiến bổ túc cho những phần trên đây, quả là điều quý giá vô cùng.

Mong rằng với tất cả niềm tin vào tương lai và hiện tại, chúng ta cố gắng sẽ đạt thành những ước nguyện như chúng ta đã vạch sẵn để đi trên con đường từ bi không thù hận ấy.

Lời cuối xin nguyện cầu cho thế giới có một nền hòa bình vĩnh cửu, để biến trần gian thành Cực Lạc, để máu không còn đổ, đầu không còn rơi, mà loài người hãy ngồi gần lại với nhau như huynh đệ đại đồng.

Nguyện cầu cho đất nước Việt Nam sớm thanh bình, không còn cảnh chém giết, cấu xé với nhau như xưa nay nữa mà hãy lấy tình thương để rửa sạch hận thù. Vì chỉ có từ bi mới trừ dứt được oán thù. Nếu oán thù càng chồng chất thì tình thương sẽ không bao giờ thể hiện được.

Nguyện cầu cho tất cả chúng ta hiện ở nơi đây được «chân cứng đá mềm» để chúc nhau như người Do Thái đã chúc nhau trong suốt 2000 năm xa nước, để mong ngày trở lại đất mẹ thân yêu trong bao nỗi nhớ đợi chờ mong.

Xin thành thật cảm ơn quý Đạo Hữu và quý Phật Tử xa gần đã tích cực đóng góp công cũng như của để ngôi Viên Giác Tự bây giờ và mai hậu được thành công viên mãn.

Nam Mô A Di Đà Phật

***
 
KỶ NIỆM 25 NĂM

Ngày xưa khi Kim Trọng quen Thúy Kiều trong duyên hội ngộ có định sẵn và sau 15 năm lưu lạc giang hồ khi Kim - Kiều gặp lại nhau còn bỡ ngỡ, cho nên nàng Kiều mới thốt lên rằng:

“Kể từ sen ngó đào tơ
Mười lăm năm ấy bây giờ còn đâu”

Mười lăm năm biết bao nhiêu là tình và 15 năm ấy biết bao nhiêu là hận sầu, bao lần ly biệt, bao nỗi chua cay. Còn tôi, hôm nay kỷ niệm 25 năm gắn bó với ngôi chùa Viên Giác này, với tờ báo Viên Giác, với quý vị người Việt cũng như người Đức tại một khung cảnh ấm áp tình người như thế này, tôi biết nói gì đây để đáp ứng sự chờ mong của quý vị? Đây là một niềm hạnh phúc, một sự an lạc miên viễn, một cử chỉ cao cả của tất cả mọi người đã dành cho cá nhân tôi, tốt có, xấu có, phũ phàng có mà đầy đủ ý nghĩa của tình người cũng có. Nhân đây tôi xin viết tặng quý vị một câu chuyện đạo đức mà tôi đã đọc được trong báo Nguồn Đạo số 56 xuất bản vào mùa Phật Đản năm 2546 (2002) tại Washington DC, Mỹ Quốc. Câu chuyện được bắt đầu kể rằng:

“Gia đình nọ có một người con rất khó dạy, bản tính của hắn ta hay nóng nảy, cãi cọ với người thân và hàng xóm thường xuyên, nhưng khó ai có thể sửa đổi hắn ta. Một hôm người cha muốn dạy con, nên gọi vào phòng và bảo:

- Này con! Con hãy đến lấy túi đinh, ba để nơi góc đó, mỗi ngày mang ra bức tường bằng gỗ ở sau nhà để đóng vào đó.

- Để làm gì vậy ba? Người con hỏi.

- Thì như con biết đó, con hay nóng giận với mọi người nhiều khi vô cớ nữa. Cứ mỗi lần con giận, con đóng vào đó một cây đinh.

- Rồi sao nữa ba?

- Rồi con sẽ biết.

Ngày đầu người con đóng vào tường gỗ tổng cộng là 37 cây đinh. Anh ta thấy xấu hổ quá. Đến ngày hôm sau anh ta kềm giữ cơn giận và anh ta chỉ đóng vào đó có 30 cây. Anh ta thấy tiến bộ rõ rệt và mình có thể kềm chế tiếp tục. Đến ngày thứ 10 thì chỉ còn có mấy cây thôi và ngày thứ 15 thì anh ta rất vui vẻ để khoe với Ba anh ta rằng:

- Ba ơi! Cho đến hôm nay thì con không còn phải đóng một cây đinh nào vào bức tường gỗ phía sau nhà cả.

Người cha bảo rằng:

- Con ngoan! Thật con đã làm một chuyện vĩ đại, nhưng này con, con hãy cảm phiền làm thêm một chuyện khác nữa.

- Chuyện gì vậy Ba?

- Mỗi ngày con không còn nóng giận thì con hãy nhổ ra một cây đinh.

- Việc ấy dễ thôi mà! Con sẽ cố gắng.

Đến một ngày nọ người con rất hớn hở khoe với Ba rằng:

- Con đã nhổ hết sạch rồi Ba ơi!

- Tốt lắm! Con ngoan của Ba.

Đoạn ông dẫn cậu ta ra gần bức tường và bắt đầu hai cha con nói chuyện.

- Con thấy đó, mặc dầu con đã cố gắng nhổ hết tất cả những cây đinh con đã đóng vào đấy. Có nghĩa là những sân si, phiền não của con không còn nữa. Nhưng con thấy đó, sau khi rút đinh ra, tại chỗ này chỗ kia vẫn còn lưu lại những dấu vết đó, làm sao xóa nhòa được.

Người con bừng tỉnh và thưa Ba:

- Vậy con phải làm sao đây?

- Con chẳng cần phải làm sao cả! Nhưng con thấy đó, những sân hận, khổ đau, tội lỗi, nóng giận, nếu có sửa đổi đi chăng nữa, những vết tích của sự khởi lên lòng sân hận, si mê vẫn còn đó, dẫu cho con có hối cải. Vậy thì từ nay về sau con nên khởi lên những niệm lành và những niềm vui để mang đến cho mọi người chung quanh, thì chính những việc tác ý đó, nó sẽ xóa tan đi những vết sẹo trong lòng con và nó sẽ để lại nhiều dấu ấn tốt trong lòng mọi người.”

Câu chuyện kết thúc ở đó và người con đã chấp nhận cũng như thực hành lời dạy của người cha đối với mình một bài học luân lý có một không hai trong đời như thế.

Đó chẳng phải là lời Phật dạy. Nếu Phật dạy có lẽ cũng chỉ tương tự như thế. Cũng chẳng phải là những lời hay ý đẹp trong “Cổ Học Tinh Hoa”, mà nó là một hình ảnh sống, hình ảnh ấy ta tiếp cận hằng ngày, mỗi người đều đã gặp và đều có thể áp dụng để sửa chữa trở nên tốt vậy.

Hôm nay nhân viết kỷ niệm 25 năm chùa và báo Viên Giác, tôi hiến tặng quý vị câu chuyện trên cũng để nói lên một tấm lòng của chính mình là cảm tạ thâm ân với quý vị dầu là người Việt hay người Đức. Biết đâu trong 25 năm ấy dầu vô tình hay cố ý khi soạn, viết bài cho báo Viên Giác, khi kiểm duyệt trước khi đăng tin, hoặc giả có những lời dạy dỗ quá chí tình đâm ra gắt gỏng với đệ tử xuất gia cũng như tại gia thì tôi xin nhận lỗi về phần mình, vì làm kẻ lãnh đạo nhưng chưa tròn bổn phận. Vậy từ nay tôi xin trải rộng tấm lòng của mình để chỉ gieo vào tâm thức của mọi người bằng những hình ảnh đẹp, bằng những lời nói dịu dàng, có ý thức, để đỡ gây những hiểu lầm, hờn giận, mà tôi chỉ muốn hóa giải những khổ đau của người đối diện để mọi người được an lạc, hạnh phúc thì tâm tôi sẽ thanh thản nhẹ nhàng.

Ở đời, sau 25 năm cưới hỏi chung sống với nhau, người ta tổ chức những buổi tiệc thật lớn để cảm ơn trời đất và tình nghĩa vợ chồng đã gắn bó với nhau như thế, nhưng đúng ra bên trong phải hiểu là: suốt 25 năm năm qua cả 2 người đều phải nhẫn nhục chịu đựng với nhau, nên bây giờ mới được yên nhà yên cửa. Vì thế chiếc nhẫn cưới, tượng trưng cho sự nhẫn nhục chịu đựng đó đâu có ai dám cởi ra bao giờ. Họ sẽ giữ nó cho đến 50 năm, rồi một ngày ra đi, họ cũng sẽ mang vào lòng đất lạnh.

Còn tôi kỷ niệm 25 năm không hẳn như thế. Vì lẽ tôi không phải chịu đựng như vợ chồng đã chịu đựng suốt 25 năm qua. Tôi chỉ thực hiện một bổn phận là trên đền 4 ơn nặng, dưới cứu khổ muôn loài.

Đó là ơn quốc gia đã bảo bọc che chở cho tôi được yên ổn để tu hành. Nói gần hơn là quê hương Việt Nam đã sinh trưởng ra tôi và nước Đức đã nuôi tự do, cơm áo cho tôi sống.

Tiếp đến là ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha tôi phải đáp đền. Nếu không có song thân, tôi không có cơ hội để hiện hữu trên đời này.

Ơn thứ ba không kém phần quan trọng là ơn Thầy Tổ đã nuôi dạy tôi nên người, và ơn thứ 4 là ơn của tín đồ đã hỗ trợ cho tôi thành tựu các công việc trong cuộc sống, trong đó có ơn những thiện hữu trí thức và bè bạn đã giúp đỡ.

Đồng thời tôi cũng không quên những người nghèo khổ hơn mình như ở Việt Nam, Ấn Độ, Phi Châu v.v... đó là chưa nói đến những chúng sanh vô hình ở những cõi địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh nữa.

Ngoài ra việc lập chùa, xây dựng cơ sở đó đây, cũng chỉ có một mục đích duy nhất như trong bài Sám Khể Thủ là:

Kiến pháp tràng ư xứ xứ
Phá nghi võng ư trùng trùng
Hàng phục chúng ma
Thiệu long Tam Bảo ...

Nghĩa là:

Tạo chùa viện khắp nơi nơi
Phá lòng nghi đang bao phủ
Hàng phục ma vương
Hưng long Tam Bảo

Đó là bổn phận và trách nhiệm của người Tăng Sĩ ở trên cõi đời này, đi đến đâu cũng phải có nhiệm vụ như thế. Có nghĩa là xây dựng chùa chiền, đào tạo Tăng Ni, Phật Tử chỉ nhằm một mục đích duy nhất là hiển chánh trừ tà, làm cho giáo pháp càng ngày càng rạng rỡ, mọi người học đạo, hiểu đạo và thực hành theo đạo ấy. Vì ma vương bên trong và ma vương bên ngoài lúc nào cũng đầy dẫy chung quanh mình. Do vậy mà cần có chùa viện để cho mọi người lui tới học hỏi, tu niệm, thiền tọa v.v... tất cả những điều đó là một việc làm đáng quý, đáng trọng, chỉ để làm hưng long ngôi Tam Bảo. Đó là Phật, Pháp, Tăng, những giá trị trân quý của cuộc đời mà ta khó có được.

Ngày mai đây ngôi chùa Viên Giác này cũng có thể còn phát triển nhiều hơn nữa do Thầy Hạnh Tấn lèo lái và sự cố vấn của tôi, nhưng cũng phải chấp nhận một điều, không có một vấn đề gì mà tồn tại mãi với thiên thu không biến đổi. Ngay cả giáo lý của Đức Phật còn phải biến đổi qua bốn thời kỳ, Đó là: thành, trụ, hoại và diệt, của 3 giai đoạn chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp.

Cuộc đời của chúng ta cũng giống như một Đạo hàm được diễn tả qua đường biểu diễn Parabol và được giải bởi 2 hàm số là cực cộng và cực trừ. Một viên đạn bắn lên, một phi thuyền đi vào không trung cũng thế. Nó chỉ lên thẳng đến một độ nào đó thôi, khi tự lực của nó không kham nổi nữa thì nó sẽ theo chiều ngang để thay đổi vị thế hoặc giả quay về vị trí cũ. Nó sẽ không mất, nó sẽ tiếp tục để tự tồn và biến đổi như dòng điện với bóng đèn thế thôi. Do đó định lý hợp tan, tan hợp, có không, không có, là một điều hiển nhiên mà một người Phật Tử chúng ta khi đã hiểu giáo lý của Đức Phật rồi sẽ sẵn sàng chấp nhận, không có gì để hối hận cả.

Hai mươi lăm năm qua tôi đã thể hiện trọn vẹn một tấm lòng cho con người, cho quê hương và cho đạo pháp và tôi mong rằng những tình cảm ấy vẫn còn gắn bó keo sơn để chúng ta người xuất gia và tại gia sẽ nương tựa vào nhau mà tồn tại, cốt làm sao cho giáo pháp của Đức Phật càng ngày càng phát triển nhiều hơn ở nhiều khía cạnh khác nhau ngay cả trong cộng đồng người Việt cũng như người Đức. Được như vậy quả là một phước báu vô cùng.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.13.220 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...