Không ai trong chúng ta từ chối sự thịnh vượng! Ngược lại, ai cũng mong
muốn được giàu sang, phát đạt. Cho dù các nhà đạo đức xưa nay vẫn thường
xuyên nhắc nhở chúng ta về mối nguy hại từ sự cám dỗ của những giá trị
vật chất, nhưng thực tế thì chúng ta vẫn không thể phủ nhận vai trò quan
trọng của điều kiện vật chất trong việc mang lại một đời sống tốt cho
bất cứ ai. Hơn thế nữa, khi bạn có dồi dào tiền bạc, lòng tốt của bạn
mới có cơ hội để thể hiện một cách cụ thể trong thực tế. Bằng không thì
lòng tốt ấy cũng sẽ mãi mãi chỉ là những tiếng thở dài thương xót cho
những hoàn cảnh bi đát của người khác mà thôi.
Vì thế, trong dịp xuân về chúng ta luôn cầu chúc cho nhau một năm mới
làm ăn thịnh vượng, phát tài. Đó cũng là một tâm lý chung rất phổ biến
và hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, mong ước cũng chỉ là mong ước. Để những
lời cầu chúc tốt đẹp ấy có khả năng trở thành hiện thực, chúng ta cần
phải dành cho chúng sự chân thành và những nỗ lực tinh thần nhất định
của chính bản thân mình.
Thật ra, sự giàu có là một khái niệm rất mơ hồ và chỉ dễ sử dụng khi nói
về người khác. Bản thân bạn có phải là người giàu có hay không? Nếu bạn
dành thời gian để suy nghĩ thật kỹ về câu hỏi này, bạn sẽ thấy nó thật
không dễ trả lời. Bởi vì chúng ta không có những tiêu chí nhất định để
xác định điều đó. Dựa vào thu nhập thường xuyên của bạn chăng? Như vậy
thì cần phải xem xét đến sự cân đối với mức chi thường xuyên của bạn
nữa. Nếu mức chi ấy vượt quá mức thu, thì cho dù bạn có thu nhập nhiều
đến đâu đi chăng nữa, bạn cũng không thể duy trì được một đời sống vật
chất thoải mái. Và như thế thì người có thu nhập cao chưa hẳn đã cảm
thấy mình giàu có, trong khi người có thu nhập thấp cũng chưa hẳn đã cảm
thấy mình nghèo! Hơn thế nữa, mức chi thực tế và mức chi mong muốn luôn
có một khoảng cách. Khi mức chi thực tế của bạn cân bằng với nguồn thu,
chưa hẳn bạn đã có thể cảm thấy hài lòng, vì bạn vẫn còn chưa đạt được
mức chi theo mong muốn! Như vậy, cảm giác “thiếu thốn” vẫn có thể theo
đuổi bạn ngay cả khi bạn có một thu nhập đủ để chi tiêu. Và khi còn có
cảm giác này thì chắc chắn bạn không thể tự cảm thấy mình là người giàu
có.
Như vậy, có thể dựa vào tài sản tích lũy của chúng ta để xác định sự
giàu có được chăng? Điều này nghe có vẻ hợp lý, vì sự tích lũy tài sản
chính là biểu hiện cụ thể của hiệu số thu chi. Tài sản tích lũy càng
nhiều thì càng chứng tỏ bạn là người giàu có. Nhưng mức tích lũy đến bao
nhiêu mới gọi là nhiều? Điều này lại hoàn toàn khác nhau ở mỗi người.
Nếu chúng ta sống một cách buông thả thì sự khao khát, thèm muốn vật
chất sẽ là vô hạn. Những gì chưa có được trong tầm tay đều có thể là mục
tiêu tham muốn của chúng ta, từ bộ loa âm thanh nổi cho đến máy điều hòa
đời mới, từ chiếc xe tay ga vài ba chục triệu cho đến chiếc xe du lịch
hàng trăm triệu... Nói tóm lại, cho dù bạn có tích lũy được bao nhiêu
tài sản vật chất đi nữa, bạn vẫn có thể cảm thấy chưa thỏa mãn nếu như
còn có những mục tiêu theo đuổi phía trước.. Và điều này thì có vẻ như
chẳng bao giờ tự nó chấm dứt. Vì thế, bạn chưa hẳn đã cảm thấy bản thân
mình giàu có nếu như bạn vẫn còn có quá nhiều tham muốn vật chất chưa
được thỏa mãn.
Khi bạn đánh giá một người khác là giàu có, thật ra chỉ là một sự so
sánh đời sống vật chất của người ấy với chính bản thân bạn. Trong thực
tế, có những người mà bạn cho là giàu có nhưng chính bản thân họ chưa
hẳn đã tự thấy là giàu có. Ngược lại, có những người mà bạn tưởng
là nghèo khó nhưng thật ra lại đang sống trong một trạng thái tinh thần
vô cùng thoải mái, thoát hẳn được những mối lo toan về vật chất!
Vì thế, điều mà bạn có thể chưa nghĩ đến là sự giàu có của bạn không
hoàn toàn nằm ở yếu tố vật chất. Đó là một khái niệm rất tương đối được
sản sinh trong mối tương quan giữa điều kiện vật chất thực tế và những
khao khát, thèm muốn vật chất trong lòng bạn. Hay nói một cách khác hơn,
người thực sự giàu có là người luôn cảm thấy thỏa mãn về điều kiện vật
chất hiện có của mình. Và để đạt được trạng thái thỏa mãn đó, bạn không
thể chỉ dựa vào yếu tố vật chất, mà còn cần phải có một nhận thức đúng
đắn để kiểm soát được lòng tham muốn vật chất của chính mình.
Nhận thức đúng đắn này đã được Lão Tử mô tả bằng khái niệm “biết đủ”
(tri túc). Trong chương 33 của Đạo Đức Kinh, ông viết: “Người biết đủ là
người giàu có.”
[10] Trong cách nói của Lão Tử, yếu
tố chủ quan được nhấn mạnh một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, sự thật là
chúng ta không thể phủ nhận sự chi phối của điều kiện vật chất khách
quan, ít ra cũng là ở một mức độ tối thiểu nào đó. Vì thế, theo một cách
hiểu dung hòa hơn, chúng ta sẽ thấy rằng khi có thể “biết đủ” thì những
yêu cầu vật chất của chúng ta sẽ được giới hạn một cách hợp lý hơn, và
do đó mà cũng dễ dàng đạt được hơn. Ý nghĩa của sự giàu có ở đây chính
là tâm trạng thỏa mãn mà chúng ta có thể đạt được vào lúc này.
Chúng ta phải chấp nhận có những giới hạn nhất định do hoàn cảnh khách
quan đưa đến. Việc kinh doanh của bạn có thể thuận lợi hoặc khó khăn,
thu nhập của bạn có thể tăng cao hoặc giảm thấp đôi khi không hoàn toàn
do bạn tự quyết định. Vì thế, cho dù chúng ta không phủ nhận sự cần
thiết phải nỗ lực, tích cực trong công việc, nhưng ngay cả khi bạn đã cố
gắng hết sức thì những giá trị vật chất được tạo ra vẫn có thể bị giới
hạn bởi nhiều yếu tố khác.
Ngược lại, về yếu tố nhận thức chủ quan - hay sự biết đủ - thì bạn có
thể hoàn toàn làm chủ. Khi bạn biết rèn luyện tinh thần để sự biết đủ
này trở thành một phẩm chất tự thân của mình thì bạn hoàn toàn có khả
năng đẩy lùi mọi tham muốn vật chất. Khi ấy, mọi giá trị vật chất đối
với bạn sẽ được hiểu đúng như là phương tiện cần thiết cho cuộc sống
nhưng không bao giờ có thể là mục tiêu theo đuổi của đời sống. Nói cách
khác, chúng ta luôn cần có tiền để sống, nhưng điều đó lại hoàn toàn
không có nghĩa là chúng ta chỉ sống để làm ra tiền!
Khi nhận thức đúng như thế về giá trị vật chất, bạn sẽ dễ dàng đạt được
một cuộc sống thoải mái hơn. Mọi nhu cầu vật chất sẽ luôn được giới hạn
ở một mức độ tối thiểu hợp lý, và vì thế mà chúng sẽ không vắt
kiệt đi sức lao động của bạn. Nhờ đó, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn dành
cho những người thân của mình, hoặc để nuôi dưỡng đời sống tinh thần của
chính bản thân.
Khi bạn chân thành cầu chúc cho ai đó được giàu sang, bạn sẽ có thể tự
tin hơn nếu như tự thân bạn đã biết cách để đạt được điều đó. Hơn thế
nữa, cho dù bạn không thể hiến tặng cho mọi người những giá trị vật chất
đủ để làm họ thỏa mãn, nhưng bạn hoàn toàn có thể mang đến cho họ một
nhận thức đúng đắn về giá trị thực sự của vật chất. Và điều này cũng có
ý nghĩa giúp họ có thể đạt đến sự thỏa mãn về vật chất một cách dễ dàng
hơn!
Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể tạo cho mình một ảo tưởng về sự giàu
có khi cuộc sống mỗi ngày vẫn còn chìm trong sự thiếu thốn, chật vật.
Nhưng một thực tế cũng không thể phủ nhận được là có rất nhiều người
“sống trên nhung lụa” mà vẫn không hề có được cảm giác thỏa mãn, vẫn
điên cuồng lao vào việc... kiếm tiền. Nếu bạn có thể tránh được cả hai
trường hợp này, bạn mới thực sự là người giàu có. Và cũng chỉ trong ý
nghĩa này chúng ta mới có thể chân thành cầu chúc cho tất cả mọi người
quanh ta đều đạt được sự bình an và thịnh vượng:
Chúc nhau hai chữ bình an,
Chúc nhau thịnh vượng, giàu sang, phát tài!
Và sự giàu sang như thế mới đích thực là điều kiện cần thiết cho một
cuộc sống an vui, hạnh phúc!