Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Bạn đã từng cố gắng và đã từng thất bại. Điều đó không quan trọng. Hãy tiếp tục cố gắng, tiếp tục thất bại, nhưng hãy thất bại theo cách tốt hơn. (Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better.)Samuel Beckett
Kinh nghiệm quá khứ và hy vọng tương lai là những phương tiện giúp ta sống tốt hơn, nhưng bản thân cuộc sống lại chính là hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Ai vào địa ngục »» Xa rời địa ngục »»

Ai vào địa ngục
»» Xa rời địa ngục

Donate

(Lượt xem: 6.418)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Ai vào địa ngục - Xa rời địa ngục

Font chữ:


Cho dù đã “tạm gác lại” không bàn đến một địa ngục sau khi chết, nhưng chúng ta cũng không thể không nhận ra một sự tương đồng giữa những gì đã được mô tả về cảnh địa ngục ấy với những trạng thái đau đớn về tinh thần mà ta đang cảm nhận. Hay nói khác đi, một cảnh giới địa ngục sau khi chết, nếu có, chẳng qua cũng chỉ là một sự kéo dài của những gì mà hiện tại chúng ta đang cảm nhận.

Vì thế, đến đây chúng ta có thể vui mừng nhận ra một điều là: nếu như mỗi chúng ta có thể sống như thế nào để thoát khỏi “cảnh giới địa ngục trong hiện tại”, thì một “địa ngục sau khi chết” – nếu như có thật – chắc chắn cũng không phải là nơi đến của chúng ta!

Có người nói rằng: “Hạnh phúc là sự tạm dừng của những khổ đau.” Phát biểu này tuy chưa phải là hoàn toàn chính xác, nhưng cũng tạm nói lên được thực trạng “vui ít khổ nhiều” của đời sống. Ngay cả khi chúng ta có gặp được rất nhiều may mắn thì sự trải nghiệm khổ đau dường như vẫn là tính chất chủ đạo của cuộc sống này.

Nhưng những nỗi khổ đến với chúng ta cũng không hề có sự đồng nhất như nhau. Mỗi đau khổ có một nguyên nhân, và khi nguyên nhân khác nhau thì kết quả nhận lãnh cũng sẽ khác nhau.

Vì thế, luật nhân quả xưa nay vốn thường được hiểu như là mối tương quan giữa những hành vi thiện ác với những kết quả sẽ nhận được về sau. Nhưng thật ra còn có mối quan hệ tức thời giữa một hành vi với tác động của nó đối với bản thân người thực hiện mà phần lớn chúng ta ít khi quan tâm đến, cho dù đó là điều vẫn thường xuyên xảy ra trong cuộc sống.

Chẳng hạn như khi ta giúp đỡ một người bạn bằng cách làm thay công việc trong khi anh ta bị bệnh. Theo cách hiểu về nhân quả thì hành vi này được xem là một điều thiện và sẽ mang lại cho ta một kết quả tốt đẹp tương ứng trong tương lai, chẳng hạn như ta cũng sẽ được ai đó giúp đỡ khi cần thiết, hoặc sẽ nhận được những may mắn, phúc lộc nào đó...

Điều mà ít ai quan tâm đến là tác động tức thời của hành vi tốt đẹp mà ta vừa thực hiện. Sự thật thì việc thực hiện hành vi tốt đẹp ấy sẽ mang lại cho ta một sự hài lòng, thỏa mãn, một niềm vui nhẹ nhàng khi có thể làm được công việc mà ta biết là tốt đẹp. Và tác động tích cực này không thể không được xem là một phần kết quả của hành vi đã làm, thậm chí còn phải nói là một kết quả trực tiếp, thiết thực mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy ngay, nhưng lại rất ít khi lưu tâm đến.

Trong kinh Pháp cú, ở kệ số 18 đức Phật dạy rằng:

Hiện tại vui nơi đây,
Đời sau vui nơi khác.
Người tu các nghiệp lành,
Nơi nơi đều vui vẻ.
 

(Hiện thế thử xứ hỷ,
Tử hậu tha xứ hỷ.
Tu chư phước nghiệp giả,
Lưỡng xứ câu hoan hỷ.)

Cho nên, những hành vi tốt đẹp không chỉ là tạo ra kết quả tốt đẹp trong tương lai, mà ngay khi thực hiện những hành vi đó, chúng ta đã nhận được những kết quả tốt đẹp tức thời về mặt tinh thần.

Nếu bạn đã từng làm một việc thiện nào đó – tôi tin là như vậy – cho dù rất nhỏ nhoi, bạn sẽ dễ dàng tự mình nhận biết được thế nào là niềm vui có được sau khi làm điều thiện. Và điều đó cũng có nghĩa là: có một mối tương quan giữa mỗi hành vi của chúng ta với những cảm nhận về mặt tinh thần của chúng ta ngay sau đó.

Và vì thế, sẽ không khó hiểu khi ngược lại cũng có những hành vi mà sau khi thực hiện sẽ đẩy ta vào sự khổ sở, dằn vặt hay ray rứt trong tâm hồn... Và theo như những gì mà chúng ta đã bàn đến, có thể xem những hành vi thuộc loại này như là những chiếc chìa khóa mở cửa vào địa ngục.

Mặt khác, như chúng ta đã đề cập đến trong phần trước, chính trạng thái tinh thần quyết định khuynh hướng việc làm của chúng ta. Do đó, không thể phủ nhận được mối tương quan giữa những trạng thái tinh thần khác nhau với khuynh hướng thực hiện các hành vi khác nhau, và vì thế mà dẫn đến những kết quả khác nhau.

Như vậy, những mắt xích phức tạp mà chúng ta vừa xem xét cuối cùng rồi cũng dừng lại ở điểm khởi đầu là một tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản hay nặng nề trầm uất. Ở từng mức độ khác nhau, những trạng thái tinh thần này có thể xem là cội nguồn quan trọng quyết định những cảm nhận vui, buồn, sướng, khổ của chúng ta trong đời sống.

Và thật may mắn là chúng ta hoàn toàn có thể chủ động đạt đến những trạng thái tinh thần tích cực, nghĩa là đạt đến một tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản, bằng vào những nỗ lực đúng hướng của chính bản thân mình.

Có ba yếu tố độc hại tiềm ẩn trong tâm hồn chúng ta, có tác dụng cuốn hút chúng ta về những khuynh hướng xấu. Ba yếu tố này là tham lam, sân hận và si mê, thường được gọi chung là Tam độc.

Chúng ta thấy là có hai trong số ba yếu tố này đã được nhắc đến trước đây trong các nhóm nguyên nhân làm che mờ sự sáng suốt của tâm hồn, đẩy chúng ta vào những trạng thái nặng nề, trầm uất. Điều này càng cho thấy rõ mối tương quan chặt chẽ giữa những tác hại của chúng. Bởi vì, như đã nói, khi chúng gây ra trạng thái tâm hồn nặng nề, trầm uất thì cũng là đồng thời tạo ra khuynh hướng thực hiện những hành vi xấu ác.

Hơn thế nữa, trong khi si mê là một trạng thái thiếu tri thức và trí tuệ, thì đồng thời nó cũng là hệ quả tất yếu của hai yếu tố tham lam và sân hận. Bởi vì, khi các tâm niệm tham lam và sân hận chế ngự hoàn toàn tâm hồn ta, thì tất yếu ta sẽ mất đi sự sáng suốt và rơi vào si mê.

Như vậy, điểm khởi đầu của chúng ta trong việc xa rời địa ngục chính là hạn chế và loại trừ ba yếu tố tham lam, sân hận và si mê.

Sự tham lam là một ông chủ khó tính – vì chẳng bao giờ chúng ta có thể làm hài lòng – mà phần lớn chúng ta đều là những tên nô lệ của nó ở từng mức độ khác nhau. Khi lòng tham nổi lên, lý trí bị che mờ và sự thôi thúc chiếm hữu trở thành nỗi ám ảnh liên tục trong lòng ta. Tùy theo đối tượng của lòng tham, sức cuốn hút đối với chúng ta có thể thay đổi khác nhau, nhưng nói chung tất cả đều tạo ra một tâm trạng mong muốn chiếm hữu đối tượng, khao khát có được đối tượng đó. Tâm trạng này thường phát triển dần dần theo thời gian, cho đến một lúc nào đó, nó khống chế hoàn toàn ý chí và ta không còn chọn lựa nào khác hơn là phải thực hiện mọi phương thức để chiếm hữu đối tượng.

Đối tượng của lòng tham là một phạm vi không dễ đo lường hay nhận thức trọn vẹn. Không chỉ là những vật thể hữu hình như tài sản, nhà cửa, xe cộ... vốn là những thứ có thể nhìn thấy và xác định giá trị, lòng tham còn hướng đến cả những đối tượng vô hình như danh vọng, tiếng tăm, sự kính trọng... là những đối tượng không thể nhìn thấy và cũng không thể xác định giá trị cụ thể, nhưng lại có khả năng cuốn hút mạnh mẽ không kém các đối tượng vật chất.

Hơn thế nữa, ý thức chiếm hữu do lòng tham tạo ra có khi hoàn toàn vô lý đến mức gây nhầm lẫn, làm cho ta không nhận ra đó là lòng tham. Chẳng hạn như trong quan hệ nam nữ hay vợ chồng, ngoài những tình cảm dành cho nhau còn có một “ý thức sở hữu” luôn tồn tại. Ý thức sở hữu này làm cho người vợ luôn nghĩ rằng người chồng là “của mình”, và luôn tìm mọi cách để bảo vệ, gìn giữ cái “vật sở hữu” này. Nếu sử dụng lý trí để phân tích, ta sẽ thấy điều này có vẻ như vô lý, bởi quan hệ gắn bó giữa hai người chỉ có thể là do nơi những tình cảm dành cho nhau mà thôi. Tuy vậy, trong thực tế thì ý thức “chiếm hữu” này vẫn luôn tồn tại, bởi nó xuất phát từ lòng tham của chúng ta, chỉ muốn chiếm lấy đối tượng cho riêng mình. Loại bỏ yếu tố lòng tham, ta sẽ không thể giải thích được rất nhiều phản ứng quá khích trong các vụ đánh ghen chẳng hạn, khi mà người ta hành động không một chút “lưu tình”, để rồi phải biện hộ một cách văn vẻ là “thương nhau lắm, cắn nhau đau”.

Sự chi phối của lòng tham đối với chúng ta diễn ra một cách liên tục và lâu dài. Một khi chúng ta vừa nảy sinh sự ưa thích, tham muốn đối tượng, chúng ta đã lập tức trở thành nô lệ của lòng tham. Bởi vì kể từ lúc ấy, mọi suy nghĩ, hành động của chúng ta sẽ âm thầm bị chi phối bởi sự ham muốn, sẽ luôn hướng theo sự ham muốn, và sẽ luôn tìm mọi cách để thỏa mãn sự ham muốn.

Sự chi phối này thậm chí kéo dài cả đến sau khi ta đã có được đối tượng, bởi vì khi ấy sẽ bước sang giai đoạn chiếm hữu và bảo vệ. Ta sẽ không cho phép bất cứ ai khác giành lấy đối tượng mà ta đã có, nên sẵn sàng làm mọi việc để giữ chặt lấy nó.

Nói chung, sự chi phối của lòng tham đối với một đối tượng chỉ chấm dứt khi ta đã thực sự nhàm chán, không còn ham thích đối tượng đó nữa.

Và nhận xét này cũng chính là nguyên tắc để đối trị lòng tham. Đối với tiền tài, vật chất, của cải... nếu chúng ta quán xét để thấy được tính chất tạm bợ, không thường tồn và vô nghĩa của chúng khi so sánh với những giá trị tinh thần cao đẹp, chúng ta sẽ nảy sinh sự nhàm chán, không còn ham thích, và do đó sẽ không bị sự chi phối của lòng tham.

Tương tự, đối với danh vọng, tiếng tăm, sự kính trọng... nếu chúng ta cũng quán xét để thấy được chúng hoàn toàn không phải là những giá trị chân thật có thể giúp ta tạo ra một cuộc sống hạnh phúc, an vui, mà ngược lại còn mang đến nhiều sự phiền toái, rối rắm trong cuộc sống, chúng ta cũng sẽ nảy sinh sự nhàm chán, không còn ham thích, và do đó sẽ không bị sự chi phối của lòng tham.

Đối với những người xuất gia, để đối trị với tâm tham dục cuốn hút về nữ sắc, đức Phật cũng dạy phép quán bất tịnh. Theo phép quán này, chúng ta quán xét thân thể con người như một sự tập hợp của những yếu tố như xương, da, thịt..., trên đó, cửu khiếu thường chảy ra toàn những chất nước hôi hám... Tất cả những yếu tố cấu thành thân thể đều không thường tồn. Chẳng bao lâu cái già sẽ đến, da nhăn, tóc bạc, lưng khòm... và một khi tắt hơi nhắm mắt thì tất cả đều thối rửa không tồn tại. Khi quán xét như vậy, chúng ta sẽ nảy sinh sự nhàm chán, không còn ham thích, và do đó sẽ không bị sự chi phối của lòng tham dục.

Lòng tham hiện hữu trong mỗi chúng ta như một bản chất tự nhiên, và vì thế mà ta thường mặc nhiên chấp nhận sự chi phối của nó. Thậm chí, một số người còn xem đây là động lực cần thiết để vươn lên trong cuộc sống. Những người này đã nhầm lẫn giữa ý chí hướng thượng với sự thôi thúc của lòng tham. Bởi vì ý chí hướng thượng giúp ta vươn lên hoàn thiện bản thân cũng như điều kiện môi trường chung quanh, nhưng nó không che mờ sự sáng suốt của tâm hồn, bởi vì nó không làm nảy sinh sự khao khát chiếm hữu. Trong khi lòng tham thì ngược lại, như đã phân tích trên, luôn hướng đến sự chiếm hữu, và do đó mà làm che mờ đi sự sáng suốt, làm mất đi sự nhẹ nhàng vốn có của một tâm hồn thanh thản.

Hiểu rõ được về lòng tham và những tác hại của nó, chúng ta sẽ sáng suốt hơn trong việc nhận biết mỗi khi lòng tham sinh khởi, cũng như có thể chống lại và thoát được ra khỏi sự chi phối của nó. Tâm hồn ta sẽ trút bỏ đi rất nhiều gánh nặng một khi lòng tham lam bị kiềm chế và loại bỏ.

Lòng sân hận là yếu tố độc hại thứ hai đối với tâm hồn. Nếu như không ai trong chúng ta là không có lòng tham, thì cũng không ai trong chúng ta không có lòng sân hận. Chúng ta thường không nhận ra lòng sân hận nếu như không có bất cứ việc gì trái ý chúng ta. Bởi vì điều đó có nghĩa là “bản ngã” của chúng ta đang được ve vuốt, tôn sùng, không có ai xúc phạm đến nó.

Nhưng đây lại là điều không thể có trong cuộc sống. Ngay cả khi bạn có được quyền lực vượt trên mọi người, bạn cũng không thể đảm bảo việc không có ai làm trái ý mình. Mặt khác, những sự việc diễn ra quanh ta rất nhiều khi không hoàn toàn do ta kiểm soát, và do đó mà những việc “bất như ý” vẫn là chuyện rất thường xảy ra.

Và vì thế mà cuộc sống này vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của lòng sân hận. Bất cứ khi nào có ai đó làm một điều trái ý chúng ta, hoặc một sự việc nào đó diễn ra không như ta mong muốn, ngay khi ấy chúng ta sẽ dễ dàng nổi giận. Và tùy theo mức độ “trái ý” của sự việc mà cơn giận của chúng ta có thể có những cường độ khác nhau.

Khi cơn giận nổi lên, tác hại đầu tiên của nó là khống chế lý trí và tình cảm của chúng ta. Chúng ta không còn khả năng suy xét, phán đoán một cách sáng suốt như bình thường được nữa. Mọi suy nghĩ, phán đoán của chúng ta bị cuốn hút về phía làm thế nào để thỏa mãn cơn giận. Và mọi tình cảm của chúng ta cũng bị đẩy sang một bên, nhường chỗ cho lửa giận bốc lên chiếm trọn tâm hồn. Một đứa con thường ngày được nuông chiều, thương yêu nhất vẫn có thể phải nhận một bạt tai nảy lửa nếu dại dột đến quấy rầy người cha trong lúc ông đang phừng phừng lửa giận. Vì thế, nếu chúng ta hiểu được điều này thì sẽ không lấy làm lạ khi thấy rằng những vấn đề lý lẽ và tình cảm thường không mấy khi có tác động đối với một người đang giận dữ.

Nếu lặng lẽ quan sát từ xa một người đang tức giận, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những thay đổi rõ nét, từ mọi hành vi, cử chỉ, lời nói cho đến vẻ mặt, dáng đi, tất cả đều như bị kích động bởi một sức mạnh vô hình, và sự khoan thai, bình thản không còn hiện diện nơi người ấy trong lúc đó.

Vì thế, chúng ta cũng có thể thấy được rằng một người đang giận dữ là đang sống trong một cảnh giới tinh thần hoàn toàn khác biệt với những lúc bình thường. Tâm hồn của người ấy bị nung nấu bởi một sức nóng dữ dội do cơn giận tạo ra. Sức nóng ấy có thể bộc lộ cả ra bên ngoài với những dấu hiệu cụ thể như thân nhiệt tăng, mồ hôi tuôn ra và vẻ mặt đỏ bừng lên...

Và nếu như đặc điểm của lòng tham lam là sự chiếm hữu, thì điểm đặc trưng của lòng sân hận lại là sự đập phá, hủy hoại. Khi cơn giận bừng lên, sự đập phá trở thành một “nhu cầu”! Việc trút cơn giận vào đúng đối tượng rất ít khi xảy ra, bởi có những sự ngăn trở nhất định không phải bao giờ cũng có thể vượt qua. Hơn thế nữa, có những cơn giận không có đối tượng cụ thể hoặc có quá nhiều đối tượng... Chẳng hạn như, có những trường hợp người ta nổi giận đến mức điên cuồng và nghĩ rằng... cả thế giới này đang chống lại mình! Hoặc đơn giản hơn nữa là sự vắng mặt của đối tượng trong lúc cơn giận đang “bốc lên”. Và vì thế, một người đang tức giận có thể đập phá, hủy hoại bất cứ vật gì trong tầm tay của anh ta, cho dù ai cũng biết đó là một hành vi hoàn toàn vô lý!

Điều đáng buồn là sự đập phá, hủy hoại không bao giờ là biện pháp thích hợp để hóa giải cơn giận, mà chỉ càng làm cho nó bốc lên mạnh mẽ hơn nữa. Khi dừng lại để quan sát cảnh đập phá ngổn ngang do chính mình vừa gây ra trong cơn giận, người ta thường không thấy “hối hận” hay dịu đi ít nhiều, mà thực tế là càng thấy... tức giận hơn, như thể sự đập phá, đổ vỡ đó là do chính người mà mình đang tức giận gây ra.

Cũng tương tự như sự chiếm hữu không làm thỏa mãn lòng tham, sự đập phá cũng không giúp ta chấm dứt cơn giận. Cơn giận chỉ có thể chấm dứt khi sự kích động của nó lắng dịu đi và ta lấy lại được sự bình tĩnh.

Và nhận xét này cũng chính là nguyên tắc để đối trị lòng sân hận. Để ngăn không cho một cơn giận bốc lên, mọi sự suy luận, phân tích của lý trí hay tác động của tình cảm đều vô hiệu. Phương thức hiệu quả duy nhất là sự định tĩnh. Bạn có thể đạt được sự định tĩnh bằng nhiều cách, nhưng cách tốt nhất và dễ thực hiện nhất là cách ly mọi tác động từ bên ngoài, ngồi một mình trong phòng riêng chẳng hạn. Ngồi yên, và chỉ cần ngồi yên, không suy nghĩ bất cứ điều gì, nhất là những gì liên quan đến sự việc đang làm bạn tức giận. Chỉ cần khoảng 10 hay 15 phút ngồi yên như vậy, bạn sẽ có thể hóa giải được vô số những tác hại mà một cơn giận có thể gây ra. Và một khi đã có được sự bình tĩnh, đó mới là lúc bạn có thể nhờ đến sự can thiệp của lý trí hay tình cảm.

Vì thế, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy rằng những người có thực hành thiền định rất hiếm khi nổi giận. Bởi vì lòng sân hận giống như một ly nước bị khuấy động lên, trong khi thiền định lại chính là phương thức đối trị để làm cho ly nước ấy lắng yên trở lại. Nếu bạn thực hành thiền mỗi ngày, ngay trong những tâm trạng bình thường, thì lòng sân hận không có mấy cơ may có thể khống chế được tâm hồn bạn, ngay cả khi bạn gặp phải những điều trái ý nhất.

Điểm tương đồng giữa lòng tham lam và lòng sân hận là cả hai đều làm cho tâm hồn ta mất đi sự sáng suốt. Khi chúng đã khống chế được tâm hồn ta, chúng thôi thúc ta phải có những hành vi đáp ứng với sự tham lam, sự giận dữ, cho dù những hành vi ấy có thể là vô lý, có thể là đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức. Vì thế, một khi đã trừ bỏ được lòng tham lam và sân hận, tâm hồn ta sẽ trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn nhiều, vì không phải chịu những sự trói buộc, thôi thúc của các yếu tố độc hại này.

Tham lam và sân hận đều có thể đẩy ta vào chỗ si mê, thiếu sáng suốt. Sự si mê này là do lý trí của ta tạm thời bị vô hiệu hóa bởi tác dụng của lòng tham lam hay sân hận. Ngay khi ta trừ bỏ được sự tham lam hay sân hận thì tâm trí ta sẽ lại sáng suốt như trước đó.

Nhưng si mê còn là một yếu tố độc hại vốn có trong mỗi chúng ta, cũng tương tự như tham lam và sân hận. Bởi vì si mê vốn là một cách diễn đạt khác của sự thiếu tri thức, thiếu hiểu biết, mà tri thức hay sự hiểu biết lại không phải là điều tự nhiên có được, vốn phải do nơi sự học hỏi. Nếu như chúng ta không quan tâm đến sự học hỏi những điều tốt đẹp trong cuộc sống, thì sự si mê tự nó vốn đã hiện hữu. Và một khi sự si mê đã hiện hữu thì chúng ta không thể có đủ những hiểu biết cần thiết để nhận ra và đối trị với lòng tham lam hay sân hận. Do đó mà những yếu tố độc hại này sẽ phát triển ngày càng mạnh hơn. Rồi như một hệ quả tất yếu, càng tham lam, sân hận thì chúng ta lại càng si mê hơn nữa!

 Cái vòng luẩn quẩn này sẽ chẳng bao giờ có thể bị phá vỡ, trừ khi chúng ta có được một nỗ lực tự thân để khai mở trí tuệ, đẩy lùi sự si mê. Sự học hỏi giúp ta làm được điều đó, bởi vì nó mang lại những hiểu biết, tri thức cần thiết để chúng ta có thể nhận ra vấn đề và biết được là cần phải làm những gì.

Vì thế, tuy là yếu tố độc hại được kể ra cuối cùng, nhưng si mê có thể xem là mấu chốt quan trọng nhất trong cả ba yếu tố. Mối tương quan sinh khởi như vừa phân tích trên cho thấy rằng, nếu không đẩy lùi được sự si mê thì sẽ chẳng bao giờ có thể mở ra khả năng nhận biết và trừ bỏ được các yếu tố tham lam và sân hận. Ngược lại, khi đẩy lùi được sự si mê, ta sẽ có đủ sáng suốt để nhận ra sự tham lam và sân hận đang hiện hữu trong lòng mình, nhận biết được tác hại của chúng cũng như phương thức đối trị, và nhờ đó mà có thể tiếp tục tiến bước trên con đường hướng thượng.

Ba yếu tố độc hại vừa kể trên có thể xem là sự thâu tóm một cách khái quát nhất các nguyên nhân sinh khởi của mọi điều ác. Vì thế, trong kinh Phật dạy rằng: “Nếu không có tham, sân, si thì gọi đó là trí huệ.” (Nhược vô tham sân si, thị danh vi trí huệ.)


    « Xem chương trước «      « Sách này có 11 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tự lực và tha lực trong Phật giáo


Thiếu Thất lục môn


Nắng mới bên thềm xuân


Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.250.166 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (169 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - ... ...