Trên bề mặt, thiền đường trong những khóa tu có vẻ giống như một nơi nương náu của sự an lạc và hạnh phúc. Nhưng bên dưới sự yên tịnh đó là những trận bão tố, phong ba, những cuộc chiến đang diễn ra, trong khi các thiền sinh cố gắng tháo gỡ những gút mắt rối ren trong tâm mình. Trong ngũ cái còn có một trở ngại nữa trong việc tu tập là sự bất an, một hình thức của tâm xao động (trạo hối). Khi mỗi thiền sinh ngồi yên trong hiện tại, tâm họ có thể đang bị lạc vào những lo âu về quá khứ hoặc tương lai.
Tôi còn nhớ một khóa thiền vào những ngày đầu tu tập. Trong thời gian ấy tôi đang sống ở Ấn Độ và quyết định chắc chắn là tôi muốn sống ở đấy cho đến trọn đời. Tôi rất muốn, nhưng sợ chánh quyền không cho phép. Và rồi trong lúc ngồi thiền tôi cố họa ra trong đầu một kế hoạch để làm thế nào đạt được mục tiêu sống ở Ấn Độ này mãi. Tôi nghĩ: “Năm tới, khi cần xin phép gia hạn giấy nhập cảnh, tôi sẽ đi đến văn phòng nọ, vì tôi nghe nói nhân viên ở đó rất có cảm tình với các thiền sinh, và chắc chắn thế nào họ cũng sẽ gia hạn cho mình. Và năm sau nữa, tôi sẽ đi đến chỗ kia, vì tôi nghe đồn là nhân viên ở đó rất dễ hối lộ, cho chút đỉnh quà cáp là xong chuyện ngay. Và năm kế tiếp, tôi sẽ đi xin chỗ khác, đến lúc đó thì tôi cũng đã sống ở Ấn Độ hai năm rồi, thế nào họ cũng tội nghiệp và hiểu cho ý định thật lòng muốn ở lại của tôi. Và rồi năm sau nữa, tôi sẽ trở lại chỗ đầu tiên...” Cứ vậy mà tôi tiếp tục. Tâm tôi bị chế ngự bởi sự bất an. Tôi đứng dậy đi kinh hành, trở lại ngồi thiền, và rồi lại duyệt qua cái kế hoạch của mình một lần nữa, tin rằng nó sẽ không thể nào thành công nếu tôi không dự tính cho thật hoàn toàn. Đó chính là tâm hành xao động, một trong năm chướng ngại cho sự tu tập của ta.
Sự xao động thường bắt nguồn từ một ý muốn kiểm soát những gì mà tự chúng không thể kiểm soát được. Và lẽ dĩ nhiên, khi ta cố gắng làm việc ấy, chắc chắn điều đó sẽ đưa đến một khổ đau rất to lớn. Dưới cái nhìn của đạo Phật, sự xao động là một chướng ngại lớn, vì khi ta lo âu, suy nghĩ nhiều quá, ta sẽ không thể nào nhìn thấy vấn đề rõ ràng được nữa.
Đôi khi tâm ta lại thường bị chiếm ngự bởi một nỗi lo lắng về quá khứ hơn là bị chi phối bởi sự lo nghĩ đến tương lai. Nhiều lúc trong những giờ thiền tập, khi ta bắt đầu nhìn sâu vào tâm hồn mình, những ký ức xa xưa sẽ được khơi dậy: những gì ta đã làm hoặc không làm mà đã gây nên khổ đau cho chính mình hoặc người khác. Có một lần, khi tôi đang hành thiền tại Miến Điện với ngài U Pandita, giờ trình pháp của tôi được sắp ngay sau giờ của Joseph Goldstein. Và vì vậy, trong khi đứng chờ đến phiên mình, tôi có thể nghe được hết cuộc trao đổi giữa hai người với nhau. Anh ta nói với U Pandita: “Tôi nhớ lại một chuyện không tốt mà tôi đã làm nhiều năm trước đây. Giờ nghĩ lại việc ấy tôi thấy đau đớn quá!”
Lúc ấy, tôi và Joseph cũng đã quen nhau rất thân, hơn mười sáu năm trời, nên việc ấy cũng đã đánh động tánh hiếu kỳ của tôi không ít. Vì tôn trọng sự giữ im lặng tuyệt đối trong khóa tu nên tôi không hề đề cập gì đến việc ấy. Mấy tháng sau, tôi mới có dịp. Sau khi trở về từ Miến Điện, tôi tình cờ hỏi anh: “À, anh có nhớ ngày hôm đó không, anh chẳng được vui chút nào, anh nhớ lại một việc làm xa xưa nào mà có vẻ quan trọng quá vậy?” Joseph nhắc lại một câu chuyện đã xảy ra hơn hai mươi sáu năm về trước.
Một cô bạn mời Joseph đến dự tiệc sinh nhật mười sáu tuổi của cô. Hôm ấy, vì cảm thấy không muốn đi đâu nên Joseph đã không đến. Nhưng kết quả là buổi tiệc hôm ấy có rất ít người đến dự nên cô gái cảm thấy buồn tủi lắm. Hai mươi mấy năm sau, cảm giác đau buồn vì bị chối từ của cô ta đã nổi dậy, tràn ngập Joseph trong khi anh ngồi thiền. Mặc dù đó có vẻ là một chuyện không đáng kể, nhưng đôi khi chỉ cần một ký ức nhỏ về việc gây khổ đau cho kẻ khác, khi nó khởi lên trong tâm cũng có thể tạo nên những sóng gió xao động cho ta.
Nhưng ta đâu thể nào kiểm soát được những gì đã xảy ra trong quá khứ, cũng như những gì chưa xảy ra trong tương lai! Và ta cũng không thể cấm cản đừng cho chúng khởi lên trong tâm được. Điều mà ta có thể chọn lựa là phản ứng đối với những cảm xúc đau đớn về các hành động bất thiện trong quá khứ. Chúng ta có thể nắm giữ chúng, kẹt vào mặc cảm tội lỗi và tự phê phán, hay ta có thể tha thứ cho mình và buông bỏ chúng đi.
Môn tâm lý học Phật giáo có phân biệt giữa hai trạng thái: tàm quí và tội lỗi. Tàm quí là biết tự xấu hổ với lỗi lầm của mình, được xem như một tâm hành thiện. Ta thừa nhận rằng lời nói hoặc hành động của mình đã tạo nên một đổ vỡ nào đó, và ta cảm thấy khổ đau. Nhưng vì ta có thể tha thứ cho mình được nên ta cũng có thể buông bỏ được, và ta có thể sử dụng năng lượng của kinh nghiệm ấy để tránh sự tái phạm. Ngược lại, mặc cảm tội lỗi là một tâm hành bất thiện, vì yếu tố phẫn hận trong đó. Chúng ta cứ lặp đi, lặp lại mãi trong đầu lỗi lầm của mình, rồi tự trách móc cho đến lúc mệt nhoài. Hậu quả là ta không còn năng lượng để chuyển hóa những hành động của mình nữa. Tâm ta vì vậy mà cứ mãi bất an.
Cho dù nguyên nhân bất an của ta có là vì những nỗi lo của quá khứ hay tương lai, mục tiêu của sự tu tập vẫn là để giải thoát. Muốn dừng lại vòng quay của bánh xe khổ đau, chúng ta cần phải biết chọn cho mình những hành động nào thiện xảo. Lời khuyên của ngài U Pandita cho Joseph ngày hôm ấy là: “Thành thật ý thức được lỗi lầm của mình là một điều không phải dễ, điều đó có thể gây đau đớn lắm. Nhưng anh là một chứng nhân của mình, anh đâu thể nào trốn tránh chính anh được. Bây giờ thì buông bỏ nó đi và tiếp tục lên đường. Hãy nhìn những cảm thọ đau buồn đó cho sâu sắc bằng sự an lạc, không ghét bỏ, và tâm anh sẽ được tĩnh lặng trở lại.”
Khi tôi xin phép Joseph được kể lại câu chuyện này, anh hỏi tôi muốn trình bày ý gì. Tôi đáp: “Là chúng ta có thể khổ đau, hối hận về một việc rất nhỏ nhoi.” Anh đáp: “Việc ấy đâu có nhỏ nhoi. Cô ta buồn tủi lắm!” Không biết đó là việc gì, hễ làm cho người khác đau khổ thì chắc chắn sẽ đem khổ cho ta, và hậu quả có thể là một sự bất an trong tâm.
Khi chánh niệm giúp ta tiếp xúc được với những cảm xúc hoặc tình cảm nằm sâu kín trong tâm, bên dưới những ý nghĩ, nó cũng sẽ tạo nên những bất an, nhưng những bất an ấy rất là quan trọng. Chúng là hậu quả của một sự trốn tránh, không dám đối diện với những lo âu và mặc cảm tội lỗi trong ta. Sự tu tập của ta là làm sao để có thể lắng yên xuống bên dưới những tư tưởng xao động của mình, tiếp xúc được với những cảm thọ nào ta đang thật sự kinh nghiệm, bằng ánh sáng của chánh niệm và từ bi.
Và nhờ đó, ta sẽ kinh nghiệm được một sự buông bỏ và giải thoát. Nhiều khi ta còn có thể tìm thấy được sự an ổn giữa một cơn đau nữa. Nhưng hạnh phúc ấy không phải là do ở việc gì xảy đến cho ta, mà là do phản ứng của ta đối với nó. Ta đối diện với những cảm thọ của mình trong chánh niệm, biết rằng: “Không sao hết. Tôi không cần phải trốn chạy. Tôi không cần phải xua đuổi cơn đau của mình. Tôi không cần phải để nó sai sử. Ý thức được nó thôi, bấy nhiêu đó là đủ rồi.”
Tính chất cởi mở trong việc tiếp xúc với cảm thọ là liều thuốc giải độc cho sự bất an, mặc cảm tội lỗi và lo âu. Khi chúng ta có khả năng cởi mở ra với những cảm thọ sâu kín, ta có thể chuyển hóa mặc cảm tội lỗi thành một sự hối tiếc sáng suốt. Ý thức được những gì mình đang kinh nghiệm với một thái độ an lạc sẽ giúp ta an trú được trong giờ phút hiện tại.