Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Con người chỉ mất ba năm để biết nói nhưng phải mất sáu mươi năm hoặc nhiều hơn để biết im lặng.Rộng Mở Tâm Hồn
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Thương yêu là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp mỗi người chúng ta xoa dịu những nỗi đau của chính mình và mọi người quanh ta.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Kẻ thất bại chỉ sống trong quá khứ. Người chiến thắng là người học hỏi được từ quá khứ, vui thích với công việc trong hiện tại hướng đến tương lai. (Losers live in the past. Winners learn from the past and enjoy working in the present toward the future. )Denis Waitley
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ »» In ấn kinh sách »»

An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ
»» In ấn kinh sách

Donate

(Lượt xem: 29.437)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ - In ấn kinh sách

Font chữ:


Giảng rộng

Cho dù sẵn có món ngon vật lạ, nếu không nếm vào cũng không thể biết được vị ngon. Cho dù sẵn có đạo lý nhiệm mầu, nếu không học hỏi tu tập cũng không thể biết được chỗ vi diệu uyên áo. Trong cuộc đời này, thân người là điều mong manh dễ mất nhất, mà Phật pháp là điều khó được nghe biết đến nhất. Nếu như đức Như Lai không xuất thế độ sinh, rộng truyền Phật pháp, ắt hẳn cả hai cõi trời, người vẫn còn mãi mãi chìm trong đêm dài vô minh tăm tối.

Chẳng riêng gì những người thô thiển, kiến thức hẹp hòi, đến như các nhà Nho học rộng nghe nhiều thì chỗ thấy biết cũng còn giới hạn, không thể sánh với Phật pháp. Như ngẩng đầu quan sát trời cao, người đời thường nghĩ chỉ có một thế giới này với mặt trời, mặt trăng, mà không biết rằng còn có vô số cõi thế giới khác nữa. Hoặc cho rằng con người đầu tiên được sinh ra từ thời Bàn Cổ, nhưng thật không biết là trong vô số kiếp từ trước đến nay, mỗi chúng ta đều đã trải qua không biết bao nhiêu đời sống. Hoặc cho rằng các vị Thiên đế, Thiên tiên là những bậc cao quý nhất, không ai sánh bằng, nhưng thật không biết rằng họ cũng chỉ là phàm phu chưa thoát khỏi luân hồi trong sáu nẻo. Hoặc cho rằng sau khi chết thì thân thể hư hoại, hồn phách tiêu tán, nhưng thật không biết rằng mỗi chúng ta đều sẵn có một điểm linh quang, dù trải qua bao nhiêu kiếp sống cũng chưa từng mất đi sự sáng suốt, làm sao có thể hoại diệt?

Lại cho rằng cha mẹ hoặc người thân khi đã qua đời thì không còn làm gì được nữa, nhưng không biết rằng một khi học được pháp Phật vi diệu này rồi thì dù có trải qua muôn ngàn kiếp sống cũng đều tự biết cách tu tập, thường gieo nhân lành, gặt quả tốt.

Hoặc như khi thấy người hiền lương gặp điều trắc trở, kẻ xấu ác được như ý muốn, liền cho rằng lẽ trời chẳng đáng tin theo, nhưng thật không biết rằng hết thảy đều do nghiệp nhân từ đời trước chiêu cảm, dù mảy may cũng không sai lệch.

Thật vĩ đại thay, Giáo pháp kinh điển của Như Lai! Quả thật là con thuyền từ bi đưa muôn người vượt qua bể khổ, là ngọn đuốc quý báu trên con đường tối tăm u ám, là bầu sữa mẹ lúc sơ sinh, là lúa gạo trong năm mất mùa đói kém. Vì thế, khi Tôn giả A-nan kết tập Kinh điển, Phạm vương, Đế Thích đều cầm lọng che hầu, bốn vị Đại thiên vương đích thân quỳ nâng bốn chân tòa báu. Sách vở của thế gian thật không thể đem ra so sánh, dù chỉ trong muôn một. Cho nên, việc in ấn lưu hành Kinh sách quả thật là điều không thể không làm.

Đức Thế Tôn trước khi thành đạo, trong vô số kiếp đã vì cầu Phật pháp mà sẵn sàng xả bỏ thân mạng, có lúc chỉ cầu một câu kinh, một bài kệ mà bỏ cả ngôi vua, hoặc xa lìa vợ con, không việc gì không làm. Cho nên, pháp môn của Phật như cam-lộ quý báu, không phải lúc nào cũng sẵn có trong đời. Người đời không hiểu sự quý báu như thế, thường xem nhẹ Kinh Phật, đâu biết rằng đến vài ba ngàn năm sau nữa, dù muốn cầu được một câu, một chữ trong Kinh điển cũng không thể được.

Trong kinh Pháp diệt tận có dạy rằng: Khi Chánh pháp sắp mất đi, màu áo cà-sa của tỳ-kheo còn tự nhiên hóa trắng, huống hồ Ba tạng Kinh văn giáo điển. Rồi từ khi Chánh pháp mất đi, phải trải qua hơn 8.806.000 năm, Bồ Tát Di-lặc từ cung trời Đâu-suất hạ sanh, thế gian mới lại có Phật. Bốn tiểu kiếp từ thứ 11 đến thứ 14 đều không có Phật. Đến tiểu kiếp thứ 15, sau khi đức Phật Sư Tử xuất thế, lại có các vị Phật nối nhau thành đạo, gồm cả thảy 993 vị, có thể xem là giai đoạn Phật pháp hưng thịnh nhất. Nhưng rồi 4 tiểu kiếp từ thứ 16 đến thứ 19 lại không có Phật. Mãi đến tiểu kiếp thứ 20, sau khi đức Phật Lâu-chí xuất thế, vừa đủ số 1.000 vị Phật thì thế giới Ta-bà này cũng hoại diệt mất. Từ đó, lại trải qua 60 tiểu kiếp rồi mới có Đức Phật Nhật Quang ra đời.

Pháp Phật thật khó gặp như thế, nay ta may mắn sinh ra vào thời gian còn có pháp Phật lưu truyền, lẽ nào lại như người vào núi châu báu mà trở về tay không? Người ở châu Bắc-câu-lô, tuổi thọ trung bình đến hơn nghìn tuổi, nghĩ tưởng đến y phục liền tự nhiên có được y phục, nghĩ tưởng đến thức ăn liền tự nhiên có được thức ăn, mắt không thấy cảnh đau buồn, tai không nghe tiếng tranh đoạt, so với các đời Đường, Ngu, Tam đại thật vượt hơn gấp trăm ngàn lần. Theo như thế tục mà nói thì đời sống nơi ấy quả là hưng thịnh phi thường, nhưng theo Phật pháp lại xếp vào một trong Tám nạn, vì người cõi ấy chỉ hưởng phước si mê, không tin Tam bảo, không biết đến Giáo pháp xuất thế.

Pháp Phật quý báu như thế, nên khi tôi đọc đến câu “buộc tăng hoàn tục, đốt hết kinh Phật” của Hàn Dũ, thật không sao kiềm chế được lòng thương xót cho kẻ si mê ấy!

Pháp giới duy tâm

Bốn bậc thánh, sáu cõi phàm đều do tâm tạo.

Phật là bậc thầy dẫn dắt Ba cõi, là đấng cha lành chung của bốn loài, dù khắp cõi trời, người, thế gian hay xuất thế gian, không ai sánh bằng Phật.

Bồ Tát gồm 51 bậc: Mười tín, Mười trụ, Mười hạnh, Mười hồi hướng, Mười địa và Đẳng giác.

Duyên giác là các vị do nghe biết Mười hai nhân duyên mà giác ngộ, chỉ tự độ mình, chưa thể cứu độ người khác, nhưng tự thân các vị đã vượt ngoài Ba cõi.

Thanh văn là các bậc tu chứng nhờ được nghe Pháp âm, tức bốn thánh quả: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán.

Chúng sinh tu Mười điều lành (Thập thiện) thì sinh lên các cõi trời, hưởng sự khoái lạc. Trong Ba cõi có tổng cộng 28 cảnh trời.

Chúng sinh giữ trọn được Năm giới thì sinh vào cõi người. Tuy vậy, vẫn có kẻ hiền người ngu chẳng đồng. Trong số đó, người tạo nhiều phước đức đến mức cùng cực là bậc thánh nhân.

A-tu-la là những chúng sinh có đủ phước như chư thiên nhưng không có đức hạnh như chư thiên.

Chúng sinh có bốn cách sinh ra là: sinh ra từ trứng (noãn sinh), sinh ra từ bào thai (thai sinh), sinh ra từ sự ẩm thấp (thấp sinh) và sinh ra do sự biến hóa (hóa sinh).

Những kẻ ngu si tà kiến, nợ nần không trả, khi chết sinh làm súc sinh, bị người giết hại, tuy có miệng nhưng không tranh biện gì được.

Những kẻ keo kiệt không bố thí, sau khi chết sinh làm quỉ đói, trải nhiều đời kiếp không được nghe đến tên gọi thức ăn nước uống, nói gì đến việc được ăn uống, nỗi khổ đó thật khôn cùng.

Những kẻ bác bỏ nhân quả, làm đủ các việc ác, sau khi chết sinh vào địa ngục, một ngày một đêm trải qua muôn lần chết đi sống lại mà chịu khổ.

Thế giới Ta bà

Nói “ba ngàn đại thiên” có nghĩa rằng: từ một, hai, cho đến một ngàn cõi Tứ thiên hạ là một tiểu thiên thế giới; lại từ một, hai, cho đến một ngàn tiểu thiên thế giới là một trung thiên thế giới; lại từ một, hai, cho đến một ngàn trung thiên thế giới là một đại thiên thế giới. Vì có ba lần số ngàn như vậy mới thành một đại thiên thế giới cho nên gọi là “ba ngàn đại thiên” nhưng thật ra là chỉ cho một đại thiên thế giới mà thôi.

Núi đại Thiết vi

Đây là tên gọi chung chỉ thế giới mà đức Phật Thích-ca đã ra đời, cùng với toàn cõi thế giới ba ngàn đại thiên này. Nếu tính hết trong toàn cõi thế giới thì có đến 100.000.000 cõi Tứ đại thiên hạ bao quanh ngọn núi này.

Tứ đại thiên hạ

Bao gồm 4 châu, đều nằm ở khoảng giữa đường đi của mặt trời và mặt trăng, chính giữa là núi Tu di, trên đỉnh là cung trời Đao-lợi.

Châu Nam thiệm bộ có 16 nước lớn, 500 nước trung bình, 100.000 nước nhỏ, nước Thiên Trúc nằm ngay chính giữa.

Châu Đông thắng thần, chính là nước Trung Hoa, nằm về phía đông nam nước Thiên Trúc, nên còn gọi là nước Đông Chấn Đán, cũng gọi là nước Đông Chi-na, là một quốc gia có văn hiến.

Năm phước báo của người ấn tống kinh điển

Một là được trường thọ, hai là được giàu có, ba là được thân thể đoan chính, bốn là được sanh vào nhà tôn quí, năm là được thông minh.

Phước báo của người tụng kinh

Do không sát sinh, không trộm cắp, giữ hòa khí, tin Phật và giác ngộ nên không rơi vào tám hoàn cảnh khó tu tập Phật pháp, bao gồm:

Bốn hoàn cảnh trong cõi người: (1) sinh ra trước hay sau lúc Phật xuất thế, (2) sinh vào châu Bắc-câu-lô, (3) sinh làm người đui mù, câm điếc, (4) sinh làm người thế trí biện thông.

Ba hoàn cảnh trong cõi ác: (5) địa ngục, (6) ngạ quỷ, (7) súc sinh.

Một hoàn cảnh trong cõi trời: (8) sinh vào cõi trời Vô tưởng.

Trưng dẫn sự tích

Rồng cầu trai pháp


Ngày xưa, có vị quan giữ vườn thượng uyển, một hôm hái được thứ quả quý hiếm bên bờ hồ, liền dâng lên vua. Vua rất thích, nhân đó hạ lệnh cho ông mỗi ngày đều phải dâng thứ quả đó, nếu không có sẽ xử tội chết.

Viên quan này kinh hoảng, oan ức kêu trời. Lúc đó, trong hồ có vị long vương hiện thành hình người, bưng mâm vàng đựng quả, an ủi vị quan rằng: “Ông đừng lo sợ nữa, hãy mang mâm quả này dâng vua, chỉ cầu xin một điều thôi. Thuở xưa, sau khi đức Phật Ca-diếp nhập Niết-bàn, tôi với vua này cùng thọ giới Bát quan trai. Vua giữ trai giới đúng pháp, sau giờ ngọ không ăn, nên đời này được làm vua. Tôi bị người khác xúi giục, sau giờ ngọ vẫn cứ ăn, vì thế mới đọa vào loài rồng. Nay tôi mong muốn có được pháp Bát quan trai giới ấy để rộng khuyên mọi người cùng thọ trì. Nếu vua nhanh chóng mang giáo pháp ấy đến đây, tôi sẽ hết lòng giúp đỡ đất nước này. Bằng không, tôi sẽ nhấn chìm cả nước.”

Nhưng thuở ấy không có pháp Phật, biết tìm đâu ra giáo pháp Bát quan trai giới? Vua hết sức lo buồn sầu khổ. Bấy giờ, có người cha của một vị đại thần nói với vị ấy rằng: “Trong cây cột nhà ta thường phát ra ánh hào quang sáng rực, nên chẻ cây cột ấy ra thử xem.”

Vị đại thần nghe lời cha, lúc chẻ ra liền thấy có hai quyển kinh: một quyển Mười hai nhân duyên và một quyển Bát quan trai pháp, liền mang dâng lên vua. Vua hết sức vui mừng, đưa quyển Bát quan trai pháp cho Long vương.

Long vương sau đó cùng với 500 đứa con cùng nhau tu tập pháp Bát quan trai giới. Sau khi mạng chung, tất cả đều được sanh lên cõi trời Đao-lợi.

Pháp Bát quan trai giới

Thứ nhất, không giết hại: Bất kỳ loài nào có mạng sống đều không được giết hại;

Thứ hai, không trộm cắp: Bất kỳ vật gì không phải sở hữu của mình, nếu người khác không tặng cho thì không được giữ lấy;

Thứ ba, không dâm dục: Năm giới của người tu tại gia chỉ cấm việc tà dâm, nhưng trong ngày thọ Bát quan trai thì dứt hẳn sự dâm dục;

Thứ tư, không nói dối: Lời nói và tâm ý đều phải như nhau, hoàn toàn không có sự gian dối;

Thứ năm, không uống rượu: Rượu làm rối loạn tâm tánh, uống vào sinh ra mọi tội lỗi;

Thứ sáu, không dùng hương, hoa trang điểm, không ướp hương thơm vào thân thể: Vì dứt trừ sự tham đắm chấp trước nên không tô điểm làm đẹp thân thể;

Thứ bảy, không đàn ca, hát xướng, nhảy múa; không đi nghe, xem người khác đàn ca, hát xướng, nhảy múa: Tự mình đàn ca, hát xướng hay xem, nghe người khác đàn ca, hát xướng đều làm rối loạn tâm tu tập. Nói đàn ca là chỉ chung việc sử dụng tất cả các loại nhạc khí như đàn, tiêu, sáo, quyển...

Thứ tám, không ngồi, nằm trên giường ghế cao rộng: Vì đề phòng việc khởi tâm tham trước, phóng túng;

Thứ chín, không ăn sai giờ: Người ăn sai giờ tâm trí dễ bị tối tăm, mê muội.

Tám điều trước gọi là giới, điều thứ chín gọi là trai. Chữ quan (關) có nghĩa là đóng lại, chữ trai (齋) là nghiêm túc tề chỉnh. Dùng tám giới trước để đóng lại tất cả các cửa ác, dùng một pháp trai cuối cùng để giúp cho tinh thần sáng suốt, tỉnh táo, giữ được chính niệm.

Không ăn sai giờ nghĩa là quá giữa ngày thì không ăn. Đây là đức Phật giúp cho người tại gia được thọ giới như người xuất gia, dùng đó làm phương tiện để gieo trồng căn lành xuất thế.

Vì người tại gia còn sống đời vợ chồng, không dễ dứt bỏ sự dâm dục; lại mỗi người đều vướng mắc công ăn việc làm, không dễ giữ theo giới không ăn sai giờ, nên chỉ thiết lập kỳ hạn trong một ngày một đêm, tức là thọ giới từ buổi sáng sớm cho đến sáng sớm ngày hôm sau là hoàn mãn. Nếu muốn thọ trì nhiều lần vẫn phải giữ theo từng ngày một. Hết thảy các giới khác đều thọ trì suốt đời, chỉ riêng Bát quan trai giới có kỳ hạn chỉ trong một ngày một đêm.

Nếu có thể phát tâm Bồ-đề, giữ giới này được thanh tịnh thì được vãng sinh Tây phương Cực Lạc, huống chi là việc sanh lên các cõi trời. Bằng như không thật giữ được theo đúng pháp thì việc thọ giới ắt chỉ là hình thức hư huyễn mà thôi.

Lúc thọ giới nên thỉnh một vị tỳ-kheo đến trước bàn thờ Phật để thuyết giới. Nếu không có tỳ-kheo thì tự mình đến trước bàn thờ Phật tác bạch để thọ giới. Nếu không có tượng Phật thì đối trước Kinh Phật để thọ giới cũng được. Nhưng nếu có tỳ-kheo mà không cầu vị ấy truyền giới, lại tự mình tác bạch thọ giới thì phạm lỗi khinh Pháp, khinh Tăng, lợi ích của việc trì giới sẽ do tâm khinh mạn đó mà giảm bớt.

Bất kể là người chưa thọ giới, hoặc đã thọ Năm giới, hay đã thọ giới Bồ Tát, đều có thể thọ trì Bát quan trai giới, vì giới này thuộc về giới gia hành.

Chép kinh thoát khổ

Niên hiệu Long Sóc năm thứ ba đời Đường Cao Tông, mẹ vợ của ông Lưu Công Tín ở Trường An qua đời. Không lâu sau, vợ ông là Trần thị cũng đột nhiên chết đi. Trần thị khi ấy nhìn thấy mẹ bà bị giam trong ngục đá, chịu nhiều cực hình, buồn bã nói với con gái: “Hãy mau mau vì mẹ mà chép một bộ kinh Pháp Hoa, giúp mẹ có thể thoát tội.” Vừa nói dứt lời, ngục đá lập tức đóng chặt, Trần thị liền sống lại. Bà đem việc ấy thuật lại với chồng. Lưu Công Tín liền nhờ người em rể là Triệu Sư Tử chép kinh. Họ Triệu bèn lấy một bộ kinh Pháp Hoa đã chép sẵn trước đó, đưa cho họ Lưu trang trí lại rồi dâng cúng. Kỳ thật, bộ kinh đó là do một người họ Phạm trước đây bỏ tiền thuê chép nhưng Lưu Công Tín không hề hay biết. Không lâu sau, Trần thị lại mộng thấy mẹ về giục chép kinh. Trần thị nói đã chép xong, bà mẹ khóc nói rằng: “Mẹ vì bộ kinh đó mà chịu thêm khổ sở. Đó là phúc đức của nhà họ Phạm tạo ra, sao lại cướp công người ta?” Tỉnh dậy bèn tra hỏi, quả nhiên nhà họ Phạm đã bỏ hai trăm lạng bạc thuê chép kinh. Do đó, liền chép riêng một bộ kinh Pháp Hoa khác để cúng dường.

Lời bàn

Đất Dương Châu có người tên Nghiêm Cung, vào năm đầu niên hiệu Thái Kiến đời Trần chép kinh Pháp hoa để lưu truyền. Lúc bấy giờ, có vị thần miếu ở hồ Cung Đình báo mộng cho một người khách buôn, bảo lấy hết tài vật trong miếu mang đến chỗ ông Nghiêm, để ông ấy dùng vào việc chép kinh. Lại có một hôm, ông Nghiêm vào chợ mua giấy nhưng thiếu mất 3.000 đồng, chợt thấy trong chợ có một người mang 3.000 đồng đến, nói là giúp ông mua giấy. Nói xong liền biến mất.

Đến cuối đời Tùy, giặc cướp kéo đến tận Giang Đô, đều bảo nhau không được xâm phạm vào làng của ông Nghiêm chép kinh Pháp Hoa. Nhờ đó mà người làng phần lớn đều được sống sót.

Đến cuối đời Đường, nhà họ Nghiêm vẫn còn tiếp tục việc chép kinh Pháp Hoa.

Cho nên biết rằng, trong khi kinh sách được in ấn lưu truyền thì các vị thần linh đều rõ biết.

Gối đầu lên kinh không thi đỗ

Cao Thiên Hựu, người huyện Dĩnh Thượng, tỉnh An Huy, trước đây đã từng cùng hai người bạn đồng học đến Giang Ninh dự thi. Mọi người nghe danh thiền sư Thủ Nguyên ở núi Kê Minh là người đạo hạnh, liền rủ nhau đến tham bái.

Thiền sư nhân đó nói với ba người rằng: “Hai vị này đều sẽ thi đỗ, chỉ riêng ông Cao không thể đỗ vì đã mê muội dùng kinh Lăng nghiêm làm gối kê đầu.”

Nghe thế, Cao Thiên Hựu ngạc nhiên lắm, nhưng bình tĩnh suy nghĩ lại hồi lâu, mới nhớ ra trong tráp có một bộ kinh Lăng nghiêm, lúc nằm nghỉ chẳng bao giờ lấy ra, lại dùng cái tráp ấy gối đầu.

Đến lúc có bảng báo kết quả thi, quả thật đúng như lời thiền sư.

Lời bàn

Có người thắc mắc rằng, tất cả sách vở kinh thư đều nên tôn trọng, sao lại chỉ tôn sùng riêng Kinh điển nhà Phật? Những người ấy không biết rằng, tuy chữ nghĩa giống nhau, nhưng giáo pháp của Như Lai làm lợi ích khắp cả chúng sanh, hết thảy tám bộ trời rồng, không ai là không tin tưởng làm theo, nên những sách vở thư tịch thông thường không thể nào sánh kịp. Cũng như chiếu chỉ vua ban, không thể xem đồng như các văn bản khác.

Xét như việc Cao Thiên Hựu khinh thường kinh Phật mà phải chịu hậu quả đi thi không đỗ như thế, thì người phát tâm in ấn lưu truyền Kinh điển được công đức lợi ích như thế nào hẳn có thể biết được.

« Sách này có 41 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.14.141.100 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...