Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer
Thành công là khi bạn đứng dậy nhiều hơn số lần vấp ngã. (Success is falling nine times and getting up ten.)Jon Bon Jovi
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ »» Hết thảy việc ác quyết không làm, hết thảy việc lành xin vâng theo »»

An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ
»» Hết thảy việc ác quyết không làm, hết thảy việc lành xin vâng theo

Donate

(Lượt xem: 6.047)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ - Hết thảy việc ác quyết không làm, hết thảy việc lành xin vâng theo

Font chữ:


Giảng rộng

Hai câu này thâu tóm cấu trúc của toàn bài văn. “Việc ác” là chỉ chung tất cả những việc trong bài văn đã bàn đến như dâm dục, giết hại, phá hoại... “Việc lành” là chỉ chung tất cả những việc cũng đã đề cập trong bài văn như trung, hiếu, kính, tín.... Nói “quyết không làm” là lời nghiêm cấm, nói “xin vâng theo” là ý khuyến khích.

Hai câu này ngài A-nan cũng từng nói ra, có thể xem trong kinh Tăng nhất A-hàm. Nhưng Đế Quân có y cứ theo kinh này hay không thì chưa thể biết được.

Từ thuở nhỏ, trẻ em đã được cho học thuộc lòng “Đại học chi đạo” (大學之道), đến bậc hiền nho như Tăng tử cũng giảng thuyết “Đại học chi đạo”. Cùng là bốn chữ ấy, nhưng sự nhận hiểu ý nghĩa thì tùy theo trình độ mà có những mức độ sâu cạn khác nhau, thậm chí cách biệt nhau một trời một vực. Đối với hai câu khuyên người “bỏ ác, làm lành” trong bài văn này cũng vậy, tùy theo trình độ mà sự nhận hiểu có khác nhau.

Xưa kia, Bồ Tát Thiện Tín trải qua nhiều đời sinh ra đều không được gặp Phật pháp nên hết lòng đi tìm cầu Chánh pháp. Một hôm bỗng nghe giữa không trung có tiếng nói: “Từ đây đi về phương đông một vạn do-tuần sẽ gặp một nước kia, có người con gái sinh trong nhà hèn kém, dung mạo xấu xí. Cô ấy có nhớ phỏng được một nửa bài kệ mà trước đây đức Phật đã thuyết dạy. Nhưng giữa đường đi phải vượt qua một đầm lầy rộng vuông vức khoảng vạn dặm, giẫm chân lên là lún chìm mất.”

Thiện Tín nghe như vậy vô cùng phấn khởi, quyết lòng tìm đến nơi, liền tìm cách vượt qua được vùng đầm lầy, gặp được người con gái ấy, cung kính lễ bái như được gặp Phật, ngợi khen xưng tán cầu được nghe pháp Phật. Người con gái ấy Đáp: “Chánh pháp nhiệm mầu của chư Phật quả thật vô lượng vô biên, nhưng chỗ tôi được nghe chỉ có nửa bài kệ thôi.” Thiện Tín lễ bái cầu xin được nghe nửa bài kệ ấy. Cô gái liền đọc: “Hết thảy việc ác quyết không làm, hết thảy việc lành xin vâng theo.”

Thiện Tín nghe xong câu ấy, thân tâm liền thanh tịnh, suy ngẫm về nghĩa lý của hai câu ấy, thấu suốt được yếu chỉ, lập tức chứng đắc thần thông, bay trên không trung quay về nước, rộng truyền nửa bài kệ ấy ra khắp nơi, hàng phục hết ma chướng.

Như vậy có thể thấy, trong phạm vi hai câu ấy thôi, người thiển cận hiểu theo cách thiển cận, người sâu sắc hiểu thấu đến chỗ uyên áo, không chỉ đơn thuần là “bỏ ác làm lành” như trong lời nói thông thường.

Trưng dẫn sự tích

Nhân duyên mù mắt


Ngày xưa, vua A-dục có một hậu phi là phu nhân Liên Hoa, sinh được vương tử hết sức khôi ngô tuấn tú, có đôi mắt đẹp như mắt chim câu-na-la, nhân đó đặt tên là Câu-na-la, vua hết sức thương yêu. Một hôm hai mẹ con Câu-na-la cùng đến chùa Kê Đầu Mạt gặp tôn giả Dạ-xa. Ngài quán sát biết được do nhân đời trước nên hoàng tử sẽ bị mù mắt, liền giảng thuyết cho nghe về tướng vô thường của mắt.

Bấy giờ, hoàng hậu của vua A-dục rất yêu thích dung mạo khôi ngô của vương tử Câu-na-la nên cố cưỡng ép chuyện dâm tà, nhưng vương tử nhất quyết không chịu. Hoàng hậu do đó ôm lòng oán hận, muốn móc mắt vương tử cho hả giận. Nhân lúc vua A-dục bị bệnh, vương tử Câu-na-la lại đang thảo phạt nước Kiền-đà-la ở phương bắc, hoàng hậu liền giả sắc thư của vua, sai người móc mắt vương tử. Vương tử khi ấy cực kỳ đau đớn, nhưng nhớ lại lời dạy của Tôn giả Dạ-xa về tướng vô thường của mắt, liền khởi tâm chán bỏ mắt thịt ô uế, phát tâm cầu mắt tuệ thanh tịnh. Ngay khi đó, vương tử liền chứng quả Tư-đà-hàm.

Về sau, vương tử trở về kinh đô. Vua A-dục không biết âm mưu của hoàng hậu, khi gặp lại con bỗng thấy hai mắt bị mù, hình dung tiều tụy, áo quần lam lũ. Vua đau lòng bật khóc, gạn hỏi cớ sự. Vương tử thưa: “Việc này là theo ý của phụ vương, sắc thư vẫn còn đó.” Vua nổi giận, sai người truy xét mới biết sắc thư do hoàng hậu làm giả, lập tức ra lệnh xử tội chết. Vương tử hết sức khuyên can nhưng vua nhất quyết không nghe, hạ lệnh chất củi tẩm dầu thiêu chết hoàng hậu.

Khi ấy có một tỳ-kheo thưa hỏi ngài Ưu-ba-cúc-đa về nhân duyên sự việc này, ngài nói: “Ngày xưa, vương tử là một thợ săn ở nước Ba-la-nại, săn được rất nhiều nai trong núi, vì sợ chúng chạy trốn nên móc mắt hết, sau đó mới lần lượt giết thịt. Từ đó đến nay, trải mấy trăm đời vẫn thường chịu quả báo bị móc mắt. Ngoài ra, sau khi đức Phật Câu-lưu-tôn nhập Niết-bàn vào thời quá khứ, vương tử này đã tu tạo chùa tháp, tượng Phật, lại phát nguyện rằng: ‘Trong đời vị lai, xin cho con được như đức Phật này.’ Do công đức tu tạo chùa tháp, tượng Phật, nên thường được sinh vào nhà tôn quý, và nhờ đã phát nguyện nên nay được chứng quả Tư-đà-hàm.”

Lời bàn

Về sau, vua A-dục nghe danh đại sư Yến Sa là một vị A-la-hán ở chùa Bồ-đề, liền đưa vương tử Câu-na-la đến đó, phát tâm xây dựng lại tự viện và cúng dường Tam bảo, thỉnh cầu đại sư từ bi cứu chữa cho đôi mắt vương tử. Đại sư liền dạy vua ban chiếu cho dân trong nước ngày hôm sau đến chùa Bồ-đề để nghe thuyết pháp, lại dặn mỗi người đều mang theo đồ đựng nước mắt.

Hôm sau, chư tăng cùng đông đảo nhân dân tụ hội, Đại sư thăng tòa thuyết giảng giáo pháp Mười hai nhân duyên, ai ai cũng cảm động rơi lệ. Đại sư dạy mọi người hứng nước mắt, đựng tất cả vào một chậu bằng vàng, rồi ngài phát nguyện trước đại chúng rằng: “Những điều vừa thuyết giảng nếu đúng với Chánh pháp, xin dùng nước mắt của đại chúng để rửa mắt cho vương tử, khiến được sáng lại; bằng như không đúng thì mắt vẫn mù như trước.” Phát nguyện xong, liền dùng nước mắt trong chậu vàng rửa mắt cho vương tử, đôi mắt ấy liền sáng lại như xưa.

Tham ăn chịu chết

Vào triều Thanh, huyện Thái Thương, tỉnh Giang Tô có người tên Tiền Quân Cầu, vào năm cuối niên hiệu Thuận Trị, gặp người kia bán một con ba ba, kêu giá 50 quan tiền. Quân Cầu liền trả 25 quan, định mua để thả ra. Lúc ấy có người tên Trương Bá Trọng vừa đi đến, trả giá cao hơn 5 quan, mua về để giết thịt nấu ăn. Khi nấu thịt ba ba còn chưa chín, Trương Bá Trọng bỗng nhiên thấy lạnh cóng cả người, miệng nói mê sảng rằng: “Đã có người mua tôi để thả ra, sao ông lại cố tranh mà giết tôi?” Lại gấp rút đòi mạng. Người nhà của Bá Trọng hết sức khẩn cầu tha mạng, cho mời ngay Tiền Quân Cầu đến. Quân Cầu đến nơi liền thay mặt gia đình xin tha mạng cho Bá Trọng. Khi ấy Bá Trọng mới dần tỉnh lại.

Qua việc này, Bá Trọng liền thề từ nay không ăn thịt cá nữa. Nhưng chẳng bao lâu sau, Bá Trọng gặp một người bán cá nóc lại mua về ăn. Vừa ăn xong lập tức phát bệnh, qua một ngày thì chết.

Lời bàn

Con ba ba chết không được cầu siêu thì cho dù không ăn mặn nữa, cuối cùng cũng vẫn phải chịu báo oán, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Nghịch tử đánh bạc bị sét đánh

Trấn Nam Tầm, huyện Hồ Châu, tỉnh Triết Giang, có người đàn bà góa nuôi một đứa con trai. Đứa con này tuy đã lập gia đình nhưng không lo làm ăn, rất mê đánh bạc. Một hôm đánh bạc thua đậm không có tiền trả, liền về nhà mẹ, bảo mang áo đi cầm lấy tiền đưa cho nó. Bà mẹ nói: “Mẹ muốn sang nhà chị con, hãy để mẹ mặc áo sang đó rồi sẽ đưa cho con mang đi cầm vậy.”

Đứa con liền lấy thuyền đến cho mẹ đi. Bà mẹ vì tiếc chiếc áo sợ làm hư hỏng, nên định bước lên bờ rồi mới thay ra đưa cho con. Đứa con thấy mẹ không cởi áo đưa dưới thuyền, tưởng là mẹ không muốn đưa cho mình, nổi giận giằng co vật bà ra để lấy áo, cuối cùng đẩy bà chìm xuống sông chết.

Đứa con quay về nhà nó, đi được chừng một dặm thì nghe có tiếng sấm ầm ì, liền gấp rút chạy nhanh về nhà, quát vợ rằng: “Mau lấy cái chum to úp lên che tôi lại.” Vợ hỏi để làm gì, anh ta không đáp. Bất đắc dĩ người vợ phải làm theo như vậy. Nhưng tiếng sấm đã nhỏ lắm rồi, cuối cùng vẫn chưa thấy sét đánh. Một lúc sau, người vợ bỗng thấy từ bên trong chum có máu chảy ra bên ngoài, kinh sợ liền dở chum ra xem thì thấy chồng đã mất đầu, máu tươi chảy lênh láng. Cô ta hoảng sợ quá liền kêu la gọi hàng xóm đến. Mọi người đều cho là cô đã mưu hại chồng rồi nói dối, liền bắt lên thuyền cùng đi đến nhà bà mẹ chồng, định đưa tất cả lên quan phủ. Thuyền đi được nửa đường bỗng thấy mái chèo bị vướng vào một vật, cúi xuống xem thì thấy là một xác đàn bà vừa nổi lên, tay ôm một cái đầu người, tóc còn vướng nơi đầu mấy ngón tay. Xem kỹ lại thì hóa ra xác người chính là bà mẹ, mà đầu người trong tay bà chính là đứa con. Lúc đó mới biết bà mẹ đã bị đứa con trai hại chết, liền thả cô con dâu ra.

Lời bàn

Làm con hại mẹ, thật không bằng loài sài lang hổ báo. Xét đến nguyên nhân từ đầu của sự việc, đó là vì thiếu nợ tiền. Cho nên, tai họa gây ra bởi tệ cờ bạc thật khủng khiếp. Biết đến bao giờ các quan địa phương mới trừ dứt được tệ nạn này?

Miếng thịt mất ba mạng người

Triều Thanh, vào năm Tân Hợi thuộc niên hiệu Khang Hy, xảy ra hạn hán nghiêm trọng. Ở vùng Tạ Lộc thuộc Côn Sơn, vào ngày rằm tháng bảy, có một cặp vợ chồng đang tát nước bỗng trời nổi sấm lớn, sét đánh chết người chồng. Nhưng người chồng xưa nay vốn hiền lành chất phác nên không ai hiểu được lý do. Người vợ thấy việc như thế thì than rằng: “Ôi, chỉ vì 18 cân thịt mà thôi!”

Mọi người nghe như thế thì gặng hỏi, bà liền kể: “Mùa đông năm trước, chồng tôi vào thành nộp thuế, neo thuyền ở bờ sông. Khi trở về bỗng thấy trên chiếc thuyền trống bên cạnh có một miếng thịt lớn, hồi lâu chẳng thấy ai đến lấy. Nhân đó liền lấy đem về thuyền rồi mang luôn về nhà, cân được 18 cân. Nguyên miếng thịt ấy là của một nhà giàu, do đứa tớ gái mang ra sông rửa, để trên thuyền rồi bỗng gặp việc khác phải đi, đến lúc quay lại thì đã mất. Bà chủ vì việc ấy mà giận quá, lỡ tay đánh chết đứa tớ gái. Ông chủ thấy việc như vậy, cho rằng sắp phải tan nhà nát cửa đến nơi nên quát mắng vợ thậm tệ. Bà vợ phẫn uất quá treo cổ tự vẫn. Nay sét đánh chết chồng tôi, nhất định là vì việc ấy.”

Lời bàn

Của rơi ngoài đường, người ta vẫn thường tình cờ nhặt được liền lấy làm của mình. Gặp những trường hợp như thế này là làm liên lụy đến người khác phải mất cả mạng sống, rốt cùng đã khiến người khác phải gặp tai họa, mà tự thân mình cũng bị trừng phạt. Sao có thể tham dùng những tài sản phi nghĩa như thế? Cho nên nói rằng: “Nếu không phải vật thuộc sở hữu của mình, dù một mảy may cũng không giữ lấy.”

Hết lòng trị bệnh cứu người

Vào triều Minh, ở Ô Trình có người tên Phan Quỳ, hiệu Tựu Am. Ông tinh thông y thuật, có tâm nguyện cứu nhân độ thế. Vào một năm phát sinh bệnh dịch, những người mắc bệnh đều được ông ra sức cứu chữa, trong mười người thì ông cứu sống được đến tám, chín. Nhưng trong lúc trị bệnh, do gấp rút nên ông không kê đơn thuốc. Láng giềng có người họ Triệu mang việc ấy kiện Phan Quỳ lên quan phủ. Không ngờ chưa bao lâu thì họ Triệu lâm bệnh rất nguy kịch, liền bảo đứa con: “Chỉ có ông Quỳ mới cứu được cha.” Người con nói: “Mình vừa kiện ông ấy lên quan phủ, làm sao nhờ cậy được?” Họ Triệu nói: “Tuy mình xấu với ông ấy, nhưng tâm ông ấy rất từ bi, sẽ không hại cha đâu.” Người con nghe lời, mời Phan Quỳ đến xem bệnh. Ông hết lòng chữa trị, bệnh liền được khỏi.

Phan Quỳ có ba người con trai là Phan Tương, làm huyện lệnh Quế Dương; Phan Tham, làm quan Hàn lâm biên tu; Phan Xuyên, làm quan Cung bảo Thượng thư. Bản thân Phan Quỳ cũng được phong tặng tước quan Thượng thư. Cháu nội ông là Phan Đại Phúc sau đỗ tiến sĩ vào khoa thi năm Bính Tuất.

Lời bàn

Khi đã khởi tâm khẩn thiết muốn cứu người, thì tự nhiên ý niệm báo thù trở thành nhỏ nhặt, cho đến người đã đâm đơn thưa kiện ông mà cũng có thể nhớ đến ông để cầu cứu mạng, đủ thấy tâm địa của Phan Quỳ thật cảm đến người khác hết sức sâu xa như thế nào.

Chịu đói nuôi tù

Triều Minh có Dương Sĩ Trừng là người làng Kính Xuyên thuộc huyện Ngân, tỉnh Triết Giang. Ban đầu Sĩ Trừng làm chức thư lại trong huyện, luôn giữ tâm nhân hậu, thi hành theo đúng pháp luật công bằng. Bấy giờ, quan huyện lệnh nghiêm khắc quá độ, từng dùng roi đánh một người tù đến nỗi máu chảy đầy sân mà vẫn chưa nguôi giận. Sĩ Trừng quỳ xuống xin tha, nói: “Trong việc tra xét cho rõ tình thật, phải khởi lòng thương xót phạm nhân, không được có ý mừng vui. Xử tội người khác mà vui còn không được, huống chi là tức giận?” Quan huyện nghe ông nói đúng lý lẽ nên phải quay lại xét mình, tự nguôi cơn giận.

Nhà Sĩ Trừng nghèo lắm, nhưng có ai mang quà biếu đến đều tuyệt đối không nhận. Gặp lúc tù nhân đói thiếu, ông tìm mọi cách cứu giúp. Ngày kia, có một số tù nhân mới đưa đến, đang đói lắm. Trong nhà Sĩ Trừng khi ấy chỉ còn đủ gạo ăn trong ngày đó thôi. Ông hỏi những người tù kia từ đâu đến, họ nói: “Từ Hàng Châu, đã phải chịu đói mấy hôm rồi.” Sĩ Trừng nghe vậy thì về lấy hết gạo trong nhà, nấu cháo mang đến chia cho số tù nhân ấy.

Về sau, Sĩ Trừng sinh được một con trai là Dương Thủ Trần, làm quan thăng dần đến chức Hàn lâm Học sĩ. Sĩ Trừng cũng được phong tặng cùng tước quan như con.

Lời bàn

Tự mình chịu đói chỉ mới hôm nay, còn các tù nhân kia đã đói nhiều ngày. Nếu so sánh như thế, giữ gạo lại để tự mình được no đủ sao bằng nấu cháo cấp cho tù nhân? Tâm niệm vị tha của Sĩ Trừng như thế, nhận được phước báo về sau như thế cũng là chuyện đương nhiên vậy.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 41 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phù trợ người lâm chung


Phật giáo và Con người


Nguyên lý duyên khởi


Về mái chùa xưa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.195.180 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...