Đừng bận tâm về những thất bại, hãy bận tâm đến những cơ hội bạn bỏ lỡ khi thậm chí còn chưa hề thử qua. (Don’t worry about failures, worry about the chances you miss when you don’t even try. )Jack Canfield
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill
Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Để có đôi mắt đẹp, hãy chọn nhìn những điều tốt đẹp ở người khác; để có đôi môi đẹp, hãy nói ra toàn những lời tử tế, và để vững vàng trong cuộc sống, hãy bước đi với ý thức rằng bạn không bao giờ cô độc. (For beautiful eyes, look for the good in others; for beautiful lips, speak only words of kindness; and for poise, walk with the knowledge that you are never alone.)Audrey Hepburn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ »» Hoặc ăn chay từ bỏ sự giết hại »»

An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ
»» Hoặc ăn chay từ bỏ sự giết hại

Donate

(Lượt xem: 7.828)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ - Hoặc ăn chay từ bỏ sự giết hại

Font chữ:


Giảng rộng

Khuyên người từ bỏ sự giết hại, hẳn cũng có người tin theo, nhưng nói đến việc ăn chay, không khỏi sẽ có người cho rằng chỉ là chuyện viển vông. Đó là vì họ không hiểu rằng, bởi có người ăn thịt nên mới có người giết mổ loài vật để cung ứng, lại bởi có người giết mổ loài vật, nên mới có người ăn thịt. Cả hai hạng người ấy cùng tác động qua lại, dẫn dắt và thúc đẩy lẫn nhau.

Người đời ngày ngày đều giết hại, ăn thịt chúng sinh, chỗ thấy nghe như vậy đã huân tập thành thói quen, do đó mà không còn nhận hiểu được một cách sáng suốt, chân thật về sự giết hại. Giá như mỗi ngày vào lúc trời sắp sáng, mỗi người đều có được thần thông thiên nhãn, tự mình nhìn thấy vô số lò sát sinh ở khắp mọi nơi, mỗi nơi đều có đồ tể cầm dao sắc, mang tất cả những dê, lợn, trâu, chó... trói chặt trên nền đất, sau đó ra tay giết hại hành hình... Lúc bấy giờ, tất cả những sinh vật ấy đều cất tiếng kêu la thảm thiết, hồn xiêu phách lạc, run rẩy kinh hoàng, nhưng kêu với trời cũng chẳng thể lên trời, khóc với đất cũng không chui được vào đất. Chỉ trong một chớp mắt, dao sắc đã cắt ngang cổ họng; trong một chớp mắt, dao sắc đã đâm tận ruột gan. Trong một chớp mắt, máu nóng đã theo dao phun trào lênh láng; trong một chớp mắt, nước đun sôi đã theo vết dao tuôn sâu vào da thịt. Nước sôi vào mắt, như đinh sắt trui nóng đâm nơi nhãn cầu; nước sôi xối trên lưng, như sắt nấu chảy nung nóng khắp thân thể; nước sôi tràn đến lưỡi, như nước đồng nấu chảy ngập tràn trong khoang miệng; nước sôi vào đến ruột, như nước thiếc nấu chảy ngập cả lưng...

Vào thời khắc ấy, hết thảy những con vật bị mang ra giết, vì quá đau đớn nên vội nhắm nghiền mắt lại; vì quá đau đớn nên tiếng kêu dần dần nhỏ lịm đi; vì quá đau đớn nên toàn thân bỗng chốc co rúm lại; vì quá đau đớn nên ruột gan như bị kéo bị rút.

Giá như người đời có thể được thần nhãn như thế, sẽ thấy rằng chỉ trong phút chốc thôi mà khắp cõi thế giới Diêm-phù-đề này có biết bao nhiêu muôn vạn sinh linh phải chịu cảnh đầu một nơi, tứ chi một nẻo, xương thịt nát tan phơi bày la liệt... Những con vật bị giết hại ấy, nếu gom thân xác lại ắt chất chồng hơn cả núi cao, máu huyết ắt nhuộm đỏ cả dòng sông đang chảy...

Nhìn thấy được thực trạng ấy rồi, quả thật thê thảm không khác nào toàn dân trong cả một thành vừa bị giết sạch; nghe được những âm thanh kinh hoàng bi thương ấy rồi, quả thật hãi hùng kinh khiếp như sấm sét bên tai.

Sở dĩ bao người nhúng tay vào vô số những tội lỗi hung bạo tàn ác như thế, chung quy cũng do từ những bữa ăn có thịt của chúng ta mà ra! Cho nên, vạch rõ ra thì quả báo ác nghiệt của việc ăn thịt không hề nhỏ nhặt. Lại nếu như những sinh mạng mà chúng ta giết hại để ăn thịt đó, trong đời trước đã từng là cha mẹ, anh em, vợ chồng của ta thì biết nói sao đây? Lại nếu như chúng đã từng là bà con quyến thuộc của ta thì biết nói sao đây? Cho dù không phải thế, thì nếu như trong đời vị lai chúng lại sinh ra làm cha mẹ, anh em, chồng vợ hay bà con quyến thuộc của ta thì biết nói sao đây? Ví bằng cũng không phải thế, thì nếu như trong đời vị lai ta cũng có thể sinh vào loài súc sinh như vậy, hoặc anh em, cha mẹ, vợ chồng, bà con quyến thuộc của ta cũng có thể sinh vào loài súc sinh như vậy thì biết nói sao đây?

Tục ngữ có câu: “Một ngày ăn chay, việc giết hại trong thiên hạ bớt đi phần của ta. Một ngày không ăn chay, việc giết hại trong thiên hạ ắt có sự góp phần của ta.” Như vậy há không phải là đáng sợ lắm sao?

Trong Kinh điển có nói rằng: “Trải qua sáu ngàn năm nữa, tuổi thọ trung bình của con người chỉ còn được 10 năm, sẽ có tai kiếp binh đao nổi lên, khi ấy hết thảy chúng sinh đều giết hại lẫn nhau. Cây cỏ mọc lên từ đất có cành lá sắc nhọn như dao bén, chạm vào là mất mạng. Qua bảy ngày bảy đêm như vậy, tai kiếp ấy mới chấm dứt.”

Đức Phật dạy: “Những ai chết vì nạn đói kém, binh đao, đều sinh vào các đường dữ. Những ai chết vì dịch bệnh, đa phần được sinh lên cõi trời. Vì sao vậy? Vì khi có dịch bệnh, người ta thường chỉ an ủi, thăm hỏi lẫn nhau, không khởi tâm ác độc giết hại hay tranh giành cướp đoạt.”

Luận Bà-sa nói rằng: “Nếu có người trong một ngày một đêm giữ theo giới không giết hại, trong đời vị lai người ấy chắc chắn sẽ không gặp phải tai kiếp binh đao.”

Trưng dẫn sự tích

Đảo lộn kẻ oán người thân


Vào thời đức Phật còn tại thế, trong thành Xá-vệ có một người Bà-la-môn giàu có nhưng hết sức keo kiệt. Mỗi khi trong nhà ăn uống thì đóng chặt cửa lại vì sợ có khách đến. Ngày nọ, nhà ấy giết thịt một con gà làm cỗ, hai vợ chồng cùng ngồi ăn với một đứa con nhỏ ngồi giữa, thỉnh thoảng lại bốc một miếng thịt gà đút vào miệng cho con.

Đức Phật biết rõ người bà-la-môn này ngày trước có tu tập, phước duyên nay đã thuần thục có thể cứu độ, nên ngài liền hóa thành một vị sa-môn, hốt nhiên hiện ra ngay trước mặt người ấy. Người bà-la-môn vừa nhìn thấy thì nổi giận, quát rằng: “Người tu hành sao không biết xấu hổ, tự nhiên xông vào nhà ta?” Vị sa-môn kia liền đáp: “Chính ông mới là người ngu si, giết cha ăn thịt, cưới mẹ làm vợ, nuôi dưỡng kẻ oán thù, thế mà lại dám bảo ta là người tu hành không biết xấu hổ!”

Người Bà-la-môn kinh ngạc hỏi lại: “Ông nói thế là ý nghĩa gì?”

Vị sa-môn đáp: “Con gà trên bàn kia vốn là cha của ông trong đời trước, vì tham lam keo kiệt nên thường sinh trong loài gà. Còn đứa con ông đó, trước đây là quỷ la-sát, những đời trước thường hay làm hại ông. Nay nghiệp cũ của ông chưa dứt hết, nên nó lại sinh vào nhà ông để tiếp tục làm hại. Người vợ hiện nay của ông chính là mẹ ông trong đời trước, bởi sự ái luyến sâu nặng nên quay lại tái sinh làm vợ ông. Những sự luân chuyển xoay vần như thế, người ngu si không biết, chỉ có bậc tu hành giác ngộ mới thấy rõ tất cả.”

Ngay lúc đó, đức Phật thị hiện thần thông, khiến cho người bà-la-môn kia tự thấy rõ các đời trước. Bà-la-môn liền phát tâm sám hối tội nghiệp, xin được thọ giới. Đức Phật lại thuyết pháp cho nghe, ông liền chứng quả Tu-đà-hoàn.

Lời bàn

Cha ông Đô-đề sinh làm chó trong nhà con trai mình, ăn vụng thịt trên bàn. Cha ông Chiên-đàn tái sinh làm người ăn mày đến trước nhà con trai, bị người giữ cổng đánh gãy một cánh tay. Những việc tưởng như hết sức hãi hùng kinh dị trong chốn nhân gian, nhưng thật ra lại là hết sức thông thường, vẫn luôn xảy ra từ xưa nay nhưng người đời chỉ vì si mê không biết mà thôi. Cho nên, đối với hết thảy muôn loài có sinh mạng, nói chung đều không nên giết hại.

Chó đói hiện hình cho thấy báo ứng

Thời Nam Bắc triều, ở vùng thuộc Lưu Tống có vị sa-môn hiệu Trúc Tuệ, quê ở huyện Tân Dã tỉnh Hà Nam, tu tập ở chùa Tứ Tằng, huyện Giang Lăng, tỉnh Hồ Bắc. Vào niên hiệu Vĩnh Sơ năm thứ hai, sư qua đời. Các đệ tử vì thầy mà thiết lập trai đàn trong bảy ngày để cầu nguyện. Ngay trong ngày trai đàn viên mãn, có vị tăng là Đạo Hiền bỗng nhìn thấy thầy Trúc Tuệ đứng trước phòng, ăn mặc không khác lúc sinh thời, nói với Đạo Hiền rằng: “Sao thầy vẫn chưa bỏ việc ăn thịt? Tôi chính vì ăn thịt mà phải đọa vào địa ngục làm chó đói.”

Đạo Hiền khi ấy hết sức kinh hãi, chưa kịp đáp lời thì Trúc Tuệ lại nói tiếp: “Nếu thầy không tin, cứ thử nhìn vào lưng tôi khắc biết.” Nói rồi liền quay lưng lại, Đạo Hiền bỗng nhìn thấy một con chó vàng ba khoang, nửa phần giống như con lừa, đôi mắt sáng rực như hai ngọn đuốc, phảng phất có hình dáng như Trúc Tuệ. Đạo Hiền sợ quá kêu thét lên, hình dáng kia liền biến mất.

Lời bàn

Người tu tại gia còn nên kiên trì giữ giới ăn chay, huống chi người xuất gia sao lại phá giới ăn thịt như vậy? Trúc Tuệ sở dĩ có thể hiện hình để khuyên răn Đạo Hiền giữ giới, chẳng phải là nhờ pháp lực của trai đàn trong bảy ngày đó sao?

Một đồng tiền cầu nguyện cho vua

Vào đời Bắc Chu (559-581), Chu Vũ đế rất thích ăn trứng gà. Khi ấy người giữ chức quan Giám thiện là Bạt Hổ, phụ trách việc nấu ăn cho vua, được Vũ Đế hết sức sủng ái.

Đến thời Tùy Văn Đế, Bạt Hổ vẫn được giữ chức quan Giám thiện ấy. Vào niên hiệu Khai Hoàng thứ tám, Bạt Hổ bỗng dưng đột tử. Người nhà thấy ngực còn ấm nên chưa cho nhập quan. Sau ba ngày bỗng sống lại, nói: “Tôi muốn gặp hoàng thượng để truyền lời Chu Vũ đế.”

Tùy Văn Đế nghe báo sự việc liền sai người mang kiệu đến đón vào triều kiến, Bạt Hổ trình lên Văn Đế rằng: “Tôi bị bắt dẫn đến trước điện U Minh thì thấy Chu Vũ Đế đã ở đó từ trước rồi. Minh vương tra hỏi rằng: ‘Ngươi nấu ăn cho vua, đã cùng ăn hết bao nhiêu quả trắng?’ Tôi thật không biết ‘quả trắng’ là gì, những người đứng hầu liền giải thích rằng đó là trứng gà. Tôi thú thật không biết đã ăn bao nhiêu trứng gà. Minh vương phán: ‘Người này không nhớ, thôi cho ra.’

“Khi ấy tôi nhìn thấy Chu Vũ Đế sắc mặt chuyển sang bi thảm, bỗng nhiên trước điện hiện ra một cái giường sắt cùng mười tên ngục tốt. Vũ Đế bị bắt nằm lên trên giường, liền thấy ngục tốt dùng một cây đà sắt ép lên thân thể, hai bên sườn bị ép vỡ, có vô số gà con thoát ra chạy tứ tán, chỉ trong thoáng chốc đã chất chồng lên nhau cao ngang với giường sắt. Vũ Đế không ngừng than khổ, gấp rút gọi tôi đến mà nói rằng: ‘Ông về nói với hoàng đế Đại Tùy rằng, tất cả ngọc ngà vải lụa trong kho hiện nay đều là của ta ngày xưa thu gom chất chứa. Ta vì tội lỗi hủy diệt Phật pháp nên ngày nay cực kỳ khổ sở, hoàng đế hãy mau mau dùng những thứ ấy mà làm việc công đức cho ta.’”

Tùy Văn Đế khi ấy liền ban chiếu thư, lệnh cho tất cả dân chúng mỗi người đều bỏ ra một đồng tiền, rồi dùng số ấy để làm việc phúc thiện cầu nguyện cho Vũ đế. Vua cũng truyền ghi chép việc này vào sử sách.

Lời bàn

Tội hủy diệt Phật pháp của Võ Đế gây hại khắp trong thiên hạ, nên việc dâng cúng cầu nguyện cho ông cũng phải nhờ đến khắp thiên hạ. Khi được nhân dân cả nước thay vua mà sám hối tội lỗi, thì tội của vua mới được tiêu tan.

Xưa kia, Âu Dương Tu từng giữ chức Tham tri chính sự, kiêm nhiệm việc nhuận sắc các bản dịch Kinh Phật. Vào tháng 8 nhuần của niên hiệu Gia Hữu thứ sáu, Âu Dương Tu nằm mộng thấy mình đi đến một nơi có 10 người đội mũ miện cùng ngồi xoay quanh, liền hỏi: “Các ông có phải Thập điện minh vương mà kinh Phật thường nhắc đến đó chăng?” Những người ấy đáp: “Đúng vậy.” Âu Dương Tu liền hỏi: “Thưa các ngài, người đời thường cúng dường chư tăng, tụng Kinh Phật, vì người đã chết mà tu phước để hồi hướng cầu nguyện, như vậy có thật được lợi ích gì chăng?” Các vị ấy đều đáp: “Thật có chứ sao không.”

Âu Dương Tu kể từ đó trong lòng hoang mang, tự xét lại chỗ tin hiểu sai lệch của mình, hết sức hối tiếc về việc trước đây đã sai lầm bài bác Phật giáo. Từ đó có viết ra những lời dạy con, dùng răn nhắc, cảnh tỉnh người đời sau. Lúc lâm chung, ông tụng kinh Hoa Nghiêm đến quyển thứ tám rồi mới đi. Ôi! Trong đời này những người từng sai lầm như Âu Dương Tu nào có ít đâu!

Giết dê hóa ra giết con gái

Đời nhà Đường, trong khoảng niên hiệu Trinh Quán, quan Trưởng sứ Ngụy vương phủ ở Kinh Triệu là Vi Khánh Trị có đứa con gái mất sớm. Cả hai vợ chồng đều hết sức đau đớn, thương tiếc. Sau đó hai năm, Vi Khánh Trị có dịp đãi khách, mua về một con dê để chuẩn bị giết thịt. Đêm đó, người vợ của Khánh Trị nằm mộng thấy con gái hiện về, mặc quần xanh, áo trắng, trên đầu giắt đôi trâm ngọc, khóc nói với mẹ rằng: “Khi con còn sống, thường lấy tiền bạc của cha mẹ tiêu dùng mà không hỏi xin, nay phải đọa làm thân dê để trả nợ. Sáng ngày mai con sẽ bị giết, con dê xanh đầu trắng chính là con đó, xin mẹ thương mà cứu vớt.”

Người mẹ thức giấc kinh hãi, lập tức đích thân đi xem, thấy con dê sắp bị giết thịt quả nhiên nửa thân màu xanh, đầu trắng, lại có hai chòm lông trắng trên đầu phảng phất giống như đôi trâm ngọc. Bà lập tức bảo gia nhân dừng lại không được giết.

Lát sau thì Vi Khánh Trị đến, thấy khách đã tới mà việc nấu nướng còn chưa xong thì giận lắm, quát nạt nhà bếp. Nhà bếp sợ tội, lập tức phải giết dê. Đến khi dọn lên, khách mời không ai động đũa. Khánh Trị thấy lạ gạn hỏi, quan khách đều đáp rằng: “Trong lúc giết dê, chúng tôi từ xa đều nhìn thấy đó là một đứa bé gái.”

Đến khi Khánh Trị hỏi lại người vợ mới biết rõ sự việc, trong lòng đau đớn muôn phần, không lâu sau phát bệnh mà chết.

Lời bàn

Chuyện này tương tự như chuyện “Cứu dê hóa ra cứu con gái” đã thuật ở trước. Cũng là trộm tiền của cha mẹ, cũng là bị đọa làm thân dê. Nhưng trong chuyện trước thì dê không bị giết, còn trong chuyện này thì cuối cùng dê vẫn bị giết. Đó không phải do may mắn hay rủi ro, mà là do số tiền lấy trộm vẫn chưa dùng đến nên khỏi chết, còn đã chi dụng rồi thì phải chịu chết để đền tội.

Giết dê hóa ra giết vợ

Đời Bắc Tống, Lưu Đạo Nguyên từng làm quan huyện lệnh Bồng Khê. Sau khi thôi việc về quê, một hôm đến chơi nhà họ Tần, nghỉ lại một đêm. Nửa đêm nằm mộng thấy một phụ nữ khóc nói với ông rằng: “Tôi là vợ của chủ nhà họ Tần này, từng đánh chết một người thiếp của chồng, vì thế phải đọa làm thân dê. Hiện đang bị nhốt trong chuồng, sáng mai sẽ bị giết để đãi ông. Thân tôi dù chết cũng đáng tội chẳng tiếc gì, hiềm vì trong bụng đang có dê con, nếu lại vì tôi mà chết thì tội của tôi càng thêm nặng.”

Lưu Đạo Nguyên đợi đến sáng mới đem chuyện ấy ra nói thì dê đã bị giết rồi. Cả nhà họ Tần nghe chuyện đều hết sức kinh sợ, liền đặt dê con trở lại vào bụng mẹ rồi mang ra đồng chôn cất.

Lời bàn

Người gầy dựng cơ nghiệp gia đình không dám dễ duôi vay mượn tiền bạc, vì sợ lời lãi sinh ra ngày càng nhiều không dễ hoàn trả. Người có trí tuệ không dám vay mượn sinh mạng của chúng sinh, vì sợ rồi sẽ phải đem sinh mạng của chính mình ra mà thường bồi. Do đó mà bậc tu hành phát đại nguyện phải cầu vượt thoát Ba cõi, có đủ ngũ nhãn, chứng đắc lục thông, rõ biết hết mọi việc trong quá khứ, vị lai cũng như hết thảy những việc của thế gian và xuất thế gian, được như vậy mới xem là thành tựu.

Sát sinh để cúng tế hại đến người đã chết

Vào thời Tiền Đường, có người cư sĩ họ Kim, thành tín kiên trì giữ gìn trai giới. Sau khi chết, người này có lần nhập vào một bé trai nói với người nhà rằng: “Ta tuy có tu hành nhưng nghiệp lành vẫn còn chưa đủ để được vãng sinh Tịnh độ. Nay đang ở cõi âm nhưng được an vui lắm, có thể tự do đi lại.”

Sau đó một thời gian, họ Kim cũng nhập vào đứa bé trai ấy mà trách mắng vợ con rằng: “Tại sao lúc xây mộ cho ta lại giết gà cúng tế? Vì việc ấy mà bây giờ ta đi đâu cũng có hai người theo giám sát, không còn được tự do nữa.”

Khi ấy, đứa con dâu của họ Kim đang mang thai, người nhà liền đem việc ấy ra hỏi, họ Kim nói: “Lần này sẽ sinh con trai, mẹ tròn con vuông. Nhưng lần sau cũng sinh con trai nữa, mẹ con đều chết.” Mọi người đều lấy làm lạ, liền ghi chép lại lời ấy. Sau quả nhiên xảy ra đúng như vậy.

Lời bàn

Có lần đức Phật cùng ngài A-nan đi dọc theo bờ sông, nhìn thấy 500 ngạ quỷ vừa đi vừa ca hát. Ngài A-nan thưa hỏi, đức Phật dạy: “Con cháu của những ngạ quỷ này đều vì họ mà tu phước, nên họ sắp được thoát kiếp ngạ quỷ. Vì thế mà họ vui mừng ca hát.”

Tiếp đó lại thấy khoảng mấy trăm người hình dung tốt đẹp vừa đi vừa khóc, ngài A-nan lại thưa hỏi, đức Phật dạy rằng: “Con cháu những người này giết hại sinh mạng để cúng tế, không chịu tu phước, nên họ sắp phải đọa vào địa ngục bị lửa dữ thiêu đốt. Vì thế mà họ khóc lóc.”

Người đời si mê không biết, cho rằng việc cúng tế thịnh soạn là làm vinh hiển, rạng rỡ tổ tông, mà không biết rằng những việc ấy thực sự là làm hại đến người đã chết.

Thần sông xin thọ giới

Vùng Giang Tây có mũi Tầm Ngư, khúc sông nơi đó vô cùng hiểm trở, người đời vẫn đồn rằng có khi không gió mà sóng vẫn cuộn cao đến ba thước. Nơi ấy có miếu thờ Long Vương, thần miếu hết sức linh hiển. Những người buôn bán qua lại nơi đây đều ghé vào cầu đảo, giết hại vật mạng để cúng tế nhiều không kể xiết.

Vào triều Minh, trong khoảng niên hiệu Sùng Trinh, một hôm có Luật sư Tam Muội trên đường sắp đi ngang qua miếu. Ông từ giữ miếu trong đêm ấy mộng thấy thần sông hiện ra bảo rằng: “Ngày mai sẽ có một vị tăng đi qua đây. Vị ấy với ta đời trước cùng xuất gia, là huynh đệ đồng sư. Do ngài thấu suốt chánh nhân xuất gia nên đời này vẫn là cao tăng, còn ta do một niệm sai lầm mà đọa vào cảnh giới quỷ thần thọ hưởng huyết thực. Nay nghiệp giết hại của ta quá nhiều, ngày sau chắc chắn sẽ đọa vào địa ngục. Ngày mai ông hãy thỉnh cầu ngài truyền giới cho ta. Từ nay về sau, việc cúng tế cho ta không được dùng rượu thịt nữa.”

Hôm sau, ông từ dò hỏi trên đường, quả nhiên gặp được Luật sư Tam Muội vừa đến, liền thưa rõ với ngài mọi việc. Luật sư nhận lời đến miếu thuyết giới cho thần. Từ đó về sau gió yên sóng lặng, người qua lại vùng này đều không cần phải cúng tế nữa.

Lời bàn

Các vị quỷ thần trên cạn dưới nước, nếu thọ hưởng sự cúng tế của người đời bằng máu thịt chúng sinh thì tất cả đều phải đọa vào địa ngục. Ngài Đông Nhạc Thánh đế, từ niên hiệu Vĩnh Thuần triều vua Đường Cao Tông trở về trước cũng thọ hưởng cúng tế bằng rượu thịt, sau đó phải thỉnh cầu Thiền sư Nguyên Khuê truyền thọ Năm giới, nhờ đó mới thoát khỏi tội. Hiện nay, những vị như Văn Xương Đế Quân, Quan đế, đều tuyệt đối không chấp nhận cái lý lẽ dâng cúng rượu thịt. Tăng tử có nói rằng: “Người quân tử thương yêu người khác ắt phải dựa vào đức hạnh.” Lẽ nào hai vị Đế Quân lại không được giống như Tăng tử sao?

Không giữ trai giới phải trả nghiệp cũ

Ở Côn Sơn có người tên Ngụy Ứng Chi, ngụ tại trấn Chân Nghĩa, là cháu họ của Ngụy Tử Chiêu. Trong khoảng niên hiệu Sùng Trinh, vào mùa xuân năm Canh Ngọ, Ứng Chi nằm ngủ cùng giường với Tử Thiều, mắt đang nhắm bỗng khóc to rồi niệm Phật. Tử Thiều thấy vậy rất sợ, tra hỏi. Ứng Chi đáp: “Cháu nằm mơ thấy mình đi xuống âm phủ, gặp vị tào quan ôm sổ sinh tử đến, nhìn thấy có tên cháu bị chết treo cổ, bên dưới lại có ghi chú rằng: ‘Ba năm sau, vào ngày đó tháng đó... sẽ tự treo cổ chết trong phòng đọc sách.’ Cháu cố gạn hỏi tội gì, nhưng tào quan chỉ nói: ‘Nghiệp báo nhất định phải thế, khó lòng tránh được.’ Cháu lại hỏi: ‘Có cách nào tránh được không?’ Vị ấy đáp: ‘Không có cách nào bằng ăn chay trường và niệm Phật, tinh tấn tu hành thì may ra có thể khỏi.’”

Sau đó, Ứng Chi liền nói với Tử Chiêu: “Từ nay cháu xin chuyên tâm tu hành.” Rồi từ đó phát tâm ăn chay trường, sớm tối niệm Phật, tinh tấn trải qua 8 tháng như vậy. Sau đó lại nghe lời bạn bè bàn tán rằng: “Chỉ là giấc mộng thôi, sao lại tin đó là thật?” Thế là dần dần bỏ không ăn chay nữa.

Mùa xuân năm Quý Dậu, Ứng Chi bỗng dưng vô cớ đóng chặt cửa phòng đọc sách rồi treo cổ tự vẫn. Bấm đốt tay tính lại thì từ lúc nằm mộng đến khi ấy quả đúng ba năm.

Lời bàn

Những kẻ học theo Nho giáo, vì tham miếng ăn ngon nên thường viện dẫn rằng Khổng tử không ăn chay, để biện minh cho việc ăn thịt uống rượu của mình. Nhưng họ không chịu suy nghĩ kỹ để thấy rằng, trong sách Luận ngữ rõ ràng có lời dạy của Khổng tử rằng: “Những lúc giữ trai giới không được ăn thịt cá.” Như vậy đâu thể nói rằng đức Khổng tử chưa từng răn dạy việc không nên ăn thịt uống rượu? Nho gia cũng chủ trương trước mỗi kỳ tế lễ đều phải trai giới thanh tịnh, ấy là vì việc ăn chay giữ giới sẽ giúp cho thân tâm đều được trong sạch, nhờ vậy mới có thể cùng các vị thần linh giao cảm. Từ đó có thể suy ra rằng việc ăn thịt uống rượu làm cho con người hôn ám mê muội. Người đời nay hành xử không được như Khổng tử, chỉ riêng muốn học theo Khổng tử việc không ăn chay, như vậy há có thể bước vào cửa thánh được sao?

Bán công ăn chay lập tức mất mạng

Huyện Ma Thành, tỉnh Hồ Bắc, có người họ Vương ăn chay trường được ba năm. Bỗng nhiên thân thể bị ghẻ lở đau đớn không chịu nổi, do đó sinh tâm thối thất, không tin vào công đức của việc ăn chay.

Có người bạn của họ Vương đến thăm bệnh, an ủi rằng: “Anh là người ăn chay, chắc chắn sẽ được trời Phật gia hộ.” Họ Vương nói: “Tôi ăn chay đã ba năm, nay lại chịu nghiệp báo xấu ác như thế này, xem ra ăn chay nào có ích lợi gì?”

Người bạn liền nói: “Nếu anh không muốn ăn chay nữa, anh có thể bán công ăn chay của anh cho tôi được chăng?”

Họ Vương hỏi: “Bán như thế nào?”

Người bạn nói: “Cứ mỗi ngày anh đã ăn chay, trị giá một phân bạc; cộng cả ba năm anh sẽ được 10 lạng 8 cân bạc.”

Họ Vương nghe vậy mừng lắm, liền viết giấy bán rồi nhận đủ tiền, dự tính hôm sau sẽ thôi không ăn chay nữa. Đêm ấy nằm mộng thấy hai con quỷ đến mắng rằng: “Mạng sống của ông lẽ ra đã dứt từ mười tháng trước, nhờ ăn chay trường mới kéo dài được đến hôm nay. Nay ông bán công ăn chay, vậy tính ra ông đã sống vượt quá số năm đáng sống rồi.” Mắng như vậy rồi, lập tức muốn xông vào bắt mà dẫn đi. Họ Vương van nài xin chậm cho một đêm, định sẽ trả tiền lại cho bạn và phát nguyện ăn chay trường như trước.

Hôm sau, họ Vương nói với người bạn kia đòi lại giấy bán công ăn chay. Người bạn nói: “Ngay hôm qua lúc mang về tôi đã khấn trước bàn Phật mà đốt giấy đi rồi.” Họ Vương hết sức hối hận về việc ấy. Quả nhiên sau đó thì chết.

Lời bàn

Người muốn mua công ăn chay, quả là chuyện lạ, mà người chịu bán cũng thật kỳ lạ! Bán rồi, hai bên lại tức thời giao nhận tiền bạc xong ngay, thật càng lạ lùng ít có. Cứ theo như việc này mà xét thì có thể thấy, những người bỏ tiền bạc ra để thỉnh người khác thay mình tụng kinh lễ sám, không phải là không được phước đức.

Người phát tâm ăn chay trường, trước tiên nên khởi năm phép quán bất tịnh, nhờ đó mà đối với các món ăn nấu bằng thịt cá có thể sinh tâm chê chán không còn thèm muốn.

Năm phép quán bất tịnh ấy là:

1. Nguồn gốc bất tịnh: Quán xét rằng hết thảy các món thịt cá đều có nguồn gốc từ máu thịt, tinh huyết của loài súc vật, cho nên món ăn như vậy quả thật bất tịnh;

2. Sự nuôi dưỡng bất tịnh: Quán xét rằng hết thảy những gì các loài heo, dê, gà, ngỗng... ăn vào đều toàn là những thứ nhơ nhớp, dơ bẩn, cho nên món ăn như vậy quả thật bất tịnh;

3. Chỗ ở bất tịnh: Quán xét rằng hết thảy các loài súc vật mà ta giết mổ để ăn thịt đó đều ăn ngủ trong chuồng trại dơ bẩn, hôi hám, ngay nơi đại tiện, tiểu tiện, suốt đời sống chung với phẩn dơ, nước tiểu, cho nên món ăn như vậy quả thật bất tịnh;

4. Ruột gan đều bất tịnh: Quán xét rằng bên trong thân thể hôi hám của các loài mà chúng ta ăn thịt thực sự chứa đựng toàn những máu mủ, phẩn dơ, nước tiểu, đờm dãi... cho nên món ăn như vậy quả thật bất tịnh;

5. Chết đi rồi bất tịnh: Quán xét rằng sau khi đã chết, thân thể các loài ấy cũng đều phân rã thối nát, so với xác người chết không có gì khác, cho nên món ăn như vậy quả thật bất tịnh.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 41 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Nghệ thuật chết


Sống và chết theo quan niệm Phật giáo


Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim


Cho là nhận

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.144.162 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...