Hãy quán chiếu những lợi lạc
của kiếp người quý hiếm này.
Jamgon Kongtrul
Liễu nghĩa cự
(The Torch of Certainty)
Judith Hanson dịch sang Anh ngữ
Trong số tất cả các giống loài được các nhà khoa học hiện đại nghiên cứu cho đến nay, người ta có thể nói chắc là chỉ có loài người mới có sẵn khả năng chủ ý chọn lựa hướng đi của đời mình, và biết phân biệt để thấy rằng những chọn lựa này sẽ đưa họ đến thung lũng của một hạnh phúc tạm bợ hay đến cảnh giới của một sự an lạc vĩnh cửu. Mặc dù chúng ta có thể được “lắp đặt” về mặt di truyền hướng đến những hạnh phúc tạm bợ, nhưng chúng ta cũng sẵn có khả năng để nhận biết trong nội tâm của chính mình một cảm giác tự tin hơn, an bình hơn và sảng khoái sâu xa hơn, lâu dài hơn. Giữa các chúng sinh hữu tình, loài người dường như là loài duy nhất có khả năng nhận biết sự thiết yếu của việc liên kết lý trí, cảm xúc và bản năng sinh tồn, và trong tiến trình này, con người thiết lập một vũ trụ - không chỉ riêng cho chính họ và cho những thế hệ loài người kế tiếp, mà còn cho tất cả những sinh vật nào cảm nhận được sự đau đớn sợ hãi và khổ đau - trong đó tất cả muôn loài đều có thể sống chung mãn nguyện và an bình.
Một vũ trụ như thế vốn đã tồn tại, cho dù hiện nay chúng ta chưa nhận biết được. Mục đích của giáo pháp đạo Phật là giúp phát triển khả năng nhận biết rằng vũ trụ ấy - vốn thực sự chính là khả năng tính vô hạn hiện hữu trong chính bản thể của ta, không hơn không kém - đang tồn tại ngay bây giờ và ở đây. Tuy nhiên, để nhận biết nó ta nhất thiết phải học biết cách an trụ tâm thức. Chỉ bằng cách an trụ tâm thức trong sự tỉnh giác tự nhiên của nó, chúng ta mới bắt đầu nhận thức được rằng ta không phải là các niệm tưởng, cảm giác và cảm thọ của mình. Niệm tưởng, cảm giác và cảm thọ là những chức năng của thân thể. Và tất cả những gì tôi đã học được trong Phật pháp cũng như trong khoa học hiện đại đều chỉ ra cho tôi biết rằng: con người là những gì rộng lớn hơn nữa chứ không chỉ là cái thân thể này của mình mà thôi.
Những bài tập tôi trình bày trong sách này chỉ là giai đoạn đầu của con đường hướng đến sự giác ngộ viên mãn, tức là nhận hiểu hoàn toàn tánh Phật của mình. Các bài tập này, như là cách ổn định tâm thức, giúp thuần thục với tâm thức và phát triển tâm từ bi, tự thân chúng có thể đem lại những thay đổi vượt ngoài sức tưởng tượng trong cuộc đời bạn. Ai lại không muốn có được sự tự tin và an tĩnh khi đối mặt với khó khăn, giảm nhẹ hoặc loại trừ được cảm giác cô đơn, cách biệt, hay góp phần - dầu chỉ là gián tiếp - mang đến hạnh phúc và an lạc cho người khác, và nhờ thế tạo được một môi trường trong đó chính mình và những người mình thương yêu chăm sóc cũng như những thế hệ còn chưa ra đời đều có thể phát triển thịnh vượng? Để thành tựu những kỳ tích này, tất cả những gì cần làm lại chỉ là một chút kiên nhẫn, một chút siêng năng, một chút ý chí để buông bỏ những định kiến về chính bản thân bạn và thế giới chung quanh. Tất cả những gì cần làm chỉ là một chút công phu tu tập để thức tỉnh giữa giấc mơ cuộc đời và nhận ra được rằng không có gì khác biệt giữa kinh nghiệm về giấc mơ và tâm thức của người nằm mơ.
Cũng giống như phong cảnh trong giấc mơ có phạm vi không giới hạn, tánh Phật của bạn cũng thế. Chuyện kể về các bậc thầy Phật giáo trong quá khứ có rất nhiều giai thoại kỳ diệu về những con người đã bước đi trên mặt nước, hoặc đi xuyên qua lửa mà không cháy, và liên hệ với các đồ đệ bằng thần giao cách cảm qua những khoảng cách rất xa. Chính cha tôi đã có khả năng chịu đựng việc bác sĩ phẫu thuật cắt vào những lớp da thịt rất nhạy cảm xung quanh mắt [mà không được gây mê] nhưng không cảm thấy đau đớn.
Tôi cũng có thể chia sẻ với bạn một vài câu chuyện rất thú vị về một người ở thế kỷ 20 đã thành tựu tiềm năng trọn vẹn của mình, một chúng sinh hữu tình. Người ấy là đức Karmapa thứ 16, vị lãnh đạo tiền nhiệm dòng Kagyu của Phật giáo Tây Tạng. Ngay sau hàng loạt những khó khăn làm chấn động đất nước Tây Tạng vào cuối thập niên 1950, ngài và một số đông đồ đệ đã phải đến sinh sống ở Sikkim, miền bắc Ấn độ. Nơi đây ngài đã xây dựng một tu viện lớn, nhiều trường học và thành lập nhiều tổ chức khác nhau để giúp đỡ cộng đồng di dân Tây Tạng không ngừng phát triển. Khi cộng đồng ở Sikkim đã được thiết lập an ổn rồi, ngài Karmapa bắt đầu đi khắp thế giới, thuyết giảng cho những người chỉ vừa mới biết đến tính chất đặc biệt của Phật giáo Tây Tạng, lúc ấy đang phát triển ngày càng đông hơn. Trong những chuyến hoằng hóa của Ngài ở châu Âu và Bắc Mỹ, ngài đã thi triển những điều có thể gọi là thần thông, như để lại dấu chân trên một tảng đá cứng, làm mưa xuống những nơi bị hạn hán ở vùng Tây Nam nước Mỹ, và có một lần Ngài làm cho một dòng suối tự nhiên xuất hiện trong vùng sa mạc nơi những người da đỏ Hopi cư ngụ.
Nhưng chính phương cách nhập diệt của đức Karmapa đời thứ 16 mới cống hiến cho những ai được chứng kiến một sự thể hiện rất sinh động phẩm tính của bản tâm. Năm 1981, ngài điều trị bệnh ung thư trong một bệnh viện ở ngoại ô thành phố Chicago. Tiến trình bệnh lý của ngài làm cho tất cả các bác sĩ điều trị đều hoang mang. Những triệu chứng của ngài cứ đến rồi đi mà không có lý do rõ rệt nào cả, thỉnh thoảng chúng biến mất hoàn toàn, rồi lại chỉ xuất hiện sau đó trong một vùng mà trước kia chưa bị ảnh hưởng của bệnh trên thân ngài. Theo một lời kể lại thì điều này như thể là “thân thể ngài đang đùa cợt với các thiết bị máy móc”. Trong suốt cuộc thử thách ấy, ngài Karmapa chưa từng một lần than đau. Ngài lưu tâm đến sự an vui của các nhân viên trong bệnh viện nhiều hơn. Nhiều người trong số ấy thường dừng lại trong phòng ngài đơn giản chỉ để nếm trải cái cảm giác vô cùng an tĩnh và từ mẫn tỏa ra từ ngài, bất chấp sự hoành hành của cơn bệnh.
Khi ngài nhập diệt, các vị Lạt-ma và những người Tây Tạng khác từng ở cạnh ngài trong suốt thời gian trị liệu đã xin cho di thể của ngài được giữ yên không khuấy động trong 3 ngày, theo truyền thống Tây Tạng sau khi một bậc đại sư nhập diệt. Vì ngài Karmapa đã để lại một ấn tượng quá sâu đậm trong lòng các nhân viên bệnh viện, ban quản trị đã chấp thuận lời yêu cầu của chư tăng: Thay vì lập tức chuyển di thể của ngài đến nhà xác của bệnh viện, họ đã đồng ý để ngài ở lại trong phòng bệnh, giữ nguyên trong tư thế thiền tọa lúc viên tịch.
Theo như tài liệu để lại bởi các vị bác sĩ đã theo dõi ngài trong suốt 3 ngày ấy, di thể ngài Karmapa không bao giờ cứng đờ [như trạng thái xác chết] và ở vùng quanh trái tim của ngài vẫn ấm áp gần giống như người sống. Hơn 20 năm sau, tình trạng di thể ngài sau khi chết vẫn thách thức sự giải thích của y khoa, và vẫn còn để lại một tác động sâu sắc đối với những người được chứng kiến.
Tôi nghĩ rằng, quyết định đến điều trị và để lại di thể trong một bệnh viện phương Tây của đức Karmapa thứ 16 hẳn phải là món quà cuối cùng và có lẽ là lớn nhất ngài ban cho nhân loại: Chứng minh cho giới khoa học phương Tây thấy rằng chúng ta quả thật sẵn có những khả năng không thể dùng ngôn ngữ bình thường mà giải thích được.
TÌM THẦY HỌC ĐẠO
Bạn nhất thiết phải được dẫn dắt
bởi một vị thầy tâm linh chân chính.
Ngài Gyalwang Karmapa Đời thứ 9
Đại thủ ấn: Liễu nghĩa hải
(Mahamudra: The Ocean of Definitive Meaning)
Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ
Điều thú vị về các bậc thầy [Phật giáo] từ xưa nay là các ngài đều có cùng một tiến trình tu tập tương tự như nhau. Các ngài bắt đầu bằng cách tu tập nhiều pháp môn an định tâm thức và trưởng dưỡng tâm từ bi như đã được trình bày trong sách này, và rồi các ngài phát huy trọn vẹn tiềm năng của [tâm thức] mình bằng cách tu tập theo sự dẫn dắt của một bậc thầy thông tuệ hơn và có kinh nghiệm tu tập hơn bản thân các ngài.
Nếu bạn muốn tiến xa hơn [trên đường tu tập], muốn khám phá và thể nghiệm trọn vẹn tiềm năng của mình, bạn cần một người dẫn dắt. Bạn cần một vị thầy.
Những phẩm tính của một bậc thầy lý tưởng là gì? Trước hết, vị thầy ấy nhất thiết phải được đào luyện đúng theo một dòng truyền thừa nào đó - nếu không, vị ấy có thể vì kiêu mạn mà đặt ra các quy luật hay đường lối tu hành theo ý mình, hay duy trì sự hiểu lầm về một điều mà vị ấy đã học trong sách vở. Việc tu tập theo sự dẫn dắt của một vị thầy được đào luyện trong một dòng truyền thừa đã có từ xưa còn có một năng lực cực kỳ lớn lao nhưng tinh tế, đó là năng lực tương thuộc (hay duyên khởi) như đã đề cập trong Phần 1. Khi bạn học với một vị thầy được đào luyện trong một dòng truyền thừa, bạn trở thành một phần trong “đại gia đình” dòng truyền thừa ấy. Cũng giống như bạn đã học những bài học vô giá không nói ra thành lời từ gia đình mà bạn được sinh ra hay nuôi dưỡng, bạn cũng sẽ học được những bài học vô giá chỉ qua việc quan sát và giao tiếp với bậc thầy chân chính của một dòng truyền thừa.
Ngoài việc được đào luyện theo đúng luật tắc của một dòng truyền thừa cụ thể, vị thầy đủ phẩm tính còn phải biểu lộ tâm từ mẫn và đồng thời, hành vi của ngài thể hiện rõ một cách tinh tế sự chứng ngộ của chính ngài nhưng không bao giờ trực tiếp nói ra. Nên tránh các vị thầy tự nói về những thành tựu của riêng họ, vì những cách nói ra hay khoe khoang như thế là một dấu hiệu chắc chắn cho thấy rằng họ chẳng có chứng ngộ gì cả. Các bậc thầy đã có một phần kinh nghiệm [chứng ngộ] nào đó thì không bao giờ nói về những thành tựu của chính mình, thay vì thế, các ngài thường có khuynh hướng nói về những phẩm hạnh của các bậc thầy mà các ngài đã theo học. Mặc dù vậy, bạn vẫn có thể cảm nhận được phẩm hạnh của các ngài qua vầng hào quang uy nghi bao quanh, giống như ánh sáng được phản chiếu từ một khối vàng. Bạn không nhìn thấy tự thân khối vàng, mà chỉ thấy sự chói sáng của ánh hoàng kim.
CHỌN SỐNG HẠNH PHÚC
Tác ý là nghiệp của tâm thức.
Gunaprabha
A-tì-đạt-ma tạng
(The Treasury of Abhidharma)
Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ
Chỉ cần quan sát một đứa trẻ đang chơi một trò chơi điện tử, mải mê trong việc bấm nút để giết quân địch và thắng điểm, bạn sẽ thấy ngay những trò chơi ấy có thể gây nghiện đến mức như thế nào. Và rồi hãy tĩnh tâm một chút để nhìn lại những “trò chơi” tài chánh, “trò chơi” tình ái hay những “trò chơi” khác mà bạn, một người lớn đã và đang chơi, để thấy chúng cũng gây nghiện cho ta không khác. Khác biệt chính giữa người lớn và trẻ con là người lớn có đủ kinh nghiệm và hiểu biết để tránh xa trò chơi. Một người lớn có thể quyết định việc nhìn một cách khách quan hơn vào tâm thức của mình, và khi làm như vậy họ sinh khởi tâm từ mẫn đối với những người khác không có khả năng quyết định làm như thế.
Như đã trình bày từ đầu sách đến đây, một khi bạn tự mình quyết tâm phát triển một sự nhận biết về tánh Phật của mình, thì điều tất yếu là bạn sẽ bắt đầu nhận thấy những thay đổi trong kinh nghiệm hằng ngày. Những chuyện trước đây thường làm bạn phiền muộn sẽ mất dần khả năng “làm khó” cho bạn. Về mặt trực giác, bạn trở nên khôn ngoan hơn, thanh thản hơn và chân thành, cởi mở hơn. Bạn sẽ bắt đầu xem các chướng ngại là những cơ hội để bạn trưởng thành hơn. Và vì cái ảo giác về sự giới hạn và dễ thương tổn của bạn đã dần dần mất đi, bạn sẽ khám phá từ sâu thẳm trong nội tâm mình sự vĩ đại chân chính của tự thể: Bạn là ai và là những gì?
Và tuyệt vời nhất là, khi bạn bắt đầu thấy được tiềm năng của chính mình, bạn cũng sẽ bắt đầu nhận thấy tiềm năng ấy ở tất cả mọi người quanh bạn. Tánh Phật không là một phẩm tính đặc biệt chỉ dành riêng cho một số ít người được ưu tiên. Dấu hiệu chân thật của việc nhận biết tánh Phật nơi mình là nhận ra rằng tánh Phật ấy thực sự bình thường đến mức nào - đó là khả năng nhận biết được tánh Phật ở tất cả mọi hữu tình, cho dù không phải mọi hữu tình đều nhận biết được tánh Phật nơi chính họ. Vì thế, thay vì khép kín lòng mình trước những người quát tháo bạn hay có hành vi nào đó khác hơn gây hại cho bạn, bạn sẽ thấy mình trở nên cởi mở hơn. Bạn nhận biết rằng họ không phải là những kẻ điên khùng, mà cũng là những người giống như bạn thôi, cũng mong muốn được hạnh phúc và an bình; họ xử sự như những kẻ điên khùng là vì họ chưa nhận biết được bản thể chân thật của họ và đang bị chế ngự bởi những cảm giác yếu đuối và sợ hãi.
Bạn có thể bắt đầu tu tập với niềm hứng khởi đơn giản là để hoàn thiện chính mình, để làm tất cả mọi việc một cách tỉnh thức hơn và để rộng mở cõi lòng với người khác một cách sâu sắc hơn. Động cơ thúc đẩy là yếu tố riêng lẻ quan trọng nhất quyết định kinh nghiệm của bạn là an lành hay đau khổ. Chánh niệm và từ bi thật ra luôn phát triển song hành. Càng có chánh niệm, bạn càng thấy dễ khởi tâm từ mẫn. Và càng mở rộng cõi lòng đối với người khác, bạn càng trở nên tỉnh thức hơn trong tất cả những việc bạn làm.
Bất cứ khi nào bạn cũng có thể chọn lựa, hoặc là theo đuổi chuỗi tư tưởng, cảm xúc và cảm giác vốn củng cố nhận thức về bản thân mình như là yếu đuối và giới hạn, hoặc là luôn ghi nhớ rằng bản thể chân thật của mình vốn là thanh tịnh, không do tạo tác và không thể bị tổn hại. Bạn có thể tiếp tục chìm trong giấc ngủ vô minh, hoặc nhớ lại rằng bạn vẫn đang và vốn thường tỉnh giác. Dù chọn cách nào thì bạn cũng đang thể hiện bản chất vô giới hạn trong thực thể của mình. Vô minh, yếu đuối, sợ hãi, oán giận và tham muốn đều là những biểu hiện từ tiềm năng vô hạn của tánh Phật. Không có gì vốn sẵn mang tính chất đúng sai trong những chọn lựa như thế. Kết quả tu tập theo Phật giáo chỉ đơn giản là sự nhận biết được rằng những phiền não nói trên hay khác nữa đều chỉ là những chọn lựa sẵn có với ta không hơn không kém, bởi vì bản chất chân thật của ta vốn là vô hạn.
Chúng ta chọn sự vô minh vì chúng ta sẵn có khả năng [chọn lựa] đó. Chúng ta chọn sự tỉnh giác, cũng vì chúng ta sẵn có khả năng [chọn lựa] đó. Luân hồi hay Niết-bàn cũng chỉ đơn thuần là những cách nhìn khác nhau dựa trên sự chọn lựa của ta về cách quan sát và nhận hiểu kinh nghiệm của mình. Niết-bàn không có gì mầu nhiệm và luân hồi cũng không có chi xấu xa hay sai trái. Nếu bạn cứ khăng khăng tự nghĩ về mình như là hạn hẹp kém cỏi, sợ sệt, dễ tổn thương, hay bị khủng hoảng bởi kinh nghiệm quá khứ, hãy biết rằng đó chỉ là do sự chọn lựa của bạn, và rằng cơ hội để bạn trải nghiệm khác hơn về chính mình vẫn luôn luôn sẵn có.
Về cơ bản, con đường tu tập theo đạo Phật đưa đến một chọn lựa giữa sự quen thuộc và thực tiễn. Việc duy trì những mô thức quen thuộc trong tư tưởng và hành vi chắc chắn là cho ta một cảm giác thoải mái và ổn định nào đó. Việc ra khỏi phạm vi thoải mái và quen thuộc ấy tất yếu đòi hỏi ta phải bước vào một phạm trù kinh nghiệm xa lạ có vẻ như là thực sự đáng khiếp sợ, một phạm trù khó chịu nửa vời như tôi đã trải nghiệm lúc nhập thất. Bạn không biết là nên quay về với những [kinh nghiệm] quen thuộc nhưng đáng sợ, hay là nên tiếp tục tiến lên về phía những [kinh nghiệm] có vẻ như đáng sợ chỉ vì chúng không quen thuộc.
Trong một ý nghĩa nào đó, sự phân vân không xác quyết khi đứng trước chọn lựa thừa nhận tiềm năng trọn vẹn của mình rất tương tự với những gì mà nhiều đệ tử của tôi kể lại về sự chấm dứt một cuộc tình khổ sở: có một cái gì bất đắc dĩ, một cảm giác thất bại đi kèm theo sự chia tay ấy. Có một khác biệt chính yếu giữa việc cắt đứt một cuộc tình khổ sở với việc bước vào con đường tu tập theo Phật giáo. Đó là, khi bước vào con đường tu tập theo Phật giáo, bạn chấm dứt một cuộc tình khổ sở với chính bản thân mình. Khi bạn chọn sự thừa nhận tiềm năng chân thật của mình, bạn dần dần thấy mình giảm bớt việc thường xuyên hạ thấp mình, quan niệm về chính mình trở nên tốt đẹp và lành mạnh hơn, sự tự tin và niềm vui thuần khiết chỉ vì mình đang được sống sẽ tăng thêm. Đồng thời bạn sẽ bắt đầu nhận thức rằng tất cả mọi người xung quanh bạn đều có cùng một tiềm năng ấy, cho dù họ có biết điều đó hay không. Thay vì ứng xử với họ như với những mối đe dọa hay như những đối thủ, bạn sẽ thấy mình có khả năng nhận biết và cảm thông với những nỗi sợ hãi, khổ đau của họ, và một cách tự nhiên, bạn sẽ ứng xử với họ theo cách chú trọng vào những giải pháp [cho vấn đề] chứ không phải gây thêm bất ổn.
Xét cho cùng, vấn đề hạnh phúc trở thành sự chọn lựa giữa sự không thoải mái khi trở nên tỉnh giác nhận biết về những phiền não của mình với sự không thoải mái khi bị phiền não chi phối, sai sử. Tôi không thể nói chắc với bạn rằng việc đơn thuần trụ tâm trong sự tỉnh giác nhận biết những tư tưởng, cảm giác và cảm thọ, đồng thời nhận biết chúng như là sự hỗ tương tạo tác của chính thân tâm bạn, bao giờ cũng sẽ là một kinh nghiệm dễ chịu. Trong thực tế, tôi lại có thể bảo đảm khá chắc chắn rằng sự quán chiếu bản thân theo cách này, có đôi khi sẽ là một kinh nghiệm cực kỳ khó chịu. Nhưng điều đó cũng đúng khi ta bắt đầu bất kỳ một kinh nghiệm mới nào, dầu đó là đi tập thể thao, bắt đầu một việc làm mới hay khi bắt đầu một chế độ ăn kiêng.
Những tháng đầu tiên bao giờ cũng khó khăn. Việc học hết tất cả các kỹ năng cần thiết để thành thạo một công việc không phải dễ dàng; động viên chính mình đi tập thể thao không phải là dễ dàng; tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh mỗi ngày không phải là dễ dàng. Nhưng sau một thời gian, những khó khăn sẽ giảm bớt, bạn sẽ bắt đầu có cảm giác vui thích hay thành tựu, và toàn bộ nhận thức của bạn về chính mình sẽ bắt đầu thay đổi.
Sự tu tập thiền quán cũng vận hành giống như thế. Trong những ngày đầu, bạn có thể cảm thấy hài lòng, nhưng sau khoảng một tuần, sự tu tập trở thành một thử thách. Bạn không thể sắp xếp được thì giờ, ngồi thiền không thoải mái, không thể tập trung, hay chỉ là bạn cảm thấy mệt mỏi. Bạn đã chạm phải một bức tường, điều mà những vận động viên điền kinh cũng gặp phải khi họ cố chạy thêm một nửa dặm nữa sau khi hoàn tất chặng đường tập luyện thông thường. Cơ thể lên tiếng: “mình không thể chạy nữa”, nhưng tâm trí lại bảo “mình nên chạy thêm”. Cả hai tiếng nói đều không dễ chịu cho lắm; trong thực tế, cả hai đều có sự đòi hỏi.
Phật giáo cũng thường được gọi là “trung đạo”, vì còn đưa ra sự chọn lựa thứ ba. Nếu bạn thực sự không thể tập trung vào một âm thanh hay một ngọn nến thêm một giây nào nữa, thì chắc chắn là nên dừng lại ngay. Nếu không, thiền tập sẽ trở nên một cực hình. Đến một lúc, bạn sẽ nghĩ rằng: “Khổ chưa, đã 7 giờ 15 rồi! Ta phải ngồi xuống để vun trồng hạnh phúc!” Chưa ai đã từng tiến bộ theo cách đó. Mặt khác, nếu bạn nghĩ là mình có thể tiếp tục thêm một, hai phút nữa, tất nhiên là hãy tiếp tục. Bạn có thể ngạc nhiên bởi những gì mình học được. Bạn có thể phát hiện một tư tưởng hay một cảm giác nào đó ở đằng sau sự kháng cự mà bạn không muốn thừa nhận. Hay bạn có thể đơn thuần thấy rằng thật ra bạn có khả năng an trụ tâm lâu hơn mình tưởng, và chỉ riêng sự phát hiện này đã có thể tăng thêm niềm tự tin nơi chính bạn, và đồng thời cũng làm giảm tỷ lệ cortisol, tăng tỷ lệ dopamine và kích hoạt nhiều hoạt động hơn nơi thùy trước trán bên trái của não bộ. Và những thay đổi sinh lý này có thể đem lại một sự thay đổi lớn lao trong một ngày của bạn, cung cấp một tiêu chuẩn tham chiếu của cơ thể để có được sự an tĩnh, ổn định và tự tin.
Nhưng điều kỳ diệu nhất là bất chấp bạn ngồi thiền trong bao lâu hay bất kể bạn dùng phương thức nào, tất cả các phương thức thiền quán Phật giáo cuối cùng cũng đều làm sinh khởi tâm từ bi, cho dầu bạn có nhận biết điều đó hay không. Mỗi khi quan sát tâm thức, bạn không thể nào không nhận biết sự tương đồng của bạn với những người khác xung quanh. Khi bạn cảm nhận sự khát vọng hạnh phúc, bạn không thể không thấy biết cùng một khát vọng ấy nơi người khác, và khi bạn quan sát rõ ràng sự sợ hãi, oán giận hay ác cảm nơi chính mình, chắc chắn bạn sẽ thấy rằng mọi người xung quanh bạn cũng đều cảm giác cùng một sự sợ hãi, oán giận và ác cảm như thế.
Khi bạn quan sát tâm thức của mình, tất cả những sự khác biệt tưởng tượng giữa chính bạn và người khác sẽ tự nhiên biến mất, và lời nguyện xưa về “Bốn tâm vô lượng” (từ, bi, hỷ, xả) sẽ trở nên tự nhiên và liên tục như nhịp tim của bạn:
Nguyện cho tất cả chúng sinh hữu tình đều đạt được hạnh phúc và gieo nhân hạnh phúc.
Nguyện cho tất cả chúng sinh hữu tình đều được giải thoát khổ đau và không còn tạo nhân khổ đau.
Nguyện cho tất cả chúng sinh hữu tình đều được hỷ lạc và gieo nhân hỷ lạc.
Nguyện cho tất cả chúng sinh hữu tình đều được vô lượng an ổn và không còn tham ái, sân hận.