Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Quyển thứ ba mươi lăm
Tiếp theo nhiếp tụng chín trong biệt môn tám (nói về Bà-la-môn Diệu-hoa).
Khi ấy, Thế Tôn suy nghĩ: "Ðến đây, muốn xem ba mươi hai tướng của Ta, thanh niên Thọ-Sinh này đã thấy ba mươi tướng nhưng còn nghi về hai tướng lưỡi và âm tàng vì chưa được thấy. Ta hãy phương tiện hiện tướng kín để cho họ thấy".
Sau khi hiện tướng kia rồi, Thế Tôn lại le lưỡi đến tận chân tóc, che khắp cả mặt.
Thấy như vậy, Thọ Sinh suy nghĩ:
- Sa-môn Kiều Ðáp Ma đầy đủ các tướng tốt, như vậy có hai trường hợp, sống tại gia làm Luân vương, xuất gia thành bậc Chánh-giác ... cho đến danh tiếng vang khắp nơi.
Với tâm rất hoan hỷ, thanh niên ấy lễ Phật rồi từ giã.
Trong khu vườn nọ, Bà-la-môn Diệu Hoa đang ngồi đàm luận cùng các vị kỳ túc để trông chờ Thọ Sinh. Khi trông thấy, Thọ Sinh đến lạy sát chân Diệu Hoa cùng các vị tôn túc khác rồi ngồi qua một bên. Diệu Hoa bảo:
- Này thanh niên, Kiều Ðáp Ma có tiếng khen tốt vang khắp mười phương, đủ các tướng tốt, sự việc ấy đúng không?
Ðáp:
- Thưa đại sư, những điều tán dương ấy đều là sự thật.
Hỏi:
- Ngươi có đàm luận cùng với ông ấy không?
Ðáp:
- Thưa có.
Hỏi:
- Ngươi hãy tuần tự trình bày hết lại cho ta nghe những điều đàm luận ở đó.
Thọ Sinh đem hết những điều đã đàm luận với Thế Tôn thưa lại cho Diệu-Hoa nghe. Nghe nói xong, Diệu Hoa rất phẫn nộ, lấy chân đạp trên đầu Thọ Sinh, giận nói:
- Giỏi thay cho sứ giả đã làm việc ấy, khiến cho thân ta bị chìm đắm trong đường ác. Như khi cùng vị ấy đàm luận, ngươi đã có những sai trái. Theo sự dẫn chứng của vị ấy, ta cũng có lỗi lầm đó. Lúc này, trời đã xế chiều, không thể đến thăm hỏi cung kính, chờ đếùn sáng mai, ta sẽ đích thân đến.
Ngay đêm ấy, Diệu Hoa liền làm các món ăn uống thơm ngon. Vừa sáng sớm, ông ta dùng xe vận tải những thứ ấy đến chỗ Thế Tôn. Sau khi chào hỏi ngồi qua một bên, ông ta thưa với Phật: - Thế Tôn! Con làm các món ăn thanh tịnh cho Kiều Ðáp Ma, đã mang đến đây, xin Ngài từ bi thương tưởng nhận cho.
Khi ấy, đức Phật bảo A Nan Ðà đang quạt sau lưng cho Ngài mát:
- Ông hãy bảo tất cả các Bí-sô trong tụ lạc này tập họp hết trong trai đường.
Sau khi đi bảo các Bí-sô tập trung hết trong trai đường, A Nan Ðà trở lại bạch Phật:
- Mọi người đã tập họp, xin Ngài định liệu.
Sau khi đến nơi, Thế Tôn an tọa.
Thấy Thế Tôn và chư Tăng đã an tọa, Bà-la-môn đích thân bưng các món ăn ngon hai tay dâng lên đức Phật và chư Tăng. Sau khi thọ trai, đại chúng xỉa răng, rửa tay, thu xếp bát. Diệu Hoa đặt một chỗ ngồi nhỏ trước đức Phật để nghe giáo pháp.
Sau khi thọ trai của Bà-la-môn Diệu Hoa dâng cúng, nói lời chúc phúc xong, Thế Tôn nói kệ:
Tế tự, lửa hơn hết,
Ðề sách dẫn đầu sách,
Vua đứng đầu toàn dân,
Biển lớn nhất các dòng,
Các sao, trăng sáng nhất,
Ánh mặt trời sáng nhất,
Trong phàm Thánh mười phương,
Ðức-Phật là tốt thượng.
Những người có bố thí,
Tất được quả lợi ích,
Cố ý vui bố thí,
Sau tất được an lạc.
Khi nghe Phật dạy kệ này, trong chúng có một Bí-sô già cả, tuy đã ăn no nhưng vẫn nhai thêm bánh khô làm vang lên tiếng lớn. Thấy vậy, Bà-la-môn bạch Phật:
- Thanh văn đệ tử của Kiều Ðáp Ma có làm theo lời dạy không?
Phật đáp:
- Này Bà-la-môn, có người làm theo, có người không làm theo.
Hỏi:
- Này Kiều Ðáp Ma! Ở đây có người ưa pháp, có kẻ tham ăn. Ðệ tử của con tên Thọ Sinh có đến gặp Phật và đàm luận không?
Ðáp:
- Người ấy có đến bàn luận sơ qua với Ta.
Hỏi:
- Xin Ngài kể lại những lời vấn đáp đàm luận với Thọ Sinh cho con nghe.
Sau khi nghe Phật tuần tự kể lại sự việc trên, Bà-la-môn bạch Phật:
- Thưa Kiều Ðáp Ma, Thọ Sinh ấy hiểu biết nông cạn nên tâm kiêu mạn, không biết kính sợ, xúc phạm tôn nhan, xin Ngài từ bi tha thứ lỗi cho hắn.
Phật bảo Bà-la-môn:
- Ta đã dung thứ.
Bà-la-môn lại bạch Phật:
- Thưa Kiều Ðáp Ma! Khi con đang đi xe mà kềm dây cương ngựa lại, hoặc giơ roi hét lớn, ngay khi ấy, xin biết cho con là Bà-la-môn Diệu Hoa đảnh lễ dưới chân Phật và thăm hỏi Ngài không bệnh, không khó chịu, sinh hoạt thoải mái, khỏe mạnh an ổn không?
Lại nữa, thưa Kiều Ðáp Ma! Nếu Ngài thấy con đang đi bộ mà bỏ giày dép ra hoặc tránh qua một bên đường hoặc đưa tay, ngay khi ấy cũng như trước, xin biết cho con đang biểu lộ sự kính chào. Lại nữa, thưa Kiều Ðáp Ma! Khi thấy con đang nói chuyện giữa đồ chúng của mình mà dời chỗ ngồi hay trịch áo trên ra, hoặc lấy khăn đội đầu xuống, ngay khi ấy cũng như trước, xin biết cho con đang biểu lộ sự kính chào. Vì sao?
- Thưa Kiều Ðáp Ma! Pháp Bà-la-môn của con rất cần danh tiếng, những y phục, thức ăn, dụng cụ đều nhờ vào danh tiếng mà được, thế nên nhờ vào đó mà con giữ được đồ chúng.
Khi ấy, Thế Tôn suy nghĩ: "Bà-la-môn này rất là cao mạn, Ta hãy thuyết pháp để dẹp tâm kiêu mạn ấy".
Thế Tôn tuyên dương giáo pháp làm cho vị ấy lợi ích hoan hỷ. Cũng như thường pháp, Thế Tôn tuần tự thuyết minh rộng về những pháp bố thí, trì giới; năm dục có ít vị ngọt mà nhiều tội lỗi gây phiền não nhiễm ô làm trầm luân trong sinh tử, nên cầu xuất ly đạt đến Niết-bàn thanh tịnh. Biết vị kia đã ưa thích hoan hỷ, phát tâm thanh tịnh, có thể làm bậc pháp khí thọ trì được sự việc thù thắng, nên Thế Tôn lại giảng rộng về pháp bốn Thánh-đế: Khổ - Tập - Diệt - Ðạo.
Như tấm vải sạch rất dễ nhuộm màu, ngay tại chỗ ngồi Bà-la-môn chứng tri đế-lý, không còn nghi hoặc, chứng quả dự-lưu, rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai phải, lạy trước đức Phật thưa:
- Con đã được xuất ly, xin quy y Phật, Pháp, Tăng, thọ trì năm học xứ, xin chứng nhận cho con là cận sự nam với đầy đủ niệm thanh tịnh.
Sau đó, Diệu Hoa lạy sát chân Phật rồi từ giã.
Ðức Phật suy nghĩ: "Bà-la-môn ấy chê trách thật đúng, vì khi nói kệ chúc phúc bố thí, Bí-sô già kia vẫn tiếp tục ăn. Thế nên, trong lúc ấy không được ăn".
Ngài bảo các Bí-sô:
- Bà-la-môn ấy chê trách đúng, vì khi nói kệ chúc phúc bố thí, Bí-sô già ấy vẫn tiếp tục ăn nên gây ra sự chê bai. Khi có Bí-sô nào đang nói kệ chúc phúc bố thí, ai vẫn tiếp tục ăn, bị tội vượt pháp.
Như Phật chế định không được ăn trong khi nói kệ chúc phúc bố thí, có người vì không dám ăn nhanh, đến cuối bữa cũng chưa ăn xong nên bị qua giờ ăn. Phật dạy:
- Nếu khi có Bí-sô nói kệ chúc phúc bố thí, người không nghe tiếng, không hiểu nghĩa, được ăn không phạm. Nếu có nghe tiếng nhưng không hiểu nghĩa, ăn cũng không phạm. Người nghe tiếng, hiểu nghĩa mà cứ ăn, bị tội vượt pháp.
Như Thế Tôn dạy:
- Nghe tiếng hiểu nghĩa không được ăn, ở trú xứ nọ có nhiều Tăng chúng ở, họ sai dọn ăn ngược từ dưới lên trên. Ở trên, nghe tụng kệ phúc chúc nên họ đều không dám ăn, bị qua giờ ăn. Phật dạy: - Trường hợp này nghe tiếng hiểu nghĩa đều không nên ăn, chờ nói hai ba câu xong, sau đó ăn không lỗi.
Ðức Phật ở rừng Thi Lộc, Tiên nhân đọa xứ, thuộc Ba La Ny Tư . Vào buổi sáng, Thế Tôn mặc y mang bát vào thành khất thực. Nhiều Bí-sô cũng đi khất thực. Ðến khu vườn nọ, có người đứng lại vì nhìn thấy nam nữ nên phát sinh tư tưởng xấu đưa đến ý niệm tà dục. Thấy Bí-sô đang có tà niệm tương ưng với bất thiện, Thế Tôn đến gần bên bảo:
- Này Bí-sô, ngay trong thân mình, ông đang trồng hạt giống khổ và chảy ra phẩn hôi thúi mà ruồi trùng không ăn, thật không có như vậy.
Nghe nói như vậy, Bí-sô suy nghĩ:
- Thế Tôn đang biết tà tâm của ta.
Vị ấy rất sợ hãi, lông toàn thân dựng đứng, vội đi ra khỏi vườn.
Ðức Phật suy nghĩ: "Bí-sô đứng lại ở nơi không được dừng nên gây ra lỗi như vậy".
Sau khi khất thực, trở về chỗ ở, thọ trai xong, thu xếp y bát, rửa sạch chân, Thế Tôn vào phòng ngồi yên tịnh. Vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, Thế tôn đến ngồi giữa Tăng chúng, bảo các Bí-sô:
- Vừa rồi, Ta vào thành để khất thực, thấy một Bí-sô cũng đang khất thực đi đến một khu vườn phát sinh tư tưởng xấu và ý niệm tà dục. Khi biết người ấy có ác niệm, Ta đến bên cạnh bảo rằng:- Này Bí-sô! Bí-sô! Chính thân ông đang trồng hạt giống khổ và chảy ra phẩn hôi hám mà ruồi trùng không ăn, thật không có việc ấy.
Nghe Ta nói như vậy, với ý nghĩ rằng Thế Tôn đang biết tâm xấu của ta, lông toàn thân người ấy dựng đứng và đi vội ra khỏi khu vườn. Thế nên, Bí-sô không nên dừng lại ở nơi không nên đứng. Ai vi phạm bị tội vượt pháp.
Nghe Phật nói như vậy, có một Bí-sô rời khỏi chỗ ngồi đảnh lễ sát chân Phật, thưa:
- Ðại đức Thế Tôn! Trong thánh giáo, hạt giống khổ ác là gì? Phẩn hôi chảy ra, ruồi trùng đều ăn là gì?
Phật dạy:
- Này Bí-sô! Hạt giống khổ là ba loại pháp gây ra tội ác do suy nghĩ sai quấy bất thiện. Ba pháp là gì? Ðó là suy nghĩ ác dục, suy nghĩ sân hận, suy nghĩ sát hại. Phẩn hôi chảy ra, ở đây phẩn hôi là năm dục sắc, thanh, hương, vị, xúc; chảy ra là dục trói buộc tâm nên năm căn chạy theo năm cảnh lưu động không ngừng. Ruồi trùng nghĩa là thế gian đối với sáu xúc xứ không có tâm chế ngự nên phát sinh tham sân ... ưu bi khổ não gây ra các nghiệp tội ác.
Thế Tôn nói kệ:
Không hộ trì mắt tai ...
Bị ái dục lôi kéo,
Trồng giống khổ trong thân,
Hôi thúi thường chảy ra.
Ai sống trong làng xóm,
Hay trong chỗ yên tịnh,
Nhưng cả ngày và đêm,
Không tư duy chánh pháp,
Luôn với ý niệm ác,
Nên suy nghĩ bất thiện,
Rời xa duyên lạc trú,
Sẽ nhận quả báo khổ.
Người nào hành thiền định,
Tu tập tuệ thù thắng,
Thường được mắt an ổn,
Không bị khổ ruồi trùng.
Thân cận với bạn lành,
Lời dạy bậc hiền trí,
Ai học được như vậy,
Sẽ không còn tái sinh.
Như Thế Tôn dạy:
- Bí-sô không được đứng nơi phi pháp, họ không biết thế nào là nơi phi pháp?
Phật dạy:
- Nơi phi pháp có năm là: nhà ca hát, nhà dâm nữ, nhà bán rượu, nhà vua chúa, nhà Chiên Trà La. Ðó là năm nơi không nên đi đến.
Nhiếp tụng mười trong biệt môn tám.
Do xà quán ngọa cụ,
Nhất y bất vi lễ,
Sơ chí tự trung thời,
Lão niên ưng lễ tứ.
* Duyên khởi tại thành Thất La Phiệt. Ðang giữ ngọa cụ của bạn thân gửi, muốn du hành, Bí-sô nọ vẫn để yên ngọa cụ ấy tại chỗ cũ chứ không xử dụng. Khi ấy, đến tìm chỗ ở nên rắn độc cuộn mình nằm dưới tấm nệm. Có Bí-sô khách đến trú ở đây. Sau khi ổn định, vị này đi lễ tháp Phật cùng Bí-sô khác, đến chiều thì về phòng. Bí-sô cựu trú bảo:
- Cụ thọ! Ðây là nước, bột tẩy, đèn, dầu, trước hết trải ngọa cụ.
Do đi đường mệt nhọc nên sau khi rửa chân, vị ấy nằm ngủ yên. Do nghiệp lực không xem ngọa cụ ở đời trước nên khi ngủ say vị này đè trên rắn độc kia. Vùng ra khỏi tấm nệm, rắn mổ Bí-sô. Quá đau đớn, Bí-sô lăn lộn trên rắn. Một lúc sau, cả hai đều chết.
Sáng hôm sau, chủ nhân đến gọi, nhưng Bí-sô kia đã chết không thể cứu được. Chủ nhân tưởng rằng đi lại mệt mỏi nên ngủ say, sau khi đã giấc, vị ấy sẽ thức dậy.
Ðến giờ ăn, chủ nhân lại đến gõ cửa, gọi:
- Hãy thức dậy, sắp đến giờ thọ trai.
Không nghe đáp lại, chủ nhân mở khóa vào phòng, thấy vị kia đã chết. Kéo tấm nệm ra, vị này thấy có rắn chết. Cùng đến xem, biết rõ vị này bị rắn cắn chết, mọi người đem sự việc bạch Phật. Ðức Phật suy nghĩ: "Do không xem xét ngọa cụ nên người kia bị chết như vậy".
Ngài bảo các Bí-sô:
- Ngọa cụ nhận của người gửi, nên giao cho tri-sự, hoặc tùy lúc tự đem phơi nắng, đặt trên giá cao, buộc chặt đừng cho rơi xuống. Ai muốn dùng ngọa cụ để n?m ngủ, cần xem xét kỹ.
Ban đêm, họ dùng đèn để rọi xem, Phật dạy:
- Không được như vậy, nên dự bị xem trước vào ban ngày.
Bấy giờ, không xem xét cũ mới, các Bí-sô đều lật xem hết. Phật dạy:
- Cần xem cái cũ, không nên lật cái mới. Có nệm vải phải thường xuyên đập giũ, ai không làm bị tội vượt pháp.
* Duyên khởi tại thành Thất La Phiệt. Có hai Bí-sô cùng ở chung một phòng. Một Bí-sô độ một đệ tử trẻ tuổi. Người đệ tử này ngủ nhiều thức ít nên thường bị thầy quở trách. Một hôm, khi gần sáng, bỗng nhiên người đệ tử này giật mình thức dậy, đi đến gặp thầy nhưng chỉ mặc Tăng-khước-chi. Vị thầy đứng dậy, muốn mặc hạ y. Ðến gần thầy, lạy sát chân rồi ngửng lên, vì mới cạo tóc nên đầu người đệ tử mắc vào hạ y của thầy. Ðội cả tấm y như vậy, người đệ tử ngã lăn ra đất làm cho cả hai thầy trò đều bị lộ hình. Thấy vậy, Bí-sô kia nói:
- Cụ thọ, đến nay tôi mới biết các vị là đàn ông đầy đủ nam căn.
Bấy giờ, cả hai thầy trò đều mắc cở, im lặng bỏ đi. Sau đó, người đệ tử bị thầy quở trách. Thấy vậy, các Bí-sô hỏi:
- Ông có lỗi gì mà thường bị thầy giận như vậy.
Ðáp:
- Trước đây giận có lý do, nay không lỗi gì. Tình nghiã thầy trò không còn nữa, tôi ra đi đây.
Họ lại hỏi:
- Vì sao vậy?
Sau khi nghe người kia kể lại, họ bảo:
- Cụ thọ! Ông có lỗi, bị quở trách thật đúng.
Nghe nói, người này phải im lặng.
Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật suy nghĩ: "Vị thầy kia chê trách thật đúng pháp".
Ngài bảo các Bí-sô:
- Từ nay về sau không được chỉ mặc một y mà làm lễ người khác. Ai vi phạm, bị tội vượt pháp.
* Duyên khởi tại thành Vương Xá. Như Thế Tôn dạy, đối với Bí-sô khác nếu họ không đến làm lễ ra mắt thì không thu xếp chỗ nghỉ cho họ.
Bấy giờ, có nhiều Bí-sô từ nơi khác đến làm lễ tháp. Không có ai thu xếp chỗ nghỉ nên họ ở tùy tiện như bị tẫn xuất. Có người ở trước hiên, ở dưới cửa, ở dưới gốc cây. Thấy vậy, các cư sĩ Bà-la-môn có tín tâm hỏi:
- Thánh giả! Vì sao bị đuổi mà phải ở như vậy?
Ðáp:
- Hiền thủ! Không phải bị đuổi, tôi là khách mới đến.
Bà-la-môn nói:
- Như vậy sao không ở trong phòng?
Ðáp:
- Tôi không có người quen, ai lại cho ở! Vì lễ bái tháp Phật nên đến đây ở tạm thời gian ngắn rồi trở về.
Nghe nói như vậy, mọi người đều chê trách: - Tôi đã nghe Sa-môn Thích tử có tính bình đẳng vậy mà có hành động bình đẳng chỗ nào đâu. Thấy khách đồng tu vừa đến, họ không cho ở.
Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật bảo các Bí-sô:
- Từ nay trở đi, khách Tăng khi đến chùa, trước tiên phải làm lễ vị kỳ túc, nên với bốn vị. Chủ chùa nên có lòng tốt theo pháp cho họ ở.
Một lúc khác. Có Bí-sô khách du hành nhân gian. Trời sắp về chiều, vị này đến thành Vương-xá. Biết Phật có chêù định phải làm lễ vị trưởng lão trước nên vị này hỏi các Bí-sô:
- Tôn giả Kiều Trần Như đang ở đâu?
Ðáp:
- Ðang ở trong vườn Trúc Lâm.
Nghe tiếng vị này gõ cửa phòng mình, tôn giả Kiều Trần Như hỏi:
- Ai đó?
Ðáp:
- Con là khách Tăng.
Tôn giả cho vào để vị kia nghỉ ngơi. Khách Tăng hỏi:
- Tôn giả Ðại Ca Diếp đang ở đâu?
Ðáp:
- Cụ thọ, vị ấy đang ở hang Tất Bát La.
Theo lời chỉ dẫn, khách Tăng đến nơi chào hỏi như trước đây.
Tôn giả gọi vị ấy vào để thăm hỏi và nghỉ ngơi. Khách Tăng hỏi:
- Tôn giả Chuẩn Ðà đang ở đâu?
Ðáp:
- Vị ấy đang ở núi Thứu Phong.
Khách Tăng đến nơi thăm hỏi. Tôn giả gọi vào cho nghỉ ngơi như trước. Khách Tăng hỏi:
- Tôn giả Thập Lực Ca Diếp đang ở đâu?
Ðáp:
- Vị ấy đang ở hang Tế Nhĩ Ca.
Ðến nơi, sau khi khách Tăng chào hỏi, tôn giả bảo nghỉ ngơi. Khách Tăng thưa:
- Trời đã sáng rồi, phải đi khất thực, không thể nghỉ lại.
Tôn giả nói:
- Như Thế Tôn dạy khách Tăng đến nơi, trước tiên phải làm lễ bốn vị kỳ-túc. Ðấy là phương tiện sửa trị người khách bằng cách gây khó khăn.
Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Trước đây, Ta nào có bảo Bí-sô khách làm lễ hết các vị tôn túc đâu, chỉ khiến họ làm lễ bốn vị kỳ túc tại chỗ.
Nội nhiếp tụng:
Thế Tôn vi cao thắng,
Quảng thuyết đệ tử hành,
Hành vũ vấn đại sư,
Vi thuyết thất lục pháp.
* Duyên khởi tại thành Thất La Phiệt. Vào xế chiều, sau khi xuất thiền, cụ thọ Cao Thắng đến gặp đức Phật, lạy sát hai chân rồi ngồi qua một bên, thưa:
- Xin Thế Tôn dạy về những pháp phải làm của người đệ tử phục vụ thầy.
Phật dạy Cao Thắng:
- Ông hãy lắng nghe, đối với thầy mình, đệ tử phải luôn cung kính và có tâm sợ sệt, không vì tiếng khen, không cầu lợi dưỡng, phải dậy sớm đích thân thăm hỏi hai thầy về sức khỏe của thân thể, an ổn khi đi lại, dọn dẹp vật đựng tiểu tiện và xoa bóp cho thầy. Nếu thầy nói có bệnh nên hỏi rõ và đến gặp y sĩ để nói rõ căn bệnh và yêu cầu họ điều trị. Theo sự chỉ dẫn của y sĩ mà chữa trị cho thầy. Nếu thầy có sẵn thuốc thì dùng để chữa trị, nếu không có thì hỏi người thân cận. Nếu nhiều thân quyến nên hỏi thầy cần xin với ai. Nghe thầy nói xong, học trò làm theo đúng lời dạy. Nếu không có thân quyến nên đến nhà khác xin thuốc theo lời chỉ dẫn. Hoặc đến bệnh viện hay nơi phát thuốc miễn phí. Nếu không có những nơi này, nên theo khả năng của mình cung cấp thức ăn uống cho thầy an ổn.
Khi bệnh đã hết, dâng cây chà răng cho thầy. Khi thầy muốn đến nơi đánh răng, nên quét dọn sạch trước và làm nền, bố trí chỗ ngồi, đặt bình nước đầy, bột rửa, đất vụn, cây chà răng sạch, cây nạo lưỡi. Sau khi thầy làm vệ sinh xong, thu dọn những vật cần thiết. Nếu thầy đau mắt, học trò nên hỏi thầy thuốc để làm thuốc nhỏ mắt. Thứ đến dâng y phục để thầy mặc, xếp cất y khác, không để lẫn lộn.
Khi thầy đang lễ tháp, nên vào phòng rưới nước quét dọn cho sạch. Nếu có bụi bặm nên dùng phân bò trát láng hay lá xanh quét sạch. Thứ đến lễ bái tôn tượng và thầy mình hoặc thăm hỏi và thưa các việc. Mỗi ngày, lễ bái ba lần tùy theo sức mình, đối với các vị đồng phạm hạnh cũng nên biểu lộ sự kính lễ. Thứ đến là phải siêng năng tọa thiền, đọc tụng. Mỗi nữa tháng, đích thân xem xét và đem chiếu ra phơi.
Ðến bữa ăn nên rửa hai bát. Nếu là Bí-sô khất thực, mình ôm bát nặng, cái nhẹ đưa cho thầy. Khi trời lạnh, đem Tăng-già-chi dầy đưa thầy đắp, còn mình đắp cái mỏng. Khi trời nóng, mình xử dụng cái dầy, đưa thầy cái mỏng. Khi đi ngược gió, thỉnh thầy đi trước, mình đi sau. Khi đi thuận gió, mình đi trước, thỉnh thầy đi sau. Qua sông, nước, dìu thầy đi qua. Khi đi khất thực, nên hỏi thầy cần đi chung hay đi riêng. Nếu thầy bảo đi chung, phải tuân lời.
Nếu được bột khô, đậu, bánh, các loại nước ép chua thì để vào bát mình. Nếu được sữa, bơ, đường phèn, bánh, cơm, đường cát ... thì đặt vào bát thầy. Khất thực xong, trở về chỗ cũ, dọn dẹp hai chỗ nhỏ trải lá, Bố trí hai chỗ ngồi để ăn cơm. Nếu đi riêng, sau khi khất thực xong, đem đến trình cho thầy biết thức ăn nhận được, cần gì thầy lấy. Vị thầy nên nhận vừa đủ dùng.
Nếu ở trong chùa, đệ tử nên rửa vật để đựng trước rồi đến nhà bếp hỏi tri-sự đang làm món ăn uống gì cho Tăng. Sau khi được tri sự cung kính báo cho biết, vị này trở về thưa với thầy những món ăn của Tăng trong hôm nay và thưa thầy có lấy không rồi theo lời dạy mà mang về. Thầy nên xem xét để nhận vừa đủ dùng và đúng lúc. Chỗ hai vị thầy tắm rửa, nên quét dọn sạch và làm nền cao, bố trí ghế nhỏ và vật đựng nước, bột rửa, cây chà răng để xử dụng đúng pháp. Nếu thầy cần rửa chân, nên làm cho thầy, hoặc chỉ dùng nước, hoặc có thể dùng dầu thoa, dùng bột để kỳ cọ, sau đó lấy nước rửa rồi trao dép da, hỏi thầy về chuyện ăn uống, lại hỏi ở chỗ này nên tu tập về thiện pháp gì và cần đi đến chỗ yên tịnh khác không. Nếu vị thầy bảo cần đến trú xứ ấy ngay ban ngày, nên mang vật để ngồi đến và quét dọn nơi ấy cho sạch sẽ; thường xuyên dùng phân bò để trát nền.
Nếu trò học kinh thì thầy dạy họ đọc. Nếu trò học thiền quán thì dạy họ tác ý. Nếu khi trở lại nên xem xét chỗ nằm. Trước tiên, rửa sạch chân, lễ bái tôn tượng và các vị đồng phạm hạnh tùy theo sức mình, xếp đặt chỗ ngồi cho thầy và rửa chân như trước. Trời lạnh nên chú ý làm nước nóng; trời nóng nên quạt cho mát. Thầy cũng phải biết thời giờ để bảo họ tu tập chớ để uổng phí thời gian. Khi cần sắm y bát ... làm những việc cần gì, phải làm cho thầy trước, làm cho mình sau.
Phật dạy:
- Này Cao Thắng! Ngươi phải biết các đệ tử môn nhân của chúng Bí-sô nên phục vụ hai thầy, xem như cha mẹ. Ðối với đệ tử, thầy cũng xem như con. Nếu có đau bệnh phải săn sóc nhau đến hết bệnh hay đến chết mới thôi. Ta đã lược nói về sự việc ấy, ngươi hãy làm đúng như vậy. Ai không làm theo những sự việc như thế, bị tội vượt pháp.
Ðối với thầy, nếu đệ tử nào phục vụ với tâm kính thuận như vậy, thì hay làm cho thiện pháp phát triển không ngừng cũng như hoa sen ở trong nước tăng trưởng mãi suốt ngày đêm. Thế nên các ông phải học như vậy.
Bấy giờ, cụ thọ Cao Thắng và các Bí-sô nghe lời Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
* Phật ở núi Thứu Phong, thành Vương Xá. Vua Vị Sinh Oán nước Ma Yết Ðà chống lại nước Phật-Lật Thị. Trước mọi người, nhà vua tuyên bố:
- Nước An Ổn Phong Lạc nghịch mạng, ta muốn hưng binh đến trị tội làm cho chúng tan tành.
Nhà vua lại bảo đại thần Bà-la-môn Hành Vũ:
- Khanh hãy đến đảnh lễ sát chân Phật, thay mặt ta thăm hỏi về sinh hoạt và sức khỏe của Ngài có an ổn không?
Sau đó, thưa rằng:
- Ðại đức! Vua Vị Sinh Oán tuyên bố trước mọi người, nước Phong Lạc nghịch mạng, ta muốn hưng binh đến trị tội làm cho chúng tan tành. Thế Tôn có đồng ý không? Hãy ghi nhớ những điều Thế Tôn dạy, đem về trình lại cho ta. Vì sao? Ðức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri không nói lời hư vọng.
Tuân lệnh vua, Hành Vũ cỡi xe ngựa trắng, cầm gậy vàng, mang theo bình vàng, ra khỏi thành Vương Xá, đi gặp đức Phật. Ðến chỗ xuống xe, ông ta đi bộ lên núi Thứu Phong. Gặp Thế tôn, ông ta cung kính thăm hỏi, ngồi qua một bên thưa:
- Vua Vị Sinh Oán nước Ma Yết Ðà đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, thăm hỏi Ngài sinh hoạt có thoải mái, sức khỏe có an ổn không?
Nghe thăm hỏi như vậy, Thế Tôn bảo Bà-la-môn:
- Cầu chúc vua và ngài khỏe mạnh an lạc.
Sau đó, Bà-la-môn đem lời của vua ra trình bày với Phật và xin Ngài ban cho lời chỉ dẫn. Phật bảo:
- Này Bà-la-môn! Ta không ở lâu tại nước Phật Lật Thị, chỉ an cư nơi đó ba tháng. Khi ấy, Ta có tuyên thuyết bảy pháp bất thối cho mọi người.
- Này Bà-la-môn! Khi nhân dân nước ấy thi hành bảy pháp bất thối thì đất nước và nhân dân ngày càng thịnh vượng, thiện pháp không bị suy giảm.
Bà-la-môn thưa:
- Con chưa được hiểu biết về diệu pháp mà Ðại đức đã chỉ dạy, xin Ngài từ bi giảng rõ để con được thông suốt.
Khi ấy, Thế Tôn nói với cụ thọ A Nan Ðà đang đứng quạt sau lưng:
1. - A Nan Ðà, ông có nghe biết nhân dân nước Phật Lật Thị thường xuyên tập họp để bàn luận về nghĩa lý của pháp không?
Ðáp:
- Bạch Ðại-đức! Con có nghe nhân dân nước ấy thường tập họp để bàn luận về nghĩa lý của pháp.
Phật bảo Bà-la-môn:
- Nếu ở nước ấy, mọi người thường tập họp để bàn luận về nghĩa lý của pháp thì biết rằng nước ấy ngày càng thịnh vượng, thiện pháp không bị suy giảm.
2. - Này A Nan Ðà! Ông có nghe biết nhân dân nước Phật Lật Thị hòa thuận cùng đứng, cùng ngồi để bàn luận quốc sự không?
Ðáp:
- Con có nghe ... nói đủ như trên.
Phật bảo Bà-la-môn ... như trên, cho đến thiện pháp không bị suy giảm.
3. - Này A Nan Ðà! Ông có nghe biết nhân dân nước ấy không mong cầu những việc không nên mong cầu, không hủy bỏ những việc nên làm, thường vui vẻ tuân hành những điều quy định trong nước không?
Ðáp:
- Con có nghe ... như trên.
Phật bảo Bà-la-môn ... như trên cho đến thiện pháp không suy giảm.
4. - Này A Nan Ðà! Ông có nghe biết ở nước ấy những phụ nữ và thiếu nữ còn trong sự bảo hộ của mẹ, cha, anh chị em, cha mẹ chồng, thân tộc mà có lỗi bị trị tội vì tự ý làm thê thiếp cho người, cho đến lén trao hoa hứa làm vợ người, cùng nhau làm những chuyện qua đường, phi pháp không?
Ðáp:
- Con có nghe ... nói đủ như trên.
Phật bảo Bà-la-môn ... như trên, cho đến thiện pháp không bị suy giảm.
5. - Này A Nan Ðà! Ông có nghe thấy đối với cha mẹ, thầy học, trưởng thượng, nhân dân nước ấy cung kính cúng dường, tuân theo lời dạy, ý không nghịch lại gây phiền không?
Ðáp:
- Con có nghe ... nói đủ như trên.
Phật bảo Bà-la-môn ... như trên, cho đến thiện pháp không bị suy giảm.
6. - Này A Nan! Ông có nghe biết nhân dân nước ấy thường xuyên cúng dường tháp miếu, không bỏ phế những phép tắc đáng tôn trọng đã có từ trước không?
Ðáp:
- Con có nghe ... nói đủ như trên.
Phật bảo Bà-la-môn ... như trên, cho đến thiện pháp không bị suy giảm.
7. - Này A Nan Ðà! Ông có nghe biết đối với bậc A La Hán, nhân dân nước ấy cung kính tôn trọng, thường xuyên nghĩ đến, mong cầu những vị chưa đến nên đến, những vị đã đến được sống an ổn, cung cấp tất cả y phục, thức ăn, đồ nằm, thuốc trị bệnh, những tư cụ cần thiết không cho thiếu thốn ... nói đủ như trên cho đến thiện pháp không bị suy giảm.
Phật bảo Bà-la-môn:
- Khi nào nhân dân nước ấy thực hành bảy pháp không suy giảm này thì biết nước ấy thường xuyên thịnh vượng không tổn thất, thiện pháp hưng thịnh.
Bà-la-môn thưa:
- Ðại đức! Nếu nhân dân trong nước ấy chỉ cần thi hành một trong bảy pháp, vua Vị Sinh Oán cũng không thể chinh phạt họ, huống chi họ thực hành đủ bảy pháp.
- Thưa Ðại-đức Kiều Ðáp Ma! Con còn nhiều việc, xin cáo từ.
Phật bảo:
- Tùy ý.
Nghe Phật dạy xong, Bà-la-môn hoan hỷ vâng làm.
Sau khi Bà-la-môn ấy từ giã, Phật bảo A Nan Ðà:
- Ông hãy đi bảo hết các Bí-sô ở vùng núi Thứu Phong này cùng nhau tập họp trong ngôi nhà phục vụ.
Sau khi đi bảo hết các Bí-sô ở vùng núi Thứu Phong này cùng nhau tập họp trong ngôi nhà phục vụ, A Nan Ðà trở về gặp Phật, đứng qua một bên, thưa:
- Thế Tôn! Các Bí-sô đã tập họp lại hết, xin Ngài định liệu.
Ðến nơi, sau khi an tọa, Phật bảo các Bí-sô:
- Ta sẽ giảng bảy pháp không suy giảm cho các ông. Các ông hãy lắng nghe và hết sức chú ý. Bảy pháp ấy là:
1. Bí-sô các ông thường tập họp để bàn luận pháp luật thì biết phúc đức của Bí-sô tăng trưởng, thiện pháp không suy giảm.
2. Bí-sô các ông nếu thường cùng tập họp, cùng ngồi, cùng đứng dậy để làm các pháp sự trong sự hòa hợp, thì biết phúc đức của Bí-sô tăng trưởng, thiện pháp không suy giảm.
3. Bí-sô các ông không cố tìm cầu những việc không nên cầu, không làm cho mất đi những thiện pháp đã đạt được, thường xuyên hoan hỷ thực hành những pháp chân chính. Như vậy nên biết phúc đức của Bí-sô tăng trưởng, thiện pháp không suy giảm.
4. Này các Bí-sô, những khát ái cùng tham câu sinh với hỷ mong muốn về tương lai, do các nghiệp tương tục nên luân hồi. Bí-sô trừ bỏ thứ này thì biết được sống an ổn, làm cho phúc đức của Bí-sô tăng trưởng, thiện pháp không suy giảm.
5. Này các Bí-sô, đối với vị xuất gia đã lâu, tịnh tu phạm hạnh mãn hai mươi hạ, bậc trưởng lão, kỳ túc được Ðại-sư khen ngợi, là vị tri-thức cho các vị đồng phạm hạnh, đại chúng đều cung kính tôn trọng cúng dường và hoan hỷ nghe theo những lời họ dạy bảo. Như vậy nên biết phúc đức của Bí-sô tăng trưởng, thiện pháp không suy giảm.
6. Này các Bí-sô, nếu Bí-sô cư ngụ ở nơi thanh vắng yên tịnh, nhận ngọa cụ tầm thường với tâm hoan hỷ biết đủ; nên biết phúc đức của Bí-sô tăng trưởng, thiện pháp không suy giảm.
7. Này các Bí-sô, nếu Bí-sô đối với các vị đồng phạm hạnh có tâm ân cần tôn trọng, thường giữ chánh niệm mong mỏi những vị đồng phạm hạnh chưa đến xin đến đây, những vị đã đến làm cho sống an lạc, tâm không nhàm chán việc cung cấp y phục mới, thức ăn, ngọa cụ, thuốc trị bệnh, vật cần dùng, không để thiếu thốn ... phúc đức của Bí-sô tăng trưởng, thiện pháp không suy giảm.
- Này các Bí-sô! Khi thường thực hành bảy pháp như vậy, nên biết thiện pháp của Bí-sô luôn tăng trưởng, không bị suy giảm, sống an lạc.
Này các Bí-sô, lại có bảy pháp không suy giảm mà các ông hãy lắng nghe. Bảy pháp đó là:
1. Nếu đối với Bâïc Ðại-sư, các Bí-sô cung kính cúng dường, tôn trọng tán thán. Khi hành động như vậy, được sống an lạc, làm cho chúng Bí-sô tăng trưởng, thiện pháp không suy giảm.
2 đến 7. Như vậy, nên biết các Bí-sô đối với pháp, với giới, với việc được dạy bảo, với việc không phóng dật, với việc ngọa cụ, với việc tu tập thiền định, có tâm tôn trọng cung kính cúng dường. Khi hành động như vậy thì sống an lạc làm cho chúng Bí-sô được tăng trưởng, thiện pháp không suy giảm.
- Này các Bí-sô! Lại có bảy pháp không suy giảm khác mà các ông hãy lắng nghe. Bảy pháp đó là: Nếu các Bí-sô không ưa thích làm các việc thế sự, không ưa nói nhiều, không ưa thích ngủ nghỉ, không ưa tụ tập, không ưa thân cận bạn xấu, không tham danh lợi, thường tham vấn người khác về việc tu tập thiền định, không thỏa mãn với sự chứng pháp tăng thượng mà luôn tinh tấn không ngừng nghỉ cho đến khi chứng đắc chân-thật-đế. Khi tu tập như vậy, được sống an lạc làm cho chúng Bí-sô được tăng trưởng, thiện pháp không suy giảm.
- Này các Bí-sô! Lại có bảy pháp không suy giảm khác mà các ông nên lắng nghe. Bảy pháp đó là: Bí-sô nào có tín tâm thanh tịnh, tàm, quý, đủ đại tinh tấn, niệm, định, tuệ. Khi tu tập như vậy được sống an lạc, làm cho chúng Bí-sô được tăng trưởng, thiện pháp không bị tổn giảm.
- Này các Bí-sô, lại có bảy pháp không suy giảm khác mà các ông nên lắng nghe. Bảy pháp đó là: Biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tri túc, biết tự thân, biết môn đồ, biết hành động của người khác. Khi tu tập như vậy được sống an lạc, làm cho chúng Bí-sô được tăng trưởng, thiện pháp không bị tổn giảm.
- Này các Bí-sô! Lại có bảy pháp không suy giảm khác mà các ông nên lắng nghe. Bảy pháp đó là: Các Bí-sô khi tu tập quán sát về niệm giác phần, sống nơi hoàn toàn yên tịnh, sống ly dục, sống tịch diệt xa lìa tai nạn. Cũng như vậy, khi Bí-sô tu tập quán sát về trạch-pháp, tinh-cần, khinh-an, định, xả giác phần, sống nơi hoàn toàn yên tịnh, sống ly dục, xa lìa tai nạn. Khi tu tập như vậy, được sống an lạc làm cho chúng Bí-sô tăng trưởng, thiện pháp không suy giảm.
- Này các Bí-sô! Ðấy là bảy pháp làm cho không suy giảm, cần phải thường xuyên tu tập. Các ông phải nhất tâm ân cần hộ trì làm cho chúng Bí-sô được tăng trưởng, thiện pháp không suy giảm.
Này các Bí-sô! Lại có sáu pháp làm cho người khác hoan hỷ, hãy chú ý lắng nghe Ta nói. Sáu pháp ấy là:
1. Thân nghiệp của ta nên thực hành từ bi, nghĩa là đối với Bậc Ðại-sư và các vị hiền thánh đồng phạm hạnh, ta đem thân kính lễ với thiện tâm từ bi, quét dọn lau chùi nền nhà, rắc hoa, đốt hương cúng dường, hoặc xoa bóp tay chân cho các vị ấy, tùy lúc phục vụ cung cấp khi họ bị bệnh. Khi ta thực hành như vậy làm cho vị khác hoan hỷ, thương mến kính trọng thân cận nhau, hòa hợp hỗ trợ không tranh cãi nhau, một lòng làm việc như nước hòa với sữa.
2. Ngữ nghiệp của ta nên thực hành từ bi, nghĩa là đối với Bậc Ðại-sư và các vị hiền thánh đồng phạm hạnh, ta phải phát sinh thiện tâm từ bi dùng nói khen ngợi đức độ tốt đẹp chân thật của họ làm cho những người chưa nghe được nghe, đọc tụng pháp suốt ngày đêm không nghỉ. Khi ta tu tập như vậy làm cho vị khác hoan hỷ, yêu mến kính trọng cùng nhau thân cận, hòa hợp giúp đỡ nhau không có tranh cãi, một lòng làm việc như nước hòa với sữa.
3. Ý nghiệp của ta nên thực hành từ bi, nghĩa là đối với các vị hiền thánh đồng phạm hạnh, ta phải phát sinh thiện tâm từ bi không có ý tư?ng gây hại, ganh ghét, hành động thân nghiệp và ngữ nghiệp luôn luôn với suy nghĩ từ bi không cho đoạn tuyệt, dù gặp tai nạn cũng không mất chánh niệm huống chi lúc bình thường. Với các loài chúng sinh, ta phải có tâm từ bi, không giết chết, không gây đau khổ cho chúng. Ta phải xa lìa phiền não, đạt đến chỗ giải thoát. Khi ta thực hành như vậy, làm cho vị khác hoan hỷ, yêu mến kính trọng cùng nhau thân cận, hòa hợp giúp đỡ nhau không có tranh cãi, một lòng làm việc như nước hòa với sữa.
4. Ðối với những lợi dưỡng nhận được như pháp, cho đến một chút thức ăn trong bát, ta đều hoan hỷ cùng hưởng thụ chung với vị khác, không ăn riêng, không có lòng hơn thua với các vị đồng phạm hành. Khi ta thực hành như vậy làm cho vị khác hoan hỷ, yêu mến kính trọng cùng nhau thân cận, hòa hợp giúp đỡ nhau không có tranh cãi, một lòng làm việc như nước hòa với sữa.
5. Ðối với giới đã thọ, không nứt, không lủng, không vỡ, không cấu, không uế, ta giữ gìn thanh tịnh từ đầu đến cuối, được bậc trí khen ngợi, không bị các vị đồng phạm hạnh khinh bỉ, cùng giữ tịnh giới, đồng hưởng pháp thực. Khi ta thực hành như vậy, làm cho vị khác hoan hỷ ... như nước hòa với sữa.
6. Ðối với những chánh kiến đã có, không còn nghi ngờ, là pháp xuất ly của bậc Thánh không thể bị phá hoại, mau vượt qua cảnh giới khổ, ta cùng trao đổi với các vị đồng phạm hạnh những tri kiến này. Khi ta thực hành như vậy, làm cho vị khác hoan hỷ ... như nước hòa với sữa.
- Này các Bí-sô, đây là sáu pháp hoan hỷ, phải thường xuyên tu tập, ân cần hộ trì, làm cho chúng Bí-sô được tăng trưởng, thiện pháp không suy giảm.
Nghe đức Phật dạy như vậy, các Bí-sô đều hoan hỷ tín thọ phụng hành. CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
TỲ-NẠI-DA-TẠP-SỰ
Quyển thứ ba mươi lăm hết.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.216.15 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.