Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Tạp Sự [根本說一切有部毘奈耶雜事] »» Bản Việt dịch quyển số 36 »»

Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Tạp Sự [根本說一切有部毘奈耶雜事] »» Bản Việt dịch quyển số 36

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.51 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.65 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Các Duyên Sự

Kinh này có 40 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 |
Việt dịch: Thích Tâm Hạnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Quyển thứ ba mươi sáu
Phần thứ hai nhiếp tụng mười trong biệt môn tám:
Nội nhiếp tụng:
Chúng tập kính Ðại-sư,
Văn pháp sinh chánh tín,
Tự thuật niên suy lão,
Thuyết Hành-vũ nhân duyên.
Khi ấy, Thế Tôn bảo cụ thọ A Nan Ðà:
- Ta muốn đến ấp Ba Thát Ly.
A Nan Ðà thưa:
- Xin vâng, Thế Tôn!
Cùng các Bí-sô, tôn giả theo Thế Tôn rời nước Ma Kiệt Ðà tuần tự du hành đến ở gần ngôi tháp thuộc ấp Ba Thát Ly. Nghe đức Phật đến, nhân dân trong ấp đều tập họp đến tháp, lạy sát dưới hai chân Ngài, ngồi qua một bên.
Thế Tôn bảo các Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ:
- Quý vị phải biết sự phóng dật có năm lỗi. Ðó là:
1. Khi các Bà-la-môn sống phóng dật đưa đến sự việc tài sản quý và vật dụng của họ bị tiêu tan.
2. Người sống phóng dật nên khi đến chúng hội nào trong lòng của họ đều xấu hổ và khiếp sợ.
3. Người sống phóng dật nên tiếng xấu đồn khắp bốn phương.
4. Người sống phóng dật nên khi lâm chung phải hối hận.
5. Người sống phóng dật nên sau khi qua đời bị đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Ðó là năm lỗi của phóng dật.
Lại nữa, khi sống không phóng dật, các Bà-la-môn có năm thắng lợi. Ðó là:
1. Những tài sản quý và vật xử dụng của họ không bị tiêu tán.
2. Ðến với chúng hội nào, họ cũng không bị xấu hổ và khiếp sợ.
3. Có tiếng khen vang khắp bốn phương.
4. Khi sắp qua đời, không hối hận.
5. Sau khi qua đời, sinh lên trời, hưởng thụ an lạc lâu dài.
Ðây là thắng lợi của việc không phóng dật.
Sau khi giảng dạy giáo pháp làm cho các Bà-la-môn ... ở ấp Ba Thát Ly được lợi ích hoan hỷ, Thế Tôn im lặng. Các vị Bà-la-môn ... rời khỏi chỗ ngồi, sửa áo bày vai trái, quỳ gối sát đất, chắp tay bạch Phật:
- Hôm nay, nguyện Phật từ bi nhận lời đến ở phòng yên tịnh của chúng con.
Thế Tôn im lặng nhận lời. Biết Phật đã nhận lời, các Bà-la-môn làm lễ sát chân rồi từ giã. Khi họ đi rồi, đức Phật đi đến trú xứ yên tịnh của họ. Ðến nơi, sau khi rửa sạch chân, đức Phật vào phòng ngồi yên.
Bấy giờ, Ðại-thần Hành-Vũ nước Ma Yết Ðà đang đo đạc bốn phía ấp Ba Thát La, xác định cương giới để tạo thành lũy chiến đấu với nước Phật Lật Thị. Trong khi ấy, trong ấp này, các thiên thần với uy đức lớn đang muốn ở nơi này. Ngay tại chỗ ngồi, với thiên nhãn siêu thiên nhân, Thế Tôn thấy các thiên thần ấy đang muốn ở nơi này. Vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, đi đến nơi mát mẻ, an tọa xong, Thế Tôn bảo A Nan Ðà:
- Ông có nghe về việc đo đạc thành ấp không?
Thưa:
- Con có nghe đại thần Hành Vũ muốn xây dựng thành ấp gây thế lực vững chắc để chiến đấu với thành phương Bắc.
Phật dạy:
- Này A Nan Ðà! Lành thay, đại thần Hành Vũ có trí tuệ lớn muốn xây dựng thành ấp giống như hình dáng cõi trời Ba mươi ba. Tại trú xứ này, Ta với thiên nhãn thấy các thiên thần lớn đang muốn ở chỗ này.
- Này A Nan Ðà! Do chư thiên có thế lực lớn muốn ở đây cho nên những bậc đại nhân có phúc đức trong thành cũng muốn ở đây. Do những chư thiên trung bình muốn ở nơi đây nên những người trung bình và các loài khác cũng muốn ở đây.
- Này A Nan Ðà! Trong thành ấp này có bậc thù thắng đang ở nên có lời bàn luận của bậc thù thắng, có thương nhân thù thắng đến cùng nhau giao dịch không ngừng. Ðây là (sự thịnh vượng) của thành Ba Thát Ly, nhưng Thành Ba Thát Ly này sẽ bị tàn phá vì ba tai họa nước, lửa và nội phản.
Nghe đức Phật Thế Tôn tuần tự du hành từ nước Ma Yết Ðà đến trú ở tháp thuộc ấp Ba Thát Ly, được nhân dân cung kính, đại thần Hành Xá đích thân đến gặp Thế Tôn, cung kính làm lễ thăm hỏi rồi ngồi qua một bên. Sau khi thuyết pháp làm cho ông ta được lợi ích hoan hỷ, Phật im lặng.
Rời khỏi chỗ ngồi, bày vai áo bên phải, quỳ gối phải xuống đất, đại thần Hành Xá chắp tay cung kính bạch Phật:
- Thưa đức Kiều Ðáp Ma! Con xin thỉnh Ngài và đại chúng đến nhà con nhận bữa ăn đạm bạc vào ngày mai.
Ðức Phật im lặng nhận lời. Biết Phật đã nhận lời, đại thần làm lễ rồi từ giã.
Ðến nhà, ngay đêm ấy, Hành Vũ bảo mọi người làm các món ăn thơm ngon hảo hạng. Vào sáng sớm, sau khi chuẩn bị đầy đủ các món ăn, trải chỗ ngồi, bố trí bồn nước sạch, bột rửa, cây chà răng, đại thần sai sứ giả sang báo:
- Ðã đến giờ, thức ăn dọn xong rồi, xin Phật định liệu.
Vào sáng sớm, đức Phật mặc y mang bát cùng Tăng chúng đi đến nhà đại thần, an tọa vào trai đường. Thấy Phật và chư Tăng theo thứ tự đã an tọa, đại thần Hành Vũ đích thân dâng các món ăn uống thơm ngon hảo hạng cúng dường đầy đủ lên Phật và đại chúng.
Biết mọi người xỉa răng, súc miệng, thu xếp bát xong, đại thần Hành Vũ đem bình vàng đựng đầy nước đặt trước Phật, phát nguyện:
- Con có được nghiệp Ðẳng Lưu thắng thiện đưa đến quả báo an lạc do sự cúng dường này, xin đem năng lực phước nghiệp này làm cho các thiên thần cựu trú trong thành này luôn luôn hưởng thụ lợi lạc thù thắng. Xin Ngài nêu danh hiệu của họ để chú nguyện.
Sau khi nhận bữa cúng dường của đại thần Hành Vũ, đức Phật nói kệ tùy hỷ:
Người nào với lòng tin thanh tịnh,
Cung kính cúng dường đến chúng tăng,
Luôn sống theo chánh pháp của Phật,
Ðược các Ðức Phật luôn khen ngợi.
Người nào có thông minh trí tuệ,
Ðến sống nơi vùng thắng diệu này,
Cúng dường bậc trì giới tịnh hạnh,
Lại được chú nguyện với kệ phước.
Ai xứng cung kính và bố thí,
Nên phải ân cần cúng dường họ,
Vì vậy, chư thiên phát tâm từ.
Cũng như cha mẹ thương con đỏ.
Ðược sự thủ hộ của chư thiên,
Thường sống an ổn, hưởng thắng lạc,
Ðời đời thường gặp người hiền thiện,
Cuối cùng sẽ chứng đắc Niết-bàn.
Sau khi thuyết diệu pháp làm cho đại thần lợi ích hoan hỷ, Thế Tôn đứng dậy từ giã.
Biết rõ pháp thế gian phải trở về sự tan hoại nên đại thần mặc y phục đàng hoàng đi theo sau Phật, với suy nghĩ: "Nơi nào mà Thế Tôn đi ra khỏi thành, ta sẽ xây dựng cổng có lầu lớn nơi ấy. Nơi mà Ngài đi qua sông Căng Già, ta sẽ xây bến đò".
Biết tâm niệm của ông ấy, Thế Tôn từ con đường phía Tây trong thành đi ra cửa phương Bắc hướng về sông Căng Già để vượt qua.
Tại sông ấy, muốn đi qua, có nhiều người dùng cỏ, cây, trái bầu và phao nổi để qua lại trên sông không ngừng.
Thấy như vậy, Thế Tôn suy nghĩ:
- Với thần lực, Ta sẽ đi vững vàng trên mặt nước từ bờ này sang qua bờ kia.
Nhập vào định thù thắng, tùy theo ý niệm, Thế Tôn cùng chúng Bí-sô biến mất ở bờ này và hiện ra bên bờ kia.
Khi ấy, có một Bí-sô nói kệ:
Nhiều người muốn qua sông,
Qua lại mãi không ngừng,
Dùng phao nổi, cỏ cây,
Ðể vượt qua sông Hằng,
Thế Tôn dùng thần lực,
Cùng với cả tăng chúng,
Bờ này sang bên kia,
Không một chút mệt nhọc,
Ðất bằng nước lênh láng,
Ðào giếng để làm gì,
Tâm phiền não không còn,
Cầu vật khác làm gì?
Ngay nơi đức Phật ra khỏi thành, đại thần Hành-vũ xây dựng cổng lớn, đặt tên là cổng Kiều Ðáp Ma, con đường đến bến sông đặt tên là đường Kiều Ðáp Ma.
Ðến bờ sông phía Bắc, Thế Tôn bảo A Nan Nà:
- Ta muốn đến rừng Thăng Nhiếp Bà phía Bắc thôn Tiểu-xá.
Ðến nơi, sau khi an tọa, Thế Tôn bảo các Bí-sô:
- Ðây là giới, đây là định, đây là tuệ; do sức trì giới làm định vững chắc an ổn không thối lui; do tu tập định nên phát sinh trí tuệ; do sức trí tuệ nên tâm giải thoát khỏi tham sân si. Như vậy, này các Bí-sô, tâm được giải thoát hoàn toàn, được Chánh liễu-tri: Ta đã hết sinh, phạm hạnh đã lập, không thọ đời sau, việc làm đã xong, Như-thật-tri như vậy. Này A Nan Ða! Ta muốn đến khu rừng bên ngoài tụ lạc Phiến Vi.
Thưa:
- Xin vâng, Thế Tôn!
Khi đến nơi, gặp lúc nhân dân trong tụ lạc bị bệnh dịch. Có một tịnh tín cận sự nam bị bệnh qua đời . Lại các vị cận-sự-nam như Hiền Thiện, Danh Xưng ... cũng đều qua đời.
Vào sáng sớm, các Bí-sô mặc y mang bát vào tụ lạc theo thứ tự khất thực. Họ nghe trong tụ lạc có nhiều người bị chết vì bệnh dịch. Khất thực xong, họ trở lại chỗ ở thọ trai rồi xếp y bát, rửa sạch chân. Sau đó, cùng đến gặp đức Phật, lạy sát chân, ngồi qua một bên, họ bạch:
- Thưa Thế Tôn! Khi vào khất thực trong thôn, nghe có nhiều cận-sự-nam qua đời, chúng con không biết họ sinh về đâu?
Phật dạy:
- Này các Bí-sô! Trong thôn này có 250 Cận sự nam qua đời ở đây đã đoạn năm hạ-phần-kết, được thân hóa sinh chứng quả Bất-hoàn chẳng trở lại cõi này nữa, không còn thối chuyển với quả Niết-bàn. Này các Bí-sô, lại có hơn 300 Cận-sự-nam qua đời ở đây đã làm cạn mỏng tham sân si chứng quả Nhất Lai, còn trở lại nhân gian trong thời gian ngắn sẽ chấm dứt cảnh giới khổ.
- Này các Bí-sô, trong thôn ấp này có năm trăm người qua đời đã đoạn ba kiết sử chứng quả Dự-lưu không còn thối chuyển, chỉ sinh tử bảy lần nữa trong nhân gian và thiên giới sẽ chấm dứt cảnh giới khổ.
- Này các Bí-sô, cần gì phải hỏi như vậy để gây phiền cho Ta, sinh phải có chết, đấy là việc thường tình. Dù Phật có ra đời hay không, pháp sinh tử là như vậy, Như Lai biết rõ nên thuyết giảng phân biệt cho hữu tình, chỉ bày pháp môn mười hai duyên sinh. Ðó là cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh. Nghĩa là vô-minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử ưu bi khổ não. Cái này sinh nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt. Nghĩa là vô-minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục xứ diệt, lục xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì ưu bi khổ não diệt; như vậy cả một tập hợp khổ lớn đều bị trừ diệt. Ta lại vì các ông giảng thuyết về gương-pháp, hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ. Gương pháp là gì?
Nghĩa là đối với Phật Pháp Tăng và Thánh giới thanh tịnh, các ông phải tôn trọng, cung kính, cúng dường, lễ bái, khen ngợi, luôn luôn chánh tín chánh niệm; gọi là gương-pháp, nên thọ trì như vậy.
Nghe lời Phật dạy như vậy, các Bí-sô y giáo phụng hành.
Phật bảo A Nan Ðà:
- Ta muốn đi đến thành Quảng Nghiêm, ông hãy bảo với đại chúng.
- Xin vâng, Thế Tôn! A Nan Ðà thưa.
Tuần tự, Thế Tôn và Tăng chúng đến trú ở vườn Am Một La ở thành kia. Trong thành ấy có một cô gái (xưa gọi Nại Nữ là sai) mà mọi người đều biết, nhan sắc xinh đẹp tên Am Một La là chủ khu vườn này. Nghe Thế Tôn đến ở trong vườn mình, cô ta mặc y phục đẹp, trang sức chuỗi ngọc, sai tỳ nữ cùng tùy tùng đi xe quý đến gặp Phật. Ðến khu vườn, cô ta xuống xe đi bộ vào.
Bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô số chúng Bí-sô vây chung quanh. Trông thấy cô gái, Thế Tôn bảo các Bí-sô:
- Các cô gái kia sắp đến đây, các ông hãy buộc niệm, chánh tư duy, đừng nghĩ chuyện khác, hãy lắng nghe lời Ta dạy.
- Này các Bí-sô! Buộc niệm, chánh tư duy như thế nào? Khi Bí-sô nào có ý niệm xấu, tâm bất thiện, hãy từ bỏ ngay, nên phát sinh chánh tín, tinh tấn, hộ trì tâm ý, chánh niệm không tán loạn, làm cho phát sinh thiện pháp, chấm dứt ác niệm, tu tập nhiều chánh trí, phát triển cho đến viên mãn, tinh cần liên tục chớ có ý nghĩ khác.
Này Bí-sô! Như vậy là buộc ý niệm, chánh tư duy. Các ông hãy lắng nghe, chớ nghĩ chuyện khác, Bí-sô nên biết, trong khi đi lại nên quán sát rõ các hành động co, duỗi, cúi, ngữa, mang Tăng-già-chi, mặc y cầm bát, đi, đứng, nằm, ngồi, nói chuyện, im lặng, nghỉ, ngủ, thức dậy, thực hành pháp đối trị bằng cách an trú chánh niệm.
Thế nào là Bí-sô an trú chánh niệm?
- Các ông nên biết, đó là quán sát nội thân, sách tấn tinh cần, khéo huấn luyện, biết rõ các pháp thế gian là ưu khổ. Thế đến quán sát ngoại thân, nội ngoại thân; nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp. Ðối với các pháp này, buộc niệm quán sát giữ tâm an trú; sách tấn tinh cần dũng mãnh không ngừng, chế ngự hoàn toàn, biết rõ các pháp thế gian là ưu khổ. Bí-sô nên buộc niệm tư duy như vậy. Các ông hãy chánh niệm vì các cô gái kia sắp đến đây nên Ta phải ân cần dạy bảo như thế.
Gặp đức Phật, cô gái đảnh lễ sát chân rồi ngồi sang một bên. Sau khi thuyết giảng diệu pháp làm cho cô gái lợi ích hoan hỷ, Thế Tôn im lặng.
Rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy, cô Am Một La chắp tay cung kính bạch Phật:
- Thế Tôn! Xin Ngài từ mẫn cùng các Bí-sô đến nhà con nhận bữa ăn đạm bạc vào ngày mai.
Phật im lặng nhận lời. Thấy Phật im lặng nhận lời, cô gái lạy sát hai chân Phật rồi từ giã.
Bấy giờ, nghe Phật du hóa nhân gian đang ở vườn Am Một La, các thanh niên Lật Cô Tỳ ở thành Quảng Nghiêm đều cỡi các loại xe tứ mã quý báu. Có người dùng ngựa xanh, càng xe xanh, thùng xe xanh, dây cương xanh, roi xanh, đội mão xanh, che lọng xanh, mang đao xanh, cầm phất xanh, mặc y phục xanh, chuỗi ngọc và hương xoa đều màu xanh cùng những người tùy tùng đều mặc y phục xanh. Lại có người Lật Cô Tỳ khác cùng những tùy tùng tạo thành một đoàn riêng với xe, ngựa, y phục trang sức đều màu vàng. Một đoàn khác dùng toàn màu đỏ. Một đoàn khác dùng toàn màu trắng. Như vậy, trước sau từng đoàn thổi loa gióng trống kéo nhau ra khỏi thành Quảng-Nghiêm. Họ đều muốn đến gặp Như Lai để thân cận cung kính đảnh lễ.
Biết họ sắp đến, Như Lai bảo các Bí-sô:
- Người nào chưa thấy chư Thiên cõi trời Ba-mươi-ba du ngoạn ở vườn đẹp, hãy nhìn những thanh niên Lật Cô Tỳ ở thành Quảng Nghiêm này. Do uy lực và sự trang sức xinh đẹp rực rỡ nên họ không khác chư Thiên cõi trời Ba-mươi-ba đang du ngoạn ở vườn đẹp.
Ðến khu vườn, các thanh niên Lật Cô Tỳ xuống xe đi bộ vào gặp Thế Tôn, lạy sát chân Ngài, ngồi qua một bên, muốn nghe diệu pháp. Thế Tôn thuyết pháp làm cho họ lợi ích vui mừng.
Trong hội, có một thanh niên Bà-la-môn tên Tóc Vàng đứng dậy sửa y phục, chắp tay bạch Phật:
- Thế Tôn! Con đang vui mừng, muốn ca ngợi.
Phật bảo thanh niên ấy:
- Hãy nói tùy ý.
Ðược Phật cho phép, thanh niên nói kệ:
Ðại-vương trang sức với giáp quý,
Nhà vua đang được lợi ích lớn,
Có Phật xuất hiện tại chốn này,
Tiếng khen cao vút như Tu-di,
Như hoa sen trắng ở trong ao,
Ðêm nở tỏa hương thơm ngào ngạt,
Như mặt trời chiếu trên hư không,
Ánh sáng tỏa rạng khắp thế gian,
Hãy xem sức trí tuệ của Phật,
Như ánh đuốc sáng phá tối tăm,
Thường làm mắt trí cho trời người,
Ai được gặp Ngài, đều tùy thuận.
Nghe nói kệ xong, các thanh niên Lật Cô Tỳ đồng thanh khen ngợi:
- Chàng trai uy hùng này đã nói kệ rất hay.
Năm trăm thanh niên Lật Cô Tỳ trong hội đều lấy áo trên tặng cho Tóc Vàng.
Sau khi thuyết pháp làm cho mọi người được lợi ích hoan hỷ, Thế Tôn im lặng. Các thanh niên Lật Cô Tỳ đứng dậy, chỉnh y phục, chắp tay bạch Phật:
- Xin thương chúng con, cầu mong Thế Tôn và các Bí-sô vào thành nhận bữa ăn đạm bạc của chúng con vào sáng mai.
Phật đáp:
- Ta cùng Bí-sô đã nhận lời thọ trai của cô Am Một La vào sáng mai.
Họ thưa:
- Ðại-đức! Chúng con bị tổn thất, thua cô gái kia rồi. Với trí tuệ, cô ta đã thỉnh Thế Tôn trước. Chúng con không được thân cận cung kính lễ bái Ngài kịp lúc. Sau này, con sẽ cúng dường.
Phật khen:
- Lành thay!
Sau khi nghe Phật khen ngợi, với tâm hoan hỷ, các thanh niên ấy đảnh lễ sát chân Phật rồi từ giả.
Thấy mọi người đã lễ Phật từ giã, một lúc sau thanh niên Tóc Vàng rời chỗ ngồi sửa y phục, chắp tay bạch Phật:
- Ðại đức! Nghe con khen ngợi Phật, năm trăm trăm người kia đồng thanh vui mừng. Vì bài kệ hay nên mỗi người tặng cho con một tấm áo. Con dâng chúng lên Ngài, xin từ bi thương xót nhận cho.
Thế Tôn nhận lấy, bảo:
- Này thanh niên, khi đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh đẳng-giác xuất hiện trong thế gian, có năm điều hy hữu xuất hiện. Ðó là:
1. Trong thế gian có bậc Ðại-sư Như Lai Ứng Cúng Chánh-đẳng-giác Minh-hạnh-viên-mãn Thiện-thệ Thế-gian-giải Vô-thượng-sĩ Ðiều-ngự-trượng-phu Thiên-nhân-sư Phật Thế Tôn xuất hiện. Pháp của Ngài thuyết đầu giữa cuối đều thiện, văn nghĩa rõ ràng vi diệu thuần nhất viên mãn, đầy đủ tướng trạng phạm hạnh thanh tịnh trong sáng.
Ðây là sự hy hữu thứ nhất khi đức Như Lai Ứng Cúng Chánh-đẳng-giác xuất hiện trong thế gian.
2. Nghe được diệu pháp ấy, người nào hết sức chú ý chuyên tâm ghi nhận tư duy quán sát thì hộ trì được các căn. Ðây là sự hy hữu thứ hai khi đức Như Lai Ứng Cúng Chánh-đẳng-giác xuất hiện trong thế gian.
3. Nghe được chánh pháp, người ấy phát sinh hoan hỷ được lợi ích lớn, nhàm chán việc thế tục. Ðây là sự hy hữu thứ ba khi đức Như Lai Ứng Cúng Chánh-đẳng-giác xuất hiện trong thế gian.
4. Ðược nghe pháp do những người khác tuần tự nói lại, người ấy cũng dần dần vâng làm theo lời dạy. Ðây là sự hy hữu thứ tư khi đức Như Lai Ứng Cúng Chánh-đẳng-giác xuất hiện trong thế gian.
5. Sau khi nghe pháp, người ấy chánh niệm tư duy thì thông đạt pháp bằng trí tuệ vi diệu. Ðây là sự hy hữu thứ năm khi đức Như Lai Ứng Cúng Chánh-đẳng-giác xuất hiện trong thế gian.
Lại nữa, này thanh niên, người biết tri ân và báo ân là bậc đại nhân, chút ân nhỏ còn không quên huống chi ân lớn. Thế nên, người hãy chuyên cần tu học như vậy.
Nghe lời Phật dạy, thanh niên ấy hoan hỷ tín thọ, đảnh lễ sát chân Phật, từ giã.
Ngay đêm ấy, Am Một La chuẩn bị đầy đủ các món ăn uống hảo hạng. Vào sáng sớm, cô ta bố trí chỗ ngồi, bồn nước sạch, cây chà răng và bột rửa, sai sứ đến thưa với Phật:
- Thức ăn đã dọn xong, xin Ngài định liệu.
Mặc y mang bát, Thế Tôn cùng các Bí-sô đến nơi dọn ăn. Thấy Phật và chư Tăng đã tuần tự an tọa xong, cô Am Một La đích thân dâng lên đầy đủ các món ăn thơm ngon. Sau khi Phật và chư Tăng thọ trai, rửa tay, xỉa răng, súc miệng, thu xếp bát xong, cô Am Một La đặt một chỗ ngồi thấp trước Phật để lắng nghe pháp.
Thế Tôn nói kệ cho cô ấy:
Người không keo kiệt thường bố thí,
Ai thấy cũng mến, kính, thân cận.
Ðến giữa đám đông không sợ hãi,
Ðược lợi ích lớn, tiếng khen vang.
Thế nên người trí thường bố thí,
Làm cho phước báo luôn phát triển,
Trừ dần phiền não, phá san tham,
Sinh trời Ba-ba hưởng hoan lạc,
Tu các nghiệp thiện tăng công đức,
Sau khi qua đời, được sinh thiên,
Dạo vườn Hoan-hỷ cùng thiên nữ,
Làm đệ tử Phật thường an lạc.
Một lần nữa, tùy theo căn cơ, Thế Tôn thuyết pháp làm cho Am Một La lợi ích hoan hỷ.
Sau khi trở về trú xứ, Ngài bảo A Nan Ðà: Hãy báo cho đại chúng, Ta sắp đi đến Trúc Lâm.
Tuân lời Phật dạy, tôn giả A Nan Ðà cùng đại chúng theo Phật, đi đến ở rừng Thăng Nhiếp Ba, phía bắc Trúc Lâm.
Gặp lúc đói kém, khất thực khó khăn, Phật bảo các Bí-sô:
- Trong lúc đói kém này, các ông nên tìm nơi quen biết thuận tiện ở những tụ-lạc thuộc Bích Xá Ly mà an cư. Ta cùng A Nan Ðà an cư ở trú xứ này. Nếu không giải quyết như vậy thì việc khất thực rất khó khăn.
Nghe Phật dạy như vậy, các Bí-sô đều an cư ở nhà những bạn tốt, riêng tôn giả A Nan Ðà an cư với Phật dưới gốc cây. Trong mùa hạ ấy, thân thể bị bệnh đau đớn cơ hồ muốn chết, đức Phật suy nghĩ:
- Không bao lâu nữa, thân Ta sẽ chẳng còn nhưng các Bí-sô đang ở khắp nơi, vậy trong lúc không có đ?i chúng bên cạnh, Ta không nên nhập Niết-bàn, hãy dùng thiền định vô-tướng quán sát thân thể để chấm dứt các cảm giác đau đớn.
Sau khi nghĩ như vậy, đức Phật nhập vào thắng định. Tùy thuận chánh niệm, thân thể Ngài an ổn không còn các cảm giác đau đớn.
Vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, cụ-thọ A Nan Ðà đến gặp Phật, lạy sát chân, đứng qua một bên, chắp tay thưa:
- Ðại đức Thế Tôn! Vừa rồi thân tâm con mê muội không còn phân biệt được thiện ác, không trì tụng được pháp đã được nghe vì thấy Thế Tôn cảm thọ đau đớn, sợ Ngài sẽ tịch diệt. Hiện tại, được nghe Thế Tôn chưa bát Niết-bàn, con mới hơi tỉnh táo.
Con lại nghe Ngài nói:
- Nếu các Bí-sô chưa tập họp lại hết, Ta chưa Niết-bàn.
Suy luận từ đó, con biết Ngài sẽ thuyết giảng giáo pháp hy hữu.
Phật bảo A Nan Ðà:
- Ông suy nghĩ rằng Ta vì dạy bảo các Bí-sô nên chưa Niết bàn; không đúng như vậy. Vì sao?
- Lẽ nào đến lúc này Ta mới chỉ dạy giáo pháp hy hữu hay sao?
- Này A Nan Ðà! Ðiều cần nói, Ta đã nói rồi, làm cho các ông hiểu rõ các pháp trong ngoài. Ðó là bốn niệm-trụ, bốn chánh-cần, bốn thần-túc, năm-căn, năm-lực, bảy giác-phần, tám chánh-đạo.
- Này A Nan Ðà! Chư Phật Thế Tôn thường thuyết giảng phân minh về pháp này, không có tâm bí mật che dấu. Nhưng này A Nan Ðà, thân Ta có bệnh, sắp nhập Niết Bàn nên suy nghĩ: "Ta đang bệnh nặng, chắc chắn từ bỏ thân mạng". Trong lúc các Bí-sô đang ở tứ tản, Ta nghĩ không nên bát Niết bàn mà chẳng có đại chúng bên cạnh, hãy chánh ý dùng thiền định vô-tướng quán sát thân thể làm cho chấm dứt đau đớn trên thân thể, sau khi Ta nhập định những đau đớn đều chấm dứt được an ổn.
- Này A Nan Ðà! Hiện nay, thân thể của Ta đã già cả suy nhược, đã 80 tuổi, còn tồn tại là nhờ vào hai việc. Như chiếc xe hư cũ cũng nhờ vào hai việc. Do ý nghĩa này, các ông chớ buồn khổ ưu sầu. Các pháp hữu vi ở Thế gian do nhân duyên sinh mà tồn tại mãi không bị tiêu diệt là điều không thể có. Trước đây, Ta thường giảng cho các ông điều này:- Tất cả dục lạc vinh hoa đáng yêu vừa ý trong thế gian đều bị tan rã; ân ái bị biệt ly không tồn tại mãi. Vì vậy nên biết khi Ta còn tại thế hay sau khi nhập diệt, các ông hãy lấy mình làm hòn đảo tự nương tựa mình, lấy pháp làm hòn đảo, nương tựa vào pháp, không bằng hòn đảo khác, không nương tựa nơi khác. Vì sao? Dù Ta hiện diện hay đã diệt độ, ai nương tựa pháp, ưa thích trì giới, người ấy là đệ tử số một trong hàng Thanh-văn. Như thế nào là Bí-sô lấy mình làm hòn đảo, nương tựa vào mình, không bằng hòn đảo khác không nương tựa nơi khác?
- Này A Nan Ðà! Những Bí-sô nào biết rõ tướng trạng của thân trong nội thân, buộc niệm quan sát, giữ tâm an trú, tinh cần dũng mãnh chiến thắng tham sân và những khổ não. Cũng như vậy, đối với ngoại thân, nội thân, nội ngoại thân; nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp buộc niệm quan sát, giữ tâm an trú, tinh cần dũng mãnh chiến thắng tham sân và những khổ não. Bí-sô nào quán sát như vậy được gọi là vị lấy mình làm hòn đảo, tự mình nương tựa mình, sống tùy thuận theo pháp.
Nội nhiếp tụng:
Hành vũ Trúc-lâm nội,
Tu lý Ba-thát ấp
Ðộ hà nghệ tiểu thôn,
Tiệm hướng Niết-bàn đẳng.
Thế Tôn bảo cụ thọ A Nan Ðà:
- Ta muốn đến thành Quảng Nghiêm.
Tuân lời Phật dạy, tôn giả A Nan Ðà theo Ngài đến giảng đường Trùng Các, thành Quảng-Nghiêm. Vào sáng sớm, Phật mặc y mang bát có tôn giả A Nan Ðà đi theo vào thành khất thực.
Sau khi khất thực, trở về chỗ ở, thọ trai xong, đi đến gốc cây ở tháp Thủ Cung an tọa, Ð?c Phật bảo A Nan Ðà:
- Thành Quảng Nghiêm này vật chất hoa lệ, vườn hoa cây trái rất phong phú, tháp miếu ao mát thật khả ái; là nơi rất hy hữu đặc biệt nhất trong cõi Chiêm Bộ Châu này.
- Này A Nan Ðà! Người nào tu tập, tu tập nhiều về bốn thần túc có thể sống trong một kiếp hay hơn một kiếp theo ý muốn.
- Này A Nan Ðà! Như Lai đã tu tập nhiều về bốn thần túc nên có thể sống một kiếp hay hơn một kiếp theo ý muốn.
Khi ấy, A Nan Ðà im lặng không nói gì cả. Thế Tôn nói ba lần như vậy nhưng A Nan Ðà vẫn im lặng không nói gì.
Ðức Phật suy nghĩ: "A Nan Ðà đang bị ma vương làm mê hoặc nên thân tâm hôn loạn, tuy được Ta nêu ra thật rõ đến ba lần nhưng vẫn im lặng không một lời thưa thỉnh, như vậy biết chắc là bị ma vương mê hoặc".
Thêù Tôn bảo:
- Ông hãy đến ngồi riêng dưới một gốc cây khác, Ta không ở chung vì ông đang tạp loạn.
Nghe Phật bảo, A Nan Ðà đến chỗ ngồi thường ngày, an tọa dưới gốc cây.
Khi ấy, đến gặp đức Phật, lạy sát chân Ngài, đứng qua một bên, ác ma Ba Tỳ chắp tay cung kính thưa:
- Thế Tôn! Ðã đến lúc Niết-bàn, xin Thiện-thệ nhập Niết-bàn.
Phật hỏi:
- Tại sao ngươi nói đến lúc Niết-bàn và thỉnh Ta nhập Niết-bàn?
Ma thưa:
- Ðại đức! Trước đây ở dưới gốc cây Bồ-đề bên dòng sông Ny Liên, khi Phật mới vừa thành đạo, con đến thưa: - Thế Tôn đã đến lúc Niết-bàn, xin Thiện-thệ nhập Niết-bàn. Ngài đã bảo con:
- Nếu Thánh chúng Thanh văn đệ tử của ta chưa có trí tuệ thông đạt đầy đủ biện tài, dùng chánh pháp chiến thắng tà-luận, hiển dương thánh giáo làm cho lưu thông, lại nữa các Bí-sô Bí-sô-ny Ô Ba Sách Ca, Ô Ba Tư Ca chưa thể kiên trì giới phẩm, làm cho phạm hạnh của Ta được truyền bá khắp nơi làm lợi ích cho nhân loại và chư thiên thì Ta không nên nhập đại Niết-bàn.
- Ðại đức Thế Tôn! Hiện nay chúng Thanh-văn có trí tuệ lớn, thông đạt đầy đủ biện tài vô ngại, dùng chánh pháp chiến thắng tà luận, hiển dương thánh giáo làm cho phổ biến khắp nơi.
Lại nữa, các Bí-sô, Bí-sô-ny, Ô Ba Sách Ca, Ô Ba Tư Ca có thể làm cho phạm hạnh được truyền bá khắp nơi làm lợi ích cho nhân loại và chư Thiên.
Vì các sự việc đã viên mãn nên con thưa Thế Tôn: - Giờ Niết-bàn đã đến, xin Thiện thệ nhập Niết-bàn.
Ðức Phật bảo Ma:
- Ngươi hãy đợi một thời gian ngắn, không còn bao lâu nữa, ba tháng sau Như Lai sẽ vào cảnh giới Vô-dư Niết-bàn.
Bấy giờ, với ý nghĩ Sa-môn Kiều Ðáp Ma không nói hai lời chắc chắn sẽ Bát Niết-bàn, Ma rất vui mừng, bỗng nhiên biến mất.
Phật suy nghĩ:
- Ta nên nhập vào định như vậy, tùy theo sức định ấy, xả bỏ tuổi thọ, chỉ duy trì mạng sống.
Khi Ðức Phật nhập định ấy, xả bỏ tuổi thọ chỉ duy trì mạng sống, cả trời đất chấn động, sáng rực bốn phương, tinh quang rơi rụng, trống trời tự nhiên vang động khắp hư không.
Xuất định, đức Phật nói kệ:
Hữu hạn hay vô hạn,
Mâu Ny đều từ bỏ,
Nội tâm trú thiền định,
Như chim thoát khỏi trứng.
Vào buổi chiều, cụ thọ A Nan Ðà rời khỏi chỗ ngồi, đến gặp đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, đứng qua một bên thưa:
- Thế Tôn! Trường hợp nào mặt đất bị chấn động?
Phật bảo A Nan Ðà:
- Có tám trường hợp làm mặt đất chấn động. Mặt đất dựa trên nước, nước dựa trên gió, gió dựa trên không khí.
Này A Nan Ðà! Gặp lúc gió lớn nỗi lên trong không trung làm cho nước xao động; nước lay động thì đất bị chấn động.
Này A Nan Ðà! Ðây là trường hợp thứ nhất mặt đất bị chấn động.
Này A Nan Ðà! Bí-sô có uy-đức lớn với năng lực vĩ đại dùng sức thần thông quán tưởng đại địa này nhỏ như hạt bụi đi vào nước vô biên, sẽ làm cho mặt đất chấn động. Bí-sô ny và chư thiên nào có uy đức lớn nếu thi hành pháp tưởng này cũng làm cho mặt đất chấn động.
Này A Nan Ðà! Ðây là trường hợp thứ hai mặt đất bị chấn động.
Này A Nan Ðà! Khi Ðại bồ tát từ cõi trời Ðổ-Sử Ða giáng thần vào thai mẹ thì mặt đất chấn động, ánh sáng rực rỡ hơn cả ánh sáng của chư Thiên. Khi Bồ-tát giáng thần vào thai mẹ thì ánh sáng chiếu soi khắp những nơi rất tối tăm đến nỗi ánh sáng chói lọi của nhật nguyệt trong thế gian cũng không chiếu đến được. Tại đó, những hữu tình từ khi được sinh ra đến nay muốn nhìn tay mình cũng không thể thấy nhưng nhờ ánh sáng chiếu đến nên thấy được cả hữu tình khác đang sống ở đó.
Này A Nan Ðà! Ðây là trường hợp thứ ba mặt đất bị chấn động.
Này A Nan Ðà! Khi Ðại Bồ-tát đản sinh thì mặt đất chấn động ... như trên.
Này A Nan Ðà! Ðây là trường hợp thứ tư mặt đất bị chấn động.
Này A Nan Ðà! Khi Bồ-tát thành bậc Chánh-đẳng-giác thì mặt đất chấn động ... như trên.
Này A Nan Ðà! Ðây là trường hợp thứ năm mặt đất bị chấn động.
Này A Nan Ðà! Khi Như Lai chuyển pháp luân ba lần thì mặt đất chấn động.
Này A Nan Ðà! Ðây là trường hợp thứ sáu mặt đất bị chấn động.
Này A Nan Ðà! Khi Như Lai xả bỏ tuổi thọ chỉ còn giữ mạng sống thì mặt đất chấn động, bốn phương rực sáng, lưu quang rơi rụng, trống trời tự nhiên vang động khắp hư không.
Này A Nan Ðà! Ðây là trường hợp thứ bảy mặt đất bị chấn động.
Này A Nan Ðà! Không bao lâu, chỉ ba tháng sau Như Lai sẽ vào cảnh giới Vô-dư-y Niết-bàn. Khi ấy, mặt đất bị chấn động, bốn phương trên dưới chói sáng rực rỡ, chư Thiên kêu lớn vang như tiếng trống.
Này A Nan Ðà! Ðây là trường hợp thứ tám mặt đất bị chấn động.
Khi ấy, cụ thọ A Nan Ðà bạch Phật:
- Thế Tôn! Con thấy trong những điều Thế Tôn dạy có sự việc xả bỏ tuổi thọ chỉ giữ mạng sống nên mặt đất chấn động.
Phật bảo A Nan Ðà:
- Ðúng vậy! Ðúng vậy! Ta xả bỏ tuổi thọ chỉ lưu lại mạng sống.
A Nan Ðà thưa:
- Ðại đức! Chính con được nghe Ngài dạy thế này, người nào tu tập và tu tập nhiều về bốn thần-túc thì muốn sống một kiếp hay hơn một kiếp đều được như ý. Ðối với bốn thần túc, Ngài đã tu tập, tu tập nhiều, cầu xin Thế tôn trụ thế một kiếp; cầu xin Thiện-thệ trụ thế hơn một kiếp.
Phật bảo A Nan Ðà:
- Ðây là lỗi của ông vì đã làm việc phi lý. Ta đã bảo với ông ba lần thật rõ nhưng ông không thể hiểu được chủ ý ấy vì tâm ông bị ma Ba-tỳ làm mê hoặc. Này A Nan Ðà! Ý ông thế nào? Chư Phật Như Lai có nói hai lời không?
Bạch:
- Thưa không.
Phật dạy:
- Lành thay! Lành thay! Này A Nan Ðà, không có sự việc đức Như Lai Ðại-sư nói hai lời cả. Ta đã hứa với ma, ông không nên thỉnh nữa. Này A Nan Ðà! Ông hãy đến gọi các Bí-sô sống gần tháp Thủ Cung tập trung ở nhà ăn.
Sau khi triệu tập các Bí-sô ấy, A Nan Ðà đến gặp Thế Tôn, lạy sát chân, chắp tay bạch:
- Ðại đức Thế Tôn! Các Bí-sô đã tập họp tại nhà ăn, xin Phật định liệu.
Rời chỗ ngồi đi đến nhà ăn, sau khi an tọa, Phật bảo chúng Bí-sô:
- Các ông nên quán sát các hành vô thường, là pháp thay đổi, không thể tin tưởng, phải nhàm chán xa lìa, cầu giải thoát. Các ông nên biết, có diệu-pháp thù thắng có thể làm cho sống an lạc lợi ích trong hiện tại và vị lai.
- Này các Bí-sô, hãy thọ trì đọc tụng, hiểu trọn vẹn ý nghĩa, chú tâm thực hành pháp này, có thể làm cho phạm-hạnh tồn tại không mất, phát triển rộng pháp như vậy vì lợi ích hữu tình vì thương xót tất cả làm an lạc cho nhân thiên. Thắng pháp gì làm cho lợi ích an lạc trong hiện tại và vị lai mà các Bí-sô thọ trì đọc tụng, hiểu trọn vẹn ý nghĩa, chú tâm thực hành pháp này, có thể làm cho phạm-hạnh tồn tại không mất, phát triển rộng pháp như vậy vì lợi ích hữu tình vì thương xót tất cả làm an lạc cho nhân thiên?
- Ðó là bốn niệm-xứ, bốn chánh-cần, bốn thần-túc, năm căn, năm lực, bảy giác-phần, tám thánh-đạo. Nên biết đây là pháp làm cho lợi ích an lạc trong hiện tại và vị lai, các ông phải đọc tụng thọ trì ghi nhớ.
- Này A Nan Ðà! Ta muốn đến thôn Trọng Hoạn.
Nghe lời Phật dạy, tôn giả A Nan Ðà theo sau Phật đi đến vùng Viên Lâm về hướng Tây Bắc thành Quảng Nghiêm. Như voi chúa lớn, đức Phật quay toàn thân về bên phải, nhìn lại thành Quảng Nghiêm (ngài Nghĩa Tịnh đích thân đến nơi này làm lễ cầu nguyện thánh-giáo được lưu thông trong thời tượng và mạt pháp).
A Nan Ðà bạch Phật:
- Thế Tôn! Như Lai quay về bên phải bồi hồi nhìn lại khắp thành phố, tất có lý do, xin Ngài dạy cho.
Phật bảo:
- Này A Nan Ðà! Ta nhìn lại bên phải, đúng như ông nói phải có lý do.
- Này A Nan Ðà! Ðây là lần cuối cùng đức Như Lai Ứng-cúng Chánh-đẳng-giác nhìn về thành Quảng Nghiêm. Ta muốn đi đến rừng Sa La song thọ ở xứ Lực Sĩ để bát Niết Bàn, không còn trở lại nữa, thế nên quay lại nhìn thành phố này.
Nghe Phật nói như vậy, có Bí-sô nói kệ:
Nhìn lại lần cuối thành Quảng Nghiêm,
Chánh-giác không trở lại nơi này,
Ngài đang muốn đến rừng song-thọ,
Vùng đất Tráng-sĩ, chứng Vô-dư.
Ðến rừng Thăng Nhiếp Ba thuộc thôn Trọng-Hoạn, Thế Tôn bảo các Bí-sô:
- Các ông nên biết, đây là Giới - Ðịnh - Tuệ; do tu tập giới nên an trú trong định; khéo tu tập định nên tịnh tuệ phát sinh; do có tịnh tuệ nên giải thoát khỏi tham sân si, nhờ vậy tâm đạt đến chỗ giải thoát Vị thánh đệ tử liễu tri như thật: Ta đã hết sinh y, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau.
Tuần tự như vậy, Ngài đi qua hơn mười tụ lạc, tùy căn cơ thuyết pháp cho chúng sinh, đến trú ở rừng phía Bắc thành Thọ Dụng. Khi ấy, mặt đất chấn động, mười phương khói lửa rực sáng, mặt trời mặt trăng mất hết ánh sáng, lưu tinh rơi rụng, trống trời vang động khắp hư không.
Vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, cụ thọ A Nan Ðà đi đến gặp Phật, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên, bạch Phật:
- Ðại đức Thế Tôn! Vì sao mặt đất chấn động?
Phật bảo:
- Này A Nan Ðà! Có ba trường hợp mặt đất chấn động. Ðó là: Mặt đất dựa trên nước, nước dựa trên gió, gió dựa trên không khí.
- Này A Nan Ðà! Gặp lúc gió lớn nỗi lên trong không trung làm cho nước xao động; nước lay động thì mặt đất bị chấn động. Này A Nan Ðà! Ðây là trường hợp thứ nhất mặt đất bị chấn động.
- Này A Nan Ðà! Bí-sô có uy-đức lớn với năng lực vĩ đại dùng sức thần thông quán tưởng đại địa này nhỏ như hạt bụi đi vào nước vô biên, sẽ làm cho mặt đất chấn động. Bí-sô ny và chư thiên nào có uy đức lớn nếu thi hành pháp tưởng này cũng làm cho mặt đất chấn động. Này A Nan Ðà! Ðây là trường hợp thứ hai mặt đất bị chấn động.
- Này A Nan Ðà! Nếu Như Lai sắp nhập Niết-bàn thì mặt đất chấn động... như nói ở trước. Này A Nan Ðà! Ðây là ba trường hợp mặt đất chấn động.
A Nan Ðà bạch Phật:
- Thế Tôn! Kỳ lạ thay Ngài đã thành tựu được sự việc vượt ngoài suy nghĩ bàn luận như vậy. Như Lai Ưùng Cúng Chánh Ðẳng Giác sắp vào Ðại Niết-Bàn, do sự việc này nên mặt đất chấn động, hiện ra tướng trạng kỳ lạ ... như nói ở trước.
Phật bảo:
- Ðúng vậy! Ðúng vậy! Ðúng như lời ông nói, đức Như Lai Ưùùng Cúng Chánh Ðẳng Giác thật đã thành tựu pháp hy hữu như vậy.
- Này A Nan Ðà! Thời quá khứ, Ta đã từng ở nơi vô lượng trăm ngàn chúng Sát Ðế Lị làm cho họ thân cận Ta. Bấy giờ, tùy theo hình dáng cao thấp của họ ... Ta cũng mang hình dáng với nhan sắc, âm thanh, ngôn ngữ tương đồng như họ. Ta cũng nói với ý nghĩa như họ nói. Ðiều họ không hiểu, Ta nói cho họ nghe, dùng pháp thắng thượng chỉ dạy lợi ích hoan hỷ làm cho họ được khai ngộ rồi Ta ẩn mất. Không biết được tung tích của Ta nên họ nói:- Vị ấy đi đâu rồi, là trời hay người, không phải trong cảnh giới của ta.
- Này A Nan Ðà! Ta có thể thành tựu vô lượng pháp hy hữu như vậy. Trong giữa chúng Sát Ðế Lị, chúng Sa-môn, Bà-la-môn, Trưởng giả, cư-sĩ, cho đến Dục-giới, Sắc-giới, trời Sắc-cứu-cánh, Ta đều đến đó tùy theo hình dáng cao thấp ... như trên ... cho đến ... này A Nan Ðà! Ta có thể thành tựu vô lượng pháp hy hữu như vậy.
CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
TỲ-NẠI-DA-TẠP-SỰ
Quyển thứ ba mươi sáu.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 40 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Lược sử Phật giáo


Tự lực và tha lực trong Phật giáo


Phát tâm Bồ-đề


Chuyện Phật đời xưa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 52.15.191.241 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập