Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Tạp Sự [根本說一切有部毘奈耶雜事] »» Bản Việt dịch quyển số 40 »»

Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Tạp Sự [根本說一切有部毘奈耶雜事] »» Bản Việt dịch quyển số 40

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.65 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.86 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Các Duyên Sự

Kinh này có 40 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | Quyển cuối
Việt dịch: Thích Tâm Hạnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Quyển thứ bốn mươi
Tiếp theo tụng mười trong biệt môn tám, nói về sự việc Năm trăm vị kết tập và Bảy trăm vị kết tập.
Khi ấy, Ca Nhiếp Ba hỏi Ô Ba Ly:
- Thế Tôn chế học xứ thứ nhất ở đâu?
Bằng âm thanh rõ ràng, Ô Ba Ly đáp:
- Thế Tôn chế tại Ba La Ny Tư.
Hỏi:
- Nói cho ai?
Ðáp:
- Nói cho năm Bí-sô.
Hỏi:
- Việc ấy thế nào?
Ðáp:
- Mặc y nội cho tề chỉnh, không quá cao, không quá thấp; nên học như vậy.
Nghe nói như vậy xong, các vị A La Hán đều nhập vào Ðịnh Biên Tế, dùng định lực quán sát thế gian xong, rồi lại xuất định. Ma Ha Ca Nhiếp Ba suy nghĩ: "Ta đã kết tập học xứ đầu tiên của Phật chế, không bị các vị đồng phạm hạnh chống lại hay chê bai; thế nên biết rằng Luật này chính Phật chế ra.
Tôn giả lại bảo Ô Ba Ly:
- Thế Tôn chế học xứ thứ hai ở đâu?
Bằng âm thanh rõ ràng, Ô Ba Ly đáp:
- Tại Ba La Ny Tư.
Hỏi:
- Nói cho ai?
Ðáp:
- Cho năm Bí-sô.
Hỏi:
- Việc ấy thế nào?
Ðáp:
- Mặc ba y tề chỉnh; nên học như vậy.
Nghe nói xong, các vị A-la-hán đều nhập vào định Biên Tế, dùng nguyện lực quán sát thế gian rồi xuất khỏi định.
Ca Nhiếp Ba suy nghĩ: "Ta đã kết tập học xứ thứ ba của đức Thế Tôn ... như trên".
Tôn giả lại hỏi Ô Ba Ly:
- Thế Tôn chế học xứ thứ ba ở đâu?
Bằng âm thanh rõ ràng, Ô Ba Ly đáp:
- Tại thôn Yết Lan Ðạc Ca.
Hỏi:
- Nói cho ai?
Ðáp:
- Cho Bí-sô Tô Trần Na con của Yết Lan Ðạc Ca.
Hỏi:
- Sự việc ấy thế nào?
Ðáp:
- Bí-sô nào đã thọ cấm giới như các Bí-sô khác mà hành dâm cho đến loài súc sinh, bị phạm tội ba-la-thị-ca, không được sống chung.
Nghe nói thế rồi, các vị la-hán đều nhập vào Ðịnh Biên Tế rồi xuất định. Ca Nhiếp Ba suy nghĩ: "Ta đã kết tập ... như trước".
Các học xứ khác, Thế Tôn chế cho các Bí-sô ở tại vương cung hay thôn xóm ... đều được cụ thọ Ô Ba Ly nói lại hết. Các vị A La Hán đã kết tập xong, gọi đây là pháp Ba La Thị Ca, đây là pháp Tăng-già-phạt-thi-sa, đây là pháp Hai bất-định, ba mươi pháp Xả-đọa, chín mươi pháp Ba-dật-đề-ca, bốn pháp Ba-la-để-đề-xá-ny, pháp chúng học, bảy pháp Diệt tránh, đây là chế lần đầu, đây là chế thêm, đây là định chế, đây là tùy khai, như vậy là pháp xuất gia, như vậy là pháp thọ cận viên, như vậy là pháp Ðơn-bạch Bạch-nhị Bạch-tứ yết ma, như vậy nên độ, như vậy không nên độ, như vậy là pháp Bao-sái-đà, như vậy là pháp An cư, như vậy là pháp Tùy-ý, v.v ... cho đến tạp sự. Ðây là Ny-đà-na Mục-đắc-ca ...
Sau khi kết tập Luật tạng, cụ thọ Ô Ba Ly xuống tòa. Tôn giả Ca Nhiếp Ba nghĩ: "Người đời sau trí kém căn độn, theo văn để hiểu thì không đạt được ý nghĩa sâu xa, vậy ta nên tự thuyết minh Ma-thất-lý-ca (Luận - Matika) sẽ làm cho rõ ý nghĩa của Kinh Luật vậy."
Sau khi suy nghĩ như vậy, Tôn giả bạch Nhị yết ma thưa cho Tăng biết. Sau khi Tăng đồng ý, Tôn giả lên tòa cao thưa với các Bí-sô:
- Tôi xin bắt đầu thuyết minh về Luận tạng, theo sự hiểu biết làm cho sáng tỏ ý nghĩa. Ðó là bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Bồ-đề phần, tám Thánh đạo phần; bốn Vô úy, bốn Vô ngại giải, bốn Sa-môn quả, bốn Pháp cú, trí Vô-tránh-nguyện, định Biên tế, Không, Vô tướng, Vô nguyện, tạp tu các Ðịnh, chánh nhập hiện quán, thế tục Trí Chiêm-ma-tha (Thiền định - Samatha), Tỳ-bát-xá-na (Minh sát tuệ - Vipassana), pháp tập, pháp uẩn, như vậy gọi chung là Luận tạng.
Sau khi nghe thuyết minh như vậy, các vị La-hán đều nhập vào định Biên tế, tuần tự quán sát xong lại xuất định ... như nói ở trước. Như vậy đây là Tô Hằng La (Kinh - Sutta), đây là Tỳ Nại Da (Luật - Vinaya), đây là A Tỳ Ðạt Ma (Luận - Abhidhamma) chính là những lời dạy của Phật được kết tập xong.
Khi ấy, Dạ-xoa trên đất đều kêu to lên rằng quý vị nên biết, Thánh giả Ca Nhiếp Ba làm thượng thủ và năm trăm vị A-la-hán cùng nhau kết tập tam tạng Thánh giáo của Như Lai. Vì vậy, chư Thiên phát triển, A-tu-la suy giảm.
Nghe như vậy, dạ xoa ở trên không lại gọi to lên tận trời Tư Thiên Vương ... Tam Thập Tam Thiên, Da Ma, Ðổ-Sử Ða, Lạc Biến Hóa, Tha Hóa Tự Tại, Tha Hóa Tự Tại, Phạm Chúng, Phạm Phụ, Ðại Phạm, Thiểu Quang, Vô-Lượng Quang, Cực Quang, Tịnh, Thiểu Tịnh, Vô Lượng-Tịnh, Biến Tịnh, Vô Vân, Phước Sinh, Quảng Quả, Vô-Phiền, Vô Nhiệt, Thiện Hiện, Thiện Kiến ... trong chốc lát âm thanh ấy truyền lên tận trời Sắc-cứu-cánh. Chư Thiên ấy đồng thanh nói rằng chư Thiên phát triển, A-tu-la suy giảm.
Khi năm trăm vị A-La-Hán kết tập xong, đại hội kết tập này gọi là năm trăm vị kết tập. Ðại Ca Nhiếp Ba nói kệ:
Các vị kết tập pháp pháp-vương,
Ðều vì thương yêu các chúng sinh,
Lời lẽ Phật dạy nhiều vô lượng,
Nay đều kết tập không bỏ sót,
Vì kẻ phàm ngu không hiểu biết,
Nên làm đèn sáng trừ bóng tối.
Cụ thọ Ðại Ca Nhiếp Ba suy nghĩ: "Ta kết tập xong ba tạng thánh giáo, bằng định lực quan sát thì những giáo pháp mà Thế Tôn đã thuyết, đã được làm cho tồn tại lâu dài trong đời. Những điều cần làm theo lời Như lai dạy đều đã làm xong. Ta đã phụng hành theo đúng chánh đạo mà đức Thế Tôn đã dạy, vậy là ta đã báo đáp một phần nhỏ từ ân của Phật. Những lời dạy để lại làm lợi ích quần sinh của Thế Tôn Ðại sư, đều đã được kết tập, từ nay xa mãi Thế Tôn, không còn nơi nương cậy, gánh vác thân năm uẩn hôi hám này thật mệt nhọc, giờ Niết-bàn đã đến không nên kéo dài nữa."
Sau khi suy nghĩ, Tôn giả nói kệ:
Ta đã kết tập giáo pháp Phật,
Ðể cho chánh-pháp được tăng trưởng,
Tồn tại làm lợi ích thế gian,
Giúp ích chúng sinh thoát phiền não,
Chiến thắng những kẻ không tàm quý,
Hộ trợ những người biết tàm quý,
Việc làm lợi ích đã viên mãn,
Lúc này, ta nên hướng Niết-bàn.
Ðại Ca Nhiếp Ba bảo A Nan Ðà:
- Thầy có biết không, Thế Tôn đem giáo pháp phó chúc cho ta rồi nhập Niết-bàn. Hiện nay, ta sắp vào Niết-bàn nên chuyển đại pháp này phó chúc cho thầy, hãy hết sức hộ trì. Sau khi ta diệt độ, tại thành Vương xá có vợ thương chủ sẽ sinh một bé trai. Khi mới sinh ra, bé trai được bọc trong tấm vải xa-nạch-ca, vì vậy tên là Xa Nạch Ca (một loại cây bố gai, xứ này trước đây không có, cao bằng con người, có thể dệt làm vải; xưa dịch Thương Na Hòa Tu là không chuẩn). Sau đó, nhân người ấy đi vào biển tìm hàng hóa trân bảo, được trở về an ổn nên thiết lập đại hội Phật đà năm năm, sau đó xuất gia, nên đem Phật pháp phó chúc cho người ấy.
Sau khi nói xong, Ca Nhiếp Ba lại suy nghĩ: "Thế Tôn đại bi tu tập các hạnh khổ, đó là bạn lành chân thật, trang nghiêm với vô lượng công đức, xá lỵ di thân còn để lại khắp nơi, ta hãy cung kính cúng dường rồi nhập Niết-bàn".
Sau khi suy nghĩ như vậy, Tôn giả dùng sức thần thông đi đến bốn tháp lớn của Phật là nơi Ðản-sinh, nơi thành-đạo, nơi chuyển Pháp-luân, nơi Niết-bàn và các tháp thờ xá-lỵ khác, chí thành cúng dường, rồi vào cung rồng cúng dường răng của Phật, bay lên hư không đến cõi trời Ba-mươi-ba, định lễ bái răng của Phật. Thấy Ca Nhiếp Ba muốn cung kính lễ bái, trời Ðế Thích và chư Thiên hỏi:
- Vì sao ngài đến đây?
Tôn giả đáp:
- Tôi muốn cúng dường tháp thờ răng xá-lỵ của Thế Tôn lần cuối cùng.
Nghe nói như vậy, chư Thiên buồn bã đứng lặng yên. Trời Ðế Thích bưng răng Phật đưa cho Ca Nhiếp Ba. Nhận lấy xá-lỵ, Tôn giả đặt trên bàn tay, chuyên chú chiêm ngưỡng rồi đặt trên đầu, rồi rãi hoa mạn-đà-la, hoa sen, bột hương ngưu-đầu trên răng xá-lỵ để cúng dường. Sau khi thuyết pháp cho trời Ðế Thích và chư thiên, Tôn giả biến mất khỏi núi Tu di và hiện ra ở thành Vương-xá.
Tôn giả lại suy nghĩ: "Trước đây ta đã hứa báo cho vua Vị Sinh Oán biết khi sắp vào Niết-bàn".
Ðến vương cung, Tôn giả bảo người giữ cửa:
- Vì tôi, xin ông thông báo với vua rằng Ca Nhiếp Ba đang ở ngoài cửa muốn gặp vua.
Nghe xong, người giữ cửa vào cung, thấy vua đang ngủ say nên vội đi ra lại, bảo với Ca Nhiếp Ba:
- Thánh giả, đại vương đang ngủ.
Tôn giả bảo:
- Vì tôi, người nên trở vào đánh thức vua dậy.
Thủ môn nói:
- Tánh vua bạo ác, khó xúc phạm được, tôi không dám gọi, sợ vua nổi giận ra lệnh giết tôi.
Ca Nhiếp Ba nói:
- Nếu vậy, xin vì tôi, chờ vua thức dậy, báo cho vua biết Ca Nhiếp Ba sắp vào Niết-bàn nên đến cửa cung từ giã vua.
Nói xong, Tôn giả vào núi Kê Túc, trải cỏ ngồi giữa ba ngọn núi, suy nghĩ: "Lúc này ta nên mặc y phấn tảo của Thế Tôn ban cho, khiến cho thân xác được bảo tồn chờ đến khi Bồ tát Từ Thị hạ sinh, vị Thế Tôn ấy sẽ chỉ cho các đệ tử và đại chúng thấy thân này của ta, làm cho họ sinh nhàm chán".
Sau đó, Tôn giả nhập định, ba ngọn núi chụm lại như căn phòng kín nên thân thể không hư hoại. Tôn giả lại suy nghĩ: "Nếu vua Vị Sinh Oán đến đây, thì núi mở ra vì không gặp được thân ta thì vua trào máu nóng ra chết".
Suy nghĩ xong, Tôn giả xả bỏ mạng sống. Khi ấy, mặt đất chấn động sáu cách, sao xẹt rụng rơi khắp nơi sáng rực, trên hư không chư thiên đánh trống vang lừng. Cụ thọ Ca Nhiếp Ba vọt lên hư không, hiện ra các thần biến, phun ra nước trong suốt hoặc ánh lửa sáng, nổi mây che kín, mưa trận mưa lớn. Biến hóa như vậy xong, Tôn giả vào phòng đá nằm nghiêng bên phải, gác hai chân lên nhau, nhập vào cảnh giới Vô-dư-y diệu-Niết-bàn.
Chư thiên Thích, Phạm đều suy nghĩ: "Vì sao mặt đất chấn động như vậy?".
Cùng nhau quán sát, thấy Ca Nhiếp Ba nhập Niết-bàn nên họ cùng vô lượng trăm ngàn vạn ức chư thiên mang đến các loại hoa sen xanh vàng đỏ trắng cùng nước thơm Ngưu-đầu-chiên-đàn, trầm, bột thơm cùng đến chỗ Tôn giả, đem các loại hoa trời bột hương thơm rãi trên thân Tôn giả mà cúng dường. Chư thiên cúng dường xong, ba ngọn núi lại chụm vào nhau che kín như căn phòng.
Sau khi rời khỏi chỗ Tôn giả, chư Thiên rất buồn khổ, nói rằng đức Phật vừa Niết-bàn, chúng ta chưa hết buồn rầu, vì sao đến nay lại bị ưu sầu tiếp. Chư Thiên cựu trú ở hang Tất-bát-la chỉ còn cái tên rỗng mà thôi, những thắng pháp đều đã đi theo Tôn giả hết rồi. Nước Ma-yết-đà không còn rực rỡ nữa, chúng sinh bị nghèo cùng vì ruộng phước không còn. Tất cả các thiện pháp đều đã tiêu vong. Như vậy là vị giác ngộ thứ hai đã vào Niết bàn, chẳng lẽ đến nay núi pháp bị sụp đổ, thuyền pháp bị lật chìm, đại thọ pháp bị ngã xuống, biển pháp cạn khô, chúng ma hoan hỷ. Những giáo pháp để giáo hóa chúng sinh và những việc lợi ích đều sẽ ẩn mất.
Sau khi nói lên những lời bi thương như vậy xong, chư Thiên lạy sát chân Tôn-giả rồi biến mất.
Nằm ngủ, vua Vị Sinh Oán mơ thấy rằng kèo cột trong cung điện đều sụp gãy nên giật mình thức dậy. Thấy vua tỉnh giấc, người thủ môn liền tâu lại đầy đủ những lời của Ca Nhiếp Ba cho vua biết. Nghe nói, vua ngây ngất ngã lăn ra đất. Cận thần dùng nước lạnh rưới vào mặt vua cho tỉnh lại. Ði đến Trúc-lâm, vua gặp Tôn giả A Nan Ðà, lạy sát đất, khóc vang, thưa rằng con nghe Tôn giả Ðại Ca Nhiếp Ba đã vào Niết-bàn.
A Nan Ðà cùng nhà vua đi đến núi Kê-túc để chỉ chỗ Tôn giả cho vua (xưa gọi là Kê-túc vì có Tôn giả trú ở trong, người sau gọi là Tôn-túc, lại nữa vì trên núi có dấu tích của đức Phật, nhưng trong Phạn-âm từ ngữ Kê-túc và Tôn-túc bị nhầm lẫn nhau). Họ đến nơi, được đại dược xoa mở ba ngọn núi ra. Vua thấy di thể rồi, lại thấy chư thiên cúng dường bằng hoa mạn-đà-la cùng các hoa sen, nước thơm chiên đàn, các loại hương hoa. Vua đưa hai tay lên, khóc lớn, bị ngã lăn ra đất cũng như cây đại thọ bị chặt đứt cả gốc. Một lúc sau, vua tỉnh lại và muốn nhặt củi.
Thấy như vậy, Tôn giả A Nan Ðà hỏi:
- Ðại vương, nhặt củi làm gì?
Ðáp:
- Ðể hỏa thiêu.
Tôn giả nói:
- Chớ nói như vậy, thân thể này của Tôn giả do sức định bảo trì. Chờ đến lúc Bồ tát Từ-thị hạ sinh, Phật ấy cùng chín mươi sáu ức cu-đê Thanh văn tùy tùng đi đến nơi này, đem di thể Tôn giả ra chỉ dạy cho đệ tử rằng đây là Ca Nhiếp Ba đệ tử thượng thủ của Phật Thích Ca Mâu-Ny, là bậc đệ nhất trong việc thiểu dục tri túc tu tập hạnh đổ-đa. Những pháp do Phật Thích Ca Mâu Ny nói ra đã được vị này kết tập để kiến lập pháp-nhãn. Khi ấy, các Thanh văn ấy suy nghĩ rằng thời quá khứ thân người nhỏ bé, thân Phật to lớn.
Cầm y Tăng-già-chi của Ca Nhiếp Ba chỉ cho chúng Thanh-văn, Ðức Thế Tôn ấy nói rằng:
- Ðây là y Tăng-già-chi mà đức Thích Ca Mâu Ny Ứng-cúng Chánh-đẳng-giác đã từng mặc.
Khi nghe nói như vậy, chín mươi sáu ức Câu-đê Thanh văn liền chứng quả A La Hán, đều tinh tấn tu hạnh Ðổ-đa thiểu dục tri túc.
Thế nên, Tôn giả để lại di thể này dùng định lực bảo trì, không thể đốt cháy mà nên xây dựng tháp lên trên.
Sau khi vua rời khỏi, ba ngọn núi liền chụm lại như cũ che trên thân Tôn giả. Vua cho xây tháp lên trên.
Lạy sát chân Tôn giả A Nan Ðà, vua thưa:
- Bạch Tôn giả! Con không được nhìn Phật vào Niết-bàn cũng không được thấy Tôn giả Ca Nhiếp Ba diệt độ. Nếu thánh giả vào Niết bàn, xin cho con được thấy.
Tôn giả đồng ý.
Khi ấy, Xa Nạch Ca từ biển lớn trở về an ổn. Sau khi ổn định vật dụng xong, ông ta đi đến Trúc Lâm. Tôn giả A Nan Ðà đang đi kinh hành trước cửa hương-đài. Trông thấy Tôn giả, ông ta đến lạy sát chân, thưa:
- Từ biển lớn, con an ổn trở về là nhờ năng lực của Tam Bảo. Từ nay, con muốn tổ chức pháp hội năm năm để cúng dường Phật và Tăng. Hiện nay, Thế Tôn đang ở đâu?
Ðáp:
- Này con, đức Phật đã Niết-bàn.
Nghe nói, Xa Nạch Ca ngất lăn ra đất. Sau khi được rưới nước tỉnh lại, ông ta hỏi:
- Tôn giả Xá Lợi Phất, Ðại Mục Kiền Liên và Ðại Ca Nhiếp Ba đang ở đâu?
Ðáp:
- Ðều đã vào Niết-bàn.
Nghe vậy, ông ta cực kỳ đau buồn, tổ chức đại hội năm năm rất lớn. Tôn giả hỏi:
- Này con, đối với bốn nhiếp trong Phật pháp, con đã thi hành Tài-nhiếp. Từ nay, nên thi hành pháp-nhiếp.
Ðáp:
- Ðại đức, con nên làm gì?
Tôn giả nói:
- Con nên xuất gia tu tập trong Phật pháp.
Ðáp:
- Rất đúng, con xin vâng theo.
Tôn giả cho xuất gia và thọ cận-viên. Sau khi yết-ma, vị này phát nguyện rằng kể từ hôm nay cho đến trọn đời luôn luôn mặc y Xa-nạch-ca.
Bí-sô này rất thông minh, nghe qua một lần liền lĩnh thọ ngay nên thọ trì hết tám vạn pháp uẩn mà A Nan Ðà đã được thọ trì với Phật. Vị này đầy đủ ba minh, thông thuộc ba tạng.
Lúc nọ, A Nan Ðà cùng các Bí-sô trú tại vườn Trúc-lâm. Có một Bí-sô nói kệ:
- Người nào sống trăm năm,
Không thấy bạch-hạc nước,
Không bằng sống một ngày,
Ðược thấy bạch-hạc nước.
Nghe như vậy, A Nan Ðà nói với Bí-sô ấy:
- Kệ mà ông tụng không phải là lời của Ðại sư, nhưng Phật Thế Tôn dạy thế này:
Người nào sống trăm năm,
Không rõ được sinh diệt,
Không bằng sống một ngày,
Ðược rõ pháp sinh diệt.
Ông nên biết rằng, trên đời có hai hạng người thường phỉ báng Thánh-giáo:
Tánh bất-tín, nhiều sân,
Tuy tín nhưng hiểu sai,
Chấp bậy vào nghĩa Kinh,
Như voi lún bùn sâu.
Kẻ ấy tự hại mình,
Do không có trí tuệ,
Thông hiểu sai, vô ích,
Nên biết như thuốc độc.
Thế nên những người trí,
Nghe rồi thực hành đúng,
Trừ dần phiền não hoặc,
Sẽ chứng quả ly-hệ.
Nghe dạy như vậy, người ấy thưa lại với thầy mình. Thầy nói:
A Nan Ðà già tối,
Không còn sức ghi nhớ,
Lời nói nhiều lầm lẫn,
Chưa chắc đáng tin cậy.
Ông cứ tụng trì theo như cũ.
Tôn giả A Nan Ðà ngầm đến xem xét, thấy vị kia vẫn đọc theo lời sai nên bảo:
- Này con, ta đã bảo con, Thế Tôn không dạy lời như vậy.
Bí-sô kia đem lời thầy mình dạy ra thưa cho Tôn giả biết. Nghe vậy, Tôn giả suy nghĩ:
- Bí-sô này được ta đích thân dạy bảo mà đã không chịu nghe, biết làm sao đây. Giả sử có Tôn giả Xá Lợi Phất, Ðại Mục Kiền Liên, Ðại Ca Nhiếp Ba thì việc này cũng vậy thôi. Các đại đức ấy đều đã vào Niết-bàn. Mong rằng căn lực từ thiện của Như Lai làm cho pháp-nhãn trú thế một ngàn năm.
Tôn giả cảm thán nói kệ:
Tôn-túc đã qua rồi,
Hạng trẻ không sánh bằng,
Vắng vẻ một mình ta,
Như chim nằm trong trứng,
Thân thuộc xưa không còn,
Bạn pháp cũng theo cả.
Trong các loại tri-thức,
Niệm trong định hơn cả,
Ngọn đèn trong thế gian,
Chiếu sáng trừ bóng tối,
Phá trừ ngu si hoặc,
Bậc ấy đã không còn.
Kẻ cần dạy thật nhiều,
Bậc hướng đạo có một.
Như ngọn tháp lẻ loi,
Rừng tàn, còn một cây.
Cụ thọ A Nan Ðà bảo Bí-sô Xa-nạch-ca:
- Tôn giả Ðại Ca Nhiếp Ba đem giáo pháp Thế Tôn phó chúc cho ta rồi bát Niết-bàn. Từ nay, ta phó chúc lại cho ông mà diệt độ, ông hãy hộ trì. Hãy tạo trú xứ ở núi Mâu Luận Trà tại nước Mạt Ðộ La.
Trong nước này có con vị trưởng giả mà Thế Tôn đã dự báo sẽ làm chủ chùa. Lại nữa, trong nước có người bán hương tên Cấp-đa. Người này sẽ có một con trai tên Ô Ba-Cấp Ða. Ông hãy độ cho xuất gia. Thế Tôn dự báo người ấy gọi là Vô-tướng nhưng mến chuộng Phật, sau khi Ta Niết bàn một trăm năm, người ấy sẽ làm Phật sự lớn.
Nghe bảo như vậy, Xa-nạch-ca thưa:
- Xin vâng lời Thân-giáo-sư dạy.
Tôn giả bảo:
- Thầy hãy khéo ở lại, ta nhập Niết-bàn và báo cho vua biết.
A Nan Ðà lại suy nghĩ: "Nếu ta nhập Niết-bàn ở đây, vua Vị Sinh Oán với thành Quảng Nghiêm bất hòa từ lâu, không thể cùng nhau phân chia xá-lỵ thân ta. Nếu ta nhập Niết-bàn trong thành Quảng Nghiêm thì vua Vị-Sinh Oán cũng không được phân. Vậy ta nên diệt độ giữa dòng sông Hằng Hà".
Sau khi suy nghĩ, Tôn giả quyết định lên đường. Bấy giờ, vua Vị Sinh Oán nằm mơ thấy cái lọng lớn bị gẫy ngã nên giật mình thức dậy. Thấy vua thức dậy, người giữ cửa đem lời nhắn nhủ của Tôn giả A Nan Ðà thưa lại vua rõ. Nghe nói, vua ngất lăn ra đất. Sau khi được rưới nước tỉnh lại, vua nói:
- Tôn giả A Nan Ðà nhập Niết-bàn ở nơi nào?
Xa-nạch-ca nói kệ trả lời:
Vị Tôn giả này sinh từ Phật,
Theo Phật giữ gìn hết pháp-tạng,
Cầu chứng Niết-bàn trừ sinh tử,
Do đó đã về thành Quảng-nghiêm.
Nghe nói xong, vua Vị Sinh Oán dẫn bốn loại binh đến bờ sông Hằng. Khi ấy, chư Thiên cựu trú ở thành Quảng Nghiêm từ hư không bảo mọi người:
Tôn giả Khánh Hỷ đèn thế gian,
Vô cùng thương xót chúng quần sinh,
Tâm luôn từ bi sắp viên tịch,
Ngài đã đi đến thành Quảng-nghiêm.
Khi ấy, những người Lật Cô Tỳ ở thành Quảng-Nghiêm thống lĩnh bốn loại binh đến bờ sông Hằng.
Vua Vị Sinh Oán lạy sát hai chân, chắp tay nói kệ:
Mắt Thế Tôn đẹp như sen xanh,
Duyên hết, nhập Diệt ở chốn này,
Tôn giả lại đang muốn viên-tịch,
Xin ngài để thân lại nơi đây.
Dân chúng thành Quảng Nghiêm lại lễ bái vọng về Tôn giả, xin để di thân lại cho họ.
Thấy như vậy, Tôn giả suy nghĩ, nói kệ:
Nếu ta thuận lời Vị Sinh Oán,
Người Lật Cô Tỳ sẽ oán hận.
Nếu để Xá-lỵ lại Quảng Nghiêm,
Dân chúng thành Vương tất buồn khổ.
Vậy để nữa thân cho Vương-xá,
Nữa thân thuộc về thành Quảng Nghiêm,
Hai nước hòa giải không đánh nữa,
Tùy theo ý mình mà cúng dường.
Khi Tôn giả sắp vào Niết-bàn, mặt đất chấn động sáu cách. Có vị tiên nhân dẫn theo năm trăm môn đồ đằng vân đến chỗ Tôn giả, chắp tay thưa:
- Ðại đức! Con xin được xuất gia thọ cận viên thành tựu tánh Bí-sô trong pháp luật thiện thuyết.
Tôn giả suy nghĩ: "Làm sao cho đệ tử của ta đến chổ này, ta nên dùng thần lực ngay trong nước, ngăn đường đi của mọi người".
Vừa suy nghĩ xong, có năm trăm đệ tử cùng đến nơi. Ngay giữa mặt nước, Tôn giả biến ra hòn đảo, ngăn bước chân của mọi người khắp bốn mặt, cho năm trăm người thọ cận viên. Ngay khi đang tác bạch, năm trăm người ấy đắc quả Bất-hoàn, đến yết-ma lần thứ ba thì đoạn trừ hết phiền não chứng quả A La Hán. Do đại tiên ấy xuất gia thọ cận viên vào Giữa Ngày, giữa mặt nước nên người bấy giờ gọi tên là Giữa ngày hoặc Giữa nước. (Vốn gọi là Mạt-điền Ðịa-na; Mạt-điền là giữa, Ðịa-na là ngày; nhân đó nên gọi là Giữa ngày. Hoặc gọi là Mạt-điền-Ðạc-ca; Mạt-điền là giữa, Ðạc-ca là nước, do xuất gia giữa nước nên gọi là trong nước. Xưa gọi là Mạt-điền-địa vì chỉ nêu tên mà không rõ nguyên nhân, nên nay chú thích ra).
Sau khi chứng quả, Tôn giả lạy sát chân Tôn giả A Nan Ðà thưa:
- Lúc cuối cùng, Thế Tôn độ Thiện-hiền, vị ấy lại viên tịch trước. Con cũng như vậy, xin vào Niết bàn trước vì không muốn thấy thân-giáo-sư vào Niết-bàn.
Tôn giả nói:
- Này con, Thế Tôn đem giáo pháp phó chúc cho Ca Nhiếp Ba rồi mới Niết-bàn. Ðại Ca Nhiếp Ba phó chúc lại cho ta, ta lại phó chúc cho con, hãy khéo hộ trì giáo pháp đã có. Thế Tôn có dự báo ở nước Ca Thấp Di La, dễ có được vật dụng chỗ ở cần dùng, rất thuận tiện cho việc tu tập thiền định. Phật lại dự báo về con rằng sau khi Ta Niết-bàn mãn một trăm năm, có một Bí-sô tên Mạt-điền-địa làm cho giáo pháp của ta lưu hành ở nước này. Thế nên, con hãy truyền bá thánh giáo ở nơi ấy.
Ðáp:
- Con xin vâng làm.
Tôn giả Khánh Hỷ hiện thần biến vào Niết-bàn cũng như nước làm tắt lửa, phân nữa thân xá-lỵ cho vua Vị-Sinh Oán, nữa thân cho dân thành Quảng Nghiêm.
Dùng trí Kim-cương bén,
Tự cắt thân mình ra,
Nữa cho vua Vương-xá,
Nữa cho dân Quảng Nghiêm.
Nhận được nữa thân xá-lỵ, thành Quảng Nghiêm xây tháp cúng dường. Vua Vị Sinh Oán cũng xây tháp cúng dường ở Ba Thát Ly.
Khi ấy, Tôn giả giữa ngày suy nghĩ: "Thân giáo sư của ta có di huấn Phật-giáo lưu thông ở Ca Thấp Di La. Thế Tôn cũng báo trước trong đời tương lai có Bí-sô tên Giữa-Ngày điều phục rồng độc tên Hốt Lộng ở Ca Thấp Di La, và lưu hành giáo pháp của Ta. Như vậy, bây giờ ta hãy làm cho vừa ý Ðại sư".
Ði đến nước ấy, Tôn giả ngồi kiết-già. Nước này do rồng bảo hộ, nếu không quấy nhiễu thì khó điều phục được rồng. Tôn giả nhập định làm cho mặt đất ở xứ này chấn động sáu cách. Thấy mặt đất chấn động, rồng liền nổi sấm chớp, mưa trận mưa lớn gây khủng bố Tôn giả.
Tôn giả nhập từ bi định nên sự uy vũ dữ dội của rồng cũng không làm lay động một góc y của Bí-sô. Mưa đá của rồng phun trên Bí-sô, đều biến thành hoa trời lả tả rơi xuống. Rồng thêm giận dữ, phóng các loại dao búa binh khí nhưng chúng đều hóa thành sen vàng rải trên thân Bí-sô. Trên không trung có tiếng kệ:
Trên không rơi mưa đá,
Hóa ra hoa sen đẹp,
Giả sử phóng gươm giáo,
Cũng biến thành anh lạc,
Rồng biểu lộ giận dữ,
Ngọn núi cũng ngã nghiêng,
Tôn giả như núi Tuyết,
Sáng sạch không lay động.
Nhờ năng lực từ-bi, nên lửa đao thuốc độc đều không làm hại được. Thấy như vậy, rồng rất thán phục, đến bên cạnh Tôn giả, thưa:
- Thánh giả đang cần gì?
Ðáp:
- Ngươi hãy thu xếp cho ta một chỗ ở.
Rồng nói:
- Việc này thật khó.
Tôn giả nói:
- Thế Tôn bảo ta đến ở xứ này. Ngài lại nói ở Ca-Thấp Di La phòng ở, ngọa cụ, vật cần dùng đều dễ có, là nơi tốt nhất, để tu tập thiền định.
Hỏi:
- Ðó là Phật báo trước phải không?
Ðáp:
- Ðúng vậy.
Hỏi:
- Cần bao nhiêu đất?
Ðáp:
- Ðủ chỗ ngồi kiết-già.
Rồng bảo:
- Cho ngay chỗ ấy.
Tôn giả kiết già che kín chín hang núi. Rồng hỏi:
- Tôn giả có chừng bao nhiêu môn đồ?
Tôn giả nhập định xem xét, cho biết có năm trăm A La Hán đến ở chỗ này.
Rồng nói:
- Tùy ý, nếu thiếu một người, con sẽ lấy đất lại.
Ðáp:
- Ðúng vậy, nhưng nơi nào có người nhận, phải có thí chủ, ta muốn mọi người cùng đến ở nơi này.
Rồng đáp:
- Tùy ý.
Trong lúc mọi người ở bốn phương đã kéo đến, Tôn giả đích thân phân chia ranh giới thành ấp xóm làng cho họ. Sau khi công việc hoàn tất, mọi người cùng đến thưa với Tôn giả:
- Chổ ở của dân cư chúng con đã tạm an ổn nhưng việc sinh sống phải làm sao đây?
Dùng thần lực, Tôn giả đưa mọi người đến núi Hương Túy, bảo mọi người rằng:
- Hãy nhổ lấy gốc cây Uất-kim-hương.
Thấy mọi người nhổ cây hương nên các loài rồng lớn trong núi Hương Túy rất tức giận muốn phóng sấm sét và mưa đá xuống. Ðể điều phục chúng, Tôn giả nói rõ việc trên.
Các rồng thưa:
- Tôn giả, giáo pháp của Như lai trú đến khi nào?
Ðáp:
- Trú thế một ngàn năm.
Rồng thưa:
- Xin hãy cam kết, cho đến khi nào giáo pháp Như Lai còn trú thế thì được dùng tùy ý.
Ðáp:
- Tốt.
Tôn giả bảo mọi người mang gốc hương về trồng khắp nơi ở Ca Thấp Di La, đến khi nào Phật pháp chưa diệt thì đừng cho mất đi. Sau khi làm cho mọi người ở bốn phương được sống ổn định, Tôn giả hiện các thần thông làm cho thí chủ và các vị đồng phạm hạnh đều hoan hỷ. Như củi hết lửa tắt, Tôn giả vào vô-dư Niết-bàn.
Bấy giờ, mọi người mang gỗ thơm ngưu đầu chiên đàn hỏa táng nhục thân và xây tháp thờ tại chỗ.
Trước đây, khi Tôn giả Xa Nạch Ca Ðộ Ô Ba Cấp Ða (đây gọi là Tiểu hộ) xuất gia, đã làm cho Phật pháp lưu truyền bá rộng. Tôn giả bảo Ô-Ba Cấp Ða:
- Ông nên biết rằng Như Lai Ðại-sư đem giáo pháp phó chúc lại cho Ðại Ca Nhiếp Ba rồi vào Niết-bàn. Ðại Ca Nhiếp Ba cũng đem giáo pháp phó chúc lại cho thân-giáo-sư của ta rồi vào Niết-bàn. Thân-giáo-sư của ta cũng đem giáo pháp phó chúc lại cho ta rồi vào Niết-bàn. Từ nay, ta đem giáo pháp phó chúc lại cho ông rồi sẽ vào Niết-bàn. Ông hãy hết sức hộ trì thánh giáo đừng để bị tiêu diệt, phải thọ trì những điều Phật đã chế định.
Sau khi dạy bảo như vậy xong, Tôn giả Xa Nạch Ca phương tiện thuyết pháp làm cho các thí chủ và đồng phạm hạnh hoan hỷ. Tôn giả lại hiện các thần biến, trên phun lửa sáng, dưới tuôn nước trong rồi nhập vào cảnh giới Vô Dư Y Diệu Niết-bàn.
Tôn giả Ô Ba Cấp Ða lại đem giáo pháp phó chúc cho cụ thọ Ðịa Ðể Ca (Hữu-quý). Sau khi hoằng truyền chánh pháp, vị này phó chúc cho cụ thọ Hắc-sắc (Phạm ngữ là Ngật Lý Sắc Noa), lần truyền đến cụ thọ Thiện-Kiến (Phạm ngữ là Tô Ðiệt Lý Xa Na). Các vị Ðại long-tượng như vậy tuần tự truyền cho nhau. Tính ra, sau khi Ðại-sư viên tịch, mặt trời Phật đã lặn, thế gian không chỗ nương nhờ đến thời điểm này là một trăm mười năm.
Khi ấy, các Bí-sô ở thành Quảng Nghiêm đặt ra mười việc không thanh tịnh trái lại pháp luật của Thế Tôn chế ra, không thuận theo Tô Hằng La, không y cứ Tỳ Nại Da, trái với chánh lý. Các Bí-sô này cho là thanh tịnh nên cùng nhau tuân hành nhưng không thấy việc ấy có trong Kinh luật. Mười việc ấy là:
1. Bấy giờ, khi các Bí-sô tiến hành phi pháp bất hòa yết-ma, phi pháp hòa yết-ma, pháp bất hòa yết-ma. Nghe như vậy, đại chúng đều lớn tiếng chấp thuận. Ðây gọi là tịnh pháp do lớn tiếng cùng chấp thuận. Việc này trái lời Phật dạy, trái vượt chánh lý, không thuận theo Kinh, không y cứ luật. Các Bí-sô ở thành Quảng Nghiêm làm việc không thanh tịnh này lại cho là thanh tịnh, thấy việc phi pháp này không những bỏ qua không hỏi đến mà còn khen ngợi tuyên thuyết và cùng nhau tuân hành.
2. Các Bí-sô tiến hành phi pháp bất hòa yết-ma, phi pháp hòa yết-ma, pháp bất hòa yết-ma. Khi chứng kiến như vậy, mọi người đều tùy hỷ. Ðây gọi là pháp tịnh tùy hỷ. Việc này trái lời Phật dạy, trái vượt chánh lý, không thuận theo Kinh, không y cứ Luật. Các Bí-sô ở thành Quảng Nghiêm lại cho là thanh tịnh, khen ngợi tuyên thuyết và cùng nhau tuân hành.
3. Các Bí-sô tự tay đào đất lại bảo người khác đào đất. Ðây gọi là pháp tịnh theo việc cũ ... như trên cho đến ... cùng nhau tuân hành.
4. Các Bí-sô dùng muối chứa trong ống, tự giữ lấy, thủ trì xử dụng, trộn với thời dược để ăn uống tùy ý. Ðây gọi là pháp tịnh về dùng muối ... như trên cho đến ... cùng nhau tuân hành.
5. Các Bí-sô chưa đi cách xa nhau hơn một trạm ngựa rưỡi, lại ăn chúng riêng. Ðây gọi là tịnh pháp đi đường ... như trên cho đến ... cùng nhau tuân hành.
6. Các Bí-sô không làm pháp dư thực, dùng hai ngón tay để ăn. Ðây gọi là pháp tịnh bằng hai ngón tay ... như trên cho đến ... cùng nhau tuân hành.
7. Các Bí-sô hòa rượu vào nước uống. Ðây gọi là tịnh pháp trị bệnh ... như trên cho đến ... cùng nhau tuân hành.
8. Các Bí-sô dùng một thăng sửa nấu đặc (nhũ lạc) hòa vào nước quậy lên để uống phi thời. Ðây gọi là tịnh pháp lạc tương ... như trên cho đến ... cùng nhau tuân hành.
9. Các Bí-sô làm tọa cụ mới, không may thêm lên một miếng cũ bằng cỡ một gang tay Phật mà xử dụng. Ðây gọi là tịnh pháp tọa cụ ... như trên cho đến ... cùng nhau tuân hành.
10. Các Bí-sô đích thân đem bát đẹp, bày biện hương hoa, sai cầu-tịch bưng đến cửa từng nhà, bảo với mọi người rằng này những người đang sống trong thành Quảng-Nghiêm và thương khách bốn phương đến đây, nếu bố thí vàng, bạc hay bối xỉ (tiền tệ thời ấy) bỏ vào bát này thì được lợi ích lớn, giàu có an lạc vô cùng.
Sau khi thu hoạch nhiều rồi, họ phân chia nhau những vàng bạc vật báu được thu hoạch ấy . Ðây gọi là tịnh pháp vàng báu. Việc này trái lời Phật dạy, trái vượt chánh lý, không thuận theo kinh, không y cứ Luật. Các Bí-sô ở thành Quảng-Nghiêm làm việc bất tịnh lại cho là thanh tịnh, khen ngợi tuyên thuyết và cùng nhau tuân hành.
Khi còn ở thành Quảng Nghiêm, cụ thọ A Nan Ðà có một đệ tử tên Lạc Dục (phạm ngữ là Tát Bà Ca La) là bậc A La Hán chứng tám giải thoát, sống thiểu dục tri túc vô sự. Vị này có một đệ tử ở tụ lạc Bà Táp Bà, tên Danh-Xưng (phạm ngữ Da-xá) cũng là bậc A La Hán trú tám giải thoát cùng năm trăm đệ tử du hành trong nhân gian đến thành Quảng-Nghiêm. Khi ấy, các Bí-sô muốn phân lợi vật nên người tri sự đến thưa với Tôn giả Danh Xưng rằng Tăng già được lợi vật, sắp cùng nhau phân chia, hãy đến lấy phần.
Hỏi:
- Cụ thọ, lợi vật ấy phát sinh từ đâu, do ai cúng dường?
Vị ấy nói lại sự việc thu hoạch được lợi vật như trước. Nghe xong, Tôn giả suy nghĩ: "Mụt ghẻ dữ phát sinh chỉ có việc này hay còn việc khác nữa".
Tôn giả nhập định quán sát mới thấy vì họ khinh mạn giới nên làm các ác hạnh, cùng nhau gây ra mười điều phi pháp. Thấy vậy rồi, vì muốn chánh pháp được tồn tại lâu dài nên vị này đi đến gặp Tôn giả Lạc Dục, lạy sát hai chân, bạch:
- Tôn giả, Bí-sô được phép làm pháp cùng nhau lớn tiếng đồng ý không?
(đúng là phi pháp nhưng khi cùng nhau tác pháp, đại chúng lớn tiếng cùng đồng ý cho là đúng pháp)
Tôn giả hỏi:
- Thế nào là pháp cùng nhau đồng ý?
Ðáp:
- Các Bí-sô ở thành Quảng Nghiêm tiến hành phi pháp bất hòa yết ma, phi pháp hòa yết-ma, pháp bất hòa yết ma, mà đại chúng lại lớn tiếng cùng nhau đồng ý việc ấy. Ðây gọi là tịnh pháp lớn tiếng cùng nhau đồng ý. Việc này có đúng không?
Tôn giả nói:
- Không được như vậy.
Hỏi:
- Như Lai chế định không cho phép như vậy ở đâu?
Ðáp:
- Tại thành Chiêm Ba.
Hỏi:
- Cho ai?
Ðáp:
- Cho nhóm sáu Bí-sô.
Hỏi:
- Bị tội gì?
Ðáp:
- Tội ác-tác.
Ðại Danh thưa:
- Tôn giả, đây là việc thứ nhất. Việc này trái lời Phật dạy, trái vượt chánh lý, không thuận theo Kinh, không y cứ luật mà các Bí-sô làm việc bất tịnh lại cho là thanh tịnh, khen ngợi tuyên thuyết và cùng nhau tuân hành. Tôn giả không nên bỏ qua việc ác như vậy.
Nghe nói như vậy, Tôn giả lặng im hồi lâu rồi đáp:
- Ðã biết việc ấy.
Ðại danh lại hỏi:
- Thưa Tôn giả, như vậy pháp tùy hỷ được phép làm không?
Tôn giả hỏi lại:
- Pháp tùy-hỷ như thế nào?
Ðáp:
- Các Bí-sô này tiến hành phi pháp bất hòa yết-ma, phi pháp hòa yết-ma, pháp bất hòa yết-ma mà đại chúng lại tùy hỷ. Ðây gọi là tịnh pháp tùy hỷ. Việc này có đúng không?
Tôn giả đáp:
- Không được như vậy.
Hỏi:
- Như Lai chế định không được làm việc này tại đâu?
Ðáp:
- Tại thành Chiêm-ba.
Hỏi:
- Chế cho ai?
Ðáp:
- Cho nhóm sáu Bí-sô.
Hỏi:
- Bị tội gì?
Ðáp:
- Bị tội ác tác.
Ðại danh thưa:
- Tôn giả, đây là việc thứ hai. Việc này trái lời Phật dạy ... như trên cho đến ... Tôn giả không nên bỏ qua việc ác như vậy.
Nghe nói như vậy, Tôn giả lặng im hồi lâu rồi đáp:
- Ðã biết việc ấy.
Lại hỏi:
- Tịnh pháp theo việc cũ được phép làm không?
Tôn giả hỏi:
- Tịnh pháp theo việc cũ là gì?
Ðáp:
- Các Bí-sô ấy tự mình đào đất, bảo người đào đất mà đại chúng cho là tịnh pháp theo việc cũ, việc này đúng không?
Tôn giả đáp:
- Không được như vậy.
Hỏi:
- Như lai không cho phép là việc này tại đâu?
Ðáp:
- Thành Thất La Phiệt.
Hỏi:
- Cho ai?
Ðáp:
- Cho nhóm sáu Bí-sô.
Hỏi:
- Bị tội gì?
Ðáp:
- Bị tội đọa.
Thưa:
- Tôn giả đây là pháp thứ ba. việc này trái lại lời Phật dạy ... như trên cho đến ... Tôn giả không nên bỏ qua việc ác như vậy.
Nghe nói như vậy, Tôn giả lặng im hồi lâu rồi đáp:
- Ðã biết việc ấy.
Ðại danh lại hỏi:
- Thưa Tôn giả, tịnh pháp về việc dùng muối đúng không?
Tôn giả hỏi:
- Tịnh pháp về muối là gì?
Ðáp:
- Các Bí-sô này để muối vào trong ống, thủ trì xử dụng, hòa với thời dược để ăn uống tùy ý, cho là muối tịnh; việc này được không?
Tôn giả nói:
- Không được như vậy.
Hỏi:
- Như Lai không cho phép là việc này tại đâu?
Ðáp:
- Thành Vương-xá.
Hỏi:
- Cho ai?
Ðáp:
- Cho cụ thọ Xá Lợi Phất.
Hỏi:
- Bị tội gì?
Ðáp:
- Bị tội Ba-dật-để-ca
Thưa:
- Tôn giả đây là pháp thứ tư. Việc này trái lại lời Phật dạy ... như trên cho đến ... Tôn giả không nên bỏ qua việc ác như vậy.
Nghe nói như vậy, Tôn giả lặng im hồi lâu rồi đáp:
- Ðã biết việc ấy.
Ðại Danh lại hỏi:
- Tôn giả, tịnh pháp đi đường như vậy đúng không?
Tôn giả hỏi:
- Tịnh pháp đi đường là gì?
Ðáp:
- Khi đi lại, các Bí-sô này chỉ cách nhau trong một trạm ngựa rưỡi mà lại ăn chúng riêng, cho là pháp tịnh vì đi đường. Việc này đúng không?
Tôn giả nói:
- Không được như vậy.
Hỏi:
- Như Lai không cho phép là việc này tại đâu?
Ðáp:
- Thành Vương-xá.
Hỏi:
- Cho ai?
Ðáp:
- Cho Thiên Thọ.
Hỏi:
- Bị tội gì?
Ðáp:
- Bị tội Ba-dật-để-ca
Thưa:
- Tôn giả đây là pháp thứ năm.Việc này trái lại lời Phật dạy ... như trên, cho đến ... Tôn giả không nên bỏ qua việc ác như vậy.
Nghe nói như vậy, Tôn giả lặng im hồi lâu rồi đáp:
- Ðã biết việc ấy.
Ðại Danh lại hỏi:
- Thưa Tôn giả, được phép làm tịnh pháp hai ngón không?
Tôn giả hỏi:
- Tịnh pháp hai ngón là gì?
Ðáp:
- Các Bí-sô này không làm pháp dư thực mà dùng hai ngón tay để lấy ăn, cho là tịnh pháp bằng hai ngón tay. Việc này đúng không?
Tôn giả nói:
- Không được như vậy.
Hỏi:
- Như Lai không cho phép làm việc này tại đâu?
Ðáp:
- Thành Thất La Phiệt.
Hỏi:
- Cho ai?
Ðáp:
- Cho Thiện Lai.
Hỏi:
- Bị tội gì?
Ðáp:
- Bị tội Ba-dật-để-ca
Thưa:
- Tôn giả đây là pháp thứ sáu.Việc này trái lại lời Phật dạy ... như trên, cho đến ... Tôn giả không nên bỏ qua việc ác như vậy.
Nghe nói như vậy, Tôn giả lặng im hồi lâu rồi đáp:
- Ðã biết việc ấy.
Ðại Danh lại hỏi:
- Thưa Tôn giả, được phép làm tịnh pháp trị bệnh như vậy không?
Tôn giả hỏi:
- Tịnh pháp trị bệnh là gì?
Ðáp:
- Các Bí-sô này dùng nước hòa với rượu, quậy lên uống, cho là tịnh pháp. Việc này có đúng không?
Tôn giả nói:
- Không được như vậy.
Hỏi:
- Như Lai không cho phép làm việc này tại đâu?
Ðáp:
- Thành Thất La Phiệt.
Hỏi:
- Cho ai?
Ðáp:
- Cho Thiện Lai.
Hỏi:
- Bị tội gì?
Ðáp:
- Bị tội Ba-dật-để-ca
Thưa:
-Tôn giả đây là pháp thứ bảy.Việc này trái lại lời Phật dạy ... như trên, cho đến ... Tôn giả không nên bỏ qua việc ác như vậy.
Nghe nói như vậy, Tôn giả lặng im hồi lâu rồi đáp:
- Ðã biết việc ấy.
Ðại Danh lại hỏi:
- Thưa Tôn giả, tịnh pháp lạc tương như vậy có đúng không?
Tôn giả hỏi:
- Tịnh pháp lạc tương là gì?
Ðáp:
- Các Bí-sô này, dùng một thăng sữa nấu đặc hòa với nước, quậy lên uống phi thời, cho là tịnh pháp nước sửa đặc. Việc này có đúng không?
Tôn giả nói:
- Không được như vậy.
Hỏi:
- Như Lai không cho phép làm việc này tại đâu?
Ðáp:
- Thành Thất La Phiệt.
Hỏi:
- Cho ai?
Ðáp:
- Cho chúng mười bảy Bí-sô.
Hỏi:
- Bị tội gì?
Ðáp:
- Bị tội Ba-dật-để-ca
Thưa:
- Tôn giả đây là pháp thứ tám.Việc này trái lại lời Phật dạy ... như trên, cho đến ... Tôn giả không nên bỏ qua việc ác như vậy.
Nghe nói như vậy, Tôn giả lặng im hồi lâu rồi đáp:
- Ðã biết việc ấy.
Ðại Danh lại hỏi:
- Thưa Tôn giả, được phép làm tịnh pháp tọa cụ như vậy không?
Tôn giả hỏi:
- Tịnh pháp tọa cụ là gì?
Ðáp:
- Làm tọa cụ mới, các Bí-sô này không dùng một miếng cũ lớn bằng một gang tay của Phật may đắp lên mà đem xử dụng, cho là tịnh pháp tọa cụ. Việc này có đúng không?
Tôn giả nói:
- Không được như vậy.
Hỏi:
- Như Lai không cho phép làm việc này tại đâu?
Ðáp:
- Thành Thất La Phiệt.
Hỏi:
- Cho ai?
Ðáp:
- Cho nhóm sáu Bí-sô.
Hỏi:
- Bị tội gì?
Ðáp:
- Bị tội Ba-dật-để-ca
Thưa:
- Tôn giả đây là pháp thứ chín.Việc này trái lại lời Phật dạy ... như trên, cho đến ... Tôn giả không nên bỏ qua việc ác như vậy.
Nghe nói như vậy, Tôn giả lặng im hồi lâu rồi đáp:
- Ðã biết việc ấy.
Ðại Danh lại hỏi:
- Ðược phép làm tịnh pháp vàng vật báu không?
Tôn giả hỏi:
- Tịnh pháp vàng vật báu là gì?
Ðáp:
- Các Bí-sô này trang sức bát đẹp, đem đến từng nhà xin các loại vàng vật báu, bối xỉ (tiền tệ). Tăng cùng nhau phân chia, cho là tịnh pháp vàng vật báu. Việc này có đúng không?
Tôn giả nói:
- Không được như vậy.
Hỏi:
- Như Lai không cho phép làm việc này tại đâu?
Ðáp:
- Tại Tỳ-nại-da.
Hỏi:
- Cho ai?
Ðáp:
- Cho nhóm sáu Bí-sô.
Hỏi:
- Bị tội gì?
Ðáp:
- Bị tội Xả đọa.
Thưa:
- Tôn giả đây là pháp thứ mười.
Lại nữa, đối chiếu trong Kinh Bảo Ðảnh ở phẩm Phật Ngữ thuộc Tương Ưng A Cấp Ma, trong phẩm Giới-Uẩn thuộc Trường A Cấp Ma, Kinh Yết Sĩ Na ở phẩm Tương Ưng thuộc Trung A Cấp Ma, giữa phẩm bốn và năm thuộc Tăng Nhất A Cấp Ma, thì điều này trái với lời Phật dạy.
Tôn giả đáp:
- Nếu như vậy, ông hãy đến nơi khác tìm những vị đồng bạn tốt. Ta sẽ làm bạn pháp với ông.
Nghe Tôn giả Lạc Dục nói như thế rồi, cụ thọ Danh-Xưng nhập vào tịnh lự biên-tế thứ tư, sau đó đi về thôn An Trú. Tại đó, có Bí-sô tên Xa Sá (Tàu dịch Siểm Khúc) là đệ tử của Tôn giả A Nan Ðà, chứng quả A La Hán, trú tám giải thóat. Danh-xưng đến gặp Xa-sá, đảnh lễ sát chân rồi bạch:
- Tôn giả, Bí-sô được phép làm tịnh pháp cùng nhau lớn tiếng đồng ý không?
Tôn giả hỏi:
- Thế nào là tịnh pháp cùng nhau đồng ý?
Ðáp:
- Các Bí-sô này tiến hành phi pháp bất hòa yết ma, phi pháp hòa yết-ma, pháp bất hòa yết ma, mà cùng nhau đồng ý cho là tịnh pháp. Việc này có đúng không?
Tôn giả nói:
- Không được như vậy.
Hỏi:
- Như Lai chế định không cho phép như vậy ở đâu?
Ðáp:
- Tại thành Chiêm-ba.
Hỏi:
- Cho ai?
Ðáp cho nhóm sáu Bí-sô.
Hỏi:
- Bị tội gì?
Ðáp:
- Bị tội ác-tác.
Ðại Danh thưa:
- Tôn giả, đây là việc thứ nhất. Việc này trái lời Phật dạy ... như đã nói đầy đủ ở trước cho đến ... việc thứ mười.
Tôn giả đáp:
- Nếu như vậy, hiền giả hãy đến các nơi khác tìm những vị đồng bạn tốt. Ta sẽ làm bạn pháp với hiền giả.
Sau khi từ giã, vị này đi đến thành Tăng-yết-thế. Nơi này có Tôn giả Bà Sai là đệ tử của ngài A Nan Ðà, chứng quả A La Hán, trú tám giải thóat. Ðến gặp Tôn giả Bà Sai, Ðại Danh lạy sát chân thưa:
- Tôn giả, Bí-sô được phép làm tịnh pháp cùng nhau đồng ý không?
Tôn giả hỏi:
- Thế nào là tịnh pháp cùng nhau đồng ý?
Hỏi đáp như trước đến việc thứ mười.
Sau khi từ giã, Ðại Danh đi đến thành Ba-Thát-Ly-Tử. Nơi ấy có cụ thọ tên Khúc An. Bấy giờ, Khúc An đang nhập diệt-tận-định nên Danh Xưng đến cụ thọ Thiện- Ý ... như trước cho đến việc thứ mười rồi đi đến thành Lưu-Chuyển. Nơi ấy có cụ thọ Nan Thắng, cũng nói mười việc như trước cho đến đảnh lễ từ giã đi đến thành Ðại Huệ. Nơi ấy, có cụ thọ Thiện Kiến ... cũng nói mười việc như trên ... cho đến đảnh lễ từ giã đi đến thành Câu Sinh. Nơi ấy có cụ thọ Diệu Tinh ... cũng nói mười việc như trước.
Nghe nói như vậy, cụ thọ Diệu Tinh suy nghĩ: "Trước khi đến trú xứ của ta, vị cụ thọ này đã đến trú xứ khác để nói chưa?".
Khi biết đã đến các nơi khác rồi, Diệu Tinh suy nghĩ: "Vị cụ thọ này đã lặn lội đường xa, chắc chắn rất mệt nhọc".
Diệu Tinh nói:
- Cụ thọ hãy tạm thời nghỉ ngơi lại đây, tôi sẽ đi tìm đồng bạn tốt.
Danh Xưng ở lại, Diệu Tinh lên đường.
Tại thành Quảng Nghiêm, các Bí-sô cùng nhau đến gặp đệ tử của Danh Xưng, hỏi:
- Thân-giáo-sư của ông đang ở đâu?
Ðáp:
- Ði tìm cầu đồng bạn tốt.
Hỏi:
- Cầu để làm gì?
Ðáp:
- Ðể tẩn xuất các vị.
Hỏi:
- Chúng tôi vi phạm gì mà muốn khu tẫn?
Ðệ tử của Danh Xưng nêu hết các việc trên ra.
Các Bí-sô ấy nói:
- Thân-giáo-sư của ông đã làm việc bất thiện, đức Phật đã Niết-bàn, vì sao lại gây phiền não nhau trong giáo pháp để lại. Chúng tôi chỉ tùy duyên tạm thời để sống.
Trong chúng ấy, có các Bí-sô bàn với nhau:
- Lời vị kia nói là chân thật không dối trá. Việc làm của các cụ thọ là trái nghịch không thuận Thanh văn hạnh. Trước đây, chúng ta đều nghe chánh pháp của Thế Tôn tồn tại một ngàn năm. Thời gian này chưa qua mà đã khiến cho pháp bị ẩn mất. Hiện nay vị ấy tìm cầu đồng bạn vì hộ trì chánh pháp nên muốn khu tẫn, thật là tốt đẹp. Do sự việc đúng này làm cho những kẻ ác không còn xem thường giới luật, mụt ghẻ dữ không mọc được.
Các Bí-sô đều sợ hãi, không thể đáp lại được, đành im lặng đứng qua một bên, nói với nhau:
- Cụ thọ Danh Xưng đã đi tìm cầu đồng bạn để tiến hành việc khu tẫn, vì sao vẫn lặng yên như thế này!
Người kia nói:
- Ta phải làm gì đây?
Ðáp:
- Vị kia đã tìm đồng bạn thì chúng ta cũng vậy, làm sao khu tuẫn được.
Có người nói:
- Nếu như vậy, sẽ có tránh sự phát sinh, hãy cùng nhau mau bỏ đi nơi khác.
Hỏi:
- Sẽ đi đâu, đến nơi nào rồi cũng xảy ra lỗi ấy, hãy xin các vị ấy hoan hỷ dung thứ cho.
Có người nói:
- Nhất định vị ấy không hoan hỷ cho chúng ta. Thôi cứ tạm thời ở đây, Danh Xưng có các môn đồ đệ tử. Chúng ta hãy đem y, bát, bình, dây mang bát, chén đồng, nịt lưng tặng trước đểû họ vui lòng rồi mới cầu xin hoan hỷ.
Sau khi tán đồng là phương pháp tốt, các Bí-sô đem cho Tăng-già-chi, y bảy điều, y năm điều, y lót Tăng-khước-kỳ, y lót thân, bát, túi lọc nước ... Cung cấp như vậy, làm cho môn nhân kia chấp nhận, các Bí-sô vẫn ở yên trong trú xứ.
Sau khi tìm cầu đồng bạn tốt, cụ thọ Danh Xưng về đến thành Quảng Nghiêm. Các môn nhân đệ tử đảnh lễ sát chân, bạch:
- Thân-giáo-sư tìm được đồng bạn không?
Ðáp:
- Này các con, không bao lâu đồng bạn tốt sẽ đến tương trợ.
Các đệ tử nói:
- Thưa thân-giáo-sư, việc này đã qua, xin thầy nghĩ lại. Ðức Ðại sư đã nhập diệt, giáo pháp cũng đi theo, vì tùy duyên nuôi sống, gây phiền họ làm gì?
Nghe như vậy, Ðại Danh suy nghĩ: "Ta chưa từng nghe các đệ tử nói những lời như vậy, xem bộ dạng của họ thì chắc là nhận lời yêu cầu của người khác".
Tôn giả bảo:
- Các cụ thọ, ta chưa từng nghe các vị nói những lời như vậy, có phải các vị nhận lời yêu cầu của người khác phải không?
Các đệ tử đều im lặng.
Bấy giờ, Danh Xưng sai người đến nói với đồng bạn rằng phe ác đã tăng dần, các vị hãy đến mau, Phật pháp đại sự không thể chậm trễ.
Với bài kệ;
Phải nhanh lại chậm,
Nên chậm lại nhanh,
Là trái chánh lý,
Hành động kẻ ngu,
Bị mang tiếng xấu,
Xa lìa bạn lành,
Hành động suy tổn,
Như trăng tối dần.
Cần chậm thì chậm,
Phải nhanh làm nhanh,
Là thuận chánh-lý,
Tri thức bậc trí,
Ðược tiếng khen tốt,
Thân cận bạn thiện,
Hành động phát triển,
Như trăng sáng dần.
Cụ thọ Danh Xưng đánh kiền chùy, có sáu trăm chín mươi chín vị A La Hán đều là đệï tử của ngài A Nan Ðà vân tập đến. Ðang nhập Diệt-tận-định nên Tôn giả Khúc-An không nghe tiếng kiền chùy. Sau khi các Bí-sô đã tập họp, cụ thọ Danh-xưng suy nghĩ:
- Nếu ta bạch với chúng Tăng tất gây sự giận dữ tranh cãi lớn, vậy chờ hòa hợp đông đủ rồi mới thông báo.
Ðến trước thượng tọa, Danh Xưng ngồi xổm chắp tay im lặng.
Khi ấy, Tôn giả Khúc An vừa xuất khỏi định diệt-tận. Chư thiên báo:
- Thánh giả Khúc An, vì sao ngài an nhiên như vậy, sáu trăm chín mươi chín vị A La Hán đồng học đã đến tập họp ở thành Quảng Nghiêm, muốn kết tập để chánh pháp đư?c tồn tại lâu dài, hãy mau đến đó.
Dùng năng lực thần thông, Tôn giả biến mất khỏi Ba Thát Ly, hiện ra ở thành Quảng Nghiêm rồi gõ cửa phòng.
Các Bí-sô hỏi:
- Ai đó?
Khúc an nói kệ đáp:
- Ở tại thành Ba Thát Ly Tử.
Sa-môn trì Luật, bậc Ða văn,
Nơi ấy, có người đã đến đây,
Ðứng ngay trước cửa, các căn tịnh.
Các Bí-sô ở trong nói:
- Ngoài chúng này ra cũng có vị các căn tịch tịnh hay sao, xin nói tên ra.
Khúc an đáp:
Ở tại thành Ba Thát Ly tử,
Sa-môn trì Luật, bậc đa văn,
Nơi ấy, có người đã đến đây,
Ðứng ngay trước cửa, tên Khúc-an.
Các Bí-sô nói:
- Lành thay, xin chào, xin mời vào đây.
Khi Tôn giả này vào, các Bí-sô đều đứng dậy nghênh tiếp, thăm hỏi, đảnh lễ rồi ngồi về chỗ cũ theo thứ tự.
Thấy các Tôn giả đã an tọa, cụ thọ Danh Xưng đem mười việc ra trình bày:
- Thưa các cụ thọ! Ðược phép làm tịnh pháp đồng ý như vậy không?
Hỏi:
- Tịnh pháp đồng ý như thếù nào?
Ðáp:
- Như có Bí-sô thi hành phi-pháp-bất-hòa-yết-ma, phi-pháp-hòa-yết-ma, pháp-bất-hòa-yết-ma, gọi là tịnh pháp cùng đồng ý; việc này được không?
Tôn giả đáp:
- Không được.
Hỏi:
- Chế định tại đâu?
Ðáp:
- Tại thành Chiêm Ba.
Hỏi:
- Chế cho ai?
Ðáp:
- Cho nhóm sáu Bí-sô.
Hỏi:
- Bị tội gì?
Ðáp:
- Tội Ác-tác.
Thưa:
- Tôn giả, đây là việc thứ nhất, chính là trái ngược lời Phật dạy ... cho đến pháp thứ mười hỏi đáp như trước. Sau đó, đại chúng cùng nhau kết tập. Sau khi tác bạch, kiền chùy được đánh lên, tất cả Bí-sô tại thành Quảng-Nghiêm đều vân tập đến, theo thứ tự an tọa. Khi ấy, Tôn giả Danh Xưng lại nêu lên hết mười điều trên cho đại chúng, bàn luận việc đúng sai và được tất cả chấp thuận.
Khi ấy, có bảy trăm vị A La Hán cùng nhau kết tập nên gọi là cuộc kết tập bảy trăm vị (Thất bách kết tập).
Nội nhiếp tụng ở trước:
Lớn-tiếng và tùy-hỷ,
Ðào-đất, rượu, chứa-muối,
Nữa-trạm, hai-ngón-tay,
Sữa-đặc, tọa-cụ, báu.
Từ thành Quảng Nghiêm đến An-trú,
Ði khắp thiên hạ đến Yết-xa,
Thành Ba Thát Ly, thành Lưu Chuyển,
Ðại Huệ, Câu Sinh cộng bảy thành.
Tôn giả Lạc Dục và Danh Xưng,
Tôn giả Xa Tha Bà, Táp Bà,
Thiện Ý, Khúc An và Nan Thắng,
Thiện Kiến, Diệu Tinh cả chín vị.
CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
TỲ-NẠI-DA TẠP-SỰ
Hết quyển bốn mươi trọn bộ.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 40 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Cho là nhận


Yếu lược các giai đoạn trên đường tu giác ngộ


Phù trợ người lâm chung


Đừng đánh mất tình yêu

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.68.39 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập