Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Tạp Sự [根本說一切有部毘奈耶雜事] »» Bản Việt dịch quyển số 19 »»

Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Tạp Sự [根本說一切有部毘奈耶雜事] »» Bản Việt dịch quyển số 19

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.52 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.62 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Các Duyên Sự

Kinh này có 40 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 |
Việt dịch: Thích Tâm Hạnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Quyển thứ mười chín
Nhiếp tụng ba trong biệt môn năm:
Phật tam chuyển pháp-luân
Sơ độ ngũ nhân dĩ,
Bất hoán danh tộc đẳng,
Câu thi tuyên lược giáo.
* Như vầy tôi nghe: Một thời Ðức Bạc-già-phạm trú trong rừng Thi-lộc, Tiên Nhân Ðọa Xứ, thuộc Ba La Ny Tư.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo năm Bí-sô:
- Này các Bí-sô, đây là Khổ Thánh Ðế. Ðối với pháp được nghe này, như lý tác ý thì phát sinh nhãn trí minh giác.
Này các Bí-sô, đây là pháp Khổ Tập, Khổ Diệt, Thuận Khổ Diệt Ðạo Thánh Ðế, như lý tác ý thì phát sinh nhãn trí minh giác.
Này các Bí-sô, Khổ Thánh Ðế này là pháp đã được hiểu rõ, như vậy các ông nên biết, như lý tác ý với pháp được nghe này thì phát sinh nhãn trí minh giác.
Này các Bí-sô, Khổ Tập Thánh Ðế này là pháp đã được hiểu rõ, như vậy các ông nên đoạn, như lý tác ý với pháp được nghe này thì phát sinh nhãn trí minh giác.
Này các Bí-sô, Khổ Diệt Thánh Ðế này là pháp đã được hiểu rõ, như vậy các ông nên chứng, như lý tác ý với pháp được nghe này thì phát sinh nhãn trí minh giác.
Này các Bí-sô, Thuận Khổ Diệt Ðạo Thánh Ðế này là pháp đã được hiểu rõ, như vậy các ông nên tu, như lý tác ý với pháp được nghe này thì phát sinh nhãn trí minh giác.
Này các Bí-sô, Khổ Thánh Ðế này là pháp đã được hiểu rõ, như vậy Ta đã biết, như lý tác ý với pháp được nghe này thì phát sinh nhãn trí minh giác.
Này các Bí-sô, Khổ Tập Thánh Ðế này là pháp đã được hiểu rõ, như vậy Ta đã đoạn, như lý tác ý với pháp được nghe này thì phát sinh nhãn trí minh giác.
Này các Bí-sô, Khổ Diệt Thánh Ðế này là pháp đã được hiểu rõ, như vậy Ta đã chứng, như lý tác ý với pháp được nghe này thì phát sinh nhãn trí minh giác.
Này các Bí-sô, Thuận Khổ Diệt Thánh Ðế này là pháp đã được hiểu rõ, như vậy Ta đã tu, như lý tác ý với pháp được nghe này thì phát sinh nhãn trí minh giác.
Này các Bí-sô! Ta đối với pháp Tứ Thánh Ðế này, vì đã hiểu rõ ba chuyển với mười hai hành tướng, nên nhãn trí minh giác đã phát sinh, do đó đối với chư thiên, ma, Phạm, sa-môn, bà-la-môn, tất cả thế gian, Ta đã trừ bỏ tất cả phiền não, tâm được giải thoát, liền chứng đắc được Vô-thượng bồ-đề.
Khi Thế Tôn thuyết pháp này, cụ thọ Kiều-trần-như và tám vạn chư thiên viễn trần ly cấu, đắc pháp nhãn tịnh.
Phật bảo Kiều Trần Như:
- Ông hiểu rõ pháp này không?
- Bạch Thế Tôn! con đã hiểu.
Phật lại hỏi:
- Ông hiểu rõ pháp này không?
- Bạch Thiện thệ! con đã hiểu.
Do Kiều Trần Như hiểu rõ pháp này, nhân đó có tên là A-nhã Kiều Trần Như (A Nhã nghĩa là hiểu rõ).
Nghe Phật thuyết như vậy, dược xoa dưới đất nói lớn tiếng với nhân thiên:
- Các vị nên biết. Ðức Phật ở trong rừng Thi-lộc, Tiên-nhân-đọa-xứ, thuộc Ba La Ny Tư, giảng thuyết rộng ba lần chuyển mười hai hành tướng pháp luân. Do đó, đối với thiên, nhân, ma, phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, tất cả thế gian, Ngài làm việc lợi ích lớn, khiến cho người đồng phạm hạnh mau đến chỗ Niết Bàn an ổn. Chư thiên phát triển, A Tu La suy giảm.
Do lời tuyên cáo của dược-xoa ấy, chư thiên, tứ đại thiên vương đều nghe rõ hết. Lần lượt như vậy, trong khoảng sát-na truyền đến tận lục-dục thiên, rồi trong khoảng khắc khắp cõi Phạm Thiên đều nghe tiếng vang này. Nghe xong, phạm-chúng lại phổ biến khắp nơi nói rộng như trước. Nhân đó, kinh này tên là Tam Chuyển Pháp Luân.
Năm Bí-sô và chư thiên ... nghe Phật thuyết xong, hoan hỷ phụng hành.
Sau khi Phật ba lần vì năm người, chuyển pháp luân rồi cho họ xuất gia thọ cận viên trở thành Bí-sô. Ðối với Như Lai, năm Bí-sô vẫn gọi bằng tên hay hiệu của thị tộc hoặc gọi là cụ thọ.
Phật bảo các Bí-sô:
- Các ông không nên gọi Như Lai bằng tên họ, hiệu thị tộc hay cụ thọ. Vì sao?
- Bí-sô nào đối với Như Lai mà gọi bằng tên, thị tộc hay cụ thọ, chính là người si, chịu khổ não lâu dài trong đêm dài tối tăm vì làm việc không lợi ích. Vì vậy, các ông không nên gọi Như Lai bằng tên họ ... ai vẫn gọi như vậy bị tội vượt pháp.
Như Phật dạy không nên gọi Như Lai bằng tên họ ... bị tội vượt pháp. Có Bí-sô trẻ tuổi, ngoại trừ Phật Thế Tôn ra, đối với các Bí-sô kỳ túc khác, đều gọi bằng tên họ ... cho đến cụ thọ.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Bí-sô trẻ tuổi cũng không nên gọi các vị kỳ túc bằng tên họ thị tộc hay cụ thọ. Có hai cách gọi tên là đại đức hay cụ thọ. Bí-sô nhỏ tuổi nên gọi vị già là đại đức. Vị già gọi vị trẻ là cụ thọ. Ai không làm như vậy bị tội vượt pháp.
Ðức Phật đang ở giữa rừng Sa-la song thọ, vùng đất Tráng-sĩ, thành Câu Thi Na. Bấy giờ, Thế Tôn sắp vào Niết-bàn, Ngài bảo các Bí-sô:
- Ta đã tuyên thuyết rộng tạng Tỳ Nại Da cho các ông nhưng chưa nói tóm lược. Nay, Ta lại thuyết về lược giáo. Các ông hãy chú ý lắng nghe và ghi nhớ kỹ.
Này các Bí-sô, hoặc khi có việc nào mà từ trước đến nay Ta chưa ngăn, chưa cho phép, nhưng việc này trái lại sự không thanh tịnh, thuận theo sự thanh tịnh thì đấy là sự thanh tịnh nên thi hành. Nếu việc ấy trái lại sự thanh tịnh, thuận theo sự bất tịnh thì đấy là sự bất tịnh không nên làm.
Ðây là việc phải tuân giữ, không được nghi ngờ.
Tụng thứ tư trong biệt môn năm:
Xả - đọa vật không phân,
Văn trù tùy ý súc,
Tam cổ trượng tác phủ,
Ưng trương yết-sĩ-na.
Duyên khởi tại thành Thất La Phiệt. Có Bí-sô chứa y dư phạm xả nên đem y đến trước thượng-tọa để xả. Thấy y này, vị tri sự suy nghĩ: - Hôm nay tăng-già được nhiều lợi vật, nên bán để phân chia.
Vị này liền lên tiếng rao bán. Cả chúng cùng nhau phân chia làm cho vị kia bị thiếu hụt y. Bí-sô bạch Phật. Sau khi suy nghĩ: - Ðem y phạm xả ra xả giữa tăng chúng có lỗi như thế, vậy không nên đem y phạm xả ra xả giữa tăng, Ngài bảo các Bí-sô: -Ngày trước Bí-sô phạm xả, đem y xả cho tăng nên bị phân chia làm cho thiếu y. Do đó không nên xả y cho tăng-chúng mà xả cho cá nhân. Người nào không biết tuy xả cho tăng thì cũng không nên phân chia. Ai đem y dư xả cho chúng tăng và người phân chia, cả hai đều bị tội vượt pháp.
Như Phật dạy đem y dư xả cho cá nhân, có Bí-sô phạm dư y nên đem đi xả. Khi nhận được y, người không hiểu biết vẫn mặc nhiên giữ lấy không biết hoàn trả y lại.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Nên sai người khác đến dạy kẻ không hiểu biết. Nếu họ trả lại thì tốt, nếu họ không đưa nên cưỡng ép lấy lại mà thủ trì. Y bị xả này chỉ là tác pháp chứ không phải cho luôn. Nhưng khi xả y phải tìm người hiểu biết pháp, sau đó mới xả.
* Duyên khởi tại thành Quảng Nghiêm. Bị muỗi, ve cắn chích, các Bí-sô dùng móng tay gãi vết thương làm cho toàn thân rướm máu. Thấy vậy, người thế tục hỏi vì sao, Bí-sô đáp rõ.
Họ nói:
- Thánh giả, chẳng lẽ các ngài không có mùng ngăn muỗi hay sao?
Ðáp:
- Thế Tôn chưa cho phép, làm sao mà sắm.
Thế Tôn đại bi tất cho phép việc này.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Cho phép các Bí-sô sắm mùng ngăn muỗi.
Bí-sô không biết làm như thế nào. Phật dạy:
- Chu vi mười hai khuỷu tay, trên làm nóc. Nóc mùng dài bốn khuỷu tay, rộng hai khuỷu tay, làm mùng cao thấp tùy theo thân người.
Họ may thẳng hết, lấy giáp mí làm cửa, nên trùng muỗi bay vào. Phật dạy:
- Không nên may tận cùng mà chừa lại một ít xếp lên nhau làm cửa. Trời nóng giở cánh mùng lên. Nếu dưới biên, muỗi bay vào, nên nhét dưới chiếu hoặc dùng vật khác chận lại, không cho chúng vào.
* Duyên xứ như trước. Như Phật dạy, dùng nước phải lược. Các Bí-sô dùng tay cầm lưới mãi nên rất mệt nhọc. Phật dạy:
- Cột trên đầu gậy, mở lưới lấy nước.
Họ làm vậy, vẫn mệt nhọc. Phật dạy:
- Cầm ba cây gậy chụm lại, dùng dây cột gậy lại.
Dây cột không đứng vững. Phật dạy:
- Gần đầu gậy khoan ba lỗ, xỏ dây vào cột chặt, hoặc trên ba cây, cột bằng vòng sắt dưới mở rộng, cột lưới vào hai cây, mở rộng lưới ra lược lấy nước.
Khi rót nước, bị tràn chảy ra đất. Phật dạy:
- Chú ý rót nước chớ để chảy tràn.
Ðáy bình không kê nên bị nghiêng ngã. Phật dạy:
- Nên kê bình cho vững chớ cho lay động.
Nước trong lưới lược chảy quá nhanh, làm cho trùng bị ngất ngư. Phật dạy:
- Nên đặt vật trong lưới.
Bí-sô không hiểu. Phật dạy:
- Dùng cát hay phân bò khô làm cho ướt rồi đặt vào lưới.
Vẫn không giữ được nước. Phật dạy:
- Nên làm bồn giữ nước.
Bí-sô không biết làm bồn thế nào. Phật dạy:
- Bồn có hai loại, bằng đồng và đất.
Bí-sô giữ bồn bằng tay nên rất mệt nhọc. Phật dạy:
- Không nên giữ bằng tay, nên khoét ba lỗ trên thành bồn, dùng dây cột trên cây chụm chảng ba cho thật vững chắc, nên đặt góc lưới vào trong bồn để giữ mạng sống cho trùng. Nếu lưới quá dày, nước không xuống được, nên dùng cây trơn đập nhẹ ngoài lưới.
Bí-sô nhìn vào bình không đựng đầy nước nên không thấy được trùng. Phật dạy:
- Nên rót nước cho đầy bình, để nước đứng yên mới quan sát trùng được.
Trên nước có bụi, xem trùng không thấy. Phật dạy:
- Gạt bụi đi mới xem. Nếu là trùng nhỏ nên dùng đầu ngón tay chỉ cho người khác.
Trùng nhỏ chạy nhanh, thấy không rõ ràng. Phật dạy:
- Nên dùng cọng tranh hay cọng cỏ ... mà chỉ rõ.
Khi lược được trùng, Bí-sô chụp lưới trên miệng giếng, tuy trùng có rơi xuống nước nhưng phần lớn ngất ngư hay bị chết. Phật dạy:
- Nên làm bồn phóng sinh đổ nước vào bên trong.
Bí-sô liền làm bình này, khi đầy thì đổ xuống, nhưng còn trùng đã lấy bình ra, trùng vẫn chết như cũ. Phật dạy:
- Nên dùng bồn này chứa trùng rồi để vào mặt nước đổ xuống cho không còn, mới lấy bồn ra.
Bí-sô không hiểu nên làm nhiều chậu phóng sinh. Có lúc không tìm được chậu phóng sinh. Phật dạy:
- Nên cột dây vào lưới lược, phương tiện thả xuống nước, trút ra cho trùng đi, sau đó kéo lên.
(Chậu phóng sinh này, các nước phương Tây đã làm từ lâu, ai cũng hiểu. Xứ Ðông-hạ này xưa nay chưa có nên cần phải chỉ rõ ý nghĩa, nếu không trình bày đầy đủ thì không nhờ đâu mà hiểu. Chậu này có thể làm bằng đồng sắt đất gỗ. Nếu dự định mang đi theo nên làm bằng đồng chứa được chừng hai, ba thăng như bình bằng đồng nhỏ, cột bằng dây đồng có thể luồn tay qua được, một bên cạnh đáy gắn nút đồng nhỏ, có thể lọt vừa đầu chiếc đủa tre. Khi đi khất thực, mang trên vai trái phủ y lên trên, tay phải ôm bát. Sau khi khất thực và dùng xong, có thể an trí bát nơi nhà nào đó, tự dùng dây sạch như gân thô, tùy theo giếng sâu cạn mà thả bình xuống lấy nước. Dùng lưới nhỏ vừa đủ để lược. Dùng một đầu dây xuyên qua lỗ nút cột thật chặt, dựng đứng dây lên vừa bằng bình, trên dây ngay chỗ ngang bằng bình, cột vào một nút nhỏ bằng sắt cho cân bằng không để nghiêng ngã, phải dự bị làm trước không phải khi múc nước mới tìm. Dùng lưới nhỏ bịt không cho trùng vào lọ, từ từ thả xuống, đến mặt nước rung nút sắt giật dây cho bình úp xuống, nhúng xuống ba lần mới kéo bình lên. Ðây là cách thức khi khất thực. Nếu tại chùa, xử dụng bình sắt thường dùng đổ xuống giếng như trước nhưng có khác chút ít, ngay vòng đáy bình gắn một vòng sắt làm nút chừng ba ngón tay, đặt bình vào trong vòng sắt này để bình đứng vững dưới nước và đặt trùng bên trong, thả xuống mặt nước nghiêng đổ ra cho đúng cách; nếu giếng sâu cũng có thể làm được. Nếu làm dây riêng thì mắc công. Nếu giếng quá sâu có thể làm bồn riêng để giữ, hoặc có thể đổ ra sông hồ. Sau khi đổ nước xong cần phải rửa bồn sạch. Pháp này là như vậy.
Phàm ai học thánh giáo Như Lai thì lấy từ bi làm gốc. Những giới luật chế ra, có tánh và giá tội; giá khinh tánh trọng. Trong tánh tội, sát sinh đứng đầu, vì thế người trí theo chân lý nên hộ mạng chúng sinh. Nếu cho sát sinh là nhẹ thì giới nào là nặng? Ai có thể làm được như trên, hiện tại được quả báo trường thọ, đời sau được sinh thế giới thanh tịnh. Xứ Thần-châu này hơn bốn trăm thành, người xuất gia có hàng vạn cách sinh hoạt nhưng hiếm người để tâm đến việc lược nước. Do tập tục nên xem thường, coi nhẹ lời Phật dạy, không thể tất cả đều được học và nghe, mong mỏi những vị tu hành thay đổi dần những tập tục cũ. Giả sử học thông ba-tạng, tọa chứng bốn-thiền, ngăn tưởng không sinh, tịnh tâm với không-lý nhưng không hộ mệnh chúng sinh cũng bị Phật chê trách. Tội đầu tiên trong mười nghiệp ác, ai thay thế cho được. Lại như thấy đồ tể dẫn dê vào chùa, chẳng qua là việc thả vài sinh mạng, mọi người trông thấy đều vỗ tay khen thiện, nào biết trong phòng dùng nước hàng ngày giết hại ngàn vạn chúng sinh. Ðã biết giáo lý, cần phải cẩn thận lược nước quan sát chúng sinh.Tự lợi lợi tha, khéo hộ trì, khéo suy nghĩ. Lại sai khiến người khác cày ruộng đào cây chỉ cầu lợi nhỏ, không thấy hại lớn. Sát hại cả trên bờ dưới nước làm chết vô số sinh linh, tội lỗi như vậy, biết sẽ thế nào? Biết nhưng đành bó tay, khi lâm tử bị người khác phán xét. Thế nên kinh nói:
- Kẻ sát sinh sẽ bị đọa địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sinh, giả như được làm người thì chết yểu nhiều bệnh. Than ơi! khổ này ai thay cho được. Như có ai làm được (việc lược nước) thật lành thay, thiện thay, cùng kết thiện duyên từ bi ở lần đầu hội Long-hoa ... rộng như ở truyện ấy, đây không trích dẫn ra.)
Các Bí-sô dùng lưới lược nhưng không thường giặt rửa, không để khô, không hong nắng, không lật trở, làm cho lưới mau hư. Phật dạy:
- Dùng lưới lược nên giặt rửa ... ai không làm như vậy bị tội vượt pháp.
Có Bí-sô lược nước cho đại chúng, vì chúng quá đông nên người lược rất mệt nhọc. Phật dạy:
- Nếu chúng đông, lưới lược nước chậm không cung cấp kịp nên làm nồi lược nước.
Bí-sô không biết làm thế nào. Phật dạy:
- Nên làm nồi bằng đồng, sắt hay đất, dưới đáy có lỗ bằng cái chén nhỏ. Làm hình gương sen cao chừng bốn ngón tay, trên mặt xoi nhiều lỗ lớn như đầu lớn của chiếc đũa, phủ vải hay lụa lên trên dùng dây buộc chặt lại, gắn vào bên trong để lược nước. Dùng xong giặt tấm vải phủ theo như ở trước.
Các Bí-sô đem rận và rệp cùng các loại trùng bỏ ngoài đất trống làm cho chúng ngất ngư. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Ðối với sinh vật, không được treo bỏ ngoài đất trống, cũng không nên vứt bỏ bừa bãi. Rận thì để trong lụa cũ, nếu không có thì để trong bọng cây, rệp thì bỏ trong cỏ xanh. Nếu không có cỏ xanh thì bỏ chúng nơi mát mẻ. Các loại trùng khác thì an trí chúng nơi thích hợp.
Cụ thọ Ô-ba-ly bạch Phật:
- Nước đã lược rồi chưa xem được uống không?
Phật dạy:
- Không được vì không xem xét.
- Ðại đức, nước không lược nhưng có xem, được uống không?
Phật dạy:
- Ðược, vì có xem xét.
* Duyên xứ như trước. Như Phật dạy, chúng tăng an cư xong nên trương y yết-sĩ-na. Vua Thắng Quang nghe Phật cho phép liền gửi y Yết Sĩ Na dâng lên Ðại Chúng. Phu nhân Thắng Quang, phu nhân Hành Vũ và trưởng giảû Cấp Cô Ðộc cùng những hạng cư sĩ kính tín gửi đến nhiều y để cúng đến cho tăng dùng. Các Bí-sô chỉ lấy một y làm Yết Sĩ Na, số còn dư trả lại cho chủ. Nghe như vậy, vua nói:
- Thánh giả, những vật này của chúng con đã cúng cho tăng, nay làm sao lấy trở lại.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Do đó, từ nay Ta cho phép các Bí-sô thọ nhận y này, tùy theo nhiều y nên sai nhiều người. Người làm trương y nên lấy một y để tác pháp thủ trì, số còn lại nên cất giữ làm lợi vật an cư cho tăng.
Nhiếp tụng năm trong biệt môn năm:
Tử hậu chúc thọ biệt
Ủy ký giả thân tử,
Tha phương thông ủy ký,
Nhược tử đối dư nhân.
* Duyên khởi tại thành Thất La Phiệt. Một trưởng giả sống trong thành có ba người con. Người con út xuất gia trong Phật pháp, du hành nhân gian. Khi vị này ra đi chưa bao lâu, người cha bị bệnh. Khi sắp chết, ông ta gọi hết thân thuộc lại, bảo với hai người con:
- Hãy gom hết tài sản trong nhà lại đây.
Sau khi họ đem lại, ông ta chia làm ba phần, hai phần cho hai người con tại gia, phần còn lại cho người con xuất gia. Sau khi di chúc như vậy, ông ta qua đời. Như có bài tụng:
Tích tụ đều tiêu tán,
Cao tột tất sụp đổ,
Hội họp phải biệt ly,
Có sống đều phải chết.
Khi ấy, hai người hỏa thiêu đúng pháp, buồn thảm cư tang. Nghe cha qua đời, người con xuất gia suy nghĩ: Ta có anh em, nay nên trở về thuyết pháp cho họ.
Về đến nhà, anh em gặp nhau cùng hết sức bi ai. Người anh nói:
- Em không nên khóc, ngày cha qua đời, có di chúc để lại một phần tài sản cho em.
Người em suy nghĩ:
- Như Thế Tôn dạy, người cho sau khi chết, không phải cho một cách tốt đẹp, không nên nhận vật ấy.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Người đời chết có tâm hy vọng, Bí-sô qua đời không có tâm hy vọng. Ðây là tâm hy vọng của người đời, nhận không có lỗi, tùy ý xử dụng.
* Duyên xứ như trước. Bí-sô nọ bị bệnh, bảo Bí-sô khác:
- Hãy chăm sóc tôi đàng hoàng, y bát của tôi sẽ để lại cho ông.
Người kia chăm sóc, không lâu Bí-sô bệnh qua đời. Thấy vị này đã chết nên người kia lấy y bát đem về phòng mình. Các Bí-sô cùng tập họp lại, hỏi:
- Y bát của người chết đang ở đâu?
Vị ấy đã cho tôi. Vị này đáp và kể lại đầy đủ sự việc trên.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Người kia ngu si, sao không cho khi còn sống, chờ chết mới cho; không có pháp nói rằng chết rồi mới cho. Nên lấy lại vật ấy, đại chúng cùng phân chia, nên phân cho theo tiêu chuẩn.
* Duyên xứ như trước. Có Bí-sô nhờ Bí-sô kia phân biệt( tịnh thí) y vật, bỗng nhiên qua đời. Bí-sô kia liền lấy y vật để trong phòng mình. Sau khi đưa tử thi lên xe đi hỏa thiêu rồi trở về, vị tri sự vào phòng người chết lần lượt tìm thấy y bát và lược nước của người chết nên đem những vật ấy về phòng chúng tăng. Có Bí-sô hỏi:
- Ðem đến vật này, còn nhiều vật khác sao không đem đến?
- Trong phòng chỉ có thứ này, không còn vật khác.
Người khác nói:
- Có một Bí-sô là bạn người chết nếu hỏi vị ấy thì biết có còn hay không.
Ðược hỏi, vị ấy đáp:
- Người ấy có đưa cho tôi để phân biệt nên tôi giữ y ấy.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Ðây là tác pháp không được giữ lại, nên lấy về cùng phân chia.
* Duyên xứ như trước. Có Bí-sô đưa y cho vị khác phân biệt. Vị này bỗng nhiên qua đời. Bí-sô liền đem y này xả cho tăng già.
Ðại chúng hỏi:
- Ðây là vật của ai?
- Ðây là vật của tôi đưa vị khác phân biệt. Họ qua đời, tôi đem vật này giao cho đại chúng.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Tác pháp nên như vậy, tuy là vật đưa họ để phân biệt nhưng không thuộc về họ, hãy lấy lại đem về dùng.
* Duyên xứ như trước. Có Bí-sô đưa y vật cho Bí-sô khác phân biệt. Bí-sô đưa vật để phân biệt thình lình hoàn tục. Sau đó, vị này nhớ lại ... Bí-sô kia từng nhận y của ta để phân biệt. Nay ta hoàn tục nhưng vật kia thuộc về ta,vậy nên đến đòi lại.
Ðến nơi, vị ấy thưa:
- Thánh giả, ngài đã từng nhận y của con để phân biệt, nay xin trả lại con.
Bí-sô bạch Phật. Sau khi suy nghĩ:
- Do các Bí-sô lấy Bí-sô khác làm người để ký gửi, rồi lại nhờ vị ấy làm người phân biệt nên có lỗi như vậy.
Phật dạy:
- Ta chế cho các Bí-sô không nên nhờ người mà mình ký gửi để phân biệt y vật. Ai làm vậy, bị tội vượt pháp.
* Duyên xứ như trước. Có Bí-sô nhờ Bí-sô khác phân biệt y vật. Người tác pháp phân biệt là hạng ưa tranh đấu thường cạnh tranh quấy nhiễu các Bí-sô, bị sân hận nên muốn bỏ ra đi. Thấy vị kia sắp bỏ đi, người nhờ phân biệt y khóc lóc, nói:
- Xin đừng đi.
Tuy hết sức giữ lại nhưng vị kia vẫn không ở, mọi người bảo:
- Thầy chớ giữ lại, ông ta là người ưa đấu tranh làm nhiễu loạn mọi người.
- Làm sao tôi không giữ lại, vì tôi thường nhờ ông ấy phân biệt y vật. Nơi khác không có người để ký gửi.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Giả sử Bí-sô muốn ký gửi đang ở hải ngoại, chỉ cần ngay tại chỗ đang ở chỉ về nơi cần ký gửi cũng không có lỗi.
Bấy giờ, có Bí-sô chỉ Bí-sô khác đang ở rất xa làm người ký gửi. Người ấy bị qua đời. Khi các Bí-sô nghe được thì đã trải qua nhiều ngày, nên không biết thế nào. Bí-sô bạch Phật.
Phật dạy:
- Khi vừa mới nghe chết thì những vật mới hay cũ phải ký gửi ngay cho người khác.
Nhiếp tụng sáu trong biệt môn năm:
Giới ngoại bất dữ dục,
Tương hành bất triển chuyển,
Thuyết giới, tùy-ý sự,
Vi giả tinh chiêu khiên.
* Duyên xứ như trước. Lục chúng Bí-sô tuy ở ngoài giới nhưng lại gửi dục cho người trong giới. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Không được ở ngoài giới gửi dục cho người trong giới.
Thấy Phật không cho phép như vậy, có Bí-sô muốn ra khỏi giới, khi sắp lên đường, lục chúng cố bắt ép vị này thuyết dục. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Người muốn ra ngoài giới, không cần phải gửi dục.
Nghe như vậy, Lục chúng ở ngoài giới vẫn giữ dục qua lại, cho đến cả sáu người lần lượt giữ dục cho nhau. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Không được ngoài giới mà lần lượt giữ dục cho nhau. Ai làm vậy, bị tội vượt pháp.
* Duyên xứ như trước. Như Thế Tôn dạy, nữa tháng nên thuyết giới, Lục chúng Bí-sô cùng giữ dục thanh tịnh cho nhau ở ngoài giới. Phật dạy:
- Không nên như vậy.
Họ lại lấy dục người sắp ra đi, lại lần lượt thay nhau lấy dục thanh tịnh rộng như nói trên. Phật dạy:
- Ðều không được làm. Ai làm vậy bị tội vượt pháp.
Như Phật dạy, sau khi an cư, Bí-sô nên đem ba việc thấy, nghe, nghi ra tác pháp tùy-ý (tự tứ). Lục chúng Bí-sô tự tiện tác pháp tùy-ý ở ngoài giới, giữ người sắp đi, lần lượt thay nhau tùy ý ở ngoài giới ...cũng như nói trên ... đều không được làm.
Nhiếp tụng bảy trong biệt môn năm:
Ung khả tri nhân số,
Tùy - ý nhậm hành trù,
Bất dữ tục đồng tọa,
Lão tiểu ưng tùy hạ.
* Duyên xứ như trước. Trong thành này có bà-la-môn nhân đi ra ngoài, đến rừng Thệ-đa, phát sinh ý nghĩ hiếm có, ta hãy thử hỏi trong chùa có bao nhiêu vị. Sau khi gặp Bí-sô hỏi về nhân số trong chùa, Bí-sô đáp:
- Tôi không biết được.
Bà-la-môn nói:
- Số binh lính của vua Thắng Quang nước Kiều Tát La còn biết được, vì sao không biết số lượng tăng đồ trong chùa.Vị kia đành im lặng.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Cần phải biết nhân số.
Bí-sô liền đếm số từng người, có lúc tính bằng đốt tay nên không nhớ hết. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Nên đếm bằng thẻ, sau khi nắm được tổng số, báo cho chúng biết.
Bí-sô không biết lấy nhân số vào lúc nào. Phật dạy:
- Nên lấy nhân số vào lúc an cư.
Lại có trưởng giả vào rừng Thệ Ða, thấy các Bí-sô siêng năng đọc tụng chánh niệm Tịnh Lự nên phát sinh tín tâm trong sạch. Muốn biết tăng số để cúng dường ngọ trai, trưởng giả hỏi Bí-sô:
- Trú xứ này tất cả có bao nhiêu vị?
Sau khi được báo số người, trưởng giả về nhà bảo gia nhân:
- Sáng mai, ta muốn thỉnh Phật và Tăng đến nhà cúng dường ngọ trai với số lượng ... vị. Tùy theo số lượng chúng tăng, các ngươi nên bày biện đầy đủ.
Họ vâng dạ và bày biện các dụng cụ để cúng dường trong nhà.
Bấy giờ, vào giờ đại chúng vân tập, trưởng giả đến chùa báo với tri sự:
- Xin ngài vì con bạch với tăng già là trưởng giả ... vào ngày mai sẽ thỉnh Phật và đại chúng đến nhà thọ trai.
Sau khi thưa thỉnh, trưởng giả từ tạ ra về.
Bấy giờ lại có những Bí-sô khác từ nhân gian đến vườn Cấp Cô Ðộc. Ngay đêm ấy, trưởng giả kia bày biện các món ăn thơm ngon, trải tòa, an trí bồn nước, tăm xỉa răng, bột để rửa, sáng sớm sai người đến bạch Phật và tăng:
- Ðã đến giờ cúi mong quý Ngài giáng lâm.
Vào buổi sáng, chúng Bí-sô mặc y mang bát đến nhà trưởng giả.Bấy giờ đức đại sư ở lại chùa, sai người lấy thức ăn. Có năm trường hợp đức Như Lai đại sư không thân hành dự thỉnh. Ðó là:
Một: Ngồi yên một mình.
Hai: Thuyết pháp cho chư thiên.
Ba: Chăm sóc người bệnh.
Bốn: Xem xét ngọa cụ.
Năm: Vì chế học xứ.
Trường hợp này là muốn chế học xứ.
Bấy giờ, trưởng giả tính theo tăng số để xếp đặt chỗ ngồi, thức ăn ... khi thấy nhiều người đến nhà mình, bảo với điển tọa:
- Con đã chuẩn bị theo số người do ngài báo, nay nhiều hơn số ấy, vậy phải làm sao đây?
Ðiển tọa nói:
- Có khách mới đến, ngươi phải vui mừng.
Ðáp:
- Nếu ngài báo trước, con mới dọn đủ thức ăn.
Bí-sô đành im lặng.
Bấy giờ, đại chúng có người no đủ, có người bị đói. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Ðiển tọa nên xem xét số khách và báo cho thí chủ biết.
Lại có Bí-sô đến trong lúc làm lễ, Phật dạy:
- Cũng phải báo cho họ biết. Ta sẽ dạy cho thượng tọa thủ chúng những pháp phải làm. Trước hết, thượng tọa nên xem xét số người và số thức ăn. Nếu người nhiều, thức ăn ít, nên bảo thí-chủ:
- Hiền thủ, người nhiều thức ăn ít nên phân cho đều. Nếu thức ăn nhiều, người ít, thì bảo:
- Hiền thủ, có nhiều thức ăn uống, phân chia tùy ý. Nếu thượng tọa nào không khéo quan sát, không làm theo chế định, bị tội vượt pháp. Lại nữa, đến nhà thí chủ, cần phải xem nước lược trùng, cây chà răng, đất vụn cho đầy đủ chớ để thiếu hụt. Trước và sau khi ăn rửa tay súc miệng phải làm đúng pháp. Nếu không kiểm soát, thượng tọa và thứ tọa đều bị tội vượt pháp.
* Duyên xứ như trước. Lục chúng Bí-sô cùng người thế tục ngồi chung một tòa làm cho người kính tín sinh tâm chê bai:
- Thánh giả, ngài là người xuất gia thường tu tập phạm hạnh, vì sao cùng ngồi chung tòa với kẻ thường làm việc bất tịnh dâm dục?
Nghe vậy, họ đành im lặng. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Lời nói của những người tục có tín tâm thật đúng đạo lý.Vì vậy, các Bí-sô không nên cùng với người tục ngồi chung tòa. Ai ngồi bị tội vượt pháp.
Nghe Phật chế như vậy, có Bí-sô cùng ngồi chung toà với cầu tịch. Người có tín tâm nói:
- Ngài đã là cận viên sao lại cùng ngồi chung với thầy nhỏ?
- Ðây không phải người thế tục, là người xuất gia, nào có lỗi gì?
Họ đành im lặng. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Cũng không nên ngồi chung tòa với người chưa thọ cận viên.
Sau khi Phật không cho phép. Có Bí-sô già cùng ngồi với vị trẻ, lại có vị trẻ cùng ngồi với vị già nên không kính trọng nhau. Bí-sô bạch Phật.
Phật dạy:
- Già và trẻ không nên ngồi lẫn lộn, người không tuổi hạ được ngồi chung với người hai hạ, một hạ được ngồi với hai hạ, hai hạ trở đi được ngồi với vị lớn hơn ba hạ.
Sau khi Phật chế như vậy, các Bí-sô tại nhà thế tục chỉ được ngồi chung với vị lớn hơn ba hạ. Khó tìm tòa để ngồi.
Phật dạy:
- Nếu trong nhà thế tục khó tìm tòa để ngồi, có thể ngồi chung tòa với thân giáo sư hay quỹ phạm sư, dùng vật ngăn cách, chớ nên nghi ngại.
Nhiếp tụng tám trong biệt môn năm:
Bất ưng cư trữ tọa,
Bất dụ tha cầu tịch,
Bất vi thệ đổ vật,
Diệc bất thực hổ tàn.
* Duyên xứ như trước. Khi nghe pháp nên trải tòa để ngồi, có cầu-tịch cũng ngồi vào tòa êm ái, nhân đó ngủ gục nên đái dầm làm bẩn cả nệm.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Cầu-tịch không nên ngồi vào tòa nệm êm ái.
Khi cầu tịch Chuẩn Ðà đệ tử ngài Xá Lợi Phất đến nghe pháp, Bí-sô cho ngồi vào tòa cỏ thô cứng.
Hỏi:
- Ðại đức, vì sao cho tôi ngồi chổ thô cứng thế này?
Ðáp:
- Phật không cho ngồi tòa êm.
Hỏi:
- Ðại đức, chẳng lẽ tôi đồng với người có lỗi hay sao?
Phật dạy:
- Nếu cầu tịch có chánh niệm cho họ ngồi tòa êm, ngoài ra không nên.
* Duyên xứ như trước. Có cầu-tịch bị Bí-sô la mắng đuổi ra ngoài cửa vườn Thệ-đa nên đứng khóc. Thấy vậy, Ô Ba Nan Ðà hỏi:
- Vì sao ngươi khóc?
Ðáp:
- Bị thầy la mắng.
- Ông hãy đến, ta sẽ cho ông y, bát, dây mang bát, thắt lưng ... những vật cần dùng không để thiếu hụt.
Ô Ba Nan Ðà gọi cầu tịch ấy về phòng mình, bạch Phật.
Phật dạy:
- Khi la mắng đệ tử, không nên nhất quyết đuổi đi, hãy làm như thả dây cương giữ tâm niệm thân ái, khi họ hồi tâm thì nhận lại, sai Bí-sô dùng lời lẽ khai hóa cầu tịch.
Người ấy nói:
- Không cần vị Thân Giáo Sư ấy, tôi cần điều gì, đại đức Ô Ba Nan Ðà đều cung cấp. Tôi không chịu trở lại vị thầy cũ nữa.
Nghe như vậy, vị thầy cũ bất mãn mắng:
- Ta cho xuất gia mà Ô Ba Nan Ðà dụ dỗ đem đi.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Bí-sô không dụ dỗ đệ tử người khác. Ai dụ dỗ để theo mình, bị tội thổ-la-để-da là phương tiện phá tăng vậy.
* Duyên xứ như trước. Bấy giờ, Lục chúng Bí-sô khi gặp sự việc gì, tự tiện dẫn Phật pháp Tăng Bảo ra để thề thốt, hoặc dẫn Thân Giáo Sư Quỹ Phạm Sư ra thề thốt. Có người thế tục kính tín khi nghe thề thốt như vậy, nói:
- Chúng tôi là hạng thế tục còn không đem Phật và thầy ra thề thốt, các vị là người xuất gia vì sao lại đem Phật và thầy ra thề thốt. Ðấy là việc không nên.
Họ im lặng không đáp được. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Người tục chê bai thật hợp lý vì người xuất gia vốn nói lời chân thật, không nên thề thốt. Ai vi phạm bị tội vượt pháp.
* Duyên xứ như trước. Khi có duyên sự, Lục chúng Bí-sô đem y bát dây lưng vv ... ra đánh cá đổi chác. Thấy như vậy, người thế tục bất mãn chê bai:
- Chẳng lẽ các vị đồng như thế tục hay sao, gặp việc cần liền đem y bát ra đánh cá, thật là phi lý.
Ðáp:
- Có gì là phi lý, nào phải ta ăn hành tỏi, uống rượu hay sao?
Họ đành im lặng, Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Người tục chê bai thật hợp lý. Bí-sô không nên đem vật ra đánh cá. Ai làm vậy bị tội vượt pháp.
* Duyên xứ như trước. Mỗi buổi sáng sớm, Lục chúng lên gác chùa nhìn xa nơi đồng hoang, hoặc thấy khói tỏa hoặc xem chim hạ xuống, liền đến nơi ấy xem là vật gì. Một lúc nọ thấy sự việc ấy, họ thân hành đến xem, gặp trong rừng có thịt dư tàn của cọp để lại. Họ vui mừng đem thịt này về rừng Thệ Ða. Con cọp ấy theo mùi đến tận chùa.
Ban đêm, cọp kêu rống ngoài cổng chùa. Biết như vậy nhưng Thế Tôn vẫn hỏi A Nan Ðà:
- Vì sao cọp đến đây kêu rống vậy?
A Nan Ðà thưa:
- Vì Tôn giả Cận hỷ lấy thịt dư tàn của cọp ấy cất dấu đem vào chùa.
Phật nói:
- Bí-sô ăn thịt dư tàn của cọp hay sao?
- Bạch Phật đúng vậy.
- Này A Nan Ðà, như vua sư tử giết con nai xong, ăn thịt ngon, uống máu tươi rồi vứt lại bỏ đi. Nhưng loài cọp sau khi ăn thịt đã no vẫn đem dấu phần thịt thừa. Thế nên Bí-sô không nên ăn thịt thừa của cọp. Ai ăn bị tội vượt pháp. Người thuợng tọa thủ chúng có việc phải làm, Ta sẽ chế định. Khi thượng tọa thấy dọn thịt để ăn, phải hỏi, đây là thịt gì, không phải thịt dư tàn của cọp phải không, chẳng phải là vật không nên ăn phải không? Ai không hỏi mà thọ nhận, bị tội vượt pháp.
Tụng thứ chín trong biệt môn năm:
Bất hợp tự tàng thân,
Bất vi ngôn bạch đẳng,
Nhược đắc thượng giá thảm,
Mại chi ưng cộng phân.
* Duyên xứ như trước. Trong một thành kia, trước đây có chùa tăng. Nan-đà, Ô-Ba Nan Ðà du hành trong nhân gian nên đến chùa này. Tuy thấy hai người này đến nhưng biết về hành động xấu của họ nên các Bí-sô ở đây không một ai giúp đỡ cả.Ô Ba Nan Ðà thưa với Nan Ðà:
- Bạch A Dá Lợi Da, bọn bát đen này thường sinh ngạo mạn, chúng ta nên gây phiền não cho họ. Hãy cùng núp vào một nơi, xem họ phân chia lợi vật như thế nào.
Ðáp:
- Rất hay, nên làm như vậy.
Họ liền ẩn núp, lén xem phân vật. Sau khi thấy phân vật xong, họ nói:
- Phân như vậy bất thiện, là phân chia xấu, muốn phân y quý vị phải thưa với chúng tăng chứ!
Ðáp:
- Khi phân không thấy, bây giờ ở đâu lại xuất hiện vậy?
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Muốn phân lợi dưỡng, trước phải bạch cho chúng tăng biết:
- Tăng có lợi dưỡng, nay muốn cùng phân chia. Những Bí-sô có mặt không nên bỏ đi.
Bấy giờ, các Bí-sô tập hợp các vật đã phân lại, báo khắp trong chúng biết không nên ra khỏi bữa ăn để phân chia vật ấy. Hai người kia lại tự ẩn núp, chờ chúng phân chia xong, làm theo như trước, đi ra nói đây phân chia không đúng.
Họ nói:
- Trước đã báo cho chúng, quý vị từ đâu đến vậy?
Hai người nói:
- Tuy nói cho mọi người biết, nhưng hãy đánh kiền-chùy.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Thưa cho mọi người biết, tiếp đánh kiền chùy rồi mới phân vật.
Các Bí-sô thu vật đã phân lại, thưa cho mọi người biết, đánh kiền chùy báo cùng nhau phân vật ấy. Hai người lại núp, chờ phân xong mới đi ra rồi chê trách như trước.
Mọi người nói:
- Chẳng lẽ không nghe báo cho mọi người và đánh kiền chùy hay sao?
Ðáp:
- Tuy có báo cho chúng biết và đánh kiền chùy nhưng các vị nào có cùng nhau phân thẻ?
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Thưa cho mọi người biết, đánh kiền-chùy và nên phát thẻ rồi mới cùng phân vật.
Các Bí-sô thu vật đã phân lại, làm ba việc như trên xong.Vẫn như cũ, hai người ẩn núp, chờ phân xong lại đi ra rồi chê trách. Mọi người bảo:
- Vì sao cụ thọ cố gây phiền não cho chúng tăng như vậy, đã cáo bạch, đánh kiền-chùy và phát thẻ vẫn không hiện diện, chờ xong mới đi ra?
Ðáp:
- Vì sao các vị bảo chúng tôi gây phiền não cho tăng? Các vị có đối trước chúng tăng mà làm không, tất cả việc này đều không cần nữa, nay chúng tôi ra đi.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Tuy có ba việc trên nhưng phải làm với chúng, ai không hiện diện thì không phân cho họ. Ðây là sự phân chia tốt đẹp, không nên nghi ngờ. Nhưng các Bí-sô không nên gây sự làm phiền chúng tăng. Ai cố gây phiền não bị tội vượt pháp.
* Duyên xứ như trước. Sau khi cúng chùa cho tứ-phương Tăng Già, trưởng giả Cấùp Cô Ðộc dùng các màu sắc đẹp hảo hạng tô vẽ trong và ngoài chùa. Nghe trưởng giả vẽ xong, nhân dân trong thành tranh nhau đến chiêm ngưỡng, có đến vô lượng trăm ngàn người cùng tập họp trong chùa. Trong thành có một vị đại Bà-la-môn cao quý mọi người đều kính trọng, được một tấm thảm nơi đại vương gia, liền mang tấm thảm với tâm thích thú, đi vào thăm viếng khắp rừng Thệ-đa. Ông ta phát tâm kính tín đem tấm thảm cúng dường Tứ Phương Tăng (Trong này tuy nói là tứ-phương nhưng ý cho hiện tiền tăng chẳng phải là thường trú tăng). Như lời Phật dạy, có y vật hiện tiền cho đến cắt nhỏ như tim đèn cũng phân chia bình đẳng. Bí-sô liền đem tấm thảm cắt ra từng miếng phân chia cho chúng tăng.
Ðêm về, người Bà-la-môn suy nghĩ:
- Ðó là tấm thảm thượng hạng, ta nên tính theo giá trị để chuộc về lại.
Sáng hôm sau, ông ta vào chùa, vừa đến cửa thấy các Bí-sô nên hỏi:
- Thánh giả, tấm thảm con cúng, các ngài dùng làm gì?
Bí-sô đáp:
- Ngài nên tùy hỷ, chúng tôi đã cắt ra phân cho đại chúng.
Một người nói:
- Tôi dùng che đầu.
Người nói:
- Tôi làm dép.
Người nói:
- Tôi làm dây đai.
Người nói:
- Tôi làm khăn lau bát.
- Thánh giả, đó là tấm thảm thượng hạng, vì sao lại cắt phá đi, nên đem bán ra rồi phân chia cho chúng tăng.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Lời của người bà-la-môn thật hợp lý, thế nên khi Bí-sô được tấm thảm thượng hạng như vậy, đem đổi lấy tiền sau đó phân chia.
Nhiếp tụng mười trong biệt môn năm:
Ngũ bì bất ưng dụng,
Dư loại diệc đồng nhiên,
Nhược hoạn trĩ bệnh thời,
Bi bì lý ưng trước.
* Duyên xứ như trước. Lục chúng Bí-sô bảo nhau:
- Nan-đà, Ô Ba Nan Ðà, trong thành này có nhiều người, chúng ta đều xin được bánh nhưng chưa thấy người điều voi của vua cho ta bao giờ. Nay hãy đến xin, có khi họ cho.
Một người nói:
- Nên làm như vậy, nhưng phải dự tính trước ít nhiều mưu kế, hãy lấy da sư tử làm giầy rồi đi phía trên gió chỗ cột voi. Nghe mùi, voi liền kinh chạy.
Ðáp:
- Rất hay, chúng ta hãy đến xin ông ta, nếu cho thì tốt, bằng không cho thì gây khủng bố cho voi chưa muộn.
Vào sáng sớm, họ đến nhà người điều voi, bảo:
- Hiền thủ, tại sao các vị không có chút tâm cầu phước nào vì chưa bao giờ cho chúng tôi bánh trái gì cả.
Ðáp:
- Thánh giả, chẳng lẽ chúng tôi bị lệ thuộc ngài hay sao mà đem bánh trái cung cấp.
Nghe như vậy, Lục chúng gật đầu vâng dạ rồi bỏ đi. Vào một ngày khác, mang giầy da sư tử đứng trên gió chỗ cột voi. Nghe mùi sư tử, bầy voi vãi cả đại tiểu ra, sợ hãi nhốn nháo. Người điều voi dùng móc sắt chận cổ voi nhưng chúng không đứng yên.
Từ xa trông thấy, Lục chúng bảo:
- Hiền thủ, mau kéo lại, mau kéo lại.
Ðáp:
- Móc sắt không kéo được, tay không làm sao kéo?
Lục chúng nói:
- Tôi có thể làm chúng đứng lại yên.
Ðáp:
- Thánh giả, nếu làm chúng đứng yên thật là ân lớn.
- Hãy giao ước với nhau, nếu cho chúng tôi bánh trái thì chúng tôi làm chúng đứng yên.
Ðáp:
- Tôi sẽ cho.
Lục chúng vội đi xuống phía dưới gió. Không còn nghe mùi nữa, voi liền đứng yên. Những người điều voi hỏi:
- Thánh giả, các vị biết chú thuật phải không?
- Tôi không có thuật lạ gì cả.
- Như vậy, vì sao làm cho voi không còn sợ nữa?
Lục chúng đem sự thật nói lại cho người điều voi.
Họ nói:
- Thánh giả, vì sao các ông làm việc phi pháp không lợi ích như vậy? Nếu như voi lớn uy dũng của nhà vua vì sợ hãi này mà chạy vào rừng sâu, chắc chắn các vị bị phạt tội nặng.
Nghe như vậy, lục chúng cười nhẹ, im lặng không đáp được. Bí-sô bạch Phật. Phật suy nghĩ:
- Vì các Bí-sô mang giầy da sư tử nên có lỗi như vậy.
Ngài bảo các Bí-sô:
- Từ nay, các ông không được mang giầy bằng da sư tử nữa. Ai mang loại này, bị tội vượt pháp.
Nghe Phật không cho, họ liền dùng giầy bằng da cọp. Phật dạy:
- Ðây cũng không được. Da năm loại thú có móng vuốt nanh ngà thì không được dùng; đó là voi có trí, ngựa có trí, sư tử, cọp, beo.
Sau khi Phật không cho phép, cụ thọ Ô Ba Ly thưa Thế Tôn:
- Nếu có da các loại thú có móng nanh khác, được phép dùng không?
Phật dạy:
- Không nên dùng, ai dùng bị tội ác-tác.
Duyên xứ như trước. Có Bí-sô bị bệnh trĩ, đến gặp y sĩ, nói:
- Hiền thủ, tôi bị bệnh trĩ, mong ông chữa trị cho.
Ðáp:
- Nên dùng da gấu làm giầy mang thì hết bệnh.
Ðáp:
- Thế Tôn chưa cho phép.
- Ðức Phật đại từ chắc chắn cho phép.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Bệnh được phép mang.
Nhiều lớp khó tìm, Phật dạy:
- Nếu không có, nên dùng một lớp và dùng lông lót vào đế giầy.
CĂN-BẢN THUYẾT NHẤT-THIẾT HỮU-BỘ
TỲ-NẠI-DA-TẠP-SỰ
Quyển mười chín hết.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 40 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa


Có và Không


Sống đẹp giữa dòng đời


San sẻ yêu thương

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.75.6 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập