Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Quyển thứ mười hai
Tiếp theo tụng mười trong biệt môn hai (nhân duyên về Nan-đà).
Phật bảo Nan Ðà:
- Thai nhi vừa sinh ra rất cực khổ. Nam hay nữ khi mới sinh được đặt vào tay người, dùng tả quấn lại suốt ngày để tại nơi bóng mát, hoặc trên nôi lắc, hoặc trên giường chiếu, bị ôm trong lòng nên phải chịu nhiều khó chịu cực khổ.
Nan Ðà! Như trâu bị lột da ở gần tường thì bị trùng ở tường rúc rỉa, ở gần cỏ cây thì trùng ở cỏ cây rúc rỉa, gần chỗ trống thì các loại trùng khác rúc rỉa, đều bị đau đớn, khi mới sinh cũng vậy. Dùng nước nóng tắm rửa, em bé phải chịu đau khổ, như người bị hủi da dẻ lở lói máu mủ tuôn ra, lại bị đánh đập bằng gậy, chịu khổ vô cùng. Ðứa bé mới sinh phải uống máu đục của mẹ mới lớn lên được. Này Nan Ðà! Sữa mẹ trong Thánh Pháp Luật gọi là máu đục.
Này Nan Ðà! Cực khổ như vậy thật vô cùng chẳng có chút nào vui cả, có người trí nào lại luyến ái với biển khổ này để bị lưu chuyển mãi không ngừng nghỉ. Sinh được bảy ngày, trong thân có tám vạn hộ trùng tung hoành ăn rỉa.
Nan Ðà! Có một loại hộ trùng tên ăn tóc, sống ở chân tóc và ăn tóc. Có hai loại hộ trùng: Một tên Trượng tạng, một tên Thô đầu, sống tên đầu và ăn ở đó. Có một loại hộ trùng tên Nhiễu nhãn, sống trong mắt và ăn ở mắt. Có bốn loại hộ trùng: Một tên Khu trục, hai tên Bôn tẩu, ba tên Ốc trạch, bốn tên Viên mãn sống ở não và ăn não. Có một loại hộ trùng tên Ðạo diệp, sống trong tai và ăn tai. Có một loại hộ trùng tên Tàng khẩu sống trong mũi và ăn mũi. Có hai loại hộ trùng: Một tên Diêu trịch, hai tên Biến trịch sống ở môi và ăn môi. Có một loại hộ trùng tên Mật diệp, sống ở răng và ăn răng. Có một loại trùng tên Mộc khẩu, sống ở chân răng và ăn chân răng. Có một loại trùng tên là Châm khẩu, sống ở lưỡi và ăn lưỡi. Có một loại hộ trùng tên Lợi khẩu sống ở chân lưỡi và ăn chân lưỡi. Có một loại hộ trùng tên là Thủ viên sống trong răng và ăn ở đó. Có hai loại hộ trùng: Một tên Thủ cương, hai tên Bán khuất, sống nơi bàn tay và ăn bàn tay. Có hai loại hộ trùng: Một là Ðoản huyền, hai là Trường huyền, sống ở cổ tay và ăn ở đó. Có hai loại trùng: Một là Viễn tý, hai là Cận tý, sống ở tay và ăn tay. Có hai loại trùng: Một là Dục thôn, hai là Dĩ thôn, sống ở yết hầu, ăn yết hầu. Có hai loại hộ trùng: Một là oán, hai là Ðại oán, sống ở ngực, ăn ở ngực. Có hai loại hộ trùng: Một là Luy bối, hai là Luy khẩu, sống trong thịt ăn thịt. Có hai loại hộ trùng: Một là hữu sắc, hai là Hữu lực, sống trong máu ăn máu. Có hai loại trùng: Một là Dũng kiện, hai là Hương khẩu, sống trong gân ăn gân. Có hai loại hộ trùng: Một là bất cao, hai là hạ khẩu, ở xương sống, ăn xương sống. Có hai loại hộ trùng: đều tên là Chỉ sắc, sống trong mỡ ăn mỡ. Có một loại trùng tên là Màu vàng, sống theo màu vàng ăn màu vàng. Có một loại trùng tên Chân châu, sống ở thận ăn thận. Có một loại trùng tên là Ðại chân châu, sống ở eo và ăn eo. Có một loại hộ trùng tên Vị chí ở bàn tọa ăn bàn tọa. Có bốn loại trùng: Một tên Thủy mạng, hai tên Ðại thủy mạng, ba tên Châm khẩu, bốn tên Lực khẩu, sống trong ruột ăn ruột. Có năm loại hộ trùng: Một tên Nguyệt mãn, hai tên Nguyệt diện, ba tên Huy hoàng, bốn tên Huy diện, năm tên biệt trú, sống bên hông phải và ăn ở đó. Lại có năm loại trùng: Tên giống như trên, sống bên hông trái và ăn ở đó. Có bốn loại trùng: Một tên Xuyên tiền, hai tên Xuyên hậu, ba tên Xuyên kiên, bốn tên Xuyên trú, sống trong xương và ăn xương. Có bốn loại hộ trùng: Một tên Ðại bạch, hai tên Tiểu bạch, ba tên Trùng vân, bốn tên Xú khí, sống theo mạch và ăn mạch. Có bốn hộ trùng: Một là Sư tử, hai là Bị lực, ba là Cấp tiễn, bốn là Liên hoa, sống trong sinh tạng và ăn sinh tạng. Có hai loại trùng: Một là An chí, hai là Cận chí, sống trong thục tạng và ăn thục tạng. Có bốn hộ trùng: Một là Diêm khẩu, hai là Uẩn khẩu, ba là Võng khẩu, bốn là Tước khẩu, sống nơi đường tiểu, ăn nước tiểu mà sống. Có bốn hộ trùng: Một tên Ưng tác, hai tên Ðại tác, ba tên Tiểu hình, bốn tên Tiểu kích, sống trong đường đại tiện, ăn phẩn để sống. Có hai hộ trùng: Một tên Hắc khẩu, hai tên Ðại khẩu, sống ở đùi vế ăn đùi vế. Có hai hộ trùng: Một tên lại, Hai tên tiểu lại, sống ở đầu gối ăn đầu gối. Có một hộ trùng tên Ngu căn, sống ở bắp chân ăn bắp chân. Có một hộ trùng tên Hắc cảnh, sống ở dưới chân, ăn dưới chân.
Nan Ðà! Thân thể như vậy thật đáng nhàm chán. Thân thể bằng sắc chất này thường có tám vạn hộ trùng ngày đêm ăn nuốt. Do đó, làm cho thân thể bị nóng bức, gầy ốm, mệt mỏi, đói khát. Lại nữa, trong tâm có biết bao khổ não âu sầu buồn phiền ... các bệnh hiện hữu mà không có lương y nào có thể trị liệu được.
Này Nan Ðà! Trong biển hữu lớn sinh tử có khổ não như vậy, tại sao sinh ưa thích sống trong ấy? Lại nữa sinh mạng bị các thần các bệnh nắm giữ, đó là Thiên thần, Long thần, Bát bộ và các quỷ thần cho đến Yết thát bố đơn na, hoặc bị các cầm thú quỷ quái khác nắm giữ, hoặc bị nguy ách bởi nhật nguyệt các sao. Các loại quỷ thần này gây ra bệnh hoạn, hành hạ gây khổ thân không thể nói cho hết được.
Ðức Phật bảo Nan Ðà:
- Ai đối với sinh tử lại ưa thích vào thai mẹ để chịu khổ cực vô cùng. Sinh thành như vậy, trưởng thành như vậy, uống máu sữa mẹ vọng tưởng là ngon, và uống các thứ khác dần dần trưởng thành. Giả sử thân thể được an lạc không bệnh, ăn mặc vừa ý, sống hết trăm năm, cũng đã ngủ gần một nữa đời sống. Trước tiên là trẻ sơ sinh, sau đó là đồng tử, dần dần trưởng thành bị ưu buồn khổ nạn áp bức. Vô lượng khổ não quấy nhiễu thân thể, không thể nói hết. Trong thân, khi bị các khổ không chịu nổi thì không muốn sống nữa, ý chỉ muốn chết. Thân như vậy có khổ nhiều vui ít, tuy duy trì tạm thời, nhưng chắc sẽ hoại diệt.
Này Nan Ðà! Sinh đều phải chết, không có trường tồn. Giả sử dùng thuốc, thức ăn để nuôi dưỡng mạng sống kéo dài nhiều năm, cuối cùng cũng không thể thoát khỏi bị thần chết giết hại, bỏ ra đồng trống. Vì vậy, đời sống này thật không đáng thích thú, nên chuyên cần tích tụ tư lương cho đời sau, không nên phóng dật, siêng tu tập phạm hạnh chớ nên lười biếng ; Thường nên thích thú tu tập lợi hạnh, pháp hạnh, công đức hạnh, thuần thiện hạnh. Tự thân luôn quán sát hai nghiệp thiện ác, giữ gìn tâm ý, chớ để sau này hối hận lớn. Tất cả những gì đáng ưa thích, đều phải biệt ly, tuỳ theo nghiệp thiện ác đưa đến đời sau.
Nan Ðà! Ðời sống một trăm năm, có mười giai đoạn. 1- Khi là trẻ sơ sinh nằm trong tả lót. 2- Ðồng tử thích đùa giỡn theo trẻ em. 3- Thiếu niên, cảm thọ các dục lạc. 4- Thiếu tráng mạnh khỏe sung sức. 5- Thịnh niên có trí đàm luận. 6- Ðã trưởng thành có thể suy nghĩ đúng, tính toán giỏi. 7- Tay nghề và trí thức cạn dần. 8- Tuổi già, các việc suy nhược. 9- Quá già không làm gì được. 10- Trăm tuổi là chờ chết.
Nan Ðà! Nói những giai đoạn lớn, đại khái là như vậy. Nếu tính bốn tháng là một mùa thì một trăm năm có ba trăm mùa. Mỗi mùa Xuân, Hạ, Ðông đều có một trăm lần. Một năm có mười hai tháng, tổng số tháng trong một trăm năm là một ngàn hai trăm tháng. Nếu tính theo nữa tháng thì tổng số có 2400 lần nữa tháng. Trong ba thời đều có 800 lần nữa tháng. Tổng số có ba vạn sáu ngàn ngày đêm. Mỗi ngày ăn hai lần, tổng số có bảy vạn hai ngàn lần ăn, tuy có lúc không ăn nhưng cũng nằm trong số này. Lý do không ăn có: Sân hận nên không ăn, gặp khổ nên không ăn, mong cầu nên không ăn, khi ngủ nghỉ, giữ trai giới, vui đùa cũng không ăn, bận việc nên không ăn.
Ăn hay không ăn, cộng lại có số lượng như trên, cùng với uống sửa mẹ. Ta đã nói đầy đủ về số lượng năm tháng ngày đêm ăn uống của mạng người trong một trăm năm, ngươi nên sinh tâm nhàm chán.
Nan Ðà! Như vậy từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, thân có nhiều bệnh. Ðó là: Ðầu, mắt, tai, mũi, lưỡi, răng, yết hầu, ngực, bụng, tay, chân, ghẻ, hủi, điên cuồng, phù thủng, ho hen, phong vàng, tim bị nhiệt, nhiều loại bệnh sốt rét, thân thể đau nhức.
Này Nan Ðà! Trong thân người có những bệnh khổ như vậy. Lại có 101 bệnh về phong, 101 bệnh về hoàng, 101 bệnh về đàm nhiệt, 101 các bệnh tổng hợp, gom lại có 404 bệnh sinh ra từ bên trong. Nan Ðà! Thân như vết thương bị tên bắn do các bệnh gây ra, không ngừng nghỉ trong một niệm nào cả. Thân thể là vô thường khổ không vô ngã, luôn sống chung với pháp hư hoại tử vong, nên không nên yêu mến gìn giữ.
Nan Ðà! Các chúng sinh phải bị các đau khổ trong đời sống như chặt tay chân mắt tai mũi lưỡi đầu và các chi thể, lại bị gông cùm xiềng xích đánh đập tra khảo trong ngục, đói khát làm khổ, lạnh nóng mưa tuyết, ruồi muỗi, gió bụi, mãnh thú, bị các loại độc tiếp xúc gây nhiều khổ não vô lượng vô biên, không thể nói hết được. Hữu tình thường yêu thích đắm chìm trong sự khổ đau bền vững này. Các dục làm gốc cho khổ, không biết vứt bỏ lại còn tìm cầu. Ngày đêm nung nấu áp bức làm cho thân tâm khổ não, thiêu đốt không ngừng từ bên trong. Như vậy là khổ về sinh, già, bệnh, chết, yêu không được gặp, oán ghét gặp nhau, mong cầu không được, khổ về năm thủ ấm.Trong bốn uy nghi đi đứng nằm ngồi cũng đều là khổ. Nếu thường đi, không đứng ngồi nằm thì có cảm giác khổ khó chịu. Nếu chỉ đứng không đi ngồi nằm, hay chỉ ngồi không đi đứng nằm, hay chỉ nằm không đi đứng ngồi, đều cảm thấy cực khổ không an lạc.
Nan Ðà! Những việc này đều là bỏ khổ lại cầu khổ, chỉ là sự sinh và diệt của khổ. Do nhân duyên, các hành tương tục phát sinh. Như Lai liễu tri nên giảng thuyết về pháp sinh tử của hữu tình. Các hành vô thường, không phải là cứu cánh chân thật, là pháp biến hoại không thể giữ gìn, nên cầu biết đủ, sinh tâm nhàm chán, siêng cầu giải thoát.
Nan Ðà! Hữu tình trong các nẻo thiện có sinh xứ bất tịnh khổ cực như vậy với biết bao sự dối trá không nói hết được. Huống chi nói đến các hữu tình khác như ngạ quỷ, bàng sinh, địa ngục trong ba nẻo ác, nói không thể hết những khổ sở bệnh hoạn không thể chịu nổi.
Lại nữa, này Nan Ðà! Có bốn trường hợp vào thai. Ðó là:
1- Hữu tình chánh niệm vào, chánh niệm ở, chánh niệm xuất thai.
2- Chánh niệm vào, chánh niệm ở thai, nhưng khi xuất thai không chánh niệm.
3- Chánh niệm vào thai nhưng không chánh niệm khi ở và xuất thai.
4- Cả ba giai đoạn đều không chánh niệm.
Hạng nào chánh niệm khi vào, ở và xuất? Như có một loại phàm phu hữu tình tính thích trì giới, thường tu tập thiện pháp, ưa thích thắng sự, làm các việc phước, rất khéo phòng hộ, luôn suy nghĩ chân thật, không sống phóng dật, có trí tuệ lớn, lâm chung không hối hận liền thọ sinh ngay, hoặc là bậc Dự Lưu bảy lần sinh, hoặc là bậc Gia gia, hoặc là Nhất lai, hoặc là Nhất gian. Người này trước đây nhờ tu tập thiện hạnh, khi lâm chung có bị khổ áp bức, chịu nhiều đau đớn, nhưng tâm không tán loạn, chánh niệm qua đời. Họ lại chánh niệm khi vào thai mẹ, liễu tri các pháp do nghiệp mà sinh, đều từ nhân duyên mà sinh khởi, thường cùng các bệnh làm chổ cư trú.
Nan Ðà, nên biết! Thân này là hầm chứa tất cả bất tịnh, bản chất vô thường, là vật ngu si, dối gạt người mê. Thân này nhờ bộ xương làm phần chính kết nhau, gân mạch thông đến các huyệt, mỡ thịt xương tủy ràng buộc với nhau, với lớp da che đậy ở trên nên không thấy lỗi của chúng. Trong thân thể như cái hầm nóng này, bất tịnh đầy tràn, với những tóc lông móng răng ở vị trí khác nhau, ta chấp cho đó là ngã ngã sở nên thường bị chúng lôi kéo không được tự do. Thân này thường chảy ra mũi dãi, những chất nhơ bẩn, nước vàng, đàm nóng, mỡ mồ hôi hư thối. Thận, mật, gan, phổi, ruột già, ruột non, phẫn, nước tiểu thật đáng gớm, có các loại trùng sống đầy bên trong. Lỗ trên, lỗ dưới thường chảy ra chất hôi hám. Sinh thục hai tạng được che đậy bằng da mỏng, là nơi nhà xí, ngươi nên quán sát chúng. Khi nhai thức ăn, hàm răng cắn thức ăn, thấm ướt với nước miếng, nuốt vào trong cổ họng, hoà với tủy não trôi vào trong bụng. Với bộ xương khô lớn kết nhau, vọng tưởng cho là đẹp. Thức ăn nuốt xuống dưới rốn, ói lên trên, lại nuốt xuống dưới.
Này Nan Ðà! Thân này đầu tiên từ yết la lam, át bộ đà, bế thi, kiện nam, bát la xa khư, vật ô uế bất tịnh mà được sinh trưởng. Từ lúc sơ sinh chuyển dần đến già chết, bị trói buộc trong luân hồi, như trong hầm tối đen, giếng hôi thối, thường được nuôi dưỡng bằng thức ăn với các vị mặn nhạt đắng cay chua. Lại nữa, sức nóng trong thai mẹ thiêu đốt thân căn thai nhi, trong nồi bất tịnh thường bị khổ nóng. Khi mẹ đi đứng ngồi nằm, thai nhi như bị năm chỗ trói, như nướng trên lửa, thật khó chịu nổi, không ví dụ được.
Nan Ðà! Thai nhi tuy ở trong hầm phẩn nhơ như vậy, bị nhiều đau khổ, nếu do lợi căn, thì tâm không tán loạn. Lại có một loại hữu tình bạc phước, nằm ngang hay ngược trong thai mẹ, vì do sức nghiệp đời trước đã tạo, hoặc do mẹ ăn các thúc ăn lạnh nóng mặn chua ngọt cay đắng, không điều hòa, hoặc uống nước quá nhiều, hoặc hành dâm quá nhiều, hoặc nhiều tật bệnh, hoặc nhiều sầu não, hoặc khi bị té ngã, hoặc bị đánh, nên thân thể mẹ bị nóng sốt. Do thân mẹ bị sốt nên thai cũng nóng theo, và chịu nhiều khổ não vì nóng. Thai nhi bị khổ nên chuyển động, nên thân nằm ngang không thể ra ngoài. Như có người phụ nữ giỏi biết cách, dùng bơ dầu thoa vào tay đưa vào lỗ nhơ bẩn kia, nhẹ nhàng xếp thai về vị trí cũ. Khi tiếp xúc với tay người, thai nhi bị rất đau đớn.
Nan Ðà! Ví như với em bé nam hay nữ, bị người dùng dao bén cắt xẻ da thịt rồi rắc tro lên nên rất khổ não ; Thai nhi khổ sở cũng như vậy. Tuy bị đau khổ này, nhưng do lợi căn nên thai nhi chánh niệm không tán loạn.
Nan Ðà! Ở trong bụng mẹ, thai nhi này chịu khổ cực như vậy. Khi sắp sinh, thai ra khỏi mẹ rất khổ cực, do gió nghiệp của nó làm cho tay nắm lại, các chi thể cuộn lại rất đau đớn. Khi sắp ra khỏi thai mẹ, thân thai nhi bị sưng tái xanh, như bị ung nhọt sưng lên không thể chạm vào, bị đói khát hành hạ, nóng bức trói tâm. Do nhân duyên của nghiệp, thai nhi bị gió đẩy ra, khi đã ra rồi bị gió bên ngoài chạm vào thân như bôi tro vào vết thương. Tay và áo chạm nhau, đều bị đau khổ. Tuy bị khổ này, nhưng là hạng lợïi căn bậc thượng nên chánh niệm không tán loạn. Trong bụng mẹ, hữu tình khi vào, trú, xuất thai đều bị khổ. Nan Ðà! Ai lại ưa thích vào trong thai như vậy?
Nan Ðà! Hạng nào chánh niệm khi vào, khi trú nhưng không chánh niệm khi xuất thai? Có một loại hữu tình, tính thích trì giới tu tập thiện pháp, thường vì thắng sự làm các việc phước. Tâm họ chất trực, không làm việc phóng dật, có ít trí tuệ, khi lâm chung không hối hận, hoặc là bậc Thất sinh Dự lưu, hoặc là bậc Gia gia, hoặc là Nhất lai, hoặc là Nhất gian. Người này trước đó có tu tập thiện hạnh, khi lâm chung tuy có bị khổ hành hạ, chịu nhiều phiền não, nhưng tâm không tán loạn, khi tái sinh vẫn chánh niệm vào thai mẹ, rõ biết các pháp do nghiệp mà sinh, đều sinh khởi từ nhân duyên ... như trước ... cho đến khi xuất thai tuy chịu nhiều khổ sở nhưng là hạng lợi căn bậc trung nên nhập và trú thai chánh niệm, xuất thai không chánh niệm ... nói rộng như trên, cho đến ai lại ưa thích vào trong thai mẹ.
Nan Ðà! Hạng nào chánh niệm vào thai nhưng không chánh niệm khi trụ và xuất?
Nan Ðà! Có một hạng hữu tình phàm phu, tính trì giới tu tập thiện pháp, thường vì thắng sự làm các việc phước ... như trên ... cho đến lâm chung không hối hận, hoặc là Thất sinh Dự lưu ... khi lâm chung vẫn bị các khổ hành hạ, tuy bị thống khổ nhưng tâm không tán loạn, chánh niệm tái sinh ngay vào thai mẹ. Do là hạng lợi căn bậc hạ nên khi vào thai mẹ thì biết nhưng khi trụ, xuất thì không biết, nói rộng như trên ... cho đến ai muốn vào thai như vậy?
Nan Ðà! Hạng nào khi vào, trụ, xuất thai đều không chánh niệm? Có một hạng hữu tình phàm phu ưa hủy tịnh giới không tu tập thiện pháp thường vì việc ác làm các pháp ác, tâm không chân thật, thường hành động phóng dật, không có trí tuệ, tham lam tài sản, tay thường nắm của cải lại không thả ra để đem cho người khác, luôn luôn hy vọng, tâm ý rối ren, thấy và làm điên đảo. Khi lâm chung, họ hối hận, các nghiệp không thiện đều hiện ra hết, lúc chết rất đau đớn bị thống khổ hành hạ, tâm ý tán loạn, vì các khổ não nên không tự nhớ biết ta là ai, từ đâu đến đây và đang đi về đâu. Nan Ðà! Ðó là không chánh niệm cả trong ba giai đoạn, nói rộng như trên.
Nan Ðà! Những hữu tình này sinh trong loài người, tuy có vô số khổ não như vậy, nhưng đó là chỗ thắng xứ, trong vô lượng trăm ngàn cu đê kiếp khó được làm thân người. Nếu sinh lên trời, thường sợ rơi vào khổ yêu thương phải xa lìa. Khi sắp qua đời, các vị thiên khác bảo: - Cầu cho bạn được sinh vào thiện xứ trong thế gian.
Thiện xứ trong thế gian là gì? Ðó là cõi trời người. Thân người khó được, xa lìa các nạn xứ lại càng khó hơn. Thế nào là đường ác? Có ba đường ác là: Ðường địa ngục thường bị khổ khốc liệt, không vừa ý, khổ sở ghê gớm không thể ví dụ được. Ðường ngạ quỷ, tính tình nhiều sân hận, không có tâm nhu hòa, dối trá sát hại nhau tay bôi đầy máu, không có tâm từ. Hình dáng chúng xấu xí, ai thấy cũng sợ hãi. Giả sử gần với người thì bị chướng ngại bởi khổ luôn luôn đói khát. Loài bàng sinh có nhiều vô lượng vô biên, làm việc vô nghĩa, việc vô phước, việc phi pháp, việc bất thiện, việc dối trá, ăn nuốt lẫn nhau, lớn lấn hiếp bé. Có những loại bàng sinh từ khi sinh ra, lớn lên và chết đi đều sống trong chổ tối tăm bất tịnh phẩn tiểu nhơ bẩn, hoặc có thấy ánh sáng trong thời gian ngắn như các loại ong, bướm, ruồi, muỗi, bọ chét, rận, giòi ... Ngoài ra còn có vô lượng vô biên loại sinh trưởng luôn luôn trong tối tăm, do đời trước họ là kẻ ngu si, không nghe kinh pháp, buông lung thân miệng và ý, tham đắm năm dục gây các việc ác, sinh trong loại này chịu khổ ngu mê.
Nan Ðà! Lại có vô lượng vô biên hữu tình bàng sinh, sinh và lớn lên trong nước. Ðó là: Cá, ba ba, rùa, trạnh, lươn, đỉa, trai, nghêu, ễnh-ương. Do đời trước, thân miệng ý gây ác ... như nói ở trước. Này Nan Ðà, lại có vô lượng vô biên hữu tình bàng sinh, nghe mùi phân, nước tiểu, vội đến chỗ ấy để ăn uống. Ðó là các loại cầm thú như: heo, dê, gà, chó, cáo, hạc, điêu, kên kên, quạ, ruồi, bọ hung. Chúng đều do nghiệp ác đời trước đã tạo, nay nhận lấy quả báo này.
Nan Ðà! Lại có vô lượng vô biên các loại bàng sinh thường lấy cỏ cây, các loại bất tịnh làm thức ăn, như voi, ngựa, lạc đà, bò, lừa, la ... cho đến qua đời đều do ác nghiệp trước đây nên chịu quả báo này. Lại nữa, này Nan Ðà! Khổ thay, đau đớn thay sự sinh tử trong biển hữu với lửa cháy rực rỡ rất nóng bức, không một chúng sinh nào chẳng bị thiêu đốt. Ðây đều do lửa ở mắt tai mũi lưỡi thân ý bốc cháy rực rỡ vì tham cầu cảnh sắc thanh hương vị xúc pháp ở trước.
Nan Ðà! Vì sao gọi là lửa bốc cháy rực rỡ? Ðó là lửa tham sân si, lửa sinh lão bệnh tử, lửa ưu bi khổ não độc hại, thường tự thiêu đốt không ai thoát khỏi cả.
Nan Ðà! Người biếng nhác chịu nhiều thống khổ, phiền não trói buộc, làm theo pháp ác, luân hồi không ngừng, sinh tử mãi mãi. Người tinh tấn được nhiều an lạc, phát tâm dũng mãnh, đoạn trừ phiền não, tu tập thiện pháp, không lúc nào rời bỏ việc thiện. Thế nên, ngươi hãy quán sát thân này, không bao lâu nữa da thịt gân cốt máu mạch tủy sẽ tan rã, nên thường nhất tâm chớ nên biếng nhác, chưa chứng ngộ cầu chứng ngộ, nên học như vậy.
Nan Ðà! Ta không tranh luận với thế gian, nhưng thế gian cố tranh luận với Ta. Vì sao? Những người biết pháp không tranh luận với người khác, đã thoát ly ngã và ngã sở vậy tranh luận vì ai? Người không có kiến giải nên sinh ra chấp trước sai lầm. Ta chứng Chánh Giác nên tuyên bố như vậy vì Ta đã liễu tri tất cả các pháp. Nan Ðà! lời Ta nói có sai khác không?
Nan Ðà thưa:
- Bạch Thế Tôn! Không! Lời đức Như Lai dạy không sai.
Phật dạy:
- Lành thay! Lành thay! Nan Ðà! Lời nói của Như Lai chắc chắn không sai. Lời nói của Như Lai là lời nói đúng, nói thật, nói chính xác, nói không sai khác, nói không dối trá, muốn làm cho thế gian mãi mãi an lạc được thắng lợi lớn. Ta là bậc Tri đạo, bậc Thức đạo, bậc Thuyết đạo, bậc Khai đạo, bậc Ðại đạo sư, là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Người đời không biết, không tin, nên thường làm nô lệ cho các căn, chỉ thấy trong phạm vi bàn tay chứ không xét đến lợi ích lớn, không sửa việc dễ, thích làm việc khó.
Nan Ðà! Tạm gác cảnh giới trí tuệ này qua một bên, ngươi hãy dùng cái thấy của mắt thịt mà quán sát, biết rõ sự thấy đều là hư vọng, thì được giải thoát.
Nan Ðà! Ngươi chớ tin theo cá nhân Ta, chớ tùy theo theo ý muốn của Ta, chớ y theo lời Ta nói, chớ nhớ đến hình tướng của Ta, chớ lệ thuộc theo kiến giải của Sa-môn, chớ sinh cung kính vì là Sa-môn, chẳng cần nói rằng Sa-môn Kiều Ðáp Ma là đại sư của tôi, nhưng chỉ cần đối với pháp mà Ta đã chứng đắc, ở riêng nơi chỗ vắng, tư duy quán sát, thường xuyên tu tập, tùy theo sự dụng tâm đối với pháp cần quán sát, quán tưởng thành tựu pháp ấy, sống trong chánh niệm, tự mình làm hòn đảo cho mình, tự mình làm chỗ quy y cho mình, lấy pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm chỗ quy y, không có dựa vào hòn đảo hay chỗ quy y nào khác.
Như vậy, này Nan Ðà! Nếu có Bí-sô nào tự quán sát trong thân, tinh cần hệ niệm được chánh giải thoát, đối với các sân não trong thế gian, thường tư duy điều phục. Ðó là quán sát khổ trong nội thân, quán ngoại thân, quán nội ngoại thân cũng như vậy. Thứ đến quán tập pháp trong thân, quán diệt pháp trong thân. Thứ đến quán sát tập diệt hai pháp trong thân, tức luôn chánh niệm ngay trong thân này, hoặc chỉ với trí, hoặc chỉ với kiến, hoặc chỉ với niệm, không trụ vào nơi nào cả, đối với thế gian này biết rõ không thể chấp thủ.
Như vậy, này Nan Ðà! Ðó là Bí-sô tự mình sống quán trên nội thân, quán trên ngoại thân, trên nội ngoại thân cũng vậy. Thứ đến tự mình sống quán trên nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ. Tự mình sống quán trên nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm. Tự mình sống quán trên nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp, tinh cần hệ niệm đắc chánh giải thoát. Ðối với các sân hận phiền não trong thế gian, thường tư duy điều phục, sống quán sát trên tập pháp, quán sát trên diệt pháp.
Lại nữa, sống quán pháp trên hai pháp tập và diệt, ngay trên thân này luôn luôn chánh niệm hoặc chỉ có trí, hoặc chỉ có kiến, hoặc chỉ có niệm, đối với những gì ở thế gian biết rõ không thể chấp thủ.
Như vậy, này Nan Ðà! Ðó là Bí-sô tự mình làm hòn đảo, tự mình làm chỗ quy y cho mình, lấy chánh pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm chỗ quy y cho mình, không có hòn đảo khác, không quy y chỗ khác. Này Nan Ðà! Có bậc trượng phu nào bẩm tánh chất trực, xa lìa dối trá, vào sáng sớm đến gặp Ta, Ta sẽ tùy theo căn cơ, chỉ dạy giáo pháp. Vào buổi chiều, vị ấy tự trình bày sở đắc. Ðược dạy vào buổi chiều, vị ấy trình bày sở đắc vào buổi sáng sau.
Nan Ðà! Thiện pháp của Ta đưa đến chứng ngộ trong hiện tại, trừ diệt phiền não, khéo thích ứng thời cơ, phương pháp thuận tiện, là pháp tự giác, được che chở hoàn toàn, tự mình đến nghe pháp của Ta thuyết, thuận với tịch tịnh, có thể đưa đến Bồ Ðề, là chỗ hiểu biết của Ta. Thế nên, thấy pháp nào có tự lợi, có tha lợi và có lợi cho cả hai, đối với những pháp ấy ông hãy thường tu học, đối với pháp xuất gia phải cẩn thận hành trì chớ để đời sống trôi qua một cách trống rỗng, phải đạt được thắng quả vô vi an lạc, nhận các vật cúng dường như thức ăn, y phục, đồ nằm, thuốc thang ... của người khác phải làm cho thí chủ được phước lợi lớn, chứng đắc thắng quả tôn quý to lớn.
Này Nan Ðà, cần phải học như vậy.Lại nữa, này Nan Ðà! Có một sắc nào đáng ưa thích mà sau đó không bị tan hoại, việc ấy không có; không sinh ưu buồn phiền não là không có.
Nan Ðà! Ông nghĩ thế nào? Sắc này là thường hay vô thường?
- Bạch Thế Tôn! Thể của sắc là vô thường.
- Nan Ðà! Thể đã vô thường vậy có khổ không?
- Bạch Thế Tôn! Là khổ.
- Nếu vô thường khổ là pháp biến hoại, các chúng thánh đệ tử đa văn của ta có cho sắc là ngã, ngã có các sắc, sắc thuộc ngã, ngã trong sắc không?
- Bạch Thế Tôn! Không.
- Ý ông nghĩ sao! Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?
- Bạch Thế Tôn! Chúng đều là vô thường.
- Này Nan Ðà! Bản chất là vô thường vậy có khổ không?
- Bạch Thế Tôn! Là khổ.
- Nếu vô thường khổ là pháp thay đổi, chúng Thánh đệ tử đa văn của Ta có cho thọ ... là ngã, ngã có thọ ..., thọ ... thuộc ngã, ngã trong thọ ... không?
- Bạch Thế Tôn! Không.
- Thế nên biết rằng phàm là các sắc ở quá khứ, vị lai, hiện tại, trong, ngoài, thô, tế, thắng, kém, xa, gần, các sắc ấy đều không phải là ngã, ngã không có sắc, sắc không thuộc ngã, ngã không ở trong sắc. Như vậy, cần phải dùng chánh niệm, chánh tuệ mà quán sát kỹ. Thọ, tưởng, hành, thức ở quá khứ, vị lai, hiện tại, trong, ngoài, thô, tế, thắng, kém, xa, gần, đều không phải là ngã, ngã cũng chẳng phải là chúng, ngã cũng không ở trong chúng. Như vậy nên dùng chánh niệm chánh tuệ mà quán sát kỹ.
Nếu chúng đa văn Thánh đệ tử của Ta quán sát như vậy thì nhàm chán với sắc, nhàm chán với thọ, tưởng, hành, thức. Nếu đã nhàm chán thì không còn đắm nhiễm, không đắm nhiễm thì giải thoát, đã giải thoát thì tự biết giải thoát, tuyên bố: Ta sinh đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không nhận nghiệp nữa.
Khi Thế Tôn thuyết pháp này xong, Cụ thọ Nan Ðà viễn ly trần cấu đắc pháp nhãn tịnh. Năm trăm Bí-sô đối với các hữu lậu, tâm được giải thoát.Thế Tôn lại nói kệ bảo Nan Ðà:
Người nào tâm không định
Thì trí không thanh tịnh
Không thể trừ các lậu
Vậy ngươi hãy cần tu
Ngươi thường tu diệu quán
Biết các uẩn sinh diệt
Thì thanh tịnh viên mãn
Chư thiên đều vui mừng
Thân hữu cùng hoan hỷ
Qua lại thương mến nhau
Kẻ tham danh, háo lợi
Nan Ðà! Hãy tránh xa
Chớ thân cận tại gia
Nên gần với xuất gia
Niệm tạo biển sinh tử
Cùng tận đến bờ khổ
Ðầu tiên yết la lam
Thổi thành miếng thịt phồng
Thịt phồng sinh bế thi
Bế thi sinh kiện nam
Kiện nam chuyển biến dần
Sinh đầu và bốn chi
Các xương hợp thành thân
Hiện hữu đều do nghiệp
Xương đầu có chín miếng
Kiên kết hai xương cằm
Răng có ba mưoi hai
Các căn cũng như vậy
Nhãn căn và xương cổ
Xương răng và sống mũi
Ngực ức và yết hầu
Gồm có mười hai xương
Hố mắt có bốn xương
Xương vai cũng hai cặp
Hai tay các ngón tay
Tổng số năm mươi xương
Sau cổ có tám xương
Xương sống ba mươi hai
Từ gốc này có thêm
Số phụ bốn mươi tám
Xương sườn phải liền nhau
Số lượng có mười ba
Xương sườn trái liền nhau
Số lượng cũng mười ba
Những xương này liền nhau
Ba liên kết với ba
Hai cái móc với hai
Ngoài ra không liên tục
Hai chân trái và phải
Hợp lại năm mươi xương
Cộng ba trăm mười sáu
Phân bố giữ trong thân
Xương cốt móc giữ nhau
Hợp thành thân chúng sinh
Nói rõ thật như vậy
Hiểu biết của Chánh giác
Từ đầu xuống đến chân
Uế tạp, rất mong manh
Cộng lại thành thân này
Nguy hiểm như nhà cỏ
Chỉ có xương chống đỡ
Máu thịt phủ bên ngoài
Như người máy bằng gỗ
Cũng như tượng huyễn hóa
Nên quán sát thân này
Gân mạch quấn lấy nhau
Che phủ bằng da ướt
Chín nơi cửa lở lói
Thường xuyên chảy tuôn ra
Phẩn tiểu các bất tịnh
Ví như kho, bồ lúa
Ðựng đầy những ngũ cốc
Thân này cũng như vậy
Ðầy tạp uế bên trong
Cơ quan xương vận động
Nguy ách không chắc chắn
Kẻ ngu thường yêu mến
Bậc trí không đắm nhiễm
Ðờm dãi nhớt thường chảy
Máu mủ luôn tràn đầy
Mỡ vàng lẫn nhũ trấp
Não chứa đầy đầu lâu
Ngực, cách mô mủ nóng
Trong có sinh, thục tạng
Cao mỡ và bì mô
Ruột bao tử, ngũ tạng
Trong chứa chung những vật
Hư nát và bất tịnh
Thân tội này đáng sợ
Ðây chính là oán gia
Kẻ không hiểu, tham dục
Ngu si thường bảo hộ
Thân xú uế thế này
Như thành quách hư nát
Ngày đêm phiền não ép
Thay đổi mãi không ngừng
Thành thân, xương là tường
Tô trát bằng máu thịt
Tô vẽ tham sân si
Trang trí theo từng chổ
Thành thân thật đáng chán
Xương máu thịt hợp thành
Thường bị ác tri thức
Khổ trong ngoài nung nấu
Nan Ðà! Ngươi nên biết
Như lời Ta dạy bảo
Ghi nhớ suốt ngày đêm
Chớ nghĩ đến cảnh dục
Ai muốn xa lìa dục
Thường tác như thị quán
Siêng cầu cảnh giải thoát
Mau vượt biển sinh tử.
Khi Thế Tôn thuyết kinh Nhập Thai này xong, Cụ thọ Nan Ðà và năm trăm Bí-sô đều rất hoan hỷ tin thọ phụng hành.
Bí-sô Nan Ðà vượt biển sinh tử, thoát chỗ hiểm nạn, đến chỗ an ổn cứu cánh Niết bàn, chứng quả A-la-hán, hoan hỷ tự nói kệ mừng:
Kính dâng vật tắm rửa
Nước sạch và hương thơm
Và tu các nhân phước
Ðược quả thù thắng này.
Khi nghe nói như vậy, các Bí-sô đều nghi ngờ và muốn hết nghi ngờ nên thưa với đấng Ðại Sư:
- Bạch Ðại Ðức! Bí-sô Nan Ðà trước đây đã làm nghiệp gì mà do nghiệp ấy nên nay được thân sắc vàng, đủ ba mươi tướng tốt trang nghiêm, chỉ thấp hơn Thế Tôn bốn ngón tay, lại rất luyến ái cảnh dâm dục, được Ðại Sư thương xót cứu thoát khỏi biển sinh tử đưa an toàn đến nơi Niết bàn cứu cánh, cầu mong Ngài dạy cho.Phật bảo các Bí-sô:
- Những nghiệp mà Bí-sô Nan Ðà đã làm trước đây, nay đều đã thành thục và biểu hiện ra, ...nói rộng như trên ...
Thế Tôn nói kệ:
Giả sử qua trăm kiếp
Nghiệp đã làm không mất
Khi nhân duyên gặp nhau
Tự nhận lại quả báo.
Này các Bí-sô, thời quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp, khi loài người sống tám vạn tuổi, có đức Phật Tỳ Bát Thi Như Lai Ứng Cúng Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện trong thế gian, cùng saú vạn hai ngàn Bí-sô du hành trong nhân gian đến kinh đô của vua là thành Thân Tuệ và vào trú ở rừng Thân Tuệ.
Bấy giờ, đức Thế Tôn ấy có người em khác mẹ rất tham đắm cảnh dâm dục. Ðức Tỳ Bát Thi Như Lai Ứng Cúng Chánh Ðẳng Giác khuyến khích vị ấy xuất gia để thoát khỏi biển sinh tử, dùng phương tiện đưa đến cứu cánh Niết bàn. Khi ấy, quốc vương hiệu là Hữu Thân, dùng pháp trị đời, nhân dân phồn thịnh giàu có an lạc, không có dối trá trộm cướp bệnh tật, bò dê lúa mía sung mãn trong nước. Vua có người em khác mẹ tham đắm dâm dục. Nghe Phật và chúng Tăng đang ở rừng Thân Tuệ, vua đưa vương tử, thị vệ, đại thần, và cung nữ, nhân dân cùng nhau đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, ngồi qua một bên. Khi ấy, Phật thuyết pháp cho đoàn người của vua, tuyên dương diệu pháp, chỉ dạy làm cho lợïi ích hoan hỷ, được hiểu biết thù thắng. Người em đam mê dâm dục kia không chịu ra khỏi thành. Khi ấy, con của đại thần và các bạn quen khác đã được phủi bụi trần đến bảo:
- Bạn biết không, vua cùng vương tử cùng các đại thần cung nhân đến gặp Phật Tỳ Bát Thi để lễ kính, nghe và nhận diệu pháp được hiểu biết thù thắng, thân người khó được, bạn đã được thân người vì sao đến nay vẫn tham đắm dâm dục không chịu ra khỏi cửa.
Nghe trách như vậy, vị ấy xấu hổ, miễn cưỡng cùng đi với bạn. Khi vị Bí-sô em của Phật thấy một nhóm người cùng nhau đi đến, hỏi:
- Vì sao các vị cùng đưa một người bạn đi? Ðồng bọn của họ thưa lại sự việc như trên.
Bí-sô nói:
- Ta là em của Phật, khi còn ở nhà rất tham đắm việc dâm dục, may mắn được đức Ðại Sư bắt ép xuất gia, an ổn tiến tới cứu cánh Niết bàn, lại có kẻ ngu si giống ta như vậy. Các vị từ bi cùng nhau lôi anh ta đi thật là việc tốt. Hãy đi gặp bậc Vô thượng Ðại sư, đến gặp được Phật tất có lòng tin sâu xa.
Bấy giờ, vương đệ theo cùng bạn đến gặp Phật. Ðức Phật quán sát căn cơ dục tính của anh ta mà thuyết pháp. Sau khi nghe pháp, anh ta có lòng tin sâu xa, rời chổ ngồi đứng dậy, bày vai bên phải, chắp tay hướng về đức Phật bạch:
- Thế Tôn! Cầu mong Ðại sư và các thánh chúng ngày mai đến nhà con tắm rửa trong phòng nước ấm.
Ðức Phật im lặng nhận lời. Biết Phật đã nhận lời, anh ta lạy sát dưới hai chân Phật từ giả ra về. Ðến gặp nhà vua, anh ta cung kính tâu:
- Ðại vương! Thần đến gặp đức Phật nghe pháp sinh lòng tin, nên nhàm chán với cảnh dâm dục, phụng thỉnh Phật và chư tăng ngày mai đến nhà thần tắm rửa trong phòng nước ấm. Ðức đại sư Như Lai đã từ bi nhận lời. Phật là Bậc mà người trời nên cúng dường, xin vua hãy quét dọn đường xá, trang hoàng thành quách.
Sau khi suy nghĩ: "Ðức Phật vào thành, ta phải trang hoàng, nhưng việc em ta tham dục khó can ngăn, nay được Phật điều phục được, thật là kỳ lạ ", nhà vua đáp:
- Rất tốt! Em hãy đi sửa soạn nơi tắm rửa và các vật cần dùng, ta sẽ tùy sức trang hoàng thành phố.
Người em rất vui mừng, từ giả anh ra đi. Vua bảo các đại thần:
- Hãy truyền lệnh khắp nhân dân, sáng mai Thế Tôn sẽ vào thành, những người đã sống trong thành hay những người từ xa đến, mọi người đều tùy theo khả năng của mình trang hoàng thành phố quét dọn đường xá, đem hương hoa nghênh đón đức Ðại sư vào.
Các quan tuân mệnh vua truyền khắp nơi sắc lệnh của vua. Bấy giờ, nhân dân trong thành dọn sạch gạch đá, rưới nước thơm khắp nơi, đốt hương thơm, treo cờ lọng, rãi hoa cúng dường như trong vười Hoan hỷ của Thiên Ðế Thích. Khi ấy, người em vua, sửa soạn nước thơm và dầu thơm, trang hoàng phòng tắm, bố trí ổn định giường chỗ ngồi. Khi Phật Tỳ Bát Thi sắp vào thành, nhà vua cùng các quan, thái tử, hậu phi, cung nhân, thể nữ, và mọi người cùng ra nghênh đón vói lạy dưới chân Phật, rước vào thành. Khi em vua đưa Phật Thế Tôn vào trong phòng tắm, dâng đầy đủ nước thơm ... để tắm rửa, thấy thân Phật Thế Tôn màu vàng kim trang nghiêm với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, nên hoan hỷ phát sinh lòng tin sâu xa. Sau khi tắm, thấy đức Phật mặc y phục xong, em vua lạy sát chân đức Phật, phát nguyện:
- Nay con may mắn được gặp bậc phước điền vô thượng, tự thân cúng dường chút ít, nguyện nhờ nhân thiện này trong đời vị lai được thân thề màu vàng kim giống như đức Phật. Như em của Thế Tôn rất tham đắm đối với cảnh dục, nhưng được cứu thoát ra khỏi, đạt đến an ổn cứu cánh Niết-bàn, con nguyện trong đời tương lai được làm em của Phật, có thân thể màu vàng kim như vậy. Khi con bị chìm đắm trong cảnh dục, cố kéo con thoát ra khỏi sông ái nhiễm sâu thẳm, đạt đến nơi Niết bàn an ổn.
Này các Bí-sô chớ suy nghĩ khác, người em say đắm dục lạc của vua Thân Tuệ, nay tức là Bí-sô Nan Ðà. Do đời trước có thỉnh đức Phật Tỳ Bát Thi tắm rửa nước thơm trong phòng tắm, tịnh tâm phát nguyện gây thiện nhân kia, nay được làm em của Phật với thân màu vàng kim. Ta kéo ra khỏi cảnh tham mê dâm dục, giúp cho bỏ thế tục xuất gia, đạt đến chổ an ổn cứu cánh Niết bàn.
Khi ấy, các Bí-sô lại có nghi khác, thưa Thế Tôn:
- Ðại Ðức! Bí-sô Nan Ðà từng làm nghiệp gì mà nay được thân ba mươi tướng đại trượng phu?
Phật bảo:
- Này các Bí-sô, nghiệp vị ấy đã tạo ... như trước. Vào thời quá khứ, trong tụ lạc kia, có một trưởng giả giàu có nhiều tài sản sinh hoạt sung túc. Ông ta có một khu vườn hoa trái sum xuê suối chảy hồ nước rừng cây um tùm rất thích hợp cho người xuất gia trú ẩn. Bấy giờ, có vị Ðộc Giác xuất hiện trong thế gian, thương xót chúng sinh nên thích sống nơi nhàn tịnh. Khi thế gian không có Phật toàn giác, vị ấy là phước điền. Có một Tôn giả Ðộc Giác du hành trong nhân gian đến tụ lạc ấy, xem xét khắp nơi và trú lại vườn. Người giữ vườn thấy Tôn giả này, thưa:
- Lành thay! Ngài mới đến, xin nghỉ ngơi cho khoẻ.
Ban đêm, Tôn giả ấy trú lại đây, nhập định Hỏa quang. Thấy vậy, người giữ vườn suy nghĩ: "Ðại đức này đã thành tựu thắng hạnh như vậy ".
Ngay trong đêm ấy, ông ta đến nhà người chủ thưa:
- Ðại gia! Ngay bây giờ, ngài hãy phát tâm hoan hỷ. Trong vườn hoa có một vị đại đức đến nghỉ qua đêm, thành tựu diệu hạnh đầy đủ thần thông, chiếu ánh sáng lớn soi sáng khắp vườn.
Nghe nói xong, trưởng giả vội đến khu vườn, lạy sát dưới chân vị Ðộc Giác thưa:
- Thánh giả! Nếu Ngài cần thức ăn, con xin được làm phước, mong ngài trú lại vườn này để con được cúng dường thức ăn.
Thấy người này ân cần nên vị Ðộc Giác nhận lời, trú ở vườn này nhập thiền định thắng diệu, hưởng an lạc giải thoát. Vị này suy nghĩ: "Thân hôi hám của ta luân hồi sinh tử, việc cần làm ta đã làm xong, nên vào viên tịch vĩnh viễn không còn sinh tử nữa ".
Sau khi suy nghĩ như vậy, vị ấy bay lên hư không nhập định Hỏa quang, hiện các thần biến, phóng ánh sáng lớn, trên rực đỏ như đuốc, dưới tuôn nước trong. Sau khi xả thân, thần thức bất sinh, vĩnh viễn chứng vào cảnh giới vi diệu vô dư Niết bàn. Khi ấy, trưởng giả dùng gỗ thơm hỏa thiêu nhục thân vị Ðộc Giác và dùng sửa rưới tắt lửa, thu lấy xá lợi đặt vào bình mới, xây tháp và treo các cờ lọng, với tâm kính tín dùng ba mươi loại nước thơm để rưới cúng dường và phát đại nguyện cầu mong được các tướng đẹp.
- Này các Bí-sô chớ nghi ngờ, trưởng giả ngày xưa nay là Nan Ðà. Do tạo nghiệp kính tín cúng dường việc thắng diệu, nay được quả báo có ba mươi tướng đẹp đặc biệt.
Khi ấy, các Bí-sô lại có nghi ngờ, thưa hỏi với Thế Tôn:
- Ðại Ðức! Bí-sô Nan Ðà đã làm nghiệp gì mà nếu không bỏ tục xuất gia, tất thừa kế ngôi vị lực luân vương?
Phật bảo các Bí-sô:
- Nghiệp mà Nan Ðà đã làm trước đây, khi quả báo chín mùi, tất tự thụ hưởng như nói ở trước. Thời quá khứ, trong Hiền kiếp này, khi loài người thọ hai vạn tuổi, có đức Phật Ca Nhiếp Ba xuất hiện trong thế gian đầy đủ mười hiệu, trú ở vườn Thi Lộc, Tiên nhân đọa xứ, thuộc Ba La Nại Tư. Trong thành có vua tên Ngật Lật Chỉ là bậc Ðại Pháp vương dùng pháp trị dân ... như trên. Vua có ba người con là lớn, giữa và bé. Sau khi việc hóa độ đã viên mãn, Phật Ca Nhiếp Ba nhập Niết bàn như lửa tắt. Với tâm kính tín, nhà vua thỉnh nhục thân của Phật, dùng các loại gỗ thơm như chiên đàn, trầm thuỷ, hải ngạn, ngưu đầu, thiên mộc ... hỏa thiêu và dùng sửa rưới tắt, thu xá lợi đặt trong bình báu bằng vàng, xây tháp lớn bằng bảy báu, ngang dọc bằng một du thiện na, cao nữa du thiện na. Khi an trí tướng pháp luân, người con giữa của vua đích thân dựng lọng giữa lên.
- Này các Bí-sô! Chớ có nghi ngờ, người con giữa của vua nay là Nan Ðà. Trong thời quá khứ kính tâm cúng dường an trí lọng giữa, nhờ thiện nghiệp này nên trong năm trăm đời thường làm vua Lực Luân vương cai trị trong một châu. Trong đời sống này, nếu không xuất gia, tất làm vị Lực Luân vương có thế lực lớn.
Khi ấy, các Bí-sô lại có nghi khác, thưa hỏi Thế Tôn:
- Ðại Ðức! Bí-sô Nan Ðà từng làm nghiệp gì mà nay là vị đệ tử số một của Phật về mặt phòng hộ căn môn?
Phật dạy:
- Ðây do nghiệp lực. Trong thời Phật Ca Nhiếp Ba, Nan Ðà bỏ tục xuất gia. Thân giáo sư của vị ấy được khen là bậc đệ nhất về giỏi phòng hộ căn môn. Vị ấy trọn đời giữ gìn phạm hạnh, nhưng ngay trong đời ấy không chứng ngộ. Khi lâm chung, vị ấy phát nguyện: "Ta sống trong giáo pháp của Phật, trọn đời tự giữ gìn phạm hạnh, nhưng ngay thân này không chứng ngộ. Nguyện đem thiện căn tu tập này được Phật Th? Tôn này thọ ký trong đời vị lai sẽ có đồng tử thành chánh giác hiệu Thích Ca Mâu Ny, ta được bỏ tục xuất gia trong giáo pháp đức Phật ấy, đoạn trừ các phiền não, chứng quả A-la-hán. Thân giáo sư của ta là bậc đệ nhất phòng hộ căn môn trong giáo pháp đức Phật. Cũng như vậy, trong giáo pháp đức Phật kia, ta là bậc khéo hộ trì căn môn đệ nhất ". Do nguyện lực kia nên nay trong giáo pháp của Ta, vị ấy là bậc khéo hộ trì căn môn đệ nhất trong chúng đệ tử.
Như vậy, này các Bí-sô! Nếu nghiệp thuần đen chịu quả báo thuần đen, nghiệp thuần trắng hưởng quả báo thuần trắng, nghiệp xen tạp nhận quả báo xen tạp. Thế nên, các thầy nên xa lìa nghiệp đen và nghiệp tạp, tu tập nghiệp thuần trắng, nên tu tập như vậy. CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
TỲ-NẠI-DA TẠP-SỰ
Quyển thứ mười hai hết.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.145.168 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.