Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Thiện Kiến Luật Tì Bà Sa [善見律毘婆沙] »» Bản Việt dịch quyển số 16 »»

Thiện Kiến Luật Tì Bà Sa [善見律毘婆沙] »» Bản Việt dịch quyển số 16

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.73 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.91 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luật Thiện Kiến Tì Bà Sa

Kinh này có 18 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 |
Việt dịch: Thích Tâm Hạnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Xin nói về nguồn gốc của Bàn-Ðà (Panthata).
Bàn-Ðà, Hán dịch là sinh bên đường. Tại sao? Mẹ của Bàn-Ðà đã vốn là con gái đại trưởng giả. Chỉ có một cô gái này nên trưởng giả xây lầu bảy tầng và để cô gái ở đó với con một người nô tỳ để phục vụ. Người (con) nô tỳ lớn lên tư thông cùng cô gái này. Cô ta bàn tính cùng chàng trai kia rằng em cùng anh trốn sang nước khác. Ðược hỏi ba lần đến như vậy, chàng trai đáp rằng không thể đi được.
Cô gái bảo: Nếu chàng không đi, khi cha mẹ biết chuyện sẽ giết anh.
Chàng nô tỳ đáp: Nếu đi đến xứ khác, tôi nghèo không tiền của, làm sao sinh sống?
Cô gái bảo rằng anh đi theo em, em sẽ trộm lấy vật báu và cùng nhau trốn đi.
Chàng trai đáp: Như vậy thì tôi cùng đi.
Hằng ngày, cô gái trộm lấy vật báu, cùng chàng trai nô tỳ đem dấu bên ngoài. Sau khi tính đủ số lượng cho hai người, cô gái sai chàng trai ra ngoài trước và hẹn giờ gặp nhau.
Cô gái giả trang tỳ nữ, phá khóa cửa đi ra ngoài và cùng người nô tỳ đi thật xa đến tận nước khác.
Sau khi cư trú ổn định, trong một hai năm, cô ta có thai. Khi sắp sinh nở, cô suy nghĩ rằng nếu ta ở đây, khi sinh đẻ không ai giúp đỡ. Nghĩ đến mẹ nên muốn trở về nhà, cô ta bàn tính với chồng rằng: khi em sinh đẻ, chỉ có mẹ em mới giúp đỡ chăm sóc được nên em muốn về nhà, anh có đi không?
Người chồng đáp: - Không về được. Chúng ta trốn đi làm sao về được, cha mẹ chắc giết chúng ta.
Vợ bảo chồng: - Theo phép người nữ, tuy giận dữ nhưng không được giết con, vậy nên trở về.
Người chồng đáp: - Nếu không giết em, tất sẽ giết anh, vậy không nên đi.
Khi người chồng vào núi lấy củi, người vợ đóng cửa bỏ đi.
Về nhà, không thấy vợ, người chồng hỏi hàng xóm: - Có thấy vợ tôi không?
Ðáp: - Vợ ông đã đi rồi.
Nghe nói, người chồng vội đi theo, nữa đường gặp vợ đã sinh một bé trai.
Người chồng bảo: - Em vì sắp sinh nên đi về nhà, nay đã sinh xong vậy cần gì phải về.
Nghe nói vậy, người vợ xấu hổ với cha mẹ nên cùng chồng trở về nhà chăm sóc gia đình.
Sau đó không bao lâu, người vợ lại mang thai, khi sắp sinh, vì nhớ mẹ nên người vợ lại trốn về nhà và nữa đường lại sinh thêm một bé trai.
Theo tìm vợ, đến nữa đường gặp nhau, cả hai cùng trở về.
Vì được sinh bên đường đi nên hai đứa bé có tên là Bàn-Ðà anh và Bàn-Ðà em. Khi cùng bạn bè chơi đùa, cả hai anh em có sức rất mạnh, đánh các bạn nên bị chúng mắng rằng các ngươi không có bà con thân thích, cô đơn ở xứ này, tại sao lại đánh ta?
Nghe lời trách mắng này, đức bé khóc lóc chạy về hỏi mẹ rằng những người khác đều có bà con thân thuộc, tại sao riêng chúng con chẳng có.
Thấy mẹ im lặng không đáp, người con khóc lóc không chịu ăn uống. Thấy con không ăn, khóc lóc như vậy, người mẹ thương xót hai con nên bảo rằng mẹ là con gái của trưởng giả giàu có ở nước...ấy. Cha con là gia nô của trưởng giả được đưa đến để phục vụ cho ta. Mẹ thương yêu cha con không thể xa lìa nên cùng nhau trốn đến đây và sinh ra con.
Nghe mẹ nói xong, anh em thưa với mẹ: - Hãy cho chúng con trở về nhà ngoại, không thể sống ở đây nữa.
Không được mẹ đồng ý, hai con cứ khóc lóc mãi, người mẹ bàn với chồng: hai trẻ khóc lóc mãi, không chịu ở đây, chúng ta biết làm sao, hãy đưa chúng trở về nhà ngoại.
Chồng đáp: - Ðược.
Cùng nhau trở về, cả vợ chồng và con đều đứng trước cửa nhà ngoại. Thấy gia nhân đi ra, họ bảo rằng ngươi hãy vào trong thưa với trưởng giả rằng con gái trưởng giả đem chồng con về và đang ở ngoài cửa.
Nghe nói, cha mẹ đáp rằng hãy cho hai đứa trẻ vào, ngươi không cần gặp chúng ta.
Sau khi cho hai cháu vào nhà, tắm rửa sạch bằng nước thơm, mặc y phục trang sức đẹp đẽ, trưởng giả bồng hai bé trai đặt trên hai đùi và hỏi rằng mẹ cháu ở nơi ấy sinh sống như thế nào, không bị nghèo thiếu chứ?
Hai trẻ đáp: - Cha mẹ con ở nơi ấy rất nghèo nàn, bán củi để sinh sống.
Nghe như vậy, bà ngoại sinh lòng thương, liền mở kho lấy đầy túi vàng, sai người đưa cho con gái và bảo rằng con hãy để hai cháu lại cho ta nuôi dưỡng. Con hãy đem số vàng này trở về chỗ cũ, khéo tự sinh sống, không cần phải gặp ta nữa.
Khi đứa bé khôn lớn, được ông bà cưới vợ cho. Lúc lâm chung, ông bà đem hết tài sản giao cho hai cháu rồi qua đời.
Bấy giờ, đức Phật đang thuyết pháp cho bốn chúng, Ma-ha Bàn-Ðà (người anh) cũng đến nghe Phật thuyết pháp. Sau khi nghe pháp, vị này ưa muốn xuất gia nên về nhà bàn với em rằng anh muốn xuất gia nên đem hết gia nghiệp giao lại cho em.
Nghe anh nói, người em rất buồn rầu, thưa rằng:
- Em đang cô đơn không nơi nương tựa, nếu anh bỏ em đi xuất gia, làm sao em sống nổi?
Ðược người em ba lần cầu xin như vậy nhưng người anh vẫn quyết tâm không thay đổi ý định, đem hết gia nghiệp cho em rồi đi xuất gia. Sau khi xuất gia không bao lâu, người anh chứng quả A-la-hán.
Sau một thời gian dài, người em suy nghĩ: anh ta xuất gia, giao lại gia nghiệp cho ta như người đã ói mửa ra, làm sao ta còn tham lam nhận lấy!
Do nhàm chán cuộc đời, người em đến gặp anh xin xuất gia. Ðược người anh độ cho xuất gia, dạy một bài kệ, 4 tháng nhưng người em không thuộc, quên đầu mất đuôi.
Ma-ha Bàn-Ðà (Mahàpanthaka) suy nghĩ: - Người này không có duyên với Phật pháp, nên đuổi về nhà.
Sau khi bảo với Châu-la Bàn-Ðà (Cùlapanthaka - Bàn-Ðà em, Cùla = Châu-la, Châu-lợi: nhỏ, em) rằng em căn tánh tối tăm (hãy về nhà), người anh kéo ca sa, đuổi em ra khỏi cửa.
Ðứng ở cửa khóc lóc, người em không muốn về nhà.
Với thiên nhãn xem xét chúng sanh, Thế Tôn thấy Châu-la Bàn-Ðà có nhân duyên hóa độ được nên Ngài đến nơi và hỏi rằng: - Tại sao đứng khóc ở đây?
Ðáp: - Thưa Thế Tôn, tư chất con tối tăm, tụng một bài kệ bốn tháng không thuộc. Thấy con tối tăm nên Ma-ha Bàn-Ðà, anh con đuổi con ra khỏi chùa.
Phật bảo rằng: - Ðừng khóc và buồn rầu. Ta sẽ dạy cho ông.
Pháp sư nói rằng: - Ma-ha Bàn-Ðà sao lại không thấy được nhân duyên đắc đạo của người em mà lại đuổi vị ấy về?
Ðáp: - Châu-la Bàn-Ðà không thể do Thanh Văn độ được, chỉ có Phật mới độ được. Do đó, người anh đuổi vị kia về.
Sau khi an ủi vị kia, Thế Tôn đưa một miếng vải trắng cho Châu-la Bàn-Ðà và bảo rằng ông hãy cầm tấm vải này hướng về mặt trời phơi lên (Xem Chú giải Pháp cú 25) và đọc thầm: “Ðẩy chất bẩn ra, đẩy chất bẩn ra”.
Sau khi dạy như vậy, đức Phật đi vào làng xóm để thọ thực do mẹ Tỳ Xá Khư (Visakha) thỉnh. Ðến nơi, quán sát biết Châu-la Bàn-Ðà sắp ngộ đạo, đức Phật nói kệ:
Bậc tịch tịnh hoan hỷ
Thấy pháp được an lạc
Sống không giận, rất vui
Không làm hại chúng sanh
Thế gian không dục lạc
Thoát ly khỏi ái dục
Ai dẹp được ngã mạn
Là an lạc bậc nhất.
Từ xa, nghe bài kệ này, Châu-la Bàn-Ðà chứng quả A La Hán.
Hỏi: - Có tỳ kheo nào đến chùa ni để thuyết về tám kính pháp mà bị phạm ba (tội) Ba-dật-đề không?
Ðáp: - Có, với những yếu tố:
1. Tăng không sai.
2. Ðến chùa tỳ kheo ni.
3. Cho đến chiều tối.
Ðó là ba (tội) Ba-dật-đề.
Ðến chùa tỳ kheo ni nhưng thuyết pháp khác (với tám kính pháp), phạm một Ba-dật-đề, hai Ðột-cát-la. Tại sao?
1. Tăng không sai.
2. Ðến chùa tỳ kheo ni.
Ðây là hai tội Ðột-cát-la.
Ðến chiều tối, phạm một Ba-dật-đề.
Ðề Bà Ðạt Ða, Tam Văn Ðà Ðạt Ða, Kiền Ðà Ðạt Ða, Câu Ca Lị Ca, Ca Lưu Ðề Xá (Devadatta, Sammuddadatta, Khamdadeviyàputta, Kikàlika, Katamorakatissaka) tán thán là đề cao danh hiệu của họ.
Ăn chúng riêng: Ăn chúng riêng có hai trường hợp:
1. Ðược thỉnh
2. Khất thực
- Thế nào là ăn chúng riêng? Có một nam Phật tử đến gặp bốn tỳ kheo đem thức ăn chính mời thỉnh tỳ kheo rằng xin Ðại đức nhận cho. Ðây gọi là (do) thỉnh thành ra ăn chúng riêng.
Thọ thỉnh cùng một lần: hoặc vào ngày mai hoặc ngày mốt, họ nhận cùng một lần, cùng ăn một chỗ (từng nhóm 4 tỳ kheo) thì thành ăn chúng riêng, cả bốn người đều bị tội. Sau khi thọ thỉnh cùng một lần, mỗi người tự đến nhà thí chủ, vì cùng thọ thỉnh một lần, lại trở về ăn từng chỗ riêng, bị tội như trên.
Pháp sư nói: Tại sao? Vì cùng nhận thức ăn một lần.
Nhận lời thỉnh một lần, đến riêng, nhận riêng, ăn riêng thì không bị tội.
(Nhận) thỉnh riêng, đi riêng, lại cùng đến nhà thí chủ thọ nhận một lần, bị tội; đây gọi là thọ thỉnh bị tội.
Thế nào là bị tội từ khất thực? Có bốn tỳ kheo khất thực, người ngồi, người đứng, thấy cận sự nam nên nói với vị ấy rằng hãy cho bốn người chúng tôi thức ăn; hoặc từng người nói hãy cho tôi thức ăn... cũng như vậy; hoặc cùng nhau bỏ đi, hoặc đi từng người, vì cùng thọ nhận thức ăn một lần nên bị tội. Ðây gọi là bị tội từ khất thực.
Bệnh: Chân bị vết thương có cát đất lọt vào, không thể đi được, được nhận ăn riêng chúng. Ðây gọi là bệnh.
Khi làm y: được vải làm y, hoặc đã cắt để làm y, gọi là khi làm y...cho đến kết nút ở y.
Ði bộ: tối thiểu là nửa do tuần, đi thuyền cũng vậy.
Khi đói kém, gặp khi không đủ thức ăn cho bốn người thì gọi là giai đoạn rất đói kém.
Sa môn thí thực: sa môn cùng giáo pháp hoặc sa môn ngoại đạo.
Có năm trường hợp được ăn chúng riêng, không phạm:
1. Không thỉnh đủ bốn vị.
2. Khất thực đủ bốn vị.
3. Ðủ bốn vị (nhưng có người) chưa thọ giới cụ túc.
4. (Một) bát đủ cả bốn vị.
5. Bệnh nhân đủ bốn vị.
Phần 4, 5 này sẽ giải rộng.
Thế nào là không thỉnh đủ bốn vị?
- Có thí chủ thỉnh bốn vị. Một vị đã biết nhưng không đến nhà thí chủ, thí chủ hỏi rằng thượng tọa đến không?
Ba tỳ kheo kia đáp: không đến.
Sắp dọn ăn, thí chủ thấy một tỳ kheo (khác đến) liền mời vào luôn. Cả bốn vị cùng ăn, không phạm. Ðây gọi là không thỉnh đủ bốn.
Tại sao không phạm tội? Vì có một vị không được thỉnh (trước).
Thế nào là khất thực đủ bốn?
- Ba vị thọ thỉnh, một vị khất thực không thọ thỉnh, thế nên không bị tội.
Sa di đủ bốn: thỉnh ba đạo nhân và một vị Sa di, không phạm.
Thế nào là bát đủ bốn? Thỉnh ba đạo nhân và một bát cho tỳ kheo ăn, không phạm .
Người bệnh đủ bốn vị: thỉnh ba đạo nhân và một tỳ kheo bệnh, thành đủ bốn vị, không phạm.
Thỉnh bốn vị, có một vị tỳ kheo hiểu biết luật. Họ muốn cùng ăn nhưng sợ phạm tội nên tạo ra phương tiện: Khi thí chủ dọn thức thì che bát lại không nhận.
Thí chủ hỏi: - Tại sao không nhận?
Ðáp: - Hãy dâng cho ba vị kia. tôi muốn chú nguyện.
Sau khi ba tỳ kheo kia ăn xong, vị còn lại ăn sau không phạm.
Nếu thỉnh dâng cơm, đến nhà dâng thịt thì cũng phạm (vì nói trước món ăn).Mời đến dâng cơm, đến thì dâng cháo, không phạm.
Nếu có thí chủ muốn dâng cơm đến tăng, sai người đến chùa thỉnh tăng rằng xin quý ngài nhận dùng cơm của chúng con.
Trong tăng có vị tỳ kheo hiểu biết luật, suy nghĩ: trong tăng này có nhiều vị hành pháp đầu đà, sứ giả lại không hiểu pháp nên mới thỉnh như vậy.
Do đó vị này đáp: - Sáng mai sẽ biết.
(Hôm sau) sứ giả lại đến, vẫn như trước, không biết dùng lời đúng pháp để thỉnh tăng.
Vị tỳ kheo biết pháp đáp: - Ngày mai sẽ biết.
Và cứ như vậy kéo dài đến nửa tháng mà họ vẫn không biết cách, tỳ kheo biết pháp bảo họ: nếu thí chủ thỉnh tăng như vậy, chỉ mời được sa di chứ không mời được đại tăng.
Sứ giả nói: - Các đại đức cũng nhận lời thỉnh ở nhà khác, vì sao lúc này không nhận lời thỉnh của con?
Ðáp: - Chẳng phải không nhận lời thỉnh nhưng vì ông không biết cách thỉnh (đúng pháp), chỉ cần nói thỉnh tăng chứ không được nói dâng cơm, lương khô, cá, thịt v.v... Chỉ cần nói thỉnh tăng, tỳ kheo được phép nhận lời, không phạm.
Nếu đã dạy bảo như vậy mà sứ giả vẫn không biết cách nói thì nên bảo rằng ông về đi (vì sợ họ hiềm khích).
Sáng mai, chúng tăng vào thôn xóm khất thực.Khi đi đến nhà thí chủ đã thỉnh ấy, thọ thực không phạm.
Hết phần giải thích giới ăn chúng riêng. Ðây là giới chế định, phát sinh từ thân tâm. (Ganaphojanasikkhàpa-dam dutiyam).
33. Ăn nhiều lần
Ăn nhiều lần: nếu tỳ kheo đã nhận thỉnh rồi, thí chủ ấy chưa đến, tỳ kheo sợ quá ngọ, e thí chủ không đến nên vào làng xóm khất thực. Sau khi khất thực, thấy thí chủ đã thỉnh kia đến, tỳ kheo không ăn (thức ăn đã khất thực).
Thí chủ ấy hỏi: - Ðại đức, tại sao không ăn?
Tỳ kheo đáp: - Vì đã nhận lời thỉnh của thí chủ nên không được ăn.
Thí chủ nói: - Ngài cứ dùng.
Nếu họ nói như vậy, tỳ kheo ăn, không phạm.
Nếu có nhiều thì chủ cùng thỉnh một lần, ăn như vậy không phạm.
Hết phần giải thích giới ăn nhiều lần. Ðây là chế tội, phát sinh từ thân và tâm (Paramparabhotanasikkhàpa-dam tatiyam).
34. Lương thực dùng đi đường
Ðối với lương thực dùng đi đường của cô dâu về nhà chồng hay của khách buôn, nếu nhận một bát thì tuỳ ý ăn hay cho người khác. Nếu nhận hai bát thì một bát cho mình dùng, một bát dâng cho tỳ kheo tăng. Nếu nhận ba bát thì một bát cho mình dùng, hai bát dâng cho tỳ kheo tăng. Không được đem cho người thế tục quen biết, hoặc bà con. Nếu được thí chủ thỉnh dâng cúng và được nhận tuỳ ý thì cũng không được nhận quá ba bát.
Pháp sư nói: Các câu khác dễ hiểu, đây là chế tội, phát sinh từ thân và tâm, không thể vì không biết mà thoát tội.
Hết phần giải thích giới lương thực đi đường (dành cho) cô dâu về nhà chồng (và khách buôn) (Kàmamàtusikkhàpa-dam catuttham).
35. Năm loại thức ăn chính
Cơm bằng gạo lúa canh, gạo lúa tế, gạo lúa tẻ, gạo lúa canh đỏ, gạo lúa mạch. Cháo nấu bằng gạo của năm lọai luá này, vừa lấy ra khỏi nồi, vẽ (vào cháo ấy) thành chữ thì không được ăn. Ðối với cháo nấu bằng gạo với rau thì cũng vậy. Ít cơm hòa với nhiều nước, khi ăn, đã thay đổi oai nghi thì phải làm pháp dư thực. Ðối với cháo thịt nấu bằng gạo cùng với cá hay thịt (khi đã ăn xong) nếu thấy (hạt cháo) lớn như hạt cải thì phải làm pháp dư thực. Ðối với thức ăn nấu bằng các loại cỏ, rễ, củ, trái cây thì không cần làm pháp dư thực.
Cơm khô: cơm khô bằng gạo lúa túc, lúa canh, lúa mạch, đem phơi nắng cho khô.
Nếu cơm khô bằng đậu hay bằng trái cây thì không cần làm pháp dư thực.
Lương khô: làm bằng gạo canh, gạo túc, gạo mạch, ăn xong phải làm pháp dư thực. Lương khô có hai lọai:
1. Lương khô rời.
2. Lương khô tẩm mật đường và làm thành bánh.
Gạo xấu nát vụn: (cơm bằng) gạo này không cần làm pháp dư thực.
Ðối với thức ăn ngoài lương khô, ngũ cốc, gạo thì không cần làm pháp dư thực.
Ðang ăn năm món thức ăn chính, trong tay hay trong bát đang có thức ăn, có người mang thức ăn đến, trong tầm tay của mình,nhưng đã ngăn, rời oai nghi, thì phải làm pháp dư thực (nếu muốn nhận thức ăn nữa).
Ngoài tầm tay của mình, ngăn không thành ngăn.
Trong tầm tay, thức ăn trong miệng đã nuốt hết thì ngăn không thành ngăn (?).
Trong miệng có cơm, trong tầm tay, ngăn thành ngăn.
Ðối với thịt bất tịnh, tất cả thức ăn không đúng thức ăn, ngăn không thành ngăn. Tại sao? Vì bất tịnh nên không ăn được.
Nếu ăn thịt bất tịnh, trong tầm tay, ngăn không thành ngăn.
Nếu ngăn cho người khác cũng không thành ngăn. Tại sao? Vì còn ý nghĩ sẽ ăn nữa.
Nếu đang ăn, ngăn cho người khác cũng không thành ngăn.
Trong tầm tay, cách thân trong phạm vi hai khủy tay rưỡi, ngăn thành ngăn; ngoài phạm vi hai khủy tay rưỡi, ngăn không thành ngăn.
Nếu họ đem thức ăn đến và để dưới đất, trong một tầm tay, không dâng cho tỳ kheo, ngăn không thành ngăn.
Nếu tay của tịnh nhân đã nắm vào thức ăn thì ngăn thành ngăn.
Nếu họ dâng thức ăn cho tỳ kheo khác mà (tỳ kheo này) cho rằng họ dâng cho mình, ngăn không thành ngăn.
Ngăn có hai trường hợp:
1. Ngăn bằng thân
2. Ngăn bằng miệng.
Thế nào là ngăn bằng thân?
- Nếu lấy tay ngăn lại hay lắc đầu, hoặc dùng tay che miệng bát lại. Ngăn có nghĩa là nói thôi (đã đủ rồi) không nhận nữa. Nếu họ nấu canh cá thịt với rau mà nói rằng xin ngài nhận canh rau thì ngăn không thành ngăn. Nếu họ nói xin ngài nhận canh thịt thì ngăn thành ngăn.
Món chính và món phụ nấu chung thành cháo, nếu nói dâng bằng tên món chính thì ngăn thành ngăn. Nếu nói tên món phụ thì ngăn không thành ngăn.
Oai nghi đang đi: trừ trưòng hợp đi thuyền, xe cộ thì không phạm.
Thức ăn thừa của bệnh nhân: hoặc thức ăn còn thừa hoặc chưa ăn (không ăn nữa) cũng được.
Hết phần giải thích về giới (ngăn) thức ăn thừa (Pathama pavàranasikkhàpadam pancamam). Ðây là tội do chế định, phát sinh từ thân miệng.
37. Các loại cây cỏ
Ðối với tất cả các loại cây cỏ, tỳ kheo không được tùy tiện ăn. Có loại rễ, cành, hoa, trái được dùng làm thuốc trọn đời. Có loại cây cỏ được dùng toàn thân làm thức ăn vào bữa chính. Có loại trái cây được dùng ruột ăn vào bữa chính. Phần còn lại là thuốc dùng trọn đời. Có loại cây được dùng toàn thân vào thuốc trọn đời.
Hết phần giải giới ăn phi thời. (Vikàlabhojanasikkhàpadam sattamam).
39. Xin thức ăn ngon
Nếu xin thức ăn ngon như sữa, bơ, cá, thịt thì bị tội Ba-dật-đề. Xin các món ăn khác, phạm Ðột-cát-la.
Xin cho người bệnh thì không phạm.
Hết phần giải thích xin thức ăn ngon (Panitabhojinasikkhàpadam navamam).
40. Trừ nước và tăm xỉa răng
Nếu chư thiên, quỷ thần, súc sanh hay chim dâng thức ăn, đều thành (pháp) thọ nhận.
Nếu đầu (họ) đội thức ăn, hay vai đang vác thức ăn mà dâng cho tỳ kheo, bảo tỳ kheo tự lấy thì không thành thọ. Nếu họ cúi người xuống,(thức ăn) rơi vào tay tỳ kheo thì thành thọ.
Nếu đòn gánh dài cho đến hai mươi tầm, hai đầu treo thức ăn, tịnh nhân cùng gánh vào, dâng cho tỳ kheo, chỉ thọ được một đầu, còn đầu kia không thành thọ.
Nếu khất thực gặp lúc mưa gió, bùn đất rơi vào bát, tỳ kheo nên suy nghĩ rằng khất thực cho sa di. Sau khi được thức ăn, vị ấy bảo với sa di rằng ta đang khất thực, gặp phải mưa gió, bùn đất rơi vào bát, không thành thọ nên khất thực cho ông, bây giờ đưa cho ông.
Sau khi nhận lấy, sa di nói với tỳ kheo rằng đây là thức ăn của sa di, nay dâng cho đại đức. Dâng như vậy thì được thọ, không phạm.
Nếu tỳ kheo tay đang cầm bát, khi ăn bỗng dưng buồn ngủ, có người đem thức ăn đặt vào bát, tỳ kheo không biết, không thành thọ.
Nếu tỳ kheo sắp thọ thực mà ngủ, người khác đem thức ăn đặt vào bát, thành thọ.Tại sao vậy? Vì đã có ý thọ thức ăn.
Nếu (trong thức ăn) có đất cát lớn, lấy ra được, ăn không phạm.
Nếu bụi đất quá nhỏ rơi vào bát, không thể lấy ra được, nên bảo người khác sớt ra.
Nếu hai người cùng ăn chung, người dâng thức ăn đến vị này, thức ăn dư rơi vào bát tỳ kheo kia, thành thọ.
Khi ăn, mồ hôi trên đầu, cổ chảy xuống rơi vào bát, cần phải thọ lại. Nếu cánh tay có mồ hôi chảy vào bàn tay, không cần thọ lại.
(Thức ăn) bị ném xuống đất, di chuyển rơi vào tay tỳ kheo, thành thọ.
Tịnh nhân ở trên cây, dùng dây cột trái cây dâng cho tỳ kheo, không thành thọ.
Người nào có tay dài, cho đến mười do tuần, sớt thức ăn cho tỳ kheo, thành thọ.
Tỳ kheo bệnh, sa di hay tịnh nhân bồng tỳ kheo đi kiếm trái cây, tỳ kheo (phải) xin lại của tịnh nhân.
Tịnh nhân lấy được trái rồi, tay cầm trái đưa vào thân mình, sau đó đưa sang cho tỳ kheo, thành thọ.
Vì trời nắng nóng, khi đi tỳ kheo cầm nhánh cây có trái để che nắng, sau đó thấy trong nhánh có trái, không được động đến, nên bảo sa di hái trái ra rồi dâng cho tỳ kheo, được nhận.
Thuyền hay xe chở thức ăn, tỳ kheo chèo chống thuyền, kéo xe có thức ăn, được ăn, vô tội.
Nhiều tỳ kheo cùng đi, chỉ có một sa di nhỏ, các tỳ kheo đều tự mang lương thực theo. Ðến giờ ăn, mỗi người tự phân phần ăn ra. Sau khi được phân cho, sa di nói tỳ kheo rằng nay đem phần sa di dâng đến đổi cho đại đức.
Sau khi đổi, lại đem phần đã đổi dâng cho thượng tọa thứ hai để đổi. Ðược rồi, lại đem dâng đổi cho thượng tọa thứ ba. Tuần tự đổi như vậy cho đến cả chúng. Ăn như vậy thì vô tội.
Nếu sa di không biết pháp này thì tỳ kheo tự đem thức ăn đổi cho sa di. Sau khi thượng tọa thứ nhất đã đổi, thượng tọa thứ hai lại đổi cho sa di. Sau khi thượng tọa thứ hai đã đổi, thượng tọa thứ ba lại đổi cho sa di, tuần tự như vậy đến cả chúng được đổi thức ăn (để ăn) mà không bị phạm.
Tiếp xúc với thức ăn đã cùng ngủ qua đêm: Nếu tỳ kheo vác gạo đi, sa di còn nhỏ không thể nấu thức ăn thì tỳ kheo được tự làm chỉ trừ không được nhóm lửa, bảo sa di nhóm lửa. Sai khi thức ăn chín, chia phần, theo như trước đổi thức ăn, không phạm.
Khi tự nấu, nếu thức ăn sôi vọt ra, tỳ kheo (không được) thổi, quậy bằng vật, đều phạm Ðột-cát-la.
Nếu nôn thức ăn ra chưa khỏi yết hầu, nuốt lại không phạm. Nếu thức ăn đã nôn ra khỏi yết hầu, lại nuốt trở lại vào trong yết hầu, phạm Ba-dật-đề.
Nếu thọ gừng sống, sau đó nảy mầm, pháp thọ không mất.
Nếu sau khi hỏa tịnh, sau đó lại mọc mầm nên tác tịnh lại phần mầm đã mọc, ăn phần không phải mầm (không cần tác tịnh lại) vô tội.
Muối đã thọ, sau chảy thành nước, không mất pháp thọ. Nếu bị bệnh gấp, được lấy phẩn, nước tiểu, tro, đất làm thuốc để uống. Nếu không có tro, được chặt cây đốt lấy tro.
Bệnh gấp thế nào? Như bị độc đau đớn do rắn cắn...
Pháp sư nói rằng các câu văn khác dễ hiểu. Ðây là chế tội, phát sinh từ thân, miệng (Dantaponasikkhàpadam dasamam).
43. Giới ngồi trong nhà có hai người đang ăn (đang giao phối):
đã giải rõ trong hai pháp bất định (Sabhojanasikkhàpadam tatiyam).
44. Cùng người nữ ngồi nơi trống trãi một mình
Hai người ngồi chung một giường (ghế) cùng nói chuyện, cùng hiểu nhau, gần nhau trong tầm tay, phạm Ba-dật-đề. Nói chuyện nhưng không hiểu, gần trong tầm tay nhau, phạm tội Ðột-cát-la
47. Dùng khác mục đích
Thích Ma Nam (Màhànàma) là em con chú với Phật, sinh trước Phật một tháng, đắc Tư Ðà Hoàn đạo. Nếu thí chủ dâng thuốc thì nên dùng như thuốc chứ không được nên dùng như thức ăn. Họ cho dầu mà xin bơ, phạm Ðột-cát-la
(Mahànàmasikkhàpadam sattamam).
48. Các loại lính
Lính voi: trên voi có bốn người, dưới có tám người, gọi là lính voi.
Lính ngựa: một người trên ngựa, hai người dưới ngựa gọi là lính ngựa.
Lính xe: bốn người đi theo một xe gọi là lính xe.
Lính bộ: bốn người đi theo nhau gọi là lính bộ
(Uyyuttasenàsikkhàpadam atthamam).
51. Dùng rượu
Ðem rượu nấu vào thức ăn hay làm thuốc mà có mùi rượu, vị rượu, phạm Ðột-cát-la. Nếu không có mùi rượu, vị rượu thì được ăn
(Suràpànasikkhàpadam pathamam).
53. Giỡn trong nước
Giỡn trong nước sâu từ (đầu) bắp chân trở xuống, phạm Ba Dật Dề. Nếu lắc thuyền giỡn nước thì phạm Ðột-cát-la
(Hassadhammasikkhàpadam tatiyam).
58. Dùng y không điểm tịnh
Màu xanh: hoặc xanh màu ten đồng, hoặc màu lam, màu mộc lan (xanh lá cây đậm đen) màu bùn để làm dấu (điểm tịnh trên y). Dùng ba loại màu này để điểm tịnh, dấu nhỏ nhất là như hạt mè lớn. Nếu dùng y không điểm tịnh thì phạm Ba-dật-đề
(Dubbannakaranasikkhàpadam pancamam).
62. Dùng nước có trùng
Tỳ kheo nào biết nước có trùng mà vẫn uống, xử dụng..., uống một hơi là một tội Ba-dật-đề. Biết nước có trùng mà cho vào lửa, nước nóng thì cũng vậy.
Hết phần giải về giới dùng nước có trùng (Sappanakasikkhàp-adam dutiyam).
64. Che dấu tội của người khác
Tỳ kheo nào biết tỳ kheo khác đã phạm tội nặng và che dấu cho, tỳ kheo thứ hai lại che dấu nữa, như vậy cho đến trăm ngàn vị cùng che dấu đều phạm Ba-dật-đề. Ðây là tánh tội, phát sinh từ thân tâm.
Hết phần giải thích giới che dấu tội của người khác (Dutthullasikkhàpadam catuttham).
65. Tuổi thọ cụ túc giới
Ðối với người chưa đủ hai mươi tuổi muốn thọ giới cụ túc, hãy cho tính thêm số tháng trong thai, tháng nhuần, số (ngày dư ngoài) 14 ngày bố tát (hằng tháng) mà đầy đủ 20 tuổi thì cho thọ giới cụ túc
(Unavìsativasikkhà pancamam).
66 + 67. Ði chung đường
Cùng với bọn cắp (thuế) mưu tính đi chung đường; đây là chế tội. Cùng tỳ kheo ny mưu tính đi chung đường, đây là chế tội. Trong luật đã nói rõ
Theyyasat-thasikkhàpadam chattham).
68. Xoa bóp vuốt ve với phụ nữ
A Lật Thát (Arittha) có tà kiến (cho rằng) xoa bóp vuốt ve chổ mềm mại (nhau với ý dâm) không ngăn ngại đường sinh thiên, không ngăn ngại đường giải thoát. Do phát sinh tà kiến này nên A Lật Thát nói rằng Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm có vợ cũng không chướng ngại Thánh đạo. Vị này phát biểu: Xoa bóp vuốt ve chổ mềm mại cũng không ngăn trở Thánh đạo bằng cách đem việc này so sánh với việc khác một cách chủ quan với lý luận rằng nếu nói xoa bóp vuốt ve làm ngăn trở Thánh đạo thì tất cả mền, nệm, gối cũng mềm mại vậy tại sao chỉ nói rằng sự xoa bóp vuốt ve với phụ nữ làm ngăn chặn Thánh đạo?
Hết phần giải thích giới tà kiến của A Lật Thát (Aritthasikkhàpadam atthamam).
71 & 72. Chê bai giới luật
Người nào học luật, có năm đức, sáu đức, bảy đức, tám đức, chín đức, mười đức, mười một đức.
Năm đức là:
1. Tự thân giữ giới.
2. Chấm dứt được sự nghi ngờ cho người.
3. Vào giữa mọi người vẫn không sợ.
4. Kẻ oán thù phải hàng phục.
5. Làm chánh pháp tồn tại lâu dài.
Thế nào là tự thân giữ giới? Giữ giới thanh tịnh, không có sứt mẻ, lủng chảy.
Luật sư có 6 pháp bất (nếu làm thì ) phạm tội:
1. Bất vô thú (đến).
2. Vô tri.
3. Bất hồ nghi.
4. Bất tịnh nói tịnh.
5. Tịnh nói bất tịnh.
6. Bất hôn mê.
Bất vô thú nghĩa là biết mà vẫn cố làm, gọi là vô thú. Như trong luật nói rằng biết mà vẫn cố làm thì bị tội, vì biết mà che dấu, đi đến chỗ không được đến, gọi là vô thú.
Vô tri nghĩa là người này không biết giới tướng nên hễ muốn làm thì làm, gọi là không biết (vô tri) mà vẫn bị tội.
Hồ nghi bị tội nghĩa là muốn làm tâm có hồ nghi nhưng vẫn làm, gọi là hồ nghi bị tội.
Thế nào là bất tịnh nói tịnh? Ðối với thịt gấu bất tịnh lại nói là thịt heo (tịnh) để ăn được. Ðây gọi là bất tịnh nói tịnh. Nói thịt cọp là thịt nai, ăn phi thời nói ăn đúng thời, gọi là bất tịnh nói tịnh.
Thế nào là tịnh nói bất tịnh? Thật là thịt nai mà tưởng là thịt cọp để (cố) ăn v.v... cho đến đúng thời lại nói là phi thời mà ăn. Ðây gọi là tịnh nói bất tịnh.
Thế nào là hôn mê? Ngủ chung với người chưa thọ giới cụ túc quá hai đêm mà không biết. Ðây gọi là hôn mê bị tội.Có trường hợp hôn mê không biết thời và phi thời, ngủ lìa y cũng không biết. Ðây gọi là hôn mê.
Thế nào là chấm dứt sự nghi ngờ cho người khác? Có tỳ kheo phạm tội, hồ nghi không tự xác quyết được. Nếu họ đến thưa hỏi thì biết cách y theo luật mà phán quyết cho họ. Ðây gọi là chấm dứt sự nghi ngờ cho người.
Thế nào là không sợ khi vào giữa mọi người? Vì hiểu biết luật nên làm đúng theo sự việc. Ðây gọi là vào giữa mọi người mà không sợ.
Thế nào là kẻ oán thù phải hàng phục? Như đối với mười điều phi pháp do các vị Ly Xa bày ra, có thể y theo luật mà trừ diệt. Ðây gọi là kẻ oán thù phải hàng phục.
Thế nào là làm cho chánh pháp được tồn tại lâu dài?
- Một là tự thân sống theo pháp.
- Hai là có thể làm cho người khác đắc pháp. Nhờ được pháp nên chánh tâm giữ luật. Nhờ giữ luật nên nhập thiền định. Nhờ thiền định nên đắc đạo quả. Ðây gọi là làm cho chánh pháp được tồn tại lâu dài.
Như trong luật có nói: Ðức Phật bảo A Nan rằng sau khi Ta diệt độ, luật là thầy của ông. Ðây gọi là làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài. Tại thế gian, tối thiểu còn có năm tỳ kheo hiểu luật thì có thể làm cho chánh pháp được tồn tại lâu dài. Tại Trung thiên Trúc, nếu Phật pháp bị tiêu diệt thì tại vùng biên địa được thọ giới với năm người. Tại Trung thiên Trúc phải đến đủ mười người mới được cho người (khác) thọ giới cụ túc. Ðây gọi là làm cho chánh pháp được tồn tại lâu dài. Như vậy cho đến hai mươi người được phép xuất tội (tăng tàn). Ðây gọi là làm cho chánh pháp được tồn tại lâu dài. Chánh pháp được tồn tại lâu dài nhờ vào luật sư nên gọi là năm đức của sự trì luật.
Sáu đức của sự trì luật là gì?
1. Nắm vững ba La Ðề Mộc Xoa.
2. Biết Bố Tát.
3. Biết tự tứ.
4. Biết pháp truyền giới cụ túc cho người.
5. Nhận y chỉ cho người khác.
6. Ðược nuôi Sa di.
Ðây là sáu đức.
Thế nào là nắm vững Ba La Ðề Mộc Xoa?
1.Biết bố tát vào ngày 14.
2. biết bố tát vào ngày 15.
3. hòa hợp bố tát.
4. tăng bố tát, chúng bố tát.
6. một người bố tát.
7. thuyết Ba La Ðề Mộc Xoa bố tát.
8. tịnh bố tát.
9. sắc (lệnh) bố tát.
Ðây gọi là chín trường hợp bố tát mà luật sư phải biết.
Có chín trường hợp tự tứ:
1. Tự tứ ngày 14.
2. Tự tứ ngày 15.
3. Hoà hợp tự tứ.
4. Tăng tự tứ.
5. Chúng tự tứ.
6. Một người tự tứ.
7. Tự tứ với ba lời nói.
8. Tự tứ với hai lời nói.
9. Tự tứ với tuổi bằng nhau (đẳng tuế tự tứ).
Ðây là những điều luật sư phải biết.
Chúng tăng có bốn pháp:
1. Bạch tăng.
2. Bạch yết ma.
3. Bạch nhị yết ma.
4. Bạch tứ yết ma.
Bốn pháp này là sự hiểu biết của luật sư, chẳng phải Tu Ða La sư (kinh sư) và A Tỳ Ðàm sư (luận sư) biết được.
Vị nào không hiểu biết luật, chỉ biết kinh và luận thì không được độ sa di, không được làm y chỉ cho người khác.
Có năm đức và sáu độ trên thì trở thành vị luật sư đủ mười một đức. Nhờ luật sư trì luật nên Phật pháp trụ thế được năm ngàn năm. Do đó, có nhiều tỳ kheo đến học luật với Ưu Ba Ly.
Tại sao học luật đọc tụng giải nghĩa? Nghĩa là học những phần vụn vặt chi tiết trong luật (Sahadhammika-misikkhà padamì patthama). Từ hai pháp bất định cho đến các pháp cần phải học gọi là chi tiết. Nếu hướng đến đại tỳ kheo mà chê bai giới thì phạm Ba-dật-đề. Nếu chê bai giới với người chưa thọ giới cụ túc, phạm Ðột-cát-la. Các câu văn khác dễ hiểu, không cần phải giải thích.
Hết phần giải thích giới chê bai giới luật (Vilekhanasikkhàpa-dam dutiyam). Ðây là tánh tội, phát sinh từ thân miệng.
73. (không có)
74. Ðánh (tỳ kheo khác):
Nhóm sáu tỳ kheo thường đánh đập nhóm mười bảy tỳ kheo vì sai khiến nhưng họ không làm theo. Nếu giận đánh cho đến (sắp) chết, phạm tội Ba-dật-đề.
Giận đánh cho đến vỡ đầu, gãy tay chân, phạm tội Ba-dật-đề.
Nếu đánh người chưa thọ giới cụ túc cho đến súc sanh, phạm tội Ðột-cát-la.
Nếu với tâm dâm dục, đánh người nữ, phạm tăng tàn.
Nếu gặp phải cọp, sói, sư tử cho đến tai nạn về phạm hạnh, dùng tay đánh để được thoát, không phạm
(Pahàrasikkhàpadam catutthamï).
75. Dọa muốn đánh:
Tay không đụng vào thân, chỉ đưa tay muốn đánh.
Hết phần giới dọa đánh muốn đánh (Talasattikasikkhàpadadam panõcamam).
78. Rình nghe lén:
(lén) nghe ở chỗ khuất, là (nghe) cách vách hay đến chỗ bóng tối (để rình nghe), mỗi bước đi phạm mỗi Ðột-cát-la; đến chỗ nghe được, phạm Ba-dật-đề.
Vì muốn tự sửa lỗi nên đến lén nghe, không phạm.
Ðây là tánh tội (Upassutisikkhàpadam atthamam).
79. Hối hận
Giới về tỳ kheo đã đồng ý với yết ma của tăng sau đó lại hối hận.
Không giải thích (Kammapatibàhanasikk-hàpadam navamam).
80. Bỏ ra ngoài
Tăng đang họp giải quyết tăng sự chưa xong, tự ý im lặng bỏ ra ngoài.
Không giải thích (Chandamïadatvà gamanasikkhàpadam dasamamï).
81. Ðổi ý
Tỳ kheo nào, trước đây hoan hỷ đồng ý (với tăng sự của tăng) sau đó lại nói rằng các tỳ kheo xoay vật của tăng đến cho thân hữu của mình.
Giới này không giải thích (Dabbasikkhàpadam ekàdasamam).
83. Tỳ kheo không được vào cung vua
Ðức Phật bảo A Nan rằng: Vào cung vua có mười lỗi. Mười lỗi là gì?
- Khi vua cùng phu nhân đang ngồi chung một nơi, thấy tỳ kheo, phu nhân cười. Thấy phu nhân, tỳ kheo cũng cười. Thấy vậy, vua sinh nghi ngờ rằng tỳ kheo này sẽ tư thông với phu nhân. Ðây là lỗi thứ nhất.
- Ðức Phật bảo A Nan rằng vào cung vua lại có lỗi khác nữa. Nếu vua cùng thể nữ trong cung giao hợp và sau đó quên đi nhưng (người kia) sinh con thì vua nói rằng ta không gần thể nữ này, sao lại có con, đúng là việc làm của tỳ kheo. Ðây là lỗi thứ hai.
- Ðức Phật bảo A Nan rằng lại có lỗi khác nữa. Nếu trong cung bị mất vật báu mà tìm kiếm không ra thì vua bảo rằng còn người nào nữa, đúng là tỳ kheo lấy. Ðây là lỗi thứ ba.
- Ðức Phật bảo A Nan lại có lỗi khác nữa. Nếu lời nói kín trong cung vua lọt ra ngoài thì vua suy nghĩ rằng đúng là tỳ kheo truyền ra bên ngoài. Ðây là lỗi thứ tư.
- Ðức Phật bảo A Nan rằng lại có lỗi khác nữa. Nếu vua đẩy kẻ lớn xuống làm nhỏ, đưa kẻ nhỏ làm lớn, (trong lúc) không ai được vào cung vua, (mọi người cho rằng) chắc là tỳ kheo dạy hành động ấy cho vua. Ðây là lỗi thứ năm.
- (... lỗi thứ sáu?)
- Ðức Phật bảo A nan rằng vào cung vua lại có lỗi lầm khác nữa. Nếu vua tước bỏ địa vị của trưởng giả và sai con thay thế, mọi người bất mãn cho rằng chắc là tỳ kheo ra vào vương cung, dạy hành động ấy cho vua. Ðây là lỗi thứ bảy.
- Ðức Phật bảo A Nan rằng tỳ kheo vào cung vua lại có lỗi khác. Nếu vua sai khiến binh sĩ không đúng lúc làm mọi người bất mãn, nên cho rằng hành động ấy là do tỳ kheo dạy cho vua. Ðây là lỗi thứ tám.
- Phật bảo A Nan rằng vào cung vua lại có lỗi khác nữa. Nếu vua sai lui quân giữa đường không đúng lúc, làm mọi người bất mãn nói rằng đây là tỳ kheo dạy hành động ấy cho vua. Ðây là lỗi thứ chín.
- Ðức Phật bảo A Nan rằng vào cung vua lại có lỗi khác. Nếu vua điều khiển xe voi ngựa và trang sức bằng vật quý, mọi người bất mãn và cho rằng hành động này là do tỳ kheo dạy cho vua. Ðây là lỗi thứ mười.
Hết phần giải thích giới tỳ kheo không được vào cung vua (Ràjanteparasikkhàpadam pathamamï).
84. Cầm vật quý
Vì Phật, tăng mà cầm vật quý lên, phạm tội Ðột-cát-la. Trong phòng tăng, trong trụ xứ, gặp vật báu bị rơi rớt (nên) giữ hộ. Khi đi chỗ khác nên bảo với người biết pháp và sợ tội rằng có chủ đến đòi nên trả lại cho họ.
Nếu đã lâu mà không có chủ đến đòi, được phép dùng vào việc làm phòng tăng hay ao, giếng nước, không được đem dùng riêng cho mình.
Nếu sau đó một thời gian lâu, có chủ đến đòi, nên đưa họ đến và chỉ tăng phòng, giếng nước (nói rằng) đây là vật của thí chủ.
Họ bố thí thì tốt, nếu không bố thí mà muốn lấy lại vật cũ (đã mất) thì tỳ kheo nên vào làng xóm, gặp thí chủ có tín tâm, nói rằng vào ngày... tháng... trong chùa có nhặt được vật quý bị rơi, giữ hộ đã lâu nhưng không có người đến đòi nên dùng làm phòng tăng, ao, giếng nước. Nay, chủ lại đến đòi vật cũ ấy, thí chủ có thể đem vật để chuộc lại và dâng cúng cho chúng tăng không?
Họ chuộc lại để dâng cúng cho chúng tăng thì tốt, nếu không ai có thể chuộc lại để bố thí thì tỳ kheo nên giáo hóa cầu xin khắp nơi để (góp lại) trả lại cho họ. Hết phần giải thích giới cầm vật quý (Rataanasikkhàpadam dutiyam). Ðây là chế tội phát sinh từ thân nghiệp.
85. Giới đi vào làng xóm không đúng lúc, không giải thích (Vikàlegàmappavesanasikkhàpadam tatiyam).
86. Nằm giường cao tốt, không giải thích (Mancasikkhàpadam pancamamï).
87. Giới làm nệm ngồi có đệm bông gòn, không giải thích (Tùlonaddhasikkhàpadam chattham).
88. Giới làm ống đựng kim bằng sừng, không giải thích (Sùcigharasikkhàpadam catuttham).
89. Làm tọa cụ dài hai gang tay, rộng một gang tay rưỡi (Phật). (Nếu) làm thêm một gang tay là dài thêm sáu tấc (Tàu) phải cắt bỏ đầu (thừa ra theo quy định) (như vậy) cứ thêm một gang (tay Phật) là phải cắt bỏ bớt ba cạnh (tọa cụ). Phần thêm đây là tính theo gang tay của đức Như Lai.
Hết phần giải thích giới tọa cụ (Nisìdanasi-kkhàpadam sattamam).
90. Giới về y che ghẻ: Không giải thích (Kandupaticchàdisikkhàpadam atthamam).
91. Giới về y tắm mưa: Không giải thích (Vassikasàtikasikkhàpadam navamam).
-ooOoo-
Pháp Ba-la-đề-đề-Xá-Ni (Pathamapàtidéaniya).
1. Giới Ba la đề đề xá Ni thứ nhất không giải thích.
2. Nếu cả hai vợ chồng đều đắc Tu Ðà Hoàn đạo thì dù có cả trăm lượng vàng cũng đem bố thí hết. Vì đã đắc đạo nên đối với tài sản họ không còn tham tiếc. Do bố thí thái quá nên gia đình trở nên nghèo nàn. Vì vậy, đức Phật chế giới (này để ngăn chư tăng) không được nhận sự cúng dường của họ.
-ooOoo-
Các điều học (Sekhiyavatta).
Thi Sa (Sikkhà) nghĩa là học.
Ca La Ny (Karanìya) việc cần phải học làm.
Nếu (dưới) bắp chân lớn (dài) hay đùi ốm nhỏ thì được mặc (y) thấp xuống.
Ðổ nước rửa bát trong nhà người đời, nếu đã nhặt lấy hết cơm bố thí cho chúng sanh, đổ nước còn thừa lại thì không phạm. Nếu đem cơm nát trộn nước đổ (để bố thí cho chúng sanh) thì không phạm.
Không được đại tiểu tiện trong nước sạch dùng được.
Không phạm: nước mà người ta không dùng.
- Trong nước biển.
- Nước có thể dùng được nhưng ở nơi xa vắng, không có người sử dụng.
Không ngủ lại và cất vật dụng trong tháp thờ Phật. Hai giới này trong bản Phạn (Pàli) không có. Tại vì khi Phật còn tại thế, chưa có tháp (thờ Xá lợi) Phật. Giới (bản) này do Phật chế khi Ngài còn tại thế nên không thể có giới này. Do đó, đối với các giới:
1- Mang dép da đi vào tháp thờ Phật.
2- Tay cầm dép da vào tháp thờ Phật.
3- Mang giày ủng vào tháp thờ Phật.
4- Tay cầm giày ủng vào tháp thờ Phật.
5- Khiêng thây chết dưới tháp thờ Phật.
6- Thiêu thây chết dưới tháp thờ Phật.
7- Thiêu thây chết hướng về tháp thờ Phật.
8- Thiêu thây chết ở bốn cạnh tháp thờ Phật.
9- Mang y phục và giường của người chết đi qua tháp thờ Phật.
10- Ðại tiểu tiện dưới tháp thờ Phật.
11- Ðại tiểu tiện hướng về tháp thờ Phật.
12- Ðại tiểu tiện quanh tháp thờ Phật.
13- Mang tượng Phật đến nơi đại tiểu tiện.
14- Xỉa chà răng dưới tháp thờ Phật.
15- Xỉa chà răng hướng về tháp thờ Phật.
16- Xỉa chà răng chung quanh tháp thờ Phật.
17- Khạc nhổ dưới tháp Phật.
18- Khạc nhổ hướng về tháp Phật.
19- Khạc nhổ chung quanh tháp Phật.
20- Duỗi chân hướng về tháp Phật.
- An trí tượng Phật ở phòng dưới.
Hai mươi giới (đang lưu truyền) ở trên, trong nguyên bản chữ Phạn không có vì khi đức Thế Tôn còn tại thế, không có tháp thờ Phật.
Bấy giờ, đức Phật quở trách nhóm sáu tỳ kheo rằng tại sao (các ông) ở dưới mà thuyết pháp cho người ở trên.
Phật bảo các tỳ kheo rằng ngày xưa ở nước Ba La Nại, có một cư sĩ tên là Xa Ba Gia (Chapaka). Người vợ có mang nên muốn ăn xoài, bảo với chồng rằng em thèm ăn xoài, anh hãy tìm cho em.
Người chồng đáp lúc này không phải mùa xoài, làm sao anh tìm được?
Người vợ nói: Nếu anh không tìm được xoài thì chắc em sẽ chết.
Nghe vợ nói, người chồng suy nghĩ rằng chỉ có trong vườn của vua mới có xoài trái mùa, ta hãy đến hái trộm.
Sau khi suy nghĩ tính toán như vậy, vào ban đêm, người chồng lẻn vào vườn nhà vua để hái trộm xoài. Chưa hái được quả nào thì trời đã sáng, không thể ra khỏi vườn nên anh ta trốn trên cây.
Bấy giờ, cùng Bà La Môn vào vườn, vua muốn ăn xoài. Ðang ở dưới thấp, Bà La Môn thuyết pháp cho vua đang ngồi trên tòa cao.
Ðang núp trên cây, người trộm xoài suy nghĩ rằng ta đang trộm xoài, việc này đáng bị chết. Nhân việc vua nghe Bà La Môn thuyết pháp, ta sẽ được thoát. Ta làm không đúng pháp mà vua cũng làm không đúng pháp, Bà La Môn cũng làm không đúng pháp. Tại sao? Ta vì phụ nữ nên trộm xoài của vua. Nhà vua cũng kiêu mạn vì thầy đang ngồi ở dưới mà mình ở trên cao để nghe pháp. Vì tham lợi dưỡng, Bà La Môn tự ở dưới thấp để thuyết pháp cho vua đang ở trên cao. Ta cùng với vua và Bà La Môn đều không đúng pháp, vậy ta sẽ được thoát.
Suy nghĩ xong, người này xuống khỏi cây, đến trước vua và nói kệ:
Ba người không biết pháp
Hai người không thấy pháp
Người dạy không y pháp
Người nghe không hiểu pháp
Vì ăn cơm gạo ngon
Và thức ăn hảo hạng
Chỉ vì ăn và uống
Tôi nói không đúng pháp (là ba)
Vì danh lợi làm hư
Gia pháp của các vị.
Khi Ta (Phật) còn là phàm phu, thấy người ở dưới thuyết pháp cho người ở trên, còn nói họ là phi pháp, huống chi là Ta ngày nay, đệ tử các ngươi tự mình ở bên dưới mà thuyết pháp cho người ở trên cao. Người trộm trái lúc bấy giờ là tiền thân của Ta.
Hết phần các pháp các điều học (Sekhiyavamnanà nitthità).
Các pháp diệt tranh cãi sẽ giảng rõ trong phần Kiển Ðà Ca ở sau (Bhikkhuvibhangavannanà titthità).
-ooOoo-
GIỚI TỲ KHEO NI
Giới xúc chạm: từ lõm vai trở xuống, từ đầu gối, cùi chỏ tay trở lên, nếu xúc chạm vuốt ve vào thì phạm Ba La Di.
Tỳ kheo ny vuốt ve tỳ kheo, tỳ kheo có cảm giác thích thú nhưng thân không cử động theo thì không bị tội.
Nếu tỳ kheo đến vuốt ve tỳ kheo ny, tỳ kheo ny không cử động thân theo nhưng có cảm giác thích thú, tùy theo chổ tiếp xúc mà bị tội.
Hết phần bốn giới Ba La Di sau.
Nếu tỳ kheo ny bảo người khác hãy cùng mình đi đến chổ quan và tỳ kheo ny bảo cư sĩ ấy rằng ông hãy nói lý (của mình) trước. Nếu cư sĩ nói lý (của họ) thì tỳ kheo ny phạm tội Ðột-cát-la. Sau khi cư sĩ nói xong, tỳ kheo ny lại nói tiếp (về sự việc kiện tụng) với quan thì tỳ kheo ny phạm Thu Lan Giá. Nếu cư sĩ nói tiếp, tỳ kheo ny thắng lý thì phạm tăng tàn. Nếu tỳ kheo ny không thắng lý cũng phạm tăng tàn.
Nếu cư sĩ nói rằng này tỳ kheo ny, quan gọi tỳ kheo ny đến. Sau khi đến nơi (quan) bảo tỳ kheo ny rằng hãy trở về, để quan tự phán quyết. Như vậy, dù thắng lý hay không thắng lý, tỳ kheo ny đều không phạm tội.
Nếu tỳ kheo ny đến trước quan và chỉ nói là người (chứ không nêu tên), quan hỏi là người vật gì thì không được nói tên của họ ra. Nếu bảo với quan trừng phạt họ bằng vật theo giá trị nhiều ít thì bị tội và (tỳ kheo ny) phải trả lại (cho người kia). Nếu được quan hỏi mà không nói rõ tên họ (của người kia) thì không phạm. Nếu sau đó, tự quan tìm biết ra chủ và trừng phạt thì tỳ kheo ny không phạm.
Nếu có người trộm y của tỳ kheo ny thì tỳ kheo ny không được nói là trộm, chỉ được nói là người này lấy y của tôi mang đi.
Nếu có người sẽ cướp đoạt vật của tỳ kheo ny thì tỳ kheo ny được phép đến vua xin bảo vệ thân mình nhưng không được nêu tên ra. Nếu nói tên của họ ra thì phạm tội.
Như trước đã nói, nghe tỳ kheo ny xin được bảo vệ, vua đánh trống truyền lệnh rằng ai xâm phạm tỳ kheo ny thì bị trị tội theo pháp luật.
Sau đó, nếu có người xâm phạm tỳ kheo ny, bị vua trị tội theo pháp luật thì tỳ kheo ny không bị tội.
Nếu có người vào chùa ny chặt phá cây cối, thì (tỳ kheo ny) không được đoạt dao búa (của họ) và phá hư đi. Nếu đập hư đi thì phải bồi thường theo giá trị. Nếu không bồi hoàn thì tính theo giá trị nhiếu ít mà phạm tội.
Các câu văn khác dễ hiểu. Hết phần giải thích giới kiện tụng với người khác.
Giới độ nữ tặc: Không giải thích.
Giới tự tiện ra ngoài cương giới để giải yết ma (bị cử): Không giải thích
Tỳ kheo ny nào đi thuyền một mình qua sông thì phạm tăng tàn.
Hết phần giải thích 17 giới tăng tàn của ny.
Ba mươi pháp ưng xả đối trị: Không giải thích.
Sáu mươi pháp Ba-dật-đề.
Tỏi chỉ cho tỏi lớn (có củ): ăn mỗi miếng Ba-dật-đề. Ăn tỏi hành nhỏ thì không phạm. Ðược phép trộn tỏi lớn vào thức ăn để khử mùi (làm gia vị) thì không phạm.
Rửa chỗ tiểu tiện, nên dùng hai ngón tay (mỗi ngón) một đốt, không được quá. Nếu tẩy bằng một ngón tay thì được đưa vào hai đốt, không được quá. Không được dùng cả ba ngón tay để tẩy, vào trong thì phạm.
Tỳ kheo ny nào xin (hạt giống) lúa bắp, lúa mì thì phạm Ba-dật-đề. Nếu xin đậu hay dưa, rau thì không phạm. Nếu vì làm phòng ở mà xin lúa, bắp, lúa mì thì không phạm.
Không được đại tiểu tiện trên tất cả rau, cỏ, cây có trái sống và hạt lúa, nếu phạm thì bị tội Ba-dật-đề. Ðại tiểu tiện trên trái, cây khô, hạt giống chưa ra mầm thì phạm Ðột-cát-la.
Ði xem múa hát: kể cả đi xem khỉ vượn, chim công đùa giỡn nhau, đều phạm Ba-dật-đề. Nếu đi xem múa trong chùa thì không phạm.
Sau khi an cư mùa hạ, nên đi ra khỏi chùa cách sáu do tuần. Nếu không đi, phạm Ba-dật-đề.
Tám pháp Ba la đề đề xá ny: Không giải thích.
Hết phần giới của tỳ kheo ny (Bhikkhunivibhangavan-nanà nitthità).
Các phần Kiển-Ðà-Ca (Khandhaka).
Kiển Ðà Ca: Hán dịch là tạp kiền độ.
Bấy giờ, sau (thời gian thành đạo) bảy ngày, đức Phật xuất khỏi thiền định, trời Ðế Thích dâng Ngài trái Ha La Lặc (Osadhaharitaka - trái duốc núi, trái Kha lê lặc). Sau khi Phật nhận và dùng xong, trời Ðế Thích lại dâng cây xỉa răng và nước sạch ( Mukhodaka - nước rửa mặt).
Bấy giờ có hai khách buôn từ thôn Ưu Già La (Ukkalà) đi đến, trên xe chở đầy hàng hóa sắp đi vào trong nước. Khi đến gần cây Bồ đề, xe hàng hóa này tự nhiên đứng lại, không chịu đi tiếp. Thấy xe không đi tiếp, hai anh em cho là điềm xấu nên bày biện thức ăn để cúng tế quỷ thần. Thần cây liền hiện ra nửa thân và bảo với khách buôn rằng xe của ngươi không đi được là do ta giữ lại. Này khách buôn nên biết rằng con vua Tịnh Phạn xuất gia học đạo, đang chứng đắc nhất thiết trí dưới gốc cây Bồ đề, trong bảy ngày nay chưa ăn gì cả. Các ông hãy dâng bánh và mật lên đức Như Lai thì được lợi ích an ổn vui vẻ lâu dài.
Nghe thần cây nói như vậy, hai anh em khách buôn liền đem bánh mật dâng lên Thế Tôn.
Tuần tự các câu văn này, trong luật đã nói rõ.
(Người) thọ hai quy y đầu tiên là hai khách buôn dâng bánh mật lên đức Phật.
Sau khi thọ quy y rồi, muốn ra đi, hai anh em bạch Phật rằng làm sao hai người chúng con được cúng dường Phật?
Ðức Phật đưa tay vuốt đầu, tóc rơi vào tay, bảo với khách buôn rằng các vị nên cúng dường tóc này chính là cúng dường đại sư các vị.
Hỏi: - Cái bát thọ cháo sữa lúc trước nay ở đâu (mà nay) lại nhận bát của bốn thiên vương dâng?
Ðáp: - Bát mà đức Phật nhận cháo sữa trước đây, khi lội qua sông Ni Liên thuyền (Neranjarà) thì bát bị chìm vào nước, được long vương dưới biển nhận lấy để cúng dường. Do đó, nay phải nhận lại bát do bốn thiên vương dâng cúng. Bát này màu sắc như ngọc.
Người nào muốn cầu xuất gia, được cha mẹ cho phép, không có bệnh hoạn, không bị các chướng nạn, đến giữa tăng, nếu chúng tập họp lại thì nên bạch tăng, nếu không tập họp thì bảo nhau cho mọi người biết.
Sau khi bạch tăng, giới tử phải tắm rửa sạch sẽ, sau khi tắm rữa xong, hòa thượng nên xem họ như con mình, không được sinh tâm khinh thường. Tại sao? Nếu lo liệu công việc cho họ với tâm tốt thì đệ tử sẽ xem hòa thượng A Xà lê như cha.
Sắp cạo tóc, hòa thượng nên dạy cho họ năm pháp (quán tưởng). Năm pháp ấy là tóc, lông, móng, răng, da (kesà, lomà, nakhà, dantà, taco)
Dạy cho năm pháp này bởi vì có người tiền thân đã từng quán tưởng về năm pháp này, nay cạo tóc rơi xuống đất, thiện nghiệp trước đây phát sinh, liền chứng quả La Hán. Do đó, phải dạy cho họ năm pháp trước, sau đó mới cạo tóc. Như La Hầu La (Ràhula) tóc chưa cạo hết đã chứng quả La hán. Như mụt ghẻ đã muồi phải cần người lể ra sau đó mới phá. Như hoa sen phải chờ mặt trời mọc mới nở tung ra. Ở đây, người sắp xuất gia cũng vậy, nhờ được dạy năm pháp mà được ngộ đạo.
Khi cạo tóc, nên để lại trên đầu họ năm hay ba chỗ còn tóc, gội sạch bằng nước thơm để sạch mùi thế tục rồi đưa đến trước hòa thượng.
Hòa thượng hỏi rằng: - Ông có đồng ý cho cạo sạch tóc trên đầu không?
Ðáp: - Xin vâng.
Ðích thân hòa thượng cạo tóc trên đầu cho họ.
Sau khi được cạo tóc, giới tử quỳ trước hòa thượng. Ðược hòa thượng trao Ca sa, giới tử nhận lấy và đội trên đầu, sau đó trao lại cho hòa thượng. Làm như vậy ba lần.
Sau khi giới tử đã đội ca sa, hòa thượng mặc y cho họ chứ giới tử không được tự tiện lấy và mặc ca sa mà phải được hòa thượng trao cho.
Thứ đến, giới tử làm lễ các tỳ kheo, đi đến chỗ A Xà Lê lạy sát chân, quỳ xuống chấp tay. A Xà Lê dạy rằng: - Ông hãy theo lời ta nói, dạy cho ông thọ ba quy y.
Ðáp: - Dạ, xin vâng.
Sau khi cho thọ ba quy y, thứ đến truyền cho mười giới.
Cho thọ ba quy y như thế nào?
Ðáp: - Thọ ba quy y có hai trường hợp:
1- Thọ riêng.
2- Thọ chung.
Thế nào là thọ riêng? Thọ riêng là (nói lên) quy y Phật, quy y Phật, đã quy y Phật. Quy y pháp, quy y pháp, đã quy y pháp. Quy y tăng, quy y tăng, đã quy y tăng. Ðây gọi là thọ riêng.
Thọ chung là: quy y phật, quy y pháp, quy y tăng. Ðã quy y Phật, đã quy y pháp, đã quy y tăng. Nói lên như vậy ba lần. Ðây gọi là thọ chung.
Không được nói quy y tăng trước rồi đến quy y pháp, Phật, cũng không được nói xen tạp.
Nếu thầy dạy nói quy y Phật, mà đệ tử nói không đúng thành ra quy y Phất thì cũng thành thọ.
Nếu thầy dạy nói (sai) quy y Phất, đệ tử nói (đúng) quy y Phật thì cũng thành thọ ba quy y.
Nếu thầy và trò đều đọc sai về lời thọ quy y Phật thì không thành thọ ba quy y.
Nếu thầy dạy quy y Phật, đệ tử đáp rằng xin vâng, hoặc lời nói không ra khỏi miệng, hoặc nói lời không đầy đủ, đều không thành thọ ba quy y.
Sau khi thọ ba quy y, thứ đến thọ mười giới.
Thọ mười giới có hai trường hợp:
1- Thọ riêng.
2- Thọ chung.
Thế nào là thọ riêng? Như nói rằng: con xin thọ giới không sát sanh, con xin thọ giới không sát sanh, con xin thọ giới không sát sanh rồi. Tuần tự các giới khác cũng như vậy, gọi là thọ riêng.
Thế nào là thọ chung? Như nói con xin thọ giới thứ nhất là không sát sanh; thứ hai là không trộm cắp; thứ ba là không dâm dục; thứ tư là không nói dối; thứ năm là không uống rượu; thứ sáu là không ăn quá giữa ngày; thứ bảy là không ca múa xướng hát, sử dụng các nhạc khí và cố ý đi xem nghe cho đến không đi xem đấu tranh; thứ tám là không đeo hoa thơm, trang sức, xức dầu thơm; thứ chín là không nằm ngồi trên giường cao rộng; thứ mười là không nắm giữ sinh tượng. Sinh tượng là vàng, bạc và tất cả các vật báu đều không được cầm.
Nếu tiếng nói không đồng nhau, như nói tiếng địa phương không hiểu nhau thì phải dạy ý nghĩa cho họ như vậy là không sát sanh.
Giới tử đáp: - Giữ được.
Như vậy sự thọ giới cũng thành tựu.
Ðối với người căn tính chậm lụt không biết mặc y, không biết bưng bát thì không được lìa thầy hòa thượng mà phải nhất nhất tùy thuận theo hòa thượng để học.
Hòa thượng xem đệ tử như con nhỏ.
Hết phần Ðộ sa di.
-ooOoo-
Pháp đệ tử thờ thầy:
Rạng đông, phải dạy sớm. súc miệng, rửa tay chân mặt, cởi dép da, vào chỗ hòa thượng.
Thầy đã thức dạy, dâng thầy ba loại cây chà răng lớn, vừa, nhỏ và đưa một lần cả ba loại trên. Nếu hằng ngày thầy thường lấy cây lớn thì giữ lại cây vừa, nhỏ mà dâng thầy cây lớn. Nếu thầy thường dùng cây vừa thì giữ lại cây lớn, nhỏ. Nếu thầy thường dùng cây nhỏ thì giữ lại cây lớn, vừa. Nếu có lúc dùng cây lớn, có lúc dùng cây vừa, có lúc dùng cây nhỏ thì tùy ý thầy mà dâng một trong ba loại.
Nên dâng nước cho thầy. Nước có hai loại là lạnh và ấm. Nếu thầy thường dùng nước lạnh thì giữ nước ấm lại. Nếu thầy thường dùng nước ấm thì giữ nước lạnh lại.Nếu thầy có lúc dùng nước lạnh, có lúc dùng nước ấm thì tùy theo ý thầy mà dâng một trong hai loại trên. Hết phần dâng nước.
Khi hòa thượng vào phòng xí để vệ sinh thì đệ tử đến phòng hòa thượng để quét, dọn giường, tòa, thu xếp y phục.
Dâng y Tăng già lê: xếp y Tăng già lê và áo lót dâng cho hòa thượng. Nếu hòa thượng sắp đi thì mặc y mang bát theo sau hòa thượng, không được đi gần hay xa quá, đi cách hòa thượng chừng bảy thước tàu. (0,3m x 7 thước = 2,1m -- người dịch)
Thầy nên dạy đệ tử trì giới, nếu họ có phạm tội nên dạy họ sám hối. Nếu đệ tử thiếu bát, thầy dư, nên cho.
Nếu đệ tử bị bệnh thì thầy nên chăm sóc.
Nếu hòa thượng có nhiều đệ tử thì một người phục vụ thầy, còn những người khác được tùy ý học, tụng (kinh điển).
Khi ấy, có Bà La Môn muốn cầu xuất gia nhưng không được tỳ kheo chấp thuận nên khóc lóc buồn rầu.
Thấy Bà La Môn ấy (buồn rầu nên) thân thề gầy ốm tiều tụy, đức Phật hỏi các tỳ kheo rằng vì sao Bà La Môn này tiều tụy như vậy?
Tỳ kheo đáp: Bà La Môn này muốn xin xuất gia nhưng không được các tỳ kheo chấp thuận nên buồn rầu gầy ốm.
Ðức Phật hỏi các tỳ kheo rằng vị nào có mang ân của Bà La Môn này?
Xá Lợi Phất đáp: - Tại thành Vương Xá, Bà La Môn này đã từng cho con ăn, thế nên con biết (ông ấy).
Phật bảo Xá Lợi Phất: - Ông hãy độ Bà La Môn này.
Xá Lợi Phất thưa: - Thế Tôn! Con độ Bà La Môn này như thế nào?
Phật bảo Xá Lợi Phất: - Ông hãy bạch tứ yết ma (Natticatutthà kammavàcà).
Bấy giờ, sau khi tập họp các tỳ kheo lại để thuyết pháp xong, Phật dạy các tỳ kheo từ đây về sau không cho phép thọ giới bằng cách nói ba lần. Trong chúng tăng, tỳ kheo nào hiểu rõ (về luật) thì bạch tứ yết ma cho giới tử thọ giới.
Sau khi thọ giới, vị tân tỳ kheo làm nhiều việc xấu, không học giữ oai nghi. Có vị tỳ kheo thiểu dục tri túc chê trách rằng tại sao các ông làm những việc xấu mà không học giữ oai nghi?
Tỳ kheo ấy đáp rằng ai mời đại đức truyền giới cho tôi, ai thỉnh đại đức làm hòa thượng cho tôi?
Bấy giờ, có tỳ kheo thiểu dục thưa với Phật rằng các tỳ kheo không thỉnh hòa thượng, không xin giới mà cũng được thọ giới cụ túc.
Nhân đây, Phật chế giới người nào không thỉnh vị khác làm hòa thượng, không cầu xin giới thì không được truyền giới cụ túc cho họ. Ai cho họ thọ giới thì bị tội Ðột-cát-la.
Cách thỉnh hòa thượng và cầu xin giới có ghi rõ trong luật.
Khi ấy, có các tỳ kheo bạch tứ yết ma với hai hoặc ba người để truyền giới cụ túc cho người.
Có vị tỳ kheo thiểu dục tri túc, sau khi quở trách, đến bạch với đức Phật.
Do sự việc này, đức Phật tập họp các tỳ kheo và dạy rằng từ nay về sau nên quy định túc số tăng mười vị để truyền giới cụ túc cho người. Nếu không đủ mười vị mà truyền giới cụ túc thì phạm tội Ðột-cát-la.
Có vị tỳ kheo mới một tuổi hạ, hai tuổi hạ đã cho người khác thọ giới cụ túc mà không biết dạy bảo nên đệ tử không biết giữ uy nghi. Tỳ kheo ấy đưa các đệ tử đến gặp đức phật, lạy sát chân và ngồi qua một bên.
Bấy giờ, đức Phật thăm hỏi:
- Thân thể tứ đại của các ông có điều hòa không? Khất thực có dễ dàng không?
Họ thưa rằng thân thể tứ đại điều hòa, khất thực dễ dàng.
Nhân đó, đức Phật biết mà cố hỏi rằng các tỳ kheo này là đệ tử của ai?
Ðáp: - Ðệ tử của con.
Hỏi: - Ông bao nhiêu tuổi hạ?
Ðáp: - Hai tuổi hạ.
Hỏi: - Ðệ tử của ông bao nhiêu tuổi hạ?
Ðáp: - Một tuổi hạ.
Ðức Phật liền quở trách rằng chính ông (như trẻ con) chưa dứt sữa, làm sao độ được người.
Sau khi quở trách, Phật tập họp các tỳ kheo lại và dạy rằng từ đây về sau (tỳ kheo nào) chưa đủ mười tuổi hạ thì không được độ người cho thọ giới cụ túc. Nếu cho họ thọ giới thì bị tội. (Người nào) tuy đủ mười tuổi hạ nhưng ngu si không có trí tuệ thì cũng không được cho người thọ giới cụ túc.
Hết phần thọ giới.
-ooOoo-
Pháp sư nói: - Sau đây thuyết minh về pháp mất y chỉ (Nissaya) và không mất y chỉ.
Ðệ tử cùng đi với thầy y chỉ, khi trông thấy hòa thượng thì mất pháp y chỉ.
Nếu trông thấy hòa thượng mà tưởng không phải hòa thượng thì không mất y chỉ.
Nếu hòa thượng đi vào trong cương giới hoặc vào trong nhà, hoặc vào làng xóm để khất thực, (đệ tử) nghe tiếng nói nhưng không thấy hình dáng, đều bị mất y chỉ.nếu nghe tiếng mà tưởng là không phải hòa thượng thì không mất y chỉ.
Nếu kẻ ngoại đạo mới gia nhập Phật pháp nên cho họ pháp Ba lợi Bà Sa (Parivàsa - thời gian tập sự thử thách). Sau khi cho Ba lợi Bà Sa rồi, nếu họ thích đi lại năm nơi không nên đi (xem ở trước), lười biếng không chịu học Phật pháp, vui mừng khi nghe chê bai Phật pháp, vui mừng khi nghe chê bai tăng thì không được truyền giới cụ túc cho họ. Ngoại đạo đang hành Ba Lị bà sa (thời gian thử thách, tập sự) dù cho có tu chứng đến tứ thiền đến có thể bay lên hư không đi nữa cũng không được truyền giới cụ túc mà phải đủ bốn tháng. Nếu họ đã tu chứng đạo quả Tu Ðà Hoàn trong Phật pháp, đến giữa tăng, cầu xin được xuất gia thì cho họ xuất gia, thọ giới cụ túc mà không cần phải trãi qua (bốn tháng) thử thách (Ba lợi Bà Sa).
Sau khi đã hành đủ bốn tháng thử thách, (mà họ vẫn) vui mừng khi nghe chê bai Phật pháp, tức giận khi nghe hủy báng ngoại đạo, ưa đi lại năm chỗ không nên đi lại thì cho họ hành thực bốn tháng thử thách lại.
Ðối với ngoại đạo kết tóc và ngoại đạo thờ lửa thì không cần cho họ pháp Ba lợi Bà Sa. Tại sao? Hai hạng ngoại đạo này đều có ba nghiệp tin nhân quả. Chư Phật khi làm Bồ Tát trong quá khứ, tu xuất gia ba la mật đều có học theo hai ngoại đạo này.
Hết phần cho ngoại đạo thời gian thử thách để xuất gia.
-ooOoo-
Bệnh lại (Kuttha) có nhiều loại như bạch lại, hắc lại, ghẻ lở, lác đều thuộc về bệnh lại.
Cũng không được xuất gia: (người) bệnh lại, lác cho đến lớn chừng như móng tay cũng không được xuất gia.
Bệnh lác lớn như móng tay nổi lên ở những chỗ lộ dù phát triển hay không phát triển đều không được xuất gia. Nếu lác mọc ở chỗ kín nhưng có phát triển thì cũng không được xuất gia. Nếu chúng không phát triển thì được xuất gia.
Bệnh bướu mọc ở chỗ lộ dù phát triển hay không phát triển cũng không được xuất gia. Nếu chúng mọc ở chỗ kín nhưng không phát triển thì được xuất gia.
Nhất thời bị bệnh nổi cục lên (sau khi) đại tiện thì hết, được cho xuất gia. Vì đây không phái bứu, nên được xuất gia.
Nếu thân thể có (mụn) nhỏ nổi lên như bị mũi nhọn đâm chích thì thuộc về bệnh lại, không được xuất gia.
Ðộ người thuộc về vua (quản lý): Bấy giờ có các tỳ kheo độ chiến tướng (của vua) cho xuất gia. Sau đó có giặc nổi lên, vua muốm tìm ra vị tướng ấy để đi phá giặc, sai người đi tìm đến tận phòng chư tăng. Sứ giả thấy những vị tướng ấy đã được các tỳ kheo độ cho xuất gia nên trở về tâu vua rằng các tỳ kheo đã độ những vị tướng ấy xuất gia rồi.
Nghe như vậy, tập họp các quan lại bàn luận, vua hỏi rằng độ người của nhà quan bị tội thế nào?
Các quan đáp: ai làm hòa thượng thì bị chặt đầu, làm thầy yết ma thì bị cắt lưỡi, những người khác tham dự giới đàn thì bị đánh gãy xương sườn.
Khi ấy là người đã đắc đạo Tu Ðà Hoàn, nghe lời các quan nói xong, nhà vua đi đến gặp Phật và bạch rằng từ đây về sau xin đừng độ xuất gia cho người của vua. Trong tương lai, gặp các vị vua thế gian không tin Tam bảo, nếu các tỳ kheo độ người của vua xuất gia thì bị trị tội theo pháp luật.
Ðối với người của vua hay của các quan, cho đến người chỉ ăn bổng lộc của vua, đếu là người của vua, nếu cha ăn lộc vua, con không ăn lộc vua thì cha không được xuất gia mà con được xuất gia. Ai ăn lộc vua có kỳ hạn, chưa hết hạn thì cũng không được xuất gia. Sau khi ăn hết lộc vua mới được xuất gia. Nếu ai quyết chí muốn xuất gia thì chuyển phần lộc ấy cho anh em con cái thì sau đó được xuất gia. nếu người ăn lộc tâu vua , vua cho phép thì được xuất gia.
Giặc là những kẻ cướp, giật, trộm cắp, chặn đường giết người. Biết rõ tên họ của giặc thì không cho xuất gia.
Nếu làm giặc vì mưu đồ việc nước mà đã bỏ tâm xấu ấy rồi, muốn xuất gia thì được độ cho xuất gia. Vì trừ nạn cho đất nước, nếu vua nghe (giặc ấy) xuất gia thì rất mừng.
Nếu giặc ấy từ bỏ việc xấu, đầu hàng vua, vua cho phép thì được độ cho họ xuất gia.
Không được độ người đang bị thương vì binh khí. Sau khi vết thương lành thì được độ cho họ xuất gia.
Nếu người phạm tội bị bàn ủi lửa in tên họ (trên người) thì không được độ cho xuất gia. Nếu sau khi chữa khỏi thì đựơc cho xuất gia.
Người mắc nợ (Inàyika): ngưòi mà chính mình mắc nợ, hay tổ phụ mắc nợ, hay cha mắc nợ, hay con mắc nợ mà mình phải chịu trách nhiệm (trả) thì không được xuất gia. Nếu đã có người trả nợ cho rồi thì được xuất gia.
Nô tỳ (Dàsa - nô lệ, đầy tớ): có bốn loại nô tỳ:
1- Sinh trong nhà.
2- Do chủ mua.
3- Do bị tàn phá.
4. Tự mình trở thành nô tỳ.
Tự thành nô tỳ: vì sự ăn mặc nên tự nguyện làm nô tỳ.
Nếu người chủ thả cho nô tỳ xuất gia (họ) nói với các tỳ kheo rằng nếu nô tỳ có đạo tâm thì được thả (để xuất gia). Nếu không có đạo tâm thì phải trở lại làm nô tỳ.
Nếu họ nói như vậy, thì (các tỳ kheo) không được độ (nô tỳ ấy) xuất gia.
Bấy giờ, ở nhà cư sĩ kia có phát sinh bệnh dịch, lúc đầu làm chết ruồi, rết sau đó giết gà heo đến bò dê, sang đến nô tỳ, cuối cùng là những người tốt đẹp. Khi bệnh này phát sinh, thì (mọi ngưòi ) không được ra khỏi nhà bằng cửa đi mà phải phá tường để đi thẳng ra và không được nhìn lại. Ai nhìn lại thì bị chết. Nếu không chết ngay, khi đi đến địa phương khác cũng chết.
Bấy giờ, ba cha con (nhà cư sĩ kia) phá vách tường để ra, đi thẳng chứ không nhìn lại nên còn sống. Sau khi đến vùng khác, quá nghèo nàn không thể tự lập nên họ đến gặp tỳ kheo để cầu xin xuất gia.
Tỳ kheo độ cho họ xuất gia. Sau khi xuất gia, người cha dẫn hai con đi khất thực.
Chú Giải Luật Thiện Kiến
- Quyển thứ 16 -

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 18 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.142.3 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập