Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Thiện Kiến Luật Tì Bà Sa [善見律毘婆沙] »» Bản Việt dịch quyển số 17 »»

Thiện Kiến Luật Tì Bà Sa [善見律毘婆沙] »» Bản Việt dịch quyển số 17

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.52 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.66 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luật Thiện Kiến Tì Bà Sa

Kinh này có 18 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 |
Việt dịch: Thích Tâm Hạnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Khi ấy, từ nước Ma Kiệt, đức Phật đi đến nước Ca Duy La (Kipilavatthu).
Pháp sư nói: theo tuần tự, tôi sẽ nói về nhân duyên nguồn gốc.
Bấy giờ đại vương Thu Ðầu Ðàn Na (Suddhonamahàrà-jan) nghĩ rằng: vào ngày đầu tiên xuất gia, Con ta tự tuyên bố nếu thành Phật sẽ trở về nước này.
Nhớ lại lời này, vua lại suy nghĩ Con ta thành Phật sẽ trở về.
Do đó, luôn theo dõi tin tức của con, vua nghe rằng sau khi con mình tu hành khổ hạnh đi đến dưới cây bồ đề và đắc đạo, rồi lại đến nước Ba La Nại chuyển pháp luân Tứ đế, độ cho nhóm Kiều Trần Như (Annata-kondanna) năm người xuất gia, hiện nay đang ở nước Ma Kiệt (Magadhà). Tuổi ta đã già, trong lúc đang còn sống nên gặp lại con ta.
Sau khi suy nghĩ như vậy, vua gọi đại thần và bảo: ta nghe người ta nói rằng Thái tử đã thành Phật, đang ở tại nước Ma Kiệt. Khanh hãy dẫn một ngàn người đến nghênh tiếp. Ðến nơi, khanh hãy tâu với Thái tử rằng ta đã già muốn gặp lại nhau.
Vâng lệnh vua, đại thần dẫn một ngàn người nối nhau trước sau cùng đến nước Ma Kiệt. Ðến nơi, họ đến gặp Phật, đem đầu mặt lạy sát chân Phật rồi ngồi qua một bên.
Quán sát tâm ý một ngàn người này, Thế Tôn thuyết pháp cho họ. Sau khi nghe pháp, một ngàn người này liền chứng quả La Hán. Ðược đức Phật gọi thiện lai (hãy đến đây) họ liền đắc giới cụ túc.
Sau khi đắc quả La Hán rồi, một ngàn tỳ kheo này nhập vào quả thiền định, hưởng an lạc của giải thoát và ở lại nơi ấy không muốn trở về nữa. Ðược vua đưa tin đến nhưng họ cứ kéo dài thời gian mãi, không trở về lại không báo tin gì trở lại.
Nhà vua lại sai đại thần đi mời nữa, lần lượt sai đến tám vị, mỗi vị với một ngàn người cùng đi đến gặp Phật và đều xuất gia chứng quả La Hán, không có người nào trở lại báo cho vua biết.
Vua lại tính toán rằng ta lại phải sai ai đi đây?
Khi ấy, có một đại thần tên Ca Lưu Ðà Di cùng sinh một ngày với Bồ Tát. Vua sai Ca Lưu Ðà Di (Kàludàyi) đến nghinh đón Phật.
Như tám vị đại thần đã nói ở trước, trước hết, Ca Lưu Ðà Di tâu: xin vua cam kết rằng nếu cho xuất gia, thần sẽ đi đón về.
Vua đáp: - Tốt.
Vâng lệnh vua xong, Ca Lưu Ðà Di đưa một ngàn người đến đó. Ðược đức Phật thuyết pháp, họ liền chứng quả La Hán. Ðược đức Phật gọi thiện lai tỳ kheo, họ đắc giới cụ túc.
Bấy giờ, nhân trông thấy lúa kết hạt, cây cỏ dưới nước trên bờ nở hoa xinh đẹp, thời tiết điều hòa nên Ca Lưu Ðà Di nói sáu mươi bài kệ ca tụng đường đi.
Phật biết nhưng cố hỏi: - Này Ca Lưu Ðà Di, vì việc gì mà ông ca tụng đường đi?
Ca Lưu Ðà Di đáp: - Ðại vương Du Ðầu Ðàn Na sai con đến đây muốn thưa chuyện với Phật.
Phật dạy: - Ông hãy nói đi.
Ca Lưu Ðà Di bạch: - Vua cha nói rằng Ta đã già, lúc đang còn sống muốn được gặp Phật, nên sai con đến đây nghênh đón, xin đức Phật thương xót đại vương mà đi ngay lúc này.
Ðức Phật bảo: - Này Ca Lưu Ðà Di, ông hãy truyền bảo các tỳ kheo rằng đức Phật muốn du hành, hãy tự chuẩn bị hành trang để đi theo Phật.
Bấy giờ, tại nước Ương Già Ma Kiệt đã có mười ngàn tỳ kheo, từ nước Ca Duy La Vệ đến đón Phật có mười ngàn tỳ kheo, tổng cộng là hai vạn vị, đều là bậc La Hán. Từ nước Ma Kiệt, họ tuần tự theo Phật ra khỏi thành.
Nước Ma Kiệt cách thành Ca Duy La Vệ sáu mươi do tuần, Thế Tôn từ từ du hành, trãi qua sáu mươi ngày thì đến nước Xá Vệ.
Bấy giờ, thức ăn mà đức Phật dùng hằng ngày vào buổi sáng đều do phụ vương cúng dường.
Ðược thức ăn do phụ vương dâng cúng là vì đến giờ thọ trai, Ca Lưu Ðà Di mặc y mang bát đằng vân lên không trung, bay đến thành La Vệ (Xá Vệ?) bạch phụ vương rằng đức Phật đã đến chỗ...Sau khi dọn ăn cho Ca Lưu Ðà Di, phụ vương đựng đầy bát thức ăn, trao cho Ca Lưu Ðà Di và bảo rằng xin đại đức đem bát này dâng lên Phật.
Cứ như vậy, hằng ngày đi nhận thức ăn cho Phật và sau khi thọ thực của phụ vương dâng cúng, Ca Lưu Ðà Di tán thán công đức của Phật với phụ vương và các Thích tử.
Nghe tán thán về công đức của Phật, các Thích tử càng tăng thêm lòng tin bội phần. Họ cùng nhau tập họp và bàn tính rằng đức Phật không ưa sự ồn ào, chúng ta nên tìm chỗ yên tịnh lập tinh xá cho Ngài.
Khi ấy Thích tử Di Cù Ðà (Nigrodhasakka) có một khu vườn không gần cũng không xa (thành phố) quá để có thể lập tinh xá.
Các Thích tử đều cùng nhau xuất tài vật để làm tinh xá cho Phật. Sau khi tinh xá hoàn thành, phụ vương cùng các Thích tử và mọi người bưng hương hoa đi nghênh đón Phật. Ðến nơi, phụ vương và những Thích tử (có vai vế) lớn hơn đức Phật đều không làm lễ Phật, còn những người nhỏ hơn Phật đều làm lễ Ngài.
Thấy phụ vương và trong số các Thích tử có người không làm lễ Ngài, biết ý họ nên đức Phật bay lên hư không hiện ra mười tám pháp biến hóa như khi dùng thần lực để hàng phục ngoại đạo.
Thấy thần lực của Phật như vậy, phụ vương và các Thích tử tự nhiên làm lễ Phật. Sau khi làm lễ, vua Du Ðầu Ðàn Na bạch Phật rằng: Ðây là lần thứ ba, trẫm làm lễ dưới chân Như Lai.
Ba lần làm lễ dưới chân Phật vào lúc nào?
- Lần thứ nhất: Khi Phật mới đản sinh, A Di Tương (Asita) nói nếu (thái tử) ở tại gia thì làm chuyển luân thánh vương. Nếu xuất gia học đạo thì chắc chắn thành Phật. Bấy giờ mặt đất bị chấn động. Thấy thần lực như vậy, trẫm liền làm lễ.
- Lần thứ hai: Lúc trẫm ra ngoài du ngoạn cày ruộng, Bồ Tát ở dưới cây Diêm phù. Khi mặt trời đã xế nhưng bóng cây vẫn đứng yên không di chuyển, che mát trên thân Bồ Tát. Thấy thần lực như vậy, trẫm liền làm lễ.
- Hôm nay, trông thấy thần lực của Phật như vậy, trẫm liền làm lễ, đây là lần thứ ba lễ sát chân đức Như Lai.
Khi vua Du Ðầu Ðàn Na lễ dưới chân đức Như Lai, tất cả các Thích tử đều làm lễ theo, không một người nào đứng yên cả.
Từ hư không hạ xuống, đức Phật an tọa trên tòa sư tử. Vua và các Thích tử cũng đồng thời an tọa.
Sau khi mọi người đã ổn định thì trời mưa sắc đỏ làm sạch bụi đất. Người nào thích ướt thì bị ướt, ai không thích ướt thì tuy trong mưa nhưng không bị ướt. Thấy thần lực của mưa như vậy mọi người càng thêm hoan hỷ.
Bấy giờ, đức Phật thuyết pháp cho mọi người. Ðược nghe Phật thuyết pháp, vua và các Thích tử có người đắc Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm, cùng nhau lễ Phật, đi nhiễu ba vòng rồi từ giã. Vua và Thích tử không có một người nào (nghĩ đến việc) thỉnh Phật thọ trai vào trưa (hôm sau) cả.
Sáng hôm sau, đến giờ, đức Phật và hai vạn tỳ kheo mặc y mang bát, tuần tự trước sau đưa nhau đi vào thành Ca Duy La Vệ. Ðến cửa thành, đức Phật suy nghĩ: chư Phật thời quá khứ vào thôn xóm của quyến thuộc khất thực như thế nào, nên khất thực theo thứ tự hay chọn riêng (từng nhà). Ngài quán sát thấy rằng chư Phật quá khứ đều khất thực theo thứ tự chứ không lựa chọn.
Lại nữa, vì để đệ tử Thanh Văn trong tương lai sống theo pháp của Ta cần phải khất thực theo thứ lớp.
Trong thành, nghe đức Phật đưa chúng tăng vào thành khất thực, các Thích tử đều mở rèm cửa ra để xem Phật khất thực. Ðang ở trên lầu, nghe đức Phật vào thành khất thực, mẹ La Hầu La (Ràhulamàtà) suy nghĩ rằng khi chàng còn ở nhà, đội mão thiên quan, trang sức anh lạc, cỡi xe bằng bảy báu, ngàn xe vạn kỵ mã hộ vệ trước sau khi đi lại. Nay, chàng cạo bỏ râu tóc, mặc ca sa, bưng bát đi khất thực, ta hãy xem có đẹp (như trước đây) không?
Sau khi suy nghĩ, vén rèm ra nhìn, bà trông thấy đức Phật phóng ánh sáng năm màu, chiếu tỏa trên đất như dung kim (nước vàng nấu chảy). Thấy như vậy rồi, Da Thâu Ðà La (Yasodharà) vào tâu vua rằng con đại vương đang vào thành khất thực.
Nghe tâu, vua vội vàng đi ra, đến gặp Phật và thưa rằng: - Ðại đức khất thực làm cho trẫm xấu hổ. Trẫm có thể cung cấp cho Ðại đức và tất cả đệ tử, cần gì phải khất thực.
Ðức Phật đáp: - Giòng họ của ta là như vậy.
Nhà vua lại bạch Phật: - Giòng họ Sát Ðế Lợi của ta không có khất thực, tại sao lại nói giòng họ của ta như vậy?
Ðức Phật đáp rằng: - Chư Phật quá khứ là giòng họ của ta chứ không phải giòng họ Sát Ðế Lợi.
Vì nhà vua, đức Phật nói kệ:
Ðứng dậy không biếng nhác
Luôn đi theo pháp thiện
Hành pháp được an ổn
Ðời này và đời sau.
Nghe kệ xong, nhà vua đắc Tu Ðà Hoàn đạo.
Ðức Phật lại nói thêm kệ cho vua:
Hành pháp là hành thiện
Không hành theo pháp ác
Hành pháp được an ổn
Ðời này và đời sau.
Sau khi nghe bài kệ thứ hai, vua lại đắc Tu Ðà Hàm đạo.
Ðức Phật lại thuyết cho vua nghe kinh Bổn Sanh Cù Ma Ba La (Dhammapàlajàlaka - Hộ pháp bổn sanh).
Sau khi nghe kinh, vua đắc A Na Hàm đạo. Khi vua lâm chung, ngay dưới lọng trắng (đang làm vua), được nghe Phật thuyết pháp, vua đắc quả A La Hán và nhập Niết Bàn.
Bấy giờ, vua thỉnh bát của Phật, thỉnh Phật và tăng, đích thân dẫn đường, mời lên thượng điện dọn các món ăn thơm ngon cúng dường.
Sau khi Phật thọ trai xong, các thể nữ trong cung nghe Phật thọ trai xong, bảo với mẹ La Hầu La rằng chúng ta hãy đến lễ bái và chào hỏi đức Thế Tôn.
Mẹ La Hầu La bảo các thể nữ rằng nếu Phật từ mẫn ta thì tự đến thăm ta, chứ ta không thể đi.
Các thể nữ cùng nhau mang hương hoa đến lễ bái Phật.
Sau khi các thể nữ ra đi, mẹ La Hầu La suy nghĩ rằng nếu Phật đến đây thì ta lạy sát chân Ngài.
Sau khi thọ trai, trao bát cho vua cha, đức Phật dẫn hai đệ tử A La Hán có thần túc đến chỗ mẹ La Hầu La. Ngài bảo cả hai rằng nếu mẹ La Hầu La lễ bái cúng dường thì để tuỳ ý bà ấy chứ đừng ngăn trở.
Họ đáp: - Lành thay!
Vào phòng mẹ La Hầu La, Ðức Phật trãi tọa cụ ra và ngồi xuống.
Thấy Phật đã an tọa, mẹ La Hầu La vội đưa hai tay nâng chân Phật rồi đặt đầu mình vào mà làm lễ.
Thấy mẹ La Hầu La làm lễ Phật, vua bạch Phật: - Thế Tôn, đối với Phật, mẹ La Hầu La rất tôn trọng.
Phật đáp: - Ðối với Ta, mẹ La Hầu la không chỉ tôn trọng trong đời này.
Vua hỏi: - Vậy đã tôn trọng vào đời nào?
Nhân đó, đức Phật thuyết kinh Bản Sinh Khẩn Na La (Candakinnarajàtaka).
Ngay ngày hôm ấy (nhà vua) muốn đem năm pháp đưa vương tử Nan-đà lên làm vua. Năm pháp ấy là (Pancamangalàni: 1-Kesavissajja, 2-Pattabandha, 3-Gharamangala, 4-Àvàhamangala, 5- Chattamangala).
1. Kết tóc.
2. Trang sức thêm tấm vải (biểu hiện vương quyền).
3. Trang trí cung điện.
4. Cưới vợ.
5. Dựng lọng riêng.
Ðức Phật đưa bát cho Nan Ðà. Ý không muốn đi nhưng vì tôn trọng đức Phật nên Nan Ðà miễn cưỡng đi theo. Theo Phật về đến chùa, ý Nan Ðà không muốn xuất gia.
Quán sát duyên đời trước của người này sẽ chứng La Hán nên Phật cố ép Nan Ðà xuất gia. Vào đến nước Ca Duy La Vệ, vào ngày thứ hai Ðức Phật mới độ Nan Ðà, vào ngày thứ bảy độ La Hầu La.
Pháp sư hỏi: - Làm sao độ được La Hầu La?
Ðáp: - Khi Phật vào thành khất thực, mẹ La hầu La đưa cậu ấy lên lầu. Trông thấy Phật từ cửa sổ, mẹ La Hầu La bảo cậu ấy rằng đấy là cha của con.
Bà ta trang điểm cho La hầu La với chuỗi anh lạc và bảo rằng hãy đến gặp cha con để xin vật báu. Khi còn ở nhà, cha con có kho vật báu lớn, nay không biết ở đâu, con hãy đến xin, thưa với cha rằng con muốn dựng lọng lên làm vua chuyển luân, cha hãy ban cho con vật báu.
Vâng lệnh mẹ, La Hầu la đến gặp đức Phật. Khi bước vào bóng của Phật, La Hầu La thưa rằng bóng của sa môn thật là mát mẻ an lạc.
Sau khi thọ trai, đức Phật trở về chỗ ở. La Hầu La liền đi theo Phật và xin vật báu nhưng đức Phật vẫn im lặng.
Như vậy, khi La Hầu La từ từ đi theo về chuà, đức Phật trải tọa cụ, sau khi an tọa bảo La Hầu La rằng: - Dưới gốc cây Bồ đề, Ta được vật quý báu này. Ðây là tài sản quý báu nhất trong tất cả các vật báu. Con có muốn được nó không?
La Hầu La đáp lời Thế Tôn: - Thưa Sa môn, con rất muốn.
Gọi Xá Lợi Phất đến, đức Phật bảo vị này rằng: - Thầy hãy độ La Hầu La xuất gia.
Xá Lợi Phất đáp: - Lành thay! Thế Tôn.
Xá Lợi Phất liền độ La Hầu La xuất gia.
Nghe La Hầu La xuất gia, vua Du Ðầu Ðàn Na rất buồn rầu, vội vàng đến gặp Phật và thưa rằng nếu ai (muốn) xuất gia phải thưa với cha mẹ trước, được đồng ý mới cho xuất gia, nếu cha mẹ không đồng ý thì xin Phật đừng độ họ.
Do đó, trong luật có nói rằng cha mẹ không đồng ý thì không được xuất gia. Nếu cha mẹ cho phép, đã xuất gia, sau đó lại hoàn tục. Sau đó muốn xuất gia lại, phải thưa với cha mẹ, nếu không được đồng ý thì cũng không được xuất gia lại.
Có người muốn cầu xuất gia, tỳ kheo hỏi cha mẹ ông có cho phép xuất gia không?
Ðáp: - Không cho.
Tỳ kheo nói: - Nếu cha mẹ không cho thì không được xuất gia.
Người kia bảo với tỳ kheo rằng nếu không độ tôi xuất gia thì tôi sẽ đốt chùa.
Gặp trường hợp nạn như vậy thì độ họ xuất gia, không phạm.
Nếu ở địa phương khác, nước khác (với chỗ cha mẹ đang ở) mà độ họ xuất gia thì không cần phải hỏi cha mẹ.
Hết phần nhân duyên La hầu La xuất gia (Ràhulavatthukathà nitthìtà).
-ooOoo-
Sa di làm mười điều ác (nàsananga) thì phải bị trục xuất. Mười điều ấy là giết hại, trộm cắp, hành dâm, nói dối, uống rượu, hủy báng Phật, hủy báng Pháp. hủy báng Tăng, tà kiến, phá hoại (tịnh hạnh) tỳ kheo ny. Trừ trường hợp phá hoại tịnh hạnh của tỳ kheo ny vĩnh viễn không được xuất gia (lại) còn chín điều kia nếu biết cải hối, không tái phạm thì được xuất gia lại.
Người nào bị mười ba chướng ngại này (dù) được người khác làm thầy cho thọ giới cụ túc cũng không đắc giới. Làm thầy giáo thọ, tự mình yết ma, được người yết ma (cũng không thành tựu).
Xuất gia có ba loại trộm:
1. Trộm hình dạng.
2. Trộm sự hòa hợp.
3. Trộm cả hình dạng và sự hòa hợp
( Tayo theyyasamvàsakà: 1.Lingtthenaka. 2.Samvàsatthenaka. 3.Ubhatthenaka).
- Trộm hình dạng là gì? Nghĩa là không có thầy mà tự xuất gia, không y cứ vào tuổi hạ của tỳ kheo, không nhận sự lễ bái theo thứ bậc, không tham dự các pháp sự của tăng, không thọ nhận tất cả lợi dưỡng. Ðây là trộm hình dạng.
- Trộm sự hòa hợp là gì? Có thầy cho xuất gia thọ mười giới nhưng chưa thọ giới cụ túc, đến địa phương khác tự tuyên bố mình có mười hạ, hay hai mươi hạ, nhận sự lễ bái của người theo thứ bậc, vào tăng dự bố tát và tất cả các yết ma khác, theo thứ tự nhận sự tín thí của người khác. Ðây gọi là trộm sự hòa hợp.
- Trộm cả hình dạng và sự hòa hợp là gì? Không có thầy mà tự xuất gia, nhận tuổi hạ theo thứ tự, tham dự vào tất cả yết ma, nhận sự cúng dường và lễ bái của người. Ðây gọi là trộm hình dạng và trộm hòa hợp.
Ðối với người trộm hình dạng, không tham gia các pháp sự, không nhận tín thí của người, không nhận lễ bái, nếu muốn xuất gia lại và thọ giới cụ túc thì được.
Nếu xuất gia vì tị nạn, vì đói nghèo, không tham dự tất cả các pháp sự, sau khi hết nạn, hết đói nghèo, nếu muốn xuất gia, thọ giới cụ túc thì được.
Tỳ kheo nào thật có một tuổi hạ lại nói dối là hai hạ, để dựa theo hai tuổi hạ mà nhận lợi dưỡng, phạm tội tính theo (giá trị) tiền (của lợi dưỡng).
Tỳ kheo nào thoát y trong nước để tắm, tức nói lõa hình tốt, nếu muốn đi đến với ngoại đạo (Titthiya) mỗi bước phạm (một) Ðột Cát La. Giữa đường, hối hận trở lại, sám hối tội Ðột cát la thì được ở lại (với tăng). Nếu đã đến chỗ ngoại đạo và nghe ngoại đạo thuyết pháp nhưng không chấp nhận nên sám hối trở về, sám hối tội Ðột cát la thì được ở. Nếu vào chỗ ngoại đạo, nghe họ nói pháp và ưa thích, chấp nhâïn pháp của ngoại đạo, cho đến bứt đi một sợi tóc, vì sợ đau nên hối hận trở về thì bị đuổi luôn.
Hết phần xuất gia trở lại và độ ngoại đạo (xuất gia) (Ttthiyapakkamanakàla).
-ooOoo-
Không được độ rồng (rắn, Naga) xuất gia. Vì sao? Vì rồng (rắn) không thể đắc thiền định, đạo quả.
Rồng có năm trường hợp không thể bỏ thân rồng. Những gì là năm?
1- Khi giao phối. Nếu (rồng) với rồng cùng giao phối thì hiện trở lại thân rồng. Nếu giao hợp với người thì không trở lại thân rồng.
2- Khi thọ sanh không bỏ thân rồng.
3- Khi thay da.
4- Khi ngủ.
5- Khi chết.
Ðây là năm trường hợp không bỏ thân rồng.
Ca Lâu La cho đến Thích Ðề Hoàn nhân cũng không được xuất gia, không được thọ giới cụ túc.
Hết phần nói về rồng (Tiracchànagatavatthukathà nitthìtà).
-ooOoo-
Không được độ người giết cha, mẹ. Trong pháp xuất gia của đức Như Lai, không độ người giết cha mẹ. Nếu giết cha mẹ súc sanh thì được xuất gia.
Ðúng là cha mẹ mà tưởng chẳng phải cha mẹ nên giết thì cũng không được xuất gia.
Không được độ cho xuất gia người giết bậc A La Hán. Nếu giết người bạch y thế tục đã đắc quả A La Hán thì cũng không được xuất gia. Nếu giết bậc đã chứng ba quả Thánh dưới (La Hán) thì không bị ngăn xuất gia. Nếu tưởng là súc sanh mà giết vị La Hán thì không phạm (việc ngăn xuất gia) nhưng vì nghiệp chướng nặng nề nên không được độ người khác.
Phá hoại (tịnh hạnh) tỳ kheo ny. Hành dâm vào (một trong) ba chỗ của tỳ kheo ny, đều gọi là pháp hoại (tịnh hạnh của) tỳ kheo ny. Nếu chỉ vuốt ve tỳ kheo ny thì không bị ngăn xuất gia.
Nếu bắt buộc tỳ kheo ny mặc y phục thế tục rồi cưỡng dâm cũng gọi là phá hoại tỳ kheo ny, không được xuất gia.
Nếu tỳ kheo ny thích mặc y phục thế tục thì người cùng hành dâm không bị ngăn xuất gia.
Người phá hoại tịnh hạnh của tỳ kheo ny lần thứ nhất thì không được xuất gia. Người phá hoại lần thứ hai (cũng với tỳ kheo ny ấy) thì không bị ngăn xuất gia.
Nếu hoại Thức Xoa Ma Na ny, Sa di thì không bị ngăn xuất gia.
Không được độ xuất gia người phá tăng. Thế nào là phá tăng? Người cố chấp vào mười tám việc, được can gián ba lần mà không bỏ.
Hai căn có ba trường hợp:
1- Tự thọ thai, làm cho người khác thọ thai.
2- Tự thọ thai, không thể làm cho người khác thọ thai.
3- Không thể tự thọ thai, có thể làm cho người khác thọ thai.
Cả ba hạng người này đều không được xuất gia, thọ giới cụ túc. Nếu họ đã thọ giới cụ túc thì phải đuổi về. Nếu không có hòa thượng thì không được cho thọ giới cụ túc. Nếu cho thọ giới cụ túc thì (tăng) bị tội Ðột Cát La, người thọ được đắc giới. Nếu hòa thượng là hoàng môn, truyền giới cho người, người thọ được đắc giới nhưng tăng (làm thầy) đều bị tội.
Người không có y bát thọ giới cụ túc, đắc giới, tăng làm thầy bị tội.
Ðược phép hai đến ba người thọ giới cụ túc một lần, đều đồng một tuổi hạ, đồng thời gian, không được lạy nhau.
Ðồng một hòa thượng, một thầy yết ma, được phép cho ba người thọ giới cùng một lúc, đồng đắc giới lạp một lúc, không ai lớn hay nhỏ cả.
Hòa thượng là tiếng nước ngoài, Hán dịch là biết tội, biết không tội.
Sau khi thọ giới phải biết lấy cỡ bóng. Lấy cỡ bóng nghĩa là đứng thẳng, bắt đầu từ bước chân, cỡ bóng dài ngắn tùy theo bóng của thân (để xác định giờ thọ giới theo bóng mặt trời -- người dịch).
Sau khi dạy họ xác định (giờ) theo bóng, dạy họ biết về thời gian, hoặc mùa xuân, đông hay hạ. Sau đó, dạy họ về ngày tháng (thọ giới). Thứ đến, dạy họ số lượng tăng chúng (truyền giới) khi họ thọ giới. Thứ đến dạy họ pháp tứ y, rồi đến tứ trọng. Sau khi họ thọ giới, bảo người mới thọ giới đi thẳng ra phía trước.
Hết phần thọ giới Kiền độ (Mahàkkhamdhakassa atthavanna pathànà).
Giới tướng (nimitta) và Cương giới (sima)
Bấy giờ, đức Phật ở thành La Duyệt - thành Vương Xá (Ràjagaha) - nước Ma Kiệt (Magadhà). Cả ba danh hiệu này đồng một nghĩa. Hán dịch là thành Vương Xá, phiên âm theo nước ngoài là La Duyệt thành. Chữ La (Ràjan) nghĩa là vương (vua), chữ duyệt (Gaha) nghĩa là xá (nhà) nên gọi là thành La Duyệt. Ma Kiệt là phiên âm theo ngoại quốc và cũng là danh hiệu đầu tiên của nước này.
Giới tướng (Nimitta) như tướng cương giới của núi, lớn như núi Tu Di, nhỏ thì lớn như con voi gọi là tướng của núi.
Tướng cương giới của đá: lớn như con bò, nhỏ chừng 30 cân. Ðá nằm tản mạn không được lấy làm cương giới, nên chọn đá cố định để làm tướng cương giới.
Tướng cương giới rừng: không được lấy rừng cỏ, rừng tre làm tướng cương giới. Vì sao? Cỏ và tre ruột trống không có lõi cứng nên không được lấy làm tướng cương giới.
Tướng của rừng: Tướng của rừng lớn được rộng đến trăm do tuần, rừng nhỏ nhất là bốn cây mọc liên tiếp nhau, cũng gọi là tướng cương giới của rừng cây. Không được lấy cây khô làm tướng cương giới. Cây lớn cỡ như cây Diêm Phù lớn, cây nhỏ (phải) cao chừng tám tấc, hình dạng lớn như cái bát thì được lấy làm tướng cương giới. Nếu không có cây mọc tự nhiên, cũng được lấy cây trồng làm tướng cương giới.
Cương giới (bằng) đường đi: Ðường đi vào ruộng, đường đi đến giếng để lấy nước, đường đi ra sông để lấy nước. Ðường cùng không được lấy làm cương giới. Ðường lớn là đường đi xe hay đi bộ. Ðường ngắn cho đến đi qua ba hay bốn thôn đều được lấy làm tướng cương giới.
Tướng cương giới (bằng) tổ kiến: Lớn như núi, nhỏ thì cao chừng tám tấc, đều được lấy làm tướng cương giới.
Tướng cương giới sông: Nếu gặp vua tốt trị nước thì năm ngày mưa một lần. Nước sông do mưa này thì không được lấy làm tướng cương giới. Nếu suốt cả bốn tháng không mưa mà nước này vẫn chảy không ngừng và sâu hai thước (thước Tàu, khoảng 0,6m) thì được lấy làm tướng cương giới.
Cương giới bằng tướng nước: Nếu là ao nước tự nhiên thì được lấy làm tướng cương giới, nếu nước chảy thông vào ruộng, hoặc cống chứa đầy nước đều không được lấy (tướng nước ấy) làm tướng cương giới. Trên đây là tám loại tướng của cương giới.
Kết giới tướng (Simamandala) có năm loại: Vuông, tròn, hình cái trống, hình bán nguyệt, góc nhọn.
Ðã y theo tướng để kết cương giới rồi, nếu sau đó tướng ấy bị mất thì cương giới không mất. Nếu có người đào đất (chỗ giới tướng) đến tận mạch nước đi nữa cũng không mất tướng của cương giới.
Nếu kết tiểu cương giới thì không được thuyết dục (Chanda). Kết giới để bố tát thì được thuyết dục.
Kết giới trường (Sima) (phạm vi) nhỏ nhất cũng phải chứa đủ hai mươi mốt người.
Kết giới trường xong, sau đó xây nhà che lên trên, cương giới không mất.
Sau khi kết tiểu giới, trong đó lại xây lầu ba tầng thì (tầng) dưới đất đến tầng cao nhất đều đồng một giới.
Nếu núi đá trên rộng dưới nhỏ, kết giới ở phần trên , có tỳ kheo ở phần dưới thì cũng không trở ngại.
Sau khi kết giới, nước ngập thành hố (che khuất mặt bằng cũ) và có nước chảy, biết rõ vị trí (của cương giới cũ) chôn trụ vững làm gác ở trên, làm pháp sự vẫn được (thành tựu).
Sau khi kết giới, nước xoi mòn mặt đất thành lỗ, hang, không mất tướng cương giới. Tỳ kheo có thần thông ở giữa không trung nơi chỗ trống của lỗ hang, hoặc ở dưới đất (trong hang ấy) cũng không được làm pháp sự riêng.
Trong giới trường, có cây to, nhánh dài đưa ra ngoài cương giới. Khi làm pháp sự, tỳ kheo không được ở trên cây vì ngăn việc làm pháp sự , nên gọi vị ấy xuống. Nếu tỳ kheo có thần thông đang ở trên hư không giữa đất trống thì không ngăn việc làm pháp sự. Nếu góc y của vị ấy còn chấm dưới đất thì ngăn pháp sự, nên gọi vị ấy xuống.
Kết cương giới để bố tát, rộng nhất là ba do tuần (1 do tuần - yojana # 7 miles Þ 1,609m x 7 x 3 # 34 km . Xem Pàli-English Dictionaty, trang 559 - người dịch), không được lớn hơn, nếu lớn hơn không thành cương giới nữa, bị tội.
Cương giới trừ xóm nhà dân và khu vực ngoài xóm (khu vực quanh xóm là vùng đất trống) trong tầm ném đá của người trung bình. Nếu tỳ kheo kết cương giới rồi, ngay tại phi giới của tỳ kheo ny, trên cương giới của tỳ kheo ny, được kết giới thêm lên mà cương giới của tỳ kheo ny không bị mất. Tỳ kheo ny cũng được kết giới chồng lên trên cương giới của tỳ kheo tăng mà cương giới của tỳ kheo tăng không bị mất.
Cương giới A Lan Nhã: Cương giới A Lan Nhã nhỏ nhất là trong chu vi bảy Bàn-đà-la (Abbhantara) (Tương đương 84m, Yết-ma yếu-chỉ trang 79, chú thích 5). Một Bàn-đà-la bằng hai mươi tám khủy tay (Hattha). Người không đồng ý thì ngoài 28 khủy tay có thể làm pháp sự.
Không được lấy nước sông suối (làm tiêu tướng để) kết cương giới (quy định vì chúng luôn di chuyển).
Cương giới tự nhiên trong nước. (Phạm vi từ chỗ ngồi) tạt nước hay ném cát ra ngoài (đến nơi rơi xuống). Nếu không có tỳ kheo ngăn chặn, nước thường chảy dù sâu hay cạn đều có thể làm cương giới tự nhiên, không được lấy nước thủy triều làm cương giới.
Nếu bố tát trên thuyền, nên thả neo giữ thuyền lại, hoặc cắm cọc giữ thuyền lại nhưng không được dùng dây cột vào bờ. Nếu bờ bị sụp lở, có rễ cây lớn nằm trong nước thì không được cột thuyền vào rễ cây ấy. Nếu trong (phạm vi) tầm tạt nước (để kết giới) có rễ cây (từ bờ mọc ra) thì phải chặt đi. Nếu không chặt thì (do rễ cây ấy làm cho thủy giới) cùng cương giới trên mặt đất liền nhau. Trong nước có đá, có cây hoặc gỗ nổi thì đều thuộc về cương giới của nước.
Câu thứ nhất nói về phi pháp biệt chúng. Thế nào là phi pháp biệt chúng? Bốn tỳ kheo cùng ở chung một trú xứ, một người nhận dục, ba người kia thuyết giới Ba la đề mộc xoa (Patimokkha), hoặc 3 người mà một người thọ dục, hai người thuyết giới Ba la đề mộc xoa, thì gọi là phi pháp, cũng gọi là biệt chúng. Ðây gọi là phi pháp biệt chúng.
Câu thứ hai phi pháp hòa hợp chúng: Có bốn tỳ kheo cùng ở chung một trú xứ, bốn người cần phải thuyết đủ Ba la đề mộc xoa nhưng không thuyết giới đủ lại tác pháp ba người hay từng người đối thủ thuyết giới. Ðây gọi là phi pháp hòa hợp chúng.
Câu thứ ba: pháp biệt chúng là ở một trú xứ có bốn tỳ kheo mà một người thọ dục, ba người đối thủ thuyết giới; hay ba tỳ kheo mà một người thọ dục, hai người đối thủ thuyết giới thì gọi là pháp biệt chúng.
Câu thứ tư: Có bốn tỳ kheo ở chung một trú xứ cùng nhau hòa hợp thuyết Ba La đề mộc xoa, hoặc ba tỳ kheo hòa hợp thuyết tam ngữ bố tát (nói ba lần thanh tịnh - người dịch). Ðây gọi là pháp hòa hợp chúng.
Bố tát ngày mười sáu: Ðây gọi là hòa hợp bố tát. Theo bản luật Phạn ngữ (Pàli), vào ngày 16 tháng 5 là tiền an cư, (từ 17 tháng 5 đến) 16 tháng 6 là hậu an cư. Trong thời gian an cư, có nhân duyên phải dời đi (nơi khác) không có tội nhưng không thành an cư (không tính tuổi hạ). Không được an cư ở đất trống, không được an cư dưới gốc cây, dù, lọng (Uposathakkhandhakavannanà dutiyà)
Dưới chân có lông (Pàdatalesu lomàni): lông ấy màu biếc (Anjanavanna) như màu thiên thanh nhờ nhân đời trước nên được quả báo như vậy.
Hỏi: - Do tạo nghiệp gì mà được quả báo ấy?
Ðáp: - Thời quá khứ Thủ Lung Na này (Sona) ở chung với tám vạn người. Trong tám vạn người này, cậu ta lớn nhất. Cậu ta cùng con các trưởng giả dựng một căn nhà cỏ (Pannasàlà) cho vị Phật Bích Chi và thỉnh vị này an cư ba tháng mùa hạ. Bấy giờ, Thủ Lung Na đem một tấm thảm Khâm bà la bằng lông dê trãi trước nhà cỏ ấy để cho vị Phật Bích Chi kia lau chà chân. Nhờ quả báo ấy, nên dưới chân mọc lông (đẹp ấy). Tám vạn người con trưởng giả nhờ cúng dường Phật Bích Chi nên đời này cũng sinh làm bạn thân (với Thủ Lung Na). Ðến gặp vua, tại sao Thủ Lung Na cùng đi với tám vạn người bạn?
Nếu vua mời riêng Thủ Lung Na, sợ anh ta sẽ lo sợ nên ra lệnh cho tám vạn người con trưởng giả cùng đi đến gặp vua.
Năm tượng vương: Một voi cha có sáu voi mẹ (cái) nên gọi là tượng vương. Có năm con tượng vương như vậy.
Giầy dép da Na La Phú La (Ganamga nùpàhana, Ekapalàsika): là loại giày, dép da bọc cả gót chân (Sabbapìtaka upàhana)
Dép da hình sừng nai: may da thành hình sừng nai (mũi cong lên?).
Dép da A La Lê (Khallikabaddha upàhana): dép có gắn lông voi chung quanh.
Dép da Phúc La bạt đà la (Putabaddha upàhana) giày may bằng da và bông vải cùng các tạp vật khác, làm cho ở giữa cong lên.
Dép da Chơn Thệ Lê: làm bằng cỏ đan lại.
Dép da đan chung quanh: đan chung quanh bằng đuôi lông công, hình dáng như lông công. (Cammakkhandhakavannanà pancamìnitthìtà)
Bấy giờ, tại thành Vương xá có một thiếu nữ tên Bà La bạt Ðề (Sàlavati) xinh đẹp vô cùng, được vua Bình Sa (Bimbisàra) lấy làm kỹ nữ. Nhà vua đưa ra một trăm ngàn tiền vàng, các quan và trưởng giả cùng đưa ra hai trăm ngàn tiền cùng nhau đóng góp cho cô gái này để làm nhà ở, y phục, xe cộ, vườn chơi, ao tắm, các loại âm nhạc.(Cô này sinh con và vứt bỏ bên đường).
Kỳ Bà (Jivaka): phiên âm tiếng nước ngoài, Hán dịch là Ðồng Tử sống (hoạt đồng tử). Tại sao gọi là Ðồng tử sống? Bấy giờ, vào sáng sớm, vương tử Vô Úy cỡi ngựa muốn đến gặp nhà vua. Trên đường đi, thấy hài nhi, vương tử hỏi người bên cạnh rằng đứa bé này chết hay sống.
Người bên cạnh đáp: - sống.
Do đó gọi là Ðồng tử sống.
Vương tử hỏi rằng mẹ nó sinh ra tại sao vứt bỏ trên đường đi?
Ðáp: - Ðây là luật lệ của kỹ nữ. Nếu sinh con gái thì họ dạy tập theo nghề kỹ nữ, nếu sinh con trai thì vứt đi. Do đó, đưa bé này bị vứt trên đường.
Vương tử Vô Úy bồng đứa bé đem về nuôi, dần dần lớn lên, nhận làm con.
Hỏi: tại sao đồng tử Kỳ Bà không học kỹ thuật khác?
Ðáp: thời quá khứ, có đức Phật hiệu Liên Hoa. Bấy giờ, có một thầy thuốc thường xuyên cúng dường đức Phật Liên Hoa.
Thấy như vậy, Kỳ Bà suy nghĩ rằng làm thế nào mà trong đời tương lai ta cũng cúng dường đức Như Lai như thầy thuốc này. Sau khi nghĩ như vậy, Kỳ-bà cúng dường đức Phật suốt trong bảy ngày rồi đến gặp đức Phật, lạy sát chân Ngài, bạch rằng con nguyện trong đời tương lai sẽ làm người thầy thuốc giỏi để cúng dường đức Phật cũng như người thầy thuốc đang cúng dường đức Phật vậy.
Phát nguyện xong, Kỳ Bà từ giả. Sau khi qua đời, Kỳ Bà sinh lên cõi trời, hết phước cõi trời lại sinh xuống loài người, cứ luân chuyển như vậy cho đến lúc đức Phật Thích Ca xuất thế, do nguyện đời trước dắt dẫn nên không học nghề khác mà chỉ học nghề thầy thuốc.
Hỏi: - Vì sao Kỳ Bà giỏi về ngành thuốc?
Ðáp: - Khi Kỳ Bà đến học với thầy thuốc, Thiên Ðế Thích thấy người này nếu thành đạt về y học thì chắc chắn sẽ cúng dường Phật. Do đó, Thiên Ðế Thích nhập vào thân của thầy dạy Kỳ bà để dạy Kỳ Bà. Trong bảy tháng, Kỳ Bà học hết cả nghề của thầy. Sau bảy tháng ấy, Thiên Ðế Thích lại tiếp tuc dạy nghề. Hết bảy năm, thành tựu được nghề y, Kỳ Bà trở về nước.
Tại sao Kỳ Bà trị bệnh trên đường đi?
Vị thầy dạy nghĩ rằng: Ðây là vương tử, không thiếu tài vật, nếu trở về nước thì không còn nhớ đến ân của ta.
Sau khi suy nghĩ như vậy, vị thầy dạy chỉ cho bộ y phục cũ chứ không cho lương thực.
Sau khi từ giã thầy trở về, đi đến giữa đường bị đói bụng, ngang qua một làng xóm, Kỳ Bà hỏi thăm người trong làng rằng ở đây có ai bị bệnh không?
Người làng đáp: Nhà trưởng giả... có người bệnh.
Kỳ Bà liền chữa trị cho họ, và được (thù lao) vật quý giá.
Kỳ Bà suy nghĩ: Ta trị một người bệnh mà được vật quý báu như vậy, nếu trị cho nhiều người bệnh sẽ được vô số vật báu. Ta được như vậy là nhờ ơn của thầy dạy.
Có mười lăm cách cho, được nhận sự dâng cúng:
1- Trong cương giới của giới trường (Khandasìmà).
2- Vùng ngoại cương giới (Upacàra phi cương giới).
3- Cương giới cùng bố tát (Sammànasamvàsa).
4- Cương giới không mất y (Avippavàsa).
5- Cương giới La Bà (Làbha - hưởng lợi chung).
6- Cương giới tụ lạc (Gàma).
7- Cương giới làng (Nigama).
8- Cương giới quốc độ (Nagara - thành phố lớn).
9- Cương giới a Bàn Ðà La (Abbhantara - quy định).
10- Cương giới tạt nước (Udakukkhepa).
11- Cương giới nhà dân cư (Jinapada).
12- Cương giới La Na (Rattha - cả xứ sở, cả nước ).
13- Cương giới A La Xà (Rajja - của vua).
14- Cương giới đảo (Dipa).
15- Cương giới thiết vi (Cakkavàla thế giới, trái đất).
Ðây là mười lăm loại cương giới được nhận dâng cúng. Các vị nên biết:
1. Cương giới của giới trường ở trên đã giải thích.
2. Vùng (ngoại) phi cương giới: hoặc ở giảng đường hoặc ở trai đường đang phân y, trong tầm ném đá của một người khỏe mạnh, tùy theo cương giới lớn nhỏ (ngoài đường ranh đã ấn định) đều có vùng cương giới ném đá, tỳ kheo nào vào bên trong vùng này đều được phân y.
3. Giới đồng bố tát: Tỳ kheo nào vào trong cương giới bố tát đều được phân chia. Ðây gọi là cương giới bố tát.
4. Cương giới không mất y: Nếu vào trong cương giới không mất y thì đều được phân chia.
5. Cương giới La Bà: Vua hay đại thần làm nơi dừng nghĩ cho các tỳ kheo, hoặc chừng mười do tuần dựng trụ để làm tiêu tướng. (Họ quy định rằng) trong phạm vi những trụ này, nếu có vật dâng cúng thì đều thuộc về chúng ta.
6. Cương giới tụ lạc: có phố chợ thì gọi là cương giới tụ lạc.
7. Cương giới làng xóm: không có phố chợ gọi là cương giới làng xóm.
8. Cương giới quốc độ: có thành ấp thì gọi là cương giới quốc độ.
9. Cương giới A Bàn Ðà La: cương giới nơi A Lan Nhã.
10. Cương giới tạt nước: cương giới (đang trên) thuyền.
11. Cương giới nhà dân cư: từ phía Ðông đến Tây thành phố gọi là cương giới dân cư ở.
12. Cương giới La Na: cương giới cả quốc độ.
13. Cương giới A La Xà:cương giới do một vị vua thống lĩnh.
14. Cương giới đảo: một hòn đảo giữa biển, gọi là cương giới đảo.
15. Cương giới thiết vi là cương giới một núi Thiết vi (cả thế giới).
Nếu thí chủ nói dâng cúng cho chúng tăng trong giới trường thì (vật dâng cúng) thuộc chúng tăng giới trường còn ở cương giới bố tát thì không được.
Nếu họ nói dâng cúng cả cương giới (của tăng thì) cả cương giới ném đá ở đó đều được phân chia.
Nếu họ nói dâng cúng cho cương giới bố tát thì cương giới đồng lợi dưỡng cũng được phân chia.
Nếu họ nói dâng cúng cho (tăng) ở cương giới không mất y thì ở cương giới bố tát và cương giới lợi dưỡng cũng được phân chia, trừ cương giới tụ lạc (nếu có) ở trong cương giới bố tát thì không được phân chia.
Nếu họ noí dâng cúng cho cương giới tụ lạc, trong cương giới tụ lạc nếu có cương giới bố tát dù lớn hay nhỏ cũng đều được phân chia.
Nếu họ nói dâng cúng cho cương giới thôn xóm, trong thôn xóm có cương giới bố tát và các tiểu giới đều được phân chia.
Nếu họ nói dâng cúng cho cương giới (thành ấp) của quốc độ thì tất cả cương giới (thành ấp) ở quốc độ đều được phân chia.
Nếu họ nói dâng cúng cho cương giới A Lan Nhã, thì chỉ nơi A Lan Nhã được, còn các cương giới khác không được phân chia.
Nếu họ nói dâng cúng cho cương giới tạt nước thì chỉ trong cương giới tạt nước được hưởng, ngoài ra không được.
Nếu họ nói dâng cúng cho cương giới dân cư thì nếu có cương giới nào trong cương giới của dân cư thì cũng được phân chia.
Nếu họ nói dâng cúng cho (cương giới) La Na thì (trong) cương giới cả một quốc độ đều được.
Nếu họ nói dâng cúng cho cương giới A Xà La thì chúng tăng ở trong một quốc độ do một vị vua thống lãnh đều được phân chia.
Nếu họ nói dâng cúng cho chúng tăng cả hai đảo là đảo Sư Tử và đảo thuộc đất Diêm Phù Lợi thì tùy theo chúng tăng hiện hữu, dù nhiều hay ít đều lấy mỗi đảo một nữa (số tăng). Nếu đất Diêm Phù Lợi có năm người, đảo Sư tử có trăm ngàn người thì cũng chỉ lấy một nữa số lượng (vật ấy).
Nếu họ nói dâng cúng cho chúng tăng trong cương giới của tăng thì tỳ kheo nên hỏi họ rằng cương giới có nhiều loại, vậy dâng cúng vật ấy vào cương giới nào? Nếu họ đáp không biết mà chỉ nói rằng dâng cho chúng tăng trong cương giới thì tất cả chúng tăng trong cương giới ấy đều được chia phần.
Biệt trú xứ đồng lợi dưỡng là trong (một hay cả hai) trú xứ được lợi dưỡng thì đều cùng nhau phân chia.
Tăng được thí: nếu có người nói xin dâng cúng cho tăng thì đánh khánh lên tập họp chúng tăng lại, ai đến thì được phân chia.
Nếu thí chủ đem đến một tấm y bố thí cho tăng và đưa cho một tỳ kheo, tỳ kheo nào nhận lấy lại nói rằng tôi đáng được nhận thì đó là sự nhận lãnh xấu ác.
Thế nào là sự nhận lãnh tốt đẹp? Sau khi nhận y rồi, đánh khánh tập họp chúng tăng lại, sau khi tăng đã họp, dùng vật màu vàng viết số lượng (vị được) phân chia, không được phá (vật ra).
Bắt đầu từ thượng tọa, (tỳ kheo nhận vật) trình vật ra (và thưa rằng) đây là phần của thượng tọa, ngài có nhận không?
Thượng tọa đáp phần này tôi không nhận, xin dâng cho trưởng lão.
Như vậy cho đến thượng tọa thứ hai, thứ ba đều nói không lấy, xin dâng cho trưởng lão... cho đến (hết) các vị hạ tọa cũng như vậy thì tỳ kheo ấy được nhận vật. Ðây gọi là sự nhận lấy tốt đẹp.
Nếu trú xứ có một tỳ kheo, thí chủ đem y đến bố thí cho một tỳ kheo. Tỳ kheo này nên đánh khánh tập họp tăng lại. Nếu có tỳ kheo nào đến thì cùng nhau phân chia, không có tỳ kheo nào đến thì được nhận với tâm niệm miệng nói nhận một mình.
Nếu thí chủ dâng y này đến tăng thì tỳ kheo (đang tu hạnh) nhận y phấn tảo không được nhận (y ấy).
Nếu có người vào trú xứ và dâng cúng cho tăng, đánh khánh tập họp chúng, có các tỳ kheo ở ngoài đến nối tiếp nhau trong tầm tay, kéo dài đến trăm do tuần, vị ở đầu đã vào trong cương giới thì vị cuối cùng (tuy ở ngoài giới) cũng được chia phần. Tại sao? Vì nối tiếp nhau không gián đoạn nên được phân chia.
Nếu có người dâng cúng cho cả hai bộ tăng, bất kể số người nhiều ít cũng đều phân làm hai phần. Giả như một trăm tỳ kheo ny mà chỉ có một tỳ kheo thì (tỳ kheo ấy) cũng được phân một nữa phần. Nếu có một trăm tỳ kheo mà chỉ có một tỳ kheo ny thì (ny ấy) cũng được phân một nữa phần.
Nếu họ dâng cho tăng túi đựng bát, túi đựng dép, túi lọc nước, kim, dao nhỏ, gậy, quạt thì tỳ kheo thọ y phấn tảo được phép nhận.
Nếu thí chủ đem vật đến (với ý định) dâng cho một người lại nói dâng cho tăng thì (tỳ kheo nào) theo thứ lớp của tăng được nhận một phần ấy, không được nhận riêng.
Nếu họ dâng cho Phật với cả tỳ kheo và tỳ kheo ny thì làm sao phân chia? Hãy phá làm hai phần, một phần dâng cho đức Phật, một phần dâng cho tỳ kheo tỳ kheo ny (rồi họ) cùng phân cho nhau (theo như trên).
Nếu có người dâng cho chúng tỳ kheo với một vị pháp sư và đức Phật thì làm sao phân chia? Chia đều (ba phần) cho đức Phật, một tỳ kheo pháp sư và chúng tỳ kheo.
Nếu có người đem thức ăn uống đến cúng Phật và tăng thì đem bát (ấy) đặt trước đức Phật và theo thứ tự phân chia.
Thức ăn của Phật thì ai được ăn? Nếu có tỳ kheo thị giả của Phật thì được ăn. Nếu không có tỳ kheo thị giả của Phật mà có cư sĩ áo trắng làm thị giả cho Phật thì cũng được ăn.
Nếu thí chủ dâng cúng cho tăng (tiền) an cư xong thì người hậu an cư không được nhận, người bị đứt hạ cũng không được nhận.
Nếu vào thời gian Ðông-phân, thí chủ nói dâng cúng cho tăng an cư xong thì tăng tiền hậu an cư đều được phần, trừ người bị đứt hạ không được phân.
Nếu họ nói dâng cúng cho chùa... phòng... thì tùy theo lời thí chủ mà tăng ở những nơi ấy được phân.
Nếu họ nói dâng cúng cho tăng an cư thì người tiền an cư, hậu an cư hay phá hạ đều được phân.
Nếu thí chủ nói dâng cúng cho người hậu an cư vào tháng Ca Ðề (Kattika) thì người hậu an cư được phân còn người tiền an cư không được.
Nếu ở trong thời gian Xuân phân, thí chủ nói dâng cúng cho tăng an cư, nên hỏi họ rằng dâng cúng cho tăng đã an cư xong hay tăng sẽ an cư. Nếu họ đáp rằng dâng cho tăng sẽ an cư thì tăng an cư trong tương lai (mùa hạ sau) sẽ được phân.
Nếu tỳ kheo nói với thí chủ rằng trong tương lai e có nạn giặc nên không thể quản lý được, thí chủ bảo phân chia thì tùy theo thí chủ nên được phân.
Nếu thí chủ nói: vị nào ăn thức ăn của tôi thì được dâng y, vị nào không ăn thì không được thọ. Nếu họ nói: tôi dâng thuốc... thì cũng như vậy.
Chỉ thị dâng cúng: tùy theo chỗ nào được chỉ thị thì chỗ ấy được y.
Hết phần Kiền Ðộ về y (Cìvarakkhandhakavannanà nitthità).
-ooOoo-
Dược Kiền độ
(về sử dụng thuốc; thuốc ở đây kể cả thức ăn như sữa, đường vv...)
Cơm Câu Bạt đà la: cơm bằng gạo lúa tẻ.
Tu Bộ là canh đậu xanh.
Kiết La là măng tre.
Na Nậu là loại thuốc ở nước ngoài, không hiểu.
Khư Xà ny (Khajja) chỉ cho tất cả các loại trái.
Ha Lê lặc (Haritaka) lớn như trái đại táo, vị chua đắng, uống vào lợi cho tiêu hóa.
Tỳ Ê lặc (Vibhitaka) là trái dư cam tử, ở đất Quảng Châu có (trái này), hình dạng lớn như trái đoác núi.
Thuốc Chất đa la: tên một loại thuốc ở nước ngoài.
Thuốc Già bà: tên thuốc ở nước ngoài.
Bà Lợi bà bà: là hạt cải.
Nị cự: là loại thuốc nước ngoài chuyên trị độc, đất Hán không có.
Ðà Bà Xà: thuốc xông khói.
Kỳ la Xà na kỳ (Kajana) loại đá đỏ.
Thuốc trị mắt là Ðà bà xà đà bà (Anõjana).
Xà Na: sống trên đất.
Kỳ la xà na: sống dưới nước.
Long (rồng, rắn) thân dài không có chân.
Ðối với thịt sư tử, voi, ngựa, rồng, rắn, chó không được ăn, không được dùng da, lông. Khi được bất kỳ loại thịt gì thì cũng phải hỏi (là thịt gì), nếu không hỏi phạm tội Ðột Cát La.
Ðể mất (thất thủ?) La Ma: cá sấu.
Tại Quảng Châu có hắc thạch mật chính là đường mía, cứng như đá nên gọi là đá ngọt (Phànita).
Già ny: là mật (Madhu).
Ô Ba Ðà phả ny: phả ny là cục đường mía mỏng.
Lấy phòng bên cạnh kết làm tịnh thất (Kappiyakuti - phòng để đồ vật đúng pháp của tăng) khi bắt đầu dựng trụ, nên đào hố trước và đặt trụ gần hố, tỳ kheo đứng chung quanh nâng trụ lên và nói rằng làm tịnh thất cho tăng chúng. Nói ba lần và khi nói xong trụ đá cũng đã được được dựng lên. Ðến trụ thứ hai, thứ ba, thứ tư cũng nói như vậy. Nếu chỉ nói cho một trụ, cũng thành tịnh thất.
Nếu đã thành thất rồi, vậy tác tịnh như thế nào? Nên gọi chủ thất đến và nói rằng thất này chưa tịnh, ông hãy tác tịnh cho tăng chúng.
Thí chủ nói như vầy: xin dâng cúng tịnh thất này cho chúng tăng, các ngài sử dụng tùy ý.
Làm như vậy thì thành tịnh thất.
Nếu khi làm tịnh thất mà không có thí chủ thì tác tịnh như thế nào?
Nếu tụ lạc ấy có người kỳ lão thì gọi họ lại (và nói rằng) phòng này chưa tác tịnh, thỉnh ông làm tịnh chủ.
Nếu thí chủ không biết cách nói, tỳ kheo nên dạy họ nói rằng đây là tịnh thất, xin dâng cho chúng tăng, tùy ý sử dụng.
Làm như vậy xong thì thành tịnh thất, được sử dụng tùy ý về việc chứa đựng thứa ăn uống, không bị tội ngủ chung với thức ăn, nấu thức ăn trong cương giới (của tăng).
Trái diêm phù (Jambu) lớn như trái hồng táo màu đỏ sậm, chua ngọt.
Xá lầu Ca (Sàlùkapàna) dùng ngó sen xanh (Uppala), ngó sen đỏ (Kumuda) giã nát lọc lấy nước trong, gọi là nước ngó sen.
Ba Lậu Sư (Phàrusaka) giống như trái am la (Amba - xoài).
Tất cả trái cây đều được dùng làm nước phi thời, chỉ trừ bảy loại mễ cốc. Tất cả các loại lá đều được dùng phi thời, chỉ trừ rau khoai nước (rau dụ). Tất cả các loài hoa đều được dùng phi thời, trừ nước hoa Ma Ðầu (Madhukapuppharasa - mật làm bằng bông cây madhuka). (Nước) trong các loại quả đều được dùng, trừ (nước) sáu loạitrái cây như trái Ta La (thốt nốt), trái dừa, trái Ba La Nại (?), trái bầu ngọt, dưa đông. dưa ngọt (Tàla, Nàlikèra, Panasa, Labuja, Alàbu, Kumbhanda, Pussaphara, Tipusaphala, Elàlaka) không được dùng phi thời. Tất cả các loại đậu không được dùng (làm) phi thời (dược) .
Vật dụng chứa nước (được dùng bằng) gỗ, đất nung, sắt, không được dùng các loại khác.
Nếu tự gieo trồng (cây trái) trên đất chúng tăng thì chia cho tăng một nửa số thu hoạch. Nếu tăng gieo trồng (cây trái) trên đất cá nhân thì cũng nên chia cho tăng một nửa (số thu hoạch).
Hết phần Dược Kiền Ðộ (Bhesajjakkhandakavannanà nitthità).
Chú Giải Luật Thiện Kiến
- Quyển 17 -

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 18 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vầng sáng từ phương Đông


Hai Gốc Cây


Giải thích Kinh Địa Tạng


Ai vào địa ngục

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.135.178 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập