Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Hiệu đính và chú thích: Thích Tuệ Sỹ KINH 1164. BÀ-LA-DIÊN[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Lộc uyển, trú xứ của các Tiên nhân, nước Ba-la-nại. Bấy giờ, có số đông các Tỳ-kheo[2] tụ tập tại giảng đường bàn luận như vầy:
“Chư Tôn, như lời Đức Thế Tôn đã đáp cho câu hỏi Bà-la-diên-đê-xá-di-đức-lặc[3]:
Nếu người biết nhị biên,
Không dính mắc khoảng giữa;
Được gọi Đại trượng phu,
Không mê luyến ngũ dục,
Thoát chỉ khâu ưu phiền[4].
“Chư Tôn, những câu này có nghĩa gì? Thế nào là biên? Thế nào là hai biên? Thế nào là giữa? Thế nào là thợ khâu? Thế nào là tư, do trí mới biết, bằng liễu tri mà liễu tri; khi được biết bởi trí, được liễu tri bởi liễu tri, thì tột mé khổ, thoát khỏi khổ?”
Có người đáp:
“Sáu nội nhập xứ là một biên; sáu ngoại nhập xứ là biên thứ hai; thọ là ở giữa; ái là thợ khâu. Thân cận với ái[5], rồi do bởi nhân này nhân kia mà thân lần lần tăng trưởng xuất sanh[6]. Những pháp này do trí mà biết, do liễu tri mà liễu tri. Khi được biết bởi trí, được liễu tri bởi liễu tri, thì tột mé khổ, mới thoát khỏi khổ.”
Lại có người nói:
“Đời quá khứ là một biên; đời vị lai là biên thứ hai; đời hiện tại là giữa; ái là thợ khâu. Tập cận những ái này, do bởi nhân này nhân kia mà thân lần lần tăng trưởng xuất sanh… cho đến thoát khổ.”
Lại có người nói:
“Thọ lạc là một biên; thọ khổ là biên thứ hai; không khổ không lạc là giữa; ái là thợ khâu. Tập cận những ái này, tự thân sở đắc do chúng lần lần tăng trưởng xuất sanh… cho đến thoát khổ.”
Lại có người nói:
“Hữu là một biên; tập là biên thứ hai; thọ là giữa; ái là thợ khâu. Như vậy nói đầy đủ,… cho đến thoát khổ.”
Lại có người nói:
“Thân là một biên; thân tập là biên thứ hai; ái là thợ khâu. Như vậy nói đầy đủ,… cho đến thoát khổ.”
Lại có người nói:
“Tất cả những gì chúng ta nói ra không giống nhau, chỉ đưa ra những dị thuyết, không hy vọng gì để hiểu được. Thế Tôn nói gì khác trong kinh “Những câu hỏi của Đê-xá-di-đức-lặc”? Chúng ta nên đến Thế Tôn bạch hỏi, như những gì Thế Tôn dạy, chúng ta phụng trì.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Thế nào, bạch Thế Tôn, có những thuyết khác nhau về kinh Ba-la-diên-đê-xá-di-đức-lặc sở vấn, vừa rồi các Tỳ-kheo nhóm họp tại giảng đường, bàn luận như vầy: ‘Những gì mà Thế Tôn đã dạy trong kinh Ba-la-diên-đê-xá-di-đức-lặc sở vấn, về hai biên… cho đến thoát khổ.’ Có người bảo: ‘Nội lục nhập xứ là một biên, ngoại lục nhập xứ là biên thứ hai, thọ ở giữa, ái là thợ khâu. Nói đầy đủ như trước. Tất cả đều không quyết định được, nên hôm nay chúng con đến đây thỉnh vấn Thế Tôn về những nghĩa này. Những gì chúng con nói, ai là người nào nói đúng nghĩa?”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Những gì các ông đã nói đều là khéo nói. Nay Ta sẽ vì các ông mà nói về kinh khác. Ta đã vì Ba-la-diên-đê-xá-di-đức-lặc, có nói kinh khác. Xúc là một biên; xúc tập là biên thứ hai; thọ[7] là ở giữa; ái là thợ khâu. Sau khi đã tập cận ái rồi, thân này thân kia duyên vào đó mà tăng trưởng xuất sanh. Đối với pháp này, do trí mới biết, do liễu tri mà liễu tri. Do được biết bởi trí, liễu tri bởi liễu tri, mà tột cùng mé khổ, thoát khỏi khổ.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1165. TÂN-ĐẦU LÔ[8]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Tôn giả Tân-đầu-lô[9] ở trong vườn Cù-sư-la, tại Câu-diệm-di. Bấy giờ, có Quốc vương Bà-sa tên Ưu-đà-diên-na[10], đến chỗ Tôn giả Tân-đầu-lô. Thăm hỏi nhau xong, ngồi lui qua một bên, Quốc vương Bà-sa Ưu-đà-diên-na bạch Tôn giả Tân-đầu-lô:
“Có điều muốn hỏi, Tôn giả có rảnh rỗi để đáp cho không?”
Tôn giả Tân-đầu-lô đáp:
“Này Đại vương, Đại vương cứ hỏi, điều gì biết tôi sẽ đáp.”
Quốc vương Bà-sa Ưu-đà-diên-na hỏi Tôn giả Tân-đầu-lô:
“Nhân gì, duyên gì, mà các Tỳ-kheo tuổi trẻ mới học, xuất gia chưa lâu ở trong Pháp luật này, sống rất an lạc, các căn hòa duyệt, tướng mạo sáng sủa, da dẻ tươi tốt, thích tĩnh, ít động, mặc tình người khác mà sống[11], tâm như dã thú, kham năng suốt đời tu trì phạm hạnh, thanh tịnh thuần nhất?”
Tôn giả Tân-đầu-lô đáp:
“Như những gì Phật, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, đã dạy các Tỳ-kheo: ‘Tỳ-kheo các ông, nếu gặp người nữ lớn tuổi thì nên coi như mẹ. Gặp người trung niên thì nên coi như chị em. Gặp người non trẻ thì nên coi như con. Vì nguyên nhân này nên các Tỳ-kheo tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu ở trong Pháp luật này sống an lạc, an ổn, các căn hòa duyệt, tướng mạo sáng sủa, da dẻ tươi mát, thích tĩnh, ít động, mặc tình người khác mà sống, tâm như dã thú, kham năng suốt đời tu trì phạm hạnh, thanh tịnh thuần nhất.”
Quốc vương Bà-sa Ưu-đà-diên-na hỏi Tôn giả Tân-đầu-lô:
“Hiện tại người thế gian, tâm tham cầu, dù có gặp người lớn tuổi coi như mẹ, trung niên coi như chị, non trẻ coi như con. Nhưng lúc đó tâm họ cũng theo sự thiêu đốt của tham dục, sân nhuế, ngu si mà khởi lên. Còn có nhân duyên nào đặc biệt hơn không?”
Tôn giả Tân-đầu-lô nói với quốc vương Bà-sa Ưu-đà-diên-na:
“Còn có nhân duyên khác nữa. Như Thế Tôn Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, đã dạy các Tỳ-kheo: ‘Thân này từ chân đến đỉnh đầu, bộ xương được trét bởi thịt, được che đậy bởi một lớp da mỏng, trong đó chứa dẫy đầy những thứ bất tịnh. Quán sát tất cả: tóc, lông, móng, răng, bụi dơ, nước dãi, da, thịt, xương trắng, gân, mạch, tim, gan, phổi, lá lách, thận, ruột, dạ dày, ruột non, ruột già, bào, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước bọt, mỡ, tủy, đàm âm, mủ, máu, dịch não, phẩn, nước tiểu[12].’ Này Đại vương, vì nhân này, duyên này, nên các Tỳ-kheo tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu ở trong Pháp luật này, vẫn sống an lạc, an ổn… cho đến thanh tịnh tràn đầy thuần nhất.”
Quốc vương Bà-sa Ưu-đà-diên-na hỏi Tôn giả Tân-đầu-lô:
“Tâm người hay phiêu nhanh. Nếu quán bất tịnh, có khi sẽ theo tưởng tịnh mà hiện. Vậy còn có nhân duyên nào khiến cho Tỳ-kheo tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu trong Pháp luật này, sống an lạc, an ổn… cho đến thanh tịnh tràn đầy thuần nhất không?”
Tôn giả Tân-đầu-lô đáp:
“Còn có nhân duyên khác nữa. Như Thế Tôn Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, đã dạy các Tỳ-kheo: ‘Các ông nên giữ gìn các căn môn, khéo thu nhiếp tâm mình. Nếu mắt thấy sắc, chớ nắm bắt sắc tướng, chớ nắm bắt hình tướng tốt đẹp, mà tăng thêm sự chấp giữ[13]. Nếu đối với mắt mà không an trụ với sự thúc liễm, những pháp ác bất thiện tham ưu thế gian sẽ lọt vào tâm mình. Cho nên các ông phải giữ gìn luật nghi của mắt. Đối tai và âm thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp cũng lại như vậy,… cho đến giữ gìn luật nghi của ý.”
Bấy giờ quốc vương Bà-sa, Ưu-đà-diên-na hỏi Tôn giả Tân-đầu-lô:
“Lành thay! Khéo nói Pháp,… cho đến giữ gìn luật nghi các căn. Bạch Tôn giả Tân-đầu-lô, tôi cũng như vậy, có khi không giữ gìn thân, không giữ gìn luật nghi các căn, khi vào cung không nhất niệm, thì tâm mình sanh ra tham dục hừng hực, ngu si thiêu đốt. Ngay khi đóng cửa phòng ở một mình, ba độc cũng lại thiêu đốt tâm mình, huống lại là ở trong cung. Lại có lúc tôi khéo nhiếp hộ được các căn, nhiếp hộ được thân mình, chuyên tâm nhất niệm, thì khi vào trong cung, tham dục, nhuế, si không còn dấy khởi thiêu đốt tâm mình; khi ở trong cung nội còn không bị thiêu đốt thân tâm, huống chi là khi ở một mình. Vì vậy cho nên do nhân này, do duyên này hay khiến cho Tỳ-kheo tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu trong Pháp luật này sống an lạc, an ổn,… cho đến thanh tịnh tràn đầy thuần nhất.”
Sau khi quốc vương Bà-sa, Ưu-đà-diên-na nghe những gì Tôn giả nói, hoan hỷ, tùy hỷ từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. KINH 1166. VÍ DỤ TAY CHÂN[14]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Vì có tay, nên biết có lấy bỏ. Vì có chân nên biết có tới lui. Vì có các khớp nên biết có co duỗi. Vì có bụng nên biết có đói khát. Cũng vậy, Tỳ-kheo, vì có mắt nên có nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ bên trong, hoặc khổ lạc, hoặc không khổ không lạc. Tai mũi lưỡi thân ý lại cũng như vậy.
“Này các Tỳ-kheo, nếu không tay thì không biết lấy bỏ. Nếu không chân thì không biết tới lui. Nếu không có các khớp thì không biết co duỗi. Nếu không có bụng thì không biết đói khát. Cũng vậy, các Tỳ-kheo, nếu không có mắt thì không có nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ bên trong, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc. Tai mũi lưỡi thân ý lại cũng như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1167. CON RÙA[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Vào thời quá khứ, có đám cỏ trong sông và có con rùa sống trong bụi cỏ ấy[16]. Khi đó có một con dã can đói đi tìm thức ăn. Vừa thấy con rùa, nó vội nhảy tới vồ lấy. Con rùa thấy vậy, liền thu hết đầu đuôi và bốn chân vào trong mai[17]. Dã can canh đợi con rùa thò đầu, chân ra là chụp ăn liền. Nhưng chờ lâu quá, mà nhất định rùa không thò đầu và chân ra. Dã can đói quá, tức tối bỏ đi.
“Này các Tỳ-kheo, ngày nay các ông cũng lại biết như vậy. Ma Ba-tuần luôn luôn dò xét tìm cơ hội bên các ông. Mong đợi mắt các ông đắm sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhớ pháp mà xúi dục sanh tâm đắm nhiễm sáu trần. Cho nên Tỳ-kheo, các ông phải luôn luôn giữ gìn luật nghi của mắt. Khi đã giữ gìn an trụ nơi luật nghi của mắt rồi, dù mắt có sanh khởi hoặc duyên cảnh đi nữa thì ác Ma Ba-tuần cũng không thể tìm được cơ hội. Tai mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Dù sáu căn kia có sanh khởi hoặc duyên cảnh đi nữa, thì chúng cũng không thể tìm được tiện lợi. Giống như con rùa, dã can không thể tìm được cơ hội nào.”
Bấy giờ Phật liền nói kệ:
Rùa vì sợ dã can,
Dấu thân vào trong mai.
Tỳ-kheo khéo nhiếp tâm,
Dấu kín các giác tưởng.
Không nương, không sợ hãi[18],
Kín tâm, chớ nói năng.[19]
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1168. LÚA[20]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thí như lúa[21] đặt ở ngã tư đường, có sáu tráng niên cầm chày giã, trong chốc lát nát ra như bụi. Rồi người thứ bảy cầm chày giã lại. Này các Tỳ-kheo, ý các ông thế nào, đống lúa đã bị sáu người giã, rồi người thứ bảy giã lại, lúc này bị nát nhừ phải không?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Phật dạy:
“Này các Tỳ-kheo, cũng vậy, người ngu si bị sáu xúc nhập xứ nện đả. Những gì là sáu? Đó là nhãn xúc nhập xứ thường nện đả. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc nhập xứ thường nện đả. Người ngu si kia, tuy bị sáu xúc nhập xứ nện đả, nhưng vẫn còn ý niệm mong cầu sanh hữu đời vị lai[22], như người thứ bảy giã lại cho nát thêm.
“Này các Tỳ-kheo, nếu nói là ngã[23], đó là dao động; nói là ngã sở, đó là dao động; vị lai sẽ hiện hữu, đó là dao động; vị lai sẽ không hiện hữu, đó là dao động; sẽ lại có sắc, đó là dao động[24]; sẽ lại không sắc, đó là dao động; sẽ lại có tưởng, đó là dao động; sẽ lại không có tưởng, đó là dao động; sẽ lại không phải có tưởng, chẳng phải không tưởng, đó là dao động. Vì dao động nên là bệnh, vì dao động nên là ung nhọt, vì dao động nên là gai nhọn, vì dao động nên là dính mắc. Chân chánh quán sát rằng vì dao động nên là khổ; do đó được tâm không dao động, tu tập nhiều, an trụ, cột niệm, chánh trí. Giống như dao động, tư lương, hư cuống[25] cũng như vậy.
“Vì có hành do ái. Nói ngã, đó là ái[26]; nói ngã sở, đó là ái; nói vị lai sẽ hiện hữu, đó là ái; nói vị lai sẽ không hiện hữu, đó là ái; nói sẽ có sắc, đó là ái; nói sẽ không có sắc, đó là ái; nói sẽ có tưởng, đó là ái; nói sẽ không tưởng, đó là ái; nói sẽ chẳng phải tưởng, chẳng phải không tưởng, đó là ái. Vì ái nên là bệnh, vì ái nên là ung nhọt, vì ái nên là gai nhọn. Chân chánh quán sát rằng vì dao động nên là khổ; do đó được tâm không dao động, tu tập nhiều, an tru, cột niệm, chánh trí.
“Này các Tỳ-kheo, vào thời quá khứ, A-tu-la đem quân chiến đấu với Đế Thích. Khi ấy Thiên đế Thích bảo chư Thiên Tam thập tam rằng: ‘Hôm nay chư Thiên cùng chiến đấu với A-tu-la. Nếu chư Thiên thắng, A-tu-la thua, thì hãy bắt sống vua A-tu-la, lấy dây cột chặt lại năm chỗ đem về cung trời.’ Vua A-tu-la cũng nói với binh chúng mình: ‘Hôm nay A-tu-la cùng chiến đấu với chư Thiên. Nếu A-tu-la thắng, chư Thiên thua, thì hãy bắt sống Thiên đế Thích, lấy dây cột chặt lại năm chỗ đem về cung A-tu-la.’
“Trong lúc đánh nhau, chư Thiên thắng, A-tu-la thua. Bấy giờ chư Thiên Tam thập tam bắt sống được vua A-tu-la là Tỳ-ma-chất-đa-la, trói năm chỗ, đem về cung trời. Lúc này, vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la, thân bị trói năm chỗ, được đặt trên điện Chánh pháp, cho hưởng thụ năm thứ dục lạc của chư Thiên. Vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la tự nghĩ: ‘Chư Thiên tuy là giỏi, nhưng chỉ có A-tu-la là hiền thiện thông tuệ hơn. Nay ta sẽ trở về cung A-tu-la.’ Trong lúc đang nghĩ như vậy, thì tự thấy thân mình năm chỗ bị dây ấy cột chặt lại, ngũ dục của chư Thiên tự nhiên biến mất.
“Vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la lại nghĩ: ‘A-tu-la tuy giỏi, nhưng chư Thiên hiền thiện trí tuệ và sáng suốt hơn, nay ta sẽ ở lại cung trời này.’ Trong lúc đang nghĩ như vậy, thì tự thấy năm chỗ thân mình dây lỏng ra, ngũ dục chư Thiên tự nhiên xuất hiện trở lại.
“Tuy vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la bị sự cột trói vi tế như vậy, nhưng sự cột trói của Ma Ba-tuần càng vi tế hơn. Khi tâm bị dao động, thì liền theo đó bị ma cột. Tâm không dao động thì cũng liền theo đó ma cởi ra. Cho nên, các Tỳ-kheo, phải luôn luôn trụ vào tâm không dao động, chánh niệm, chánh trí. Cần phải học như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1169. CÂY ĐÀN[27]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di, Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu với Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào, ở nơi sắc được nhận thức bởi con mắt mà phát sanh hoặc dục[28], hoặc thèm muốn, hoặc ái niệm, hoặc chỗ bị quyết định đắm trước[29]; đối với những tâm như vậy, phải khéo tự phòng hộ. Vì sao? Vì những tâm này đều là con đường đưa đến sợ hãi, có chướng nạn. Đây là chỗ nương tựa của người ác, không phải chỗ nương tựa của người thiện. Cho nên, phải tự phòng hộ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.
“Thí như người nông phu có đám mạ tốt, mà người giữ ruộng thì lười biếng, buông lung, để trâu vào ăn lúa mạ. Phàm phu ngu si cũng lại như vậy, sáu xúc nhập xứ… cho đến buông lung cũng lại như vậy.
“Đám mạ tốt, nếu người giữ ruộng tâm không buông lung, thì trâu không ăn được. Giả sử có vào ruộng cũng bị đuổi ra hết. Nghĩa là tâm, ý, hay thức của Thánh đệ tử đa văn, đối với công năng ngũ dục phải khéo tự nhiếp hộ, tĩnh chỉ hết, khiến cho diệt tận.
“Đám mạ tốt, người giữ ruộng không tự buông lung, thì nếu trâu vào ruộng, sẽ dùng tay trái kéo dây mũi, tay phải cầm roi nện sả vào thân, đuổi ra khỏi ruộng. Này các Tỳ-kheo, ý các ông nghĩ sao? Khi con trâu kia đã bị thống khổ vậy rồi, thì từ làng về nhà, từ nhà ra làng, có còn dám ăn lúa mạ non như lỗi trước không?”
Đáp rằng:
“Bạch Thế Tôn, không. Vì sao? Vì nó nhớ lần trước vào ruộng, đã bị cái đau khổ bởi roi vọt.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, nếu tâm, ý, hay thức của Thánh đệ tử đa văn đối với sáu xúc nhập xứ cực kỳ sanh lòng yểm ly, sợ hãi, nội tâm an trụ, chế ngự nhất tâm.
“Này các Tỳ-kheo, thời quá khứ có ông vua nghe tiếng đàn hay chưa từng có được, nên sanh yêu thích, say mê, chìm đắm. Vua hỏi các vị đại thần rằng: ‘Đó là những âm thanh gì mà nghe khả ái quá vậy?’ Đại thần tâu: ‘Tâu bệ hạ, đó là những tiếng đàn.’ Vua nói với đại thần: ‘Khanh hãy đem những âm thanh đó đến đây.’ Đại thần vâng lời, liền đem cây đàn đến tâu: ‘Tâu đại vương, đây chính là cây đàn đã tạo ra âm thanh hay.’ Vua nói đại thần: ‘Ta không cần cây đàn, mà chỉ cần đem những âm thanh khả ái đã nghe lần trước đến.’ Đại thần tâu: ‘Cây đàn này cần phải có nhiều thứ, là phải có cán, có máng, có thùng, có dây, có da và người đàn giỏi. Cần phải hội đủ những nhân duyên này mới thành âm thanh. Nếu thiếu đi những dụng cụ này thì sẽ không có được âm thanh. Âm thanh mà bệ hạ đã nghe trước đây đã qua lâu rồi, chúng đã biến chuyển và cũng đã diệt mất rồi, không thể đem đến được.’ Lúc ấy, nhà vua tự nghĩ: ‘Ôi! Cần gì vật hư ngụy này! Đàn ở thế gian là vật hư ngụy, mà khiến cho người đời say đắm vậy sao? Bây giờ các khanh hãy đem chẻ ra từng mảnh, rồi vất bỏ khắp mười phương.’ Các đại thần vâng lệnh, chẻ ra thành trăm mảnh, ném khắp mọi nơi.
“Như vậy, Tỳ-kheo, nếu đối với sắc, thọ, tưởng, tư, dục; biết những pháp này là vô thường, hữu vi, do tâm duyên sanh, rồi liền cho là ngã, ngã sở. Những thứ ấy, ở vào lúc khác, tất cả đều không. Này các Tỳ-kheo, hãy bằng chánh trí bình đẳng như vậy mà quán sát như thật.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1170. CÙI HỦI[30]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Như người bị bệnh hủi, tay chân bị thương lở loét. Nếu vào cỏ tranh, sẽ bị những lá nhọn như mũi kim đâm chích bị thương, đau khổ vô cùng. Cũng vậy, phàm phu ngu si, sáu xúc nhập xứ chịu những sự đau khổ cũng lại như vậy. Giống như người bị hủi kia bị lá cỏ nhọn đâm bị thương, máu mủ chảy ra. Cũng vậy, phàm phu ngu si, tánh tình thô bạo, xấu xa, bị xúc bởi sáu xúc nhập xứ, liền nổi sân nhuế, lời thô tiếng ác tuôn ra, như người bị phong hủi kia. Vì sao? Vì phàm phu ngu si vô học, tâm như phong hủi.
“Bây giờ, Ta sẽ nói về luật nghi và bất luật nghi[31]. Thế nào là luật nghi và thế nào là bất luật nghi?
“Phàm phu ngu si vô học, khi mắt thấy sắc rồi, đối sắc đáng nhớ thì khởi lên tham đắm, với sắc không đáng nhớ thì khởi lên sân nhuế. Từ nơi đó, lần lượt phát sanh ra nhiều giác tưởng tương tục, không thấy lỗi lầm, hoặc có thấy lỗi lầm cũng không thể trừ diệt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Này Tỳ-kheo, đó gọi là bất luật nghi.
“Thế nào gọi là luật nghi? Thánh đệ tử đa văn khi mắt thấy sắc, với sắc đáng nhớ không khởi tưởng dục, với sắc không đáng nhớ không khởi tưởng sân nhuế, lần lượt cũng không khởi những giác tưởng tương tục trụ[32] và thấy sắc là lỗi lầm; vì đã thấy lỗi lầm nên phải lìa bỏ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Đó gọi là luật nghi.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1171. SÁU CHÚNG SANH[33]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thí như người dạo trong căn nhà trống, bắt được sáu loài chúng sanh. Đầu tiên được con chó, liền bắt nó cột một chỗ. Kế đến được con chim, rồi được rắn độc, dã can, thất-thâu-ma-la[34] và con khỉ. Sau khi bắt được những chúng sanh này, tất cả đều bị cột một chỗ. Con chó muốn vào làng; chim luôn muốn bay lên không; rắn luôn muốn bò vào hang; dã can muốn đến gò mả; thất-thâu-ma-la lúc nào cũng muốn vào biển; con khỉ muốn vào rừng núi. Sáu con vật này đều bị cột một chỗ, nhưng sở thích không giống nhau. Mỗi con đều muốn đến chỗ an ổn, không con nào thích bị cột vào chỗ mà nó không ưa thích, nên mỗi con tự dùng sức để trở về chỗ ưa thích của mình, mà không thể thoát được.
“Cũng vậy, sáu căn có cảnh giới riêng của chúng, mỗi mỗi tự tìm đến cảnh giới ưa thích của nó, không ưa cảnh giới khác. Như mắt thường tìm đến sắc khả ái, nếu là sắc không vừa ý thì sẽ sanh ra chán. Tai thường tìm âm thanh vừa ý, nếu là âm thanh không vừa ý, thì sẽ sanh ra chán. Mũi thường tìm mùi vừa ý, nếu là mùi không vừa ý, thì sẽ sanh ra chán. Lưỡi thường tìm vị vừa ý, nếu là vị không vừa ý, thì sẽ sanh ra chán. Thân thường tìm chạm vật vừa ý, nếu xúc chạm vật không vừa ý, thì sẽ sanh ra chán. Ý thường tìm đến pháp vừa ý, nếu là pháp không vừa ý, thì sẽ sanh ra chán. Sáu căn này có bao nhiêu hành xứ, cảnh giới khác nhau, mỗi cái không tìm đến cảnh giới của căn khác. Sáu căn này, chúng có cái lực kham năng tự tại mà lãnh thọ cảnh giới của mình. Như người kia, cột sáu con vật vào cây cột bền chắc, cho dù chúng có dùng sức muốn thoát ra theo ý mình mà đi, nhưng lui tới chỉ mệt nhọc, vì đã bị dây cột, cuối cùng cũng bị dính vào cây trụ.
“Này các Tỳ-kheo, Ta nói thí dụ này là muốn vì các ông hiển bày nghĩa ấy. Sáu con vật là dụ cho sáu căn. Cây trụ chắc là dụ cho thân niệm xứ[35]. Nếu thân niệm xứ được khéo tu tập, có niệm, không niệm sắc, thấy sắc khả ái thì không sanh đắm, sắc không khả ái thì không sanh chán. Tai đối với tiếng; mũi đối với mùi; lưỡi đối với vị; thân đối với xúc; ý đối với pháp, … đối với pháp khả ái, thì không tìm cầu ưa muốn; với pháp không khả ái thì không sanh chán. Cho nên, các Tỳ-kheo, phải siêng năng tu tập nhiều về thân niệm xứ.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1172. RẮN ĐỘC[36]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thí như có bốn con rắn hổ hung ác, độc nghiệt, đựng trong một cái tráp. Bấy giờ có một người thông minh, không ngu si, có trí tuệ, tìm lạc, nhàm khổ, cầu sống chán chết. Khi ấy, có một người kia nói với người này rằng: ‘Nay, anh giữ cái tráp đựng rắn độc này. Hãy lau chùi, tắm rửa cho chúng; gần gũi, cho chúng ăn. Thỉnh thoảng, cho chúng ra, vào. Nếu bốn con rắn này thoát ra, thì rất có hại, hoặc có thể cắn chết, hoặc gần chết. Bạn hãy coi chừng.’
“Bấy giờ, người này sợ hãi bỏ chạy. Bỗng có năm kẻ oán thù cầm đao rượt theo muốn bắt giết: ‘Này bạn, hãy đề phòng.’ Trong lúc anh đang sợ bốn con rắn độc và năm kẻ oán thù hoa đao nên ruổi chạy, thì người kia lại nói: ‘Này bạn, bên trong còn có sáu tên giặc đang đuổi theo rình rập anh. Nếu bắt được, chúng nó sẽ giết. Anh nên đề phòng.’
“Bấy giờ, người này vì sợ bốn con rắn độc, năm kẻ oán thù cầm dao, với sáu tên giặc ở bên trong, nên kinh hãi bỏ chạy, lại trở vào trong xóm vắng. Thấy một căn nhà trống mục nát nguy hoại kia, với những đồ vật xấu ác, dòn tan, dễ vỡ, không có gì chắc thật. Người kia lại nói: ‘Này bạn, thôn xóm vắng vẻ này sẽ có bọn giặc đến. Chúng sẽ hại anh.’
“Khi ấy, người này vì sợ bốn con rắn độc, năm tên giặc hoa đao, sáu tên giặc dữ bên trong và một đám giặc trong xóm vắng, nên anh tiếp tục chạy. Chợt gặp một con sông lớn chắn ngang đường, dòng nước sâu đang chảy siết, chỉ thấy bờ bên này có nhiều sự sợ hãi, còn thấy bờ bên kia an ổn khoái lạc, mát mẻ, không có sợ hãi. Nhưng không có cầu, thuyền để đưa qua được đến bờ kia. Anh ta tự nghĩ: ‘Ta hãy lấy cây cỏ kết thành một chiếc bè, dùng tay chân làm phương tiện vượt qua bên kia sông.’ Nghĩ như vậy rồi, liền thâu thập cây cỏ, tại cạnh bờ sông kết lại thành chiếc bè, dùng tay chân làm phương tiện cắt dòng sang ngang. Như vậy, người này thoát khỏi bốn con rắn độc, năm kẻ oán thù hoa đao, sáu tên giặc ác bên trong và lại thoát được bọn giặc nơi xóm vắng; vượt qua khỏi dòng sâu, bỏ lại mọi sự sợ hãi ở bờ bên này, đến được bờ bên kia, an ổn, khoái lạc.
“Này các Tỳ-kheo, Ta nói thí dụ đó là để giải thích nghĩa này:
“Cái tráp là dụ cho sắc thân gồm bốn đại thô và sở tạo của bốn đại phù này, thể tinh huyết, được được nuôi lớn bằng các thức ăn tạp uế, tắm rửa, y phục. Đó là những pháp mong manh, biến hoại, vô thường.
“Bốn rắn độc là dụ cho bốn đại: đất, nước, gió, lửa. Nếu như địa đại cạnh tranh, có thể làm cho thân này chết, hoặc là gần chết. Đối với nước, lửa, gió cạnh tranh nhau cũng lại như vậy. Năm kẻ oán thù cầm đao là dụ cho năm thủ uẩn. Sáu tên giặc ác bên trong là dụ cho sáu ái hỷ. Xóm vắng là dụ cho sáu nội nhập. Này thiện nam tử, hãy quán sát mắt nhập xứ là vô thường, biến hoại. Sự chấp thủ mắt cũng là pháp vô thường hư ngụy. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhập xứ cũng lại như vậy.
“Bọn giặc nơi xóm vắng là dụ cho sáu nhập xứ bên ngoài. Mắt bị sắc vừa ý, không vừa ý làm hại; tai đối tiếng, mũi đối mùi, lưỡi đối vị, thân đối xúc, … ý đối pháp dù vừa ý hay không vừa ý cũng đều bị hại.
“Dòng nước xiết dụ cho bốn lưu: dục lưu, hữu lưu, kiến lưu và vô minh lưu.
“Con sông dụ cho ba ái: dục ái, sắc ái và vô sắc ái.
“Bờ bên này nhiều sợ hãi dụ cho hữu thân. Bờ bên kia mát mẻ, an lạc dụ cho Vô dư Niết-bàn. Chiếc bè dụ cho Bát chánh đạo. Dùng tay chân làm phương tiện cắt dòng sang sông dụ cho tinh tấn dõng mãnh đến bờ kia. Trụ xứ của Bà-la-môn dụ cho Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác.
“Như vậy, các Tỳ-kheo, Đại Sư từ bi, an ủi đệ tử. Những gì cần làm Ta đã làm xong. Nay các ông cũng phải nên làm những gì cần làm. Hoặc dưới bóng cây vắng vẻ, hay nơi phòng xá thanh tịnh, trải cỏ làm tòa, hoặc chỗ đất trống hay gò mả, xa lìa tất cả, tinh cần thiền tư, cẩn thận chớ buông lung mà sau này hối hận. Đây là giáo giới của Ta.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1173. KHỔ PHÁP[37]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thánh đệ tử đa văn thấy biết như thật, đối với tất cả pháp khổ, tập, diệt, vị, hoạn, ly. Thấy ngũ dục như hầm lửa. Sau khi quán sát ngũ dục như vậy rồi, ở nơi ngũ dục mà dục tham, dục ái, dục niệm, dục trước[38] vĩnh viễn không còn che đậy tâm; biết hành xứ và trụ xứ của dục tâm kia mà tự phòng hộ. Sau khi hành xứ, trụ xứ đã được phòng hộ, đóng chặt cửa rồi, pháp ác bất thiện và tham ưu thế gian không tùy theo hành xứ và trụ xứ kia mà lọt vào tâm mình.
“Thế nào gọi là Thánh đệ tử đa văn thấy biết như thật đối với tất cả pháp khổ, tập, diệt, vị, hoạn, ly? Thánh đệ tử đa văn biết như thật về Khổ Thánh đế này; biết như thật về Khổ tập này, về Khổ diệt này, về Khổ diệt đạo tích Thánh đế này. Đó gọi là Thánh đệ tử đa văn biết như thật tất cả pháp khổ, tập, diệt, vị, hoạn, ly.
“Thế nào gọi là Thánh đệ tử đa văn thấy năm dục như hầm lửa,… cho đến các pháp ác bất thiện và tham ưu thế gian vĩnh viễn không còn che đậy tâm nữa?
“Thí như bên cạnh thôn xóm có một cái hầm sâu đựng đầy lửa, không có khói và lửa ngọn. Khi ấy có một người không ngu si, thông minh trí tuệ, ưa lạc, chán khổ, ham sống, sợ chết. Ông tự nghĩ: ‘Ở đây có cái hầm đựng đầy lửa, nếu ta rơi vào trong đó chắc chắn phải chết không còn nghi nữa.’ Người kia phát sanh sự tránh xa, nghĩ tránh xa, muốn tránh xa. Cũng vậy, Thánh đệ tử đa văn thấy ngũ dục như hầm lửa… cho đến pháp ác bất thiện, tham ưu thế gian, vĩnh viễn không còn che đậy tâm. Nếu hành xứ, trụ xứ mà được phòng hộ trước, biết trước… cho đến các pháp ác bất thiện tham ưu thế gian không còn lọt vào tâm.
“Thí như bên cạnh thôn xóm có khu rừng nại[39] nhiều cây gai nhọn. Khi ấy có người vào rừng có công việc. Sau khi vào rừng, thấy trước sau, phải trái, trên dưới hoàn toàn là gai nhọn. Bấy giờ người kia chánh niệm mà đi, chánh niệm tới lui, chánh niệm mở mắt sáng, chánh niệm nhìn thẳng, chánh niệm khom người. Vì sao? Vì không để gai nhọn làm tổn thương thân mình. Thánh đệ tử đa văn cũng lại như vậy. Nếu y tựa nơi làng xóm, thành ấp; sáng sớm đắp y, ôm bát vào xóm khất thực, phải khéo nhiếp hộ thân và giữ gìn tâm mình, chánh niệm an trú, chánh niệm mà đi, chánh niệm mở mắt sáng, chánh niệm quán sát. Vì sao? Vì không để cho gai nhọn làm tổn thương đến Chánh pháp luật. Thế nào là gai nhọn làm tổn thương đến Chánh pháp luật? Là sắc vừa ý, đáng yêu, đáng nhớ. Đó gọi là gai nhọn làm tổn thương đến Thánh pháp luật.
“Thế nào là sắc vừa ý, đáng yêu, đáng nhớ, lại làm tổn thương đến Thánh pháp luật? Đó là năm công năng của dục. Mắt nhận thức thấy sắc sanh ra yêu, nhớ, nuôi lớn dục lạc; tai nhận thức nghe tiếng; mũi nhận thức ngửi mùi; lưỡi nhận thức nếm vị; thân nhận thức tiếp xúc sanh ra yêu, nhớ, nuôi lớn dục lạc. Đó gọi là sắc đáng yêu, nhớ, làm tổn thương đến Chánh pháp luật. Đó cũng gọi là Thánh đệ tử đa văn phòng hộ trước và biết trước chỗ hành xứ và trú xứ,… cho đến không để các pháp ác bất thiện, tham ưu thế gian lọt vào tâm.
“Hoặc khi Thánh đệ tử đa văn mất chánh niệm, sanh ra giác ác bất thiện, nuôi lớn tham dục, sân nhuế, ngu si. Đó là Thánh đệ tử đa văn thuộc độn căn[40]. Tuy khởi tập, diệt nhưng bị dục che đậy tâm. Giống như hòn sắt nóng đỏ rực, dùng vài giọt nước nhỏ xuống liền khô mất. Cũng vậy, Thánh đệ tử đa văn độn căn sanh niệm cũng liền diệt mất như vậy.
“Thánh đệ tử đa văn đi như vậy, đứng như vậy. Nếu quốc vương hay đại thần đến chỗ họ dùng bổng lộc để mời dụ rằng: ‘Này người nam, cần gì phải cạo bỏ râu tóc, mang đồ sành, thân mặc áo ca-sa, đi xin ăn từng nhà? Sao bằng an úy hành ngũ dục lạc, bố thí làm phước’.
“Thế nào, Tỳ-kheo, Thánh đệ tử đa văn có vì bổng lộc mời dụ của các thân tộc, đàn việt, đại thần, quốc vương mà họ sẽ hoàn giới thoái giảm không?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không. Vì sao? Vì Thánh đệ tử đa văn đã thấy biết như thật đối với tất cả pháp khổ, tập, diệt, vị, hoạn, ly. Thấy ngũ dục như hầm lửa,… cho đến pháp ác bất thiện, tham ưu thế gian, vĩnh viễn không còn che đậy tâm nữa, nhờ đã phòng hộ trước và biết trước những hành xứ và trú xứ của phiền não,… cho đến các pháp ác bất thiện, tham ưu thế gian, không còn lọt vào tâm mình. Nếu quốc vương, đại thần hay thân tộc dùng bổng lộc mời dụ người ấy hoàn giới thoái giảm thì điều này không thể có được.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Thánh đệ tử đa văn từ lâu tâm xuôi về, rót về, đổ dốc về, hướng đến viễn ly, hướng đến ly dục, hướng đến Niết-bàn tịch tĩnh xả ly, vui nơi Niết-bàn; ở nơi hữu lậu đã được dập tắt, được làm mát nguội. Nếu bị quốc vương, gia chủ hay thân tộc dùng bổng lộc mời dụ để hoàn giới thoái giảm, chịu khổ lớn khác, thì điều này không thể có được. Giống như sông Hằng luôn luôn xuôi về, rót về, đổ dốc về phương Đông[41]. Có nhiều người ngăn nó, muốn nó xuôi về, rót về, đổ dốc về phương Tây thì có được không?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không thể. Vì sao? Vì dòng nước sông Hằng đã lâu ngày chảy về phương Đông mà muốn nó chảy về phương Tây thì không thể được. Những người kia, họ sẽ chịu khổ cực!”
“Cũng vậy, Thánh đệ tử đa văn đã lâu ngày tâm xuôi về, rót về, đổ dốc về, hướng đến viễn ly,… cho đến muốn khiến thoái giảm, thì điều này không thể có được, họ phải chịu khổ cực mà thôi.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1174. KHÚC GỖ TRÔI[42]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật, tại A-tỳ-xà, bên Hằng thủy[43]. Bấy giờ, có Tỳ-kheo đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Lành thay! Bạch Thế Tôn, xin vì con thuyết pháp. Sau khi nghe pháp rồi, con một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung và hiểu được lý do về những nhà dòng dõi, cạo bỏ râu tóc, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, tiến tu phạm hạnh, thấy pháp, tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Bấy giờ, Thế Tôn ngắm sông Hằng, thấy trong nước có một cây lớn trôi theo dòng nước chảy xuống. Nói với vị Tỳ-kheo kia:
“Ông có thấy cây lớn trong dòng nước sông Hằng này không?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, con đã thấy.”
Phật bảo:
“Cây lớn này không vướng bờ bên này, không vướng bờ bên kia, không chìm xuống đáy, không mắc ở bãi cù lao, không vào dòng nước xoáy, không bị người vớt lên, phi nhân không giữ lại, cũng không bị mục, sẽ xuôi theo dòng nước, thuận dòng mà rót về, đổ về biển lớn phải không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Phật bảo:
“Tỳ-kheo cũng lại như vậy. Không vướng bờ bên này, không vướng bờ bên kia, không bị chìm, không mắc bãi cù lao, không vào dòng nước xoáy, cũng không bị người vớt lấy, phi nhân không giữ lại, cũng không bị mục, vị ấy sẽ theo dòng nước mà xuôi về, rót về, đổ về Niết-bàn.”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, thế nào là bờ bên này? Thế nào là bờ bên kia? Thế nào là chìm mất? Thế nào là bị mắc bãi cù lao? Thế nào là dòng nước xoáy? Thế nào là người vớt lấy? Thế nào là phi nhân giữ? Thế nào là mục nát? Lành thay, Thế Tôn, vì con giảng rộng! Sau khi nghe xong, con sẽ một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung,… cho đến tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Bờ bên này là sáu nhập xứ. Bờ bên kia là sáu ngoại nhập xứ[44]. Bị người vớt lấy là như người nào gần gũi với người thế tục, hay với người xuất gia; nếu gặp chuyện sướng, khổ, buồn, vui và những việc làm của họ, tất cũng cùng họ cộng đồng. Đó gọi là bị người vớt lấy. Bị phi nhân giữ lại là như có người nào nguyện tu phạm hạnh, rằng: ‘Nay ta trì giới, khổ hạnh, tu các phạm hạnh để được sanh lên các cõi trời.’ Đó gọi là bị phi nhân giữ lại. Bị dòng nước xoáy là như có người nào hoàn giới thoái chuyển. Hư mục là phạm giới, hành các pháp bất thiện, hủ bại, ít học, giống như cỏ dại, như tiếng thổi tù và. Họ không phải là Sa-môn mà giống Sa-môn, không phải là Phạm hạnh mà giống Phạm hạnh.
“Như vậy, Tỳ-kheo, đó gọi là không vướng bờ bên này, bờ bên kia,… cho đến Niết-bàn.”
Sau khi Tỳ-kheo kia nghe những gì Phậy dạy, hoan hỷ làm lễ ra về. Lúc này, một mình ở chỗ vắng, tư duy về những lời Đức Phật đã dạy trong kinh Cây lớn trôi theo dòng nước,… cho đến tự biết không còn tái sanh đời sau nữa và đắc A-la-hán.
Lúc ấy có một người chăn bò là Nan-đồ[45] cách Phật không xa, đang cầm gậy chăn bò. Sau khi vị Tỳ-kheo đã đi rồi, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, hiện tại con có thể không vướng bờ bên này, không vướng bờ bên kia, không bị chìm mất, không mắc ở bãi cù lao, không bị người vớt lấy, không bị phi nhân giữ, không vào dòng nước xoáy và cũng không bị mục nát. Vậy con có được xuất gia tu phạm hạnh ở trong Chánh pháp luật của Thế Tôn không?”
Phật hỏi người chăn bò:
“Con đưa bò trở về cho chủ chưa?”
Người chân bò bạch:
“Trong đàn bò có con đầu đàn có thể tự dẫn trở về, không cần con đưa. Xin cho phép con xuất gia học đạo.”
Phật bảo người chăn bò:
“Tuy bò tự có thể về nhà được. Nhưng con đã nhận lãnh cơm ăn áo mặc của người, điều cần là con phải về báo cho chủ nhà con biết.”
Lúc này, người chăn bò đã nghe lời Phật, hoan hỷ lễ Phật ra về.
Sau khi người chăn bò đi chưa được bao lâu, bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đang ở trong hội này, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, người chăn bò Nan-đồ muốn xin xuất gia, sao Thế Tôn bảo trở về nhà.”
Phật bảo Xá-lợi-phất:
“Người chăn bò Nan-đồ, nếu trở về nhà để hưởng thụ ngũ dục, thì không có việc đó. Sau khi giao bò lại cho người chủ rồi, sẽ nhanh chóng trở lại xuất gia học đạo, tịnh tu phạm hạnh, trong Pháp luật này,… cho đến tự biết không còn tái sanh đời sau nữa, đắc A-la-hán.”
Bấy giờ, người chăn bò Nan-đồ sau khi giao bò lại cho chủ rồi liền trở lại chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con đã giao bò cho chủ rồi. Xin cho phép con xuất gia học đạo trong Chánh pháp luật.”
Phật bảo người chăn bò Nan-đồ:
“Con được xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc làm Tỳ-kheo, ở trong Chánh pháp luật này.”
Sau khi xuất gia rồi, tự tư duy về lý do những người con nhà dòng dõi đã cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, không nhà, tiến tu phạm hạnh,… cho đến không còn tái sanh đời sau nữa, thành A-la-hán. KINH 1175. KHẨN-THÚ DỤ[46]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo một mình ngồi thiền tại chỗ vắng, tự nghĩ: “Tỳ-kheo biết thế nào, thấy thế nào, để được cái thấy thanh tịnh?” Nghĩ rồi, đến các chỗ các Tỳ-kheo, bạch các Tỳ-kheo rằng:
“Thưa các Tỳ-kheo biết thế nào, thấy thế nào để khiến cái thấy được thanh tịnh?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Tôn giả, biết đúng như thật về tập, diệt, vị, hoạn, ly của sáu xúc nhập xứ. Tỳ-kheo nào biết, thấy như vậy, sẽ được cái thấy thanh tịnh.”
Tỳ-kheo này nghe các Tỳ-kheo kia nói như vậy, tâm không hoan hỷ, lại đến chỗ Tỳ-kheo khác, hỏi Tỳ-kheo kia rằng:
“Chư tôn Tỳ-kheo, biết thế nào, thấy thế nào để được cái thấy thanh tịnh?”
Tỳ-kheo kia đáp:
“Biết đúng như thật về tập, diệt, vị, hoạn, ly của sáu giới. Tỳ-kheo nào biết như vậy, thấy như vậy, sẽ được cái thấy thanh tịnh.”
Tỳ-kheo này nghe Tỳ-kheo kia ký thuyết như vậy tâm cũng không lạc, lại đến Tỳ-kheo khác hỏi:
“Tỳ-kheo, biết thế nào, thấy thế nào để được cái thấy thanh tịnh?”
Tỳ-kheo kia đáp:
“Quán sát năm thủ uẩn như là bệnh tật, như ung nhọt, như gai nhọn, như giết hại, là vô thường, khổ, không, phi ngã. Biết như vậy, thấy như vậy, sẽ được cái thấy thanh tịnh.”
Tỳ-kheo này nghe Tỳ-kheo kia ký thuyết như vậy tâm cũng không lạc, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con một mình ở chỗ vắng tư duy: ‘Tỳ-kheo, biết thế nào, thấy thế nào để được cái thấy thanh tịnh?’ Sau khi nghĩ như vậy, rồi con đi đến chỗ các Tỳ-kheo, ba nơi đã nói những gì, như đã bạch đầy đủ lên Thế Tôn, con nghe họ nói vậy, tâm không hoan hỷ, nên đến Thế Tôn đem nghĩa này xin hỏi Thế Tôn: ‘Tỳ-kheo, biết thế nào, thấy thế nào để được cái thấy thanh tịnh?’”
Phật đáp:
“Vào thời quá khứ, có một người chưa từng thấy cây khẩn-thú[47], đến người đã từng thấy khẩn-thú; hỏi người đã từng thấy khẩn thú rằng: ‘Ông biết cây khẩn-thú không?’ Đáp: ‘Biết.’ Lại hỏi: ‘Hình dạng của nó thế nào?’ Đáp: ‘Nó màu đen như cái cột bị cháy.’ Vì người kia đang lúc thấy khẩn-thú màu đen như cột trụ cháy sém. Người này nghe nói khẩn-thú màu đen như cái cột cháy sém thì không hoan hỷ lắm. Lại đi đến người khác đã từng thấy khẩn-thú và hỏi: ‘Ông đã từng biết khẩn-thú phải không?’ Người kia đáp: ‘Biết.’ Lại hỏi: ‘Hình dạng của nó thế nào?’ Người từng thấy khẩn-thú đáp: ‘Sắc của nó màu đỏ, hoa nở ra như khúc thịt.’ Vì người kia lúc thấy khẩn-thú nở hoa thật như một khúc thịt. Người này nghe những gì người kia nói như vậy không hoan hỷ. Lại đến người đã từng thấy khẩn-thú khác hỏi: ‘Ông từng biết khẩn-thú phải không?’ Người kia đáp: ‘Biết.’ Lại hỏi: ‘Hình dạng của nó thế nào?’ Đáp: ‘Lông thân của nó dài thườn thượt rủ xuống như quả Thi-lợi-sa[48].’ Người này nghe rồi, tâm cũng không hoan hỷ. Lại đi hỏi người đã biết khẩn-thú khác: ‘Ông đã biết khẩn-thú phải không?’ Đáp: ‘Biết.’ Lại hỏi: ‘Hình dáng của nó thế nào?’ Người kia trả lời: ‘Nó màu xanh lá cây, lá bóng, lá dài rộng như cây Ni-câu-lâu-đà[49].’ Như những người kia, khi hỏi về khẩn-thú, nghe xong, tâm không hoan hỷ. Lại đi tìm khắp nơi, nhưng những người thấy khẩn-thú, tùy thời tùy sở kiến của mỗi người mà trả lời; cho nên không giống nhau.
“Cũng vậy, các Tỳ-kheo, nếu ở nơi thanh vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, nhân theo pháp tư duy mà không khởi lên các lậu, tâm được giải thoát và tùy theo sở kiến của họ mà ký thuyết. Nay ông nghe Ta nói thí dụ, người trí nhờ thí dụ sẽ hiểu được. Thí như có một quốc vương biên địa, khéo chỉnh trị thành quách, dưới cửa kiên cố, đường sá bằng phẳng. Bốn cửa thành đặt bốn người canh gác. Tất cả đều thông minh trí tuệ, biết người đi người đến. Trong thành này, tại một con đường ngã tư, an trí giường chõng. Thành chủ ngồi trên đó. Nếu có sứ giả từ phương Đông đến hỏi người giữ cửa: ‘Thành chủ ở đâu?’ Liền được trả lời: ‘Đang ngồi trên tòa, ở ngã tư đường, trong thành.’ Vị sứ giả kia nghe rồi, đến chỗ thành chủ nhận chỉ thị rồi trở về đường cũ. Những sứ giả từ Nam, Tây, Bắc, đến cũng hỏi người giữ cửa: ‘Thành chủ ở đâu?’ Họ cũng đáp: ‘Ở giữa ngã tư đường, trong thành.’ Các sứ giả kia nghe rồi đều đến chỗ thành chủ, nhận chỉ thị của ông, rồi mỗi người trở về chỗ cũ của mình.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ta đã nói thí dụ. Nay sẽ nói ý nghĩa. Thành là dụ cho sắc thô của thân người. Giống như kinh nói thí dụ cái tráp rắn độc. Khéo sửa sang tường thành là chỉ cho chánh kiến. Đường sá bằng phẳng là nội sáu nhập xứ. Bốn cửa chỉ cho bốn trú xứ của thức. Bốn người giữ cửa chỉ cho tứ niệm xứ. Thành chủ chỉ cho thức thủ uẩn. Sứ giả là Chánh quán. Nói lời như thật là Bốn chân đế. Trở về đường cũ là tám Thánh đạo.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Nếu Đại Sư có những điều cần làm cho đệ tử; thì nay Ta đã làm xong. Vì thương xót nên: Như kinh thí dụ về cái tráp rắn độc.”
Sau khi Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, chuyên tinh tư duy, không sống buông lung, tiến tu phạm hạnh,… cho đến không tái sanh đời sau nữa, thành A-la-hán. KINH 1176. LẬU PHÁP[50]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hành nhân gian, giữa những người họ Thích; rồi đến ở trong vườn Ni-câu-luật-đà, nước Ca-tỳ-la-vệ.
Bấy giờ, những người họ Thích ở Ca-tỳ-la làm xong giảng đường mới, chưa có Sa-môn, Bà-la-môn, thiếu niên dòng họ Thích-ca và nhân dân nào ở trong đó. Họ nghe Thế Tôn du hành trong nhân gian, đến nước Ca-tỳ-la-vệ dòng họ Thích và đang trú trong vườn Ni-câu-lâu-đà, giảng về nghĩa khổ lạc. Họ bàn với nhau: “Nhà này mới hoàn thành, chưa có ai ở, nên thỉnh Thế Tôn và đại chúng về đây cúng dường, sẽ được công đức phước báo vô lượng, an ổn lâu dài. Rồi sau đó chúng ta mới sử dụng.” Bàn luận xong, họ cùng nhau ra khỏi thành, đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên.
Bấy giờ, Thế Tôn vì những người họ Thích, diễn nói pháp yếu, khai thị, soi sáng, làm cho vui mừng xong, rồi ngồi im lặng. Khi ấy, những người họ Thích từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, đầu gối hữu quỳ sát đất, chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, chúng con những người dòng họ Thích, làm xong giảng đường mới, chưa có ai ở. Hôm nay, thỉnh Thế Tôn và đại chúng đến giảng đường cho chúng con được cúng dường, để chúng con được công đức phước lợi và an lạc mãi mãi. Rồi sau đó chúng con sẽ sử dụng.”
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Khi ấy những người họ Thích biết Thế Tôn đã nhận lời mời rồi, cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi mỗi người trở về chỗ của mình. Ngay ngày hôm đó, dùng xe chở hết đồ đạc đến trang hoàng giảng đường mới, trải sàng tòa và lót thảm cỏ mịn trên đất, dầu đèn đầy đủ. Khi mọi việc đã sửa soạn xong, họ đến chỗ Phật, cúi đầu bạch rằng:
“Mọi việc đã chuẩn bị xong rồi, mong Ngài biết thời.”
Bấy giờ, Thế Tôn và đại chúng tùy tùng trước sau đi đến ngoài giảng đường. Sau khi rửa chân, bước lên nhà, ngồi trước cây cột ở giữa, hướng về Đông. Lúc này, các Tỳ-kheo cũng rửa chân xong, lần lượt vào giảng đường, ngồi quay mặt hướng về Tây, phía Đức Phật. Bấy giờ, những người họ Thích cũng ngồi quay mặt hướng về Tây.
Bấy giờ, Thế Tôn vì những người dòng họ Thích rộng nói pháp yếu, khai thị, soi sáng, làm cho vui mừng xong, rồi nói với những người dòng họ Thích:
“Này các Cù-đàm, đã quá đầu đêm, bây giờ các người có thể trở về Ca-tỳ-la-vệ.”
Khi ấy, những người dòng họ Thích nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ, tùy hỷ ra về.
Bấy giờ, Thế Tôn biết những người họ Thích đã đi rồi, bèn bảo Đại Mục-kiền-liên:
“Ông nên vì các Tỳ-kheo thuyết pháp cho họ. Ta đang đau lưng, cần được nghỉ ngơi.”
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên im lặng nhận lời. Bấy giờ, Thế Tôn xếp y Uất-đa-la bốn lớp lót dưới sườn và cuốn y Tăng-già-lê đặt dưới đầu làm gối, nằm nghiêng hông bên phải, xếp đầu gối chân lên nhau, cột niệm vào tướng ánh sáng, với ý tưởng sẽ thức dậy.
Bấy giờ, Đại Mục-kiền-liên nói với các Tỳ-kheo:
“Pháp của Thế Tôn đã dạy, khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối đều thiện, nghĩa thiện, vị thiện, thuần nhất, mãn tịnh, thanh bạch, phạm hạnh. Hôm nay, tôi sẽ nói về pháp hữu lậu và vô lậu. Các ông hãy lắng nghe:
“Thế nào là pháp hữu lậu? Phàm phu ngu si vô học, khi mắt thấy sắc rồi, với sắc đáng nhớ khởi lên ưa đắm, với sắc không đáng nhớ khởi lên chán ghét, không trụ vào thân niệm xứ, không có một phần trí đối với tâm giải thoát và tuệ giải thoát; đủ các thứ pháp ác bất thiện khởi lên, không được hoàn toàn diệt trừ, không vĩnh viễn hoàn toàn đoạn tận. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Này Tỳ-kheo, người như vậy Thiên ma Ba-tuần sẽ đến chỗ họ để dò xét những chỗ yếu kém tai hại, ở nơi mắt thấy sắc, mà nắm chỗ được sơ hở. Đối với tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi niếm vị, thân với xúc, ý với pháp cũng lại như vậy, liền nắm được chỗ sơ hở. Giống như đống cỏ khô, nổi lửa bốn bên, bị cháy tiêu tức thì. Cũng vậy, Tỳ-kheo, ở nơi sắc được nhận thức bởi mắt của Tỳ-kheo, Thiên ma Ba-tuần liền nắm được chỗ sơ hở. Cũng vậy, Tỳ-kheo, không thắng ở nơi sắc. Tai đối với tiếng, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, … đối với bị pháp chế phục, không thắng được pháp. Không thắng sắc, không thắng âm thanh, mùi thơm, vị ngọt, xúc chạm và pháp. Cũng lại không thắng ý, cùng các pháp ác bất thiện phiền não, thiêu bức, khổ báo và sẽ bị sanh, già, bệnh, chết ở đời vị lai. Chư Tôn giả, Ta đã tự thân nhận lãnh các pháp hữu lậu này từ Đức Thế Tôn. Đó gọi là ‘kinh Pháp Hữu Lậu’.
“Thế nào là pháp vô lậu? Thánh đệ tử đa văn mắt thấy sắc, đối với sắc đáng nhớ không khởi ưa đắm, với sắc không đáng nhớ không khởi chán ghét, cột niệm an trụ, vô lượng tâm giải thoát, tuệ giải thoát, biết một cách như thật. Các pháp ác bất thiện đã khởi kia bị diệt tận không dư tàn. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Tỳ-kheo như vậy, ác Ma Ba-tuần có đến dò xét tìm sở đoản nơi sắc được thấy bởi mắt, cũng không thể tìm được sở đoản. Tai đối với tiếng, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, để tìm cầu chỗ yếu kém, cũng không tìm được chỗ yếu kém đó. Giống như lầu các, nếu tường vách kiên cố, cửa ngõ nhiều lớp đóng, lấp dày kín, dù đốt lửa bốn bên cũng không thể cháy được. Các Tỳ-kheo này cũng lại như vậy, dù Ma Ba-tuần đến chỗ dò xét để tìm tòi chỗ yếu cũng không thể tìm được. Tỳ-kheo như vậy, có thể thắng được sắc kia, không bị sắc chiết phục. Và thắng được tiếng, mùi, vị, xúc và pháp không bị những pháp ấy chiết phục. Nếu thắng được sắc, tiếng, mùi, vị, xúc, pháp rồi thì cũng thắng luôn đối với những pháp ác bất thiện, phiền não, khổ báo dẫy đầy, cùng sanh, già, bệnh, chết đời vị lai. Tự thân tôi nhận được pháp này từ Đức Thế Tôn. Đó gọi là ‘kinh Pháp Vô Lậu’.”
Bấy giờ, Thế Tôn biết Đại Mục-kiền-liên thuyết pháp xong, ngồi dậy cột niệm trước mặt, bảo Mục-kiền-liên:
“Lành thay! Lành thay! Mục-kiền-liên, vì người thuyết kinh pháp này, làm lợi ích nhiều nơi, vượt qua nhiều phiền não và an lạc trời, người lâu dài.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ông nên thọ trì kinh Pháp Hữu Lậu, Vô Lậu này. Hãy nói rộng cho mọi người. Vì sao? Vì nghĩa lý đầy đủ, pháp đầy đủ, phạm hạnh đầy đủ, khai mở thần túc, hướng thẳng Niết-bàn,… cho đến người thiện nam có lòng tin, ở nhà hay xuất gia cũng nên thọ trì đọc tụng và nói rộng cho mọi người.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1177. SÔNG TRO[51]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thí như có một sông tro, bờ Nam rất nóng, nhiều gai nhọn, ở nơi tối tăm, có nhiều tội nhân ở trong sông trôi dạt theo dòng. Trong đó có một người thông minh trí tuệ, không ngu si, ưa lạc chán khổ, ham sống sợ chết, tự nghĩ: ‘Hiện tại ta vì duyên gì mà ở sông tro này, bờ Nam thì nóng bức lại nhiều gai nhọn; ở nơi tối tăm, trôi dạt theo dòng như vậy? Ta sẽ dùng chân tay làm phương tiện, bơi ngược dòng lên.’ Dần dần thấy được chút ánh sáng, người ấy thầm nghĩ, ‘Ta đã gắng sức mới thấy được chút ánh sáng này.’ Rồi lại vận dụng tay chân, gắng thêm, nỗ lực thêm và thấy được đất bằng. Tức thì đứng lại đó quan sát chung quanh, thấy núi đá lớn nguyên vẹn không bị lở, không sụt, không bị đục thủng. Liền leo lên trên, lại thấy ao nước trong mát có đủ tám phần: mát lạnh, ngon ngọt, nhẹ nhàng, êm dịu, thơm tho, trong xanh, khi uống không bị nghẹn, không trở ngại trong cổ, đã uống vào rồi thì thân thể an lạc. Người ấy liền vào trong đó, hoặc uống hoặc tắm, xa lìa được phiền não. Sau đó, leo lên trên núi lớn, gặp bảy loài hoa: hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đàm-ma, hoa Câu-mâu-đầu, hoa Phân-đà-lợi, hoa Tu-kiên-đề, hoa Di-ly-đầu-kiên-đề, hoa A-đề-mục-đa, nghe thấy mùi hương thơm. Rồi lại lên núi đá, thấy tòa nhà bốn tầng cấp, liền ngồi trên ấy; thấy màn che có năm trụ, liền vào trong đó, điều thân ngồi ngay thẳng. Ở trong này, đầy đủ gối mền, rải hoa khắp nơi, trang hoàng đẹp đẽ; tự do ngồi nằm, gió mát bốn bề, làm cho thân thể an ổn. Ngồi trên cao, vị ấy nhìn xuống cất lớn tiếng xướng rằng:
“Hỡi chúng sanh, các Hiền chánh sĩ trong sông tro! Sông này bờ Nam nóng bức, phần nhiều là gai nhọn; nơi này tối tăm, nên tìm cách ra khỏi sông này!”
Có người nghe được những lời này, nương theo tiếng, hỏi rằng:
“Hướng nào ra được? Theo chỗ nào để ra?”
“Trong đó có lời nói:
“Ngươi cần gì hỏi, chỗ nào ra được? Cái người lớn tiếng gọi kia, chính nó cũng không biết, không thấy theo chỗ nào để ra. Nó cũng ở lại trong sông tro này, bờ Nam nóng bức, phần nhiều gai nhọn; ở đây tối tăm, theo dòng trôi xuống. Hỏi nó làm gì!
“Như vậy, Tỳ-kheo, Ta nói thí dụ này, nay Ta sẽ giải thích nghĩa của nó.
“Tro chỉ cho ba ác giác bất thiện[52]. Những gì là ba? Là dục giác, nhuế giác và hại giác.
“Sông chỉ cho ba ái: Dục ái, sắc ái, vô sắc ái. Bờ Nam rất nóng bức chỉ cho nội ngoại sáu nhập xứ. Phần nhiều là gai nhọn chỉ cho năm công năng của dục. Chỗ tối tăm chỉ cho vô minh che lấp tuệ nhãn. Nhiều người chỉ cho phàm phu ngu si. Dòng là chỉ cho sông sanh tử. Trong đó có một người không ngu không si là chỉ cho Đại Bồ-tát. Dùng tay chân làm phương tiện bơi ngược dòng là chỉ cho tinh cần tu học. Thấy một chút ánh sáng ẩn hiện là được pháp nhẫn. Gặp được đất bằng là chỉ cho trì giới. Quan sát bốn phương là chỉ cho thấy được bốn Chân đế. Núi đá lớn là chỉ cho Chánh kiến. Nước tám phần là chỉ cho tám Thánh đạo. Bảy loài hoa là chỉ cho bảy Giác chi. Nhà bốn tầng cấp là chỉ cho bốn Như ý túc. Năm trụ màn che là chỉ cho năm Căn: Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ. Thân ngồi ngay thẳng là chỉ cho Vô dư Niết-bàn. Rải hoa khắp nơi là chỉ cho các thiền định, giải thoát, tam-muội, chánh thọ. Tự do ngồi nằm là chỉ cho Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Gió thổi bốn bề là chỉ cho bốn tâm tăng trưởng hiện pháp lạc trụ[53]. Cất tiếng kêu gọi là chỉ cho Chuyển pháp luân. Kia có người hỏi: ‘Chư Hiền chánh sĩ ra chỗ nào?’ là chỉ cho Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên và các Tỳ-kheo Hiền thánh. Ở trong đó có lời nói: ‘Ngươi cần gì hỏi, chỗ nào ra được? Cái người kia cũng không biết, không thấy theo chỗ nào để ra. Nó cũng ở lại trong sông tro này, bờ Nam nóng bức, phần nhiều gai nhọn; và chỗ tối tăm theo dòng trôi xuống’, chỉ cho lục sư và các người tà kiến. Đó là Phú-lan-na Ca-diếp, Mạt-già-lê Cù-xá-lê Tử, Tán-xà-da Tỳ-la-chi Tử, A-kỳ-đa-chỉ-xá Khâm-bà-la, Già-câu-la Ca-đàn-diên, Ni-kiền-liên-đà-xà-đề Phất-đa-la và những người tà kiến khác.
“Như vậy, Tỳ-kheo, Đại Sư vì các đệ tử mà làm những việc cần làm. Nay Ta đã làm xong. Bây giờ, các ông phải làm những việc cần làm như Ta đã nói trong kinh Tráp Rắn Độc.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[1]. Đại Chánh quyển 43. Ấn Thuận, 2. Tương ưng Nhập xứ (Tụng 2), hai trăm tám mươi lăm kinh: 188-462; Đại chánh: 188-255 (cuối quyển 7 – hết quyển 9), 1164-1177 (quyển 43), 273-342 (quyển 11-12). Quốc Dịch, 2. Tương ưng Nhập, mười hai phẩm. Quốc Dịch, quyển 12, “2. Tương ưng Nhập”, phẩm 12. Phật Quang, quyển 10. Pāli, A. 6. 61. Pārāyana.
[2]. Pāli: Sambahulānaṃ therānaṃ bhikkhūnaṃ, số đông các Tỳ-kheo Thượng tọa.
[3]. Bà-la-diên-đê-xá-di-đức-lặc sở vấn 波羅延低舍彌德勒所問; Những câu hỏi của Đê-xá-di-đức-lặc (Tissametteyyamānava-pucchā), trong phẩm Ba-la-diên (Pārāyana).Pāli:Sn. 5. 3. Tisamettyyamānavapucchā.
[4]. Hán: siêu xuất phùng trất ưu 超出縫紩憂. Pāli: taṃ brūmi mahāpuriso’ti, so idha sibbinimaccagā, (…), người ấy Ta gọi là Đại trượng phu mà ở đây đã thoát khỏi người thợ may.
[5]. Đại Chánh: thọ 受. Quốc Dịch và Phật Quang đọc là thọ 受. Ấn Thuận đọc là ái 愛 .
[6]. Pāli: taṇhā hi naṃ sibbati tassa tasseva bhavassa abhinibbatiyā, do ái dệt thành cái ấy nên dẫn đến sự xuất hiện của hữu.
[7]. Pāli: phassanirodho majjhe, xúc diệt là ở giữa.
[8]. Pāli, S. 35. 127. Bhāradvāja.
[9]. Tân-đầu-lô 賓頭盧. Pāli: Piṇḍolabhāradvāja.
[10]. Bà-sa vương Ưu-đà-diên-na 婆蹉王優陀延那. Udena.
[11]. Hán: nhiệm tha nhi hoạt 任他而活 . Đối chiếu Pāli: samannāgatā paṭhamena vayasā anikilītāvino kāmesu, với tuổi tráng niên đầu đời mà không đoái hoài đến các dục vọng.
[12]. Bản liệt kê ba mươi hai thứ bất tịnh trong thân. Bản Hán, nhiều hơn.
[13]. Tăng thượng chấp trì 增上執持. Về thủ hộ căn môn.
[14]. Pāli, S.35.195-196. Hatthapādupama.
[15]. Pāli, S.35.199. Kumma.
[16]. Pāli: sāyaṃhasamayaṃ anunadītīre gocarapasuto ahosi, buổi chiều, nó đi dọc bờ sông để kiếm mồi.
[17]. Hán: tàng lục 藏六. Pāli: soṇḍipañcamāni aṅgāni, năm chi mà cái đầu là thứ năm.
[18]. Pāli: anissato aññamaheṭhayāno, không y tựa, không tổn thương kẻ khác. Sớ giải: taṇhādiṭṭhinissayehi anissito, không y tựa ái kiến.
[19]. Pāli: parinibbuto nūpavadeyya kañci, hoàn toàn viên tịch, không có gì chê trách. Bản Hán đọc: parinivuto, hoàn toàn được che kín.
[20]. Pāli, S. 35. 207. Yavakalāpi.
[21]. Hán: hoàng mạch 祺麥. Pāli: yavakalāpī, bó lúa.
[22]. Đương lai thế hữu 當來世有. Pāli: āyātiṃ punabbhava, hữu tái sanh trong đời tương lai.
[23]. Pāli: asmī ti, iñjatam etam, nói rằng “Tôi hiện hữu”, đây là sự dao động.
[24]. Pāli: asmī’ ti…iñjitam etaṃ, ayam aham asmī’ti …bhavissan’ti … Na bhavissan’ti …rūpī bhavissan’ti … iñjitam etaṃ: “Tôi hiện hữu, đây là cái bị dao động (lung lay, lắc lư). Cái này là tôi… Tôi sẽ hiện hữu… Tôi sẽ không hiện hữu … sẽ có sắc… đây là cái bị dao động.
[25]. Tư lương, hư cuống 思量虛誑. Pāli: asmī’ti … phanditam etaṃ : Tôi hiện hữu, đây là cái bị chấn động (run rẩy); asmī’ti… papañcitam etaṃ: tôi hiện hữu, cái này là hý luận.
[26]. Ngã … ái; Pāli: : asmī’ti… mānagatam etaṃ, tôi hiện hữu, cái này là mạn.
[27]. Pāli, S. 35. 205. Viṇā.
[28]. Pāli: cakkhuviññeyyesu rūpesu uppajjeyya chando: tham dục sanh khởi nơi các sắc được nhận thức bởi mắt.
[29]. Hán: nhược dục, nhược tham, nhược nật, nhược niệm, nhược quyết định trước xứ 若欲若貪若昵若念若決定著處.Pāli: chando vā rāgo vā doso vā moho vā paṭighaṃ vāpi: dục, tham, sân, si, hận.
[30]. Pāli, S. 35. 206. Chapāṇa.
[31]. Luật nghi bất luật nghi 律儀不律儀. Pāli: saṃvaro asaṃvaro.
[32]. (…) giác tưởng tương tục trụ 覺想相續住. Pāli: upaṭṭhitakāyassati ca viharati appamāṇa-cetaso, “sống an trụ chánh niệm trên thân, với tâm tư vô lượng”.
[33]. Pāli, S. 35. 206 (5-8) Capāṇa. Biệt dịch, N0125(38.8).
[34]. Thất-thâu-ma-la 失收摩羅. Pāli: suṃsumāra, con cá sấu.
[35]. Pāli: upaṭṭhitakāyassati, an trụ chánh niệm trên thân.
[36]. Pāli, S. 35. 197. Āsīvisa. Biệt dịch, N0125(31,6).
[37]. Pāli, S. 35. 203. Dukkhaddhamma.
[38]. Pāli: kāmachando kāmasneho kāmamucchā kāmapariḷāho, ham muốn của dục, mê luyến của dục, mê đắm của dục, nóng bức của dục.
[39]. Nại lâm 奈林 (?). Pāli: bahukaṇṭakaṃ dāyaṃ, khu rừng có nhiều gai.
[40]. Pāli: dandho satuppādo, niệm khởi lên một cách chậm chạp.
[41]. Hán: lâm thú lưu chú tuấn thâu đông phương 臨趣流注浚輸東方. Pāli: Gangā nadī pācīnaninnā pācīnapoṇā pācīnapabbhārā.
[42]. Pāli, S. 35. 200. Dārukkhandha(1). Biệt dịch, N0125 (43.3).
[43]. A-tỳ-xà Hằng thuỷ biên 阿毘闍恒水邊. Pāli: Kosambhiyaṃ viharati Gaṅgāya nadiyā tīre, trú tại Kosambhi, bên bờ sông Hằng.
[44]. Bản Hán hình như bị nhảy sót: Tham chiếu Pāli: bị chìm giữa dòng là hỷ thâm (nandīrāga); bị mắc cạn là ngã mạn (asmīmāna).
[45]. Nan-đồ 難屠. Pāli: Nando gopālako.
[46]. Pāli, S. 35. 204. Kiṃsuka.
[47]. Khẩn-thú thú 緊獸. Cũng âm là chân-thúc-ca. Tên một loai cây, hoa màu đỏ như thịt tươi. Pāli: kiṃsuka.
[48]. Thi-lợi-sa 尸利沙. Hán dịch là họp hoan thọ. Pāli: sirīsa, cây Bồ-đề. Cf. D.ii. 4. Sammā-sambuddho sirīsassa mūle abhisambuddho, “Đức Phật ngồi dưới gốc cây Sirìsa mà thành Chánh giác”.
[49]. Ni-câu-lâu-đà 尼拘婁陀. Pāli: nigrodha.
[50]. Pāli, S. 35. 202. Avassuta.
[51]. Pāli, không thấy tương đương.
[52]. Tức ba bất thiện tầm: tham bất thiện tầm, sân bất thiện tầm, hại bất thiện tầm.
[53]. Chỉ bốn thiền.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.119.119 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.