Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Hiệu đính và chú thích: Thích Tuệ Sỹ KINH 1121. THÍCH THỊ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, nước Ca-tỳ-la-vệ[2], Bấy giờ, có nhiều người họ Thích đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Thích thị:
“Này các người Cù-đàm, vào ngày trai giới[3] và tháng thần túc[4], có thọ trì trai giới và tu tập công đức gì không?”
Các Thích thị bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, chúng con vào những ngày trai, có khi giữ được trai giới, có khi không được. Vào tháng thần túc có khi giữ trai giới, tu tập mọi công đức và cũng có khi không giữ được.”
Phật bảo những người họ Thích:
“Này các Cù-đàm, các ông sẽ không thu hoạch được lợi tốt. Các ông là những người kiêu mạn, người phiền não, người ưu bi, người khổ não. Tại sao vào những ngày trai giới, có khi giữ được trai giới, có khi không được? Vào những tháng thần túc, có khi giữ được trai giới, tu tập công đức, có khi không được? Này các Cù-đàm, thí như người cầu lợi, mỗi ngày mỗi tăng dần, một ngày một tiền, hai ngày hai tiền, ba ngày bốn tiền, bốn ngày tám tiền, năm ngày mười sáu tiền, sáu ngày hai mươi tiền. Như vậy, người ấy càng ngày càng tăng dần; tám ngày, chín ngày, cho đến một tháng, tiền tài càng lúc càng lớn rộng phải không?”
Gia chủ bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Phật bảo Thích thị:
“Thế nào, các người Cù-đàm, như vậy, người tiền tài tăng lên dần và tiền tài tự nhiên sẽ tăng rộng ra mãi; rồi lại muốn cho mình, trong vòng mười năm, chỉ một mực hỷ lạc, tâm lạc, phần nhiều trụ thiền định; há có thể được không?”
Thích thị đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Phật bảo Thích thị:
“Hoặc là chín năm, tám năm, bảy năm, sáu năm, năm năm, bốn năm, ba năm, hai năm hay một năm, hỷ lạc, tâm lạc, phần nhiều trụ thiền định; há có thể được không?”
Thích thị đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Phật bảo Thích thị:
“Thôi, không tính năm. Liệu mười tháng, chín tháng, tám tháng cho đến một tháng, hỷ lạc, tâm lạc, phần nhiều trụ thiền định, há có thể được không? Lại không tính tháng, mà mười ngày, chín ngày, tám ngày cho đến một ngày một đêm hỷ lạc, tâm lạc, phần nhiều trụ thiền định, há có thể được không?”
“Bạch Thế Tôn, không.”
Phật dạy Thích thị:
“Nay Ta nói cho các ông biết, trong hàng Thanh văn của Ta, có người tâm ngay thẳng, không siểm trá, không huyễn ngụy; Ta đã giáo hóa người này mười năm. Do nhân duyên này, người ấy có thể trong vòng trăm, ngàn, vạn năm chỉ một mực hỷ lạc, tâm lạc, phần nhiều trụ thiền định. Điều này chắc chắn là có.
“Lại nữa, thôi, không tính mười năm, mà chín năm, tám năm, cho đến một năm, mười tháng, chín tháng, cho đến một tháng; mười ngày, chín ngày, cho đến một ngày một đêm, nếu đã được Ta giáo hóa, thì đến sáng hôm sau họ có thể tiến bộ vượt bực. Sáng sớm đã được giáo hóa thì đến chiều tối, có thể tiến bộ gấp bội. Vì nhân duyên này, nên trong vòng trăm, ngàn, vạn năm chỉ một mực hỷ lạc, tâm lạc, phần nhiều trụ thiền định, thành tựu hai quả. Hoặc quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm. Vì người này trước đó đã đắc Tu-đà-hoàn rồi.”
Những người họ Thích bạch Phật:
“Lành thay! Thế Tôn! Từ hôm nay, vào những ngày trai, chúng con sẽ tu tập trai giới tám chi; vào tháng thần túc, cũng thọ trì trai giới, tùy sức mà bố thí, tu tập mọi công đức.”
Phật bảo Thích thị:
“Lành thay, các Cù-đàm, hãy làm những việc cần thiết[5].”
Phật nói kinh này xong, những người họ Cù-đàm nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ ra về. KINH 1122. TẬT BỆNH[6]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ, có nhiều người dòng họ Thích nhóm họp tại nhà luận nghị, bàn luận như vậy. Khi ấy, có người họ Thích nói với người họ Thích tên là Nan-đề: “Tôi có khi được đến Như Lai để cung kính cúng dường, có khi không được. Có khi được gần gũi cúng dường các vị Tỳ-kheo quen biết, có khi không được. Lại cũng không biết có những vị Ưu-bà-tắc trí tuệ, mà khi có những vị Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di trí tuệ khác bị tật bệnh khốn khổ, thì sẽ làm sao thuyết pháp, giáo giới, giáo hóa cho họ? Bây giờ chúng ta cùng đến chỗ Thế Tôn thưa hỏi nghĩa này. Theo như lời dạy Thế Tôn mà thọ trì.”
Lúc đó, Nan-đề và những người dòng họ Thích, cùng nhau đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, chúng con những người họ Thích có bàn luận với nhau ở nhà nghị luận như vậy. Có người họ Thích đến nói với con rằng: ‘Này Nan-đề, chúng tôi có khi được đến Như Lai để cung kính cúng dường, có khi không được. Có khi được gần gũi cúng dường các vị Tỳ-kheo quen biết, có khi không được. Nói đầy đủ như trên… cho đến vâng theo lời dạy Thế Tôn mà thọ trì.’ Hôm nay chúng con thỉnh vấn Thế Tôn: ‘Nếu Ưu-bà-tắc trí tuệ, mà khi có Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di trí tuệ khác bị bệnh tật khốn khổ thì nên thuyết pháp giáo giới, giáo hóa thế nào?’”
Phật bảo Nan-đề:
“Nếu Ưu-bà-tắc trí tuệ, muốn đến chỗ Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di trí tuệ khác đang bị tật bệnh khốn khổ, thì đem ba pháp an tâm[7] này mà truyền dạy cho họ; nói rằng: ‘Nhân giả! Hãy thành tựu lòng tin thanh tịnh bất hoại đối với Phật, đối với Pháp, Tăng.’
“Sau khi đem ba pháp an tâm này truyền dạy xong, lại nên hỏi rằng: ‘Nhân giả có quyến luyến cha mẹ không?’Nếu người kia có quyến luyến cha mẹ, thì nên dạy buông xả và nên nói rằng: ‘Nếu Nhân giả quyến luyến cha mẹ mà được sống, thì đáng quyến luyến. Đã không do quyến luyến mà được sống, thì quyến luyến làm gì?’Nếu kia nói không có quyến luyến cha mẹ thì nên tùy hỷ khuyến thiện và hỏi thêm rằng: ‘Đối với vợ con, nô bộc, tiền của cùng mọi vật Nhân giả có quyến luyến không?’ Nếu nói quyến luyến thì nên khuyên buông xả, như pháp xả sự quyến luyến cha mẹ. Nếu nói không quyến luyến, thì tùy hỷ khuyến thiện và hỏi nữa: ‘Đối với ngũ dục thế gian Nhân giả có luyến tiếc không?’ Nếu họ nói luyến tiếc, thì nên giải thích là ngũ dục thế gian là chỗ xấu xa, bất tịnh, bại hoại, hôi hám, không giống như ngũ dục thắng diệu cõi trời. Hãy khuyên kia lìa bỏ ngũ dục thế gian và quyết mong ngũ dục cõi trời. Nếu người kia nói tâm đã xa lìa ngũ dục thế gian và trước đã nghĩ đến dục thắng diệu cõi trời, thì tùy hỷ khuyến thiện và lại nói với họ rằng: ‘Ngũ dục thắng diệu cõi trời, là pháp vô thường, khổ, không, biến hoại. Chư Thiên cõi trời có thân tướng thù thắng hơn ngũ dục cõi trời.’ Nếu kia nói đã bỏ nghĩ đến dục cõi trời và chỉ nghĩ đến thân tướng hơn ngũ dục, thì cũng tùy hỷ khuyến thiện và lại nói với rằng: ‘Dục của hữu thân[8] cũng lại là pháp vô thường, biến hoại, chỉ có sự an lạc của xuất ly, là Niết-bàn với sự diệt tận của các hành. Nhân giả nên lìa bỏ sự mê luyến nơi hữu thân, mà nên vui cái vui Niết-bàn vắng lặng, tối thượng, thù thắng.’
“Vị Thánh đệ tử kia nếu đã lìa bỏ sự mê luyến đối với hữu, chỉ vui với Niết-bàn, thì cũng nên tùy hỷ khuyến thiện.
“Như vậy, Nan-đề, Thánh đệ tử kia từ từ trước sau được nhắc nhở chỉ dạy, khiến cho họ được Niết-bàn bất khởi[9]; giống như Tỳ-kheo sống một trăm tuổi, giải thoát Niết-bàn.”
Phật nói kinh này xong, Nan-đề họ Thích cùng mọi người nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ ra về. KINH 1123. BỒ-ĐỀ[10]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ, Bấy giờ, có người họ Thích tên là Bồ-đề[11] đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Lành thay, bạch Thế Tôn, chúng con sung sướng được thiện lợi, là được làm thân quyến Thế Tôn.”
Phật bảo Bồ-đề:
“Chớ nói như vậy, rằng: ‘Chúng con sung sướng được thiện lợi, là được làm thân quyến Thế Tôn.’ Này Bồ-đề, được gọi là thiện lợi là đối với Phật có tâm thanh tịnh bất hoại, đối với Pháp, Tăng có tâm thanh tịnh bất hoại và thành tựu Thánh giới. Cho nên, này Bồ-đề, nên học như vầy: Đối với Phật có tâm thanh tịnh bất hoại, đối với Pháp, Tăng có tâm thanh tịnh bất hoại và thành tựu Thánh giới.”
Phật nói kinh này xong, Bồ-đề họ Thích nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ ra về. KINH 1124. VÃNG SANH[12]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có vị Thánh đệ tử nào đối với Phật mà thành tựu được lòng tin thanh tịnh bất hoại, thì ngay lúc đó, sẽ được các hàng chư Thiên mà trước kia đối với Phật đã thành tựu được lòng tin tịnh giới bất hoại và vì nhân duyên này họ được sanh lên cõi trời, họ đều rất hoan hỷ và khen ngợi rằng: ‘Ta, nhờ nhân duyên đối với Phật thành tựu được lòng tin thanh tịnh bất hoại, nên được sanh lên cõi trời tốt đẹp này. Vị Thánh đệ tử kia, ngày nay đối với Phật thành tựu lòng tin thanh tịnh bất hoại, vì nhân duyên đó cũng sẽ sanh lên cõi trời tốt đẹp này.’
“Đối với Pháp và Tăng, lòng tin thanh tịnh bất hoại và thành tựu Thánh giới cũng nói như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1125. TU-ĐÀ-HOÀN (1)[13]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn đạo phần Tu-đà-hoàn[14]: Thân cận người thiện nam, nghe chánh pháp, bên trong suy nghĩ chân chánh, pháp thứ pháp hướng[15].”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1126. TU-ĐÀ-HOÀN (2)[16]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn chi phần Tu-đà-hoàn[17]. Những gì là bốn? Đối với Phật có tâm thanh tịnh bất hoại; đối với Pháp, Tăng có tâm thanh tịnh bất hoại, thành tựu Thánh giới. Đó gọi là đạo phần Tu-đà-hoàn.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1127. BỐN PHÁP[18]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có người nào thành tựu bốn pháp thì biết người đó là Tu-đà-hoàn. Những gì là bốn? Đó là đối với Phật có tâm thanh tịnh bất hoại; đối với Pháp, Tăng, có tâm thanh tịnh bất hoại, thành tựu Thánh giới. Đó gọi là người thành tựu bốn pháp, nên biết họ là Tu-đà-hoàn.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Giống như nói mà không phân biệt, cũng vậy phân biệt về Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Người nào thành tựu bốn pháp, thì biết họ là Tu-đà-hoàn. Các kinh đều nói như trên.[19] KINH 1128. BỐN QUẢ (1)[20]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn quả Sa-môn. Những gì là bốn? Là quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1129. BỐN QUẢ (2)[21]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn quả Sa-môn. Những gì là bốn? Quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán. Thế nào là quả Tu-đà-hoàn? Đoạn trừ ba kết gọi là Tu-đà-hoàn. Thế nào là quả Tư-đà-hàm? Đoạn trừ ba kết, tham, sân, si vơi mỏng, gọi là Tư-đà-hàm. Thế nào là quả A-na-hàm? Đoạn dứt năm hạ phần kết sử, gọi là quả A-na-hàm. Thế nào là quả A-la-hán? Nếu người nào dứt sạch tham dục, sân nhuế, ngu si và tất cả phiền não gọi là A-la-hán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Giống như nói mà không phân biệt, cũng vậy, phân biệt Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Người nào thành tựu bốn pháp, thì biết họ là Tu-đà-hoàn. Các kinh đều nói như trên. KINH 1130. HÀN XỨ[22]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở bất cứ nơi nào, nếu có Tỳ-kheo đi kinh hành và ở nơi đó mà chứng được một trong bốn quả Sa-môn, thì khi Tỳ-kheo ấy mạng chung, thường nhớ đến chỗ mình chứng quả.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Giống như chỗ kinh hành, cũng vậy chỗ đứng, chỗ ngồi, chỗ nằm cũng nói như vậy. Cũng vậy Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Các kinh đều nói như vậy. KINH 1131. BỐN THỨC ĂN[23]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Giống như bốn loại thức ăn đối với tứ đại, để an lập chúng sanh, giúp ích và duy trì. Những gì là bốn? Đoàn thực, xúc thực, ý tư thực và thức thực. Cũng vậy, có bốn thứ thức ăn an lạc vốn thấm nhuần bởi phước đức, thấm nhuần bởi pháp lành. Những gì là bốn? Đó là đối với Phật thành tựu tâm thanh tịnh bất hoại, là thức ăn an lạc vốn thấm nhuần bởi phước đức, thấm nhuần bởi pháp lành. Đối với Pháp, Tăng thành tựu tâm thanh tịnh bất hoại và thành tựu Thánh giới, là thức ăn an lạc vốn thấm nhuần bởi phước đức, thấm nhuần bởi pháp lành.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1132. NHUẬN TRẠCH (1)[24]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Nói như trên, nhưng chỉ có một vài sự sai khác là:
“Đối với Phật thành tựu tâm thanh tịnh bất hoại, là thức ăn an lạc vốn thấm nhuần bởi phước đức, thấm nhuần bởi pháp lành.
“Đối với Pháp, Tăng, thành tựu tâm thanh tịnh bất hoại, các pháp đã được nghe, vừa ý, yêu thích. Thành tựu Thánh giới, là thức ăn an lạc vốn thấm nhuần bởi phước đức, thấm nhuần bởi pháp lành.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1133. NHUẬN TRẠCH (2)[25]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Nói như trên, nhưng chỉ có một vài sự sai khác là:
“Đối với Phật thành tựu tâm thanh tịnh bất hoại, là thức ăn an lạc vốn thấm nhuần bởi phước đức, thấm nhuần bởi pháp lành. Nếu đối với pháp[26]; hoặc tâm keo kiệt, cấu bẩn, trói buộc chúng sanh, thì tâm phải xa lìa các thứ keo kiệt, cấu bẩn đã dính nhiều vào đó, mà thực hành bố thí giải thoát. Thường bố thí, thích buông xả, tâm hành thí bình đẳng, là thức ăn an lạc vốn thấm nhuần bởi phước đức, thấm nhuần bởi pháp lành.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1134. NHUẬN TRẠCH (3)[27]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Nói như trên, nhưng chỉ có một vài sự sai khác là:
“Bốn thứ như vậy là thức ăn an lạc vốn thấm nhuần bởi phước đức, thấm nhuần bởi pháp lành. Quả báo và công đức của Thánh đệ tử kia không thể so sánh. Không thể nói có được bao nhiêu phước, bao nhiêu báo như vậy, mà chỉ nói phước báo nhiều của họ thuộc về công đức lớn đã tích tụ.” Giống như kinh Thí dụ ngũ hà[28] đã nói,… cho đến nói kệ.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1135. BỐN MƯƠI THIÊN TỬ[29]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có bốn mươi Thiên tử tướng mạo rất đẹp đẽ, sáng sớm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên. Thế Tôn bảo các Thiên tử ấy rằng:
“Lành thay! Lành thay! Các Thiên tử, các ông đối với Phật đã thành tựu tâm thanh tịnh bất hoại; đối với Pháp, Tăng thành tựu tâm thanh tịnh bất hoại và thành tựu Thánh giới chưa?”
Bấy giờ, có một Thiên tử đứng dậy, sửa lại y phục, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, đối với Phật con đã thành tựu tâm thanh tịnh bất hoại, nhờ công đức này, nên khi thân hoại mạng chung con được sanh lên cõi trời.”
Một Thiên tử thưa:
“Bạch Thế Tôn, đối với Pháp con đã thành tựu tâm thanh tịnh bất hoại, nhờ công đức này, nên khi thân hoại mạng chung con được sanh lên cõi trời.”
Một Thiên tử thưa:
“Bạch Thế Tôn, đối với Tăng con đã thành tựu tâm thanh tịnh bất hoại, nhờ công đức này, nên khi thân hoại mạng chung con được sanh lên cõi trời.”
Một Thiên tử thưa:
“Bạch Thế Tôn, đối với Thánh giới con đã thành tựu, nhờ công đức này nên khi thân hoại mạng chung con được sanh lên cõi trời.”
Bấy giờ, bốn mươi Thiên tử ở trước Phật tự ký thuyết về quả Tu-đà-hoàn rồi liền biến mất.
Giống như bốn mươi vị Thiên tử, cũng vậy, bốn trăm Thiên tử, tám trăm Thiên tử, mười ngàn Thiên tử, hai chục ngàn Thiên tử, ba chục ngàn Thiên tử, bốn chục ngàn Thiên tử, năm chục ngàn Thiên tử, sáu chục ngàn Thiên tử, bảy chục ngàn Thiên tử, tám chục ngàn Thiên tử, họ ở trước Phật tự ký thuyết về quả Tu-đà-hoàn xong liền biến mất. KINH 1136. NGUYỆT DỤ[30]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá[31].
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy sống như mặt trăng; khi đi vào nhà người khác với tàm quý, khiêm hạ, kiểm thúc tâm, thúc liễm thân hình như người mới học. Như người mắt sáng khi lội vực sâu, lên đỉnh núi, kiểm thúc tâm, thúc liễm thân hình và chậm rãi tiến tới trước.
“Tỳ-kheo cũng vậy, sống như mặt trăng; khi đi vào nhà người khác với tàm quý, khiêm hạ, kiểm thúc tâm, thúc liễm thân hình như người mới học.
“Tỳ-kheo Ca-diếp sống như mặt trăng; khi đi vào nhà người khác với tàm quý, khiêm hạ không cao mạn, kiểm thúc tâm, thúc liễm thân hình như người mới học. Như người mắt sáng lội vực sâu, lên đỉnh núi chế ngự tâm, thúc liễm thân, xem xét kỹ rồi mới tiến.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Ý các ông thế nào? Tỳ-kheo phải như thế nào mới vào nhà người?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là chỗ nương tựa của pháp, xin Thế Tôn nói rộng, các Tỳ-kheo nghe xong sẽ nhận lãnh phụng hành.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông giảng nói.
“Nếu Tỳ-kheo nào ở nhà người mà tâm không bị dính, không bị trói, không tham đắm dục lạc[32]; đối với cái lợi mà người khác có, công đức mà người khác làm, hoan hỷ như là của chính mình, không sanh ra tư tưởng ganh tị; cũng không tự đề cao mình, hạ thấp người. Tỳ-kheo như vậy mới nên vào nhà người.”
Bấy giờ, Thế Tôn đưa tay sờ vào hư không, rồi hỏi các Tỳ-kheo:
“Hiện tại tay này của Ta có bị dính, bị trói, bị nhiễm bởi hư không chăng?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, không,”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Pháp của Tỳ-kheo thường như vậy, với tâm không bị dính, không bị trói và không bị nhiễm khi vào nhà người. Chỉ có Tỳ-kheo Ca-diếp là với tâm không bị dính, không bị trói và không bị nhiễm khi vào nhà người. Đối với cái lợi mà người khác có, công đức mà người khác làm, hoan hỷ như là của chính mình, không sanh ra tư tưởng ganh tị; cũng không tự đề cao mình, hạ thấp người, chỉ có Tỳ-kheo Ca-diếp như vậy mới nên vào nhà người.”
Bấy giờ, Thế Tôn lại đưa tay sờ vào hư không, rồi hỏi các Tỳ-kheo:
“Ý các ông thế nào? Hiện tại tay này của Ta có bị dính, bị trói, bị nhiễm bởi hư không chăng?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, không,”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Chỉ Tỳ-kheo Ca-diếp thường như vậy, với tâm không bị dính, không bị trói và không bị nhiễm khi vào nhà người.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo như thế nào mới đáng là thuyết pháp thanh tịnh?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp, xin Ngài nói rộng, chúng con nghe xong sẽ nhận lãnh phụng hành.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà giảng nói.
“Nếu có Tỳ-kheo nào thuyết pháp cho người mà khởi tâm như vầy: ‘Những ai khởi tín tâm thanh tịnh đối với ta? Làm như thế rồi, cúng dường y phục, ngọa cụ, mền nệm và thuốc men.’ Thuyết như vậy, gọi là thuyết pháp không thanh tịnh.
“Nếu lại có Tỳ-kheo nào thuyết pháp cho người, khởi nghĩ như vầy: ‘Chánh pháp luật được Thế Tôn hiển hiện, lìa các nhiệt não, không đợi thời tiết, ngay nơi hiện thân này[33], duyên nơi tự tâm mà giác tri, hướng thẳng Niết-bàn. Nhưng chúng sanh thì đắm chìm vào già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Những chúng sanh như vậy nếu nghe được Chánh pháp, nhờ nghĩa lợi thì mãi mãi sẽ được an lạc. Nhờ nhân duyên Chánh pháp này, bằng tâm từ, tâm bi, tâm thương xót và tâm muốn Chánh pháp được trụ thế lâu dài mà thuyết cho người’. Đó gọi là thuyết pháp thanh tịnh.
“Chỉ có Tỳ-kheo Ca-diếp mới có tâm thanh tịnh như vậy mà vì người thuyết pháp; bằng Chánh pháp luật của Như Lai,… cho đến vì tâm muốn làm Chánh pháp được trụ thế lâu dài mà vì người thuyết pháp.
“Cho nên, các Tỳ-kheo, phải học như vậy, thuyết pháp như vậy, đối với Chánh pháp luật của Như Lai,… cho đến tâm muốn khiến cho Chánh pháp được thường trụ lâu dài mà vì người thuyết pháp.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1137. THÍ DỮ[34]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có Tỳ-kheo nào, muốn vào nhà người mà khởi nghĩ như vầy: ‘Người kia sẽ bố thí cho ta, chứ không phải không bố thí; bố thí vội, không cúng từ từ; bố thí nhiều, không bố thí ít; bố thí ngon, không bố thí dở; cúng bố thí không cúng chậm.’ Vì tâm như vậy, mà đến nhà người, nếu người ta không bố thí,… cho đến bố thí chậm, tâm của Tỳ-kheo này sẽ bị khuất nhục. Vì lý do này nên tâm của Tỳ-kheo ấy thoái thất, tự sanh chướng ngại.
“Nếu lại có Tỳ-kheo nào, muốn vào nhà người mà khởi nghĩ như vầy: ‘Người xuất gia mục đích đến nhà người, là do đâu được bố thí chứ không phải không bố thí, bố thí vội không phải bố thí từ từ, bố thí nhiều không phải bố thí ít, bố thí ngon không phải bố thí dở, bố thí nhanh không phải bố thí chậm?’ Nghĩ như vậy mới đến nhà người. Nếu người ta không bố thí,… cho đến bố thí chậm, tâm của Tỳ-kheo này không bị khuất nhục, cũng không bị thoái thất, không sanh chướng ngại.
“Chỉ có Tỳ-kheo Ca-diếp nghĩ như vậy khi đến nhà người. Cho nên các Tỳ-kheo phải học như vậy, nghĩ như vậy khi vào nhà người: ‘Người xuất gia mục đích khi đến nhà người, do đâu được cúng chứ không phải không cúng,… cho đến cúng mau không phải cúng chậm?’
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1138. THẮNG[35]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Ca-diếp ở trong giảng đường Lộc tử mẫu vườn phía Đông nước Xá-vệ. Buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên. Khi ấy Thế Tôn bảo Tôn giả Ma-ha Ca-diếp:
“Ông nên thuyết pháp, giáo giới, giáo thọ cho các Tỳ-kheo. Vì sao? Vì Ta thường thuyết pháp giáo giới, giáo thọ cho các Tỳ-kheo, ông cũng nên như vậy.”
Tôn giả Ma-ha ca-diếp bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nay rất khó giáo thọ các Tỳ-kheo. Hoặc có Tỳ-kheo không chịu nghe nói.”
Phật bảo Ma-ha Ca-diếp:
“Vì lý do gì ông nói như vậy?”
Ma-ha Ca-diếp bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con thấy có hai Tỳ-kheo, một tên là Bàn-trù[36] đệ tử của A-nan, hai tên là A-phù-tỳ[37] đệ tử của Ma-ha Mục-kiền-liên. Hai người này tranh luận về đa văn. Họ bảo nhau: ‘Ngươi đến đây cùng nhau bàn luận để coi ai có sở tri nhiều và sở tri ai hơn.’”
Khi ấy, Tôn giả A-nan đứng sau Phật đang cầm quạt hầu, nói với Tôn giả Ma-ha Ca-diếp:
“Hãy thôi! Thưa Tôn giả Ma-ha Ca-diếp! Hãy nhẫn! Tôn giả Ca-diếp! Những Tỳ-kheo thiếu niên này trí tuệ kém, trí tuệ xấu.”
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp nói với Tôn giả A-nan:
“Ông hãy im lặng! Chớ khiến ta ở giữa Tăng hỏi sự việc ông.”
Lúc ấy, Tôn giả A-nan liền im lặng.
Bấy giờ, Đức Phật bảo một Tỳ-kheo:
“Ông hãy đến chỗ Tỳ-kheo Bàn-trù và A-phù-tỳ nói rằng: ‘Đại Sư cho gọi các ông.’”
Tỳ-kheo này liền vâng lời, đến chỗ Tỳ-kheo A-phù-tỳ và Tỳ-kheo Bàn-trù nói rằng:
“Đại Sư cho gọi các ông.”
Tỳ-kheo Bàn-trù và A-phù-tỳ vâng theo lời dạy, cả hai liền đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân, ngồi lui qua một bên.
Bấy giờ, Thế Tôn hỏi hai Tỳ-kheo:
“Có thực, hai ông đã cùng nhau tranh luận và nói: ‘Ông đến đây cùng nhau bàn luận để coi ai có sở tri nhiều và sở tri ai hơn’ không?”
Hai Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, thật có.”
Phật bảo hai Tỳ-kheo:
“Các ông đem những pháp của Ta dạy như Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Già-đà, Ưu-đà-na, Ni-đà-na, A-bà-đà-na, Y-đế-nhật-đa-già, Xà-đà-già, Tỳ-phú-la, A-phù-đà-đạt-ma, Ưu-ba-đề-xá để tranh luận nhau và bảo: ‘Ngươi đến đây cùng nhau bàn luận để coi ai có sở tri nhiều và sở tri ai hơn’ phải không?”
Hai Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, không vậy.”
Phật bảo hai Tỳ-kheo:
“Các ông không đem những gì Ta đã nói trong Tu-đa-la,… cho đến Ưu-ba-đề-xá để tự điều phục, tự đình chỉ và tự cầu Niết-bàn sao?”
Hai Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Phật bảo hai Tỳ-kheo:
“Các ông là những người ngu si! Sao các ông đã biết những gì Ta dạy trong Tu-đa-la,… cho đến Ưu-ba-đề-xá rồi, lại cùng nhau tranh luận thử ai có sở tri nhiều và sở tri ai hơn?”
Lúc này, hai Tỳ-kheo trước Phật lễ dưới chân, cùng bạch Phật:
“Xin sám hối Thế Tôn! Xin sám hối Thiện Thệ! Chúng con ngu si không tốt, không phân biệt, mà tranh luận nhau.”
Phật bảo hai Tỳ-kheo:
“Các ông đã thực biết tội, sám hối lỗi ngu si, không tốt, không biết phân biệt mà lại cùng tranh luận. Nay đã tự biết tội, tự thấy tội, tự biết hối lỗi, thì Giới luật nghi sẽ phát sanh ở đời vị lai. Nay Ta vì thương xót các ông mà nhận sự sám hối, để cho thiện pháp các ông tăng trưởng không bao giờ thoái giảm. Vì sao? Vì nếu có người tự biết tội, tự thấy tội, tự biết hối lỗi, thì Giới luật nghi sẽ phát sanh ở đời vị lai, không bao giờ thoái giảm.”
Hai Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về. KINH 1139. VÔ TÍN[38]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp ở trong giảng đường Lộc tử mẫu tại vườn phía Đông nước Xá-vệ. Buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân, ngồi lui qua một bên. Phật bảo Ca-diếp:
“Ông nên giáo thọ, giáo giới cho các Tỳ-kheo. Vì các Tỳ-kheo thuyết pháp, giáo giới, giáo thọ. Vì sao? Vì Ta thường thuyết pháp giáo giới, giáo thọ cho các Tỳ-kheo, ông cũng nên như vậy.”
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp bạch Phật:
“BạchThế Tôn, Tỳ-kheo bây giờ khó có thể vì họ thuyết pháp. Nếu có thuyết pháp, thì sẽ có Tỳ-kheo không nhẫn, không hoan hỷ.”
Phật bảo Ca-diếp:
“Vì lý do gì ông nói như vậy?”
Ma-ha Ca-diếp bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, hoặc có Tỳ-kheo không có tâm tin kính đối với thiện pháp, nếu nghe thuyết pháp, họ có thể thoái chuyển. Hoặc người ác trí tuệ không có trí tuệ, tinh tấn và tàm quý, không có trí tuệ đối với thiện pháp; nghe thuyết pháp, có thể thoái thất. Hoặc có người tham dục, sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi hoặc, thân hành thô bạo, phẫn hận, thất niệm, bất định, vô trí, họ có nghe thuyết pháp thì cũng thoái thất. Bạch Thế Tôn, những hạng người xấu như vậy, còn không thể khiến tâm an trụ ở thiện pháp, huống lại tăng tiến! Nên biết hạng người này thiện pháp càng ngày càng thoái thất, không thể tăng trưởng.
“Bạch Thế Tôn, nếu người nào, đối với thiện pháp, có lòng tin thanh tịnh thì sẽ không thoái thất. Đối với thiện pháp có trí tuệ, tinh tấn và tàm quý, sẽ không thoái thất. Không tham, không nhuế, không thụy miên, không trạo hối, không nghi hoặc, sẽ không thoái thất. Thân không thô bạo, tâm không ô nhiễm, không phẫn, không hận, định tâm, chánh niệm, trí tuệ, sẽ không thoái thất. Người như vậy, đối với các thiện pháp càng ngày càng tăng trưởng, huống chi tâm lại an trú. Người này ngày đêm thường cầu thăng tiến, không bao giờ thoái thất.”
Phật bảo Ca-diếp:
“Đúng vậy! Đúng vậy! Người nào đối với các thiện pháp, mà không có lòng tin thì sẽ bị thoái thất”. Cũng như Ca-diếp lần lượt nói đầy đủ.
Sau khi Tôn giả Ma-ha Ca-diếp nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ ra về. KINH 1140. PHẬT LÀ CĂN BẢN[39]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp ở trong giảng đường Lộc tử mẫu tại vườn phía Đông nước Xá-vệ. Buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên. Khi ấy Thế Tôn bảo Tôn giả Ma-ha Ca-diếp:
“Ông nên giáo thọ, giáo giới cho các Tỳ-kheo. Vì các Tỳ-kheo thuyết pháp, giáo giới, giáo thọ. Vì sao? Vì Ta thường thuyết pháp giáo giới, giáo thọ cho các Tỳ-kheo, ông cũng nên như vậy.”
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo bây giờ khó có thể vì họ thuyết pháp. Có các Tỳ-kheo nghe thuyết pháp sẽ không nhẫn, không hoan hỷ.”
Phật bảo Ca-diếp:
“Vì lý do gì ông nói như vậy?”
Ma-ha Ca-diếp bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là chỗ nương tựa của pháp, cúi xin Thế Tôn vì các Tỳ-kheo thuyết pháp, các Tỳ-kheo nghe xong sẽ lãnh thọ phụng hành.”
Phật bảo Ca-diếp:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ, Ta sẽ vì các ông mà giảng nói.”
Phật bảo Ca-diếp:
“Ngày xưa, Tỳ-kheo a-luyện-nhã ở chỗ a-luyện-nhã khen ngợi pháp a-luyện-nhã. Với Tỳ-kheo khất thực[40] thì khen ngợi về công đức khất thực. Với Tỳ-kheo y phấn tảo thì khen ngợi về công đức mặc y phấn tảo. Với Tỳ-kheo thiểu dục tri túc, tu hạnh viễn ly, tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh định, trí tuệ lậu tận, tự thân tác chứng, thì theo sở hành của họ mà khen ngợi, xưng tụng.
“Này Ca-diếp, nếu có Tỳ-kheo với a-luyện-nhã thì khen ngợi pháp a-luyện-nhã,… cho đến với Tỳ-kheo lậu tận, thì khen ngợi lậu tận tự thân tác chứng; nếu gặp Tỳ-kheo như vậy thì nên tiếp chuyện, tùy nghi thăm hỏi, chào đón: ‘Ngài tên gì? Đệ tử của ai?’ Nhường chỗ ngồi mời ngồi và tán thán sự hiền thiện của vị ấy, như pháp sở hành của vị ấy, có nghĩa Sa-môn, có sở dục Sa-môn. Khi khen ngợi như vậy, nếu vị ấy cùng ở hay cùng đi thì liền quyết định tùy thuận sở hành của vị ấy, không bao lâu cũng sẽ đồng với sở kiến và sở dục của vị ấy.”
Phật bảo Ca-diếp:
“Nếu Tỳ-kheo tuổi trẻ gặp Tỳ-kheo a-luyện-nhã kia đến thì tán thán pháp a-luyện-nhã,… cho đến Tỳ-kheo lậu tận, tự thân tác chứng. Tỳ-kheo tuổi trẻ này nên đứng dậy nghinh tiếp, cung kính lễ bái, thưa hỏi,… cho đến cùng ở với họ, thì không bao lâu chính mình sẽ được nghĩa lợi, được hữu ích. Người nào cung kính như vậy, thì sẽ được lợi ích an lạc lâu dài.”
Phật bảo Ca-diếp:
“Hiện nay, Tỳ-kheo tuổi trẻ thấy vị kia đến, biết đó là đại đức có tri kiến có thể chiêu cảm được mọi thứ tài vật như y phục, mền nệm, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men, nên cùng tiếp chuyện với họ, cung kính hỏi thăm, chào đón, rằng: ‘Ngài tên gì? Là đệ tử của ai?’ Và tán thán phước đức của họ để có thể chiêu cảm được lợi lớn như y phục, mền nệm, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men. Hoặc cùng gần gũi vị ấy cũng sẽ được đầy đủ mọi thứ y phục, mền nệm, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men. Hoặc lại có Tỳ-kheo-niên thiếu, thấy vị kia đến biết đó là đại đức, đại trí, có thể chiêu cảm được mọi thứ tài lợi như y phục, mền nệm, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men, nên vội vàng đứng dậy nghinh đón, cung kính chào hỏi: ‘Quý thay ngài đến đây! Bậc Đại đức, đại trí!’ để có thể chiêu cảm lợi lớn về y phục, mền nệm, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men. Này Ca-diếp, những Tỳ-kheo-niên thiếu như vậy, sẽ lâu dài bị đau khổ, phi nghĩa, không có lợi.
“Như vậy, Ca-diếp, những Tỳ-kheo đó là tai hoạn của Sa-môn, là sự đắm chìm của phạm hạnh, là chướng ngại lớn, là pháp ác bất thiện, là cái hại của phiền não, trở lại thọ các hữu, chịu khổ báo sanh tử thiêu đốt trong đời vị lai đưa đến sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Cho nên, Ca-diếp, phải tu học như vầy: Hãy xưng danh tán thán những vị a-luyện-nhã sống ở a-luyện-nhã; xưng danh tán thán vị mặc y phấn tảo khất thực, thiểu dục tri túc, tu hạnh viễn ly, tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh định, chánh trí lậu tận, tự thân tác chứng.”
Phật nói kinh này xong, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ làm lễ ra về. KINH 1141. QUÁ GIÀ[41]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp ở tại giảng đường Lộc tử mẫu trong vườn phía Đông nước Xá-vệ. Buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân, ngồi xuống một bên. Khi ấy, Thế Tôn bảo Ma-ha Ca-diếp:
“Ông nay đã già, các căn suy yếu, y phấn tảo nặng, y của Ta nhẹ tốt[42]. Nay ông có thể ở trong chúng mặc y nhẹ hoại sắc do cư sĩ cúng.”
Ca-diếp bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con đã lâu dài tập hạnh a-luyện-nhã, tán thán hạnh a-luyện-nhã, mặc y phấn tảo, khất thực[43].”
Phật bảo Ca-diếp:
“Thầy quán sát có bao nhiêu nghĩa mà tập hạnh a-luyện-nhã, tán thán pháp a-luyện-nhã; mặc y phấn tảo, khất thực, tán thán pháp mặc y phấn tảo, khất thực?”
Ca-diếp bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con quán sát thấy có hai nghĩa: Hiện tại được nghĩa sống an lạc; đời vị lai, làm gương cho chúng sanh. Vì chúng sanh đời vị lai sẽ nghĩ như vầy: ‘Thượng tọa quá khứ có sáu thần thông, xuất gia lâu ngày, phạm hạnh thuần thục, được Thế Tôn khen ngợi và được những vị phạm hạnh trí tuệ phụng sự. Vị ấy lâu dài tập hạnh a-luyện-nhã, tán thán pháp a-luyện-nhã; mặc y phấn tảo, khất thực, tán thán pháp mặc y phấn tảo, khất thực.’ Nếu ai nghe được điều này, tâm họ sẽ thanh tịnh và tùy hỷ, lúc nào cũng được an lạc và lợi ích.”
Phật bảo Ca-diếp:
“Lành thay! Lành thay! Ca-diếp, ông là người trong lâu dài đem lại nhiều lợi ích, an lạc cho chúng sanh, thương xót thế gian và an lạc trời, người.”
Phật bảo Ca-diếp:
“Nếu có người nào hủy báng pháp đầu-đà[44], tức là hủy báng Ta. Nếu có người nào tán thán pháp đầu-đà, tức là tán thán Ta. Vì sao? Vì pháp đầu-đà là pháp Ta luôn luôn xưng danh và tán thán. Cho nên, Ca-diếp, người a-luyện-nhã, nên tán thán a-luyện-nhã; người mặc y phấn tảo, khất thực, nên tán thán pháp mặc y phấn tảo khất thực.”
Phật nói kinh này xong, Ma-ha Ca-diếp nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ ra về. KINH 1142. NẠP Y NẶNG[45]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp sống lâu nơi trú xứ sàng tọa a-luyện-nhã[46], râu tóc ra dài, mặc y rách vá, đến chỗ Phật.
Lúc đó Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô số đại chúng vây quanh. Bấy giờ, các Tỳ-kheo thấy Ma-ha Ca-diếp từ xa đi lại và sau khi thấy Tôn giả Ma-ha Ca-diếp rồi, họ khởi tâm khinh mạn rằng:
“Tỳ-kheo này là ai mà y phục tồi tàn; đến đây mà dung nghi không có; đến đây mà y phục dương dương[47]?”
Khi đó Thế Tôn biết được tâm niệm của các Tỳ-kheo, bảo Ma-ha Ca-diếp:
“Đến đây, Ca-diếp! Hãy ngồi nơi phân nửa chỗ ngồi này. Nay Ta rốt cuộc[48] biết ai xuất gia trước. Thầy ư? Ta ư?”
Các Tỳ-kheo sanh lòng sợ hãi, chân lông dựng đứng lên, nói với nhau:
“Lạ thay, Tôn giả! Tôn giả ấy là Ma-ha Ca-diếp có đức độ lớn, thần lực lớn, là đệ tử của Đại Sư, được mời ngồi nửa tòa.”
Khi ấy Tôn giả Ma-ha Ca-diếp chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Phật là Thầy con. Con là đệ tử[49].”
Phật bảo Ca-diếp:
“Thật vậy! Thật vậy! Ta là Đại Sư. Ông là đệ tử. Bây giờ ông hãy ngồi xuống, trên chỗ ngồi đã dọn sẵn.”
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên.
Bấy giờ Thế Tôn muốn cảnh tỉnh các Tỳ-kheo nên đem những công đức rộng lớn thù thắng của Ca-diếp đã sở đắc như mình, vì đại chúng hiện tiền mà bảo các Tỳ-kheo:
“Ta đã lìa dục, pháp ác bất thiện, có giác, có quán, thành tựu và trụ Sơ thiền, hoặc ngày, hoặc đêm, hoặc ngày đêm. Ma-ha Ca-diếp cũng lại như Ta, lìa dục, pháp ác bất thiện, cho đến thành tựu và trụ Sơ thiền, hoặc ngày, hoặc đêm, hoặc ngày đêm.
“Ta muốn thành tựu và an trụ Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, hoặc ngày, hoặc đêm, hoặc ngày đêm. Ma-ha Ca-diếp cũng lại như vậy,… cho đến thành tựu và an trụ Tứ thiền, hoặc ngày, hoặc đêm, hoặc ngày đêm.
“Ta tùy theo sở dục mà thành tựu và an trụ Từ, Bi, Hỷ, Xả, Không nhập xứ, Thức nhập xứ, Vô sở hữu nhập xứ, Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, thần thông hiện các cảnh giới, có trí thiên nhĩ, tha tâm, túc mạng, trí sanh tử và trí lậu tận, hoặc ngày, hoặc đêm, hoặc ngày đêm. Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy,… cho đến thành tựu và an trụ trí lậu tận hoặc ngày, hoặc đêm, hoặc ngày đêm.”
Sau khi Đức Thế Tôn ở giữa vô số đại chúng, tán thán công đức thắng diệu rộng lớn của Tôn giả Ma-ha Ca-diếp như mình rồi, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1143. KHI ẤY[50]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp và Tôn giả A-nan đang ở trong núi Kỳ-xà-quật. Tôn giả A-nan đến chỗ Tôn giả Ca-diếp nói rằng:
“Hôm nay chúng ta có thể ra khỏi núi Kỳ-xà-quật vào thành Vương xá khất thực?”
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp im lặng bằng lòng. Hai Tôn giả Ma-ha Ca-diếp và A-nan đắp y, ôm bát vào thành Vương xá khất thực. Tôn giả A-nan nói với Tôn giả Ma-ha Ca-diếp:
“Trời còn quá sớm, chúng ta tạm ghé qua tinh xá Tỳ-kheo-ni.”
Hai vị liền ghé qua. Bấy giờ, các Tỳ-kheo-ni trông thấy Tôn giả Ca-diếp và Tôn giả A-nan từ xa đi lại, vội vàng trải sàng tòa mời ngồi. Các Tỳ-kheo-ni lễ dưới chân Tôn giả Ma-ha Ca-diếp và Tôn giả A-nan, rồi ngồi lui qua một bên. Tôn giả Ma-ha Ca-diếp vì các Tỳ-kheo-ni dùng nhiều cách thuyết pháp, chỉ bày, soi sáng và làm cho hoan hỷ. Sau khi Tôn giả chỉ bày, soi sáng và làm cho hoan hỷ xong, lúc ấy, Tỳ-kheo-ni Thâu-la Nan-đà[51] không hoan hỷ, nói ra những ác ngôn như vầy:
“Tại sao A-lê Ma-ha Ca-diếp[52] lại thuyết pháp cho Tỳ-kheo-ni trước mặt A-lê A-nan Bề-đề-ha-mâu-ni[53]? Giống như người buôn bán kim lại đem kim bán cho người làm kim? A-lê Ma-ha Ca-diếp cũng lại như vậy, thuyết pháp cho các Tỳ-kheo-ni trước mặt A-lê A-nan Bề-đề-ha-mâu-ni!”
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp sau khi nghe Tỳ-kheo-ni Thâu-la Nan-đà với tâm không hoan hỷ mà miệng thốt ra những ác ngôn, liền nói với Tôn giả A-nan:
“Ông có thấy Tỳ-kheo-ni Thâu-la Nan-đà với tâm không hoan hỷ mà miệng thốt ra những ác ngôn? Thế nào A-nan? Ta là người buôn kim, bán kim trước mặt người làm kim là ông chăng?”
Tôn giả A-nan nói với Tôn giả Ma-ha Ca-diếp:
“Thôi, hãy nhịn! Đó là mụ già ngu si, thiếu trí tuệ, chưa từng tu tập!”
“Này A-nan, ông chẳng đã từng nghe Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, ở giữa đại chúng thuyết ‘Nguyệt dụ kinh’[54] để giáo giới, giáo thọ rằng: ‘Tỳ-kheo, hãy sống như mặt trăng, thường như người mới học’… (chi tiết như trên)? Đó là nói A-nan sống như mặt trăng, thường như người mới học chăng?”
Tôn giả A-nan thưa:
“Thưa Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, không phải.”
“A-nan, ông có nghe Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, ở giữa đại chúng thuyết ‘Nguyệt dụ kinh’để giáo giới, giáo thọ rằng: ‘Tỳ-kheo, hãy sống như mặt trăng, thường như người mới học, thì chỉ có Ma-ha Ca-diếp’?”
A-nan đáp:
“Thưa Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, đúng vậy.”
“A-nan, ông có từng được Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, ở giữa vô lượng đại chúng, mời đến ngồi chung chăng? Lại nữa, Thế Tôn có tán thán đức độ rộng lớn của ông bằng Ngài không? A-nan đã lìa dục, lìa pháp ác bất thiện,… cho đến được Ngài tán thán lậu tận thông chăng?”
Đáp:
“Thưa Tôn giả Ca-diếp, chưa!”
“Như vậy, này A-nan, Thế Tôn Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, ở giữa vô lượng đại chúng, miệng tự nói: ‘Thiện lai! Ma-ha Ca-diếp! Mời ông ngồi nửa tòa.’ Lại, ở giữa đại chúng có khen ngợi công đức rộng lớn của Ma-ha Ca-diếp bằng Phật; đã lìa dục, lìa pháp ác bất thiện… cho đến lậu tận không?”
A-nan đáp:
“Đúng vậy, thưa Tôn giả Đại Ca-diếp!”
Khi ấy Tôn giả Ma-ha Ca-diếp ở giữa chúng Tỳ-kheo-ni rống lên tiếng rống sư tử. KINH 1144. CHÚNG GIẢM THIỂU[55]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp và Tôn giả A-nan ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương xá, sau khi Thế Tôn Niết-bàn chưa bao lâu.
Bấy giờ, gặp lúc mất mùa, đói kém, nên đi khất thực rất khó được. Lúc này, có nhiều Tỳ-kheo tuổi trẻ đi theo Tôn giả A-nan, không khéo nhiếp hộ các căn, ăn uống không biết lượng, nên không thể từ đầu đêm đến cuối đêm tinh cần thiền định tư duy, chỉ ưa đắm vào ngủ nghỉ, thường cầu lợi lộc ở đời. Họ du hành nhân gian đến Nam Thiên trúc[56], có ba mươi Tỳ-kheo tuổi trẻ xả giới hoàn tục, chỉ còn lại mấy chú trẻ nhỏ[57]. Lúc ấy, Tôn giả A-nan du hành ở nước Nam sơn[58], vì thấy đồ chúng còn ít nên trở lại Vương xá. Tôn giả cất y bát, rửa chân xong, đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, cúi đầu lễ dưới chân Tôn giả, ngồi lui qua một bên. Lúc ấy, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp hỏi Tôn giả A-nan:
“Ông từ đâu đến mà đồ chúng quá ít?”
A-nan đáp:
“Từ nước Nam sơn, du hành trong nhân gian, có ba mươi Tỳ-kheo tuổi trẻ xả giới hoàn tục, đồ chúng giảm, nay còn lại phần nhiều là các trẻ nhỏ.”
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp nói với A-nan rằng:
“Có bao nhiêu phước lợi mà Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Tri giả, Kiến giả, chế giới cho phép ba người trở lên cùng ăn chung[59]?”
A-nan đáp:
“Vì hai việc. Những gì là hai? Một là nhà nghèo ít của. Hai là những người ác lập bạn đảng phá hoại nhau. Chớ để những người ác mang danh là chúng, sống ở trong Tăng làm chướng ngại đại chúng, phân làm hai phe hiềm khích tranh đấu lẫn nhau.”
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp bảo A-nan:
“Ông biết nghĩa này, vì sao vào lúc đói kém lại cùng nhiều đệ tử niên thiếu du hành nước Nam sơn, làm cho ba mươi người xả giới hoàn tục, đồ chúng tổn giảm chỉ còn lại đa số là các trẻ nhỏ? A-nan, đồ chúng của ông sụt giảm. Ông chỉ là trẻ con, vì không biết trù lượng.”
A-nan thưa:
“Thế nào, đầu tôi đã hai thứ tóc mà vẫn còn gọi tôi là trẻ nhỏ sao, thưa Tôn giả Ma-ha Ca-diếp? “
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp nói:
“Vào thời buổi đói kém, mà ông cùng nhiều đệ tử tuổi trẻ du hành trong nhân gian, lại để cho ba mươi người xả giới hoàn tục, chỉ còn lại các trẻ nhỏ. Đồ chúng tiêu giảm, không biết trù lượng, để cho đồ chúng niên thiếu bại hoại[60]. Chúng của A-nan đã tan hết. Này A-nan, ông là trẻ con, không biết trù lượng.”
Khi ấy Tỳ-kheo-ni Đê-xá[61] nghe Tôn giả Ca-diếp dùng từ trẻ con để quở trách Tôn giả A-nan Bề-đề-ha-mâu-ni; nghe rồi không vui thích, bèn thốt ra những lời không tốt: “Tại sao A-lê Ma-ha Ca-diếp vốn là gốc ngoại đạo mà lại dám dùng từ trẻ con để quở trách A-lê A-nan Bề-đề-ha-mâu-ni, khiến cho cái danh trẻ con lan ra.”
Tôn giả Ca-diếp dùng thiên nhĩ nghe được những ác ngôn thốt ra từ miệng Tỳ-kheo-ni Đê-xá khi lòng không hoan hỷ. Nghe xong nói với Tôn giả A-nan rằng:
“Ông có thấy Tỳ-kheo-ni Đê-xá, tâm không hoan hỷ, miệng thốt ra những lời nói ác: ‘Ma-ha Ca-diếp gốc từ ngoại đạo mà dám quở trách A-lê A-nan Bề-đề-ha-mâu-ni, khiến cho cái danh trẻ con lan ra?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Xin thôi! Tôn giả Ma-ha Ca-diếp! Hãy nhịn! Tôn giả Ma-ha Ca-diếp! Đó là mụ già ngu si, không có trí tự tánh.”
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp nói với A-nan:
“Từ khi ta xuất gia đến nay, không biết có vị thầy nào khác, ngoài Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác ra. Khi chưa xuất gia ta thường suy nghĩ đến sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Biết là tại gia công việc bận rộn, nhiều phiền não, nếu xuất gia sống không nhàn, người thế tục thì khó sống đời sống không nhà, một mực trong sạch, suốt đời thuần nhất thanh tịnh tràn đầy, phạm hạnh thanh bạch, nên ta đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín, xuất gia học đạo, không nhà; đem y quý, trị giá trăm ngàn lượng vàng cắt nhỏ từng mảnh may thành Tăng-già-lê. Nếu nghe ở thế gian có A-la-hán nào, thì đi theo xuất gia. Sau khi xuất gia rồi, ta gặp Thế Tôn, thân ngồi ngay thẳng, tướng tốt kỳ lạ, các căn tịch tĩnh vắng lặng không gì bằng, giống như núi vàng, ở khoảng giữa tụ lạc Na-la[62] thành Vương xá và tháp Đa tử[63]. Khi ta thấy rồi, tự nghĩ: ‘Đây là Thầy ta. Đây là Thế Tôn. Đây là La-hán, đây là Đẳng Chánh Giác.’ Lúc ấy, Ta nhất tâm chắp tay kính lễ bạch Phật:
“Ngài là Đại Sư con. Con là đệ tử!”
Phật bảo ta rằng:
“Thật vậy, Ca-diếp! Ta là Thầy của ông. Ông là đệ tử. Này Ca-diếp, nay ông đã thành tựu tâm thanh tịnh chân thật, ông là người đáng cung kính. Người không biết, nói biết, không thấy, nói thấy; người thật không phải A-la-hán, mà nhận là A-la-hán; người không phải Đẳng Chánh Giác mà nói là Đẳng Chánh Giác, thì tự nhiên thân họ sẽ bị nát thành bảy mảnh. Này Ca-diếp, nay Ta biết, nên nói biết; thấy, nên nói thấy; thật A-la-hán nói A-la-hán; thật Đẳng Chánh Giác nói Đẳng Chánh Giác. Này Ca-diếp, nay Ta có nhân duyên vì Thanh văn thuyết pháp, không phải không có nhân duyên; có y cứ không phải không y cứ, có thần lực không phải không thần lực. Cho nên, này Ca-diếp, nếu muốn nghe pháp phải học như vậy; nếu vì nghĩa lợi, vì hữu ích, muốn nghe pháp, thì phải một lòng cung kính tôn trọng, chuyên tâm lắng nghe và tự nghĩ rằng: Đối với sự sanh diệt của ngũ ấm, sự tập khởi, sự diệt tận của lục xúc nhập xứ, ta phải chánh quán. Đối với tứ niệm xứ, phải chánh niệm lạc trụ; tu tập bảy Giác phần, tám giải thoát, tự thân tác chứng; lúc nào cũng nghĩ thân này chưa từng đoạn tuyệt, xa lìa sự không tàm quý. Đối với phạm hạnh và đạo đức của Đại Sư, thường giữ tâm tàm quý, nên học tập như vậy.
“Bấy giờ, Thế Tôn vì ta mà thuyết pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng làm cho ta hoan hỷ. Sau khi khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho ta hoan hỷ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy đi, ta cũng đi theo về trụ xứ. Ta lấy cái y giá trị trăm ngàn lượng vàng cắt may thành Tăng-già-lê, gấp bốn làm tòa ngồi. Bấy giờ, Thế Tôn biết ta chí tâm cầu đạo. Ta trải y ra làm tọa cụ thỉnh Phật ngồi. Thế Tôn ngồi xuống, lấy tay sờ y khen rằng:
“Ca-diếp, y này nhẹ mịn, mềm mại.”
Lúc ấy, ta thưa:
“Đúng vậy, bạch Thế Tôn, y này nhẹ mịn, mềm mại, xin Thế Tôn nhận y này của con.”
Phật bảo Ca-diếp:
“Ông nên nhận y phấn tảo của Ta, Ta sẽ nhận y Tăng-già-lê của ông.”
Phật liền tự tay trao y phấn tảo trao cho ta. Ta liền dâng Tăng-già-lê cho Phật. Rồi lần lượt giáo thọ như vậy, trong vòng tám ngày, ta đã học pháp lãnh thọ nơi khất thực, cho đến ngày thứ chín, ta đạt đến Vô học. Này A-nan, nếu có ai hỏi thẳng: ‘Ai là Pháp tử của Thế Tôn, từ miệng Phật sanh, từ pháp hóa sanh, được giao phó gia tài Phật pháp và các thiền giải thoát, tam-muội chánh thọ?’ Thì nên đáp, đó là ta. Như vậy là nói chân chánh.
“Giống như người con trưởng thứ nhất của Chuyển luân Thánh vương, sẽ bằng phép quán đảnh mà ngồi lên vương vị, hưởng thụ ngũ dục của vua, không phải dùng phương tiện khổ, tự nhiên hưởng được. Ta cũng như vậy, là Pháp tử của Phật, từ miệng Phật sanh, từ pháp hóa sanh, đắc pháp và pháp tài khác như thiền định, giải thoát, tam-muội chánh thọ, không phải dùng phương tiện khổ, mà tự nhiên được.
“Thí như voi báu của Chuyển luân Thánh vương cao bảy, tám khuỷu tay mà một lá đa-la có thể che rợp. Cũng vậy, sáu thần thông trí thành tựu của ta có thể che rợp. Nếu đối với cảnh giới thần thông và trí chứng, có người nào nghi hoặc, ta có thể vì họ phân biệt, ký thuyết về thiên nhĩ, tha tâm thông, túc mạng trí, sanh tử trí, lậu tận, tác chứng trí thông. Nếu có người nào nghi hoặc, ta có thể vì họ phân biệt, ký thuyết, khiến họ được quyết định.”
Tôn giả A-nan thưa Tôn giả Ma-ha Ca-diếp:
“Đúng vậy! Đúng vậy! Thưa Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, như voi báu của Chuyển luân Thánh vương cao bảy, tám khuỷu tay mà dùng một lá đa-la có thể che rợp. Cũng vậy, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, sáu thần thông trí có thể che rợp. Nếu có người nào nghi hoặc về cảnh giới thần thông, tác chứng trí… cho đến lậu tận, tác chứng trí, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp có thể vì họ ký thuyết khiến họ được quyết định. Đối với Tôn giả Ma-ha Ca-diếp tôi luôn luôn kính tín tôn trọng.”
Vì có thần lực đức độ lớn như vậy, nên khi Tôn giả Đại Ca-diếp nói những lời này, Tôn giả A-nan nghe những gì ngài nói, hoan hỷ thọ trì. Chú thích:
[1]. Đại Chánh quyển 41. Ấn Thuận, “Tụng vii. Như Lai sở thuyết. 40. Tương ưng Bất hoại tịnh” sáu mươi hai kinh: 13174-13235 (Đại Chánh: quyển 31 (phần cuối) kinh 902-904, quyển 41 (phần đầu) kinh 1121-1135). Quốc Dịch, quyển 26, “Tụng 5. Đạo.8 Tương ưng Bất hoại tịnh; phẩm 2” bốn mươi tám kinh: 12637-12684 (Đại Chánh: 1121-1135). Phật Quang, quyển 31, kinh 873-896 (Đại Chánh: kinh 1121-1144). –Đại Chánh kinh 1121; Pāli, A. 10. 46. Sakkā
[2]. Ca-tỳ-la-vệ quốc Ni-câu-luật viên 迦毘羅衛國尼拘律園. Pāli: Kapilavatthu-Nỉgodhārāma.
[3]. Pháp trai nhật 法齋日; chỉ ngày thọ trì bát quan trai giới. Pāli: aṭṭhaṅgasamannāgataṃ uposathaṃ.
[4]. Thần túc nguyệt 神足月; tháng thần túc hay thần biến. Xem cht.49, kinh 1117.
[5]. Hán: vi chân thật yếu 為真實要: chưa hiểu ý.
[6]. Pāli, S. 55. 54 Gilāyana.
[7]. Tô tức xứ 穌息處. Pāli: assāsaniya dhamma: pháp làm cho hơi thở điều hòa; làm cho thư giản, nghỉ ngơi; pháp làm cho an tâm.
[8]. Hữu thân 有身; tức hữu thân kiến, chấp thân có thật. Diệt trừ thân kiến chứng Tu-đà-hoàn. Pāli: sakkāya.
[9]. Hán; bất khởi Niết-bàn 不起涅槃; chỉ Niết-bàn vô sanh, không còn tái sanh. Bản Pāli không nhắc đến ý nghĩa này.
[10]. Pāli, S. 55. 48. Bhaddiya.
[11]. Bồ-đề 菩提. Pāli: Bhaddiya. Bản Hán đọc là Bodhi(ya).
[12]. Pāli, S. 55. 36. Sabhāgata.
[13]. Pāli, S. 55. 50. Aṅga; S. 55. 55. Caturo phalā.
[14]. Tứ chủng Tu-đà-hoàn đạo phần 四種須陀洹道分. Pāli: cattāri sotapattiyaṅgāni. Cũng gọi là bốn Dự lưu chi, Cf. Pháp uẩn 2, Đại 26, tr.458.
[15]. Cf, Pháp uẩn, ibid.: thân cận thiện sĩ, thính văn chánh pháp, như lý tác ý, pháp tùy pháp hành. Pāli, Cf. D.iii. 227: sappurisa-saṃsevo, saddhamma-savanaṃ, yoniso-manasikāro, dhammānudhamma-paṭipatti.
[16]. Pāli, S. 55. 46. Bhikkhū.
[17]. Tu-đà-hoàn phần 須陀洹分.
[18]. Pāli, S. 55. 2. Ogadha.
[19]. Trong đoạn này, tóm tắt có mười bảy kinh. Ấn Thuận, kinh 1318-13190. Đại Chánh không có kinh số tương đương.
[20]. Pāli, S. 55. 55-58. Caturo phalā.
[21]. Tham chiếu kinh 1128.
[22]. Pāli, không thấy tương đương.
[23]. Pāli, S. 55. 31. Abhisanda (1).
[24]. Pāli, S. 55. 32. Abhisanda (2).
[25]. Tham chiếu kinh 1132.
[26]. Bản Hán tiết lược: đối với pháp và đối với Tăng, chi tiết như đối với Phật. Tiếp theo là thứ tư, an lạc do bố thí.
[27]. Pāli, S. 55. 33. Abhisanda.
[28]. Quyển 30, kinh 841.
[29]. Pāli, S. 55. 20. Devacārika.
[30]. Quốc Dịch, quyển 45 “Tụng viii. Đạo. Như Lai. 1. Tương ưng Đại Ca-diếp” một phẩm. Ấn Thuận, “Tụng 7. Như Lai sở thuyết. 41. Tương ưng Đại Ca-diếp” mười một kinh, tương đương Pāli S. 16. Kassapa-saṃyutta. Phật Quang, quyển 31, phần sau (vào hai kinh đầu quyển 32). Đại Chánh, quyển 41, kinh 1136-1144, 905-906 (quyển 32). Pāli, S. 16. 3. Candupama. Biệt dịch, №100(111).
[31]. Bản Đại Chánh: Xá-vệ quốc.
[32]. Pāli: seyyathāpīyṃ ākāse pāṇi na… cittaṃ na sajjati na gayhati na bajjhati, cũng như cánh tay này trong hư không, tâm không bị dính mắc, không bị nắm giữ, không bị cột trói.
[33]. Tức thử hiện thân 即此現身.
[34]. Pāli, S. 16.4. Kulupagaṃ. Biệt dịch, №100(112).
[35]. Pāli, S. 16. 6. Ovādo.
[36]. Bàn-trù 槃稠. Pāli: Bhaṇḍa.
[37]. A-phù-tỳ 阿浮毘. Abhiñjika.
[38]. Pāli, S. 16. 7. Ovādo. Biệt dịch, №100(114).
[39]. Pāli, S. 16. 8. Ovādo (3). Biệt dịch, №100(115).
[40]. Tức Tỳ-kheo chỉ sống bằng hạnh khất thực; trong mười hai hạnh đầu-đà. Tiếp theo, là một số hạnh đầu-đà được nhắc đến.
[41]. Pāli, S.16. 5. Jiṇṇaṃ. Biệt dịch, №100(116); №125(41.5).
[42]. Cf. S. ii. 220: Lần đầu tiên gặp Phật, Ca-diếp khoác chiếc Tăng-già-lê rất quý; rồi xin đổi lấy y thô xấu của Phật.
[43]. Bản Pāli kể chi tiết các hạnh đầu-đà của Ca-diếp.
[44]. Đầu-đà pháp 頭陀法. Pāli: dhutaguṇnā.
[45]. Pāli, S. 16. 9. Jhānābhiññā. Biệt dịch, №100(117).
[46]. Hán: a-luyện-nhã sàng tọa xứ 阿練若床坐處. Chưa rõ ý. Biệt dịch, №100(112): “Sống ở biên địa xa xôi, trải cỏ mà nằm”.
[47]. Y phục dương dương 衣服佯佯; bản Tống-Nguyên-Minh: bàng dương, y phục phất phơ.
[48]. Hán: cánh tri 竟知. Ấn Thuận cho rằng nhảy sót chữ bất: “Rốt cuộc, không biết ai…”.
[49]. Cf. S. ii. 220: satthā me, bhante, bhagavā, sāvakoham asmi, “Thưa Đại đức, Thế Tôn là Thầy của tôi. Tôi là đệ tử.” Câu nói khi Ca-diếp lần đầu trông thấy Phật. Bằng câu này, theo các Luật tạng, Ma-ha Ca-diếp đắc giới cụ túc, thành Tỳ-kheo.
[50]. Pāli, S. 16. 10. Upassayaṃ. Biệt dịch, №100(118).
[51]. Thâu-la Nan-đà 偷羅難陀. Pāli: Thullanandā.
[52]. A-lê Ma-ha Ca-diếp 阿梨摩訶迦葉. Pāli: ayyo Mahākassapo.. Xem cht.42, kinh 1075.
[53]. A-nan Bề-đề-ha-mâu-ni 阿難鞞提訶牟尼. Pāli: Ānanda Vedehamuni; sớ giải, SA.i. 120: Vedehiputto ti, vedehi paṇḍitādhivacanaṃ etaṃ; paṇḍititthiyā putto ti attho, A-nan được gọi là Ẩn sĩ Vedeha, vì là con trai của Vedehi. Vedehi đồng nghĩa với Paḍita, thông thái. Nghĩa là, con trai của người đàn bà thông thái.
[54]. Xem kinh 1136.
[55]. Pāli, S. 16. 11. Cīvaraṃ. Biệt dịch, №100(119).
[56]. Nam Thiên trúc 南天竺. Đây chỉ địa phương phía nam Ma-kiệt-đà, không phải Nam Ấn. Bản Pāli không đề cập.
[57]. Hán: đồng tử 童子. Pāli: kumārabhūtā, con nít.
[58]. Nam sơn quốc thổ 南山國土. Dakkhiṇagiri, tên tiểu quốc ở phía Nam Vương xá.
[59]. Hán dịch đoạn này không rõ nghĩa. Pāli: tikabhojana, một bữa ăn chỉ ba người (trở xuống). Luật Tỳ-kheo gọi là “Biệt chúng thực”; Tứ phần, Ba-dật-đề 33; Ngũ phần, Ba-dật-đề 32; Tăng-kỳ, Ba-dật-đề 40; Pāli, pācittiya 32: gaṇabhojana. Bốn Tỳ-kheo trở lên thành một nhóm, tách ra khỏi Tăng, cùng đi khất thực chung và cùng ăn chung tại một nhà thí chủ, gọi là Biệt chúng thực.
[60]. Hán: túc sĩ chúng hoại 宿士眾壞 , chúng kỳ cựu bị phá hoại. Pāli: palujjanti… navappayā.
[61]. Đê-xá 低舍. Pāli: Thullatissā.
[62]. Na-la tụ lạc 那羅聚落. Pāli: Naḷanda.
[63]. Đa tử tháp 多子塔. Pāli: Bahuputta-cetiya.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.94.180 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.