Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tạp A Hàm Kinh [雜阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 33 »»

Tạp A Hàm Kinh [雜阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 33

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tạp A Hàm

Kinh này có 50 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 |
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Hiệu đính và chú thích: Thích Tuệ Sỹ
KINH 919 [1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thế gian có ba loại ngựa hay. Những gì là ba? Có loại ngựa có đủ sự nhanh nhẹn, nhưng chẳng có đủ sắc, chẳng có đủ hình thể; có loại ngựa có đủ nhanh nhẹn, có đủ sắc, nhưng chẳng có đủ hình thể; có loại ngựa có đủ nhanh nhẹn, có đủ sắc, cũng có đủ hình thể. Cũng vậy, ở trong Pháp luật này có ba hàng thiện nam. Những gì là ba? Có hàng thiện nam có đủ nhanh nhẹn, nhưng chẳng có đủ sắc, chẳng có đủ hình thể; có hàng thiện nam có đủ nhanh nhẹn, có đủ sắc, nhưng chẳng có đủ hình thể; có hàng thiện nam có đủ nhanh nhẹn, có đủ sắc, có đủ hình thể.
“Thế nào là hàng thiện nam có đủ nhanh nhẹn, nhưng chẳng có đủ sắc, chẳng có đủ hình thể? Hàng thiện nam biết như thật ‘Đây là Khổ Thánh đế’, biết như thật ‘Đây là Khổ tập Thánh đế’, biết như thật ‘Đây là Khổ diệt Thánh đế’, biết như thật ‘Đây là Khổ diệt đạo Thánh đế’. Biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục hữu lậu, tâm giải thoát hữu hữu lậu, tâm giải thoát vô minh hữu lậu, biết rằng ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa’, đó gọi là có đủ nhanh nhẹn. Thế nào là chẳng có đủ sắc? Nếu có ai hỏi về Luận, Luật[2],… cho đến không thể vì người mà giải nói, đó gọi là chẳng có đủ sắc. Thế nào là chẳng có đủ hình thể? Chẳng phải tiếng tăm, đức lớn,… cho đến chẳng cảm hóa được thuốc men các loại, đó gọi là chẳng có đủ hình thể, hay đó cũng gọi là thiện nam có đủ nhanh nhẹn, nhưng chẳng có đủ sắc, chẳng có đủ hình thể.
“Thế nào là hàng thiện nam có đủ nhanh nhẹn, có đủ sắc, nhưng chẳng có đủ hình thể? Hàng thiện nam biết như thật ‘Đây là Khổ Thánh đế,… cho đến không còn tái sanh đời sau nữa’, đó gọi là có đủ nhanh nhạy. Thế nào là có đủ sắc? Nếu có ai hỏi về Luận, Luật,… cho đến có thể vì họ quyết định giải nói, đó gọi là có đủ sắc. Thế nào là chẳng có đủ hình thể? Chẳng phải tiếng tăm, đức lớn,… cho đến không thể cảm hóa được thuốc men các loại, đó gọi là hàng thiện nam có đủ nhanh nhẹn, có đủ sắc, nhưng chẳng có đủ hình thể.
“Thế nào là hàng thiện nam có đủ nhanh nhẹn, có đủ sắc, cũng có đủ hình thể? Hàng thiện nam biết như thật ‘Đây là Khổ Thánh đế,… cho đến không còn tái sanh đời sau nữa’, đó gọi là có đủ nhanh nhẹn. Thế nào là sắc có đủ? Hàng thiện nam nếu có ai hỏi về Luận, Luật,… cho đến có thể vì họ quyết định giải nói, đó gọi là có đủ sắc. Thế nào là có đủ hình thể? Hàng thiện nam tiếng tăm, đức lớn,… cho đến thể cảm hóa thuốc men các loại, đó gọi có đủ hình thể, hay đó gọi là hàng thiện nam có đủ nhanh nhẹn, có đủ sắc, có đủ hình thể.”
Sau khi Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 920. TAM[3]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thế gian có ba loại ngựa tốt được vua dùng để kéo xe. Những gì là ba? Loại ngựa tốt có đủ sắc, có đủ lực, có đủ nhanh nhẹn. Cũng vậy, ở Chánh pháp luật cũng có ba hàng thiện nam, là nơi thế gian phụng sự, cúng dường cung kính, là ruộng phước trên hết. Những gì là ba? Hàng thiện nam có đủ sắc, có đủ lực, có đủ nhanh nhẹn.
“Thế nào là có đủ sắc? Là hàng thiện nam sống an trụ tịnh giới, luật nghi Ba-la-đề-mộc-xoa, có đầy đủ oai nghi hành xử, thấy tội vi tế thường phát sanh lòng sợ hãi, thọ trì học giới. Đó gọi là có đủ sắc. Thế nào là có đủ lực? Đối với pháp ác bất thiện đã sanh khiến đoạn diệt, phát khởi ý dục, tinh cần phương tiện, nhiếp thọ tăng trưởng. Đối với pháp ác bất thiện chưa sanh không cho sanh khởi, phát khởi ý dục, tinh cần phương tiện, nhiếp thọ tăng trưởng. Đối với pháp thiện chưa sanh khiến sanh khởi, phát khởi ý dục, tinh cần phương tiện, nhiếp thọ tăng trưởng. Đối với pháp thiện đã sanh, an trụ không cho mất, phát khởi ý dục, tinh cần phương tiện, nhiếp thọ tăng trưởng. Đó gọi là có đủ lực. Thế nào là có đủ nhanh nhẹn? Là biết như thật ‘Đây là Khổ Thánh đế’,… cho đến đạt được A-la-hán, không còn tái sanh đời sau nữa, đó gọi là có đủ nhanh nhẹn, hay gọi là hàng thiện nam có đủ sắc, có đủ lực, có đủ nhanh nhẹn.”
Sau khi Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 921. TỨ[4]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ngựa tốt thế gian có đủ bốn năng lực[5], nên biết chúng được vua dùng để kéo xe. Những gì là bốn? Đó là khôn ngoan[6], nhanh nhẹn, kham năng, thuần tánh[7]. Cũng vậy, hàng thiện nam thành tựu bốn đức, được thế gian tôn trọng, phụng sự cúng dường, là đám ruộng phước trên hết. Những gì là bốn? Là thiện nam thành tựu giới thân vô học, định thân vô học, tuệ thân vô học và giải thoát thân vô học.”
Sau khi Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 922. TIÊN ẢNH[8]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thế gian có bốn loại ngựa tốt. Có loại ngựa tốt đóng vào xe làm xe thăng bằng, nhìn thấy bóng roi liền chạy nhanh, biết cách nhìn những động tác người điều khiển, nhanh chậm, phải trái theo ý người điều khiển. Này Tỳ-kheo, đó là cái đức thứ nhất của con ngựa tốt thế gian.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, thế gian có loại ngựa tốt không thể nhìn bóng roi mà tự sợ hãi, nhưng nếu dùng roi gậy chạm vào lông đuôi của nó, có thể làm cho nó sợ hãi chạy nhanh, tùy theo ý của người điều khiển mà chạy nhanh hay chậm, bên phải hay bên trái. Đó gọi là loại ngựa tốt thứ hai thế gian.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, hoặc thế gian có loại ngựa tốt không thể nhìn bóng roi hay để chạm vào lông da mới có thể theo ý người, mà phải dùng đến roi gậy đánh nhẹ vào da thịt, mới có thể sợ hãi chạy, theo ý người điều khiển, chạy nhanh hay chậm, bên phải hay bên trái, này Tỳ-kheo, đó gọi là ngựa tốt thứ ba.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, thế gian có loại ngựa tốt không thể nhìn bóng roi và chạm vào lông da, hay đánh nhẹ vào da thịt, mà phải dùng dùi sắt đâm vào thân, xuyên suốt qua da, đả thương xương cốt, khi đó ngựa mới kinh hãi kéo xe, trên đường chậm hay nhanh, phải hay trái theo ý người điều khiển, đó gọi là loại ngựa tốt thứ tư của thế gian.
“Cũng vậy, trong Chánh pháp luật cũng có bốn hàng thiện nam. Những gì là bốn? Hàng thiện nam khi nghe những người nam người nữ chòm xóm láng giềng khác bị tật bệnh khốn khổ cho đến sắp chết; nghe vậy liền phát sanh lòng sợ hãi với chánh tư duy, như con ngựa tốt kia chỉ cần nhìn bóng roi là điều khiển nó được. Đó gọi là hàng thiện nam thứ nhất ở trong Chánh pháp luật có khả năng tự điều phục.
“Lại nữa, có hàng thiện nam không do nghe những người nam người nữ chòm xóm láng giềng khác bị khổ vì lão bệnh tử sanh lòng sợ hãi với chánh tư duy, nhưng phải thấy những người nam người nữ chòm xóm láng giềng khác bị khổ vì lão bệnh tử thì mới sanh lòng sợ hãi với chánh tư duy, như con ngựa tốt kia cần chạm vào lông đuôi của nó, thì có thể nhanh chóng điều phục theo ý người điều khiển. Đó gọi là hàng thiện nam thứ hai ở trong Chánh pháp luật có khả năng tự điều phục.
“Lại nữa, có hàng thiện nam không do nghe, thấy những người nam nữ chòm xóm láng giềng khác bị khổ vì lão bệnh tử mà sanh lòng sợ hãi với chánh tư duy; nhưng vì thấy thành ấp chòm xóm có những người quen biết, thân thuộc bị khổ vì lão bệnh tử nên sanh lòng sợ hãi với chánh tư duy. Như con ngựa tốt kia, phải bị roi chạm vào da thịt, sau đó mới chịu theo ý điều phục người điều khiển, đó gọi là hàng thiện nam ở trong Chánh pháp luật có thể tự điều phục.
“Lại nữa, có hàng thiện nam không do nghe thấy những người nam nữ chòm xóm láng giềng khác và những người thân thuộc bị khổ vì lão bệnh tử nên sanh lòng sợ hãi với chánh tư duy; nhưng chính tự thân bị khổ vì lão bệnh tử mới sanh lòng nhàm tởm sợ hãi với chánh tư duy. Như con ngựa tốt kia, phải bị đâm vào da thịt thấu xương cốt, sau đó mới chịu theo ý điều phục của người điều khiển, thì đó gọi là hàng thiện nam thứ tư ở trong Chánh pháp luật có thể tự điều phục.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 923. CHỈ-THI[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ, có người luyện ngựa tên là Chỉ-thi[10] đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Con coi thế gian thật là đáng khinh miệt, giống như bầy dê. Thế Tôn! Chỉ có con mới có khả năng điều phục ngựa điên, ngựa hoang, ngựa dữ. Con có phương pháp, chỉ cần trong giây lát là có thể khiến cho những chứng tật của chúng hiện ra và tùy theo tật đó mà có cách điều phục.”
Phật bảo chủ tụ lạc luyện ngựa:
“Ông có bao nhiêu cách để điều phục ngựa?”
Người luyện ngựa bạch Phật:
“Có ba cách để điều phục ngựa dữ. Những gì là ba? Một là mềm dịu, hai là thô cứng, ba là vừa mềm dịu vừa thô cứng.”
Phật bảo chủ tụ lạc:
“Ông dùng ba phương cách này để điều phục ngựa, nếu không điều phục được, thì nên làm thế nào.”
Người luyện ngựa bạch Phật:
“Nếu không điều phục được, thì nên giết nó. Vì sao? Vì chớ để nó làm nhục mình.”
Người luyện ngựa lại bạch Phật:
“Thế Tôn là Bậc Vô Thượng Điều Ngự Trượng Phu[11]. Ngài đã dùng bao nhiêu phương pháp để điều ngự trượng phu?”
Phật bảo chủ tụ lạc:
“Ta cũng dùng ba cách để điều phục trượng phu. Những gì là ba? Một là một mực mềm dịu, hai là một mực thô cứng, ba là vừa mềm dịu vừa thô cứng.”
Phật bảo tiếp chủ tụ lạc:
“Một mực mềm dịu là, như nói rằng: ‘Đây là thiện hành của thân; đây là quả báo của thân thiện hành. Đây là thiện hành của miệng, ý; đây là quả báo của miệng, ý thiện hành. Đây gọi là trời. Đây gọi là người. Đây gọi là sự hóa sanh nơi cõi thiện. Đây gọi là Niết-bàn’. Đó gọi là một mực mềm dẻo.
“Một mực thô cứng là, như nói: ‘Đây là ác hành của thân; đây là quả báo của thân ác hành. Đây là ác hành của miệng, ý; đây là quả báo của miệng, ý các hành. Đây gọi là địa ngục. Đây gọi là ngạ quỷ. Đây gọi là súc sanh. Đây gọi là ác thú. Đây gọi là đọa ác thú’. Đó là sự giáo hóa thô cứng của Như Lai.
“Vừa mềm dịu vừa thô cứng là có lúc thiện hành của thân; có lúc nói quả báo của thiện hành của thân. Có lúc nói thiện hành của miệng, ý; có lúc nói quả báo thiện hành của miệng, ý. Có lúc nói ác hành của thân; có lúc nói quả báo ác hành của thân. Có lúc nói ác hành của miệng, ý; có lúc nói quả báo ác hành của miệng, ý. Như vậy gọi là trời, như vậy gọi là người, như vậy gọi là đường lành, như vậy gọi là Niết-bàn; như vậy gọi là địa ngục, như vậy gọi là súc sanh, ngạ quỷ, như vậy gọi là đường ác, như vậy gọi là đọa đường ác.’ Đó gọi là sự giáo hóa vừa mềm dịu vừa thô cứng của Như Lai.”
Người luyện ngựa bạch Phật:
“Thế Tôn! Nếu dùng ba phương pháp này để điều phục chúng sanh, nhưng nếu không điều phục được thì phải như thế nào?”
Phật bảo chủ tụ lạc:
“Cũng phải giết họ đi. Vì sao? Vì không nên để họ làm nhục Ta.”
Người luyện ngựa bạch Phật:
“Đối với pháp của Thế Tôn, nếu sát sanh thì không thanh tịnh. Trong pháp của Thế Tôn cũng không cho sát sanh, mà nay lại bảo giết, vậy ý nghĩa của nó thế nào?”
Thế Tôn bảo chủ tụ lạc:
“Đúng vậy, đúng vậy! Trong pháp của Như Lai sát sanh là không thanh tịnh; trong pháp của Như Lai cũng không cho sát sanh. Nhưng trong pháp của Như Lai nếu dùng ba phương pháp để giáo dục, vẫn không điều phục được, Ta sẽ không nói đến họ, không dạy, không nhắc nữa. Chủ tụ lạc, ý ông thế nào? Trong pháp Như Lai, không nói đến họ, không dạy, không nhắc nữa, há không phải là giết sao?”
Người luyện ngựa bạch Phật:
“Thật vậy, bạch Thế Tôn, không nói đến họ, vĩnh viễn không dạy, không nhắc nữa thì đích thị họ đã chết rồi! Vì vậy cho nên, từ ngày hôm nay tôi lìa các nghiệp ác bất thiện.”
Phật bảo chủ tụ lạc:
“Lành thay những lời này!”
Người chủ tụ lạc luyện ngựa Chỉ-thi nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, lễ dưới chân rồi lui.
KINH 924. HỮU QUÁ[12]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ngựa thế gian có tám cách thái[13]. Những gì là tám? Khi ngựa dữ kéo xe, thì chân sau đá người, chân trước quỳ xuống đất, đầu lúc lắc, cắn người. Đó gọi là cách thái thứ nhất của ngựa thế gian. Lại nữa, khi ngựa dữ kéo xe, cúi đầu xuống làm rung ách. Đó gọi là cách thái thứ hai của ngựa dữ thế gian. Lại nữa, khi ngựa dữ thế gian kéo xe thì mang xe xuống lề đường mà đi, hoặc làm cho xe nghiêng khiến cho nó bị lật. Đó gọi là cách thái thứ ba. Lại nữa, khi ngựa dữ thế gian kéo xe, ngẩng đầu lên mà chạy đi. Đó gọi là cách thái thứ tư của ngựa dữ thế gian. Lại nữa, khi ngựa dữ thế gian kéo xe, mới bị ít roi gậy, thì hoặc làm cho đứt dây cương, hay bứt dàm, chạy ngang chạy dọc. Đó gọi là cách thái thứ năm. Lại nữa, khi ngựa dữ thế gian kéo xe, giơ hai chân trước lên làm như người đứng. Đó là cách thái thứ sáu. Lại nữa, khi ngựa dữ thế gian kéo xe, phải dùng roi gậy mới chịu đứng yên, không động. Đó là cách thái thứ bảy. Lại nữa, khi ngựa dữ thế gian kéo xe, bốn chân chụm lại, phục sát đất không chịu đứng lên. Đó gọi là cách thái thứ tám.
“Con người dữ[14] của thế gian cũng vậy, ở trong Chánh pháp luật có tám điều lỗi. Những gì là tám? Hoặc Tỳ-kheo, khi bị các vị Phạm hạnh cử tội bởi thấy, nghe, nghi; người kia sân giận, chỉ trích trở lại người cử tội rằng: ‘Thầy ngu si, không biết, không tốt. Người ta vừa cử tội thầy, sao thầy lại cử tội tôi?’ Như con ngựa dữ kia hai chân sau chõi lui, hai chân trước quỵ xuống đất, làm đứt cương, gãy ách. Đây gọi là lỗi thứ nhất của con người trong Chánh pháp luật.
“Lại nữa, Tỳ-kheo khi bị các vị phạm hạnh cử tội bởi thấy, nghe, nghi; liền trở lại cử tội người kia, giống như ngựa dữ cứng cổ làm gãy ách. Đây gọi là lỗi thứ hai của con người trong Chánh pháp luật.
“Lại nữa, Tỳ-kheo khi bị các vị phạm hạnh cử tội bởi thấy, nghe, nghi; nhưng không dùng lời đứng đắn đáp lại, mà nói sang chuyện khác, hay không nhẫn, sân nhuế, kiêu mạn, che giấu, hiềm hận, làm những chuyện vô lý, như ngựa dữ kia không đi đường thẳng làm cho xe lật úp. Đây gọi là lỗi thứ ba của con người trong Chánh pháp luật.
“Lại nữa, Tỳ-kheo khi bị các vị phạm hạnh cử tội bởi thấy, nghe, nghi; khiến cho người kia nhớ lại, nhưng lại nói rằng: ‘Tôi chẳng nhớ’ ngang ngạnh không phục, như ngựa dữ kia bước thụt lùi. Đây gọi là lỗi thứ tư của con người trong Chánh pháp luật.
“Lại nữa, Tỳ-kheo khi bị các vị phạm hạnh cử tội bởi thấy, nghe, nghi; bèn khinh miệt, không kể gì đến người khác, cũng không kể gì đến chúng Tăng, tùy ý ôm y bát bỏ đi, như ngựa dữ kia bị ăn roi gậy, bỏ chạy dọc ngang. Đây gọi là lỗi thứ năm của con người trong Chánh pháp luật.
“Lại nữa, Tỳ-kheo khi bị các vị phạm hạnh cử tội bởi thấy, nghe, nghi; họ ngồi trên giường cao tranh luận quanh co với các Thượng tọa, như ngựa dữ kia đứng hai chân như người. Đây gọi là lỗi thứ sáu của con người trong Chánh pháp luật.
“Lại nữa, Tỳ-kheo khi bị các vị phạm hạnh cử tội bởi thấy, nghe, nghi; họ im lặng không đáp, để xúc não đại chúng, như ngựa dữ kia bị roi gậy vẫn trơ trơ không động. Đây gọi là lỗi thứ bảy của con người trong Chánh pháp luật.
“Lại nữa, Tỳ-kheo khi bị các vị phạm hạnh cử tội bởi thấy, nghe, nghi; người bị cử tội liền xả giới, tự sanh thoái thất, đến trước cửa chùa nói rằng: ‘Ông mặc nhiên mà sống hoan hỷ khoái lạc, tôi tự xả giới lui về,’ như con ngựa dữ kia bốn chân chụm lại, phục sát đất không động. Đây gọi là lỗi thứ tám của con người trong Chánh pháp luật.
Đó gọi là Tỳ-kheo đối trong Chánh pháp luật có tám điều lỗi lầm của con người.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 925. BÁT CHỦNG ĐỨC[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ngựa tốt ở thế gian thành tựu được tám đức, theo ý muốn của người, đi đường nhiều ít[16]. Những gì là tám? Sanh nơi quê hương của giống ngựa tốt[17]. Đó là đức thứ nhất của ngựa tốt.
“Lại nữa, thể tánh ôn hòa, không làm người kinh sợ[18]. Đó là đức thứ hai của ngựa tốt.
“Lại nữa, ngựa tốt không lựa chọn đồ ăn thức uống. Đó là đức thứ ba của ngựa tốt.
“Lại nữa, ngựa tốt ghê tởm chỗ nhơ không sạch, chọn đất sạch để nằm. Đó là đức thứ tư của ngựa tốt.
“Lại nữa, ngựa tốt luôn thể hiện tính tình thái độ nhạy cảm trước người huấn luyện[19], Mã sư sẽ luyện tập cho nó bỏ những thái độ này. Đó là đức thứ năm của ngựa tốt.
“Lại nữa, ngựa tốt khi đã đóng vào xe, sẽ không để ý những con ngựa khác; tùy cỗ xe nặng nhẹ mà tận dụng sức lực của mình. Đó là đức thứ sáu của ngựa tốt.
“Lại nữa, ngựa tốt thường theo đường chánh, không đi lạc đường. Đó là đức thứ bảy của ngựa tốt.
“Lại nữa, ngựa tốt dù bị bệnh, hoặc già yếu vẫn gắng sức kéo xe không chán, không mệt. Đó là đức thứ tám của ngựa tốt.
“Cũng vậy, trượng phu[20] trong Chánh pháp luật cũng thành tựu được tám đức, nên biết đó là bậc Hiền sĩ[21]. Những gì là tám? Bậc Hiền sĩ an trụ chánh giới, luật nghi Ba-la-đề-mộc-xoa[22], có đủ oai nghi hành xử; thấy tội vi tế thường sanh lòng sợ hãi, giữ gìn học giới. Đó là đức thứ nhất của trượng phu trong Chánh pháp luật.
“Lại nữa, trượng phu tính tự hiền thiện, khéo điều phục, khéo an trụ, chẳng làm phiền, không làm sợ hãi phạm hạnh khác. Đó là đức thứ hai của trượng phu.
“Lại nữa, trượng phu đi khất thực, theo thứ lớp, tùy theo những gì nhận được, dù ngon hay dở, tâm vẫn bình đẳng, không hiềm, không đắm trước. Đó là đức thứ ba của trượng phu.
“Lại nữa, trượng phu sanh tâm yểm ly các nghiệp ác nơi thân, miệng, ý, các pháp ác bất thiện, cùng các phiền não, chúng dẫn đến thọ nhận các báo khổ nhiệt não nhiều lần; đối với sự sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trong đời vị lai lại càng yểm ly. Đó là đức thứ tư của trượng phu.
“Lại nữa, trượng phu nếu có lỗi lầm của Sa-môn, mà quanh co, không chân thật, hãy nhanh chóng trình lên Đại Sư và thiện tri thức; Đại Sư thuyết pháp chắc chắn sẽ trừ dứt[23]. Đó là đức thứ năm của vị trượng phu.
“Lại nữa, trượng phu tâm cầu học có đủ, nghĩ như vầy: ‘Giả sử người khác có học hay không học, ta cũng phải học. Đó là đức thứ sáu của trượng phu.
“Lại nữa, trượng phu thực hành tám Chánh đạo, chẳng thực hành phi đạo. Đó là đức thứ bảy của trượng phu.
“Lại nữa, trượng phu suốt đời nỗ lực tinh cần, không chán, không mệt. Đó là đức thứ tám của trượng phu.
“Trượng phu thành tựu tám đức như vậy, tùy thuộc vào sự thực hành của mình mà có thể tiến triển nhanh chóng.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 926. SẰN-ĐÀ CA-CHIÊN-DIÊN[24]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong tinh xá Thâm cốc tại làng Na-lê[25]. Bấy giờ Thế Tôn bảo Sằn-đà Ca-chiên-diên[26]:
“Nên tu thiền chân thật, chớ tập thiền ngang ngạnh[27]. Như ngựa ngang ngạnh, cột nơi cạnh máng cỏ chuồng ngựa, nó không nghĩ: ‘Ta phải làm gì? Ta không phải làm gì?’ mà chỉ nghĩ đến thóc và cỏ. Cũng vậy, trượng phu tu tập nhiều với tham dục triền[28], cho nên, vị kia bằng tâm tham dục mà tư duy, không biết như thật con đường xuất ly[29], tâm thường rong ruỗi, tùy theo tham dục triền mà cầu chánh thọ. Đối với sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi, tuy tu tập nhiều, cho nên, đối với đạo xuất ly không biết như thật; với tâm bị trùm kín bởi nghi[30] mà tư duy để cầu chánh thọ.
“Này Sằn-đà, nếu thật là ngựa thuần giống[31] thì khi cột nơi cạnh máng cỏ chuồng ngựa, nó chẳng nghĩ đến cỏ, nước, mà chỉ nghĩ đến việc kéo xe. Cũng vậy, trượng phu không niệm tưởng tham dục triền mà an trụ[32], biết như thật sự xuất ly; không với tham dục triền mà cầu chánh thọ; cũng không bị quấn chặt bởi sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi, mà phần nhiều an trụ vào xuất ly; biết như thật về các triền sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi; không với nghi triền mà cầu chánh thọ.
“Như vậy, Sằn-đà, Tỳ-kheo thiền như vậy không y cứ vào đất tu thiền, không y cứ vào nước, gió, lửa, không, thức, vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng mà tu thiền; không y cứ vào thế giới này, không y cứ vào thế giới khác, không phải mặt trời, mặt trăng, không phải thấy, nghe, cảm, biết, không phải đắc, không phải cầu, không phải tùy giác[33], không phải tùy quán mà tu thiền. Này Sằn-đà, nếu Tỳ-kheo nào tu thiền như vậy, những Thiên chủ Y-thấp-ba-la[34], Ba-xà-ba-đề[35] đều cung kính, chắp tay, cúi đầu, làm lễ mà nói kệ tán thán:
Nam-mô Đại sĩ phu!
Nam-mô Đại sĩ phu!
Vì tôi không thể biết,
Ngài nương đâu mà thiền!
Bấy giờ, Tôn giả Bạt-ca-lợi đang đứng sau Phật cầm quạt hầu Phật. Bạt-lợi-ca liền bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo làm sao nhập thiền mà không y cứ vào đất, nước, lửa, gió… cho đến giác quán mà tu thiền định? Làm sao Tỳ-kheo tu thiền được những Thiên chủ Y-thấp-ba-la, Ba-xà-ba-đề chắp tay, cung kính, cúi đầu, làm lễ và nói kệ tán thán:
Nam-mô Đại sĩ phu!
Nam-mô Đại sĩ phu!
Vì tôi không thể biết,
Ngài nương đâu mà thiền!
Phật bảo Tỳ-kheo Ba-lợi-ca:
“Tỳ-kheo, đối với địa tưởng có thể điều phục địa tưởng[36], đối với thủy, hỏa, phong tưởng, Vô lượng không nhập xứ tưởng, Thức nhập xứ tưởng, Vô sở hữu xứ nhập xứ tưởng, Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ tưởng; thế giới này, thế giới khác, mặt trời, mặt trăng, thấy, nghe, cảm, biết; hoặc đắc, hoặc cầu, hoặc giác, hoặc quán, đều điều phục các tưởng kia.
“Này Bạt-ca-lợi, Tỳ-kheo tu thiền như vậy, không y cứ vào đất, nước, lửa, gió… cho đến không y cứ vào giác, quán để tu thiền. Này Bat-lợi-ca, Tỳ-kheo nào tu thiền như vậy, thì các Thiên chủ Y-thấp-bà-la, Ba-xà-ba-đề đều cung kính, chắp tay, cúi đầu làm lễ và nói kệ tán thán:
Nam-mô Đại sĩ phu!
Nam-mô Đại sĩ phu!
Vì tôi không thể biết,
Ngài nương đâu mà thiền!
Khi nghe Phật nói kinh này, thì Tỳ-kheo Sằn-đà Ca-chiên-diên xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Tỳ-kheo Bạt-lợi-ca không còn khởi các lậu, tâm được giải thoát.
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo Bạt-ca-lợi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 927. ƯU-BÀ-TẮC[37]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ[38]. Bấy giờ có người họ Thích, là Ma-ha-nam[39] đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc[40]?”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Có đủ tướng người nam, ở tại gia, sống trong sạch, tu tập thanh bạch, nói rằng: ‘Nay, suốt đời con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, làm Ưu-bà-tắc. Xin chứng tri cho con!’ Đó gọi là Ưu-bà-tắc.
Ma-ha-nam bạch Phật:
“Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc có đủ tín[41]?”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Ưu-bà-tắc lấy chánh tín đối với Như Lai làm gốc, kiên cố, khó lay chuyển, mà các Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm và người thế gian không ai có thể phá hoại được. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-ba-tắc có đủ tín.”
Ma-ha-nam bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc có giới đầy đủ[42]?”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Ưu-bà-tắc lìa bỏ sát sanh, không cho mà lấy, tà dâm, nói dối, uống rượu, không vui thích làm những điều này nữa. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-bà-tắc có giới đầy đủ.
Ma-ha-nam bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc có nghe đầy đủ[43]?”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Ưu-bà-tắc có nghe đầy đủ là, khi nghe rồi, có thể ghi giữù, có thể tích tập. Nếu những gì Phật nói khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch, người ấy đều có khả năng thọ trì. Đó gọi là Ưu-bà-tắc có nghe đầy đủ.”
Ma-ha-nam bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc có thí xả đầy đủ[44]?”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Ưu-ba-tắc có thí xả đầy đủ là khi bị xan cấu trói buộc, tâm lìa xan cấu, sống không nhà[45], tu bố thí giải thoát, tinh cần bố thí, thường hành bố thí, ưa xả tài vật, bố thí bình đẳng. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-bà-tắc có xả đầy đủ.”
Ma-ha-nam bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc có trí tuệ đầy đủ?”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Ưu-bà-tắc có trí tuệ đầy đủ là, biết như thật rằng ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo’. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-bà-tắc có trí tuệ đầy đủ.”
Ma-ha-nam họ Thích nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ rồi lui.
KINH 928. THÂM DIỆU CÔNG ĐỨC[46]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Câu-ni-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ có người họ Thích, là Ma-ha-nam cùng với năm trăm Ưu-bà-tắc đi đến chỗ Phật đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch phật:
“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc?”
Phật đáp:
“Ưu-bắc-tắc là người sống trong sạch tại gia… cho đến suốt đời quy y Tam bảo, làm Ưu-bà-tắc. Xin chứng tri cho con.”
Ma-ha-nam bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc Tu-đà-hoàn[47]?”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Ưu-bà-tắc Tu-đà-hoàn là vị mà ba kết sử: thân kiến, giới thủ, nghi, đã đoạn tận, đã biến tri. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-bà-tắc Tu-đà-hoàn.”
Ma-ha-nam bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc Tư-đà-hàm?”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Ưu-bà-tắc Tư-đà-hàm là vị mà ba hạ phần kết sử đã đoạn tận, đã biến tri; tham dục, sân nhuế, ngu si đã mỏng. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-ba-tắc Tư-đà-hàm.”
Ma-ha-nam bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc A-na-hàm?”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Ưu-bà-tắc A-na-hàm là vị mà năm hạ phần kết sử tức thân kiến, giới cấm thủ, nghi, tham dục, sân nhuế, đã đoạn tận, đã biến tri. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-bà-tắc A-na-hàm[48].”
Bấy giờ, Ma-ha-nam quay nhìn năm trăm Ưu-bà-tắc nói rằng:
“Kỳ thay các vị Ưu-bà-tắc, sống tại gia thanh bạch, lại được công đức sâu xa như vậy!”
Khi Ưu-bà-tắc Ma-ha-nam nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ rồi lui.
KINH 929. NHẤT THIẾT SỰ[49]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ, có người họ Thích, là Ma-ha-nam đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc?”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Ưu-bà-tắc là người sống tại gia trong sạch,… cho đến suốt đời quy y Tam bảo, làm Ưu-bà-tắc. Xin chứng tri cho con.”
Ma-ha-nam bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, sao là làm thành mãn tất cả sự của Ưu-bà-tắc?”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Nếu Ưu-bà-tắc nào có tín, nhưng không có giới, đó là không đủ, mà hãy nỗ lực tinh cần, đủ tịnh giới. Có đủ tín và giới, nhưng không bố thí thì cũng chưa đủ; vì chưa đủ nên phải nỗ lực tinh cần, tu tập bố thí để làm được đủ. Tín, giới và thí đã đầy, nhưng nếu không tùy thời đến Sa-môn để lắng nghe lãnh thọ Chánh pháp, thì vẫn chưa đủ. Vì chưa đủ cho nên phải nỗ lực tinh cần. Tùy thời đến chùa tháp, nhưng gặp các Sa-môn mà không một lòng lắng nghe lãnh thọ Chánh pháp, thì vẫn chưa đủ. Tín, giới, thí và nghe tu tập đã đầy, nhưng nghe rồi mà không ghi giữ, thì vẫn chưa có đủ; vì không đủ nên phải nỗ lực tinh cần. Tùy thời đến Sa-môn, chuyên tâm lắng nghe pháp, nghe rồi thì phải khéo ghi giữ. Nếu không thể quán sát nghĩa lý sâu xa của các pháp, thì đó chưa phải là đủ; vì không có đủ nên phải nỗ lực tinh cần hơn, làm cho có đủ. Tín, giới, bố thí, nghe, nghe rồi thì khéo ghi giữ, ghi giữ rồi quán sát nghĩa lý sâu xa, mà không tùy thuận để biết hướng đến pháp và thứ pháp[50], thì đó vẫn chưa có đủ; vì chưa có đủ nên phải nỗ lực tinh cần. Tín, giới, bố thí, nghe, ghi giữ, quán sát, hiểu rõ nghĩa lý sâu xa và tùy thuận thực hành hướng đến pháp, thứ pháp. Ma-ha-nam, đó gọi là có đủ tất cả sự của Ưu-bà-tắc.”
Ma-ha-nam bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, sao là Ưu-bà-tắc hay tự an ủy mình[51], chẳng an ủy người khác[52]?”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Nếu Ưu-bà-tắc nào có thể tự mình đứng vững trong giới nhưng không thể khiến cho người đứng vững trong chánh giới; tự mình giữ tịnh giới, nhưng không thể khiến cho người khác giữ giới có đủ; tự mình làm việc bố thí, nhưng không thể xác lập bố thí nơi người khác; tự mình đi chùa tháp, đến gặp các Sa-môn, nhưng không thể khuyên người khác đi chùa tháp, đến gặp Sa-môn; tự mình chuyên nghe pháp, nhưng không thể khuyên người thích nghe Chánh pháp; nghe Chánh pháp tự mình thọ trì, nhưng không thể khiến người khác thọ trì Chánh pháp; tự mình có thể quán sát nghĩa lý sâu xa, nhưng không thể khuyên người quán sát nghĩa lý sâu xa; tự mình biết pháp sâu xa có thể tùy thuận thực hành hướng đến pháp, thứ pháp, nhưng không thể khuyên người khiến họ tùy thuận thực hành hướng đến pháp, thứ pháp.
Này Ma-ha-nam, người thành tựu tám pháp như vậy, thì đó gọi là Ưu-bà-tắc có thể tự an ủy, nhưng không thể an ủy người khác.”
Ma-ha-nam bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Ưu-bà-tắc thành tựu bao nhiêu pháp để tự an ủyï và giúp người được an ủy?”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Nếu Ưu-bà-tắc nào thành tựu mười sáu pháp, đó gọi là Ưu-bà-tắc tự an ủy và giúp người được an ủy.”
“Những gì là mười sáu pháp?
“Này Ma-ha-nam, nếu Ưu-bà-tắc đủ có chánh tín và cũng xác lập cho người khác; tự mình giữ tịnh giới, cũng xác lập tịnh giới cho người khác; tự mình hành bố thí và dạy người hành bố thí; tự mình đến chùa tháp gặp các Sa-môn, cũng dạy người khác đến gặp các Sa-môn; tự mình chuyên cần nghe pháp, cũng dạy người nghe; tự mình thọ trì pháp và dạy người khác thọ trì; tự mình quán sát nghĩa dạy người quán sát; tự mình biết nghĩa lý sâu xa tùy thuận tu, hành pháp thứ, pháp hướng, cũng lại dạy người hiểu rõ nghĩa lý sâu xa, tùy thuận tu hành hướng đến pháp, thứ pháp. Này Ma-ha-nam, người nào thành tựu mười sáu pháp như vậy, được gọi là Ưu-bà-tắc có thể tự an ủy và làm người khác được an ủy.
“Này Ma-ha-nam, nếu Ưu-bà-tắc nào thành tựu mười sáu pháp như vậy, thì tất cả người trong các chúng Bà-la-môn, chúng Sát-lợi, chúng Trưởng giả, chúng Sa-môn đều đến chỗ họ. Ở trong các chúng này, oai đức của họ sáng chói. Giống như mặt trời, ánh sáng chiếu soi cả sáng, trưa, chiều. Cũng vậy, Ưu-bà-tắc nào thành tựu mười sáu pháp, thì oai đức họ cũng tỏ rạng cả đầu, giữa và cuối. Như vậy, này Ma-ha-nam, nếu Ưu-bà-tắc nào thành tựu mười sáu pháp thì đó là một điều mà thế gian khó thành tựu được.”
Phật nói kinh này xong, Ma-ha-nam dòng họ Thích nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ rồi lui.
KINH 930. TỰ KHỦNG[53]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ, Ma-ha-nam họ Thích đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nước Ca-tỳ-la-vệ này đang an ổn thịnh vượng, nhân dân phát đạt. Mỗi khi con ra vào, người vật theo hai bên, nào voi điên, người điên, xe điên, thường cùng đi với chúng. Con tự sợ là mình phải cùng sống, cùng chết với bọn điên cuồng này mà quên mất niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tỳ-kheo Tăng. Con tự nghĩ, sau khi mạng chung sẽ sanh vào nơi nào?”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Đừng sợ hãi! Đừng sợ hãi! Sau khi mạng chung ông sẽ không sanh đường dữ, cũng không chết dữ. Thí như cây lớn thuận xuống, nghiêng xuống, chúi xuống, nếu chặt gốc rễ, sẽ ngã về nơi nào?”
Ma-ha-nam bạch Phật:
“Về phía thuận xuống, nghiêng xuống, chúi xuống.”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Ma-ha-nam cũng như vậy, khi mạng chung không sanh đường dữ, cũng không chết dữ. Vì sao? Vì ông đã lâu dài tu tập niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tỳ-kheo Tăng, nên sau khi mạng chung, thân này bị hỏa thiêu, hay bỏ ngoài nghĩa địa, bị gió táp, nắng thiêu lâu ngày thành tro bụi, nhưng vì tâm ý thức đã lâu dài từ trước được huân tập bởi chánh tín, bởi tịnh giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, nên thần thức sẽ hướng lên cõi an lạc, đời sau sanh về cõi trời.”
Sau khi Ma-ha-nam nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ rồi lui.
KINH 931. TU TẬP TRỤ[54]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ, Ma-ha-nam dòng họ Thích đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo còn ở nơi học địa mà cầu lên Niết-bàn an ổn chưa được, bạch Thế Tôn, người ấy nên tu tập thế nào, tu tập nhiều, để ở trong Pháp luật này được hết các lậu, tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự tri tự tác chứng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau[55]’?”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Nếu Tỳ-kheo còn nơi học địa mà cầu lên Niết-bàn an ổn chưa được, thì Tỳ-kheo ấy lúc bấy giờ, nên tu sáu niệm,… cho đến lên được Niết-bàn. Thí như người đói khát, thân thể ốm yếu, được thức ăn ngon, thân thể mập mạp. Cũng vậy Tỳ-kheo trụ nơi học địa, cầu con đường lên Niết-bàn an ổn chưa được, nên tu sáu tùy niệm… cho đến chóng đắc Niết-bàn an ổn.
“Những gì là sáu niệm?
“Đối với Phật sự, Thánh đệ tử niệm tưởng: Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Thánh đệ tử lúc nhớ nghĩ như vậy không khởi tham dục triền, không khởi tâm sân nhuế, ngu si, tâm chánh trực, đạt nghĩa Như Lai[56] và được Chánh pháp của Như Lai. Đối với Chánh pháp Như Lai và đối với Như Lai đạt được tâm tùy hỷ[57]. Do tâm tùy hỷ nên hoan hỷ. Do tâm hoan hỷ nên thân khinh an. Do thân khinh an nên được cảm giác lạc. Do được cảm giác lạc nên tâm được định. Do tâm đã định nên vị Thánh đệ tử này dù ở giữa những chúng sanh hung hiểm[58] mà không bị các chướng ngại, được vào dòng nước pháp… cho đến Niết-bàn.
“Lại nữa, đối với Pháp sự, Thánh đệ tử niệm tưởng: Pháp luật của Thế Tôn, ngay trong đời này[59] có thể lìa nhiệt não sanh tử, không đợi thời tiết, thông đạt hiện pháp, duyên tự mình mà giác tri. Thánh đệ tử niệm pháp như vậy, không khởi tham dục, sân nhuế, ngu si… cho đến ý nhớ nghĩ pháp được huân tập, thăng tiến Niết-bàn.
“Lại nữa, đối với Tăng sự, Thánh đệ tử niệm tưởng: Đệ tử Thế Tôn là những vị thiện hướng, chánh hướng, trực hướng, thành hướng[60], hành pháp tùy thuận, có hướng Tu-đà-hoàn, đắc Tu-đà-hoàn; hướng Tư-đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm, hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm, hướng A-la-hán, đắc A-la-hán, là bốn đôi tám bậc Hiền thánh. Đó gọi là đệ tử Tỳ-kheo Tăng, tịnh giới có đủ, tam-muọâi có đủ, trí tuệ có đủ, giải thoát có đủ, giải thoát tri kiến có đủ của Thế Tôn; đáng được tôn nghinh, thừa sự cúng dường, là ruộng phước tốt. Thánh đệ tử khi niệm tưởng Tăng sự như vậy thì không khởi tham dục, sân nhuế, ngu si… cho đến niệm tưởng Tăng được huân tập, thăng tiến Niết-bàn.
“Lại nữa, đối với Tịnh giới sự, Thánh đệ tử niệm tưởng: Giới không hoại, giới không khuyết, giới không nhơ, giới không tạp, giới không bị nô lệ[61], giới được khéo hộ trì, giới được người sáng suốt ca ngợi, giới được người trí không nhàm chán. Thánh đệ tử khi niệm tưởng giới như vậy, không khởi tham dục, sân nhuế, ngu si… cho đến niệm tưởng giới được huân tập, thăng tiến Niết-bàn.
“Lại nữa, đối với Bố thí sự, Thánh đệ tử tự niệm tưởng: Ta được lợi lộc tốt, giữa những chúng sanh xan cấu mà ta lìa được tâm xan cấu, sống không nhà[62], thực hành bố thí giải thoát, thường tự tay bố thí; thích pháp hành xả, bố thí bình đẳng có đủ. Lúc Thánh đệ tử niệm tưởng bố thí như vậy, không khởi tham dục, sân nhuế, ngu si,… cho đến niệm tưởng bố thí được huân tập, thăng tiến Niết-bàn.
“Lại nữa, đối với chư Thiên, Thánh đệ tử niệm tưởng: Có Tứ đại thiên vương, Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa tự tại thiên. Nếu người nào có lòng chánh tín, khi mệnh chung ở đây sẽ sanh lên các cõi trời kia. Ta cũng sẽ thực hành chánh tín này. Vị kia có tịnh giới, thí, văn, xả, tuệ đến khi mệnh chung ở đây đã sanh lên cõi trời kia. Nay ta cũng sẽ thực hành giới, thí, văn, xả, tuệ này. Thánh đệ tử niệm tưởng thiên như vậy, không khởi tham dục, sân nhuế, ngu si, tâm chánh trực duyên đến (nhớ nghĩ) chư Thiên. Thánh đệ tử kia do trực tâm như vậy mà đạt được pháp lợi, nghĩa lợi sâu xa, được tùy hỷ lợi ích của chư Thiên. Do tùy hỷ nên sanh hoan hỷ. Do hoan hỷ nên thân khinh an. Do thân đã khinh an nên được cảm giác lạc. Do được cảm giác lạc rồi nên tâm được định. Do tâm đã định nên vị Thánh đệ tử này dù ở giữa những chúng sanh hung hiểm cũng không bị các chướng ngại, được vào dòng nước pháp. Vì niệm tưởng chư Thiên được huân tập, nên thăng tiến Niết-bàn.
“Này Ma-ha-nam, nếu Tỳ-kheo nào còn ở học địa, muốn cầu lên Niết-bàn an lạc, mà tu tập nhiều như vậy, tất chóng được Niết-bàn, ở trong Chánh pháp luật các lậu nhanh chóng diệt tận, tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, nhưng việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Ma-ha-nam nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui.
KINH 932. THẬP NHẤT[63]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ có nhiều Tỳ-kheo tụ tập tại nhà ăn, vá y cho Thế Tôn. Lúc ấy Thích Ma-ha-nam nghe các Tỳ-kheo tụ tập tại nhà ăn vá y cho Thế Tôn nói rằng: ‘Không bao lâu, sau ba tháng an cư, khi vá y xong, Thế Tôn sẽ đắp y, mang bát, du hành trong nhân gian.’ Nghe xong, Ma-ha-nam đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Thế Tôn, cả người con bất an, bốn phương mờ mịt, pháp đã nghe đều quên hết. Vì nghe các Tỳ-kheo tụ tập tại nhà ăn, vá y cho Thế Tôn, nói rằng: ‘Không bao lâu, sau ba tháng an cư, khi vá y xong, Thế Tôn sẽ đắp y, mang bát, du hành trong nhân gian.’ Cho nên nay con suy nghĩ: ‘Lúc nào mới gặp lại được Thế Tôn và các Tỳ-kheo quen biết?’”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Dù có gặp, hay chẳng gặp Như Lai và có gặp, hay chẳng gặp các Tỳ-kheo quen biết, ông chỉ cần niệm tưởng năm pháp và tinh cần tu tập. Này Ma-ha-nam, nên lấy chánh tín làm chủ, chứ không phải là không chánh tín; lấy giới có đủ, nghe có đủ, thí có đủ, tuệ có đủ làm gốc, chứ không phải là không trí tuệ.
“Cũng vậy, Ma-ha-nam, căn cứ vào năm pháp này, tu sáu niệm xứ. Những gì là sáu? Ma-ha-nam, niệm Như Lai, nên niệm như vầy: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng, Chánh Giác… cho đến Phật, Thế Tôn. Nên niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên sự… cho đến tự thực hành, đạt trí tuệ.
“Cũng vậy, Ma-ha-nam, Thánh đệ tử thành tựu mười một pháp, thì sự học trọn không bại hoại, có khả năng tri kiến, có khả năng quyết định, trụ cửa cam lộ, gần vị giải thoát, chứ không thể tất cả cùng lúc chóng đắc cam lộ Niết-bàn. Ví như gà ấp trứng, năm hoặc mười trứng, tùy thời ấp nghỉ, thương yêu bảo vệ chăm sóc; cho dù khoảng giữa lại bỏ bê, cũng còn có thể dùng móng hoặc mỏ để mổ vỡ trứng cho gà con chui ra. Vì sao? Vì gà mẹ lúc ban đầu đã biết tùy thời ấp ủ hay nghỉ ngơi, khéo thương yêu bảo vệ. Cũng vậy, Thánh đệ tử thành tựu mười một pháp, là trụ nơi sự học trọn không bại hoại… không thể tất cả cùng lúc chóng đắc cam lộ Niết-bàn.”
Phật nói kinh này xong, Ma-ha-nam dòng họ Thích nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui.
KINH 933. THẬP NHỊ[64]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ có nhiều Tỳ-kheo tụ tập tại nhà ăn để vá y cho Thế Tôn. Lúc ấy Ma-ha-nam họ Thích nghe các Tỳ-kheo tụ tập tại nhà ăn, vá y cho Thế Tôn nói rằng: ‘Không bao lâu, sau ba tháng an cư khi vá y xong, Thế Tôn sẽ đắp y, mang bát du hành trong nhân gian.’ Nghe xong, Ma-ha-nam đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, cả người con bất an, bốn phương mờ mịt, trước đây những pháp đã nghe bây giờ bỗng quên hết, vì nghe các Tỳ-kheo tụ tập tại nhà ăn, vá y cho Thế Tôn,… cho đến du hành trong nhân gian. Con suy nghĩ: ‘Lúc nào mới gặp lại được Thế Tôn và các Tỳ-kheo quen biết?’”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Dù có gặp hay chẳng gặp Như Lai và có gặp, hay chẳng gặp các Tỳ-kheo quen biết, ông lúc nào cũng vẫn phải siêng năng tu sáu pháp. Những gì là sáu pháp? Chánh tín là gốc; giới, thí, văn, không, tuệ là căn bản, chứ không phải không trí tuệ. Cho nên, Ma-ha-nam, căn cứ vào sáu pháp này, mà nỗ lực tu tập tăng thượng sáu tùy niệm: Từ niệm Như Lai sự… cho đến niệm Thiên. Thành tựu được mười hai niệm này, Thánh đệ tử đó giảm bớt các điều ác, không còn tăng trưởng và bị tiêu diệt không khởi nữa; lìa trần cấu, không tăng trần cấu; lìa bỏ không bám giữ, vì không bám giữ nên không dính mắc; vì không dính mắc nên tự chứng Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, nhũng việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”
Phật nói kinh này xong, Ma-ha-nam dòng họ Thích nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ rồi lui.
KINH 934. GIẢI THOÁT[65]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ, Ma-ha-nam họ Thích đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Theo như những gì Phật đã dạy, con hiểu: Nhờ chánh định[66] nên giải thoát, không thể không có chánh định. Thế nào, bạch Thế Tôn, có phải đạt chánh định trước, sau mới giải thoát, hay là giải thoát trước rồi sau mới đạt chánh định? Hay chánh định và giải thoát không trước không sau, cả hai sanh cùng lúc?”
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng, Ma-ha-nam ba lần hỏi như vậy, nhưng Phật vẫn im lặng. Lúc ấy, Tôn giả A-nan đang đứng sau Phật, cầm quạt hầu Phật, A-nan nghĩ: ‘Ma-ha-nam họ Thích đem nghĩa lý sâu xa hỏi Thế Tôn, nhưng Thế Tôn vừa khỏi bệnh chưa lâu. Bây giờ ta nên nói sang chuyện khác để tiếp lời ông.’
“Này Ma-ha-nam, bậc hữu học cũng có giới, bậc vô học cũng có giới; bậc hữu học có tam-muội, bậc vô học cũng có tam-muội; bậc hữu học có tuệ, bậc vô học cũng có tuệ; bậc hữu học có giải thoát, bậc vô học cũng có giải thoát.”
Ma-ha-nam hỏi Tôn giả A-nan:
“Thế nào là giới của bậc hữu học? Thế nào là giới của bậc vô học? Thế nào là tam-muội của bậc hữu học? Thế nào là tam-muội của bậc vô học? Thế nào là tuệ của bậc hữu học? Thế nào là tuệ của bậc vô học? Thế nào là giải thoát của bậc hữu học? Thế nào là giải thoát của bậc vô học?”
Tôn giả A-nan bảo Ma-ha-nam:
“Vị Thánh đệ tử này an trụ nơi tịnh giới, luật nghi Ba-la-đề-mộc-xoa, oai nghi, hành xứ; thọ trì học giới; khi đã thọ trì học giới thành tựu rồi, ly dục, pháp ác bất thiện… cho đến chứng và an trụ Tứ thiền. Khi đã có đủ tam-muội như vậy rồi, biết như thật ‘Đây là Thánh đế khổ’, biết như thật ‘Đây là Thánh đế khổ tập’, biết như thật ‘Đây là Thánh đế khổ diệt’, biết như thật ‘Đây là Thánh đế khổ diệt đạo’. Biết như vậy, thấy như vậy rồi, năm hạ phần kết là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục, sân nhuế, được đoạn tận, được biến tri. Khi năm hạ phần kết này đã đoạn trừ rồi, sanh lên cõi kia, đắc Niết-bàn A-na-hàm, không sanh trở lại trong cõi này nữa. Ngay lúc ấy họ thành tựu học giới, học tam-muội, học tuệ và học giải thoát.
“Lại một lúc khác, các hữu lậu sẽ hết, vô lậu giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cầm làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Lúc bấy giờ, vị ấy thành tựu vô học giới, vô học tam-muội, vô học tuệ, vô học giải thoát.
“Ma-ha-nam, đó gọi là những gì Thế Tôn nói về học giới, học tam-muội, học tuệ, học giải thoát của bậc hữu học; vô học giới, vô học tam-muội, vô học tuệ, vô học giải thoát của bậc vô học là như vậy.”
Sau khi Ma-ha-nam dòng họ Thích nghe những gì Tôn giả A-nan nói, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật rồi lui.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết Ma-ha-nam vừa đi chưa lâu, bảo Tôn giả A-nan:
“Họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ có thể cùng các Tỳ-kheo bàn luận nghĩa lý sâu xa chăng?”
A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, vâng, họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ có thể cùng bàn luận nghĩa lý sâu xa với các Tỳ-kheo.”
Phật bảo A-nan:
“Những người họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ sẽ nhanh chóng được lợi tốt, bằng tuệ nhãn của Hiền thánh có thể thâm nhập vào pháp Phật sâu xa.”
Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 935. SA-ĐÀ[67]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ có họ Thích, tên Sa-đà[68], nói với Ma-ha-nam:
“Thế Tôn nói Tu-đà-hoàn thành tựu bao nhiêu pháp?”
Ma-ha-nam đáp:
“Thế Tôn nói Tu-đà-hoàn thành tựu bốn pháp. Những gì là bốn? Đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng có lòng tin thanh tịnh bất hoại, thành tựu Thánh giới, đó gọi là Tu-đà-hoàn thành tựu bốn pháp.”
Sa-đà bảo Ma-ha-nam:
“Tôn giả chớ nói, chớ bảo rằng: ‘Thế Tôn nói Tu-đà-hoàn thành tựu bốn pháp’, nhưng sau đó Tu-đà-hoàn chỉ thành tựu ba pháp. Những gì là ba? Đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng có lòng tin thanh tịnh bất hoại. Như vậy, Tu-đà-hoàn thành tựu ba pháp, ba lần nói như vậy.
“Ma-ha-nam họ Thích, không thể khiến cho Sa-đà chấp nhận bốn pháp và Sa-đà họ Thích cũng không thể khiến cho Ma-ha-nam chấp nhận ba pháp. Cả hai cùng đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, Ma-ha-nam họ Thích, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Sa-đà họ Thích lại chỗ con, hỏi: ‘Thế Tôn nói Tu-đà-hoàn thành tựu bao nhiêu pháp?’ Con liền đáp: ‘Thế Tôn nói Tu-đà-hoàn thành tựu bốn pháp. Những gì là bốn? Đó là đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, có lòng tin thanh tịnh bất hoại và thành tựu Thánh giới.’ Tu-đà-hoàn thành tựu bốn pháp như vậy. Sa-đà họ Thích nói: ‘Ma-ha-nam họ Thích chớ nói rằng: Thế Tôn nói Tu-đà-hoàn thành tựu bốn pháp; mà Tu-đà-hoàn thành tựu chỉ ba pháp. Những gì là ba? Đó là đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng có lòng tin thanh tịnh bất hoại. Thế Tôn nói Tu-đà-hoàn thành tựu ba pháp như vậy’, nói ba lần như vậy.
“Con cũng không thể khiến cho Sa-đà họ Thích chấp nhận bốn pháp và Sa-đà cũng không thể làm cho con chấp nhận ba pháp. Cho nên cả hai đến chỗ Thế Tôn, nay xin hỏi Thế Tôn Tu-đà-hoàn thành tựu bao nhiêu pháp?”
Bấy giờ, Sa-đà họ Thích từ chỗ ngồi đứng lên lễ Phật và chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nếu có những pháp tương tợ như vậy xảy ra, mà một bên là Thế Tôn, một bên là Tỳ-kheo Tăng, thì con sẽ theo Thế Tôn, không theo Tỳ-kheo Tăng. Hoặc có những tương tợ như vậy xảy ra, mà một bên là Thế Tôn, một bên là chúng Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di hoặc Trời, hoặc Ma, Phạm, hoặc Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Người thế gian, con cũng chỉ theo Thế Tôn, không theo các chúng khác.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ma-ha-nam:
“Theo Ma-ha-nam, Sa-đà họ Thích lý luận như vậy, còn ngươi thì thế nào?”
Ma-ha-nam bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Sa-đà họ Thích lý luận như vậy, con còn biết nói sao đây, mà con chỉ còn nói tốt, nói chân thật thôi.”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Cho nên phải biết Tu-đà-hoàn thành tựu bốn pháp: Là đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng có lòng tin thanh tịnh bất hoại và thành tựu Thánh giới và nên thọ trì như vậy.”
Sau khi Ma-ha-nam họ Thích nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ rồi lui.
KINH 936. BÁCH THỦ[69]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ những người họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ tụ tập tại nhà cúng dường bàn luận, hỏi:
“Ma-ha-nam, thế nào là lời thọ ký tối hậu? Bách Thủ họ Thích[70] mệnh chung, Thế Tôn thọ ký người này đắc Tu-đà-hoàn, không rơi vào pháp đường ác, nhất định hướng thẳng Chánh giác, còn bảy lần qua lại trời, người, cứu cánh thoát khổ. Nhưng Bách Thủ họ Thích phạm giới uống rượu mà Thế Tôn lại thọ ký người này đắc Tu-đà-hoàn… cho đến cứu cánh thoát khổ. Này Ma-ha-nam, ông nên đến hỏi Phật rồi như những gì Phật dạy, chúng ta sẽ vâng theo.”
Khi ấy Ma-ha-nam đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, chúng con, những người họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ tụ tập tại nhà cúng dường bàn luận như vầy: ‘Ma-ha-nam, thế nào là lời nói thọ ký tối hậu? Trong đó Bách Thủ họ Thích mệnh chung, Thế Tôn thọ ký đắc quả Tu-đà-hoàn… cho đến cứu cánh thoát khổ. Nay ông nên đến hỏi lại Thế Tôn, như những gì Thế Tôn dạy chúng ta sẽ vâng theo.’ Bây giờ con xin hỏi Phật, xin Ngài giải thích cho.”
Phật bảo Ma-ha-nam:
“Thánh đệ tử nói: ‘Đại Sư Thiện Thệ! Đại Sư Thiện Thệ!’ Miệng nói thiện thệ mà tâm chánh niệm, chánh kiến, tất nhiên thâm nhập Thiện thệ. Thánh đệ tử nói: ‘Chánh pháp luật! Chánh pháp luật!’ Miệng nói Chánh pháp luật, mà phát tâm chánh niệm, chánh kiến, tất nhiên thâm nhập Chánh pháp. Thánh đệ tử nói: ‘Thiện hướng Tăng! Thiện hướng Tăng!’ Miệng nói thiện hướng, mà phát tâm chánh niệm, chánh kiến thì tất nhiên nhập thiện hướng. Như vậy, này Ma-ha-nam, Thánh đệ tử đối với Phật một lòng tịnh tín; đối với Pháp, Tăng một lòng tịnh tín; đối với pháp có lợi trí, xuất trí, quyết định trí, bát giải thoát thành tựu, thân tác chứng, bằng trí tuệ mà thấy hữu lậu đã đoạn, đã biến tri. Như vậy, Thánh đệ tử không hướng vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chẳng đọa đường ác, nói là A-la-hán Câu giải thoát[71].
“Lại nữa, Ma-ha-nam, Thánh đệ tử tuyệt đối có tín tâm thanh tịnh đối với Phật… cho đến trí tuệ quyết định, không đạt được bát giải thoát, thân tác chứng, thành tựu an trụ, nhưng vị ấy thấy, biết hữu lậu đã đoạn. Đó gọi là Thánh đệ tử không đọa vào đường ác,… cho đến Tuệ giải thoát[72].
“Lại nữa, Ma-ha-nam, Thánh đệ tử tuyệt đối có tín tâm thanh tịnh đối với Phật… cho đến trí tuệ quyết định, tuy đã được bát giải thoát, thân tác chứng, an trụ có đủ, nhưng không thấy hữu lậu đoạn. Đó gọi là Thánh đệ tử không đọa vào đường ác,… cho đến Thân chứng[73].
“Lại nữa, Ma-ha-nam, Thánh đệ tử tuyệt đối có tín tâm thanh tịnh đối với Phật… cho đến trí tuệ quyết định, không được bát giải thoát, thân tác chứng, thành tựu an trụ, nhưng thấy biết như thật đối với Chánh pháp luật. Đó gọi là Thánh đệ tử không đọa vào đường ác,… cho đến Kiến đáo.
“Lại nữa, Ma-ha-nam, Thánh đệ tử tuyệt đối có tín tâm thanh tịnh đối với Phật… cho đến trí tuệ quyết định, tuy có thấy biết như thật đối Chánh pháp luật, nhưng chẳng được Kiến đáo. Đó gọi là Thánh đệ tử không đọa vào đường ác,… cho đến Tín giải thoát.
“Lại nữa, Ma-ha-nam, Thánh đệ tử tin vào ngôn thuyết thanh tịnh của Phật[74], tin vào ngôn thuyết thanh tịnh của Pháp, của Tăng, đối với năm pháp làm tăng trưởng trí tuệ, quán sát kỹ lưỡng, lãnh thọ tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ. Đó gọi là Thánh đệ tử không đọa vào đường ác,… cho đến Tùy pháp hành.
“Lại nữa, Ma-ha-nam, Thánh đệ tử tin vào ngôn thuyết thanh tịnh của Phật, tin vào ngôn thuyết thanh tịnh của Pháp, của Tăng,… cho đến năm pháp ít trí tuệ, quán sát kỹ lưỡng, lãnh thọ tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ. Đó gọi là Thánh đệ tử không đọa vào đường ác,… cho đến Tùy tín hành.
“Ma-ha-nam, ví như cây kiên cố[75] này, đối với những gì Ta đã nói mà có thể hiểu nghĩa thì thật không có việc này; nếu nó có thể hiểu thì Ta cũng thọ ký, huống chi Bách Thủ họ Thích mà Ta không thọ ký đắc Tu-đà-hoàn.
“Này Ma-ha-nam, Bách Thủ họ Thích lúc sắp chết, nhờ thọ trì tịnh giới, bỏ uống rượu nên sau khi mạnh chung Ta ký thuyết ông đắc Tu-đà-hoàn,… cho đến cứu cánh thoát khổ.”
Ma-ha-nam họ Thích nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ rồi lui.
KINH 937. HUYẾT[76]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật trú tại giảng đường Trùng các, bên ao Di hầu, nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ có bốn mươi Tỳ-kheo[77] ở làng Ba-lê-da[78], tất cả đều tu hạnh a-lan-nhã với y phấn tảo và đi khất thực[79], còn ở địa vị hữu học, chưa ly dục. Họ cùng đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.
Bấy giờ, Thế Tôn nghĩ thầm: ‘Bốn mươi Tỳ-kheo này đang ở làng Ba-lê-da, đều tu hạnh a-lan-nhã với y phấn tảo và đi khất thực, còn ở địa vị hữu học, chưa ly dục. Hôm nay Ta nên thuyết pháp cho họ để ngay đời này họ chẳng khởi các lậu, tâm được giải thoát.’ Thế Tôn bảo bốn mươi Tỳ-kheo ở làng Ba-lê-da:
“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử, bị vô minh che lấp, ái buộc cổ, mãi mãi xoay vần sanh tử, chẳng biết biên tế nguyên thủy của khổ[80].
“Này các Tỳ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Nước sông Hằng cuồn cuộn chảy vào biển lớn, trong khoảng ấy nước sông Hằng nhiều? hay là các ông từ trước đến nay bị xoay vần trong sanh tử, thân thể bị phá hoại, máu tuôn chảy nhiều?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Theo chúng con hiểu ý nghĩa của lời Phật nói, chúng con đã trôi lăn trong sanh tử quá lâu, thân chúng con bị phá hoại, máu chảy rất nhiều, nhiều gấp trăm ngàn vạn lần nước sông Hằng.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy bỏ qua nước sông Hằng. Cho đến, nước trong bốn biển lớn là nhiều hay là các ông trôi lăn trong sanh tử, thân xác bị phá hoại, máu tuôn chảy là nhiều?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Như chúng con hiểu ý nghĩa của lời Thế Tôn nói, chúng con đã trôi lăn trong sanh tử, thân bị phá hoại, máu tuôn chảy rất nhiều, nhiều hơn cả nước bốn biển lớn.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Các ông mãi luân chuyển sanh tử, máu trong thân thể tuôn chảy rất nhiều, hơn cả nước sông Hằng và nước bốn biển lớn. Vì sao? Vì các ông đã từng sanh trong loài voi, hoặc bị cắt tai, mũi, đầu, đuôi, bốn chân, máu huyết vô lượng; hoặc mang thân ngựa, thân lạc đà, thân trâu, chó, thân các loài cầm thú bị cắt đứt tai, mũi, đầu, chân, toàn thân, máu tuôn chảy vô lượng. Các ông đã từng bị giặc cướp, bị người sát hại, cắt đứt đầu, chân, tai, mũi, toàn thân bị phân ly, máu tuôn chảy vô lượng. Các ông đã từng chịu thân hoại mệnh chung bỏ trong nghĩa địa, máu huyết tanh nồng, tuôn chảy số lượng không lường; hoặc đọa địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, rồi thân hoại mênh chung, máu huyết tuôn chảy cũng vô lượng.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Sắc là thường hay vô thường?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, vô thường.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Vô thường là khổ chăng?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Là khổ.”
Phật bảo:
“Nếu vô thường, khổ, là pháp biến dịch, Thánh đệ tử có thể ở trong ấy thấy là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau chăng?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, không.”
“Đối thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.”
Phật bảo:
“Những gì thuộc về sắc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần, tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng khác ngã, chẳng ở trong nhau, biết như thật thế. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Thánh đệ tử quán sát như thế đối với sắc sanh chán lìa, đối thọ, tưởng, hành, thức sanh chán lìa, đã chán lìa nên chẳng ưa thích, vì chẳng ưa thích nên giải thoát, giải thoát tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn thọ thân sau.”
Khi Phật nói pháp này, bốn mươi Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 938. LỆ[81]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, rừng cây Kỳ-đà trong vườn Cấp cô độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử cho đến nay, cứ mãi xoay vần, không biết được biên tế nguyên thủy của khổ.
“Các Tỳ-kheo nghĩ thế nào? Nước sông Hằng… nước trong bốn biển lớn là nhiều hay là nước mắt của các ông tuôn ra trong vòng sanh tử luân hồi là nhiều?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Như chúng con hiểu ý nghĩa của lời Phật nói, nước mắt của chúng con tuôn rơi trong vòng sanh tử luân hồi rất nhiều, nhiều hơn cả nước sông Hằng và nước bốn biển lớn.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Nước mắt của các ông tuôn rơi trong vòng sanh tử luân hồi rất nhiều, chứ không phải nước sông Hằng và nước bốn biển. Vì sao? Vì các ông đã từng bị mất cha mẹ, anh em, chị em, thân thuộc, người quen, bị mất mát tiền của, nước mắt tuôn rơi cho những sự mất mát đó nhiều vô lượng. Các ông cứ mãi bị ném ra nghĩa địa, máu tanh chảy ra, rồi sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
“Này các Tỳ-kheo, các ông từ vô thỉ sanh tử luân hồi, máu và nước mắt trong thân rất nhiều, nhiều vô lượng.
“Này các Tỳ-kheo, sắc là thường hay vô thường?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, vô thường.
“Nếu vô thường, đó là khổ chăng?
“Bạch Thế Tôn, khổ.
“Nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, đa văn Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau chăng?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, không.
“Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như thế.
“Này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử biết như thế, thấy như thế… đối với sắc giải thoát, đối với thọ, tưởng, hành, thức, giải thoát, giải thoát sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 939. MẪU NHŨ[82]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử, bị vô minh che lấp, ái trói cổ, cứ mãi luân chuyển chẳng biết cội gốc của khổ.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Các Tỳ-kheo nghĩ thế nào? Nước sông Hằng và nước trong bốn biển lớn là nhiều hay là sữa mẹ mà các ông uống mãi luân chuyển trong sanh tử là nhiều?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Như chúng con hiểu ý nghĩa lời Phật nói, sữa mẹ mà chúng con đã uống trong vòng sanh tử còn nhiều hơn nước sông Hằng và nước bốn biển lớn.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Sữa mẹ mà các ông đã uống trong vòng sanh tử còn nhiều hơn nước sông Hằng và nước bốn biển lớn. Vì sao? Các ông đã từng hoặc sanh trong loài voi, uống sữa mẹ vô lượng, vô số; hoặc sanh làm lạc đà, ngựa, trâu, lừa v.v… các loài cầm thú uống sữa mẹ vô lượng vô số. Các ông đã từng bỏ thân nơi gò mả, máu mủ cũng tuôn chảy vô lượng; hoặc đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, máu tủy tuôn chảy cũng như vậy.
“Này các Tỳ-kheo, các ông từ vô thỉ sanh tử đến nay, chẳng biết cội gốc của khổ. “Này các Tỳ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
“Bạch Thế Tôn, vô thường.”
“… Thánh đệ tử đối với năm thọ ấm quán sát chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở, đối với tất cả pháp thế gian đều không chấp thủ, vì không chấp thủ nên không dính mắc, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn thọ thân sau.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.


Chú thích:
[1]. Đại Chánh, quyển 33. Ấn Thuận Hội Biên, “43. Tương ưng Mã” tiếp theo. Quốc Dịch quyển 46. Pāli, A. 3.139 Assājānuya; 9.22 Khaluṅka. Tham chiếu, №100(145).
[2]. Bản Pāli: abhidhamme abhivinaye pañhaṃ, hỏi về Thắng pháp, Thắng luật.
[3]. Pāli, A.94-96 Ājāniya. Cf. №100(146).
[4]. Pāli, A. 4.256-257. Ājāniya. Cf. №100(147).
[5]. Để bản: năng 能. Tống-Nguyên-Minh: chủng 種. Bản Pāli: rañño bhaddo assājāniyo, ngựa tốt khôn ngoan của vua.
[6]. Hán: hiền thiện 賢善. Pāli: bhaddo; xem cht. 6 ở trên.
[7]. Bốn yếu tố, theo bản Pāli: vaṇṇasampanno, balasampanno, javasampanno, ārohapariṇāhasampanno: có sắc, có lực, có sự nhanh nhẹn, có thân hình cao lớn.
[8]. Bóng roi. Pāli, A. 4.113 Patoda. Cf. №100(148).
[9]. Pāli, A. 4.111 Kesi.
[10]. Điều mã sư danh viết chỉ thi 調馬師名曰只尸. Pāli: kesi assadammasārathi.
[11]. Vô thượng điều ngự trượng phu 無上調御丈夫. Pāli: anuttaro dammasārathi, vị huấn luyện người không còn ai hơn. Một trong mười hiệu của Phật.
[12]. Pāli, A. 8.14 Khaluṅka. Cf. №100(149).
[13]. Mã hữu bát thái 馬八態. Pāli: aṭṭha assakhaḷuṅke, tám loại ngựa bất kham.
[14]. Ác trượng phu 惡丈夫. Pāli: purusakhaḷuṅka, con người bất kham.
[15]. Pāli, A. 8.13 Ājañña. Cf. №100(150).
[16]. Thủ đạo đa thiểu 取道多少, chưa rõ ý. Pāli: rājāraho rālābhogo rañño aṅganteva… thích hợp với vua, được vua thọ dụng, là tài bảo của vua.
[17]. Lương mã hương 良馬鄉. Pāli: ubhato sūato hoti, cha mẹ thuần giống.
[18]. Hán: bất kinh khủng nhân 不驚恐人. Pāli: na ca aññe asse ubbejetā, không làm các ngựa khác sợ.
[19]. Pāli: yāni kho panassa honti sāṭheyyāni kūṭeyyāni jimheyyāni vaṅkeyyanī tāni yathābhūtaṃ sārathissa āvikattā hoti, nếu có những tính giảo hoạt, man trá, quanh co, tà vạy; thảy đều hiện rõ một cách trung thực cho người huấn luyện.
[20]. Hán: trượng phu 丈夫, con người, hay người đàn ông. Bản Pāli nói bhikkhu.
. Hán: hiền sĩ phu 賢士夫, chỉ con người hiền thiện (Pāli: bhaddo puriso). Tham chiếu Pāli: aṭṭhahi dhammehi samannāgato bhikku āhuneyyo hoti, thành tựu tám pháp, Tỳ-kheo ấy là vị ứng thỉnh (xứng đáng được tôn kính, cúng dường).
[22]. Pāli: bhikkhu sīlavā hoti, pātimokkhasaṃvarasaṃvuto viharati, Tỳ-kheo có giới, sống tự chế ngự bằng sự chế ngự của Giới bổn.
[23]. Dịch sát; nhưng bản Hán sai, so sánh theo thí dụ nêu trên. Bản Pāli: yāni kho panassa honti sāṭheyyāni kūṭeyyāni jimheyyāni vaṅkeyyanī tāni yathābhūtaṃ āvakattā hoti satthiri vā viññūsu vā sabrahmacārisu. Tesam assa atthā vā viññū vā sabrahmacārī abhinimmadanāya vāyamati, Hoặc (tự mình) có những gì là giảo hoạt, man trá, siểm khúc, không chính trực, đều trung thực được biểu hiện cho Tôn sư hay các đồng phạm hạnh có trí thấy. (Tỳ-kheo) ấy nỗ lực để được Tôn sư hay các đồng phạm hạnh có trí sửa sai cho.
[24]. Pāli, A. 11.10 Sandha. Tham chiếu, №100(151).
[25]. Na-lê tụ lạc Thâm cốc tinh xá 那梨聚落深谷精舍. Pāli: Nātike Giñjakāvasathe, trong ngôi nhà ngói ở Nātika.
[26]. Sằn-đà Ca-chiên-diên 詵詵陀迦旃延. Pāli: Sandha.
[27]. Hán: chân thật thiền, cường lương thiền 真實禪強良禪. Pāli:ājāniyajjhāyitaṃ, khaluṅkajjhāyitaṃ, tu thiền của con ngựa thuần, tu thiền của con ngựa chứng.
[28]. Hán: ư tham dục triền đa sở tu tập 於貪欲纏多所修習. Pāli: kāmarāgapariyuṭṭhitena cetasā viharati, sống với tâm tư bị quấn chặt bởi tham dục.
[29]. Pāli: uppanassa kāmarāgassa nissaraṇaṃ yathābhūtaṃ nappājānati, nó không biết như thật sự xuất ly đối với tham dục.
[30]. Nghi cái tâm 疑蓋心.
[31]. Hán: chân sanh mã 真生馬.
[32]. Xem cht.29 trên.
[33]. Hán: tùy giác 隨覺. Pāli: anuvicāra, tư duy chiêm nghiệm.
[34]. Y-thấp-bà-la 伊濕波羅. Pāli: Issara.
[35]. Ba-xà-ba-đề 波闍波提. Pāli: Pajāpati.
[36]. Pāli: paṭhaviyaṃ paṭhavīsaññā vibhūtā hoti; vì vibhūta có hai nghĩa: phi hữu, và minh nhiên, nên câu Pāli có thể hiểu theo hai cách ngược nhau. Nhưng vì paṭhaviyaṃ ở cách số sáu, nên cần hiểu: ở nơi đất không có tưởng về đất. Nhưng bản Hán đọc là abhibhūta, chinh phục.
[37]. Đại Chánh, kinh số 927-936. Ấn Thuận Hội Biên, “44. Tương ưng Ma-ha-nam”. Gồm mười kinh, số 13267-13276. Quốc Dịch, quyển 46 tiếp, “4. Tương ưng Ma-ha-nam” mười kinh. Pāli, S. 55.37 Mahānāma. Cf. №100(152).
[38]. Pāli: Sakkesu viharati kapilavatthusmiṃ nigrodhārāme.
[39]. Pāli: Sakko Mahānāmo.
[40]. Ưu-bà-tắc 優婆塞. Pāli: upāsaka.
[41]. Hán: tín cụ túc 信具足, cũng nói là tín thành tựu. Pāli: saddhāsampanno.
[42]. Giới cụ túc 戒具足. Pāli: sīlasampanno.
[43]. Văn cụ túc 聞具足, bản Pāli không đề cập.
[44]. Xả cụ túc 捨具足, đây chỉ thí xả hay huệ xả. Pāli: cāgasampanno.
[45]. Trụ ư phi gia 住於非家, có lẽ bản Hán nhầm agāra (nhà) và anagāra (không nhà). Bản Pāli: vigatamalamaccherena cetasā agāraṃ ajjhāvasati, sống tại gia với tâm xa lìa cáu bợn của bỏn sẻn.
[46]. Pāli, S. 55.49 Mahānāma. Cf. №100(153).
[47]. Bản Pāli: thành tựu bốn chứng tịnh hay bất hoại tịnh.
[48]. Không đề cập A-la-hán. Trong kinh này, tại gia không thể chứng.
[49]. Pāli, A. 8.25 Mahānāma.
[50]. Hán: pháp thứ pháp hướng法次法向, thường nói là pháp tùy pháp hành. Pāli: dhammānudhammāpaṭipāda, thực hành pháp và tùy pháp, hay sự thực hành tùy thuận với pháp.
[51]. Hán: tự an ủy 自安慰. Pāli: attahitāya paṭipanno, thực hành vì mục đích tự lợi.
[52]. Hán: an ủy tha 安慰他. Pāli: parahitāya.
[53]. Pāli, S. 55.21-22 Mahānāma.
[54]. Pāli, A. 6.10 Mahānāma. Cf. №100(156).
[55]. Bản Pāli: ariyasāvako āgataphalo viññātasāsano so katamena vihārena bahulaṃ viharati, Thánh đệ tử đã đắc quả, đã hiểu biết giáo pháp, sống nhiều với sự an trụ nào?
[56]. Kỳ tâm chánh trực, đắc Như Lai nghĩa 其心正直, 得如來義. Pāli: ujugatamevassa tasmiṃ samaye cittaṃ hoti tathāgataṃ ārabbha, “lúc bấy giờ tâm vị ấy chánh trực do liên hệ đến Như Lai”. Trong bản Pāli, ārabbha là bất biến từ, nên câu này có nghĩa (tâm chánh trực do) “liên hệ đến Như Lai”. Bản Hán hiểu là động từ ārabbhati, nên có nghĩa là “đạt được nghĩa của Như Lai”.
[57]. Pāli: labhati dhammūpasaṃhitaṃ pāmojjaṃ, đạt được sự tùy hỷ liên hệ đến pháp.
[58]. Pāli: savyāpajjāya pajāya avyāpajjo viharati, sống không hiềm hận đối với người hiềm hận.
[59]. Hán: hiện pháp 現法. Pāli: sadiṭṭhiko, hiện kiến, kết quả được thấy ngay hiện tại.
[60]. Hán: thiện hướng, chánh hướng, trực hướng, thành hướng 善向,正向,直向, 誠向. Pāli: supaṭipanno (diệu hành), ujupaṭipanno (chất trực hành), ñāyapaæipanno (như lý hành), samīcīpaṭipanno (hòa kỉnh hành).
[61]. Bất thủ tha giới 不他取戒: “không bị người khác lấy đi”; không rõ ý. Có lẽ muốn nói: không bị người khác chi phối. Pāli: bhujissa, tự do, chỉ người nô lệ được giải phóng; đây chỉ giới của người tự do, không bị áp đặt cưỡng chế.
[62]. Xem cht.45, kinh 927.
[63]. Pāli, A. 11.12 Mahānāma.
[64]. Pāli, A. 11.13 Mahānāma.
[65]. Pāli, A. 3.73 Sakka, №100(158).
[66]. Nguyên Hán: chánh thọ 正受, tức Pāli samāpatti. Nhưng bản Pāli: samahitassa ñāṇaṃ, người được chánh định thì có chánh trí.
[67]. Pāli, S. 55.23 Godhā. Cf. №100(159).
[68]. Thích thị Sa-đà 釋氏沙陀. Pāli: sakko godhā.
[69]. Pāli, S. 55.24 Sarakāni. Cf. №100(160).
[70]. Bách Thủ Thích Thị 百手釋氏. Pāli: Sarakāni. Trong bản Hán: Satapāṇi.
[71]. A-la-hán câu giải thoát 阿羅漢俱解脫, hay câu phần giải thoát; A-la-hán chứng diệt tận định. Bản Pāli không có chi tiết này.
[72]. A-la-hán tuệ giải thoát 阿羅漢慧解脫, có tuệ nhưng không chứng diệt tận định.
[73]. Thân chứng 身 證 . A-na-hàm có diệt tận định được gọi là Thân chứng.
[74]. Nhưng vị này chưa thành tựu bốn chứng tịnh.
[75]. Kiên cố thọ 堅固樹, chỉ cây ni-câu-luật (loại); Pāli: nigrodha.
[76]. Ấn Thuận Hội Biên, “45. Tương ưng Vô thủy” gồm hai mươi chín kinh, số 13277-13296. Đại Chánh, kinh số 937-956, phần sau quyển 33 và một phần đầu quyển 34. Kinh 937, Pāli, S. 15.13. Tiưsamattā.
[77]. Bản Pāli: tiṃsamttā bhikkhū, chỉ có ba mươi Tỳ-kheo.
[78]. Ba-lê-da tụ lạc 波梨耶聚落. Pāli: Pāveyyakā.
[79]. A-luyện-nhã, phấn tảo y, khất thực 阿練若行,糞掃衣,乞食, hành trì ba trong mười hai hạnh đầu đà: chỉ sống trong rừng, chỉ khoác y phấn tảo và chỉ khất thực (không nhận lời mời). Pāli: araññakā paṃsukūlikā piṇḍapātikā.
[80]. Pāli: anamataggoyaṃ saṃsāro, pubbā koṭi na paññāyati, sự luân chuyển này là vô thủy, không biết được giới hạn tối sơ của nó.
[81]. Nước mắt. Pāli. S. 15.3 Assu.
[82]. Sữa mẹ. Pāli, S. 15.4 Khīraṃ.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 50 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Truyện cổ Phật giáo


Gọi nắng xuân về


Vào thiền


Hương lúa chùa quê - Phần 2: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.143.237.203 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập