Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 51 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 51

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.45 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.57 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | Quyển cuối
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

KINH SỐ 4[310]
[285c7] Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ có một Tỳ kheo đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân rồi ngồi xuống một bên. Khi ấy Tỳ kheo này bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, mọt kiếp có dài lâu không?”
Phật bảo tỳ kheo:
“Một kiếp cực kỳ dài lâu, không thể trù lượng được. Nay Ta nói cho ông một thí dụ. Hãy khéo suy nghĩ. Ta sẽ nói.”
Tỳ kheo ấy vâng lời Phật dạy, lắng nghe.
Thế Tôn nói:
“Ví dụ có một núi đá lớn, dài rộng một do tuần, cao một do tuần. Giả sử một người tay cầm một tấm lụa trời, cứ một trăm năm phất một cái. Cho đến khi đá mà hết mà số kiếp vẫn khó hạn định. Số kiếp lâu dài không có biên tế, như vậy không phải một kiếp hay một trăm kiếp. Vì sao vậy? Sanh tử lâu dài, không thể hạn lượng, không có biên tế. Chúng sanh bị vô minh bao phủ, trôi nổi sanh tử không có kỳ hạn thoát ra. Chết đây, sanh kia, không hề cùng tận. Ta ở trong đó mà nhàm chán sanh tử. Như vậy, Tỳ kheo, hãy tìm cầu phương tiện dứt hết tưởng ái ân này.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Tùy thời nghe pháp, có năm công đức, không khi nào mất. Những gì là năm? Nghe được pháp chưa từng nghe; nghe rồi thì ghi nhớ; trừ dẹp hoài nghi; cũng không tà khiến; hiểu pháp sâu thẳm. Tỳ kheo, đó là nói tùy thời nghe pháp có năm công đức này. Cho nên, Tỳ kheo, hãy chuyên niệm thường nghe pháp sâu thẳm. Đây là giáo giới của Ta. Như vậy Tỳ kheo, hãy học điều này.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe nhnững điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6[311]
[826a] Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ợ tại thành Tỳ-xá-ly, trong rừng Ma-ha-bà-na,[312] cùng với chúng đại Tỳ kheo 500 vị.
Bấy giờ Đại tướng Sư Tử[313] đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên. Khi ấy Như Lai nói với Đại tướng:
“Thí chủ đàn-việt[314] có năm công đức.[315] Những gì là năm? Ở đây, danh tiếng của thí chủ được truyền xa rằng, ‘Tại thôn kia có người ưa bố thí, chu cấp cho những kẻ nghèo thiếu mà không hề tiếc lẩn. Này Đại tương, đó là công đức thứ nhất.
“Lại nữa, Đại tướng, khi thí chủ đến trong các chúng sát-lợi, bà-la-môn, sa-môn, không có điều gì sợ hãi, cũng không có điều gì nghi ngờ khó khăn. Này Sư Tử, đó là công đức thứ hai.
“Lại nữa, thí chủ đàn-việt được nhiều người yêu mến, thảy đều tôn sùng kinh ngưỡng. Như con yêu mẹ, tâm không rời xa, thí chủ được nhiều người yêu mến cũng vậy.
“Lại nữa, Sư Tử, thí chủ đàn-việt khi bố thí, phát tâm hoan hỷ. Do có hoan hỷ mà hân hoan,[316] ý tánh kiên cố; khi ấy tự thân giác tỏ biết có lạc, có khổ cũng không thay đổi hối tiếc,[317] tự biết một cách như thật. Tự biết những gì? Biết có Khổ đế, Khổ tập, Khổ tận, Xuất yếu đế, biết một cách như thật.”
Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ này:
Thí, hội đủ các phước;
Lại đạt đệ nhất nghĩa.[318]
Ai hay nhớ bố thí,
Liền phát tâm hoan hỷ.
“Lại nữa, Trưởng giả Sư Tử, thí chủ đàn-việt khi bố thí, thân hoại mạng chung, sanh lên trời Tam thập tam, ở đó có năm sự kiện hơn hẵn các chư thiên khác. Những gì là năm? Thứ nhất, dung mạo hào quý, oai thần, ánh sáng. Thứ hai, tự tại với những gì ước muốn, không điều gì mà không thỏa mãn. Thứ ba, nếu đàn-việt thí chủ sanh trong loài người, thường gặp gia đình phú quý. Thứ tư, có nhiều của cải. Thứ năm, lời nói được mọi người nghe theo, làm theo. Này Sư Tử, đàn việt có năm công đức này dẫn vào nẻo thiện.”
Đại tướng Sư Tử sau khi nghe những điều Phật nói, hoan hỷ phấn khởi không thể dừng được, lên trước bạch Phật rằng:
“Cúi xin Thế Tôn, cùng bới Tăng Tỳ kheo, nhận lời thỉnh của con.”
Thế Tôn im lặng nhận lời. Khi Sư Tử biết Thế Tôn đã im lặng nhận lời, liền chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lạy dưới chân rồi lui đi,
Về đến nhà, ông cho sửa soạn đủ các món thực phẩm, trải chỗ ngồi tốt đẹp, rồi đi [826b] báo đã đến giờ. Nay đã đúng lúc, cúi mong Đại Thánh rủ lòng thương hạ cố.”
Bấy giờ Thế Tôn đến giờ khóac y, cầm bát, dẫn chúng Tỳ kheo trước sau vây quanh đi đến nhà Đại tướng. Ai nấy ngồi theo thứ lớp. Khi tướng quân Sư Tử thấy Phật và Tăng Tỳ kheo đã thứ lớp ngồi, tự tay bưng dọn các món thức ăn. Khi đai tướng đang bưng dọn thức ăn, chư thiên ở trên hư không nói rằng:
“Đây là A-la-hán. Người này là hướng A-la-hán. Thí người này được phước nhiều. Thí người này được phước ít. Người này là A-na-hàm. Người này là hướng A-na-hàm. Người này là Tư-đà-hàm. Người này là hướng Tư-đà-hàm đạo. Người này là Tu-đà-hoàn. Người này là hướng Tu-đà-hoàn đạo. Người này con bảy lần tái sanh qua lại. Người này còn một lần tái sanh. Người này là Tùy tín hành. Người này là Tùy pháp hành. Người này là độn căn. Người này là lợi căn. Người này thấp kém. Người này tinh tấn trì giới. Người này phạm giới. Thí người này được phước nhiều. Thí người này được phước ít.”
Đái tướng Sư Tử có nghe chư thiên nói thế, nhưng không để trong lòng. Khi thấy Như Lai ăn xong, cất dẹp bát, ông lấy một cái ghế nhỏ ngồi trước Như Lai. Lúc bấy giờ Đại tướng Sư tử bạch Phật rằng:
“Vừa rồi con có chư thiên đến chỗ con, nói với con rằng … Từ A-la-hán, cho đến người phạm giới, ông thuật lại đầy đủ lên Như Lai. “Con tuy có nghe những lời ấy, nhưng không để vào lòng, cũng không sanh ý tưởng rằng, nên bỏ vị này mà thí cho vị kia; bỏ vị kia mà thí cho vị này. Song con lại có ý nghĩ, nên bố thí cho hết thảy các loại hữu hình. Vì tất cả đều do ăn mà tồn tại; không ăn thì chết. Tự thân con nghe Như Lai nói bài kệ ấy, hằng ghi nhớ trong lòng không hề quên mất. Bài kệ ấy như vầy:
Bố thí, bình đẳng khắp,
Không hề có trái nghịch,
Tất sẽ gặp Hiền Thánh,
Nhờ đây mà được độ.
“Bạch Thế Tôn, bài kệ đó như vậy, mà chính con đã nghe Như Lai nói, hằng ghi nhớ kỹ và vâng làm theo.”
Phật nói với Đại tướng:
“Lành thay! Đó gọi là huệ thí với tâm bình đẳng của Bồ tát. Bồ tát khi bố thí không khởi lên ý niệm rằng ‘Ta nên cho người này, bỏ qua người này.’ Mà luôn luôn huệ thí bình đẳng, với suy niệm rằng, ‘Hết thảy chúng sanh do ăn mà tồn tại, không ăn thì chết.’ Bồ tát khi hành bố thí, cũng tư duy hành nghiệp này.”
Rồi Phật nói bài kệ:
[826c] Những ai tu hạnh này,
Hành ác và hành thiện;
Người ấy tự thọ báo,
Hành không hề suy hao.
Người kia theo hành nghiệp
Mà nhận quả báo ấy;
Làm thiện được báo thiện,
Làm ác chịu ác báo.
Làm ác hay làm thiện,
Tùy theo việc đã làm.
Cũng như năm giống thóc,
Theo giồng mà kết hạt.
“Này Đại tướng Sư Tử, hãy bằng phương tiện này mà biết rằng thiện hay ác đều tùy theo những gì đã hành. Vì sao vậy? Từ sơ phát tâm cho đến khi thành Đạo, tâm không tăng giảm, không lựa chọn người, không xét đến hạng bực của người ấy. Cho nên, này Sư Tử, nếu khi muốn huệ thí, hãy luôn niệm bình đẳng, chớ khởi tâm thị phi. Như vậy, này Sư Tử, hãy học điều này.”
Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ tùy hỷ[319]:
Thí vui, người yêu mến,
Được mọi người khen ngợi;
Đến đâu cũng không ngại;
Cũng không có tâm ganh tị.
Cho nên người trí thí,
Dẹp bỏ các tưởng ác.
Lâu dài đến cõi thiện,
Được chư thiên đón mừng.
Thế Tôn nói bài kệ này xong rồi, rời chỗ ngồi đứng dậy mà ra về.
Bấy giờ Sư Tử nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân rồi ngồi xuống một bên. Khi ấy vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn rằng:
“Phàm nhà bố thí, nên thí chỗ nào?”
Thế Tôn nói:
“Tùy theo, tâm hoan hỷ chỗ nào, bố thí chỗ đó.”
Vua lại bạch Phật:
“Thí chỗ nào thì được công đức lớn?”
Phật đáp:
“Vua đã hói nên thí chỗ nào, nay lại hỏi được phước công đức.”
Rồi Phật nói với Vua:
“Ta nay hỏi lại Vua, tùy theo sở thích mà trả lời.
“Này Đại vương, hoặc có con trai sát-lợi đến; hoặc con trai bà-la-môn đến; nhưng người đó ngu si, không biết gì, tâm ý thác loạn, hằng không định tĩnh. Nó đến chỗ Vua, hỏi Vua: ‘ Chúng tôi sẽ phụng sự Thánh [827a] vương, tùy thời mà ngài cần đến.’ Thế nào, Đại vương có cần người ấy ở hai bên không?”
Vua đáp:
“Không cần, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy? Do người ấy không có trí tuệ sáng suốt, tâm thức không định tĩnh, không kham đối phó kẻ địch bên ngoài kéo đến.”
Phật bảo Vua:
“Thế nào, Đại vương, nếu có người sát-lợi hay bà-la-môn có nhiều phương tiện, không e ngại điều gì, cũng không sợ hãi, có thể trừ dẹp kẻ địch bên ngoài; người ấy đến chỗ Vua, tâu Vua rằng, ‘Chúng tôi tùy thời hầu hạ Đại vương. Nguyện ban ân mà chấp nhận.’ Thế nào, Đại vương, Vua có thâu nhận người ấy không?”
Vua bạch Phật:
“Vâng, bạch Thế Tôn, con sẽ thâu nhập người ấy. Vì sao vậy? Do người ấy có khả năng trừ dẹp ngoại địch, không e ngại, không sợ hãi.”
Phât nói với Vua:
“Ở đây, Tỳ kheo cũng vậy, các căn đầy đủ, xả năm, thành tựu sáu, thủ hộ một, hàng phục bốn.[320] Bố thí đến vị ấy được phước rất nhiều.”
Vua hỏi Phật:
“Thế nào là Tỳ kheo xả năm, thành tựu sáu, thủ hộ một, hàng phục bốn?”
Phật nói:
“Ở đây, Tỳ kheo xả bỏ năm triền cái, là triền cái tham dục, triền cái sân hận, triền cái thụy miên, triền cái trạo cử và nghi[321]. Như vậy gọi là Tỳ kheo xả năm.
“Thế nào Tỳ kheo thành tựu sáu? Đại vương, nên biết, ở đây Tỳ keo khi thấy sắc không khởi sắc tưởng, duyên vào đó mà giữ gìn nhãn căn; trừ khử niệm ác bất thiện mà thủ hộ nhãn căn. Tai, mũi, lưỡi,[322] thân, ý, không khởi ý thức[323] mà thủ hộ ý căn. Như vậy gọi là Tỳ kheo thành tựu sáu.
“Thế nào là Tỳ kheo hộ trì một? Ở đây, Tỳ kheo buộc niệm trước mắt. Như vậy, Tỳ kheo hộ trì một.
“Thế nào là Tỳ kheo hàng phục bốn? Ở đây, Tỳ kheo hàng phục thân ma, dục ma, tử ma, thiên ma. Tất cả đều được hàng phục. Như vậy, Tỳ kheo hàng phục bốn.
“Đó là, Đại vương, xả năm, thành tựu sáu, hộ trì một, hàng phục bốn. Bố thí đến người như vậy được phước không thể lường. Đại vương, tà kiến và biên kiến tương ưng, những người như vậy mà thí cho thì không có ích.”
Khi ấy Vua bạch Phật:
“Đúng vậy, bạch Thế Tôn, bố thí cho những vị như vậy, phước đức không thể lường. Nếu cho một Tỳ kheo thành tựu chỉ một pháp, phước còn không thể lường, hà huống cho các vị khác. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm thân. Vì sao vậy? Ni-kiền Tử chủ trương thân hành, không chủ trương khẩu hành và ý hành.[324]”
Phật nói:
“Những người Ni-kiền Tử ngu hoặc, ý thường thác loạn, tâm [827b] thức bất định. Vì pháp của Thầy họ là như vậy, nên họ nói như vậy. Báo ứng do bởi hành vi của thân mà họ phải chịu thì không đáng nói. Hành vi của ý thì vô hình, không thể thấy.”
Vua bạch Phật:
“Trong ba hành này, hành nào nặng nhất, hành bởi thân, hành bởi miệng, hay hành bởi ý?”
Phật nói với vua:
“Trong ba hành này, hành bởi ý nặng nhất. Hành bởi thân và hành bởi miệng, không đáng để nói.”
Vua hỏi Phật:
“Do nhân duyên gì mà nói hành bởi ý là tối đệ nhất?”
Phật nói:
“Phàm những hành vi mà con người làm trước hết được suy niệm bởi ý, sau đó mới phát ra miệng. Dẫu phát ra miệng, khiến thân hành sát, đạo, dâm. Thiệt căn bất định, cũng không có đầu mối. Giả sử người mạng chung, thiệt căn vẫn tồn tại. Nhưng, này Đại vương, vì sao thân, miệng của người ấy không làm được gì cả?”
Vua bạch Phật:
“Vì người kia không có ý căn, nên mới như vậy.”
Phật bảo Vua:
“Do phương tiện này mà biết rằng ý căn là tối quan trọng, còn hai cai kia thì nhẹ thôi.”
Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ này:
Tâm là gốc của pháp;
Tâm chủ, tâm sai sử.
Ai với tâm niệm ác,
Mà hành động, tạo tác,
Theo đó mà thọ khổ,
Như vết lăn bánh xe.
Tâm là gốc của pháp;
Tâm chủ, tâm sai sử.
Ai trong tâm niệm thiện,
Mà hành động, tạo tác,
Người ấy nhận báo thiện,
Như bóng đi theo hình.[325]
Khi ấy vua Na-tư-nặc bạch Thế Tôn rằng:
“Đúng như Như Lai nói, người làm ác, thân hành ác, tùy theo hành ấy mà rơi vào đường ác.”
Phật nói:
“Vua quán sát ý nghĩa gì mà đến hỏi Ta, bố thí cho hạng người nào thì được phước nhiều?”
Vua bạch Phật:
“Xưa, có lần con đến chỗ Ni-kiền Tử, hỏi Ni-kiền Tử rằng, Nên huệ thí ở chỗ nào? Ni-kiền Tử nghe con hỏi lại luận sang vấn đề khác chứ không trả lời. Khi ấy Ni-kiền Tử nói với con rằng, Sa-môn Cù-đàm nói như vầy: Thí cho Ta được phước nhiều. Cho người khác, không có phước. Hãy bố thí cho đệ tử của Ta; không nên cho những người khác. Những ai bố thí cho đệ tử của Ta sẽ được phước đức không thể lường.”
Phật hỏi Vua:
“Lúc bấy giờ Vua trả lời như thế nào?”
Vua bạch Phật:
“Lúc đó con suy nghĩ rằng, có thể có lý do đó. Huệ thí đến Như Lai, phước ấy không thể lường. Vì vậy nay hỏi Phật: Nên bố thí chỗ nào thì phước ấy không thể lường? Song, nay Thế Tôn không tự khen ngợi mình, cũng không chê bai người khác.”
Phật bảo Vua:
“Chính từ miệng Ta không nói như vậy [827c], rằng bố thí cho Ta thì được phước nhiều; còn cho người khác thì không. Nhưng điều mà ta đã nói, thức ăn dư trong bát mang cho người, phước ấy không thể lường. Với tâm thanh tịnh mà đổ thức ăn dư vào trong nước sạch, luôn luôn khởi lên tâm niệm rằng, các loài hữu hình ở trong nước này được nhờ ơn vô lượng. Huống chi là loài người.[326]
“Nhưng, Đại vương, ở đây Ta cũng nói, bố thí cho người trì giới, phước ấy khó lường. Cho người phạm giới, không đủ để nói.
“Đại vương, nên biết, ví dụ như con trai nhà nông khéo cày xới đất, dọn dẹp các thứ uế tạp, rồi mang giống thóc gieo vào ruộng tốt, ở đây rồi sẽ gặt hái hạt không thể hạn lượng. Còn như con nhà nông kia không chịu dọn đất, không trừ bỏ các thứ uế tạp, mà gieo gống thóc vào đó, thì lượng thu hoạch không đáng để nói.
“Ở đây, với Tỳ kheo cũng vậy. Nếu Tỳ kheo nào xả năm, thành tựu sáu, hộ trì một, hàng phục bốn; huệ thí cho vị đó, phước ấy không thể lường. Cho người tà kiến, không đáng để nói.
“Cũng như, Đại vương, người bà-la-môn mà ý không e sợ, có khả năng hàng phục kẻ địch bên ngoài; nên ví dụ người này với A-la-hán. Còn người bà-la-môn kia, mà ý không chuyên định, hãy ví dụ cho người tà kiến.”
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn rằng:
“Bố thí cho người trì giới, phứớc ấy không thể lường. Từ nay về sau, có ai đều cầu xin, con sẽ không bao giờ trái nghịch.[327] Nếu chúng bốn bộ có ai đến cầu xin thứ gì, con cũng không nghịch ý, mà tùy thời cung cấp cho áo chăn, đồ ăn uống, giường chõng tọa cụ; và cũng bố thí cho các vị phạm hạnh.”
Phật nói:
“Chớ nói như vậy, Vì sao vậy? Bố thí cho súc sanh mà phước ấy con khó lường, huống chi bố thí cho người. Điều mà hôm nay Ta nói, là bố thí cho người trì giới thì phước khó tính kể hơn cho người phạm giới.”
Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
“Hôm nay một lần nữa con xin tự quy y. Bởi vì, nay Thế Tôn ân cần cho đến cả những người ngoại đạo hằng phỉ báng Thế Tôn. Lại nữa, Như Lai không tham lợi dưỡng. Quốc sự ngổn ngang, nay con muốn về nghỉ.”
Phật bảo Vua:
“Nên biết đúng lúc.”
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc sau khi giết một trăm người con của bà mẹ kế,[328] lòng sanh hối hận:
[828a] “Ta gây nên nguồn ác thật quá nhiều. Ta cần gì nữa? Do ngôi vua mà ta giết một trăm người ấy. Ai có thể trừ nổi sầu ưu này cho ta?”
Vua Ba-tư-nặc lại nghĩ:
“Chỉ có Thế Tôn mới trừ được ưu phiền này cho ta.”
Rồi Vua lại nghĩ:
“Ta không nên ôm mối sầu ưu này. Hãy im lặng mà đến chỗ Thế Tôn. Nên đi đến Thế Tôn với uy nghi của một ông Vua.”
Khi ấy vua Ba-tư-nặc bảo quần thần:
“Các ngươi hãy nghiêm chỉnh xe lông chim*, như Vương pháp từ trước. Ta muốn ra khỏi thành Xá-vệ để thân cận Như Lai.”
Quần thần vâng lệnh vua, tức thì nghiêm chỉnh xe bảo vũ, sau đó đến tâu vua:
“Xa giá đã nghiêm chỉnh. Tâu Đại vương biết thời.”
Vua Ba-tư-nặc liền ngự xe lông chim, gióng chiêng, đánh trống, treo lụa là phướn lọng, quân hầu đều mang khôi giáp, binh khí; quần thần vây quanh trước sau, ra khỏi thành Xá-vệ, đi đến tinh xá Kỳ hoàn, rồi đi bộ vào trong. Như Vương pháp từ trước, vua dẹp bỏ năm thứ nghi trượng là lọng, mão thiên quan, quạt, kiếm và hài, rồi đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, úp mặt sát dất, lại lấy tay vuốt bàn chân của Như Lai, và trần thuật hết chuyện của mình:
“Con nay hối lỗi, sửa đổi lỗi lầm cũ, tu sửa điều sắp tới. Con ngu hoặc, không phân biệt chân ngụy, đã giết một trăm người con của mẹ kế vì quyền lực làm Vua. Hôm nay con đến sám hối. Cũi xin chấp nhận.”
Phật bảo:
“Lành thay, Đại vương! Hãy trở về vị trí cũ. Nay Ta sẽ nói pháp.”
Vua Ba-tư-nặc liền đứng dậy, cúi lạy dưới chân Thế Tôn, rồi trở về chỗ ngồi của mình. Phật nói với vua:
“Mạng người mong manh, thọ lâu lắm không quá trăm năm. Không mấy ai sống đến trăm tuổi. Một trăm năm ở đây kể là một ngày một đêm trên trời Tam thập tam. Tính theo số ngày trên đó, 30 ngày là một tháng. 12 tháng là một năm. Trời Tam thập tam kia thọ chính thức một nghìn tuổi. Tính theo tuổi loài người, ấy là thọ được mười hai vạn năm.[329]
“Lại kể một ngày một đêm trong địa ngục Hoàn hoạt. Ở đó, 30 ngày là một tháng. 12 tháng là một năm. Tuổi thọ trong địa ngục Hoàn hoạt là 5 nghìn năm, hoặc thọ nửa kiếp, hoặc thọ một kiếp, tùy theo những điều đã làm; cũng có kẻ yểu nửa chừng. Tính theo năm loài người, ấy là thọ một trăm ức tuổi.[330]
“Người trí hằng suy nghĩ mà tu tập đầy đủ hành này, sao lại còn làm ác để làm gì? Vui ít, khổ nhiều, tai ương không kể hết. Cho nên, Đại vương, chớ vì thân mình, cha mẹ, vợ con, quốc thổ, nhân dân, mà thi hành nghiệp tội ác. Chớ thân của Vua mà tạo gốc rễ tội ác. Cũng như một chút đường,[331] mới nếm thì ngọt, nhưng sau đó khổ. Đây cũng [828b] vậy, ở trong cái tuổi thọ ngắn ngủi ấy, sao lại làm ác?
“Đại vương, nên biết, có bốn sợ hãi lớn hằng truy bức thân người, không bao giờ có thể ức chế; cũng không thể dùng chú thuật, chiến đấu, cỏ thuốc, mà có thể ức chế được. Đó là, sanh, già, bệnh, chết. Cũng như bốn hòn núi lớn từ bốn phương ập đến với nhau, làm gãy đổ cây cối, tất cả đều bị hủy diệt. Bốn sự kiện này cũng vậy.
“Đại vương, nên biết, khi sanh ra, cha mẹ ôm lòng sầu lo, khổ não, không thể kể hết. Khi sự già đến, không còn trai trẻ nữa, thân hình bại hoại; tay chân, gân khớp lỏng lẻo. Khi bệnh đến, lúc đang trai trẻ, mà không còn khí lực, mạng sống rút ngắn dần. Khi chết đến, mạng căn bị cắt đứt, ân ái biệt ly, năm ấm tan rã. Đại vương, đó là bốn sợ hãi lớn, khiến cho không được tự tại
“Lại có người quen làm việc sát sanh, gây các căn nguyên tội ác. Nếu sanh trong loài người, tuổi thọ rất ngắn.
“Người quen thói trộm cướp, về sau sanh nhằm nghèo khốn, áo không đủ che thân, ăn không đầy miệng. Đó là do lấy tài vật của người, nên mới chịu như vậy. Nếu sanh trong loài người, phải chịu vô lượng khổ.
“Nếu người dâm vợ người khác, sau sanh trong loài người thì gặp vợ không trinh lương.
“Người nói dối, sau sanh làm người thì lời nói không ai tin, bị mọi người khi dễ. Ấy là do trước kia lừa dối đời, nói điều hư ngụy.
“Người ác khẩu, chịu tội địa ngục. Nếu sanh trong loài người thì nhan sắc xấu xí, ấy là do tiền thân ác khẩu nên chịu báo ứng này.
“Người nói ỷ ngữ, chịu tội địa ngục. Nếu sanh trong loài người, trong nhà bất hòa, thường hay đấu loạn nhau. Sở dĩ như vậy, do báo ứng của việc làm bởi tiền thân.
“Người nói hai lưỡi, gây đấu loạn đây kia, thọ tội địa ngục. Nếu sanh trong loài người, gia thất bất hòa, thường có chuyện gây gỗ. Sở dĩ như vậy, đều do đời trước gây đấu loạn đây kia.
“Người hay ganh tị kẻ khác, chịu tội địa ngục. Nếu sanh trong loài người, thường bị người ghét. Thảy đều do hành vi đời trước mà ra như vậy
“Người khởi tâm mưu hại, chị tội địa ngục. Nếu sanh trong loài người, ý không chuyên định. Sở dĩ như vậy, đều do đời trước móng tâm như vậy.
“Hoặc người quen theo tà kiến, chịu tội địa ngục. Nếu sanh trong loài người, phải điếc, mù, câm ngọng, không ai muốn nhìn. Ấy là do nhân duyên bởi việc làm đời trước.
“Đó là, Đại vương, do báo ứng của mười điều ác này [828c] mà dẫn đến tai ương như vậy, chịu vô lượng khổ; huống nữa là ngoài đó ra.
“Cho nên, Đại vương, hãy cai trị đúng pháp, chứ đừng phi pháp. Lấy chánh lý mà trị dân, chứ đừng phi lý. Đại vương, nếu cai trị dân bằng chánh pháp, sau khi mạng chung thảy đều sanh lên trời. Đại vương sau khi mạng chung được nhân dân tưởng nhơ không hề quên, tiếng tốt lưu truyền xa.
“Đại vương, nên biết, những ai cai trị nhân dân bằng phi pháp, sau khi chết đều sanh vào địa ngục. Bấy giờ ngục tốt trói lại năm chỗ, ở trong đó chịu khổ không thể lường hết được; hoặc bị roi, hoặc bị trói, hoặc bị nện; hoặc chặt tay chặt chân, hoặc nướng trên lửa, hoặc rót nước đòng sôi lên thân, hoặc lột da, hoặc mổ bụng, hoặc rút lưỡi, hoặc đâm vào thân, hoăc bị cưa xẻ, hoặc bị giã trong cối sắt hoặc cho bánh xe cán nát thân, hay đuổi chạy trên núi dao rừng kiếm, không cho ngừng nghỉ; hoặc bắt ôm cột sắt cháy, hoặc móc mắt, hoặc xẻ tai, xẻo mũi, chặt tay chân; cắt rồi mọc trở lại. Hoặc bị bỏ cả thân mình vào trong vạc lớn; hoặc bị chỉa sắt quay lăn thân thể không cho ngừng nghỉ; hoặc bị lôi từ trong vạc ra mà rút gân xương sống làm dây buộc thân vào xe.[332] sau đó lại cho vào địa ngục Nhiết chích.[333] Lại vào địa ngục Nhiệt thỉ. Lại vào địa ngục Thích. Lại vào địa ngục Hôi. Lại vào địa ngục Đao thọ. Lại bắt nằm ngữa, đem hòn sắt nóng bắt nuốt, lăn từ trên xuống khiến ruột, dạ dày bị cháy rục hết. lại rót nước đồng sôi vào miệng, từ trên chảy xuống dưới. Trong đó, chịu khổ không cùng tận. Chỉ khi nào hết tội mới được thoát ra.
“Đại vương, sự kiện chúng sanh vào địa ngục là nhà vậy. Đều do đời trước cai trị không nghiêm chỉnh đúng pháp.”
Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ:
Trăm năm quen buông lung;
Về sau vào địa ngục.
Vậy có gì đáng tham,
Chịu tội không kể xiết?
“Đại vương, cai trị đúng pháp thì tự cứu giúp được tự thân, cha mẹ, vợ con, nô tỳ, thân tộc, chăm lo quốc sự. Cho nên, Đại vương, hãy cai trị đúng pháp, chớ đừng [829a] phi pháp. Mạng người rất ngắn; sống trên đời chỉ trong thoáng chốc mà thôi. Sanh tử lâu dài, nhiều điều đáng sợ. Khi cái chết đến, bấy giờ mới kêu khóc; gân cốt lìa tan, thân thể đông cứng; bấy giờ không ai có thể cứu được; không phải có cha mẹ, vợ con, nô tỳ, thuộc hạ, quốc thổ nhân dân, mà có thể cứu được. Gặp tai họa này, ai có thể chịu thay cho? Duy chỉ có sự bố thí, trì giới, nói năng thường từ hòa không làm thương tổn ý người, tạo các công đức, hành các gốc rễ thiện.”
Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ này:
Kẻ trí nên huệ thí,
Được chư Phật khen ngợi.
Cho nên, tâm thanh tịnh;
Chớ có ý lười biếng.
Vì sự chết bức bách,
Chịu khổ não to lớn.
Rơi vào đường dữ kia,
Không giây lát ngừng nghỉ.
Khi sự chết sắp đến,
Chịu khổ não vô cùng.
Các căn tự nhiên hoại,
Vì ác không ngừng nghỉ.
Nếu khi thầy thuốc đến,
Tập hợp các thứ thuốc,
Cũng không cứu nỗi thân;
Vì ác không ngừng nghỉ.
Hoặc khi thân tộc đến,
Hỏi tài sản trước kia;
Mà tai không nghe tiếng;
Vì ác không ngừng nghỉ.
Hoặc khi dời xuống đất,
Người bệnh nằm lên trên;
Thân hình như rễ khô;
Vì ác không ngừng nghỉ.
Hoặc khi đã mạng chung,
Mạng, thức đã lìa thân;
Thân hình như gạch ngói;
Vì ác không ngừng nghỉ.
Hoặc khi là thây chết,
Thân tộc đến tha ma;
Không cậy nhờ ai được;
Duy chỉ cậy nhờ phước.
“Cho nên, Đại vương, hãy tìm cầu phương tiện thi hành phước nghiệp, nay không làm, sau ăn năn vô ích.”
Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ này:
Như Lai do phước lực,
Hàng phục Ma, quyến thuộc;
Nay đã được Phật lực.
Nên phước lực tối tôn.
“Cho nên, Đại vương, hãy nhớ nghĩ tạo phước. Đã làm điều ác, hãy ăn năn, chớ đừng tái phạm.”
Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ này:
Tuy là nguồn cực ác,
Sám hối, vơi mỏng dần.
Khi ấy ở thế gian,
Gốc rễ đều diệt hết.
“Cho nên, Đại vương, chớ vì thân mình mà thi hành việc ác. Chớ vì cha mẹ, vợ con, sa-môn, bà-la-môn, mà thi hành việc ác, tập quen hành ác. Như vậy, Đại vương, hãy học điều này.”
Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ này:
Phi cha mẹ, anh em,
Cũng không phải thân tộc,
Mà tránh khỏi nạn[334] này;
tất cả bỏ, theo chết.
“Cho nên, Đại vương, từ nay trở đi hãy theo đúng pháp mà cai trị, chớ theo phi pháp. Như vậy, Đại vương, hãy học điều này.”
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc chiêm bao thấy mười sự kiện. Vua tỉnh giấc, hết sức kinh sợ, lo mất nước, mất thân mạng, vợ con. Sáng ngày, vua triệu các công khanh, đại thần, đạo ỹ và bà-la-môn minh trí, những ai có thể giải các điềm mộng, thảy đều được triệu tập. Rồi vua kể lại mười sự kiện chiêm bao hồi đêm, hỏi “Ai có thể giải được?” Có vị Bà-la-môn nói:
“Tôi giải được. Nhưng sợ vua nghe xong rồi không vui.”
Vua bảo:
“Cứ nói đi.”
Bà-la-môn nói:
“Vua sẽ mất nước, mất Thái tử, và vợ.”
Vua nói:
“Sao, các người có thể cầu đảo trừ yểm đi được không?”
Bà-la-môn nói:
“Viêc ấy có thể trừ yểm được. Hãy giết Thái tử và vị Phu nhân mà Vua quý trọng, cũng những kẻ thị tùng hai bên, và vị đại thần mà Vua quý mến, để đem tế Thiên vương. Có những ngọa cụ, bảo vật trân quý gì, đem đốt hết để cúng tế Trời. Như vậy, Vua và quốc thổ không có gì đổi khác.”
Vua nghe bà-la-môn nói mà hết sưc lo rầu, không vui. Vua trở lại trai thất suy nghĩ về việc ấy. Vua có vị Phu nhân tên Ma-lợi, đi đến chỗ Vua, hỏi:
“Vua ý gì mà sầu lo không vui? Thần thiếp có điều gì lỗi lầm đối với Vua chăng?”
Vua nói:
“Khanh không có lỗi gì đối với ta. Nhưng chớ hỏi đến sự việc ấy. Khanh mà nghe thì sẽ kinh sợ.”
Phu nhân trả lời Vua:
“Không dám kinh sợ.”
Vua nói:
“Không cần phải. Nghe rồi sẽ kinh sợ.”
Phu nhân nói:
“Tôi là phân nửa thân của Đại vương, có việc gấp rút cần giết một người như thiếp để Vua được an ổn, chẳng [829c] có gì phải sợ.”
Vua liền kể cho Phu nhân nghe mười sự kiện chiêm bao hồi đêm:
“Một, thấy ba cái vạc; hai cái vạc bên thì đầy; vạc giữa trống không. Hai vạc bên sôi sục, hơi bốc giao nhau, nhưng không vào cái vạc trống không ở giữa.
“Thứ hai, mộng thấy con ngựa mà miệng cũng ăn, hậu môn cũng ăn.
“Thứ ba, mộng thấy cây lớn trổ hoa.
“Thứ tư, mộng thấy cây nhỏ sanh trái.
“Thứ năm, mộng thấy một người cầm sợi dây, sau đó có con dê. Chủ dê ăn sợi dây.
“Thứ sáu, mộng thấy con cáo ngồi trên giường bàng vàng, ăn bằng chén bát vàng.
“Thứ bảy, mộng thấy con bò lớn trở lại bú sữa con bê con.
“Thứ tám, mộng thấy bầy trâu đen, từ bốn mặt vừa rống vừa chạy đến, muốn húc nhau; đang hiệp, chưa hiệp, không biết chỗ của trâu.
“Thứ chín, mộng thấy chằm nước lớn, giữa đục, bốn bên trong.
“Thứ mười, mộng thấy khe nước lớn, dòng nước nổi sóng màu đỏ.
“Thấy xong, giật mình tỉnh dậy, hết sức kinh sợ, e rằng nước mất, bản thân, vợ con, nhân dân cũng mất. Sáng nay triệu tập công khanh đại thần. đạo nhân, bà-la-môn. hỏi xem ai giải mộng được. Có một người bà-la-môn nói, hãy giết Thái tử, và Phu nhân mà Vua quý trọng, cùng với đại thần, nô tỳ, để tế tự Trời. Vì vậy mà ta sầu lo.”
Phu nhân nói:
“Đại vương chớ sầu lo chiêm bao. Như người đi mua vàng, lấy lửa đôt, rồi để trên đá mà mài; tốt hay xấu tự nó hiện. Nay Phật ở gần đây, trong tinh xá Kỳ-hoàn. Nên đến hỏi Phật. Phật giải thuyết như thế nào, tùy theo đó mà làm. Sao lại đi tin lời ông Bà-la-môn cuồng si ấy để rồi tự mình sầu khổ, cho đên nỗi như vậy?”
Vua nghe mới tỉnh ngộ, liền gọi quân hầu nghiêm chỉnh xa giá. Vua ngự trên một cỗ xe có lọng che cao; thị tùng cỡi ngựa đi theo có vài vạn, ra khỏi thành Xá-vệ, đến tinh xá Kỳ-hoàn, rối xuống đi bộ, đến chỗ Phật, cúi đầu lạy dưới chân, quỳ thẳng, chăp tay bạch Thế Tôn:
“Đêm qua nằm mộng thấy mười sự. Nguyện Phật thương xót giải thuyết cho con từng sự kiện một.”
Phật nói:
“Lành thay, Đai vương! Những điều Vua chiêm bao là điềm báo việc đời sau trong tương lai. Nhân dân đời sau sẽ không còn sợ cấm pháp, phổ biến dâm dật, ham muốn vợ con người, phóng tình dâm loạn mà không biết nhàm chán; đố kỵ, ngu si, không biết tàm, không biết quý; điều trinh khiết thì bỏ, gian nịnh, siểm khúc loạn cả nước.
“Vua mộng thấy ba cái vạc. Hai cái vạc bên thì đầy; vạc giữa trống không. Hai vạc bên sôi sục, hơi bốc giao nhau, nhưng không vào cái vạc trống không ở giữa; đó là, nhân dân đời sau sẽ không cấp [830a] dưỡng người thân, kẻ khốn cùng; đồng thân thích thì không thân, ngược lại thân người dưng giàu sang, giao du với nhau, biếu tặng lẫn nhau. Sự kiện thứ nhất mà Vua mộng thấy, chính là như vậy.
“Thấy con ngựa mà miệng cũng ăn, hậu môn cũng ăn. Đó là, đời sau, nhân dân, đại thần, trăm quan trưởng lại, công khanh, vừa ăn lộc nhà quan, lại vừa ăn của dân. Thu thuế không ngừng. Quan lại cấp dưới làm chuyện gian; dân không yên, không ở yên nơi quê cũ. Sự kiện thứ hai mà Vua mộng thấy, chính là như vậy.
“Vua mộng thấy gốc cây lớn trổ hoa. Đời sau, nhân dân phần nhiều bị sưu dịch, lòng dạ héo hon, thường có sự lo rầu, sợ hãi; tuổi mới ba mươi mà đầu bạc trắng. Sự kiện thứ ba mà Vua mộng thấy, chính là như vậy.
“Vua mộng thấy cây nhỏ sanh trái. Đời sau, con gái tuổi chưa đầy 15 mà đã cầu mong lấy chồng, ẳm con về nhà mà không biết xấu hỗ. Sự kiện thứ tư mà Vua mộng thấy, chính là như vậy.
“Vua mộng thấy một người cầm sợi dây, sau đó có con dê. Chủ dê ăn sợi dây. Đời sau, khi người chồng đi buôn xa, hoặc vào quân đội chinh chiến, hoặc giao du với bạn bè đầu xóm cuối ngỏ; người vợ mất nết ở nhà tư thông với đàn ông, ăn ngủ trên tài sản của chồng, phóng túng tình dục mà không biết xấu hỗ. Chồng cũng biết nhưng bắt chước người giả bộ ngu. Sự kiện thứ năm mà Vua mộng thấy, chính là như vậy.
“Vua mộng thấy con cáo ngồi trên giường bàng vàng, ăn bằng chén bát vàng. Đời sau, kẻ hèn sẽ giàu sang, ngồi trền giường vàng mà ăn uống mỹ vị. Dòng họ quý tộc trở thành người hầu hạ. Nhà lành làm nô tỳ. Nô tỳ trở thành nhà lành. Sự kiện thứ sáu mà Vua mộng thấy, chính là như vậy.
“Vua mộng thấy con bò lớn trở lại bú sữa con bê con. Đời sau, mẹ làm mai cho con gái, dẫn đàn ông vào buồng, rồi đứng canh cửa, để nhận được tài vật để tự nuôi thân. Cha cũng đồng tình, giả điếc không hay biết. Sự kiện thứ bảy mà Vua mộng thấy, chính là như vậy.
“Vua mộng thấy bầy trâu đen, từ bốn mặt vừa rống vừa chạy đến, muốn húc nhau; đang hiệp, chưa hiệp, không biết chỗ của trâu. Đời sau, quốc vương, đại thần, trưởng lại, nhân dân, đều không sợ luật pháp đại cấm, tham dâm, đa dục, cất chứa tài sản; vợ con lớn nhỏ chẳng ai liêm khiết; dâm dật, tham lam không biết chán; ganh tị, ngu si, không biết tàm quý; trung hiếu thì không làm, mà siểm nịnh, phá nước, không sợ gì trên dưới. Mưa sẽ không đúng thời, khí tiết không thuận, gió bụi nổi lên, cát bay, cây đổ; sâu rầy [830b] cắn lúa không để cho chín. Vua chúa, nhân dân đều làm như vậy, nên trời khiến như vậy. Bốn bên mây nổi; Vua Chúa nhân dân vui mừng, nói: Mây nổi tứ phía, chắc chắn sẽ mưa. Nhưng trong chốc lát, mây tan hết, mà hiện ra những chuyện quái dị. Đó là muốn cho vạn dân sửa đổi hành vi, thủ điều thiện, trì giới, kính sợ trời đất, không vào đường dữ; trinh khiết tự thủ, một vợ một chồng, tâm từ không giận. Sự kiện thứ tám mà Vua mộng thấy, chính là như vậy.
“Vua mộng thấy chằm nước lớn, giữa đục, bốn bên trong. Đời sau, con người trong cõi Diêm-phù-địa, bề tôi thì bất trung; làm con thì bất hiếu; không kính trọng bậc trưởng lão, không tin Phật đạo; không kính đạo sỹ thông suốt kinh. Bề tôi thì tham ân tứ; làm con thì tham của cải của cha; không biết đền ơn, không đoái nghĩa lý. Ở biên quốc thì lại trung hiếu, biết kinh bậc tôn trưởng, tin ưa Phật đạo, cấp dưỡng đạo sỹ thông suốt kinh, nhớ nghĩ đên ơn báo đáp. Sự kiện thứ chín mà Vua mộng thấy, chính là như vậy.
“Vua mộng thấy khe nước lớn, dòng nước nổi sóng màu đỏ. Người đời sau, các đế vương, quốc vương, không biết đủ với đất nước của mình, cất quân đánh nhau; sẽ chế tạo binh xe, binh ngựa, công phạt lẫn nhau; giết nhau máu chảy thành sông nên đỏ như vậy. Sự kiện thứ mười mà Vua mộng thấy, chính là như vậy.
“Tất cả đều là việc đời sau. Người đời sau, nếu ai để tâm nơi Phật đạo, phụng sự bậc đạo nhân thông suốt kinh, khi chết sẽ sanh lên trời. Nếu làm chuyện ngu si, lại tàn hại lẫn nhau, chết rơi vào ba đường dữ không thể kể hết.”
Vua nghe xong, quỳ dài chắp tay nhận lãnh lời Phật dạy, trong lòng hoan hỷ, được định huệ, không còn điều gì để kinh sợ. Vua bèn cúi đầu lạy dưới chân Phật, rồi quay trở về cung; ban ân tứ cho Phu nhân, cất lên làm Chánh hậu, cấp cho nhiều tài bảo để bà bố thí cho mọi người, đất nước được trù phú. Rồi tước đọat bổng lộc của các công khanh, đại thần, bà-la-môn, trục xuất khỏi nước, không còn tin dùng nữa. Hết thảy nhân dân đều hướng về Đạo chánh chân vô thượng. Vua và Phu nhân lễ Phật rồi lui về.
Bấy giờ Vua Ba-tư-nặc nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[335]


Chú thích:
[310] Pali, S 15. 5 Pabbata (R. ii. 181).
[311] Pali, A.V 34. Sīha (R. iii. 38).
[312] Ma-ha-bà-na-viên 摩訶婆那
園. Pali Mahāvana, Đại lâm, khu rừng gần Vesāli, chạy dài đến Hy-mã-lạp sơn.
[313] Sư Tử Đại tướng 師子大
將. Pali: Sīhasenāpati.
[314] Thí chủ đàn-việt; Pali: dāyako dānapati.
[315] Pali: sandiṭṭhikaṃ dānaphalaṃ, quả báo bố thí thấy ngay trong đời hiện tại.
[316] Nguyên Hán: duyệt dự 悅豫.
[317] Để bản: biến hối 變悔: bất biến hối. Đọan văn có liên hệ đến chứng đắc các thiền và Thánh đế trí, nhưng không được rõ ràng.
[318] Đệ nhất nghĩa: chỉ mục đích cứu cánh, tức thấy Thánh đế.
[319] Nguyên Hán: sẩn 嚫, chú nguyện hồi hướng công đức sau khi ăn. Pali: anumodana.
[320] Xem kinh 2 phẩm 46 trên và các cht.
[321] Nguyên Hán: điệu nghi.
[322] Để bản chép nhàm là khẩu (miệng).
[323] Nguyên Hán: bất khởi ý thức. Có lẽ chép nhầm. Nên hiểu, ý nhận thức pháp, nhưng không khởi các tưởng về pháp.
[324] Để bản chép nhầm: kể thân hành và khẩu hành, không kể ý hành. Xem Trung 32 kinh 133: Ni-kiền Tử chủ trương thân phạt quan trọng, còn khẩu và ý không quan trọng. Cf. Pāli, M. . 56 Upāli.
[325] Pháp cú Pali, Dhp. 1-2.
[326] Đoan văn này để bản chép sót. Xem kinh 3 phẩm 47.
[327] Đoan văn này có nhảy sót nên không phù hợp với câu trả lời của Phật tiếp theo. Văn đầy đủ, xem kinh 3 phẩm 47 trên.
[328] Theo truyền thuyết Pali, Vua nghe lời sàm tấu giết Bandhula và 32 người con trai của ông này. Nhưng do thái độ không hận thù của vợ Bandhula là bà Mallikā-bandhula, vua khám phá ra sự sai lầm của mình nên rất hối hận.
[329] Để bản: mười vạn. TNM: mười hai vạn. Nhưng, con số không phù hợp với kinh 10 phẩm 17, nói “tuổi thọ trời Tam thập tam là một nghìn năm; cũng có vị nửa chừng yểu. Tính số năm theo loài người là ba mười sáu ức năm…”
[330] Con số này không phù hợp với số được kể trong kinh 10 phẩm 47 trên.
[331] Đển bản chó thể chép sót. Nên hiểu là một chút mật đầu lưỡi dao.
[332] Nguyên Hán: trì dụng trị xa, “dùng làm roi đánh xe (?) Nhưng, tham chiếu, Trường 19 (tr. 124c28), nòi về hình phạt trong địa ngục Vô gián.
[333] Tên các địa ngục: Nhiệt chích 熱[44]炙, nướng. Nhiệt thỉ 熱屎, phân nóng. Thích 刺, gai nhọn. Hôi 灰, tro. Đao thọ 刀樹, rừng dao. Tên tương đương và chi tiết, Trường 19, kinh 30 Thế ký, phẩm 4: Địa ngục.
[334] Để bản chép là ác. TNM: hoạn.
[335] Bản Hán, hết quyển 51. (3 Giêng, Ất dậu).

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.78.203 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập